Saturday, April 11, 2015

Tường thuật buổi chia sẻ, biếu quà cho TPB-VNCH tại Chùa Liên Trì

Lê Thị Kim Thu (Danlambao) - Vào lúc 14 giờ 50 phút ngày 9-4-2015 tại chùa Liên Trì, 153 Lương Định Của, Phường An Khánh, Quận 2, Thành phố Sài Gòn, Hòa Thượng Thích Không Tánh có mời một số anh em TPB-VNCH các vùng lân cận và thành phố Sài Gòn đến chùa dùng trà, bánh, thuốc, cà phê, nước ngọt, trái cây… Anh em gặp gỡ thăm hỏi sức khỏe nhau trên tinh thần huynh đệ chi binh.

Sau buổi tiệc, Hòa Thượng có chia sẻ cho các anh em có hoàn cảnh khó khăn mỗi bì thư là 400.000 đồng. Anh em vui mừng đón nhận quà biếu và cảm ơn tất cả quý ân nhân hải ngoại đã có lòng quan tâm nghĩ đến các anh em ở quê nhà.

Đặc biệt lúc 2 giờ 50 phút, khi Hòa Thượng chuẩn bị biếu quà thì bất ngờ có bà Catherine Barton (Madam Catherine Barton - Bureau Chief Asia-Pacific, Agence France – Presse, 76 Ngô Quyền, Hà Nội), đi cùng anh Nam phiên dịch đến thăm hỏi và phỏng vấn Hòa Thượng về việc làm từ thiện và nguyên do xuất phát từ đâu? Hòa Thượng trả lời là xuất phát từ tâm từ bi đến cuộc sống bất hạnh nghèo khó của anh em TPB-VNCH. Và quà biếu này là của quý ân nhân hải ngoại gửi về chia sẻ. 

Ngoài ra, Hòa Thượng cho biết là vừa rồi Hòa Thượng cùng các chức sắc trong Hội Đồng Liên Tôn có tổ chức thăm viếng, biếu quà cho các anh em TPB-VNCH ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nhưng rất tiếc là bị công an gây khó dễ, cưỡng chế, áp tải phái đoàn phải quay trở về lại Miền Nam, không cho phái đoàn biếu quà anh em TPB-VNCH ở đây. Về sau Hòa Thượng cũng đã cố gắng gửi trên 200 phần quà nhờ quý Hòa Thượng Thích Chí Thắng, Thượng Tọa Thích Từ Giáo và Linh Mục Phan Văn Lợi chuyển quà đến tận nhà anh em TPB-VNCH.

Bà Catherine Barton còn phỏng vấn và thăm hỏi đời sống sinh hoạt của các TPB-VNCH Ngô Duy Thế và Nguyễn Văn Quan và cùng quay video chụp hình buổi biếu quà các anh em.

Về câu hỏi đời sống của anh em TPB có được hưởng gì về chính sách của nhà nước VN không? Anh em trả lời là hàng ngày sống nhờ vả con cháu hoặc tự lo liệu bằng nghề bán bông bóng, vé số, bánh kẹo… để sống qua ngày. Suốt 40 năm qua không có hưởng phúc lợi xã hội gì. Và về chính sách thì trên thực tế là bị phân biệt đối xử.

Hòa Thượng đã biếu tổng cộng 77 bì thư x 400.000 VNĐ, và kính gửi lời cảm ơn các thân hữu, quý ân nhân hải ngoại như sau: BS Phan Minh Hiển- GS Trịnh Hàn Lâm ở Canada -GS Nguyễn Thủy Nam ở Úc - Anh Nguyễn Công Bằng, Câu Lạc Bộ Hoa Mai - Thượng Tọa Thích Viên Chánh - Anh Trần Đức - cô Mai Hương …

Buổi biếu quà diễn ra rất vui vẻ và đầm ấm trong tình người dưới mái chùa Liên Trì nhỏ bé này.

Dưới đây là số hình ảnh và video LTKT thực hiện


Nhà ăn của chùa Liên Trì, các TPB-VNCH đang dùng bánh, trà nước,...

TPB-VNCH Nguyễn Văn Quan bị cụt hai chân

Phía tay phải TPB-VNCH Võ Văn Ngọc, bên tay trái TPB-VNCH Bùi Văn Mười, bị cụt hai chân

TPB-VNCH Lê Văn Thông, bị cụt hai chân

TPB-VNCH Trần Tô Hà, bị cụt hai chân

TPB-VNCH Trịnh Văn Thanh bị cụt hai chân

TPB-VNCH Huỳnh Văn Sang, bị cụt hai chân

TPB-VNCH Huỳnh Văn Bông bị cụt hai chân

TPB-VNCH Nguyễn Công Bốn,bị cụt hai chân

Các anh TPB-VNCH đang dùng bánh nước ngọt tại phòng ăn của Chùa Liên Trì.


TPB-VNCH Đinh Văn Toàn, bị cụt hai chân

Các TPN-VNCH đang trò chuyện

Kim Thu chụp hình lưu niệm với các chú TPB-VNCH.

Các TPB-VNCH và các quả phụ đang ngồi phòng ăn Chùa Liên Trì trò chuyện.

Lúc này 14giờ 50 phút bà Madam Catherine Barton vừa đến Chùa Liên Trì và đứng trước cửa phòng khách của Chùa.

Chú ý: Ông côn an, mật vụ mặc áo sọc ngang, ngồi ghế đá. 

CHÚ Ý: Hai anh côn an mật vụ, mặc áo sọc kẽ ngang và một mặc áo xanh dương lợt, đang đứng sau mấy chiếc xe Honda. Lúc này côn an đang quay vào phòng khách Chùa Liên Trì trong lúc Hòa Thượng đang được phỏng vấn.

CHÚ Ý: Tên côn an mặc áo trắng gác chân lên, đang ngồi chăm chú nghe Hòa Thường TKT trả lời phỏng vấn.

CHÚ Ý: Lúc này Hòa Thượng xuống nhà sau biếu quà TPB-VNCH, tên côn an bám theo trước mặt Hòa Thượng.

Bà Madam Catherine Barton ở văn phòng AFP, 76 Ngô Quyền, Hà Nội cùng anh Nam phiên dịch, đang phỏng vấn vợ chồng anh TPB-VNCH Ngô Duy Thế tại phòng khách Chùa Liên Trì.

Bà Madam Catherine Barton và anh Nam cùng Hòa Thượng TKT ra phía sau nhà ăn để biếu quà TPB-VNCH.

Lối ra phía sau nhà bếp Chùa Liên Trì, (bên tay phải) anh Nam đang chụp ảnh các TPB-VNCH ở phòng khách, chờ nhận quà biếu.

Bà Madam Catherine Barton đang quay video các TPB-VNCH.

Hai anh phật tử Chùa Liên Trì thay nhau cổng anh Quan TPB-VNCH vào lối nhà ăn Chùa Liên Trì bên (tay trái)

Anh Nam phiên dịch cho bà Madam Catherine Barton, đang chụp ảnh hai phật tử Chùa Liên Trì thay nhau cổng anh Nguyễn Văn Quan, TPB-VNCH

TPB-VNCH Nguyễn Văn Quan đã vào bàn trà nước với các chiến hửu, cũng là người đến sau cùng.

Bà Madam Catherine Barton đang quay camera Hòa Thượng TKT trong lúc Hòa Thượng đang trao quà biếu cho TPB-VNCH.

Bà Madam Catherine Barton đang phỏng vấn anh Nguyễn Văn Quan, TPB-VNCH.

Các TPB-VNCH nhận quà biếu rồi, đang ra về mỗi người đi bằng 2 ghế nhựa, vậy mà có kẻ tán tận lương tâm thu phiếu nhận quà của họ trước đây. 

TPB-VNCH ra về bằng đôi chân hai ghế nhựa.

Tên côn an mật vụ đứng bên trong quán, bên ngoài là tên cảnh vệ mặc áo màu xanh.

CHÚ Ý: Tên côn an mật vụ đang ra bên hong quán, để tránh ống kính của bà Madam Catherine Barton.

CHÚ Ý: Tên côn an mật vụ đang vào lại quán để ngắm nhìn bà Madam Catherine Barton đang quay camera vào Chùa Liên Trì. 

Bà Madam Catherine Barton bên kia đường đối diện Chùa Liên Trì, đang quay camera cảnh các TPB-VNCH ra về.


Gặp lại cờ Vàng


Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Hắn khựng lại khi thấy cái mẫu màu vàng với ba sọc đỏ trên mũ kiểu lính trận của người Mỹ cụt một chân ngồi xe lăn bên cửa ra vào tiệm bán tạp phẩm Ron của người Đại Hàn. Hắn nhìn kỹ và nhận ra đó là quốc kỳ nước Việt Nam Cộng Hòa của hắn xưa kia... Bỗng dưng hắn cảm giác như một luồng điện chạy xuyên suốt thân thể. Quên mất cái dè dặt cố hữu mỗi khi phải giao tiếp hỏi chuyện người lạ, nhất là với người lạ ngôn ngữ bất đồng, hắn vận dụng vốn liếng tiếng Anh vừa học được qua lớp ESL từ trường Đại học Cộng đồng Everett hớn hở chào “hai” người Mỹ, và tự giới thiệu tên, từ đâu đến, lão trịnh trọng:

- May I ask you a question, Sir?

Người Mỹ có vẻ tươi tỉnh, nhanh nhẹn đáp:

- Of course!

Hắn mừng khúm vì người Mỹ đã hiểu được hắn và thấy anh ta cũng rất vuị. Sau mấy câu trao đổi ngắn ngủn, hai bên hiểu ra nhau đã từng một thời chung chiến tuyến. Người Mỹ tự giới thiệu tên Bob, và vội vã bươn bươn cái chân còn lại cố rướn khỏi xe lăn đưa cao hai tay siết chặt lấy hắn, đọc cho hắn địa chỉ apartment anh ta và mời hắn sớm ghé khi nào tiện. Bob rưng rưng nước mắt khiến hắn thắc mắc người cựu chiến binh Mỹ xúc động vì cuộc gặp gỡ đã vô tình gợi anh nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, nhớ đồng đội đã mất, hay vì tiếc thương đôi chân anh đã để lại chiến trường bên kia nửa vòng trái đất hay… Phần hắn, hắn thấy lòng phấn chấn lâng lâng cảm giác như chưa bao giờ. Cả một luồng sinh khí bừng bừng chạy tràn khắp châu thân hắn.

1975-1995. Đã hai mươi năm. Nước mất, nhà tan, tù đày, tủi nhục, uất hận, khật khưỡng cuộc sống, đã làm nhạt nhòa, mờ phai dần dà bóng cờ mà hắn đã tự nguyện qùy gối tuyên thệ bằng hết tâm can. Đã hơn một lần thịt rách máu đổ bảo vệ cho đến giờ phút cuối cùng cuộc mạt nước. “Mất đất nước là mất tất cả”. Mặc dầu trong suốt những tháng năm “học tập cải tạo”, hắn chưa hề được cán bộ quản giáo khen một lần “lao động tốt học tập tốt”, nhưng hắn lại rất thông suốt “tư tưởng bác”, để “vận dụng một cách tài tình sáng tạo vào thực tiễn” cuộc sống. Hắn thường phán với bạn bè, rằng “sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý Nguyễn Văn Thiệu ấy không bao giờ thay đổi.” Suy từ cái chân lý đó mà ra, Cờ Vàng ba sọc đỏ của hắn cũng đã mất luôn theo Nước lâu rồi. Còn chăng là hình ảnh những lá cờ phủ lên quan tài đồng đội hắn hiện về thỉnh thoảng trong những giấc chiêm bao, và khi tỉnh giấc, hắn nghĩ nhiều đến những người nằm trong quan tài hơn nhớ tới lá cờ.

Thực ra lúc mới “được chính phủ cách mạng nhân đạo” chẳng những “khoan hồng tha chết”, vì tội ngoan cố chống lại đến cùng cái bánh xe lịch sử vĩ đại made in Liên Xô và Nhân Dân Trung Cuốc khi nó lăn đến Căn Cứ Nước Trong ở Long Thành, sau khi đã vượt sông Bến Hải, xẻ dọc Trường Sơn, lăn gần hết cả Miền Nam một cách rất là ngon ơ, khiến cho ngài Đại tướng Văn Tiến Dũng đã (viết) “đại thắng mùa xuân” mà vẫn còn cay cú; cách mạng lại còn “nhân đạo” cho hắn vào “đại học” để được học đại thành “con người mới xã hội chủ nghĩa”, mà nếu căn cứ vào thời gian thọ giáo thì ít ra cũng đã tốt nghiệp cỡ tiến sĩ, hắn đã nuôi mộng Cờ Vàng. Nhưng giấc mộng mới lóe lên đã tắt ngay sau khi hắn trải qua nhiều đêm vắt tay lên trán thao thức. Cả một giải giang sơn, với một triệu binh tướng được đào tạo huấn luyện đàng hoàng hẳn hoi, với tàu bay tàu bò tàu bơi, súng to súng nhỏ súng dài súng ngắn, lựu đạn dùi cui, lại có đồng minh giàu của giàu lòng giàu người đứng sau lưng khi nào cũng hứa “quyết bảo vệ đến cùng Thành Trì Tự Do”. Vậy mà chưa đánh đã chạy. Chạy từ cấp tối cao chạy xuống. Lớn chạy trước, vừa vừa chạy sau. Có đám cắm đầu cắm cổ chạy; có đám vừa chạy vừa ngoái cổ lại lừa đám dzịt đẹt “tử thủ”, “đi Mỹ làm gì có cà pháo mắm tôm”. Chạy trước cái đám quân ngơ ngơ ngáo ngáo áo quần luộm thuộm mặt mũi túi tăm, hình thù dị hợm, chiến thuật chẳng ra chi. Như trận đánh hợp đồng tác chiến Bộ Binh Thiết Giáp chúng nhắm vào quân phe hắn ngày 27 tháng Tư 75 nơi Ngã Ba Thái Lan ngoài Vòng Đai Long Bình. Đội hình tiến quân của cách mạng y chang đàn bò lững thững vàọ thành phố; ngờ ngờ đem nguyên một dàn T.54 mới toanh phơi bụng cho “quân Ngụy” phơ sach… Vậy mà, quân ta đã buộc phải buộc một sớm một chiều… tan tành mây khói. Hàng thần lơ láo và những năm tháng đòn thù. Còn gì nữa đâu mà mộng mị. Thôi thì thôi. Rán nín thở qua sông, để may ra còn xác mà trở về quê phụng dường cha mẹ già đã phải xa con từ thời chinh chiến. Mộng Cờ Vàng đã chết. Ôi Cờ Vàng, ngàn thu vĩnh biệt! Requiescat in pace!

Vậy mà hôm nay, hai mươi năm sau, trên xứ lạ đất khách, tình cờ thấy lại lá Cờ Vàng ba sọc đỏ, chỉ bằng mẩu kim khí cỡ lớn hơn đốt tay, trên mũ người cựu binh Mỹ xa lạ, hắn thấy hồn như tràn ngập thần khí từ đâu thổi vào. Hắn quên tuột luốt cái giá buốt đông phong bắc Mỹ đang hắt vào mặt, bò lên tai. Hắn trở về trong khoảnh khắc đứng trên quê nhà, dưới bầu trời nắng ấm, lòng rạo rực tuổi thanh xuân.Và một rừng Cờ Vàng ba sọc đỏ. Cờ đã quen ta từ những “ngày xưa còn bé” sáng sáng nơi sân trường vang vang “Này công dân ơi …”; Cờ thân thương gần gũi vờn hôn lên mặt hắn trong toán Quốc Quân Kỳ những dip diễn hành lễ trên Đồi 4100 Thủ Đức. Cờ phất phới chào mừng những đoàn quân chiến thắng trở về. Cờ tung bay ngạo nghễ trên cổ thành Quảng Trị. Lão bần thần, ngất ngây. Hắn cay cay khoé mắt. Tai hắn phần phật tiếng cờ vỗ đều lên quan tài cố Trung úy Lê Văn Hải Thiết Đoàn 14 Kỵ Binh trên chiếc GMC từ Quy Nhơn về Sài Gòn trong hai đêm ba ngày qua bảy trăm cây số; chặng nào cũng nơm nớp lo sợ đồng đội bị “người chết hai lần”, trong tình hình còn ngột ngạt hậu Mùa Hè Đỏ Lửa. Hắn nghĩ, chắc là Cờ Vàng, hồn thiêng sông núi, nhìn thấy trong chiếc cặp hồ sơ lão mang theo, có tờ điện tín của vợ người lính trong quan tài với nội dung, “Em sắp sinh con đầu lòng . Anh xin phép về với em gấp”. Cờ vẫy gọi. Cờ đón chào. Cờ vinh danh. Cờ reo vui. Cờ ngậm ngùi thương tiếc... Cờ bi xỉ nhục, phanh thây… Hắn thấy Cờ Vàng cùng khắp.

Hắn bước ra khỏi quán Ron.Trời đất, khung cảnh chung quanh toàn một màu vàng. Hắn thấy quần áo trên người lão biến thành màu olive, cái mũ xì po trắng Nike trên đầu lão phản chiếu trên tấm kiếng xe chạy ngược chiều thành cái mũ nồi đen. Lão rảo bước. Mạnh mẽ, hiên ngang, như đôi chân hắn đang trong bốt đờ xô.

Tối nay, hắn sẽ diễn tả với vợ con thế nào cho hết được nỗi niềm của hắn khi gặp lại Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sau hai mươi năm. 

(Trích từ "Hai Người Cựu Chiến Binh")


Đảng cộng sản VN sẽ không lỡ chuyến tàu chót, hay đã dâng Tổ Quốc cho Tàu?

Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam (Danlambao) - Tháng 11/2009 Trung Tá hạm trưởng Lê Bá Hùng lái chiếc khu trục hạm USS Lassen lần đầu tiên ghé thăm hữu nghị Việt Nam và cập bến tại cảng Tiên Sa Đà Nẵng (1). Mỹ có nhiều hạm trưởng nhưng tại sao họ lại đặc biệt trao cho nhiệm vụ này cho một người gốc Việt Nam, con trai của một sỹ quan hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tỵ nạn tại Mỹ?

Vào năm 2009, Biển Đông vẫn còn yên tĩnh. Bọn bành trướng Tàu cộng lúc đó chỉ mới chuẩn bị tư tưởng với các nước trên thế giới qua việc tuyên bố đường lãnh hải chín đoạn có hình lưỡi bò bao trùm toàn bộ Biển Đông qua việc ngụy tạo chứng cớ lịch sử bằng cách đăng tải các bài nghiên cứu văn học và khoa học có chèn thêm các bản đồ nước Tàu với đường lãnh hải lưởi bò. Hơn 500 trí thức trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối và cảnh giác trò lưu manh của Tàu với cộng đồng khoa học khắp nới trên thế giới (2). Đương nhiên Mỹ từ lâu đã biết được dã tâm của Tàu sẽ tiến hành từng bước chiếm ngự toàn bộ biển Đông, nếu không đạt được ý đồ bành trướng bằng phương cách mua chuộc hay dùng áp lực kinh tế thì Tàu sẽ dùng sức mạnh quân sự biển người chiếm đoạt, trong đó đại đa số là lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam và Phi Luật Tân. Phi Luật Tân đã là đồng minh lâu đời của Mỹ và được Mỹ bảo vệ đang tích cực chống lại hành động xâm lấn của Tàu cộng. Phi Luật Tân đang chống trả mãnh liệt cả về sử dụng quân đội và đang kiện Tàu tại các toà án Quốc tế. Đảng CSVN trong khi đó thì án binh bất động, im hơi lặng tiếng, một mặt thì bưng bít tin tức về hành động Tàu cộng đang chiếm đoạt biển đảo của Việt Nam trước toàn dân, mặt khác càng lúc càng thắt chặt mối liên kết kinh tế, quốc phòng với chúng. Đảng CSVN không những im lặng một cách đáng sợ trước hành động xâm lăng bá quyền của Tàu tại biển Đông mà còn đàn áp rất hung bạo người dân trong nước quan tâm đến tình hình biển Đông và lên tiếng tố cáo những hành vi xâm lược của Tàu. Thay vì cần phải có những hành động ngoại giao và quân sự chống đối quyết liệt kẻ đang cố tình dùng sức mạnh quân sự xâm chiếm lãnh thổ, biển đảo và tàn sát ngư dân hành nghề trên vùng biển của tổ quốc; trong những ngày qua tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng lại mang theo một đoàn tùy tùng gồm nhiều quan chức cao cấp của đảng CSVN sang Bắc Kinh ký kết nhiều văn bản hợp tác kinh tế và đặc biệt là về hợp tác quốc phòng. 

Năm 2009 Mỹ đã đưa một Người Việt Nam thuộc Hải Quân Mỹ trở về thăm lại quê hương trên một chiếc khu trục hạm do chính ông là hạm trưởng với hàm ý nói với lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam rằng lớp người trẻ ưu tú tại hải ngoại, cụ thể tại Mỹ và nhiều nước tự do trên thế giới, có đủ khả năng giúp Việt Nam bảo vể lãnh thổ lãnh hải biển đảo chống lại bọn bá quyền Tàu một khi ĐCSVN thay đổi và hội nhập với thế giới tự do. Nhưng ĐCSVN đã để cơ hội hiếm có này vuột khỏi tầm tay chỉ vì mù quáng theo đuôi bọn Tàu nhằm bảo vệ bộ áo khoát cộng sản của họ. 

Hậu quả cho việc lỡ chuyến tàu đưa đến tự do dân chủ và thịnh vượng cho toàn dân vào năm 2009 của đảng CSVN, là bọn bành tướng bá quyền Tàu cộng tiếp tục lấn lướt trên biển Đông. Bọn Tàu cộng nhanh chóng biến các quần đảo Hoàng Sa mà chúng đánh cướp từ miền Nam Việt Nam vào năm 1974 thành quận huyện của chúng và xây dựng quần đảo Hoàng Sa thành căn cứ quân sự trên biển Đông. 

Chúng không chỉ dừng tại Hoàng Sa. Ngày 01/5/2014 chúng đã ngang nhiên đem giàn khoan nổi Hải Dương 981 vào sâu trong vùng lãnh hải 200 dặm của Việt Nam chỉ cách đảo Lý Sơn khoảng 120 dặm (3). Hành động ngang nhiên xăm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam bằng cách dùng dàn khoan dầu đã kéo dài gần một tháng mà phía đảng CSVN chỉ lên tiếng lấy lệ trong khi người dân đứng lên bày tò mối quan tâm đối với hành vi ngang ngược cùa Tàu thì bị lực lượng công an của đảng CSVN đàn áp bắt bớ. 


Vị trí của giàn khoan dầu HD 981 và cảnh người dân Sài Gòn biểu tình lên án cộng sản Tàu đem giàn khoan vào vùng lãnh hải Viêt Nam tại Sài Gòn

Cùng lúc đó tại bãi đá chìm Gạc Ma mà chúng chiếm vào năm 1988 (4,5,6) sau khi thảm sát 64 chiến sĩ công binh Việt Nam đang bảo vệ đảo này, bọn bành trướng Tàu cộng đang nhanh chóng tiến hành bồi lấp thành một căn cứ quân sự có cả phi đạo cho các chiến đấu cơ chiến lược.
Ảnh vệ tinh vạch trần việc Trung Quốc cải tạo đảo đá ở Trường Sa bắt đầu từ năm 2014 trong khi chúng cho dàn khoan dầu HD 981 xâm nhập vùng lãnh hải Việt Nam
Sơ đồ vùng đảo nhân tạo được Tàu Cộng bồi đắp trên bải đá Gạc Ma, sẽ là một khu quân sư hoàn chỉnh khổng lồ nhằm mục đích khống chế toàn bộ biển Đông

Nếu ĐCSVN không để lỡ chuyến tàu USS Lassen do Trung Tá gốc Việt Lê Bá Hùng đến cảng Tiên Sa vào tháng 11 năm 2009 nhằm mục đích mở rộng vòng tay đón nhận Việt Nam chống lại hành động xâm lược của Tàu thì chắc chắc bọn bành trướng Tàu không thể tự tung tự tác trên biển Đông trong 6 năm qua và ngang nhiên biến đảo Gạc Ma thành một căn cứ quân sự của chúng nhằm phục vụ cho hành động xâm lược khống chế toàn bộ biển Đông. 

Lần này, vào ngày 06/04/2015, với chức vụ Hải Quân Đại Tá phó tư lệnh đội tàu khu trục thuộc hạm đội 7 Mỹ, Hải Quân Đại Tá Lê Bá Hùng đến thăm Việt Nam mang theo 2 chiến hạm tối tân thuộc hạm đội 7 tại Thái Bình Dương (7).

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng và Hải quân Việt Nam đón tiếp thủy thủ đoàn của Mỹ do Đại tá Lê Bá Hùng dẫn đầu ngày 6.4, tại cảng Đà Nẵng. Hai chiến hạm Mỹ đang đậu tả bến cảng Tiên Sa Đà Nẵng

Ý nghĩa của cuộc viếng thăm Đà Nẵng lần này của hải quân Đại tá Lê Bá Hùng trước hành động xâm lăng trắng trợn của bọn bành trướng Tàu trên toàn vùng biển Đông quang trọng gấp bội so với lần thăm viếng Đà Nẵng vào năm 2009. Tương lai sống còn của Việt Nam trước hành động bá quyền của Tàu sẽ tùy thuộc vào hành động thức thời của đảng cộng sản, nhanh chóng từ bỏ chế độ độc tài toàn trị trở về với của cộng động tự do dân chủ của thế giới để cùng toàn dân Việt trong và ngoài nước kết hợp sức mạnh đánh bại bọn xâm lược đại hán Tàu cộng.

Đây là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam thoát khỏi gọng kềm và gông cùm của bọn xâm lược Tàu cộng phương Bắc. Nếu ĐCSVN vì tham vọng cá nhân lại để cho lỡ chuyến tàu chót này đưa toàn dân đến với thế giới tự do dân chủ, cam tâm làm nô bộc cho bọn Tàu cộng thì người dân Việt Nam chỉ còn một con đường duy nhất là phải nhanh chóng loại bỏ bọn Lê Chiêu Thống Đảng Cộng Sản VN (8) đang buôn dân bán nước cho bọn Tàu cộng. Khi đó toàn dân Việt Nam mới mở ra cho mình một sinh lộ, và trong ngoài cùng nhau đoàn kết một lòng đánh đuổi bọn xâm lược Tàu ra khỏi bờ cỏi Việt Nam.

Ngày 12/04/2015



___________________________________

Tham khảo:

(1) Vài suy nghỉ về chuyến viếng thăm Việt Nam của Hạn Trưởng Lê Bá Hùng


(2) Thư Cảnh Giác Gởi Cơ Quan Truyền Thông Quốc Tế


(3) Vụ giàn khoan Hải Dương 981


(4) Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma 1988


(5) Ảnh vệ tinh vạch trần việc Trung Quốc cải tạo đảo đá ở Trường Sa


(6) Gạc Ma của Việt Nam trước mưu đồ mới của Trung Quốc


(7) Một người tị nạn cộng sản chỉ huy 2 chiến hạm Hoa Kỳ trở lại Việt Nam


(8) Nguyễn Phú Trọng xác nhận dâng hiến Việt Nam cho Trung Quốc



Các dự án nghi ăn hối lộ của nhà thầu Hàn Quốc bị thanh tra

HÀ NỘI (NV) .- Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN loan báo ra lệnh “thanh tra đột xuất” một số dự án xây dựng hạ tầng có sự tham dự của nhà thầu Hàn Quốc Posco, đang bị điều tra hối lộ.


Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được POSCO E&C thi công gói thầu số A1, A2, A3. (Hình: VNExpress)

Chuyện thanh tra của Bộ GTVT, theo tin tức, gồm đại diện của 6 cơ quan của bộ này như thanh tra của Bộ, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông do một ông Phó chánh Thanh tra Bộ GTVN tên Lê Văn Doãn làm trưởng đoàn.

Tất cả các bộ ngành, các tỉnh thị trên cả nước đều có cơ quan thanh tra nhưng những vụ án tham nhũng hối lộ lớn tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù tham nhũng hối lộ được mô tả là tràn lan từ trên xuống dưới. Các vụ án tham nhũng tại Việt Nam thường do nội bộ đấu đá nhau và do dân tố cáo, không phải do các cơ quan thanh tra khui ra.

Riêng trong ngành xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu, đường, trường học, nhà thương v.v...chỉ thấy các nước cấp viện điều tra và truy tố nhà thầu của nước họ, rồi chế độ Hà Nội bị áp lực phải bỏ tù một vài viên chức. Hà Nội chưa hề tự “thanh tra” thấy một quan tham nào ăn bẩn suốt bao năm qua từ các dự án nhận viện trợ giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo thường biết dưới tên tắt là ODA.

Cuối Tháng Hai vừa qua, báo chí Hàn Quốc cho hay, cuộc kiểm toán nội bộ của tập đoàn POSCO đã thấy chi nhánh POSCO E&C tham gia thầu xây dựng tại Việt Nam đã lập quỹ đen số tiền khoảng 10 tỉ won, hay khoảng $8.9 triệu mà họ tình nghi số tiền dùng để “lại quả” hay hối lộ cho các quan chức Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 đến 2012.

Ngày 3 tháng Tư, 2015 vừa qua, báo chí Hàn Quốc nói, chính phủ nước này đang điều tra một loạt lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn POSCO cùng công ty con - Công ty Xây dựng POSCO (POSCO E&C) để điều tra về những khoản quỹ đen bí ẩn trong hoạt động của công ty tại Việt Nam. Cái số tiền “quỹ đen” nói trên được một số viên chức bị kỷ luật khai là “lại quả cho một số nhà thầu”.

Rất có thể các số tiền “lại quả” đó khi đến tay “các nhà thầu phụ” ở Việt Nam thì lại được nộp cho các quan chức Bộ Giao Thông Vận tải CSVN. Chính phủ Hàn Quốc tình nghi giá trúng thầu đã bị đội lên để có tiền hối lộ.

Hai dự án ODA lớn mà POSCO E&C trúng thầu giai đoạn đó là đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Cả hai dự án xây dựng vừa kẻ do “Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam” của Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng GTVT họp báo khoe rằng các dự án vừa kể được tổ chức đấu thầu quốc tế “theo đúng những quy định đề ra”.

Ông Trường gần đây bị tai tiếng ăn hối lộ của một nhà thầu hàng trăm triệu đồng rồi lại không để cho người ta trúng thầu. Người chủ tốn tiền mà “hụt thầu” là một phụ nữ đã công bố trên internet các tin nhắn qua lại giữa ông Nguyễn Hồng Trường và bà ta đòi tiền. Dù vậy, vụ việc được Bộ GTVT cho chìm xuồng.

Hiện chính phủ Nhật đang đòi chế độ Hà Nội trả lại số tiền đã giải ngân tư vấn thiết kế cho dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội. Chính phủ Nhật đã kết tội một số viên chức nhà thầu JTC hối lộ cho quan chức Cục Đường Sắt CSVN số tiền khoảng $800,000. Nhưng hiện mới chỉ có một số ông của Cục vừa kể đang “bị điều tra”, chưa thấy kết luận ra sao. (TN)

04-10-2015 7:07:32 PM

Hiệu trưởng xén phần ăn học sinh để… trả nợ!

Theo NLĐO-11/04/2015 21:50

Trong các buổi họp hội đồng nhà trường và các buổi chào cờ, bà hiệu trưởng còn chửi bới đồng nghiệp bằng những lời lẽ xúc phạm

Theo thông báo của Huyện ủy Bù Đốp, tỉnh Bình Phước về kết quả xác minh đơn tố cáo của giáo viên, bà Nguyễn Thị Hồng Bốn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiện Hưng A (xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp), đã mắc hàng loạt sai phạm trong quá trình lãnh đạo.
 Học sinh Trường Tiểu học Thiện Hưng A đã bị cô hiệu trưởng xén phần ăn
Học sinh Trường Tiểu học Thiện Hưng A đã bị cô hiệu trưởng xén phần ăn

Vào tháng 6-2014, bà Bốn thông báo trong cơ quan sẽ hợp đồng với 1 công ty tại TP HCM để xây nhà ăn cho học sinh bán trú. Tuy nhiên sau đó, bà Bốn đã tự ý hợp đồng với Công ty TNHH MTV Samaki (trụ sở tại huyện Bù Đốp) mà không thông qua chi bộ, hội đồng nhà trường, Công đoàn nhà trường cũng như hội cha mẹ học sinh (HS).
Sau khi nhà ăn được đưa vào sử dụng 1 tháng, số lượng HS đăng ký bán trú không như hợp đồng nên công ty giao lại nhà ăn, cơ sở vật chất để nhà trường tự quản lý, tự nấu ăn cho HS. Công ty yêu cầu nhà trường phải trả tiền khấu hao là 300 triệu đồng trong 5 năm, kể từ ngày 1-10-2014 đến 30-9-2019. Do bể hợp đồng, bà Bốn đã cùng 3 người trong hội cha mẹ HS tự động cắt xén khẩu phần ăn của học sinh với mức 1.000 đồng/HS/ngày để trả nợ cho Công ty TNHH MTV Samaki. Kinh phí xây dựng nhà ăn gần 300 triệu đồng nhưng nhà trường cung cấp 11 chứng từ lên hơn 322 triệu đồng, không dùng hóa đơn đỏ theo quy định.
Ngoài ra, thông báo của Huyện ủy Bù Đốp còn khẳng định việc ban giám hiệu nhà trường tự chia nhau 15% số tiền thu từ nhà ngủ HS là hoàn toàn sai. Vì nhà ngủ xây trên đất của nhà trường, lợi nhuận thu được phải đưa vào công quỹ, khi chi phải do tập thể quyết định. Theo đó, số tiền bà Bốn cùng 1 hiệu phó được hưởng tuy nhỏ (851.000 đồng/3 tháng/người, còn kế toán và thủ quỹ trên 1,9 triệu đồng/3 tháng/người) nhưng gây bất bình trong CB-CNVC.
Bên cạnh đó, theo đơn tố cáo của giáo viên, bà Bốn thường chửi bới đồng nghiệp bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa. Qua xác minh cho thấy trong các buổi họp hội đồng và các buổi chào cờ, bà Bốn có những lời lẽ thiếu tế nhị, chưa chuẩn mực và thiếu tôn trọng đồng nghiệp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Cũng theo thông báo của Huyện ủy Bù Đốp, bên cạnh việc thường xuyên không tôn trọng đồng nghiệp, bà Bốn còn không tạo điều kiện cho CB-CNVC ở nhà công vụ trong trường. Cụ thể, cô giáo Loan dù có thai, được bác sĩ kết luận thai yếu nhưng chỉ vì chồng cô chậm trễ khắc phục những lỗi kỹ thuật của cánh cửa nhà bà Bốn (trước đó chồng cô Loan gia công cánh cửa - PV) nên bà Bốn chửi cô Loan thậm tệ, buộc lòng cô giáo này phải rời nhà công vụ.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thắng (SN 1971, nhân viên y tế học đường, chồng bà Bốn) đã đánh và đập ĐTDĐ của một phóng viên khi phóng viên đến trường xác minh những tiêu cực của bà Bốn vào chiều 19-11-2014 (Báo Người Lao Động đã phản ánh). Đến ngày 10-3, ông Thắng bị xử 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”.

Trường tiểu học Thiện Hưng A đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào tháng 3-2012.

Bài và ảnh: HỒNG THẢO

'Phép vua thua lệ… chủ tịch'

Theo Tuanvietnam.net-11/04/2015 02:00
 Thứ suy đồi về văn hóa ấy, tiếc thay- vẫn đang ngây ngất trước... "hoa hồng"

Dân gian từ xa xưa đã có câu ngạn ngữ phép vua thua lệ làng để nói về cái quyền uy của lệ làng- mà đã nói lệ, tức không phải luật, chỉ do làng đó tự đặt ra, bất chấp cả luật pháp kỷ cương- (phép vua).

Xe quá tải và uy tín mất thiêng

Cứ tưởng chỉ là chuyện của thời phong kiến, sau lũy tre làng, hóa ra, nó còn là chuyện của thời nay, thời kinh tế thị trường, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Đó là vụ việc của tỉnh Hà Nam, mới đây đã gây ra sự ồn ào và chú ý của dư luận, sự bất bình của người dân nơi sở tại. Ồn ào, và bất bình bởi người dân sở tại phải chứng kiến ngày ngày hàng trăm chiếc xe trọng tải lớn với hàng chục tấn, nghênh ngang lao qua cầu Châu Sơn- cây cầu bắc qua sông Đáy, nối trung tâm t/p Phủ Lý (Hà Nam) sang Khu công nghiệp Châu Sơn, mỏ đá Kiện Khê. Trong khi, theo công năng thiết kế, cây cầu này chỉ chịu nổi xe có trọng tải dưới 3,5 tấn.

Phép vua thua lệ chủ tịch, nhập gia tùy tham nhũng, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên
Chở quá tải sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh: VietNamNet

Trước đó, mới một vài tháng, cả XH như phát sốt vì hiện tượng xe quá tải. Bắt đầu từ một địa danh ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngay lập tức, vấn đề xe quá tải, còn gọi là xe “hổ vồ” phá nát các đường giao thông, gây bất bình dữ dội trên báo chí. Bởi đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến các con đường giao thông đường bộ lâu nay, chất lượng vốn chưa tương xứng với tiền đầu tư, lại càng nhanh xuống cấp.

Hàng loạt bài viết về xe quá tải, cho thấy rõ thực trạng hoành hành của nó ra sao: Nào là “Để xe chở quá tải 03 lần, nhà thầu sẽ bị cấm cửa”; “Chủ tịch tỉnh xuống đường, xe quá tải mất hút”; “Đoàn xe quá tải khủng, bị bắt nóng giữa đêm”; “Bộ trưởng đích thân bắt xe quá tải tại công trường" v.v… và v. v…

Vì sao mà việc ngăn chặn và xử lý xe quá tải khó khăn đến vậy. Đương nhiên ai cũng hiểu, ở đây không thể thiếu chuyện lợi ích- “làm luật”- mà thực chất chỉ là “lệ”, nếu có gọi là luật, cũng chỉ là thứ luật… phi pháp. Đồng tiền giấy mỏng tang, lại có sức nặng hơn tất cả các loại xe trọng tải lớn, pháp luật, kỷ cương, phẩm chất công dân... cộng lại.

Chính vì thế, ngày 04/04 mới đây, Bộ GTVT đã phải có chỉ thị yêu cầu các đơn vị Tổng cục Đường bộ VN, các đơn vị liên quan phối hợp tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe. Thậm chí Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cam kết làm đến cùng để chấm dứt tình trạng xe chở quá tải ngay trong năm 2015.

Thực trạng những con số xe quá tải vi phạm cho thấy sức tàn phá của nó với đường xá giao thông ghê gớm thế nào.

Tính từ ngày 1/4 đến 31/12/2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của 63 tỉnh, thành và 02 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định Dầu Giây (Đồng Nai) và Quảng Ninh kiểm tra tải trọng 430.000 lượt xe, trong đó phát hiện hơn 57.000 chiếc vi phạm. Lực lượng chức năng các địa phương còn kiểm tra, xử lý 1.152 xe cơi nới thùng trái phép.

Riêng 02 tháng đầu năm 2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã cho dừng, kiểm tra hơn 56.000 xe, phát hiện và lập biên bản 5.900 chiếc vi phạm (NLĐ, ngày 03/3).

Trong khi đó, cũng theo báo NLĐ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị cần phải xử lý thật nghiêm với hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép. Thậm chí, với những xe chở hàng quá tải trọng 200% trở lên, cần chuyển sang xử lý hình sự.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN, đề nghị đồng thời xử nghiêm lãnh đạo địa phương nào buông lỏng, cán bộ thi hành công vụ đồng lõa, tiếp tay vi phạm. Ông còn cho biết “Ở Thái Lan, nếu chở quá tải là họ bỏ tù ngay vì đó coi như là tội phá hoại tài sản quốc gia".

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về trật tự ATGT 06 tháng đầu năm 2014, Phó TT Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Phép vua thua lệ chủ tịch, nhập gia tùy tham nhũng, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên
Văn hóa ở đây chính là văn hóa sống, hành xử trước pháp luật, trước cộng đồng, trong nhân cách quan chức, cán bộ - một bộ phận không nhỏ.

Vậy mà mặc cho những cam kết của ông Bộ trưởng GTVT, mặc cho chỉ đạo của Phó TT, không biết có phải do mũ ni che tai, bất cần những chỉ đạo của cấp trên, kiểu đường ta ta cứđi, cầu ta ta cứ qua, mà Chủ tịch tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông thản nhiên ký hai lần công văn cho phép xe tải trọng lớn nghiễm nhiên qua cầu. Cũng không phải tất cả xe của các doanh nghiệp trên địa bàn đều được quyền như thế, mà chỉ có xe của các DN như Xuân Trường, Hữu Trí mới được …qua cầu gió bay.

Tuy nhiên, ngay cả đại diện của cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét cho xe quá tải qua cầu cũng phải thừa nhận, do lượng xe tải được phép qua cầu khá nhiều, mặt khác, các xe tải lại có hình thức giống nhau nên nhiều khi xử lý không hết! (GDVN, ngày 23/3), thành ra có cả chuyện không ít xe quá tải khác “ăn theo” kiểu của người phúc ta

Vì sao vậy? Vì sao Bộ trống đánh xuôi, tỉnh kèn thổi ngược? Khiến cho dư luận không ít người dân ở tỉnh đặt câu hỏi vì sao Chủ tịch tỉnh lại ưu ái “bảo kê” cho vài doanh nghiệp?

Chả lẽ Hà Nam là tỉnh có quyền sống trên pháp luật?

Chuyện ông Chủ tịch tỉnh Hà Nam sử dụng "phép vua thua lệnh… chủ tịch” chưa xong, lại nổi lên chuyện ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình.

Xưa nay, việc chôn cất người đã khuất, nhất là người thân ruột thịt vốn là chuyện linh thiêng và là chuyện nghĩa tử nghĩa tận, nên dường như chẳng ai dám “xía” vào.

Nhưng vì sao chuyện ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình chôn cất bố lại bị lời vào tiếng ra? Ấy là bởi ông Chủ tịch tự chọn chỗ chôn cất thân sinh không nằm trong nghĩa trang chung, mà rất trái khoáy- chôn ở vùng đất thuộc rừng thông của lâm trường Đồng Hới, nằm sát trên trục đường chính vào trại giam Đồng Sơn (Bộ Công an), chỉ vì chỗ đó được coi là có địa thế, phong thủy đẹp nhất t/p Đồng Hới.

Điều đáng nói, mặc cho công văn của cơ quan chức năng, ngành chức năng về vị thế ngôi mộ không phù hợp quy hoạch chung, ngôi mộ vẫn được tu sửa kiên cố, đẹp đẽ, hoành tráng, như một khuôn viên, cách không xa là nghĩa trang liệt sĩ xuống cấp nghiêm trọng.

Và để hợp thức hóa, những việc cần làm ngay đã được… làm ngay. Nào là tờ trình của phường Đồng Sơn xin mở rộng nghĩa trang Đá Bạc để hợp thức hóa toàn bộ khu mộ vào trong nghĩa trang. Nào là ông Chủ tịch t/p Đồng Hới bút phê vào tờ trình của phường, và hài nhất, là đề nghị… ngược- Chủ tịch tỉnh quan tâm giải quyết. Nào là UBND tỉnh cấp thẳng 01 tỷ đồng xuống phường mở rộng nghĩa trang Đá Bạc, cũng tức là bảo đảm mộ của ông bố ông Chủ tịch nghiễm nhiên hợp pháp hóa về mọi phương diện.

Không biết sau này, phúc đức của người âm có linh thiêng phù hộ người dương hay không, nhưng trước dư luận xã hội, trước con mắt của nhân dân, chắc chắn uy tín của ông Chủ tịch tỉnh đã… mất thiêng!

Mà một khi mất thiêng, thì niềm tin, sự nể trọng, tôn ti kỳ cương pháp luật của người dân có còn thiêng?

Nhập gia tùy… tham nhũng

Trước đây, những vụ việc tham nhũng dính dáng đến các dự án ODA rất ít được nhắc đến- với lý do quan hệ đối ngoại, ngại ngần ảnh hưởng đến việc viện trợ, đầu tư. Tuy nhiên, việc không thể nói cũng đã phải nói. Bởi chính những điều xấu khuất tất của những kẻ tham nhũng, giờ đây thật sự ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của nước Việt trên hành trình hiện đại.

Đó là vụ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam mới đây đòi VN hoàn lại tiền tư vấn đường sắt. Theo VietNamNet, ngày 02/4, việc đòi lại này dựa trên cơ sở trong phiên xét xử tại Nhật Bản, phía JTC đã thừa nhận hành động “lại quả” cho một số quan chức cao cấp của ngành đường sắt trong dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội số 01, số tiền tới hơn 16 tỷ đồng. Như vậy hợp đồng tư vấn giữa JTC với Ban quản lý các dự án đường sắt đã không tuân thủ qui định đấu thầu của JICA. Chiểu theo 'Điều kiện chung của vốn vay ODA Nhật Bản', JICA đề nghị phía VN hoàn trả toàn bộ số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn này.

Khỏi phải nói, nỗi sượng sùng của người dân Việt như thế nào. Nhất là khi đại diện phía Nhật Bản phải nói thẳng: Nếu xảy ra lần nữa, chắc chắn người dân Nhật Bản sẽ lên tiếng và yêu cầu dừng cấp ODA cho VN.

Cho dù đến thời điểm này, phía VN vẫn đang tiếp tục điều tra ai, kẻ nào đã dây máu ăn phần  trong việc “đối ngoại” đầy tai tiếng này. Cho dù, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông có cho biết, vẫn đang trong qúa trình điều tra (06 cán bộ đường sắt đã bị bắt). Nếu đúng là có chuyện nhận hối lộ thì cá nhân, tổ chức nhận hối lộ sẽ phải hoàn tiền cho phía Nhật Bản và bị xử lý theo pháp luật.

Nhưng đây không phải vụ nghi vấn tham nhũng đầu tiên, và nếu đặt trong bối cảnh “hoa hồng” mọc …. xuyên quốc gia, có lẽ vẫn chưa phải vụ cuối cùng.

Đã từng có rất nhiều vụ việc tai tiếng, đáng tiếc, mỗi vụ một vẻ mười phân mất mát cả mười

Tỷ như : Năm 2006 - vụ tiêu cực tại PMU18: Tổng Giám đốc PMU18 bị bắt giữ và bị cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la.  Vụ án "ầm ĩ" này đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT thời kỳ đó phải từ chức.

Chỉ 02 năm sau, cả nước lại xôn xao vụ bê bối liên quan tới Dự án Đại lộ Đông - Tây tại TPHCM sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, với số tiền 820.000 USD để “chạy thầu” dự án.

Bốn năm sau, năm 2012, Đan Mạch cũng tuyên bố tạm dừng cấp vốn ODA vì phát hiện các dấu hiệu bất thường về tài chính, số tiền hơn ½ triệu USD trong 03 dự án.

Đầu tháng 3/2015 mới đây, Cơ quan công tố Hàn Quốc đã phát lệnh tạm giam cựu Giám đốc chi nhánh nước ngoài của Tập đoàn Posco E&C, cáo buộc ông này đã tạo quỹ đen khoảng 10 tỷ won (tương đương với 199 tỷ VNĐ) và biển thủ 04 tỷ won khi thực hiện các dự án giao thông tại VN từ năm 2009 - 2012.

Phép vua thua lệ chủ tịch, nhập gia tùy tham nhũng, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên
Ảnh minh họa: Dân trí

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng “cấm cửa” nhà thầu Louis Berger của Mỹ tham gia đấu thầu 01 năm do có hành vi hối lộ các quan chức tại Dự án Giao thông nông thôn 3 (WB3), Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng của VN.

Ở tất cả các vụ việc đáng hổ thẹn đó, một đặc điểm nổi bật, tất cả đều không do phía VN phát hiện, mà toàn do các nước chủ đầu tư phát hiện. Hiện tượng bất thường đó phản chiếu một điều- các công trình liên quan đến dự án ODA của VN bị buông lỏng về quản lý.

Mặt khác, một tâm lý tệ hại thường trực trong không ít quan chức các địa phương, các ngành, cứ nói đến dự án ODA là loại “viện trợ không hoàn lại”, một thứ cơ chế xin- cho cấp quốc tế, hoặc cho vay giá rẻ. Vì thế, quản lý lỏng lẻo vô tình là tòng phạm tiếp tay cho tâm lý tham vàng bỏ… nhân cách, cao hơn, là bỏ cả thể diện quốc gia.

Đặt trong bối cảnh tham nhũng ở XH ta luôn tranh tối tranh sáng, thì cái việc tìm ra thủ phạm, kẻ tham nhũng quả là khó như đuổi hình bắt bóng.

Dân gian từ cổ xưa có câu thành ngữ rất hay: Nhập gia tùy tục. Đáng buồn thay, các dự án ODA của các xứ văn minh khi vào VN đã “tha hóa” nhập gia tùy… tham nhũng.

Được biết, ngày 9/4, Bộ trưởng GTVT ký quyết định thanh tra đột xuất một số dự án, gói thầu do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) làm chủ đầu tư, có sự tham gia của Cty POSCO Engineering&Construction (POSCO E&C, thuộc Tập đoàn POSCO - Hàn Quốc) (tienphong.vn, ngày 10/4)

Đặc biệt, theo TBKTSG Online, ngày 09/4, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về ODA, thay thế các nghị định khác, nhằm quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đây là những động thái tích cực, cần thiết.

Nhưng liệu những kẻ có tội trong vụ việc dính líu đến dự án của ODA có bị lôi ra ánh sáng không, không ai có thể trả lời được. Và liệu có ngăn chặn được những vụ tiếp theo ở thì tương lai không, cũng không ai có thể trả lời được. Khi mà ở XH ta, luật pháp, chế tài, các quy định xử lý nghiêm khắc đều đầy đủ, nhưng tham nhũng vẫn có mặt cũng… đầy đủ không kém

Chỉ nhớ được một câu nói thẳng thắn của ông Vũ Ngọc Hoàng, UVTU Đảng, trong bài viết đăng trên Tuần Việt Nam ngày 07/4 mới đây: Đảng không thể tồn tại nếu suy đồi về văn hóa.

Văn hóa ở đây chính là văn hóa sống, hành xử trước pháp luật, trước cộng đồng, trong nhân cách quan chức, cán bộ - một bộ phận không nhỏ.

Thứ suy đồi về văn hóa ấy, tiếc thay- vẫn đang ngây ngất trước …"hoa hồng".

Kỳ Duyên