Wednesday, March 16, 2016

Phiên tòa phúc thẩm xét xử dân oan Ngô Văn Huynh và Nguyễn Thị Tâm

15h30, toà tuyên án Ông Ngô văn Huynh: 3 năm tù. Được biết ông Huynh đã ngồi tù 20 tháng, ông sẽ phải ngồi thêm 16 tháng nữa. Tuy nhiên, do đang điều trị bệnh nên tạm thời toà cho ông được tại ngoại.

Bà Nguyễn Thị Tâm: 2 năm 6 tháng 17 ngày tù bằng thời gian bà bị giam giữ 1 cách oan khuất. Bà Tâm được trả tự do ngay tại toà.

Trong những phiên tòa trước dân oan Nguyễn Thị Tâm liên tục tố cáo việc bị Điều tra viên bức cung, dùng nhục hình (*) trong thời gian điều tra. Bà Tâm cũng cho luật sư Luân biết hiện bà đã bị điếc tai trái do bị đánh.

CTV Danlambao - Sáng nay, 16/3/2016 Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước mở phiên phúc thẩm, xét xử hai dân oan là Ngô Văn Huynh và Nguyễn Thị Tâm với cáo buộc tội “cố ý gây thương tích”.

Đây là vụ án đã kéo dài gần 3 năm và qua nhiều lần xét xử. 

Theo Dân Làm Báo cập nhật trước đó thì các phiên xét xử được diễn tiến như sau:

“Phiên tòa sơ thẩm lần 1 diễn ra vào ngày 25/2/2014, tại TAND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cả ông Huynh và bà Tâm đều bị tuyên mức án 5 năm 6 tháng tù giam với tội danh “cố ý gây thương tích” theo khoản 3, Điều 114 Bộ luật Hình sự. Tòa cũng tuyên án “bị cáo” phải bồi thường cho ông Nguyễn Bá Tuyên số tiền là 71 triệu đồng. 

Phúc thẩm lần 1 (ngày 17/09/2014) không được diễn ra do thiếu nhân chứng và nhiều chứng cứ quan trọng chưa được kiểm tra làm rõ. 

Ngày 10.10.2014, phiên tòa phúc thẩm được mở lại và đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại với lý do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ông Tuyên, người được cho là “bị hại” cũng có nhiều lời khai mâu thuẫn, thiếu trung thực, cùng chứng cứ đòi bồi thường có nhiều mâu thuẫn. 

Ngày 25.9.2015 TAND huyện Bù Đăng mở phiên toàn sơ thẩm lần 2. Và mức án dành cho Ông Ngô Văn Huynh: 4 năm tù (mức án sơ thẩm lần thứ nhất là 5 năm 6 tháng); Bà Nguyễn Thị Tâm: 3 năm tù (mức án sơ thẩm lần thứ nhất là 5 năm 6 tháng)”. 

Phiên phúc thầm gần đây nhất được mở ngày 13/1/2016 đã bị hoãn lại với lý do rất “đặc biệt” vì “người bị hại” là ông Nguyễn Bá Tuyên và luật sư của ông này vắng mặt tại tòa. Ông Lê Ngọc Luân một trong 3 luật sư bào chữa cho hai dân oan đã bình luận về việc này như sau: “đây là một điều kỳ lạ hiếm khi xảy ra bởi một thực tế hiển nhiên, hơn ai khác, bị hại phải là người có mong muốn vụ án được xét xử càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, vụ án này thì ngược lại. Và, đây là vấn đề mà chắc chắn tôi sẽ truy vấn tại phiên xét xử phúc thẩm tới đây”. 

Cũng theo thông tin từ luật sư Luân thì hình ảnh bà Nguyễn Thị Tâm trong phiên tòa ngày 13/1 là rất tiều tùy. Bà Tâm cũng cho luật sư Luân biết là bà đã “bị điếc tai trái do bị đánh”. 

Luật sư và gia đình trước phiên toà
Phiên tòa được bắt đầu lúc 8 giờ 35 phút. 

Không có ai là thân nhân bên gia đình bị cáo hay bị hại có mặt tại phiên tòa. Có 7 nhà hoạt động nhân quyền từ Sài Gòn và 3 nhà báo đến theo dõi phiên tòa. Chưa ghi nhận sự ngăn cản nào từ phía nhà cầm quyền đối với những người tham dự.
Tiếp tục bào chữa cho vợ chồng ông Huynh, bà Tâm tại phiên tòa sáng nay 16/3/2016 vẫn là các Luật sư Nguyễn Khả Thành, Lê Ngọc Luân và Nguyễn Văn Quynh. 

Trong phần xét hỏi, bà Nguyễn Thị Tâm đã tố cáo việc bị Điều tra viên bức cung, dùng nhục hình trong thời gian điều tra: "Điều tra viên ghi sẵn vào biên bản nhận tội và bắt bị cáo ký vào. Bị cáo không ký thì bị điều tra viên bắt quỳ xuống và đánh hơn 30 cái. Bị cáo không thể đi mà phải vịn tường lết về phòng giam".

Khoảng 9h 50phút: Trả lời các câu hỏi chất vấn từ kiểm sát viên, bà Nguyễn Thị Tâm một lần nữa khẳng định mình bị điều tra viên dùng nhục hình rất nặng nề và hậu quả là tai trái của bà đã bị điếc. 

Khoảng 10 giờ, chuyển sang phần trình bày của các luật sư. Khi được luật sư Lê Ngọc Luân hỏi, ông Ngô Văn Huynh cho biết, trong quá trình thực nghiệm dựng lại hiện trường, điều tra viên đe dọa ông và yêu cầu phải làm theo theo sự sắp xếp hiện trường của cơ quan điều tra. Nếu nghe theo thì sẽ được giảm tội và không bị đánh. 

Bà Nguyễn Thị Tâm cũng khẳng định với luật sư Luân về việc mình bị điều tra viên bức cung, dùng nhục hình. Bà cũng kể tên những nhân chứng cùng phòng đã chứng kiến tình trạng thương tích của mình sau khi bị điều tra viên đánh đập.

10h30, Phiên tòa kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận.

Viện kiểm sát khẳng định là việc truy tố ông Huynh, bà Tâm là đúng người, đúng tội. Đề nghị mức án cho ông Huynh là 3 năm 8 tháng tù và vợ ông, bà Tâm là 3 năm tù.

Quan điểm của luật sư Luân: Yêu cầu chuyển tội danh từ điều 104 “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác” sang điều 106 BLHS “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ”. Ông Luân cũng yêu cầu phải điều tra làm rõ lời khai bị bức cung dùng nhục hình trước phiên toà của hai thân chủ.

Luật sư Nguyễn Khả Thành yêu cầu: Trả hồ sơ để điều tra làm rõ việc ai đánh ai và tại sao chỉ truy tố 2 vợ chồng ông Tâm, bà Huynh.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh: Đề nghị trả hồ sơ điều tra lại để tránh oan sai cho 2 hai thân chủ.

11h20, toà tạm nghỉ trưa.

Dân oan Nguyễn Thị Tâm trước toà. Ảnh CTV Dân Làm Báo

Bên ngoài hành lang giờ nghỉ trưa. Ảnh CTV Dân Làm Báo

15h30, toà tuyên án:

Ông Ngô văn Huynh: 3 năm tù. Được biết ông Huynh đã ngồi tù 20 tháng, ông sẽ phải ngồi thêm 16 tháng nữa. Tuy nhiên, do đang điều trị bệnh nên tạm thời toà cho ông được tại ngoại.
Bà Nguyễn Thị Tâm: 2 năm 6 tháng 17 ngày tù bằng thời gian bà bị giam giữ 1 cách oan khuất. Bà Tâm được trả tự do ngay tại toà.

Theo luật sư Nguyễn Khả Thành thì các luật sư đã cố gắng hết sức và đưa ra rất nhiều vi phạm tố tụng trong bản án sơ thẩm. Rất vui là HĐXX đã lắng nghe và chấp nhận giảm án, thả ngay tại toà. Công lý cũng đã phần nào được thực thi.

Ảnh CTV Dân Làm Báo

danlambaovn.blogspot.com


(*) Dân oan Nguyễn Thị Tâm tố cáo bị bức cung, nhục hình:http://danlambaovn.blogspot.com/2015/09/dan-oan-nguyen-thi-tam-to-cao-bi-buc.html

Đoàn 21 và trò phỉ của nhà chính quyền Lâm Hà

Anh em đã lên xe và đang trên đường về lại Sài Gòn. Ảnh Facebook Đỗ Đức Hợp

Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Ngày 15.03.2016, một đoàn người 21 anh chị em ở Sài Gòn đã đến thăm gia đình cựu TNLT Trần Minh Nhật sau một thời gian dài ông Nhật và gia đình bị chính quyền Lâm Hà, Lâm Đồng khủng bố.

Đoàn 21

Một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm của những người Sài Thành đến một nơi liên tục có sự khủng bố và những trò hèn hạ của công an nhắm vào ông Nhật và gia đình. Nhóm bạn hữu này được chúng tôi gọi là "đoàn 21" như những chiến binh thực thụ. Và họ đã là chiến binh thực sự khi đã có nhiều lần xông pha trận mạc khắp các tỉnh thành phía nam mỗi khi ở đâu có áp bức, có bất công là họ có mặt.

Một người trong đoàn 21 chia sẻ "chúng ta phải đến với Nhật để cảm nhận được những đau khổ mà Nhật và gia đình đang phải gánh chịu bởi công an Lâm Hà, chúng ta không thờ ơ, không dửng dưng trước sự bách hại đàn áp một cách trắng trợn và liên tục của công an Lâm Hà với Nhật được".

Một người khác nói "chúng tôi sẽ thăm Nhật, dù biết rằng lên đó có thể chúng tôi khó bảo toàn được tính mạng nhưng chúng tôi cũng phải đi và mong mọi người giúp đỡ cả về tinh thần, tâm linh và vật chất".

Đoàn 21 lo sợ điều nguy hiểm sẽ xảy đến với mình nhưng vẫn liều mình tìm đến chỗ nguy biến để đem bình an cho anh em bằng hữu của mình. Đó là những hành động vô cùng cao thượng và nhân văn, thể hiện tình người, tình liên đới, tương trợ của con người đối với nhau.

Trái với hình ảnh đó là "trò phỉ của chính quyền Lâm Hà" đối với Đoàn 21 và gia đinh cựu TNLT Trần Minh Nhật. Vậy công an đã làm gì với Đoàn 21?

Trò phỉ của chính quyền Lâm Hà

Ngay từ sáng sớm ngày 15.03.2016, đoàn 21 đặt chân đến gần khu vực nhà của cựu TNLT Trần Minh Nhật thì đã bị một nhóm người gọi là an ninh chìm chặn lại và bắt quay về Sài Gòn. Ông Linh Trần, một người nhiệt thành trong đoàn 21 đã bị an ninh cướp và quăng vỡ một chiếc điện thoại khi ông Trần quay lại diễn biến sự việc.

Ngay sau khi đoàn 21 đến vừa đến nhà ông Trần Khắc Đạt, anh trai của anh Minh Nhật thì nhiều người dân là gồm có những người dân tộc đã được công an huyện Lâm Hà xúi giục và điều động đến đứng trước cổng nhà ông Đạt lăng mạ, hăm dọa ném đá, đập phá xe và đòi đánh đoàn 21 nếu đoàn đi ra khỏi nhà.

Công an dựng chốt, căng lều bạt, ngăn cản đoàn 21 ra về. Truyền hình và biển số xanh công vụ cũng nhập cuộc bố giáp đoàn 21. Theo dự kiến đoàn 21 sẽ trở lại Sài Gòn lúc 2 giờ chiều cùng ngày, nhưng đã bị lực lượng công an, an ninh mặc thường phục và những người dân bị "kích động" cản trở không cho họ ra về.

Một cuộc câu lưu thổ phỉ của công an Lâm Hà đối với đoàn 21 tại gia đình ông Trần Minh Nhật suốt một ngày 15.03 rất hoàn hảo để chuẩn bị cho màn kịch gi tiếp theo?

Tờ mờ tối tuy người dân bị "kích động" nhưng đông đảo lực lượng công an chìm nổi vẫn canh gác trước cổng và điện sáng đã bị cắt, điều gì sẽ xảy ra?

21h tối 9 giờ tối cùng ngày 15.03, lực lượng công an và truyền thông của nhà cầm quyền đã đến tư gia ông Đạt, yêu cầu kiểm tra tạm trú. Một số người mặc thường phục đứng ở ngoài hô hào nếu đoàn 21 ra khỏi ngoài sẽ chết, thêm 2 ô tô đã đến trước nhà cách khoảng 50m, để làm gì?

Đêm càng sâu thì sự an toàn của ông Trần Minh Nhật và đoàn 21 người bạn của ông càng gặp nguy hiểm.

Ngăn cản đoàn 21 trở về Sài Gòn, sau đó cắt điện, tiếp thêm và bố trí lực lượng rồi cho công an sắc phục vào kiểm tra giấy tờ lúc đêm khuya cùng với cơ quan truyền thông. Cả một kịch bản được sắp sẵn rất chi tiết cho một vụ đàn áp và bắt bớ nơi rừng núi xa xôi và có thể kích động đoàn 21 rơi vào bẫy bạo động để công an có cớ bắt và giết người hoặc truy tố theo vì tội gây rối trật tự công cộng?

May mắn qua những trò phỉ đó, đoàn 21 có kinh nghiệm và đã chiến thắng vượt qua trò phỉ.

Có Nhà nước pháp quyền XHCN" không?

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Không. Pháp quyền và XHCN là hai khái niệm khác nhau. Hoạt động theo hai cơ chế ngược nhau.

Nhà nưước pháp quyền (Etat de Droit) là nhà nước thực thi quyền hạn của mình thông qua, và chỉ thông qua luật pháp. Ngay chính bản thân nhà nước cũng bị điều chỉnh và hạn chế bởi luật pháp.

Trong một xã hội dân chủ, tất cả mọi quyền tự do của công dân được bảo đảm. Không một tổ chức, một ý chí nào dù của bất cứ ai cũng không thể vi phạm. Cơ chế quản trị duy nhất là luật pháp.Về nguyên tắc, không một tác nhân nào, không một chủ thể nào, không một hành vi nào nằm bên ngoài khuôn khổ của luật pháp và thoát khỏi sự điều chỉnh của pháp luật. Mọi cá thể, mọi tổ chức vật lý hay pháp nhân đều được tự do hoàn toàn trước khi bị coi là vi phạm pháp luật. Nhưng xã hội được tổ chức theo một cơ chế mà trong đó không một cá thể hay tổ chức nào, kể cả Hội đồng Lập Hiến hay Toà Hiến pháp, Thượng viện, Hạ viện hay Quốc hội, Tổng thống hay Chính phủ, Thủ tướng hay Chánh án tối cao, không một định chế nào không bị đặt dưới sự kiểm soát của một định chế độc lập và phi chính trị. Mọi hoạt động của xã hội phải bao hàm trong hệ thống pháp luật, nghĩa là bất cứ một hành vi nào đều có thể quy dẫn về một điều khoản cụ thể trong pháp luật. Chính sách của chính phủ được ban hành thành những luật hay bộ luật tương ứng. Việc thực hiện chính sách không còn mang tính chính trị mà là trở thành quy phạm luật. Người giám sát đôn đốc có thể là nhân viên hay chuyên trách chính phủ, nhưng chỉ là hỗ trợ, về nguyên tắc là chuyên môn của công tố nhà nước, giám sát thực thi pháp luật. Không tuân thủ chính sách, lúc này, trở thành hành vi vi phạm pháp luật, và được xét xử tại tòa như mọi loại vi phạm pháp luật khác.

Trong Nhà nước Pháp quyền, người có quyền điều chỉnh tối cao và cuối cùng là Chánh án Tòa tối cao. Vì vậy, Chánh án là một đối tượng phi chính trị và độc lập tuyệt đối. Chánh án Toà án tối cao do Tổng thống chỉ định và Thượng viện cùng với Hội đồng Hiến pháp bỏ phiếu kín phê chuẩn, có thể một lần cho suốt đời. Luật pháp bảo đảm quyền độc lập và giám sát sự độc lập của Chánh án. Trừ trường hợp vi Hiến hay vi Pháp, không ai có quyền can thiệp vào các quyết định của Chánh án, và không ai có quyền cách chức Chánh án vì kết quả xét xử. Nhưng chỉ một lần vi phạm nguyên tắc độc lập, kể cả Chánh Toà tối cao, vĩnh viễn không được hành nghề trong ngành toà án. Đó là cơ chế không cần và không thể tham nhũng. Cùng một nguyên tắc như vậy đối với toàn bộ hệ thống thẩm phán các cấp. 

Luật pháp trở thành tài sản duy nhất của chế độ, là một hệ thống trung tính, phi chính trị, và phản ánh ý chí chung của cộng đồng. Nó là kết quả sự đồng thuận của mọi tầng lớp xã hội, mọi loại hình tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, mọi loại quyền lợi. Bất cứ điều khoản luật nào cũng chỉ dẫn tới một giải pháp duy nhất, không thể giải thích áp đặt hay suy diễn. Quyền giải thích pháp luật là độc quyền của Hội đồng lập Hiến quốc gia, thể hiện trên quyền lực của Chánh án Toà Tối cao. Tất cả các thành phần khác chỉ là đối tượng điều chỉnh của pháp luật.

Luật pháp trong nhà nước pháp quyền bao gồm ba nhóm hành vi chính, nhóm hành vi kinh tế, nhóm hành vi dân sự và nhóm hành vi chính quyền. Tương ứng với mỗi nhóm, là các tổ chức đại diện: giới doanh nghiệp (với ý nghĩa doanh nghiệp là tác nhân kinh tế, cá nhân hay tổ chức), các pháp nhân của chính phủ và các tổ chức đại diện người lao động và các tầng lớp xã hội khác. Vì vậy, cơ quan lập pháp bắt buộc phải có sự tham gia của tất cả: Cơ chế bầu cử Quốc hội là tự do ứng cử. Mọi cá nhân, mọi hiệp hội, mọi tổ chức đều có quyền đưa người đại diện của mình ra tranh cử. Điều kiện duy nhất để ứng cử là quyền công dân và có ít nhất một lượng phiếu ủng hộ tối thiểu. Số lượng phiếu ủng hộ này do Hội đồng bầu cử quốc gia quy định. Ứng viên không bị giới hạn về số lượng, về thành phần cũng như về tuổi tác, được tự do vận động tranh cử bằng kinh phí của mình, nhưng sẽ được thanh toán bằng ngân sách quốc gia, nếu số phiếu bầu đạt một giới hạn nào đó (chẳng hạn là 5% theo chế độ của Pháp). Danh sách bầu cử được công bố công khai thông thường trước ba tháng, cùng lúc với chiến dịch vận động tranh cử. Số ghế trong Quốc hội sẽ phân bổ trên kết quả số phiếu bầu theo nguyên tắc tỷ lệ.

Nhà nước pháp quyền trong xã hội dân chủ bao gồm hai bộ phận có tính độc lập tương đối với nhau, ràng buộc nhau thông qua các quy định của Hiến Pháp. Hai bộ phận đó là Bộ máy Tổng thống và Bộ máy Chính phủ.

Tổng thống đại diện cho lợi ích tối cao của dân tộc. Tổng thống theo nguyên tắc là vị trị cao nhất về mặt chính quyền. Quyền hành đó thể hiện ở quyền chỉ định Chánh Thẩm phán, tức là Chánh án Toà án Tối cao, có quyền phế truất Chính phủ, nhưng không có quyền chỉ định Chính phủ thay thế. Tổng thống được bầu trực tiếp, theo nguyên tắc hai bậc, Bầu vòng Một và Bầu chính thức, gọi là Bầu vòng hai. Ở vòng đầu, số ứng viên là số tự do, không hạn chế. Bất cứ cá nhân hay tổ chức chính trị nào cũng được quyền tự ứng cử. Điều kiện để ứng cử chỉ duy nhất là cá nhân hay pháp nhân đó đang có quyền công dân hợp pháp, và có bằng chứng có được một số lượng phiếu ủng hộ ủng hộ nhất định. Số lượng phiếu ủng hộ này được quy định bằng pháp luật. Người được chọn cho vòng hai hay vòng chính thức là hai ứng viên có số phiếu cao nhất. Ở vòng hai, người thắng cuộc buộc phải chiếm được quá bán. Nếu cả hai cùng không đạt được quá bán số phiếu bầu, sẽ phải tiếp tục vận động tranh cử cho vòng ba. Về nguyên tắc, số vòng bầu cử là không hạn chế, nhưng thực tế diễn biến sẽ xuất hiện nhu cầu điều chỉnh. Hoặc quyết định chấp nhận theo số phiếu cao hơn, hoặc huỷ kết quả bầu cử và lui cuộc bầu cử lại, tiến hành tranh cử từ đầu. Hội đồng bầu cử quốc gia là người quyết định, có thể cần tới cơ chế Trưng cầu dân ý trong trường hợp phức tạp. Trong tranh cử Tổng thống, đối chất trực tiếp và công khai là một cơ chế bắt buộc theo quy định của pháp luật. Tổng thống có bộ máy giúp việc là hệ thống thư ký nhà nước, do Tổng thống trực tiếp chỉ định không qua bầu cử và không chịu chi phối, hay điều chỉnh bởi cơ quan dân cử.

Chính phủ trong nhà nước pháp quyền là cơ quan đại diện của đảng chính trị thắng cử trong bầu cử lập pháp. Chính phủ vì vậy có thể không cùng hệ thống chính trị với Tổng thống. Ở Pháp, nhiệm kỳ thứ hai (1997) của tổng thống Jacque Chirac là chủ tịch đảng Tập hợp cộng hoà, trong khi Thủ tướng chính phủ, ông Lionel Jospin là bí thư thứ nhất đảng xã hội.

Chính phủ cũng bao gồm hai bộ máy có tính độc lập tương đối với nhau. Đó là bộ máy Hành chính hay Quản trị và Bộ máy Chính phủ. Chính phủ bao gồm những người đứng đầu từng ngành do người đứng đầu chính phủ hay Thủ tướng chính phủ trực tiếp chỉ định, có thể là người cùng đảng, cũng có thể mượn của đảng khác cùng cánh, tả hoặc hữu. Chính phủ thông thường là một equipe bao gồm các chính trị gia, hoặc các chuyên gia làm chính trị, của một đảng chính trị vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp (Quốc hội) theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín trên toàn quốc. Đảng chiến thắng là đảng chiếm được nhiều phiếu nhất và chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội. Thủ tướng là người của đảng được cử ra lập chính phủ, không cần sự chuẩn thuận của cả Quốc hội lẫn Tổng thống. Chính phủ điều hành nhà nước bằng các luật hay bộ luật tương ứng các chính sách trong chương trình đã được nêu ra thành cam kết trước dân chúng trong chiến dịch tranh cử. Số ghế chiếm đa số tuyệt đối giành được trong Quốc hội đảm bảo các luật hay bộ luật này được phê chuẩn. Sau khi thành luật thì các chính sách không còn thuộc quyền trực tiếp của chính phủ mà chịu sự giám sát và điều chỉnh của hệ thống Hành pháp và Tư pháp.

Hành Chính trong nhà nước pháp quyền là bộ máy chuyên nghiệp, trung tính, phi chính trị và giữ vai trò như công cụ trong tay chính phủ chịu trách nhiệm vận hành theo sự điều khiển có hướng của chính phủ. Bộ máy hành chính hay bộ máy quản trị trong nhà nước pháp quyền giống như một đoàn tàu không có đầu kéo, có cơ cấu hoàn chỉnh bền vững, chuyên ngiệp, nhưng không can thiệp vào việc tạo dựng phương hướng, chính sách. Cơ chế luật quy định chức năng chấp hành vô điều kiện của bộ máy Hành chính. Hiệu quả hoạt động của Bộ máy hành chính hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh và năng lực của chính phủ. Bộ máy Hành chính có cấu tạo độc lập tương đối với bộ máy chính phủ, vì Chính phủ là bộ máy phụ thuộc kết qủa dân cử, có nhiệm kỳ, trong khi bộ máy hành chính là bộ máy chuyên môn có chức năng phục vụ các chính phủ trong giai đoạn cầm quyền.

Chế độ là ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng. Đảng chính trị hay giai cấp chỉ là một bộ phận, đại diện cho nguyện vọng hay ý chí của một bộ phận, nhiều khi rất nhỏ trong cộng đồng. Vì vậy, Chế độ có bản chất phi chính trị, không có tính đảng, và được lựa chọn bắt buộc bằng Trưng cầu dân ý.

Trong nhà nước pháp quyền, cơ quan duy nhất có tính chính trị, mang tính đảng là bộ máy Chính phủ, nhưng nó có tính luân phiên, và không phải là cơ quan quyền lực, chỉ đơn thuần là cơ quan hành pháp. Nó chủ yếu có chức năng điều hoà các xung đột xã hội, điều chỉnh các khuyết tật của xã hội trên nguyên tắc duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định tiến bộ xã hội. Bộ máy Chính phủ là hệ thống nhân sự cầm đầu các cơ quan chuyên nghiệp của bộ máy Hành chính, điều hành bộ máy thực thi các nhiệm vụ nhằm đạt tới các mục tiêu của các chính sách đã luật pháp hoá. Vì vậy, đứng đầu các cơ quan này, các bộ trưởng, là những chính trị gia, không cần phải là những chuyên gia hay những nhà chuyên nghiệp, trong khi những người đứng đầu các cơ quan Hành chính, có thể cơ cấu cao nhất thành thứ trưởng, không được phép tham gia chính trị, và có nghiã vụ chấp hành vô điều kiện mọi quyết định của người đứng đầu ngành do chímh phủ chỉ định. Nó có thể giữ nguyên khi thay đổi Chính phủ.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước trung chuyển của giai đoạn đầu chuyển tiếp từ xã hội tư bản chủ nghĩa sang cộng sản chủ nghĩa. Ở giai đoạn này diễn ra chủ yếu quá trình quốc hữu hoá và công hữu hoá từ trạng thái quốc hữu và công hữu một phần, tới quốc hữu và công hữu là chủ yếu cho đến khi quốc hữu và công hữu hoàn toàn. 

Hiểu pháp quyền XHCN là pháp quyền của thời kỳ quá độ hướng tới XHCN là sai. Hướng tới như thế nào và bằng cách nào?

Về bản chất, nhà nước XHCN không phải là một chế độ mà là một thể thức chính quyền đang chuyển động, đang chuyển hoá tiến tới phủ định chính nó. Trong khi chuyển hoá thì không thể có luật pháp, bởi vì mục tiêu chưa hình thành và chưa có thực. Mọi loại quyền lợi chưa được xác định, mọi loại hình của cơ cấu xã hội có cái đang mất đi, nhiều cái khác chưa định hình, thậm chí chưa ra đời. 

Luật pháp sẽ hướng tới XHCN như thế nào? Để tiến tới một xã hội không còn sở hữu, một nền kinh tế chỉ còn một thành phần, một cơ chế kinh tế dưạ trên kế hoạch hoá tập trung, không hàng hoá, không thị trường, thì những bộ luật nào dứt khoát phải biến mất? Khó có thể nêu ra hết, nhưng đầu tiên, luật doanh nghiệp là không còn, luật thuế, luật kế toán, luật giá trị gia tăng, luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ v.v... sẽ phải dẹp bỏ.

Hiểu pháp quyền XHCN là nhà nước pháp quyền có sự chỉ đạo của đảng cộng sản càng không đúng. Đã chịu sự chỉ đạo thì dù sự chỉ đạo đó là của ai, luật pháp đã không còn trung tính. Tính độc lập của các cơ quan quyền lực bị vi phạm. "Phân công tách bạch nhưng thống nhất về mục tiêu", chỉ là sự che đậy dối trá và nguỵ biện ngô nghê về lý luận. Các công cụ quyền lực như Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp không phải là cơ quan chế tạo ra dân chủ mà là cơ quan bảo vệ dân chủ thông qua luật pháp, là các công cụ quyền lực do nền dân chủ tạo lập ra, không phải là ngược lại theo định nghĩa hiện nay của đảng cộng sản. Vì vậy gốc là luật pháp. Luật pháp phải được đảm bảo là luật pháp dân chủ. Cơ chế tạo lập và hình thành luật phải đảm bảo dân chủ trực tiếp. Dân chủ thì không có chỉ đạo tập trung hay thống nhất. Bản thân chỉ đạo đã phá huỷ và vi phạm dân chủ. Cơ quan lập pháp bầu ra không do các tổ chức dân sự tự đưa đại diện ra ứng cử, mà do cơ quan cao nhất của đảng quy định cơ cấu thành phần, về tuổi và nghề nghiệp, không thể đảm bảo tính đại diện đầy đủ của pháp luật.

Cơ sở của luật pháp là bình đẳng, trong khi ở XHCN, nhà nước là công cụ chuyên chính của đảng chính trị cầm quyền. Luật pháp trong xã hội chủ nghĩa (ở đây là luật pháp của nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam) phản ánh ý chí của giai cấp cầm quyền, trên dưới 4 triệu đảng viên nhưng thực chất chỉ là ý chí của nhóm 19 người bộ chính trị, thậm chí chỉ của một vài người. Hiện nay không còn tồn tại giai cấp vô sản, đội quân tiên phong của đảng nữa, nó đã tuột khỏi tay đảng từ lâu, không còn trong sự kiểm soát của đảng, thậm chí đang trở thành đối tượng cần trấn áp, phong trào tự phát trong công nhân đang được chính đảng cộng sản khủng bố. Đảng cộng sản Việt Nam thực chất không đại diện cho ai cả, không thể có tư cách lập hiến và lập pháp cho chế độ.

Như vậy chúng ta đã chứng minh rằng Pháp quyền XHCN là một sự đánh tráo khái niệm, là sự lừa bịp có chủ đích của một vài lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có hoặc là Pháp quyền, hoặc là XHCN, không có và không thể có Pháp quyền XHCN, nó là một thứ dị dạng như chính cái chế độ cộng sản độc đảng độc tài hiện nay đang chưa bị biến mất trên đất nước Việt Nam.

Paris, 15/03/2016

Hèn với giặc...!

Ông Ba Cất (Danlambao) - "Hèn với giặc, ác với dân!" Thú thật câu nói này chẳng phải do chúng tôi nghĩ ra mà nó đã xuất hiện trên báo chí cả trong nước lẫn ngoài nước rất lâu rồi. Đối tượng được nói đến chính là cái gọi là ĐCS (đảng cộng sản) với cái chế độ xhcn ưu việt của nó ở Việt Nam. Thiết tưởng cũng nên bàn một chút xem nó "hèn" ở chỗ nào và "ác" ở chỗ nào, chứ nếu chỉ nói khơi khơi e là... nói oan cho người ta thì sao?!

Hẳn mọi người đều thấy: Cả báo chí lẫn TV, Radio đều đã nói rất nhiều đến "dân oan" và "tù nhân lương tâm". Vậy dân oan là những ai và tù nhân lương tâm là những ai?

Nhà cửa, ruộng vườn, đất đai của người ta, hoặc đổ bồ hôi, sôi nước mắt biết bao lâu mới có được, hoặc của biết bao đời ông cha để lại, nay bỗng dưng "Nhà nước" hô lên đất đai là của chung toàn dân nhưng "nhà nước quản lý". Thế rồi chỗ này các vị "quy hoạch", chỗ kia các vị "thu hồi". Hoặc để bán cho công ty nước ngoài này xây nhà, xây cửa, xây công ty. Hoặc bán cho đối tác kia làm sân golf, làm khu resort... Nói chung là làm bất cứ một cái gì mà đôi bên - Những người có chức, có quyền như các vị và đối tác kia là đám con buôn - đều có lợi. Bất chấp đến những thiệt thòi mất mát của người dân. Dĩ nhiên "dân ngu khu đen" thì cũng là con người chứ có phải là con giun, con dế đâu mà các vị muốn dẵm, muốn đạp thế nào cũng được, thế là người ta phản ứng lại. Đơn độc thì như gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Phòng làm điển hình. Còn tập thể thì lấy nhân dân ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên ra làm thí dụ... Đó là những thì dụ điển hình, chứ thực tế suốt từ ngoài Bắc vào tới trong Nam, còn rất nhiều nơi đất đai, nhà của của người dân bị cướp một cách trắng trợn như thế mà trong phạm vi một bài viết này chúng tôi không thể kể ra hết được.

Lại nói khi tài sản của người ta bị cướp đi như thế tất nhiên người ta phải phản ứng lại. Thế là các vị cho công an, dân phòng với bọn du côn, đầu gấu tới đàn áp, đánh đập, bắt nhốt, bỏ tù bỏ tội người 2 năm, người 3 năm, người 4 năm, như anh em ông Đoàn Văn Vươn bị 5 năm tù mà ai cũng biết đấy! Ngoài ra còn biết bao người khác nữa mất nhà mất cửa, lêu bêu khiếu kiện cả mấy năm trời vẫn không được giải quyết. Tất cả những người đó đều được gọi một tiếng chung là "Dân oan"đấy.

Còn "Tù nhân lương tâm" là những ai?

Cao bồi du đãng, ăn cắp ăn trộm, cướp của giết người, bị bắt, bị tù bị tội đáng lắm rồi, đàng này lại không như thế, mà trái lại chính các thành phần cặn bã kể trên đôi khi lại còn được các vị "lợi dụng", dùng làm phương tiện trấn áp những người phản ứng lại những việc làm bất nhân, thất đức của các vị. Chứng minh trong tất cả những lần đàn áp người dân của công an đều có "dư luận viên" với "dân phòng" tiếp tay. Vậy 2 loại người này hầu hết là những người như thế nào? Lang thang trên Net, chúng tôi đọc được một bài nói về "Dư luận viên". Bài viết dài lắm, nhưng chỉ xin trích ra đây một đoạn ngắn để mọi người cùng thấy cái đám gọi là "dư luận viên" nó tốt, nó xấu ra làm sao?

Trích: "Ném đá giấu tay là ngón nghề sơ đẳng mà người cộng sản ưa dùng, vì nó hiệu quả mà ít tốn kém. “Dư luận viên” những đứa con hoang sản sinh từ hai dòng máu cha Hán tộc, mẹ Việt cộng qua sự ăn nằm lén lút tại Thành Đô năm 1990, được đẩy ra đường để phá phách, cướp giật, gây sự, đánh người trong những dịp được CSVN cho là đụng chạm đến vùng “nhạy cảm” của gã chồng hờ Tàu khựa. Trong ngày 14/3 vừa qua, đám con hoang dư luận viên được công an côn đồ Hà Nội, trong đó có Giám đốc công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung hộ tống đến phá đám, gây sự, giật vòng hoa, băng-rôn của những người dân tưởng niệm 64 người lính, đã bị biến thành bia thịt cho lính Trung cộng bắn trong vụ thảm sát Gạc- ma 1988." - Ngưng trích

Còn "Dân Phòng" thì thế này đây:

Trích: "Gần nửa tháng trôi qua nhưng dư luận người dân TP Vinh (Nghệ An) vẫn chưa hết phẫn nộ về vụ sáu dân phòng khối Vinh Quang, phường Hưng Bình đã đánh đập dã man ba em học sinh, khiến một em tử vong và hai em khác bị thương nặng. Người dân tại địa phương cho biết đây không phải lần đầu tiên tổ dân phòng này gây sự với người đi về khuya trên đường Đốc Thiết.

Không chỉ vậy, dân phòng còn can thiệp chuyện gia đình người dân bằng... ma trắc. Điển hình như vụ xảy ra vào tối 8-1-2004, khi hai dân phòng P.9, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) đã “nhiệt tình” giải quyết chuyện nội bộ gia đình anh Nguyễn Đại Hưng (đang làm việc ở Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa - thông tin) bằng cách dùng ma trắc thẳng tay đánh vào đối tượng. Nhiều người dân chứng kiến vụ việc đã tỏ ra vô cùng bức xúc." - Ngưng trích

Như vậy rõ ràng "dư luận viên" với "dân phòng" đều là những thành phần bất hảo, thế nhưng họ lại là con cưng của chế độ, được chế độ bảo bọc, ưu đãi. Trong khi đó những người được coi là thực sự ưu tú của đất nước như: Cù Huy Hà Vũ,Lê Công ĐịnhNguyễn Đan QuếNguyễn Văn HảiNguyễn Văn Lý, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Đài... thì lại phải tù, phải tội! Nhạc sĩ Việt Khang đã làm gì để phải bị 4 năm tù và 2 năm quản chế? Ông đã cướp của, giết người hay chỉ vì đã có 2 bản nhạc, hỏi: Anh Là Ai và Việt Nam Tôi Đâu mà đã bị ghép cho tội tuyên truyền chống phá nhà nước? Mà thật sự cái được gọi là "nhà nước" này có đáng chỉ bị chống phá không thôi, hay "chống phá" vẫn chưa đủ, mà nó còn đáng bị đạp vùi xuống bùn dơ cho mất tăm, mất tích hẳn đi?!

Sưu tầm trên Net, chúng tôi đọc được một đoạn văn giải thích về Tù nhân lương tâm như thế này:

Trích: Tù nhân lương tâm (tiếng Anh: Prisoner of conscience) là một thuật ngữ được đặt ra bởi các nhóm đấu tranh cho nhân quyền thuộc Tổ chức Ân xá quốc tếtrong đầu thập niên 1960. Thuật ngữ này có thể đề cập đến bất cứ ai bị bỏ tù vì lý do chủng tộcchính trịtôn giáomàu dangôn ngữxu hướng tình dụcniềm tinhay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. Thuật ngữ này cũng chỉ những người đã bị cầm tù và / hoặc bị bách hại vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ cách không bạo động. - Ngưng trích

Như vậy rõ ràng "Tù nhân lương tâm" không chỉ là những vị chúng tôi đã nêu danh ở trên mà còn rất nhiều người nữa hiện đang quằn quại trong các nhà tù của Việt cộng chỉ vì không đồng quan điểm với chúng hoặc có tư tưởng, có lời nói chống lại chúng. Đặc biệt hơn nữa là ngay cả những người không hề đả động gì tới Việt cộng mà họ chỉ biểu tình đả đảo Trung cộng vì những hành vi ăn cướp của bọn này mà cũng bị Việt cộng bắt bỏ tù hoặc trù dập, đánh đập là làm sao? Họ có là tù nhân lương tâm hay không?

Ngay rừ ngày còn nhỏ, 6 - 7 chục năm về trước học về địa lý nước nhà, chúng tôi đã thấy những câu: Nước Việt Nam hình cong như chữ "S", từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mau... Ngày nay thì Ải Nam Quan của Việt Nam đã biến thành Mục Nam Quan của Tầu cộng. Trước năm 1975 Trường Sa và Hoàng Sa cũng là của Việt Nam, thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 19/1/1974 Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa, hải quân VNCH đã chống trả hết sức oanh liệt, lính Tầu cộng chết bao nhiêu không rõ, nhưng Hải quân VNCH đã hy sinh hết 74 chiến sĩ, Thiếu Tá Ngụy Văn Thà hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo HQ-10 cũng đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến này. Đến sau 30 tháng Tư năm 1975, VNCH mất vào tay phỉ quyền cộng sản miền Bắc. Tưởng Trung cộng với Việt cộng là anh em, "môi hở thì răng lạnh" khiến Trung cộng trả lại Hoàng Sa cho Việt cộng. Ai ngờ nó đã chẳng trả lại Hoàng sa mà còn đớp luôn cả Trường sa. Đến nay thì Hoàng Sa, Trường sa đều bị Trung cộng hô hoán là tài sản do ông cha chúng để lại, không còn gì để bàn cãi! Khác hẳn với Philippines cũng có sự tranh chấp biển, đảo với Trung cộng, và tuy cũng tự biết mình là nước nhỏ không thể đối đầu bằng vũ lực với quân giặc cướp được, nhưng họ vẫn dám đưa chúng ra tòa án quốc tế. Trong khi đó thì nhà nước CHXHCN Việt Nam của Việt cộng lại không dám có hành động gì cả, chỉ dám ú ớ lên tiếng phản đối, mà phản đối suông thì làm được cái gì? Hèn với giặc như thế nhưng lại "ra ngõ gặp anh hùng" với dân!

Vùng biển thuộc phần "lãnh hải" của mình, ngư dân của mình tới đánh cá, Tầu cộng nó cho tầu thuyền của nó ra cướp cá, cướp ngư cụ, đánh đập ngư dân mình, dùng tầu sắt của nó đâm đắm tầu gỗ của ngư dân mình. Vậy mà radio, truyền hình của chxhcn Việt Nam mình chỉ dám nói là "tầu lạ" chứ chẳng dám chỉ đích danh là tầu Trung quốc. Nào đã hết đâu, mới đây Tầu cộng nó còn tiến thêm một bước dài nữa. Đảo của mình nó chiếm, sau đó nó còn "be bờ đắp đập", đổ thêm đất đá, làm hẳn một sân bay trên đảo, rồi làm đài Rada, rồi bố trí hỏa tiễn phòng không uy hiếp cả một vùng trời vùng biển. Vậy mà "ra ngõ gặp anh hùng" của ta chỉ biết ú ớ như những thằng ngọng! 

Hèn với giặc đến thế là cùng, thế nhưng lại "anh hùng" hết sức với dân. Chỗ nào cũng công an, ngoài ra còn "dân phòng", còn "dư luận viên" đặc nghẹt, lúc nhúc như rươi. Hở một tí thì đàn áp, rồi bị bắt, bị đánh đập, bị đưa ra tòa, bị tù tội người 2 năm, người 4, 5 năm hoặc nhiều hơn. Như vậy không phải là "Hèn với giặc, ác vời dân" thì là gì? 

16/3/2016

Điều tra viên dùng súng ép cung, đánh đập dân oan đến mức điếc tai

CTV Danlambao - Ngày 16/3/2016, toà án tỉnh Bình Phước đã mở phiên toà phúc thẩm kết án 2 năm 6 tháng 17 ngày tù giam đối với bà Nguyễn Thị Tâm – một dân oan bị cướp đất.

Do bản án phúc thẩm bằng với thời gian bị giam giữ điều tra nên bà Tâm đã được trả tự do ngay tại toà. Khi vừa kết thúc phiên xử, bà Tâm liền ôm con rồi bật khóc uất hận.


Trao đổi với CTV Danlambao, dân oan Nguyễn Thị Tâm đã lên tiếng tố cáo đại uý Nguyễn Đình Khuyên – cán bộ CA huyện Bù Đăng đã dùng súng đánh đập và bức cung bà trong quá trình điều tra.

“Nguyễn Đình Khuyên, đập và lấy súng bắn… Bắt quỳ xuống, dẫm lên tay rồi đánh vô tai”, bà Tâm kể lại trong tiếng khóc uất nghẹn.

Hậu quả sau những trọn đòn nhục hình đã khiến nạn nhân bị điếc tai bên trái, đi lại khó khăn và khó thở…

Mặc dù bà Tâm được trả tự do ngay tại toà, nhưng chồng bà là ông Ngô Văn Huynh vẫn bị kết án 3 năm tù giam – tức sẽ phải ngồi tù thêm 16 tháng nữa. Hiện nay, ông Huynh đang được tại ngoại do phải điều trị bệnh.

Sau hơn 2 năm 6 tháng ngồi tù oan khuất, toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn của vợ chồng ông bà đã bị cướp đoạt, hoàn cảnh không nơi nương tựa.

Vẫn cố ‘dựa hơi’ Nhà nước!

Hình minh họa.

 Cao Huy Huân

Theo VOA-17.03.2016
Mới đây báo Tuổi Trẻ đưa tin “Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) vừa đề nghị Chính phủ cho cơ chế để ưu đãi thuế cho dự án Liên hợp lọc hóa dầu (LHD) Nghi Sơn, vốn đầu tư 9 tỉ USD, với số tiền dự kiến khoảng 75.000 tỉ đồng trong 10 năm đầu tiên, trong đó có một phần tiền được lấy từ… người tiêu dùng!”. Như vậy cho đến lúc này, dường như PVN vẫn chưa thôi cách làm ăn “dựa hơi” vào Nhà nước – vào tiền của dân.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, PVN cho biết khi LHD Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại từ năm 2017, tập đoàn này sẽ phải thanh toán cho Công ty TNHH LHD Nghi Sơn (NSRP) số tiền “rất lớn”, có thể lên tới mức 75.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỉ USD) trong khi tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 9 tỉ USD. Tức mức ưu đãi đã chiếm hết một phần ba tổng vốn đầu tư – mức ưu đãi khiến những ai dễ tính nhất nghe qua cũng thấy giật mình. Không giật mình sao được khi tiền PVN yêu cầu từ Nhà nước – suy cho cùng cũng là tiền của dân, tiền của người tiêu dùng, vậy mà phải đổ lượng tiền khủng để nhà đầu tư đảm bảo được kết quả đầu tư... có lời.
Bên cạnh đó, dẫu không cần biết quá nhiều về kinh tế thì bất kỳ ai cũng có thể so sánh được cái lợi, hại giữa việc tự chủ xăng dầu nhờ LHD Nghi Sơn so với việc nhập khẩu. Hiện nay, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN xuống mức tối thiểu (0%), như vậy đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn. Nói nôm na, nhập khẩu dầu từ ASEAN còn có lợi hơn là bỏ hàng mớ tiền ưu đãi cho LHD Nghi Sơn – tiền vừa mất nhiều, gánh nặng lại cao, dư luận và lòng dân cũng chẳng an lành.
Đáng nói hơn, cơ chế “tự đá bóng, tự thổi còi” liên quan đến PVN, vốn đã được cảnh báo từ rất lâu, nay vẫn còn xuất hiện. Kiến nghị giải quyết khó khăn về nguồn tiền của PVN, theo Ngân hàng Nhà nước, thuộc chức năng quản lý của các bộ Công thương, Tài chính, Khoa học - Công nghệ và cả Bộ Giao thông Vận tải. Lâu nay nhiều chuyên gia trong nước lẫn quốc tế vẫn đặt dấu hỏi lớn về vấn đề Bộ Công thương quản lý PVN – một tập đoàn nhà nước. Việc quản lý như thế, trong một chừng mực nhất định, rất khó đảm bảo các yếu tố khách quan, minh bạch và cứng rắn trong giải quyết và tháo gỡ các khó khăn.
Đã vậy, Bộ Công thương còn “mở đường” cho PVN bằng cách thống nhất với đề xuất của PVN, đó là cần xây dựng cơ chế đảm bảo cho PVN có đủ nguồn tiền để chi trả các khoản ưu đãi (bù thuế) cho NSRP, đó là sẽ hình thành một quỹ với tên gọi là “Quỹ phát triển năng lượng bền vững”. Nghe tên của Quỹ này có vẻ hướng tới vấn đề an ninh năng lượng – một lợi ích chung của xã hội, nhưng bản chất thì lại là “móc tiền túi” của người tiêu dùng để bù lỗ cho tập đoàn đầu tư hóa dầu. Rất may, dù chưa có kết luận cuối cùng về số phận của Quỹ ưu đãi này, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và  Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cũng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng ông không đồng tình với việc thành lập quỹ. Ông Hiếu đưa ra lý do quỹ này thu phí xăng đối với người tiêu dùng để PVN chi trả cho nhà đầu tư NSRP là “không phù hợp”. Mặt khác, việc thành lập quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh với hàng ngoại nhập khẩu cũng là trái với các cam kết hội nhập, có thể bị coi là vi phạm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – điều mà nhà ta nói hoài, nói mãi vẫn không tránh được.
Nhìn lại thị trường xăng dầu Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Giá xăng dầu tăng nhanh hơn giảm; thậm chí có những lúc giá xăng vẫn tăng trong khi giá dầu thế giới giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân chính là sự kinh doanh, đầu tư kém hiệu quả của nhà đầu tư và doanh nghiệp, trong đó có cả PVN, ngay cả khi tập đoàn này công bố lãi lớn hàng năm. Phải thừa nhận rằng, giá xăng dầu tại Việt Nam có thấp hơn giá một số nước trong khu vực, nhưng đó chưa hẳn là nỗ lực từ các tập đoàn xăng dầu, mà có sự đóng góp từ các nguồn quỹ của Nhà nước mà suy cho cùng là tiền của dân, của người tiêu dùng xăng dầu dưới những hình thức khác nhau. Thế nên, cho đến khi việc nhập khẩu xăng dầu còn rẻ hơn việc trả tiền bù lỗ cho nhà đầu tư, mới thấy quá trình tính toán đầu tư của Việt Nam có vấn đề.
Chính ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, phát biểu trên báo chí cũng cho rằng khi ký các cam kết ưu đãi cho dự án này, phía VN không tính đến sự chênh lệch thuế trong các biểu cam kết hội nhập, thế nên khi vận hành phải cắn răng trả tiền bù thuế. Có thể dự đoán, để xảy ra vấn đề đáng tiếc như hiện tại, trước sau gì ngân sách nhà nước hoặc túi tiền của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, hoặc nhiều hay hoặc rất nhiều. Ngay trong khâu cam kết đầu ra cho sản phẩm của Nghi Sơn cũng có vấn đề, bởi lẽ PVN cam kết phải bao tiêu cho Nhà máy LHD Nghi Sơn - điều mà theo các chuyên gia kinh tế đánh giá là rất căng thẳng và khó khả thi, hao tốn rất nhiều chi phí bù thuế vì giá sản phẩm của Nghi Sơn quá cao. Trong thời đại hội nhập, các doanh nghiệp phải tìm xăng dầu giá rẻ bởi có hai lý do: thứ nhất là giá càng thấp, tính cạnh tranh càng cao. Người ta có thể tương trợ nhau vài ba ngày, vài ba tháng chứ không thể bỏ tiền bù lỗ cho một Nghi Sơn có giá cao ngút để rồi chịu thiệt vì thiếu cạnh tranh. Thứ hai, giá thấp thì lòng tin người tiêu dùng càng cao, không phải móc túi người tiêu dùng, kích thích nền kinh tế phát triển nhờ sản xuất tăng, cầu hàng hóa cũng tăng, kéo theo nhiều hệ quả tích cực khác.
Việc PVN và Nhà nước đau đầu vì phải bỏ tiền “nuôi nhà đầu tư” Nghi Sơn là hệ quả của quá trình quy hoạch các dự án lọc dầu thiếu cân nhắc; và khâu xem xét, phê duyệt các cam kết với nhà đầu tư cũng có vấn đề, thậm chí là thiếu minh bạch khi cho đến nay người dân mới biết hệ lụy từ hai chữ Nghi Sơn – vốn từng được kỳ vọng là niềm tự hào và một bước tiến quan trọng trong ngành hóa dầu của người Việt.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Còn lại gì tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng?

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
Chiến dịch tái ngăn chặn và chà đạp pháp luật về quyền tự do đi lại của nhiều trí thức và người dân Sài Gòn yêu nước tại sự kiện tưởng niệm Gạc Ma 14/3/2016 đang dẫn đến một hệ lụy nước tràn ly: bắt đầu dấy lên một luồng dư luận về việc yêu cầu Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu của hai ông Đinh La Thăng, Bí thư thành ủy TP HCM, và Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM.
Hoặc trầm trọng hơn, yêu cầu Tổng Bí thư “dân chủ đến thế là cùng” thay thế vai trò bí thư “vì dân và hành động” của ông Đinh La Thăng.
Sai lầm chính trị có hệ thống
Sự thật không thể chối bỏ là trong vòng một tháng rưỡi tính từ ngày nhậm chức bí thư thành ủy TP HCM, ngoài một số cố gắng mang tính tiểu tiết hoặc còn xa mới đạt tính khả thi như yêu cầu bắt buộc của các luận chứng kinh tế kỹ thuật ngành giao thông, công trạng đầu tiên của “Bình Nam chính ủy” của Tổng Bí thư Trọng là góp một bàn tay vào trận đòn trấn áp trí thức, đặc biệt nhắm vào những người yêu nước chỉ không muốn chế độ cầm quyền “người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống”.
Cuộc tưởng niệm tại Sài Gòn về trận thảm sát Gạc Ma cùng cái chết vì nước quên thân của 64 quân nhân Việt Nam đã một lần nữa, trong rất nhiều lần, biến thành bằng chứng sôi tiết của lực lượng công an “vì dân phục vụ” của thành phố này khi cấm không cho ra khỏi nhà nhiều trí thức - những người chỉ muốn đến Tượng đài Trần Hưng Đạo để đặt một vòng hoa, thắp một nén nhang cho người chết.
Không có những cái chết vì nước quên thân ấy, sẽ chẳng có những kẻ sống sót đang ung dung hưởng thụ bằng tiền thuế của dân như Thành ủy và Công an “thành phố mang tên Bác”. Và cả Bí thư Thăng…
Sai lầm của Bí thư Thăng, đến lúc này, có thể bước đầu kết luận đã mang tính xâu chuỗi và hệ thống.
Sai lầm đầu tiên - ngày 17/2/2016 tại Sài Gòn - có thể tạm bỏ qua, khi ông vừa chân ướt chân ráo “từ nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho TP HCM”. Cuộc kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 cùng 6 vạn quân nhân và đồng bào hy sinh đã bị biến thành một cái lò mổ kinh dị khi an ninh xông vào đám đông giằng xé, đập nát các vòng hoa, rất nhiều trí thức và người dân yêu nước bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, bị lôi xuống xe trên đường đến nơi kỷ niệm, rồi còn bị đánh đập thẳng tay. Ngay sau đó, một bức thư ngỏ gửi Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã được 61 trí thức cùng ký tên, vừa thống thiết vừa cảnh báo với ông Thăng trước hình ảnh chà đạp thẳng chân lên nhân quyền và dân chủ tại một thành phố chưa bao giờ thuộc về Hà Nội.
Vào ngày 17/2/2016 ấy, cái tên Đinh La Thăng đã bị những người dân Sài Gòn réo lên, vừa trách móc hoài nghi vừa công phẫn. Nhưng dù gì, vẫn có những người cảm thông vì tân bí thư thành ủy “chưa đầy 100 ngày”.
Nhưng đến cuộc tưởng niệm 14/3 năm nay thì không thể nói là Bí thư Đinh La Thăng vô can. Với vai trò một lãnh đạo chính trị, ông phải biết, thậm chí biết rất rõ về hành vi công an trấn áp tinh thần phản kháng Trung Quốc có thể mang lại hậu quả phản kháng ghê gớm đến thế nào đối với chế độ mang danh Cộng sản. Và cả với cá nhân ông.
Nhưng trong lúc còn say sưa tuyên truyền mở đường dây nóng “dân nguyện” cho Thành ủy thì Bí thư Thăng lại không hề có động tác nào trả lời bức thư phản kháng ngày 17/2 của 61 trí thức về vi phạm quyền tự do đi lại và tự do hội họp. Đó chính là một sai lầm chính trị - sai lầm đầu tiên đối với người từng phụ trách công tác đoàn, nhưng giờ đây não trạng đã như bị nhiễm không chỉ bệnh nghề nghiệp mà còn là lối suy nghĩ bệnh hoạn “nhìn đâu cũng thấy địch” của ngành công an.
Não trạng bệnh hoạn ‘nhìn đâu cũng thấy địch’
“Vì dân và hành động” là một khẩu hiệu mà Đinh La Thăng đã tuyên rao và được những tờ báo nhà nước ra sức cổ vũ. Nhưng hành động lại ngược ngạo - ông đang làm mất lòng dân, thậm chí đang xúc phạm nặng nề đến tình cảm yêu nước thật sự, một tinh thần phản kháng Trung Quốc hiếm có vào thời buổi này, vào lúc đa số xã hội đã quá vô cảm chính trị, còn giới cầm quyền và công an thì từ lâu đã bị người dân mặc định theo sấm truyền “hèn với giặc, ác với dân”.
Có một minh chứng về sấm truyền trên mà Đinh La Thăng có thể đã biết hay không biết, nhưng giờ thì phải biết. Tháng 5/2014, ngay sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, cùng với cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người ở Sài Gòn phản kháng Bắc Kinh, một nữ Phật tử là Lê Thị Tuyết Mai đã trở thành người đầu tiên tự thiêu chính trị trước cửa Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập trước đây). Cả Sài Gòn náo động bởi cái chết chói sáng ấy. Trong lúc toàn thể Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn câm lặng không ra nổi một nghị quyết, thậm chí không một lời tán thán trước nỗi nhục quốc thể chỉ còn biết chui đầu xuống đất, ngọn lửa đỏ rừng rực vút cao từ thân thể nữ Phật tử Lê Thị Tuyết Mai là lời tố cáo sống mái nhất đối với bất cứ đại biểu Quốc hội, ủy viên Trung ương đảng hay ủy viên Bộ Chính trị nào nếu có gan tự thiêu vì lòng ái quốc.
Thế nhưng “hèn với giặc, ác với dân” lại hiện ra ở nơi mà người ta quá khó để hình dung. Song trùng với trận đàn áp đến đổ máu của Công an TP HCM dành cho những người biểu tình phản kháng giàn khoan Hải Dương 981, một lãnh đạo quận thuộc loại “tuổi trẻ tài cao” là Lê Trương Hải Hiếu, con ruột của bí thư thành ủy còn tại vị năm 2014 là ông Lê Thanh Hải, đã dối trá một cách khó tưởng tượng trên truyền thông về vụ tự thiêu của bà Lê Thị Tuyết Mai “do bế tắc về cuộc sống”. Theo đó, đám tang bà Lê Thị Tuyết Mai cũng tràn ngập bế tắc khi công an vòng trong vòng ngoài, đông hơn hẳn người viếng với sát khí đằng đằng.
Đó cũng là cái cách mà từ nhiều năm qua, giới mặc sắc phục lẫn bán sắc phục đã đối xử với trí thức và người dân Sài Gòn. Mặc dù không còn dám lao vào đám đông giật xé vòng hoa tưởng niệm như những lần trước, nhưng ngày 14/3/2016 vẫn chứng kiến cảnh nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an cấm không cho ra khỏi nhà như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Hòa thượng Thích Thiện Minh, nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà hoạt động Huỳnh Kim Báu, kỹ sư Tô Lê Sơn, nhà báo Hạ Đình Nguyên, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Phạm Chí Dũng…
Trong khi đó cũng vào ngày 14/3/2016, có đến 200 người dự tưởng niệm Gạc Ma ở Hà Nội. Tương tự 3 lần tưởng niệm và kỷ niệm trước đó, lực lượng an ninh Hà Nội chỉ dứng ngoài quan sát và ghi hình mà không trấn áp. Thậm chí vào lần này, cuộc tưởng niệm ở Hà Nội còn biến thành cuộc tuần hành ôn hòa xung quanh Hồ Gươm.
‘Không có gì thay đổi’
Tân Bí thư Đinh La Thăng cần phải biết: Chưa kể nhiều cuộc đàn áp biểu tình xảy ra trong những năm trước, chỉ trong 4 tháng qua, 4 lần chính quyền và công an TP HCM đã tỏ ra sắt máu hơn hẳn Hà Nội, tỏ rõ ý đồ và hành vi đàn áp tinh thần thoát Trung một cách có hệ thống.
Lê Đông Phong, người bất ngờ thay thế chức giám đốc Công an TP HCM từ tay ông Nguyễn Chí Thành vào năm 2015, đã từ thiếu tướng lên trung tướng trong vòng 4 tháng quyết liệt ấy.
Vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Công an TP HCM đã “thành tâm” hơn trước tinh thần chống Trung Quốc, nhu cầu tụ tập tưởng niệm và kỷ niệm của người dân về nỗi đau dĩ vãng. Những nhân viên an ninh ngăn chặn nhà báo Phạm Chí Dũng còn khẳng định với ông “Không có gì thay đổi” về đối sách ngăn chặn trí thức.
Chẳng lẽ đó là cái cách mà Bí thư Thăng cùng lực lượng an ninh anh dũng đàn áp dân sẽ chọn lựa để tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ tại Sài Gòn vào tháng Năm tới?
‘Vòng đời’ nào cho Bí thư Thăng?
Vậy làm thế nào để Đinh La Thăng “vì dân và hành động”, với tư cách một người được dân bầu vào Quốc hội, và hơn cả thế, là một bí thư thành ủy hiếm hoi phô bày hình ảnh dọn rác trước ống kính chằm chặp lộ liễu của hàng chục phóng viên báo chí?
Vẫn còn khá sớm để đánh giá và kết luận về một con người, nhất là về con người lãnh đạo với cái tên chưa biết có nên viết hoa hay viết tháu. Nhưng ở Sài Gòn với lịch sử 41 năm qua, không chỉ một lần người dân đã chứng kiến những lãnh đạo mới sùng sục vi hành cùng hàng chục tuyên ngôn bất hủ trong thời gian đầu nhậm chức. Chỉ có điều, “vòng đời” của những tuyên ngôn ấy đã rất thường là quá ngắn ngủi so với nhiệm kỳ lãnh đạo. Lâu thì kéo dài được một năm, sớm chỉ 3 đến 6 tháng. Sau đó, tất cả lặn không sủi tăm, còn giới cách mạng lão thành rồi cả báo chí đồng kêu ca về “nói hay hơn làm”, để cuối cùng dường như không một lãnh đạo nào còn nhớ mình đã nói gì. 
Hãy mong rằng “vòng đời” tuyên ngôn của Đinh La Thăng có được tuổi thọ dài hơi hơn những lãnh đạo trong quá khứ. Nhưng nếu không hành động hoặc chẳng biết làm thế nào để hành động có hiệu quả tương xứng với phát ngôn, Bí thư Thăng sẽ mau chóng sa vào bãi lầy dĩ vãng cùng giới công an trị “nhìn đâu cũng thấy địch” ngay sát nách ông.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.