Saturday, March 9, 2019

Tàn, mạt vì có… vàng! Quy hoạch nhân sự làm gì?

Theo VOA-Trân Văn/08/03/2019
Hình minh họa.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, sớm phê duyệt Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (1).
Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng từ lâu vì có mỏ vàng với trữ lượng thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á.
Vì nhiều lý do, từ thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp đến nay, việc khai thác vàng tại Bồng Miêu liên tục bị gián đoạn. Có lúc quặng vàng chỉ được khai thác theo hình thức thủ công, có lúc được khai thác với qui mô công nghiệp, cũng có những lúc, khai thác vàng ở Bồng Miêu diễn ra ồ ạt với cả hình thức thủ công lẫn qui mô công nghiệp.
Thế rồi Việt Nam mở cửa, giống như nhiều lĩnh vực khác, chuyện khai thác quặng vàng ở Bồng Miêu và Đắk Sa (huyện Phước Sơn), cùng thuộc tỉnh Quảng Nam bị vo lại thành “cơ hội” để mời gọi đầu tư. Năm 1991, “cơ hội” ấy được đặt vào tay Bersa, theo giới thiệu của giới hữu trách Việt Nam là một tập đoàn chuyên về khai khoáng ở Úc.
Bersa tuyên bố sẽ rót vào Việt Nam 100 triệu Mỹ kim để xây dựng hai nhà máy khai thác quặng vàng tại Bồng Miêu và Đắk Sa trong 25 năm (1991 – 2016). Tất nhiên, suất đầu tư trị giá 100 triệu Mỹ kim mà Bersa hứa hẹn được đưa ngay vào… thống kê để tính toán mức tăng trưởng GDP cả cho tỉnh Quảng Nam lẫn… Việt Nam.
Sau 23 năm tạo điều kiện cho Bersa khai thác vàng, năm 2014, Cục Thuế Quảng Nam loan báo, Bersa đã mang ra khỏi Việt Nam khoảng bảy tấn vàng và chỉ để lại khoản nợ 297 tỉ bao gồm cả tiền thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền phạt do chậm nộp thuế.
Do Cục Thuế Quảng Nam phong tỏa tài khoản ngân hàng, vô hiệu hóa các hóa đơn do hai nhà máy khai thác vàng của Bersa ở Bồng Miêu và Đắk Sa phát hành để ép Bersa trả thuế,… Besra vừa phản đối, vừa tuyên bố đóng cửa hai nhà máy vàng tọa lạc ở Phú Ninh (Bồng Miêu) và Phước Sơn (Đắk Sa) khiến hàng ngàn công nhân thất nghiệp (2).
Chuyện chưa ngừng ở đó, tin Bersa đóng cửa hai nhà máy khai thác vàng đã làm chủ nhiều cơ sở thương mại và doanh nghiệp ở Quảng Nam từng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho Bersa mất ăn, mất ngủ. Theo các thống kê sơ bộ do báo chí Việt Nam thu thập dữ liệu và công bố năm 2014, Bersa nợ nhiều người, nhiều nơi, nếu cộng lại cũng cả trăm tỉ.
Bersa trở thành một cục xương mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương của Việt Nam lúng túng như gà mắc tóc vì không biết làm sao để… gặm. Thậm chí đến 2016, dẫu giấy phép đầu tư đã hết hạn, các khoản nợ thuế đã tăng từ 297 tỉ lên 410 tỉ (3) nhưng Bersa vẫn không chịu ngừng khai thác vàng (4).
Chuyện có vàng, chỉ khai thác mà mạt giống như một bể sầu, lâu lâu rỉ ra vài giọt khiến người Việt tê tái. Tháng 11 năm ngoái, báo chí Việt Nam cho biết, Tòa án tỉnh Quảng Nam đang thực hiện các thủ tục cho Công ty Vàng Bồng Miêu (một trong hai doanh nghiệp khai thác vàng của Bersa ở Quảng Nam) tuyên bố phá sản.
Theo đó, tổng giá trị tài sản hiện tồn của Công ty Vàng Bồng Miêu chỉ có 302 tỉ nhưng tổng nợ (gồm cả nợ các loại thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ các cơ sở thương mại, doanh nghiệp đã cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhưng không được Công ty Vàng Bồng Miêu thanh toán) lên tới… 1.265 tỉ đồng (5)!
Chuyện không chỉ chừng đó, 25 năm Bersa khai thác vàng tại Bồng Miêu (Phú Ninh, Quảng Nam), Đắk Song (Phước Sơn) đã hủy diệt cả môi trường lẫn địa mạo hai khu vực này. Chỉ riêng chi phí hoàn thổ, phục hồi địa hình, địa mạo ở những khu vực mà nhà máy khai thác vàng của Bersa đã đào bới để lấy quặng vàng tại Bồng Miêu đã là… 19 tỉ!
Đó là chưa kể chi phí hoàn thổ ở Đắc Sa, chi phí xử lý đất đai, suối, sông bị ô nhiễm, đặc biệt là cyanide trong 25 năm Bersa khai thác vàng tại Quảng Nam. Ai sẽ phải thanh toán toàn bộ những chi phí ấy? Ngân sách! Dân Quảng Nam không gánh nổi thì dân Việt Nam phải gồng thông qua các loại thuế, phí.
***
Giống như vô số chủ trương, kế hoạch, dự án đủ mọi lĩnh vực trên khắp Việt Nam từ trước đến nay, không có bất kỳ cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm khi bỗng dưng Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung thêm tàn, mạt chỉ vì có… vàng. Đến giờ, có bao nhiêu cá nhân nhận trách nhiệm hoặc bị truy cứu trách nhiệm vì soạn lập, phê duyệt những chủ trương, kế hoạch, dự án thiển cận, vô bổ, thậm chí nguy hại cho môi sinh, môi trường, kinh tế, xã hội? Không có ai! Chẳng những được miễn trừ trách nhiệm, những cá nhân tham gia vào việc tạo ra vô số bi kịch ấy còn thăng tiến không ngừng và có quyền lựa chọn, sắp đặt những người thay thế mình đảm nhận vai trò dẫn dắt quốc gia, dân tộc.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam đang hối hả quy hoạch nhân sự – lựa chọn – sắp đặt cán bộ cấp chiến lược và cán bộ chủ chốt từ trung ương đến địa phương trong nhiệm kỳ tới. Cho dù hậu quả của quy hoạch nhân sự càng lúc càng trầm trọng, chạm vào đâu, mạnh hay nhẹ cũng lòi ra một mớ “cán bộ cấp chiến lược”, “cán bộ chủ chốt” bất tài, vô đức song giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn không chịu buông bỏ quy hoạch nhân sự.
Kinh tế - xã hội Việt Nam càng ngày càng nhiều vấn nạn, càng ngày càng nhiều dấu hiệu bi đát đe dọa vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, làm sao có thể tránh các thảm họa khi việc lựa chọn – sắp đặt những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thế: Vừa không có chỗ cho những cá nhân có hiểu biết, đủ cả kỹ năng lẫn kinh nghiệm trong quản trị, điều hành, vừa giám sát, truy cứu trách nhiệm đến nơi, đến chốn nếu cá nhân bất xứng với vai trò, vị trí và không tha những đối tượng có liên quan đến việc lựa chọn, sắp đặt những cá nhân bất xứng ấy! Còn nghĩ đó là chuyện, là quyền của đảng thì qui mô thảm nạn còn tăng theo cấp số nhân.
Chú thích

Chơi bút màu trong lớp, học sinh ở Đà Nẵng bị cô giáo đánh bầm người

Phần chân phải của cháu T. bị đánh bầm tím. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Trong giờ học âm nhạc, một học sinh lớp 1 trường Tiểu Học Tôn Đức Thắng, quận Cẩm Lệ đem hộp bút màu ra chơi thì bị cô giáo dạy nhạc dùng thước đánh bầm tím thân thể.
Sáng 9 Tháng Ba, 2019, ông Nguyễn Ngọc Bình (ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cha của cháu NHT (học sinh Lớp 1/5, trường Tiểu Học Tôn Đức Thắng) tức giận tố cáo với báo chí về việc con mình bị cô giáo dùng thước đánh trong lớp.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bình cho hay, vào chiều 7 Tháng Ba, sau khi đón con đi học về nhà, ông bất ngờ thấy phần chân và mông của cháu T. bị nhiều vết lằn đỏ và bầm tím. Gặng hỏi thì cháu T. nói là bị cô giáo dạy âm nhạc đánh bằng thước.
“Tôi hỏi thêm thì con nói trong giờ học âm nhạc của cô Lê Thị Hải Oanh, cháu đem hộp bút màu ra chơi thì bị cô giáo này dùng thước đánh nhiều phát vào người. Qua kiểm tra, tôi phát hoảng khi có đến khoảng sáu vết bầm tím trên người. Buổi tối, con tôi rên đau ở chân, lúc ngủ thì giật mình,” ông Bình nói.
Bất bình trước việc con mình bị đánh ngay trên lớp, ông Bình đã trực tiếp gọi điện thoại cho ông hiệu trưởng trường Tiểu Học Tôn Đức Thắng và cô giáo chủ nhiệm yêu cầu làm rõ sự việc.
“Thầy hiệu trưởng nói sẽ kiểm tra và báo lại sự việc nhưng chúng tôi đợi mãi mà không thấy phản hồi. Đến sáng nay, lãnh đạo nhà trường cùng cô giáo Oanh mới đến gia đình tôi để xin lỗi, nhưng bản thân tôi mong muốn họ phải có câu trả lời rõ ràng,” ông Bình cho biết.
Nói với báo Người Lao Động, ông Trần Ngọc Thành, hiệu trưởng trường Tiểu Học Tôn Đức Thắng, cho biết ngay khi nhận được điện thoại của ông Bình, đại diện nhà trường cùng cô giáo dạy âm nhạc đã đến nhà phụ huynh để xin lỗi.
“Sau khi nhận thông tin từ bố cháu T. vào tối 7 Tháng Ba, cô Oanh cùng Ban Giám Hiệu nhà trường đã đến trao đổi với phụ huynh. Tại đây, cô Oanh đã nhận khuyết điểm khi đánh học sinh. Vào sáng Thứ Hai tuần tới (11 Tháng Ba), nhà trường sẽ có buổi làm việc cụ thể với phụ huynh,” ông Thành cho hay. (Tr.N)

Trung Quốc ‘dòm ngó’ dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Tập Đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc muốn được đầu tư dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Hình: VNEconomy)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 9 Tháng Ba, nhiều blogger bày tỏ lo ngại trước tin Tập Đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc “muốn được tham gia đầu tư dự án đường cao tốc Bắc-Nam tại Việt Nam theo hai hình thức EPC và BTO.”
EPC là hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình chỉ do một chủ thể thực hiện. BTO là hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh.
Báo VietNamNet dẫn lời ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập và là chủ tịch Tập Đoàn Thái Bình Dương, cho biết: “BTO là mô hình được áp dụng rất thành công tại Trung Quốc và có thể là mô hình hoàn thiện của hình thức đầu tư đối tác công-tư PPP. Mô hình đầu tư PPP lý tưởng là doanh nghiệp tư nhân đầu tư, sau này chính quyền sẽ mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án.”
Nhằm trấn an dư luận, ông Nguyễn Văn Công, thứ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN, được trích lời: “Chủ trương đầu tư các đoạn tuyến dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc Hội thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu. Cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm về đề xuất hình thức đầu tư của Tập Đoàn Thái Bình Dương.”
Tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Hình minh họa: Lao Động)
Cũng theo báo VietNamNet, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN hiện đã phê duyệt nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, gồm ba dự án dùng vốn ngân sách và tám dự án theo hình thức BOT, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông với chiều dài 654 km trong giai đoạn 2017-2020.
Ba dự án đầu tư công gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được khởi công ngay trong năm nay. Còn đối với tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hiện đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Dự trù ban quản lý dự án sẽ phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày 20 Tháng Mười, 2019, và đóng thầu vào ngày 20 Tháng Hai, 2020.
Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam (VietnamFinance) của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài (VAFIE) bình luận: “Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia đầu tư, xây dựng nhiều dự án cao tốc và hạ tầng giao thông nói chung trên toàn thế giới, tuy nhiên cũng thường đưa lại các hệ lụy cho các nước sở tại. Mới đây, chính phủ Thái Lan cho biết các khoản vốn vay từ nước ngoài cho dự án đường sắt cao tốc Thái Lan-Trung Quốc sẽ được giảm xuống mức tối thiểu để giảm thiểu nguy cơ ‘nô lệ’ nợ nần của Bắc Kinh. Tại Việt Nam, dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (do doanh nghiệp Trung Quốc làm chủ thầu) cũng gây tai tiếng trong nhiều năm qua vì tình trạng chậm tiến độ và đội vốn.”
Đáng lưu ý, trong lúc tin Tập Đoàn Thái Bình Dương “dòm ngó” dự án đường cao tốc Bắc-Nam vừa mới chỉ loan ra, trang web của An Ninh Hải Phòng hôm 9 Tháng Ba cho hay: “Ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng, vừa tiếp ông Nghiêm Giới Hòa. Ông Hòa bày tỏ mong muốn Tập Đoàn Thái Bình Dương sẽ có cơ hội được đầu tư vào Việt Nam và thành phố Hải Phòng ở những dự án còn bỏ ngỏ với các hình thức đầu tư PPP, cũng như đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quy hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế và cụ thể hóa hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam-Trung Quốc.” (T.K.)

Cán bộ tòa án Lâm Đồng say rượu, lái xe tông người rồi bỏ chạy

Sau khi gây tai nạn, xe bị trầy xước và bể lốp, hai cán bộ tòa án bỏ chạy khỏi hiện trường. (Hình: Người Lao Động) 
LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Hai cán bộ thuộc Tòa Án huyện Đơn Dương bị yêu cầu “giải trình” vì liên quan đến vụ say rượu lái xe hơi gây tai nạn khiến một phụ nữ bị chấn thương sọ não rồi bỏ chạy.
Ngày 8 Tháng Ba, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, ông Đinh Ngọc Hùng, bí thư Huyện Ủy Đơn Dương, cho biết đã ra lệnh Tòa Án Nhân Dân huyện yêu cầu những cán bộ có liên quan đến vụ uống rượu trong giờ làm việc rồi lái xe hơi gây tai nạn và bỏ chạy “làm giải trình.”
Ông Trần Quang Cảnh, chánh án Tòa Án Nhân Dân huyện Đơn Dương, xác nhận cho biết “đã yêu cầu hai cán bộ này phải có bản tường trình trong ngày 11 Tháng Ba tới.”
Tin cho biết, hai thẩm phán của tòa án huyện Đơn Dương là ông Luyện Thanh Sơn và ông Dương Văn Vũ đều được xác định có ngồi trên chiếc xe hơi tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông và xuống xe cách hiện trường khoảng 200 mét bỏ trốn sau tai nạn.
Trước đó, báo chí Việt Nam đưa tin, vào khoảng 4 giờ chiều 4 Tháng Ba, xe hơi mang bảng số 49A-205.16 có nhóm cán bộ tòa án say rượu ngồi bên trong chạy đi đến xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương thì tông vào xe gắn máy do bà Nguyễn Thị Xuê (44 tuổi) lái chở theo chị Trần Thị Khoa (28 tuổi, cùng trú tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương). Vụ tai nạn khiến hai người đi xe gắn máy bị thương, trong đó bà Xuê bị ngã xuống đường chấn thương sọ não rất nặng.
Riêng chiếc xe hơi bị bể phần đầu, nổ bánh trước nhưng tài xế vẫn cố ý tiếp tục bỏ chạy khỏi hiện trường. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh Sát Giao Thông huyện Đơn Dương đã truy đuổi, sau đó chặn bắt được xe hơi này cách hiện trường 8 cây số.
Khi dừng xe, công an xác định trên xe có bà Phan Bảo Thúy (44 tuổi, trú huyện Đức Trọng) và ông Hồ Trọng Hiếu, phó chánh án Tòa Án Nhân Dân huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Kiểm tra nồng độ cồn hai người này, lực lượng chức năng ghi nhận vượt quá 0.4 miligam/1 lít khí thở. Trong khi đó, hai thẩm phán, đảng viên CSVN Luyện Thanh Sơn và Dương Văn Vũ đã rời khỏi xe bỏ trốn ngay sau khi tai nạn xảy ra.
Tin cho biết, cả nhóm ngồi trên xe hơi trước đó đã cùng tham gia tiệc nhậu. Người lái xe lúc xảy ra tai nạn được cho là bà Thúy (nồng độ cồn đo được sau khi dừng xe 0.6miligam/1 lít khí thở), đồng thời cũng là chủ chiếc xe hơi. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ không phải bà này cầm lái.
Theo ông Hùng, khi có kết luận của cơ quan điều tra, huyện ủy sẽ “xử lý nghiêm các cán bộ đảng viên có liên quan đến vụ việc. Trước tiên, các cán bộ tòa án sẽ bị xử lý vi phạm nội quy, quy chế về việc không được uống rượu bia trong giờ làm việc.” (Tr.N)