Wednesday, January 27, 2016

Bình Thuận:Hàng chục căn nhà trôi xuống biển, dân cắm lều ở tạm


Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, tại KP14 thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, biển xâm thực đã làm hư hại nhà cửa cùng tài sản của 25 hộ dân sống ven biển. 
biển nuốt nhà, ở tạm, Bình Thuận, ngư dân, thiên tai
Hoang tàn chỉ sau 1 đêm 
Lực lượng biên phòng, quân sự địa phương đã triển khai đến giúp nhân dân di chuyển những vật dụng còn lại và chằng chống nhà cửa, khắc phục sạt lở.
Còn tại TP. Phan Thiết tình trạng sạt lở bờ xảy ra tại khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành) làm 28 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, 24 hộ phải di dời khẩn cấp và hơn 120 hộ đang bị uy hiếp. Hơn 1km bờ biển bị sạt lở.
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, vật tư cùng người dân trong khu vực di dời tài sản, sơ tán dân và hỗ trợ làm kè tạm bằng bao cát, dây, cọc, bạt để chống đỡ, hạn chế phần nào nguy cơ tiếp tục sạt lở. Các hộ dân bị sập nhà được bố trí nơi ở tạm, hoặc che tạm chòi ở khu vực gần đó để sinh hoạt và bảo quản tài sản.
biển nuốt nhà, ở tạm, Bình Thuận, ngư dân, thiên tai
biển nuốt nhà, ở tạm, Bình Thuận, ngư dân, thiên tai
Hàng chục căn nhà bị cuốn trôi xuống biển 
Một người dân ở thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành có nhà bị sóng biển cuốn trôi cho biết, cả đời dành dụm mới xây được ngôi nhà cấp 4 cho vợ con tá túc, thế nhưng chỉ trong một đêm đã trở thành trắng tay. Hiện ông phải ở nhờ nhà bà con nhưng không thể ở lâu, trong khi chỉ còn vài ngày nữa là Tết …
Hiện địa phương đang tiến hành thống kê cụ thể mức độ thiệt hại để có hướng ứng phó, hỗ trợ vật tư, kinh phí và di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn
Được biết, đây là 2 khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở khi có gió mạnh và triều cường, tuy nhiên do giữ thói quen bám biển, nhiều bà con vẫn chọn khu vực này để sinh sống và làm nghề. 
Hàng trăm hộ dân sinh sống lâu năm chủ yếu là các hộ nghèo, mong chính quyền sớm hỗ trợ một phần kinh phí để có chút tiền trang trải trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần.
Về lâu dài, người dân mong muốn các cấp, các ngành cần sớm xây dựng kè biển tại đây để nhân dân yên tâm sinh sống.
27/01/2016  18:43 
Lê Huân

Gần 2.000 gia súc chết rét

TTO - Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 27-1, đã có 1.905 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại kèm theo băng giá và mưa tuyết.
Cụ thể, Lào Cai có 354 con chết; Lai Châu 46 con; Yên Bái 134 con; Sơn La 367 con; Điện Biên 311 con; Cao Bằng 295 con; Lạng Sơn 7 con; Yên Bái 134 con; Quảng Ninh 255 con; Hòa Bình 106 con; Bắc Giang 21 con; Bắc Kạn 9 con.
Có 4.473ha hoa màu và 217ha cây công nghiệp ngắn ngày bị thiệt hại; 151.842ha rừng của tỉnh Lào Cai bị tuyết che phủ. Tại các xã khu II huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) mưa tuyết đã vùi lấp toàn bộ diện tích hoa màu của nhân dân. 
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định không khí lạnh đang có xu hướng suy yếu dần nên các tỉnh miền Bắc duy trì rét đậm, rét hại trên diện rộng đến hết ngày mai 28-1, vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã hỗ trợ 90 triệu đồng cho 3 tỉnh gồm: Lạng Sơn 50 triệu đồng, Lai Châu 20 triệu đồng, Lào Cai 20 triệu đồng để các tỉnh mua quần áo ấm, cấp cho học sinh nghèo dưới 10 tuổi, dân tộc ít người.
 27/01/2016 18:36
TTXVN

Nghề nào sướng hơn nghề bán xổ số và đố ai giỏi hơn người tàn tật?

Theo Nguoiduatin-27.01.2016 | 07:04 AM
Phát ngôn của ông Hồ Kinh Kha - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang có lẽ đã khẳng định rằng chẳng có nghề nào sướng hơn nghề bán vé số dạo.
Theo như ông Hồ Kinh Kha: “Ngành xổ số là ngành giải quyết an sinh xã hội rất lớn. Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khi gặp tôi kể lại, họ từng xuất thân nhà nghèo, nhờ bán vé số mà có thể tiếp tục học lên cao, giúp ích xã hội. Ở Tiền Giang, nhiều trẻ em đi học một buổi, bán vé số một buổi cũng được 100 - 200 tờ. Cứ mỗi tờ lời 1.100 đồng thì các em kiếm từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi”.
Không những thế, ông còn nhấn mạnh rằng: “Ở An Giang, có những người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ”. Mà ông cho biết, mỗi tờ vé số bán ra, người bán được lời 1.100 đồng thì nhẩm tính cũng ra những người tàn tật bán vé số có thu nhập khủng như thế nào!
Đúng là chẳng có nghề nào sướng bằng nghề bán vé số.
Cứ thử xét mà xem, có nghề nào không cần bằng cấp, không cần ngoại hình, tỉ lệ rủi ro thấp mà thu nhập trên dưới 100 triệu đồng một tháng không?
Chẳng những vậy, tuổi lao động của nghề này không hề giới hạn. Bạn có thể vào nghiệp từ khi còn rất nhỏ, cho đến khi già mõ, đầu bạc, răng long cũng không lo về hưu sớm, càng không sợ thu nhập sẽ giảm vì theo như lời của ông Giám đốc Sở ở trên thì càng đáng thương, càng bán được nhiều vé số.
Nghề nào sướng hơn nghề bán xổ số và đố ai giỏi hơn người tàn tật? - Ảnh 1
Người tàn tật bán vé số có thu nhập gần 100 triệu đồng một tháng? Ảnh: News Zing.
Ca sĩ, diễn viên hay người mẫu… thu nhập của họ cũng khá cao nhưng bù lại, họ phải đầu tư rất nhiều cho hình ảnh cá nhân. Nào là quần áo, giày dép, phụ kiện… Còn công việc bán vé số này đầu tư ngoại hình càng ít lại càng lời. Đúng là lợi chồng lợi!
Thế đấy, từ trước đến nay, ai ai cũng nghĩ rằng những người bán vé số là khổ lắm, là đáng thương lắm. Ai dè, đó lại là công việc trong mơ của bao người!
Chắc hẳn, sau khi phát ngôn của ông Kha được công bố rộng rãi trên khắp các trang mạng thì người người bỏ học, nhà nhà bỏ việc để gia nhập đội quân vé số 100 triệu đồng. Và có lẽ cả người chủ quán cà phê cấm không cho “vé số vào nhà vệ sinh” cũng phải suy nghĩ lại hành động của mình ngay sau khi biết được tin này.
Nghề nào sướng hơn nghề bán xổ số và đố ai giỏi hơn người tàn tật? - Ảnh 2
Thu nhập “khủng” như vậy nhưng họ luôn bị coi thường. Ảnh: Hữu Danh.
Nhưng nghĩ đi thì phải nghĩ lại, đúng là chẳng ai giỏi bằng người tàn tật!
Theo như ông Kha nhận định, một ngày, một người tàn tật bán được khoảng 3000 tớ vé số.
Cứ cho họ làm 15 tiếng một ngày, vậy để bán được 3000 tờ vé số/ngày thì trung bình 18 giây họ phải bán được ít nhất 1 tờ vé. Thời gian đó bao gồm cả thời gian di chuyển, mời chào...
Quả là “không thể tin nổi”! Có lẽ, những người học chuyên ngành truyền thông, marketing, sale, những người có kinh nghiệm lâu năm trong những lĩnh vực bán hàng cũng phải ngả mũ trước cái tài, cái duyên thu hút khách của những người tàn tật.
Thế đó, những người tàn tật (hoặc không) bán vé số dạo chỉ là những người làm thuê mà còn có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng một tháng thì không biết những vị lãnh đạo ở trên thu nhập còn “khủng” hơn như thế nào!
Đương nhiên sẽ chẳng bao giờ thấp hơn rồi, vì có bao giờ thu nhập của “nhân viên” lại thấp hơn của “sếp”?
Bảo Trang
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Ăn gạo hỗ trợ, người bị nôn ói, heo lăn ra chết

(NLĐO) – UBND xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vừa thu hồi gạo hỗ trợ người dân sau khi nhiều người ăn xong có dấu hiệu bị ngộ độc.

Ngày 27-1, ông Hồ Văn Chiêng, Chủ tịch UBND xã Phước Trà, xác nhận nhiều người dân địa phương bị nôn ói sau khi ăn cơm nấu từ gạo được hỗ trợ.

Số gạo này đã bị thu hồi và niêm phong tại trụ sở UBND xã Ảnh: Thanh Huyền
Số gạo này đã bị thu hồi và niêm phong tại trụ sở UBND xã Ảnh: Thanh Huyền
Theo ông Chiêng, chiều 14-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức cấp cho xã Phước Trà 30 suất quà Tết cho người nghèo. Mỗi suất gồm có 10 kg gạo, 1 gói bột ngọt, 1 chai nước mắm và 1 chai dầu ăn. Ngày 20-1, UBND xã Phước Trà chuyển 26 suất quà trên cho người dân ở thôn 6, 4 suất cho người dân ở thôn 3.
Tuy nhiên, trong ngày 22-1, sau khi lấy gạo nấu cơm ăn thì có 3 người dân ở thôn 6 bị nôn ói, phải đưa đến trạm y tế cấp cứu. Sau khi nghe thông tin, UBND xã Phước Trà đã báo cáo công an huyện và cử người đến nhà dân thu hồi lại số gạo trên đưa về xã để niêm phong.

Có tất cả 100 suất quà nhưng người bị nôn ói sau khi sử dụng gạo đều ở xã Phước Trà Ảnh: Thanh Huyền
Có tất cả 100 suất quà nhưng người bị nôn ói sau khi sử dụng gạo đều ở xã Phước Trà Ảnh: Thanh Huyền
“Có 3 trường hợp ăn cơm nấu từ gạo đó thì đều bị nôn, nhiều người nghe tin như vậy nên chưa dám dùng” – ông Chiêng nói. Ông cho biết thêm có một người dân dùng số gạo này cho heo ăn thì một con heo đã lăn ra chết.
Ông Phan Quang Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản  tỉnh Quảng Nam, cho biết đã cử người đến xã Phước Trà xác minh và lấy mẫu số gạo trên đưa đi kiểm tra. Theo ông Dũng, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức đã trao tất cả 100 suất quà cho người nghèo trong huyện. Trong đó, 70 suất ở các xã khác thì người dân dùng không có phản ánh gì. “Chúng tôi đã gửi mẫu đi kiểm tra. Sang tuần sau có kết quả thì mới biết được nguyên nhân như thế nào” - ông Dũng nói.
27/01/2016 20:46
Tr. Thường - T. Huyền

UBND TP HCM bị kiện đòi lại 10 kg vàng và gần 14.000 USD

Theo Baomoi-27/01/2016 21:15
Tuy nhiên, TAND TP HCM đã bác bỏ đơn kiện.
UBND TP HCM bị kiện đòi lại 10 kg vàng và gần 14.000 USD
UBND TP HCM bị kiện vì giữ 10kg vàng trái phép (Ảnh minh họa)
Liên quan tới vụ việc, giữa năm 2013, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ phát hiện anh Phạm Duy Hiếu (33 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Phương Anh) cất giữ 10 thỏi vàng (10kg) do nước ngoài sản xuất mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Cơ quan chức năng đã tạm giữ số vàng trên cùng 13.800 USD để điều tra. Ngày 21/4/2014, anh Hiếu bị phạt hành chính vì hành vi buôn lậu 10kg vàng. Ngày 9/5/2014, Chủ tịch UBND TP HCM đã ký quyết định xử phạt anh Hiếu 15 triệu đồng vì kinh doanh hàng nhập lậu và tịch thu 10kg sung quỹ nhà nước.
Cho rằng việc tịch thu 10kg vàng cùng 13.800 USD của UBND TP HCM là trái luật, anh Hiếu đã đâm đơn kiện.
Theo anh Hiếu, 10kg vàng trên là của hồi môn của vợ, chưa hề thực hiện giao dịch mua bán nên không có cơ sở xử phạt kinh doanh hàng nhập lậu. Còn 13.800 USD là của riêng, không phải tang vật vi phạm nên tạm giữ là trái luật.
Ngày 26/1, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ kiện trên.
Đại diện UBND TP HCM nói rằng quyết định xử phạt đã áp dụng đầy đủ trình tự và căn cứ theo pháp luật.
HĐXX nhận thấy anh Hiếu cất giữ 10 thỏi vàng sản xuất ở nước ngoài nhưng không có giấy tờ chứng minh. Từ đó, TAND TP HCM đã bác đơn kiện của anh Hiếu.
Ngang Chuyên

Cảnh giác ý đồ thâu tóm đất của Trung Quốc

MINH TRUNG27/01/2016 15:19
TT - Chính sách thâu tóm đất nông nghiệp của Trung Quốc khiến nhiều nước trên thế giới bất an, một số đã tập nói “không” với đồng nhân dân tệ.

Cảnh giác ý đồ thâu tóm đất của Trung Quốc
Một chương trình truyền hình ở Úc nói về làn sóng "xâm lấn của Trung Quốc" - Ảnh chụp màn hình
Tuần báo National Business Review của New Zealand ngày 26-1 đưa tin ông Gary Romano, giám đốc chi nhánh New Zealand của Tập đoàn Shanghai Pengxin (Trung Quốc), đã nộp đơn xin từ chức sau hai năm lèo lái doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại khu vực này.
Quyết định của ông Romano được cho là có liên quan đến thất bại của thương vụ thâu tóm Lochinver Station, một trong những trang trại sữa lớn nhất New Zealand hồi tháng 9-2015.
Chính phủ New Zealand bác bỏ khoản tiền 88 triệu USD của nhà đầu tư Trung Quốc với lý do nó không mang lại “lợi ích lâu dài” cho 
đất nước.
Quyết định của chính quyền New Zealand dẫn đến việc Pengxin cũng rút khỏi thương vụ mua nông trại Taharua gần Lochinver và các điền sản khác 
ở Northland.
Các nước đã cẩn trọng
Tập đoàn Trung Quốc được nhắc đến nhiều vào năm 2012 với thương vụ thâu tóm 16 nông trại sữa Crafar của doanh nghiệp gia đình lớn nhất New Zealand. Vụ mua bán này vấp phải làn sóng phản đối gay gắt từ các đảng phái chính trị New Zealand. Họ gây áp lực lên chính phủ vì diện tích đất nông nghiệp chuyển giao cho nước ngoài quá lớn.
Chuyên gia Stuart McMillan thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược ĐH Victoria (Wellington, New Zealand) nhận xét cơn sốt đất nông nghiệp New Zealand của người Trung Quốc sẽ không giảm nhiệt trong một sớm một chiều.
Theo ông McMillan, có nhiều lý do đằng sau chính sách thâu tóm đất của các nước, trong đó có Trung Quốc, vấn đề là các quốc gia cho thuê/bán cần phải cân nhắc một khi ra quyết định giao đất cho “người lạ”.
Trường hợp New Zealand tương tự với bản ghi nhớ cho thuê 1.000km2 đất trong 49 năm mà chính quyền vùng Siberia của Nga bắt tay với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc Hua’e Xingbang hồi năm 2015. Khi kế hoạch này vừa công bố, chính trường và truyền thông Nga đồng thanh cảnh báo nó có thể dẫn đến việc mất đất vào tay Trung Quốc.
New Zealand là một ví dụ cho việc thế giới bắt đầu nghi ngờ và phản kháng trước “hiện tượng” thâu tóm đất đai của Bắc Kinh.
Như trường hợp Brazil, chính quyền nước này từ chối bán hàng ngàn hecta đất nông nghiệp cho nhà đầu tư Trung Quốc, thay vào đó họ cho nông dân Brazil vay tiền để trồng đậu nành, sản phẩm này sau đó được bán cho Trung Quốc để nuôi gia súc, gia cầm.
Brazil, Argentina và Uruguay thông qua luật cấm các tổ chức, công ty có dính dáng đến chính phủ nước ngoài sở hữu đất đai...
Dùng Úc làm "trái độn"
Tạp chí tài chính Nikkei Asia Review của Nhật mới đây có bài phân tích việc Trung Quốc dòm ngó vùng đất màu mỡ phía bắc lục địa Úc với 17 triệu ha đất canh tác.
Nằm gần Đông Nam Á, vùng này có địa thế chiến lược trở thành một trung tâm xuất khẩu nông nghiệp lớn. Nếu mở đường bay thẳng từ Darwin, thủ phủ vùng lãnh thổ phía bắc Úc, đến Singapore, trung tâm tài chính - giao thông lớn nhất Đông Nam Á, chỉ mất 
4 giờ 30 phút.
Ngày 13-10-2015, không lâu sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được đại diện 12 nước bàn thảo thống nhất tại thành phố Atlanta (Mỹ), chính quyền vùng lãnh thổ phía bắc Úc cũng đặt bút ký bản hợp đồng giao cảng Darwin vào tay Landbridge Group, một doanh nghiệp xây dựng lớn của Trung Quốc.
Theo thỏa thuận, công ty Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông sẽ quản lý khu cảng chiến lược này 
trong... 99 năm.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Darwin đang trên đà thắt chặt hơn nữa. Ít nhất một hãng hàng không Trung Quốc đang cân nhắc mở đường bay thẳng từ Đại Lục đến thành phố của Úc.
Đây là một diễn biến gây lo ngại cho Mỹ và Nhật Bản vì nó có thể cản trở tầm nhìn hình thành một trật tự kinh tế mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua TPP. Đối với Mỹ, Darwin còn là một tiền đồn quân sự quan trọng vì vị trí nằm gần Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng yêu cầu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull giải thích về chuyện cho thuê cảng Darwin trong cuộc gặp tại Diễn đàn APEC ở Manila tháng 11-2015. Đáp lại, ông Turnbull cho rằng đó chỉ là “một thỏa thuận thương mại theo đúng các trình tự pháp lý”.
Cây bút Yasu Ota của tờ Nikkei nhận định đột phá trong đàm phán TPP dường như càng thôi thúc Bắc Kinh đẩy nhanh việc hình thành một khu vực kinh tế châu Á cho riêng mình.
Trung Quốc rõ ràng đã vội vã “chốt” thương vụ cảng Darwin và thiết lập thế đứng tại khu vực miền bắc Úc trước khi TPP có hiệu lực. Có thể sẽ cần đến hai năm để tất cả 12 nước phê chuẩn TPP, Trung Quốc đang có đủ thời gian họ cần trong tay.
Những điều cần lưu ý khi cho nước ngoài thuê đất
Theo chuyên gia Stuart McMillan, các quốc gia cho nước ngoài thuê/mua đất cần phải áp dụng những điều kiện nhất định để kiểm soát:
- Bảo đảm nông dân nước ngoài tuân thủ quy trình nông nghiệp và luật của nước chủ nhà. Nếu phía nước ngoài có hoạt động xâm phạm môi trường, sức khỏe động vật, quy định kiểm dịch, luật pháp... điều này sẽ đe dọa cả nền kinh tế.
- Cần tính kỹ bài toán kinh tế, không chỉ thấy lợi ích trực tiếp mà bỏ qua các yếu tố lũng đoạn, độc quyền (ngành nghề, nhà máy, đường giao thông...) của phía nước ngoài. Suy cho cùng, lý do một số nước đi mua hoặc thuê đất của nước ngoài để sản xuất là vì họ không muốn bỏ tiền nhập hàng hóa.
- Nước chủ nhà phải có quyền bảo đảm an ninh lương thực cho người dân.
- Cẩn thận với bảo hộ bản quyền trí tuệ. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua một nhà máy, thông thường họ sẽ sở hữu công nghệ của nhà máy đó.

"Ai không hối lộ sẽ bị thả trôi sông"

Một lao động ngụ cư sống trong một túp lều nát bên cạnh bờ sông Hồng hay một ông chủ doanh nghiệp cỡ bự có thể có một giao điểm số phận: họ phải đi đút lót để được làm tiếp công việc của mình.

Những số muôn năm cũ...
Cách đây đúng một năm, Ngân hàng Thế giới đưa ra một con số đáng sợ: mỗi năm, có từ 20 đến 40 tỷ USD bốc hơi vì đút lót, hối lộ.
Một năm qua đi, câu hỏi đặt ra là con số ấy trong năm qua có giảm đi không hay tăng lên? Câu trả lời có thể đến rất nhanh: không trả lời được.
Hãy lướt qua một báo cáo cũ khác của Ngân hàng Thế giới về minh bạch tại Việt Nam, được đưa ra năm 2013, đánh giá về các thông tin ngân sách được công khai.
Trong báo cáo này, ta có thể nhìn thấy nguyên nhân tiền bốc hơi ở số lượng lớn như vậy. Khi được hỏi về khả năng tiếp cận thông tin ngân sách cấp tỉnh, thì suốt một thập kỷ qua, năm nào hỏi khối tư nhân, cũng có tối thiểu 60% trả lời là “không thể tiếp cận được”. Hoặc khi được hỏi về chất lượng thông tin trên báo chí, có đến 88%... các nhà báo được hỏi cho rằng thông tin về doanh nghiệp nhà nước cần được cải thiện, v..v..
hối lộ, tham nhũng, chia chác
Xóm ngụ cư ven sông này tồn tại nhờ một sự "thỏa thuận", theo lời kể của người dân. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.
Thông tin về ngân sách, về hoạt động của doạnh nghiệp nhà nước (thành phần kinh tế chủ đạo) không thể được tiếp cận bởi đại chúng. Trong khi đó, với mỗi đồng làm ra “phải mất 0,72 đến 1 đồng” để đút lót (TS.Lê Đăng Doanh). Trong khi đó, theo một khảo sát của Phòng thương mại & công nghiệp Việt Nam năm ngoái, thì có đến 65% doanh nghiệp được hỏi khẳng định họ phải đút lót để tồn tại.
Nếu cứ điểm lại những con số cũ và nhìn vào những thay đổi ở tầm chính sách đã được tạo ra trong năm qua, thì không có nhiều hy vọng về thay đổi.
Không đút lót thì... bị thả trôi sông
Hãy tạm rời xa những con số vĩ mô “muôn năm cũ” để đến với một câu chuyện cụ thể, một xóm ngụ cư bên bờ sông Hồng nằm ngay gần trung tâm của một thành phố phía Bắc.
Những người này sinh ra ở một xã vùng trũng ở bên bờ sông Hồng – những cánh đồng mỗi năm có 6 tháng bị nhấn chìm trong nước sông trắng xóa mênh mông. Những năm xa xưa, một vụ lúa mỗi năm có thể nuôi sống được con người. Nay, cả làng đi tha phương.
Từ mười mấy hai mươi năm trước, những người làng bắt đầu leo lên những con thuyền, xuôi theo dòng sông Hồng đi bán gốm rong.
hối lộ, tham nhũng, chia chác
Xóm ngụ cư ven sông này tồn tại nhờ một sự "thỏa thuận", theo lời kể của người dân. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Ban đầu, những con thuyền lênh đênh, dừng ở bến sông nào cũng là nhà, đem gốm lên các làng ven sông đổi lấy gạo, lấy củi hoặc may mắn thì bán được tiền. Nhưng giờ thì không ai buôn bán kiểu đó được nữa. Họ phải dừng lại, những con thuyền neo ở một góc khuất của thành phố, bên bờ sông. Họ lập thành một xóm ngụ cư. Hàng ngày, từ xóm này, những chiếc xe thồ gốm bắt đầu tản đi khắp thành phố, bán hàng rong hoặc đến các chợ.
Xóm ấy đã lập nhiều năm, một số vẫn sống trên thuyền, một số đã lên bờ, thuê đất nông nghiệp của người dân ngay đó dựng lên những túp lều. Họ sống tha hương như thế đã đến thế hệ thứ 3, đi vào xóm bây giờ đã nghe thấy tiếng khóc trẻ con.
Tất nhiên, những gia đình này, những con thuyền này, ở lại bên bờ sông ấy không tuân thủ một quy định pháp lý nào. Nói chính xác là cư trú bất hợp pháp.
Chính quyền địa phương giải quyết vấn đề này như thế nào? Người trong xóm kể, mỗi năm, mỗi gia đình đóng một khoản tiền gọi là “tiền đi du lịch” (!) cho các cán bộ chịu trách nhiệm quản lý cư trú trên địa bàn phường. Một khoản tiền chấp nhận được, và họ được lờ đi để sống tiếp ở đó.
Hãy giả thiết rằng lời kể của người dân là thật. Hãy tạm coi những người bán gốm rong này là đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hãy phân tích mâu thuẫn giữa họ và chính quyền.
Bản thân những người này cũng sai. Nhưng trong một môi trường rộng, bao gồm cả điều kiện kinh tế xã hội của cả đất nước, của nơi họ đã ra đi, của cơ hội việc làm,... họ đã chọn con đường này và không còn cách nào ngoài đi tiếp nó. Tuy nhiên, điều này không thể phủ nhận được việc họ quần tụ ở bờ sông ấy thành một “tổ dân phố” không giấy tờ, không thừa nhận là điều vi phạm luật.
Cái sự vi phạm kiểu này quen thuộc ở khắp nơi trên cả nước, ở mọi ngõ chợ, vỉa hè, những hộ kinh doanh cá thể hay như một ẩn dụ, đúng cả với hầu hết doạnh nghiệp.
Ông cán bộ phường có thể nhăn nhó đau khổ, rằng cả một hệ thống văn bản pháp luật về cư trú, tôi làm sao mà thay đổi được? Tôi cũng có cấp trên, những người có thể kỷ luật tôi bất kỳ lúc nào. Tôi cũng có công việc, có vợ con. Tôi cầm tiền để lờ đi thế này đã là giúp người ta rồi.
Ông này nói cũng chẳng sai. Đó là một câu chuyện mà bên nào cũng có quyền vò đầu bứt tai “tôi cũng có cái khó”.
Rốt cục thì chuyện đút lót này được thừa nhận một cách hiển nhiên. Không còn cách nào khác. Không đút lót thì... bị thả trôi sông, theo nghĩa đen.
Ai giải quyết cái khó ấy? Không phải những người lao động ban ngày đi bán gốm rong, ban đêm vẫn dầm mình dưới nước sông Hồng thả tấm lưới mong kiếm thêm mấy con cá con. Không phải là ông cán bộ phường.
Những câu chuyện ấy chỉ có thể được thay đổi bằng những thay đổi toàn bộ môi trường, thay đổi các chính sách, giải quyết những vấn đề của các “nhà kinh doanh” gốm rong kia bằng những giải pháp vĩ mô. Thay đổi luật cư trú? Chính sách việc làm cho họ? Hay là cho họ một sinh kế gì đó ở ngôi làng nơi họ đã buộc phải ra đi? Người viết không thể trả lời. Chỉ biết chắc, nó phải là một vận động ở tầm xã hội.
Nếu môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, môi trường sống, sinh kế không được cải thiện liên tục, thì con người sẽ lại tiếp tục phạm luật. Họ sẽ lại bày thúng mẹt ra vỉa hè, lập các doanh nghiệp làm những điều luật pháp “khuất mắt trông coi”. Họ chen vào mọi ngách mình nhìn thấy. Cái cần, là pháp quy hóa những cái ngách ấy, không ai làm. Hối lộ, đút lót hiển nhiên tồn tại.
Người đàn ông đầm mình dưới nước sông Hồng ở cái xóm ngụ cư kia, khi đóng tiền để được ở lại đó, hẳn sẽ không ngờ rằng mình có chung số phận với một ông chủ ngân hàng nào đó.
27/01/2016  01:00
Đinh Đức Hoàng

Mỹ, VN lên án kế hoạch thăm đảo Ba Bình của lãnh đạo Đài Loan

Văn phòng của tổng thống Ðài Loan cho biết ông Mã Anh Cửu sẽ đi thăm đảo Ba Bình vào thứ Năm để gặp gỡ với các quân nhân Ðài Loan đang trú đóng ở đó trước Tết âm lịch.
Văn phòng của tổng thống Ðài Loan cho biết ông Mã Anh Cửu sẽ đi thăm đảo Ba Bình vào thứ Năm để gặp gỡ với các quân nhân Ðài Loan đang trú đóng ở đó trước Tết âm lịch.
VOA- 27-01-2016
Kế hoạch thị sát một hải đảo trên Biển Đông của Tổng thống Ðài Loan Mã Anh Cửu là "cực kỳ vô bổ" và không giúp gì cho việc giải quyết những tranh chấp trong khu vực trong hải lộ này, một giới chức Mỹ hôm thứ Tư nói.
Văn phòng của Tổng thống Ðài Loan cho biết ông Mã sẽ đi thăm đảo Ba Bình vào thứ Năm để gặp gỡ với các quân nhân Ðài Loan đang trú đóng ở đó trước Tết âm lịch.
Đảo này năm trong khu vực giàu khoáng sản và là tâm điểm của các tranh chấp chủ quyền chồng chéo nhau giữa Trung Quốc và các láng giềng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên Sonia Urbom của Văn phòng Đại diện Mỹ ở Đài Bắc nói "Chúng tôi thất vọng trước việc Tổng thống Mã Anh Cửu dự tính đi thị sát đảo Ba Bình". Văn phòng này là Ðại sứ quán Mỹ trên thực tế ở đảo quốc này khi hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Ông Trần Duy Hải, đại diện vủa Phòng Kinh tế và Văn hóa của Việt Nam ở Đài Bắc, Ðại sứ quán của Việt Nam trên thực tế ở Ðài Loan, tán đồng với phát biểu của bà Urbom.
"Nếu ông Mã đi thị sát đảo, điều đó sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực," ông Hải nói.
Đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa, nơi đang có những tranh chấp chủ quyền chồng chéo giữa Bắc Kinh với Đài Bắc, cùng với Việt Nam, Philippines. Malaysia và Brunei.
Ðài Loan đã hoàn thành một dự án nâng cấp cơ sở trên đảo Ba Bình, trong đó có một hải đăng mới, một đường băng được nối dài và một cảng.
Dự án mở rộng các cơ sở này dường như là một hành động đáp lại các dự án xây lấp biển hung hãn của Trung Quốc trên khắp quần đảo Trường Sa.

Khi nào bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng khóa mới?

 N.K-27.1.16
Khi nào bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng khóa mới?

Việc bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng khóa mới sẽ phải đợi tới kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14, tức là vào tháng 7/2016.
Theo quy trình, đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14, tức là vào tháng 7/2016 thì Quốc hội khóa 14 sẽ bầu Ủy ban thường vụ Quốc hộikhóa 14, bầu Chủ tịch Quốc hội rồi bầu Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đã được bầu, Thủ tướng sẽ trình giới thiệu các nhân sự Bộ trưởng và Quốc hội sẽ phê chuẩn các Bộ trưởng đó.
Trao đổi bên lề Đại hội Đảng 12, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác nhận rằng: Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã nhất trí giới thiệu Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an cho chức danh Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho chức danh Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho chức danh Chủ tịch Quốc hội.
Theo Infonet

Đấu đá quyền lực Việt Nam qua mùa Đại hội: đã kết thúc?

Theo VNTB -27.1.16
Thạch Lam Trần (VNTB) Trang DW của Đức trong bài viết được đăng tải trong ngày 26.01, đã cho rằng, cuộc chiến quyền lực ở Việt Nam đã kết thúc. Khi phe bảo thủ trong đảng đã củng cố sự thống trị của họ.

VNTB - Đấu đá quyền lực Việt Nam qua mùa Đại hội: đã kết thúc?. Ảnh:AFP

Theo trang này, sự “đấu đá quyền lực trong Đảng” cầm đầu bởi phe TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc với chiến thắng của ông Trọng, khi tên ông Dũng đã biến mất trong danh sách 180 Ủy viên T.Ư chính thức.


“Đây là đấu đá nội bộ bất thường”, trang tin này nhận định, bởi 70 năm qua, ĐCSVN bị chi phối bởi nguyên tắc nhất trí tập thể, do đó – bất kỳ sự xung đột nội bộ nào thì Đảng vẫn giữ cho mình là một tập thể thống nhất. Sự “thống nhất” này được hiểu là các xung đột sẽ được giải quyết bởi các quan chức chủ chốt của đảng, kể cả tại vị hay nghỉ hưu, trước khi Đại Hội diễn ra.

Tuy nhiên, trong kỳ ĐH XII này, điều đó đã không xảy ra. Và mãi đến thời điểm ĐH Đảng, thì mới bắt đầu có sự nhượng bộ từ phía Thủ tướng Dũng khi ông “rút lui” bằng cách không tái cử. Ông Trần Lưu Hải, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng trong lần trả lời phỏng vấn trang tin Zing, đã cho rằng, "gần 10 ủy viên BCT không tái cử là biểu hiện tốt đẹp, thể hiện niềm tin của Đảng đối với lớp trẻ".

Nhưng điều đó có vẻ để khỏa lấp cho những mâu thuẫn nội bộ đang diễn ra. 

Sự mâu thuẫn đến từ vị trí đối lập của ông Trọng và Dũng. Trong khi ông Trọng được coi là bảo thủ, nguyên tắc với chủ nghĩa Mác-Lenin và chính sách đối ngoại nghiêng về Trung Quốc, với niềm tin giữ chặt được sự tồn tại của chế độ thì ông Dũng lại được coi là “nhà tư bản thực dụng”, với xu hướng tự do hóa kinh tế, đưa người thân nắm giữa vị trí then chốt trong chính quyền và trong nền kinh tế. Có xu hướng gần gũi Mỹ qua người con rể.

Sự bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo càng nổi lên hơn, khi ông Dũng khởi xướng việc tham gia TPP, vốn bị phe bảo thủ trong Đảng chỉ trích là “quá sớm, quá sâu rộng” – điều có thể khiến Việt Nam đi chệch hướng XHCN. Cũng như vấn đề quản lý nợ quốc gia, và phòng chống tham nhũng dưới quyền ông Dũng trong những năm gần đây.

Dù cố gắng “phủ quyết chính trị” với ông Dũng, liên quan đến câu chuyện “chìm tàu kinh tế” Vinashine, tuy nhiên lần bỏ phiếu tín nhiệm vào năm 2012 đã không được như mong muốn của nhóm người phe bảo thủ. Nhưng dường như, từ sau lần bỏ phiếu đó, đã là một bước đệm để buộc ông Dũng phải lùi bước trong việc tranh cử chức vụ Tổng bí thư lần này.


Chiều nay (27.01) ông Nguyễn Phú Trọng là Tân Tổng Bí thư ĐCSVN. 

Nó lú nhưng 'các chú' nó khôn

Theo Người Việt-01-26-2016 6:20:28 PM 
Ngô Nhân Dụng
Cuối cùng đảng Búa Liềm vẫn giữ nguyên đặc tính Búa Liềm: Trên bảo dưới nghe, đứa nào cãi coi chừng đi mò tôm! Ðại Hội XII đảng Cộng Sản Việt Nam đã bầu tất cả các ứng cử viên do Bộ Chính Trị đưa ra, gạt bỏ tất cả những người mà các đại biểu đề nghị tại chỗ.

Ðại hội trong suốt mấy ngày không bàn cãi sôi nổi chuyện gì về tương lai đất nước, bảo vệ chủ quyền, sửa đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện giáo dục, y tế, vân vân. Tất cả năng lực và thời giờ của hơn 1,500 con người được dành vào việc chia ghế. Một truyền thống lâu đời của đảng Cộng Sản vẫn còn được bảo tồn! Thống Chế Stalin chắc hẳn phải hài lòng.

Nhiều quan sát viên ngoại quốc bàn tán rằng Ðại Hội XII khác các đại hội trước của đảng Cộng Sản, vì thấy hai phe đấu đá nhau gay go suốt mấy năm và kéo dài tới giờ phút chót. Nghĩ thế là chỉ thấy bề ngoài. Trong lịch sử đảng Cộng Sản những cuộc đấu đá gay go vẫn diễn ra thường xuyên. Như khi Hồ Chí Minh tìm cách loại bỏ phe cánh của Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập để đưa đám đàn em mình vào. Khi Lê Duẩn hạ thủ Võ Nguyên Giáp. Khi Lê Ðức Thọ phá đám buộc Trường Chinh phải lui. Ðại Hội XII có bề ngoài khác trước vì ngày nay có các phương tiện truyền thông mới. Những cú đấm cú đá trước đây diễn ra trong phòng kín, được che đậy vì đảng kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông. Bây giờ thông tin bùng nổ, cảnh ô nhục bị phơi bày trước công chúng, đảng Cộng Sản hiện nguyên hình là nhóm người tranh giành xôi thịt trâng tráo nhất thế giới!

Trong phòng họp đại hội, hàng chữ lớn nhất trên bồn hoa nghênh ngang nêu ra bốn khẩu hiệu: Ðoàn Kết, Dân Chủ, Kỷ Cương, Ðổi Mới. Hai khẩu hiệu Ðoàn Kết và Kỷ Cương bảo đảm tinh thần Búa Liềm vẫn được bảo vệ. Ðổi Mới là khẩu hiệu không thể thiếu, nó giải thích tại sao một đảng Mác-Lênin lại làm ăn theo lối tư bản. Hai chữ Dân Chủ bẽ bàng, vì cho nói, cho đề cử, nhưng cuối cùng không nên trò trống nào hết! Tấn hài kịch được blogger Huỳnh Ngọc Chênh gọi là một “trò hề quốc sự.”

Trò hề Dân Chủ khiến nhiều quan sát viên ngay tình suy đoán lầm từ lúc đầu. Dựa vào những gì đã thấy mấy năm qua, ai cũng tin rằng Nguyễn Tấn Dũng sẽ qua mặt Nguyễn Phú Trọng.

Dũng đã nắm quyền suốt 10 năm, chia chác lợi lộc kinh tế cho các đàn em, cho nên đã được đa số Trung Ương Ðảng tín nhiệm trong tất cả các lần bỏ phiếu trước đây. Dũng đã phong cho hàng loạt tướng công an và quân đội. Phe đảng của Dũng đã được ăn chia đầy đủ qua các doanh nghiệp nhà nước. 

Dũng sẽ chiếm thế thượng phong trong hội nghị Trung Ương Ðảng, do đó, trong cả đại hội.

Nhưng Dũng đã thất bại ngay trong hội nghị thứ 14. Vì Nguyễn Phú Trọng nắm đằng chuôi, với Quyết định số 244-QÐ/TW về “Quy chế bầu cử trong Ðảng” do Trọng ký năm 2014. Cái chuôi trong quyết định này là “Ở các hội nghị của Ban Chấp Hành Trung Ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Bí Thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính Trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính Trị.” Mà trong Bộ Chính Trị, Trọng chiếm được đa số. Sau hội nghị 14, Dũng bị gạt ra, Trọng vẫn còn vì được miễn không bị giới hạn tuổi.

Nhưng các nhà quan sát vẫn tiếp tục phỏng đoán. Họ thấy rằng Trung Ương Ðảng dành cho các đại biểu trong đại hội quyền đề nghị các ứng cử viên mới, ngoài danh sách áp đặt! Nếu vậy thì Dũng vẫn có cơ đảo ngược tình hình: Các đại biểu dự đại hội, trên nguyên tắc có quyền tối cao, có thể dùng lá phiếu quyết định cho Dũng ở lại. Và họ đã thi hành quyền đề nghị ứng cử viên mới, có 36 người được đưa thêm vào danh sách bầu chọn. Nghe có vẻ dân chủ lắm.

Cuối cùng, Trọng thắng, trên 50% đại biểu “đồng ý cho Dũng rút lui” sau khi được đề cử. Hơn nữa, tất cả ứng cử viên được đề cử tại chỗ trên sàn đại hội đều rớt. Còn tất cả 220 người do Bộ Chính Trị đề nghị đều lọt vào Ban Chấp Hành Trung Ương mới. Kỷ Cương và Ðoàn Kết là như thế. Kỷ Cương tức là trên bảo dưới nghe. Ðoàn Kết là đoàn kết với kẻ đang nắm Kỷ Cương, đứa nào không đồng ý sẽ bị kết tội “mất đoàn kết.” Huỳnh Ngọc Chênh có lý, đúng là một “trò hề quốc sự.”

Nhưng lý do nào khiến cho hơn 1,500 đại biểu bỏ phiếu theo bài bản của Nguyễn Phú Trọng? Có phải vì suốt mấy ngày họ đã nhìn mãi khẩu hiệu Kỷ Cương và Ðoàn Kết hay không?

Chắc không phải. Những cán bộ Cộng Sản đã uốn lưng leo lên đến những cái ghế đại biểu đều biết “khẩu hiệu chỉ là khẩu hiệu,” nghĩa là chỉ ở cái miệng. Các khẩu hiệu xưa nay vẫn chỉ dùng để bịp dân. Không ai đem khẩu hiệu ra đổi lấy được nhà lầu, xe hơi xịn, vợ con có dịp chuyển tiền tính kế lập nghiệp lâu dài ở ngoại quốc. Các lãnh tụ lớn nhỏ đều biết quyền lợi cá nhân là trên hết. Thế mới là “Ðổi Mới!”

Ðảng Cộng Sản đã chuyển mình trong 30 năm qua từ khi đảng “đổi mới,” không phải chờ tới năm 2016 mới bắt đầu chuyển. Luật chơi trong đảng đã thay đổi đúng tinh thần kinh tế tư bản: Ðồng tiền là động cơ quyết định.
Trong đám 175 ủy viên Trung Ương khóa 11, nhiều người đã được Nguyễn Tấn Dũng chia chác no nê. Sao không ai đóng vai Lê Lai liều mình cứu đồng chí Ếch? Nhưng chúng ta biết cán bộ Cộng Sản vốn vô ơn, bất nghĩa, có hương hồn bà Nguyễn Thị Năm làm chứng. Họ biết rằng nếu Nguyễn Tấn Dũng đã ban phát được các quyền cướp đất cho các bí thư tỉnh, huyện, quyền biển thủ các giám đốc xí nghiệp và ngân hàng quốc doanh, quyền bắt cóc cho công an, quyền bán đất quân đội cho các ông tướng khác, thì bất cứ người nào lên ngồi vào chỗ của Dũng cũng làm được y như vậy, cho 180 ủy viên khóa 12. Nhân sự đổi nhưng guồng máy vẫn còn nguyên. Yếu tố quan trọng nhất không phải là Dũng còn hay mất. Quan trọng nhất, là “Ðảng còn thì mình còn.” Nhật lệnh của đám công an cũng là điều tâm niệm của các cấp ủy từ trên xuống dưới.

Dựa trên tiêu chuẩn “Ðảng còn thì mình còn,” Nguyễn Phú Trọng có vẻ bảo đảm “Ðảng còn” nhiều hơn Nguyễn Tấn Dũng. Ðó là lý do những đàn em cũ của Dũng cũng líu ríu theo Kỷ Cương và Ðoàn Kết với Trọng.

Nhiều lý do khiến người ta lo Nguyễn Tấn Dũng có thể làm mất đảng. Họ không lo Dũng sẽ cố ý giảm vai trò của đảng đối với nhà nước, sẽ thay đổi chế độ, hay dám điên rồ giải tán đảng. Nhưng điều đáng lo là Dũng sẽ làm cho đảng yếu dần dần, như đã thấy. Trong một năm đấu đá để gạt Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng không dùng các món võ chính truyền Cộng Sản mà lại vận dụng thứ vũ khí tư bản. Dũng dùng các phương tiện truyền thông mới tìm cách gây ảnh hưởng trên dư luận bên ngoài. Dũng tung ra các đòn tấn công từ Nguyễn Bá Thanh đến Phùng Quang Thanh, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, vân vân, qua mạng lưới Internet. Ở các nước tư bản thì các đảng chính trị mới lo vận động dư luận của dân, chế độ Cộng Sản mà dùng con dao hai lưỡi đó thì sẽ có ngày tự đứt tay, chặt chân mình!

Khi anh vận dụng dân chúng ngoài đảng, có nghĩa là anh đề cao tầm quan trọng của dư luận. Anh muốn dựa vào đám thường dân hơn là dựa vào quyền hành tuyệt đối của đảng. Vô hình trung, anh khiến người ta nghĩ uy quyền của đảng đang yếu dần, một điều mà đảng phải lo che giấu. Anh lại khuyến khích dư luận bên ngoài cho dân chúng nó tưởng bở, nhất là đám trẻ có học quen dùng Internet, chúng nó hăng hái phấn khích hơn, muốn bày tỏ ý kiến hơn. Hành động đó trái ngược với chủ thuyết Lênin, chỉ làm hại uy thế đảng. Khi vận dụng dư luận anh còn phơi bày những cái xấu xa nhơ bẩn bên trong cho bên ngoài thấy, trực tiếp bôi nhọ mặt đảng. Ðó là một điều khiến các đàn em của Nguyễn Tấn Dũng phải lo lắng.

Một sai lầm khác của Dũng là muốn đóng vai người hùng. Dũng tuyên bố: “Ðảng bảo làm gì thì tôi làm, chính tôi không xin chức tước địa vị nào cả” để tự xóa bỏ tất cả các tội lỗi tham ô, nhũng lạm, những vụ mất hàng tỷ đô la trong xí nghiệp quốc doanh. Ðó là một lối thách thức: “Ðảng có dám làm gì tôi không? Có giỏi thì cách chức tôi đi?” Chưa thấy một lãnh tụ Cộng Sản nào dám thách đố đảng như vậy. Cũng là một cách khác làm giảm uy thế của đảng. Sau thời Lê Duẩn, đảng Cộng Sản không chấp nhận bất cứ một lãnh tụ nào nổi bật lên. Anh nổi bật lên tức là anh làm hình ảnh của đảng xuống thấp! Toàn thể các cán bộ chỉ lo kiếm chác trong cơn đổi mới kinh tế hỗn độn, họ cần một tổng bí thư chỉ biết ăn no ngủ kỹ như Nông Ðức Mạnh. 

Ðừng làm gì khiến cho con thuyền tròng trành, sóng có thể lật thuyền! Hãy để yên cho người ta làm ăn!

Ðiều đáng lo nhất đối với các cấp ủy Cộng Sản là Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần nói xỏ xiên, chửi xéo Trung Cộng! Từ hội nghị Thành Ðô đến nay, Cộng Sản Việt Nam vẫn tâm niệm rằng vận mệnh đảng gắn liền với Trung Cộng. Phải dựa vào các “đồng chí anh em,” vú nuôi rút bầu sữa thì chết. Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu đã để lại di sản khẩu hiệu “Trung Cộng còn thì Ðảng còn.” Chưa nói đến quân sự, riêng mặt kinh tế không thôi, rời khỏi vòng tay Trung Cộng là chết cả lũ.

Cho nên nhiều người thấy theo Nguyễn Tấn Dũng hơi nguy hiểm, còn đi với Nguyễn Phú Trọng có thể an toàn. Trọng giống Nông Ðức Mạnh hơn.

Những phân tích trên đây tạm giải thích tại sao nhiều người sẵn sàng bỏ Dũng theo Trọng. Nhưng tâm lý đó cũng không đủ để bảo đảm họ một lòng ủng hộ Nguyễn Phú Trọng đánh bại Nguyễn Tấn Dũng. Cách giải thích này còn dựa trên giả thiết là Nguyễn Phú Trọng đủ khôn ngoan thuyết phục được kỳ họp thứ 14 của Trung Ương Ðảng, khiến họ xoay chiều, đổi chủ soái. Ðiều này cũng không đáng tin. Chắc phải có một nguyên nhân thầm kín khác khiến đại đa số trong đại hội quyết tâm bỏ Dũng theo Trọng. Vì trước đó, ai cũng đánh cá rằng Nguyễn Tấn Dũng đã nắm trong tay hầu hết các ủy viên trung ương. Nguyên nhân thầm kín này là gì?

Ông Nguyễn Phú Trọng đã được dân Hà Nội phong danh hiệu “Trọng Lú.” Liệu ông có tính toán được hết những nước cờ mới dùng đánh Nguyễn Tấn Dũng hay không? Có lẽ ông Nguyễn Sinh Hùng nắm trong tay câu trả lời. Ông Hùng là người sau cùng đi gặp Tập Cận Bình trước đại hội đảng. Ông là người đủ thẩm quyền biết ý kiến của các “đồng chí anh em,” như thế nào. Chỉ cần “các chú” nói rành mạch một câu, khẳng định một lời, chắc chắn thông điệp đó sẽ được các đại biểu suy đi nghĩ lại. Ðảng còn thì mình còn, đúng rồi. Nhưng nếu mất “các chú” thì liệu Ðảng có còn không? Cuối cùng, chỉ nên tuân hành, “cung kính bất như phụng mệnh,” cho nó an toàn. Trọng Lú nhưng các chú thì “khôn,” vì các chú luôn nắm dao đằng chuôi.