Monday, April 30, 2018

Tưởng niệm Tháng Tư Đen: Gìn giữ, nhắc nhở các thế hệ đi sau cái giá của Tự Do

Lễ chào cờ Tưởng Niệm Tháng Tư Đen tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Nguyên Huy/ Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Hai buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen được các hội đoàn trong cộng đồng người Việt ở miền Nam California tổ chức trọng thể vào Chủ Nhật, 29 Tháng Tư 2018 tại nhiều nơi trong thành phố Westminster, khu Little Saigon mà người Việt tị nạn ở khắp nơi trên thế giới đều coi là thủ đô của người Việt tị nạn Cộng Sản.
Buổi lễ thứ nhất diễn ra vào buổi sáng do Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tổ chức tại công viên Tượng Đài trong thành phố Westminster, cũng là dịp Ủy Ban kỷ niệm 15 năm thành lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
Buổi chiều là lễ Tưởng Niệm do Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân trong khuôn viên nghĩa trang Peek Family.
Cũng vào buổi tối, một buổi thắp nến cầu nguyện cho quê hương sớm thoát Cộng Sản cũng được diễn ra tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
Ông Hồ Ngọc Minh Đức, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một cựu sĩ quan Hải Quân QLVNCH, và bà Phạm Minh Huệ phó trưởng ban tổ chức trong dịp này đã nói lên ý nghĩa của buổi lễ này.
Lễ cầu nguyện tại Tương Đài Thuyền Nhân. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trong bài phát biểu, các diễn giả đã sơ lược lại dòng lịch sử cận đại từ khi chia đôi đất nước Việt Nam năm 1954, nhưng CSVN vẫn nuôi dưỡng mộng toàn trị nên sau năm 1958, CSVN đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam với sự yểm trợ tối đa của thế giới cộng sản nên đã cưỡng chiếm được miền Nam.
Nhưng qua dòng lịch sử này, người dân Việt cả Bắc lẫn Nam đều không muốn phải sống trong chế độ Cộng Sản. Họ đã “bỏ phiếu bằng chân” qua 2 cuộc di cư, di tản vĩ đại có một không hai trên thế giới. Cuộc trốn chạy Cộng Sản lần đầu sau năm 1954 lên đến gần một triệu người. Tuy vậy, cuộc trốn chạy này dù phải bỏ quê hương làng xóm nhưng vẫn còn được sinh sống trên đất mẹ. Đến cuộc trốn chạy lần thứ hai, ròng rã hơn 10 năm trời sau năm 1975, số người bỏ chạy khỏi miền đất Cộng Sản cai trị đã lên đến gần 3 triệu người phải lưu lạc trên khắp thế giới khiến cả thế giới phải mở rộng vòng tay đón nhận những người đã chấp nhận chín chết, một sống để được sống tự do. Nếu như lòng nhân đạo của thế giới chưa mệt mỏi thì có lẽ số người dân Việt vẫn còn trốn chạy Cộng Sản tiếp nữa và con số “thuyền nhân” không chỉ dừng ở số gần 3 triệu người.
Chủ tịch Ủy ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, ông Hồ Ngọc Minh Đức phát biểu về ý nghĩa của Tượng Đài. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trong buổi lễ tại Tượng Đài Thuyền Nhân, ông Thái Tú Hạp, đồng chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng cũng bày tỏ lòng biết ơn đế những người đã chết cho chúng ta được sống. Chính vì những thảm nạn của thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông mà thế giới đã đón chúng ta nay chúng ta đã không chỉ có được đất sống mà cộng đồng chúng ta đã phát triển đóng góp vào sự lớn mạnh của những vùng đất chúng ta tị nạn. Dân tộc chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt để có được sự tự do ngày hôm nay. Đó là lý do hàng năm vào tuần lễ thứ tư của Tháng Tư Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân lại tổ chức lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân.
Điều đặc biệt trong buổi lễ Tưởng Niệm Tháng Tư Đen nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, số người tham dự có nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người đã lên phát biểu về chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó là khối người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Những cựu chiến binh Hoa Kỳ này đã không ngớt ca ngợi sư vươn lên của khối người Việt tị nạn, nay đã là những công dân Hoa Kỳ và đóng góp cho quê hương thứ hai của họ. Nên, những buổi lễ tưởng niệm đến những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ tự do trong chiến tranh Việt Nam cần được tiếp tục gìn giữ để nhắc nhở các thế hệ đi sau cái giá của Tự Do mà người Việt đã phải trả.
Con cháu của một gia đình thuyền nhân đến tham dư Ngày Thuyền Nhân. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Cả hai buổi lễ đều có rất nhiều quan khách, dân cử của các thành phố như Westminster, Garden Grove, Stanton đã lên chia sẻ tâm tình với cộng đồng người Việt.
Thị trưởng thành phố Stanton sau khi ca ngợi sư hy sinh của các chiến sĩ Mỹ Việt, đã nhắc nhở “chúng ta những người được hưởng sư hy sinh đó cần phải tiếp tục bảo vệ sự tự do.”
Tại lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân, cũng có nhiều dân cử trong vùng lên phát biểu ý kiến. Hầu hết đều cho rằng “cái giá của tự do mà dân tộc Việt Nam đã phải trả bằng sự hy sinh của các thuyền nhân không đến được bờ bến tự do là cái giá quá cao. Hàng năm chúng ta tổ chức lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân như thế này là để mọi người, nhất là các thế hệ sau nhận biết là cái giá của Tự Do mà cộng đồng người Việt hiện đang được hưởng là từ những sự hy sinh đắt giá đó.”
Nhà báo Đinh Hiển bồi hồi xúc động trước tên con là thuyền nhân xấu số được khắc ghi trên bia tưởng niệm trong khuôn viên Tượng Đài Thuyền Nhân. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Sau những lời phát biểu của các giới chức trong cộng đồng, ban tổ chức đã mời mọi người tham dự tập trung quanh hồ nước có dựng tượng các thuyền nhân đang hướng về phía Tự Do trên đường chạy trốn chế độ Cộng Sản.
Hội Đồng Liên Tôn với các đại diện Phật Giáo, Công Giáo, Công Giáo Chính Thống, Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài đã thay nhau đọc những lời cầu nguyện trước Tượng Đài Thuyền Nhân trong khi đông đảo đồng hương cầm nhang cùng cúi đầu tưởng niệm.
Sau lễ cầu nguyện, nhiều người đã đi quanh hồ, thăm các bia đá ghi khắc hơn 5 ngàn thuyền nhân thiệt mạng mà Ủy Ban Xây Dựng đã nhận được thông báo từ gia đình các nạn nhân.
Một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam phát biểu tại lễ tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Họa sĩ Đinh Hiển, một nhà báo về hưu là một trong những người có thân nhân bị chết trên đường vượt biên. Ông cho biết: “Nó là con trai tôi khi đó mới 22 tuổi, bị chìm thuyền vì giông bão trong chuyến đi tìm tự do, có 2 thuyền chứa khoảng gần 100 người. Chỉ có một chiếc đến được bờ tự do. Đây tên nó đây được Ủy Ban ghi khắc cùng hơn 5 ngàn thuyền nhân xấu số khác. Theo tôi được biết thì HCR ước lượng cũng phải tới năm sáu trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã không đến được bến bờ tự do.”
Tháng Tư, tháng mà người Việt tị nạn gọi là Tháng Tư Đen của dân tộc khi Cộng Sản cưỡng chiếm được toàn thể đất nước Việt Nam, đã khiến nhiều triệu người phải bỏ nước ra đi. Cuộc ra đi ấy tố cáo tội ác Cộng Sản, khiến nhân loại bừng tỉnh trước những gian dối bịp bợm của các chế độ cộng sản. Những thuyền nhân Việt Nam bỏ mình trên đường tìm tự do trong suốt hơn 10 năm trời sau 30 Tháng Tư, 1975 đã viết lên một cáo trạng thực tế về tội ác của chế độ cộng sản, mà hiện vẫn đang còn cai trị hàng triệu người dân ở Việt Nam. (Nguyên Huy)

Các ‘Bên Thắng Cuộc’ thắng ai?

Theo VOA-30/04/2018 
Thiện Ý
Một buổi tưởng niệm 30 tháng Tư tại Little Saigon, California.
 Một buổi tưởng niệm 30 tháng Tư tại Little Saigon, California.
Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4, ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, nhà đương quyền Việt Nam tự nhận là “Bên thắng cuộc” thường tổ chức ăn mừng như một ngày “Đại thắng Mùa Xuân”. Trong khi những tổ chức chính trị, xã hội và người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản ở hải ngoài thì thường tổ chức tưởng niệm như một “Ngày Quốc Hận”.
Bài viết này nhằm xác định rõ thực chất cũng như thực tế về ngày 30-4-1975: Ai thắng ai?
Theo ý nghĩa từ ngữ thông thường, trong một cuộc chiến tranh “Bên thắng cuộc” là bên đã đánh bại hoàn toàn đối phương, sau khi đối phương đầu hàng hay bị tiêu diệt, đưa cuộc chiến tranh đến kết thúc. Chẳng hạn Thế Chiến II (1939-1945) đã kết thúc sau khi Phe Trục thua cuộc (Đức-Ý-Nhật) phải đầu hàng phe thắng cuộc Đồng Minh (Mỹ-Anh-Pháp-Nga-Trung). Vậy thì ngày 30-4-1975 kết thúc chiến tranh Việt Nam, ai thắng ai?
Như chúng tôi đã trình bày trong nhiều bài viết và cả một cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, rằng đó là cuộc chiến tranh giữa hai phe, bốn bên. Hai phe đó là (1) phe xã hội chủ nghĩa và (2) phe tư bản chủ nghĩa (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu); với bốn bên (1) Liên Xô và Trung quốc, (2) bên Hoa Kỳ và đồng minh (Ngoại chiến), (3) bên Việt cộng và (4) bên Việt quốc (nội chiến quốc-cộng). Cả hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, nên thường gọi chung là cuộc “Chiến tranh Việt Nam”. Cuộc chiến này đã chấm dứt vào ngày 30-4-1975, sau khi bên cộng sản Bắc Việt đánh bại hoàn toàn bên quốc gia Nam Việt, thôn tính được Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy theo ý nghĩa từ ngữ thông thường, phe xã hội chủ nghĩa đã thắng phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh cục bộ tại Việt nam, vì đã giành thêm lãnh địa toàn cõi Việt Nam cho phe XHCN để thực hiện tham vọng cộng sản hóa toàn cầu. Hay nói cách khác một cách cụ thể là các bên ngoại chiến Liên Xô và Trung quốc đã thắng bên Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh cục bộ Việt Nam. Đồng thời, bên nội chiến Việt cộng cũng đã thắng bên nội chiến Việt quốc trong “cuộc chiến tranh quốc-cộng” tại Việt Nam (một giai đoạn của cuộc “Nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng”, hai giai đoạn kia là “Tiền chiến tranh Quốc-Cộng” (1930-1954) và “hậu chiến tranh Quốc-Cộng” từ 1975 đến nay vẫn chưa kết thúc).
Thế nhưng theo nhận định của chúng tôi, đó chỉ là chiến thắng biểu kiến(coi vậy chứ không phải vậy).  chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm (1954-1975) nhưng đã kết thúc nhanh gọn, bị động và bất ngờ cho cả hai bên nội chiến Quốc-Cộng (nhưng không bất ngờ với các bên ngoại chiến); cùng với diễn biến các sự kiện vào những ngày tháng cuối cùng trước và sau khi kết thúc cuộc chiến một cách không bình thường, tựa hồ như một kịch bản tiền định… Vì nếu việc kết thúc chiến tranh Việt Nam quả là một “thắng lợi thật” của phe XHCN trong đó có “bên thắng cuộc” Việt cộng, thì tình hình Việt Nam và thế giới phải biến chuyển theo chiều hướng khác với thực tế kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975. Tỷ như phe XHCN phải khai thác triệt để “Chiến thắng của cách mạng Việt Nam” để đẩy mạnh các cuộc “chiến tranh cách mạng, chiến ntranh giải phóng” để cộng sản hóa các nước trong vùng và các vùng nghèo đói khác trên thế giới. Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, chẳng cần nói ra thì ai cũng đã biết. (1)
Vì vậy, chúng tôi cho rằng sự kết thúc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30-4-1975 như thế không phải là thắng lợi thực sự và chung cuộc của phe này(phe xã hội chủ nghĩa và Việt cộng) với phe kia (phe tư bản chủ nghĩa và Việt quốcmà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế “chiến lược toàn cầu mới” (The New Globle Trategy) của các cường quốc cực nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, sau khi các mục tiêu và lợi ích chiến lược trong vùng các bên ngoại chiến đã thành đạt thông qua cuộc chiến Việt Nam. Do đó, Hoa Kỳ đã chủ động đưa cuộc chiến tranh Việt Nam đến kết thúc, để khởi động cho một tiến trình đưa “các bên thắng cuộc” (phe XHCN và Việt cộng ) đến “thua cuộc hoàn toàn” để đi vào “Chiến lược toàn cầu mới” (2)
Thực tế quả đã diễn biến đúng như vậy. Vì chỉ 15 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Liên Xô “Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” và hầu hết các nước XHCN trên thế giới đã sụp đổ tan tành (1990-1991). Tất cả đã chuyển đổi qua “chế độ dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do (vốn là nội dung chủ yếu của thế chiến lược toàn cầu mới). Như vậy là phe XHCN đã “thua cuộc hoàn toàn” trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế Chiến II,diễn ra dưới hai hình thái “Chiến Tranh Lạnh “ (The Cold War) giữa các nước giầu và “Chiến tranh Nóng” (The Hot War) nơi một số các nghèo, trong đó có Việt Nam.. Nghĩa là cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu coi như chấm dứt sau 16 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.(1975-1991), là thua cuộc hoàn toàn và vĩnh viễn.
Bên thắng cuộc Việt cộng, nằm trong phe XHCN, trong cuộc chiến tranh Việt Nam hôm qua, tất nhiên cũng không tránh khỏi số phận là “bên thua cuộc hoàn toàn” trong cuộc “nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” tại Việt Nam, khi quá trình tiêu vong đã, đang diễn ra và sắp đi đến kết thúc. Nghĩa là chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản dưới bảng hiệu “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam” (ngụy danh, ngụy nghĩa) cũng đã và đang trên quá trình tiêu vong để hình thành một chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng với “ nền kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa”; dù thực tế đảng và nhà cầm quyền CSVN (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay vẫn cố ngụy biện để kéo dài tuổi thọ, rằng Việt Nam đang đi theo con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; nhưng không thể cưỡng lại chiều hướng mới không thể đảo ngược của “chiến lược toàn cầu mới” của các cường quốc cực (dân chủ hóa về chính trị, thị trường tự do hóa về kinh tế…), cũng như chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam.(tất yếu Việt Nam phải đi đến dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do phát triển…)
Tựu chung, căn cứ vào diễn biến các sự kiện không bình thường trước và sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975, chúng tôi cho rằng Liên Xô, Trung quốc và phe xã hội chủ nghĩa trong đó có “bên thắng cuộc” Việt cộng, chỉ đạt được “Chiến thắng biểu kiến” (giả tạo),có tính giai đoạn; do nhu cầu thay đổi thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực, mà Hoa Kỳ đã chủ động thực hiện kịch bản đưa cuộc chiến tranh Việt nam đi đến kết thúc. Chính xác hơn có thể nói: Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975 như thế, đã chỉ là thắng lợi của các bên ngoại chiến trong hai phe xã hội chủ nghĩa (đứng đầu là Liên Xô…) và tư bản chủ nghĩa (đứng đầu là Hoa Kỳ…)vì các lợi ich chiến lược quân sự và kinh tế họ đã thành đạt thông qua cuộc chiếnChính các bên nội chiến (Việt cộng và Việt quốc) trong hai phe mới là các bên thua cuộc hoàn toàn. Vì đã tri tình (Việt cộng) hay ngay tình (Việt quốc) làm công cụ chiến lược một thời cho các bên ngoại chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, sát hại lẫn nhau và tàn phá tan hoang đất nước, dẫn đến tụt hâu sau chiên tranh.
Vậy xin hỏi bên Việt cộng tự nhận là “Bên thắng cuộc” hàng năm có nên tiếp tục ăn mừng ngày 30-4-1975, ngày kết thúc cuộc chiến tranh “cốt nhục tương tàn” như một chiến thắng nữa hay thôi?- Đồng thời, khi chúng tôi viết bài này, thì hội nghị Thượng Đỉnh Liên Triều vừa diễn ra và kết thúc tốt đẹp (27-4-2018). Qua các tường thuật và hình ảnh được truyền đi khắp thế giới đã gây xúc động lòng người. Cá nhân người viết không khỏi rưng rưng nước mắt khi liên tưởng đến tình cảnh Quê Hương Đất Nước mình. Qua Thông cáo chung của Thượng đỉnh Liên Triều đã thể hiện tình tự dân tộc cao độ, khởi sự cho một tiến trình hòa giải hòa hợp dân tộc đầy triền vọng tốt đẹp cho nhân dân và đất nước Triều Tiên.
Nhân dân Việt Nam tự hỏi: Không biết những người lãnh đạo đảng và nhà đương quyền Việt Nam có suy nghĩ, so sánh gì với Triều Tiên, một nước có số phận không may như Việt Nam cùng rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, hình thành sau Thế Chiến II. Thế nhưng đảng Lao Động Triều Tiên (tên gọi khác của đảng cộng sản bản xứ) đã khôn ngoan hơn đảng CSVN, là sau cuộc chiến tranh 3 năm (1950-1953) xâm chiếm miền Nam bị liên quân Nam Hàn và Hoa Kỳ dưới ngọn cờ Liên Hiệp quốc đánh bại, đã ngưng chiến, tạo thế lực quân sự (chế tạo hạt nhân, hỏa tiễn đạn đạo…) để 65 năm sau cuộc chiến (1953-2018) đã tạo được thế lực mạnh, chủ động đi bước trước thực hiện hòa giải dân tộc qua hội nghị thượng đỉnh với chế độ cộng hòa Nam Hàn; và chủ động thương lượng tay đôi với đại cường quốc Hoa Kỳ qua hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều tiên Kim Jong Un dự trù diễn ra vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 tới đây. Trong khi, đảng CSVN (trong chiến tranh lấy tên là đảng Lao động Việt Nam) thì hiếu chiến và thiếu khôn ngoan hơn, trong quá khứ đã dùng bạo lực chiến tranh để thống nhất đất nước, với cái giá núi xương sông máu dân Việt, làm tan hoang đất nước, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân tộc.
Vậy người dân xin hỏi những người lãnh đạo đảng CS và nhà nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (ngụy danh, ngụy nghĩa) hôm nay có dám noi gương các lãnh đạo đảng Lao Động Triều Tiên và nhà cầm quyền chế độ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, .chủ động và thực tâm khởi động tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm tự này, chứ không phải chỉ là thủ đoạn chính trị và chiêu bài lừa mị như bao lậu nay? Câu trả lời xin dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đảng viên đảng CSVN đã nắm độc quyền quyền thống trị toàn cõi đất nước 43 năm sau cuộc chiến. (1975-2018) và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam coi như đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn, như ông Tổng Trọng đã thú nhận bằng sự hoài nghi rằng: không biết đến cuối Thế kỷ này đã có được xã hội “ xã hội chủ nghĩa “ hay không.
Thiện Ý
Houston, ngày 28 tháng 4 năm 2018.
Ghi chú: (1), (2):
Trong tài liệu viết cho “Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam”năm 1976, người viết đã đưa ra nhận định, rằng “Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, chẳng phải là thắng lợi của phe này đối với phe kia, mà chỉ là vị sự thay đổi thế chiến lược quốc tế của các cường quốc cực mà thôi…”; để sau đó đưa ra lời kêu gọi những người CSVN, rằng “chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những người đang miệt mài xây một “Thiên đường cộng sản” trên đất nước này cần xét lại. Bởi vì biên giới quốc gia muôn đời vẫn là cái giới hạn mà các dân tộc sống chung phải bảo vệ trên hết và trước hết…” ; và rằng “Chỉ có đứng trên lập trường dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa yêu nước,chúng ta mới có thể tìm ra được con đường đúng nhất, có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, phù hợp với ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, chứ không phải là tham vọng của những kẻ cầm quyền…”.
Tài liệu quay roneo dày khoảng 30 trang này người viết đã nhờ một người (Bs. N.T.T hiện sống tại Canada) là bạn thiếu thời và cũng là đồng hương Quảng Trị với Ks.Lê Hãn, Trưởng nam của cố TBT Lê Duẫn, chuyển tài liệu này đến thân phụ Ông. Chúng tôi không rõ tài liệu này có đến tay ông Lê Duẩn hay không.
Tất cả những nhận định và lời kêu gọi trên, chúng tôi có in lại trong cuốn “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” của Thiện Ý, ấn hành tháng 4-1995, tái bản năm 2005-
Xin vào đọc thêm chi tiết tại: luatkhoavietnam.com, Mục “Diễn Đàn”, Tiểu mục “Tác giả-Tác phẩm” để đọc tác phẩm- Xin vào Tiểu mục “Hội luận-Phỏng vấn” để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả về tác phẩm này (Tháng 5-1995), có nhắc lại lời kêu gọi trên.

Nén hương lòng nhân ngày 30 tháng Tư

Theo VOA-30/04/2018 
Bùi Tín
Một phần Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của nhiều ngàn quân nhân VNCH.
 Một phần Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của nhiều ngàn quân nhân VNCH.
Ngày kỷ niệm 30/4/1975 – 30/4/2018 đã tới.
Tôi viết bài báo ngắn này như thắp một nén hương lòng, đầy trĩu lo buồn vì từng là một nhân sống tại chỗ cho sự kiện lịch sử 30/4/1975, nhưng 43 năm qua tình hình đất nước xấu đi trông thấy về mọi mặt, chính trị lạc hậu, Nhà nước tham nhũng, đảng Cộng San thoái hóa suy thoái thê thảm, Công an và Quân đội mất phương hướng phục vụ nhân dân, xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi, nền giáo dục vỡ trận.
Cuộc hòa giải dân tộc tùng hứa hẹn đã bị cố tình lãng quên và phản bội. Các lời cam kết long trọng ghi trên giấy trắng mực đen « tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam » và « không dùng vũ lực để thôn tính nhau » đã bị xâm phạm thô bạo vì đường lối đấu tranh giai cấp Mác-xít coi bạo lực luôn đồng nghĩa với cách mạng.
Đã có lời kêu gọi tâm huyết của Giáo sư đảng viên Đào Công Tiến, nguyên hiệu trường Đại Học kinh tế phía Nam từ năm ngoái là nên tổ chức một cuộc đại Cầu siêu, đại Sám hối nhân dịp này, tổ chức thăm viếng thắp hương, dâng hoa… tất cả các nghĩa trang lớn nhỏ, phần mộ các liệt sỹ hy sinh và mất tích thuộc tất cả mọi bên trong chiến tranh, phía Quân đội Nhân dân cũng như phía Quân đội Viềt nam Cộng hòa, các nghĩa trang của các đạo Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin lành… cũng như các nghĩa trang quân đội Hoa kỳ, Canada, Tân tây lan, Úc, Thái lan… nếu còn có trên đất nước ta.
Trong dịp tháng Tư này mà có nhiều văn phương Tây gọi là « tháng Tư Đen », « tháng Tư độc Ác » - « Le Noir Avril », « Le Cruel Avril », rất nên chính quyền trong nước cùng toàn dân cùng tổ chức khắp toàn quốc những cuộc tưởng niệm tại mọi nghĩa trang, tu bổ các nghĩa trang to nhỏ không phân biệt, tại bàn thờ các gia đình có con em là liệt sĩ hy sinh, bị mất tích (Bộ quốc phòng cho biết con số này lên đến 300.000 ).
Tinh thần bao trùm của cuộc đại Tưởng niệm là một cuộc Đại Sám hối của toàn dân tộc nhận với Tổ tiên, Tiền Nhân, là đã phạm tội lỗi chung để cho cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ác liệt kéo dài giữa hai miền Nam Bắc, tiếp theo cuộc chiến tranh giành độc lập.
Mục tiêu cuộc Đại Tưởng niệm, Đại Sám hối là Hòa giải Hòa hợp dân tộc thật sự, từ nay Nam Bắc là anh em ruột thịt, không còn gọi nhau là « Việt gian », « quân ngụy », là « giặc Mỹ xâm lược », là « tay sai quốc tế Cộng sản ».
Rất tiếc là sáng kiến quý báu mạnh dạn của Gs Đào Công Tiến chưa kịp phổ biến rộng rãi, thảo luận rộng khắp sôi nổi để hình thành một đồng thuận chung trong ngoài nước.
Tuy ngày 30/4/2018 sắp qua, chúng ta còn thời gian để trao đổi thực hiện ý đồ đẹp đẽ cao quý này với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bao dung, các bạn blogger tự do, các tổ chức dân sự tham gia hăng hái, đạt đến một đồng thuận dân tộc cao nhất, không đạt năm nay thì kéo dài thêm chút ít thời gian, miễn là đạt đến mục đích tốt đẹp chung cuộc mà mọi người mong đợi.
Đây sẽ là niềm hạnh phúc cao quý nhất của cả hơn 90 triệu dân Việt ta, nắm chặt tay nhau đi tới trước, mở đầu cho một thời kỳ lịch sừ, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt và thành quả sẽ được toàn dân chung hưởng một cách bình đẳng, công bằng.
Tôi tin rằng lẽ phải, sự công bằng, sự hòa hợp dân tộc thiêng liêng cuối cùng phải thắng vì hợp chân lý, hợp thời đại, hợp lòng dân luôn yêu hòa bình chuộng công lý, dân chủ và tự do, hướng tới tương lai phát triển mạnh mẽ và phồn vinh hạnh phúc cho toàn dân cùng chung hưởng.
Đây sẽ là câu trả lời đanh thép đích đáng cho bọn bành trướng phương Bắc luôn có âm mưu khuất phục nước ta.

Thấy gì từ ‘ai nhụt chí thì dẹp sang bên…’?

Theo VOA-30/04/2018 
Phạm Chí Dũng 
Ông Trọng trong chuyến thăm Cuba ngày 29 tháng Ba, 2018.
Ông Trọng trong chuyến thăm Cuba ngày 29 tháng Ba, 2018.
Lần đầu tiên trong những phát ngôn của mình được cho công khai trên báo chí, Nguyễn Phú Trọng dùng từ “dẹp” - một động từ mạnh mẽ và mang khẩu khí dân dã Nam Bộ.
Tương quan thời gian giữa phát ngôn và hành động
Động từ “dẹp” nằm trong câu nói “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”. Câu nói này lại hiện ra trong ngữ cảnh ông Trọng chủ trì một cuộc họp để “nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, kiểm tra 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào ngày 10/4/2018.
Cũng là lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng công khai bày tỏ thái độ sốt ruột và bực tức trước tốc độ “chống tham nhũng” được các cơ quan triển khai như rùa.
Khác khá nhiều với quy trình thần tốc xử lý cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng khi chỉ mất 3 tháng kể từ lúc bắt cho đến lúc kết mức án đầu tiên (13 năm tù giam) đối với ông Thăng, vụ Vũ “Nhôm” cũng đã trải qua 3 tháng kể từ khi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị dẫn độ từ Singapore về Hà Nội vào đầu tháng Giêng năm 2018, nhưng cho đến khi ông Trọng phát ra câu “ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”, chuyên án thuộc loại đại án quốc gia về kinh tế và chính trị này có vẻ vẫn như “rùa bò”, cho dù trước tết nguyên đán 2018 đã có tin sẽ bắt bớ hàng loạt tướng tá công an liên quan đến Vũ “Nhôm”.
Đến tháng Tư năm 2018, có vẻ sự kiên nhẫn của ông Trọng đã hết. Hãy lưu ý, khoảng thời gian từ lúc phát ra động từ “dẹp” cho đến vụ bắt tướng tình báo công an Phan Hữu Tuấn chỉ một tuần lễ.
Vào năm ngoái, đã có một tiền lệ về tương quan thời gian giữa phát ngôn và hành động của ông Trọng.
Đầu tháng Tám năm 2017, không biết có phải bất thần hưng phấn do Trịnh Xuân Thanh “tự nguyện về nước đầu thú” (trong khi Nhà nước Đức tuyên bố Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin) hay không, ông Trọng đã xuất thần câu “Lò đã nóng lên rồi thi củi tươi đưa vào cũng phải cháy”. Chỉ vài hôm sau, một đại gia được coi là “tay hòm chìa khóa” của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là thủ tướng - Trầm Bê - đã bị khởi tố và bắt giam.
Bắt Trầm Bê là thông điệp báo tử đầu tiên mà Nguyễn Phú Trọng gửi đến nhóm “tham nhũng thời kỳ trước”. Sau đó là hàng loạt cái tên của giới quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kể cả thủ hạ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng là “cá mập” Đinh La Thăng.
Phát ngôn và tâm trạng
Nhưng vẫn có một lần “Người đốt lò vĩ đại” - tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam dành riêng cho ông Trọng - tỏ ra xuôi xị đáng kinh ngạc. “Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa” - ông Trọng nói với vẻ ủ ê trước cử tri Hà nội (cũng những cử tri ấy, những khuôn mặt quen thuộc như được “quy hoạch” cho mỗi lần đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri) vào tháng Mười Một năm 2017, tức sau hội nghị trung ương 6 mà chỉ đạt được kết quả kỷ luật duy nhất là “diệt ruồi Nguyễn Xuân Anh”.
Khi đó, mặc dù chưa có được tụng danh “Người đốt lò vĩ đại’, nhưng ông Trọng đã được vài ba văn sĩ cận thần xưng tụng là “Minh quân” và “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”. Thế nhưng với cảnh xuôi xị trên, ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” có thể một lần nữa vỡ tim vì thất vọng về “quyết tâm của Tổng bí thư”.
Nếu đối chiếu với “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy”, phát ngôn trên đã làm lộ ra tình cảnh xuống dốc ghê gớm của khẩu khí Nguyễn Phú Trọng.
Còn bây giờ thì sao?
Nếu phát ngôn “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” vào tháng Tám năm 2017 thể hiện một quyết tâm dù tự tin nhưng có phần cảm tính trong khi thiếu những cơ sở thực tế, mà khoảng thời gian 3 tháng sau đó đã chứng minh là tình hình “củi lửa” vẫn khá èo uột, thì với phát ngôn “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm” 8 tháng sau đó, tâm thế tự tin đã được củng cố hơn hẳn bởi tâm lý… gia trưởng.
Hẳn đó phải là cách nói mang tính gia trưởng của một người đã đủ tự tin cầm chắc quyền thế trong tay, và do đó mới có thể nói với các thuộc cấp và cả với các ủy viên bộ chính trị bằng lối vừa răn dạy vừa đe nẹt theo cách “cha dạy con” như thế.
Lối nói trên là có nét tương đồng và còn tự tin hơn cả câu nói vui “từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ” khi Nguyễn Phú Trọng “tự chủ trì” phiên họp chính phủ kéo dài hai ngày vào tháng Mười Hai năm 2017 - một hành động gần như chưa có tiền lệ trong mối quan hệ Tổng bí thư - thủ tướng ở các đời trước.
“Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm” còn cho thấy sự sốt ruột của ông Trọng một phần xuất phát từ việc ông đang phải chịu một áp lực lớn về yếu tố mục tiêu và thời đoạn để hoàn tất từng mục tiêu - bao gồm mục tiêu chiến thuật trong ngắn hạn và mục tiêu chiến lược trong trung hạn.
Những mục tiêu đó là gì? Và thời gian cần thiết dành cho chúng là bao lâu?
Một chiến dịch bắt bớ mới
Nếu vào năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa chứng minh được ông có thể thoát được sự bất lực tự thân bằng cách nào, đã chẳng có nhiều quan chức tham nhũng và đối thủ chính trị của ông Trọng quan tâm với tâm trạng hồi hộp lẫn run rẩy đến những mục tiêu của ông.
Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Không chỉ rất nhiều quan chức “nhúng chàm” mà có lẽ cả những quan chức cận thần của Nguyễn Phú Trọng cũng rất cần biết hoặc rất muốn phán đoán về những nước đi và nước cờ chính trị sắp tới hoặc xa hơn - đại hội 13 - của ông Trọng. Chỉ đơn giản là gần như bất cứ quyết định nào của ông Trọng trong tương lai cũng có thể tác động hoặc tích cực hoặc tiêu cực đến một số người nào đó.
Kể từ tháng Tám năm 2017, Nguyễn Phú Trọng đã bước đầu thành công trong ý chí khuấy đảo trạng thái từ “trên nóng dưới không thể lạnh” đến “trên nóng dưới cũng nóng theo”. Những vụ án hoặc chuyên án gần đây về Đinh La Thăng, Vũ “Nhôm”, “Mobifone muan AVG”, bắt tướng công an, kế hoạch “thay máu” Bộ Công an và làn sóng kỷ luật và bắt bớ quan chức sai phạm về điều hành hoặc tham nhũng đã dần lan từ trung ương xuống nhiều tỉnh thành… chỉ là một ít cảm xúc đầu tiên trong cơn hưng phấn “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “đi vào sử xanh” của Nguyễn Phú Trọng.
Đến giờ này, đã hình thành một quy luật: thời điểm và mức độ sử dụng động từ mạnh của Nguyễn Phú Trọng thường kéo theo gần như ngay lập tức một cuộn khói mới và hầm hập trong “lò” của ông.
Phát ngôn “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm” ngay trước mắt sẽ là một quyết tâm thể hiện những quyết định cứng rắn chưa từng có ở con người Nguyễn Phú Trọng, cùng những đòn ra tay chính trị nghiệt ngã và sắt đá mà trước đây người ta khó có thể hình dung ông Trọng sẽ là như vậy.
Phát ngôn trên cũng mở đường cho một chiến dịch bắt bớ mới trước Hội nghị trung ương 7 và hoàn tất chương trình “chống tham nhũng” trong 6 tháng đầu năm 2018.
Hiện tượng chính trị - xã hội đáng lưu ý trong thời gian gần đây là đã xuất hiện vài ba quan chức tham nhũng cấp thấp treo cổ hoặc nhảy lầu - bắt đầu đồng điệu với làn sóng quan chức tham nhũng phải tự sát ở Trung Quốc từ năm 2012.
Nhưng phía trước vẫn là nhiều ẩn số, kể cả ẩn số trong tự thân Nguyễn Phú Trọng khi ông sẽ phải tự mày mò xem mình thực sự muốn gì và làm thế nào để đạt được ý muốn ấy.

Formosa không bị thanh tra môi trường năm 2018: Bộ TNMT có ‘ăn bẩn’?

Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường là Trần Hồng Hà có ‘đi đêm’ và ‘ăn bẩn’ với Formosa? Ảnh: VOH
Phạm Chí Dũng
Việt Nam – Cali Today News – Lại vừa hiện thêm một dấu hiệu rất đáng nghi ngờ về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã ‘đi đêm’ và ‘ăn bẩn’ với thủ phạm gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung- Formosa.
Ngày 27/4, báo chí nhà nước đã đăng tải một danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2018, nhưng cái tên Công ty gang thép Formosa đã hoàn toàn trốn biệt trong danh sách này.
Cũng vào những ngày này, nước biển ở một số khu vực các tỉnh miền Trung và cả ở Đà Nẵng đã chuyển thành màu xanh thẫm đầy đe dọa. Lần chuyển màu này là sự tiếp nối của rất nhiều lần nước biển bị ô nhiễm trầm trọng kể từ đầu năm 2016 mà đã khiến tôm cá nổi xác đầy mặt biển, kể cả gây ra cái chết của một người thợ lặn muốn phát hiện ra nguồn cơn làm cá chết.
Trong vụ Formosa, Bộ Trưởng đương nhiệm của Bộ Tài Nguyên Môi Trường là Trần Hồng Hà cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) của Formosa Hà Tĩnh của Bộ Tài Nguyên Môi Trường vào năm 2008. ÐTM này chỉ dài 1 trang mà không có một dòng nào về môi trường biển. Trong khi đó, Luật Bảo Vệ Môi Trường 2005 quy định phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.
Trong phần ÐTM, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2.5 trang. Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang ÐTM, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường.
Nhưng bất chấp ÐTM “làm cho có” trên cùng nhiều dấu hiệu về hành vi “ngậm miệng ăn tiền” của giới quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường và các “nhà khoa học”, cho đến nay vẫn chẳng có bấ cứ quan chức nào của bộ này bị xử lý.
Khi mới xảy ra thảm họa Formosa, chính Bộ Tài nguyên và Môi trường là nơi đưa ra nguyên nhân “thủy triều đỏ” như một thói dối trá lâu năm mặc định thành bản chất.

Vào năm 2016 và 2017, Formosa chuyển hai lần số tiền 500 triệu USD bồi thường, mỗi lần 250 triệu USD, vào tài khoản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường “ngâm” số tiền 500 triệu USD trong tài khoản ngân hàng quá lâu mà không chuyển ngay cho các địa phương nhằm hưởng lãi ngân hàng.
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra “nhận trách nhiệm giữ giùm” 500 triệu USD, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại là một trong những địa chỉ “bảo kê” rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Cho đến đầu năm 2017, chính quyền mới chỉ giải ngân 30% của 500 triệu USD tiền bồi thường. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã “giữ dùm” tỷ lệ 70% còn lại trong suốt 8 tháng. Lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền “tạm ứng” đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai? Có phải theo “thông lệ” đã chui vào túi giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân? Và đó có phải là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cố ý “ngâm” tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt?
Đây có thể là một hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng, tuy nhiên cơ quan bộ này đã không bị hề hấn gì.
Cho đến nay, đã không có bất kỳ minh bạch nào về số tiền mà Bộ Tài nguyên và Môi trường “giữ dùm” gửi trong ngân hàng.
Giờ đây, việc một thủ phạm đầu bảng gây ô nhiễm môi trường là Formosa lại không nằm trong danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2018 đã cho thấy một sự bất chấp và thách thức đối với nhân dân.
Nhưng đằng sau động tác bỏ Formosa khỏi danh sách trên, còn loáng thoáng cái bóng gật gù của Chính phủ Việt Nam.
Vào năm 2016, chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc đã vướng vào một vụ bê bối rất lớn: quá nhiều dư luận đã nghi ngờ và phản ứng dữ dội khi ông Phúc tự thỏa thuận về Formosa về khoản bồi thường 500 triệu USD của doanh nghiệp này mà không thèm hỏi ý dân. Nhiều ý kiến đã cho rằng Thủ tướng Phúc đã “đi đêm” với Formosa.
Thủ tướng Phúc đã từng hứa “cuội” không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa “tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền”. Nhưng ngay sau đó, chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc “thống kê thiệt hại” do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung đang dâng cao và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương.
Nhiều báo cáo của chính quyền các địa phương cho rằng đã hỗ trợ gạo cho bà con ngư dân, nhưng ngay sau đó bị chính ngư dân phát hiện một phần gạo đã bị mốc xanh đếtn nỗi vịt còn không chịu ăn, cho tới nay nhiều hộ dân vẫn khẳng định chưa nhận được tiền bồi thường Formosa.
Mới đây, trang báo điện tử Infonet đã phát hiện một sự thật chấn động: tiền hỗ trợ công tác kiểm đếm, thống kê sự cố Formosa cho Hội đồng và cán bộ thôn ủy ban nhân dân xã Xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nhận về, nhưng không chi trả đầy đủ cho các thôn, mà chính quyền xã này giữ lại một phần lớn số tiền để… đi du lịch, may quần áo, trang trí và sửa máy móc trong ủy ban.

Lật lại ‘hồ sơ’ hơn 200 người chết trong vụ lật xe lửa ở Bàu Cá năm 1982

Ngọc Lan/Người Việt
Đường ray xe lửa mà chị Trần Thị Cẩm nhìn thấy khi đi tìm nghĩa trang Đ.S vào ngày 17 Tháng Ba, 2014, cũng là hình ảnh chị từng thấy trong giấc mơ mấy mươi năm về trước. (Hình: Trần Thị Cẩm cung cấp)
Kỳ 1: Đi tìm tung tích anh trai mất tích từ năm 1982

WESTMINSTER, California (NV) – “Tôi bám được vào một thanh sắt, lấy hết sức trườn ra khỏi những bao hàng đang đè lên người và cố lết ra khỏi toa tàu. Tôi thấy người chết la liệt, toàn là những xác chết banh da xẻ thịt. Trong đống thịt ngổn ngang đó, tôi nhìn ra chiếc áo đầm màu xanh của đứa em gái kế út…”
Anh Nghĩa Trần, 50 tuổi, đang sống ở Houston, Texas, kể lại những gì mà anh chứng kiến khi thoát chết trong tai nạn lật xe lửa tại ga Bàu Cá, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào năm 1982, cách đây 36 năm.
Có thể nói đây là tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử đường sắt Việt Nam, khiến hơn 200 người thiệt mạng, với không biết bao nhiêu thi thể không toàn thây, trong đó có mẹ và hai người em gái của anh Nghĩa.
Thế nhưng, tin tức về tai nạn này, cũng như một nghĩa trang tiêu điều với hàng trăm ngôi mộ vô danh của những nạn nhân liên quan, có thể mãi mãi chìm vào quên lãng, nếu như cách đây bốn năm, chị Trần Thị Cẩm, một phụ nữ 59 tuổi đang sống tại Sài Gòn, không quyết lòng đi tìm cho ra tung tích về cái chết của anh trai và chị dâu mình.
Hành trình tìm tung tích vợ chồng anh trai của chị Trần Thị Cẩm đã lần hồi lật lại “hồ sơ” của tai nạn này, mà đến hôm nay, ngay cả nhiều viên chức trong ngành đường sắt Việt Nam, vẫn tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi nghe nhắc đến.
Quang cảnh tường rào bao quanh nghĩa trang Đ.S khi gia đình chị Trần Thị Cẩm tìm đến vào Tháng Ba, 2014. (Hình: Trần Thị Cẩm cung cấp)
Chuyến đi tìm người sau 32 năm mất tích
Đến thời điểm này, có thể nói chị Cẩm là người đầu tiên “khui” lại sự kiện này sau hơn 30 năm thông tin bị bưng bít.
Qua điện thoại, chị Cẩm, bằng một giọng nói ấm áp, rõ ràng, kể với phóng viên Người Việt câu chuyện tưởng đã rơi vào quên lãng.
Theo chị Cẩm, anh trai chị, tên Trần Thái Phương, từng là người “nhảy tàu” (tức người đi tàu chui, không mua vé) để đi lượm than về bán kiếm tiền sinh sống trong thời buổi khốn cùng của đất nước sau 1975.
Trong những chuyến tàu ngược xuôi đó, anh Phương quen biết và yêu một phụ nữ tên Nở ở Nha Trang cũng làm công việc như anh, việc của những người nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Và người phụ nữ đó đã mang trong người giọt máu của anh Phương.
Khi biết mình sẽ làm cha, anh Phương đưa chị Nở về ra mắt gia đình. Chị Nở mồ côi cha mẹ, chỉ còn có người cậu. Theo lời đề nghị của ba chị Cẩm, anh Phương sẽ đưa chị Nở trở ra Nha Trang để làm giấy tờ tùy thân cũng như báo cho gia đình bên chị Nở biết, trước khi quay trở vào Sài Gòn, từ giã nghề “nhảy tàu” rồi “đi kinh tế mới” ở nông trường An Phú cùng ba má anh.
“Trước khi đi, anh có ghé nhà tìm tôi ở Củ Chi để xin ít đồng làm lộ phí, cũng như xin mấy cái bao bố để trong chuyến trở vô Sài Gòn sẽ lượm ít bao than mang về bán kiếm chút tiền, coi như chuyến cuối từ giã ‘nghề nhảy tàu,’” chị Cẩm nhớ lại.
Và đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy anh trai mình vào năm 1982.
“Anh nói sẽ đi và trở về trong một tuần, thế nhưng cứ chờ hoài mà không thấy. Mà cũng chẳng biết hỏi thăm tin tức ở đâu, vì thời buổi đó quá khó khăn, ai cũng lo chạy gạo từng bữa, rồi nghe nói chị Nở ở Nha Trang thì biết vậy thôi chứ thật sự cũng có biết nhà chỉ ở đâu mà hỏi thăm,” chị Cẩm kể tiếp.
Tin tức về người anh bị lãng quên cho đến… hai năm sau đó có người bà con xa ghé nhà chị Cẩm chơi và nói cho biết rằng từng có một tai nạn lật tàu ở ga Bàu Cá, Trảng Bom vào thời điểm mà anh trai chị Cẩm “mất tích.”
Tuy nhiên, như chị Cẩm nói, “Biết thì biết vậy chứ lúc đó gia đình tôi thật sự khó khăn, gạo còn không có ăn thì làm gì có tiền bạc và tâm trí nghĩ đến chuyện đi tìm anh.” Thế nên, sự biệt tăm của anh Phương lại bị người nhà quên đi.
Thời gian sau, chị Cẩm có một giấc mơ “kỳ lạ.”
“Trong mơ, tôi không nhìn thấy rõ hình ảnh anh trai tôi, mà chỉ nghe giọng anh văng vẳng nói ‘Cẩm ơi, anh nằm chết ở đây nè.’ Tôi nhìn thấy trong mơ hình ảnh bên tay trái là một đường tàu, bên tay phải là một bụi rậm cỏ mọc um tùm, chính giữa là con đường đất đỏ cong cong,” chị Cẩm kể tiếp.
Chị nói chị không quên hình ảnh trong giấc mơ, nhưng mãi đến năm 2014, tức 32 năm sau khi anh Phương “biến mất,” hoàn cảnh gia đình chị ổn định và vững vàng hơn, mới là lúc chị quyết định thu xếp công việc tự hứa đi tìm cho ra tung tích anh trai mình.
Chị Trần Thị Cẩm, người đầu tiên “lật lại” tai nạn lật tàu ở ga Bàu Cá, Trảng Bom vào ngày 17 Tháng Ba, 1982 khiến hơn 200 người chết nhưng đến nay vẫn không nhiều người biết. (Hình: Trần Thị Cẩm cung cấp)
Tìm nơi chôn cất những người mang tên ‘vô danh’
Chị Cẩm bắt đầu công việc tìm kiếm của mình bằng cách vào internet dò kiếm tin tức.
“Khi đó trên mạng chỉ thấy có một dòng tin nhỏ nhắc đến tai nạn xe lửa xảy ra vào ngày 17 Tháng Ba, năm 1982 tại ga Bàu Cá, trong đó họ nói đến có một nghĩa trang chôn những nạn nhân.” Theo dòng tin đó, chị Cẩm cùng một số người trong gia đình chạy xe máy đến khu vực trên ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, nơi chỉ cách Sài Gòn khoảng 2 tiếng.
Chị kể, “Ngày chúng tôi đi là ngày 17 Tháng Ba, 2014, tức đúng 32 năm xảy ra tai nạn. Trước khi đi, tôi có thắp nhang khấn ‘Bây giờ em đi tìm anh đây. Ngày xưa anh báo cho em biết hình ảnh trong giấc mơ, thì giờ anh hãy đưa đường dẫn lối cho em gặp được nơi ấy.”
Theo lời chị Cẩm, những người lớn tuổi sống quanh hiện trường đều biết đến tai nạn lật tàu với số người chết khủng khiếp. Tuy nhiên, không nhiều người trong số họ biết nghĩa trang chôn các nạn nhân nằm ở đâu. Bởi lẽ, nghĩa trang cách nơi mà đoàn xe lửa bị lật khoảng 3 cây số, “khi đó dân địa phương chạy ra phụ với chính quyền giúp người bị thương đưa đi cấp cứu, hay gom góp xác những người đã chết về một chỗ, còn sau đó người ta chở đi đâu thì họ không biết.”
Lần dò hỏi thăm, cuối cùng chị Cẩm cùng người thân cũng tìm được đến nơi gọi là Nghĩa Trang Đ.S.
“Tôi không thể nào quên được tâm trạng của mình khi đó, cả người tôi nổi gai óc. Bởi vì cảnh tượng mà tôi nhìn thấy giống y chang hình ảnh tôi từng thấy trong giấc mơ. Bên trái là đường ray xe lửa. Nghĩa trang nằm bên phải nhưng cây cối đã mọc um tùm che kín hết lối vào. Chính giữa là con đường đất đỏ. Tôi bật khóc tại chỗ,” người phụ nữ tiếp tục kể qua điện thoại.
Theo lời chị Cẩm, “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nghĩa trang là một cảnh tượng rất đau lòng, cây cỏ bụi bờ hoang vu, có nghĩa là mấy mươi năm rồi hình như không ai đặt chân tới.”
Chị Cẩm cùng người thân xúm lại nhổ cỏ, vạch những lùm cây để tìm lối vào.
Gia đình chị Trần Thị Cẩm đang tìm kiếm mộ phần trong nghĩa trang Đ.S mọc đầy cỏ dại trong lần đầu tiên chị đặt chân đến vào ngày 17 Tháng Ba, 2014. (Hình: Trần Thị Cẩm cung cấp)
“Khi đó trời đã về chiều, bụi rậm âm u, chui vào bên trong để biết đích xác đó là nghĩa trang mà nổi gai ốc, lại thêm phần sợ rắn rết, nên tụi tôi không đi quá sâu thêm vào trong mà quay trở ra. Đồng thời, tôi lại khấn anh trai mình rằng ‘Nếu thực sự anh chị có nằm ở đây thì hãy đưa đường dẫn lối cho em gặp người có tâm để giúp đỡ tìm ra anh chị,’” chị Cẩm kể lại câu chuyện thuộc về tâm linh mà chị đã làm trước khi mọi người rời khỏi nghĩa trang tiêu điều, hiu quạnh đó.
Thực tế có những điều xảy ra mà người ta không thể giải thích, chỉ biết rằng trong đời sống thực có sự hiện diện của “phép nhiệm màu.”
“Thật kỳ lạ là sau khi khấn xong, chúng tôi bước ra ngoài thì bỗng nhìn thấy xa xa cách đó khoảng 100 mét có một vườn điều. Chúng tôi đi về hướng ấy thì thấy có một ông bác đang ngồi lặt điều. Đó chính là bác Nguyễn Kim Hoạt, người từng đào huyệt chôn cất những người xấu số trong vụ lật tàu năm đó,” chị Cẩm nói.
Ông Nguyễn Kim Hoạt, 82 tuổi, là người đã đồng hành cùng chị Cẩm, từ giờ phút đó cho đến nay, trong việc phát quang, sửa sang lại hơn 100 mộ phần của những người chết trong vụ lật tàu ngày 17 Tháng Ba, 1982, mà cho đến nay vẫn không nhiều người biết đến. (Ngọc Lan)
(Đón đọc kỳ 2: Câu chuyện của những nạn nhân còn sống sót và các nhân chứng)

Sài Gòn: Bên kia sông có là ánh mặt trời?

Văn Lang/Người Việt
Bên kia sông là ánh mặt trời... Tư Bản. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Bên kia sông là ánh mặt trời…,” tên một bài hát và là lời nhạc trong một nhạc phẩm do cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch. Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập chuyện văn nghệ, mà chỉ muốn nói khía cạnh đời sống – kinh tế – chính trị, để coi “bên kia sông” Sài Gòn có thực sự là ánh mặt trời, như nhà cầm quyền thành phố này mơ mộng?
Câu chuyện bên kia sông
Kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2012, bến phà Thủ Thiêm chính thức đóng cửa. Và bên kia sông, tức bên bờ Thủ Thiêm (nhìn từ bến Bạch Đằng – Sài Gòn) ngó qua, đã là một vùng chính thức bị “giải tỏa” trắng. Để kể từ đây, ban lãnh đạo Cộng Sản thành phố Sài Gòn bắt đầu xúc tiến giấc mơ “bên kia sông” với hy vọng biến Thủ Thiêm thành trung tâm hành chánh – thương mại – văn hóa… của một Sài Gòn mới.
Nhưng từ giấc mơ tới hiện thực đúng là một khoảng cách lớn, khi từ 6 năm qua tới nay (2018) kế hoạch thực hiện chỉ là bản vẽ trên… giấy. Và từ Sài Gòn nhìn qua bên kia sông vẫn là một khoảng trống… đen ngòm.
Dù ban lãnh đạo cộng sản thành phố này đã cố gắng mời một quốc gia thanh lịch thuộc hàng đầu châu Âu tư vấn giúp đỡ cho dự án “bên kia sông.” Nhưng chỉ nhận được sự giúp đỡ về mặt tư vấn thiết kế. Còn về phương diện tài chánh vẫn là con số không. Có lẽ, chỉ có những đầu óc thuộc hàng “đỉnh cao trí tuệ,” mới tin rằng có thể xây thiên đường Cộng Sản bằng tiền… tư bản.
Không có tiền đầu tư của tư bản ngoại quốc, dự án bên kia sông đành nằm im “bất động” suốt mấy năm nay. Nhưng giới “Tư bản đỏ” trong nước cũng thừa “nước đục thả câu” và mưu toan vớ bẩm.
Theo báo cáo, hiện có gần 30 ngàn căn chúng cư (thuộc diện nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội) không có ai… tới ở. Nực cười thay, hàng ngàn gia đình bên kia sông sau khi nhận tiền đền bù và chịu bị giải tỏa, họ đã phải kéo qua bên đây Sài Gòn. Phải đi thuê nhà trong các khu ổ chuột và thất thểu mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn. Là vì, với số tiền đền bù khoảng 600 triệu, trong khi một căn chúng cư “tái định cư” phải có giá từ 2-3 tỷ đồng. Dù được “cam kết” ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi trong vòng 20 năm. Nhưng do thủ tục rắc rối theo lề lối “hành là chánh” nên dân nghèo chẳng mấy ai mặn mà, chưa kể “dồn cục” hết vô chung cư, kiếm ăn từng bữa đã khó, tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng. Cuối cùng, người dân đành bán “lúa non” suất tái định cư, rồi bồng bế dắt díu nhau qua bên đây bờ sông Sài Gòn. Để đêm đêm trằn trọc, không yên giấc trong cái nóng hầm hập từ những con hẻm nhỏ Sài Gòn, nhớ từng cơn gió mát Thủ Thiêm một thời lồng lộng, mát rượi tâm can.
Chủ đầu tư thì vội vàng, hý hửng báo cáo là vì nhà ở tái định cư “không người tới ở,” nên xin chuyển đổi công năng từ cao ốc nhà ở sang thành… trung tâm thương mại. Với chiêu thức “hóa đá thành vàng” này, giới đầu tư hốt bạc. Trong khi ngân sách thì cũng chỉ thu thêm được ít tiền thuế… tượng trưng. Điều này giải thích tại sao mấy “tỷ phú đỏ” ở Việt Nam hiện nay đều nằm trong giới mua bán chính sách – bất động sản.
Một người dân ngồi câu cá bên phía bờ Thủ Thiêm, phía bên kia là trung tâm thành phố Sài Gòn. (Hình: Getty Images)
Bên kia sông vắng tiếng chuông chùa
Văn, thơ, nhạc… Việt Nam (dù là trong thời cộng sản), để ca ngợi một vùng đất yên bình (dù là trong nghèo đói), không thể thiếu tiếng chuông chùa trầm buông khi chiều xuống. Hay tiếng chuông nhà thờ rộn vang xa, khi nắng lấp lánh trên dòng sông sóng vỗ đôi bờ…
Nhưng gần đây, bên kia bờ Thủ Thiêm đã vắng tiếng chuông chùa, khi chùa Liên Trì bị “xóa.”
Phơi mình trong nắng chiều hiu quạnh, là số phận mong manh của nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá.
Chính sách tách biệt tôn giáo khỏi dân, xưa nay vẫn là “quốc sách” của Cộng Sản.
Những khu đô thị mới, tuyệt nhiên không cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở tôn giáo (bất kể đình, chùa, nhà thờ hay miếu, đền).
Điển hình như khu Phú Mỹ Hưng của Sài Gòn. Dù chủ đầu tư, cũng như một vài chức sắc hiểu chuyện trong chính quyền đã hết sức kiên nhẫn trong việc “chạy” xin giấy phép cho một vài công trình tôn giáo. Vì họ hiểu, muốn cộng đồng thịnh vượng phải “an cư lạc nghiệp,” như thế không thể không an định tâm linh. Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản, nhất quyết từ chối cấp phép xây dựng.
Điều này dẫn tới việc có rất nhiều doanh nhân gốc Nam Hàn, đem theo cả gia đình tới sinh sống ở Phú Mỹ Hưng. Nhưng do không có nhà thờ, nhiều người Nam Hàn phải dùng Văn phòng công ty làm nhà nguyện (đa số dân Nam Hàn ở Sài Gòn theo đạo Tin Lành).
Việt Nam lâu nay rất muốn lấy lòng Nam Hàn, và cộng đồng Nam Hàn ở Việt Nam là đông nhất trong khối ngoại quốc, đa số họ tỏ ra hòa đồng, thân thiện với dân Việt. Nhưng chỉ với một việc đơn giản là có “nhà nguyện” cũng không được chấp thuận. Việt Nam rõ ràng đang theo đuổi chính sách “thêm thù, bớt bạn.” Trong khi đó rõ ràng thế nước đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc.”
Vì sự ấu trĩ của người cộng sản vô thần, cộng thêm thói kiêu căng, thiển cận… Cộng Sản Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ có thể hiểu ra một điều giản dị, nhưng lại là chân lý muôn đời là: “Nơi nào vắng tiếng chuông từ bi, thì nơi đó cái xấu, cái ác sẽ cùng ma quỷ đội mồ sống dậy.” (Văn Lang)