Thursday, December 7, 2017

Giá điện nhất thiết phải tăng .

Theo VOA-Trân Văn-07/12/2017  
Quốc kỳ Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Hình minh họa. Ảnh: Lê Anh Hùng.
 Quốc kỳ Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Hình minh họa. Ảnh: Lê Anh Hùng
Từ 1 tháng 12, giá điện đã tăng thêm 6%. Quyết định tăng giá được công bố vào ngày 30 tháng 11 và có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1 tháng 12.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam thì lý do cơ quan này chuẩn y đề nghị tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là vì EVN đang lỗ. Năm ngoài EVN lãi 2.658 tỉ đồng nhưng đó là lãi thu về từ “các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện” chứ “hoạt động sản xuất kinh doanh điện thuần túy” thì lỗ, thậm chí lỗ nặng (khoảng 600 tỉ đồng) vì giá bán thấp hơn giá thành.
Cũng theo Bộ Công Thương Việt Nam thì EVN (tập đoàn nhà nước độc quyền cung ứng điện năng) không thể lấy lãi từ “các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện” bù đắp cho khoản lỗ từ “hoạt động sản xuất kinh doanh điện thuần túy” vì trước giờ, khoản lỗ 9.500 tỉ đồng của EVN do “chênh lệch tỉ giá” vẫn chưa được cân đối và vì vậy, chính phủ Việt Nam cho phép EVN tăng giá điện để xóa lỗ.
Cả các chuyên gia lẫn báo giới đã đề nghị cho biết chi tiết hơn về hoạt động của EVN để đối chiếu thực hư cũng như nguyên nhân thực tạo ra các số liệu liên quan đến lãi/lỗ nhưng từ Bộ Công Thương tới EVN cùng từ chối.
Để xoa dịu sự nghi ngại và bất bình của dân chúng đối với EVN, chính phủ Việt Nam từng thành lập một Tổ Công tác thẩm tra giá thành sản xuất điện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, thành viên trong tổ công tác vừa kể thú thật với tờ Lao Động là không chỉ ông ta mà nhiều thành viên trong Tổ Công tác thẩm tra giá thành sản xuất điện “bất ngờ” trước sự kiện giá điện tăng! Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, một thành viên khác của tổ công tác, tiết lộ, đến nay, kế hoạch điều chỉnh giá bán điện vẫn là “tài liệu mật”. Hóa ra chuyện thành lập tổ công tác với những thành viên đại diện cho dân chúng cũng như doanh giới “thẩm tra giá thành điện” chẳng khác gì dụng… hư chiêu!
Tờ Tuổi Trẻ kể rằng, hôm 30 tháng 11, tại cuộc họp báo về giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, nhắn nhủ dân chúng và doanh giới rằng, tuy giá điện tăng nhưng hệ thống công quyền Việt Nam sẽ hạn chế tối đa tác động của quyết định này tới các gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo và các doanh nghiệp (?).
Tuy lời trấn an này hết sức phản động nhưng lạ là các viên chức chính phủ vẫn dùng thường xuyên. Khi giá điện tăng thì lấy gì để kềm giá các dịch vụ, sản phẩm thiết yếu khác không tăng? Giá điện tăng, doanh giới không tăng giá bán sản phẩm, giá cung cấp dịch vụ thì dùng gì để bù lỗ? Giá bán các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu tăng thì các gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo có thể tự in tiền để chi dùng hay phải thắt lưng buộc bụng chặt hơn?
Theo lời ông Tuấn, giá điện tăng chỉ khiến chỉ số giá tăng thêm 0,08%. Các gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo có bị ảnh hưởng nhiều không? Câu trả lời là có. Thậm chí rất nặng nề.
Cách nay ba tháng, ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Fulbright, từng công bố một phân tích kèm cảnh báo, người nghèo đang bị tổn thương nặng nề vì năm, bảy năm gần đây, giá của các loại sản phẩm, dịch vụ liên tục gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. So với tháng 8 năm 2016 thì tháng 8 năm 2017, giá dịch vụ giáo dục tăng 11,5%, giá dịch vụ y tế tăng 64.8%. Đây là những dịch vụ không thể thay thế, không thể mặc cả và tất cả mọi người chỉ còn một cách là… chịu đựng. Cũng theo lời ông Vũ Thành Tự Anh thì có thể khống chế được lạm phát, kiểm soát tình trạng vật giá phi mã nếu… muốn làm.
Làm sao khống chế được lạm phát, kiểm soát tình trạng vật giá phi mã khi giá điện tăng như đã kể?
Làm sao giá điện không tăng khi EVN phát triển hàng loạt nhà máy đốt than để phát điện và bây giờ, giá than trên thị trường thế giới tăng gấp đôi? Làm sao giá điện không tăng khi chính phủ Việt Nam chỉ đạo EVN phải mua than của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) để giữ cho bằng được một “anh cả” của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” dù giá bán than của TKV mắc hơn cả than nhập cảng? Làm sao giá điện không tăng khi đầu tháng 10, Bộ Công Thương đột ngột ra lệnh ngưng mua điện từ thị trường phát điện cạnh tranh (hình thành năm 2012 nhằm phá vỡ tình trạng độc quyền về nguồn điện, khuyến khích doanh nghiệp ngoại quốc, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sản xuất điện, buộc EVN phải mua điện của những nhà máy điện báo giá thấp nhất), chuyển qua mua điện của các nhà máy phát điện bằng khí đốt dù giá điện mà các nhà máy này của một số “anh cả” bán cao ngất ngưởng?

Hậu sinh khả úy – nét đẹp của đấu tranh

Theo VOA-Bùi Tín-07/12/2017   
Anh Nguyễn Văn Hóa, người vừa bị kết án 7 năm tù.
Anh Nguyễn Văn Hóa, người vừa bị kết án 7 năm tù.
Thời đại ngày nay và tương lai là của tuổi trẻ. Các cụ ngày xưa thường khen con cháu « hậu sinh khả úy ». Tuổi trẻ sinh sau thật đáng nể, theo nghĩa là thật đáng quý trọng. Tuổi trẻ có sức khỏe, sức đi, sức làm việc, sức suy nghĩ, sức tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, nhất là sức bật táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dấn thân hành động.
Nhân dân Việt Nam vừa đón Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, năm nay 46 tuổi, khi nhận chức thủ tướng (năm 2015) mới 44 tuổi, phong cách trẻ trung hồn nhiên, ngồi uống cà phê trên hè phố Đà Nẵng, sáng chạy bộ bên sông Hàn, tự chọn tất chân nhiều màu sắc mang ý nghĩa thâm thúy, mạnh dạn nêu vấn đề nhân quyền khi gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron vài tuần nữa mới đủ 40 tuổi, có chủ trương táo bạo, tự lập ra tổ chức « Tiến bước » – En Marche chưa đầy một năm trở thành đảng chính trị mạnh nhất, phá thế tả - hữu xưa nay thay nhau cầm quyền, thu hút các thành viên của mọi đảng tả và hữu vào tổ chức của mình, lập nên chính phủ - đa số từ xã hội dân sự chưa tham gia chính quyền - chiếm ngay đa số trong quốc hội, phần lớn cũng là tay mơ chưa đến quốc hội bao giờ, một kỳ công chính trị hoàn toàn bất ngờ. Hậu sinh khả úy là vậy.
Ở Việt Nam những hiện tượng như vậy cũng đang diễn ra. Anh thanh niên công giáo Nguyễn Văn Hóa mới 20 tuổi đã tham gia đấu tranh đòi quyền sống cho nông dân và ngư dân trong thảm họa Formosa, năm nay 22 tuổi bị truy tố ra tòa, bị kết án 7 năm tù, hiên ngang không nhận tội, còn lên án chính quyền tham nhũng vô trách nhiệm bênh công ty tội ác từ nước ngoài.
Trong khi đó một nhóm nữ thanh niên trên dưới 30 tuổi, gồm cô Đinh Thảo, cô Anna Nguyễn và cô Lê thị Minh Hà, vợ nhà báo Nguyễn Hữu Vinh – Ba Sàm, mạnh dạn cùng đến Liên Hợp Quốc (New York) trình bày mạch lạc về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, rồi lần lượt ghé qua 6 nước châu Âu là CHLB Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ, Séc… để tố cáo không mệt mỏi những vụ bắt bớ, hành hung, giam cầm hàng trăm chiến sỹ dân chủ tù nhân chính trị hiện nay.
Trong khi đó, ở trong nước, cô nhà báo trẻ Phạm Đoan Trang sau khi bị tù, sang Hoa Kỳ nghiên cứu rồi về nước dấn thân, tìm gặp các nhà ngoại giao các nước dân chủ để thông báo cặn kẽ các vụ án phi pháp, vô đạo đày đọa các chiến sỹ yêu nước như cô mẹ Nấm, cô Lã Thị Thêu… Cô Đoan Trang còn gia công nghiên cứu các tài liệu chính trị và kinh nghiệm bản thân để viết nên cuốn sách hơn 400 trang « Chính trị bình dân » làm cẩm nang hướng dẫn đấu tranh cho các bạn trẻ.
Trong khi đó anh thanh niên Paulus Lê Văn Sơn từng 2 lần bị kết án 13 rồi 4 năm tù, ra tù vẫn kiên trì hoạt động tiếp; anh Châu Văn Thi cũng dấn thân không ngán tù đầy, nêu gương sáng bất khuất cho thế hệ mình.
Lại cần kể đến cô Phạm Thanh Nghiên mảnh mai mà kiên cường, tháo vát, thông minh, viết nên cuốn sách « Những mảnh đời sau song sắt », kể lại những ngày trong tù đối mặt với bọn ác ôn hành hạ tra tấn mình, coi nhà tù là nơi rèn luyện, còn giác ngộ lẽ phải cho một số quản giáo mù quáng.
Không thể không kể đến cô Trịnh Kim Tiến đang trở thành nhà báo viết và kể phóng sự tại chỗ, tường thuật cho cả nước và toàn thế giới - bằng lời thuyết minh lưu loát và hình ảnh rất độc đáo, về phiên chung thẩm xét xử cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, về thái độ vũ phu mất dạy của bọn côn đồ - an ninh đánh đập thô bạo, tát vào mặt và thụi vào ngực vào bụng các chị em đấu tranh đòi công lý. Rõ ràng tuổi trẻ có sức bật, sáng kiến, sức làm việc có năng suất và hiệu quả rõ ràng.
Tôi viết bài này để góp ý với anh Tương Lai - Nguyễn Phúc Tương mà tôi quý trọng, người già yếu vẫn kiên trì cho ra mắt các bài dài « Mênh mông thế sự, cho gió cuốn đi », khi anh và các bạn như anh Nguyễn Trung cất lời than vãn rằng: « Giá như lúc này còn ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) thì may cho đất nước biết bao! ». Khi còn ở trong nước, tôi đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với ông Kiệt, ngay sau khi ông bị Đỗ Mười và Lê Đức Anh đẩy ra khỏi chức Thủ tướng, với sự đồng tình của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – cả ba kẻ này đều ăn phải bả của Bắc Kinh từ hồi đó. Tôi cũng nghĩ rằng khi đó nếu ông Kiệt mà ở chức thủ tướng thì ông có thể xoay chuyển hẳn thế cờ « thoát Trung », lái Bộ Chính Trị đi theo con đường chính trị hội nhập với thế giới dân chủ. Tôi cũng tiếc lắm, tiếc đến ngẩn ngơ khi nhìn thấy rõ cảnh ông Linh chê bai đố kỵ ông Kiệt, dẫn đến thảm trạng Thành Đô tháng 9/1990. Lúc ấy ông Kiệt được ông Phạm Hùng, ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Võ Nguyên Giáp, Trần Trọng Tân… ủng hộ, nhưng chưa liên kết được thành một khối.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi tự nhủ ngồi luyến tiếc không có tác dụng tích cực. Cứ « nếu như », « giá như », theo tục ngữ Pháp « người ta có thể nhét Paris trong một cái chai »! Xin chúc anh Tương Lai phục hồi sức và anh Nguyễn Trung luôn vui khỏe bền bỉ hoạt động.
Hãy vượt qua quá khứ, công nhận và nhìn thẳng vào tình thế hiện tại, cùng tuổi trẻ, hướng dẫn tuổi trẻ cùng các thế hệ đi trước dấn thân, hành động có hiệu quả tạo thành phong trào dân chủ - nhân quyền rộng lớn, hợp lòng dân, hợp thời đại là giải pháp duy nhất hiện nay. Hãy tận dụng các sai lầm thất bại chồng chất của chế độ độc đảng toàn trị hiện nay, coi là thời cơ cho sự nổi dậy, đồng khởi trong hòa bình không bạo lực, có bài bản, trật tự, lôi cuốn toàn dân cùng hành động để tự giải thoát, chuyển sang chế độ dân chủ đa nguyên tiến bộ, mở ra kỷ nguyên dân chủ cho dân tộc mình, nhân dân mình.
Hậu sinh khả úy! Sự thức tỉnh nhanh và sâu của tuổi trẻ gắn bó với thế hệ đàn anh đang diễn ra đẹp đẽ hiện nay. Hãy tập họp trong tổ chức, hành động đồng loạt có bài bản. Tố cáo mạnh tham nhũng và chỉ rõ chống tham nhũng đã thất bại. Tố cáo mạnh vụ Formosa tàn phá môi trường. Tố cáo việc khai thác Bôxit tệ hại ở Tây Nguyên. Tố cáo các vụ xử tham nhũng không công khai theo đúng pháp luật, nặng với kẻ này, nuông chiều kẻ khác. Tố cáo các vụ BOT như Cai Lậy… Tố cáo dân Tàu tràn lan khắp nước như chốn không người. Tố cáo việc gần như đưa 4 tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang nhập vào khu dân tộc Choang của Quảng Tây/Trung Quốc.
Đó là những ngòi nổ của cuộc đấu tranh rộng lớn để cứu nước, cứu dân, cứu mỗi gia đình hiện nay.

Kinh tế Việt Nam khởi sắc hay ngược lại?

Theo VOA- Phạm Chí Dũng-07/12/2017 
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)
 Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)
Andy Mukherjee - cây bút bình luận về kinh tế và tài chính của Bloomberg - trong một bài báo gần đây có tựa đề “(Nền kinh tế) Việt Nam không còn là con cá bé nữa”, đã tỏ ra ngạc nhiên xen lẫn thán phục về “hệ thống ngân hàng sạch hơn về nợ xấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia và chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc mà dấu hiệu là thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng đột biến” (Bài “Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc”, VOA tiếng Việt 29/11/2017).
Cùng thời gian trên, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc báo cáo ra Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền và ra Quốc hội về chỉ số tăng trưởng GDP quốc gia lên đến 7,46% vào quý 3 năm 2017, để “quyết tâm” đạt GDP bình quân 2017 là 6,7%, đưa tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gấp hơn hai lần nước Mỹ, gấp 3 lần châu Âu và vào nhóm cao nhất thế giới, cùng nhiều chỉ số khác mà ông Phúc tự hào là “thành tích kinh tế”…
Nhưng sự thật về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam có đúng như những gì mà Andy Mukherjee mô tả và phân tích?

“Thị trường cờ bạc” chẳng tác động gì đến nền kinh tế!

Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán đã tăng vọt từ gần 700 điểm vào đầu năm 2017 lên gần 1.000 điểm vào đầu tháng 12 cùng năm, nhưng chưa có dấu hiệu suy giảm trở lại mà vẫn còn có xu hướng tăng tiếp, thậm chí còn có thể tăng cho đến khi nào vượt qua mốc kỷ lục được thiết lập vào tháng Ba năm 2007 là 1.167 điểm.
Nhưng có thật VN-Index là đặc trưng cho sức khỏe của cả nền kinh tế Việt Nam như các kênh báo đảng và kênh báo chính phủ thường khoe mẽ và Bloomberg thán phục?
Một trong những chuyên gia đã quan sát, phân tích và trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ hàng chục năm qua - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đất Việt trong nước vào tháng 11/2017 đã cho rằng không phải bây giờ mà suốt từ năm 2007, VN-Index hoàn toàn không phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh nội địa mà nó dựa vào cổ phiếu của một nhóm gồm vài ba công ty rất lớn. Do đó, VN-Index hiện nay chưa đủ phản ánh sức khỏe nền kinh tế.
Vậy vì sao không phản ánh nội lực kinh tế mà VN-Index vẫn “lên” quá dễ dàng?
"Chỉ cần có một vài cổ phiếu dịch lên một chút cũng đủ khiến chỉ số VN-Index tăng lên. Những mã này số lượng giao dịch không lớn, vẫn là những nhà đầu tư Nhà nước hay nhà đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối, đặc biệt là những cổ phiếu có chủ đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối thì nó càng không đại diện cho giá trị thực tế” - ông Đinh Thế Hiển lý giải.
Đáng chú ý, quan điểm của ông Đinh Thế Hiển không phải là cá biệt trong giới chuyên gia tài chính và chứng khoán ở Việt Nam. Từ trước đến nay và đặc biệt càng về sau này, bất chấp lối tuyên giáo một chiều và cưỡng ép về “thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe nền kinh tế”, ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói thẳng rằng về thực chất, đây chỉ là một thị trường cờ bạc, một thị trường mà “tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ biến từ túi kẻ này sang túi kẻ khác”, trong khi chẳng đóng góp gì hoặc chủ đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế.
Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rệp - đó là thâm niên kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm xương máu của quá nhiều nhà đầu tư và giới phân tích tài chính, bởi hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” là một đặc trưng rất rõ và cũng hết sức tàn nhẫn của VN-Index. Một thị trường của khoảng 20 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như VIC, VNM, GAS… mà chỉ cần những cổ phiếu này tăng hay giảm về giá là chắc chắn làm diện mạo VN-Index lập tức chuyển từ xanh sang đỏ.

Tiền từ đâu ra?

Chứng khoán không thể tăng nếu không có tiền. Tiền bơm vào càng mạnh, chứng khoán càng bay cao. Tiền từ đâu ra?
Khác hẳn với những đợt tăng trước, năm nay không có gói kích thích nào từ chính phủ.
Nhưng vào giữa năm 2017, Thủ tướng Phúc đã “chỉ đạo quyết liệt” về việc các ngân hàng phải đẩy tín dụng ra lưu thông, nâng cao mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2017 lên từ 19 đến 21% - một động thái rất dễ được hiểu là “tăng tín dụng tức tăng GDP và tăng thành tích”. Điều đó có nghĩa là hệ thống ngân hàng phải tung vào thị trường tín dụng và tài chính một con số khổng lồ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong bối cảnh ngân hàng thừa mứa tiền đồng - một hệ quả rất có thể khởi nguyên từ cơ chế in tiền ồ ạt trong hàng chục năm trước mà đã khiến Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không ít lần phải khuyến cáo “Việt Nam không nên in quá nhiều tiền”.
Ngân hàng lại chính là “tay to” của thị trường chứng khoán, để một khi ngân hàng câu kết với giới đại gia các ngành khác thì VN-Index mới có thể “thăng hoa” - tương tự chỉ số GDP bay cao đến 7,46% của Thủ tướng Phúc.
Nhưng hậu quả của chuyện “bay cao” trên là lần đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức thủ tướng vào giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc bị dư luận xã hội và giới chuyên gia và kể cả Quốc hội bật lên mối nghi ngờ nặng nề về những kết quả “thành tích điều hành kinh tế” do ông báo cáo trong kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2017.

“Giả số liệu”

Nghi ngờ lớn nhất đối với Thủ tướng Phúc tập trung vào kết quả “tăng trưởng 7,46% GDP trong quý 3 năm 2017”.
Không ít dư luận còn cho rằng số liệu trên là giả.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam, có một bài phân tích trên trang báo điện tử Vietnamnet và mát mẻ: “chưa năm nào có sự cải thiện tăng trưởng từ quý I đến quý III như năm nay”. Nhờ vậy, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm lên tới 6,4%.
Tiến sĩ Thành cũng giễu cợt: “Với dự kiến quý IV/2017 có tốc độ tăng trưởng còn cao hơn nữa, có lẽ không cần đợi đến số liệu thực tế vào cuối năm, Chính phủ đã có thể báo cáo ngay với Quốc hội là mục tiêu tăng trưởng 6,7% của 2017 sẽ đạt được”.
Một trong những phản biện chi tiết được Tiến sĩ Thành đề cập về “đóng góp lớn cho con số đẹp này là sự tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến – chế tạo (lên tới 12,8% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ)”, là “điện chỉ tăng 8,3% làm sao công nghiệp chế biến chế tạo tăng được 11 – 12%?”. Vì theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, kinh nghiệm các năm cho thấy khi GDP tăng 6 – 6,5%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11 – 12% thì sản lượng điện tăng 11 – 12%. Nhưng trong 9 tháng năm 2017, trong khi GDP tăng 6,4% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 12,8% thì điện chỉ tăng có 8,3%…
Trong khi đó, có chuyên gia tính toán rằng chỉ cần làm vài phép tính đơn giản sẽ thấy ngay GDP Việt Nam chỉ vào khoảng hơn 3%.
Trước đó tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào giữa tháng 10/2017, Chủ tịch quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?…”.
Với kết quả “tăng trưởng 7,46% GDP trong quý 3 năm 2017” để “đạt tăng trưởng bình quân năm 2017 là 6,7%”, có thể nhận ra rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không chỉ thủ tướng mà còn ứng cử viên tổng bí thư.
Tuy nhiên, ngày càng dày đặc dấu hiệu cho thấy ông Phúc đang sa vào lối mòn về chủ nghĩa cường điệu và khoe khoang thành tích không biết chán của Nguyễn Tấn Dũng.
Trước khi bị “rớt đài” tại đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bị các đối thủ chính trị đả kích mạnh về thói huênh hoang thành tích nhưng rất thiếu cơ sở khoa học. Còn giờ đây, Thủ tướng Phúc cũng có thể phải đối mặt với những đối thủ chính trị không ưa gì ông và luôn biết cách khai thác điểm yếu của ông, nhất là căn bệnh “giả số liệu”.

Còn “xử lý nợ xấu”?

Tại hai kỳ họp quốc hội vào tháng 5 - 6 năm 2017 và 10 - 11 năm 2017, con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng, còn được mệnh danh là “cục máu đông” được công bố: 600.000 tỷ đồng.
Nhưng về thực chất và cộng với khoảng 300.000 tỷ đồng mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua - trên thực tế là mua trên giấy chứ không phải bằng “tiền tươi thóc thật” - số nợ xấu hiện thời lên đến khoảng 900.000 tỷ đồng.
Sau 6 năm từ thời điểm 2011 khi thực hiện đề án xử lý nợ xấu, bất chấp vô số tuyên truyền một chiều của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và kể cả thời hậu đại hội 12 của đảng cầm quyền, cho tới nay nợ xấu ngân hàng không những không giảm đi mà còn tăng mạnh.
Ngay cả việc chấp nhận con số 600.000 tỷ đồng nợ xấu hiện thời theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước, người ta cũng nhìn thấy ngay một nan đề hoàn toàn bế tắc: sau hơn ba năm kể từ lúc thành lập VAMC, nợ xấu đã chạy đủ một đường vòng “đúng quy trình”: từ ngân hàng đến VAMC, rồi lại từ VAMC trở về ngân hàng. Giữa những khoảng trống vận động ấy, vẫn chưa có gì được lấp bù. Nghĩa là nợ xấu vẫn nguyên vẹn cùng lãi mẹ đẻ lãi con.
Cho tới tận giờ đây và kể cả sau khi Quốc hội ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu, hậu quả chôn vốn vẫn còn quá lớn. Các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mới chỉ kịp thoái khoảng hơn 50% vốn bị “ngâm, trong khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa biết làm sao để thu hồi được nợ vay từ các con nợ “tiềm năng” của mình. Theo giới chuyên gia phản biện độc lập, nợ xấu hiện thời là vô phương cứu chữa vì các kênh tiêu thụ nợ xấu hầu cũng bế tắc.
Mầm mống khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi thế ngày càng lộ diện.
Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải “đội nón ra đi,” và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Bất kỳ ai cũng có thể đặt một câu hỏi phản biện với Thủ tướng Phúc và Ngân hàng nhà nước: nợ xấu có nguồn gốc chủ yếu từ ngân hàng, và nếu công tác xử lý nợ xấu thật sự đạt được hiệu quả như báo cáo của Chính phủ thì tại sao vào tháng 11/2017, Chính phủ lại phải ban hành chính sách “thí điểm phá sản ngân hàng”, mà thực chất có đến 30% trong số hơn 30 ngân hàng thương mại không còn cách nào khác phải bị cho phá sản - theo giới chuyên gia?
Đó là chưa kể quốc nạn nợ công. Cho đến nay, chính phủ và các bộ ngành ở Việt Nam vẫn chỉ thừa nhận nợ công “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP.” Nhưng từ năm 2011 đến nay, đã xuất hiện không ít phân tích và đánh giá của giới chuyên gia phản biện độc lập về thực trạng nợ công lên đến hàng trăm % GDP.
Vào đầu năm 2017, một chuyên gia phản biện độc lập là Tiến Sĩ Vũ Quang Việt - người có thâm niên lâu năm là vụ trưởng vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc - đã tính toán rằng nợ công quốc gia Việt Nam phải lên đến 210% GDP, tức đến khoảng 450 tỷ USD.
Nợ công, nợ xấu, phá sản ngân hàng lại là những tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam lẫn chính thể độc đảng.

Bloomberg và Ngân hàng thế giới có động cơ gì?

Những năm gần đây, Bloomberg và Ngân hàng thế giới (WB) là hai tổ chức thỉnh thoảng có những báo cáo và bài viết hoặc công nhận những số liệu cơ bản về kinh tế trong báo cáo của Chính phủ Việt Nam, hoặc có vẻ ca ngợi “thành tích điều hành kinh tế” của chính phủ này.
Nhưng hậu quả nào đã và sẽ xảy ra nếu họ - những tổ chức có uy tín trên thế giới - đưa ra những phân tích và nhận định chỉ dựa trên bề mặt mà thiếu chiều sâu, vừa không thực tế vừa sai lệch với tình cảnh nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp mà vẫn chưa hoặc còn lâu mới ngóc đầu lên được?

Cải cách kinh tế và xung đột lợi ích ở Việt Nam

Lê Anh Hùng- Theo VOA-07/12/2017  
Liệu ông Phúc có sẽ đi vào vết xe đổ "khoe thành tích" của ông Dũng?
Liệu ông Phúc có sẽ đi vào vết xe đổ "khoe thành tích" của ông Dũng?
Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính ngày 6/1/2017, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra những cảnh báo về thực trạng nền tài khoá quốc gia: “Chi thường xuyên tăng rất nhanh khiến ngân sách căng thẳng”, “Nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép”, và đặc biệt là “[…] nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.
Thực trạng trên khiến người ta không khỏi liên tưởng tới bối cảnh đất nước trước thềm Đại hội VI năm 1986: hệ thống hiện hành đang ở vào thế tựa chân tường, không còn cách nào khác hơn là phải cải cách, và không có lý do gì để trì hoãn cải cách. Bản thân người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ. Điều này đồng nghĩa với việc phải hạn chế tối đa và tiến tới cơ bản chấm dứt hoạt động kinh doanh của chính phủ, bởi đó không phải là chức năng của một chính phủ như thế. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không hề đơn giản.
Từ chuyện quân đội làm kinh tế…
Một trong những tín hiệu cải cách đáng chú ý là tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP HCM sáng 23/6, Thượng tướng/Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm đã phát biểu: “Hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển ra bên ngoài.”
Những hệ luỵ của việc quân đội làm kinh tế đã được dư luận nói đến quá nhiều: bên trong thì nó làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội, còn bên ngoài thì nó khiến cho nền kinh tế mất đi tính cạnh tranh, động lực quan trọng nhất giúp cho kinh tế nước nhà phát triển lành mạnh, bền vững.
Phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm vì thế được dư luận rất hoan nghênh, đặc biệt là trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đối tượng tác chiến gần như duy nhất của quân đội Việt Nam, đã bị cấm tham gia hoạt động kinh tế từ năm 1998, và đến tháng 11/2015 thì ngay cả các hoạt động cung cấp dịch vụ dân sinh cũng bị cấm nốt.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 12/7, tại buổi làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã phán một câu xanh rờn: “Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn!”
Và trước một bầu đoàn hùng hậu gồm một Đại tướng/Bộ trưởng Quốc phòng, hai Thượng tướng/Thứ trưởng Quốc phòng, một Chuẩn đô đốc/Tư lệnh Hải quân, một Trung tướng/Tư lệnh Quân khu cùng Chủ tịch UBND TP HCM, Chuẩn Đô đốc/TGĐ Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Đăng Nghiêm đã trịnh trọng phát biểu:
“Đến nay có thể khẳng định một điều, chúng tôi từ khu vực quân sự chuyển sang kinh doanh đã trở thành những người lính trên mặt trận kinh tế.”
Đó là thực tế mà viên Chuẩn Đô đốc cùng đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu bậc nhất thế giới của Việt Nam dường như rất lấy làm tự hào, còn công chúng thì hẳn khó tránh khỏi cảm giác chua chát, khi thấy Hải quân Nhân dân Việt Nam xem ra không còn tha thiết gì với nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ biển đảo quốc gia nữa.
Đến ngày 14/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, chính Thượng tướng Lê Chiêm lại quả quyết: “Không những cần duy trì quân đội làm kinh tế mà còn phải đẩy mạnh!”
Và tại phiên thảo luận về dự án Luật Quốc phòng sửa đổi diễn ra sáng 24/11, đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu hiện diện trong Quốc hội lại đòi “thể chế hoá” vấn đề quân đội làm kinh tế. Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, cho rằng việc quân đội làm kinh tế sẽ làm “gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thì khẳng định: “Quy định Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013.”
…đến việc cổ phần hoá DNNN và thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp
Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp là đòi hỏi bức thiết nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Ngoài lý do nêu trên, cổ phần hoá DNNN trong năm 2017 còn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bởi đến năm 2018, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ đánh giá xem Việt Nam đã hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay chưa, đặc biệt là việc cải cách các thể chế kinh tế, nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Theo kế hoạch mà Chính phủ phê duyệt, năm 2017 số DNNN phải cổ phần hoá là 44. Tuy nhiên, chương trình thời sự VTV 19h ngày 3/12 lại cho biếtlà mặc dù đã qua 11 tháng nhưng số DN được cổ phần hoá mới chỉ là 21. Trong vòng một tháng nữa phải hoàn thành cổ phần hoá hơn một nửa số DN còn lại – một nhiệm vụ hầu như bất khả thi.
Còn việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp thì sao?
Xin thưa, đích thân Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trả lời câu hỏi đó tại phiên thảo luận tổ của các ĐBQH ngày 24/10 vừa qua: “Bán hết vốn Nhà nước, nhiệm kỳ sau lấy gì mà tiêu?”
Đâu là nguyên do?
“Gang không mật mỡ, kiến bò chi.” Điều đó giải thích cho lý do tại sao việc cải cách trong khu vực DNNN lại khó khăn đến vậy.
Vì “mật mỡ” trong các doanh nghiệp quân đội nên các quan chức quốc phòng đã chơi trò “lập lờ đánh lận con đen” giữa khái niệm “làm kinh tế” theo nghĩa “tăng gia sản xuất” (điều nên khuyến khích) với “làm kinh tế” theo nghĩa kinh doanh (điều cần phải nghiêm cấm).
Thật mỉa mai, tuy viện lý do là “thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng” nhưng họ lại không chỉ vứt cả một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào sọt rác, mà thậm chí là làm trái hoàn toàn với nghị quyết còn hiệu lực đó.
Hội nghị Trung ương 4 khóa X hạ tuần tháng 1 năm 2007 đã quyết nghị việc chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần thuộc các cơ quan đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007.
Vậy nhưng kể từ đó đến nay, các doanh nghiệp quân đội không những không được chuyển sang cho các cơ quan dân sự quản lý, mà còn không ngừng phình ra về cả về quy mô lẫn số lượng, trở thành một nền kinh tế có quy mô suýt soát bằng GDP của Campuchia, hay 1,5 lần GDP của Lào.
Quân đội vốn là một nhóm lợi ích lâu đời và luôn nhận được chế độ đãi ngộ đặc biệt, đằng sau họ lại có sự hậu thuẫn của Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương, nên không có gì lạ khi họ quyết liệt bảo vệ lợi ích của mình bất chấp lợi ích của đất nước.
Lý do bên ngoài của việc chậm trễ cổ phần hoá DNNN thì nhiều, nhưng bên trong thì hầu như chỉ có một: đó là sự sự níu kéo của những tổ chức, cá nhân có lợi ích gắn liền với doanh nghiệp được CPH.
Vậy còn động cơ đằng sau câu phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước là gì? Câu trả lời cũng là lợi ích nốt.
Theo Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước được quyền kiểm toán các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước. Và kiểm toán doanh nghiệp thì lại là nhiệm vụ nhiều “mật mỡ” nhất trong các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Thế cho nên, câu phát ngôn của người đứng đầu cơ quan kiểm toán nhà nước cần được hiểu là: “Bán hết vốn nhà nước thì lấy gì mà ‘kiểm toán’ đây?”
Ai đó có thể “thắc mắc” rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ là một cơ quan ngang bộ, còn Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ là một Uỷ viên Trung ương Đảng, sao ông ta dám “cả gan” công khai chống lại một chủ trương đúng đắn và đặc biệt là rất cần thiết của Chính phủ?
Câu trả lời ở đây là, theo Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan trực thuộc Quốc hội, còn Tổng Kiểm toán Nhà nước thì do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng nói: “Mọi cuộc cải cách đều khó khăn, càng gặp kháng cự, càng cho thấy cuộc cải cách đó là cải cách thực sự.”
Vậy nên, trong giai đoạn quyết định hiện nay, những người thực tâm chủ trương cải cách vì nước, vì dân cần phải quyết đoán hơn nữa. Sau lưng họ là 90 triệu đồng bào đang từng ngày từng giờ mong chờ sự thay đổi đến với một đất nước không chỉ đã nếm trải quá nhiều đau thương với hệ thống hiện hành, mà còn đang đứng trước hiểm hoạ Đại Hán ngày một hiện lên lồ lộ.

“Bà Tám Cai Lậy” lên làm việc với công an

 Theo VOA-Ngọc Lễ-07/12/2017 
Quán Bà 8 BOT Cai Lậy là trạm dừng chân của các tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy (Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ)
Quán Bà 8 BOT Cai Lậy là trạm dừng chân của các tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy (Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ)
Bà chủ quán nước gần trạm thu phí tuyến đường tránh Cai Lậy vừa có buổi làm việc với công an tỉnh Tiền Giang về số tiền 10 triệu đồng mà bà nhận từ một người lạ, nhưng bà nói bà không “có gì lo lắng” vì “bà không làm gì sai”.
Một tài xế cho biết bà chủ quán nước là người đã nhiệt tình hỗ trợ cánh tài xế trong những ngày xảy ra vụ phản đối trạm BOT Cai Lậy, và bà làm như vậy vì bà thấy trạm thu phí Cai Lậy “làm sai”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Tỉnh, còn được gọi là bà Tám, dì Tám hay chị Tám BOT, hôm 7/12 đã lên Công an Huyện Cai Lậy làm việc với ông Lê Hoàng Kích, phó trưởng phòng PA88, Công an tỉnh Tiền Giang. Giấy mời do Công an Cai Lậy gửi chỉ ghi nội dung làm việc là “để trao đổi một số việc có liên quan đến bà”.
Quán nước và lạp xưởng tên ‘Bà 8 BOT Cai Lậy’ là nơi tập kết của cánh tài xế trong những ngày xảy ra cuộc khủng hoảng tại trạm BOT Cai Lậy khiến cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định dừng thu phí trong một tháng để tìm giải pháp.
Trao đổi với VOA, bà Tỉnh xác nhận là nội dung buổi làm việc với công an chỉ xoay quanh số tiền 10 triệu mà bà đã nhận. Tuy nhiên, bà nói bà “không có gì phải lo”.
“Tại vì mình vô tình mình nhận số tiền và mình đã gửi lại mình trả thì lương tâm mình cũng bình thường. Tại mình biết mình chuyện mình làm không có gì phi pháp cả,” bà giải thích.
Về nguồn gốc số tiền 10 triệu đồng, bà Tỉnh cho biết bà “không quen biết” người tặng tiền.
“Cũng như người đó tự nhiên đem tiền tới cho mình lúc mình bệnh. Mấy người uống nước họ cũng nói nhiều khi người ta thấy mình tội nghiệp người ta cho thì mình cứ nhận đi,” bà kể. Tuy nhiên, bà nói người tặng tiền không nói lý do đưa tiền: “Họ chỉ nói tặng Tám thôi chứ không nói gì hơn.”
“Khi mình tỉnh táo lại, mình suy nghĩ thì thấy số tiền đó hổng có đúng. Mình có qua lại với người ta đâu mà mình nhận số tiền như vậy,” bà nói, “Mình trả tiền cho người ta rồi.”
Bà Tỉnh cũng cho biết bà đã không ký biên bản vào cuối buổi làm việc theo yêu cầu của công an.
“Người ta yêu cầu mình ký biên bản nhưng Tám nói là Tám bệnh quá, tinh thần không được ổn nên không ký biên bản được, mắt rất mờ không đọc biên bản được,” và thuật lại lời bà nói với công an: “Mấy anh muốn ghi nhận lỗi tôi là gì thì ghi nhận chứ tôi có vi phạm gì đâu mà bắt tôi ký biên bản.”
Bà cho biết lúc đầu công an cũng buộc bà phải ký vào biên bản nhưng do bà phản đối nên cuối cùng họ cho bà về. Bà thuật lại lời bà nói với họ:
“Hết giờ làm việc mà mấy anh cứ giữ tôi hoài. Tôi có vi phạm pháp luật đâu mà mấy anh giữ. Mấy anh làm như vậy là không đúng luật rồi. Tôi không đồng ý đó.”
PA 88, cơ quan làm việc với bà Tỉnh, là cơ quan “Phòng chống Phản động và chống Khủng bố” của Công an Tỉnh Tiền Giang.
Anh Lâm Quân Trường, một tài xế thuộc nhóm “Bạn hữu đường xa” tham gia phản đối BOT Cai Lậy, nói với VOA rằng người tặng tiền cho bà Tỉnh là “người giả danh Bạn hữu đường xa”.
“Trong nhóm ‘Bạn hữu đường xa’ cần tìm một người rất dễ mà bạn hữu đó thì không ai biết. Hỏi nhóm này nói không biết nhóm khác cũng không có bạn hữu đó,” anh Trường giải thích.
Nói về “Bà Tám BOT”, anh Trường cho biết: “Chị Tám có công rất lớn. Chỉ lo cho anh em ăn uống mà anh em cũng có chỗ nghỉ chân. Chị Tám cũng ủng hộ anh em ra phản đối trạm BOT Cai Lậy.”
“Tính cách chị Tám là một người dân chân thật. Thấy chuyện bất bình thì phản đối thôi.”
Khi được hỏi tại sao bà Tỉnh ủng hộ cánh tài xế vì công việc buôn bán của bà gắn với trạm BOT Cai Lậy, anh Trường nói: “Ngày xưa chưa có BOT Cai Lậy thì chị Tám cũng buôn bán bình thường thôi. Nếu sau này có dời trạm ra đường tránh thì anh em chúng tôi vẫn ghé ủng hộ chị Tám.”
Anh cũng cho biết là đến nay “chưa có tài xế nào (trong nhóm ‘Bạn hữu đường xa’) bị công an mời lên làm việc”.
Theo anh Trường, nguyện vọng hiện nay của cánh tài xế là di dời trạm thu phí Cai Lậy về đường tránh chứ không phải đặt trên Quốc lộ 1 như hiên nay. “Tụi tui có đi vô đâu mà phải trả tiền?’
Anh nói theo những thông tin đang từ từ được đưa ra thì ba phương án do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đều có lợi cho ông chủ BOT, chứ không có lợi cho dân”.

Hãy cảnh giác một âm mưu khác!

Trần Thế Thi (Danlambao) - Làn sóng phản ứng trước đề nghị cải cách tiếng Việt mới đây của một ông được gọi là phó giáo sư tiến sĩ Bùi Hiền, đã có nhiều người nghi ngờ ông ta là tay Việt gian được tình báo Hoa Nam với sự đồng thuận của đảng CSVN nhằm thay đổi cách viết và đọc tiếng Việt cho phù hợp với âm điệu Trung Hoa, hay gây hỏa mù để đánh lạc hướng làm cho người dân quên đi những biến động có nguy cơ cho sự tồn vong đảng đến nay vẫn còn đang ầm ỉ trong và ngoài nước. Dưới chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN, họ luôn luôn dùng sự dối trá để duy trì quyền lực, vì thế mọi người có quyền nghi ngờ những gì mà nhà cầm quyền Hà Nội cũng như người đã và đang phục vụ cho chế độ đề xướng.

Đã có người truy tìm lý lịch của ông giáo sư này trước kia du học ở Trung cộng, nên sự nghi ngờ không hẳn là không có lý. Tuy nhiên, bên cạnh những nghi ngờ đó cũng còn rất nhiều âm mưu mà đảng CSVN muốn sử dụng quyền lực, phương tiện để lừa bịp mọi người, chính vì thế mà người viết bài này cũng mạo muội nêu lên nhận xét của cá nhân mình, nếu bài viết này là một sự tưởng tượng vô căn cứ thì xét ra nó cũng chẳng làm thiệt hại ai mà chỉ là một đóng góp nhỏ để nhắc nhở mọi người đừng nên lơ là và như trên đã nói, mọi sự nghi ngờ hoặc giả thuyết đặt ra đều có thể.

Từ lâu, đảng CSVN muốn cơ quan UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa nhằm xóa hết tội ác hại dân, bán nước của ông ta đối với dân tộc Việt.

Từ năm 1990 của thế kỷ trước, họ đã tìm cách vận động UNESCO tổ chức vinh danh HCM nhưng đã bị cộng đồng người Việt Hải Ngoại khám phá, chống đối mãnh liệt và họ đã thất bại hoàn toàn.

Tuy vậy, đảng CSVN vẫn tìm mọi cách để thực hiện âm mưu này. Mới đây nhất, đảng đã cho người ra ứng cử vào cơ quan UNESCO nhưng một lần nữa lại phải chuốc lấy sự nhục nhã sau khi chỉ được vài ba phiếu, nên đã vội vã tuyên bố rút lui vì thấy chẳng ai bầu.

Đảng CSVN có lẽ đang mưu tính chọn con đường khác, là phải làm sao phù phép cho HCM trở thành người có công đóng góp to lớn trong văn hóa Việt Nam. Nhưng xét kỹ, họ Hồ chẳng có gì đóng góp xứng đáng trong văn hóa nước nhà. Thơ thì chôm chĩa, bài viết thì bịa danh nhằm tâng bốc, tự đánh bóng mình. Về tư tưởng cũng ăn cắp của người khác để đánh lừa đám bần cố nông cuồng tín, mê muội theo đảng. Như mọi người đều biết, khi HCM còn sống, cách viết chữ của ông ta hay dùng chữ "z" thế cho phụ âm "d" thí dụ "dân" viết thành "zân", "phúc" viết thành "fúk", "cách" viết thành "kách" v.v…. Do đó, qua đề nghị của Bùi Hiền, ta có quyền nghi ngờ rằng đảng sử dụng con bài “ giáo sư Tay Sai “Bùi Hiền này thảy ra thăm dò để xem phản ứng dư luận. Đây cũng có thể là họ áp dụng tư tưởng đã ăn cắp của họ Mao đó là: "muốn uốn một cái cây cho thẳng, thì phải uốn quá độ cong của nó, để khi thả ra là vừa" câu nói bình dân nôm na gọi là "trừ hao". Cũng chính từ tư tưởng này, họ Mao đã đưa nó lên thành chính sách và áp dụng trong các chiến dịch "cải cách ruộng đất" "cách mạng văn hóa" v.v… trong quá khứ đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác tày trời khiến đầu rơi, máu đổ.

Trong đề nghị cải cách tiếng Việt theo kiểu mọi rợ của họ Bùi, bước đầu họ đoán biết rằng dư luận sẽ phản ứng mạnh mẽ, nhưng đó chỉ là kế hoạch một bước trong trò lừa. Bước thư hai là họ cho một số "giáo sư Tay Sai" khác nhảy vô tranh luận, phân tích thế này, thế khác rồi hạ xuống vài ba bậc tức là loại bỏ hết những gì bất hợp lý, cuối cùng chỉ giữ lại cách viết của HCM. Nếu thấy dư luận xã hội không phản ứng mạnh, đảng sẽ cho quốc hội thông qua và trở thành luật, rồi BGD in thành sách giáo khoa dạy cho các thiếu nhi quen dần và sau cùng sẽ được áp dụng cho toàn xã hội. Đảng CSVN cho thực hiện âm mưu này với nhiều ý đồ nhằm tôn vinh HCM và đảng CSVN sẽ có lý do để tiếp tục duy trì cái xác của họ Hồ trong lăng Ba Đình, từ đó biến ông ta từ người có tội trở thành danh nhân văn hóa hầu xóa hết những tội ác do ông ta gây ra. Quan trọng hơn, đảng sẽ núp dưới cái xác của họ Hồ tiếp tục độc quyền thống trị đất nước.

Cải cách ngôn ngữ là vấn đề to lớn của một quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống từng người trong xã hội và tương lai của dân tộc, muốn thực hiện điều này tất nhiên phải cần sự tham gia nghiên cứu của các nhà chuyên môn về ngôn ngữ, các tầng lớp trí thức trong xã hội, chứ không thể được quyết định bởi một âm mưu hay áp lực của một đảng cầm quyền. Dân tộc Việt Nam phải cương quyết và dứt khoát chận đứng mưu mô xảo trá này đừng để:

Kẻ bán nước thì được vinh danh Người bảo vệ lại trở thành tội phạm.

8/12/2017

Quyền lợi

Ông Bút (Danlambao) - Giờ đây chúng ta xem lại lời này, để xác định Hồ Chí Minh và đảng CSVN là tập đoàn tay sai của Tàu, để cùng nhau đồng tâm hiệp lực, tìm phương cách, dù nhỏ nhất, dù mang lại kết quả nhỏ nhất, cũng phải cố gắng làm, cố mọi cách bài trừ người Tàu xâm nhập, xâm lược nước mình. Tranh đấu đòi hỏi quyền lợi cho bản thân là chính đáng, tranh đấu vì quyền lợi tổ quốc và tương lai dân tộc, chính đáng và cao cả hơn. 

*

Vừa qua Lễ Tạ Ơn, được một niên trưởng gọi tới nhà chơi, vào tiệc, tôi ngồi gần bàn mấy bạn trẻ, trong bàn một bạn hỏi người bên cạnh: Ê, sao lâu rồi mầy không về Nha Trang? Người được hỏi tên Nhỏ, du học sinh, con một "quan đại gia đỏ", ở Nha Trang.

Bạn Nhỏ trả lời: Về làm gì, quê tau giờ tụi Tàu tràn ngập, về chán lắm mầy ơi. Tôi không lạ gì bạn Nhỏ, nên biết câu trả lời rất thật, từ tám, chín năm qua, ra trường kỹ sư, Nhỏ làm việc cho đài truyền hình địa phương và nhất định không về VN, bây giờ mời biết đích xác, Nhỏ không về quê, vì "tụi Tàu tràn ngập".

Hồi tháng 9 năm nay, một tập thể nói tiếng "Hoa" chuyên nghiệp làm hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng. Nhưng họ bị một đám "hướng dẫn viên chui" từ Trung Cộng sang, tự làm hướng dẫn viên (HDV), ngang nhiên cướp cơm của tập thể HDV Đà Nẵng, trong đơn tố giác gởi nhà cầm quyền địa phương, họ nói HDV chui từ Trung Cộng đã hướng dẫn khách sai lệch, tuyên truyền sai lạc.

Đơn kiến nghị cũng cho rằng, việc HDV nước ngoài hoạt động “chui” không những vi phạm pháp luật, mà còn khiến cho HDV tiếng Trung chính thống tại địa phương bị mất công ăn việc làm.

Khi miếng cơm manh áo của mình, bị ai đó cướp đoạt, tất nhiên phải tìm mọi cách giữ gìn, bảo vệ. Không biết nhà cầm quyền Đà Nẵng, có biện pháp gì với đám HDV chui, người nước "lạ" này không? Hay phải đợi lệnh trung ương đảng CSVN, xin chỉ thị từ... Trung Cộng!

Ví dụ Trung Cộng trả tiền thất nghiệp cho các bạn HDV Đà Nẵng, các bạn có tiếp tục khiếu nại, tố giác không? Khi HDV Trung Cộng vẫn tiếp tục hành nghề, vẫn tiếp tục "tuyên truyền sai lạc"?

Đà Nẵng là nơi có rất nhiều người, đứng ra làm bình phong mua đất cho tụi Tàu, dọc bờ biển, bao bọc phi trường, để tụi Tàu làm khách sạn cao tầng, kiểu như một lô cốt sẵn sàng cho quân Tàu xâm lược. Phố Tàu mọc như nấm độc sau mưa tại Đà Nẵng, chuyện khó ai tin: Côngty VietMay Home, thuê đất của nhà cầm quyền Đà Nẵng, công ty này cho tụi Tàu thuê lại!? Sau đó Tàu xây tường bao bọc kín mít, trong bức tường tụi Tàu xây cả chục ngôi nhà cổ kiểu Tàu, loại nhà kiên cố, những người đứng ra xây dựng có hộ chiếu mang hình lưỡi bò.

Hẳn bọn tiếp tay với giặc, không phải là dân thường, phải là loại "siêu việt... gian" mang thẻ đảng. Công An VN từng tự xưng giỏi nhất thế giới, lẽ nào không biết bọn Tàu chui vào VN, ở lậu, xây nhà lậu, nhà kiên cố, "hoành tráng," không phải cái chòi tranh, mà qua mặt. Tai mắt CS vẫn nghe, vẫn thường thấy nhưng vì tiền, vì ghế, CS mặc kệ, nước có mất mà họ và gia đình vẫn "được." 

Kiều bào Campuchia.

Trước đây kiều bào mình ở Campuchia rất sợ đảng đối lập, vì họ nghe tin đảng này kỳ thị người Việt, nay đảng đối lập bị giải tán, những tưởng kiều bào sẽ được sống an thân, nào ngờ Hun Sen vẫn khắc nghiệt với kiều bào. Những người trên 60 tuổi, song thân họ được sinh ra trên đất Campuchia, thế mà họ vẫn bị xem là "cư trú bất hợp pháp", tương lai thật bất ổn, đầy đe dọa. 

Chúng ta không so bì với Campuchia, người Hoa đã đến nước mình từ bao đời rồi, quê tôi miền sơn cước, vùng quê hẻo lánh và nghèo khó, thế nhưng lớn lên một chút, đã thấy người Hoa cùng sinh sống, họ rất hiền hòa, sẵn sàng chung vui, xẻ buồn cùng mọi người. Nhưng đặc biệt bọn Tàu ngày nay là đoàn quân xâm lược trá hình, kết cấu với bọn Cộng Sản Việt Gian, đứng đầu bởi những tên tay sai: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc...

BOT Cai Lậy, biết rằng đây là sự xâu xé miếng ăn trong đảng, từ sư xâu xé này, chúng ta thấy cánh tài xế, có sáng kiến chiến thuật dùng tiền lẻ, để chống trả, ngoài ra các anh còn biết tìm đến tận nhà những người tài xế đồng nghiệp, nhưng không đồng tâm, đã đứng về phía kẻ cướp, đến nhà để dằn mặt, để hứa hẹn sẽ giúp đỡ, nếu quả thật, những tài xế tay sai đó thật sự cần tiền, một nghĩa cử đáng xiển dương.

Phương pháp của tập thể tài xế thật hay, nhờ phương pháp này họ đã tạm thời chiến thắng, chúng ta cần tìm một phương pháp để bài trừ bọn Tàu, đội quân xâm lược trá hình, đang nghênh ngang trên đất nước mình.

Một người chưa nghĩ được, mười người chưa tìm kế nào khả thi, lẽ nào một ngàn người đành thua chúng nó sao?

Biết nghĩ tới quyền lợi của cá nhân, lẽ nào lãnh đạm quyền lợi đất nước? Mai kia bọn Tàu đặt nền móng cai trị, sá gì một cái BOT Cai Lậy, hàng triệu cái BOT người dân vẫn nai lưng chịu đựng, khi đó 90 triệu dân trở thành nô lệ, sống trong tăm tối, nhục nhã. Không chỉ HDV Đà Nẵng mất miếng ăn, mà cả nước đều mất, không riêng mất miếng ăn, "mất nước, tất cả mất" (lời TT Nguyễn Văn Thiệu).

Chỉ cần nhìn vào sự kiện, nếu VN còn 2 miền Nam Bắc, miền Nam theo phe Tự Do, miền Bắc theo Cộng Sản, chắc chắn Trung Cộng không đời nào dám đụng tới miền Nam, không phải vì miền Nam mạnh, trước hết không lý do nào xâm lược miền Nam, hơn nữa thuộc khối tự do, mà miền Bắc cũng giữ được vẹn toàn lãnh thổ, nhưng miền Bắc thắng miền Nam, cả nước thành chư hầu của Tàu! Diễn tiến không mấy phức tạp, gần như quy luật bắt buộc, vì vậy TT Ngô Đình Diệm, từng cảnh báo:

"Nếu Việt Minh thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta sẽ biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là một tỉnh phía nam của Trung Cộng."

Giờ đây chúng ta xem lại lời này, để xác định Hồ Chí Minh và đảng CSVN là tập đoàn tay sai của Tàu, để cùng nhau đồng tâm hiệp lực, tìm phương cách, dù nhỏ nhất, dù mang lại kết quả nhỏ nhất, cũng phải cố gắng làm, cố mọi cách bài trừ người Tàu xâm nhập, xâm lược nước mình.

Tranh đấu đòi hỏi quyền lợi cho bản thân là chính đáng, tranh đấu vì quyền lợi tổ quốc và tương lai dân tộc, chính đáng và cao cả hơn. 

7/12/2017

Nguyễn Mạnh Tường & Võ An Đôn

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Để hành xử một nghề tự do, chuyện xin phép một thẩm quyền nào đó là một điều đáng nực cười vì nó đã đánh mất quyền tự do của người này. - Nguyễn Mạnh Tường.

Thấy nhiều người ghi danh dưới bản Tuyên Bố Phản Đối Việc Xoá Tên L.S Võ An Đôn nên tôi cũng làm theo (cho nó thêm phần rôm rả) dù không tin rằng đây là điều cần thiết. Tôi cũng không nghĩ rằng chuyện bỏ phiếu để loại bỏ đồng nghiệp (theo chỉ đạo) của mấy ông thuộc Ban Chủ Nhiệm Luật Sư Đoàn Phú Yên là “quyết định tai hại… có thể hủy hoại cả sự nghiệp và đời sống của một con người” – theo như quan niệm của blogger Phạm Lê Vương Các.

Chế độ hiện hành ở VN không đủ quyền uy hay quyền năng để “có thể huỷ hoại sự nghiệp và đời sống” của bất cứ ai, nếu nạn nhân nhất định không khuất phục. Tôi biết khá nhiều nhân vật như vậy. Xin đan cử một trường hợp.

Hơn sáu mươi năm trước, vào hôm 30 tháng 10 năm 1956, L.S. Nguyễn Mạnh Tường đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa (Qua Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất – Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo) trong một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc. Cái giá mà ông phải trả cho việc (“xây dựng lãnh đạo”) này, tất nhiên, không rẻ. 

“Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói.

Cả mấy tháng qua, buộc phải mua thực phẩm và những thứ nhu yếu trên chợ đen vì tôi không còn được phát tem phiếu kể từ khi tôi bị loại, mặc dù với tất cả dành dụm có được, số tiền dự trữ ngày càng thu hẹp. Ngay từ lúc đầu, với viễn tượng những ngày khó khăn trước mắt, với dự trữ ít oi, chúng tôi bắt đầu một giai đoạn hạn chế, tiết kiệm. 

Trước tiên, loại bỏ ngay buổi ăn sáng, một thói quen xa hoa của những người tư sản. Tiếp đến, cá thịt từ từ biến mất trong những buổi ăn trưa và tối. Khẩu phần cơm và rau mỗi ngày một ít đi. Và đến lúc mỗi ngày chúng tôi chỉ có một bát cháo để ăn. Vợ và con gái tôi ốm đi trông thấy. Bao nhiêu sáng láng đã biến mất trên khuôn mặt dài ra vì ốm đói. Họ tự hỏi tại làm sao mà các bà tự nhịn ăn để có một thân hình thon thả?

Nghĩ đến chuyện vay mượn bạn bè là điều vô ích vì chính bản thân họ cũng đang cùng số phận, đang trong cảnh chỉ đủ cầm hơi khỏi bị chết đói. Vợ tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống? 

...

Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng...” (Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié – Hanoi, 1954 -1991: Procès d’un intellectuel. Trans Nguyễn Quốc Vĩ – Kẻ Bị Mất Phép Thông Công Hà Nội, 1954-1991: Bản Án Cho Một Trí Thức).

Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909. Khi “bật khóc” vì phải rời bỏ con thú thân yêu là thời điểm mà ông sắp bước vào tuổi ngũ tuần, và “thân thể đã tiều tụy lắm rồi.” Tuy thế, ông không bị knockout như dự đoán (và mong chờ) của nhà đương cuộc Hà Nội. 


Ngày 22 tháng 11 năm 2017 vừa qua, trang Bauxite Việt Nam có đăng lại bài phỏng vấn (“Ba Giờ Với Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường”) do Khánh Hoà thực hiện. Xin đọc chơi, đôi đoạn:

"Lâu nay, tôi cứ đinh ninh là Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã mất. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, tên tuổi của ông bặt đi. Có tin đồn là ông đã chết đâu đó ở một góc khuất tối tăm nào ở Hà nội.

Thế rồi, bỗng dưng tôi lại nghe là ông vẫn còn sống, hơn nữa, đang có mặt tại Paris: ông được phép sang Pháp ba tháng để thăm viếng một số bạn bè cũ của ông.

Được sự giới thiệu của một người quen, tôi và một anh bạn đã được Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tiếp trọn cả buổi chiều ngày thứ hai 27.11.1989.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường năm nay đúng 80 tuổi. Dáng người tầm thước, lưng hơi gù, da dẻ nhăn nheo, nhưng sức khỏe khá tốt, đi đứng vững vàng, đặc biệt trí tuệ còn rất minh mẫn. Suốt hơn ba tiếng đồng hồ chuyện trò, chúng tôi không hề bắt gặp ở ông một dấu hiệu nào của sự đãng trí vốn thường xuất hiện ở người cao niên. Ông nói năng lưu loát, đôi khi hùng hồn. Ông nhớ chính xác chi tiết những sự kiện cũ hoặc mới. Cách lý luận rành mạch.

Điều chúng tôi thích nhất ở ông là sự thành thật. Ở vào hoàn cảnh của ông, thành thật cũng có nghĩa là can đảm. Hơn ba chục năm bị đày đọa, luôn luôn sống trong tâm trạng phập phồng chờ đón những thảm kịch thảm khốc nhất, ông không khiếp sợ đến nỗi phải tự biến mình thành một con vẹt chỉ biết lải nhải lặp lại những câu nói đã thành khẩu hiệu của chế độ hoặc co rút lại trong câm lặng ...

Chúng tôi xin phép ghi âm buổi nói chuyện với một sự thiếu tự tin rõ rệt. Chúng tôi nghĩ là ông sẽ từ chối. Nhưng, không. Ông đã vui vẻ chấp nhận. Để bảo đảm sự trung thực, những chi tiết dưới đây, chúng tôi đều dựa vào bản ghi âm này...

Lâu nay, Luật sư có viết lách gì không?

- Có. Mấy chục năm qua, tôi hoàn thành được bốn công trình nghiên cứu. Một là “Lý luận giáo dục” (ở châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18); hai là “Eschylle và bi kịch cổ đại Hy Lạp”; ba là “Virgile và anh hùng ca latin”; bốn là dịch vở kịch của Eschylle."

Trong tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc (Tiếng Quê Hương: Virginia, 2012) nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho biết thêm: 

“Chuyến đi Pháp dường như là động cơ thúc đẩy ông viết, bởi khi về nước, chỉ trong vòng bốn năm (từ 1990 đến 1994), ông đã hoàn tất một lượng sách đáng kể bằng Pháp Ngữ: 

- Larmes et sourires d'une vieillesse - Nụ cười và nước mắt tuổi già, tự truyện, ba cuốn, chưa in. 

- Triptyque - tạm dịch: Bức họa ba tấm, chưa in. 

- Un excommunié - Kẻ bị khai trừ, Quê Mẹ, Paris, 1992.

- Malgré lui, malgré elle - Mặc hắn, mặc nàng (l'amour conjugal sous le régime communiste - tình yêu vợ chồng dưới chế độ cộng sản). Chưa in. 

- Partir, est ce mourir?- Đi là chết? (Tragédie de l'émigration - Bi kịch di dân). Chưa in. 

- Une voix dans la nuit - Roman sur le Việt Nam 1950-1990 - Tiếng vọng trong đêm - Tiểu thuyết về Việt Nam từ 1950 đến 1990. Chưa in. 

- Palinodies - Phủ nhận. Chưa in.

Trừ bản dịch Orestia, thì đúng Nguyễn Mạnh Tường đã viết 18 cuốn sách, kể cả các luận án tiến sĩ.”


Chế độ Cộng Sản Việt Nam, rõ ràng, không đủ quyền lực hay quyền năng để “có thể hủy hoại cả sự nghiệp và đời sống” của Nguyễn Mạnh Tường. Chúng ta, do thế, chả phải bận tâm gì cho tương lai của Võ An Đôn. Thời gian, thời thế, và cả thời đại đều đang đứng về phía vị luật sư trẻ tuổi này. 

Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam không có cửa cho Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Võ An Đôn, Huỳnh Văn Đông, Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân... không phải vì khung cửa hẹp mà vì cái tâm (cũng như cái tầm) của họ quá rộng và quá cao so với rất nhiều “đồng nghiệp” thuộc tổ chức này.

6/12/2017