Wednesday, March 28, 2018

Đại tá Tôn Thất Tuấn được Bổ Nhiệm Làm Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam

Đại tá Lục quân Hoa Kỳ gốc Việt Tôn Thất Tuấn, một thuyền nhân tị nạn cộng sản được Bổ Nhiệm Làm Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Bộ quốc phòng Hoa Kỳ vừa bổ nhiệm Đại tá Lục quân Hoa Kỳ gốc Việt Tôn Thất Tuấn làm tùy viên quân sự Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Việt Nam thay thế cho Đại tá Lục quân Earnest Lee, Tùy viên quân sự tiền nhiệm mãn nhiệm kỳ trở về Bộ quốc phòng nhận nhiệm vụ mới. Đại tá Tôn Thất Tuấn là Tùy viên quân sự Hoa Kỳ gốc Việt thứ hai sau Đại tá Lục quân Hoa Kỳ gốc Việt Patrick D. Reardon Tùy viên quân sự nhiệm kỳ trước Đại tá Earnest Lee.
Văn phòng Tùy viên Quân sự Tòa Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam chịu trách nhiệm hỗ trợ trong việc phối hợp thực hiện chính sách quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời là đại diện cho Bộ trưởng Quốc phòng, và Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, và các cơ quan quân sự khác của Hoa Kỳ. Do đó Đại tá Tùy viên Quân sự chịu trách nhiệm phân tích và tường trình về những diễn biến quân sự tại Việt Nam trong bối cảnh về những vấn đề an ninh đang diễn ra trong khu vực và trên toàn thế giới, nhằm thông tin trong việc đưa ra những chính sách quân sự đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Văn phòng Tùy viên Quân sự cũng phối hợp tất cả các hoạt động về an ninh giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam tại các diễn đàn song phương và đa phương, cũng như trong mọi lĩnh vực hoạt động quân sự.
Đại tá Tôn Thất Tuấn, một thuyền nhân tị nạn cộng sản định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1977, sau khi hoàn tất Đại học Southeastern Oklahoma State University, ông theo đuổi ước mơ phục vụ trong quân đội và trở thành một binh sĩ vào năm 1986. Đơn vị đầu tiên trong đời quân ngũ của ông là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 30, Lữ đoàn 3, Sư đoàn 3 Bộ binh. Năm 1989, ông theo thụ huấn khóa sĩ quan và trỡ thành một Sĩ quan Bộ binh, từ đó ông lần lượt thuyên chuyển phục vụ tại các đơn vị như: Sư đoàn 101 nhảy dù (101st Airborne Division), Sư đoàn 1 Thiết kỵ (1st Cavalry Division), Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (U.S. Pacific Command), Lực lượng hỗn hợp tìm kiếm tù binh và quân nhân Hoa Kỳ mất tích/Bộ quốc phòng (Defense POW/MIA Accounting Agency) v.v…
Đại tá Tôn Thất Tuấn đã từng phục vụ và chiến đấu tại Kuwait, Iraq và Afghanistan-Pakistan border. Ông được ân thưởng nhiều huy chương cao quý như: Bronze Star Medal, Defense Meritorious Service Medal with 2nd Oak Leaf, Meritorious Service Medal, Department of State Meritorious Honor Award, Ranger Tab, Parachute Badge, Air Assault Badge, and Combat Infantryman Badge. Ông được thăng cấp Đại tá vào năm 2012.
Trần Anh.

Gây ô nhiễm, đóng phạt rồi lại... xả thải!

Theo NLDO-27/03/2018 07:40

Sau khi bị xử phạt, nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn tiếp tục vi phạm khiến cư dân mất ăn mất ngủ và mất cả lòng tin vào chính quyền địa phương

Khoảng 16 giờ 30 phút mỗi ngày, những đứa trẻ chừng 4-7 tuổi được ông bà, cha mẹ dẫn xuống chơi dưới chung cư Tín Phong (khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM) thỉnh thoảng lại bịt mũi, dụi mắt. Cách đó chừng vài trăm mét, ống khói từ 2 cơ sở sản xuất bốc lên ngùn ngụt theo hướng gió phả thẳng vào chung cư, nơi những đứa trẻ đang vui chơi.
Dùng vải vụn, vỏ điều làm nhiên liệu
Đứng chừng 15 phút, chúng tôi đã không chịu nổi mùi khét khó chịu, mắt cay xè. Ông Trần Văn Thắng, ngụ block B chung cư Tín Phong, cho biết ống khói xả ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày, xộc thẳng vào chung cư. Đến buổi tối, cơ sở thải ra nhiều hơn, muội than theo gió bay vào các căn hộ. "Chúng tôi đã kiến nghị lên phường, quận nhiều lần nhưng chẳng thay đổi được gì. Giờ chẳng biết đi đâu kêu nữa" - ông Thắng ngán ngẩm.
Ông Nguyễn Trung Thông, Trưởng Ban Quản trị chung cư Tín Phong, cho biết cách đây 2 năm, cư dân quá bức xúc nên đã mời công an và đại diện UBND phường Tân Thới Nhất đến kiểm tra, làm việc với Công ty TNHH Long Vĩ. Vào trong công ty, cư dân mới tá hỏa khi thấy vải vụn, vỏ hạt điều chất thành đống để làm chất đốt. Ngoài ra, hệ thống xả khói của công ty này không được xử lý mà cho thải thẳng ra ngoài. Sau đó, UBND phường đã lập biên bản đề nghị công ty cam kết không xả khói gây ô nhiễm môi trường.
Đến tháng 3-2017, công ty này bị UBND quận 12 xử phạt 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng. Mới đây, khi kiểm tra lại, cơ quan chức năng xác định cơ sở này phát sinh nguồn gây ô nhiễm khí thải do lò hơi dùng nhiên liệu đốt là củi, than đá.
"Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư. Trong thời gian chờ di dời, phải giám sát chặt chẽ khí thải để người dân có môi trường sống trong lành" - ông Thông kiến nghị.
Gây ô nhiễm, đóng phạt rồi lại... xả thải! - Ảnh 1.
Khói bốc lên nghi ngút từ cơ sở giặt nhuộm tại ấp 1B, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM gây ô nhiễm môi trườngẢnh: Sỹ Đông
Gây ô nhiễm nhưng vẫn cố thủ
Cũng ở quận 12, theo tìm hiểu của phóng viên, tại phường Đông Hưng Thuận vẫn còn 5 cơ sở "cố thủ" hoạt động, trong đó có doanh nghiệp lén lút xả thải ra kênh Tham Lương.
Một trong những cơ sở mà người dân bức xúc nhất là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thiên Phú Thịnh, liên tục xả khói khiến các hộ dân xung quanh phải đóng cửa vì không chịu nổi mùi khét. Ông Phạm Văn Duyên, giám đốc công ty, nói doanh nghiệp sẵn sàng di dời nhưng do địa điểm mới chưa hoàn thiện nên chưa thể thực hiện. Lãnh đạo UBND phường Đông Hưng Thuận cho biết đã có văn bản gửi UBND quận 12 kiến nghị xử lý Thiên Phú Thịnh và 4 công ty khác, đề nghị để sớm di dời khỏi khu dân cư.
Hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh cũng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất gây ra. Điển hình là tại đường liên ấp 1-2 (thuộc ấp 1B, xã Vĩnh Lộc B), từ nhiều tháng qua xuất hiện nhiều cột khói bốc lên nghi ngút phả ra các khu dân cư xung quanh. Nguồn thải này xuất phát từ một số nhà xưởng được xây dựng kiên cố nhưng luôn đóng cửa, bên ngoài cũng không treo bảng hiệu. Người dân có nhà cạnh cơ sở gây ô nhiễm cho biết thời điểm khói bốc lên nghi ngút là buổi trưa hoặc chiều tối, bởi vào lúc này, lực lượng chức năng ít đi kiểm tra.
"Nhiều lúc cột khói bốc cao hàng chục mét, nhìn từ xa cũng thấy rõ nhưng không hiểu sao lực lượng chức năng không xử phạt. Chúng tôi đã gửi đơn đến xã và huyện để cầu cứu nhưng những cột khói vẫn cứ phả ra đều đặn như thách thức" - một người dân bức xúc.
Ô nhiễm"trong ngưỡng cho phép"!?
Người dân ở huyện Củ Chi đã nhiều lần gọi điện thoại đến đường dây nóng Báo Người Lao Động phản ánh về việc phải sống trong bầu không khí ô nhiễm.
Điển hình, cơ sở Vũ Văn Tuấn trên đường Võ Văn Bích, xã Bình Mỹ khiến người dân mất ăn mất ngủ từ nhiều tháng qua. Ông Vũ Văn Tuấn, chủ cơ sở này, thừa nhận cơ sở của ông hoạt động trong lĩnh vực giặt vải, trong quá trình hoạt động có thải ra môi trường hơi ẩm khi làm khô vải. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, cơ sở có đốt củi làm phát sinh khói bụi nhưng trong quy chuẩn cho phép.
Bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, cho biết trước đây, người dân cũng phản ánh cơ sở này gây ô nhiễm. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì kết quả, không có việc cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
SỸ ĐÔNG - TRƯỜNG HOÀNG - Ý LINH

"Xâu xé" bảo tàng Quảng Ngãi

Theo NLDO-28/03/2018 23:25

Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đang bị "xẻ thịt", kinh doanh với đủ mọi hình thức từ quán cà phê cho đến... xưởng mộc

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động vào cuối tháng 3-2018, dù nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất TP Quảng Ngãi với 3 mặt tiền đường nhưng khung cảnh bảo tàng lại hẩm hiu, nhếch nhác.
Ở khu vực cổng chính của bảo tàng (mặt Nguyễn Du, TP Quảng Ngãi) có 2 quán cà phê với diện tích hàng trăm mét vuông, xung quanh là xe cộ ngổn ngang. Quán cà phê nằm ở phía Đông trong khuôn viên bảo tàng được xây dựng từ năm 2015 đến nay. Riêng một quán nằm ở phía Tây mới xuất hiện cuối năm 2017. Thậm chí một trụ ATM của ngân hàng cũng được dựng lên trong phần đất cạnh cổng chính bảo tàng.
Đi sâu vào bên trong là khung cảnh lụp xụp, các hiện vật bị xâm lấn, nhiều nơi trở thành khu trưng bày dàn cây cảnh của các ông chủ quán cà phê. Cạnh bên nơi trưng bày của bảo tàng là một xưởng mộc bày ngổn ngang các loại cưa xẻ.
Ông Trần Văn Trung, một người dân sống gần bảo tàng, cho rằng bảo tàng là nơi trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan, giúp người dân hiểu nguồn gốc của các hiện vật, am hiểu lịch sử dân tộc nhưng hiện nay, bảo tàng quá nhếch nhác. Nhiều hiện vật bị xuống cấp. "Làm kiểu này còn ai dám đến bảo tàng nữa. Nếu có đến cũng chỉ đến uống cà phê, nghe tiếng máy cưa gầm rú chứ còn gì đâu nữa tham quan" - ông Trung nói.
Xâu xé bảo tàng Quảng Ngãi - Ảnh 1.
Quán cà phê nằm trong khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi
Theo ông Lê Hồng Khánh, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, toàn bộ khuôn viên 2 quán cà phê và xưởng mộc trước kia thuộc phần đất bảo tàng quản lý nhưng hiện đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cắt giao cho doanh nghiệp.
"Về nguyên tắc, đất UBND tỉnh đã giao cho doanh nghiệp, họ có quyền làm gì thì làm. Dù chúng tôi có muốn ngăn họ cũng không được bởi quyết định cắt đất bảo tàng giao cho doanh nghiệp do UBND tỉnh đưa về, chúng tôi phải làm theo" - ông Khánh nói.
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương xã hội hóa bảo tàng Quảng Ngãi và giao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Công ty CP Đầu tư Phát triển Đoàn Ánh Dương (gọi tắt Công ty ĐAD) thực hiện dự án này. Sau đó, Công ty ĐAD đã xin phép lập khu nhà rường làm trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm các hoạt động triển lãm di sản văn hóa, hiện vật trong khu vực thuộc khuôn viên bảo tàng.
Dù mang tiếng khu trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa nhưng khi đến đây, người dân hầu như không thấy gì ngoài khu nhà rường làm nơi bán cà phê. Ngay tại cổng vào khu nhà rường cũng được đơn vị chủ quản đặt tên Cà phê Nhà Cổ.
Ssau khi "hợp thức hóa" quán Cà phê Nhà Cổ với hoạt động kinh doanh cà phê, nước uống trong khuôn viên bảo tàng, đến tháng 9-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định cắt 4.933 m2 đất thuộc khuôn viên bảo tàng cho Công ty ĐAD thuê với thời hạn 49 năm. Lý do thu hồi cho Công ty ĐAD là để xây dựng trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Phần đất bị cắt này bao bọc bảo tàng gồm cả 2 quán cà phê, xưởng mộc. 
Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Phú Trọng quen thói bốc rời

“…Nghe nói tổng bí thư hay lẩy Kiều. Học tập ông, và nhớ tới chân dung Thúc Sinh, vậy xin có thơ rằng: Phú Trọng quen thói bốc rời (*),
Tự sướng bốn tỉ đi đời như không!...”
Đọc báo "lề phải" mới biết ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư ĐCS VN, đã hạ cánh xuống sân bay Orly chiều ngày chủ nhật 25 tháng ba 2018, bắt đầu cuộc đi thăm chính thức nước Pháp trong hai ngày 25-27/3/2018:
Theo đặc phái viên TTXVN, đón Tổng Bí thư và Đoàn tại sân bay có đại diện Chính phủ Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp cùng các cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Pháp (Lao Động) (Lao Động, cũng như các báo khác không cho biết "đại diện Chính phủ Pháp" là ai, trên bộ hình ảnh hoành tráng của đài VoV cũng chẳng thấy ai).
24 giờ đầu trên đất Pháp, ông Trọng làm gì ? Báo lề phải trân trọng đưa hai tin :
* Dâng hoa tại Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Không gian Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil (Đại biểu nhân dân)
* Tổng Bí thư gặp gỡ thân mật đại diện trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp (Lao Động) – bài báo không cho biết tên họ của một "đại diện" nào, chỉ thấy hình Tổng bí thư ngồi bàn chủ toạ bên cạnh một bà (chắc là phu nhân) và bốn quan chức.
Cho đến tối ngày 26.3, không thấy một dòng tin nào trên báo Pháp nói tới chuyến đi thăm chính thức "theo lời mời của tổng thống Cộng hoà Pháp Emmanuel Macron".
Ồ đây, nhật báo Le Monde đề ngày thứ ba 27/3/2018 (ra buổi chiều 26.3) đã dành trọn một trang, với chân dung Tổng bí thư ở chính giữa, dưới đầu đề Belles perspectives des relations vietnamo-françaises (Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Pháp) và dòng giới thiệu trên đầu trang: Một diễn đàn của Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân chuyến đi...
quangcao_lemonde
Trang trọng, hoành tráng đến thế là cùng. Nhưng, lạ nhỉ, không thấy đề số trang, không thấy tên tờ báo. Bạn đọc cứ tin chúng tôi đi : đây là trang 11 số báo Le Monde đề ngày 27.3.2018, không đề số trang, nhưng bên trái là trang 10, mặt sau là trang 12, ai không tin, chịu khó bỏ ra 2,60 EUR mà kiểm tra. Nhìn kỹ hơn, ở đầu trang, bên phải, có đề rõ : Publicité (quảng cáo).
Hoá ra, nhật báo Le Monde không đăng bài viết của ông Trọng, mà đăng một trang quảng cáo cho ông. Vào trang mạng sau đây: tarifspresse.com/PDF/00551_20151030.pdf
Bạn đọc có thể thấy giá tiền mua trang 11 (chưa kể thuế TVA) là 147 900 EUR. Nếu tính thuế dành riêng cho quảng cáo báo chí (với điều kiện) là 2,1%, thì số tiền lên tới 151 000 EUR. Tính theo hối suất (ngày 26.3.2018) là 4 228 000 000 đồng Việt Nam, nghĩa là hơn 4 tỉ VND.
Nghe nói tổng bí thư hay lẩy Kiều. Học tập ông, và nhớ tới chân dung Thúc Sinh, vậy xin có thơ rằng :
Phú Trọng quen thói bốc rời (*),
Tự sướng bốn tỉ đi đời như không!
Nguyễn Bần Khinh
(*) Bốc rời (Từ điển SOHA : http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Bốc_rời) (Từ cũ) tiêu tiền của hết sức hoang phí.
"Thúc Sinh quen thói bốc rời, Trăm nghìn đổ một trận cười như không!" (TKiều)
Đồng nghĩa : bốc giời, bốc trời
PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC:
* T.S. (Genève, Thuỵ Sĩ) : 
Trong bài, tác giả Nguyễn Bần Khinh có câu: " ...  chỉ thấy hình Tổng bí thư ngồi bàn chủ toạ bên cạnh một bà (chắc là phu nhân) và bốn quan chức ... ". Nhìn lại ảnh báo Lao Động thì nhận ra (từ trái sang): BT bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, ông Nguyễn Văn Nên, Ban Bí thư, Chánh VP TƯ, bà Tòng Thị Phóng uv BCT, PCT nuớc CHXHCNVN, ông TBT, ông Phạm Bình Minh và ông Hoàng Bình Quân, trưởng Ban đối ngoại TƯ ĐCSVN.
* D. M. (Paris, Pháp) :
Thuế TVA 2,1% chỉ dành cho một số trường hợp đặc biệt tuân thủ những điều kiện khá ngặt nghèo về những bài đăng quảng cáo trên báo in. Trong trường hợp bài của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ họ phải đóng thuế suất bình thường là 20 %. Giá in một trang quảng cáo ở trang 11 (cũng như các trang 7, trang 9) của báo Le Monde, theo biểu giá năm 2016 mà Diễn Đàn đã trích dẫn, là 147 900 €, thuế suất 20 % là 29 580 €, tổng cộng 177 480 €, theo hối suất hiện hành 1 € = 28 000 VND, tức là 4 969 440 000 VND. Gần 5 tỉ đồng.

Những kẻ ngu dốt và phá hoại

“…Nên cần cơ quan điều tra vào cuộc vụ việc vô cùng nghiêm trọng này vì nó đang tiếp tay cho hành vi tuyên truyền xuyên tạc rất nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo mà đang là xung đột, tranh chấp quyết liệt giữa các quốc gia…”
diepvu_biendo00
Sự ngu dốt nào cũng đều phải trả giá, hoặc chúng giả ngu để tiếp tay cho việc chủ quyền biển đảo trở nên bị xâm hại ngày càng trắng trợn hơn từ kẻ bành trướng.
Bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ, như tôi có bài viết cách đây vài hôm, có nói rõ việc rồi đến khi Trung Quốc họ đưa ra bản gốc hoặc khẳng định vùng biển đó là ở đâu trên Biển Đông thì lúc đó tính sao khi Việt Nam đã công chiếu chính phần mà họ muốn được công khai thừa nhận nhất?
Thì đúng như vậy, ngay trên trang báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua đã có khẳng định rất rõ ràng cảnh cuối cùng trong phim Điệp vụ Biển Đỏ là cảnh diễn ra ở vùng biển của quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà chúng vẫn gọi là Nam Sa.
Trong Luật Biển quốc tế ghi rõ vùng lãnh hải là vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở và kế đó là vùng tiếp giáp rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài lãnh hải hoặc là vùng được mở rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở mà từ đó bề rộng lãnh hải được đo đạc. Và các tàu khi đi qua lãnh hải phải cắm cờ cũng như được quyền đi qua vô hại. Nhưng ở đây trong văn bản trả lời của Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) khẳng định rằng không thể xác định toạ độ vùng biển diễn ra cảnh hải quân (cảnh sát biển) của Trung Quốc xua đuổi tàu lạ xâm phạm vào hải phận của Trung Quốc trên Biển Đông nên không có gì liên quan đến chủ quyền biển đảo. Thật ngu xuẩn vì không biết gì về Luật Biển quốc tế khi nói “hải phận của Trung Quốc trên Biển Đông” vì không có thuật ngữ pháp lý này trong Luật quốc tế cũng như điều này lại được Trung Quốc mong muốn vì đường lưỡi bò 9 đoạn của chúng chiếm 80% diện tích Biển Đông, nơi mà không thể xác lập chủ quyền riêng biệt cho bất cứ quốc gia nào.
Và bọn họ cũng lại hết sức dốt nát khi lý luận cho rằng không rõ toạ độ vùng diễn ra việc xua đuổi nên không xác định được vùng biển nào để coi là liên quan đến vấn đề chủ quyền.
Có năm cách mà chúng có thể thực hiện bành trướng về chủ quyền trên biển đông, bao gồm: Tuyên truyền (truyền thông), biện pháp tâm lý, pháp lý (đàm phán song phương hoặc đa phương; kiện tụng), kinh tế (mua bán hay gán nợ) và quân sự hoá (dùng vũ lực cưỡng đoạt). Và truyền thông đóng vai thường xuyên và quan trọng trong vấn đề xác nhận về ý chí và thái độ của một nhà nước (dân tộc) đối với chủ quyền đang tranh chấp.
diepvu_biendo01
Mọi sự ngu dốt đều sẽ phải trả giá rất lớn và đặc biệt đắt. Nên cần cơ quan điều tra vào cuộc vụ việc vô cùng nghiêm trọng này vì nó đang tiếp tay cho hành vi tuyên truyền xuyên tạc rất nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo mà đang là xung đột, tranh chấp quyết liệt giữa các quốc gia mà đang ở những thời điểm cực kỳ căng thẳng và quyết định.
Cái quy trình khốn nạn đó chỉ có phá hoại đất nước chứ ở đó mà còn lên giọng và lớn tiếng mà khẳng định đúng quy trình.
LS Lê Luân

Vụ Mobifone sẽ ra sao?

“...Khó hiểu nhất lúc này là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã chỉ đạo Ban Bi Thư làm rõ vụ Mobifone. Phúc và Trọng đang có những toan tính riêng của mình, bởi thế vụ Mobifone sẽ rất khó lường…”
trong_phuc
Ngày 9 tháng 3 năm 2018 Ban bí thư trung ương đảng CSVN họp dưới sự chủ trì của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vụ mua bán giữa Mobifone và AVG. Trước đó 1 ngày, Ban Bí Thư đã chỉ đạo chính phủ phải có kết luận thanh tra về vụ việc này với tinh thần làm rõ vụ việc và thu hồi tài sản cho nhà nước.

AVG là một hãng truyền hình tư nhân do ông Phạm Nhật Vũ làm chủ, ông Vũ là em trai của tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng. AVG đã được bán cho Mobifone với giá 8.900 tỷ Việt nam đồng tương đương gần 400 triệu usd vào hồi tháng 1 năm 2016.

Vụ mua bán này lập tức gây chấn động dư luận và ngay tức khắc dư luận đồn đại có liên quan đến Nguyễn Thanh Phượng, con gái của Nguyên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự đồn đại kéo dài càng khiến cho vụ mua bán Mobifone thêm phần hấp dẫn dư luận, nhiều bài viết dài kỳ của một nhân vật tên là Nguyễn Văn Tung đã được đưa lên mạng xã hội về vấn đề này. Trong bài viết của mình Nguyễn Văn Tung đưa ra tình huống Mobifone sẽ cổ phần hoá, công ty tư vấn của Nguyễn Thanh Phượng có tên viết tắt là VCSC được trúng thầu tư vấn cổ phần hoá Mobifone. Từ tình huống giả thiết mà Nguyễn Văn Tung đưa ra, tin đồn tam sao thất bản thành VCSC là công ty tư vấn vụ mua bán AVG sau này, cho đến tận bây giờ dư luận vẫn còn bị cuốn theo giả thiết của một số nhà bình luận cho rằng vụ Mobifone mục đích nhằm đến Nguyễn Thanh Phượng.

Sự thật thì công ty tư vấn, định giá cho Mobifone mua AVG có tên viết tắt là VCBS. Trong kết luận thanh tra chính phủ ngày 13 tháng 3 năm 2018 vừa qua, có đoạn chỉ dạo Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc Mobifone thu hồi, tức đòi lại tiền tư vấn  của 2 công ty tư vấn là VCBS và AMAX với số tiền là 1, 5 tỷ đồng.

Điều này cho thấy công ty tư vấn không bị quy kết xử lý gì về mặt hình sự, và số tiền họ được nhận trong vụ mua bán 8.900 tỷ này là quá nhỏ bé, không đáng là bao. Nhưng tin đồn của dư luận về vụ Mobifone có liên quan đến Nguyễn Thanh Phượng đã làm dư luận nổi sóng liên tục mấy năm. Bỗng nhiên thành sức ép phải tìm cách giải quyết.

Cuối cùng Ban Bí Thư và Nguyễn Phú Trọng quyết định ra tay kết thúc vụ việc gây ầm ĩ dư luận bấy lâu này,  hãy nên nhớ trong chỉ thị của Ban Bí Thư không hề có từ đại án, vụ án mà họ gọi đây là vụ việc quan tâm dư luận. Nguyễn Phú Trọng khi đã xem xét kỹ không có đối thủ nào thuộc diện ông ta cần tiêu diệt nằm trong vụ mua bán Mobifone, bởi thế Trọng đã chỉ đạo Ban Bí Thư chỉ cần gây áp lực thu hồi tiền về và chấm dứt những ầm ĩ xung quanh sao có lợi cho uy tín của ông ta và đám đệ tử ở Ban Bí Thư. Anh em nhà Vượng Vũ trong hai năm này liên tục tìm đến Nguyễn Phú Trọng và đám đệ tử của Trọng để cầu cạnh sự bình an cho mình.

Nhưng Nguyễn Xuân Phúc không dễ dàng gì đứng ngoài vụ việc ầm ĩ về tiền và tiếng này. Ban Bí Thư  cùng với Mobifone và anh em nhà Phạm Nhật Vượng, Phạm Nhật Vũ lợi dụng Phúc đi Úc để thoả thuận giàn xếp vụ việc mua bán AVG khá ổn thoả bằng cách anh em Vượng, Vũ trả lại tiền với lý do vụ mua bán chưa hoàn tất, đồng thời bồi thường thêm khoản thiệt hại lãi suất. Việc huỷ hợp đồng này đã được tham vấn qua luật sư, có sự chứng kiến của luật sư và đã nhanh chóng hoàn tất.

Phúc phải thể hiện với dư luận vai trò thủ tướng không phải bù nhìn của mình như dư luận nghĩ, nhất là trong thời điểm này cuộc chay đua ở nhiệm kỳ kế tiếp đã vào cuộc, Phúc không thể để mình lép vế. Phúc cũng nhân thể vụ việc này để ép chết vài kẻ nằm trong Mobifone và bộ thông tin truyền thông cho cả Ban Bí Thư lẫn Trọng, Phúc được mát mặt thể hiện.

Vụ việc Mobifone không có chứng cứ nào dẫn đến Nguyễn Thanh Phượng như Trương Tấn Sang từng nghĩ, chính Sang là người khởi động nhắm vào Mobifone vì nghĩ Nguyễn Thanh Phượng có dính líu tới Mobifone. Sự phát động nhằm vào Mobifone của Tư Sang tạo cơ hội cho đám Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoà Bình trong 2 năm qua đã gặt hái bao nhiêu tiền bạc của anh em nhà Phạm Nhật Vượng, đến bây giờ có thể nói anh em nhà Vượng Vũ đã được tách ra khỏi vụ việc.

Nhóm Trọng, Phúc và Trương Hoà Bình sẽ thống nhất với nhau để lôi vài quan chức trong Mobifone và Bộ thông tin truyền thông ra kỷ luật để được lòng dư luận, đồng thời cũng che mắt được dư luận việc trong 2 năm qua, nhóm này đã nhận bao nhiêu tiền bạc của anh em nhà Vượng, Vũ. Môt điều đáng chú ý là cùng với việc đốt lò của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, số lượng kim cương loại lớn giá trị hàng triệu usd được nhập về Việt Nam đột ngột tăng. Những viên kim cương này được thay thế cho tiền, vàng, usd trong việc hối lộ. Chúng dễ cất giấu và dễ bán khi cần.

Các quan chức cộng sản loại trung bây giờ một cổ hai tròng, một tròng bên Đảng do Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng không có ăn là dùng uỷ ban kiểm tra trung ương làm thịt. Một tròng là bên chính phủ do cặp Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình dùng thanh tra chính phủ để làm thịt.

Vụ Mobifone là một vụ đẹp nhất mà hai nhóm đảng và chính phủ gặt hái được, về danh nghĩa họ đã thu được số tiền mua AVG về lại cho nhà nước, sẽ kỷ luật vài cán bộ để lấy niềm tin dư luận và họ đã được hàng chục triệu usd tiền hối lộ của anh em nhà Vượng, Vũ bỏ ra mua tấm vé yên thân.

Tới đây những kẻ bồi bút sẽ hân hoan ca ngợi đảng và chính phủ nghiêm minh khi đưa một số quan chức như Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn...ra kỷ luật, thu tiền về cho nhà nước. Chẳng mấy ai biết đằng sau đó là một âm mưu thanh trừng nhưng nhầm đối tượng, được chuyển thành một vụ tống tiền anh em nhà Vượng, Vũ thu về túi cá nhân uỷ viên bộ chính trị hàng triệu usd. Để dọn đường tâm lý dư luận và tăng thêm về huyền bí hấp dẫn, những bồi bút của Trọng, Phúc, Vượng, Trương Hoà Bình bắt đầu dạm gọi tên những vật tế thần trong vụ Mobifone.

Nếu một trong những kẻ đó là đương kim bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì hẳn là một điều đáng mừng cho giới yêu tự do, ngôn luận. Trong hai năm làm bộ trưởng bộ thông tin truyền thông, Trương Minh Tuấn đã hăm doạ và trừng phạt, tước thẻ nhiều nhà báo. Cũng như y đã ráo riết bắt ép các công ty như google, Facebook phải thực hiện những yêu cầu đàn áp tự do ngôn luận. Không có sự công bằng của pháp luât nào trong các vụ việc này, nó cũng như các vụ đại án khác, chỉ đạo của các ông trùm trong bộ chính trị chính là pháp luật.

Không cần trình tự khoa học của pháp lý, không cần đúng luật pháp. Những ông trùm trong đảng cộng sản muốn lôi kẻ nào ra trị tội thì kẻ ấy có tôi. Những kẻ có tội khác được dư luận phanh phui lại nhởn nhơ cười vào mặt dư luận như bí thư Thanh Hoá, Yên Bái..chủ tịch Đà Nẵng, trong khi những quan chức đầu tỉnh héo hút nào đó bị mang ra kỷ luật vì những tội chỉ bằng móng tay so với các quan chức khác. Cuộc cướp bóc lẫn nhau giữa những người cộng sản đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết, những kẻ chưa bị đụng tới hãy tìm cách thoát thân cho mình không chỉ bằng việc hối lộ, thần phục các lãnh đạo cấp cao, mà tốt nhất là hãy tìm cho mình những quốc gia nào đáng sống để dự phòng, đó là cách tốt nhât đối với những con sâu mọt yếu thế trước những con sâu mọt bự.

Mọi chuyện chưa biết sẽ ra sao, khi bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có một văn bản mấy chục trang với tiêu đề Những Sai Phạm Của Thanh Tra Chính Phủ, trong văn bản này bộ trưởng Tuấn chỉ rõ thanh tra chính phủ yếu kém, vận dụng luật tuỳ tiện, thiếu kiến thức về chuyên môn, hành xử cưỡng ép... và cuối cùng bộ thông tin truyền thông đe doạ sẽ đưa những sai trái của thanh tra chính phủ ra thường vụ quốc hội để khiếu nại.

Hiện nay Nguyễn Xuân Phúc dang dùng công an để thực hiện kế hoạch mọi sự đã rồi, đó là kiếm cớ bắt giam một số đối tượng trong vụ Mobifone, một hành động thường thấy ở nhóm Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoa Bình, đó là bắt giam và kết tội, không cho đối tượng cơ hội thanh minh hay vận động nhờ ai trong bộ chính trị can thiệp.

Khó hiểu nhất lúc này là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã chỉ đạo Ban Bi Thư làm rõ vụ Mobifone.

Phúc và Trọng đang có những toan tính riêng của mình, bởi thế vụ Mobifone sẽ rất khó lường.
Người Buôn Gió

Tổng giáo phận Sài Gòn bị mạo danh quyên tiền trùng tu nhà thờ Đức Bà

Tổng giáo phận Sài Gòn bị mạo danh quyên tiền trùng tu nhà thờ Đức Bà
Một nhóm lừa đảo soạn thư điện tử mạo danh linh mục tổng đại diện Tổng Giáo Phận Sài Gòn để nhận tiền quyên góp trùng tu Nhà Thờ Đức Bà.
Một thông cáo hôm Thứ Ba 27/03 của Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn cho biết gần đây, có một nhóm người lợi dụng việc Tổng Giáo Phận trùng tu Nhà Thờ Đức Bà, soạn thư điện tử mạo danh Linh mục Inhaxio Hồ Văn Xuân để nhận tiền quyên góp. Tòa Tổng Giám Mục xác định, trong việc vận động quyên góp cho quỹ trùng tu Nhà Thờ Đức Bà, từ trước tới nay chỉ có thư kêu gọi của cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Tòa Tổng Giám Mục cho biết không hề gửi thư hay thư điện tử đến bất cứ ai để xin giúp đỡ.
Thông cáo cũng cho biết, một người phụ nữ trong nhóm lừa đảo này tự xưng là người thay mặt Linh mục Hồ Văn Xuân để nhận tiền của các giáo phận hay các ân nhân. Riêng Linh mục Hồ Văn Xuân xác nhận ông không ủy quyền cho ai đại diện ông thực hiện việc này. Tòa Tổng Giám Mục đề nghị các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân hết sức cảnh giác để không tiếp tay hay bị thiệt hại do hành động của nhóm lừa đảo này.
Kế hoạch trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn được Tổng Giáo Phận Sài Gòn khởi sự từ năm 2015. Theo báo mạng VnExpress, tính đến nay, đã ba lần Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn kêu gọi đóng góp kinh phí cho việc trùng tu. Nhà Thờ Đức Bà xây năm 1877 và được Tòa Thánh Vatican phong hàng tiểu vương cung thánh đường từ năm 1959 với tên gọi chính thức là Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Công trình kiến trúc do kiến trúc sư Pháp Jules Bourard thiết kế. Mọi vật liệu xây dựng được cho là chở từ Pháp sang. Sau 140 năm, nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng nên Tổng Giáo Phận Sài Gòn muốn đại trùng tu.
Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời ngày 7 tháng 3 năm 2018 trong một chuyến thăm Vatican. Ông là một trong số hiếm hoi tu sĩ Công Giáo được một đương kim giáo hoàng dâng lễ cầu nguyện ngay trong ngày qua đời.
Huy Lam / SBTN

Hoãn phiên tòa xét xử Nguyễn Viết Dũng vì luật sư vắng mặt

Hoãn phiên tòa xét xử Nguyễn Viết Dũng vì luật sư vắng mặt
Tòa án ở tỉnh Nghệ An hôm nay 28/03 hoãn phiên xử đối với nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Viết Dũng vì các luật sư của  Dũng không có mặt.
Báo mạng Nghệ An cho biết sau khi để cho hội đồng xét xử hội ý, chủ tọa phiên tòa đã quyết định tuyên bố hoãn phiên tòa và dời lại tới ngày 12 tháng 4. Hiện chưa có tin tức gì cho biết tại sao các luật sư bào chữa cho anh Dũng vắng mặt. Hôm 25 tháng 3, một trong những luật sư bào chữa cho anh Dũng là luật sư Nguyễn Khả Thành thông báo trên Facebook rằng, ông bị viên chức tòa án tỉnh Nghệ An làm khó dễ khi đến tòa chuẩn bị hồ sơ để bào chữa cho thân chủ. Theo luật sư Thành, một thẩm phán nói với ông rằng, “Chỉ được xem và dùng bút ghi chép tại tòa, không cho sao chụp”. Luật sư Thành tỏ ra bất mãn về việc này và bình luận rằng, “Một số vụ án chỉ mấy trăm bút lục, nhưng có vụ lên đến 10,000 bút lục hay còn hơn gấp mấy lần, nếu chép phải mất hết mấy tháng vẫn chưa xong”. Vẫn theo luật sư Thành, Điều 73 Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015 ghi: “Luật sư được quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án…”. Ông cho rằng việc tòa án tỉnh Nghệ An cấm ông sao chụp hồ sơ là “một hiện tượng lạ”, vì không xảy ra tại một tòa cấp huyện ở vùng sâu vùng xa mà ngay tại một tòa án cấp tỉnh khá lớn.
Huy Lam / SBTN

'Bên Thắng Cuộc' chỉ ra hạn chế của Đổi Mới

Giáo sư Peter Zinoman Đại học California, Berkeley Theo BBC-6 giờ trước 
Nhà nghiên cứu Peter Zinoman phát biểu về sách Bên Thắng Cuộc ở hội thảo tại Mỹ
Image captionNhà nghiên cứu Peter Zinoman phát biểu về sách Bên Thắng Cuộc ở hội thảo vừa qua tại Mỹ
Một trong những thiếu sót lớn trong lĩnh vực Việt Nam Học của khoảng một thế hệ qua là không có một ghi chép đầy đủ hoặc thực sự uy tín về hiện tượng lịch sử Đổi Mới (Renovation trong tiếng Anh).
Dù đây là định hướng chính sách tháo khoán nhờ đảng-nhà nước khởi xướng ở Đại hội Đảng 6 hay tinh thần cải tổ chung trong cả nước cuối thập niên 1980, thì Đổi mới rõ ràng lực đẩy quan trọng trong đời sống trí thức, văn hóa, chính trị, kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm qua.
Tuy nhiên, các học giả nước ngoài quan tâm chủ đề này có xu hướng chỉ tập trung hạn hẹp vào một số góc cạnh Đổi Mới mà lại không xem xét toàn bộ hiện tượng.
Khi các sinh viên hỏi tôi tư liệu về Đổi Mới, tôi thường giới thiệu tác phẩm của Adam Fforde về kinh tế, Carlyle Thayer chính trị, Tường Vũ ý thức hệ, Ben Kerkvliet nông nghiệp, Hy Văn Lương văn hóa làng xã, Pam McElwee chính trị môi trường, Nguyễn Võ Thu Hương quan hệ giới, John Schafer văn học…
Nhưng thật khó tìm ra một bài báo, sách, hay một học giả nào cung cấp tổng quan về Đổi Mới - bao gồm lịch sử về nguồn gốc của nó, diễn trình thay đổi theo thời gian, và ảnh hưởng khác nhau lên các lĩnh vực đời sống người Việt.

Cái nhìn toàn cảnh

Một trong những thành tựu của sách Bên Thắng Cuộc (tác giả Huy Đức) là đem lại ghi chép tốt nhất, ở bất kỳ ngôn ngữ nào, về lịch sử và tầm quan trọng của Đổi Mới. Cuốn sách xem xét kỹ lưỡng cuộc khủng hoảng trong nước đã thúc đẩy đòi hỏi xã hội muốn có những cải tổ sâu rộng trong thập niên sau kết thúc Chiến tranh Đông dương lần hai.
Sách kể lại quá trình tiến hành cải tổ theo kiểu "tiến một bước, lùi hai bước". Sách cũng mô tả các lý do cắt bỏ đột ngột nghị trình cải cách, đặc biệt về văn hóa và chính trị.
Tóm lại, Bên Thắng Cuộc cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về Đổi mới - giúp khám phá và giải thích những thành công và thất bại của nó.
Bên Thắng Cuộc xác định nguồn gốc Đổi mới là trong khủng hoảng tự tạo ra khiến Việt Nam khó khăn trong giai đoạn hậu chiến 1975-1986. Khủng hoảng này gồm bảy thành tố chủ chốt, được Huy Đức viết trong bảy chương:
  1. Giam cầm không qua xử án hàng trăm ngàn người miền Nam trong các trại cải tạo khắc nghiệt sau chiến tranh
  2. Đảng-Nhà nước đàn áp thành phần tư sản miền Nam, đóng cửa, hoặc quốc hữu hóa doanh nghiệp của họ, tịch thu của cải
  3. Trừng phạt dân số gốc Hoa. Ban đầu chính sách này chỉ là một phần của cuộc tấn công tư sản miền Nam, nhưng sau nó phát động lên thành một phần chiến dịch riêng loại bỏ "gián điệp" ở Việt Nam trong cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc
  4. Quân đội Việt Nam tiến vào và chiếm đóng Campuchia từ 1978
  5. Hàng trăm ngàn người chạy trốn qua đường biển, trên bộ vào cuối 1970, đầu 1980, hy vọng thoát khỏi sự cai trị của người cộng sản và định cư ở nước ngoài
  6. Nỗ lực chính thức của chính phủ nhằm chuyển hóa miền Nam thông qua xóa bỏ văn hóa "suy đồi". Các biện pháp gồm đốt sách, cấm "tác giả phản động", kiểm soát việc mặc gì, thời trang, kiểu tóc, kiểm duyệt khắt khe về nghệ thuật, ưu tiên cho con em người lao động và cách mạng, phân biệt các gia đình từng làm cho chính thể cũ
  7. Miền Bắc chiến thắng áp đặt hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa kém cỏi lên miền Nam bị đánh bại
Tác giả Huy Đức phát biểu tại buổi thảo luận về sách của ông
Image captionTác giả Huy Đức phát biểu tại buổi thảo luận về sách của ông hôm 24/3

Thẳng thắn

Một trong những điều phi thường về Bên Thắng Cuộc là sự thẳng thắn đáng ngạc nhiên trong các phần này của sách, nhất là khi ta biết sách là của một nhà báo sống trong nước. Huy Đức mô tả các viên chức cộng sản nói dối thản nhiên và liên tục về thời hạn cải tạo. Ông mô tả các thành viên gia đình được khuyến khích khai báo về người thân. Ông liệt kê điều kiện khổ sở trong các trại, và sự đối xử tệ bạc với gia đình người bị giữ. Ông mô tả làn sóng chống tư sản, chống người Hoa là chiến dịch tham lam của ăn cướp, bóp nặn, cưỡng ép ra đi.
Phần viết về cuộc xâm phạm Campuchia nhấn mạnh sự trớ trêu trong quan hệ lịch sử gần gũi giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Pol Pot. Mô tả về làn sóng ra đi sau 1975 bộc lộ vai trò của giới an ninh địa phương thoái hóa khi họ tạo điều kiện và kiếm lời từ đợt chạy trốn. Ông cũng không ngần ngại mô tả việc "Bắc hóa" tai hại trong kinh tế miền Nam, là một chiến dịch xuất phát từ kiêu ngạo, ngu dốt và bám vào ý thức hệ.
Huy Đức trách Lê Duẩn về việc "Bắc hóa" nhưng ông cũng ngụ ý về vai trò Hồ Chí Minh khi đặt cạnh nhau phần nói về chính sách (chương 8) với đoạn về "Con đường của Bác".
Trong "Con đường của Bác", Huy Đức mô tả Hồ Chí Minh ủng hộ tập thể hóa kinh tế miền Bắc giai đoạn 1950 - trong đó có cuộc Cải cách Ruộng đất 1953-56 tai tiếng, tấn công tư sản miền Bắc là tiền đề cho tấn công tư sản miền Nam sau 1975.
Ở đây, Huy Đức vượt khỏi cách giải thích ngày càng phổ biến về chính trị cộng sản Việt Nam giai đoạn 1950, 60 xem Lê Duẩn quá khích khác Hồ Chí Minh trung dung (một cách nghĩ được phim tài liệu mới đây của Ken Burns áp dụng).
Huy Đức không phải là cây bút đầu tiên trong nước nhắc đến những phần tiêu cực này trong lịch sử hậu chiến Việt Nam. Nhưng đáng kinh ngạc là cách ông từ bỏ bút pháp quen thuộc của giới cầm bút trong nước (dùng uyển ngữ, nói tránh nói giảm).
Điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ghi chép của Huy Đức về khủng hoảng hậu chiến thật quan trọng không chỉ vì sự bộc trực, không úp mở mà còn vì cách nó giúp giải thích sự xuất hiện của chính sách Đổi mới giữa thập niên 1980.
Bên Thắng Cuộc cung cấp chi tiết tiểu sử các lãnh đạo Việt NamBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBên Thắng Cuộc cung cấp chi tiết tiểu sử các lãnh đạo Việt Nam
Giống như phần mô tả về khủng hoảng dẫn tới Đổi mới, phần viết về quá trình cải cách của Huy Đức cũng bao gồm nhiều yếu tố phức tạp.
  1. Tường thuật các thử nghiệm về làm ăn tư nhân không được trên cho phép - thường gọi là phá rào - ở nhiều địa phương cuối 1970, tạo ra tăng trưởng và năng động trái ngược với trì trệ và thiếu hiệu quả của kinh tế xã hội chủ nghĩa
  2. Mô tả các lãnh đạo đảng bắt đầu ủng hộ các thử nghiệm tại Đại hội Đảng lần 6
  3. Tường thuật Việt Nam rút quân khỏi Campuchia nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn giúp Việt Nam mở rộng và củng cố cải tổ kinh tế
  4. Mô tả nỗ lực thành công phần nào trong cuối thập niên 1980 mở rộng tinh thần cải cách kinh tế sang lĩnh vực trí thức và văn hóa, thông qua giải phóng cho truyền thông và giảm kiểm duyệt nghệ thuật
  5. Mô tả thất bại của cố gắng mở rộng tinh thần cải tổ sang chính trị thông qua cổ vũ các hình thức đa nguyên và dân chủ đa đảng
Khủng hoảng 1975-1986 cung cấp bối cảnh rộng lớn cho Đổi mới được mô tả trong sách, ngoài ra, Huy Đức cũng chỉ rõ những yếu tố khác tác động việc áp dụng nghị trình cải cách. Một trong đó là môi trường toàn cầu mới có lợi bất ngờ cho cải cách ở Việt Nam. Môi trường này bao gồm giới lãnh đạo đổi mới ở Trung Quốc và Liên Xô, Bức tường Berlin sụp đổ, các đồng minh xã hội chủ nghĩa ngừng viện trợ, các tổ chức đa phương và phi chính phủ sẵn sàng giúp đỡ, và môi trường ngoại giao thay đổi trong Asean, EU và Mỹ.

Truyền thống đổi mới

Một yếu tố nữa là lịch sử lâu dài từ trước của cải cách kinh tế, hoạt động kinh doanh trong dân, đã đem lại truyền thống để từ đó Đổi mới phát triển.
Huy Đức mô tả các thử nghiệm quan trọng của Kim Ngọc với chủ trương "khoán hộ" ở Vĩnh Phú thập niên 1960, việc phá rào ở Long An của Bùi Văn Giao, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính những năm 1970. Ở chương 16, ông kể thêm về sự nghiệp các doanh nhân thành đạt như Bạch Thái Bưởi giai đoạn thực dân, sự bền gan của thương nhân tơ lụa Trịnh Văn Bô trong Chiến tranh Đông dương lần một và những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Những ví dụ này báo trước sự lớn dậy tự phát của doanh nghiệp nhỏ thành công ở miền Nam trước thời Đổi mới, như vá ép áo mưa rách, bơm mực ruột bút bi, tái chế dép nhựa cũ, nấu xà bông. Số liệu ở đây cân đối thú vị với phần về bối cảnh toàn cầu để chứng tỏ năng lượng đổi mới cũng được dựng xây từ nền tảng trong nước trước đó. Nó cũng gợi ý rằng phát triển kinh tế thị trường giai đoạn 1980 có cả việc học lại tư duy đã lãng quên chứ không phải là phát triển những thói quen này từ điểm số không.
Theo Huy Đức, một yếu tố nữa định hình và khuyến khích cải tổ là việc giới trí thức Việt Nam tiếp xúc với các phiên bản quá khích của xã hội cộng sản châu Á từ giữa tới cuối 1970.
Ví dụ, ông cho rằng sau khi Nguyên Ngọc quan sát Campuchia thời hậu Khmer Đỏ bị tàn phá, ông đã đặt câu hỏi căn bản về tính chất của các hệ thống cộng sản: "Tại sao chỉ có các quốc gia cộng sản mới có cách mạng văn hóa và những cánh đồng chết?"
Hay cái nhìn tiêu cực về chủ nghĩa cộng sản của nhà báo đổi mới Kim Hạnh là do sau khi dự "Liên hoan Thanh niên, Sinh viên" tại Bình Nhưỡng trở về năm 1989, bà thấy Bắc Hàn "như một thứ trại tập trung có quy mô toàn quốc".
Huy Đức cũng viết những người miền Bắc chứng kiến sự phồn thịnh vật chất của các đô thị miền Nam sau 1975 đã đặt câu hỏi về tuyên truyền nhà nước xoay quanh đời sống miền Nam. Sự say mê của người Bắc về tủ lạnh, xe máy khiến họ quan tâm đến cách làm của kinh tế tư bản miền Nam. Sự tiếp xúc với miền Nam đã "đánh thức nhu cầu văn hóa của người dân miền Bắc".
Khán giả đặt câu hỏi về cuốn sách Bên Thắng Cuộc
Image captionKhán giả đặt câu hỏi về cuốn sách Bên Thắng Cuộc

Mới lạ

Với tôi, một phần bất ngờ khi đọc Huy Đức kể về sự trổi dậy của cải cách là vai trò của sinh viên đại học. Trong chương về Đa nguyên, ông kể lại lịch sử hoạt động sinh viên mà ít người biết trong thập niên 1980, khá giống với phong trào sinh viên chống độc đoán lúc đó ở Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Cuối cùng, cách Huy Đức giải thích về sự xuất hiện của Đổi mới tỏ ra chú ý khác lạ về các vai trò phức tạp của nhóm chóp bu trong Đảng. Điều này trái ngược với hầu hết ghi chép về Đổi mới ở phương Tây. Do thiếu dữ liệu về nguồn gốc gia đình, lịch sử nghề nghiệp, tính cách, xu hướng chính trị, triết lý, kết nối xã hội của các thành viên Bộ chính trị, các nghiên cứu cũ thường đặt các lãnh đạo cộng sản vào các nhóm thô sơ mang tính chất cố định, nhị nguyên.
Họ mô tả quan hệ chính trị ở Việt Nam cộng sản là cuộc đấu tranh nhị nguyên giữa các đại biểu của phe "bắc và nam", "quốc gia, quốc tế", "thân Trung, thân Liên Xô", "ủng hộ cải cách, chống cải cách". Sự trái ngược của Bên Thắng Cuộc thật kinh ngạc.
Cuốn sách mô tả thật chi tiết về tính cách, tiểu sử nhiều lãnh đạo cộng sản như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Phan Văn Khải, Nguyễn Phú Trọng.
Một chương 15 hấp dẫn chỉ nói về các cuộc đấu tranh liên quan đời tư, sự nghiệp và chính trị của Võ Nguyên Giáp.
Chương 14 thì so sánh hệ thống về sự nghiệp, gia đình, phong thái của Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt. Chương 18 lại tìm hiểu quan hệ và cạnh tranh giữa Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. Dữ liệu tiểu sử tập thể này cung cấp một phần quan trọng giúp ta hiểu về tiến trình cải tổ vì tính cách và quan hệ đóng vai trò lớn trong hệ thống chính trị khép kín.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt tay Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi thăm Việt Nam năm 2000Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống Mỹ Bill Clinton bắt tay Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi thăm Việt Nam năm 2000
Anh hùng rõ rệt trong Bên Thắng Cuộc là nhà cải cách Võ Văn Kiệt, nhưng người ủng hộ bất ngờ Đổi mới lại là Trường Chinh. Ông thay đổi suy nghĩ từ một nhà bảo thủ Marxist-Leninist thành người ủng hộ đổi mới vững chắc là chủ đề chương 10.
Dù đã 80, nhân vật linh động này thành thật nghiên cứu các vấn đề miền Nam và rồi ủng hộ, đề xuất giải pháp đổi mới. Nghiên cứu trước đây xem cải tổ bắt đầu khi Trường Chinh qua đời và Nguyễn Văn Linh lên làm lãnh đạo đảng năm 1986, nhưng Huy Đức ghi nhận đóng góp quyết định của Trường Chinh cho cải tổ.
Mặt khác, một số học giả phương Tây từng xem Nguyễn Văn Linh là thủ lĩnh đổi mới, nhưng ông này, trong sách Huy Đức, là nhân vật dao động và rốt cuộc thành người bảo thủ, đã bỏ lỡ cơ hội thúc đổi mới tiến lên sau tiến bộ ban đầu. Xu hướng hiện nay của Việt Nam - kinh tế thị trường gắn với hệ thống độc đảng không nhân nhượng, lạc hậu - đã củng cố từ thời Nguyễn Văn Linh.

Hạn chế của Đổi Mới

Hạn chế của đổi mới được xem xét trong các chương 12, 13 đánh giá số phận phức tạp của cải cách về tự do trí thức và thúc đẩy dân chủ. Sau khi mô tả sự cởi trói báo chí ngắn ngủi của Nguyễn Văn Linh cuối 1980, chương 12 kể nhiều về sự đàn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm thập niên 1950.
Sự bịt miệng phong trào này dường như tương tự câu chuyện Huy Đức kể về việc Nguyên Ngọc mất chức lãnh đạo tạp chí Văn Nghệ cuối thập niên 1980.
Bức tường Berlin sụp đổ ngày 9/11/1989 làm Việt Nam bị sốcBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBức tường Berlin sụp đổ ngày 9/11/1989 làm Việt Nam bị sốc
Chương 13 bắt đầu với câu chuyện tích cực về giới thiệu bầu cử dân chủ trong trường đại học, nhưng giọng văn tối dần khi Đảng đối diện sự xuất hiện của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, và sau đó là sự biến mất đột ngột của chính thể cộng sản Đông Âu. Sau khi ghi lại phản ứng lúng túng, lạc lõng của ban lãnh đạo trước tiến trình dân chủ hóa ở Đông Âu, chương này mô tả thăng trầm của những người cổ vũ dân chủ như chính khách Trần Xuân Bách, nhà báo Bùi Tín, và tướng quân đội Trần Độ.
Trong các chương sau đó, những người cải cách rơi vào thế thủ, dính vào bê bối, mâu thuẫn nội bộ, không thể thúc đẩy nghị trình bên ngoài kinh tế. Đánh giá thấp của Huy Đức dành cho những lãnh đạo sau này như Lê Khả Phiêu và Nguyễn Tấn Dũng mang lại không khí bi quan trong các chương cuối. Sau hứa hẹn của cuối thập niên 1980, cải cách tại Việt Nam đã kẹt trong sa lầy của chính trị độc đoán trong nhà nước độc đảng.
Kiến thức từ bên trong ít người sánh bằng của Huy Đức về chính trị cấp cao cho phép ông mô tả các cuộc phiêu lưu cải tổ thời hậu chiến. Cuốn sách nổi trội nhờ chi tiết và sự sâu sắc hơn mọi ghi chép đã có.
Thật đáng tiếc các nhà xuất bản ngoại quốc lại thấy sách quá dài, quá chi tiết nên không muốn cho dịch. Nhưng tôi tin rằng một khi được ra mắt bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, Bên Thắng Cuộc sẽ thay đổi căn bản cách những nhà quan sát Việt Nam ở Tây phương suy nghĩ về giai đoạn quan trọng này trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Đây là bài phát biểu trong buổi thảo luận về sách Bên Thắng Cuộc hôm 24/3, tại Hội thảo hàng năm của Hội nghiên cứu châu Á (Association for Asian Studies) ở Washington DC, Mỹ. Đây là hội thảo học thuật lớn nhất về châu Á ở Bắc Mỹ, với hơn 400 nhóm thảo luận các chủ đề, hơn 3.000 người dự.