Sunday, May 1, 2016

Cá chết, rồi Cộng cũng chết


Hôm nay cá chết trắng bờ.
Ngày mai cộng sản đến giờ chết theo!

Lúc đầu, tôi không có ý định viết về chuyện cá chết tràn ở bờ biển Hà Tĩnh - Nghệ An, dù rằng, nó đã và đang làm tổn hại đến đời sống thường nhật của người dân. Tôi không muốn viết gì chỉ vì cái gai nhọn, cái xương cá ngác cắm ngập vào cổ người dân mình là Hồ Chí Minh, là cái tập đoàn lãnh đạo của nó. Với những cái vảy như Võ tuấn Nhân, Trần hồng Hà… thì đáng gì để mà nhắc tới. Nhưng rồi, tôi phải viết. Viết vì nỗi thống khổ của người dân đang bị lớp vảy cá đáng ghê tởm kia gây thêm nhiều bất hạnh. Viết vì nó lại trùng hợp với những ngày tháng 4 đen của 41 năm về trước.

1. Điểm lại đôi nét vào những ngày đầu tháng 4-1975.

- Từ 10/3 – 13/3: CS đánh Ban Mê Thuột.

- Ngày 14/3: rút quân từ cao nguyên về duyên hải.

- Ngày 16/3 đến ngày 1/4: Triệt thoái khỏi Pleiku, Kontum. Máu quân dân miền Nam ngập các tuyến đường 7,9, 10 vì những cuộc pháo tràn, pháo dập của cộng quân đuổi theo sau. Người ta sẽ không bao giờ có thể thống kê được số nhân mạng của quân dân miền Nam đã chết trên quãng đường chạy loạn này.

- Ngày 24/3: TT. Hoa Kỳ Gerald Ford tuyên bố tại đại học Tulane, Louisiana: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc đối với Hoa Kỳ”. Tin này gây chấn động cho miền Nam Việt Nam. Và cùng ngày 24/3 CS Bắc Việt ra lệnh tổng tấn công.

- Ngày 25/3: TT Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút lui khỏi Huế. Hàng triệu đồng bào không quên thảm cảnh Tết Mậu Thân đã ùn ùn kéo nhau di tản về Đà Nẵng ngang qua đèo Hải Vân. Rồi Máu người dân chạy loạn loang đỏ ở Tư Hiền, Đà Nẵng, Nha Trang… vì pháo của cộng quân ập theo sau. Không ai, không một sổ sách nào có thể kiểm tra được danh tánh cũng như số nhân mạng đã bị chết chìm trong thảm nạn Cộng quân bắn tràn trên đường lộ hay ra cửa biển. Thảm nạn còn tệ hơn đại lộ kinh hoàng vào năm 1972.

- Ngày 21 tháng 4: rút bỏ Xuân Lộc, vòng đai phía Đông Sài Gòn bỏ ngỏ…

- Ngày 30-4-1975, vào khoảng 9 giờ 30 trận chiến cuối cùng ở ngã tư Hàng Xanh. Khoảng 10giờ 30 Sài Gòn rơi vào tay cộng sản.

Ngày 1-5- 1975. Miền tây, vùng IV vĩnh biệt những Danh Tướng vì Tổ Quốc… Sông nước Việt Nam từ đây rơi vào vòng tay của tập đoàn cộng phỉ bắc việt. Câu chuyện này là bài học đắng cay ngàn đời cho Việt Nam. Tại sao? Câu trả lời chính là cuộc sống của người dân sau 41 năm.

2. Chuyện sau ngày Việt cộng nhuộm đỏ Sài Gòn.

Ở trên là những giờ khắc định mệnh tang thương của dân tộc Việt Nam, nơi bị nhuộm đỏ bằng máu và nước mắt cách nay đúng 41 năm. Nay nhìn lại, sự bất hạnh cho dân tộc Việt Nam từ giờ phút ấy không phải chỉ là những xác chết vì tầm pháo và mã tấu của Việt cộng gây ra. Nhưng chính là những cuộc pháo cuồng của tập đoàn này đã làm cho tan tành ước mơ Tự Do, Độc Lập, Hòa Bình và Công Lý của người Việt Nam. Dĩ nhiên, nỗi bất hạnh ấy chưa phải là cái đoạn kết mà tập đoàn cộng sản dành cho người Việt Nam. Nó mới chỉ là đoạn mở đầu trong chương xin làm nô lệ cho Tàu cộng theo sách lược của tập đoàn bán nước Hồ chí Minh đang mở ra. Nó mở ra với nhiều thảm nạn cho dân tộc Việt Nam như:

a. Tiêu diệt cuộc sống và nhân sinh quan Tự Do, Độc Lập của dân tộc:

Sau ngày cộng sản chiếm Sài Gòn là cảnh hàng trăm ngàn sỹ quan, công chức của Việt Nam, Những người suốt đời, thậm chí lấy máu xương bảo vệ Tự Do, hoài bão Độc Lập, Tự Chủ của dân tộc Việt Nam bị Việt cộng ôm súng của Tàu Nga, lùa, càn, đưa vào trong các nhà tù nơi rừng hoang nước độc, không một tiện nghi để sống. Kế đến, là hàng triệu triệu người dân bị chúng truy đuổi ra khỏi thành phố để chúng cướp lấy nhà, lấy tài sản của họ. Rồi hàng triệu, triệu người bỏ nhà bỏ cửa ra đi tìm Tự Do. Hàng trăm ngàn người đã không bao giờ tới bến ước mơ và cũng không có cơ hội quay về nhà. Hàng triệu người khác lại vào tù. Khi ấy, nhìn vào cuộc sống là nỗi bi thương, khốn cùng. Ngó lên, nỗi uất nghẹn sau cùng giết chết cuộc sống của toàn dân Việt là cái lá cờ đỏ của Phúc Kiến lơ láo được chúng treo lên trên bầu trời Việt Nam. Từ đó, chúng gọi là giải phóng. Nghĩa là, người Việt Nam từ đây được giải phóng khỏi cuộc sống Tự Do, Độc Lập, Công lý và Ấm No, Hạnh Phúc, rồi được thay thế theo bối cảnh làm nô lệ cho lá cờ Phúc Kiến của tập đoàn cộng sản bắc Việt.

b. Công bố sách lược trong ý thức cộng sản:

Trong khi người Việt Nam còn bàng hoàng vì cuộc sống bước vào vòng nô lệ. Từng đoàn xe Môlôtôva của cộng quân vội vàng vào Nam và vơ vét đem về miền Bắc tất cả những gì chúng có thể vơ vét được. Nhỏ thì từ cái đinh, cái bát ăn cơm, miếng ván, tấm tôn. Lớn thì như ranh ngôn chúng loan truyền cho nhau là: Điện Đài Đá Đổng Đạp… Khi ấy, các đoàn đảng viên cán bộ Cộng sản từ trung ương cho đến địa phương rỉ tai nhau: Nhớ đấy, trong tay chưa có điện đài đá đổng đạp của miền Nam thì chưa thể thành đồng chí của bác!

Kết quả, sách lược “cướp của người làm của ta” của cộng sản đã tạo nên một cuộc “Đại thắng Mùa Xuân” ở miền Nam. Người dân Nam Việt ngơ ngác rồi kinh hoàng vì những chuyến xe chở hàng từ Nam ra Bắc trong tiếng cười ngạo nghễ của những hàm răng bừa, được che úp một nửa bởi cái mũ cối! Khi viết, nhắc lại câu chuyện này, tôi không muốn mỉa mai, khinh miệt ai. Nhưng muốn dùng những sự kiện này để chứng mình đây không hẳn là hành động của cá nhân nào, nhưng chính là việc muốn vạch trần ra sách lược “cướp của người là của ta” của cộng sản. Một sách lược do họ chủ trương và thực hiện tại miền nam và sau này nó trở thành sách trị quốc của chúng. Sách lược này, lẽ dĩ nhiên, nó đã và sẽ tồn tại cho đến khi nào cái chủ nghĩa này bị loại trừ ra khỏi xã hội.

Trước những cảnh cướp giựt này, anh em tôi hoang mang hỏi bà cô vừa vào từ miền bắc (tháng 7-1975). Cô tôi bảo: “Thế đã ăn thua gì? Khéo mà cái quần phơi chưa khô cũng đã bị chúng lấy mất”. Anh em tôi phì cười. Cô tiếp: “Nếu mà phải nhốt, thì nhà tù đâu mà chứa. Từ các văn phòng, các của hàng các hợp tác xã, từ nha phủ bộ trở xuống sẽ không có một kẻ nào thoát lưới! Nhà đâu mà chứa trộm cướp”. Câu chuyện là thế. Chúng tôi le lưỡi nhìn nhau. Nay xem ra, điều cô tôi nói chỉ là chuyện mở đầu thôi. Tại sao ư? Hãy nhìn căn nhà của Nguyễn văn Quý, trưởng công an huyện Bình Chánh sẽ thấy cái khả năng “truyền nghề” của chúng ra sao? Lương cán bộ thế nào mà cái nhà như thế? Hãy nhìn lại cảnh cũ xem sao? Có lẽ, không có một vị bộ trưởng, tướng tư lệnh vùng nào của miền nam trước kia mà có được một căn nhà riêng như của viên công an huyện này!

Đó chỉ là một thí dụ nhỏ, trong muôn một để dẫn chứng về nghề của chúng và nói lên cái uất nghẹn đau thương của người dân sống trong nước nô lệ CS ra sao mà thôi. Thực tế, chúng ta không thể kiểm chứng về chúng, và cũng không thể đong đếm được những đau thương mà người dân ngày đêm phải gánh chịu. Chỉ riêng trong tháng này, chuyện cá chết dọc bờ biển miền Trung là một thí dụ.

3. Người ta nói gì về chuyện cá chết?

Có lẽ, một chuyện không ai ngờ được là đứng trên đất nước Việt Nam, đứng trước một tai họa lớn do chính chúng gây ra mà một tên phó Giám Đốc người Hoa, dám vung tay phùng miệng thách đố: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay là nhà máy, hãy chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”! Hãy hỏi xem, với tư cách nào để y dám nói kiểu trên đầu trên cổ như thế? Hỏi xem, có phải cấp hạng thủ tướng Việt cộng cũng chỉ là tôi tớ của chúng hay không? Nếu không, Y dám càn dở như thế ư?

Nhớ lại, 41 năm trước, toàn dân trong đau thương khi tập đoàn tay sai của Tàu cộng dập tràn pháo. Nay cũng tháng tư, đau thương cũ chưa quên, lại được tiếp thêm thuốc độc của Tàu. Trước mắt là nạn cá chết dọc biển, sau là đến người Việt Nam ăn cá biển. Câu chuyện này, ai cũng biết thuốc độc từ khu nhà máy Formosa của Tàu thải ra, giống như nhờ bom đạn pháo của Tàu mà người Việt Nam mất Độc Lập, mất Tự Do, tiêu Công Lý. Tuy nhiên, chúng không bao giờ dám nói lên sự thật ấy. Trái lại chỉ là những quanh co dối trá quen mồm.

Tuy nhiên, khi tang thương chưa có dấu hiệu ngừng lại, những cánh chim trời dần thưa thớt và mất bóng dọc theo các làng chài ven biển làm cho cho lòng người đau xót thêm. Nơi nơi, người Việt Nam ngơ ngác nhìn nhau: 

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn.

Ngờ đâu, khi câu hỏi chưa tròn, những cánh tay cầm búa đã vang lên:

“Tắt máy. Tắt máy (im mồm, im mồm) nhá! Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó là tổn hại cho đất nước mình”! (Võ nhân Tuấn)

Hỡi ơi, người dân đặt câu hỏi với người được coi là có trách nhiệm về chuyện cá chết dọc biển là chuyện rất thường. Có ai ngờ, quan cán nhớn khi nghe hỏi, phải lau mồ hôi trán, nói vội một câu rồi bỏ chạy. Họ chạy, người dân biết hỏi ai đây? Họ là quan chức Tổng, Bộ trưởng của nhà nước “độc nập” Việt cộng hay làm quan cán nô lệ cho Trung cộng đây? Xem ra, qua câu chuyện này, người ta hiểu ra rằng: Cái gông trong cổ người dân do Việt cộng trao tặng còn nhẹ hơn Cái ách do Tàu đặt vào cổ của bọn quan cán Tuấn, Hà hay nhóm Trọng Dũng Sang Hùng… nhiều! Tội nghiệp chưa!

Nhớ hôm rồi, sau khi đọc bản tin nhớn này, bạn tôi bảo: “loại ăn càn nói bậy này mà xuất hiện ở những nước phương tây như Mỹ Canada, Úc hoặc Anh Đức Pháp… thì Y chưa về đến nhà đã nhận được điện xa thải rồi”. Còn nơi đây, tại sao họ không thể rõ ràng hơn? Hoặc giả, cứ theo lời nhận tội của tập đoàn Formosa kia mà truy cứu. Nên nhớ, khi họ cúi đầu nhận trách nhiệm là đã có đủ lý chứng để buộc trách nhiệm rồi. Bởi lẽ, nếu không làm điều sai trái, họ kéo nhau ra đó cúi đầu làm chi? Chẳng lẽ để diễn tuồng? Chuyện đơn giản là thế, cấp có quyền hạn không biết xử trí thì để họ ngồi ở đó làm chi? Chẳng lẽ:

a. Kẻ ác luôn đi theo cái bóng của nó?

Ai cũng biết, thành phần trí thức xã hội của Việt Nam đã bị đấu tố, đã bị đào tận gốc, trốc tận rễ từ những năm 1953-1956 rồi. Từ đó, hầu như tất cả mọi trí thức vì xã hội, vì con người đã bị tận diệt. Hoặc giả, họ không thể tồn tại để có chỗ đứng trong chế độ CS. Điển hình như những trường hợp Lê thị Công Nhân, Lê công Định, Nguyễn văn Đài… đều bị lớp sâu bọ dùng cái bằng đảng viên để loại họ ra khỏi vòng sinh hoạt của xã hội. Thay vào đó là từng hàng, từng lớp cũng áo giáp cân đai với hàm tiến sỹ, thạc sỹ nhưng do tập đoàn Việt cộng ôn tập, cấp giấy hoặc chụp cho cái nón và nằm dưới sự điều động của chúng. Kết quả, tập thể này được đánh giá như một bầy sâu múa kiếm chém người bằng cách này hay cách khác để tùng phục cộng sản, phản bội cuộc sống của con người. Để đưa đến nghiệt ngã hôm nay là:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay. (Trần thị Lam, Hà Tĩnh)

Lời như thật. Quả là những đắng cay, uất nghẹn. Nhưng cũng đầy mỉa mai khinh miệt. Tuy nhiên, chẳng có gì lạ trên đất nước này sau ngày Việt cộng vào đây. Bởi vì, Phạm văn Đồng, một thủ tướng tại vị lâu năm nhất của cái chế độ ấy đã công bố “định luật” mang tính khoa học XHCN cho dân biết là: “Một ký rau muống có chất bổ dưỡng ngang một ký thịt bò”! Một đất nước với những “thiên tài” tật bệnh như thế thì sinh mạng con người dĩ nhiên “chỉ như cái móng tay” thôi, cô giáo ạ! Cô bằng lòng vậy nhá!

b. Loài ký sinh không bao giờ biết đến tội ác của mình.

Những con vi trùng, vi khuẩn như trùng lao trùng dịch, có bao giờ biết đến tội ác của chúng khi chúng tiêu diệt mạng sống con người không? Không, hoàn toàn là không? Chúng hành sử theo bản năng sinh tồn trong dạng chúng được sinh ra. Chúng chỉ có một cái đầu là đục khoét phá hoại nhân sinh bằng phương cách mà chúng đã được sinh ra và tập nghề. Chúng hầu như không hề biết là việc lao đầu vào tìm sống cho mình trở thành một đại họa cho con người. Như thế, “tội ác” của chúng xem ra còn thua kém cái tàn độc, bất nhân, bất nghĩa của những Hồ chí Minh, Trường Chinh… và những cái vẩy của chúng nhiều lần. Kém vì bản thể của các loại vi trùng lao, vi trùng dịch hạch theo nhau nẩy nở, thênh thang sống và tàn giết đối phương vì bẩm sinh theo giống loài. Trong nó không hề có cái ý thức hủy diệt nhân bản con người như Mác, Lê, Mao, Hồ và đệ tử của chúng. Dẫu vậy, con người cũng không bao giờ dung dưỡng khoan nhượng để có cuộc hòa giải và sống chung với loài ký sinh. Nhưng phải tiêu diệt nó. Đó là lý do để bác sỹ Heinrich Koch cũng như Penicilline xuất hiện. Rồi ở Balan, Hungary đã có những Lech Walesa,Németh Miklós đưa trùng cộng sản về bên kia và đem sự sống lại cho con người.

Thế giới đã có nhiều đổi thay, Việt Nam thế nào đây? Liệu có ngủ yên trong đáy mồ cộng sản không? Không, không bao giờ. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ không phải nằm chờ trong ngõ tối bi quan. Trái lại, chuyện cá chết dọc bờ biển miền Trung trong những ngày qua, trước mắt là những thiệt hại cho đất nước và nó đang tạo nên thêm những thống khổ cho người dân. Tuy nhiên, khi nhìn vào cuộc xoay vần của lịch sử, chúng ta sẽ thấy đoạn kết tốt đẹp của ngày mai đang đến. Việt Nam sẽ không bao giờ nằm ngủ yên trong ngục tù cộng sản. Cá chết vì thuốc độc của chúng gieo rắc, bản thân của cộng sản cũng sẽ không tồn tại.

Hỡi thanh niên Việt Nam, 41 năm sống trong gông cùm CS đã quá nhọc nhằn khổ đau rồi. Đã đến giờ người Việt Nam phải nắm lấy tay nhau. Hãy đứng dậy đi! Hãy cùng nhau đập nát gông cùm cộng sản để giải phóng Dân Tộc và đem nguồn sống mới trong yên vui thái bình về cho đất nước thân yêu của chúng ta.

30-4-2016

Chiến tranh, anh tôi và đứa con thất lạc

Lê Ngọc Anh-04-29-2016

Bài viết này như một nén hương để tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên đường chạy loạn 1975 nói chung và tại Tỉnh lộ 7 Phú Bổn nói riêng

Tôi nghĩ là người Việt Nam thì ai ai cũng có cảm nhận về chiến tranh và thân phận con người trong thời chiến. Có thể cách cảm nhận và suy nghĩ khác nhau vì mỗi người một hoàn cảnh và họ sống ở những địa phương mà tình hình chiến sự không giống nhau.

Những người này sống ở những thành phố mà họ chỉ biết đến chiến tranh qua báo chí, cáo phó, hay qua sự ra đi của bạn bè, người quen. Người kia sống ở nơi mà chiến tranh xảy ra bên cạnh họ, ngay trước mắt họ. Hằng ngày họ quen mắt với máy bay lên xuống liên tục, tiếng đạn pháo, những chiếc chiến xa chuyển động, những chiếc GMC chở đầy lính. Những vành tang trắng, những góa phụ đôi mươi, những người chưa kịp lên xe hoa đã là góa phụ... Tiếng tre khóc măng và sự cô đơn bơ vơ của những đứa trẻ côi cút.

Người ta sống và chết vội vã như nhau. Lứa tuổi của chúng tôi là lứa tuổi sống trong chiến tranh và trưởng thành trong chiến tranh. Chiến tranh như cơn sóng thần, cuồn cuộn dâng cao, ập tới và nhận chìm tất cả. Cuốn phăng đi, không còn một dấu vết, mà khoảng khắc trước đó hiện hữu.

Chiến tranh với tôi như một trận hỏa hoạn, thiêu hủy, đốt cháy một cách tàn bạo. Người ta chỉ kịp mang theo những gì gần nhất có thể mang. Người ta chạy để không bị thiêu đốt, người ta nhìn ngọn lửa mà bất lực và tuyệt vọng. Những gì quí giá và thân thiết cũng chỉ là một đống tro tàn.
Người Sài Gòn di tản trong ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam (Hình: www.kpbs.org)

Chiến tranh như một trận cuồng phong hay lốc xoáy, cuốn hết mọi thứ trên mặt đất, cuốn theo mọi số phận, cuốn lên cao rồi quật xuống. Khi cơn lốc dừng lại thì mọi thứ đã bầm dập tả tơi.

Chiến tranh như bóng đêm dày đặc trùm xuống đời chúng tôi, chúng tôi quờ quạng tìm nhau trong đau đớn. Hệ lụy của chiến tranh là người ta đồng loạt vào tù, người ta đồng loạt chết ngoài biển khơi, và người ta tức tưởi xa nhau. Chiến tranh đã làm bố mẹ tôi bao lần chạy loạn, trắng tay rồi xây dựng và làm lại từ đầu... rồi lại trắng tay và đau xót nhìn tất cả công lao khó nhọc của mình gầy dựng, chốc lát tan như bọt nước. Hệ lụy của chiến tranh còn ở mãi trong những cơn mộng dữ, ở những chuyện muốn quên mà không quên được. Đến khi nhắm mắt còn mang theo những đau đớn khôn nguôi.

Vì ai? Vì đâu?

Chuyện khó quên đó như mới xảy ra ngày hôm qua.

Trong những ngày Pleiku lộn xộn, tôi đã và đang theo chồng đóng quân ở một tỉnh duyên hải Vùng 2. Qua báo chí tôi được tin Pleiku sẽ rút quân, tôi không biết tin tức gia đình ra sao? Đang lúc lo lắng thì bố mẹ tôi và cô em út 15 tuổi, cùng chị cả tôi và sáu đứa con nhỏ đến được Nha Trang bằng chuyến bay chót của Air Việt Nam. Vì không còn chuyến bay nào vào Sài Gòn. Các anh tôi cùng cậu em út và vợ con sẽ theo Thiết Đoàn 21 Kỵ Binh, vì anh rể tôi là sĩ quan của Thiết Đoàn này. Tôi vui mừng khi gặp được bố mẹ, nhưng vẫn lo vì không hiểu các anh chị em và các cháu sẽ ra sao về những chuyện xảy ra ở Tỉnh Lộ 7 Phú Bổn. Mẹ tôi ngậm ngùi: "Lại một lần nữa phải bỏ hết để giữ lấy thân". Tôi không biết phải an ủi mẹ như thế nào. Tưởng là yên, nhưng không ngờ tôi và bố mẹ lại tất tả, tức tưởi chạy nữa. Bố mẹ tôi, mẹ chồng tôi, cô em út, chị cả tôi và sáu đứa nhỏ, cùng vợ chồng người con nuôi của bố mẹ tôi và hai cháu, tổng cộng 17 người lớn nhỏ chất lên chiếc xe đò nhỏ, sẽ đi vào Sài Gòn theo làn sóng người và xe lũ lượt di tản.

Chồng tôi là đơn vị trưởng không thể bỏ đơn vị, anh nói: "Mạ, em và con phải đi theo gia đình, nếu em ở lại không giúp được gì cho anh mà còn nguy hiểm và vướng bận thêm". Tôi và chồng ôm nhau khóc vì không biết còn gặp nhau nữa không. Anh ôm hôn con gái, bước vội không nhìn lại vợ con, tôi thẫn thờ bước lên xe mà cõi lòng tan nát. Có thể nào đây là lần gặp cuối cùng của chúng tôi?

Tôi không bao giờ quên những ngày chạy loạn năm 1975 từ Phan Rang đến Phan Thiết rồi Bình Tuy. Tôi chỉ kịp sắp một cái giỏ đồ đựng những vật dụng cần thiết cho con gái lúc này cháu khoảng 9 tháng tuổi, cháu thích ngậm núm vú nhựa trước khi ngủ, tôi phải lấy một sợi dây xỏ qua múm vú và đeo vào cổ cho chắc ăn, sợ rớt mất thì tội nghiệp cho con, trên đường đi nó bị tướt vì mọc răng, thật là khổ.

Số nước mang theo xe gần hết, đạn pháo kích cứ trút xuống mãi, mọi người lao ra khỏi xe lăn xuống ven đường hoặc có thể nấp theo quán tính chứ chưa chắc chỗ đó đã an toàn, súng đạn vô tình mà. Im tiếng pháo kích moị người lục đục lên xe chạy tiếp, đạn đuổi sau lưng, các xe chạy bất kể, đôi khi cán phải những xác chết ven đường, tôi không dám mở mắt để nhìn những cảnh tượng đau lòng đó. Đã hơn 30 năm qua, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy những cảnh kinh hoàng ngày ấy, tôi chỉ hoàn hồn khi biết mình nằm mơ.

Đoàn người và xe đến Bình Tuy, chẳng ai bảo ai, già trẻ, lớn bé, đàn ông đàn bà nhào xuống biển tắm sau một tuần không tắm rửa. Những nhà dân ở xóm chài gần đó thấy gia đình tôi đông con nít nên thương tình cho vào nhà tắm và nấu cơm cho ăn. Tinh thần mọi người phấn chấn hơn vì nghĩ sắp được vào Sài Gòn, hình như đối với mọi người thì Sài Gòn là nơi an toàn. Nhưng rồi, ngay tại một trạm kiểm soát, ,người lính cho hay có lịnh không cho vào Sài Gòn. Moị người nhốn nháo la hét, cự nự cũng không xong, ai nấy đều lo âu, hoang mang. Rồi tất cả quay ra tìm phương tiện khác để đi, đó là đương biển. Gia đình tôi may mắn gặp một ông chủ tàu lớn đồng ý chở người và xe với giá thật kinh khủng, nhưng ai cũng mừng rỡ đồng ý, trên tàu chen chúc, kẻ nằm người ngồi bất bể chỗ nào, tôi và con gái được cho nằm một chỗ trên mui gần cột khói, con gái tôi cứ bò lung tung, tàu chòng chành, tôi bị say sóng cứ sợ con gái đụng ống khói sẽ phỏng tay hay rơi tòm xuống biển. Tôi lấy hai cái tã cột lại, một đầu thì cột quanh bụng con gái, một đầu thì cột vào cổ tay tôi, nếu cháu bò xa hơn thì tôi biết mà kéo nó lại. Như thế mà tôi nằm được một lúc cho qua cơn chóng mặt buồn nôn.

Khi chúng tôi đến Vũng Tàu, bước lên bờ trong trạng thái lâng lâng của say sóng, nhưng mừng rỡ vì gần tới Sài Gòn, tôi thấy cả rừng người tay xách nách mang nhốn nháo. Thấy chiếc xe đò của anh nuôi tôi họ đòi quá giang, sơ quá, anh bước vội lên xe và căn dặn mọi người khóa cửa xe lại và rồ ga chạy, nhưng lại bị chặn lại bởi toán kiểm soát hổn hợp, chỉ những người nào có thân nhân, gia đình ở Sài Gòn mới được vào, chúng tôi nói tên ông chú và cơ quan nơi ông làm việc cùng số nhà, thế là họ cho chúng tôi được vào Sài Gòn. Sở dĩ họ không cho vào Sài Gòn vì sợ tình trạng hỗn loạn, chính phủ giữ lại để lập các nơi tạm cư ổn định, nơi chốn cho những người di tản. Người hớn hở thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng đến được Sài Gòn, chặng đường bình thường đi chỉ mất hơn một ngày mà chúng tôi phải mất gần mười ngày với nhiều gian nan, nguy hiểm. Trên đoạn đường chạy loạn, hầu hết mọi người bị đau mắt cấp tính, tôi cấn thai mà không hay, cứ chạy nhảy qua hầm hố, té ngã mà chẳng hề hấn chi, vào đến Sài Gòn tôi mới biết mình có thai.
Người lính Mỹ nhìn hình ảnh người Sài Gòn di tản khi chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30 Tháng Tư, 1975 (Hình: Getty Images)

Sài Gòn khoảng thời gian này thật nhốn nháo, kẻ đi xuôi, người đi ngược. Ai ai cũng bàn tán chuyện tìm cách ra nước ngoài, ở ngoài cổng tòa Đại Sứ Mỹ đầy người. Chồng tôi và anh rể chẳng có tin tức gì cả. Báo chí loan tin về Tỉnh Lộ 7 Phú Bổn làm mọi nguời càng thêm lo lắng, rồi lại thêm Phan Rang rút quân. Bố mẹ tôi chẳng ai thiết ăn uống, khóc lóc suốt ngày, bà chị cả la khóc ầm ĩ như người điên. Vì lo cho chồng, tôi cũng phát điên vì những chuyện này.


Chúng tôi về được vài ngày thì anh rể tôi cũng về tới. Anh xuất hiện với một thân hình tiều tụy, hốc hác, đôi chân sưng vù và rướm
máu, có chỗ làm độc trông rất dễ sợ, nhưng anh nói: "Mọi người thấy vậy chứ đã khá hơn rất nhiều". Bố mẹ tôi rất mừng vì gặp con rể, hy vọng sẽ biết được tin con cháu.

Anh rể tôi kể là khi đến Phú Bổn thì bị pháo kích, nhìn quanh không thấy các em đâu, anh phải vào rừng tìm đường thoát thân, anh thay đồ dân sự và băng rừng. Trong rừng anh tìm những gì có thể ăn và uống, chân sưng tấy anh lấy giẻ quấn lại và đi tiếp, ban đêm kiếm chỗ nào tạm gọi an toàn để chợp mắt, anh nhẩm tính thời gian để tìm về đến Tuy Hoà là chín ngày. Tới đây anh thấy người ta cũng bỏ chạy, nhà cửa phần đông không có nguời, anh vào nhà bỏ trống tìm cái gì có thể ăn và nghỉ ngơi rồi đi tiếp. Lúc này thì anh theo con đường Quốc Lộ, nắng gay gắt, chân sưng tấy, anh cắn răng đi tiếp thêm ba ngày thì đến Nha Trang tìm đến nhà cô Út tôi. Hy vọng gặp cô Út thật mỏng manh, anh nghĩ thế. Thật may mắn, gia đình cô tôi không di tản, cô cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi, cô chú cho biết gia đình đã di tản với người con nuôi của gia đình. Sau một ngày ăn uống và nghỉ ngơi, anh rể tôi quyết định đi tiếp, để gặp vợ con.

Đoạn đường này xe cộ tấp nập, anh quá giang đến được Phan Rang, tình cờ gặp chồng tôi trong đoàn quân nhân được lệnh tái phối trí, giữ an ninh trật tự cho địa phương vì tình trạng hỗn loạn nơi đây. Chồng tôi đưa anh rể vào gặp vị chỉ huy cao cấp nơi đây, trình bày hoàn cảnh, nhìn thấy bộ dạng của anh rể, ông liền cấp sự vụ lệnh để anh rể tôi vào phi trường Phan Rang. Đến phi trường anh tôi đưa giấy, họ không cho vào, anh nói cho tôi gặp Trung Tá Phạm, ông này là em rể của anh rể thứ ba của tôi. Ông Phạm liền thu xếp cho anh đi C 130 vào Sài Gòn.

Sau khi kể hết những cam go, nguy hiểm trong quãng đường đi bộ từ Phú Bổn vào Nha Trang, anh rể tôi nói không biết gia đình các anh chị em tôi cùng các cháu nhỏ ra sao, hy vọng mọi người được an bình rất mong manh. Mẹ tôi mất cả hy vọng, bố tôi thẫn thờ không nói, bố tôi sau cơn bịnh mắc chứng run tay chân bây giờ lại run hơn.

Tôi không biết mình phải làm gì khi những biến cứ dồn dập đến. Tôi nghĩ chắc họ cắt đến Phan Rang, như vậy vợ chồng tôi phải chia ly như hai miền Bắc Nam hồi 1954. Tôi thật muốn khóc nhưng hoàn cảnh, tâm trạng bố mẹ tôi như thế làm sao tôi dám khóc dù tôi rất muốn khóc, khóc cho vơi đi những đau xót đè nặng tim tôi.

Một buổi chiều đang ngồi trước hiên, thấy có một chiếc xe Honda ngừng trước cổng nhà, một người bước xuống xe là ông chồng tôi đen thui như người dân tộc, đi chân không, tôi nghẹn ngào không nói nên lời, vợ chồng tôi ôm chầm lấy nhau, quên cả tiền xe cho ông tài xế. Mấy đứa cháu la lên: "Ông bà ngoại ơi! chú Tám về rồi". Chồng tôi kể, sau khi những người Cộng Sản tràn ngập tỉnh lỵ, biết không thể làm gì hơn thì mọi người quyết định mạnh ai nấy rút. Một số anh em dưới quyền nói với chồng tôi: "Ông thầy phải đi khỏi nơi đây ngay, tụi em sẽ tìm cách đưa ông thầy ra cửa để tìm đường biển vào Sài Gòn". Hai người lính lấy Honda chở chồng tôi ra biển, lấy thuyền chở chồng tôi ra khơi tìm tầu vào Sài Gòn. Tôi rất cảm kích trước sự tử tế của những người lính này, trong lúc hỗn quân hỗn quan, chồng tôi không còn gì mà họ vẫn đối xử với chồng tôi một cách rất huynh đệ chí binh, đúng quân kỷ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày hôm sau, chồng tôi vào Bộ Tư Lệnh để trình diện, được phát quân phục và được ứng trước một số tiền, hẹn một tuần sau trở lại nhận nhiệm sở mới.

Nhưng ngày đó không bao giờ đến.

Ngoài đường người ta đi nườm nượp, xa xa nghe tiếng đạn pháo, người ta cứ như mộng du, mọi sinh hoạt xáo trộn hẳn lên, chồng tôi ra ngoài xem tình hình bảo ở bến tầu và trước tòa Đại Sứ Mỹ cơ man nào người, xe máy vất đầy chẳng ai có tâm mà để ý, bạn bè rủ chồng tôi đi, anh hỏi ý kiến tôi. Tôi không thể đi trong tình trạng bố mẹ tôi hiện tại. Tôi khuyên anh nên cùng mẹ anh ra đi, nhưng chồng tôi không đồng ý với lý do nếu đi thì phải đi đủ vợ chồng, nếu ở lại mà phải chết, thì chết với vợ con.

Ngày 30 tháng 4

Mọi người tập trung ở phòng khách bên cái radio để nghe thông báo quan trọng. Tình trạng ở đài phát thanh lúc đó có lẽ lộn xộn lắm vì chúng tôi nghe được những âm thanh của người ta nói chuyện với nhau... Rồi tiếng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện... Rồi tiếng Trịnh Công Sơn bắt nhịp bài hát... Ôi! ông nhạc sĩ mà tôi yêu thích nhạc của ông làm tôi thất vọng quá. Chồng tôi và anh rể kêu lên một cách tức tối. Bố mẹ tôi rũ người ra, thẩn thờ. Tôi dìu mẹ vào giường, mẹ tôi rên rỉ: "Con ơi! Mình mất hết rồi con ơi". Một lúc sau ra ngoài phòng khách thì thấy chồng tôi và anh rể lôi chai rượu ra hai anh em uống khan, rồi lăn quay ra vì say. Bên ngoài đạn vẫn vang rền. Họ say để quên đi những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra. Lúc đi học nghe ông Ngũ Tử Tư vì lo nghĩ quá, chỉ một đêm đến hôm sau bạc cả đầu, phần tôi, buổi sáng dậy chải đầu, tôi thảng thốt khi thấy mình trong gương. Một bà già nào đó chứ không phải là tôi, một thiếu phụ 25 tuổi, khuôn mặt tôi không chút sinh khí giống như khuôn mặt người chết, phải, tôi chết cả cõi lòng.

Ngày mai sẽ ra sao? Tôi sợ không dám nghĩ đến ngày mai ấy. Ngày mai tôi không trông chờ phải đến. Tôi và gia đình tôi, nhiều người khác phải đối mặt. Cả nước đã được “giải phóng”, đấy là cách nói của người chiến thắng.

Tình trạng hỗn độn, sinh hoạt vẫn còn rối tung và người ta hoang mang. Phương tiện giao thông về Pleiku chưa có, tôi chỉ biết cầu nguyện Trời Phật mà thôi để cho tâm hồn mình được an ủi một chút, cùng cầu xin cho tất cả anh chị em và gia đình được bình yên, để chấp nhận những sự thật đau đớn cho số phận của những người thân mình. Những ngày chờ đợi dài lê thê, không khí trong gia đình thật ảm đạm, chẳng ai nói chuyện với ai cả. Cơm nấu ra chẳng ai buồn ăn, có đói thì và sơ vài miếng cầm hơi.

Hai ngày sau tôi mới bước ra khỏi đường để xem cảnh tượng ra sao. Đường sá ngổn ngang đồ vật, người ta hè nhau vào những căn nhà vắng chủ khiêng của cải và đồ đạc. Xe cộ chạy chẳng có trật tự gì cả. Những người chiến thắng khi nói chuyện cứ thì, mà, nà, lẫn lộn giữa n và l. Đeo cái “đài”(radio) vào nách hoặc máng vào ghi đông xe, vừa đi vừa nghe. Những ngày sau đó những chiếc máy phóng thanh được gắn ở những chỗ có thể và ra rả nói. Mẹ tôi suốt ngày lẩm bẩm: "Các con cháu tôi bây giờ ra sao? Trời ơi! Tôi chạy trốn mấy ông, vào đến đây cũng gặp nữa". Tôi thật sự lo âu, nếu sự chờ đợi này kéo dài, không biết mẹ tôi sẽ ra sao?

Chuyện Tỉnh lộ 7 Phú Bổn

Một ngày kia, khi cả nhà còn đang ngủ, tôi nghe tiếng xe hơi ngừng trước cổng nhà. Tiếng đập vào cánh cổng sắt và tiếng gọi: "Bố mẹ ơi! Mở cổng cho chúng con". Tôi chưa kịp dậy, đã thấy mẹ tôi bổ choàng dậy không kịp xỏ dép ra mở cổng. Bà bật khóc nức nở khi thấy anh Bốn và anh Sáu tôi cùng cậu em út chống nạng đi vào nhà, mẹ khụy xuống, và tôi đỡ mẹ dậy. Nhìn chiếc xe Mazda của gia đình tôi, không tin vào mắt mình, cái xe hoàn toàn không có ghế ngồi, chiếc xe của tài xế thì thật không thể tưởng tượng được, trong xe được lót bằng những miếng gỗ và mền gối. Các cháu tôi ùa vào nhà, mấy bà chị dâu đều hốc hác, nét lo âu, sợ hãi còn hằn trên mặt. Để tránh sự tò mò của hàng xóm, anh tôi lái xe vào cổng và khoá cổng lại ngay. Tôi vội đi nấu mì cho mọi người ăn, vì chạy từ Pleiku vào đến Sài Gòn chắc đói lắm rồi. Sau phút xúc động, bố mẹ tôi thấy thiếu anh Bảy, người anh kế tôi, thì được biết sau khi từ Phú Bổn về lại Pleiku, vừa vào nhà thì du kích tới bắt anh tôi ngay. Chị dâu tôi và các cháu ở lại để chờ tin tức anh Bảy.

Mừng mừng, tủi tủi, bố mẹ tôi ôm các cháu nội vào mà xiết chặt từng đứa rồi chợt nhớ ra, mẹ tôi hỏi cháu Ngọc đâu? Chẳng một ai trả lời, cứ đưa mắt nhìn nhau, một lúc sau anh Bốn tôi mới nghẹn lời: "Cháu bị thất lạc, chưa có tin tức mẹ ạ!" Mẹ tôi bàng hoàng đau đớn, đấm vào ngực mình tức tối: "Tôi có làm gì ác mà tội cho cháu tôi quá vậy trời!". Cả nhà xúm lại an ủi mẹ tôi, nhưng thực sự lòng người nào cũng như kim đâm, xát muối.

Mẹ tôi cầu mong các con còn sống, nhưng khi gặp lại, cháu thất lạc, con đứa tù tội, đứa gãy chân, người mẹ nào không đau đớn. Mẹ tôi là một người mẹ suốt đời lo cho gia đình, sống cho các con, chưa bao giờ thấy mẹ sống cho mẹ, là một phụ nữ rất mạnh mẽ, nghị lực và có bản lãnh, nhưng tình mẫu tử, tình bà cháu, cộng với nỗi đau cuộc chiến đã đánh gục mẹ tôi hoàn toàn. Chúng tôi biết chẳng có ngôn từ nào có thể giúp mẹ tôi trong lúc này. Tất cả anh em chúng tôi ngồi quanh mẹ và yên lặng, nhưng trong lòng chúng tôi cả một trời đau khổ, cả trăm ngàn lo âu, hằng hà sa số những câu hỏi, nhưng chưa có câu trả lời.

Vài ngày sau khi mọi cảm xúc tạm lắng đọng, các anh chị em tôi mới hoàn hồn và bắt đầu kể những gì đã xẩy ra trên đường di tản, trong nỗi đau và nghẹn ngào.

Khi các chuyến bay không còn hoạt động, tất cả mọi người thu xếp để đi theo Thiết Đoàn 21 và Thiết Đoàn 3. Đến Phú Bổn mới hiểu chọn con đường này là sai lầm của cấp trên và đã lọt vào hang ổ của cộng quân. Đạn nổ, thấy nguy hiểm mọi người kéo nhau vào tá túc ở nhà thờ Phú Bổn. Đêm hôm đó cộng quân pháo kích xối xả và bên Việt Nam Cộng Hòa quyết định mở đường máu, gia đình các anh tôi bỏ hết xe cộ để lên xe Thiết Giáp. Vì đông người nên chia ra ngồi ở nhiều xe. Phía bên kia bắn vào đoàn xe Thiết Giáp, đợt đầu tiên trúng em út tôi, bị rớt xuống đường, sợ em tôi bị xe cán, người bạn cùng trường Sĩ Quan Đồng Đế mà gia đình tôi coi như người thân nhảy xuống lôi em tôi vào lề đường. Đạn trúng xe mọi người chết hết, ở các xe mọi người bỏ chạy tán loạn tìm đường thoát thân. Một cảnh tượng kinh hoàng, người ta chết la liệt bên đường, xe phải cán lên xác chết để chạy.

Vợ chồng anh Bảy cùng bốn đứa con nhỏ và đứa con trai của anh Bốn, có thêm người cháu và đứa con đầu lòng của anh khoảng 8 tuổi, cùng nhảy xuống ven đường, khuất sau cây cối có một cái hầm được ngụy trang, bên trong rất đầy đủ phương tiện, có lẽ là phòng chỉ huy của cộng quân. Trong số những người nấp dưới hầm này có một vị Linh Mục tên Thuận, một ít quân nhân không rõ binh chủng. Sau này có thêm cô bé giúp việc ẳm đứa bé chưa thôi nôi, con gái út của anh Bốn. Cháu khát sữa và nhớ hơi mẹ khóc quá đỗi, sợ du kích biết, mấy người lính bảo phải dỗ cho nó nín hoặc ra khỏi hầm, anh Bảy tôi lên tiếng, họ hăm bắn cả nhà. Lúc đó mọi người đều nói: "Thôi bế cháu đi tìm mẹ nó đi, chắc chẳng ai làm khó dễ một cô bé có em nhỏ. Một lúc sau, họ lại tiếp tục pháo kích, khi im tiếng súng thì du kích phát hiện ra căn hầm, chỉa súng kêu mọi người bước ra. Anh Bảy thay bộ đồ dân sự do cha Thuận đưa, những người này lôi anh Bảy ra định bắn thì đứa con trai lớn 8 tuổi òa lên khóc và ôm chân bố, nó nhìn mấy người du kích nói: "Mấy chú đừng bắn bố cháu, cháu sợ lắm". Mấy đứa nhỏ đồng loạt ôm lấy anh Bảy kêu khóc inh ỏi. Dường như những đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh khôn sớm, linh tính để cảm nhận những điều không hay. Tiếng khóc của cháu tôi đã làm những người này không giết một mạng người. Anh chị tôi không hiểu, do số mệnh hay tiếng khóc của trẻ thơ làm thức tỉnh nhân tính của họ.

Trước khi bỏ đi, họ kêu mọi người tập trung một chỗ. Anh chị Bảy bồng bế con cháu đi tìm gia đình anh Sáu và anh Bốn không biết ở phương nào, cùng đi tìm em trai út bị thương. Rừng mênh mông, biết đâu mà tìm, nhưng đi cầu may thôi. Anh chị hỏi những người đi ngược chiều có thấy người bị thương ở chân không và mô tả nét mặt, được mọi người cho biết thấy một thanh niên bị thương rất nặng ở chân, nằm bên sông Ba, rồi anh Bảy lại gặp người quen cho biết gặp em trai nằm bên bờ sông, kiến bu đầy người, họ để lại vài thứ và tiếp tục đi tìm người thân như anh tôi. Khi đến bờ sông không thấy em đâu, có một người thất lạc cả gia đình, ngẩn ngơ ở đó cho biết vì nước dâng có mấy người lính mang em qua bên kia cồn. Anh Bảy đội con trên vai, lội qua sông, và để con chạy lên cồn tìm chú, một lát sau thấy nó ra hiệu và hét to: "Bố ơi! Chú đây rồi". Lúc này máu ra nhiều, lũ kiến bò khắp người, không dám nhúc nhích cái chân vì mỗi khi cử động đau đớn lắm. Anh chị tôi kêu khóc xin mọi nguời giúp đỡ để cứu em mình. Xin ai có võng thì làm ơn cho để cáng em, may mắn thay một người lính cho một cái võng, anh tôi tìm cây làm cáng, hai vợ chồng loay hoay mãi vì vướng bận năm đứa bé. Trong lúc bối rối thì hai quân nhân đi qua, thấy vậy giúp anh chị tôi cáng em vào làng dân tộc rồi họ mới đi. Khi vào làng này lại thêm một may mắn nữa cho em trai tôi, anh Bảy gặp người bạn cũ và cũng là học trò của anh Bốn. Sau khi xem xét vết thương anh ta lấy một chai rượu để rửa vết thương cho sạch sẽ, rồi đi hái lá về đắp chỗ bị thương để không nhiễm trùng và nẹp chân cho thẳng để tránh những chỗ xương gãy gây đau đớn. Điều này cho thấy lúc cùng cực, nguy khốn mới hiện ra bản chất con người, nhân tính hay thú tính mới hiện ra.

Anh Bốn tôi là thầy giáo trường Trung Học Pleiku, động viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức một thời gian thì được về dạy học lại. Anh có nhiều học trò là người sắc tộc Tây Nguyên, những người này là viên chức trong chính quyền. Họ là người thật tử tế, đầy tình người, chúng tôi không bao giờ quên những nghĩa cử họ dành cho gia đình tôi trong lúc loạn lạc.

Loanh quanh trong rừng để tìm nhau, rồi anh Bảy gặp anh Bốn và anh Sáu. Anh Sáu cận rất nặng, ban đêm không thấy đường, đi đâu cũng có vợ con dắt, các cháu tôi đều còn nhỏ. Mọi người nhặt quần áo vương vãi trên đường để mặc và thức ăn mà người ta bỏ lại khi thoát thân. Lúc nhìn thấy chiếc xe Mazda của nhà thì mọi người hỡi ôi! Vì biết xe của tiệm vàng KP nên họ tháo hết ghế và rạch nát, vặn hết ốc mặt trong để tìm và lấy hết quí kim mà bố mẹ tôi dấu trong đó. Cũng đỡ là cái xe còn tay lái và máy móc để có thể lái về Pleiku. Lúc đó không thấy cô bé giúp việc bế cháu Ngọc đâu, mọi người bảo nhau chắc cháu đã theo đoàn người chạy về Pleiku rồi. Hai ngày sau cô bé về đến nhà, nhưng không có cháu Ngọc, hỏi em đâu? Cháu nói: "Bế em đi tìm cô cậu, đói và mệt quá, con bị xỉu. Sau khi tỉnh lại, không thấy em đâu, tìm quanh quất mà không thấy, con đành về một mình. Mọi người gặng hỏi có phải em chết rồi không? con cứ nói thật, nhưng nó cứ cả quyết em chưa chết. Anh chị Bốn không thể nào trở lại Phú Bổn để tìm con, vì hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn trong việc đi lại, muốn ra khỏi tỉnh phải có giấy phép đi đường.

Sau khi anh Bảy bị bắt, anh Bốn và anh Sáu quyết định tìm đường vào Sài Gòn, nhưng việc quan trọng hơn nữa là chữa trị vết thương ở chân của em trai, để lâu quá có thể bị cưa chân. Em tôi bị từ chối không được chữa trị, vì là chuẩn úy Việt Nam Cộng Hòa, họ nói thẳng thừng như thế, rồi họ chỉ phát phiếu cho dân và người của họ, người nào có phiếu mới được chữa trị. Anh Bốn nhìn ra người phát phiếu là người lính quen, nhằm lúc anh ta sơ ý, anh Bốn lấy một phiếu để trên bàn, anh ta trông thấy, nhưng không phản ứng gì. Nhờ đó mà em tôi được bó bột và cấp cho hai cái nạng. Sau đó 12 người lớn nhỏ chất lên xe và 2 giờ sáng chạy trốn vào Sài Gòn tìm gia đình.

Tất cả gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác bị cuốn theo vòng xoáy của định mệnh, của những nghiệt ngã, căn nhà rộng rãi của bố mẹ tôi ở Sài Gòn trở nên chật chội khi chứa tổng cộng 31 người trong đó có hai bà bầu, cộng thêm một bà bầu ở Pleiku với một đứa con nhỏ để nuôi anh Bảy ở tù cải tạo tại trại Plei Bong. Số tài sản bố mẹ tôi mang theo chỉ là một phần nhỏ, rồi theo thời gian cứ vơi dần. Nhà có ba con rể và hai con trai đi tù cải tạo. Chồng tôi ra Bắc đợt đầu tiên, năm đó tôi sinh con trai.

Sau ba năm cải tạo, anh Bốn được cho về sớm do nhu cầu cần giáo viên, trong khi chờ đợi bổ nhiệm, hai anh em ra chợ trời để kiếm sống. Tôi bán chiếc vòng hột xoàn mẹ cho ngày cưới, đây là món nữ trang cuối cùng mà tôi còn làm vốn để hai anh em đi buôn bán cà phê sống. Đi buôn cà phê thôi mà nhiều lúc tôi muốn đứng tim vì phải tránh công an và quản lý thị trường. Những tên quản lý thị trường là hung thần của những người buôn bán.

Những khó khăn của mưu sinh, những thay đổi khó hòa nhập của chế độ mới càng làm cho anh tôi thêm day dứt đau đớn vì nhớ đứa con thất lạc, càng ngày anh càng trầm ngâm ít nói hơn. Khoảng thời gian này, hai anh em rất gần gũi nhau, anh tâm sự với tôi rất nhiều. Nhà đông người, nên ngủ chật cả phòng khách, nhiều đêm giật mình tỉnh giấc thấy anh Bốn ngồi ở salon hút thuốc, anh im lặng nhìn qua cửa sổ. Ban đêm Sài Gòn nóng nực vì nhà có cổng, cửa sổ lại có chấn song nên không bao giờ nhà tôi đóng cửa sổ, tôi dậy và ngồi nói chuyện với anh. Anh nói: "Cô biết không, nếu con mình chết mình đau khổ, nhưng mình biết con mình đã chết, rồi thời gian cũng nguôi ngoai, nhưng cháu cô không biết sống chết ra sao, còn sống thì nó phiêu bạt nơi đâu, tôi đau lòng lắm cô biết không?" Tôi là cô mà còn canh cánh bên lòng những suy nghĩ như anh, anh là cha lại càng đau đớn hơn. Tôi im lặng chẳng biết nói sao.

Bẵng đi một thời gian vì cuộc sống quá nhiều khó khăn, lao đầu vào công việc, chuyện đứa con thất lạc của anh Bốn tưởng như chìm vào quá khứ. Nhưng nghe được một người lính Thiết Giáp tìm gặp đứa con gái thật tình cờ. Gia đình này mở quá nhậu, người con gái bưng thức ăn cho thực khách thì có một người dân tộc nhìn cô ta và bảo: "Ở trong buôn tôi có một đứa thất lạc từ năm 1975, nay nó có chồng con rồi, nhưng nó giống cô lắm, cũng có bớt chàm ở tay và cục thịt dư ở lỗ tai". Cả gia đình mừng rỡ vì những chi tiết này mà cả gia đình xum hợp, vì khi gặp lại đứa bé thất lạc này giống người cô như in.

Sự việc này dấy lên trong lòng anh Bốn một hy vọng, anh bắt đầu cuộc tìm kiếm sau hơn 20 năm đứa cháu gái tôi thất lạc. Cuối cùng anh tôi chọn một cô gái có chồng và hai đứa con có những nét mà anh thấy có thể là con mình, để đem đi thử máu, mọi chuyện đều cần thông dịch. Anh Bốn chụp hình gia đình cô gái và gởi thư cho tôi báo tin đang chờ kết quả thử máu. Nhưng rồi niềm hy vọng của anh tôi tiêu tan sau kết quả thử máu. Cho đến khi nhắm mắt lìa đời cách đây ba năm, anh Bốn tôi lòng nặng mang niềm thương nhớ đứa con thất lạc ở Tỉnh Lộ 7. Cơn hồng thủy cuốn con anh tôi phiêu bạt nơi nào? Con bé chưa đầy tuổi, hông có một dấu vết nhận dạng để tìm con. Một chi tiết để nhớ là chiếc áo ấm cháu mặc được đan tay với màu da bò, màu len đặc trưng của gia đình tôi rất thích, ít trùng hợp với ai, cháu có đôi mắt to tròn.

Ngày mới sinh cháu, một vị dạy cùng trường Trung Học Pleiku có lấy số tử vi và nói với anh tôi: "Trong lá số của cháu Ngọc, thấy cháu không ở với cha mẹ". Mọi người cứ nghĩ có thể khó nuôi, cháu sẽ có thể sống với bên Nội hoặc bên Ngoại. Chúng ta làm cha mẹ chắc hiểu được niềm day dứt của anh Bốn.

Hôm nay tôi viết những giòng chữ này như một chia xẻ những suy nghĩ của tôi về cuộc chiến, về những gì đã xảy ra đến với gia đình tôi. Không những chỉ riêng cho gia đình tôi mà còn biết bao gia đình khác trên đất nước Việt Nam. Tất cả là sự thật, chỉ một phần mười sự thật được ghi trên giấy. Có những chuyện tôi chưa hề kể cho các con tôi nghe vì chuyện đau buồn quá.

Tôi rất mong nếu những ai đã trải qua những ngày kinh hoàng trên Tỉnh Lộ 7, nhận được một bé gái về nuôi, xin nhắn cho gia đình chúng tôi một lời nhắn trên Diễn Đàn Phố Núi Pleiku, chúng tôi chỉ mong tin tức của cháu để biết bây giờ cháu ra sao. Chúng tôi không dám mong nhận lại cháu, vì hiểu nuôi một đứa con cực nhọc biết bao nhiêu, mà bây giờ nói sự thật ra, thật khó khăn, không nỡ gây xáo trộn, gây sốc cho nó. Chỉ mong nếu Trời Phật xót thương, quí vị đọc được những giòng chữ này xin làm phước nhắn tin: "Cháu bé gái chưa đầy một tuổi mặc chiếc áo len mầu da bò hiện ra sao", như thế là quá đủ cho gia đình chúng tôi, quí vị có thể dấu tên, địa chỉ. Nhắn dùm cho chúng tôi trên trang mạng của phonuipleiku.org. Để tôi có thể thắp một nén hương trước hương linh anh Bốn và khấn rằng: "Cháu vẫn còn sống và được yêu thương". Như thế anh tôi mới ngậm cười nơi chín suối.

Quí vị giúp tôi đạt thành tâm nguyện của anh trai tôi và cũng là người thầy của tôi, đã 38 năm đã qua, có những chuyện muốn quên mà không quên được, nó cứ ám ảnh mãi. Những điều chôn dấu đến nay mới nói ra, khổ đau là ở điều này.

Bài viết này như một nén hương để tưởng nhớ những người đã chết tức tưởi trên đường chạy loạn ở khắp Miền Nam Việt Nam năm 1975 nói chung và Tỉnh Lộ 7 Phú Bổn nói riêng. Viết để chia sẻ những chuyện khó quên đã xảy ra trong chiến tranh. Viết để làm một điều gì an ủi hương linh anh tôi, với một hy vọng rất mong manh. Viết để cảm ơn những người đã giúp đỡ gia đình chúng tôi trong cơn hoạn nạn và nguy hiểm. Họ đã thể hiện lòng nhân ái, tinh thần huynh đệ chi binh của con dân Việt Nam Cộng Hòa, của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ là những người chúng tôi biết và không biết. Ngược lại, chúng tôi cũng là người xa lạ với họ, nhưng chúng ta cùng là người Việt Nam.

Xin cảm ơn những ân nhân hiện diện trong bài viết này, những người chịu hệ lụy của chiến tranh cả tinh thần lẫn thể xác. Xin đa tạ những người đã đọc đến những giòng chữ cuối cùng này, hãy giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của anh tôi trong khả năng có thể 
làm. Xin cho tất cả chúng ta được bình an trong tâm hồn, trong những ngày còn lại của một đời người.

Hơn 50 năm, nhìn lại một đời người, 1963-2016

Phạm Thăng Long-04-27-2016

Để tưởng niệm người anh, Phạm Đỗ Hùng, vừa khuất bóng ở San Francisco và tro bụi sẽ theo ngọn lửa thiêu vào đúng ngày 30 tháng 4, 2016 này, mong tìm được dòng nước trở về quê hương lần đầu từ 41 năm nay.
***
Gần dịp 30 tháng 4 mỗi năm, chúng ta ở hải ngoại có thói quen làm một cuộc “hành hương tâm linh,” nhìn lại kỷ niệm tha hương và viết cho bạn bè người thân. Bài này tập hợp nhiều đoạn văn rời, đi kèm các hình ảnh ghi lại trong tâm trí từ mùa hè 1963 lúc người viết còn là học sinh lớp Đệ Tam trường Chu Văn An (lớp 10 bây giờ), vừa đủ “lớn” để biết ghi nhận sự việc quanh mình và sửa soạn vào đời trong bầu không khí dầu sôi lửa bỏng lúc đó của miền Nam do biến cố Phật Giáo. Và kéo dài đến bây giờ vào tháng 4, 2016, hay 41 năm sau cơn dâu bể 1975 đã làm Sài Gòn đổi tên đổi chủ, làm cả cuộc đời thanh niên của mình thay đổi theo “vận nước” để đi vào tuổi “lão niên” lúc nào không biết!

Nhưng hơn thế, bài này mong ghi lại những mảnh đời, trong một thời gian dài của thế hệ lớn lên ở miền Nam rồi ra nước ngoài, do hoàn cảnh ở hai không gian hoàn toàn khác biệt. Bài viết cũng nhằm ghi lại vài nét chấm phá cho những bức ảnh lịch sử, ghi nhận nhiều sự kiện trong con mắt chủ quan.

Thế hệ đó nay thuộc vào giới tuổi hưu. Vì đã lớn lên trong chiến tranh ở miền Nam, thuở niên thiếu đã mang nặng hình ảnh và day dứt của cuộc chiến, không có được những bình yên trong ý nghĩ tuổi thơ và cái hồn nhiên mê đá bóng hay đua xe máy như lớp thiếu niên cùng thành phố lớn lên sau này ở quê nhà. Những ám ảnh về cuộc chiến trở thành một hành trang nặng nề lúc ra đi sống ở nước ngoài. Vì thế luôn ấp ủ chút kỷ niệm đẹp về tuổi thơ ở quê nhà, nâng niu từng hình ảnh với người thân trong gia đình và bạn bè lúc còn sống ở đó.

Ra đi và đã sống ở nhiều nước trên thế giới: Canada, Mỹ và vài nước khác do công việc đòi hỏi. Nhưng tâm tư vẫn luôn quay về chốn cũ, hoài niệm những tia nắng ấm quê hương trong cái giá buốt của tuyết lạnh Bắc Mỹ, nhớ lại những dòng sông nơi quê nhà mỗi lần đứng nhìn sông Potomac chảy qua Washington, D.C, ngay cả lúc sang đến tận Phi Châu làm việc, chịu cơn nóng thiêu đốt vì thiếu mưa, vẫn còn bâng khuâng nhớ đến những cơn mưa dài của Sài Gòn thuở nào.

Người viết đã giữ lại nhiều hình ảnh xứ người, nhưng lại chủ ý ghi dấu tâm tư so sánh với quê nhà, tựu chung cũng là để “tìm lại khoảng thời gian đã mất,” như Marcel Proust đã viết. Đôi khi thiếu khách quan vì đã ca tụng quê hương mình thái quá.

Rồi nhờ các cơ hội nghề nghiệp, được thỏa mộng viễn du qua các chuyến công tác, để từ đó luôn ghi vội hình ảnh những chuyến đi, những gì đã thấy đã nghe. Và trong cái sôi nổi được thấy cảnh mới người lạ, cùng óc cầu tiến của người trẻ, thấy cái gì của bên ngoài cũng hay cũng đáng học. Những băn khoăn, mong ước cho một đất nước Việt Nam tươi sáng phú cường, cùng những ước vọng và dự phóng tương lai cho quê hương hình thành từ đó. 

Sài Gòn 1963-64
Trừ những lúc có cơn mưa nặng hột và dài thường xuyên đổ xuống xối xả, trời Sài Gòn oi bức lạ thường Hè năm đó, do không khí chính trị ngột ngạt của miền Nam với biến cố Phật Giáo và những năm tháng cuối cùng của Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Các trường trung và đại học cùng tham gia vào không khí sôi nổi đó một cách bộc phát mà không suy nghĩ sâu xa. Nhưng sau một đời người nhìn lại và đọc nhiều sách lịch sử mới hiểu lúc đó mình chỉ là những con chốt nhỏ bị giật dây trong những hoạt động chính trị đầu đời.

Những phố phường còn vắng, các ngôi nhà cao tầng xây cất giản dị, tuy Sài Gòn đang mang danh “Hòn Ngọc Viễn Đông,” nơi các phố Nguyễn Huệ, Tự Do, Lê Lợi luôn tràn đầy khách du lịch hạng sang từ vài nước láng giềng, nhất là từ Singapore khao khát ngắm cảnh lạ đến Sài Gòn tìm mua các mặt hàng xa xỉ.

Từ nhiều năm, thành phố đã hưởng sự yên bình đáng kể, đời sống kinh tế khá sung túc ổn định. Đã qua những cái Tết 1956-63 an vui tràn đầy, với những cành mai vàng khoe sắc, với tiếng pháo nổ ran từ giữa đêm giao thừa và xác pháo đỏ ngập đường phố ba ngày Tết. Tuy đời sống vật chất hàng ngày còn tương đối đạm bạc.

Nhưng sự ổn định chấm dứt sau cuộc chính biến 1 tháng 11, 1963, Chính Phủ Ngô Đình Diệm được thay bằng nhiều chính phủ lâm thời từ 1964, có khi chỉ kéo dài vài tháng. Các xáo trộn kinh tế, xã hội, giáo dục nặng nề nhiều năm sau đó, đã là hệ quả tất nhiên của cuộc thay đổi chính trị này mà lịch sử mấy chục năm sau mới giải thích được.

Các năm 1965-1975
Một số thanh niên du học đã rời nước ra đi trong hoàn cảnh đó, nhìn lại đất nước quê hương từ xa như chứng nhân bất đắc dĩ.

Những chính phủ quân nhân hay dân sự trên đã làm rối đi chính trường miền Nam. Cuộc chiến đồng thời leo thang trầm trọng, rồi thành khốc liệt trong suốt 12 năm tiếp nối khi miền Bắc gia tăng áp lực. Rồi kéo theo sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh. Cuộc chiến bước sang giai đoạn hủy diệt, thay đổi toàn bộ xã hội miền Nam. Những tang tóc đau thương hằn lên dấu vết cho từng gia đình. Từ bên kia trái đất, chúng tôi theo dõi qua truyền hình hàng đêm tin tức chiến sự quê nhà, rồi thao thức trằn trọc thâu đêm.

Biến cố Mậu Thân 1968 đã là biến cố gây đậm nét đau thương nhất trong vài năm đầu xa quê hương. Vài bạn từ Huế có hung tin ngay từ sớm, đem tang chung cho cộng đồng sinh viên du học, mối âu lo kéo dài nhiều ngày. Cảnh các nhóm túm tụm nhau trong vài phòng “dormitory,” bỏ học và uống bia say suốt đêm trong nỗi nhớ nhà và âu lo cho an ninh gia đình, đã là kỷ niệm khó quên gần suốt đời du học.

Cuộc chiến đi vào khốc liệt hơn từ sau 1971, với sự đổ vỡ mất mát toàn diện cho miền Nam từ biến cố tháng 4, 1975 như một cuộc đổi đời. Đám sinh viên tốt nghiệp trở thành lạc lõng, mất định hướng hoàn toàn trên xứ người, rải rác ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều người lại nặng gánh, phải lo cho cả gia đình mới sang định cư. Hình ảnh Việt Nam xa mờ dần, rất đông tự nhủ cố gắng “xin nhận nơi này làm quê hương” trên các miền đất hứa, coi như từ nay chia tay vĩnh viễn miền đất bên kia địa cầu.

Nhưng rồi cũng đến một ngày đòi hỏi nhiều thay đổi ở Việt Nam. Vì nhu cầu kinh tế cấp bách, miền đất đó phải thay đổi phần nào các chính sách. “Đổi Mới” là tên gọi cho hai thập niên mở cửa nền kinh tế, áp dụng các chính sách thị trường dù còn hạn hẹp. Kết quả là đã có những tiến bộ vật chất nhất định, như các chỉ số tăng trưởng, bộ mặt đời sống được cải thiện ở những thành thị, dù nông thôn còn chìm đắm trong cái nghèo khó cố hữu.
Một số người chợt quyết định muốn trở về nhìn lại quê hương, dù trong tâm tư “Từ Thức về làng.”


Những năm sau 1975: Còn đó nỗi buồn
Tôi trở về Sài Gòn nhiều lần trong đầu thập niên 90 do công việc đang làm với một tổ chức tài chính quốc tế, mới chợt tìm thấy một lúc muốn ngồi xuống bình tâm viết lại vài xúc cảm về thành phố đã ôm ấp biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi mới lớn.

Vốn sinh ra ở Hà Nội, thời trung học tôi nâng niu những quyển sách Tự Lực Văn Đoàn của các nhà văn kể chuyện về đất Thăng Long. Những năm gần đây nhất, đọc bao tùy bút và hồi ký ở hải ngoại phần lớn nói về Hà Nội, tôi cũng tưởng mình sẽ chỉ muốn viết về thành phố huyền thoại ấy. Nhưng sau nhiều chuyến công tác ngắn ghé thăm Việt Nam, tuy Hà Nội có quyến rũ, thơ mộng nhưng tôi chợt nhận ra sự gần gũi chỉ tìm thấy ở Sài Gòn.

Đó mới là “thành phố của tôi,” trở về mà không phải cần bản đồ để tìm đường, không phải nhờ người hướng dẫn du lịch, chỉ chỗ xem phong cảnh hay vài chỗ ăn uống nổi tiếng. Những con đường quen thuộc, chỉ đổi tên mới, vẫn còn đó. Những hàng me ướt lá sau cơn mưa chiều vẫn còn nguyên vẹn nét trữ tình, chờ đợi... Mái tóc kẻ bộ hành bây giờ đã ngả dần sang hai mầu, khác xa những ngày tháng cũ thuở trung học tóc còn mướt đen ướt đẫm vì chạy vội dưới cơn mưa rào.

Lần đầu tiên trở về trong niềm xôn xao khó tả trong lòng, từ lúc phi cơ đáp xuống Tân Sơn Nhất, thấy những ngôi nhà cũ, các hầm trú bê tông cho máy bay từ thời chiến tranh, đến lúc ở giữa dòng giao thông đông đúc chạy theo con đường Công Lý. Rồi rẽ trái Dinh Độc Lập ra đường Thống Nhất, qua khu nhà thờ Đức Bà về khách sạn Caravelle ở trung tâm thành phố gồm những địa danh cũ: Tòa nhà Quốc Hội, rạp ciné Rex, khách sạn Continental, hiệu kem Givral góc đường Tự Do và Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ tráng lệ chạy dài từ Tòa Đô Chính ra đến bến Bạch Đằng gồm những kiosques bán hoa, băng nhạc, mứt rượu Đà Lạt... Bây giờ những quán này đã được gỡ bỏ, làm cho con đường trở thành sạch rộng hơn trước nhiều, nhưng lại mất vẻ thân quen cho khách xưa.

Cái nóng oi bức, bụi khói của những chiếc xe Honda vẫn là bức tranh khó quên của đường phố Sài Gòn dạo trước. Sau hơn hai mươi năm với dân số tăng gần gấp ba, số nhà cửa, xe cộ làm thành phố chật hẹp di nhiều và làm lộ rõ áp lực nạn nhân mãn của các đô thị Á Châu bây giờ. Khu vực công trường ở trước nhà bưu điện chính bao quanh nhà thờ Đức Bà vẫn còn vẻ đẹp uy nghi, giữ lại nét diễm lệ của thành phố.

Ngày xưa mỗi chủ nhật tôi vẫn thường phóng mobylette đến khu vực này để tìm mua những ổ bánh mì Bưu Điện ngon, bọc sạch sẽ trong giấy màu trắng ngà của quán Hương Lan, mà bây giờ không còn tìm thấy nữa.

Những ngày trở lại Sài Gòn tuy ngắn ngủi, nhưng tôi đã bỏ khá nhiều thì giờ tản bộ trên những hè phố quanh khu trung tâm Tự Do-Nguyễn Huệ-Lê Lợi. Đặc biệt mỗi sáng sớm, tôi có thói quen đi dạo từ khu khách sạn “mini” ở đường Tự Do xuống nhà thờ Đức Bà, qua công trường “con Rùa” nơi có viện Đại Học. Rồi trở lại đường Duy Tân, tôi qua trường Luật tìm ngôi nhà cũ của mình ở góc Hiền Vương. Con đường cây dài bóng mát ngày xưa bây giờ đã khác đi nhiều, đã mất bớt cây cối và chật hẹp bẩn hơn vì những quán hàng la liệt hai bên vỉa hè.

Ngày xưa con đường này chỉ toàn những villa nhà ở sang trọng, bây giờ mở những cửa hiệu nhỏ, hay được đập đi thành những khu văn phòng cho người ngoại quốc thuê.
Góc Lê Lợi và Tự Do.

Dừng lại trước địa chỉ cũ của ngôi nhà dấu yêu, nơi tôi đã sống những ngày thơ ấu, tôi bàng hoàng khi thấy căn nhà đó biến mất và được thay thế bằng cao ốc trụ sở của một ngân hàng lớn bây giờ. Cảm xúc vì tiếc nuối, ngỡ ngàng dâng lên mãnh liệt, nhắc nhở thực tại Từ Thức về chốn cũ. Tôi bắt đầu những ngày ở Sài Gòn chỉ đi tìm về những nơi hay lui tới dạo trước, cố quay lại những khúc phim cũ trong ký ức để so sánh với những cái mình thấy bây giờ.

Một nơi khác mà tôi cũng cố tìm tới là khu nhà thờ Ngã Sáu ở Minh Mạng thăm lại ngôi trường Chu Văn An cũ. Tôi bước vào lớp học cũ, nhìn lại từng dãy xe đạp, bâng khuâng hoài niệm những khuôn mặt thầy bạn cũ của một thời làm báo học trò, của những mối tình si nhẹ nhàng lúc bỏ sang trường Trưng Vương thả hồn theo các tà áo trắng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tìm mãi mà tôi không nhận ra đâu là khu nhà nhỏ của bác gác gian nổi tiếng của trường, nơi vẫn bán xôi lạp xưởng và chè đậu đen đầy kỷ niệm cho hàng bao thế hệ Chu Văn An. Tôi chỉ còn nhớ căn buồng dùng làm khu sinh hoạt học đường trong dãy nhà ngoài cùng nơi vẫn đến tập múa hát hay hội họp làm báo. Ba năm trung học với những kỷ niệm hoạt động học đường, lo lắng thi cử, những tình yêu học trò chợt đến chợt đi. Vài mộng mị lý tưởng cho tuổi mới lớn khi tình yêu quê hương vừa hình thành một cách đứng đắn, đan kết bởi những dằn vặt suy tư của một thế hệ lớn lên trong bối cảnh chiến tranh thời đó.

Cắt ngang là đường Bà Huyện Thanh Quan êm đềm với chùa Xá Lợi giờ đây trông nhỏ bé quạnh hiu. Khác với chùa Xá lợi, chùa Vĩnh Nghiêm ở đường Công Lý trông bề thế, nhộn nhịp hơn, lúc nào cũng khói hương nghi ngút với số người đi lễ đông nghẹt gần như thường trực. Chùa Vĩnh Nghiêm và Vương Cung Thánh Đường gần như là hai “thắng cảnh” đặc biệt cho những người ở xa về.

Nhưng tôi xúc cảm nhiều hơn lúc đi theo đường Trương Minh Giảng, vượt qua cầu và ngôi chợ nhỏ. Tìm đến ngôi chùa Pháp Hoa rất nhỏ, đặt nén hương cho những người thân nằm đó trong bình yên vĩnh cửu. Người đàn ông 65 chợt thấy mắt nhạt nhòa trước hai khung ảnh gắn trên bình tro của bà nội tôi và ba tôi. Bao người xưa đã nằm xuống, một số khác đã đi ngoại quốc, bạn bè thân đã bỏ mình hay tản mát nơi đâu sau mấy chục năm?

Tôi quay về đây chợt thấy lạc lõng dù đó là thành phố mộng tưởng của các năm dài sống ở bên Mỹ. Những ngày ở khách sạn Sài Gòn, ba buổi đi tìm hiệu ăn. Thiếu vắng một bữa cơm nóng đơn giản trong ngôi nhà quen thuộc, đã làm cho tôi nhận rõ cảm tưởng chua chát mình chỉ là khách du lịch ngay trên quê hương, dù vài người thân họ hàng vẫn niềm nở tiếp đãi. Không khí ngày Tết hay Giáng Sinh có nhộn nhịp chào đón và gợi cảnh cũ, tôi vẫn thấy mình đếm rõ từng bước cô đơn trên các hè phố cũ quen thuộc.

Trong ánh mắt nhìn của đa số họ hàng, bạn bè vẫn còn chút tò mò tìm hiểu kẻ lạ trước mặt là tôi. Và dù muốn tự dối mình, tôi cũng không thể xuất hiện như những người bình thường trong cuộc sống hàng ngày ở đây. Tôi vẫn là “người lạ,” càng cố làm ra vẻ tự nhiên hòa đồng lại càng thấy ngượng nghịu, có chút tính chất “kịch” trong đó. Ở vài nơi tiếp xúc làm việc, tôi càng nhận ra điều đó. Tôi đã được đào tạo trong môi trường khác, với cách suy nghĩ hoàn toàn xa lạ với những anh em đồng nghiệp chung quanh.

Nếu tôi đến họ với tư cách doanh nhân hay đại diện một cơ quan nước ngoài, công việc có phần thuận lợi hơn trong cách cư xử. Nhưng nếu tôi muốn trở về “nhập cuộc” trong một cơ sở Việt Nam như một nhân viên bản xứ, sự hội nhập sẽ khó khăn và gần như không tưởng. Hiệu năng làm việc sẽ rất khiêm tốn vì những hàng rào ngăn cách trong công việc và giao tế. Tôi ngỡ ngàng khi nhận ra điểm đó sau vài chuyến về nhà. Nếu tôi còn bị xa lạ như thế sau khi đã trưởng thành ở Việt Nam và không bị khó khăn về ngôn ngữ đối thoại, làm sao các thế hệ con em có cơ hội trở về khi chúng chỉ bập bẹ tiếng Việt, đọc chữ không thông, đừng nói gì đến quay về sống và làm việc. Liệu quê hương sẽ chỉ là một địa danh du lịch hấp dẫn trong tâm tưởng nhóm con em ở hải ngoại này không?

Những ý nghĩ trên càng đi sâu vào trong tâm tư như một nỗi buồn gậm nhấm trong các chuyến về kế tiếp.
Quán Brodard 1955-56.

Mỗi lần trở về Mỹ, tôi ít có dịp kể lại đầy đủ các chuyện trên cho bạn bè, nhất là nếu chưa đủ thân thiết, vì đa số những lập luận hay câu chuyện đều hướng về công việc làm ăn hay những dự định tậu nhà, mua xe mới cho đời sống “bên này.” “ Bên kia” chỉ nên được coi như là thiên đường đã mất hay trong trí tưởng. Lý luận của bạn bè hay họ hàng chắc nịch như vậy nên tôi cả nể thường im lặng, chỉ kể qua loa về nếp sống ở Sài Gòn sau những chuyến công tác hay thăm viếng ngắn. Tôi chỉ quyết định viết những điều dài dòng này về Sài Gòn sau khi đọc rất nhiều sách báo về Hà Nội, và cảm thấy ẩn nhẫn bất công cho Sài Gòn, nơi đã cho tôi bao kỷ niệm đẹp thơ ấu và còn cho tôi sự quen thuộc gần gũi mỗi lần trở về, dù phần lớn chỉ để hoài niệm những ngày tháng đã qua trong thành phố thân yêu ấy.

Và có lúc tôi đã muốn kêu to: Sài Gòn, ôi tình nhân đã khuất!
Và hôm nay 2016
Những năm thay đổi đã cho Sài Gòn một bộ mặt mới hào nhoáng hơn nhiều, tiêu biểu nhất là trong những bức hình của khu trung tâm Eden ở quận Nhất ngày xưa. Tòa nhà có quán cà phê Givral nổi tiếng đã được thay thế bằng một building mới sang trọng như ở Paris, London... Ngồi lại trong chiếc ghế của quán mới, khó ai nghĩ mình không đang ở một thành phố lớn hiện đại của trời Âu.
Trung tâm Eden mới.

Nhưng, người biết rõ xã hội miền Nam ngày trước có mặt hôm nay, không thể không nói đến cái giá đắt phải trả. Người thanh niên trẻ của xã hội mới không thể dấu mọi chuyện với người bạn thế hệ cũ mới gặp.
Đất nước hôm nay chứng kiến sự băng hoại của cả một xã hội cũ trong cái hào nhoáng mới hình thành. Con người đã thay đổi quá nhiều, đức tính thành thật trong giao tiếp hàng ngày gần như đã mất. Các giá trị tinh thần được đánh giá bằng các thước đo vật chất.

Lý tưởng thanh niên đang bị lung lay không chỗ dựa. Người ta có thể vội vàng nhận xét nhóm người tuổi trẻ hôm nay chỉ sống vội, ồn ào theo đuổi vật chất, và gần như vô cảm. Nhưng thật sự họ là những người cô đơn nhất. Một đất nước có thống kê chỉ rõ tuổi trung bình là 24, và 65% dân số dưới tuổi 35, nhưng lại ít chú ý chăm sóc giới trẻ nhiều tiềm năng đó qua giáo dục và phát triển tinh thần.

Hiện trạng của đất nước không tạo được cảm hứng hay nuôi dưỡng các ý tưởng phục vụ cho thế hệ trẻ hôm nay. Tương lai với họ như thiếu chắc chắn, vì các giá trị dân chủ, công bằng và nhân ái cần thiết cho một xã hội hiện đại đều thiếu vắng. Ngay cả sự tiến bộ kinh tế, điểm sáng được ca tụng trên sách báo của bốn mươi năm qua, cũng đang trở thành mong manh tạm bợ.

Tăng trưởng đã chậm lại rõ rệt từ vài năm nay do sự bế tắc chính sách, điển hình nhất là do sự chi phối của các bè nhóm vì lợi ích riêng tư. Đồng thời phẩm chất cuộc sống đi xuống, nhiễm độc môi trường và thức ăn trở thành mối đe dọa trực tiếp hàng ngày cho đời sống của mọi giai tầng xã hội. Trên tất cả, nền kinh tế bị đe dọa sụp đổ từ 2-3 năm nay, khi hệ thống ngân hàng có thể vỡ bất cứ lúc nào với mức nợ xấu quá mức chịu đựng, nếu không có các chính sách thích hợp cấp thời. Nợ xấu tư nhân khổng lồ làm tê liệt hệ thống tín dụng ngân hàng và gánh nặng nợ công lớn không kém có lẽ đang tạo thành một “thế vỡ trận” tài chính trong tương lai gần. Gánh nặng hình như đang được đẩy cho các thế hệ tương lai phải chịu, với sự dồn món nợ công hiện tại thành những món nợ lớn tương lai qua giải pháp phát hành trái phiếu công dài hạn trong và ngoài nước.

Nhiều chuyên gia đang bàn đến các giải pháp kinh tế xã hội ngắn hạn. Nhưng trong con mắt chuyên viên, khó có thể có một “quick fix” (sửa chữa nhanh) hay “a sugar high” (một ảo tưởng), mà phải là những thay đổi thể chế và chính sách kinh tế cơ bản dài hạn, cộng thêm việc tái lập các giá trị nhân văn căn bản qua giáo dục và hướng dẫn cho tuổi trẻ.

Thế hệ trẻ biết rõ nhưng vẫn thờ ơ với viễn ảnh tương lai đó. Thiếu niềm tin, họ đang trả lời bằng sự chán chường những giá trị sống hiện tại, dồn đam mê đời sống vào các mác xe máy đắt tiền và những chiếc điện thoại thông minh thời trang, tỏ lộ hừng khí tuổi trẻ đơn giản bằng các cuộc đua xe tốc độ hàng đêm trên những đường vắng, hay khá hơn, chỉ biết diễn tả lòng yêu nước đơn giản bằng cổ vũ chiến thắng đá bóng cuồng nhiệt trong các trận “thư hùng” với các đội quốc gia vùng.

Nhưng Sài Gòn 2016 chợt thành ngột ngạt thêm vì những biến cố thời cuộc, và sự sôi sục của cả thế hệ thanh niên muốn nói lên tiếng nói yêu nước của mình. Cùng lúc các ức chế xã hội cộng thêm những khó khăn về đời sống hàng ngày hình như đã góp phần gây thêm những tội phạm xã hội ngày càng cao hơn, cho các dấu hiệu của một xã hội đang trên đà xuống dốc trầm trọng.

Nhưng hơn 50 năm qua nhìn lại vào dịp 30 tháng 4 năm nay, quê hương vẫn còn đó, là dòng sông Hồng, là nhánh Cửu Long, là Hương giang, và ở bất cứ đâu nhìn dòng nước lặng lờ trôi, lòng nhận biết mình vẫn thuộc về nó: một quê hương không bao giờ mất.

Biết ơn và không quên những người đàn anh thế hệ trước đã hy sinh, tôi thấy mình vẫn còn tự nói lên được tiếng nói hãnh diện của cả một thế hệ tuổi trẻ miền Nam, hay của bên tạm bị ví von thời thượng là “Bên Thua Cuộc.” Theo chiều dài lịch sử của cả một đất nước và một dân tộc, hôm nay bên thắng bên thua có lẽ chưa ngã ngũ là ai vì chưa rõ được hồi chung cuộc, nhưng ít nhất thế hệ chúng tôi có thể nhớ lại nhiều điểm son.

Tuổi thanh thiếu niên dưới hai nền Cộng Hòa miền Nam trước đây tràn đầy lý tưởng. Không khí học hành sôi nổi, các trường thi đua trong các kỳ thi tổ chức qui củ. Giấc mơ du học hình thành. Ý tưởng học xong trở về nước phục vụ luôn ngút ngàn. Nền tảng tổ chức một xã hội công dân bắt đầu hình thành, cho thanh niên mới lớn giấc mơ giản dị là sẽ phục vụ đất nước bằng con đường học vấn, giống như bất cứ người trẻ nào trong các nước láng giềng. Quốc gia đang còn ở trong giai đoạn “hình thành” (“nation building”) với những căn bản phôi thai về dân chủ nhưng đã biết tôn trọng các nguyên tắc nhân quyền quốc tế công nhận. Xã hội nói chung còn mang vài nét phong kiến cũ rơi rớt lại, nhất là dưới thời Tổng Thống Diệm, nhưng đã được xây dựng chắc chắn trên căn bản “nhân nghĩa lễ trí tín” của dân tộc Việt từ ngàn năm. Tiếc là cơ cấu tốt đẹp đó không được kéo dài!

Vài đàn anh lớn đi trước, đã tốt nghiệp hoặc đã đi dậy trên bục giảng đường đại học ngoại quốc, nhưng đa số mới bắt đầu lên đường năm thứ nhất, tạo phong trào cho các thế hệ đàn em vài năm sau đó. Nền giáo dục miền Nam vẫn bị chỉ trích thường xuyên dạo đó do sự cầu tiến, nhưng công bằng mà nói, những sinh viên phát xuất từ những ngôi trường Nam Việt Nam, đã xuất sắc ở những trường Âu Mỹ vào các kỳ thi tốt nghiệp sau này, là chứng cứ cho thành tích đáng kể của nền giáo dục VNCH nhìn lại.

Mong ước xây dựng một Nam Việt Nam trù phú hùng cường từ những năm 1960, tương tự giấc mơ của Nam Hàn trong ba thập niên sau, nung nấu tâm can những người trẻ, dù việc thực hiện giấc mơ đó được hay không sau này mới hiểu là do “thiên định.”

Từ 1963, hai Nền Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam đã bị đánh đổ, gây ra hai Cơ Hội Bỏ Lỡ (lost opportunities) và đẩy miền Nam vào vị trí “bên thua cuộc” tháng 4 năm 1975.

Lớn lên và mãi hơn 50 năm sau, mới hiểu các phù thủy chính trị và “bàn tay lông lá” đã triệt hạ chế độ Tổng Thống Diệm để đánh đổ Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam (2 tháng 11, 1963) như thế nào, gây ra Cơ Hội Bỏ Lỡ lần thứ nhất để xây dựng một Việt Nam độc lập phú cường như của Nam Hàn sau này, đủ sức chống lại sức mạnh từ phương Bắc và biết đâu thay đổi cả vận mệnh và lịch sử đất nước?! Ông Henry I (Henry Cabot Lodge, đại sứ Mỹ năm 1963) đã được bạn “đồng minh” Mỹ giao nhiệm vụ nhạc trưởng lật Tổng Thống Diệm và ông em.

 Mười hai năm sau, 30 tháng 4, 1975, mặc dù sau cuộc chiến dài tàn phá quê hương với nhiều lý do phức tạp hơn, đồng minh lại quay lưng phản bội làm đổ nốt nền Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam. Cơ Hội Bỏ Lỡ lần thứ hai này do Ông Henry II (Henry Kissinger) đạo diễn với tư cách ngoại trưởng chính phủ Mỹ từ bên kia nửa địa cầu. (*)

Ông Henry I đã nằm yên bên này xứ Mỹ, như hai ngôi mộ “Huynh” và “Đệ” của hai người anh em được chôn bên cạnh nhau trong một nghĩa địa Lái Thiêu hoang vắng ở bên kia sau ngày 2 tháng 11, 1963, mà hàng năm chỉ có một dúm người nhỏ đến thắp hương thăm viếng tưởng niệm!

Với ông Henry II, dù vẫn tại thế viết thêm những cuốn sách hay bài diễn thuyết hùng hồn của một “đại trí thức” để giải thích chối lỗi, tiếp tục gian dối cả nước Mỹ chứ không riêng gì cộng đồng dân tộc Việt, trách nhiệm ông còn rành rành qua kho tài liệu lịch sử và các chứng nhân Việt-Mỹ. Gần 2 triệu người chúng tôi đã tức tưởi nằm xuống, hay chìm sâu trong lòng biển trên đường tìm tự do, hay gửi thân vào tro bụi theo ngọn lửa thiêu cuối đời tha hương nhọc nhằn bất đắc dĩ, mong theo dòng nước các đại dương lớn trôi dạt nửa trái đất về bến bờ xa cũ... Tâm tư đó còn rất sâu đậm trong lòng mỗi người Việt tha hương mỗi dịp ngày 30 tháng 4 trở lại.

Trong nén hương lòng đó, người viết mong tìm đến một dòng sông nhỏ, hay một chiều Sài Gòn đi dạo mưa dưới những hàng me lá đổ, vẫn còn cố tìm về “quê hương trong tâm tưởng,” dù thời gian có trôi qua và các khuôn mặt cũ đã khuất bóng như người anh vừa nằm xuống. Và chợt tìm thấy lại niềm hạnh phúc và hy vọng mãnh liệt ở đó, vì các thay đổi lớn khác sẽ phải đến: Những con người, định chế hiện tại sẽ theo luật thời gian.

Một đất nước sẽ mãi trường tồn bên những biển dâu, những người trẻ Việt Nam hôm nay sẽ tìm lại được niềm tin của các thế hệ đàn anh thuở nào. Họ sẽ tiếp nối ngọn lửa nhỏ tuy thực tế chỉ còn le lói trước mặt, để có một ngày biến thành bó đuốc chói sáng cho vận hội mới của cả dân tộc Việt, không thể là kẻ “thua cuộc” mãi mãi được, nhất là trước hiểm họa xâm lăng gần kề của Hán tộc!

Theo Người Việt


(*) Tôi được đọc cách gọi 2 đao phủ Henry I và II này trong một quyển sách giá trị của Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng về lịch sử Việt Nam 1955-75, hy vọng sẽ được tác giả cho ra mắt dịp gần đây.