Theo Người Việt-08-11-2015 7:57:45 PM
Ngô Nhân Dụng
Một ông khách thấy cửa hàng quảng cáo bán con chim nói được nhiều thứ tiếng, bèn thử hỏi chim bằng tiếng Pháp: "Comment allez-vous? Con chim vui vẻ đáp: "Ça va bien, merci." Hỏi tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha: "Como estas?" Trả lời ngay: "Muy bien!" Chuyển sang tiếng Anh: "How are you?" Chim nghiêng đầu lễ độ: "I'm fine, thank you!" Thích quá, ông khách nói tiếng Việt: "Khoẻ không?" Con chim gắt: "Đ.M. Hỏi gì hỏi mãi, sốt cả ruột!" Ông khách gật đầu khen: Nói thế mới là tiếng Việt.
Văn hào Dostoyevsky từng viết rằng một chữ trong tiếng Nga có thể diễn tả tất cả các tình tự của con người, ông xin lỗi không viết chữ đó ra, nhưng người Nga ai cũng đoán được.* Trong tiếng Việt cũng như lúc mừng rỡ bất ngờ. Quý vị cũng đoán được tiếng nào rồi. Đó là một “bộ phận hữu cơ” của tiếng Việt chúng ta, tuy không cần dùng mỗi ngày nhưng không thể thiếu được. Bởi vì nhiều lúc không dùng thì không có tiếng nào khác tương xứng!
Gần đây, ông Lê Hồng Sơn mới ra chỉ thị cấm dân Hà Nội không được văng tục, chửi rủa, mắng mỏ nhau nơi công cộng. Nghĩa là không ai được nói năng một cách tự nhiên, vô tư thoải mãi nữa! Ông phó chủ tịch thành phố ra lệnh Sở Văn Hóa, Thông Tin, Du Lịch, Sở Giáo Dục và Đào Tạo, cùng với tất cả các quận, huyện, thị xã dưới quyền ông, phải “kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao” những hành vi mà ông gọi là “thiếu văn hóa.” Khi nghe tin lệnh trên được ban hành, bà Thảo, chủ nhân quán “bún mắng” ở Hà Nội nói: “Việc kiểm tra, xử lý thế nào tôi không biết! Chắc tôi sẽ không thay đổi!”
Muốn bà Thảo thay đổi, chắc ông Lê Hồng Sơn phải làm theo lối đồng chí Vladimir Putin, cựu sĩ quan công an KGB đang làm tổng thống nước Nga: Phạt tiền! Tháng Năm năm 2015 ông Putin đã ban luật cấm không được văng tục, chửi thề trên báo, đài, phim ảnh, trong các sách in. Ai chửi mắng ngoài phố nếu bắt được sẽ phải nộp 2,500 đồng rúp tiền phạt (tương đương hơn 70 Mỹ kim). Các công ty phạm luật sẽ bị phạt 50 ngàn rúp. Các cuốn sách có lời lẽ thô tục sẽ phải để trong bao niêm kín, ai muốn nghe chửi bới phải bỏ tiền mua mới được mở bao lấy sách ra coi. Dân Nga cảm ơn ông Putin nhân đạo hơn các đồng chí cộng sản thời xưa. Thời Stalin, chỉ cần bị tình nghi viết những lời cấm kỵ thôi một tác giả cũng được bỏ vào bao niêm kín, không mở ra được. Đầu tháng Tám, luật Putin bắt đầu áp dụng cho các bloggers, chắc ông Lê Hồng Sơn sẽ theo gót.
Ông Lê Hồng Sơn phải ra lệnh “kiểm tra, xem xét, xử lý” chắc vì dân ngoài phố chửi mắng hồ hởi quá. Có một quán “bún mắng” tại phố Ngô Sĩ Liên, một quán “cháo chửi” tại phố Lý Quốc Sư. Những quán đó rất đông khách, dù các bà chủ luôn mắng mỏ. Một bà đón khách như thế này: “Ăn bún gì? Tìm chỗ mà ngồi đi!” Hoặc, “Ăn xong rồi thì biến!” Một bà khác quở khách như con cháu trong nhà: “Nói gì mà nói lắm thế! Không ăn thì biến!” Hoặc là: “Hết cháo rồi! Đi đi!” Đó là những tiếng mắng mỏ được các bloggers thuật trên mạng, chắc chắn đã được sàng lọc cho nhẹ bớt 50%, thuật ngữ hàng chợ đã “chích ngừa” cả rồi. Muốn đạt được các danh hiệu “cháo chửi” và “bún mắng” thì chắc ngôn ngữ các cụ dùng phải đổ thêm rất nhiều mắm muối, ớt, tiêu, hành, tỏi hơn.
Văng tục, chửi thề đã thành nếp sống từ 70 năm qua, từ ngày dân Hà Nội được đảng “lãnh đạo.” Dạo một vòng 36 phố phường là được nghe liên tấu khúc các tiếng mắng, tiếng chửi, mới và cũ, phong kiến thực dân đến xã hội chủ nghĩa. Không riêng trên đường phố, trong trường học cũng vậy. Người Hà Nội vẫn kể một câu chuyện có ông thanh tra yêu cầu thầy giáo cấm học trò không được văng tục trong lớp. Thầy trả lời: “Vẫn cấm đấy chứ, nhưng cấm đ... được!” Sở Giáo Dục & Đào Tạo thành phố Hà Nội có thể sẽ báo cáo lên ông Lê Hồng Sơn rằng họ muốn “kiểm tra, xem xét, xử lý” nhưng cấm... không được!
Những luật lệ của ông Putin hay của ông Lê Hồng Sơn chắc sẽ không có hiệu quả. Cứ coi thí dụ, các thành phố Sài Gòn và Hà Nội đều nghiêm cấm phóng uế nơi công cộng, cấm xả rác ngoài đường, bao năm nay có cấm được ai không? Đảng vẫn hô hào chống tham nhũng, chống hối lộ, đi tới đâu chưa?
Văng tục là một hiện tượng bình thường trong tất cả các xã hội. Hai nhà tâm lý học Timothy Jay và Kristin Janschewitz cho biết trong tiếng Anh có mươi tiếng chửi thề rất thông dụng. Mỗi ngày một người Anh cứ nói 20 tiếng thì một tiếng nằm trong danh sách đó. Một cuộc nghiên cứu ở Anh quốc cho biết chỉ có 10% người lớn không bao giờ chửi thề. Số người thú nhận họ chửi thề thường xuyên là 90% đàn ông và 83% phụ nữ. Chửi thề, văng tục là một “phương pháp thư dãn tinh thần.” Chửi xong rồi, người ta bớt giận, bớt uất ức, quay sang chuyện khác. Mấy nhà nghiên cứu đã ghi chép 10,000 lần nghe các tiếng chửi thề, người lớn cũng như trẻ con, và họ công nhận một điều: Chửi xong, người ta trở thành hiền lành hơn, không tính chuyện đánh lộn nữa!
Nhưng tại sao người ta cần chửi thề, cần mắng mỏ? Một nhà nhân học, Ashley Montague viết cuốn Nghiên cứu Hiện tượng Chửi Thề, The Anatomy of Swearing, in năm 1967, nhận xét rằng những tiếng chửi mắng, dù không nhắm vào ai hết, đều phát lên vì những bực bội, uất ức đối với xã hội chung quanh. Văng tục là để giải tỏa một tâm trạng bất bình vẫn bị che giấu, bị kiềm chế, đè nén trong lòng.
Những lãnh tụ cộng sản đều thuộc dòng họ Nghiêm Văn Túc, cho nên không nhìn ra, hoặc không chấp nhận lối giải thích đó. Leon Trotsky, người sáng lập Hồng quân Liên xô, năm 1923 viết rằng chửi thề là phi nhân bản, là di sản của chế độ nô lệ, không thể chấp nhận dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đỉnh cao tiến bộ loài người! Nhưng sau năm 1975 những đồng bào miền Bắc vào Nam ai cũng thấy một điều: Trẻ em miền Nam không văng tục, chửi bới thản nhiên, vô tư và năng nổ như trẻ em miền Bắc! Nếu Trotsky sống lại, ông sẽ phải công nhận rằng một chế độ nô lệ hóa con người thì tất nhiên cũng khiến người ta phải chửi thề, văng tục nhiều hơn, thường xuyên hơn. Văng tục là một cách “phản đối bất bạo động” khi đứng trước cường quyền. Nhất là khi chế độ cường quyền đó lại cố giữ cái mặt nạ đạo đức giả! Trong các ngôn ngữ Tây Âu, những tiếng văng tục nặng nề nhất đều nhắm xúc phạm các vị thần thánh.
Các quán “bún mắng” “cháo chửi” ở Hà Nội là một hiện tượng bình thường. Nó có vai trò “trị liệu,” giảm bớt những nỗi tức bưc trong lòng nói ra không được. Ở nước Mỹ thiếu hẳn loại quán ăn mắng chửi, cho nên ti vi họ phải bầy ra. Trong chương trình Seinfeld nổi tiếng kéo dài hàng chục năm vẫn ăn khách, người ta đã phải bày ra một quán “súp mắng.” Chủ quán cứ mắng khách hàng như tát nước vào mặt, có khi chỉ tay vào một người đang xếp hàng, quát: “Biến đi!” Người bị đuổi phải nhờ bạn bè xếp hàng mua “cháo” cho mình ăn! Họ gọi nó là “Quán Nazi!”
Ông Lê Hồng Sơn không thể cấm, mà chắc lệnh cấm của ông cũng không làm cho các quán Bún Mắng, Cháo Chửi ngưng hoạt động! Bởi vì “phàm vật bất bình tắc minh,” người dân biết giải tỏa những nỗi uất ức bằng cách nào khác ngoài cách chửi thề?
Chú thích: *Nhiều người giải thích chữ Nga mà Dostoyevsky nhắc tới đọc là “khuy!”
Wednesday, August 12, 2015
“Cần xây dựng con người chứ không phải tượng đài”
Hoà Ái, phóng viên RFA-2015-08-12
32 mẫu phác thảo tượng đài Hồ Chí Minh được trưng bày từ năm 2013 tại UBND TPHCM- Báo NLD
Trong xu thế khắp các tỉnh, thành cả nước VN, chính quyền địa phương đua nhau xây tượng đài và mới đấy nhất dự án tượng đài Bác Hồ 1400 tỷ ở tỉnh Sơn La vừa được thông qua gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công chúng. Tìm hiểu về góc độ văn hóa, liệu rằng việc xây dựng tượng đài trong bối cảnh hiện tại có còn phù hợp?
Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Lý luận và Ứng dụng thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, xoay quanh vấn đề vừa nêu. Mời quý thính gải cùng nghe.
Hòa Ái: Xin chào Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Thưa Giáo sư, trước hết, câu hỏi của Hòa Ái về nét văn hóa đúc tượng, xây tượng đài của người Việt bắt đầu xuất hiện từ khi nào trong lịch sử VN?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Nền văn hóa VN, theo như cách định danh và phân loại của tôi thì thuộc loại nền văn hóa âm tính. Khu vực ĐNA là khu vực trồng lúa nước nên văn hóa rất âm tính, thiên về tinh thần hơn thiên về vật chất, thiên về văn hóa nghe, nói hơn là văn hóa nhìn. Vì vậy, trong lịch sử VN văn chương rất phát triển còn hội họa thì ngược lại. Đối với phương Tây thì hội họa, tượng đài, kiến trúc rất phát triển. Ở VN thì tượng đài rất gần đây thôi, đặc biệt từ khi người Pháp đến thì mới bắt đầu có xây dựng một số tượng đài chổ này, chổ kia, chổ khác. Thời kỳ xã hội chủ nghĩa thì ảnh hưởng theo Liên Xô cũng có thêm một số tượng đài nữa. Và trong giai đoạn cuối, giai đoạn sau của thời kỳ đổi mới thì việc xây dựng tượng đài bắt đầu ồ ạt. Văn hóa VN có một đặc điểm khác, tức là tính cộng đồng, rất hay theo nhau, thấy chổ này làm điều gì hay thì chổ khác làm theo. Trong lịch sử VN có rất nhiều những phong trào như vậy. Giai đoạn hiện nay khi phong trào phần nhiều phát triển tới mức độ cao thì lại chuyển sang làm hỏng, tiêu cực.
Việc đồng thời xây dựng kinh tế thì xây dựng văn hóa, xây dựng cái này cái khác là cần thiết. Tất nhiên tượng đài cũng cần nhưng có mức độ thôi, nghĩa là quy hoạch như thế nào chứ không phải xây dựng tràn lan. Hiện nay có vẻ như tràn lan rồi. Số lượng quá nhiềuGiáo sư Trần Ngọc Thêm
Hòa Ái: Theo như nhận xét của Giáo sư là do phong trào xây tượng đài hiện đang phát triển với mức độ cao đã gây ra chiều hướng tiêu cực. Có phải vì tính chất tiêu cực ngày mỗi một trầm trọng hơn đến nỗi cả đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Sơn La và thêm 14 tượng đài nữa ở các địa phương khác cho đến năm 2030 cũng bị dư luận trong nước phản đối?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Tượng đài chỉ đơn thuần là một hình tượng thôi. Và đối với đại đa số người VN thì Bác Hồ là một hình tượng như vậy. Chúng ta có thể nhớ lại ở ngay miền Nam trong hoàn cảnh còn đang chiến tranh ở những vùng của chính quyền VNCH quản lý, trong những vùng của người Mỹ thì sau khi Bác Hồ mất nhiều nơi người ta tự giác, tự nguyện làm những đề thờ Bác Hồ và người ta hy sinh xương máu để bảo vệ những đền thờ này. Đây là một ví dụ để cho thấy thôi. Như vậy, hiện nay trong số các tượng đài thì hình tượng Bác Hồ có không phải là ít. Vả lại xây dựng tượng đài không nhất thiết quy mô phải thật to, phải cao bao nhiêu mét, nặng bao nhiêu tấn…thì mới là tượng đài. Tượng đài có thể to, có thể nhỏ nhưng căn bản phải phù hợp với không gian, phải có hình tượng độc đáo, hình tượng đẹp với mức kinh phí hạn chế hơn nhưng vẫn có thể đạt được hiệu quả.
Hòa Ái: Nhiều ý kiến của dân chúng cho rằng VN đang trong bối cảnh gánh nặng nợ công, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đời sống an sinh xã hội của người dân còn ở mức thấp...Cho nên Nhà nước không cần thiết xây dựng dựng các tượng đài như hiện nay. Xét về góc độ văn hóa, ý kiến của Giáo sư như thế nào?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Tôi nghĩ không hẳn hoàn toàn như vậy. Là thế này, cùng với việc xây dựng kinh tế thì văn hóa cũng phải được phát triển và văn hóa có nhiều khía cạnh. Văn hóa là nền tảng, mục tiêu của kinh tế. Bởi vì làm kinh tế cuối cùng để nâng hạnh phúc đời sống cho con người. Thế thì đời sống tinh thần cũng được xây dựng chứ không phải cứ còn khó khăn thì cứ tập trung lo xong kinh tế, mọi thứ khác cứ để đó thì không phải. Cho nên việc đồng thời xây dựng kinh tế thì xây dựng văn hóa, xây dựng cái này cái khác là cần thiết. Tất nhiên tượng đài cũng cần nhưng có mức độ thôi, nghĩa là quy hoạch như thế nào chứ không phải xây dựng tràn lan. Hiện nay có vẻ như tràn lan rồi. Số lượng quá nhiều. Hơn nữa vì không có văn hóa xây dựng tượng đài cho nên cũng không có kinh nghiệm về mọi mặt, từ thiết kế ý tưởng, xây dựng biểu tượng cho đến kỷ thuật…Cho nên trong thời gian qua, nhiều tượng đài sau khi xây xong bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải hạn chế, cần phải có chừng mực hơn, có kế hoạch hơn chứ như hiện nay là quá nhiều và như vậy không phải là tốt. Và tôi cho rằng sự phản ứng của dân chúng là có lý.
Trong xây dựng văn hóa thì tôi cho rằng đầu tiên phải xây dựng con người chứ không phải tượng đàiGiáo sư Trần Ngọc Thêm
Hòa Ái: Hòa Ái cũng ghi nhận nguyện vọng của phần lớn dân chúng mong rằng Chính phủ phải quan tâm nhiều hơn nữa và tập trung cải thiện đời sống an dân thì hiển nhiên trong lòng họ sẽ luôn sừng sững những tượng đài các vị lãnh đạo vì nước thương dân chứ không cần phải có những tượng đài hoành tráng như hiện nay. Giáo sư nghĩ sao về quan điểm này?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Điều đó thì đúng bởi vì mọi thứ tượng đài nào cũng không vững chắc cho bằng tượng đài trong lòng của người dân. Khi người dân có niềm tin, người ta yêu quý thì đã là có tượng đài rồi.
Hòa Ái: Giáo sư có chia sẻ rằng song song với việc xây dựng kinh tế thì cũng phải phát triển văn hóa. Trong giai đoạn hiện tại theo Giáo sư, VN cần chú trọng phát triển văn hóa như thế nào?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Trong xây dựng văn hóa thì tôi cho rằng đầu tiên phải xây dựng con người chứ không phải tượng đài. Con người hiện nay có rất nhiều những mặt xấu của văn hóa truyền thống trong môi trường mới là môi trường đô thị, môi trường công nghiệp trong hòan cảnh toàn cầu hóa, kinh tế thị trường như thế này, có nhiều thói hư tật xấu bộc lộ ra. Cần phải tập trung vào xây dựng điều đó, phải có những con người hoàn thiện để đáp ứng những yêu cầu của giai đoạn toàn cầu hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa và đô thị hóa thì mới có thể làm tất cả mọi việc khác được.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn thời gian của Giáo sư dành cho đài ACTD.
Lũ khốn!
Khốn nạn và khốn cùng!
Ngày hôm nay khác làng Vũ Đại ngày ấy. Cái lũ khốn phong kiến nó khiến thằng Chí phải lê lết trên đường làng, cào cấu ăn vạ để tồn tại qua ngày, cuộc đời Chí sa ngã và bẩn thỉu. Còn lũ khốn thời này, cái khốn làm cho tôi càng muốn vượt qua để sinh tồn, dùng sự ngay thẳng và lý lẽ để dẫm đạp lên sự khốn cùng đang tồn tại trong suy nghĩ và hành vi của chúng.
Sau màn trộm cắp vô nhân, sau cái giấy mời phi lý "về việc phát cơm từ thiện", sau trò lưu manh giằng giật cướp điện thoại ngay khi đang làm việc tại cơ quan công an, sau những câu hỏi lố vô nghĩa và mất thời gian, em lại tiếp tục bị khủng bố bị làm phiền bởi lũ khốn biết đi nhưng không biết nghĩ. Em, người làm công cho cửa hàng vợ chồng tôi, căn nhà nơi em đang ở bị ném đá, giống như những gì mà anh chị em hoạt động xã hội từng trải qua. Nhưng em chưa bao giờ đi biểu tình, em không phải blogger, trong từ điển cuộc sống của em có lẽ cũng chưa bao giờ xuất hiện 2 từ "phản đối", em chỉ có hoạt động duy nhất là từ thiện, đem tình thương, sự ấm áp đến với những mảnh đời cơ nhỡ đáng thương và công việc bán hàng phụ chúng tôi, những người có "vết" trong "sổ an ninh" vì quen mở miệng và lên tiếng trước cái xã hội bất công và thối rữa. Làm sao mà lũ khốn, chúng có thể để em sống yên ổn khi mà chúng đã đặt đủ thứ nghi hoặc lên sự tinh khôi của em? Thật là ngớ ngẩn và vớ vẩn, tôi chẳng biết dùng từ nào diễn tả cho đúng những việc lũ khốn đang làm nữa. Chúng tác động đến trung tâm nơi em đang ký hợp đồng dậy tiếng Nhật để cắt dần tiết dạy trước khi cắt hẳn hợp đồng lao động với em. Chủ nhà nơi em sống khóc lóc xin em đi, quản lý trung tâm nơi em dạy học e dè nói khó cùng em, và điều đương nhiên là em phải buộc rời xa những nơi đó. Em sẽ chuyển đi nơi khác và em sẽ phải kiếm công việc khác.
Còn tôi, có thể làm gì để giúp em trong lúc này?
Tâm sự của "chí phèo"
"Tao muốn 'lương thiện', nhưng ai cho tao 'lương thiện'".
Em mới đến chỗ tôi làm, em thạo và chăm chỉ, với một đứa chẳng biết gì về cây trồng như tôi thì em là một liều thuốc bổ hữu ích. Em chỉ tôi tận tình để tôi hiểu rõ hơn về sự sinh trưởng và cách bảo quản rau củ. Em kém tôi có 2 tuổi, nhưng cách nghĩ và cách sống hơn hẳn tôi.
Mỗi lúc rảnh rỗi hai chị em lại ngồi tám chuyện. Em kể tôi nghe em đang nuôi hai cô bé nguời dân tộc trên Đăk Lăk, chúng bị mất cả cha lẫn mẹ, một ngày kia ba mẹ chúng lên nương và bị nước cuốn trôi mất xác. Em nuôi hai đứa được mấy năm rồi, cuối tuần là em lại lên thăm chúng, tiền em dành dụm, làm cho cửa hàng của tôi, đi dạy tiếng Nhật em đều để đóng cho trường gởi chúng. Em tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, từ phát cơm cho những người lang thang cơ nhỡ, lê lết trên hè phố cho đến thu gom, may máy lại đồ cũ để gửi cho các trẻ em nghèo trên vùng núi. Em có một tâm hồn sáng khác người, khiến chúng tôi cũng phải bất ngờ.
Nhận được em vô làm là một may mắn với vợ chồng tôi nhưng cơ lẽ là một sự không mấy tốt đẹp gì với em.
Hôm qua em đến, mặt buồn và tâm trạng không vui. Hỏi chuyện thì tôi biết em bị "trộm" phá khóa vô nhà vào buổi chiều hôm trước trong khi em đang đi dạy học. Lúc về đến thấy cửa nhà bị phá, điều đầu tiên em lo lắng là hai con chó mà em nuôi. "Trộm" này lạ lắm chỉ xịt thuốc ngủ chứ không có bắt chó đi, "trộm" vô nhà mà đồ đạc không lấy, chỉ lấy đúng 300 usd em chắt chiu dành làm từ thiện và giấy tờ xe em, "trộm" gì mà chỉ nhằm những cái bịch đen mà rạch ra, "trộm" khiến cho hàng xóm xung quanh nhìn em với cái nhìn lẩn tránh, ne nép. Không ai xung quanh đó trả lời cho em khi em đi vắng đã xảy ra chuyện gì ở nhà em.
Em kể đến đây thì cũng chưa đủ tôi hình dung ra thân phận loại trộm này. Một cú điện thoại reo lên đòi gặp em, biết em tên gì dù trong giấy tờ xe em chẳng phải chính chủ, trộm có luôn số điện thoại của em. Em đang đi làm và em không gặp. Một cuộc điện thoại khác từ người hàng xóm, em có một giấy mời của phường 26 Bình Thạnh ngày mai lên làm việc về vấn đề phát cơm từ thiện và không chịu hợp tác. Đến đây thì chân dung tên trộm dần hiện ra rõ hơn trong đầu tôi.
Và tối đến thì tôi đã khẳng định được lũ trộm cướp khốn nạn ấy là ai? Chủ nhà nơi em đang sống bị khó dễ, phiền hà vô cớ chỉ vì cho người lương thiện là em ở. Tôi tin là dù chúng tôi có viết ra như thế này thì lũ cướp ban ngày, chúng vẫn có thể ăn được cơm gạo của những đứa trẻ mồ côi, đói khổ mà không cắn rứt lương tâm. Sự không hợp tác khi chặn xe em ngoài đường, thái độ cứng rắn khi trả lời ngươì lạ mặt, chỉ vậy thôi mà những bộ óc phẳng rảnh rỗi ấy có thể suy diễn ra hàng nghìn thứ vớ vẩn.
Em làm công cho chúng tôi, những người mà chính quyền ấy gọi là bọn phản động, là lũ loạn ngôn. Chúng tôi chẳng nói gì khác ngoài sự thật, yêu cầu được tôn trọng, được sống đúng với quyền con người của mình. Em làm gì sai? Và chúng tôi đang sinh sống trên mồ hôi, công sức lao động của bản thân, chúng tôi sai?
Tôi nhớ đến cái thằng Chí Phèo của Nam Cao, ôi sao mà đời nó khốn khổ thế ấy. Cái xã hội tối tăm thối nát, cướp đi cuộc đời lương thiện của nó. Nó muốn thiện lương mà ai cho nó được sống thiện lương?"
Giữa Rùa & Chó
My religion is simple. My religion is kindness - H. H. 14th Dalai Lama
Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Tôi được chị Trương Anh Thụy gửi cho cái máy ảnh Canon nhỏ xíu (trông cứ như một món đồ chơi) rồi lại được anh Nguyễn Công Bằng “kiên nhẫn” chỉ cách sử dụng. Xong, tôi đi quanh xóm để thực tập ngay và chụp được hai tấm hình hơi lạ: một con chó bông đi lạc, và một mảnh giấy... tìm rùa!
Xin giúp tìm lại con thú thân yêu của gia đình... chúng tôi rất thương yêu và nhớ nó. Pela bị bệnh tiểu đường và cần phải có thuốc insulin. Nếu tìm được xin gọi số...
Mất một con rùa lớn... Nó cần thuốc men và một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Tìm được xin hậu tạ.
Hai “tác phẩm nhiếp ảnh đầu tay” này, rõ ràng, không được “đặc sắc” gì cho lắm. Tuy thế, những dòng chữ ghi kèm cứ làm cho tôi băn khoăn mãi.
Cảm thấy tình trạng bất ổn của một con thú nuôi trong nhà, đưa đi khám bệnh, tìm ra là nó có bị tiểu đường, rồi xin toa mua thuốc chữa trị là chuyện tương đối bình thường. Ai nuôi chó cũng có thể làm như vậy, và ông/bà bác sĩ thú y nào cũng dễ dàng tìm được loại bệnh này bằng cách đo mức glucose trong máu.
Nhưng nuôi một con rùa (loại thú khép kín và gần như vô cảm) mà biết nó không khoẻ, cần thuốc men và một chế độ dinh dưỡng đặc biệt thì chủ nhân phải là một người vô cùng mẫn cảm và nhân ái.
Cách thiên hạ chăm nuôi thú vật khiến tôi không khỏi trạnh lòng khi nghĩ đến thân phận con người ở quê hương, xứ sở của mình - nơi đã xảy một “Cuộc Chiến Biệt Vô Tăm Tích,” như lời của blogger Bùi Tín:
Thời gian “biệt vô tăm tích” người thân của mỗi gia đình một khác, có khi 2, 3 năm, có khi 5, 6 năm, nhiều khi trên 10 năm, tùy chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, hay chiến trường Lào, Miên. Không ai biết rõ con em mình ở nơi nào. Rất hiếm khi có những tin tức của bạn bè, đồng hương bị thương trở ra, được biết là người thân ở Khu 5 hay Nam Bộ, hay Tây Nguyên, còn sống, vắn tắt, sơ sài thế thôi.
Những quân nhân tử trận được báo tử rất chậm, chậm 1 năm được coi là bình thường, có khi chậm đến 2, 3 năm, do các đơn vị di chuyển sâu, sổ sách luộm thuộm mất mát, các đơn vị chia ra, nhập vào, thay phiên hiệu, cán bộ tử thương. Vì lẽ ấy mà đến nay QĐND miền Bắc có đến 300 ngàn trường hợp quân nhân mất tích, không biết bị tử trận ngày nào, ở đâu...
Có thể nói chính sách “biệt vô tăm tích” là quốc sách rất thâm và cực kỳ độc ác, phi nhân có tính toán của đảng CS trong thời chiến...
Vào thời bình “quốc sách” này, xem chừng, cũng không khác mấy - theo tường trình của RFI:
Trong bản Báo cáo Tình hình Buôn người năm 2014, vừa được công bố ngày 20/06/2014, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Danh sách loại 2 (Tier 2), vì chính phủ Việt Nam bị xem là "chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người..."
Cũng theo báo cáo Tình hình buôn nguời 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ nữ và trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục, đặc biệt là Trung Quốc, Cam Bốt, Malaysia, và Nga. Nhiều nạn nhân người Việt của việc buôn bán tình dục cũng đã được tìm thấy ở Ghana. Một số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Singapore hay Hàn Quốc để thành hôn với người nước ngoài thông qua môi giới, sau đó đã bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm, hoặc cả hai.
Bảo cáo nhắc lại rằng, "làm công trừ nợ, thu giữ hộ chiếu, và dọa nạt bị trục xuất là những thủ đoạn thường được dùng để bắt các nạn nhân Việt Nam phải phục vụ". Các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam và Trung Quốc đã đưa những người dân Việt Nam, chủ yếu là trẻ em, sang Vương quốc Anh và Đan Mạch, buộc họ làm việc trong các trang trại trồng cần sa.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ, về tình hình buôn bán người trên thế giới, Phó Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt NamPhạm Thu Hằng “khẳng định” như sau:
Tôi xin khẳng định Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và đã có những biện pháp, chế tài cụ thể kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn nạn buôn bán người, đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người và Chương trình hành động quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015.
Điều bà Hằng “khẳng định” - xem ra - không được tương hợp với những sự kiện đã được ghi nhận. The Guardian, số ra ngày 23 tháng 5 vừa qua, có bài tường thuật (“3,000 children enslaved in Britain after being trafficked from Vietnam”) của hai ký giả Annie Kelly và Mei-Ling McNamara. Xin ghi lại vài đoạn ngắn, theo bản dịch (“3.000 trẻ em bị buôn bán từ ‘đất nước Hồ Chí Minh’ sang Anh làm nô lệ”) của blogger Nguyễn Công Huân:
Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, Hiền đã được đưa đến Anh để sống một cuộc đời nô lệ hiện đại. Em cuối cùng phải vào tù về tội trồng cần sa...
Ảnh: theguardian |
Chuyến đi của Hiền tới Anh Quốc bắt đầu khi em bị bắt cóc khỏi làng lúc 5 tuổi bởi một người nói rằng ông ta là chú của em. Như một đứa trẻ mồ côi, em không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo những mệnh lệnh của người khác. Em đã mất năm năm đi qua nhiều quốc gia bằng đường bộ, hoàn toàn không biết mình đã đi qua những đâu, từ Việt Nam qua biên giới giữa Pháp và Anh để tới một căn nhà ở London. Ở đây em phải làm nô lệ trong nhà trong 3 năm, nấu ăn và dọn dẹp cho nhóm những người Việt đi ra vào ngôi nhà em bị giam giữ...
Trong lời khai với cảnh sát, Hiền nói rằng em vẫn không hiểu chính xác loại cây em trồng là cây gì, mặc dù em hiểu rằng nó rất có giá trị. Em chăm sóc đám cây, sử dụng thuốc trừ sâu khiến em bị ốm, và chỉ rời căn hộ khi em giúp chuyển các cây cần sa này tới nơi khác để sấy khô. Em bị khóa trong nhà, bị đe dọa, bị đánh đập và bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
"Tôi không bao giờ được trả tiền để làm việc đó", em nói. "Tôi đã không ở lại đó vì tiền mà vì tôi sợ và tôi hy vọng toàn bộ điều này sẽ sớm kết thúc."
Khi cảnh sát đến, họ tìm thấy Hiền một mình với đám cây cần sa. Em kể câu chuyện của mình cho cảnh sát, nhưng vẫn bị gửi đến trại dành cho tội phạm trẻ tuổi ở Scotland, nơi em trải qua 10 tháng tạm giam, bị buộc tội trồng cần sa. Em chỉ được thả sau khi có sự can thiệp của một công tố viên hoàng gia dẫn đến việc em được xác định là nạn nhân của nạn buôn người...
Hiền đang cố gắng để xây dựng lại cuộc sống của mình sau khi được tị nạn ở Scotland, nhưng đang gặp khó khăn để tìm thấy bình an sau nhiều năm chấn thương. "Tôi vẫn còn lo lắng rằng những kẻ buôn người có thể tìm thấy tôi và đến nhà tôi. Nhưng bây giờ tôi biết rằng tôi sẽ phải tìm kiếm sự giúp đỡ [từ cảnh sát]," em nói. "Tôi nghĩ rằng có công lý ở đây, nhưng tôi cũng ước rằng họ không giam giữ tôi trong tù trong thời gian lâu như vậy. Bằng cách kể lại chuyện cuộc đời mình, tôi muốn mọi người hiểu những gì tôi đã trải nghiệm ở đây."
Ở những nơi khác thì những đứa bé VN khác, đôi khi, còn phải “trải nghiệm” qua những cảnh đời tàn tệ hơn nhiều. Chắc chắn, không ai có thể quên được hình ảnh của những bé thơ Việt Nam được tìm thấy trong những nơi bán dâm ở Cambodia.
Hai em gái Việt (tám và mười tuổi) trong một động mãi dâm
ở Svay Pak, cách Sứ Quán Việt Nam tại Phnom Penh
chừng 10 cây số. Nguồn: Shanghai Star.
Cảnh sát Cam Bốt đưa một em bé Việt Nam 11 tuổi
ra khỏi nhà thổ ở khu đèn đỏ Toul Kork thuộc Phnom Penh.
Ảnh và chú thích: ECPAT
Khi được phóng viên RFA hỏi về những sự kiện và hình ảnh trên, nhà phân tích độc lập về vấn đề buôn bán trẻ em vào đường mãi dâm - ông Aaron Cohen - đã đưa ra nhận định như sau:
“Tôi tự hỏi tại sao chính phủ Việt Nam không tạo áp lực với Cambodia về vấn đề đó. Tôi nghĩ là chính ông đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh biết rõ các em gái nhỏ tuổi ở nước mình bị bán qua Cambodia mà không cố tìm cách ngăn chặn. Quả thực điều này tôi không hiểu ra.”
Tôi cũng không hiểu được thái độ (cũng như cách hành xử) của những nhân viên sứ quán Việt Nam ở Moscow, sau khi nghe lời cáo buộc của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng - Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA:
“Trong 4 năm qua, Liên Minh CAMSA (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, chú thích của người viết) đã can thiệp hay giải cứu và giúp đỡ cho trên 4 ngàn nạn nhân, kể cả khoảng 300 nạn nhân Việt bị buôn sang Nga làm lao nô hay làm nô lệ tình dục. Trong tất cả các trường hợp ở Nga này, thủ phạm là những người Việt được bao che bởi một số giới chức ở Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nga.”
Cũng liên quan đến sự kiện này, trong bản tin của BBC (“Nạn Buôn Người Việt Vào Nhà Chứa Ở Nga”) nghe được vào hôm 25 tháng 4 năm 2015, có đoạn:
BBC Việt Ngữ đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Đông Triều, Tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, để hỏi về cáo giác này nhưng ông đã từ chối không trả lời và yêu cầu BBC "hỏi cơ quan chức năng nào khác".
Ông Triều cũng nói:
"Tôi không có trách nhiệm trả lời nhà báo,"
"Những cái gì cứ gửi tới cơ quan có thẩm quyền."
Khi được hỏi ông làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, và nếu Đại sứ quán Việt Nam không phải là cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thẩm quyền mà ông nói là cơ quan nào, ông Triều đã bỏ máy.
Những ông “Tham Tán Công Sứ” (như ông Nguyễn Đông Triều) này hẳn không hề thiếu trong tất cả những Toà Đại Sứ Việt Nam, ở khắp mọi nơi. Xứ sở này, lẽ ra, phải được xếp vào danh sách loại III về nạn buôn người thì hợp lý hơn.
Và tôi cũng còn nói cho hết lẽ vậy thôi chớ ở một đất nước mà những “đồng chí lãnh đạo” sẵn sàng bán rừng, bán đảo, bán (tuốt luốt) mọi thứ tài nguyên thì họ có nề hà chi cái chuyện buôn người.
13.08.2015
Cộng sản Việt Nam và văn hóa của dân tộc Việt
Sau hơn 20 năm (1954-1975) ngự trị tại Miền Bắc, 40 năm (từ 1975 tới ngày nay) trên toàn cõi đất Việt, Cộng sản chủ nghĩa đã thay đổi hoàn toàn tâm hồn, suy tư cũng như tâm tình của người dân Việt sống dưới chế độ điên rồ này. Hàng ngày những tin ''xấu'' về người Việt khi đi ra nước ngoài làm ta cảm thấy đau lòng và nhục nhã.
Hiện nay Malaysia, Singapore... đã từ chối không cho nhập cảnh vào nước của họ hàng trăm cô gái Việt tuy rằng người Việt vào các nước này không cần Visa. Lý do từ chối là các cô gái này chỉ muốn nhập cảnh các nước trên để làm ''nghề không vốn''. Người Việt ra nước ngoài bị khinh rẻ vì nổi tiếng là ăn cắp, buôn lậu. Mới đây đã có một số người Việt theo ''tours'' đi du lịch ở Thụy Sĩ, hai người trẻ trong đoàn du lịch đã bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt vì ăn cắp. Những hành vi nhục nhã, thực đáng xấu hổ do các người Việt đi ra nước ngoài để du lịch, do các du học sinh Việt Nam gây ra khiến ta bàng hoàng, đau buồn tuy không mấy ngạc nhiên vì đó đích thực là sản phẩm của văn hóa xã hội chủ nghĩa. Việt Nam, hiện nay, là thế giới của ăn cắp, lừa đảo. Làm nhỏ ăn cắp nhỏ, làm lớn ăn cắp lớn. Cả nước là địa bàn của những tên ăn cắp.
Văn Hóa của một dân tộc là gì?
Sau đây là định nghĩa, khái niệm về văn hoá của Tổ chức Văn Hóa Quốc tế (UNESCO) trong Hội nghị về Văn hóa Quốc tế họp năm 1982 tại Mexico:
- Văn hoá là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội.
- Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, như tập tục tín ngưỡng...
Theo Việt Nam Văn hóa Sử cương (Đào Duy Anh): hai tiếng văn hóa chỉ chung các sinh hoạt của loài người. Các dân tộc có sinh hoạt khác nhau nên văn hóa của các dân tộc cũng khác nhau. Vì vậy văn hóa thay đổi khi cuộc sống của con người biến thiên thay đổi. Văn hoá của chúng ta, ngày nay, có những điểm khác với văn hóa của các thế hệ trước. Văn chương, chữ nghĩa, âm nhạc... chỉ là một phần của văn hóa.
Đảng CSVN và Văn hóa Việt
Ngay từ những ngày chủ nghĩa Cộng Sản mới được đưa vào VN, Hồ Chí Minh và đồng bọn đã chú trọng đặc biệt đến khía cạnh văn hóa của đất nước trong tiến trình ''Cộng sản hóa quê hương ''. Năm 1943, Trường Chinh (lý thuyết gia của đảng) đã vạch ra những nét chính của chính sách văn hóa của đảng CSVN trong Luận cương Đề cương Văn hóa.
- Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế và văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Đảng không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà phải làm cách mạng văn hóa nữa. Người CS quan niệm có lãnh đạo được phong trào văn hóa, đảng mới có thể có được ảnh hưởng đến dư luận, việc tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản của đảng mới có hiệu quả.
- Cách mạng văn hóa ở VN phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển.
Năm 1948, trong kỳ đại hội đảng, Trường Chinh đã có bài tham luận: "Chủ nghĩa Mác và Cách Mạng Việt Nam", trong đó Trường Chinh nhấn mạnh về lập trường văn hóa của đảng như sau:
- về xã hội lấy giai cấp công nhân làm gốc;
- về độc lập lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc;
- về tư tưởng lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc;
- về sáng tác văn nghệ lấy chủ nghĩa xã hội làm gốc.
Trong một kỳ họp các người làm văn nghệ, báo chí, Trường Chinh đã tuyên bố:"các đồng chí đã hiến dâng con tim cho cách mạng, cho đảng vậy các đồng chí phải sáng tác theo những điều đã được đảng đề ra. Các đồng chí phải sáng tác theo tinh thần xã hội chủ nghĩa".
Các đại hội đảng kế tiếp đều xác định sự quan trọng của cách mạng văn hóa:
- Tranh đấu bảo vệ học thuyết tư tưởng; đề cao thuyết duy vật biện chứng, duy vật lịch sử. Đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có nhiều ảnh hưởng tai hại trên nước ta như Khổng Mạnh, Descartes, Bergson, Kant, Nietzstche...
- Mục tiêu của cách mạng văn hoá là xây dựng "con người mới, con người xã hội chủ nghĩa" như Hồ Chí Minh đã phác hoạ; "muốn có chủ nghĩa xã hội cần phải có con người xã hội chủ nghĩa";
- Phải coi quá trình xây dựng nền văn hóa mới là đấu tranh không khoan nhượng, xóa bỏ và đẩy lùi các văn hóa phản động, đồi trụy do chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ để lại hay do các âm mưu của các lực lượng phản động;
- Nền văn hóa mới của ta xây dựng là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có đảng tính, tính nhân dân xâu sắc.
Đảng đã đưa ra các chỉ thị về đương lối sáng tác cho các văn nghệ sĩ theo. Đó là sáng tác để phục vụ đảng, phục vụ Xã Hội Chủ Nghĩa. Những ai sáng tác ra ngoài đường lối do đảng đưa ra sẽ bị loại trừ trừ không nhân nhượng. Vụ Nhân Văn Giai phẩm tại Miền Bắc năm 1956 là thí dụ điển hình về sự kiểm soát bằng bàn tay sắt của đảng đối với các văn nghệ sĩ của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa.
Trong quá trình áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên dân tộc, CSVN đã dùng mọi phương tiện trong đó có bạo lực giết người, dối trá, lưòng gạt, tuyên truyền...
Chủ nghĩa xã hội hay đúng hơn văn hóa cộng sản đã biến đổi người Việt. Hơn 20 năm Cộng Sản tại Miền Bắc, hơn 40 năm cộng sản hóa toàn nước Việt, văn hóa cộng sản đã để lại những vết hằn xấu xa (cicatrices indélébiles) trên người dân Việt
Chế độ CS đã làm thay đổi hoàn toàn con người Việt Nam. Sống ở VN xã hội chủ nghĩa, phần lớn người Việt trở nên tàn bạo, tráo trở, vô cảm. Ta nhớ lại những cuộc tàn sát không gớm tay, không còn mảy may nhân tính người dân lành vô tội tại những nơi do họ kiểm soát. Thí dụ như cuộc tàn sát dân lành ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Khi chiếm được Miền Nam, CS đã lộ nguyên hình là những tên ăn cướp, ăn cắp, nói dối không ngượng miệng. Tài sản của người dân Miền Nam bị họ ngang nhiên chiếm đoạt, theo đúng khẩu hiệu 4V (vào, vơ vét, về). Chế độ nào, văn hóa nào sẽ sinh ra các con người phản ảnh của nền văn hóa đó. Chế độ CS nhằm triệt tiêu tất cả nhân tính của con người, biến họ thành những con người tàn ác, tráo trở, gian xảo...
Gia đình là nền tảng của xã hội trong khi đối với người CS nền tảng gia đình cũ phải bị hủy diệt vì CS là vô gia đình. Những giá trị, truyền thống gia đình từ ngàn xưa bị CS tìm mọi phương tiện để tiêu diệt thay vào đó là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa; nền văn hóa trong đó người trong cùng một gia đình tố cáo, nghi kỵ lẫn nhau. Người CS coi đạo hiếu là một xa xỉ phẩm còn rơi lại của thời phong kiến. Người ta đã thấy cảnh con tố cha, vợ tố chồng trong cuộc "cải cách ruộng đất long trời lở đất" của những năm 1954-1956 tại Miền Bắc nước Việt ngay sau khi CS kiểm soát toàn miền Bắc.
Tôn giáo hòa đồng là một nét đặc thù của văn hóa Việt Nam. Cộng sản là vô tôn giáo. Cộng sản coi tôn giáo là ''thuốc phiện'' cần phải loại trừ. CS tìm đủ mọi cách để tiêu trừ ảnh hưởng của tôn giáo lên người dân. Các giáo hội bị CS đàn áp, họ dùng đủ mọi cách để tiêu diệt bằng những hạn chế tu học, những giáo hội quốc doanh... Tài sản của các giáo hội bị tịch thu để các giáo hội không còn phương tiện để phát triển, giáo phẩm bị đàn áp, tù đầy. Việc đào tạo những hàng giáo phẩm mới để thay thế những người quá già hay bệnh hoạn cũng bị nhà nước cộng sản làm khó dễ, phải xin phép nhà cầm quyền.
Ngay từ những năm 50's, các người làm nghệ thuật tại Miền Bắc hoàn toàn khuất phục CS. Họ chỉ có một con đường sáng tác đó là phục vụ xã hội chủ nghĩa, phục vụ đảng nếu muốn hiện hữu dưới vòm trời xã hội chủ nghĩa. Các thi sĩ lãng mạn nổi tiếng thời tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận... dưới sự "dẫn đạo, chỉ huy" của đảng, chỉ cho ra đời những "bài vè" sặc mùi Bolchevik, tuyên truyền cho chế độ, ca tụng chế độ "cộng sản siêu việt, ca tụng bác và đảng". Các nhạc sĩ nổi tiếng lãng mạn thời tiền chiến như Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Giác... đã trở thành các nhạc sĩ cho loại nhạc tuyên truyền cho chế độ. Họ không có một sáng tác nào - hay không được phép sáng tác những bài nhạc tình cảm, lãng mạn như hồi chưa gia nhập hàng ngũ những người cộng sản. Nhà thơ Hữu Loan, vì làm bài thơ khóc vợ ''Mầu tím hoa sim '' đã bị phê bình là lãng mạn, thiếu chiến đấu tính, thiếu "đảng tính".
Các tác phẩm sáng tác đi ra ngoài đường hướng của đảng đều bị cấm lưu hành, tác giả bị trù ểm, tù đày, cấm sáng tác, mất hộ khẩu. CS cai trị bằng chế độ hộ khẩu, nghĩa là kiểm soát mọi người bằng cách kiểm soát "bao tử của người dân", nghĩa là kiểm soát khả năng sinh tồn (instinct de survie) của con người. Đảng không bao giờ cho dân chúng ăn đủ no bằng chế độ hộ khẩu. Không có hộ khẩu đồng nghĩa với ''đói'' vì không hộ khẩu sẽ không có gì để ăn. Người dân ở chế độ CS sợ nhất là bị "cắt hộ khẩu".
Báo chí, sách vở, các phương tiện truyền thanh, truyền hình là những cái loa của chế độ. Trong chế độ CS, không có báo tư nhân. Tất cả báo chí là của chế độ.Nghệ thuật không được vị nghệ thuật, nghệ thuật cũng không được vị nhân sinh mà chỉ để phục vụ đảng và phục vụ chế độ.
Khi chiếm được Miền Nam, cộng sản đã cho hơn 1 triệu người vào các nhà tù. Tất cả các văn nghệ sĩ đều bị bắt, giam giữ. CS coi họ là những phần tử nguy hiểm cho chế độ nên cần phải vô hiệu hóa hay loại trừ. Không ai được phép sáng tác ở ngoài khuôn khổ được đảng và nhà nước cho phép. Có người bị tù rất lâu như nhà thơ lãng mạn Cung Trầm Tưởng, thi sỹ Thanh Tâm Tuyền Dư Văn Tâm, Ca sĩ Duy Trác... Nhiều người đã bỏ mình trong trại tù như Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (chỉ được thả ra lúc đang hấp hối), các nhà văn, nhà báo như Hiếu Chân, Nguyễn Mạnh Côn, Dương Hùng Cường, nhạc sĩ nổi tiếng Minh Kỳ. Các bài nhạc lãng mạn của một thuở nhạc tình của Miền Nam bị CS gọi là "nhạc vàng"' đều bị cấm đoán.
Kết luận
CS Việt Nam đã phá hủy nền văn hóa cổ truyền của dân tộc để thay bằng văn hóa Mácxit-Lê nin lít. Người dân sống dưới chế độ cộng sản, hay được sinh ra và lớn lên trong một môi trường cộng sản đã hoàn toàn thay đổi để trở thành những tên ăn cắp, nói dối, lừa đảo, tàn bạo và vô cảm. Những người lãnh đạo đảng CSVN vẫn kềm kẹp dân tộc trong một thể chế đã lỗi thời, bị thế giới từ bỏ. Dân Việt vẫn ỳ ạch lội dòng nước ngược của tiến bộ văn minh trong khi các nước khác ở trong vùng trở nên những cường quốc về mọi phương diện, nhất là phương diện kinh tế. Việt Nam bây giờ rất nổi tiếng về tham nhũng, nổi tiếng vì các tệ đoan xã hội. Người dân các nước trong vùng nhìn người Việt với con mắt khinh khi. Trước năm 1975, dù phải đối phó với một cuộc chiến tàn khốc do cộng sản miền Bắc gây ra, Việt Nam Cộng Hòa vẫn có những tiến bộ về mọi phương diện vượt qua các nước khác ở Đông Nam Á. Viễn tượng một cuộc đổi đời ở Việt Nam vẫn còn tối tăm, xa vời ngày nào những người Cộng Sản còn ngự trị trên quê hương.
Ngày 9 tháng 8, trong Đại Hội Báo Chí số 10 ở Hà Nội, người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã tuyên bố: "báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với báo chí".
Phải vài thế hệ sau khi người Cộng Sản biến mất trên quê hương, quê hương được hoàn toàn tự do, văn hóa Việt mới có thể thay đổi tận gốc để thăng hoa. Dân tộc chỉ tiến bộ, đất nước chỉ tiến bộ trong một quê hương không bóng dáng người Cộng Sản..
12.08.2015
McGill University Montreal Canada
Sỉ nhục đất nước hay hiện trạng đất nước?
*
Tôi thường tới các triển lãm quốc tế ở nước ngoài mỗi khi có dịp và dĩ nhiên ghé thăm gian hàng Việt Nam nhưng mười lần như chục chẳng bao giờ khá nổi. Nó như góc chợ chiều trong xóm so với đại siêu thị của những nước khác.
Anh bạn quen, chủ một công ty tư nhân khá lớn ở Việt Nam kéo tôi ra quán nước trong triển lãm. Sau những tay bắt mặt buồn và xã giao, anh ta nhờ tôi lên kế hoạch cho lần triển lãm kế. Tánh tôi khá thẳng nên khuyên anh đừng bao giờ đi triển lãm nữa nếu mãi như vậy vì các anh làm thiếu chuyên nghiệp; tốn tiền, công sức và thời gian nhưng không đạt mục đích. Dù gì cũng là chủ lớn, tài xế đưa đón, ra vào Công ty nhân viên phải nghiêm chào mà nghe câu phán xanh rờn nên hơi lạ.
Anh hỏi tại sao vì nhà nước hỗ trợ mà? Tôi mới hỏi anh chi phí cho triển lãm bao nhiêu và nhà nước hỗ trợ như thế nào nhưng điều đó đối với tôi không quan trọng, vấn đề là làm sao để tìm kiếm bạn hàng, sinh tồn và phát triển. Anh ta than là nhà nước hứa nhưng lấy được tiền thì khó lắm. Sống trong lòng chế độ mà dám tin vào nhà nước CS khi nước nhà điêu linh thống khổ, lòng Dân than oán thì họ mới tồn tại. Tuy không là chuyên gia triển lãm nhưng cũng góp ý với anh ta là khâu chuẩn bị rất quan trọng. Gian hàng trang trí ra sao để tạo ấn tượng thu hút, nhân viên tiếp khách phải đạt tối thiểu ngoài ngoại hình là niềm nở và nhạy bén đánh giá tâm lý... nhưng quan trọng bậc nhất là gởi thư mời trước đó đến các Công ty liên quan. Sau đó Công ty anh ta không đi triển lãm nữa.
EXPO 2015 đang diễn ra ở Milan (Ý) mà bà NTO, chủ tịch một trường hệ thống quốc tế ở Việt Nam đã thất vọng thốt lên "nỗi nhục quốc thể" (*). Nếu ai còn mang tinh thần tự trọng đều phải cay đắng nhìn ra nỗi nhục này. Không chỉ đôi khi, thỉnh thoảng mà là thường ngày của đảng CSVN; tương lai là nỗi nhục mất nước. Bản đồ thế giới sẽ không có nước Việt Nam mà một tỉnh có tên Việt Nam.
Một sự thực đau lòng là hầu như các triển lãm của đại diện Việt Nam hiện nay không giới thiệu với thế giới về văn hóa Việt mà là Tàu. Trong nước để an Dân là đảng không theo Tàu thì CS cho dẹp hình tượng không phải văn hóa Việt nhưng ngoài nước thì như hình ảnh dưới đây trong EXPO 2015.
Đảng viên CS nói là đảng chúng tôi có bán nước đâu, vẫn lên tiếng về chủ quyền đất nước. Lên tiếng là một chuyện nhưng hành động ngược lại mới bị Dân lên án. Với những gì đảng CS làm hiện nay đủ nói lên tư cách của người "phải" lãnh đạo đất nước tài ba ra sao nên cấm không được cạnh tranh. Tài ba lỗi lạc ở chỗ đó.
Đảng CSVN như đứa bé mới biết làm toán cộng trừ nhưng thích được xoa đầu nếu được khen và sẽ giận dữ nếu ai chê. Một đảng toàn những con người như thế thì đất nước ra sao? Họ có biết nhục quốc thể là gì khi bản chất đã từ thời Hồ Quang biến chúng thành lũ tay sai cho Tàu. Họ chỉ biết vơ vét cho đầy túi tham mặc cho Dân điêu linh thống khổ và hơn nữa là nhục quốc thể cũng chẳng quan tâm vì họ có là dân của đất nước Việt Nam đâu.
Ôi nỗi đau đất nước.
Ai ủng hộ rút ruột tượng đài?
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Mình biết trước việc bọn phản động chống đối chủ trương xây tượng đài lền kên khắp nước với kinh phí ngày một tăng nhanh, tăng mạnh, tăng vững chắc, từ hàng Chục lên hàng Trăm, nay đạt đến hàng Ngàn Tư Tỷ của chính quyền Cắt Mạng, sẽ không đi đến đâu, vì “đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân”, như lời khẳng định của Nhà Sử học thiên tai Dương Trung Quốc.
Nắm bắt được tình hình chống Cộng, à quên, chống xây dựng tượng đài trong lúc dân đói dài cổ, lãnh thổ bị đe doạ, chắc chắn rồi chả đi đến đâu, nhờ rút kinh nghiệm... Bô Xít Tây Nguyên, Tượng Mẹ Việt Nam (trông như) B.52 sãi cánh (bỏ bom) Quảng Ngãi, Phi trường Quốc tế Long Thành... Kiến nghị cho lắm, hội thảo cho khắp, kêu gào khản cổ, cuối cùng kết quả như mọi người đã thấy.
Với cái đám người mà GS. Ngô Bảo Châu cho là “hoặc là khốn nạn hoặc là thần kinh”, mặc dân nói gì thì nói, tượng đài Cha già DT nhất định sẽ lù lù xuất hiện uy nghi với giá Một Ngàn Bốn Trăm Tỷ trên đất Sơn La, xứ sở được oánh giá hàng đầu trong bảng Tóp Ten Nghèo Đói nhất nước CHXHCNCC. Nên mình không còn theo bọn phản động để chống lại chủ trương lớn của Đảng nữa: vô ích.
Biết tình hình không thể đảo ngược, tức là rồi đây, chẳng những chỉ một tượng Cha già DT được dựng lên ở Sơn La trong thời gian tới, mà còn tiếp tục dựng dài dài cho đến năm 2030, nghe đâu những 58 “ông cụ” nữa (*), mình chuyển biến tư tưởng, đổi mới tư duy, từ chống đối xây dựng tượng Bác trước đây, nay chuyển sang ủng hộ rút ruột Bác.
Mình có tiếng là phản động, mà phản động thì làm sao “có khả năng” bén mảng tới công trình nhà nước để kiếm chác phần trăm được? Đương nhiên là mình không xơ múi gì, nhưng mình ủng hộ “khâu” rút ruột Bác. Rút ruột Bác càng nhiều càng tốt. Lý do? Cũng dễ hiểu thôi:
Để mai mốt dân mình lôi cổ Bác xuống cho mau.
13.08.2015
_______________________________________
Ghi chú:
(*)Tạp chí Tuyên giáo "Theo số liệu thống kê hiện trên cả nước có 134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh các loại. Trong đó, tại các khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước có 103 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài được xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị là 31 tượng. Ngoài ra vừa qua các tỉnh, thành phố đề xuất đưa vào quy hoạch xây dựng mới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hết năm 2030 là 58 tượng đài."
Subscribe to:
Posts (Atom)