Wednesday, November 16, 2016

Đăk Nông: Chị chết, em nguy kịch sau khi ăn mì ăn liền

Cơ quan công an đang điều tra nguyên nhân chết của cháu Trang. (Hình: Tri Thức Trẻ)
ĐẮK NÔNG (NV) – Các công ty sản xuất mì ăn liền ở Việt Nam đang lo lắng khi 2 cháu bé ở huyện Đắk Song bị nghi ngộ độc sau khi ăn mì gói dẫn đến một chết, một nguy kịch.
Cảnh sát điều tra công an tỉnh Đắk Nông sáng 16 Tháng Mười Một cho biết, đã hoàn tất việc khám nghiệm tử thi về nguyên nhân cái chết của cháu Nguyễn Thị Thùy Trang (8 tuổi), ngụ thị trấn Đức An, huyện Đắk Song.
Tờ Dân Trí dẫn lời người nhà nạn nạn nhân cho hay, trước đó, tối 14 Tháng Mười Một, Nguyễn Giáo Sĩ (5 tuổi), em trai của Trang cùng chị tự nấu mì gói ăn liền dùng. Đến khoảng 7 giờ sáng ngày 15 Tháng Muời Một, gia đình phát hiện hai cháu bị mệt lả nên đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Đắk Song cấp cứu.
Thấy tình trạng sức khỏe các cháu nguy kịch, khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh viện huyện Đắk Song chuyển cả hai đến bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông cứu chữa. Tuy nhiên chưa đến nơi thì cháu Trang đã chết.
Sáng 16 Tháng Mười Một, nói với phóng viên báo điện tử Dân Trí, ông Bùi Chí Trung, phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, theo chẩn đoán của các bác sĩ tại bệnh viện, cháu Trang nhập viện trong tình trạng môi và chân tay lạnh, tím tái, á khẩu không nói được, tiêu phân lỏng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Còn cháu Sĩ cũng có biểu hiện tương tự nhưng tỉnh táo hơn.
“Chúng tôi nghi ngờ cả hai bị ngộ độc thức ăn chứ chưa kết luận được nguyên nhân chính xác. Riêng cháu Sĩ hiện sức khỏe đã tạm ổn định nhưng vẫn được theo dõi sát,” ông Trung nói. (Tr.N)

Vật vã kêu oan giữa công đường: Nhận tội thì cho về?

 - Ông Đinh Thiện, bị cáo trong vụ án TNGT có dấu hiệu oan sai, toà phúc thẩm đã huỷ án trả hồ sơ, hiện sức khoẻ rất yếu. Gia đình đã nhiều lần làm đơn bão lãnh, xin tại ngoại nhưng cơ quan tố tụng huyện Hương Khê vẫn không đồng ý.

Nhận tội sẽ xử cho vài tháng tù treo?
Ông Đinh Thiện (SN 1968, trú xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) bị truy tố về tội “vi phạm các quy định luật giao thông đường bộ” và bị TAND huyện Hương Khê tuyên 42 tháng tù giam sau phiên tòa sơ thẩm ngày 18/7.
Sau đó, bị cáo Thiện và gia đình kêu oan, làm đơn kháng án. Ngày 4/10, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên phúc thẩm.
Vật vã kêu oan giữa công đường: Nhận tội thì cho về?
Hình ảnh gia đình bị cáo kêu oan cho chồng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4/10.
Tại phiên toà, bị cáo Đinh Thiện vẫn một mực kêu oan. Bị cáo khai, Đinh Quốc Mỹ (trú xã Hương Đô, điều khiển xe BKS 38H4-5924) mới là người điều khiển xe máy đâm vào xe của ông Cao Hồng Tuyên (đã chết, điều khiển xe BKS 38N5-4586), lúc này đang chở theo ông Thiện.
Do cấp cơ quan tố tụng huyện Hương Khê vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự nên TAND tỉnh đã tuyên hủy án, để điều tra lại.
Theo gia đình và luật sư, bị cáo Đinh Thiện sức khỏe yếu, người gầy rộc, xanh xao do mắc căn bệnh hen suyễn, viêm phổi, huyết áp cao và nang nước ở thận. Bà Nguyễn Thị Hồng (vợ bị cáo) đã 2 lần viết đơn xin cho chồng tại ngoại, đưa về nhà chăm sóc nhưng không được chấp thuận.
Ngày 27/10, bà Hồng và ông Đinh Thanh Phương (anh trai bị cáo) đã gửi đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho bị cáo.
Sau đó, gia đình bà Hồng cũng đã gửi đơn lần thứ 2 lên VKS huyện, nhưng cũng không nhận được câu trả lời.
Bà Hồng cũng đã lên gặp ông Nguyễn Văn Bình, kiểm sát viên VKS huyện, người trực tiếp liên quan tới sai phạm ở cấp sơ thẩm mà toà án tỉnh đã chỉ ra.
“Họ bảo tôi khuyên chồng phải nhận tội thì sẽ xử cho vài tháng tù treo là về. Còn không có ý thức, không thành khẩn thì phải giam. Tuy nhiên chồng tôi vô tội, sao ép ông ấy nhận tôi được?” – lời bà Hồng.
Bà Hồng tiếp tục đến Công an huyện Hương Khê để gặp ông Hà Hải Long, Phó trưởng Công an huyện.
“Ông Long cũng nói với tôi về khuyên chồng nhận tội, rồi sẽ được hưởng án treo. Ông nói chồng tôi chưa thành khẩn nên chưa được tại ngoại” - bà Hồng cho biết.
Viện trưởng VKS: Ông Thiện là tội phạm nguy hiểm?
Ông Hà Hải Long, Phó trưởng Công an huyện Hương Khê cho biết: “Họ đã làm đơn xin tại ngoại, nhưng đang trong quá trình điều tra, nên chúng tôi chưa thay đổi được. Do ông Đinh Thiện chưa thành khẩn khai báo nên chưa thể thay đổi biện pháp ngăn chặn". 
"Và quyền thay đổi hay áp dụng biện pháp tạm giam là do VKS phê chuẩn”, ông Long nói.
Vật vã kêu oan giữa công đường: Nhận tội thì cho về?
Bị cáo Đinh Thiện rất ốm yếu. Trong thời gian gần đây liên tục phải di chuyển xuống bệnh viện để điều trị.
Trong lúc đó, ông Trần Hữu Long, Viện trưởng VKS huyện Hương Khê cho rằng: “Đơn xin tại ngoại của gia đình đã chuyển cho kiểm sát viên nhưng chưa thể quyết định được vì cơ quan điều tra chưa có ý kiến.
Luật tố tụng quy định rõ những trường hợp nào cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn. Ông Thiện là tội phạm nguy hiểm, vì mức án trên 3 năm là nghiêm trọng”.
“Còn đơn tại ngoại, cơ quan điều tra thấy cần thiết thì họ đề xuất, VKS sẽ xem xét. Đến thời điểm này, họ đang điều tra, nếu về có thể bỏ trốn, gây khó khăn cho việc điều tra nên họ không đề xuất” - Viện trưởng VKS nói.
Theo LS Phan Chiều, Văn phòng luật sư An Phát (Hà Tĩnh): “Việc bắt tạm giam bị cáo Đinh Thiện trong trường hợp này là sai. Tại khoản 1, điều 88, Bộ luật tố tụng hình sự quy định rõ: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các trường hợp sau:
Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng mà bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm phải có căn cứ rằng người đó có thể trốn, hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Ví dụ như ông Đinh Thiện đang ở ngoài mà bị phát hiện mua vé tàu bỏ trốn chẳng hạn thì họ mới có quyền bắt tạm giam”.
Cũng theo LS Phan Chiều, ông Đinh Thiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào là bỏ trốn, hay cản trở việc điều tra. Vì thế việc bắt tạm giam ông Thiện là sai với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Hơn nữa, việc ông Thiện không nhận tội không có nghĩa là ông không thành khẩn khai báo. Cơ quan điều tra cho rằng việc ông Đinh Thiện không nhận tội là chưa thành khẩn, quanh co chối tội là không có căn cứ, không khách quan. Bản thân cơ quan tố tụng huyện Hương Khê đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng trong điều tra, xét xử nên đã bị toà phúc thẩm tuyên huỷ.
Thiện Lương

Tạm giữ 'tàu lạ' xả chất thải ra sông Hồng

- Liên quan đến vụ "tàu lạ" xả thải ra sông Hồng, PC 68, Công an Hà Nội cho biết, đã tạm giữ phương tiện.

Trao đổi với VietNamNet sáng qua, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Sở đang thành lập đoàn thanh tra xác minh vụ việc “tàu lạ đổ chất thải” xuống sông Hồng.
Vẫn theo ông Nghĩa, Sở này đã chỉ đạo Chi cục Môi trường cử cán bộ xuống xác minh sự việc “tàu lạ đổ chất thải” xuống sông Hồng.
“Ngoài Chi cục Môi trường, Sở TN&MT TP Hà Nội còn cử cán bộ chuyên môn để thành lập đoàn thanh tra xuống kiểm tra thực địa. Sở sẽ thông tin kết quả khi có được thông tin” - ông Nghĩa cho hay.
Cũng trong ngày hôm qua, PC 68, Công an Hà Nội đã tạm giữ phương tiện xả thải ra sông Hồng. Tuy nhiên, không nói rõ là tạm giữ phương tiện vì hành vi gì. Lực lượng này cũng từ chối tiết lộ danh tính chủ phương tiện bị tạm giữ.
Về thông tin có 3 cán bộ chiến sĩ kiểm tra chớp nhoáng rồi nhanh chóng rời bỏ hiện trường chiếc tàu xả thải, PC 68 khẳng định đó là 3 chiến sĩ thuộc Cảnh sát giao thông đường thủy số 3. Tuy nhiên, danh tính của 3 chiến sĩ này cũng không được tiết lộ.
Tạm giữ 'tàu lạ' xả chất thải ra sông Hồng
Hình ảnh "tàu lạ" xả thải xuống lòng sông
Thông tin "tàu lạ" mang số hiệu P.T0677 vận chuyển khối lượn lớn chất lạ di chuyển từ khu vực gần cảng Hà Nội ra sát chân cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai) đổ bỏ xuống lòng sông vào ngày 14/11.
Thông tin trên báo chí, khu vực mà chiếc tàu này trút bỏ khối lượng chất thải xuống sông Hồng thuộc mé bờ sông giáp với địa giới quận Hoàng Mai.
Chất thải trên tàu là một loại bùn, đất đặc quánh, đen nhuyễn, khi thả xuống nước xuất hiện nhiều váng dầu dài hàng trăm mét, khiến vùng nước đổi màu nhanh chóng. Theo một số người trong nghề xây dựng, đây rất có thể là bùn Bentonite, một loại bùn cực độc chứa nhiều hóa chất nguy hại, cấm sử dụng.
Theo tạp chí GTVT, vào khoảng 16h35 chiều cùng ngày, tổ công tác gồm 3 người, mang sắc phục Cảnh sát đường thủy (thuộc Đội thanh kiểm số 3 - Công an TP Hà Nội) sử dụng ca nô chuyên dụng di chuyển từ phía cầu Vĩnh Tuy lên phía cầu Thanh Trì, nhanh chóng áp sát chiếc tàu đang có hoạt động xả thải trái phép.
Tuy nhiên, cùng thời điểm đội CSGT đường thủy số 3 kiểm tra, tàu này vẫn hoạt động xả thải.
Chủ tịch HN yêu cầu làm rõ việc xả thải xuống sông Hồng
Hôm qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành công văn về việc kiểm tra, xử lý thông tin tạp chí GTVT phản ánh về việc xả chất thải xuống sông Hồng.

Ông giao Giám đốc Công an TP kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu. Điều tra, xử lý chủ tàu mang số hiệu P.T0677 theo quy định của pháp luật (nếu có sai phạm). Đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. Báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 5/12.
Hồng Nhì
Hoàng Sang - Kiên Trung

Rau ở Lâm Đồng tan nát vì lũ

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-11-15  
Cải xanh trước ngày lũ đến
 Cải xanh trước ngày lũ đến  RFA
Trong lúc miền Trung bị ngập lụt từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… thì cao nguyên Lâm Đồng cũng bị ngập lụt xả lũ hồ Đơn Dương. Trong đó, huyện bị ngập nặng nhất là huyện Đơn Dương. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng vốn dĩ là tỉnh chuyên về cây cà phê, cây chè và một số loại cây cao sản khác, chỉ có huyện Đơn Dương và thành phố Đà Lạt là nơi trồng rau nhiều nhất. Hay nói cách khác, đây là vựa rau của cả miền Trung. Nhưng, việc xả lũ lại tác động trực tiếp và nặng nề nhất đến Đơn Dương và Đà Lạt.

Rau củ quả bị hư hại nặng

Bà Truyện, cư dân xã Tân Thành huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, chia sẻ: “Huyện Đơn Dương này nè, nhưng bên chị không ngập, phía bên kia đường mới ngập. Bên này không dính dáng gì ngập lụt hết nhưng bên kia đường thì thiệt hại quá nhiều, nhà kính, lưới hư hết, cầu đường bị hư, thiệt hại nặng lắm!”
Bên này không dính dáng gì ngập lụt hết nhưng bên kia đường thì thiệt hại quá nhiều, nhà kính, lưới hư hết, cầu đường bị hư, thiệt hại nặng lắm!
-Bà Truyện
Theo bà, hiện tại ở huyện Đơn Dương đang có một chuyện hết sức khôi hài, nghĩa là cách nhau một con đường, bên này đường vẫn đang kéo ống tưới cây vì thiếu nước, mưa không đáng kể, mà những cây mưa lẻ như vậy càng làm cho rau củ quả đang trồng dễ bị dập vì axit trong nước mưa, chính vì vậy, sau trận mưa, bà con phải kéo ống ra tưới cây.
Bên này đường thi nhau tưới cây thì bên kia đường, nước ngập đến nửa nhà, có nơi ngập đến mái hiên, rau củ quả chìm trong biển nước. Và cả một vựa rau Đơn Dương, Lâm Đồng trở thành một vựa nước. Trong khi đó, mùa tháng Mười, tháng Mười Một là mùa rau chủ lực, có thể mang lại lợi nhuận cao  nhất trong cả năm.
Vì mùa tháng Mười, tháng Mười Một là mùa rau đặc biệt, không giống với bất kỳ mùa rau nào khác, hầu như trên cả nước chẳng có nơi nào có thể trồng được rau, các vựa rau củ quả ở Tuy Hòa, Phú Yên, Hội An, Đại Lộc, Quảng Nam, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, Ba Đồn, Lệ Thủy, Quảng Bình và các vựa rau ở Sapa, Bắc Hà, Lào Cai, các huyện ngoại ô Hà Nội đều trong tình trạng ngập úng, không có rau để cung cấp cho thị trường. Lúc này, chính rau củ quả ở các vựa rau Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng và Đắk Lắk sẽ bước ra thị trường cả nước, tuyên chiến với rau củ quả Trung Quốc.
trong-tieu-622.jpg
Những hạt tiêu vớt vát. RFA
Mà một khi rau ở các vựa rau này bị hư hại, thị trường rau củ quả trên cả nước sẽ bị tê liệt, rau củ quả Trung Quốc có cơ hội thả sức tung hoành trên thị trường Việt Nam. Có một thực tế là bấy lâu nay, rau củ quả Việt Nam vẫn còn giữ được một góc an toàn bởi các vựa rau Việt Nam vẫn còn trụ lại được, nhất là vào mùa khan rau tháng Mười, tháng Mười Một. Chính các vựa rau Việt Nam đã chiếm một phần không nhỏ thị trường Việt Nam đã đẩy được một phần rất ;lớn rau Trung Quốc không thể bén mảng tới bếp ăn người Việt có quan tâm đến nguồn cung cấp rau.
Nhưng với đà hiện tại, các hồ thủy điện thi nhau xả đập khắp miền Trung và các làng trồng rau đều chìm trong biển nước thì hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để rau củ quả Trung Quốc tràn lan và độc chiếm thị trường Việt Nam. Hơn nữa, không bao lâu sắp tới đây, rau củ quả Trung Quốc được nhập sang Việt Nam miễn thuế 100%. Như vậy cũng đồng nghĩa với tương lai của nông dân Việt Nam bị cả ba mũi dùi tấn công, một mũi dùi thủy điện xả đập trong mùa rau chủ lực, một mũi dùi miễn thuế cho rau củ quả Trung Quốc do nhà nước đâm và một mũi dùi giá thành rất rẻ bèo, màu sắc hấp dẫn và đầy độc tố của rau củ quả Trung Quốc.

Rau bị ngập úng, thất thu nặng nề

Chị Nguyên, một nông dân ở xã Ninh Gia, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Qua cái mùa mưa vừa rồi và xả lũ thì bà con bị hư hại nhiều, bà con bên thấp thì bị, cao thì đỡ hơn. Cả huyện gần như bị hơn ¼ huyện. Những người làm lagim bị thiệt hại nhiều lắm, gần như bị hết. Trồng cái hàng này y như đánh bạc vậy đó, được mùa này mất mùa nọ huống gì bị lụt nữa. Như người đi buôn còn bị, nhiều người bỏ ra cả tỷ đồng, hoặc có nhà đầu tư cả mấy trăm triệu, rồi ướt là hư hết, xả lũ một cái là họ bị hết.”
Chị Nguyên cho biết thêm, hiện tại đang là vụ trồng cà rốt, cà chua và các loại su hào, xà lách của huyện Đơn Dương. Trận ngập úng tuần trước đã nhấn chìm toàn bộ các vườn trồng rau ở huyện này. Và những loại rau củ quả bị nhấn chìm đều hư hại toàn bộ, không sống sót một mống nào. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc gia đình chị cũng như hàng trăm gia đình nông dân khác thất thu ngay trong vụ rau chủ lực. Bởi theo kinh nghiệm mọi năm, nếu vụ rau tháng Mười, tháng Mười Một không thành công thì coi như cả năm chỉ đủ thu nhập để mua gạo, chi phí hằng ngày.
Qua cái mùa mưa vừa rồi và xả lũ thì bà con bị hư hại nhiều, bà con bên thấp thì bị, cao thì đỡ hơn. Cả huyện gần như bị hơn ¼ huyện. Những người làm lagim bị thiệt hại nhiều lắm, gần như bị hết.
-Chị Nguyên
Vụ rau Tết không phải là vụ rau chủ lực của các vựa rau trên cả nước bởi vụ rau này hầu hết tất cả mọi nông dân đều có thể trồng được nên giá thành thấp, người nông dân chỉ đủ thu nhập để mua sắm Tết, khó mà dư được để tích lũy.
Với tình trạng hiện tại, mỗi gia đình bị thất thu ít nhất cũng ba chục triệu đồng, có gia đình bị mất lên đến hai, ba trăm triệu đồng. Và chắc chắn các nông dân trồng rau củ quả ở Đơn Dương và một số nông dân ở thành phối Đà Lạt sẽ bị lâm nợ sau đợt lũ này. Vì người nông dân vốn có thu nhập rất thấp so với các nhóm ngành nghề khác. Một khi muốn đầu tư trái vụ phải tăng cường vốn để mua lưới, mua một số nông cụ đặc biệt để đảm bảo cây trong vườn không bị mưa nặng hạt, không bị ngập úng.
Nhìn chung, các nông dân ở Đơn Dương và Đà Lạt, Lâm Đồng đã hoàn toàn thất thu trong vụ này, đặc biệt là họ thất thu sau khi tự vận động tạo quĩ để ủng hộ đồng bào vùng lũ ở Lệ Thủy, Ba Đồn, Quảng Bình và Hương Khê, Hà Tĩnh.
Và có một điều đặc biệt nữa là hầu hết các nông dân ở Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng đều kêu gọi các đoàn từ thiện và cứu trợ đừng đến chỗ của họ vì họ còn trụ được mà hãy dồn hết những món quá đó đến Bắc miền Trung, nơi những trận lũ do thủy điện gây ra hoành hành và cái đói, cái lạnh cũng đang tác oai tác quái.
Ngoài ra, các nông dân Đơn Dương cũng kêu gọi những người dân chịu thiệt hại nơi vùng lũ do xả đập thủy điện hãy cùng đồng hành khiếu kiện thủy điện. Bởi đã quá nhiều lần thủy điện gây thiệt hại khiến cho nông dân điêu đứng nhưng thủy điện chưa bao giờ có một sự đền bù thỏa đáng, thậm chí họ vẫn hành xử với nông dân theo kiểu “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi!”.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Thiên tai gây thiệt hại cho Việt Nam mỗi năm gần 7 tỷ đô la

 RFA 2016-11-16  
Nhà dân bị ngập lụt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 15 tháng 10 năm 2016.
 Nhà dân bị ngập lụt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 15 tháng 10 năm 2016.  AFP photo
Thiên tai có thể gây thiệt hại cho Việt Nam chừng 142 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng gần 7 tỷ đô la Mỹ.
Ngân Hàng Thế giới, World Bank, đưa ra tính toán như vừa nêu tại một hội nghị được tổ chức hôm qua ở Hà Nội. Định chế tài chính này chỉ rõ những thiên tai như bão tố, lụt lội, động đất trong vòng 50 năm tới sẽ là tác nhân gây ra những thiệt hại với tổng số được dự báo như vừa nêu.
Thiệt hại trung bình về mặt kinh tế do lụt lội và bão tố được ước tính chừng 0,8% tổng sản phẩm nội địa GDP.
Theo ước tính thì có chừng 60% vùng đất và 71% cư dân Việt Nam đối diện với nguy cơ bão tố và lụt lội.
Ông Sebastian Eckardt, kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết định chế tài chính này và Thụy Sĩ cùng nhau hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề tài chinh cho nguy cơ thiên tai, các giải pháp bảo hiểm thông qua công tác xây dựng mô hình về nguy cơ thiên tai.

Kiên Giang: Phó văn phòng Sở Nội Vụ chiếm đoạt tiền lương

Trụ sở Sở Nội Vụ tỉnh Kiên Giang. (Hình: báo Thanh Niên)
KIÊN GIANG (NV) – Lợi dụng việc phụ trách làm bảng lương cho Sở Nội Vụ, bà phó chánh văn phòng Sở Nội Vụ Kiên Giang đã tham ô chiếm dụng hàng trăm triệu đồng bỏ túi riêng.
Sáng 15 tháng 11, ông Ngô Công Tước, giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Kiên Giang xác nhận với truyền thông Việt Nam, đơn vị này vừa ra quyết định cách chức bà Mạc Diệu Lan, phó chánh văn phòng Sở Nội Vụ tỉnh Kiên Giang. Ðồng thời, các cơ quan chức năng đang xem xét khai trừ đảng đối với bà Lan theo đề nghị của chi bộ Sở Nội Vụ.
Theo báo Thanh Niên, từ năm 2010 đến tháng 9 năm 2016, bà Lan được giao nhiệm vụ làm kế toán, rồi sau đó giữ chức phó chánh văn phòng Sở Nội Vụ tỉnh Kiên Giang. Do có nhiều kinh nghiệm làm kế toán, bà Lan được giao phụ trách xây dựng bảng lương và trực tiếp trình lãnh đạo sở duyệt.
Lợi dụng việc này, bà Lan đã xây dựng bảng lương mỗi tháng cao hơn thực tế mà cán bộ, công chức được nhận để chiếm đoạt tổng số tiền 424 triệu đồng bỏ túi riêng. Tháng 9 năm 2016, Phòng Nghiệp Vụ, Kho Bạc Nhà Nước tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra và phát hiện sai phạm của bà Lan.
Sau khi vụ việc bị phát hiện, bà Lan đã nhận hết trách nhiệm và nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm dụng. “Do bà Lan thành khẩn nhận tội và đã khắc phục toàn bộ thiệt hại nên sở chỉ xử lý với hình thức cách chức. Sau khi có quyết định kỷ luật đảng, sở sẽ cân nhắc bố trí công việc khác cho phù hợp,” ông Tước khẳng định. (Tr.N)