Friday, April 22, 2016

Đà Nẵng: Dân sợ nhập cá chết, tiểu thương ế ẩm

THANH TRẦN - GIANG THANH  08:30 23/04/2016 
Mặc dù hiện tượng cá chết chưa xảy ra ở biển Đà Nẵng, nhưng nhiều ngày qua, hàng cá trong các chợ trên địa bàn cũng rơi vào cảnh đìu hiu.

Đà Nẵng: Dân sợ nhập cá chết, tiểu thương ế ẩm
Chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).
11g trưa 22/4, hàng cá trong chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) chỉ lác đác vài khách. Các quầy hàng còn đầy ắp cá, bên dưới chất hàng loạt thùng xốp chứa các loại cá lớn, còn nguyên con. Chị Nguyễn Thị Liên, một tiểu thương, nói: “Bình thường bán qua 12h trưa, mỗi ngày gần cả tạ. Mấy hôm nay bán có hai ba chục ký mà không ai mua nên dọn hàng về sớm. Người dân đi chợ toàn hỏi tui lấy nguồn cá ở đâu, họ sợ chợ nhập cá chết không dám ăn”.
Các tiểu thương khác cũng cho hay dù giải thích với người dân cá lấy từ cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lên, không lấy ở các tỉnh phía ngoài nhưng người dân vẫn rất hoang mang. Trong khi đó, tiểu thương hàng cá nước ngọt, nước lợ cũng bối rối trước lựa chọn cá còn sống, bơi khỏe mới mua của người dân.
Tại chợ Đống Đa, đến đầu giờ chiều các tiểu thương vẫn cố ngồi tại quầy để vớt vát vài khách. Một tiểu thương rầu rĩ: “Mấy ngày nay thông tin cá chết hàng loạt ở biển miền Trung làm tiểu thương tụi tui vạ lây, hôm nào cũng bày cá ra rồi ngồi đuổi ruồi, ế ẩm lắm. Ai cũng đồn đại cá nhiễm chất độc cyanua, đến tôi buôn bán cũng không biết lý do là gì để giải thích cho khách hiểu”.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Đống Đa cho hay tất cả các hàng cá trong chợ đều nhập nguồn từ cảng cá Thọ Quang và Hội An, Thăng Bình (Quảng Nam), không nhập từ các tỉnh phía ngoài. “Tuy rõ ràng nguồn gốc, đảm bảo chất lượng nhưng người dân vẫn dè dặt không dám mua cá. Sức tiêu thụ hải sản trong chợ giảm đi rõ rệt”.
Hỏi mua cá chình, cá dìa, cá đối của vùng phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) trong chợ hải sản phường Thanh Khê (quận Thanh Khê), các tiểu thương đều lắc đầu vì không ai dám nhập. Chị Nguyễn Bích Trâm, một chủ buôn ở trong chợ nói: “Trước đây, một số hàng vẫn nhập cá Huế vào bán, nhưng nghe tin cá chết hàng loạt nên chẳng ai dám nhập nữa, nhập vào cũng không bán được vì khách toàn đề phòng mua cá tươi rói hoặc còn sống”.
Tiểu thương kêu trời vì ế ẩm, người dân cũng hoang mang không biết tìm đâu ra nguồn cá an toàn. Chị Nguyễn Thị Tằm (43 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) lo lắng: “Xem thời sự thấy thông tin cá chết trắng biển từ Hà Tĩnh tới Huế nên tôi rất sợ, không biết bị nhiễm chất độc gì. Mặc dù ở Đà Nẵng chưa có hiện tượng đó nhưng làm sao biết được tiểu thương có nhập cá từ các tỉnh này vào hay không. Cả gia đình tôi tuyệt đối không ăn cá biển cho đến khi chấm dứt tình trạng cá chết”.
Theo Báo Tiền Phong

Gần 200 người bị ngộ độc sau khi ăn hải sản “nghi” nhiễm độc

(NLĐO)- Hàng chục người dân Quảng Bình đã phải đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã sau khi ăn nhiều món hải sản biển “nghi” nhiễm độc tại lễ khai trương ở một nhà hàng.

Tính đến tối 22-4, Trạm Y tế xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tiếp nhận hơn 20 ca cấp cứu với triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nghi là ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Lương Ngọc - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Trạch, cho biết hầu hết bệnh nhân được đưa đến trạm xá từ rạng sáng ngày 22-4 đến chiều ngày 22-4. “Đến thời điểm hiện tại trạm đã tiếp nhận 21 trường hợp, để cấp cứu kịp thời cho nhiều bệnh nhân, trạm đã huy động hết cán bộ, cũng như các thiết bị y tế, thuốc men để kịp thời cứu chữa cho các bệnh nhân, những trường hợp nhẹ thì được sơ cứu và cho về nhà tiếp tục điều trị, những ca nặng hơn hiện tại vẫn đang được điều trị và tiếp tục thep dõi” , bác sỹ Ngọc cho hay.
Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch
Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch
Theo bác sĩ Ngọc, hiện trạm đã thông báo cho Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm về tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Theo những bệnh nhân đang cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch, vào lúc 11 giờ ngày 21-4, họ đến dự lễ khai trương nhà hàng Bảo Quốc đóng trên địa bàn xã Phúc Trạch. Trong bàn tiệc có rất nhiều món ăn hải sản như cá, mực, ốc, ghẹ. Đến rạng sáng hôm sau (tức ngày 22-4), hàng chục người dự tiệc bắt đầu có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nên phải đến trạm y tế để cấp cứu.
“Sau khi đi ăn khai trương tại nhà hàng Bảo Quốc với nhiều món ăn hải sản, đến 4 giờ sáng ngày hôm sau tôi bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và bị tiêu chảy, nên đã có sử dụng thuốc. Tuy nhiên không đỡ hơn nên gia đình đưa tôi xuống trạm y tế để kiểm tra và điều trị”, chị P.T.T., một bệnh nhân cho hay.
Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch
Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch
Được biết, tại lễ khai trương, chủ nhà hàng này đã mời hơn 200 khách, tuy nhiên có khoảng 200 người đến dự. Và hầu hết những người tham dự lễ khai trương tại nhà hàng này, sau khi ăn các món ăn hải sản về đều bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.
Theo nguồn tin của nhiều người, số hải sản được bày biện tại tiệc khai trương nhà hàng Bảo Quốc được mua từ huyện Quảng Trạch, nơi có rất nhiều cá biển chết bất thường trong khoảng gần nửa tháng nay. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ vụ việc.
22/04/2016 20:00
Hoàng Phúc

Ngư dân Trung Quốc cố tình đánh bắt trái phép trên Biển Đông vì “khát cá”?

LỀ PHƯƠNG  05:59 23/04/2016
BizLIVE - Ngoài chủ quyền lãnh thổ, tàu cá Trung Quốc mạo hiểm vươn tới cả những vùng biển xa xôi như vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá, tạp chí Economist nhận xét.

Ngư dân Trung Quốc cố tình đánh bắt trái phép trên Biển Đông vì “khát cá”?
Theo thống kê, nước có số tàu đánh bắt trái phép bị Indonesia ngăn chặn lớn nhất chính là Trung Quốc. Ảnh: The Economist
Nhiều người cho rằng đánh chìm tàu cá đánh bắt bất hợp pháp là hành động khiêu khích, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Nhưng Indonesia lại nghĩ khác, chính phủ nước này cho đây là một biện pháp rất hiệu quả.
Ông Joko Widodo lên nhậm chức Tổng thống vào năm 2014 với cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Từ đó tới nay, Indonesia đã phá hủy hơn 170 tàu cá nước ngoài.
Chính phủ cho biết số tàu đánh bắt trái phép đã giảm mạnh, còn sản lượng đánh bắt của tàu nội địa tăng.
Theo thống kê, nước có số tàu đánh bắt trái phép bị Indonesia ngăn chặn lớn nhất chính là Trung Quốc.
Tháng Ba, Trung Quốc đã khiến Indonesia phẫn nộ vì điều tàu hải cảnh hậu thuẫn tàu cá đánh bắt trái phép đang bị chính quyền Indonesia bắt giữ về cảng.
Một ngư dân trên con tàu trả lời truyền thông Mỹ, nói “có thể” ông và đồng nghiệp đã đánh bắt trong vùng nước của Indonesia. Nhưng điều này là gần như chắc chắn.
Chủ quyền của Indonesia với quần đảo Natuna là không thể tranh cãi. Theo luật quốc tế, ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Nhưng ngược lại, Bắc Kinh lại ra sức bao che cho nhóm ngư dân, khăng khăng khẳng định họ khai thác trong vùng nước là “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Khu vực này nằm trong đường 9 đoạn phi nghĩa mà Trung Quốc tự dựng lên trên Biển Đông.
Ngư dân của Trung Quốc từng bị bắt giữ ở ngư trường của các nước Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, tất cả những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Xa hơn thế, ngư dân nước này còn gây rối cả ở những khu vực không bị chồng lấn về tuyên bố chủ quyền. Nga, Hàn Quốc và Sri Lanka cũng đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc những năm gần đây.
Cá biệt, năm 2011, một ngư dân Trung Quốc đã đâm một binh sỹ thuộc lực lượng hải cảnh Hàn Quốc cho tới chết.
Năm 2012, một ngư dân Trung Quốc khác bị cảnh sát Palau bắn chết, một nước cộng hòa nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương.
Lật nhanh qua vài năm, tháng 12 năm ngoái, tới 24 nước châu Phi kêu gọi Trung Quốc ngừng đánh bắt cá trái phép ở vùng biển phía Tây Phi.
Mới đây nhất, tháng Ba vừa qua, 4 ngư dân Trung Quốc đã bị Argentina giam giữ, sau đó được trả tự do.
Ngoài chủ quyền lãnh thổ, tàu cá Trung Quốc mạo hiểm vươn tới cả những vùng biển xa xôi như vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá.
Đây là nước tiêu thụ và xuất khẩu cá lớn nhất thế giới. Tỷ lệ tiêu thụ cá bình quân đầu người của Trung Quốc cao gấp đôi mức trung bình của thế giới.
Ở trong nước, ngành hải sản của Trung Quốc đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi nạn ô nhiễm môi trường và đánh bắt tận diệt. Trữ lượng cá đang cạn kiệt nghiêm trọng.
Biển Đông chiếm tới 10% tỷ trọng sản lượng đánh bắt toàn cầu. Nhưng nguồn hải sản đáp ứng đánh bắt gần bờ chỉ còn bằng 5 – 30% so với những năm 1950. Do đó ngư dân Trung Quốc phải tìm đến những vùng nước xa bờ.
Hành động liều lĩnh của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt của nhiều nước khác.
Năm 2012, sản lượng đánh bắt của Trung Quốc đạt 13,9 triệu tấn, bỏ xa mức 5,4 triệu tấn của Indonesia, 5,1 triệu tấn của Mỹ, 3,6 triệu tấn của Nhật Bản và 3,3 triệu tấn của Ấn Độ.
Và hành động này lại được Bắc Kinh khuyến khích. Nước này vẫn xem an ninh lương thực là yếu tố cần được ưu tiên, một phần vì nó tạo tới 14 triệu công ăn việc làm.
Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm Tanmen, một cảng đánh bắt ở phía Nam đảo Hải Nam. Ông chỉ thị ngư dân ở đó phải “đóng các con tàu to hơn và đi tới những vùng biển xa hơn ngoài đại dương, đánh bắt những con cá lớn hơn”.
Bắc Kinh cũng hỗ trợ đóng mới tàu, chi phí nguyên liệu và phương tiện định vị cho ngư dân.
Nhưng điều này không đồng nghĩa Trung Quốc đang biến ngư dân thành công cụ thực hiện chính sách bành trướng.
Trên thực tế, Bắc Kinh “thỉnh thoảng” cũng tìm cách kiểm soát ngư dân trong một vài trường hợp đáng xấu hổ.
Ông Zhang Hongzhou, học giả của Chương trình an ninh hàng hải Singapore (RSIS), từng ghi nhận những gì mắt thấy tai nghe ở cảng biển đánh cá ở Trung Quốc, bao gồm cảng Tanmen.
Thay vì chỉ đơn thuần làm theo lời hô hào của ông Tập, nhiều ngư dân không những vi phạm pháp luật, mà còn đánh bắt và buôn bán trái phép các động vật quý hiếm như rùa, trai lớn.
Nhưng ngược lại, hoạt động đánh bắt cá cũng có thể mang mục đích chiến lược. Giống việc xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở Biển Đông, sự hiện diện của những đoàn tàu cá Trung Quốc hùng hậu tại các vùng biển tranh chấp khiến mọi việc thành “sự đã rồi”.
Ngoài ra, nó cũng hợp lý hóa luận điệu về “ngư trường truyền thống” mà Trung Quốc hay lấy ra để bao biện.
Việc chính phủ hậu thuẫn hành động đánh bắt cá ở khu vực xảy ra tranh chấp là một ý đồ nguy hiểm. Tháng 9/2010, một tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt ở gần khu vực đảo Senkaku/ Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc. Tàu này đã đâm tàu hải cảnh của Nhật Bản, làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Khi các vùng biển ngày càng quân sự hóa, nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ càng cao. Cho đến nay, hải quân Trung Quốc hiếm khi can dự.
Tuy nhiên một số cảng đánh cá của Trung Quốc đã tự tăng cường lực lượng “quân sự hàng hải”, ví dụ như trang bị các tàu dân sự vũ trang.
Sau những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên quần đảo Natuna, Indonesia nói sẽ điều động hải quân, lực lượng đặc nhiệm, một tiểu đoàn quân sự, ba tàu khu trục, một hệ thống radar mới, máy bay không người lái và 5 chiến đấu cơ F-16.
Tuy nhiên, hành động này có thể sẽ không ngăn cản được Trung Quốc và các ngư dân quăng lưới ngày càng xa hơn.

Khói cao hàng trăm mét ở vụ nổ nhà máy hóa chất Trung Quốc

HẢI ANH  16:58 22/04/2016
Vụ nổ tại nhà máy chứa hóa chất nguy hiểm tại thành phố Tĩnh Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hôm nay đã thiêu rụi bồn chứa xăng và nhiều thùng chứa chất lỏng khác.

Khói cao hàng trăm mét ở vụ nổ nhà máy hóa chất Trung Quốc
Ảnh minh họa.
Vụ nổ xảy ra tại kho lưu trữ của Công ty TNHH Deqiao Giang Tô lúc 8h ngày 22/4 (7h giờ Hà Nội). Trang163.comcho biết tổng cộng 42 bồn chứa xăng dầu tại hiện kho lưu trữ khi vụ nổ xảy ra.
Khoi cao hang tram met o vu no nha may hoa chat Trung Quoc hinh anh 2Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
CCTV phát hình ảnh một đám cháy lớn kèm theo khói đen bốc cao hàng trăm mét lên không trung. Ngọn lửa từ vụ nổ bốc cao tới 30 m. Nhân chứng của vụ việc cho biết, họ nghe thấy hai tiếng nổ phát ra từ khu vực hiện trường.
Khoi cao hang tram met o vu no nha may hoa chat Trung Quoc hinh anh 3
Theo lực lượng cứu hộ, xăng trong hai bể chứa bắt lửa, gây ra vụ hỏa hoạn. Khu vực này là nơi chứa nhiều xăng, dầu diesel và hóa chất nguy hiểm.
Khoi cao hang tram met o vu no nha may hoa chat Trung Quoc hinh anh 4
Lực lượng cứu hỏa tỉnh Giang Tô điều 7 xe chữa cháy, 33 lính cứu hỏa cùng các binh sĩ tới hiện trường dập lửa. Lực lượng chữa cháy của thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Giang Tô cũng được huy động ứng cứu.
Khoi cao hang tram met o vu no nha may hoa chat Trung Quoc hinh anh 6
Sau khi sự cố xảy ra, các công nhân của kho lưu trữ được yêu cầu sơ tán khỏi hiện trường. Chính quyền cũng yêu cầu người dân xung quanh khu vực hỏa hoạn sơ tán.
Khoi cao hang tram met o vu no nha may hoa chat Trung Quoc hinh anh 7
Cột khói hình nấm bốc lên không trung. Hiện giới chức chưa có báo cáo nào về thương vong nhưng cho biết ngọn lửa đã được kiểm soát.
Hồi tháng 8/2015, hai vụ nổ lớn liên tiếp xảy ra ở nhà máy hóa chất tại Thiên Tân và Sơn Đông, gây chấn động và khiến hơn 160 người thiệt mạng.
Các cơ quan kỹ thuật của Trung Quốc đã phát hiện hàm lượng độc chất xyanua cực lớn trong khu vực này sau vụ việc.
Khoi cao hang tram met o vu no nha may hoa chat Trung Quoc hinh anh 5
Các nhân chứng cho biết, họ thấy mùi cay nồng lan rộng ra xung quanh sau khi vụ nổ xảy ra. Hai bồn chứa xăng và vài thùng chứa chất lỏng khác đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Theo Zing news

TQ đưa nhà máy điện hạt nhân ra Biển Đông?

Theo BBC-22 tháng 4 2016 

Image copyrightjex
Image captionNgười phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói "chưa được nghe về trường hợp liên quan" thông tin Trung Quốc hoàn thiện các nhà máy điện hạt nhân trên biển, sử dụng cho các dự án ở Biển Đông.
Bài viết trên Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia về hải quân Trung Quốc, ông Lý Kiệt, nói những giàn đặt nhà máy điện hạt nhân này có thể di chuyển tới nhiều khu vực xa và cung cấp nguồn điện ổn định cho hải đăng, thiết bị quốc phòng, sân bay và bến cảng trên Biển Đông.
Tuy nhiên bà Hoa Xuân Oánh trả lời phóng viên: “Tôi chưa được nghe về trường hợp liên quan”, và không nói thêm chi tiết, theo Reuters.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 22/04, Trung Quốc phản bác tuyên bố về Biển Đông của một thứ trưởng ngoại giao Mỹ phát biểu tại Việt Nam.
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói Mỹ “không ngừng gây ra, thổi phồng và làm rùm beng tình hình căng thẳng” ở Biển Đông.
Image copyrightAMTI
Image captionCơ sở do Trung Quốc xây trên đảo đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa
Hôm 21/4, khi thăm Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói Trung Quốc cần “tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các khác biệt bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng quyền tự do đi lại”.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phê phán Trung Quốc có hành động đơn phương xây dựng và bồi đắp đảo trên Biển Đông.
Bà Hoa Xuân Oánh phản ứng, nói Trung Quốc triển khai thiết bị phòng thủ “cần thiết và vừa phải” ở các đảo, bãi đá liên quan trên quần đảo Trường Sa.
“Mỹ không ngừng gây ra, thổi phồng và làm rùm beng tình hình căng thẳng ở Nam Hải, không ngừng tăng cường triển khai quân sự tại Nam Hải, xét đến cùng ý đồ thực sự của Mỹ là gì?”
Người phát ngôn Trung Quốc nói Mỹ không liên quan vấn đề Biển Đông, “cần có lời nói và việc làm thận trọng, tạo bầu không khí tốt đẹp cho nước đương sự giải quyết hòa bình”.
Image copyrightGetty
Image captionThứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken
Trong tuần này, Việt Nam cũng ra phát ngôn ngoại giao phản đối Trung Quốc.
Chiều 21/4 tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình nói:
“Việt Nam hết sức quan ngại trước thông tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc vừa ra thăm đá Chữ Thập và dự kiến sẽ đưa phóng viên ra đảo Phú Lâm của Việt Nam đồng thời tuyên bố sẽ mở đường bay dân dụng từ đảo Hải Nam ra đảo Phú Lâm và kiên quyết phản đối.”
“Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.”
Hôm 15/4, tin cho hay Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã đi thị sát trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Có thật ‘nợ công VN vẫn an toàn’?

Theo BBC-22 tháng 4 2016 

Image captionChuyên gia Nguyễn Văn Phú nói "không biết dựa vào đâu mà báo Việt Nam nói tổng nợ công Việt Nam vẫn còn trong ngưỡng an toàn"
Một chuyên gia tài chính bình luận với BBC về việc truyền thông Việt Nam thường đưa tin ‘nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn’.
Theo Báo cáo của Chính phủ Việt Nam trước Quốc hội (tháng 3/2016), nợ công của Việt Nam năm 2015 chiếm 62,2% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 43,1% GDP.
Hôm 22/4, trả lời BBC Tiếng Việt, chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Phú, từ thành phố Strasbourg, Pháp, cho hay: “Vấn đề cốt lõi cho chính sách kinh tế tài chính của Việt Nam là nợ công, nhất là nợ nước ngoài của Việt Nam”.
“Những con số nợ nước ngoài, theo ngoại tệ (như đồng yen hoặc đôla) đang là thách thức đáng kể cho chính sách hối đoái của Ngân hàng Nhà nước."
“Điều này đặt nền kinh tế vào thế lưỡng nan: nếu các ngoại tệ tăng giá so với đồng tiền Việt Nam (đồng yen Nhật đã tăng giá, còn đồng đôla Mỹ hiện đang dưới sức ép tăng giá), tuy đây là điều tốt cho xuất khẩu, nó lại gây sức ép lên khả năng chi trả nợ nước ngoài, vì nợ nước ngoài trở nên cao hơn trước."
Image copyrightGetty
Image captionMỗi người Việt đang gánh gần 30 triệu đồng nợ công
Tiến sĩ kinh tế nói thêm: “Tôi không biết dựa vào đâu mà các báo Việt Nam hay nói tổng nợ công Việt Nam vẫn còn trong ngưỡng an toàn, dưới 65% GDP. Theo tôi được biết, có nhiều nghiên cứu đưa ra các con số ngưỡng an toàn thấp hơn nhiều."
“Sức ép nợ công có thể dẫn đến khủng hoảng nợ công, gây vỡ nợ, nhất là nợ nước ngoài, khi đó ảnh hưởng kinh tế và xã hội sẽ rất lớn. Trường hợp của Argentina năm 1998 - 2002 và Hy Lạp từ năm 2010 đến nay là những ví dụ điển hình."
Theo ông Phú, những biện pháp nhằm giảm nợ công là: siết chặt chi tiêu công; tập trung chi tiêu công vào đầu tư phát triển; và giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.
“Báo cáo của Chính phủ ghi, chi tiêu công năm 2015 cho đầu tư phát triển chỉ chiếm 21% trong tổng chi ngân sách nhà nước (trong khi đó có tới 66,4% là chi tiêu thường xuyên), đây là con số khá thấp (so với con số 27,5% trong tổng chi ngân sách nhà nước năm 2012). Về thâm hụt ngân sách thì nó đã là -6,1% trong năm 2015, đây là con số rất cao so với các nước trong khu vực," ông Phú bình luận.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 20/4 dẫn Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 1 năm 2016 của của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay nghĩa vụ trả nợ công lên tới 418.000 tỷ đồng năm 2015.
“Nguyên nhân là do giai đoạn 2010 - 2012, Chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn 1 - 2 năm. Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với chi ngân sách nhà nước, nếu phát hành trái phiếu chính phủ không đạt mục tiêu đề ra”.
“Rủi ro kỳ hạn và mất khả năng thanh toán tạm thời có thể xảy ra. Đó có thể là lý do khiến Bộ Tài chính phải vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng và phát hành 1 tỷ đôla Mỹ trái phiếu riêng cho Vietcombank trong năm 2015”, báo này viết.

VN điều tra lý do cá chết ở miền Trung

Theo BBC-22 tháng 4 2016 

Image copyrightdoisongphapluat
Nhà chức trách Việt Nam bắt đầu điều tra hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển các tỉnh miền Trung.
Truyền thông trong nước cho hay hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện ở khu công nghiệp Cảng Vũng áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và đã lan sang các huyện ven biển của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Huế.
Kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá được cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh thực hiện bước đầu kết luận rằng hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh “không phải do tác nhân vi khuẩn, virut mà do nguồn nước bị ô nhiễm”.
“Từ kết quả nghiên cứu, phân tích chuyên môn, cơ quan chức năng nhận định, yếu tố gây độc trong nước tại biển Vũng Áng được bắt từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc, chết hàng loạt,” báo Đời sống Pháp luật đưa tin.
Báo này đưa tin Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các ngành và cơ quan liên quan”làm rõ nguyên nhân cá chết ở trên từng địa bàn.”
Trong khi đó một thứ trưởng Bộ này được dẫn lời nói rằng “có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết”.
“Do đó, các đơn vị chức năng sẽ có trách nhiệm sớm làm rõ nguyên nhân có phải cá chết do ô nhiễm môi trường hay không bằng các chứng minh có cơ sở, luận chứng khoa học rõ ràng”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân được báo này dẫn lời.
Báo VietnamNet hôm 21/4 dẫn lời ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, cho hay: "Đoàn công tác không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng Áng được vì đây là khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này".

Thống nhất bằng vũ lực sẽ không có thống nhất

K’tem (Danlambao) - Một cuộc chém giết để thâu tóm quyền lực để mang lại giàu có cho một thiểu số người sẽ là mối hận thù nơi đa số người. Và trong mối hận thù đó người dân vẫn hoài niệm và luyến tiếc cho cái gì đã mất dưới bạo lực. Không riêng gì những người đấu tranh cho giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền bị cầm tù, người dân miền Nam vẫn âm thầm nuôi dưỡng một thể chế Cộng Hòa trong tâm tưởng. Chính vì vậy đảng CSVN vẫn luôn sợ VNCH, không phải VNCH đã mất từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, mà VNCH trong lòng dân chúng mà họ đã từng sống, từng biết.

*

Cụ Tam nguyên Yên Đỗ ngày xưa nhìn cảnh thực dân Pháp tổ chức lễ 14 tháng 7 bằng mấy câu chua chát:

“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom ghé hát chèo
...”

Không lâu nữa, cuối tháng Tư này, đảng và nhà nước CSVN sẽ tổ chức “ăn mừng” ngày 30 tháng Tư năm 1975. Năm nào cũng vậy, CSVN ra sức rình rang tổ chức ăn mừng ngày đoàn quân lượm thượm theo sau xích xe tăng nghiến lòng đường Sài Gòn cũng như đã nghiến qua các nẻo đường miền Nam phía dưới vĩ tuyến 17. Ngày này khắp phố phường cũng cờ kéo cũng đèn treo. Và những tên quan - áo mão một nơi người một nẻo sau mấy chục năm chưa che lấp hết nét tối tăm, rừng rú - cũng tênh nghếch, nghênh ngang ngồi trên lễ đài nhìn xuống mảnh đất mà chúng đã chiếm đóng. Và dưới kia hàng hàng lớp lớp người dân lom khom trong cuộc mưu sinh.

Chưa hết, không chỉ như điều cụ Yên Đỗ chua chát diễn tả. Ngày này cũng là dịp đảng CSVN mở hết công xuất báo đài ca ngợi những trận đánh mà dân chết nhiều hơn bộ đội, cùng những minh họa cuộc chém giết trần trụi nhất. Đồng thời, họ cũng thóa mạ VNCH, một thực thể quốc gia mà nhiều nước trên thế giới bang giao và công nhận. Quốc gia ấy đã hình thành một sắc thái dân miền Nam, có văn hóa, có nếp sống khác biệt. 

Năm nào cũng vậy, những ca ngợi lố bịch, lời thóa mạ trơ trẻn cùng âm thanh tiếng xích xe tăng do Nga Tàu sản xuất đay nghiến lòng người dân miền Nam.

Càng ca ngợi đảng mình, càng thóa mạ miền Nam, thì người dân càng chán ngán chính quyền, chán ngán những điều người CS làm. Càng ngày càng có nhiều cuộc chống đối. Những bản án dành cho những người bất đồng chính kiến chống lại chính sách của đảng và nhà nước trước sự xâm lấn của TC, tranh đấu cho tự do, cho quyền con người đều có yếu tố gắn bó với giá trị của VNCH. Hình ảnh VNCH dần dần sống lại trong lòng mọi người kể cả những người theo đảng CS và những người hấp thụ nền giáo dục của đảng.

Một Lê Hiếu Đằng, người thuộc thế hệ sinh viên miền Nam đấu tranh rồi theo MTGPMN cuối đời phản tỉnh, nhắc về một VNCH nhân bản, tôn trọng con người qua việc cho phép ông ta trong lúc cầm tù vẫn được đi thi.

Một Đặng Chí Hùng, thanh niên trưởng thành tại miền Bắc được nuôi dưỡng và giáo dục dưới chế độ CS, đã tự tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu cuộc chiến tranh Nam-Bắc, tìm hiểu VNCH để hình thành những bản cáo trạng “Những sự thật cần phải biết”.

Một Nguyễn Đình Ngọc, người thành đạt dưới chế độ VNXHCN, có người Bà được phong danh hiệu Mẹ chiến sĩ, người cha, nhiều tuổi đảng, có công với “cách mạng” đã không ngần ngại viết lên “Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa”.

Một Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, kêu gọi chống TC và phát tán truyền đơn cùng với cờ VNCH.

Một Nguyễn Mai Trung Tuấn hô to “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm”. Một Mai Thị Kim Hương với lời kết án chế độ CS “Ngày xưa sống dưới chế độ VNCH còn có đất, có nhà, có cơm ăn, có áo mặc. Bây giờ sống dưới chế độ CS không có nhà để ở” trước đám CA trong cuộc chống lại cưỡng chế đất của gia đình tại Thạnh Hóa, Long An.

Một Nguyễn Viết Dũng, người sinh viên giỏi của Đại Học Bách Khoa Hà nội, đã mang trên người những biểu tượng VNCH, quân lực VNCH và công khai kêu gọi đấu tranh cho quyền công dân.

Karl Marx từng nói: “Con người làm nên lịch sử, nhưng họ không biết cái lịch sử mà họ làm nên” (Men make their own history, but they don’t know the history that they make). Câu này không biết đúng trong trường hợp nào nhưng đối với CSVN, câu này hoàn toàn đúng. Cái gọi là “Kinh tế thị trường” hôm nay là thành quả đối nghịch lịch sử của ý thức hệ CS sau khi làm cuộc cách mạng vô sản gây dựng CNXH và xua quân chiếm trọn miền Nam. Nó lại càng đúng khi đồ đệ của Marx, Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, thổ lộ “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Và đúng hơn hết là họ không biết trước được rằng sau 41 năm người dân cả nước đã phủ nhận họ.

Phát huy những gì thuộc về VNCH chính là phủ nhận giá trị “thống nhất đất nước” mà đảng và nhà nước CS Bắc Việt tiến hành trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam.

Thống nhất (nhập lại thành một từ một cuộc phân chia) chỉ có giá trị trong một cộng đồng dân tộc một khi:

- Thống nhất không được tiến hành bằng việc dùng bạo lực.

- Tiến trình thống nhất phải có một cơ chế chung để định đoạt sự phân bổ tài nguyên và bồi hoàn thiệt hại tài sản mất đi trong cộng đồng dân chúng sau cuộc thống nhất.

- Thống nhất phải đặt trọng tâm vào việc định hình thể chế chính trị mà đa số công dân chấp nhận.

Cuộc thống nhất xảy ra từ ngày 30 tháng Tư năm 1975 hoàn toàn không có những tính chất ấy. Đối với người miền Nam, đó là cuộc xâm chiếm lãnh thổ, thâu tóm tài nguyên và áp đặt thể chế chính trị.

CS Bắc Việt đã tiến hành cuộc xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực. 

CS Bắc Việt đơn phương khởi động chiến tranh bằng việc ra lệnh những cán bộ CS cốt cán được cài lại miền Nam sau Hiệp Định Genève làm cuộc nổi dậy và sau đó đem quân miền Bắc xâm nhập, tấn công quân đội miền Nam theo Nghị quyết thống nhất đất nước 13-5-1959 mà đảng CS của chế độ Bắc Việt lập ra. 

Lý do cho rằng TT Ngô Đình Diệm của miền Nam không chịu tiến hành cuộc Tổng tuyển cử ghi trong Hiệp định đình chiến Genève chỉ là cái cớ không chính đáng mà họ dựa vào. Trong suốt tiến trình diễn tiến Hiệp định này phía chính phủ QGVN (miền Nam) không có ký vào văn kiện nào. Do vậy phía VNCH sau này không bị ràng buộc. Hơn nữa thực hiện Tổng tuyển cử chỉ là gợi ý phụ đề trong Tuyên bố chung sau các điều khoản trong Hiệp định. Phía CS Bắc Việt không có tư cách kêu gọi Tổng tuyển cử trong khi người dân hai phía chưa hoàn toàn được tự do để bày tỏ ý nguyện định đoạt số phận đất nước như theo bản Tuyên bố chung. 

Lời tuyên bố được nhiều người nhắc đến của Lê Duẩn “ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, cho Trung quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em” là một xác quyết cho cuộc xâm lăng miền Nam bằng vũ lực, mặc dù tại miền Nam chưa có quân đội Mỹ. Với một ý đồ như vậy, giả dụ cuộc tổng tuyển cử được TT Ngô Đình Diệm tiến hành và phía CS Bắc Việt thua cuộc thì họ cũng sẽ rút vào rừng và tiến hành cuộc chiến tranh như thường, bởi vì Liên Xô và TC chưa đạt được mục đích.

Thống nhất để thâu đạt tài nguyên.

Biến có 30-04-1975 còn để lại dấu ấn đậm nét khó phai mờ qua việc trưng thu tài sản và triệt tiêu mọi hoạt động mưu sinh của mọi tầng lớp nhân dân miền Nam. Đến nay dấu ấn ấy biến thành lòng thù hận và được nhắc nhở, truyền lại cho con cháu trong mọi gia đình. Những việc làm thất nhân tâm đó là:

- Trả thù các quân nhân VNCH bằng cách tập trung cải tạo thực chất là cầm tù và cưỡng bách lao động khổ sai.

- Đuổi việc các công chức làm việc cho chế độ VNCH và chỉ lưu dung những người có lý lịch dính dáng với phía CS.

- Tiến hành đổi tiền để cào bằng tài sản của người dân.

- Đánh tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp nhằm tịch thu tài sản, cơ sở kinh doanh, sản xuất.

- Giải tán và quốc doanh hóa các xí nghiệp và đưa cán bộ vào điều hành như một cách trả công.

- Bắt dân chúng thành thị đi kinh tế mới và giản dân về nông thôn.

- Chiếm hữu nhà cửa và làm áp lực để mượn nhà của dân thành thị làm công sở và nhà ở cho cán bộ.

- Kiểm soát gắt gao và cấm lưu hành để thâu tóm nguồn thực phẩm và hàng hóa.

- Xung công các phương tiện canh tác nông nghiệp và bắt nông dân vào hợp tác xã.

Chính sách công xã này đã làm đảo lộn đời sống từ lâu nay của nhân dân miền Nam và gây nên nạn đói. Trong xã hội công xã này các bộ phận chánh quyền từ cấp địa phương nhỏ nhất cho đến trung ương đều được phân bố cho đảng viên, cho thành phấn có công như là cách trả công. Nguồn hàng hóa thực phẩm do dân chúng làm ra được thâu tóm và phân phối theo cấp, ưu tiên cho những thành phần này. Đảng CS và guồng máy công nghiệp quốc doanh, nông nghiệp hợp tác xã do đảng thiết lập không tạo ra sản vật. Dân chúng mưu sinh trong hoàn cảnh không có phương tiện và cơ hội.

Thống nhất để áp đặt hệ thống chính trị.

Cuộc chiến tranh tiến đánh miền Nam để làm cuộc thống nhất không có yếu tố người dân trong đó. Người dân hai miền không ủy nhiệm CS Bắc Việt và công cụ của nó là MTGPMN để tiến hành cuộc chiến. CSVN là một tập hợp có vũ trang, được hỗ trợ tối đa từ phe CS, tự động gây chiến và bắt dân chúng hai miền làm công cụ. Người dân, ai không nghe theo thì bị trừng phạt. Trong suốt cuộc chiến người dân miền Nam luôn là đối tượng của trừng phạt và khủng bố. Ai trong vùng CS hoạt động sẽ bị trừng phạt nếu không tham gia làm bộ đội. Ai trong vùng VNCH thì bị khủng bố.

Sau khi chiến thắng và chiếm trọn miền Nam, CS Bắc Việt giải tán công cụ MTGPMN của chúng áp đặt chế độ CS lên toàn miền Nam mà không theo ước nguyện của dân chúng. Và đảng CSVN tự phong cho mình vai trò lãnh đạo và cắt đặt cán bộ đảng viên lên vị trí cầm quyền.

Và trong vị trí lãnh đạo và cầm quyền này, đảng CSVN mở ngõ cho tầng lớp cán bộ, đảng viên từ miền Bắc vào chiếm hữu đất đai canh tác, chiếm hữu cơ hội làm ăn và cơ sở tạo ra tiện ích ở miền Nam. Việc đó không khác nào một cuộc thực dân. Thực dân Pháp đến VN xây dựng và tạo ra cái chưa có, còn thực dân mới CS này đến miền Nam bằng cách đuổi ra và lấy cái đã có. Chưa kể một tội nặng hơn là sau khi thâu tóm giang sang vào một mối, đảng CS đã cùng với TC đặt lại biên giới, vùng biển hậu quả là đất đai, vùng biển mà tiền nhân để lại được nhượng cho TC. Và tệ hại hơn, đảng CSVN cũng để mất các đảo mà VNCH giữ gìn trước đây vào tay TC. Đảng CSVN xác nhập lãnh thổ miền Nam đồng thời cắt lãnh thổ dâng cho TC. Nếu VNCH còn nguyên trạng, chắc chắn TC không bao giờ đặt chân được vào Biển đông.

Bao nhiêu thành tích đó, người dân gọi đảng CSVN là bọn cướp nước và bán nước quả không sai.

Kết luận

Nếu đảng CSVN thực tâm yêu dân và và yêu tổ quốc, thì sau khi làm chủ nửa phần đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra từ tháng 07 năm 1954, họ phải ra sức xây dựng phần đất mà họ có theo ý thức hệ CS mà họ theo đuổi để biến vùng đất ấy trở nên giàu mạnh theo ước muốn của họ và để yên cho vùng đất phương Nam của QGVN, sau là VNCH phát triển theo thể chế Tự do mà người dân miền Nam theo đuổi. Sự phát triển của hai miền là thước đo cho tính ưu việt của thế chế chính trị mà chính phủ hai miền theo đuổi để người dân hai miền lượng định nhằm tiến hành cuộc thống nhất theo ý chí của mình trong hòa bình và thiết lập thể chế chính trị theo ước muốn của đa số dân chúng.

Người dân VN và miền Nam không có được cái cơ hội đó. Ngày nay dưới sự lãnh đạo và cầm quyền của đảng CSVN, Việt Nam trở thành một đất nước phụ thuộc và ức chế bởi TC, một đất nước khánh tận niềm tin, văn hóa xuống cấp. Ngược lại, đất nước Việt Nam cũng là nơi màu mỡ để TC tìm lợi ích, để bọn lãnh đạo đảng CSVN cùng đám cán bộ nhà nước năm hết mọi nguồn lợi và làm giàu.

Một cuộc chém giết để thâu tóm quyền lực để mang lại giàu có cho một thiểu số người sẽ là mối hận thù nơi đa số người. Và trong mối hận thù đó người dân vẫn hoài niệm và luyến tiếc cho cái gì đã mất dưới bạo lực. Không riêng gì những người đấu tranh cho giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền bị cầm tù, người dân miền Nam vẫn âm thầm nuôi dưỡng một thể chế Cộng Hòa trong tâm tưởng. Chính vì vậy đảng CSVN vẫn luôn sợ VNCH, không phải VNCH đã mất từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, mà VNCH trong lòng dân chúng mà họ đã từng sống, từng biết.

22/04/2016