04/03/2014 01:30 GMT+7
Vòng
luẩn quẩn đang diễn ra khi một lượng tiền lớn được các ngân hàng dùng
mua trái phiếu Chính phủ lại quay ngược chảy vào các ngân hàng do chưa
thể giải ngân được cho các dự án công.Phát biểu tại phiên họp Chính phủ sáng 28/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sau Tết, tiền chảy vào hệ thống ngân hàng rất nhiều. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hết sức dồi dào trong hai tháng đầu năm.
Tuy nhiên, do đặc thù và diễn biến của sản xuất kinh doanh trong hai tháng đầu năm nên tăng trưởng tín dụng đang giảm khoảng 1,6%. Tiền thừa nhiều, trong khi không cho vay được, các ngân hàng đã đổ vào mua trái phiếu, nhất là trái phiếu Chính phủ. Mấy kỳ phát hành trái phiếu Chính phủ vừa qua đều nhanh chóng hoàn thành dù cho lãi suất ngày càng giảm.
Tính đến nay, ngân sách đã huy động được tới gần 57.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng lại đang được Kho bạc Nhà nước mang đi gửi tại các ngân hàng, chưa giải ngân được cho các dự án.
Tuy nhiên, bình luận về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho biết, việc giải ngân một khoản vốn lớn cho các dự án không hề đơn giản. Chính phủ hàng năm đều có kế hoạch phát hành trái phiếu để đáp ứng vốn cho các dự án, tuy nhiên các dự án luôn chậm tiến độ thì việc giải ngân cũng bị ảnh hưởng theo. Muốn giải ngân đều phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách, các quy trình nghiệp vụ, tiến độ thi công... nhưng các dự án của Việt Nam thường xuyên chậm trễ kéo dài do nhiều nguyên nhân thì làm sao có thể đòi hỏi giải ngân nhanh được.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, con số bội chi ngân sách 2 tháng đầu năm 2014 khoảng 20.000 tỷ đồng, bằng 9% dự toán. Bội chi như vậy mà tiền vẫn còn thừa 57.000 tỷ đồng thì muốn giải ngân nhanh chắc là điều không thể.
Không giải ngân nhanh thì đương nhiên vốn sẽ vẫn được kho bạc gửi tại các ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn. Trong khi Chính phủ phải chi tiền ngân sách để trả lãi suất từ 6,2% -7,5%/năm cho các kỳ trái phiếu huy động, thì đem gửi tại ngân hàng chỉ được hưởng dưới 2%/năm và số tiền gửi càng lớn, càng kéo dài thì ngân sách càng thiệt.
Đầu năm người dân đổ xô đi gửi tiền tiết kiệm (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là tiền vẫn không thể đi vào sản xuất. Khi tiền ứ đọng cũng có nghĩa là sản xuất gặp khó khăn. Sản xuất khó khăn thì khó tạo thêm việc làm, thêm thu nhập, qua đó không kích thích được tiêu dùng, không thể làm tăng tổng cầu. Vốn ngân hàng thừa "chạy lòng vòng", sau đó lại "chui" vào ngân hàng như vậy chỉ tạo ra một vòng quay ảo, không có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển - Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết.
Ngoài ra, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vốn trái phiếu ứ đọng còn có thể đe dọa thanh khoản hệ thống ngân hàng. Nếu xảy ra tình trạng kho bạc bất ngờ rút tiền với những khoản lớn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ông Bình cũng kiến nghị Kho bạc Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng để gối đầu, còn lại phải sớm giải ngân.
Một số ý kiến cho rằng trong tình hình hiện nay Chính phủ nên giãn kế hoạch phát hành trái phiếu, chờ giải ngân số tiền ứ đọng trên sau đó mới tiếp tục. Không những thế, nó còn khiến các ngân hàng không thể đổ được tiền thừa vào trái phiếu Chính phủ, buộc các ngân hàng phải lo tới tăng trưởng tín dụng và tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế.
Song, cũng có ý kiến cho rằng làm như vậy kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ cả năm khó hoàn thành. Nếu thời gian tới khi các dự án tăng tiến độ thì có nguy cơ lại phải chờ đợi vốn. Khi đó nếu phát hành dồn dập, có thể trái phiếu Chính phủ sẽ gây những tác động xấu tới việc điều hành chính sách tiền tệ, đến lạm phát, giá cả trên thị trường... Vốn thừa đang khiến cho điều hành tiền tệ trở nên căng thẳng.
Trần Thủy
No comments:
Post a Comment