Thursday, June 30, 2016

Mỹ vẫn giữ Việt Nam ở bậc 2 các nước có vấn đề buôn người

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-06-30  
000_CM04J.jpg
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong buổi phổ biến bản phúc trình thường niên nói về tệ trạng buôn người đang xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, ngày 30/6/2016 tại Washington, DC.  Mandel NGAN / AFP 
Việt Nam là nước có vấn đề buôn người
Tại Washington chỉ vài giờ đồng hồ trước đây, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho phổ biến bản phúc trình thường niên nói về tệ trạng buôn người đang xảy ra ở nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Liên quan đến Việt Nam, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam ở bậc 2 trên danh sách các nước có vấn đề buôn người trên thế giới.
Bất kể những nỗ lực đáng khích lệ, đặc biệt trong lãnh vực pháp lý, Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn mong đợi trong việc giảm thiểu tệ nạn buôn người tính đến lúc này.
Đó là nhận định của Bộ Ngoại Giao Mỹ khi giữ Việt Nam ở bậc 2 trong phúc trình buôn người thường niên 2016, cho thấy Việt Nam là điểm xuất phát mà cũng là điểm đến của những đối tượng bị buôn bán vào đường mãi dâm hoặc cưỡng bách lao động gồm nam, nữ và trẻ em.
Báo cáo nói rất nhiều thanh niên và phụ nữ Việt, tự nguyện hoặc qua các công ty nhà nước, đã ra nước ngoài làm việc mà không được bảo vệ, không được trả lương đúng mức, bị chủ sử dụng bóc lột sức lao động. Công nhân Việt Nam còn bị buộc làm việc nặng trong lãnh vực xây cất, đánh cá, nông nghiệp, hầm mỏ, khai thác cây hoặc trong những xí nghiệp ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Angola, Ả Rập và Nhật Bản.
Điểm đáng lưu ý mà phúc trình nêu ra năm nay là những kẻ buôn người đã tận dụng Internet để kêu gọi, lừa gạt nhằm đưa người nước ngoài ra làm việc mà hậu quả là nhiều nạn nhân, vì gặp hoàn cảnh bất ưng, phải nai lưng ra làm việc để trả những món nợ họ mắc trước khi ra đi.
Phúc trình còn đê cập đến tệ nạn buôn người mà trẻ em là đối tượng bị lạm dụng, trong số này nhiều nhất là trẻ đường phố và trẻ nghèo vùng quê. Việt Nam là nơi có nhiều trẻ em bị buôn vào đường mãi dâm và qua hình thức du lịch gọi là “sex tour” với những người lạm dụng chúng là khách du lịch đến từ Anh, Úc, Châu Âu, Canada và Mỹ.
Phúc trình thường niên về tệ trạng buôn người trên thế giới của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam áp dụng mạnh mẽ hơn những điều luật đã được sửa đổi, nghiêm khắc trừng phạt những kẻ buôn người, nhất là những kẻ chuyên lợi dụng công nhân để đưa họ qua các nước làm việc như nô lệ.
Tưởng cần nhắc mức độ hơn kém trong xếp hạng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì bậc 1 là những nước đạt thành quả tốt trong việc giảm thiểu tệ nạn buôn người, bậc 2 là những nước đang có vấn đề mà chưa giải quyết tới nơi tới chốn, bậc 3 là những quốc gia có tình trạng buôn người tồi tệ nhất.

Thảm họa môi trường: công lý, trách nhiệm hay khoan hồng?

Mẹ Nấm (Danlambao) - “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” là nguyên tắc được các lãnh đạo đảng Cộng sản dày công sắp xếp cho đại diện nhà máy thép Formosa trình diễn trước lãnh đạo và quan chức Bộ Tài Nguyên Môi Trường trong gameshow xin lỗi hoành tráng tới gần 1 tháng chuẩn bị.

Chiều 30/6/2016, trong cuộc họp báo của chính phủ để trả lời báo giới nguyên nhân vì sao cá chết, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng đã thay mặt đảng Cộng sản hy vọng “nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng với Formosa”.

Trích nguyên văn lời ông Dũng trả lời báo chí khi được hỏi liệu có khởi tố hình sự sau khi phát hiện Formosa xả chất thải độc hại vào môi trường biển như sau:

“Việt Nam đang tạo hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vậy thì việc Formosa đã nhận lỗi trước đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết bồi thường, hỗ trợ, không tái diễn vi phạm tương tự...

Việc nhận lỗi của Formosa Hà Tĩnh đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm, nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Người Việt có câu: Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại... Việc nhận lỗi của Formosa Hà Tĩnh cũng thể hiện thái độ trước việc vi phạm đó. Đấy là việc cân nhắc của chính phủ Việt Nam. Hy vọng nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng với Formosa”. (*)

Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định rất rõ các tội danh về hủy hoại môi trường tại chương 17 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là điều 183 - “Tội gây ô nhiễm nguồn nước” và điều 188 - “Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Có luật để làm gì khi chính phủ thay mặt doanh nghiệp xả thải độc hại bàn đến chuyện “khoan hồng” trước khi xử lý thích đáng?

Trong luật không có một điều khoản nào quy định nghi can nếu nhận lỗi và xin lỗi thì nghi can sẽ được "cân nhắc" có bị khởi tố hay không. Cũng không có luật nào cho phép chính quyền đại diện cho nạn nhân giữ quyền khởi tố hay "cân nhắc"việc khởi tố một tội phạm. Và luật cũng không có chỗ cho thái độ khoan hồng, độ lượng của đám đông quần chúng.

Vì thế mới gọi là luật pháp mà biểu tượng là Nữ thần Công lý với thanh gươm nói lên ý nghĩa về quyền uy của tòa án, chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị và chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho công lý "mù lòa" trước mọi áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Do đó, phát biểu của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ đã đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của luật pháp, là coi thường luật pháp, hay chính xác hơn là phá luật.

Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại...!?

Formosa “chạy lại” cùng với 500 triệu đô và lời xin lỗi qua màn hình được sắp xếp trước?

Formosa “chạy lại” sau khi hàng chục, hàng trăm người dân Việt Nam trên khắp cả nước bị đánh, bị bắt bớ. bị tạm giữ như tội phạm vì yêu cầu minh bạch thông tin về nhà máy đầy tai tiếng này?

Formosa “chạy lại” sau khi người dân Việt Nam chết vì ăn cá biển nhiễm độc và lặn trong vùng xả thải độc?

Formosa “chạy lại” vì không thể chạy đi khỏi cơ chế bôi trơn rất hoàn hảo trong suốt quá trình phê duyệt dự án từ trung ương đến địa phương?

Hành động mà ông Mai Tiến Dũng cho là “chạy lại” của Formosa phải nói cho chính xác là sự ra đầu thú của một phạm nhân. Và phạm nhân đó đương nhiên phải bị truy tố trước pháp luật một cách công bằng và công minh.

Tuy vậy, trong nhân dân ta cũng có ít những người vốn “khoan hồng” theo phong cách của các quan chức Cộng sản cho nên sau khi gameshow “nhận lỗi” được công bố, nhiều tay viết theo định hướng và thậm chí là cả nhà báo đã công nhận số tiền 500 triệu đô như một chiến công và khen ngợi văn hóa xin lỗi của Formosa.

Trở lại chuyện Formosa nhận lỗi thì câu hỏi đặt ra là tập đoàn này có thực tâm nhận lỗi hay không?

Hãy cứ xem các động thái công bố thông tin trước đó trên báo lề đảng sẽ thấy. Trong thư gửi cho toàn bộ nhân viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhận định: “theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù, đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ. Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.


Tại sao cam kết “giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động trong bất kỳ tình huống nào”của Formosa lại có thể được công bố trước khi cuộc họp báo của chính phủ Việt Nam diễn ra? Phải chăng Formosa tự tin vì đã được bảo kê để “nhận lỗi”, hay cục xương 500 triệu đô la mà họ quẳng ra là quá lớn để họ có thể an tâm tiếp tục vận hành nhà máy tại Việt Nam?

Nhân dân ta rất “khoan hồng” nhưng công minh, và là những công dân tuân thủ luật pháp. Formosa phải trình bày toàn bộ hồ sơ về các chất hóa học độc hại đã sử dụng, số lượng đã thải ra biển là bao nhiêu, đã vi phạm những quy chế nào trong hoạt động... với chính phủ Việt Nam. Đó là trách nhiệm của Formosa.

Cùng lúc, trách nhiệm của chính phủ là phải công bố những vi phạm và hệ luỵ đến từ những hành vi sai trái của Formosa vì thảm họa này có ảnh hưởng trực tiếp và to lớn đến đời sống của mọi người dân Việt Nam.

Sau cùng, khi đã tìm ra đúng nguyên nhân biển chết là các chất độc dưới đáy biển và “thảm độc” này dịch chuyển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế (hoặc Đà Nẵng), vậy thì làm thế nào để có thể tẩy được các chất độc này? Sau bao nhiêu năm thì các chất độc này sẽ tan ra và không còn gây độc hại nữa? Và đến bao giờ thì nhân dân có thể yên tâm ăn cá, tắm biển mà không lo sợ bị ung thư hay nhiễm bệnh? Đó là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành mà 2 người chịu trách nhiệm trước nhân dân là Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường và Thủ tướng Chính phủ.

Trong thảm họa môi trường lớn nhất của lịch sử Việt Nam, không có những chuyện trẻ con “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, cũng không có cái gọi là “khoan hồng” tùy hỉ. Đây là vấn đề liên quan đến sinh tử của môi trường, đến vận mệnh của dân tộc và đời sống của hơn 90 triệu người. Thái độ và cách hành xử đúng đắn, đúng luật đối với Formosa là một nhu cầu cần thiết để sẽ không có một thảm hoạ Formosa thứ hai hay từ một công ty nào khác trong tương lai.

Và cũng cần nhớ rằng, trên thực tế trong khi kêu gọi khoan hồng với doanh nghiệp đầu độc dân tộc Việt, các cơ chức năng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản đã không quên việc thẳng tay đàn áp người dân với những nỗ lực yêu cầu minh bạch thông tin, bảo vệ môi trường biển. Công lý không còn là tiêu chuẩn hàng đầu trong vụ việc Formosa.


_____________________________________

Họp báo công bố nguyên nhân cá chết: Đổ lỗi cho Formosa, chửi bới “thế lực thù địch”


CTV Danlambao - Ngoài việc đổ lỗi cho Formosa là thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở miền Trung, bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn còn lên tiếng chửi bới các “thế lực chống phá chế độ” trong cuộc họp báo chiều 30/6/2016 tại văn phòng chính phủ.

“Lợi dụng cá chết để công kích đảng”

Về phản ứng của dư luận trong việc chậm trễ công cố nguyên nhân cá chết, ông Tuấn cho rằng đây là những “phản ứng thái quá” khiến nhiễu loạn thông tin và gây bất lợi quá trình điều tra. 

“Thời gian vừa qua, dư luận trên các mạng xã hội đã có nhiều ý kiến phản ứng về việc chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết... Tuy nhiên, sự phản ứng thái quá và suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi đến quá trình điều tra”, ông nói.

Ngoài ra, vị quan chức tuyên giáo này cũng không quên chửi bới những người dân Việt Nam đã lên tiếng đòi hỏi sư minh bạch và đòi hỏi giải trình trách nhiệm trong vụ Formosa đầu độc biển.

Ông Trương Minh Tuấn gọi những người này là các “thế lực chống phá”, đồng thời cáo buộc: 

“Nhân đây tôi cũng nói thẳng rằng, có một số thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng tình trạng cá chết để công kích sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của nhà nước, thậm chí kích động để gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân”.

“Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng sự bức xúc của người dân, nhưng không thể chấp nhận việc lợi dụng sự bức xúc đó để kích động chống phá đảng, chống phá nhà nước”.


Báo chí không đủ khả năng tìm ra thủ phạm?

Trả lời phóng viên báo Infonet về ý kiến nói rằng nhà cầm quyền CSVN rằng ngăn chặn báo chí đưa vụ cá chết, và liệu có hay không việc che dấu thông tin đối với nhân dân, ông Tuấn nói: “Đảng và nhà nước không hề có chủ trương che dấu thông tin...”

Dù đã cố sức bạo biện, nhưng ông bộ trưởng lại giấu đầu lòi đuôi khi thừa nhận việc đã ra lệnh cho báo chí phải “giảm liều lượng, tạm ngừng thông tin” về vụ cá chết.

“Tuy nhiên, đã có một thời gian, để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, chúng tôi đề nghị các cơ quan truyền thông hoạt động theo đúng luật báo chí và giảm liều lượng, tạm ngừng thông tin, không suy diễn, quy chụp để chờ kết quả điều tra”.

Theo ông Tuấn, lệnh cấm báo chí đưa tin như trên là môt “việc làm cần thiết” nhằm mục đích không gây “trở ngại” và “tác động” đến quá trình điều tra. 

Trơ trẽn hơn, vị quan chức kiêm ghế phó ban tuyên giáo này còn tỏ ý khinh thường giới báo chí khi khẳng định rằng các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm gây cá chết. Ông nói: 

“Trong một sự cố phức tạp và nghiêm trọng như vụ cá chết vừa rồi, các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm. Sự điều tra của báo chí cũng không thể thay thế sự điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học”.

Đối đầu nhân dân

Phát biểu này như một gáo nước lạnh đổ vào giới nhà báo, thậm chí còn coi thường cả sự hiểu biết của người dân Việt Nam.

Ngay từ khi xảy ra vụ việc cá chết hồi đầu tháng 4, dư luận đã đổ dồn mọi sự nghi ngờ về việc xả thải của Formosa. Trong khi đó, nhà cầm quyền CSVN phải mất đến 3 tháng “điều tra” ra được thủ phạm.

Rõ ràng, chính nhà cầm quyền CSVN mới không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm. Nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận - những người bị ông Tuấn gọi là “thế lực chống phá” - thì chắc chắn sự thật sẽ chẳng bao giờ được công bố.

Thế nhưng, dù có đổ lỗi cho Formosa, nhưng chế độ CSVN chính là kẻ phải chịu trách nhiệm vì đã rước tập đoàn này vào Hà Tĩnh với những ưu đãi đáng ngờ. Sự bất tài trong công tác quản lý cũng là nguyên nhân khiến Formosa có thể dễ dàng lộng hành, bất chấp sinh mạng và đời sống của nhân dân Việt Nam.

Một lần nữa, chế độ CSVN đã công khai đối đầu với nhân dân. Chỉ với 500 triệu đô-la tiền “bồi thường” của Formosa cũng đủ để bịt miệng cả giới chóp bu Ba Đình - một cái giá quá rẻ mạt so với số lượng hàng chục triệu ngư dân miền Trung bị dòn ép đến đường cùng vì mất kế sinh nhai.

Cho đến thời điểm hiện tại, không có bất cứ quan chức CSVN nào chịu từ chức sau vụ việc. Trong khi đó, Formosa vẫn tiếp tục được bảo kê để hoạt động.

30.06.2016


Tiền phúng điếu

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Năm trăm triệu đô là tiền làm con đường đến địa ngục.

Hàng triệu người mất sinh kế gần như vĩnh viễn. Hàng trăm ngàn gia đình ly tán vì cha mẹ phải tha phương cầu thực. Tương lai của đa phần con cái họ là xấp vé số trên tay em bé, là những giọt lệ tuôn chảy không ngừng trong lòng thiếu nữ đương xuân trong vòng tay của bao khách làng chơi, là tủi nhục dâng trào thầm lặng theo từng giọt mồ hôi rơi trên lưng còng của người thanh niên trai tráng làm công trên xứ người.

Những bệnh viện ung thư rồi sẽ sớm bắt đầu mọc lên trên khắp nước để chữa trị vô vọng cho rất nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Hình ảnh địa ngục ở âm ty được tái hiện phần nào ở những nơi này qua hình ảnh dị dạng, khuyết tật, kinh hoàng của những người nghèo đã phải ăn cá, nước mắm, và muối bị nhiễm độc để qua cơn đói thèm. Họ nằm đấy chen chúc nhau trong các phòng và dọc theo hành lang của những địa ngục trần thế này

Mùa hè trên biển mất vĩnh viễn. Sóng biển vỗ vào bờ hoang vắng thiếu tiếng cười đùa của trẻ thơ và cha mẹ. Biển hiền lành bình an đầy gợi tưởng và mơ mộng giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Biển và người đã mất đi mùa hè cuối cùng.

Tâm hồn con người ngày càng vô cảm và chai sạn khi phải quay lưng lại với biển. Biển chết, sông hồ chết, rừng chết tất cả đưa đến cái chết tất yếu của tâm hồn, đạo lý và cả lương tâm con người. Cửa vào tầng đầu địa ngục bắt đầu từ đây khi xã hội chìm đắm trong mông muội đang trở về.

Đảng Ác từ lâu đã phác thảo và xây dựng nên con đường dẫn đến địa ngục này. Formosa hôm nay chỉ cấp vốn cho họ làm tiếp đoạn đường cuối cùng đến cổng địa ngục.

Sẽ còn rất nhiều Formosa môi trường và chính trị khác để giúp Đảng làm tiếp những tầng địa ngục bên trong để chờ đón những người Việt cuối cùng.

Cuộc xếp hàng đi vào số phận đã bắt đầu.

01.07.2016


Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền, nhân dân nhận thảm họa

Người Quan Sát (Danlambao) - Formosa nhận lỗi nhưng chưa nhận tội. Cũng không cho biết trong những lỗi đó đã thải xuống biển những chất độc gì và hàm lượng bao nhiêu. Đảng nhận tiền nhưng không biết những thiệt hại đối với môi trường đến kinh tế, sức khoẻ và đời sống của người dân nghiêm trọng ra sao. Đảng cũng cương quyết không nhận lỗi lẫn nhận tội khi đã biết rõ nguyên nhân cá chết cả tháng trước, nhưng vẫn phớt lờ để ngư dân ra biển, vẫn không một cảnh báo chính thức về hiểm họa tiêu thụ thức ăn hải sản có nguy cơ nhiễm độc. Chỉ có người dân là đóng vai trò nạn nhân lẫn khán giả và nhận thảm hoạ trong bi kịch Cá Chết Formosa.

*

Chiều 30/6/2016, các cơ quan chức năng đã có câu trả lời chính thức cho toàn thể nhân dân Việt Nam về nguyên nhân gây ra thảm hoạ cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Trả lời báo VnExpress, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - ông Trần Hồng Hà công bố nguyên nhân như sau:

“Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì chúng tôi đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành. Nhưng có thể nói, mấu chốt chính là phát hiện: Từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lượng điện tiêu thụ giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày trung bình. Điều đó khiến chúng tôi tập trung vào nghi ngờ có vấn đề trong quá trình vận hành chạy thử của Formosa Hà Tĩnh.

Sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.”(1)

Chen Yuan-cheng chủ tịch HĐQT Formosa và 
Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà
Formosa Hà Tĩnh là một nhà máy được đầu tư với số tiền lên tới 10 tỷ đô la Mỹ. Và thảm hoạ môi trường xảy ra do nhà máy 10 tỷ đô bị chập điện trong 5 ngày?

Hiện nay, Formosa đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm chứ chưa hoạt động hoàn toàn hết công suất.

Và hãy thử tưởng tượng, với sự cố chập điện tương tự lần này thì hậu quả sẽ xảy ra thế nào khi nhà máy đi vào hoạt động hết công suất như kế hoạch?

Thành tích hủy hoại môi trường ở các nước mà Formosa xây dựng nhà máy có lẽ ai cũng biết.

Vào năm 2009, một tổ chức môi trường Đức là Quỹ Ethecon - tự tuyên bố là một tổ chức vì đạo đức và kinh tế - đã bình chọn và trao giải “Hành tinh Đen năm 2009” cho Formosa Plastics và tập thể lãnh đạo Formosa vì hành động thải chất độc hại ra môi trường của tập đoàn này tại nhiều nơi trên thế giới.

Chẳng hạn ở Mỹ, tại bang Texas và Louisiana, các nhà máy của Formosa bị phát hiện chôn chất thải độc hại xuống lòng đất, gây ô nhiễm nước ngầm và thậm chí thải những chất độc hại xuống sông Mississippi.

Ngay tại Đài Loan, mặc dù có công đóng góp lớn cho sự phát triển về kinh tế và công nghiệp hóa cho lãnh thổ này, nhưng Formosa lại “nổi tiếng” với thương hiệu tập đoàn phá hoại môi trường

Vào năm 1998, Formosa đưa 3.000 tấn chất thải độc hại (nhiễm thủy ngân vượt gấp nhiều lần so với mức cho phép, cực kỳ độc hại cho con người) đến cảng thành phố Sihanoukville, Campuchia, với âm mưu để số chất thải này xuống biển. Khối chất thải này khiến nước biển, đất tại đây bị nhiễm độc và nhiều người dân sống gần cảng bắt đầu bị bệnh; sau đó có 5 người tử vong. Vụ việc này đã châm ngòi làn sóng bạo loạn phản đối. (2)

Ông Trần Hồng Hà tiếp tục thừa nhận trên VnExpress:

“Sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt.”

Những ai am hiểu về kiến thức sinh thái biển đọc đoạn trên sẽ hiểu đơn giản như sau: Nơi có cá chết hàng loạt trong sự cố thảm hoạ môi trường tháng 4 vừa qua là những vùng biển chết. Và hiện tượng biển nhiễm độc khó có thể kiểm soát khi các dòng hải lưu và nước ngầm trôi qua.

Trong vài năm tới, những người đã ăn cá và tắm biển trong suốt thời gian ô nhiễm môi trường xảy ra liệu có được hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe như những nạn nhân thảm hoạ ở các nước khác hay không? Trong vài năm tới liệu có ông lớn nào dám bảo đảm cho sự an toàn của ống xả thải khổng lồ nằm dưới lòng biển Vũng Án hay không?

Sau khi Formosa “nhận lỗi” trước đảng và chính phủ theo chỉ đạo một ngày trước buổi họp báo công bố nguyên nhân chính thức thì tập đoàn tai tiếng này đã kịp khẳng định "công ty sẽ tiếp tục hoạt động trong bất kỳ tình huống nào" như một lời tuyên bố thách thức với toàn thể người dân Việt Nam (3).

500 triệu đô được quy đổi thành 11 ngàn tỷ tiền đồng là số tiền đền bù mà các lãnh đạo đảng Cộng sản đã đứng ra “nhận giùm” nhân dân Việt Nam bất chấp các thành tích huỷ hoại môi trường. Nhà máy 10 tỷ đô Formosa không thể bị đóng cửa bởi số tiền bôi trơn cho các quan chức từ trung ương đến địa phương ngay từ khi đặt bút phê duyệt dự án đến nay là không thể hoàn lại. Vì thế, màn trình diễn “nhận lỗi” chỉ là khúc dạo đầu để đảng Cộng sản tiếp tục trục lợi trên lưng người dân Việt Nam - những người sẽ tiếp tục nhận thảm họa bởi cung cách độc tôn lãnh đạo và điều hành đất nước của đảng cộng sản.

01.07.2016


_____________________________________



Nhà nước CSVN đại diện cho ai?

Năm xích lô (Danlambao) - Sau thời gian câu giờ trước đòi hỏi của nhân dân về nguyên nhân gây thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, họ cần 3 tháng để soạn kịch bản cho vở tuồng "Chuyện tình Formosa và CSVN". Sở dĩ nhà cầm quyền phải câu giờ đến hôm nay mới công bố là nhằm tránh sự phẫn nộ có thể ảnh hưởng đến hệ thống chính trị, thứ hai là tranh thủ đàm phán với Formosa để tìm ra phương hướng tốt nhất cho sự phát-triển-bền-vững của nhà đầu tư chuyên phá hoại môi trường. Thế là quá đẹp gọi là hợp tác đôi bên đều có lợi. CS còn muốn đốt cả Trường Sơn và hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng để đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô và Trung Cộng thì đất nước và dân tộc họ coi ra chi.

Xin nhắc lại ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội đã phát biểu ngày 25/04/16 nguyên văn như sau:

"Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên. Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.

Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ.

Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.

Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN.

Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được...”.

Ông Phàm đã gián tiếp tự thú khi nói về nguyên nhân cá tôm đồng loạt ngưng thở. Tuy lúc đó chưa xác định nhưng nhân dân có quyền đặt nghi vấn và đòi hỏi sự giải thích minh bạch từ phía nhà cầm quyền. Một trong những quyền tối thiểu của con người được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, điều 25 (tự do ngôn luận, báo chí tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình) và điều 43 (môi trường) nhưng bị côn an đàn áp dã man, chứng minh nhà nước này coi thường nhân dân và như vậy nên vứt luôn vào thùng rác thứ gọi là Hiến pháp. Chưa xác định nguyên nhân thì một nhà nước pháp quyền sẽ giữ thái độ tôn trọng đòi hỏi ôn hòa và hợp Hiến của nhân dân. Nên nhớ là nhân dân hiện nay chưa bị thế lực "thù địch" nào giống như CS khích động biểu tình bạo lực phá hoại đất nước như họ vẫn làm dưới thời VNCH.

Nhân dân thấy gì đó bất thường của nhà nước CS, khi xuất phát cá chết hàng loạt là từ Vũng Áng nơi Formosa hiện hữu thì quyền nghi ngờ nguyên nhân là đương nhiên. Nhân dân mới nghi ngờ chớ chưa khẳng định nhưng nhà cầm quyền cứ nhảy nhổm như bầy khỉ sổng chuồng hay từ rừng lạc vào thành phố. Chính ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân trong cuộc họp báo kỳ lạ, độc nhất vô nhị trong tối 27/04/2016 chỉ đọc khoảng 5 phút cho rằng có hai nguyên tố chính là do "độc tố hóa học của con người và trên biển (?!), thứ hai là do tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ (?!). Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này" (sic). Rồi chẳng cho ai hỏi câu nào, ông bỏ chạy trước sự ngỡ ngàng của phóng viên, cứ như quân Tàu-lạ đang tấn công vào hang ổ của ông.

Làm Thứ hay Phó thời CS cũng khó thiệt, cứ bị đẩy ra bất quá rút-kinh-nghiệm hoặc thuyên chuyển công tác, hoàn toàn đúng-quy-trình. Làm quan CS sướng ghê, hậu quả nhân dân gánh, trách nhiệm dân chịu. Sai là tập thể, công là cá nhân. Ở xứ Tư bản giãy chết thì sự nghiệp chính trị đã theo ông Trưởng đội nón ra đi.

Trong buổi họp báo ngày 30/06/2016, đại diện hãng thông tấn AP đặt câu hỏi là có khởi tố vụ án hay không? Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ dẫn giải lòng vòng với đại ý "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại" (sic). Các nhà đầu tư nước ngoài nếu có vi phạm nhưng nhận lỗi trước Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ được xem xét. Vậy nhà đầu tư trong nước thì sao? Sao lại coi thường công ty trong nước và kính trọng nước ngoài? Dân mình gọi là vọng ngoại đấy. Cùng là nhà đầu tư nhưng có sự kỳ thị của nhà cầm quyền và phân biệt đối xử trên pháp luật.

Đảng chỉ thích những kẻ đem tiền về cho đầy túi tham của lãnh đạo để mong tiếp tục cai trị, nên nhà đầu tư nước ngoài càng lớn luôn được ôm hôn thắm thiết, miễn đừng làm gì lộ liễu để dư luận phát hiện. Còn ông Bob Kerrey, chủ tịch đại học Fulbright Việt Nam ra sao? Những thương binh VNCH và thân nhân của họ thế nào, họ có chạy lại vẫn bị đảng ghẽ lạnh và đánh tơi bời như thường. Đảng CS giết bao nhiêu đồng bào vô tội trong Cải cách ruộng đất? Đã giết và đày đọa bao nhiêu thường dân trước và sau 1975 nhưng ông bà đã làm gì để xoa dịu nỗi đau của đất nước? Chính đảng CSVN mới là kẻ gây căm thù và nuôi dưỡng thù oán với nhân dân. Có bao giờ đảng CS tin những người có liên quan quá khứ thời VNCH đâu mà nói chạy tới chạy lui.

Một số câu hỏi được đặt ra:

- Môi trường biển bị hủy hoại, môi trường sống của ngư dân bị thiệt hại, đời sống nhân dân bị đảo lộn, các dịch vụ khách sạn, nhà hàng,... sẽ cần bao lâu để trở lại giai đoạn như trước đây?

- Nhà cầm quyền có chương trình cụ thể và khả thi nào để cải thiện môi trường biển nhiễm độc? Giải pháp nào cho thu nhập lâu dài của người bị hại? Làm cách nào để kiểm soát những tôm cá chết trôi giạt trong thời gian qua được đông lạnh, nay sẽ tuồn ra thị trường?

- Với 500 triệu USD thì sẽ có bao nhiêu lọt vào túi quan tham nằm trên và quan nhỏ bò phía dưới?

- Chưa bàn đến khía cạnh cam kết từ phía Formosa khi một tháng trước nhà nước nói là đã tìm ra nguyên nhân nhưng biết đâu có thể đã thông báo và cho phép Formosa phản biện nên cần thêm một tháng nữa? Trong khi những vi phạm dù nhỏ của những công ty khác ít nhất là cũng bị xử phạt hành chánh hoặc bị khởi tố?

- Điều quan trọng nhất là trách nhiệm của nhà cầm quyền trước nhân dân. Nếu không có khả năng quản lý đất nước thì làm ơn dẹp cái điều 4 trong Hiếp pháp của nhà-nước-ngập của ông bà và rút lui có trật tự cho dân nhờ. Nói vậy thôi chớ tham quyền cố vị là đặc tính của độc tài CS và nhân dân có ai bầu ông bà đâu? Toàn đám phường tuồng hề.

- Đảng CS đã tham khảo ý người bị thiệt hại có đồng ý hay không với cam kết của Formosa? Và liệu "sự cố" có tái diễn với Formosa hoặc với những công ty khác?

Vài câu hỏi để chứng minh cho sự độc tài chuyên chế của nhà cầm quyền và thái độ coi thường nhân dân và dư luận của đảng CSVN.

Vấn đề kế tiếp là người dân phải đoàn kết lại, cử ra đại diện để khởi kiện tập thể đối với Formosa. Hãng xe VW với scandal về khí thải đã mất 12 tỷ USD chỉ riêng trên nước Mỹ, thì can phạm Formosa đã được xác định là hủy hoại môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và đời sống bao triệu người chỉ cam kết 500 triệu USD vậy quyền lợi của người dân, nhất là ngư dân rẻ hơn bèo. Nhà nước này đại diện cho nhân dân hay cho Formosa? Hãy liên kết với người bị hại của Đài Loan và tìm sự hỗ trợ của các Luật sư có tâm với dân để kiện Formosa.

01.07.2016

Xây cầu ‘trị thủy’ 119 tỷ đồng chưa bàn giao đã sập

BÌNH THUẬN (NV) - Một chiếc cầu dùng để “trị thủy“được xây với chi phí hơn 100 tỷ đồng chưa nghiệm thu đã gãy sập, trơ khung sắt thép, cùng 12 mố trụ đôi bị sụt lún, khiến người dân tức giận. 

Công trình hồ thủy lợi Sông Dinh 3 bị gãy sập. (Hình: Thanh Niên)

Đó là cầu Kênh dẫn chính của hồ chứa nước Sông Dinh 3, ở xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, dài 300 mét, là một phần của dự án kênh dẫn nước dài hơn 15 cây số từ hồ thủy lợi Sông Dinh 3 về phục vụ tưới tiêu vùng hạ lưu huyện Hàm Tân và thị xã La Gi với chi phí hơn 119 tỷ đồng, được hoàn thành vào năm 2015 và đã cho nước về thử nghiệm hai mùa khô vừa qua.

Theo mô tả của phóng viên Thanh Niên ngày 29 tháng 6, tại hiện trường, con kênh dài, thẳng tắp, bắc ngang qua một con suối ở thôn Đá Mài 2, xã Tân Xuân, nhưng bị gãy làm đôi. Phía dưới gầm cầu là 12 mố trụ đôi đều bị sụt lún, vỡ nát, trơ sắt thép ra ngoài. Phía thành cầu máng, có nhiều chỗ bong tróc xi măng, lòi ra sắt thép hoen rỉ.

Cảnh báo nguy hiểm vì sợ sập đè chết người. (Hình: Thanh Niên)

Nói với phóng viên báo Thanh Niên, chiều ngày 28 tháng 6, sau cuộc họp với các đơn vị thi công, tư vấn, giám sát, ông Nguyễn Hữu Phước, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết: “Đơn vị giám sát phúc báo cho rằng, cầu sập 5 là do mưa lũ. Nhưng qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy không phải do mưa lũ. Thiết kế công trình này hoàn toàn có thể chịu được mưa lũ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại quy trình từ thiết kế, thi công, giám sát để có hướng giải quyết. Sở sẽ tham mưu cho ủy ban tỉnh thuê một đơn vị giám định độc lập về vụ này,” ông Phước khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hòa, phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận chỉ nói “công trình này mặc dù đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao. Vì vậy, nếu sự cố bắt nguồn từ chất lượng thì các đơn vị thiết kế, thi công và giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.” (Tr.N)

30-06-2016 5:16:54 PM 

'Không có lý do gì để nhà máy Formosa tiếp tục tồn tại'

Vụ Formosa, thủ phạm làm cá chết ở biển miền Trung

Lê Hữu Thành/Người Việt
ĐÀ NẴNG (NV) - Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng nói với phóng viên Người Việt rằng ông không đồng ý để cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh, thủ phạm của vụ cá chết, tiếp tục tồn tại trong 70 năm nữa khi mà nó chưa hoạt động chính thức đã gây ra thảm họa môi sinh.
Tại cuộc họp báo hôm 30 Tháng Sáu tại Hà Nội, các giới chức Việt Nam chiếu cảnh ông Trần Nguyên Thành (Chen Yuan Cheng), chủ tịch Formosa Hà Tĩnh, đưa ra lời xin lỗi và tiền bồi thường $500 triệu. (Hình: Getty Images)
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động đã có hơn 1 tháng điều tra độc lập ở khu vực Kỳ Anh, Hà Tĩnh, vùng bị thiệt hại nặng nề do nhà máy Formosa trong vụ biển nhiễm độc làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh phía Bắc miền Trung.

Chiều 30 tháng 6, Văn Phòng Chính Phủ CSVN họp báo công bố thủ phạm gây ra cá chết ở 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4 là Formosa Hà Tĩnh, đồng thời nhà máy này đồng ý bồi thường cho người dân Việt Nam số tiền 500 triệu đô la nhưng cho biết vẫn sẽ tiếp tục hoạt động bất chấp có việc gì xảy ra.

Người Việt (NV): Ông có nhận xét như thế nào về con số 500 triệu Mỹ kim mà nhà máy Formosa đồng ý bồi thường cho người dân Việt Nam sau thảm họa môi sinh ở 4 tỉnh miền Trung?

Nguyễn Anh Tuấn: Mình thấy là người ta đưa ra con số như vậy thôi, nhưng mà người ta không nói căn cứ tính toán như thế nào để mà ra con số như thế. Đã có tính đúng tính đủ hay chưa, con số đó liệu có thỏa đáng hay không?

Bởi vì thiệt hại ở đây không phải chỉ là thiệt hại của những người ngư dân mấy tháng trời phải nằm bờ mà nó còn là những người làm trong lĩnh vực bám vào biển, ăn theo ngư nghiệp. Chẳng hạn như là kinh doanh thu mua thủy hải sản, rồi cả những người cung cấp ngư lưới cụ, cũng như là những ngành nghề, lĩnh vực khác liên quan đến biển như du lịch, khách sạn, nhà hàng...

Đó là chưa nói đến chuyện khắc phục ô nhiễm môi trường, bây giờ môi trường ô nhiễm như vậy thì khắc phục thì tổng chi phí là con số bao nhiêu? Chưa có bất kỳ cái tính toán nào hết cả, mà tự dưng Formosa lại đưa ra con số 500 triệu đô la như vậy là tôi thấy không thỏa đáng!

NV: Thưa ông, trong cuộc họp báo Bộ Trưởng Thông Tin Trương Minh Tuấn có nói là “Đảng và nhà nước không có chỉ đạo báo chỉ dừng đưa thông tin về vụ việc cá chết, mà là báo chí phải hoạt động theo luật báo chí, và chỉ đạo giảm lưu lượng thông tin, tạm dừng thông tin suy diễn, quy chụp tác động đến quá trình điều tra. Các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm!”Ông nhận xét thế nào về câu nói này của ông Tuấn?
Ông Nguyễn Anh Tuấn. (Hình: Facebook)
Nguyễn Anh Tuấn: Theo tôi, câu trả lời của Bộ Trưởng Thông Tin Trương Minh Tuấn nó chứa những điểm không hợp lý, điểm thứ nhất là ổng thừa nhận dư luận có những sự phản ứng do việc công bố thông tin chậm trễ, sau đó ổng lại nhấn mạnh “thế lực thù địch” kích động gây rối mất trật tự công cộng vì vậy rất là bất nhất.
Bởi vì ông ta đã thừa nhận có sự phẫn uất, phẫn nộ trong dân chúng, thì bắt buộc phải thừa nhận dân chúng có nhu cầu thể hiện sự phẫn nộ đấy, và một trong những hình thức thể hiện sự phẫn nộ được hiến pháp bảo hộ đó chính là biểu tình. Mà bây giờ ổng nói có 'thế lực thù địch' kích động biểu tình là việc không thể chấp nhận được. Không chấp nhận được cả về mặt pháp lý và về mặt đạo lý!

Cái điểm thứ hai nữa, ông Tuấn nói là kiểm soát thông tin, kiểm soát báo chí là vì báo chí không có nghiệp vụ để điều tra thì câu nói này của ổng có 2 cái hiểu sai. Thứ nhất đúng là báo chí không phải cơ quan điều tra tuy nhiên chức năng của họ là khai thác những hướng, mọi khía cạnh, góc cạnh của vấn đề. Cho nên cái việc mà họ về thực địa để phỏng vấn người này, người kia, khai thác cả về hướng Formosa, cả về hướng ngư dân bị thiệt thòi, hoặc ngay cả những vấn đề như dư luận Đài Loan.

Tất cả những cái hoạt động, những khía cạnh về 1 vấn đề như vậy có thể đưa đến cho người dân một bức tranh toàn cảnh về vấn đề, và vì vậy cả xã hội có được lượng thông tin. Từ đó người ta mới có tìm ra được những giải pháp phù hợp. Đó là nhu cầu của xã hội và chức năng của báo chí, thế mà ổng lại cho rằng là cần phải kiểm soát báo chí, kiểm soát thông tin. Thế thì đã hoàn toàn phủ nhận chức năng của báo chí khiến cho nhu cầu chính đáng của xã hội không được đáp ứng.

Điểm thứ hai ông Tuấn nói là báo chí hoàn toàn không có chức năng điều tra cũng không chuẩn. Báo chí không có chức năng như một cơ quan tố tụng nhưng báo chí cũng có chức năng điều tra cung cấp thông tin cho xã hội và vì thế người ta mới có ngành báo chí điều tra. Còn nếu như người ta tước bỏ quyền điều tra của báo chí thì họ đang tước bỏ quyền tự do ngôn luận.

Trong một phát biểu mà có 2 điểm trái khoáy như vậy là việc không thể chấp nhận được!

NV: Trong một bản thông báo của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành gửi toàn thể nhân viên công ty vào ngày 30 tháng 6 nói rằng: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.” Với cá nhân ông thì ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nguyễn Anh Tuấn: Theo những gì mà tôi tìm hiểu về Formosa Hà Tĩnh và biết rằng nhà máy thép này vốn được đầu tư tại Vân Lâm, Đài Loan nhưng mà vì phản ứng quá quyết liệt của những tổ chức xã hội dân sự cũng như là các dân biểu, báo chí của Đài Loan cuối cùng nhà máy phải dừng kế hoạch của họ lại.

Thế thì không có lý do gì khi nhà máy này đầu tư ở Việt Nam và gây ra những thảm họa về môi sinh như thế này mà chúng ta lại tiếp tục để cho nó vận hành thêm 70 năm tới. Thì thú thực là trong 70 năm tới người dân sẽ sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Vì thế với tư cách cá nhân tôi hoàn toàn không đồng ý với giải pháp như vậy. Nhưng đó mới chỉ là giải pháp từ phía nhà máy Formosa Hà Tĩnh, còn về phía chính phủ Việt Nam phản ứng ra sao, trả lời ra sao và chọn giải pháp nào phụ thuộc vào sự phản ứng của người dân Việt Nam, các tổ chức Xã hội dân sự, báo chí, dư luận Việt Nam với các vấn đề này.


NV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

30-06-2016 7:42:09 PM