Friday, March 27, 2020

Bài toán khó do đảng tự tạo


Đỗ Ngà|

Có  lẽ không ai không biết câu nói “không được bỏ tất mọi quả trứng vào cùng một giỏ”. Vâng! Đây là nguyên tắc rất cơ bản trong quản lý rủi ro. Nói đến doanh nghiệp cũng vậy mà nói đến quốc gia cũng vậy. Như ta biết, đã 34 năm “đổi mới” mà ĐCS Việt Nam vẫn không thể xây dựng một thị trường nguyên liệu có sức cạnh tranh ngay trong nội địa mà phải đi nhập từ nước ngoài, mà đặc biệt chủ yếu là nhập từ Trung Cộng.
Lấy sự thất bại của chính sách phát triển ngành ô tô là ví dụ. Năm 2000, chính phủ Phan Văn Khải đặt ra mục tiêu nội địa hóa xe dưới 9 chỗ là 40% vào năm 2005 và 60% vào 2010. Thế nhưng đến năm 2010 thì tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe từ 9 chỗ trở xuống chỉ từ 7-10% tùy thương hiệu, và đến đây Bộ Công Thương đã tuyên bố thất bại. Sự thất bại trong chính sách nội địa hóa có nguyên nhân là do Việt Nam đã thất bại trong việc xây dựng nền công nghiệp phụ trợ cho các hãng ô tô nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Nền công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, chính nó sẽ đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và cũng chính nó là nhân tố quan trọng để bắt lấy quá trình chuyển giao công nghệ. Thế nhưng qua cách điều hành của ĐCS, chính sách nền tảng này đã thất bại kéo theo chính sách phát triển công nghiệp ô tô cũng thất bại theo.
Không chỉ trong ngành công nghiệp ô tô và nhiều ngành khác cũng vậy. Chính vì thế mà nền sản xuất Việt nam bao năm mở cửa cũng chỉ là nhập nguyên liệu từ nước ngoài để gia công, điều đáng ngại là họ chỉ tập trung nhập từ Trung Cộng, tức là họ đã bỏ tất cả các quả trứng vào cùng một giỏ.
Nếu nói thị trường nguyên liệu là nền, thì nền sản xuất của đất nước là phần móng, và nền kinh tế của quốc gia là ngôi nhà. Mà như ta biết móng cắm vào nền, và nhà đứng trên móng. Nếu nền yếu thì móng cũng lung lay làm nhà đổ sụp. Mô hình kinh tế Việt Nam hiện nay chẳng khác nào Chùa Một Cột, với nền kinh tế là ngôi nhà, nền sản xuất là cây trụ móng duy nhất, và thị trường nguyên liệu ở bên Trung Cộng là phần nền. Khi nền yếu thì cột trụ có nguy cơ đổ ngã và tất nhiên ngôi chùa kia cũng sẽ chao đảo và ngã nhào theo theo cột trụ. Khi ĐCS Việt Nam xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo mô hình Chùa Một Cột thì rõ ràng, họ đã phạm vào điều đại kỵ của nguyên tắc quản lý rủi ro.
Ngày 11/03/2020 trên báo Vietstock có bài viết “Covid-19 đe dọa suy thoái kinh tế, nhưng bài học gói kích cầu 2009 vẫn còn”, bài báo này có nói rằng “Bộ Công Thương cho biết, rất nhiều doanh nghiệp chỉ có hàng dự trữ đến tháng 3/2020, nếu nguồn cung bị đình hoãn, có thể nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động”. Dù là năm 2019, tăng trưởng GDP đến hơn 7% nhưng điều đó không nói lên ý nghĩa gì nhiều. Và đến hôm nay khi dịch cúm nổ ra, và kinh tế gặp khó khăn thì ta mới thấy vấn đề của nó. Hóa ra đã qua 34 năm “đổi mới” bằng những quyết định “sáng suốt” của đảng nhưng nay nội lực nền kinh tế lại yếu kém đến thế. Mà cái yếu dễ thấy nhất là sức đề kháng quá mỏng của các doanh nghiệp Việt. Một vài doanh nghiệp yếu thì đó là lỗi của doanh nghiệp, nhưng hàng loạt doanh nghiệp yếu thì đó là lỗi của chính phủ, lỗi ở việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Để giải quyết khủng hoảng do dịch cúm gây ra thì hiện nay Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bung ra gói hỗ trợ tín dụng 250 ngàn tỷ đồng tương đương với 10 tỷ 755 triệu đô và gói hỗ trợ giải pháp trị giá 30 ngàn tỉ tương đương với 1 tỷ 300 triệu đô để giảm thuế và gia hạn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp. Việc bung tiền thế này thì lạm phát là điều khó tránh khỏi, nhưng điều người ta lo ngại nhất là số tiền hỗ trợ này không được phân bổ về đúng những doanh nghiệp sắp chết mà nó lại rót về những doanh nghiệp sân sau của các quan lớn. Nếu rót về đúng nơi cần thì tất sẽ cứu được hàng loạt doanh nghiệp, và nhờ đó đất nước tránh được nền sản xuất kbị sụt giảm mạnh. Chỉ khi nào làm được như vậy, thì khi đó gói hỗ trợ tín dụng kia mới mang đúng ý nghĩa là “giải cứu”. Còn nếu gói tín dụng rót về doanh nghiệp mà bị bị những bàn tay quyền lực nắn dòng để nó cho đi lộn chuồng sang các ông doanh nghiệp thân hữu thì xem như hỏng. Năm 2009 là bài học, khi đó chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bung gói kích cầu đến 10% GDP để giữ “tăng trưởng cao” nhưng kết quả thì sao? Tăng trưởng chỉ ở 5,2% còn lạm phát tăng vọt lên đến 2 chữ số. Nguyên nhân là gói tín dụng thì triển khai nhưng nó không cứu được những doanh nghiệp cần cứu, phần vì do triển khai chậm phần vì nó bị rót về sai địa chỉ. Thế là dù chính phủ ra tay cứu thì doanh nghiệp vẫn cứ chết hàng loạt, kéo theo hàng hóa được sản xuất bị sụt giảm nghiêm trọng trong khi đó tiền bung ra thị trường thì thừa thãi nên lạm phát cao là tất yếu. Thế là lợi bất cập hại.
Giả sử rằng, nếu gói hỗ trợ tín dụng đó rót về đúng địa chỉ (điều này rất khó trong một xã hội thiếu minh bạch và quen thói lạm quyền như Việt Nam) thì nền sản xuất Việt Nam cũng khó mà thoát khỏi suy thoái, vì sao? Vì như đã nói, ĐCS Việt Nam xây dựng nền kinh tế như Chùa Một Cột, nền sản xuất đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường nguyên liệu từ Trung Cộng. Mà Trung Cộng cũng đang lao đao vì cúm, vậy nên nếu doanh nghiệp Việt có tiền cũng khó mà mua được nguyên liệu để sản xuất. Mà mua nguyên liệu từ Trung Quốc thì cần gì? Ngoại tệ. Mà để có ngoại tệ thì cần đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và EU, trong khi đó 2 nơi này đang bùng phát đại dịch thì xem như nguồn ngoại tệ rót về Việt Nam cũng vơi đi rất nhiều. Đó là lý do tại sao Trần Tuấn Anh đã phớt lờ an ninh lương thực cho toàn dân mà thúc đẩy chính phủ cho phép xuất khẩu gạo để thu về ngoại tệ. Tuy dù cho có vét hết gạo để xuất thì ngoại tệ thu về cũng chẳng là bao, nhưng trong thời kỳ khó khăn này thì một miếng khi đói bằng một gói khi no vậy đành lấy sự an nguy của toàn dân ra đặt cược cho quyết định.
Có thể nói bài toán giải cứu nền kinh tế trong lúc này sẽ dễ hơn rất nhiều nếu ĐCS xây dựng được một thị trường nguyên liệu mạnh ngay trong nội địa. Vì sao? Vì khi đó các doanh nghiệp có thể dùng tiền nội tệ trong gói kích cầu ấy để mua nguyên liệu trong nước mà không cần phải mua ngoại tệ để mua nguyên liệu từ Trung Quốc. Mà như tình hình hiện nay cho thấy, dù doanh nghiệp có đủ ngoại tệ vẫn chưa chắc gì mua được nguyên liệu. Và tất nhiên khi có thị trường nguyên liệu nội địa đủ mạnh thì nền sản xuất không phải bị nghẽn ngay ở khâu nhập nguyên liệu như vậy.
Để hiểu được nền kinh tế Việt Nam thì xin đừng nhìn vào con số tăng trưởng, mà hãy nhìn vào bản chất của nền kinh tế. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam rất yếu. Tất cả cũng bởi “công lao” của ĐCS mà ra.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:

Sự lúng túng của chính phủ thể hiện điều gì?

nguyenhuuvinh’s blog – RFA

Chỉ trong vòng 3 ngày, từ 23 đến 25/3/2020 đã có liên tục 3 công văn hỏa tốc từ Văn phòng Thủ tướng chính phủ, Bộ Công thương cho đến Tổng Cục Hải Quan liên quan đến việc ngừng xuất khẩu gạo theo ý kiến của Thủ tướng là để “bảo đảm an ninh lương thực”.
Công văn hỏa tốc ngày 23/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cuộc họp sáng 23/3/2020 do Thủ tướng chủ trì có thêm 4 phó thủ tướng khác, cùng với các bộ liên quan như Nông nghiệp, Công thương, các Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, Miền Nam… nghĩa là đầy đủ mọi thành phần quan trọng nắm giữ sinh mệnh đất nước về lương thực.

Công văn nêu rõ theo đề nghị của Bộ Công thương, dừng xuất khẩu gạo hết tháng 5/2020 để “bảo đảm an ninh lương thực”.
Nhưng, cũng có nhiều ý kiến ngược lại, rằng thì là việc này cứ tưởng vậy là đúng nhưng không phải vậy. Bởi Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, dịp này nông dân đang cần bán lúa để lấy vốn làm vụ mới, nếu dừng xuất khẩu, thì nguy hại nhất là lúa bị rớt giá, bị ép giá và người thiệt hại vẫn là nông dân.
Nhiều điều bàn tán sôi nổi, nhưng chung quy lại vẫn là câu hỏi: Vậy thì chính phủ điều hành những công việc như thế nào mà có chuyện câu sau đá câu trước trong điều hành công việc, mà công việc đó ảnh hưởng đến hàng chục triệu người chứ không chỉ một số ít người?
Công văn hỏa tốc ngày 25/3/2020 của Văn Phòng Chính phủ còn yêu cầu “Bộ Công thương và các Bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu vừa qua”.
Thì ra, chính phủ làm việc, ra quyết định dựa vào sự tham mưu của các Bộ, ngành. Còn các bộ, ngành thì dựa vào các doanh nghiệp báo cáo, còn các doanh nghiệp dựa vào đâu thì chưa rõ. Nhưng, cuối cùng thì chẳng ai chịu trách nhiệm, ngoài việc người dân chịu thiệt hại như bấy lâu nay.
Một đất nước nông nghiệp là chủ yếu
Nông nghiệp Việt Nam vẫn là một ngành chiếm phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam. Với một đất nước lao động nông thôn chiếm đến 70% tổng số lao động xã hội thì việc phụ thuộc vào nông nghiệp là điều rất rõ ràng.
Thế nhưng, nền nông nghiệp Việt Nam kể từ khi từ bỏ chính sách bao cấp, mô hình Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp – một mô hình tai hại thời cộng sản mê muội – đến nay vẫn không có mấy thay đổi.
Đất đai canh tác ngày càng bị thu hẹp. Sự thu hẹp nhanh chóng đất đai canh tác bởi việc đô thị hóa ngày càng nhanh, trong đó góp phần rất lớn là các dự án vơ vét đất đai của các quan chức, các đại gia sân sau quan chức nhà nước biến đất nông nghiệp thành sân golf, thành chốn ăn chơi, thành đất định cư, phân lô bán nền và các nhà máy, dự án cứ nhằm bờ xôi, ruộng mật của nông dân mà triển khai.
Năng suất lao động nông nghiệp không được cải thiện, các nông cụ sản xuất không được cải tiến, người nông dân quanh năm vẫn con trâu đi trước, cái cày theo sau là chủ yếu. Do vậy, hiệu quả lao động nông nghiệp hết sức thấp.
Nhiều nơi, nhiều vùng nông thôn như Thái Bình, đã có hiện tượng người nông dân bỏ ruộng đất đi lên thành phố làm thuê để sống. Chỉ bởi ngày công lao động nông nghiệp tính ra chỉ được hơn 1.000 VNĐ/ngày công một nắng hai sương.
Đồng bằng Sông Hồng vốn không rộng rãi, đã dần dần bị thu hẹp bởi các tỉnh, các thành phố đua nhau “mời chào đầu tư”. Các công ty nước ngoài vào Việt Nam được mời chào, được dọn sẵn các dự án tại những vùng bằng phẳng, ít phải đầu tư nhiều… để nhanh chóng có lãi và địa phương có nguồn thu. Có nguồn thu là quan chức có xà xẻo và thả sức tiêu tiền chùa.
Tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nạn hạn hán, nhiễm mặn ngày càng trầm trọng và nguy hiểm, vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long đứng trước đe dọa vì nguồn nước từ sông MeKong đã bị các đập thủy điện Trung Quốc chặn lại, nước biển xâm nhập vào ngày càng sâu, phù sa không còn bồi đắp tạo độ màu mỡ cho đất đai sinh sôi như trước.
Ở vùng cao nguyên, miền núi, người dân hết lật đật chạy theo các giống cây trồng khác nhau từ tiêu, cafe rồi hạt điều…
Nhưng, mất vài ba năm trồng cafe đến khi cho thu hoạch thì lại điệp khúc “được mùa, rớt giá” lặp đi lặp lại. Người nông dân lại phải chặt café để trồng tiêu. Và rồi khi tiêu có thu hoạch lại rớt giá, lại chặt tiêu để trồng cây khác… Cứ vậy, vòng luẩn quẩn chạy theo giá và năng suất làm cho nền sản xuất nông nghiệp không ổn định.
Những khi được mùa, tư thương ép giá người nông dân đến tận đáy, khi mất mùa hoặc năng suất thấp, giá cao lên thì người nông dân lại không còn sản phẩm nông nghiệp.
Những năm gần đây, nền nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, Nhưng bài học mà bất cứ người xuất khẩu nào sang thị trường Trung Quốc đều phải học là: Đây là một thị trường không chắc chắn và thiếu tin cậy.
Cũng như bài học các tư thương, những thương lái Trung Quốc nhập khẩu hoa quả, nông sản từ Việt Nam cũng sẵn sàng bất thình lình ngừng nhập khẩu dăm bữa, nửa tháng nắn gân nhau chơi.
Và nông sản, thực phẩm từ Việt Nam thay nhau tìm chỗ đổ trên biên giới. Đã từng có thời, các loại nông sản, với hàng đoàn xe container ùn ùn chở lên để đổ đầy đường biên hoặc từng đàn lợn bị tìm nơi đổ xuống vì Trung Quốc dừng nhập khẩu.
Trên mạng xã hội, thỉnh thoảng người ta lại thấy hô hào nhau “giải cứu dưa hấu” hoặc giải cứu một sản phẩm nông nghiệp nào đó như một sự trợ giúp bởi lòng thương của cộng đồng. Nhưng, tất cả chẳng giải quyết được bất cứ điều gì trong một nền nông nghiệp muốn có sự bền vững.
Chỉ có một điều chắc chắn người nông dân được hưởng, đó là sự xà xẻo, bớt xén và tham nhũng, lạm thu lạm bổ đối với người nông dân ngày càng nặng nề bởi bộ máy quản lý cồng kềnh của Việt Nam từ địa phương đến Trung ương.
Do vậy, người dân làm nông nghiệp luôn đứng trước sự túng thiếu, sự quẫn bách và luôn bất an kể cả khi mất mùa lẫn được mùa.
Một chính phủ vô trách nhiệm
Trong quá trình đó, vai trò của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và của Chính phủ hầu như bằng con số không. Nếu có, chỉ có ở các bản báo cáo thành tích cuối năm đầy những ngôn từ xủng xoảng. Còn lại, mọi khó khăn và thiệt hại nhường cho người nông dân được hưởng.
Những công ty, Tổng công ty được lập ra không hề có được tác dụng giúp người nông dân an tâm đầu tư sản xuất, không hề có những bảo hiểm nông nghiệp để người dân giảm bớt khó khăn khi bị thiên tai, địch họa…
Giống má không được đầu tư đúng nhu cầu, phân bón giả, kém phẩm chất, rồi lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt rầy, sâu bệnh… Đặc biệt là nguồn đầu ra của sản phẩm luôn là một thách đố với người nông dân Việt Nam.
Hàng năm, mỗi khi lúa rớt giá thê thảm, chính phủ chỉ bằng những mệnh lệnh thay cho hành động để giúp người nông dân. Con số vài ba trăm ngàn tấn lương thực chính phủ mua vào, chỉ là con muỗi trên lưng con voi 7 triệu tấn lúa xuất khẩu mỗi năm.
Do vậy việc chính phủ hô hào “làm phép” chẳng có tác dụng gì đối với đời sống, sản xuất của người nông dân.
Trong khi đó, đủ loại thuế, phí đều đổ lên đầu các sản phẩm nông nghiệp và người nông dân. Người ta đã tính ra mỗi quả trứng gà chịu đến 14 khoản thuế và phí. Riêng lĩnh vực này thì chính phủ thực hiện một cách xuất sắc.
Xưa nay vẫn thế, bất cứ cái gì muốn ăn đều phải chăm bẵm, phải gieo trồng. Một chính phủ muốn khai thác nguồn lực từ nông dân, cũng phải biết chăm lo cho họ thì mới có cơ hội bền vững. Nhưng, điều này hình như chưa được chính phủ Việt Nam thấm nhuần.
Một chính phủ quản lý đất nước, điều hành mọi mặt đời sống nhân dân. Trong khi đó, chỉ một con số báo cáo số lượng gạo đã sản xuất, đã xuất khẩu, đang còn bao nhiêu và tình trạng thế nào mà đã làm cho cả bộ máy lúng túng như gà mắc tóc để rồi hết công văn này đến công văn khác đều hỏa tốc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược nói lên điều gì?
Điều này, chỉ chứng tỏ một điều là cả bộ máy quản lý đã hoàn toàn không nắm được thực tế của những gì thuộc trách nhiệm mình quản lý.
Đó là một chính phủ vô trách nhiệm với người dân không thể chối cãi.
Ngày 25/3/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Covid-19: Người dân tự ý mua thuốc dùng- Trách nhiệm thuộc về ai?

Người viết: Anh Hoàng


Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện vừa điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc chloroquin để phòng bệnh Covid-19 theo lời đồn trên mạng xã hội.

Tự ý uống thuốc Chloroquin để phòng bệnh Covid-19, một bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc. (Ảnh: Int)

Việc người dân có thể ra nhà thuốc, đọc tên thuốc và mua bất kì loại thuốc gì, số lượng không giới hạn mà không cần đơn của bác sĩ đã trở nên quá đỗi phổ biến ở Việt Nam. Theo thông tin từ phía phóng viên báo chí trong nước, bệnh nhân trên đã tự ý mua thuốc uống phòng Covid-19, tuy nhiên theo bác sĩ chloroquine là thuốc kê đơn, được sử dụng cho các bệnh nhân sốt rét, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp. Đây là thuốc có độc tính cao, ranh giới giữa liều điều trị rất gần với liều ngộ độc. Nếu sử dụng không có kiểm soát, không có chuyên môn, kể cả bác sĩ không phải chuyên khoa cũng rất dễ dẫn tới ngộ độc. Việc bệnh nhân trên bị ngộ độc vì tự ý mua thuốc và dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chỉ là một trong số rất nhiều người đã chịu những hậu quả nghiêm trọng của việc tự ý mua thuốc mà không cần đơn của bác sĩ đã trở nên quá đỗi dễ dàng ở Việt Nam. Vấn đề người Việt Nam có thể dễ dàng mua thuốc và dùng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi mà không cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ sẽ có thể gặp những hậu quả sau:
  • Người dùng bị ngộ độc thuốc, sốc phản vệ vì dùng thuốc quá liều, sai mục đích sử dụng có thể dẫn đến tử vong.
  • Người dùng rơi vào tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bệnh nhân dễ có nguy cơ trở bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.

Tình trạng của người bệnh trên chỉ là một trong nhiều ví dụ của hậu quả nghiêm trọng khi dùng thuốc bừa bãi. Bệnh nhân trên đã mua và dùng thuốc để phòng Covid-19 khi tin vào những chia sẻ trên mạng xã hội. Chúng ta phải hiểu rõ rằng mạng xã hội không phải nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy, bởi những thông tin trên đó có thể được viết, chia sẻ bởi bất kì ai mà không hề chịu sự kiểm soát hay xử phạt bởi những cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế không nhiều người hiểu rõ vấn để này và đang dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thực tế, theo Luật Dược 2016 có nêu nghiêm cấm bán thuốc không theo toa. Cụ thể theo điều 6 khoản H Luật Dược nêu rõ: nghiêm cấm bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Tuy nhiên, Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: Mức xử phạt vi phạm đối với hành vi bán thuốc bắt buộc phải có đơn như thuốc kháng sinh mà không có toa của bác sĩ sẽ bị phạt 200.000 – 500.000 Việt Nam đồng, đây rõ ràng là mức xử phạt quá nhẹ so với những hậu qủa mà việc bán thuốc không theo toa gây ra cho người dân, cũng như mức phạt không đủ tính răn đe bởi mức xử phạt là quá thấp so với thu nhập hàng tháng của mỗi nhà thuốc. Vì lẽ đó, có thể nói việc cấm bán thuốc kháng sinh không theo toa của Luật Dược 2016 chỉ để trưng cho sang, chứ không hề có tính ứng dụng trong cuộc sống. Hiện tại, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh nghiên cứu để ban hành thông tư về kê đơn thuốc. Trên đơn kế phải ghi họ tên đầy đủ của người mua thuốc, bị bệnh gì, dùng loại thuốc gì. Đến năm 2020, tất các nhà thuốc phải hoàn thành nối mạng. Đến đầu năm 2021 tất cả các quầy thuốc phải nối mạng và bị kiểm soát. Như vậy, phải đến 2021, tình trạng bán thuốc không theo toa mới bước đầu được giải quyết.
Nguồn tham khảo:

Sai lầm chết người khi tưởng uống nước chống được virus corona

Zaria Gorvett BBC Future 26-03-2020  


OtherBản quyền hình ảnhOTHER

Ban đầu, đã có những gợi ý kỳ quặc rằng căn bệnh này có thể chữa được bằng cocaine.
Sau khi những ý kiến sai lệch lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, chính phủ Pháp đã phải nhanh chóng ra thông cáo khẳng định rằng rõ ràng điều này là không đúng.
Sau đó lại có ý kiến cho rằng tránh ăn kem có thể có tác dụng, và buộc Unicef phải ra thông cáo rằng thông tin trên không đúng sự thật.
Cuối cùng là một thông tin cực kỳ nguy hiểm và sai lầm xuất hiện, cho rằng người ta có thể tránh được căn bệnh này bằng cách uống chất tẩy.
Mặc dù đại dịch coronavirus chỉ vừa mới xuất hiện vài tháng trước nhưng nó đã làm nảy sinh vô cùng nhiều truyền thuyết trên mạng và tin đồn thất thiệt về cách diệt trừ căn bệnh.
Có một ý kiến cho rằng uống nước có thể giúp tránh lây truyền bệnh. Còn sau đây là lý do giải thích vì sao điều này cực kỳ không đúng sự thật.
Những nội dung ban đầu được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội viết rằng chúng ta nên đảm bảo miệng và cổ họng luôn được giữ ẩm tốt, và uống nước mỗi 15 phút một lần.
Lý lẽ của việc làm này là nó có thể giúp gột rửa virus xuống thực quản, vì vậy virus có thể bị tiêu diệt bởi axit trong dạ dày ta.
"Cách này đơn giản quá mức, đơn giản là tôi không thể nào tin nổi," Kalpana Sabapathy, nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Bệnh Nhiệt Đới London cho biết.
Sabapathy giải thích rằng nhiễm trùng thường xảy ra sau khi ta đã phơi nhiễm với hàng ngàn hoặc hàng triệu hạt virus, vì vậy quét sạch vài hạt xuống thực quản không có nhiều hiệu quả gì cho lắm.
"Một lỗ hổng của ý kiến này là liệu bạn có đủ khả năng rửa sạch chúng trôi xuống bao tử hay không," bà chia sẻ. "Tới lúc đó thì có lẽ bạn đã có chúng trong lỗ mũi rồi, chẳng hạn thế, thì cách làm này hết sức ngu ngốc," bà giải thích.
Và chính tại đây xuất hiện thêm một trong những lỗ hổng chính của ý tưởng trên.
Ngay cả khi virus vẫn chưa tìm được đường đến với các tế bào trong hệ hô hấp của bạn, thì nó vẫn có cách lọt vào cơ thể theo cách khác. Trong lúc một số người có thể nhiễm bệnh vì họ chạm vào miệng bằng ngón tay đã bị nhiễm khuẩn, thì virus cũng có thể lọt vào cơ thể khi ta chạm vào mũi hay mắt.
Dù tình trạng này có xảy ra, người ta vẫn không cho rằng đây là con đường chính lan truyền bệnh. Thay vào đó, rủi ro cơ bản là khi ta hít vào những giọt siêu nhỏ có chứa hàng ngàn các hạt virus sau khi một người ho hoặc hắt xì - dù rằng chúng mới bắn ra hay đã lơ lửng trong không khí vài giờ sau đó.

Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionQuan điểm mới nhất cho rằng Covid-19 vẫn có thể sống sót dù đã đi qua dạ dày bạn

Và còn một lý do khác nữa khiến chiêu uống nước không có tác dụng.
Bạn có thể nghĩ rằng một khi hạt Covid-19 đã tìm được đường xuống bao tử bạn, nó sẽ chết ngay lập tức.
Rốt cuộc thì axit trong dạ dày có độ pH từ một đến ba, nó có độ mạnh ngang cỡ axit trong pin, nghĩa là có khả năng làm tan chảy thép. Vài năm trước, các nhà khoa học đã phát minh ra một cách dùng axit dạ dày làm nguồn năng lượng.
Nhưng virus có thể còn mạnh hơn thế.
Sau khi dịch Mers lan tràn ở Ả Rập Saudi vào năm 2012, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nguồn bệnh - là một loại virus corona bà con với Covid-19 - "có sức kháng cự khá tốt" đối với dịch lỏng axit khá nhẹ mà bạn có thể thấy bên trong dạ dày người vừa ăn xong.
Họ tìm thấy các dấu hiệu cho thấy virus có khả năng chiếm lấy phần ruột của bệnh nhân, và có thể dễ dàng chiếm hữu các tế bào trong ruột. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng căn bệnh có thể lây nhiễm theo cách này.
Hiện nay người ta vẫn chưa rõ liệu điều này có xảy ra với Covid-19 hay không.
Một số bệnh nhân cho biết họ có những triệu chứng như buồn nôn và tiêu chảy, và giờ đây các chuyên gia từ Trung Quốc cảnh báo rằng có dấu hiệu cho thấy căn bệnh có thể lây truyền qua đường tiêu hóa.
Theo một báo cáo, hơn 50% người bị nhiễm Covid-19 có virus trong phân, nơi nó vẫn tiếp tục lưu trú thời gian dài sau khi bị quét sạch khỏi phổi.

Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCó rất nhiều con đường mà Covid-19 có thể lọt vào cơ thể, vì vậy uống nước không có khả năng giảm nguy cơ nhiễm bệnh của bạn

Có lẽ thuyết phục nhất là cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu xem liệu uống nước có tránh được lây nhiễm Covid-19 hay không, vì vậy kỹ thuật này không dựa trên khoa học hay thông tin được chứng minh nào cả - mà chỉ là giả thiết mơ hồ.
Trong thực tế, nghiên cứu gần với thuyết này nhất có từ 15 năm trước.
Nghiên cứu đó tìm hiểu xem liệu việc súc miệng bằng nước có thể giúp tránh nhiễm khuẩn hô hấp hay không, vì cách này khá phổ biến tại Nhật Bản.
Họ nhận thấy rằng, trong vòng 60 ngày, người tham gia nghiên cứu súc miệng bằng nước ba ngày một lần quả thực ít có các triệu chứng về hô hấp hơn so với những người súc miệng với dung dịch sát khuẩn hay so với những người không súc miệng.
Tuy nhiên, phát hiện này không hẳn có thể ứng dụng với Covid-19, và thật nguy hiểm nếu ta mặc định cho rằng chúng có tác dụng.
Đầu tiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên, hầu hết là liên quan đến khu vực xoang mũi, cổ họng và đường thở, trong khi Covid-19 có thể gây nhiễm khuẩn khu vực đường hô hấp bên dưới, xâm nhập vào khu vực ngực và phổi.
Thứ hai, rất đáng lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu khá nhỏ, và người tham gia được yêu cầu tự đánh giá và báo cáo dấu hiệu của họ (thay vì được kiểm tra khách quan), và người tham gia biết họ nằm trong nhóm nào.
Nghiên cứu kiểu này thường được cho là kém tin cậy hơn tiêu chuẩn vàng - là thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng giả dược.
Sabapathy cho rằng, tuy việc khuyên bảo mọi người giữ cho miệng luôn ẩm và uống nước 15 phút một lần nghe có vẻ vô hại, nhưng ta cần phải nhanh chóng giải mã ngay lời khuyên sai lệch này.
Nguy hiểm nằm ở chỗ ảo tưởng an toàn lầm lạc mà lời khuyên gây ra. "Có những người nghĩ rằng cứ làm theo vậy thì họ sẽ ổn," bà cho biết. "Nó làm chệch hướng những thông điệp quan trọng hơn nhiều."
Rất nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận tốt nhất vẫn là tránh có tiếp xúc xã giao không cần thiết và luôn rửa tay. Vì vậy lời khuyên của bà là bỏ bình nước xuống và cầm xà bông lên.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Vũ Đức Đam lại ‘nổ’: ‘Quyết tâm không có tới 1,000 ca nhiễm COVID-19’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo thì chắc chắn sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1,000 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam,” ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng CSVN được báo Zing hôm 27 Tháng Ba dẫn lời.
Lập luận này được ông Đam giải thích là do Việt Nam “đã có nhiều giải pháp và đến nay các giải pháp đó rất hiệu quả,” thông qua việc kiểm soát tốt các ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm tàng để khoanh vùng.
Ông Đam, người đang kiêm nhiệm ghế lãnh đạo Bộ Y Tế CSVN không quên nhấn mạnh rằng công tác chống dịch COVID-19 “nhận được các chỉ đạo của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Chính Phủ, Thủ Tướng, Ban Chỉ Đạo Quốc Gia” đúng theo chủ trương trước đó mà nhà cầm quyền khẳng định “cả hệ thống chính trị vào cuộc.”
Cũng theo báo Zing, ông Đam “đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, đến bệnh viện; chỉ đạo công an phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để theo dõi sức khỏe của người dân trên địa bàn.”
Trước khi đưa ra phát ngôn mới nhất liên quan đến COVID-19 trên truyền thông nhà nước, Phó Thủ Tướng Đam gần như lu mờ trước các chỉ đạo liên tiếp của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc và Chủ Tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Trái ngược với hình mẫu được báo đảng ca ngợi như là “tư lệnh viên chống dịch,” ông Đam bị dân mạng cười nhạo khi liên tiếp xuất hiện nhiều bài thơ, bài hát “nâng bi” ông trơ trẽn với những câu: “Ngủ một chút đi anh, không người nào bị bỏ lại phía sau…”
Dường như những người đang mải mê ca ngợi ông Đam quên mất rằng ông chính là người từng mạnh miệng tuyên bố hôm 4 Tháng Ba: “Nếu trong một tuần tới không có ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam, thì theo quy định, chúng ta sẽ công bố hết dịch.”
Nữ nhân viên siêu thị Điện Máy Xanh, bệnh nhân thứ 35, được xác nhận “chữa khỏi COVID-19” hôm 27 Tháng Ba. (Hình: Zing)
Trước đó, hồi cuối Tháng Hai, ông Đam được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời: “Dù có sự so sánh Việt Nam với nước khác, cho rằng Việt Nam đã làm tốt hơn, và dù ít nói đến điều này nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19.”
Các phát ngôn này cho thấy dù được ông Nguyễn Xuân Phúc giao trọng trách đứng đầu Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch COVID-19 của chính phủ, ông tỏ ra khá hồ đồ và chủ quan về diễn biến, chủ yếu đưa phát ngôn để mị dân.
Trong một diễn biến khác, hôm 27 Tháng Ba, ba bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng gồm hai người Anh và một nữ nhân viên siêu thị Điện Máy Xanh được cho xuất viện.
Theo các báo nhà nước, các mẫu bệnh phẩm những người này được xác nhận “âm tính, không còn các triệu chứng lâm sàng liên quan đến COVID-19 trong ba lần lấy mẫu.”
Cùng thời điểm, trang Thông Tin Chính Phủ trích dẫn một số tiêu chí để cho những người nhiễm COVID-19 ra viện: “Cải thiện các dấu hiệu lâm sàng, cần có hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tỵ hầu và dịch họng), lấy cách nhau hơn 24 giờ âm tính với virus COVID-19. Sau khi ra viện, những người này tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày nữa. Họ cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt hai lần mỗi ngày và khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.” (N.H.K)

Phó chủ tịch Pleiku bị ‘cảnh cáo’ và điều tra vẫn lên chức sếp Sở Xây Dựng

Ông Nguyễn Kim Đại đang bị điều tra nhiều tội vi phạm về quản lý đất đai. (Hình: Tạ Vĩnh Yên/Giao Thông)
GIA LAI, Việt Nam (NV) – Dư luận đang bàn tán, nghi ngờ việc bổ nhiệm ông phó chủ tịch thành phố Pleiku về làm phó giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Gia Lai, trong khi đã bị kỷ luật Cảnh cáo” và đang bị công an điều tra do vi phạm về đất đai.
Theo báo Tiền Phong, ngày 27 Tháng Ba, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai đã có quyết định điều động ông Nguyễn Kim Đại, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Pleiku giữ chức phó giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Gia Lai. Theo quyết định, ông Đại sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 1 Tháng Tư, 2020.
Tuy nhiên, theo báo Người Lao Động điều khiến người dân bất bình là trước đó ông Nguyễn Kim Đại đã bị kỷ luật “Cảnh cáo” do liên quan đến việc phân lô, bán nền trái quy định tại thành phố Pleiku.
Thanh Tra tỉnh Gia Lai đã kết luận khi làm phó chủ tịch thành phố Pleiku, ông Đại đã mắc nhiều sai phạm khi ký ba tờ trình đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016, 2017, 2018 của thành phố. Trong đó có những vị trí “không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây dư luận xấu.”
Chưa hết, ông Đại còn ký ban hành 13 quyết định thu hồi đất cho cá nhân mở đường không đúng quy định. Các quyết định này tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi cho việc phân lô, bán đất nền.
Nhiều vị trí không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại thành phố Pleiku bị ông Đại phân lô, bán nền trái quy định. (Hình: Hoàng Thanh/Người Lao Động)
Trong chỉ đạo, điều hành, ông Đại có lúc chưa kịp thời, thiếu sâu sát, để một số xã, phường, phòng, ban chức năng buông lỏng lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, dẫn đến sai phạm…
Hậu quả việc làm này là có tới 1,523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền, với 21 vị trí tại 10 phường, xã có diện tích lên đến 33 hécta. Chính vì vậy “đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch đô thị thành phố Pleiku năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.”
Sau khi có kết luận của Thanh Tra tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch tỉnh Gia Lai đã giao nhiệm vụ cho Công An tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ sự việc.
Xác nhận với báo Người Lao Động ngày 27 Tháng Ba, ông Mai Văn Hoàn, trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi Trường Pleiku, cho biết “vụ việc này công an tỉnh Gia Lai vẫn đang điều tra, chưa có kết luận. Phòng Tài Nguyên đang ở ‘thế khó’ trong việc giải quyết hậu quả của những vị trí phân lô, bán nền trái phép.”
Nói với báo Tiền Phong ông Trịnh Duy Thuân, bí thư Thành Ủy Pleiku, giải thích: “Việc bổ nhiệm này hoàn toàn đúng quy trình vì ông Đại đã hết thời gian xử lý kỷ luật. Với lại chức vụ phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân với phó giám đốc Sở Xây Dựng là tương đương. Quá trình bổ nhiệm cũng đã có văn bản của các cơ quan, đơn vị rồi.” (Tr.N)
Theo Người Việt

Hà Tĩnh: Cơ sở mua tôm thối ‘hô biến’ thành tôm nõn bán ra thị trường



Tại hiện trường, hàng trăm ký tôm chết bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy. (Hình: VTV)

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Một cơ sở ở xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, chuyên thu mua tôm thối mang về sơ chế thành tôm nõn với hàng trăm ký mỗi ngày để mang ra thị trường tiêu thụ với giá cao.
Ngày 27 Tháng Ba, xác nhận với báo VTV Đài Truyển Hình Việt Nam, Phòng Cảnh Sát Môi Trường Công An tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đã phát hiện một cơ sở chuyên thu mua tôm chết đã bốc mùi hôi thối mang về chế biến thành tôm nõn đưa ra thị trường tiêu thụ hàng trăm ký mỗi ngày.
Cụ thể, khoảng 11 giờ 30 phút sáng ngày 26 Tháng Ba, lực lượng Cảnh Sát Môi Trường kiểm tra cơ sở của ông Trần Văn Ngô (48 tuổi, ở xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên) đang thu mua, sơ chế gần 200kg tôm. Tại thời điểm kiểm tra, công an thấy có nhiều thùng xốp đựng tôm đã bốc mùi hôi thối, một số tôm đã sơ chế thành tôm nõn chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tôm chết sau khi được tẩy rửa, sơ chế để làm tôm nõn. (Hình: Quang Phong/Pháp Luật Plus)
Khai với lực lượng hữu trách, ông Ngô cho biết mình thu gom tôm chết từ các hồ nuôi tôm ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà,… với giá 10,000 đồng ($42 cent)/kg, sau đó đưa về bóc vỏ, tẩm ướp, sấy khô  biến thành tôm nõn rồi bán ra thị trường với giá từ 120,000-150,000 đồng ($5.10-$6.38)/kg. Mỗi ngày, cơ sở thu mua hàng trăm ký tôm chết để chế biến.
Tôm nõn là loại đặc sản được làm từ tôm sú tươi bóc sạch vỏ, cắt bỏ đầu rồi phơi khô cho sạch nước dưới nắng mặt trời để giữ nguyên mùi vị đậm đà, thơm ngon nhất mà không mất đi nhiều chất dinh dưỡng vốn có của tôm tươi.
Đây là loại đặc sản rất được ưa thích ở các tỉnh ven biển Việt Nam như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang. (Tr.N)


Cấm dân tụ tập đông người, Đảng tưng bừng đại hội

Gió Bấc/2020-03-27 
Hình minh hoạ. Viên công an đứng canh trước tấm áp phích kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 3/2/2020
Hình minh hoạ. Viên công an đứng canh trước tấm áp phích kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 3/2/2020-AFP
Chính phủ đang kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống dịch do virus Vũ Hán mà yếu tố hàng đầu là hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người.
Ý thức trách nhiệm với cộng đồng, Tòa Giám Mục Sài Gòn thông báo tạm ngừng hành lễ trong mùa dịch, Giáo hội Phật Giáo cũng thông báo tổ chức lễ Phật Đản đơn giản.
Trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu, bích chương nhắc nhở lẫn nhau hạn chế đi lại. Thế nhưng có một tổ chức duy nhất ngạo nghễ đứng trên các quy định ấy. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tưng bừng tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở từ thành phố đến nông thôn, quy tụ hàng trăm người.
Điển hình của tệ trạng này chính là Nghệ An, quê hương Xô Viết, quê Bác kính yêu.
Tuy chưa phát hiện có ca nhiễm virus Vũ Hán tại địa phương, nhưng Nghệ An có rất nhiều nguy cơ: Ca nhiễm thứ 137 đang điều trị ở Hà Nội là người gốc Yên Thành Nghệ An; 12 người Nghệ An có mặt trên chuyến bay có người dương tính với virus Vũ Hán vẫn đang còn đang bị truy tìm tông tích; nguy cơ thứ 3 của Nghệ An là 72 người từ Lào trở về đang được cách ly và làn sóng những người từ Lào trở về tiếp tục gia tăng.
Đền thờ ông Hồ Chí Minh, tượng Lê Nin không phải là thuốc vạn năng để chống virus Vũ Hán, lý luận Mác Lê lại càng không. Chỉ có thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống mới tránh đươc nguy cơ bùng phát.
Thế nhưng, trên trang chủ website Truyền hình Nghệ An ngày 26-3, người ta đọc thấy không khí tưng bừng đại hội đảng bộ cở sở của tỉnh. Chỉ tính trên trang này, trong 2 ngày 25 và 26-3 có đến 9 đơn vị xã phường tổ chức đại hội đảng cơ sở như xã Quỳnh Thắng của huyện Quỳnh Lưu, xã Nghi Kim TP.Vinh, xã Hữu Kiệm huyện Kỳ Sơn,….(1)
Các cuộc đại hội này đều tổ chức trong phòng kín, máy lạnh, tập trung trên dưới 100 người là những điều kiện tối ưu để dịch lây lan, bùng phát.
Việc làm này không tự phát mà có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất. Trong cuộc họp Bộ Chính Trị chỉ đạo về công tác phòng chống dịch virus Vũ Hán ngày 20-3, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sau đó là văn bản, chỉ đạo việc chống dịch phải gắn với đại hội đảng cơ sở “Các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và các nội dung chỉ đạo trong điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 14-3-2020 về tổ chức đại hội Đảng cấp cơ sở.
Trong thời điểm khó khăn và phức tạp này, Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch COVID-19”. (2)
Điều thật khó hiểu là mỗi đại hội đảng bộ cơ sở quy tụ ít nhất từ hàng chục tới trên dưới 100 người, thời gian làm việc của mỗi đại hội tối thiểu cũng 8 tiếng đồng hồ, đương nhiên là trong những phòng máy lạnh. Điều này hoàn toàn trái ngược với biện pháp cơ bản của phòng chống dịch là tụ tập đông người. Đại hội đảng hoàn toàn là công việc chủ quan, đâu phải chuyện xuống giống cho kịp mùa vụ hay gieo tinh heo bò mà phải thúc bách thời gian ngay trong cao điểm thời cơ vàng chống dịch.
Nếu dịch chỉ bùng phát giới hạn trong thành phần ưu tú của đảng thì đó là điều đáng mừng với dân tộc, xin mời giai cấp lãnh đạo cứ tha hồ đại hội ăn chia chức vụ vai vế tranh giành ngôi thứ. Nhưng rất tiếc là dịch không tha một ai. Chỉ riêng một Phó Chủ Tịch Hội Đồng Lý Luận trung ương bị nhiễm đã liên quan đến 500 người khác.
Vấn đề thứ hai không kém quan trọng là tình trạng bất nhất, Chính phủ và các Bộ Ngành liên quan bù đầu vắt óc tìm giải pháp chống dịch thì Đảng lại chỉ đạo làm trái ngược. Chống dịch như chống giặc mà Đảng và Chình phủ chỏi nhau thì làm sao thắng giặc?
Ngay ngày 26-3, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo cụ thể hơn ít nhất trong 2 tuần tới, yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người” (3)
Ác thay, có lẽ về thẩm quyền ông Phúc chỉ có thể chỉ đạo chính quyền các cấp, còn đảng thì vẫn đứng ngoài cuộc chơi chống dịch tiếp tục thực hiện chỉ thị 135 của Ban Bí Thư và chỉ đạo ngày 20-3 của BCT.
Bức xúc trước thực trạng oái oăm này, bà Nguyễn Thế Thanh, cựu TBT báo Phụ Nữ TP.HCM đã đưa thông tin về chỉ đạo của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và viết trên Facebook “Đây, thưa các anh chị lãnh đạo chính trị cấp phường đang khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện những cuộc tụ tập chắc chắn đông trên 20 người ! Ở Nga, ông Putin quyền lực ngút trời đã vừa cho tạm hoãn thời hạn trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp mà Duma đã hợp ý. Theo hiến pháp sửa đổi này, ông Putin có thể ở ngôi suốt đời !” (4)
Nhưng cũng có địa phương xé rào, không theo ý chỉ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngày 26-3, Thành ủy Đà Nẵng có Công văn 4095-CV/TU về tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Công văn yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị tại Đà Nẵng tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP.
Các cấp ủy Đảng tạm hoãn việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở, kể cả đại hội điểm cho đến khi có chỉ đạo mới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất” (4)
Nhân mùa đại dịch chúc đại hội đảng cơ sở và trên cơ sở thành công tốt đẹp. Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
  1. https://truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/dai-hoi-dang-cac-cap/202003/dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-xa-quynh-thang-quynh-luu-nhiem-ky-2020-2025-7fe1720/
  2. https://tuoitre.vn/bo-chinh-tri-kien-quyet-kiem-soat-lay-nhiem-covid-19-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-dan-20200321191805048.htm
  3. https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-tam-dung-moi-cuoc-hoi-hop-tap-trung-tren-20-nguoi-899979.html
  4. https://plo.vn/dich-covid-19/da-nang-hoan-het-dai-hoi-dang-bo-co-so-de-chong-dich-covid19-900123.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do