Sunday, September 2, 2018

Vì sao phụ nữ đấu tranh bị đàn áp ác liệt hơn?

“…Phụ nữ thường đấu tranh rất bền bỉ với nhiều phương thức phong phú hơn nam giới. Ngày nay nhiều phụ nữ biết sử dụng cac phương tiện truyền thông, mạng xã hội để đấu tranh rất hiệu quả…”
phunu_candam
Có bạn hỏi, tại sao chính quyền đàn áp những phụ nữ bất đồng chính kiến, đấu tranh bảo vệ môi trường, đòi nhân quyền, dân chủ… lại nặng hơn nam giới cùng “tội” tương tự? Chẳng hạn như chị Trần Thi Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, có hai con thơ dại, mẹ già, phụ nữ chân yếu tay mềm, làm gì được đâu mà kết tội “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và kết án 10 năm tù giam?
Chị Cấn Thị Thêu, dân oan giữ đất cũng bị tù đến 2 lần; Chị Minh Hằng “gây rối trật tự” cũng bị bắt tù 2 lần. Trước đó, những Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, cũng bị những bản án rất hà khắc. Gần đây nhà báo nữ Đoan Trang bị đánh rất dã man, hình như họ muốn đánh cho đến chết. Mà Đoan Trang là cô gái hiền lành, chỉ viết sách, báo nói lên những sự thật giản dị, chỉ dẫn những điều tử tế. Cuốn “Chính trị Bình dân” của cô, thì mỗi Đại biểu Quốc hội, mỗi Công an viên đều cần học.
Thử cắt nghĩa, xem tại sao chính quyền lại ác hơn với phụ nữ?
1. Họ ác hơn vì họ sợ phụ nữ hơn
Lịch sử đã chứng minh, Hai Bà Trưng là người nổi dậy đầu tiên, chống ách thống trị của ngoại bang. Truyền thống đó cứ ngầm chảy trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc và ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ đáng sợ, nhất là khi phụ nữ kết thành những tổ chức, những lực lượng chống cường quyền… Những người cộng sản đã rất thành công trong việc kích động, sử dụng lực lượng nữ dân quân, du kích, nữ biệt động, đội quân tóc dài, những “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” trong cuộc đấu tranh và thắng lợi…
Ngày nay để giữ chính quyền, họ biết sợ các bà, các chị ghê lắm. Họ muốn các em gái trẻ trung, ăn chơi nhảy múa thật sành điệu, háo hức chờ các cuộc thi “Người đẹp”; muốn các bà các chị đi chùa thật nhiều, vì chưa bao giờ nhiều sư, nhiều chùa như hiện nay; Và họ phải tiêu diệt mọi mầm mống phản kháng từ “đám đàn bà con gái” khó chơi này.
Giặc Tàu, từ thời Mã Viện đã hãi đội quân Hai Bà Trưng và tìm cách trấn yểm.
Người Mỹ rất tinh tường, thấy sức mạnh của phụ nữ Việt Nam với truyền thống từ Hai Bà Trưng, nên TT Trump đến Việt Nam đã ca ngợi tấm gương anh hùng của Hai Bà Trưng; Đại tướng Robert Brown, tư lệnh Thái Bình Dương cũng đến thắp hương ở Đền Hai Bà Trưng… Họ muốn nhắc nhở dân tộc ta, chị em phụ nữ ta, đừng quên Lịch sử, đừng quên sức mạnh của phụ nữ…
2. Chiến lược đầu độc nam giới dễ hơn phụ nữ nhiều.
Việt Nam đã là “cường quốc RƯỢU BIA”, cứ nhìn các đám nhậu đông nghịt nam giới, mặt đỏ tưng bừng vẫn “Zô! Zô! Trăm phần trăm” là kẻ thống trị yên tâm rồi.
Thứ hai là khuyến khích sex, nhà nghỉ, vũ trường, mại dâm trá hình ở khắp nơi nơi, được bảo kê, chung chia… Gần đây thấy thanh niên đua nhau chơi những trò kích dục, dâm ô công khai đưa lên mạng xã hội. Người Việt thuộc nhóm truy cập các trang sex nhiều nhất.
Thứ ba là tình hình Nghiện ma túy vẫn “phát triển bền vững”. Các Trại cai nghiên của Nhà nước không hiệu quả, hơn 95% trại viên ra, lại tái nghiện. Nước ngoài tuồn ma túy vào ngày càng nhiều, kiểm soát rất khó khăn, người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa…
Thứ tư, cá độ, cờ bạc chui rất phong phú, sinh động diễn ra ở khắp các hàng cùng ngõ hẻm. Nay mai các CASINO mọc lên như nấm ở các Đặc khu nữa thì tha hồ thu hút sức người, sức của nam giới…
Bốn món trên, nhiều đàn ông các nước đều ham cả. Nhưng nước họ có nền giáo dục cơ bản vững chắc và pháp luật nghiêm minh nên, không thành tệ nạn. Còn nước ta, mọi thứ đều lộn từng phèo, lại được kích hoạt, dung túng, thì bản năng ham muốn mấy thứ đó lan tỏa ghê gớm lắm. Vậy đối với nam giới kẻ thống trị thâm độc, có nhiều cách xử lý hơn là chỉ cứng rắn…
Nhưng với phụ nữ, bốn thứ trên không hấp dẫn được đa số chị em, mà càng làm họ phẫn nộ, vì nó làm hỏng chồng, con họ. Vậy là họ trở nên nguy hiểm hơn với kẻ thống trị.
3. Về mặt tâm lý
Phụ nữ sống nặng về tình cảm, bản năng sinh tồn rất nhạy cảm, nên mỗi việc làm, thái độ ứng xử sai trái của chính quyền, họ đều dễ phản ứng ngay. Phụ nữ tưởng yếu đuối, nhưng khi mất niềm tin và căm ghét, khinh bỉ kẻ nào đó thì họ dứt khoát không tha thứ; khi bị dồn vào chân tường thì bản năng tự vệ còn khủng khiếp hơn nam giới. Phụ nữ thường đấu tranh rất bền bỉ với nhiều phương thức phong phú hơn nam giới. Ngày nay nhiều phụ nữ biết sử dụng cac phương tiện truyền thông, mạng xã hội để đấu tranh rất hiệu quả.
Hơn nữa, những tấm gương đấu tranh quả cảm của phụ nữ có tác động mạnh đến tâm lý xã hội, và sự đàn áp dã man phụ nữ, trẻ em sẽ càng phơi bầy sự thối nát của chính quyền.
Phải chăng, vì những lý do đó mà lực lượng an ninh đã rắp tâm, mạnh tay đàn áp tàn bạo những phụ nữ đấu tranh, ngay từ khi mới hé lộ, để trừ hậu họa khôn lường với bộ máy cai trị.
Mạc Văn Trang

Huy động 60 tỉ đô la tiền nhàn rỗi trong dân: Sai ngay từ tiền đề!

“…Nói cách khác, do chẳng có một thứ tài sản nào, kể cả tài sản tích lũy/tiết kiệm, là “nhàn rỗi” nên việc đặt vấn đề “huy động tiền nhàn rỗi trong dân” là sai ngay từ tiền đề!...”
taisan_nhanroi
(TBKTSG Online) - Vì cho rằng người dân đang trữ một lượng vàng "nhàn rỗi" lớn, ước tính đến 500 tấn, nên câu chuyện huy động vàng trong dân để phát triển kinh tế đã được "xới đi xới lại" từ nhiều năm nay để rồi đâu vẫn còn nguyên đó.
Nhưng mới đây, dư luận lại được một phen dậy sóng nữa với phát biểu của một chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) rằng nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ đô la Mỹ mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn. 
Hiển nhiên, 60 tỉ đô la là một con số rất lớn với Việt Nam (GDP của Việt Nam hiện tại vào khoảng 220 tỉ đô la), đặc biệt là trong hoàn cảnh bội chi ngân sách lớn và nợ công cao, Chính phủ vẫn phải tăng cường vay nợ nước ngoài. Giả sử 60 tỉ đô la này là có thật và nhất là “nhàn rỗi” – tức đang nằm trong két, dưới chiếu hoặc trong tủ nhà dân – thì đây là một sự lãng phí và bất hợp lý khủng khiếp. Và thế nên, trong bối cảnh này, sự cần thiết và khẩn trương huy động 60 tỉ đô la cho đầu tư và phát triển là điều không phải bàn.
Tuy nhiên, trước khi bàn về cách thức huy động số tiền “nhàn rỗi” này, như cách mà giới chuyên gia và báo chí đang tích cực thực hiện, thì cần làm rõ về con số 60 tỉ đô la này trước.
Theo lời vị chuyên gia WB, được dịch và đăng tải trên báo chí (người viết không có điều kiện tiếp cận trực tiếp lời phát biểu này), đây là khoản “tích lũy” trong dân. Rất có thể từ “tích lũy” này được dịch từ “savings” trong phát biểu nguyên bản bằng tiếng Anh của vị chuyên gia này. 
Theo số liệu WB, tỷ lệ “Gross domestic savings (% of GDP)”  hay tổng tích lũy trong nước (phần trăm của GDP) của Việt Nam là 29,16% vào năm 2016 (1). GDP của Việt Nam năm 2016 được báo cáo ở mức 202,6 tỉ đô la. Như vậy, mức tích lũy trong nước của Việt Nam năm 2016 vào khoảng trên 59 tỉ đô la một chút, tức không khác xa so với con số 60 tỉ đô la nêu trên.
Nói cách khác, con số 60 tỉ đô la là con số có cơ sở, có thể tin được, nhưng nó hoàn toàn không phải và không liên quan đến “tiền nhàn rỗi trong dân” như cách hiểu của nhiều người, và có thể cả vị chuyên gia WB này.
Theo định nghĩa, tổng tích lũy trong nước là phần chênh lệch giữa GDP và chi tiêu cuối cùng (hiểu nôm na là khoản còn lại giữa thu và chi). Tổng tích lũy gồm có tích lũy của hộ gia đình, tích lũy của khu vực doanh nghiệp tư nhân, và tích lũy của khu vực nhà nước (2)
Tích lũy của các chủ thể kinh tế nói trên có thể ở dạng tài sản vật chất hoặc tài sản tài chính. Trong số tài sản tích lũy này đương nhiên có thể có kim loại quý, kim cương, bất động sản (dành cho đầu cơ/đầu tư), ngoại tệ, chứng khoán và các giấy tờ có giá khác, gồm cả trái phiếu Chính phủ nước ngoài… Và đương nhiên là trong số những tài sản tích lũy này có thể có một số tài sản đang nằm trong tủ hoặc dưới chiếu của dân như vàng hoặc ngoại tệ.
Từ khái niệm và mô tả thành phần nêu trên, có thể thấy ngay rằng việc nói 60 tỉ đô la là tiền tích lũy trong dân là hoàn toàn sai, vì tích lũy trong dân chỉ là một trong ba cấu thành tạo nên con số 60 tỉ này (ngoài nó ra còn có tích lũy của doanh nghiệp và tích lũy của Nhà nước).
Tiếp đó, việc cho rằng 60 tỉ đô la là “tiền nhàn rỗi” thì càng sai nữa, ít nhất bởi vì trong những tài sản tích lũy này còn có các tài sản tài chính – tức là những sản phẩm đầu tư.
Nói cách khác, những tài sản tích lũy này đã và đang được “huy động”, và những người “huy động” này là các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại và cả Nhà nước nữa (ví dụ, trái phiếu Chính phủ).
Kể cả với những tài sản vật chất như vàng, ngoại tệ và bất động sản, tuy có thể đang nằm bất động một chỗ về mặt vật lý nhưng sự bất động này trước tiên rất có thể chỉ là tạm thời trong lúc người chủ đang chuẩn bị quay vòng hoặc tìm cơ hội đầu tư mới. Thứ nữa, sự bất động này nhiều lúc cũng chính là một sự đầu tư có chủ ý khi người chủ, ví dụ, tin rằng giá vàng, giá nhà sẽ tăng lên trong mấy tháng nữa, nên họ mua vàng/bất động sản để đó, đợi thời điểm hiện thực hóa lợi nhuận. Trên hết, về khái niệm, hoàn toàn không có một thứ tài sản nào đã được gọi là tài sản mà lại nằm “nhàn rỗi” cả!
Nhưng có thể, nhiều người vẫn muốn tin rằng việc để các tài sản vật chất như vàng, ngoại tệ, bất động sản của người dân nằm bất động trong thời điểm hiện tại là một sự lãng phí, một sự kinh doanh/đầu tư không hiệu quả nên cần phải “huy động” số tài sản này. Nếu vậy, trước hết cần trả lời câu hỏi là “huy động” để nhằm mục đích gì?
Nếu nói rằng “huy động” để phát triển kinh tế thì e rằng mục đích này quá trừu tượng, “vĩ mô”, không thích hợp với chủ nhân các tài sản vật chất này. Với người dân hoặc doanh nghiệp, rất đơn giản, nếu muốn “huy động” tài sản của họ thì cần phải chắc chắn mang lại cho họ một mức lợi nhuận lớn hơn mức họ tự đầu tư/kinh doanh những tài sản này, gồm cả việc để chúng nằm đợi thời. Nếu không đảm bảo được như vậy thì, trừ khi bị cưỡng ép, sẽ chẳng có người dân hay doanh nghiệp nào đồng ý để người khác sử dụng tài sản của mình, dù là nhân danh những thứ cao cả.
Và câu hỏi tiếp theo có liên quan ở đây là thì ai sẽ đứng ra “huy động” và đảm bảo rằng sẽ đầu tư/kinh doanh số tài sản này một cách hiệu quả hơn người dân và doanh nghiệp (gồm cả các tổ chức tài chính, ngân hàng)?
Ngoài người dân và doanh nghiệp thì chỉ còn một chủ thể kinh tế còn lại là Nhà nước. Nhưng Nhà nước không thể trực tiếp đầu tư, kinh doanh mà phải thực hiện hoặc ủy thác cho các doanh nghiệp cụ thể nào đó, gồm doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mà như vậy thì cũng chẳng có gì đảm bảo rằng những doanh nghiệp này, đặc biệt là DNNN, sẽ kinh doanh hiệu quả hơn và, quan trọng hơn, sẽ hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho người dân và doanh nghiệp có tài sản đang “nhàn rỗi” đúng hạn.
Nhìn rộng ra thế giới. Rất nhiều nước còn có mức tích lũy cao hơn của Việt Nam nhưng người viết không biết đến trường hợp một nước nào đó lại đặt ra vấn đề “huy động” tài sản tích lũy cho phát triển kinh tế cả. Bởi thực tế, các tài sản này đều được “huy động” dưới dạng này hay dạng khác, bằng cách này hay cách khác, bởi người này hay người khác, theo các cơ chế và quy luật thị trường.
Nói cách khác, do chẳng có một thứ tài sản nào, kể cả tài sản tích lũy/tiết kiệm, là “nhàn rỗi” nên việc đặt vấn đề “huy động tiền nhàn rỗi trong dân” là sai ngay từ tiền đề!
Phan Minh Ngọc 
(1) tradingeconomics.com

Tập Cận Bình nên xin hòa

“…Tốt nhất là ông Tập Cận Bình nên chuẩn bị xin hòa, và nên đưa lời cầu hòa trước ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu. Làm như vậy, sẽ giúp ông Trump có dịp khoe với dân Mỹ rằng chính sách mậu dịch của ông đã kết thúc mỹ mãn…”
ford_focus
Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. (Hình: China Photos/Getty Images)
Chính phủ Mỹ ngưng thương thuyết chuyện thuế quan với Trung Cộng, nêu lý do Bắc Kinh lơ là không giúp Mỹ ép Bắc Hàn giải giới bom nguyên tử.
Bom nguyên tử chỉ là một cái cớ. Thật ra lúc này nên ngưng nói chuyện thương mại, vì chỉ mất thời giờ vô ích. Cuộc “chiến tranh mậu dịch” Mỹ-Trung Quốc không thể giải quyết trước ngày bầu Quốc Hội Mỹ, đầu Tháng Mười Một.
Vì dân Mỹ sắp đi bỏ phiếu cho nên Tổng Thống Donald Trump phải tỏ ra cứng rắn hơn trong bất kỳ cuộc thương thuyết mậu dịch nào. Ông cần bảo vệ lòng tín nhiệm trong khối cử tri “nền tảng” của mình, bảo đảm họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà ông ủng hộ. Thái độ này tỏ rõ trong cuộc thương thuyết NAFTA với Canada và Mexico, cho tới vụ đánh thuế nhập cảng xe hơi của hai nước đó và Châu Âu. Nhưng đặc biệt nhất là trong cuộc chiến quan thuế với Trung Cộng.
Trong tuần tới, chính phủ Trump có thể liệt kê những món hàng trị giá tổng cộng $200 tỉ nhập cảng từ nước Tàu. Trước tin này, Cộng Sản Trung Quốc vẫn găng, đe dọa sẽ đánh thuế tương tự trên $60 tỉ hàng hóa nhập từ nước Mỹ. Ăn miếng trả miếng như thế là vô ích. Bởi vì chính phủ Trump không quan tâm.
Đánh thuế trên $200 tỉ hàng hóa không chỉ tấn công trên các nhà buôn Trung Quốc mà còn khiến nhiều nhà kinh doanh và người tiêu thụ ở Mỹ chịu ảnh hưởng. Ngày 6 Tháng Chín là hạn chót cho các công ty và mọi công dân Mỹ trình bày ý kiến về danh sách các món hàng sẽ bị đánh thuế, có thể lên tới 25%. Nhưng các ý kiến chống đối sẽ không lay chuyển được bộ tham mưu của ông Trump.
Trong chính quyền Trump, ông Robert Lighthizer, phụ trách ngoại thương, và ông Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc, đều thúc đẩy hành động nhanh chóng sau khi cuộc tham khảo ý kiến chấm dứt; còn Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin và Cố Vấn Kinh Tế Larry Kudlow chủ trương làm từ từ. Ông Trump sẽ quyết định khi nào hạ thủ. Với $200 tỉ hàng hóa đợt này, Mỹ có thể giáng búa từng nhát một; giống như $50 tỉ hàng hóa đầu tiên bị đánh thuế đã được tiến hành trong hai đợt, $34 tỉ, rồi $16 tỉ.
Nhưng Bắc Kinh không nên chờ đến khi dân Mỹ bỏ phiếu xong mới xin giảng hòa. Vì kết quả thế nào, lập trường chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi.
Các công ty Mỹ đã đoán trước tình thế cuộc chiến mậu dịch sẽ kéo dài. Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor ngày Thứ Sáu đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. Họ tin rằng đến sang năm chính phủ Trump cũng không đổi ý kiến mà bãi bỏ suất thuế 25% đánh trên xe hơi mang từ Trung Quốc về, dù xe do một công ty Mỹ sản xuất.
Ford mới ngưng sản xuất nhãn Focus trong nước Mỹ, và hai năm trước đã định chế tạo xe này ở Mexico cho rẻ. Nhưng làm xe ở bên Tàu sẽ tiết giảm chi phí $500 triệu một năm so với Mexico. Bây giờ, đem xe Focus kiểu mới được chế tạo ở Tàu về làm ở Mỹ cũng không đáng, vì số xe ước tính sẽ bán, 50.000 chiếc quá nhỏ!
Công ty General Motors đang xin chính phủ “miễn trừ,” tha không đánh thuế những xe Buick Envision SUV họ chế tạo ở bên Tàu được nhập cảng về Mỹ. Nếu lời yêu cầu này không được chấp thuận thì GM sẽ ngưng không bán loại xe này trong thị trường Mỹ nữa.
Các nhà kinh doanh Mỹ rất thực tế, khi biết không thể vận động chính phủ nới tay thì họ chuẩn bị “kế hoạch B” cho tình thế mới. Giới lãnh đạo Bắc Kinh nên theo gương này, đừng hy vọng ông Donald Trump sẽ nới tay. Ngay trong bộ tham mưu và những cộng sự viên trong chính phủ Trump những người chủ trương cứng rắn sẽ còn ngồi đó lâu và khó lòng thuyết phục họ thay đổi ý kiến.
Năm ngoái, khi Tổng Thống Trump sắp đánh thuế 25% trên thép nhập cảng, đã có hơn 20.000 kiến nghị can xin, vì thép mua về để sản xuất các món hàng của họ tăng giá 25% thì họ sẽ phải đóng cửa nhiều nhà máy và giảm bớt số công nhân. Có 6 triệu rưỡi người lao động làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng thép nhập cảng. Nhưng chính phủ Trump vẫn tiến tới, đánh thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập cảng.
Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại trong chính phủ, vốn là một luật sư từng làm việc nhiều năm bênh vực các công ty thép. Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross từng làm chủ nhiều công ty thép mà ông mua, bán trong khi đầu tư; ông chỉ rời hội đồng quản trị một công ty thép khi gia nhập chính phủ Trump. Giáo Sư Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc về mậu dịch là tác giả cuốn sách “Chết vì Trung Quốc” (Death by China), quyển sách được dùng làm một cuốn phim tài liệu mang cùng tên Death by China. Mà tiền sản xuất cuốn phim là của Nucor, một công ty sản xuất thép.
Bắc Kinh không thể chờ đợi tới ngày chính phủ Trump quyết định nhẹ tay trong cuộc chiến mậu dịch. Ông Trump không thèm nghe cả ý kiến của đảng Cộng Hòa!
Tổng Thống Trump đã khoe ông thành công khi chính phủ Mexico chấp nhận một thỏa ước thương mại mới, trong đó Mexico đã nhượng bộ nhiều điều mà ông Trump đòi hỏi. Ông cũng khoe ngoại trưởng Canada đã bỏ ngang một chuyến công du để quay về, bay sang Mỹ nói chuyện tiếp về mậu dịch!
Nhưng nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo của giới doanh nghiệp và ngân hàng, luôn luôn ủng hộ đảng Cộng Hòa, đã bày tỏ quan điểm ngược với ông Trump. Họ thấy thỏa ước mới Mexico là một bước lùi với ý định làm vui lòng các công đoàn và đảng Dân Chủ!
Nhiều điều khoản trong NAFTA bảo vệ các công ty Mỹ làm việc ở Mexico đã bị xóa bỏ. Báo Wall Street Journal nghĩ rằng các ông Trump và Lighthizer buộc Mexico phải áp dụng luật lệ lao động giống như ở Mỹ nên sẽ giúp công đoàn AFL-CIO sang Mexico thành lập nghiệp đoàn mở mang thế lực, trong khi “phá bỏ cả dây chuyền tiếp liệu hoàn cầu” (blow up global supply chains).
Tờ báo bảo thủ cũng khuyên hai ông không nên trông chờ các lãnh tụ đảng Dân Chủ sẽ ủng hộ chính sách mậu dịch của ông, dù nó rất giống đường lối cố hữu của đảng Dân Chủ! Nhưng, Wall Street Journal nhắc lại, chưa một hiệp ước thương mại nào ở Mỹ có thể được thông qua nếu không được đảng Cộng Hòa ủng hộ; còn đảng Dân Chủ thì chống tất cả các hiệp ước tự do mậu dịch!
Tình cảnh này cho thấy dù kết quả cuộc bỏ phiếu năm nay ra sao, chính sách cứng rắn về mậu dịch của chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi. Trong hai đảng chính trị ở Mỹ, Cộng Hòa vẫn ủng hộ tự do mậu dịch, giảm bớt hoặc bãi bỏ thuế quan; đảng Dân Chủ thường đi ngược lại. Nếu sau cuộc bầu cử này đảng Dân Chủ đạt được đa số ở Hạ Viện, thì họ còn muốn chính phủ Mỹ cứng rắn hơn nữa.
Tốt nhất là ông Tập Cận Bình nên chuẩn bị xin hòa, và nên đưa lời cầu hòa trước ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu. Làm như vậy, sẽ giúp ông Trump có dịp khoe với dân Mỹ rằng chính sách mậu dịch của ông đã kết thúc mỹ mãn.
Trong khi ông Donald Trump không muốn đàm phán với Trung Cộng nữa, ông Tập Cận Bình vẫn có thể làm dịu bớt mâu thuẫn bằng những nhượng bộ cụ thể. Mà điều này thực sự không khó! Vì nhiều điều nước Mỹ đòi hỏi thì chính Trung Cộng cũng đã muốn làm nhưng chưa dám làm mà thôi!
Mỹ muốn Trung Cộng ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước? Điều đó nằm trong chương trình cải tổ cơ cấu của ông Tập Cận Bình! Ông Tập hãy chính thức nhờ ông Trump giúp mình thực hiện mục tiêu đó, từng bước một, sao cho không đảo lộn cả nền kinh tế!
Ông Tập Cận Bình chỉ cần tuyên bố hoặc “tuýt” một câu ca ngợi ông Trump, gọi ông là một lãnh tụ Mỹ vĩ đại, sẽ giúp nước Tàu tiến bộ và nước Tàu không bao giờ có tham vọng qua mặt nước Mỹ! Nghe như vậy chắc là cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ chấm dứt!
Ngô Nhân Dụng

Kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 73 căng như dây đàn.


NGUYỄN TƯỜNG THỤY 
Đặc điểm nổi bật của việc kỷ niệm 73 năm Tuyên ngôn độc lập năm nay là tình hình siết chặt an ninh trên toàn quốc, ráo riết hơn rất nhiều so với mọi năm. 
Trước đó xuất hiện những lời kêu gọi tổng biểu tình vào ngày 2/9 trên các trang mạng. Về phía nhà nước thì kêu gọi mọi người “cảnh giác”, “không mắc bẫy kẻ xấu”, cho đó là “những lời kêu gọi kéo mây đen về giữa trời quang”. 
Lực lượng công an được huy động tối đã để ngăn chặn biểu tình. Trên các đường phố, tràn ngập cảnh sát trong các mầu áo. 
Thành phố Hà Nội ngày lễ độc lập như ngày bắt đầu có chiến tranh bảo vệ chế độ độc tài  (theo fb Nguyễn Xuân Nghĩa) 
Mấy ngày giáp 2/9 xảy ra những cuộc bắt bớ: 
Bắt và khởi tố 4 người gồm: 
- 29/8 bắt Lê Quốc Bình, sinh năm 1974, bị cáo buộc là người của đảng Việt Tân mang vũ khí về Việt Nam hoạt động khủng bố. Tuy nhiên ngay sau đó, đảng Việt Tân đã lên tiếng bác bỏ. 
- Ngày 1/9 bắt Đoàn Khánh Vinh Quang sinh năm 1976 và Bùi Mạnh Đồng sinh năm 1978 ở Cần Thơ về tội đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông. 
- Cùng ngày 1/9, Công an tỉnh Bến Tre bắt Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1980 ở Hà Nội về tội tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu. 
Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận được 2 trường hợp bị bắt để thẩm vấn, đánh đập, sau đó thả ra gồm có: 
- Ngày 31/8 bắt Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương sinh 1981 ở Nghệ An. Sau đó Nguyễn Đình Cương đã được thả về nhà. 
- Ngày 30/8 bắt Ngô Thanh Tú tại Cam Ranh rồi đưa về Công an Khánh Hòa thẩm vấn hôm sau thì thả về. Tú cho biết bị tra tấn và bị cướp điện thoại. 
Nhiều người được cho là ngòi nổ của các cuộc biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội bị canh giữ, hoặc bám sát khi đi chợ hay đi làm một việc gì đó. 
Huy động cả phụ nữ canh nhà văn Phạm Thành 
Có thể kể ra những cái tên quen thuộc như Trương Văn Dũng, Ngô Duy Quyền, Lê Thị Công Nhân, Trần Thị Thảo, Nguyễn Đình Ấm, Phạm Thành, Dương Thị Tân, Lê Mỹ Hạnh, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Bình Nguyên, Nguyễn Tường Thụy, Hoa TD, Hoàng Công Cường, Lê Hoàng, Nguyễn Thị Tâm, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hồng Đức, Phan Văn Phong, Lê Trọng Hùng, Vi Đức Hồi (Lạng Sơn), Lã Việt Dũng, Nguyễn Đức Giang, Dương Đại Triều Lâm, Nguyễn Lai (Khánh Hòa) v.v... Ngay cả gia đình những người bị bắt đi tù vẫn không ngừng bị theo dõi như chị Bùi Thị Rề, vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc. Lê Thị Thập (Vợ TNLT Lưu Văn Vịnh).
Nói chung, những ai đã từng xuống đường, bị bắt về đồn công an đều bị theo dõi canh giữ chặt chẽ. 
Tuy vậy, vẫn có một số anh chị em vượt được khỏi vòng vây để biểu tình: 
Hoạt động biểu tỉnh nhỏ nhoi có thể tổ chức được tại Hà Nội bằng tất cả mọi cố gắng
Ngày kỷ niệm quốc khánh trở thành ngày buồn tẻ, ảm đạm cho những nhân viên an ninh cấp thấp. Họ phải trực “chiến”, vật vờ trong các ngõ ngách với tâm trạng mệt mỏi chán chường vì phải làm những việc vô bổ và phi pháp. Một cậu an ninh nói với vợ khổ chủ: “Chúng cháu đâu muốn thế này, cô xem có việc gì chỉ chúng cháu làm để kiếm được miếng ăn”. 
Thắt chặt an ninh trong các dịp lễ tết là việc ngành công an vẫn làm hàng năm. Lời kêu gọi biểu tình cũng không phải chỉ dịp này mới đưa ra mà cũng là chuyện thường xuyên. Nhưng năm nay việc đối phó với biểu tình hết sức căng thẳng là vì cuộc biểu tình hàng chục nghìn người trên hàng chục tỉnh thành diễn ra ngày 10/6/2018 vẫn còn làm cho nhà cầm quyền choáng váng vì bất ngờ. Nó không phải là những người dân nhẹ dạ, dễ bị lôi kéo như họ vẫn tuyên truyền. Nó không phải do thế lực thù địch nào kích động. Đó là cuộc xuống đường của những người dân có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm trước hiện tình tăm tối đất nước, trước hết là chủ quyền của Tổ quốc. 
Ghi nhận đến hết ngày 2/9, nhà cầm quyền đã thành công trong việc ngăn chặn biểu tình. Việc cấm biểu tình rõ ràng là phi pháp vì đó là quyền hiến định. Tuy nhiên, biện pháp đối phó quyết liệt chỉ là giữ tạm cho sạch mặt chứ không ngăn được những đợt sóng ngầm, chỉ chờ cơ hội lại bùng nổ. Vấn đề là phải yên được lòng dân. Nhưng yên lòng dân không thể bằng phương pháp trấn áp, sử dụng bạo lực phi luật pháp hay bằng khẩu hiệu ca ngợi chế độ và cờ quạt giăng tận ngõ hẻm. Nó phải ở sự điều hành, quản lý đất nước sao cho trong ấm ngoài êm, chủ quyền được giữ vững, đất nước phát triển. Điều đó, đối với chế độ hiện nay là không thể. 
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sau khi phân tích tình hình chính trị - xã hội trong hai năm gần đây nhận định: “Việt Nam không còn là quốc gia "ổn định" như tuyên truyền của tập đoàn cầm quyền toàn trị. 
Trong bối cảnh trên một cuộc cách mạng thay đổi thể chế chính trị không biết sẽ xảy ra vào lúc nào, có thể là" Tự diễn biến", là ôn hòa hay bạo động. 
Vì chất chứa hàng trăm ngàn, hàng triệu mâu thuẫn xã hội, hàng chục, hàng trăm mâu thuẫn giữa công dân và nhà nước trên đủ các lĩnh vực, không ai còn tin hệ thống cai trị này giải quyết được, Việt nam đang là kho thuốc súng. Chưa biết vào lúc nào, nhưng nhất định sẽ nổ”. 
2/9/2018 

Chính quyền CSVN gia tăng bắt người với tội ‘nói xấu đảng, nhà nước’ dịp 2 Tháng Chín

Ông Đoàn Khánh Vinh Quang (trái) và ông Bùi Mạnh Đồng. (Hình: VietnamNet)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Hôm 2 Tháng Chín, báo điện tử VietnamNet cho biết, ông Đoàn Khánh Vinh Quang và ông Bùi Mạnh Đồng vừa bị bắt vì “có hành vi đăng tải bài viết, hình ảnh nói xấu, bôi nhọ đảng CSVN, nhà nước, Quốc Hội”.
Hai ông này bị Công An quận Ninh Kiều và Thốt Nốt cáo buộc hành vi “Đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015.
VietnamNet tường thuật: “Ông Quang, 42 tuổi, đã lập Facebook ‘Quang Đoàn’ để thực hiện hành vi đăng và chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, nhà nước; nói xấu đảng, nhà nước, Quốc Hội; đăng bài viết có nội dung kêu gọi xuống đường tuần hành, biểu tình. Cơ quan chức năng phát hiện Quang còn nhắn tin với một đối tượng nước ngoài nói xấu đảng, nhà nước.”
Tờ báo cũng dẫn nguồn cơ quan điều tra nói ông Đồng, 40 tuổi, “lập Facebook “Kiều Thanh” và “Ăn cướp Công An” đưa những hình ảnh, bài viết nói xấu, bôi nhọ đảng, nhà nước và lãnh đạo Việt Nam”.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Ngọc Ánh, 38 tuổi, quê ở Hà Nội bị bắt khẩn cấp ở Bến Tre vì “kêu gọi người dân biểu tình, phá hoại và tuyên truyền nhiều nội dung chống phá nhà nước”, theo báo Người Lao Động.
Ông Ánh bị cáo buộc vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015.
Ngoài ra, một trường hợp bị bắt khác trước Quốc Khánh 2 Tháng Chín là ông Lê Quốc Bình ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông Bình bị nhà cầm quyền CSVN cho là “người của Việt Tân”, và cáo buộc ông này tội tàng trữ vũ khí (súng hơi) nhưng sau đó Việt Tân phát đi thông cáo bác bỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh. (Hình: Người Lao Động)
“Bộ Công An CSVN lại một lần nữa tìm cách hù dọa người dân để họ tránh xa các tổ chức dân chủ bằng cách dàn dựng việc bắt giữ ông Lê Quốc Bình. Đây là chuyện bịa đặt trắng trợn. Dù có cố dàn dựng những cáo buộc dối trá cách mấy đi nữa, nhà cầm quyền CSVN cũng không thể xóa được các tội ác vi phạm nhân quyền trầm trọng trước công luận thế giới,” thông cáo của Việt Tân viết.
Hôm 31 Tháng Tám, tin từ mạng xã hội cho hay cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương ở Nghệ An bị công an Nghệ An “bắt cóc” nhưng đến nay vẫn không rõ tung tích ông này. Trước đó, ông Cương được ghi nhận thường xuyên bị công an triệu tập với lý do là “làm việc có liên quan”. Ông Cương từng bị cầm tù 4 năm tù trong vụ án 14 Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành năm 2011.
Theo thông cáo của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) phát đi hồi cuối Tháng Tám, 2018, trong tám tháng đầu năm 2018, Việt Nam “đã kết án ít nhất là 28 nhà hoạt động và blogger, cao hơn con số 24 của cả năm 2017.”
Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền đề nghị chính phủ Úc và các đối tác thương mại của Việt Nam gây sức ép để Việt Nam “chấm dứt việc hạn chế một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến, tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do nhóm họp, tự do đi lại và tự do tôn giáo”. (T.K.)

Facebooker kể chuyện bị công an bắt tra tấn, trấn nước

Facebooker Ngô Thanh Tú, người vừa đi công an tỉnh Khánh Hòa bắt cóc, tra tấn dã man vì những chia sẻ của anh trên Facebook. (Hình: Facebook Ngo Thanh Tu)
NHA TRANG 2-9 (NV) – Một thanh niên ở Cam Ranh chơi facebook, tham gia vận động nhân quyền, dân chủ hóa đất nước, bị công an bắt cóc giữa đường, đem về đánh đập, tra tấn, nhục mạ.
Trên một số trang facebook cá nhân trên mạng xã hội mấy ngày qua đã báo động trường hợp một thanh niên từng là thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do tên Ngô Thanh Tú, 36 tuổi, bị Công an thành phố Cam Ranh bắt cóc giữa đường vào chiều ngày Thứ Năm 30 tháng 8, 2018. Sau đó, ông bị đưa về trụ sở công an thành phố đánh đập tra tấn dã man. Không chỉ tại đây, ông còn bị chuyển giao cho công an tỉnh Khánh Hòa tại Nha Trang tra tấn tiếp. Ông còn bị đánh trên xe khi công an thả giữa đường ngày hôm sau.
“Khoảng gần 15h ngày 30/8, tôi chở người bạn đi từ xã Cam Phước Đông xuống thành phố Cam Ranh để đưa bạn mình về. Đến khu vực gọi là Bồn Phân, cách đường Quốc lộ 1A khoảng 700m liền bị 2 thanh niên chạy trên chiếc Exiter Yamaha chặn lại. Cảm nhận điều không hay, tôi quay đầu bỏ chạy được hơn 100m thì bị đuổi kịp.”
Ngô Thanh Tú kể về vụ bị công an bắt cóc như thế và tường thuật tiếp rằng: “Tại đó, tôi nhận ra khoảng từ 6-7 người bao vây lấy tôi. Một trong số họ là thanh niên cao lớn kẹp cổ khiến tôi thở không được. Những người khác bẻ tay, ghì người tôi xuống đất. Họ lấy luôn cả chiếc điện thoại mà tôi mang trong người.”
Lời trên trang facebook của Ngô Thanh Tú bị công an cướp mật khẩu, viết những lời bị Ngô Thanh Tú phủ nhận. (Hình: NV cắt từ trang facenook của Ngô Thanh Tú.)
Đây là những lời kể của Ngô Thanh Tú tại trụ sở công an Cam Ranh: “Sau đó, tôi bị khống chế đưa lên xe đưa về trụ sở Công an thành phố Cam Ranh. Tại đó, họ đưa chiếc laptop ra và buộc tôi phải thừa nhận Facebook là của mình. Tôi không thừa nhận liền bị 4 người liên tục đánh đập vào đầu, cổ, vai, hai bên hông, tay và chân. Họ buộc tôi phải thừa nhận Facebook mà họ đưa ra là của tôi. Tôi vẫn không thừa nhận. Lúc này, Đồng-người đội trưởng An ninh của công an thành phố Cam Ranh đã ra lệnh cho những người khác ‘nhận nước’ tôi. Ngay tức thì, người thanh niên to lớn kẹp cổ, hai người khác bẻ tay tôi, còn một người khác đấm vào hông, sườn và một người đi đổ nước vào trong chiếc ly nhựa. Họ liền đổ ly nước vào mặt tôi để tôi phải sặc nước.”
Cuộc tra tấn Ngô Thanh Tú không dừng tại đây mà còn tiếp diễn sau đó tại Nha Trang: “Tôi đã phải bị tra tấn, chửi rủa, miệt thị như vậy từ khi bị bắt cóc cho đến hơn 19h thì được đưa lên xe hơi đưa ra công an tỉnh Khánh Hòa (thành phố Nha Trang) để làm việc. Tại Nha Trang, tôi làm việc liên tục từ hơn 20h tối cho đến 0h15 phút ngày 31/8. Sau đó, tôi được họ đưa đi ngủ tại một hội trường với hai viên cảnh sát túc trực. Ban đầu, những người này tỏ ra vô hại, nhưng càng về khuya, họ liên tục tạo ra âm thanh khiến tôi và họ không thể ngủ được. Nguyên cả đêm hầu như tôi thức trắng.”
“Đến khoảng 6h30 sáng, họ đưa tôi lên phòng để làm việc tiếp. Buổi làm việc liên quan đến tài liệu được cho là của đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa có đóng dấu ‘Mật’ được rò rỉ trên Internet trước đó. Tôi thấy nó trên Facebook, lưu lại và chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình. Họ muốn cáo buộc tôi đã phát tán tài liệu mật. Đến khoảng gần 20h tối ngày 31/8, công an tỉnh Khánh Hòa nói đã làm việc xong, họ bàn giao tôi cho công an thành phố Cam Ranh. Hai viên công an thành phố Cam Ranh đưa tôi về bằng xe hơi. Tại trụ sở công an, họ buộc tôi phải viết bản cam kết theo ý muốn của họ. Khi tôi không đồng ý, họ liền đánh đập tôi.”
“Đến khoảng 22h tối, họ đưa tôi xuống xe hơi và nói cho về. Trên xe có ba người, một người lái xe, một người ngồi bên trái và một người ngồi bên phải tôi. Người bên phải bốc mùi rượu. Khi xe vừa lăn bánh ra khỏi trụ sở công an, người ngồi bên phải liên tục đánh vào đầu, vào mặt tôi, trong khi người ngồi bên trái dùng tay ghì người tôi xuống cho người bên phải đánh. Họ đánh liên tục trên đoạn đường dài 1km. Sau đó họ thả tôi xuống ngã tư gần đó và tôi đón taxi để đi về nhà.”
Ông Ngô Thanh Tú cho biết hôm 2 tháng 9, 2018 là “Hiện tại, cơ thể tôi ê ẩm, đau nhức nhưng chưa thể đi khám được vì đang trong ngày nghỉ lễ ở Việt Nam.”
Trang facebook của ông Ngô Thanh Tú bị Công an CSVN cướp mật khẩu và viết những lời “hối hận” đã bị ông phủ nhận sau khi được thả về nhà.
Theo Facebooker Phạm Đoan Trang: “Giờ phút này, Ngô Thanh Tú vẫn đang phải nằm liệt giường. Anh ở cùng mẹ, ngôi nhà của hai mẹ con ở Cam Phước (Cam Ranh, Khánh Hòa) bị công an theo dõi nghiêm ngặt khiến anh gần như bị cô lập trong tình trạng sức khỏe yếu, đau khắp người, và không đi khám được vì… đang dịp lễ 2/9.”
Hiện tại, cập nhật mới nhất trên trang Facebook Ngô Thanh Tú có viết: “Xin chào các bạn, mình đã kiểm soát được Facebook của mình sau hơn 48h không đăng nhập và bị cướp Facebook. Trong quá trình lấy lại Facebook, mình đã gặp chút khó khăn vì chiếc điện thoại của mình đã bị phía công an thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) tịch thu. Thật khó để chỉ đích danh kẻ nào đã chiếm đoạt tài khoản Facebook của mình, nhưng cũng không quá khó để biết kẻ đó là ai. Dấu ấn mà bọn cướp lưu lại là đoạn status “thú tội” đã nhận được rất nhiều bình luận. 
Tạm thời, mình xin được nghỉ ngơi, xem một trích đoạn Maria Ozawa để thư giãn. Chỉ có nàng ấy mới làm cho mình lấy lại được tinh thần sau khi bị công an thành phố Cam Ranh tra tấn và phải làm việc trong vòng 24h đồng hồ với an ninh tỉnh Khánh Hòa. 
Mọi thứ hãy cứ nhẹ nhàng, đi trên đường sỏi đá phải bị chảy máu chân là điều sẽ xảy đến.”
Việc bắt và tra tấn ông Ngô Thanh Tú diễn ra vào dịp có nhiều lời kêu gọi đi biểu tình chống chế độ Hà Nội ngày 2/9 với nhiều vụ bắt giữ xảy ra tại nhiều tỉnh thị trên cả nước. Nhiều facebookers tường thuật sự diện diện vô cùng đông đảo của công an thường phục và sắp phục tại những địa điểm tình nghi có thể xảy ra tại Sài Gòn. Những người tham gia vận động dân chủ hóa Việt Nam được mọi người biết tiếng đều bị Công an canh gác chặt chẽ trước nhà.
Nhà cầm quyền CSVN đã ký vào “Công ước Quốc tế Chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn làm mất phẩm giá người khác” từ tháng 11 năm 2013. Dù vậy, hàng năm, vẫn còn hàng chục người bị Công an CSVN tra tấn đến chết chỉ sau một vài giờ hay một vài ngày bắt “tạm giam”. Nhiều người đã viết trên mạng xã hội họ bị tra tấn, đánh đập, nhục mạ dã man thế nào, chứng tỏ Công an CSVN vẫn được dung dưỡng, bất chấp cam kết quốc tế. (TN)

Lũ lụt, thủy điện xả lũ làm 11 người chết, 6 người còn mất tích

Dân huyện Tương Dương, Nghệ Anh, bỏ nhà chạy lên núi để giữ lấy mạng. (Hình: Lao Động)
HÀ NỘI 2-9 (NV) .- Thiên tai phối hợp với nhân tai đã làm thiệt mạng 11 người và còn 6 người ghi nhận mất tích không kể những thiệt hại to lớn về tài sản vật chất chỉ trong mấy ngày vừa qua.
Tờ Người Lao Động hôm Chủ Nhật căn cứ vào “báo cáo nhanh” của các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An, cho hay “thiệt hại tính đến hết ngày 1 tháng 9, mưa lũ đã làm 11 người chết (Sơn La 1 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 1 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 7 người). Hiện còn 6 người tại tỉnh Thanh Hóa mất tích”.
Bên cạnh các thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng, “mưa lũ còn khiến 297 nhà ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An bị sập đổ, thiệt hại; 828 nhà phải di dời khẩn cấp; 3,978 ha lúa, hoa màu, thiệt hại; hàng chục ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị cô lập, chia cắt, hư hỏng nặng nề do ngập và sạt lở đất, đá.”
Không thấy báo chí trong nước tường thuật gì về các đập thủy điện miền núi phía Bắc xả lũ ra sao. Chỉ thấy họ nói đến các vụ xả lũ hối hả với lưu lượng lớn nước của các đập thủy điện nhỏ tại các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đang làm người dân tại hai tỉnh này khốn đốn.
Dự báo thời tiết cho thấy “Mưa lớn diện rộng ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc còn kéo dài đến đêm 3 tháng 9”, nên các đập thủy điện nhiều phần sẽ còn tiếp tục xả lũ để tránh vỡ đập.
Tờ Người Lao Động đưa tin Công an huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An đã “triệu tập 6 người” bị cáo buộc “tung tin thủy điện Bản Vẽ vỡ khiến nhiều người hoảng sợ, tháo chạy lên núi lánh nạn.” Nhưng tin đập thủy điện Bản Vẽ “tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn 4.200 m3/giây” là có thật và làm ngập lụt một khu vực dân cư rộng lớn.
Hàng ngàn người dân Nghệ An tháo chạy lên núi do “tin đồn” nhưng tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật 2 tháng 9 cho biết nhà cầm quyền huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa đã “phải tổ chức sơ tán 1,574 hộ đến nơi an toàn” khi nước sông Bưởi “vượt mức báo động 3 gần một mét”. Sông Bưởi chảy qua các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, và cả thành phố Thanh Hóa “nước lũ lại dâng cao, gây ngập nhiều nơi.”
Thủy điện Trung Sơn đặt tại xã Trung Sơn huyện Quan Hóa trên thượng nguồn sông Mã nhằm “cung cấp điện và kiểm soát lũ cho các vùng hạ lưu của tỉnh Thanh Hóa nhưng sợ vỡ đập đã phải liên tục xả lũ.
Ngày 31 tháng 8, 2018, tờ Lao Đông đưa tin “Do mưa lớn trong nhiều ngày, cộng với việc các nhà máy thủy điện xả lũ khiến nước sông Mã dâng nhanh và cao vượt đỉnh lũ 2007, hàng nghìn hộ dân tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã phải sơ tán trong đêm. Nhiều gia đình không kịp mang theo tài sản, cuồng chân chạy lũ.”
Báo Lao Động thuật lời một người địa phương tên Nguyễn Văn Hợi (45 tuổi, trú tại tổ 1, thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nước lũ dâng nhanh chưa từng thấy. Đặc biệt, rạng sáng ngày 31.8 lũ dâng từng phút. “Ở đây, ngót nửa đời, tôi chưa từng trải qua cơn lũ nào lớn như thế, may còn giữ được mạng sống. Chẳng biết rồi đây, tôi cùng nhiều gia đình khác sẽ sống sao khi tất cả tài sản đều bị chìm và cuốn theo dòng nước”. (TN)

Đặc khu: “Tiến, thoái lưỡng nan”?

Nguyễn Đình Ấm (VNTB) 


Trước phản ứng dữ dội của nhân dân luật đặc khu hai lần bị hoãn thông qua. Lần đầu sau những cuộc biểu tình khắp ba miền dịp ngày 10/6/2018 quốc hội (QH) phải tạm hoãn thông qua dành kỳ họp vào tháng 10. Tiếp theo, vào kỳ họp tháng 7 của UBTV QH cũng không đưa luật đặc khu vào chương trình nghị sự và hôm 24/8/2018 QH lại thông báo tiếp tục dừng xem xét luật đặc khu “tiếp tục xin ý kiến nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, để hoàn chỉnh dự án luật thông qua vào kỳ họp sau”. Như vậy nhanh nhất luật đặc khu mới được đưa ra xem xét tiếp vào kỳ họp QH tháng 5/2019.


Người dân tại Sài Gòn tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu ngày 10-6-2018. Ảnh: RFA
Trước những động thái này nhiều người hy vọng nhà cầm quyền sẽ dẹp bỏ đặc khu. Tuy nhiên, theo ý kiến của những người có kinh nhiệm về TQ, quan hệ Việt Trung và những gì đã đầu tư cho dự án này thì rất khó để nhà cầm quyền VN hủy bỏ chương trình đặc khu.
Đặc khu đã được thực hiện cơ bản trên thực tế

Từ năm 2013 ông Phạm Minh Chính bí thư Quảng Ninh đại diện cho phía VN sang Trung Quốc nghiên cứu, bàn bạc rồi cùng họ tới VN khảo sát, thỏa thuận dự án đặc khu Vân Đồn, có buổi ra mắt như một sự khai trương (xem ảnh). Từ đó 3 đặc khu được âm thầm thực hiện và ồ ạt nhất là từ khi ông Trump trúng tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ lập lại trật tự trong thương mại với Trung Quốc. Một trong những hạng mục quan trọng ở khu Vân Đồn là Sân bay Vân Đồn với vốn đầu tư 7.258 tỷ đ (cỡ 2 tỷ USD-quá đắt) được Sungroup hối hả xây dựng từ năm 2015, khai trương ngày 11/7/2018. Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn 12.000 tỷ đã cơ bản xong tháng 8/2018. Cao tốc Móng Cái -Vân Đồn nối với Trung Quốc cấp tốc phê duyệt hôm 17/8/2018 với vốn đầu tư 11.190.220 triệu đ.. Các con đường thông với Trung Quốc cũng được nâng cấp cải tạo, từ 2017 xe tự lái Trung Quốc tấp nập đi, về…


Hàng loạt các dự án giao thông đang được triển khai nhanh chóng tại Vân Đồn.
Những ngày đầu tháng 6/2018, đường băng dài nhất Việt Nam tại sân bay quốc tế Vân Đồn đã hoàn thành
Ngoài những khoản “đầu tư nổi” trên còn rất nhiều khoản “đầu tư chìm” của nhiều quan chức, đại gia, cá nhân. Từ năm 2013-2014 khi ba đặc khu trở thành hiện thực dân buôn đất đã thăm dò, sục sạo bao chiếm, đặt cọc mua bán diễn ra rất nhộn nhịp. Đâu đâu cũng nói chuyện đất ở ba đặc khu… Từ năm 2016, 2017 việc cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng diễn ra hối hả, quyết liệt ở Vân Đồn, Phú Quốc, giá đất đẩy lên hàng chục, trăm lần. Nhiều khu rừng, đất nông nghiệp ở Phú Quốc bị tàn phá tan hoang. Có thể nói ba đặc khu đã thực hiện xong quá nửa việc chuẩn bị, “lót ổ chờ rồng lớn”? Việc chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hùng hồn tuyên bố: “Chủ trương đặc khu bộ chính trị đã thông qua, luật không trái hiến pháp phải bàn để ra luật” như một mệnh lệnh, “ván đã đóng thuyền”.


Lê Khai thông xe du lịch tự lái qua biên giới tuyến Hạ Long – Quế Lâm.
Mặc dù đến nay những tham vọng của Trung Quốc dùng các đặc khu làm căn cứ quân sự khép kín “con đường tơ lụa” nhằm khống chế tây Thái Bình Dương, toàn bộ Ấn Độ Dương, bảo đảm vai trò bá chủ những con đường hàng hải trên hai đại dương này tiến tới bá chủ thế giới bị Mỹ, các đồng minh ngăn chặn nhưng các đặc khu vẫn còn nhiều giá trị với TQ. Những gì diễn ra ở các các đặc khu như Boten ở Lào, Shihanouk Vill, Kokong ở Campuchia, Hambantota của Sri Lanka, Naval ở Djibouti, dự án đường sắt, ống dẫn khí ở Malaysia… chính là những nơi “chôn nợ” của Trung Quốc nhằm khống chế các chính phủ phải dùng lãnh thổ gán nợ, nơi di dân, đồng hóa dân bản địa, công cụ làm tha hóa giới quan chức, đại gia nước sở tại vốn quá nhiều tiền nhưng thiếu chỗ an toàn để ăn chơi đàng điếm… giúp TQ thâu tóm các quốc gia này. Đặc biệt, các đặc khu đích thực là các căn cứ quân sự, tình báo thu thập, truyền tin quân sự, tình báo phục vụ chính sách bành trướng của TQ.

Âm mưu thôn tính cả thế giới của Tàu cộng biểu hiện qua kế sách “Made in China 2025, một vành đai, một con đường…” dù bị nhiều nước tẩy chay nhưng họ sẽ không từ bỏ ba đặc khu ở VN do vị trí, tính chất quan trọng của nó trong chiến lược thâu tóm biển đông, khống chế con đường hàng hải Thái bình dương -Ấn độ dương và được chủ nhà ủng hộ. Vì vậy luật đặc khu có thể vẫn được thông qua vào thời điểm thích hợp. Việc gần đây nhà cầm quyền thuyết giáo cái lợi ‘trên trời” của ba đặc khu, xuyên tạc, vu cáo người biểu tình, đe dọa trấn áp thẳng tay ai xuống đường phản đối… chứng tỏ họ vẫn “tha thiết” ba đặc khu. Nếu thật sự trong sáng trong dự án này thì nhà cầm quyền VN hãy công khai thẳng “ba đặc khu không dành cho TQ” chắc nhân dân không lo lắng gì nữa. Thời đại này chỉ có các chế độ độc tài như TQ, Nga đi xâm lược mà thôi.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Thời các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Thể… các quan chức, đại gia bất chính đã nghĩ ra và thực hiện cách móc túi dân rất trắng trợn: Sửa chữa, cải tạo, mở rộng một chút con đường cũ hoặc làm một đoạn đường mới nhưng thu phí trên những con đường cũ, độc đạo để vét túi dân vô tội vạ. Họ “trấn lột” dân (lời nguyên phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng) đến năm 2016 thì bị phản đối quyết liệt làm nhà cầm quyền đứng trước lựa chọn khó khăn: Nếu dùng tiền ngân sách trả cho các đại gia chủ dự án bỏ thu phí thì không có tiền. Cứ để nhiều BOT móc túi dân, đưa lực lượng vũ trang đến bảo vệ đám “trấn lột” thì chút uy tín nhờ tuyên truyền của đảng CS bị hao tổn, dân phẫn nộ mất kiểm soát bất cứ lúc nào…


Quả địa cầu bán ở Ukraine được cho là in sai bản đồ Việt Nam
Đến nay dự án ba đặc khu cũng đang rơi vào tình thế BOT: Nếu cứ quyết tâm “bàn để ra luật” người TQ kéo sang thì nguy cơ mất an ninh quốc gia quá rõ sẽ bị dân phản đối. Những ngày xuống đường rầm rộ dịp 10/6/2018 phản đối ba đặc khu của hàng triệu người ở cả ba miền nhà cầm quyền lu loa “thế lực thù địch, lưu manh nghiện ngập kích động, dân hiểu nhầm, được cho tiền,…” nhưng đó chỉ là tuyên truyền, tự dối mình thực chất họ đã thấy rõ sự phẫn nộ của nhân dân trước hiểm họa TQ là như thế nào. Thế nhưng nếu bãi bỏ ba đặc khu thì các con đường, sân bay đã đầu tư, đất đai các đại gia (vốn là những thế lực lớn) đã gom mua và có thể tiền “bôi trơn” các quan chức đã nhận nay không thành đặc khu thì sẽ ra sao? Ví như 7.280 nghìn tỷ đ của Sungroup đã đầu tư vào sân bay Vân Đồn ai trả? Ai sẽ bay đến Vân Đồn nếu nó không còn là nơi “đổ rác”, gia công hàng hóa thay nhãn mác cho hàng TQ, không còn là nơi cờ bạc, buôn người, nơi sinh con, đẻ cái, đồng hóa dân bản địa, không còn là nơi “bất khả nhòm ngó” quan chức, đại gia thỏa mãn chơi bời và nhất là TQ sẽ phản ứng ra sao… Rất khó!.

Rõ ràng tình thế BOT lặp lại: Cứ làm đặc khu thì dân nổi giận, chính quyền có khi nguy hiểm, không làm thì nợ các nhà đầu tư “nổi, chìm” mà không có tiền trả, còn TQ chắc chắn không thể hài lòng.


Lại một vụ “tiến thoái lưỡng nan”của chính quyền Việt Nam.

Thật mỉa mai cho ngày “Độc Lập”

Cảnh sát đông như quân Nguyên
Le Thi Thanh Binh fb
Nhìn cảnh “Ngày tuyên ngôn độc lập” của VN thế này, ai còn nghĩ VN “có độc lập, tự do, hạnh phúc”, chắc là không bình thường về tâm lý.
Ông Trọng nên xem lại cách các ông “học tập theo gương BH vĩ đại” đi. Ông dàn quân dày đặc trong ngày mà cách đây tròn 73 năm HCM đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong đó được mở đầu bằng câu “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Như vậy, ông đang vả vào miệng Bác hay sao?
Tại sao ông dám phản bội lại một cách trắng trợn lời của “Người lãnh tụ vĩ đại” mà ông và cái đảng của ông lâu nay vẫn ngợi ca, tôn lên hàng thánh thần như thế? Hay bây giờ HCM không còn giá trị nữa vì bị lộ là Hồ Quang, bát lộ quân của TQ đúng như lời đồn, nên ông mới đánh bài ngửa là ông sẵn sàng giết hết những người dân VN nào dám xuống đường chống lại mưu đồ của ông và đồng bọn muốn sáp nhập vào TQ?
Nếu không, thì tại sao chính quyền này “do dân, vì dân và cho dân” mà lại phải hoảng sợ dân “chống đảng, lật đổ chính quyền” bằng biểu tình yêu nước, bất bạo động phản đối bọn tham nhũng đang từng bước thực hiện việc bán nước cho kẻ thù hại dân chết mòn trong đủ loại độc dược thế này hả ông Tổng Trọng?
Quay đầu là bờ. Trở về với dân, với nước ông sẽ được dân tôn trọng và ghi danh vào lịch sử chống ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc.
Ngược lại, ông và cả dòng tộc nhà ông sẽ bị muôn đời nguyền rủa và căm hận.
Đừng tự bôi tro trát trấu lên mặt mình kiểu thô bỉ thế này nữa chỉ vì lòng tham quyền lực của chính mình ông Trọng ạ. Ông sống nay, chết mai đừng để dân VN phải đổ phân tro lên mộ ông khi bị dân coi là kẻ phản quốc, nếu cứ tiếp tục đi ngược lại lòng dân, chỉ vì lợi ích riêng đảng thế này.
Thanh Bình 02.09.2018
GIƯƠNG ĐÔNG KÍCH TÂY.
Các Facebooker đã thành công trong việc đánh lừa lực lượng công an. Hôm nay ngày 2/9/2018, công an đổ ra đường đông như quân Nguyên nhằm ngăn chặn đoàn biểu tình, nhưng người dân đã biết trước nên không xuống đường hôm nay, người dân sẽ đợi đến khi nào lực lượng công an không còn đủ sức canh gác nữa thì mới xuống đường.
Mừng ngày quốc khánh Nước nhà
Công an canh gác như là chiến tranh.
Sao không ủng hộ dân lành
Cùng nhau tranh đấu để giành TỰ DO???

Bộ giáo dục, xin đừng rửng mỡ nữa nhé !

Fb. Hoàng Hải Vân|

hằng cháu con chị gái tôi sinh năm 1977. Ngày nó học mẫu giáo, có lần tôi ở bộ đội về cầm tập vở của nó vừa đọc “a, bê, xê…” (abc), liền bị nó giật lại, nhìn tôi bằng nửa con mắt, nói cậu đọc bậy, phải đọc là “a bờ cờ…”. Chị tôi cười, nói chừ cải cách rồi, phải đọc như rứa đó. Cô họ tôi ngồi cạnh nói chen vào, rửng mỡ chớ cải cách chi. Cuộc cải cách này đã biến tôi, nói đúng hơn là biến thế hệ “a bê xê” từ chúng tôi trở về trước thành những kẻ dốt, dù học hành tới đâu cũng không thể dạy chữ cho con cháu mình trong nhà được.
Nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông cải cách chữ viết, biến chữ Hán phồn thể thành giản thể, mục đích chính đáng của nó là đơn giản hóa cách viết nhằm thúc đẩy nhanh công cuộc xóa nạn mù chữ, nhưng đã để lại những di hại nặng nề về văn hóa. Nó không chỉ khiến cho khá đông người Trung Quốc hiện đại dù biết chữ nhưng không đọc được lịch sử viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ mà còn tước đi thần thái và vẻ đẹp thâm sâu của chữ Hán, điều đó đã được nhiều thế hệ học giả chỉ rõ. Đó cũng là lý do mà Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) cấm chữ giản thể.
Nhưng dù sao thì cải cách chữ viết của Trung Quốc cũng có mục đích. Còn “cuộc cải cách a bờ cờ” của Bộ Giáo dục nước ta trước đây chẳng có một mục đích tốt đẹp gì, nó không làm cho việc học chữ dễ dàng hơn, thế hệ “a bờ cờ” văn không hay hơn chữ không tốt hơn thế hệ “a bê xê”. Tác dụng duy nhất của nó là tạo một sự cách biệt giữa các thế hệ trong gia đình, đừng tưởng sự cách biệt văn hóa đó là không lớn.
Giờ đây Bộ Giáo dục lại đem trẻ con ra làm vật thí nghiệm cho một “cuộc cách mạng đánh vần”. Cái gọi là “công nghệ giáo dục” này cũng chẳng có một mục đích “thiện lành” gì hết, nó chỉ làm hoang mang các bậc cha mẹ và tiếp tục tạo thêm một sự cách biệt văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình.
Ngôn ngữ là thứ quy ước truyền thống, nó không phải là chuyện đúng hay sai của những kẻ ngồi trên salon nghĩ ra và tranh cãi, mà là sự di truyền xã hội, nó chỉ tồn tại khi được tuyệt đại đa số mọi người trong một cộng đồng chấp nhận sử dụng làm phương tiện giao tiếp và truyền đạt lại cho nhau. Bởi vậy mới có những thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, v.v… Và cần biết rằng, đã có nỗ lực sáng tạo ra quốc tế ngữ (Esperanto), được coi là thứ ngôn ngữ khoa học và logic nhất có thể áp dụng chung cho nhân loại, nhưng nỗ lực đó đã thảm bại.
Cuộc cách mạng “a bờ cờ” mấy chục năm rồi mà người dân như tôi đây nuốt vẫn chưa trôi. Bộ Giáo dục đừng rửng mỡ nữa nhé, hãy để cho người dân và con cái họ được sống yên lành với cách nói, cách học, cách đánh vần truyền thống của mình !