Wednesday, May 13, 2015

Trung Quốc tức giận về 'kế hoạch' của quân đội Mỹ ở Biển Đông

Tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu của Hải quân Hoa Kỳ tham gia vào cuộc diễn tập quân sự chung với Philippines, neo tại bến tàu Alava, tỉnh Zambales, Philippines, 13/10/2014.
Tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu của Hải quân Hoa Kỳ tham gia vào cuộc diễn tập quân sự chung với Philippines, neo tại bến tàu Alava, tỉnh Zambales, Philippines, 13/10/2014.
Theo VOA-14.05.2015

Trung Quốc hôm thứ Tư bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tin cho rằng Mỹ đang cân nhắc việc gửi tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Mỹ cần phải làm rõ lập trường của mình về vấn đề này và các nước nên tránh "những phương thức nguy hiểm và khiêu khích, để duy trì hòa bình và ổn định khu vực."

Báo The Wall Street Journal đưa tin đầu tiên về động thái của Washington, dẫn lời một quan chức giấu tên nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã yêu cầu góp ý về việc làm thế nào để đáp lại những hành động của Trung Quốc, cho gia cố những đảo mà họ chiếm trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Bài báo cho biết kế hoạch được xem xét bao gồm gửi tàu và máy bay đến khu vực trong phạm vi 12 hải lý những địa điểm đang được xây cất.

Dù quân đội Mỹ đã hoạt động ở Biển Đông, vượt qua giới hạn lãnh thổ 12 hải lý xung quanh những đảo này có thể gia tăng căng thẳng nếu Trung Quốc quyết định phản ứng.

Trung Quốc biện hộ cho những hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông, nói rằng những đảo này là lãnh thổ của họ và các tòa nhà và cơ sở hạ tầng trên đó là để phục vụ công ích và hỗ trợ ngư dân, bên cạnh việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc cáo buộc Philippines, Việt Nam và những nước khác thực hiện hoạt động xây cất của riêng mình trên những hòn đảo khác.

Nguồn: AP

Thảm họa từ nền giáo dục chết người


 
Học trò ở một trường tiểu học ở Sài Gòn. (Hình: Getty Images)

Cao Huy Huân
Theo VOA-05-132015 5:23:45 PM

Trời Sài Gòn những ngày vào hè nóng bức và khói bụi đến khó thở, ngay cả khi vào sáng tinh mơ. Tôi mắt nhắm mắt mở chạy vội đến công ty lúc 6 giờ sáng vì lo kẹt xe sẽ không kịp dự cuộc họp quan trọng lúc 7 giờ. Ði làm nhiều năm, nhưng cảnh từng đoàn xe đâm ngược đâm xuôi, leo lên cả lề mà vẫn không đủ đất khiến tôi nhiều khi phát cáu với... ông Trời.

Những ngày công tác ở Châu Âu về, nhiều người Sài Gòn càng dễ làm tôi bực mình vì những thứ lễ nghi vốn đã được dạy từ mẫu giáo - không vượt đèn đỏ, qua đường nhường nhịn nhau, không lái xe ẩu tả, hay đơn giản nhất là đừng hở chút là bóp còi inh ỏi khiến người đi gần đau óc mệt tai - nhưng chẳng ai nghe, dù “giải phóng 40 năm rồi chứ đâu phải ít.”

Bạn bè tôi hay kể chuyện vui, khi sang Châu Âu mà thấy ai bóp còi inh ỏi dù đường vắng teo, thì hãy quay lại chào người đó bằng... tiếng Việt (vì 99% họ là người Việt). Một đứa khác cắt lời, “Tao đi Lào, Campuchia cũng thấy người ta bóp còi inh ỏi, dù dân họ nổi tiếng hiền lành và đường phố cũng không đông như Việt Nam. Ai dè, thằng lái xe là... du học sinh từ Việt Nam về. Bó tay.” Cả bọn cười thấm thía, xót xa, và rồi mau chóng chuyển sang đề tài khác vì càng nói lại càng đau.

Con đường tôi đến công ty ngang qua nhiều trường học, và rồi khi đầu óc mơ màng vì những giấc ngủ chưa tròn vì lo chuyện áo cơm, bất giác tôi thấy một cậu bé tầm lớp 8 hay 9 gì đó, vai khăn quàng đỏ, ôm người đàn ông (chắc là cha) ngủ ngon lành. Sáu giờ sáng tại Sài Gòn, với sự ồn ào đủ để người ta phải hét lên vì mất ngủ nếu gần các khu dân cư, đường lớn. Nhưng cu cậu vẫn ngủ vắt vẻo trên lưng người cầm lái. Kỷ niệm xưa, vào hơn chục năm trước, cứ như ngày hôm qua ùa về một cách vô thức.

Ở cái tuổi của cậu bé, chúng tôi còn “nướng” đến 6 giờ 45, rồi chỉ kịp gặm bánh mì và vào lớp. Ngày chỉ học một buổi, buổi còn lại đá bóng, thả diều, bắt cá, đi bơi, làm đồ chơi, bắn culi, bắt dế... Ôi thôi nhiều vô số kể. Ở cái tuổi của cậu, chúng tôi được thầy cô dạy hết những gì cần học trên lớp, để rồi về nhà tự học thêm một ít, làm một ít bài tập rồi... chơi là chính. Chúng tôi biết phụ ba mẹ làm rẫy, nấu cơm, dọn nhà và xem đó là một niềm vui. Những đêm sáng trăng cả bọn trong xóm tranh thủ làm bài tập sớm rồi rủ nhau đốt lửa nướng bắp, nướng khoai, rồi ngồi kể chuyện ma cười rôm rả cả xóm cả làng, để rồi ba mẹ xách đèn pin đi tìm và tiện tay phết vào mông vài roi vì tội đi chơi khuya không chịu về nhà.

Ðể rồi tuổi thơ qua đi theo những trang sách với những nét chữ mà thầy cô, ba mẹ uốn nắn từng chút một. Ðể rồi chúng tôi biết thương yêu bạn bè, hàng xóm, và tất nhiên là cả gia đình. Chúng tôi biết tự mình làm đồ chơi và trân trọng chúng; biết đọc những câu thơ dân gian mà khối đứa Sài Gòn phải trầm trồ; biết nấu cơm, dọn nhà nơi Sài Thành hoa lệ, rực rỡ nhưng cuộc sống khắc nghiệt với những đứa sinh viên nghèo. Có đứa đạp xe hơn chục cây số để dạy thêm, bồi bàn, hát phòng trà, hay bán sách... để nung nấu biết bao ước mơ phía trước.

Ấy vậy mà trẻ Sài Gòn sao khác lạ. Có đứa học lớp sáu vẫn còn chờ mẹ lấy cho cây tăm xỉa răng, chờ cha đón đưa đưa đón mà vẫn cứ lười trốn học. Chúng hào hứng với những món đồ chơi đắt tiền, để rồi quăng đi không thương tiếc dù ba mẹ mất cả ngày công. Nhưng tôi hiểu, cũng như cậu bé vừa đi vừa ngủ kia, những đứa trẻ Sài Gòn và những chốn thị thành sớm trở thành nạn nhân của một nền giáo dục quá nặng chữ nghĩa, máy móc và mất ổn định.

Trẻ con ngày nay phải học từ sáng đến tận khuya, và học tất cả các ngày trong tuần. Nào là thầy Toán, thầy Lý, cô Sinh, cô Văn hay cả những môn mà bọn tôi gọi là năng khiếu, sở thích cũng bị ép học thêm. Không học sao được khi hệ thống giáo dục vốn đã quá nhiều câu chữ ngôn từ, lấy điểm số làm thang đo con người và rồi khối lượng của chiếc cặp vẫn tiếp tục gia tăng, đè nặng lên đôi vai của trẻ nhỏ. Chúng không có thời gian được ba mẹ dẫn đi xem phim, đi thả diều ngoài công viên, đi câu cá, hay thậm chí là những trò mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần biết. Chúng không có thời gian và cũng chẳng được thực hành việc “giúp cha lau nhà, giúp mẹ rửa chén, giúp em học hành” như những bài học mà chúng được thầy cô vội vàng truyền đạt nửa úp nửa mở trên lớp để còn kịp về nhà... dạy thêm. Và đến “cái quyền” cơ bản nhất là được “ăn ngủ” - thư giãn, giải trí... - chúng cũng bị cái xã hội “giàu thành tích” này cướp mất.

Tôi hỏi đứa học trò vừa vào lớp 8 của mình: “Em học để làm gì?” Ngày xưa khi cô tôi hỏi, tôi bảo “con muốn làm bác sĩ.” Ừ thì tôi không làm bác sĩ, nhưng ít nhất khi ấy, tôi ý thức chuyện tôi thích gì và làm gì. Còn đứa học trò của tôi ngọng nghịu nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh bảo: “Em cũng không biết.” “Thế sao em học? Học xong em làm gì?” - Tôi ngạc nhiên. “Học xong lớp chín ba mẹ cho em đi Châu Âu và mua cho em một cái Ipad mới” - cu cậu phấn khởi. Cu cậu ngày chỉ ngủ 4 tiếng, chủ yếu là học, còn lại lén ba mẹ chơi game. Ðến nỗi một tờ giấy nháp gấp chiếc máy bay mà cu cậu loay hoay hoài vẫn không ra hình ra dáng, nói chi là đến ước mơ. Giáo dục Việt không dạy cho trẻ ước mơ, thậm chí còn chê cười vào những ước mơ ngây ngô có phần cảm tính của trẻ. Giáo dục nhà mình bơm vào trẻ một nỗi sợ “rớt hạng,” rớt danh sách học sinh giỏi, ở lại lớp... Như khi tôi khuyên học trò mình nên bớt học thêm, em lắc đầu nguầy nguậy: “Không học thêm, thầy ra đề không làm bài được.” Rồi cu cậu cho tôi xem thành tích thuộc lòng hàng loạt bài toán, câu thơ đi học thêm mà đa phần chúng được thầy cô bộ môn “copy” y nguyên vào bộ đề kiểm tra trên lớp. Người mẹ của cậu nhóc cũng bức xúc biết là con cái mệt, nhưng nó không học thêm thì ba mẹ nó mệt hơn vì thầy cô cứ réo nó thi rớt, ba mẹ cũng chẳng an tâm mà làm ăn được. Thôi cứ cho đến nhà tuần vài buổi, khỏi phải lo. Mấy ông nhà nước cứ cấm dạy thêm, nhưng dạy thì vẫn dạy, không bằng cách này thì cách khác, không nơi này thì nơi khác, chả thấy ai sợ gì.

Mấy đời bộ trưởng giáo dục hô hào cải cách, ngay như sách giáo khoa, cũng chẳng ra gì ngoài chuyện moi ví người dân. Bộ sách lũ trẻ học đến giờ vẫn đầy tính máy móc, lý thuyết, thiếu tính ứng dụng đến... bất ngờ. Các chuyên gia nước ngoài hễ cứ nhắc đến các em Olympic thì nhớ đến Việt Nam, nhưng rồi lắc đầu tặc lưỡi vì các em có tài năng cũng dần mai một và chết yểu trong một nền giáo dục không thể phát huy một cách triệt để năng lực. Nhiều phụ huynh kháo tai nhau “cho con tỵ nạn giáo dục,” cứ bay qua trời Âu, trời Mỹ mà học cho thành tài. Chả là vì thế mà không ít lần, báo chí Việt “nhận bà con” với giáo sư này, tiến sĩ nọ tài giỏi tầm quốc tế có... gốc Việt Nam.

Cầm tờ báo trên tay, nụ cười các em thi Olympic, hay Olympia và các cuộc thi tài năng tươi roi rói. Rồi đến khi vài ba năm sau, họ chẳng còn ở Việt Nam. Họ yêu cái dãy đất hình chữ S, yêu cả lũy tre, ao làng hay cây đa đầu ngõ. Nhưng họ nhận ra rằng họ chỉ có thể làm được điều họ mơ ước khi ở trời Tây. Bao cánh chim đầu đàn cứ bay đi rồi chẳng thiết quay về, khi nền giáo dục vẫn như rào cản cho nguồn năng lượng và những ý tưởng phơi phới của họ. Ðể rồi chất xám chảy về chỗ trũng, nơi tài năng và công sức của họ được đáp đền một cách xứng đáng chứ không chỉ là những con điểm tròn trĩnh không hồn, hay những chiêu trò ganh tỵ, mưu mô của những kẻ vốn bị thành tích làm lu mờ lý trí.

Như câu chuyện của cậu bé ngủ gật trên xe kia, cuộc đời em không chừng rồi cũng sẽ vật vờ như chính em bây giờ vậy. Mở mắt ra, em sẽ thấy bài kiểm tra mà em đã thức cả đêm để cố học thuộc lòng. Sẽ phải chạy cho kịp “ca học” sáng trưa chiều tối. Sẽ phải làm nhiều thứ để thầy cô, ba mẹ hài lòng hơn là cho chính em cảm thấy được niềm vui. Người ta bảo, đó là “chết” vì một nền giáo dục quá lạc hậu; còn tôi lại cho rằng em đang bị nền giáo dục này đẩy vào tình thế sống cuộc đời của những người mà bản thân em chẳng ý thức được em sẽ là ai. “Sống” vậy hay “chết” vậy cũng một nghĩa mà thôi.

Vì sao Kim Jong un xử tử Bộ trưởng Quốc phòng?

SEOUL, Nam Hàn (TH) – Tình báo Nam Hàn hôm Thứ Tư cho biết Bộ Trưởng Quân Lực Nhân Dân Bắc Hàn đã bị công khai xử tử cuối tháng trước bằng một hình thức tàn bạo là bắn bằng một loạt đạn 14.5 ly súng thượng liên phòng không .



Một người dân Nam Hàn hôm Thứ Tư đứng xem màn ảnh TV tại một trạm xe điện ngầm ở Seoul, loan tin bộ trưởng quốc phòng Bắc Hàn đã bị xử tử. Tuy nhiên truyền hình không có phóng sự video, chỉ có thể đưa ra những hình ảnh cũ của Hyon Yong-chol.  (Hình: Ed Jones/AFP/Getty Images)

Phúc trình trong một phiên họp kín của quốc hội, cơ quan tình báo quốc gia Nam Hàn nói rằng tướng Hyon Yong-chol bị hành quyết tại xạ trường thuộc một học viện quân sự trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Thật ra người ta không lạ về những cách xử bắn tàn bạo mà nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã từng nhiều lần cho thi hành, kể cả dùng tới đại liên và súng cối.

Theo lời Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Quốc hội Nam Hàn Kim Gwang-lim thì tướng Hyon bị khử vì nhiều lần tỏ thái độ bất kính và không tuân hành mệnh lệnh Kim Jong-un. Có tin tức nói rằng có lần Hyun ngủ gật trong một buổi họp trước sự hiện diện của Kim Jong-un.

Thời điểm xảy ra vụ hành quyết không được biết rõ nhưng tình báo Nam Hàn nói là ngày 30 tháng 4. Lần cuối cùng truyền thông Bắc Hàn nhắc tới bộ trưởng  Hyun Yong-chol là ngày 29 tháng 4, LOAN tin ông đến tham dự một buổi hòa nhạc tại Cung Văn Hóa ở Bình Nhưỡng mấy hôm trước.

Bắc Hàn là quốc gia cộng sản độc tài bí ẩn nhất thế giới cho nên khó có thể kiểm chứng các tin tức như thế qua những nguồn khác. Nhưng nếu trong tương lai người ta không còn thấy Hyon Yong-chol xuất hiện ở đâu nữa thì đó sẽ là bằng chứng xác nhận việc này.

Dân Biểu Nam Hàn Kim Guang-lim cho biết, theo tin của tình báo Nam Hàn thì Hyon bị giết không qua một phiên tòa xét xử, chỉ hai hay ba ngày sau khi bị bắt. Vị trí của ông ta hiện nay còn bỏ trống chưa thấy có người thay thế.

Mới đầu tháng trước, Hyon dẫn một phái đoàn Bắc Hàn đến Moscow dự một hội nghị an ninh khu vực. Kim Jong-un cũng đã nhận lời mời của Nga đến Moscow dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Liên Xô thắng Đức Quốc Xã, nhưng sau đó điện Kremlin nói Kim từ chối không đi được “vì vấn đề nội bộ”.

Sự thất sủng của Hyon như vậy đã xảy ra rất nhanh không có dấu hiệu gì báo trước. Các phân tích gia Nam Hàn hiện vẫn chưa đồng ý kiến là các vụ xử tử giới chức cao cấp hiện nay theo lệnh của Kim Jong un, hiện vào khoảng 1 người mỗi tuần, là chỉ dấu của thế vững mạnh hay yếu kém của nhà lãnh tụ Bắc Hàn hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia về Bắc Hàn đều đồng ý rằng biện pháp xử tử công khai và qua những hình thức ghê gớm là phương cách tạo sợ hãi, để củng cố quyền lực từng được ông nội và cha của Kim Jong-un là Kim Il-sung và Kim Jong-il sử dụng trước đây.

Tuy nhiên, Kim Jong-un tỏ ra quyết liệt hơn vì những người bị thanh trừng thời cha và ông nội trước kia thường chỉ bị gạt ra ngoài nội bộ ban lãnh đạo mà không bị giết. Nhưng nếu là âm mưu bội phản hay lật đổ lãnh đạo thì sự tiêu diệt những phần tử này không phải là điều lạ.

Tháng 12 năm 2013, Jang Song-thaek người chú dượng của Kim Jong-un và là nhân vật quyền lực thứ nhì trong chế độ đã bị bắt ngay giữa hội nghị đảng, bị tòa quân sự kết tội âm mưu tạo phản rồi bị giết ngay mấy ngày sau cùng nhiều đồng lõa. Bà vợ của ông này, Kim Kyong-hui, là cô của Kim Jong-un, khi ấy không bị buộc tội nhưng gần như là tướng 4 sao không được nhắc tới.

Gần đây người ta không thấy bà Kyong-hui đâu nữa và một viên chức Bắc Hàn lưu vong nói với truyền hình CNN rằng bà đã bị đầu độc sau khi tỏ ra bất bình với việc chồng bị xử tử. Tuy nhiên những nguồn tin khác, dẫn lời các giới chức cấp cao đảng Lao Động Triều Tiên (Cộng Sản) cho biết bà vẫn còn sống và đang được điều trị bệnh tâm thần tại bệnh viện Pongwa ở Bình Nhưỡng.

Hyon Yong-chol sinh năm 1949, 66 tuổi, vào quân đội năm 1966, năm 2010 được phong chức tướng 4 sao cùng 5 người khác trong số có Kim Jong-un. Hyon được coi là người tin cẩn và trung thành với gia đình họ Kim từ thời Kim Jong-il. Năm 2013, Hyon vào Bộ Chính Trị đảng Lao Động với vị trí ủy viên dự khuyết và năm 2014 được cử giữ chứ vụ bộ trưởng quốc phòng.

Một sự kiện được nhiều quan sát viên ghi nhận là Hyon Yong-chol là một trong bảy người khiêng linh cữu ở buổi tang lễ của Kim Jong-il, có nghĩa là thuộc số những giới chức cao cấp nhất ở Bắc Hàn, ngày nay chỉ còn lại một mình Kim Jong-un. Sáu người đã bị hành quyết, thủ tiêu hay loại khỏi chức quyền, không biết ra sao và không được bao giờ nói đến nữa.

Trong hệ thống chính trị Bắc Hàn, khó có thể có một hình thức cạnh tranh quyền lực nào đối với lãnh đạo tối cao Kim Jong-un. Tuy nhiên một số phân tích gia cho rằng không việc gì là không thể xảy ra và họ dự đoán rằng với tình hình quốc nội và quốc tế chuyển biến phức tạp hiện nay, không chắc Kim Jong-un sẽ tồn tại được lâu hơn ba năm nữa,  (HC)

05-13-2015 4:11:35 PM

Trung Quốc: Hàng ngàn công nhân hãng quốc doanh đình công

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) - Hơn 10,000 công nhân một nhà máy quốc doanh tại vùng Nam Trung Quốc hôm Thứ Hai đã đình công để phản đối mức lương thấp cũng như dự định của ban giám đốc là cho hàng ngàn người nghỉ việc sau khi bị lỗ trong ba năm liên tiếp.

 
Trang mạng của công ty China National Erzhong Group Co. (Hình: NV)

Các cuộc đình công lớn tại các công ty quốc doanh Trung Quốc là điều hiếm thấy vì các công nhân thường được trả lương cao hơn và được sự bảo vệ tốt đẹp hơn của luật lao động so với các công nhân làm việc cho công ty tư nhân.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lao động nói rằng điều kiện làm việc nay đã tệ hại hơn vì các công ty quốc doanh bị thua lỗ trầm trọng cũng như hàng hóa tồn đọng.

Các công nhân thuộc công ty China National Erzhong Group Co. ở thành phố Deyang trong vùng Tây Nam Trung Quốc đã xuống đường biểu tình, cầm biểu ngữ phản đối tình trạng tham nhũng và thiếu khả năng của ban giám đốc. Họ đòi hỏi phải bồi thường xứng đáng cho các công nhân bị nghỉ việc và công ty phải giảm chi phí điều hành.

Các công nhân này cũng nói rằng Erzhong dự trù sẽ cho 5,000 người nghỉ việc và nhiều người hiện chỉ được trả mức lương $60 mỗi tháng sau khi trừ thuế và các khoản tiền khác. (V.Giang)
05-13-2015 3:56:01 PM

Đảng Dân Chủ chống Hiệp định TPP của Tổng thống Obama

WASHINGTON (The New York Times) – Tổng Thống Obama đã từng gặp nhiều khó khăn với đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội, nhưng bây giờ lại gặp trở ngại về việc thương lượng mậu dịch tại Á Châu từ đảng Dân Chủ của ông.

 

Hai Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Sherrod Brown, Ohio (trái) và Robert 'Bob' Casey, Pennsylvania thuyết trình với báo chí về hiệp định TPP, tại điện Capitol, trụ sở quốc hội liên bang. (Hình: Andrew Harrer/Bloomberg via Getty Images )

Hôm Thứ Ba, kết quả biểu quyết tại Thượng Viện về việc dành cho Tổng Thống thủ tục đặc quyền thương thuyết (fast track) đưa đến kết quả 52-42, không đủ túc số 60 để thông qua. Toàn thể các Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu thuận và chỉ có một Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ đồng ý – Thượng Nghị Sĩ Tom Carper tiểu bang Delaware.

Nguyên nhân chính chống Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của những người Dân Chủ là vì sự bênh vực giới công đoàn, một khối cử tri trung thành ủng hộ họ trong các cuộc bầu cử. Các công đoàn lo ngại rằng TPP sẽ làm công nhân ở Mỹ mất việc, tiền lương giảm.

Tổng Thống Obama nói rằng những người Dân Chủ đã loan truyền thông tin sai lạc về  hiệp định và quyền mà ông muốn có để thương lượng. Ông phê bình vai trò của bà Elizabeth Warren, Thượng Nghị Sĩ Massachusetts, trong sự chống đối này.

Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Josh Earnest hạ thấp giá trị của cuộc biểu quyết hôm Thứ Ba, gọi đó chỉ là một sự lộn xộn về thủ tục. Theo ông biểu quyết ấy chưa phải là lời nói cuối cùng.

Thượng Nghị Sĩ John Cornyn tiểu bang Texas, nhân vật Cộng Hòa số 2 ở Thượng Viện, cho rằng chuyện phe ta chống phe mình này, cuối cùng ra sao sẽ là do Tổng Thống. Ông nói: “Liệu Tổng Thống Hoa Kỳ có đủ quyền uy với những thành viên thuộc đảng của ông hay không?”.

Theo lời các phụ tá ban lãnh đạo Dân Chủ ở Thượng Viện thì thủ lãnh Harry Reid tiểu bang Nevada và Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer tiểu bang New York, nhân vật Dân Chủ thứ ba ở Thượng Viện, đã đưa ra đề nghị với phía Cộng Hòa gồm hai điểm. Thứ nhất, biểu quyết riêng phần một dự luật nhằm làm nản lòng những đối tác mậu dịch về cái gọi là thủ đoạn làm giá đồng tiền. Thứ hai, gói chung biện pháp fast track mà Tổng Thống muốn có vào một dự luật toàn diện hơn bao gồm trợ giúp cho những công nhân phải di dời, nới rộng thỏa hiệp mậu dịch tới Phi Châu và những biện pháp phải tuân hành khác về mậu dịch.

Tổng Thống có thể dùng quyền phủ quyết với đề nghị thứ nhất. Nhưng những đề nghị thỏa hiệp này có thể là bước tiến tới bởi lẽ ít nhất 8 Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ vẫn ủng hộ hiệp định mậu dịch hôm Thứ Ba đã bỏ phiếu chống.

Mặc dầu quan tâm lớn nhất của chính quyền Obama là với phía Dân Chủ, nhưng cánh cực hữu ở Quốc Hội củng gây khó khăn. Thượng Nghị Sĩ Rand Paul, Cộng Hòa – Kentucky, ứng cử viên Tổng Thống 2016, nói rằng ông sẽ bỏ phiếu không dành cho Tổng Thống quyền fast track. Theo lời các giới chức tòa Bạch Ốc thì nếu không có thẩm quyền ấy, không thể nào thương lượng xong được.

Hiệp định TPP nếu thành, sẽ tác động tới 40% xuất cảng và nhập cảng của Hoa Kỳ. Về mặt chiến lược kinh tế, TPP sẽ là một đối trọng với Trung Quốc. Nhưng những người chống đối cho rằng hiệp định không giúp bao nhiêu cho công nhân Mỹ mà chỉ có lợi cho các đại công ty xuyên quốc gia ở trong cũng như ngoài nước. (HC)

05-13-2015 6:01:09 PM

Mỹ muốn tuần tra các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa

WASHINGTON (NV) .- Bộ Quốc Phòng Mỹ tính gửi máy bay và chiến hạm tuần tra Biển Đông bao gồm cả các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng tại Trường Sa, hành động làm cho Bắc Kinh tức giận.

 
Xe lội nước của TQLC Mỹ từ tàu chiến đang bơi vào bờ trong cuộc tập trận với các đơn vị của Phi Luật Tân ngày 21/4/2015 vừa qua gần với vùng biển mà Philipines đang tranh chấp với Trung Quốc tại Scarborough Shoal. (Hình: TED ALJIBE/AFP/Getty Images)

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter yêu cầu các cơ quan trực thuộc nghiên cứu các giải pháp gồm cả các chuyến bay quan sát cũng như gửi các chiến hạm đến bên trong phạm vi 12 hải lý của các bãi đá ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang xây dựng thành các đảo nhân tạo.

Nơi đây đang là khu vực tranh chấp chủ quyền của nhiều nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.

Nếu hành động này xảy ra, tức là Hoa Kỳ thách đố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa trong khi Trung Quốc vẫn cương quyết bảo vệ lập trường, hệ quả sẽ gia tăng căng thẳng đối với hòa bình và an ninh tại khu vực Biển Đông.

Theo Công ước Quốc tế về Luật Biển, 12 hải lý hay khoảng 22.2 km tính từ đường cơ sở bờ biển là lãnh hải của nước liên quan. Vùng biển này thuộc chủ quyền của một nước dù các tàu nước khác (bất kể là tàu quân sự hay dân sự) được cho phép có thể đi qua. Chủ quyền thuộc nước sở tại gồm cả vùng trời bên trên mặt nước.

Chỉ có Hoa Kỳ đủ sức mạnh thách đố Trung Quốc. Dù quyền lợi quốc gia bị xâm phạm, các nước tranh chấp ở khu vực quá nhỏ, quá yếu so với Trung Quốc nên chỉ lên tiếng phản đối suông. Mạnh nhất chỉ có Philippines đưa Trung Quốc ra kiện ở tòa án quốc tế mà hậu quả chưa biết ra sao, Bắc Kinh đã bắn tiếng sẽ bất chấp phán quyết.

“Chúng tôi đang tính toán xem làm thế nào chứng minh sự tự do di chuyển ở khu vực quan yếu cho thương mại quốc tế”. Một viên chức chính phủ Hoa Kỳ giấu tên phát biểu qua sự tường thuật của hãng thông tấn Reuters hôm Thứ Tư 13/5/2015. Ông cho hay thêm rằng các giải pháp phải được Tòa Bạch Ốc chấp thuận.

Theo sự ước tính của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã bồi đắp các bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa tổng cộng diện tích đến 2,000 mẫu hay 800 hecta. Những không ảnh nhìn thấy từ năm ngoái chỉ khoảng 500 mẫu.

Tháng trước, các không ảnh do Tổ chức thông tin quốc phòng Jane's Defense đưa ra cho thấy một trong những đảo nhân tạo đó đang xây dựng một phi đạo dài tới 3,000 mét, tức đủ dài cho tất cả các loại máy bay quân sự lớn nhất có thể đáp xuống. Trung quốc có thể làm phi trường tại 3 đảo nhân tạo không kể các cảng biển phục vụ hải quân của họ.

Khi thấy có tin như trên, Bắc Kinh lập tức bầy tỏ sự tức giận và cáo buộc cách ứng xử của Hoa Kỳ là “liều lĩnh và khiêu khích” đối với sự duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

“Chúng tôi vô cùng quan tâm đến những phát biểu liên quan đến phía Hoa Kỳ.” Bà Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh. “Tự do qua lại không có nghĩa là các chiến hạm hay phi cơ của nước khác lại ngang nhiên vào vùng biển chủ quyền hay không phận của nước khác”.

Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei chỉ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ một phần trên Biển Đông trong khi Trung Quốc tuyên bố hơn 80% là “ao nhà” của mình. Khi Bắc Kinh hoàn tất các dự án xây dựng cảng biển, phi trường, doanh trại trên các đảo nhân tạo, Hoa Kỳ và nhiều nước đều quan tâm tới việc Trung Quốc có thể tiến đến thiết lập “vùng nhận diện phòng không” trên Biển Đông như họ đã làm tại vùng biển Hoa Đông.

Cho tới nay, Hoa Kỳ chưa có hành động nào cho tàu chiến hay phi cơ quan sát bay bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng và tuyên bố chủ quyền. Lý do là muốn tránh leo thang căng thẳng, theo tờ Wall Street Journal.

Bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh là “nước liên quan” nên “kềm chế, đừng đưa ra các hành động liều lĩnh và khiêu khích.” Cuối tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ bay đi Bắc Kinh để gặp các lãnh tụ Trung Quốc.

Với các diễn tiến đang xảy ra, vấn đề Biển Đông chắc sẽ là đề tài nóng được hai bên thảo luận, dù bề ngoài, tin tức cho hay chuyến đi của ông Kerry nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại hàng năm về chiến lược và kinh tế giữa hai nước dự trù diễn ra ở Washington DC trong Tháng Sáu. Còn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng dự trù đến Mỹ vào Tháng 9.

Giới quan sát thời sự quốc tế thấy rằng hiện đang có sự đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh hơn là sự hợp tác thân hữu mà người ta phỏng đoán được bày tỏ trong các phiên họp. (TN)
05-13-2015 5:08:43 PM

Dân quyết lấp ống xả nước thải vì quá hôi thối

ÐÀ NẴNG (NV) - Chịu đựng hết nỗi sự ô nhiễm và hôi thối từ một ống xả nước của trạm xử lý nước thải Phú Lộc, người dân phường Thanh Khê Tây đã hùn tiền mua vật liệu quyết lấp kín ống xả.

Chiều 12 tháng 5, người dân sống xung quanh cầu Phú Lộc, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, cầu cứu đến báo Lao Ðộng vì nước thải đổ ra kênh Phú Lộc bốc mùi hôi thối khiến người dân sống xung quanh “hết chịu nổi”!


Hết sức chịu nổi, người dân góp tiền mua vật liệu xây dựng “quyết” lấp cống xả thải. (Hình: báo Lao Ðộng)

Có mặt tại hiện trường, phóng viên báo Lao Ðộng nhận thấy hàng chục người dân ai nấy mặt bịt kín khẩu trang y tế và hì hục vận chuyển đất đất đá, trộn vữa hồ quyết lấp kín cống xả thải đổ ra kênh.

Theo người dân, trạm xử lý nước thải Phú Lộc hoạt động cả ngày lẫn đêm, xả nước thải ra kênh, biển nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc, bọt nổi đen ngòm. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, đặc biệt là gây hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Nhiều người phẫn nộ: “Hôi thối dai dẳng 5-6 năm nay rồi, thành phố văn minh mà dân chúng tôi phải sống như thế này đây!”

Người dân cho rằng, hệ thống xử lý nước thải có vấn đề, không khắc phục được mùi hôi. Phải chăng trạm xử lý nước thải này chỉ là bình phong nhằm đánh lừa người dân, xây và hoạt động cho có để ăn tiền thuế của dân?

Ðây không phải lần lần đầu tiên người dân “tự xử” bằng cách lấp cống xả nước thải. Họ đã phản ánh nhiều lần nhưng không được chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm xử lý dứt điểm.

Tin cho hay, sự bực tức của người dân sống bên kênh Phú Lộc đã lên đến cực độ, nếu lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng không có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước thải xả ra kênh, biển thì khó lường được tình huống xấu có thể xảy ra. (Tr.N)

05-13-2015 5:48:25 PM

Chủ tịch xã ‘qua mặt’ người chết ký khống chuyển nhượng đất?

ky khong

Ông Nguyễn Tấn Lý, chủ tịch UBND xã Phú Thượng - Huế


Ông Nguyễn Tấn Lý, chủ tịch UBND xã Phú Thượng (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) thừa nhận, ông chính là người đã chứng thực, ký khống vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho người đã chết, tuy nhiên một mực đỗ lỗi việc làm sai trái này cho cấp dưới mình.

Mặc dù là người ngoài địa phương, không đúng đối tượng đề nghị giao đất và đối tượng đã chết năm 2004, có giấy báo tử của chính quyền địa phương. Thế nhưng, vẫn được UBND Xã đề nghị giao đất xây dựng nhà ở, rồi sau đó giả chữ ký của người đã chết, và chỉ đạo hợp thức hóa hợp đồng chuyển nhượng  QSDĐ để rút ruột tiền ngân sách nhà nước.
Đó là trường hợp của ông Đặng L. (SN 1965, có hộ khẩu thường trú ở đường Trần Nhân Tông, TP. Huế). Vợ ông L. Là bà Trần Thị Hoa (SN 1969, ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế).
Ông L. đã chết năm 2004. Nhưng  năm 2008,  UBND xã Phú Thượng vẫn đề nghị cấp đất, giao đất xây dựng nhà ở cho ông L.
Đến tháng 10.2009, chủ tịch UBND xã Phú Thượng, ông Nguyễn Tấn Lý, đã ký chứng thực khống cho người đã chết.
ky khong
 Bà Trần Thị Hoa nói bà không hay biết việc ký chuyển nhượng đất.
Nội dung chứng thực: “Hôm nay, ngày 19.10.2009, tại UBND xã Phú Thượng, tôi Nguyễn Tấn Lý, chủ tịch UBND xã Phú Thượng, chứng thực: hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bên A: vợ chồng ông Đặng L., Trần Thị Hoa và bên B: bà Trần Thị Hồng Tâm, với giá đất ghi trong hợp đồng là 120 triệu đồng.
(Đồng thời bên giấy nhận tiền của bà Nguyễn Thị Ngọc và bà Hoa, ông Lưu Châu Phúc (nay là phó chủ tịch HĐND xã Phú Thượng) là người viết giấy hẹn và giấy nhận tiền, cũng là người làm nhân chứng nhận tiền với số tiền khác với hợp đồng là 268.800.000 đồng).
Bút tích nội dung hẹn và nội dung nhận tiền giấy nhận tiền cọc là của ông Lưu Châu Phúc ngày 4.2.2008 và ngày 4.3.2008.
Dù người đã chết, nội dung chứng thực vẫn ghi: Các bên đã đọc hợp đồng, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng và đã ký vào hợp đồng này trước sự có mặt của tôi. Tại thời điểm chứng thực, các bên giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật”...
Sự việc này được phát hiện sau khi đoàn thanh tra 262 của tỉnh Thừa Thiên-Huế vào cuộc và đã khẳng định là hộ khẩu giả, trong việc đề nghị giao đất trái pháp luật.
Lợi dụng quyền hạn và chức vụ được giao, ông Nguyễn Tấn Lý, chủ tịch UBND xã Phú Thượng đã ký chứng thực, nhưng không có sự chứng kiến của gia đình ông Đặng L. và bà Hoa.
Bà Trần Thị Hoa, vợ ông Đặng L. cho biết: “Họ hoàn toàn làm mờ ám với nhau, tôi hoàn toàn không biết gì cả, cho đến khi thấy được hợp đồng chuyển nhượng đất mà phóng viên đưa xem tôi giật mình, bởi vì thời điểm đó chồng tôi đã chết, sao mà kí được. Chữ kí trong hợp đồng không phải chữ kí của tôi cũng như chữ kí của chồng tôi, chồng tôi ký đẹp lắm, không phải ngắn ngủn và xấu xí thế đâu”.
Ngày 12.5, ông Nguyễn Tấn Lý thừa nhận, ông chính là người đã chứng thực, ký khống vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho người đã chết, tuy nhiên một mực đỗ lỗi việc làm sai trái này cho cấp dưới mình.
“Cái này tôi biết. Đây là chữ ký của tôi, trường hợp này nếu biết ông ấy đã chết thì tôi đã không ký, lỗi này là lỗi của cán bộ tư pháp, khi họ trình lên thì mình tin tưởng ký thôi”.
Điều đáng nói, không những trường hợp của ông Đặng L. đã chết bị làm giả chữ ký, ở xã này, còn nhiều trường hợp được hợp thức hóa bằng hồ sơ khống, hồ sơ giả chữ ký của người được xã đề nghị giao đất.
 
Nguyễn Phương

Những đường mòn lịch sử, vài bài học thê lương từ Việt Nam

Một ngẫu nhiên khiến cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc vào thời gian gần trùng hợp với Đệ Nhị Thế Chiến, 30 năm trước đó: 30 Tháng Tư năm 1975 và Mùng Tám Tháng Năm năm 1945. Một thảm kịch cho người Việt là 30 năm ấy cũng là thời gian chinh chiến tại Việt Nam.

Một tuần sau khi người Việt tưởng niệm biến cố 75 thì thế giới nhắc đến biến cố kia, là khi Thế Chiến II kết thúc. Với nhiều sử gia hay học giả, Thế Chiến II còn gợi nhớ tới Thế Chiến I, từ 1914 đến 1919, là khi cục diện Âu Châu hoàn toàn thay đổi với sự xuất hiện của liên bang Xô Viết và việc phân chia lãnh thổ của đế quốc Ottoman. Nói đến hai thế chiến và khu vực tiếp cận của Âu Châu với nước Nga và với Trung Đông cũng là đề tài thời sự ngày nay, với vụ Ukraine tại Đông Âu và sự xuất hiện của tổ chức khủng bố hồi giáo ISIL, đang tung hoành trên mảnh đất xưa của đế quốc Ottoman.

Nhưng, nhìn từ bên ngoài, bài này vẫn viết về cuộc chiến Việt Nam... Hơi ngoan cố nhưng cần thiết!

***

Trong Thế Chiến I, Hoa Kỳ nhập cuộc khá trễ và mặt trận miền Tây của Âu Châu, giữa các nước Tây Âu với Đức quốc xã và đế quốc Hung-Áo trong phe Trục không có nhiều thay đổi lớn. Mặt trận miền Đông giữa Liên Xô với hai nước của phe Trục mới có nhiều đổi thay, và để lại nhiều xương máu. Trận địa khi ấy bao trùm lên vùng đất sau này là lãnh thổ Ba Lan và Ukraine. Đấy là thời sự.

Còn về chuyện Việt Nam, từ giác độ có điều chỉnh của Ngũ Giác Đài kể từ năm 1998, thì nước Mỹ can dự vào cuộc chiến Việt Nam từ ngày mùng một Tháng Mười Một năm 1955 và chấm dứt vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trong một khoảng thời gian là 19 năm, năm tháng, bốn tuần và một ngày. Đây là một lối tính máy móc, rất Mỹ, và có thể giải thích lý do thất bại. Chỉ vì người ta không nhìn đến phía bên kia, khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc của Mao Trạch Đông đã can dự vào Việt Nam sớm hơn vậy, chưa kể đến vai trò tích cực của Trung Quốc trong trận Điện Biên Phủ và Hiệp Định Genève năm 1954.

Chuyện thứ hai, Hoa Kỳ chính thức đưa các đơn vị tác chiến vào miền Nam Việt Nam từ ngày 26 Tháng Ba năm 1965 và sau khi đạt thắng lợi cho “danh dự” - trong ngoặc kép - với Hiệp Định Paris kết thúc chiến tranh vào đầu năm 1973 thì Mỹ không còn đơn vị tác chiến nào ở tại chỗ. Nghĩa là vỏn vẹn có tám năm trong ba chục năm chinh chiến triền miên của người Việt.

Giữa khoảng thời gian đằng đẵng ấy, có hai lần địa danh Genève xuất hiện.

Lần đầu là Hiệp Định Genève vào ngay 20 Tháng Bảy năm 1954 chia đôi đất nước qua lằn ranh Bến Hải. Lần thứ nhì là Hiệp Định Genève Trung lập hóa nước Lào ký kết ngày 23 Tháng Bảy năm 1962. Cục diện thắng bại tại Việt Nam thật ra đã ngã ngũ vào thời điểm 1962 đó và nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ một phần cũng vì Chính Quyền Ngô Đình Diệm không đồng ý với giải pháp trung lập hóa nước Lào.

Vì đã có một hậu phương lớn là khối Cộng Sản Xô Viết và Trung Quốc, Bắc Việt Cộng Sản lại có thêm một hậu cứ chuyển quân vào Nam qua lãnh thổ Lào. Sau này họ mới sử dụng lãnh thổ và hải cảng của Cambốt để hoàn tất trận địa chiến khi Mỹ đã tháo chạy bằng cách Việt hóa một cuộc chiến mà họ đã dại dột Mỹ hóa.

Hoa Kỳ đổ quân mà thật ra đánh vào chính nghĩa của miền Nam, lại đánh chỉ cầu hòa với địch và nhường mọi lợi thế cho đối phương. Kể cả lợi thế nói phét là “Đường mòn Hồ Chí Minh,” như một sáng kiến tuyệt vời của họ Hồ.

Cho đến lúc cuối, sau khi đã ký Hiệp Định Paris, Hà Nội vẫn chối rằng mình không gửi quân vào Nam, tất cả chỉ là sự nổi dậy của lực lượng cách mạng yêu nước ở trong Nam, của “Mặt trận Giải phóng Miền Nam,” được thành lập tại Hà Nội từ Tháng Mười Hai năm 1960. Ngày nay, họ mới xác nhận công lao và tô vẽ cho con đường chiến thắng ấy bằng “Xa lộ Trường Sơn.”

***

Thật ra, khi nháo nhào đổ quân vào Việt Nam, giới quân sự hay tình báo Hoa Kỳ đã có thể học hỏi kinh nghiệm của Pháp trong trận Điện Biên Phủ, nơi tiếp cận với Trung Quốc và Lào.

Coi thường bài học của Pháp thì giới học giả Mỹ cũng có thể tìm hiểu địa dư và lịch sử Việt Nam với những “thượng đạo,” con đường trên núi, đã được nhiều thế hệ sử dụng, để bung ra Bắc hay tiến vào Nam. Hai kinh nghiệm chói lọi nhất là trong 10 kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, từ 1417 đến 1427, và trong 10 năm Nội chiến giữa Tây Sơn ở Quy Nhơn với Nguyễn Ánh tại Gia Định, từ 1771 đến 1802. Ngoài ra, còn có không ít trường hợp mà Đại Việt dùng lãnh thổ Lào, Lâm Ấp và Chân Lạp sau này để giải quyết nhu cầu chinh chiến bên trong.

Cho nên, việc vận dụng địa dư hình thể không là một sáng kiến của Hồ Chí Minh hay Hà Nội.

Phải chi mà có người Việt chỉ ra cho các học giả Mỹ cuốn tiểu thuyết của một nhà giáo đã từng tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Triệu Luật (1903-1946). Trong cuốn Bà Chúa Chè (thứ phi Đặng Thị Huệ của Chúa Trịnh Sâm), tác giả vẽ lại cuộc đối thoại về thượng đạo giữa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm và lão tướng là Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc khi Chúa Trịnh muốn từ Bắc Hà đưa quân vào đánh Phú Xuân của Đàng Trong. Như sau:

Chúa cười:

- Ta mở Thượng Đạo theo lối Qui Hợp, Trần Ma Than cho quân đi đánh về phía Tây, theo lối Thiên Nhận Sơn và dùng thượng lưu Linh Giang thì sợ gì sông Gianh cùng lũy Trường Dục?

- Lão thần rõ lắm. Thượng Đạo là nơi đức Lê Thái Tổ khởi nghĩa rồi được thiên hạ. Thượng Đạo đã lâu không dùng đến, bây giờ nếu dùng cũng hơi phiền...

- Khanh định nói rằng Thượng Đạo lấp rồi à? Lấp thì mở ra.

- Thần biết rõ lắm. Mở Thượng Đạo hoặc bạt lũy Trường Dục, hai việc ấy cũng dễ. Chỉ e một điều...

Tới đó, Việp Quận ngập ngừng không muốn nói nốt. Chúa Tĩnh Đô hỏi tiếp:

- Chỉ e gì? Khanh e gì?

Việp Quận lúc đó mới nói dằn từng tiếng, giọng nghiêm mà buồn:

- Mình mở lối vào, thì tức là mở lối cho người ta ra. Thần chỉ e một ngày kia, họ lại do lối ấy mà ra...

Chữ “nghiêm mà buồn” của Nguyễn Triệu Lâu quả là có ý nghĩa tiên tri! Vì quả nhiên là sau này, Tây Sơn từ Đàng Trong cũng bất thần ra Bắc qua ngả đó.

Khi tham gia cuộc chiến, Hoa Kỳ không thể không biết về những ngả xâm nhập này, nhất là từ sau Hiệp Định Genève.

Nhưng oanh tạc một đường mòn giữa rừng già nhiệt đới vốn là điều không dễ, Hoa Kỳ còn tự làm khó khi quyết định không được tấn công quá hai trăm thước ở hai bên đường để khỏi gây thiệt hại dân sự. Và đoạn nào đã bị dập thì có bốn tháng ngưng bắn: khỏi bị không tập lại trong vòng bốn tháng.

Để đối phương có cơ hội tu bổ và tái sử dụng như một xa lộ thênh thang, một kỳ quan thế giới về sự khờ khạo rất khó hiểu của Hoa Kỳ?
Theo Người Việt-05-11- 2015 6:21:27 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Dân ngu hay ngu dân?

Những người tranh đấu đòi thiết lập chế độ dân chủ đồng ý với nhau một điều: Tốt nhất là để dân chúng chọn người cai trị. Suy nghĩ như vậy là đặt niềm tin trên óc phán đoán của người dân; họ có khả năng lựa chọn đúng. Nếu họ chọn sai thì rán mà chịu những hậu quả. Một thứ bảo đảm cho người dân, là nếu họ lỡ dại, chọn sai, thì sau đó hai, ba năm, nhiều nhất là năm, bảy năm, họ có quyền thay đổi.

Nhưng nếu dân chúng cứ sai lầm mãi thì sao? Chế độ dân chủ đặt trên niềm tin rằng, “Lâu lâu anh có thể đánh lừa tất cả mọi người; anh cũng có thể đánh lừa một số người mãi mãi; nhưng anh không thể đánh lừa tất cả mọi người mãi mãi được.” Abraham Lincoln nói như vậy, trong lúc đang tranh cử năm 1856. Những chế độ độc tài xảo quyệt nhất cũng có ngày bị lật mặt nạ.

Không phải ai cũng chia sẻ niềm tin này. Nhiều người không tin vào khả năng suy nghĩ của dân chúng. Niccolo Machiavelli (1469-1527) chẳng hạn. Trong cuốn Il Principe (Phan Huy Chiêm dịch sang tiếng Việt tựa là Quân Vương), ông nhận xét: “Dân rất cả tin và cũng rất mau quên.” Cho nên ông khuyên các vương hầu nên làm cho dân sợ, hơn là chờ được dân yêu. Trước Machiavelli hơn 17 thế kỷ, Hàn Phi Tử (Han Feizi, 韓非子,ca. 280–233 TCN) ở Trung Hoa còn nói toẹt ra rằng dân chúng là con nít. Trong chương 50, Hàn Phi viết: “Cái trí của dân không thể dùng được, nó giống như bụng dạ trẻ con vậy.” (Dân trí chi bất khả dụng, do anh nhi chi tâm dã - chương Hiển Học; 民智 之不可用,猶嬰兒之心也 - 顯學).

Tất nhiên các chế độ độc tài đồng ý với Hàn Phi Tử và Machiavelli. Ðể duy trì ách chuyên chế họ thường nêu ra một lý do là “dân trí còn thấp quá.” Nói cách khác, dân ngu, dân là đám trẻ con chưa đủ lớn khôn, không có khả năng chọn lựa cho chính mình. Chỉ có đảng là thông minh cho nên đảng phải quyết định mọi việc cho chúng nó được nhờ. Họ viết vào Hiến Pháp, điều số 4: “Ðảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Thế đến bao giờ dân trí mới đủ cao để khỏi bị đảng “lãnh đạo?” Họ không nói. Ðến cái mục tiêu tối hậu của họ là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội họ cũng chưa biết nó ra thế nào, thế mà vẫn nhắm mắt chạy tới và bắt cả nước chạy theo hết hơi! Chính họ chưa đủ khôn lớn, làm sao họ biết bao giờ dân mới hết ngu?

Các nhà chính trị không bao giờ tuyên giảng lý thuyết Dân Ngu này cả. Bởi vì không thể nói thẳng cho dân biết họ nghĩ gì khi còn muốn lợi dụng cái ngu của dân. Trái lại, họ nịnh nọt, vuốt ve dân, cho dân ăn đủ thứ bánh vẽ. Các bạo chúa chỉ cần áp dụng lý thuyết Dân Ngu bằng cách khích động bản năng và tình tự của con người. Những bản năng bình thường nhất như sợ đói, sợ đánh đập, sợ tra tấn, khiến dân phải vâng lời bạo chúa. Những tình cảm cao quý nhất, như lòng yêu nước, tình thương người đồng loại, thì được khích động để dân hy sinh cho các lãnh tụ hưởng.

Nhà văn Mikhail Shishkin mới viết một bài, dịch đăng trên The New York Times ngày 8 Tháng Năm năm 2015, cho thấy các bạo chúa Nga lợi dụng cái ngu của dân như thế nào. Ông kể chuyện thân phụ ông tình nguyện đầu quân năm 18 tuổi, tham gia cuộc chiến bảo vệ “Tổ Quốc Nga” chống Ðức Quốc Xã. Người con vẫn hãnh diện đem khoe bức hình chiếc tầu ngầm bố mình đã phục vụ. Mỗi năm đến ngày 9 Tháng Năm, ông cụ lại mặc quân phục, đeo đủ các huy chương, đó là ngày nước Nga kỷ niệm Ðại Chiến Thắng. Người lính đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Nhưng ông cũng bảo vệ một chế độ đã bắt cha mình (ông nội tác giả) cho đi đày mút mùa, chết tối tăm trong một trại “học tập cải tạo gulag.” Cụ đã góp tay vào cuộc chiến thắng, kết quả là bạo chúa có thể kéo dài chế độ nô lệ hóa dân chúng lâu hơn. Cuối đời, cũng như các bạn đồng ngũ khác, cụ chỉ uống rượu tiêu sầu. Vào những năm 1980, khi nước Nga đói, đám cựu chiến binh như ông cụ nhận được những gói quà cứu trợ. Trong đó họ thấy những thực phẩm do dân Ðức gửi tặng. Ðối với ông cụ, đó là một sỉ nhục. Ông uống say khướt, hỏi: “Nhưng chúng ta thắng trận kia mà?” Ông bật khóc, tiếp tục hỏi mà không cần ai nghe: “Này, có phải mình thắng trận không? Hay mình thua trận?”

Năm nay, Mikhail Shishkin nhận định: Ðức Quốc Xã bại trận, dân Ðức đã thắng. Họ chứng tỏ cho ai cũng thấy một dân tộc có thể đứng dậy, sống như những con người, không còn bị chiến tranh làm cho mê muội nữa. Ngược lại, ở nước Nga, trong Ngày Chiến Thắng họ không nhắc tới khát vọng hòa bình và tưởng niệm các nạn nhân. Ông Putin đem biểu diễn các vụ khí mới, khích động dân Nga bằng tình yêu nước, để đe dọa Ukraine. Shishkin kết luận: “Các lãnh tụ Nga đã ăn cắp dầu lửa của dân, ăn cắp những cuộc bầu cử, ăn cắp đất nước, và ăn cắp chiến thắng của dân.” Năm nay, ông mới trả lời cho cha mình: “Bố ơi, chúng ta đã thua trận!”

Tại sao một dân tộc chiến đấu dũng mãnh, chịu bao nhiêu đau khổ, thắng kẻ địch trên chiến trường mà lại thua trận trong thời bình, ngay trên đất nước của mình?

Machiavelli và Hàn Phi Tử sẽ nhún vai trả lời: Chúng tôi đã nói mà. Dân chúng đời nào cũng chỉ là một đám con nít!

Nhưng chúng ta có thể hỏi ngược lại Hàn Phi Tử và Machiavelli một câu: Dân chúng là con nít, nhưng thưa các cụ, năm 1989 dân Ðông Ðức đã phá bức tường Berlin, dân Nga năm 1991 cũng xóa bỏ chế độ Cộng Sản rồi. Trong nháy mắt lịch sử lật sang một trang mới, mỗi biến cố diễn ra chỉ trong một đêm. Tại sao dân chúng có thể làm được như vậy?

Câu trả lời, là thông tin. Dân Ðông Ðức vẫn lén lút coi đài truyền hình Tây Ðức bao nhiêu năm. Chỉ nhìn một cảnh sinh hoạt trên đường phố ở Tây Ðức trên màn ảnh họ cũng biết tất cả những lời tuyên truyền của đảng và nhà nước là láo khoét. Những người Ðông Ðức trốn thoát chế độ Cộng Sản vẫn gửi tin tức về nhà. Mà họ không cần đưa tin tức, chỉ những gói quà họ gửi về cũng đầy những thông tin rồi. Tin tức giúp dân mở mắt ra nhìn sự thật.

Các bạo chúa không hoàn toàn tin ở Thuyết Dân Ngu, nhưng họ biết phải làm cho dân ngu, càng ngu càng dễ trị. Họ biến những người không ngu cũng thành ngu, đã dốt rồi thì cảng thêm dốt nát. Từ Stalin, Mao Trạch Ðông tới Hồ Chí Minh, Pol Pot, đường lối giản dị nhất của họ là bưng bít thông tin. Dân càng ngu các bạo chúa càng kéo dài ách thống trị. Muốn dân tiếp tục ngu thì không cho tự do ngôn luận, cấm báo chí độc lập bên ngoài guồng máy đảng. Chính sách Ngu Dân này được áp dụng tại khắp các nước độc tài. Nhưng không ở đâu triệt để bằng trong chế độ Cộng Sản. Ðảng chiếm độc quyền điều khiển các báo, đài, chiếm độc quyền giáo dục, độc quyền in sách giáo khoa.

Machiavelli và Hàn Phi Tử không hề biết ngày nay có thứ gọi là Internet.

Không hề biết có những người can đảm làm blog, làm Câu Lạc Bộ Báo Chí Tự Do. Ðó là những đợt xung phong tấn công chế độ độc tài, phá tan chính sách ngu dân, bưng bít. Bằng những ý kiến mới mẻ, bằng những tin tức “lề trái,” người dân sẽ càng ngày càng hiểu, biết nhiều hơn. Cho nên mới có những thanh niên như Nguyễn Việt Dũng. Dũng Phi Hổ hay Hoàng Tử Thuốc Lào, người xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ra đời sau khi chiến tranh chấm dứt 9 năm. Nhưng anh nhận được những thông tin ở đâu không biết, đã phán đoán rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa tốt hơn chế độ Cộng Sản. Anh di biểu tình ở Hà Nội, mặc áo chữ T, trên ngực in phù hiệu binh chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Chúng ta có thể tin tưởng rằng dân chúng không ngu; ở bất cứ nước nào cũng vậy, họ không phải là con nít. Chỉ khi thiếu thông tin thì họ khó suy nghĩ đúng. Khi có đủ tin tức thì trí óc tập thể của người dân đủ sức phán đoán, quyết định, chọn lựa cho chính họ - không cần đứa nào “lãnh đạo” cả. Trong bức thư gửi cho Richard Price, năm 1789, Thomas Jefferson viết: “Khi dân chúng được thông tin đầy đủ, có thể tin tưởng họ sẽ biết tự cai trị. Khi có điều gì kỳ cục làm cho họ chú ý, có thể tin là họ sẽ chỉnh đốn được. (Whenever the people are well-informed, they can be trusted with their own government. Whenever things get so far wrong as to attract their notice, they may be relied on to set them to rights).

Ðó là niềm tin của những người đang tranh đấu đòi tự do dân chủ. Dân chủ không bảo đảm một xã hội lý tưởng xa vời. Dân chủ chỉ là những cách xếp đặt cuộc sống chung để bảo đảm người dân có quyền lựa chọn và thay đổi những người cầm quyền. Trong lịch sử, loài người đã thử áp dụng nhiều thể chế khác nhau, không có thể chế nào hoàn hảo cả, nhưng dân chủ là chế độ đỡ tai hại nhất.
Theo Người Việt-05-12-2015 6:40:12 PM
Ngô Nhân Dụng

Thu nhập của người Việt Nam vẫn còn rất thấp

HÀ NỘI (NV) - Lương của người Việt Nam tăng rất ít và vẫn ở mức rất thấp. Ðó là nhận định của bà Nguyễn Thị Lan Hương, viện trưởng Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội.

Nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, thu nhập trung bình/tháng từ công việc chính của người Việt chỉ tăng 0.5%/năm, tương đương 4.3 triệu (khoảng $200 Mỹ kim)/người/tháng.


Dẫu cho làm việc cật lực, công nhân Việt Nam vẫn không thể đủ sống. (Hình: TBKTSG)

Thu nhập trung bình/tháng từ công việc chính của những người ở nông thôn vẫn thấp nhất, chỉ khoảng 2.8 triệu/tháng.

Nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội, xác định, năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Nếu tính theo sức mua tương đương với Mỹ kim ở thời điểm 2005 thì năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam chỉ là 5,440 Mỹ kim. So với các quốc gia ASEAN thì chỉ hơn Miến Ðiện (2,828 Mỹ kim), Campuchia (3,900 Mỹ kim), Lào (5,396 Mỹ kim). Thua xa Singapore (98,072 Mỹ kim), Mã Lai (35,751 Mỹ kim), Thái Lan (14,754 Mỹ kim), Philippines (10,026 Mỹ kim), Indonesia (9,848 Mỹ kim).

Nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội chẳng khác gì so với kết quả một cuộc khảo sát về tiền lương do Tổ chức Lao Ðộng Thế Giới (ILO) thực hiện và công bố năm ngoái.

Theo ILO, tuy hai năm qua, tiền lương tại Việt Nam đã tăng nhiều so với trước nhưng vẫn còn quá thấp khi so với khu vực Ðông Nam Á, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2012, mức lương trung bình của Việt Nam khoảng 3.8 triệu đồng/tháng, tương đương 181 Mỹ kim/tháng, chỉ cao hơn Indonesia (174 Mỹ kim/tháng), Campuchia (121 Mỹ kim/tháng), Lào (119 Mỹ kim/tháng) và chỉ khoảng một nửa nếu so với Thái Lan (357 Mỹ kim/tháng), chưa bằng một phần ba của Malaysia (609 Mỹ kim/tháng), thậm chí chỉ 1/20 của Singapore (3,547 Mỹ kim/tháng).

Ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc chi nhánh Việt Nam của ILO, nhận định, sự chênh lệch về tiền lương giữa các quốc gia ở Ðông Nam Á, phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động.

Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư thích đáng vào hạ tầng, khuyến khích cải cách cơ cấu và cải thiện kỹ năng của nguồn nhân lực là những quốc gia tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn để chuyển dịch sang những hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn nên có mức lương cao hơn so với những quốc gia còn lại.

Hồi trung tuần tháng 11 năm 2014, khi điều trần trước Quốc Hội Việt Nam, bà Phạm Thị Hải Chuyền, bộ trưởng Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội từng thú nhận, mức lương tối thiểu chỉ mới đạt khoảng 60% yêu cầu của mức sống tối thiểu.

Bà Chuyền nói thêm, lẽ ra đến năm 2016, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu nhưng do điều kiện kinh tế nên phải... đi từng bước.

Ông Phạm Minh Huân, một thứ trưởng của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội kiêm chủ tịch Hội Ðồng Tiền Lương Quốc Gia, tiết lộ, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội mong muốn đến năm 2017 mức lương tối thiểu có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu nhưng để được như vậy thì từ nay tới 2017, mỗi năm mức lương tối thiểu phải tăng từ 18% đến 19% nhưng điều đó... quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn đề nghị kéo dài lộ trình tăng mức lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu cho đến năm... 2020.

Ðó cũng là lý do ông Huân cho rằng, phải du di để đến năm 2018, mức lương tối thiểu đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu.

Dẫu mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu nhưng nhiều doanh nghiệp than rằng, tốc độ tăng lương tối thiểu khoảng 15%/năm đang là một gánh nặng lớn cho họ.

Bà Nicola Connolly, chủ tịch Eurocham (Phòng Thương Mại Châu Âu), nhận định, về nguyên tắc, tốc độ tăng lương phải chậm hơn mức tăng năng suất lao động nhưng ở Việt Nam thì làm ngược lại, nên doanh nghiệp cảm thấy họ đang phải gánh vác trách nhiệm của nhà nước và điều đó làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sở dĩ năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vì năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng lao động, kết hợp với các yếu tố khác như máy móc, công nghệ mà một công nhân của quốc gia đó sử dụng, trong khi Việt Nam có một số lượng lớn nhân công làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và trong khu vực kinh tế phi chính thức, nhân công không được tiếp cận với công nghệ mới hoặc hiện đại.

Một số chuyên gia từng khuyến cáo, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu càng ngày càng khốc liệt, năng suất lao động là vấn đề sống còn của một nền kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đã điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế, chọn việc tăng năng suất lao động là ưu tiên hàng đầu, từ đó hoạch định-thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn kiên trì với “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” dồn toàn bộ nguồn lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. (G.Ð)

05-12- 2015 5:50:03 PM

Thủ tục rắc rối, bảo hiểm sức khỏe mất hơn 1 triệu khách

HÀ NỘI (NV) - Năm 2014, Việt Nam có 64 triệu người tham gia mua bảo hiểm sức khỏe, tuy nhiên đến nay con số này đã giảm 1.2 triệu người.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Vũ Xuân Bằng, phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, so với năm 2014, số người mua bảo hiểm sức khỏe đến nay giảm 1.2 triệu, trong đó hộ gia đình chiếm khoảng 15%.


Nhiều người nghèo Việt Nam lại không mua được bào hiểm. (Hình: Dân Trí)

Nguyên nhân là một số tỉnh thành vẫn còn máy móc trong thủ tục ghi danh. Cụ thể, luật quy định bắt buộc mua bảo hiểm sức khỏe (BHSK) theo hộ gia đình từ ngày 1 tháng 1 buộc người dân phải photocopy nhiều loại giấy tờ như: BHSK cũ, giấy tạm trú tạm vắng...

Chưa hết, các địa phương cũng chưa chủ động, thậm chí nhiều nơi không nắm được số người mua theo từng nhóm. Các đại lý BHSK cũng đang lúng túng, có tâm lý chờ đợi, xem người dân ai đến mua thì thu tiền chứ không chủ động đến nhà dân vận động.

Bên cạnh đó, không phải hộ gia đình nào cũng có đủ tiền để mua hết cho tất cả mọi người cùng lúc. Chẳng hạn, người mua BHSK phải trả 620,000 đồng/năm/người, nhưng nay ép buộc nếu trong nhà có 5 người cùng mua một lúc khi ghi danh, thì số tiền phải trả lên hơn 3 triệu đồng. Với người nông dân, người nghèo đây là khoản tiền lớn.

Ðể tăng thêm lượng người mua BHSK, ông Lê Văn Khảm, vụ phó Bảo Hiểm Y Tế, Bộ Y Tế cho biết, thời gian tới, Bộ Y Tế, Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành liên quan đơn giản, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết. (Tr.N)
05-12-2015 4:24:22 PM

Cần Thơ: Lừa dân làm bãi rác, hàng trăm người biểu tình

CẦN THƠ (NV) - Những ngày qua, hàng trăm người dân ở khu vực bãi rác thuộc ấp Thới Trinh, phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã liên tục biểu tình, chặn xe chở rác không cho vào bãi rác khu vực để đổ.

Nguyên nhân khiến cho người dân biểu tình và chặn xe rác là do người dân giận dữ về việc mới đây nhà cầm quyền thành phố Cần Thơ ra thông báo tạm ngưng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 244 hộ dân nằm trong diện tích 27 ha mà chính quyền đã giải tỏa để làm bãi rác, giai đoạn 2 thuộc dự án khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố Cần Thơ tại quận Ô Môn.


Lực lượng công an, an ninh trấn áp người dân nhằm đưa xe rác tiếp tục vào đổ. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Chính quyền lừa dân

Khi chúng tôi có mặt tại đây hôm 11 tháng 5, cổng khu vực bãi rác đã bị đóng kín mít, hàng trăm công an, an ninh được chính quyền huy động để “giữ trật tự.” Tuy nhiên phía bên trong bãi rác, ống khói khu vực bãi rác vẫn nhả khói, chứng tỏ bên trong vẫn hoạt động như bình thường.

Anh Lê Trọng Minh, có nhà nằm bên cạnh khu vực bãi rác cho biết: “Câu chuyện bắt đầu tháng 1 năm 2014. Lúc đó chính quyền thành phố Cần Thơ đã ‘vẽ’ ra dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải và đưa bản vẽ xuống cho người dân chúng tôi xem. Họ hứa hẹn là khu vực này sau này sẽ trở thành một khu công nghiệp trọng điểm của thành phố.”

“Tưởng thiệt, người dân chúng tôi tin tưởng, giao đất để họ làm nhà máy. Sau khi được nhận trợ cấp lần 1 với giá đất chỉ 20 ngàn đồng/mét (khoảng $1) nhưng sự thật không phải vậy? Sau khi đã được giao đất, họ lập tức xây dựng hàng rào cao 8m, người dân ở ngoài không thể nhìn vào trong được. Và họ bắt đầu đổ rác vào đó mà không thèm xử lý gì hết.”

Ông Ðỗ Văn Thừa, ngụ tại khu vực Thới Trinh cho biết, các xe rác chủ yếu đổ vào ban đêm, ban ngày ít đổ hơn.

“Bãi rác đổ dồn rồi chôn rất thủ công, lại không che chắn khiến mùi thối bay nồng nặc. Cứ dọn cơm ra, mùi từ bãi rác xộc thẳng vào nhà là không thể nào ăn uống được, nhất là trẻ con,” ông Thừa bày tỏ sự giận dữ.

Còn ông Lê Dương, trú ở khu vực Thới Phong A, cho biết, ban đầu chính quyền địa phương nói với dân lấy đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy chế biến rác. Tuy nhiên, sau khi bồi hoàn đất xong, nhà máy xử lý rác không thấy đâu, chỉ thấy bãi rác xuất hiện và được chôn lấp thủ công, gây ô nhiễm nặng nề như hiện nay.

Nhà gần bãi rác nhất, nên ông Nguyễn Văn Lực tỏ ra bức xúc khi “bỗng dưng sáng thức dậy thấy cạnh nhà mình có bãi rác rồi nó lớn dần từng ngày.” Ông Lực nhớ lại: “Bãi rác này chính thức xuất hiện từ tháng 5, 2014. Bãi rác đã làm xáo trộn cuộc sống của chúng tôi. Không chỉ mùi hôi nồng nặc rất khó chịu của rác thải mà bầy ruồi nhặng xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc, hành chúng tôi từ sáng đến tối. Chưa phải chỉ vậy thôi đâu, xe chở rác chạy dọc con lộ làm rơi vãi nước đầy đường khiến người dân ở đây không thể nào chịu nổi. Không ít bà con ở đây đã bị bệnh về đường hô hấp.”


Ông Vũ Phương (bí thư quận Ô Môn, mặc áo vàng nâu), đang hứa hẹn với người dân, nhưng lập tức bị người dân phản đối. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Cứ đổ rác, mặc kệ cho sức khỏe của người dân

Ghi nhận tại hiện trường vào sáng ngày 11 tháng 5, mùi hôi thôi từ bãi rác xộc thẳng vào mũi, ruồi nhặng bay đầy toàn khu vực. Do người dân ở khu vực này đều sử dụng nước sông, từ hệ thống kênh rạch để sinh hoạt hàng ngày, do vậy việc bãi rác xả thải, rỉ nước dơ bẩn ra môi trường khiến người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt vì nguồn nước bị ô nhiễm...

Sau nhiều lần người dân phản đối, chính quyền đã dùng biện pháp tạm thời là “đốt rác,” chứ không xây dựng nhà máy như trong “bản vẽ” dự án ban đầu.

Sáng ngày 11 tháng 5, hàng trăm người dân đã tập trung ở quán café nằm bên cạnh khu vực bãi rác để lắng nghe ý kiến của ông Nguyễn Vũ Phương, bí thư quận Ô Môn cho biết: “Người dân không nên quá khích chặn xe rác, vì chính quyền thành phố Cần Thơ đã hứa là tháng 7 này sẽ chi trả bồi thường đầy đủ cho bà con về khu tái định cư mới.”

Nhưng lập tức ý kiến này bị người dân phản đối. Ông Sáu Nhớ, là chủ quán café nằm bên cạnh bãi rác, nơi dùng để họp, phát biểu: “Người dân chúng tôi chỉ cho xe rác tiếp tục đổ, khi nào chính quyền đã bồi thường đầy đủ và cho chúng tôi khu tại định cư mới. Nếu chính quyền nói tháng 7 này bồi thường, thì hãy để tháng 7 rồi mới cho xe rác vào.”

Ðây là lần thứ 4 liên tiếp, kể từ tháng 5 năm ngoái, người dân ở khu vực này kéo ra đường tiếp chặn xe rác vì không chịu nổi được mùi hôi thối. “Chính quyền đã hứa quá nhiều lần, nhưng không lần nào làm đúng lời hứa. Chúng tôi không còn niềm tin ở chính quyền này nữa,” ông Trần Thanh Tân nói.


Ðông đảo người dân vây quanh trước cổng bãi rác để phản đối. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Bà Võ Thị Thu (50 tuổi), ở khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới cho biết, gia đình bà có 8 người đều mắc chứng viêm mũi, đường hô hấp; nặng nhất là đứa cháu ngoại và bà Thu. Cả nhà đã không chịu nổi mùi hôi, thối bốc ra từ bãi rác...

Ông Ðặng Thành Ðịnh, (46 tuổi), cho biết, gia đình ban đêm nằm ngủ đắp 3 cái mền vẫn nghe mùi thối. Con cái học bài vừa phải bịt lỗ mũi, chịu hết nổi.

Không riêng gì nhà bà Thu, ông Ðịnh mà nhiều người dân khác phẫn nộ vì cả năm qua, bãi rác này mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm tấn rác, nhưng không được xử lý.

Trước khi chia tách thành phố Cần Thơ và Hậu Giang vẫn dùng chung một bãi rác ở Tân Long (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) vào năm 2003. Nhưng đến này đã hơn 12 năm thành phố Cần Thơ vẫn đang loay hoay chưa thể xây dựng một nhà máy xử lý rác thải “chuyên nghiệp.”

Ngày 31 tháng 12, 2013, bãi rác Tân Long chính thức đóng cửa vì không còn chỗ đổ nên nhà cầm quyền tỉnh Hậu Giang “cương quyết” không cho rác từ thành phố Cần Thơ đổ xuống.

Bãi rác ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, là nơi phải gánh vác “bất đắc dĩ” hàng trăm tấn rác đổ dồn về nơi đây mỗi ngày, lo cho sự sạch sẽ của thành phố trực thuộc trung ương, nhưng chưa hề có nhà máy xử lý rác.

05-12-2015 7:40:05 PM
Việt Hùng/Người Việt

TPHCM: Nổ lớn trong hố ga, 3 công nhân bị thương

Dân trí Khoảng 9h30 sáng 13/5, tại tuyến đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn gần cầu Hậu Giang, phường 11, quận 6, TPHCM) đã xảy ra vụ nổ trong hố ga khiến 3 công nhân bị bỏng.


Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên, 3 công nhân đang thi công, lắp đặt cầu thang lên xuống ở bên trong hố ga dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Lúc này, một công nhân tên Nguyễn Văn Thanh (60 tuổi, quê Nghệ An) đang trèo xuống hố ga sử dụng mũi khoan điện để khoan vào bên trong thành hố; bất ngờ một tiếng nổ lớn phát ra kèm theo lửa bốc lên.
Hố ga nơi xảy ra vụ nổ
Hố ga nơi xảy ra vụ nổ

Vụ nổ khiến ông Thanh bị cháy đen, bất tỉnh và đã được người dân đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Ngoài ra, một người cháu của ông Thanh cùng anh Nguyễn Văn Dị (29 tuổi, quê Kiên Giang) đang hỗ trợ ông Thanh phía trên cũng bị lửa táp vào gây bỏng.
Nhận được tin báo, công an phường 11, công an quận 6 đã có mặt để khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng.
Đại diện công trình cũng đã có mặt phối hợp với công an địa phương làm rõ nguyên nhân vụ nổ.
Công an có mặt để khám nghiệm hiện trường.
Công an có mặt để khám nghiệm hiện trường.
Thứ Tư, 13/05/2015 - 13:28
Đình Thảo

Bến Tre: Lửa thiêu rụi một cơ sở kinh doanh nệm

Dân trí Lúc 16h ngày 13/5, trên địa bàn ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành (Châu Thành, Bến Tre) đã xảy ra một vụ cháy lớn, thiêu rụi cơ sở Trường Tím do bà Lê Thị Tím, 45 tuổi (quê An Giang) làm chủ, chuyên mua bán chăn, gối nệm, quần áo may sẵn…

Một số người dân chứng kiến vụ việc cho biết vào thời điểm trên có một nhóm thợ hàn đang hàn mái che cho cơ sở này nên có thể lửa hàn là nguyên nhân gây cháy.
Hiện trường vụ cháy
Hiện trường vụ cháy
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bến Tre đã điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Sau hơn một giờ tích cực chữa cháy, ngọn lửa đã được khống chế. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi toàn bộ hàng hóa có trong cơ sở.
Hiện cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường để xác định mức thiệt hại và điều tra nguyên nhân gây cháy.
                                Thứ Tư, 13/05/2015 - 21:26      
  Minh Giang

Vì Sao Trung Quốc Mắc Nợ?

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-05-13  
Con Đường Tơ Lụa với dự án bạc tỷ (minh họa)
Con Đường Tơ Lụa với dự án bạc tỷ (minh họa)- RFA files

Trong khi lãnh đạo Bắc Kinh vận động các nước Á châu mở ra Con Đường Tơ Lụa với dự án bạc tỷ thì kinh tế Trung Quốc lại chìm dưới một núi nợ trị giá khoảng 28 ngàn tỷ đô la, thuộc loại cao nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, và đấy là một nan đề nguy kịch. Vì sao lại như vậy và Trung Quốc có cách nào tránh được một vụ khủng hoảng chăng? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề này qua phần trao đổi sau đây của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều sáng kiến dồn dập của lãnh đạo Trung Quốc từ mấy năm nay, nào là các quỹ cứu trợ tài chính, hai ngân hàng đầu tư và phát triển và cả kế hoạch rộng lớn nhằm khuếch trương mạng lưới gọi là  “Con Đường Tơ Lụa” trên lục địa và ngoài biển, giới chuyên gia quốc tế bỗng lại nói về những khoản nợ vĩ đại của Trung Quốc. Gần đây, tập đoàn tư vấn McKinsey & Company công bố báo cáo về tình hình vay nợ của thế giới và cung cấp một số liệu làm giật mình, theo đó thì tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ của Trung Quốc lên tới 282% của sản lượng toàn quốc trong năm. Với sản lượng kinh tế Trung Quốc vào năm 2014 được ước lượng khoảng 10 ngàn tỷ Mỹ kim thì khoản nợ đó tương đương với 28 ngàn tỷ 200 triệu đô la. Do đó, tiết mục chuyên đề kỳ này của chúng ta đề nghị ông giải thích vì sao Trung Quốc lại mắc nợ như vậy, nội dung các khoản nợ đó là gì và lãnh đạo Bắc Kinh có cách nào giải quyết bài toán lớn lao này hay không?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện nước Tầu mắc nợ và có khi mắc loạn đã khởi sự từ năm 2008, mà lại có lý do sâu xa hơn từ chiến lược kinh tế của lãnh đạo Bắc Kinh và ngày nay gây ra hậu quả mà chưa chắc họ giải quyết được. Tôi xin đi từng bước về bối cảnh chung trước khi ta tìm hiểu thêm về nội dung và hậu quả.

- Thứ nhất, Tháng Chín năm 2008, vì các nguyên do sâu xa, Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính qua biểu hiện là sự sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers và nhiều doanh nghiệp tài chính khác, với hậu quả là ách tắc tín dụng và suy trầm toàn cầu, bị nhồi vào vụ khủng hoảng tương tự của Âu châu. Khi đó, Bắc Kinh sợ hiệu ứng suy trầm nên từ Tháng 11 quyết định tăng chi ngân sách cỡ 587 tỷ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Song song, họ ra lệnh cho các ngân hàng ào ạt cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế. Kết quả là trong giai đoạn khó khăn toàn cầu, sản lượng kinh tế xứ này tăng vọt và qua mặt Nhật Bản vào năm 2010. Khi ấy thế giới đã ngợi ca sự kỳ diệu này mà không thấy ra nguyên do sâu xa.

- Thứ hai, nguyên do đó nằm trong chiến lược kinh tế của Bắc Kinh là lấy đầu tư làm lực đẩy cho sản xuất để tránh thất nghiệp và động loạn xã hội, và sản xuất thừa thì xuất khẩu bằng mọi giá. Khi thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009 thì xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị giảm và sản xuất dư thừa có nghĩa là chất vào tồn kho ế ẩm mà vẫn cứ được bút ghi vào tổng sản lượng.


Một lò sản xuất thép xuất khẩu ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc của Trung Quốc, ngày 11 Tháng 10, 2014

- Thứ ba, trong các nền kinh tế lớn của địa cầu, Trung Quốc có cơ chế kinh tế chính trị lạ kỳ là dưới sự lãnh đạo của đảng thì nhà nước nắm nhiều quyền hạn trong tay, từ đất đai đến các phương tiện tài trợ và sản xuất. Nôm na là ngân hàng của nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước ở trung ương hay các địa phương thực hiện các dự án sử dụng đất đai cũng do nhà nước quản lý. Nhờ vậy mà sản lượng kinh tế có tăng, nhưng các khoản vay nợ lại tăng còn mạnh hơn nữa.

Nguyên Lam: Hậu quả của ba nguyên nhân sâu xa từ chiến lược tăng tưởng, cơ chế quản lý tới chính sách bơm tiền kích thích sản xuất là Trung Quốc lại trở thành một nước mắc nợ rất lớn. Thưa ông Nghĩa, nội dung bên trong các khoản nợ này là những gì, xấu tốt ra sao mà có thể là vấn đề?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện kỳ diệu là chẳng ai biết được nội dung các khoản nợ đó là xấu tốt đến cỡ nào và có bao nhiêu là loại nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Khi tập đoàn McKinsey khảo sát và đưa ra số liệu hãi hùng về khối nợ của Trung Quốc là 282% của tổng sản lượng thì thiên hạ mới chú ý. Thứ nhất là nó đã tăng gấp bốn trong thời khoảng có năm năm. Thứ hai, các khoản nợ của nhà nước, của doanh nghiệp và các công ty tài chính lại liên hệ đến gia cư và địa ốc, tức là đến đất đai. Thứ ba, khoảng 30% tổng số nợ, không kể nợ của các công ty tài chính lại là nợ ngoại ngạch, nợ chui nằm ngoài sổ sách ngân hàng và có nhiều rủi ro, đa số cũng lại liên hệ đến đất đai và các nghiệp vụ đầu cơ về gia cư hay bất động sản. Vì vậy mà núi nợ ấy mới dễ sụp.

Nguyên Lam: Thưa ông, qua cách trình bày vửa rồi, thính giả của chúng ta có thể hiểu là một tỷ lệ rất cao của các khoản nợ đó lại liên hệ tới đất đai nên mới gây rủi ro lớn. Tại sao lại như vậy?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên một thực tế là tính theo bình quân một đầu người thì diện tích khả canh, có thể canh tác được, của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới. Tức là đất nông nghiệp thật ra cũng giới hạn.

- Bây giờ ta châm thêm vào bài toán địa dư ấy vấn đề kinh tế chính khác là quyền phân bố đất đai. Về nguyên tắc, nhà nước Trung Quốc là chủ đất đai ngoài nông nghiệp, còn đất canh nông thuộc quyền quản lý của các đoàn thể nông dân. Thực tế thì các hợp tác xã này chẳng có quyền và mọi loại đất đai chuyên dùng hay nông nghiệp đều do các chính quyền địa phương phân bố. Họ giữ độc quyền cung cấp đất cho quốc dân.

-Từ đạo luật về ngân sách năm 1994, nhờ đất đai, chính quyền địa phương có thể thu về cho ngân sách chừng 40% là thuế và khoảng 6% nhờ các loại lệ phí. Họ có chủ đích xả đất thật chậm, những mảnh nhỏ trước, để tạo ra sự khan hiếm làm giá tăng rồi mới tung ra các khoản đất lớn hơn. Họ bán đất ấy vào mục tiêu gì? Vào mục tiêu có lợi nhất cho địa phương, là thị trường địa ốc.

- Nhìn vào vế bên kia, thì ai là người mua? Mua đất lại là các công ty đầu tư thật ra là bình phong do các chính quyền địa phương lập ra để vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương để phát triển các dự án được tiếng với cấp trên là tạo ra công ăn việc làm. Mọi người đều hài lòng với quy trình làm ăn đó vì nơi nơi mọc ra cao ốc, xa lộ, trung tâm thương mại, hay xưởng cán sắt, và mỗi khi thực hiện hay tu sửa vì chưa xong đã hỏng thì người ta tính vào tổng sản lượng.

Nguyên Lam: Thưa ông, có phải là với kết quả là các cơ sở địa phương đó vay tiền ngân hàng và ngày nay đang mắc nợ hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng vậy mà còn tệ hơn vậy. Vì yêu cầu đầu cơ, các địa phương tạo ra khan hiếm giả khi xả mảnh đất nhỏ trước để làm giá, sau đó dùng tiền bạc của ngân hàng của nhà nước tại địa phương mua các mảnh đất có giá trị hơn. Khi công ty đầu tư của địa phương nắm lấy bằng khoán mảnh đất ấy làm tài sản thế chấp, họ được vay nhiều hơn cho các dự án có quy mô lớn hơn, và người người lao vào thị trường ấy mà thổi lên bong bóng đầu cơ.

- Hậu quả là dân nghèo vẫn không có nhà có đất vì giá quá cao, mà các cơ quan của chính quyền tại địa phương thì thực hiện dự án ảo, sản xuất thừa và hệ thống ngân hàng của nhà nước thì có một khối dư nợ mà xấu tốt ra sao không ai biết được, từ Bộ Tài chính đến Ngân hàng Trung ương và các địa phương. Một thí dụ là McKinsey ước lượng số nợ của nhà nước là 55% Tổng sản lượng, là năm ngàn tỷ 500 triệu đô la. Nếu kể thêm các khoản nợ cũng của cơ quan nhà nước ở cấp địa phương thì phải cao hơn vậy, ít ra là hai ngàn tỷ nữa, mà đa số là nợ thối vì trái bỏng đầu cơ đã bể, tài sản thế chấp là văn tự đất đai bị mất giá. Cho nên ta khó tách rời hai vấn đề đất đai và nợ xấu.

- Bây giờ mình mới nói đến các doanh nghiệp của nhà nước, từ cấp trung ương tới các địa phương. Trung Quốc có khoảng 155 nghìn cơ sở như vậy, từ các tập đoàn nổi danh thế giới đến các cơ sở nhỏ hơn ở mọi nơi. Các cơ sở này được tài trợ theo diện chính sách và vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước để xây dựng nhiều công trình hoành tráng mà ế ẩm. Khi McKinsey tính số nợ của doanh nghiệp vào khoảng sáu ngàn tỷ năm trăm triệu thì đa số là của doanh nghiệp nhà nước chứ tư doanh khó len vào thị trường tín dụng thực tế vẫn do nhà nước và tay chân trong đảng chi phối. Và vì cơ chế kinh tế chính trị bất thường ấy, các cơ sở quốc doanh hay công ty gọi là đầu tư của địa phương mặc sức vay mượn nhau và nếu cơ sở này vỡ nợ là gây hậu quả dây chuyền.

Nguyên Lam: Chắc hẳn rằng Chính quyền Bắc Kinh cũng đã thấy ra vấn đề, thưa ông họ có cách nào giải quyết không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc từng gặp hiện tượng ấy nhiều lần trong quá khứ. Một lần là vào năm 1998 dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng lý Chu Dung Cơ với hậu quả kéo dài vài năm. Lần sau là năm 2003 dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng với hậu quả kéo dài cho tới 2008. Khi các ngân hàng của nhà nước tài trợ ảo theo diện chính sách và bị mất vốn vì mất nợ thì nhà nước lại bơm tiền cấp cứu trước hết là bốn ngân hàng lớn của trung ương, lần đầu mất 45 tỷ đô la, lần sau thì vài trăm tỷ và ai ai cũng cho là mọi sự sẽ êm.

- Lần này thì sự thể lại khác vì quy luật “lượng biến thành phẩm” khi hệ thống tài trợ và đi vay đều là tay chân của nhà nước và chất lên một núi nợ mang kích thước lịch sử. Khi họ cho nhau vay thì đấy là một khoản vay giả tạo để thực hiện dự án ảo, mà mỗi lần trao tay lại là một lần có lợi cho đảng viên và thân tộc. Để giải quyết việc đó, trung ương đòi các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa và bán một số vốn cho tư nhân để lấy tiền trả nợ. Nhưng tư nhân chỉ được mua một tỷ lệ thiểu số nên chẳng thể cải tiến hệ thống quản lý trong khi doanh nghiệp nhà nước thu tiền về  lại mở mang cơ sở với dự án mới, tức là vay thêm để lại làm bậy! Các cấp bộ địa phương cũng thế và hệ thống làm ăn chằng chịt này còn tạo ra mạng lưới cấu kết về quyền lợi mà luật lệ do Quốc hội ban hành cũng chẳng khai thông được.

- Người ta có thể thấy ra điều ấy qua những gì Quốc hội mới họp vào đầu năm công bố ra ngoài. Việc cải cách từ cơ cấu qua tới luật lệ hay việc bơm tiền chuộc nợ và tăng thuế không thể giải quyết được bài toán này. Chính là Chủ tích Tập Cận Bình và Bộ Chính trị phải có quyết định cũng triệt để như chiến dịch bài trừ tham nhũng, là ra lệnh giảm chi và bán tài sản quốc doanh cho tư nhân để bù nợ thì may ra mới có kết quả. Trong khi chờ đợi một quyết định táo bạo như vậy thì cái đồng hồ nợ vẫn chạy và viễn ảnh phá sản dây chuyền là một thực tế.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/indebted-china-05132015051634.html/05132015-indebted-china.mp3

Nhật Bản tăng cường hợp tác hàng hải với Việt Nam, Philippines

Thành viên của Lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản.
Thành viên của Lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản.
Theo VOA-13.05.2015
Philippines và Nhật Bản tổ chức các cuộc diễn tập hải quân hỗn hợp đầu tiên ở Biển Đông hôm thứ Ba, và cũng trong thời gian này, lực lượng tuần duyên Nhật Bản làm việc với Việt Nam, trong bối cảnh Tokyo đẩy mạnh việc củng cố các quan hệ hành hải với hai nước đối đầu mạnh mẽ nhất với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Hãng tin Reuters hôm 12 tháng Năm tường thuật rằng các động thái vừa kể diễn ra tiếp theo sau một bài diễn văn của Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi năm ngoái, trong đó ông cam kết sẽ giúp Đông Nam Á duy trì quyền tự do hàng hải, và tự do sử dụng vùng trời ở Biển Đông.

Tham gia cuộc diễn tập Nhật- Philippines có hai tàu khu trục của Nhật, là tàu JS Harusame và tàu JS Amigiri, và một tàu chiến Philippines, tàu BRP Ramon Alcaraz.

Cuộc diễn tập về an toàn hàng hải có mục đích chuẩn bị cho các cuộc đụng độ, và diễn ra tại một địa điểm trong Biển Đông nằm về hướng Tây thủ đô Manila.

Bản tin của Gulf News cho biết địa điểm tập trận ở gần bãi cạn Scarborough, nơi mà các tàu Philippines và Trung Quốc đã đối đầu nhau trước đây trong vụ đụng độ kéo dài khiến căng thẳng tăng cao giữa hai nước này.

Chuẩn Đô đốc Jesus Millan, Tư lệnh Hải quân Philippines, nói khu vực này, giữa Vịnh Manila và Vịnh Subic, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters nói rằng trong khi mục đích cuộc diễn tập sẽ không làm Bắc Kinh lo lắng, bởi vì Trung Quốc đã từng tham gia các cuộc diễn tập tương tự với Hoa Kỳ, sự hiện diện của các tàu hải quân Nhật Bản trong Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang ngày càng chú ý hơn tới cuộc tranh chấp trong vùng biển này.

Tokyo đang muốn đánh đi một tín hiệu ngầm, không có tính cách khiêu khích, tới Bắc Kinh, rằng dù cho Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để tìm cách bành trướng ảnh hưởng trong khu vực, các nỗ lực này cũng có giới hạn của chúng, và các quốc gia trong vùng quyết tâm kiềm chế ý đồ đó.

Nguồn: Reuters, India Times

Bỏ chữ 'xin' có tác dụng không?

Lâu nay, có thể do bức xúc từ cung cách và thái độ phục vụ của các cơ quan công quyền nên dư luận đã “soi” cả đến vấn đề chữ nghĩa sử dụng trong các văn bản hành chính.
Ví dụ như có rất nhiều ý kiến bàn về chữ “xin” trong các mẫu đơn khi người dân muốn sử dụng các dịch vụ công như cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, giấy chứng tử, giấy cấp phép thành lập công ty .v.v.
Luồng ý kiến này cho rằng các cơ quan nhà nước đang ăn lương từ ngân sách nhà nước, cũng là tiền thuế của dân, thì phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân, không có chuyện xin – cho gì ở đây cả, từ đó cho rằng trong các đơn từ gửi các cơ quan nhà nước nên bỏ chữ “xin” không thể hiện vị thế thực sự của công dân mà nên thay nó bằng các từ có tính “mệnh lệnh” hơn như “đề nghị” hay “yêu cầu”.
Ý kiến trên không phải là không có lý khi ngôn ngữ là một trong những hình thức biểu đạt trong giao tiếp. Việc sử dụng từ ngữ không chính xác có thể tạo ra những thông điệp méo mó cho đối tượng tiếp nhận, khiến cho đối tượng đó ngộ nhận sai về vị thế hay vai trò của mình trong một mối quan hệ nào đó, dẫn đến sai lạc cả trong hành vi.
Chẳng hạn cứ ngày này qua tháng khác, các cán bộ nhà nước đọc các tờ đơn có chữ “xin” thì họ có thể dễ bị tiêm nhiễm lối suy nghĩ sai lạc rằng họ đang ở vị thế ban phát cho người khác và dễ sinh ra thói cửa quyền, hạch sách.
Trong một bài báo cùng chủ đề này, NSUT Đức Trung cho rằng việc bỏ chữ “xin” trong các mẫu đơn từ ấy “chắc chắn sẽ góp ích rất nhiều cho cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng đang gây thất thoát công quỹ, tài sản của nhân dân.
Nếu ta dùng chữ “Đề nghị” sau chữ “Đơn", dài hơn chữ “Xin” có một từ thôi, nhưng nó nâng chủ thể xã hội là Nhân dân lên đúng tầm vị thế của một xã hội Dân chủ, Công bằng và Văn minh”.
Nếu bỏ chữ “xin” mà có được những điều tốt đẹp như NSUT Đức Trung đã viết thì các cơ quan Nhà nước cũng nên thử áp dụng ngay từ ngày mai xem sao?
Nhưng thú thực là tôi hoàn toàn không tin vào hiệu quả của việc bỏ chữ “xin” như NSUT Đức Trung kỳ vọng.
Cái gốc của vấn đề là phải tiến hành một cuộc cải cách hành chính triệt để, mạnh dạn đuổi các nhân viên kém tài kém đức, kể cả họ là con ông cháu cha, cắt giảm bộ máy nhân sự cồng kềnh để có tiền tăng lương cho những người thực sự mẫn cán trong hệ thống công quyền, để họ không cần phải “tham nhũng vặt”, cải tiến các quy trình, thủ tục sao cho tiện lợi cho dân ở mức cao nhất cũng như thực hiện rất nhiều biện pháp đồng bộ khác từ trên xuống dưới, chứ không phải chỉ bỏ đi một chữ "xin" là xong.
Nếu không thực hiện được những cải cách để có được một nền hành chính như thế thì dù có bỏ chữ “xin” trong các biểu mẫu đơn từ hoặc thay nó bằng các chữ như “đề nghị”, “yêu cầu”, thậm chí mạnh hơn như “ra lệnh” thì chắc tình hình cũng sẽ không có chuyển biến gì đáng kể và người dân vẫn cứ phải áp dụng các “biện pháp” chẳng đặng đừng hiện nay như “rắc thính”,“lót tay”, “bôi trơn” hay“đấm miệng” khi đến các cơ quan công quyền.
Có những chữ, những câu còn mạnh hơn các chữ “yêu cầu” hay “đề nghị” nhiều, lại được Cụ Hồ đã từng dạy hay chính những người trong “hệ thống chính trị” thường phát ngôn như “cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, “nhân dân có quyền đuổi chính phủ“, “lấy dân làm gốc”, “nhân dân là chủ thể của xã hội”, “cán bộ là công bộc của nhân dân”.
Những câu này được nói ra rả, được viết công khai trên báo chí, trong các văn kiện nhà nước, trong các sách giáo khoa về hành chính suốt mấy chục năm qua, nhiều câu còn được kẻ thành chữ to treo trang trọng trong các công sở nhà nước còn chẳng làm suy suyển não trạng của các “đầy tớ nhân dân”.
Vậy thì làm sao mới chỉ đổi “một từ thôi”, từ “xin” sang “đề nghị” trong những tờ đơn nho nhỏ mà đã có thể nâng chủ thể xã hội là Nhân dân lên đúng tầm vị thế của một xã hội Dân chủ, Công bằng và Văn minh” được hả giời!

“Xin” chỉ là một cách nói lịch sự

Người viết bài này thì cho rằng chữ “xin” đang được sử dụng hiện nay trong các mẫu đơn từ không nhất thiết phải thay đổi, không chỉ vì nếu thay đổi thì cũng không làm thay đổi được bản chất của một nền hành chính như phân tích ở trên, mà còn vì chữ “xin” ấy nên được hiểu là một cách nói, cách viết lịch sự thể hiện sự tôn trọng của người dân với cơ quan công quyền.
Nếu sòng phẳng quá trong giao tiếp thì sẽ dẫn đến làm cho văn hóa giao tiếp bị cứng nhắc, thô thiển và thực dụng.
Trong xã hội, con người luôn cần đến nhau. Không ai luôn ở một vị thế chỉ phục vụ cho người khác và cũng không ai luôn ở vị thế chỉ được phục vụ. Lúc này tôi phục vụ anh thì lúc khác anh lại phục vụ tôi.
Vì thế nên khuyến khích con người cư xử với nhau một cách lễ độ, lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau trong bất cứ mối quan hệ nào.
Nếu trong khi giao tiếp với nhau, ai cũng luôn quá để ý mình ở vị thế nào để lựa chọn cách ăn nói thì không khéo chúng ta sẽ chỉ nghe thấy những ngôn ngữ cộc lốc, vô cảm, lạnh lùng từ một phía.
Thử hỏi xã hội sẽ thế nào nếu những người vào một quán ăn chỉ nói trống không với chủ quán vì nghĩ mình là người bỏ tiền ra, chủ quán cần mình hơn.
Rồi cũng với tư duy ấy, ông chủ quán ấy khi lên taxi cũng nói cái giọng điệu mệnh lệnh ấy với tài xế. Nếu cứ như thế thì ngôn ngữ giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, thô thiển và góp phần làm cho quan hệ giữa người với người trở nên ngày càng thực dụng.
Trong nền kinh tế bao cấp ngày xưa, khi bạn đến các cửa hàng gạo hay cửa hàng thực phẩm thì dù bạn có dùng từ “xin” hay “yêu cầu” thì thái độ của các cô mậu dịch viên vẫn lạnh lùng vô cảm như thế. Còn bây giờ, khi bạn ra chợ, các bác hàng thịt, các chị hàng gạo luôn nở nụ cười tươi rói, mời chào lịch sự.
Trong hoàn cảnh như thế, nếu bạn nói “làm ơn bán cho tôi cái này”, hoặc nói “xin cảm ơn” sau khi khi họ gói cho bạn món hàng bạn đã mua thì đó là những biểu thị văn hóa rất đáng khuyến khích chứ! Các bà hàng thịt hay hàng gạo chẳng phải vì sự “nhún mình” như thế của bạn mà họ không mời chào bạn đon đả như thế khi gặp lại bạn.
Có thể nói, sự chuyển đổi về kinh tế từ bao cấp sang thị trường đã làm biến đổi sâu sắc các hành vi ứng xử, nói năng giữa người với người ở ngoài chợ.
Và khi người ta đã tôn trọng nhau trong thực tế thì tiếc gì một câu “làm ơn” hay “xin cảm ơn” để làm vừa lòng nhau!
Còn khi nào trong môi trường dịch vụ công người dân cũng được đối xử như ở “ngoài chợ”? Câu trả lời không đơn giản chỉ là bỏ đi chữ “xin” trong các lá đơn.
Nhưng, nếu đã không cần phải đổi chữ “xin” trong các lá đơn mà người dân gửi cơ quan hành chính, thì lại rất nên có một cuộc “cải cách về ngôn từ” trong các văn bản của các cơ quan này gửi cho công dân.
Chẳng hạn như chữ “triệu tập” nên thay bằng “mời” khi cơ quan công an có việc cần hỏi dân khi họ chưa phải là tội phạm.
Chẳng hạn như ở phần kết thúc của các văn thư gửi công dân nên có thêm chữ “Kính chào trân trọng” hoặc “Xin cám ơn” hay đại loại như thế thay cho các lời lẽ trịch thượng, bề trên.
Chẳng hạn như không nên dành việc dễ về mình, dồn khó khăn cho dân, không quản được thì cấm.
Chẳng hạn như nên thay những câu “hẹn hò” kiểu “tối hậu thư” như “nếu đến ngày…tháng… năm …, ông bà không đến thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm” bằng những cách diễn đạt mềm mại, thân thiện và có trách nhiệm hơn như “hãy thông báo cho chúng tôi trong trường hợp ông (bà) không thể đến được vào ngày… tháng… năm…”
Tóm lại, khi người dân đã “xin” một cách lịch sự thì cũng xin cơ quan công quyền nên “nói năng” cho “phải phép” với họ.
Nhưng như phần đầu bài viết phân tích, nếu chỉ thay đổi từ ngữ, dù từ phía người dân hay cơ quan công vụ, thì cũng không thể giải quyết tận gốc được những vấn nạn hiện đang tồn tại trong nền hành chính nước nhà.
Một nền hành chính phục vụ theo đúng nghĩa không thể có được chỉ từ việc thay đổi văn phong trong các văn bản hành chính mà trước hết phải do những cải cách thực tâm và toàn diện mang lại, đến lượt nó tự khắc sẽ làm cho người dân và cơ quan công quyền ứng xử với nhau có văn hóa hơn.
Đến lúc ấy thì lại không những không cần thiết phải bỏ đi mà nó còn khuyến khích sử dụng nhiều hơn nữa những từ ngữ thể hiện sự lịch sự và tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp giữa người được phục vụ và các đầy tớ thực sự của nhân dân.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.