Thursday, March 2, 2017

Bắt cướp không được, 4 công an Tiền Giang còn bị cướp xe

Cơ sở thu mua thanh long, nơi xảy ra vụ cướp xe công an. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
TIỀN GIANG (NV) – Bốn công an huyện Chợ Gạo đến cơ sở thanh long khống chế, yêu cầu tên cướp về trụ sở, song không những không nghe mà tên cướp còn đe dọa rồi cướp xe máy của một công an tẩu thoát.
Loan báo với truyền thông, ngày 2 Tháng Ba, ông Nguyễn Hồng Hữu, trưởng công an huyện Chợ Gạo cho biết, đơn vị này đang tổ chức truy bắt Lê Hoàng Lâm (27 tuổi), ngụ xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, nghi can dùng dao đe dọa cướp tiền và cướp xe máy của một công an viên xã Thanh Bình.
Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 1 giờ ngày 28 Tháng Hai, khi hơn chục công nhân đang làm việc tại cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu Mỹ Ngọc của ông Nguyễn Văn Trừ, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, thì phát hiện thanh niên lạ mặt dừng xe máy giả vờ vào mua thanh long.
Bất ngờ người này rút dao, trên cổ áo lại có treo một vật giống quả lựu đạn uy hiếp các công nhân phải mở tủ lấy tiền đưa cho y. Sau thời gian cầm cự, không mở tủ, các công nhân thoát ra ngoài và trình báo công an xã Thanh Bình.
Lúc này, tên cướp tìm mọi cách để mở tủ lấy tiền nhưng không được. Khi 4 công an xã Thanh Bình đến yêu cầu người này về trụ sở, y không chấp hành mà còn ngang nhiên dùng dao và một vật giống lựu đạn hù dọa sẽ cho nổ. Sau đó tên cướp lên xe máy của một công an viên còn đang gắn chìa khóa tẩu thoát.
Sự việc được camera an ninh của cơ sở thu mua thanh long ghi lại. Qua xác minh, tên cướp chính là Lê Hoàng Lâm, đã có tiền án về tội trộm cắp tài sản và đang nghiện ma túy. Hiện công an huyện Chợ Gạo đang tập trung truy bắt Lâm. (Tr.N)

Ô nhiễm ở biển phía Bắc miền Trung: Trống kèn lộn ngược

Bờ biển khu vực Chân Mây – Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế sau khi dải nước đỏ giạt vào. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
HUẾ (NV) – Bộ Tài nguyên – Môi trường của nhà nước Việt Nam vừa khẳng định, tảo Noctiluca scintillans tạo ra những dải nước màu đỏ ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).
Từ giữa Tháng Hai đến nay, những dải nước màu đỏ bắt đầu xuất hiện tại nhiều khu vực khác nhau ở vùng biển phía Bắc miền Trung. Đầu tiên là khu vực bờ biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó tới lượt ngư dân nhiều xã ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế phát giác những dải nước đỏ tương tự tại vùng biển Chân Mây – Lăng Cô. Đến cuối tháng vừa qua thì những dải nước đỏ xuất hiện trong vịnh Đà Nẵng,…

Từ Tháng Tư năm ngoái, cá từng chết trắng vùng biển phía Bắc miền Trung khiến cả ngư dân, diêm dân, nông dân, các doanh nghiệp thương mại và giới kiếm sống qua dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, vận tải,…) suốt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, điêu đứng nên lần này, những dải nước đỏ khiến dân chúng hoang mang, họ sợ thảm họa do biển ô nhiễm tái diễn.
Khoảng một tuần sau khi các dải nước đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố, kết quả phân tích cho thấy, sở dĩ biển có các dải nước màu đỏ là vì nước biển bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ do sinh hoạt của con người thải ra.
Ngay sau đó, ông Lê Huy Bá, một chuyên gia về độc học môi trường, làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ – Quản lý Môi trường, lên tiếng phản bác. Ông Bá khẳng định, ô nhiễm bởi các chất hữu cơ thường có màu đen hay xanh đen, không bao giờ có màu đỏ. Đỏ thường là màu tạo thành từ oxid sắt. Ông Bá cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến nước sông, biển bị đỏ, ví dụ đỏ do sắt trong đất nhiệt đới. Nước có màu đỏ còn do chất thải công nghiệp. Ông Bá nói thêm là không chỉ ông mà nhiều nhà khoa học khác muốn biết chi tiết kết quả xét nghiệm nước biển.
Sau phân tích của ông Bá, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế giải thích, những dải nước màu đỏ xuất hiện ở vùng biển Chân Mây – Lăng Cô là do một loại tảo biển cứ đến mùa Xuân là đổi thành màu hồng và nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Loại tảo này vô hại cho cả con người lẫn môi trường. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa minh định như thế thì ngư dân nhiều xã ở huyện Phú Lộc cấp báo, các dải nước đỏ đã vào đến bờ và đi theo chúng là xác rất nhiều sinh vật biển như cá nhồng, cá đuôi thuyền, sứa biển. Một số ngư dân khẳng định, móng tay của họ bắt đầu có nấm sau khi tiếp xúc với nước biển.
Giống như chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế, chính quyền thành phố Đà Nẵng tuyên bố đã kiểm tra và xác định, những dải nước đỏ lững lờ trong khu vực vịnh Đà Nẵng là… trứng ruốc (một loại tôm rất nhỏ). Sở dĩ năm nay khu vực vịnh Đà Nẵng có nhiều dải nước màu đỏ là vì trứng ruốc… dày bất thường. Nghe xong, ngư dân thêm hoang mang hơn vì xưa nay, trứng ruốc chỉ có màu xanh.
Nay, tới lượt Bộ Tài nguyên – Môi trường của chính phủ Việt Nam lên tiếng. Theo đó, kết quả phân tích các mẫu được lấy từ những dải nước đỏ ở vùng biển Vũng Áng cho thấy mật độ tảo Noctiluca scintillans – loại tảo tạo ra hiện tượng “thủy triều đỏ” rất cao. Tuy loại tảo này không phát tiết độc tố sinh học nhưng với mật độ cao, chúng có khả năng tích tụ Amonia với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, khiến oxy trong nước cạn kiệt.
Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường thì hàm lượng Amonia trong các mẫu nước biển đã thu từ Vũng Ánh, vượt mức cho phép từ 50 lần đến 250 lần. Đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường nói thêm, sự xuất hiện của những dải nước đỏ ở vùng biển Chân Mây – Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng do tảo Noctiluca scintillans.
Đối với kết luận dải nước đỏ là do… trứng ruốc của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường bảo rằng chưa có căn cứ cụ thể để kết luận.
Ở đầy cần nói thêm là theo nhiều chuyên gia, hiện tượng “thủy triều đỏ” khiến các loại hải sản chết hàng loạt thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 hàng năm! Bây giờ chỉ mới là Tháng Ba. (G.Đ)

Gần 30 tấn rác và dầu Trung Quốc tấp vào biển Quảng Nam

Công nhân đã dọn 30 tấn rác thải và vón dầu "có chữ Trung Quốc" tại bờ biển Quảng Nam. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
QUẢNG NAM(NV) – Sau hơn 10 ngày “điều tra”, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vẫn chưa xác minh được nguyên nhân rác thải in đầy chữ Trung Quốc và dầu vón cục tấp vào 7 cây số bờ biển.
Nói với báo chí trong cuộc họp báo vào chiều ngày 01 Tháng Ba, ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Nam xác nhận, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân dầu vón cục và rác thải in đầy chữ Trung Quốc tấp vào bờ biển Núi Thành trong thời gian vừa qua có phải xuất phát từ Trung Quốc hay không.
“Tính đến hiện nay thì công tác thu gom đã được hơn 8 tấn rác thải có dầu vón cục và hơn 19 tấn rác thải thông thường. Tỉnh đã phúc trình Bộ Tài nguyên Môi trường hỗ trợ xác minh nguyên nhân nguồn rác thải có dầu vón cục nói trên”, ông Toàn nói với phóng viên báo Pháp Luật Sài Gòn.
Tại cuộc họp báo, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Nam cũng cho biết, có nhận một văn bản phúc trình của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về nội dung xác định nguyên nhân vụ tràn dầu. Theo đó, hiện nay Tổng cục Biển và Hải đảo đang tiếp tục phối hợp với địa phương và các cơ quan trách nhiệm xác định tìm kiếm nguyên nhân sự việc.
Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin, khoảng 7 cây số bờ biển từ xã Tam Quang đến xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, ngổn ngang vỏ chai, bao bì nhãn mác Trung Quốc, Hong Kong và nhiều mảng dầu vón cục tấp vào. Ủy ban tỉnh Quảng Nam sau đó có chỉ đạo thu gom giải quyết số rác nghi là từ Trung Quốc nói trên. (Tr.N)

Kỷ luật quan chức ‘dính Formosa’ có ma mị được dân?

Phạm Chí Dũng
Theo VOA-02/03/2017 
Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố bản kết luận về một số quan chức sai phạm nghiêm trọng về trách nhiệm liên quan đến vụ Formosa, ở Việt Nam đã xuất hiện dư luận cho rằng kết luận này thực ra “về cơ bản đã hoàn tất từ trước”, nhưng nay mới đưa ra là để xoa dịu các cuộc biểu tình liên tục của nạn nhân miền Trung.
Dường như bản kết luận trên cũng là một trong những phương án được đảng chuẩn bị sẵn để “cùng tắc biến” - nếu Hà Tĩnh và Nghệ An cứ nhất quyết “âm mưu bạo loạn” - thì sẽ bắt buộc phải “thí tốt”.
Luồng dư luận trên tỏ ra có cơ sở. Vào giữa năm 2016 khi nạn cá chết và cả người chết đã lan rộng khắp 4 tỉnh miền Trung, công luận đã bức bối yêu cầu đảng và chính phủ phải nghiêm trị những quan chức liên quan trực tiếp đến quá trình cấp phép cho Formosa và xả thải của Formosa. Trong đó đặc biệt là những cái tên như ông Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010); ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Thái Lai, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Nhưng bất chấp bị công luận lên án dữ dội, Võ Kim Cự - nhân vật đã cố tình vượt quyền để cấp phép cho Formosa thuê đất đến 70 năm và dù bị cả báo chí nhà nước không ít lần nêu tên - đã chẳng hề hấn gì.
Tương tự một kiểu thỏa thuận bí mật không hề được công bố giữa Chính phủ Việt Nam với Formosa để đổi lấy “bồi thường 500 triệu USD”, giới quan chức chính phủ mà ai cũng hiểu đứng đằng sau là giới đảng đã quay lưng trước các yêu cầu xử lý bức bối đối với quan chức sai phạm.
Những bằng chứng quay lưng
Từ tháng Tư năm 2016 đến nay, có quá nhiều bằng chứng về thái độ giả dối của giới quan chức từ trung ương đến địa phương về việc “sẽ làm sạch biển và ổn định đời sống cho ngư dân.”
Một bằng chứng rất rõ ràng về thái độ sẵn sàng quay lưng đối với nạn nhân môi trường là vào tháng 9/2016, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành một quyết định đền bù với định mức trả treo chỉ bằng 1-2 ngày ra biển của ngư dân, và cũng chỉ đền bù sáu tháng. Ngay khi đó, những ngư dân đã phải nhận phần gạo “hỗ trợ” mốc xanh của địa phương lập tức gầm lên: Vậy sau sáu tháng ấy chúng tôi sẽ sống bằng gì?
Một khi những người dân dù gần cạn dự trữ trong gia đình nhưng đã thẳng thừng quay lưng với định mức chỉ có ý nghĩa bố thí của chính quyền, những gì được tuyên giáo gọi là “lòng tin” vào “chính phủ liêm chính - kiến tạo - hành động” của Thủ tướng Phúc chỉ còn là tưởng tượng và núi lửa lâu ngày trầm nén bắt đầu phun trào.
Khi phong trào biểu tình của ngư dân - giáo dân miền Trung nổ ra từ giữa năm 2016 và nhanh chóng vọt lên đến vài ba chục ngàn người, có lẽ chính quyền mới cuống cuồng lo sợ. Nói gì thì nói, đây chính là cái nôi của “Xô Viết Nghệ Tĩnh” năm nào. Trong sử Việt, tất cả những cuộc cách mạng khởi nguồn từ miền Trung đều mang một chỉ báo cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh chế độ cầm quyền.
‘Thí’
Ở Việt Nam chẳng có gì là tự nhiên. Càng chẳng phải vô cớ mà cuối cùng đảng mới chịu đem những “con tốt” Võ Kim Cự và Nguyễn Thái Lai ra “thí”.
Nhưng “thí” mà chỉ “thi hành kỷ luật đảng” thì cũng như không. Sau hàng loạt cú bay thẳng sang trời Tây của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, kể cả đại tá công an - tổng biên tập báo Petrotimes là Nguyễn Như Phong bị đảng coi là “trở cờ”, gần như làn sóng “ly đảng” đã hình thành khá chắc chắn trong những đảng viên trung và cả cao cấp.
Võ Kim Cự và Nguyễn Thái Lai rất có thể cũng nằm trong khuynh hướng vừa nêu.
Số người này, trong khi đã tích góp đủ tài sản để “ăn ba đời không hết”, chỉ còn mang mục tiêu làm sao bảo vệ được khối tài sản khổng lồ của mình và bảo toàn sinh mạng, còn cái hậu bị khiển khách, cảnh cáo hoặc thậm chí bị khai trừ đảng chỉ là “chuyện nhỏ”.
Nhưng chuyện lớn hơn nhiều lại đã được khởi nguồn từ chuyến “kiểm tra công trình Formosa” ngay sau khi xảy ra vụ cá chết, một chuyến đi đầy ắp dấu hiệu che chắn của ông Nguyễn Phú Trọng.
Và sau đó tràn lan tin đồn về vụ xả thải Formosa còn liên quan đến trách nhiệm của ít nhất ba ủy viên Bộ Chính trị khác.
Lại có dư luận cho rằng Hà Tĩnh là tỉnh có đến 14 ủy viên Trung ương khóa 12, còn là quê cha đất tổ của cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nên mọi chuyện mới “êm”.
Nhưng lòng dân thì làm sao có thể êm được! Nhất là biển chết, người thất nghiệp và cái đói cứ cận kề mỗi bữa ăn…
Phép thử đối đầu và hiện thực khốn quẫn
Còn ai có thể tin vào hứa hẹn của Thủ tướng Phúc sẽ “đền bù hết 500 triệu USD cho ngư dân”?, khi cho tới nay số tiền bồi thường còm cõi ấy vẫn chưa được bất cứ cơ quan chính quyền nào minh bạch đã chi cho ai và chi bao nhiêu. Hay một phần, và thói thường là một phần lớn trong số đó, sẽ được các bộ ngành, chính quyền địa phương rút lại để từ đó sẽ phát sinh vô số nhũng nhiễu và nạn tham nhũng trên đầu hàng trăm ngàn người dân sắp không còn gì để ăn?
Không những không đối thoại với nạn nhân môi trường, đảng còn cố “thử đối đầu” với dân.
Cuộc đàn áp tàn bạo của công an Nghệ An đối với giáo dân Song Ngọc tuần hành khiếu kiện vào “ngày lễ máu” 14 tháng Hai năm 2017, đặc trưng bởi thủ đoạn “gắp lửa bỏ tay người”, còn hơn giọt nước tràn ly.
Trong khi rất nhiều giáo dân bị công an dùng lựu đạn cay và dùi cui tấn công thì như một hiệu lệnh ngầm, những trang dư luận viên giật tít “Linh mục Nguyễn Đình Thục chỉ đạo giáo dân ném đá trọng thương giám đốc công an tỉnh Nghệ An”, cùng tấm hình một người không rõ mặt với vết nứt toang hoác đọng máu đen trên trán. Những dư luận viên sắt máu này còn đòi “máu phải trả bằng máu”, “phải nghiêm trị bọn giáo dân” và “phải bắt giam ngay linh mục Nguyễn Đình Thục”…
Nhưng chỉ ít ngày sau “ngày lễ máu”, người dân đã phát hiện rằng tấm hình người bị vết thương toang hoác trên trán hoàn toàn không phải là Giám đốc công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu, mà chính là một trong những giáo dân bị công an đánh đến bất tỉnh. Cho đến tận bây giờ, Giám đốc công an Nguyễn Hữu Cầu vẫn không hề xuất hiện để công luận được chứng kiến ông bị “ném đá đến trọng thương” như thế nào.
Rõ ràng, cuộc đàn áp mang tính thăm dò của đảng đã thất bại về hiệu ứng dư luận và truyền thông. Càng đàn áp lại càng khiến phản ứng của giáo dân bùng nổ.
Hiện thực khốn quẫn, quá khốn quẫn. Giờ đây, cho dù đảng có mang Võ Kim Cự và Nguyễn Thái Lai ra xử lý hình sự cùng án tù cho số này, phần lớn hậu quả vụ “cá chết Formosa” vẫn còn sừng sững. Cá vẫn chết và biển vẫn đầy đe dọa tính mạng con người, quá nhiều thuyền tàu vẫn nằm bờ và ngư dân vẫn treo niêu, ngay cả tiền được xem là “hỗ trợ”, “bồi thường” cho ngư dân cũng mới chỉ nhỏ giọt và chưa hề được minh bạch…
Một lần bất tín vạn lần bất tín. Nguy cơ hàng đoàn ngư dân đói kém bỗng nổi dậy chống đối chính quyền là rất cận kề.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Kỷ luật vài người không cứu nổi muôn người

Nguyễn Tiến Trung Theo VOA-02/03/2017 
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh tư liệu)

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục gây xôn xao dư luận khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của ĐCSVN năm 2016 vào ngày 24/2 vừa qua, đến nỗi mà các báo đều giật tít với tựa đề là câu nói này của ông. Nguyên văn câu nói của ông Trọng là:
“…Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!…”
Chỉ một câu nói này của ông Trọng thôi mà đã phơi bày gần như toàn bộ bản chất của chế độ chính trị Việt Nam hiện tại. Đó là chế độ đảng trị, chuyên chế, vì lợi ích ích kỷ của giới lãnh đạo đảng cầm quyền chứ hoàn toàn không phải là nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” như vẫn hô hào bấy lâu nay.
Nhân đạo, nhân ái với ai?
Hãy đọc vài dòng tâm sự đăng trên báo Tâm Sự Gia Đình của một đảng viên Cộng sản, ông Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn:
“Tôi nhìn thấy sự tàn ác cả ở những vụ án tham ô, tham nhũng, cướp đất dân nghèo của những người có quyền lực. Tôi nhìn thấy sự tàn ác trong những vụ án oan mà những người đại diện pháp luật bằng sự lạnh lùng, vô tình, vô trách nhiệm của họ, đã vội vã đưa ra những kết luận điều tra vô lý nhất mà không cần quan tâm đến việc họ có thể đẩy một con người vô tội vào con đường chết.”
Thế là đã rõ, “đảng ta” rất nhân từ với “đồng chí”, “đồng đội” nhưng “tàn ác” với người dân. Chỉ là kỷ luật “khiển trách”, “cảnh cáo” trong nội bộ của đảng Cộng sản còn như vậy thì đừng mong gì các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ điều tra và xét xử nghiêm minh những quan chức sâu mọt, bán nước hại dân. Phải chăng vì thế mà Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 15 cấm công an không được trinh sát đảng viên Cộng sản?
Kỷ luật một vài người là ai?
Vụ việc xem xét kỷ luật lớn nhất của ĐCSVN ở thời điểm hiện tại chính là kỷ luật các quan chức chịu trách nhiệm về thảm họa môi trường Formosa. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Võ Kim Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2011-2016) và ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nhiệm kỳ 2010-2016) phải chịu “trách nhiệm chính”.
Điều này có công bằng không khi quyết định 145/2007/QĐ-TTg của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 gồm cả công trình tại Hà Tĩnh?
Sau khi thảm họa cá chết hàng loạt diễn ra vào tháng 4/2016 thì ngày 21-22/4/2016, chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng đến thăm Hà Tĩnh và kiểm tra tiến độ của dự án Formosa nhưng ông cũng không hề nhắc đến chuyện cá chết đang làm người dân điêu đứng. Điều này chứng tỏ ông Trọng biết rất rõ và đồng thuận về dự án Formosa chứ không thể đổ vấy cho các quan chức cấp dưới.
‘Cứu muôn người’ là ai?
“Kỷ luật một vài người” rốt cuộc chỉ là thủ đoạn chính trị để thoát tội. Thế còn “cứu muôn người” là cứu ai?
Chúng ta không thể hiểu “cứu muôn người” ở đây là cứu muôn dân vì như ông Lê Kiên Thành đã nói, giới lãnh đạo “tàn ác” với dân. Chúng ta chỉ có thể hiểu “cứu muôn người” ở đây là cứu cái ghế của những người có chức, có quyền, có tiền trong đảng Cộng sản.
Tại sao phải “cứu muôn người”? “Muôn người” này có tội gì hay sao mà phải cứu? Chứng tỏ ông Trọng biết rất rõ tội của giới lãnh đạo Cộng sản là độc quyền nhà nước, áp đặt Hiến pháp, đứng trên pháp luật, tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân, vi phạm điều 2 Hiến pháp khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Trong bài báo ra ngày 19/2 mới đây trên báo An Ninh Thế Giới, ông Lê Kiên Thành đã nhận định rằng lực lượng bảo thủ đang có tiền, có quyền lực chiếm khoảng 1/3 số đảng viên. Nếu quyền lực bất hợp pháp và bất công của lực lượng bảo thủ này được “cứu” thì sẽ là thảm họa cho cả dân tộc.
Dẫn chứng rất rõ ràng. Mới đây thôi, để bảo vệ cho các nhà tư bản nước ngoài lắm tiền cũng như các quan chức đã bảo kê cho họ, tòa án các cấp đã bác đơn kiện đòi Formosa bồi thường của các ngư dân. Đoàn người thuộc giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An phải đi bộ ra Hà Tĩnh để đưa đơn thì bị chặn phá, đánh đập dã man giữa đường, trong đó có cả linh mục Nguyễn Đình Thục.
Pháp luật của chế độ độc đảng chỉ để trang trí
Điều 183 và 185 của Bộ luật hình sự quy định rất rõ về tội gây ô nhiễm nguồn nước và tội nhập khẩu thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Thế nhưng các quan chức Formosa không hề bị truy tố theo quy định của pháp luật mà chỉ cần bỏ ra 500 triệu đôla Mỹ là tiếp tục hoạt động. Nhà cầm quyền cũng thản nhiên nhận số tiền này mà không cần đi điều tra xem thiệt hại của dân thực sự thế nào. Không ai biết con số 500 triệu đôla Mỹ từ đâu ra, căn cứ vào đâu.
Điều 285 Bộ luật hình sự cũng quy định rõ về việc truy tố những người “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thế nhưng những quan chức chịu trách nhiệm chỉ bị “kỷ luật” trong nội bộ của một đảng là sao?
Dễ thấy là vụ việc Formosa đã gây bất bình sâu sắc trong người dân cả nước và cả trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản. Nhà cầm quyền cũng biết điều đó nên phải tìm ra một vài “con dê tế thần” để xoa dịu người dân. Nhưng liệu cứ tìm một vài người để kỷ luật như thế thì có cứu nổi những lãnh đạo của đảng Cộng sản mãi không?
Pháp luật chuẩn mực mới là giải pháp ‘cứu muôn người’
Ở thời đại Internet ngày nay, nhà cầm quyền cần nhận thức rõ họ không thể cai trị theo kiểu lừa mị xưa cũ được nữa. Những giả trá, tàn ác sẽ nhanh chóng bị vạch trần trên mạng xã hội. Các giải pháp chắp vá mà giới lãnh đạo Cộng sản đưa ra sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề chính trị của Việt Nam là một đảng độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật gây bất công xã hội, gây chia rẽ dân tộc.
Thế thì giải pháp tổng thể đưa ra là phải hiện thực hóa quyền làm chủ của người dân trên nền tảng pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản Hiến pháp do toàn dân phúc quyết. Pháp luật chuẩn mực sẽ giúp người dân bầu ra những lãnh đạo có năng lực để giải quyết các khó khăn của đất nước, tránh bị lừa dối một lần nữa và ngăn ngừa những thảm họa tương tự trong tương lai.
Người dân chỉ có thể đoàn kết khi cùng nhau bảo vệ bản Hiến pháp chuẩn mực, bảo vệ nhà nước chính danh do dân bầu ra, bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, bảo vệ công lý chống bất công, bảo vệ môi trường chống ô nhiễm. Đây không phải là thời phong kiến khi toàn dân đoàn kết xoay quanh một triều đại, một chế độ không do dân làm chủ.
Lực lượng để thực thi sứ mạng đó chính là những người Việt đoàn kết, yêu nước, nối vòng tay lớn với nhau để cùng nhau cất lên tiếng nói vang dội của đại thể công dân nước Việt. Lực lượng đó bao gồm cả các đảng viên Cộng sản, các sỹ quan công an, quân đội còn lương tri, còn nặng lòng với dân tộc. Lực lượng tiến bộ đó khi đã đủ lớn mạnh thì thế lực bảo thủ nào cũng phải chấp nhận “đổi mới 2”.
Nền tảng pháp luật chuẩn mực để bảo vệ quyền công dân cũng là bảo vệ các công dân là đảng viên Cộng sản. Đó là giải pháp để “cứu muôn người” chứ không phải chỉ là vá víu, kiếm vài người để kỷ luật như hiện nay. Giải pháp chắp vá đó chắc chắn không thể cứu nổi giới lãnh đạo Cộng sản trước sự phẫn uất đang ngày một tăng cao của người dân.
Vượt qua nỗi sợ
Ông Lê Kiên Thành đã nói “cuộc đổi mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để chúng ta dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm”. Bây giờ cũng thế, điều 25 Hiến pháp đã khẳng định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…” Do đó, khi chưa có luật quy định cụ thể thì công dân cứ làm, không có gì phải sợ hãi hay xin phép ai. Luật phải tuân theo Hiến pháp chứ không phải để hạn chế quyền công dân, và những gì luật pháp không cấm thì công dân có quyền làm.
Cần lưu ý là quyền tự do lập hội cũng bao gồm quyền tự do lập đảng. Không có điều luật nào cấm dân lập đảng, và theo điều 16 Hiến pháp về quyền bình đẳng thì các công dân là đảng viên Cộng sản có quyền sinh hoạt đảng phái thì các công dân không Cộng sản cũng đương nhiên có quyền này.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Hàng trăm xe khách “diễu hành” phản đối Hà Nội điều chuyển luồng tuyến

VietTimes -03-03-2017
Sáng sớm ngày 28/2, có khoảng gần 100 xe chạy các tuyến Nam Định – Hà Nội, Thái Bình – Hà Nội đình công phản đối lệnh điều chuyển tuyến vận tải của Sở GTVT Hà Nội.
Minh Quang - /
Gần 100 xe tiếp tục đình công phản đối kế hoạch phân luồng, tuyến của Sở GTVT HN.Gần 100 xe tiếp tục đình công phản đối kế hoạch phân luồng, tuyến của Sở GTVT HN.
Hai tuyến xe này tập hợp lại với nhau thành từng đoàn và từ chối chở khách từ hai tỉnh Nam Định, Thái Bình đi xe không lên TP. Hà Nội. Lý do từ chối khách được các nhà này, đưa ra là để phản đối lệnh điều chuyển tuyến vận tải của Sở GTVT Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Sau khi nắm được thông tin về các nhà xe từ chối khách lãnh đạo Sở GTVT đã cùng các lực lượng liên ngành lập tức tới bến xe Nước Ngầm. Bước đầu, chúng tôi sẽ lắng nghe, đối thoại với các nhà xe để nắm bắt tình hình rồi mới đưa ra phương án xử lý”.
Trước đó, tháng 10/2016, sở GTVT TP. Hà Nội công bố kế hoạch điều chuyển tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa và ngược lại, theo đúng quy hoạch luồng tuyến giao thông. Theo đó, ngày 2/1/2017 chính thức áp dụng điều chuyển tuyến về bến xe mới.
Sở GTVT Hà Nội lý giải, việc điều chuyển nhằm tránh các tuyến xe khách đi vào nội đô, tránh hoạt động chồng chéo. Đặc biệt, việc điều chuyển các tuyến xe phù hợp với cung đường, tránh xung đột giao thông và để xe khách của các tỉnh đến từ phía Bắc, Nam, Đông, Tây sẽ đến đón trả khách tại các bến xe nằm ở phía tương ứng của Hà Nội.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội phản ứng dữ dội dẫn đến việc nhiều nhà xe bỏ chuyến không chở khách vào ngày 30/12/2016. Nhiều nhà xe còn muốn đối thoại với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc này.
Mới đây ngày 15/02/2017, Văn phòng Chính phủ cũng đã nhận được đề nghị của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải kiến nghị việc điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến giao thông tại bến xe Nước Ngầm, Hà Nội.
Về việc này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức họp với các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Nước Ngầm, thành phố Hà Nội xem xét, xử lý việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2017.

'Giành lại vỉa hè' nhằm lấn át thảm họa Formosa?

Hải Nguyễn 03-03-2017
(VNTB) Bất cứ ai sinh sống ở Sài Gòn hay bất cứ nơi nào trên đất nước này cũng đều mong muốn nơi mình đang sống phải có đầy đủ những tiện nghi từ căn bản nhất và cho đến cao cấp nhất nếu có thể.

Một trong những điều quan trọng hàng đầu của an sinh xã hội mà ai cũng biết đó là cơ sở hạ tầng phải được xây dựng theo qui chuẩn cần phải có để phát triển đô thị.

Tất nhiên chính quyền là cơ quan chuyên quyền sẽ ban hành những qui chuẩn cần thiết xuống cơ quan các cấp để thực thi cho việc xây dựng sao cho đúng với những nghị định, thông tư, văn bản pháp luật kèm theo, mà chính quyền soạn thảo lập ra.
Quận 1 dọn dẹp vỉa hè. Ảnh: Zing
Câu chuyện vỉa hè hôm nay, nguồn dư luận trong cộng đồng đã trở nên sôi nổi hơn, sinh động hơn, và đặc biệt có không ít những nhận định một cách gây gắt về cách làm của Q.1 mấy ngày vừa qua, và có lẽ sẽ còn trong những ngày sắp tới nữa.

Có những thắc mắc cần phải được giải đáp từ chính quyền để mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn trong những ngày tháng tới. 

- Nguyên nhân vì sao vỉa hè bị lấn chiếm và chiếm dụng?

- Tình trạng lấn chiếm chiếm dụng xảy ra bao lâu rồi?

- Ai cấp phép cho xây dựng lấn chiếm hành lang vỉa hè?

- Phòng quản lý đô thị của phường, quận tại sao không phát hiện lúc người ta vi phạm?.

- Công an, Dân phòng, có chức năng hỗ trợ giám sát vỉa hè hay không?.

- Để xảy ra sự việc nhếch nhác này lỗi trước tiên thuộc về chính quyền hay người dân.?.

Những thắc mắc vừa nêu, chắc chắn ông Đoàn Ngọc Hải đã nắm được sự việc và hiểu rõ. Qua câu nói của ông Hải xác nhận với Vnexpress rằng : " không ai được đứng trên pháp luật ", thì hẳn ông cũng biết việc mình làm sẽ đụng chạm đến rất nhiều người, nhưng ông vẫn kiên quyết làm cho bằng được nếu không ông sẽ "cởi áo từ quan".

 Ông Hải có ý tốt, ý đẹp, có ý để cho Sài gòn có được bộ mặt đô thị văn minh hiện đại hơn, điều đó ai cũng thích cả, nhưng liệu cách làm của ông hiện tại có văn minh hay không cũng khá là quan trọng.

- Không biết ông đã xử lý trước những người để xảy ra tình trạng xây lấn chiếm vỉa hè hay chưa?. Cụ thể phòng quản lý đô thị là đơn vị có chức năng kiểm soát việc xây dựng?.

 Một điều mà ai cũng biết, chỉ cần hộ dân nào đó đỗ một đống cát nhỏ hay xà bần trước nhà thậm chí trong hẻm ngoằn ngoèo đi nữa thì quản lý đô thị sẽ có mặt ngay để kiểm tra.

- Có xử lý những người thu tiền chổ, có khi gọi tiền "hoa chi" của những người bán hàng rong hay không?.

- Có thông báo và cho thời gian để những hộ vi phạm tự tháo dỡ và di dời hay không?.

Thiết nghĩ, đó là những việc cần xử lý và ứng xử đúng mực trước khi trút sự bực tức lên người dân thì mới không gây ra sự phản cảm của việc mình làm.

Việc lấy lại công dụng cho vỉa hè được thông thoáng và an toàn cho người dân đi bộ, sẽ góp phần nâng lên bề mặt văn minh của đô thị thì hơn 90 triệu người đều mong muốn điều đó, nhưng cách làm thì cũng cần phải văn minh hơn.

Điều quan trọng là nhà cầm quyền đã có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi việc sinh nhai của những người nghèo hành nghề bán rong hay không?.

Có bao giờ nhà cầm quyền tận tâm suy nghĩ trong những người bán hàng rong, rong ruổi trên những vỉa hè đông đúc hôm nay có cả những ngư dân ở những vùng biển mà Formosa đã thải độc, đã bị cướp đi chén cơm manh áo của họ hay không ?. 

Nếu, sự vô tình trong số những người bán hàng rong từ vài chục người hoặc hơn nữa đến từ những vùng biển nhiễm độc đang mưu sinh thì có phải nhà cầm quyền đã vô tình truy cùng đuổi tận hay không?.

Một thành phố tráng lệ lộng lẫy sẽ có những con đường với những vỉa hè an toàn thoáng đãng là điều ai cũng mong muốn kể cả người bán hàng rong, nhưng có nên không cũng cần phải nhìn lại phần đông những người nghèo buôn gánh bán bưng sau này kế mưu sinh của họ là gì hay họ sống sau kệ họ?

Liệu, việc mở chiến dịch giành lại công dụng của vỉa hè ở thời điểm hiện tại có hợp lý hay không?. 

Có hay không, sự vô tình hay hữu ý lại trùng với thời gian đưa ra kỷ luật những quan chức ở Hà-Tĩnh gồm những người cộm cán như: ông Võ Kim Cự, Nguyễn Thái Lai,.v.v.v..., nhằm hướng dư luận sao lãng đến những cuộc biểu tình đang một ngày rộng lớn để chống lại sự độc ác của Formosa?.

Thiết nghĩ, phàm là quan chức chính quyền phải biết việc nào là hệ trọng hàng đầu, việc nào đang thật sự ảnh hưởng đến nòi giống con người, việc nào đang ảnh hưởng đến lãnh thổ quốc gia, thì đó mới là những nhà lãnh đạo có tầm và có tâm với đất nước.

Ngay cả việc, khi đưa những quan chức ra để kiểm điểm, kỷ luật mà phải dùng đến những từ cố ý nhấn mạnh như: " đến mức phải đưa ra xem xét kỷ luật " , hay " phê phán trước toàn dân " nghe sao kiểu luận tội đau lòng đến vậy.

Trong khi đó vụ hai thiếu niên chỉ vì: " hai ổ bánh mì với chút ít tiền.." thì lại nghe một quan chức lớn tiếng: " ...bây giờ là hai ổ bánh mì..nếu không nghiêm trị thì sao này tới mức nào nữa..".
Sự nhận thức không chuẩn mực, sự phán xét không công tâm, không thành thực, sẽ còn gây ra bao nhiêu nỗi đau nữa cho quốc dân đồng bào đây?.

Một góp ý chân thành gởi đến những quan chức hay có những tuyên bố hết sức hùng hồn về việc mình sẽ làm, rằng nếu không thành công, nếu xảy ra việc gì thì sẽ cởi áo về nhà, sẽ từ chức bộ trưởng, sẽ chịu trách nhiệm, v.v.v.

Những lời tuyên bố như vậy, chẳng qua chỉ làm hài lòng tạm thời một số người nào đó, và cũng chỉ chứng tỏ cái tôi của bản thân mình. Vậy, tại sao không thể là: tôi sẽ cố gắng làm hết mình với cái tâm và nhiệt huyết để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn và chu toàn hơn trong khả năng có được.

 Bởi nếu xảy ra sự cố, liệu những cái chức vụ kia có gánh nỗi những thiệt hại mà không thể đong đo đong đếm được hay không ?. Ví dụ: Thảm họa Formosa còn chình ình ra đó. Một dự án ban đầu cũng hùng hổ hứa hẹn sẽ đem đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp nhưng giờ thì đã ra sao!?.

Kỷ luật ma hay ý đồ mờ ám

Nguyễn Đăng Quang 02-03-2017
(VNTB) Trước hết người viết bài này xin nói rõ chính kiến của mình: Việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng (VHH) là đúng nhưng rất chưa đủ, còn quá nhẹ, chỉ như gãi ngứa mà thôi! Ông VHH không xứng đáng làm Bộ trưởng 1 ngày chứ đừng nói đến 3170 ngày liên tục ngồi ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công Thương! Việc ông ta được ưu ái và mặc sức tung hoành ở tất cả các chức vụ quan trọng do Đảng sắp xếp trong suốt 20 năm qua, trách nhiệm chính là của ĐCSVN! Nếu thực sự công minh trong việc xem xét công-tội, ông VHH hoàn toàn đáng bị khai trừ khỏi ĐCSVN và truy tố trước pháp luật bởi những sai phạm và tội lỗi ông ta phạm phải trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2006-2011 và 2011-2016) là Ủy viên Trung ương ĐCSVN, Bí thư Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng Bộ Công Thương! 


Việc đáng nói không phải chuyện ông VHH bị kỷ luật hay không mà là cách xử lý và hình thức kỷ luật ông ta! Vừa qua, 3 cơ quan bao gồm Ban Bí thư ĐCSVN, Quốc hội và Chính phủ ban hành 3 văn bản thi hành kỷ luật ông VHH. Cách xử lý cũng như hình thức kỷ luật đối với ông VHH là rất lạ kỳ và gây ra nhiều nghi hoặc cho công luận! Ngoài hình thức kỷ luật rất kỳ quặc, khó hiểu và khôi hài ra, rất nhiều người nghi ngờ ý đồ và mục đích thực sự đằng sau việc kỷ luật này! Đúng vậy, việc này rất cần được mổ xẻ và làm sáng tỏ! 

Ba văn bản kỷ luật ông VHH bao gồm Quyết định của Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN (ngày 2/11/2016) “Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với đồng chí VHH, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương”! Tiếp đến, ngày 21/1/2017, Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 về “Quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông VHH”! Và kế đó, ngày 24/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 106/QĐ-TTg “Thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông VHH”!

Mọi người ngơ ngác hỏi nhau việc quái gì đang xảy ra thế? Đảng viên VHH khi đương chức là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công Thương đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và luật pháp Nhà nước, sao không khai trừ thẳng đồng chí này ra khỏi ĐCSVN mà lại áp dụng một hình thức kỷ luật kỳ quặc, chưa từng có tiền lệ, vô cùng phi lý và khó hiểu như vầy? Vậy đâu là lý do thực sự, và có ý đồ mờ ám gì bên trong không? Tôi cho rằng chẳng ai có thể trả lời được các câu hỏi này ngoài những người trong cuộc!

Trước hết, nói về kỷ luật Đảng. Theo ý kiến của rất nhiều đảng viên lớn tuổi, nếu Đảng công minh và thực sự muốn giữ trong sạch mình, việc nhất thiết phải làm là phải khai trừ đảng viên VHH ra khỏi tổ chức của mình! Đây là thượng sách, là cách làm khôn ngoan và có lợi nhất cho Đảng! Nếu chỉ căn cứ vào riêng những sai phạm liệt kê trong quyết định kỷ luật của BBT thôi, thì đảng viên VHH hoàn toàn xứng đáng bị đuổi ra khỏi ĐCSVN! Nhưng không hiểu vì lý do gì, BBT lại đưa ra một hình thức kỷ luật khó hiểu, chẳng giống ai, rất kỳ quặc và khôi hài là “Cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với đồng chí VHH”. Đây quả là hình thức kỷ luật lạ lùng và khôi hài nhất từ khi có ĐCSVN đến nay! Tôi nói vậy là vì hình thức kỷ luật này chưa từng có trong lịch sử ĐCSVN. Hình thức kỷ luật này trái với Điều lệ hiện hành của ĐCSVN, nó cũng không hề có trong “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên” (Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013) của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN. Chiếu theo Khoản 4 Điều 2 của Quy định 181 này, chỉ có 4 hình thức kỷ luật là: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức (nếu đảng viên có chức vụ) và Khai trừ. Ngoài 4 hình thức này ra, không có hình thức kỷ luật đảng nào khác! Tôi tra cứu mãi để tìm xem có hình thức kỷ luật ngoại lệ nào không, chẳng hạn “cách chức hay tước bỏ chức vụ cũ” mà một đảng viên đã từng giữ, nhưng chịu, không tìm thấy trong bất cứ một văn bản nào của Đảng! Vậy, hình thức kỷ luật “cách cái chức vụ” mà ông VHH không còn nắm giữ nữa và thực tế đã chuyển giao cho người khác từ 6 tháng trước, thì có đúng không? Câu trả lời là không! Không chỉ không đúng mà nó rất kỳ cục và khôi hài nữa! Xin hỏi, ông VHH có 2 nhiệm kỳ liên tiếp làm Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương (2007-2011 và 2011-2016), cớ sao chỉ “cách chức phân nửa chức vụ” nói trên của ông ta thôi? Lý do thực sự của việc này là gì vậy? 

Không thể nói quyết định kỷ luật đối với ông VHH của BBT nói trên là chưa thấu đáo, bởi đây là quyết định tập thể “với sự nhất trí 100% của 10 bộ óc trí tuệ” bao gồm những chuyên gia lão luyện về công tác xây dựng Đảng cũng như về công tác tổ chức, lý luận và thanh kiểm tra của ĐCSVN! Quyết định này được đưa ra sau nhiều lần bàn thảo kỹ lưỡng, và sau hơn nửa năm cân nhắc, mổ xẻ thận trọng, lựa chọn kỹ từng câu, từng chữ một! Không ai có thể nói rõ ý đồ thực sự đằng sau Quyết định ngày 2/11/2016 của BBT là gì, và có thể giải thích tại sao văn bản này thận trọng đến vậy mà lại có thể trái với Điều lệ của Đảng, vi phạm Quy định số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN. Không một ai có thể lý giải được điều này ngoại trừ chính những người trong cuộc!

Bây giờ nói về kỷ luật chính quyền. Cho đến nay, nhà nước ta chưa hề ban hành bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào về việc xử lý kỷ luật đối với công viên chức nhà nước khi họ đã nghỉ hưu! Và chắc cũng không một quốc gia nào trên thế giới lại ban hành văn bản loại này cả! Nhưng để thực hiện chủ trương và quyết định của Đảng là phải “Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông VHH”, nên người đứng đầu 2 cơ quan Lập pháp và Hành pháp buộc phải ra văn bản để thi hành ý kiến chỉ đạo nói trên của Đảng, mặc cho hình thức kỷ luật này không dựa trên cơ sở một văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực nào! Ngày 21/1/2017, Chủ tịch Quốc hội ban hành Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội, và ngày 24/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/QĐ-TTg của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với ông VHH. Cả 2 văn bản này của Quốc hội và Chính phủ đều đưa ra hình thức kỷ luật giống nhau từng câu, từng chữ, đó là “Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng”! Ngoài hình thức kỷ luật chưa hề có tiền lệ như đã nói, người viết bài này đang rất băn khoăn về tính pháp lý và hiệu lực của 2 văn bản nói trên, vì một khi đã “xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông VHH” thì cũng có nghĩa là xóa luôn hiệu lực mọi văn bản hành chính (bao gồm Thông tư, Chỉ thị, Quyết định, v.v...) mà ông VHH đã ký ban hành trong nhiệm kỳ đó trên tư cách là Bộ trưởng Bộ Công Thương! Như vậy, phải chăng Đảng, Quốc hội và Chính phủ đồng thời cũng xóa hết trách nhiệm về các sai phạm và tội lỗi mà ông VHH đã phạm phải trong nhiệm kỳ 2011-2016 hay sao? Nếu quả như vậy thì 3 văn bản kỷ luật ông VHH nói trên chẳng khác nào như một cái ô pháp lý, một cái phao cứu sinh giúp ông VHH thoát khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc sẽ vô tội nếu ông ta bị khởi tố trước pháp luật! Đây là vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị, ẩn chứa nhiều hệ quả khó lường, rất cần các chuyên gia luật pháp nghiên cứu, phân tích và mổ xẻ một cách kỹ càng!

Ngoài ra, người viết bài này xin được nói thêm: HIến pháp hiện hành (Hiến pháp 2013) không có điều khoản nào cho phép Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm được quyền xóa tư cách ĐBQH hay xóa tư cách Bộ trưởng thuộc nhiệm kỳ trước (tức nguyên ĐBQH hay nguyên Bộ trưởng)! Do vậy, xét về góc độ pháp lý thuần túy, thì Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 và Quyết định số 106/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là vi hiến! Một khi phát hiện một văn bản vi hiến hoặc trái pháp luật, thì nhất thiết phải thu hồi văn bản đó càng sớm càng tốt! Nếu không thu hồi, thì có thể sẽ có nhiều văn bản kỷ luật tương tự được ban hành với ý đồ cứu các quan chức đã về hưu hoăc đã chuyển công tác khác, mà trước đấy ở vị trí cũ, họ vi phạm kỷ luật hoặc pháp luật, chẳng hạn như “Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông...” hay “Xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ngài...”, hoặc ngay cả là “Xóa tư cách nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đối với đồng chí...”, v.v và v.v..! 

Người xưa có câu: “Pháp luật tứ chương, đạo tặc đa hữu!” (Luật pháp bủa giăng, trộm cướp càng nhiều!). Song ngày nay có người nói một cách hài ước nhưng rất chí lý rằng: “Luật pháp ngày nay là để cho người ta vi phạm một cách hợp pháp!”. Phải chăng xã hội nước ta hiện tại lại như thế này sao?

Hà Nội, ngày 2/3/2017.

N.Đ.Q

Tài liệu tham khảo:

1/. “Trò khỉ kết thúc năm rõ khỉ” (Gs-Ts Hoàng Xuân Phú)https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/17/11-677-tro-khi-ket-thuc-nam-ro-khi/




Cần khởi tố vụ án liên quan đến sai phạm của Formosa Hà Tĩnh

Thảo Vy - Tuấn Nguyễn-03-03-2017
(VNTB) - Vấn đề của Formosa Hà Tĩnh, thật ra không phải câu chuyện của ông Võ Kim Cự, của ông Hoàng Trung Hải (người không có tên trong danh sách của UBKT T.Ư hôm 22-2-2017) hay của người vừa rời ghế thủ tướng, mà chính là của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Hoàng Trung Hải (trái) - một trong những nhân vật bị dư luận cho là "dính" trách nhiệm về Formosa.

Vậy với những kết luận như thế thì có cơ sở khởi tố hay không? Tôi nghĩ rằng phải khởi tố điều tra mới có có cơ sở để xem xét, còn dừng ở kết luận những vấn đề chung thì tôi không hài lòng”.
Đây là bình luận của đại biểu Vũ Trọng Kim – nguyên Ủy viên Trung ương đảng – hiện này là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam trong buổi phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ ngày 25-10-2016, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra kết luận điều tra về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng. Đây là bình luận hoàn toàn hợp lý. Và cũng là cách hiểu pháp lý mà pháp luật Việt Nam quy định.

Tiền lệ Vũ Huy Hoàng
Bình luận trên cũng đúng trong vụ việc hôm 22-2-2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKT T.Ư) đã rathông báo về kỳ họp thứ 11 của ủy ban (từ ngày 15 đến 17-2, tại Hà Nội).
Về những sai phạm liên quan đến Formosa, UBKT T.Ư đã kết luận (trích):
1. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên - môi trường và các cá nhân liên quan Ban cán sự Đảng Bộ giai đoạn 2008-2016: đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; Thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Minh Quang - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên bộ trưởng với cương vị là người đứng đầu; ông Bùi Cách Tuyến - nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên thứ trưởng, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Nguyễn Thái Lai - nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên thứ trưởng - chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên - môi trường.
UBKT T.Ư nêu: cùng chịu trách nhiệm có ông Mai Thanh Dung (trong thời gian giữ chức vụ cục trưởng Cục Thẩm định, đánh giá tác động môi trường) và ông Lương Duy Hanh - cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên - môi trường và các cá nhân nêu trên là nghiêm trọng. Theo UBKT T.Ư, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Từ vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng, công luận có quyền đặt vấn đề, là nếu lại tiếp tục sử dụng việc “cách hết chức vụ” như vừa xảy ra với ông Vũ Huy Hoàng, thì hàng loạt nhân vật kể tên ở trên sẽ tiếp tục “hạ cánh” trong vai trò của những “Lê Lai”, thay vì phải hầu tòa với rủi ro khi ấy hàng loạt quan chức cao hơn sẽ được ‘xướng danh’ bởi “trạng chết – chúa cũng băng hà”?

Vì sao chỉ có 500 triệu USD và chỉ có 4 tỉnh?
Ngày 28-6-2016, báo chí đưa tin Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt: Công ty Formosa Hà Tĩnh) đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong thời gian vừa qua, đồng thời cam kết 5 vấn đề, cụ thể như sau:
Thứ nhất, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.Thứ hai, thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Thứ ba, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.
Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế.
Thứ năm, thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam
Cả bên Formosa Hà Tĩnh và chính phủ Việt Nam đều không đưa ra những căn cứ nào cho số tiền đền bù 500 triệu USD. Quyết định số 1880/QĐ-TTg, do phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký ngày 29 tháng 09 năm 2016, có tiêu đề rất chung chung là “Ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển”, mà không ghi rõ ràng là ai đã gây ra những thiệt hại này.
Cụm từ liên quan đến Formosa Hà Tĩnh, chỉ có duy nhất hai dòng: “nguồn kinh phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường” (Điều 3), và “Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, sử dụng và quyết toán khoản kinh phí bồi thường này từ số tiền Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường” (Điều 4.1).
Không có bất kỳ văn bản nào được công khai từ chính phủ, có nội dung kết luận công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây thiệt hại, và đền bù cho chính phủ Việt Nam số tiền là 500 triệu USD. Và cũng không có văn bản pháp quy nào cho biết tại sao chỉ có 4 tỉnh chịu thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh xả thải.
Đại biểu Trần Công Thuật (tỉnh Quảng Bình) cũng đưa ra đánh giá, “hành động của Formosa đã huỷ hoại nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung. Đời sống, an ninh, trật tự của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đấy là hành vi vi phạm luật hình sự nhưng lại đang được xem xét xử phạt hành chính, bồi thường kinh tế...”.
Ông Thuật tỏ ra băn khoăn rằng cho đến nay trách nhiệm quản lý Nhà nước trong vấn đề này vẫn chưa được trả lời thấu đáo. “Cho đến thời điểm hiện tại chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm cho việc xả thải trái phép của công ty này cũng như chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước”, đại biểu Quảng Bình nêu.
Và ngay cả thông báo của UBKT T.Ư về kỳ họp thứ 11 của ủy ban (từ ngày 15 đến 17-2, tại Hà Nội), cũng cho thấy vẫn chưa có câu trả lời cho đại biểu Trần Công Thuật.

Cơ quan Đảng… điều tra tội phạm?
Căn cứ theo pháp luật dân sự lẫn hình sự và cả Hiến pháp, cho đến nay công dân Vũ Huy Hoàng không phạm bất kỳ tội danh nào. Chỉ xét riêng việc nếu có phát hành văn bản “cách các chức vụ” của ông Vũ Huy Hoàng, cho thấy khó thể viện dẫn bất kỳ điều luật nào trong hệ thống pháp quy để làm căn cứ pháp lý.
Bởi khi nhận được thông tin và nhận thấy một vụ việc nhất định có dấu hiệu tội phạm, trước tiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải khởi tố vụ án. Nếu xác định được đúng có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ Luật Hình sự, những cơ quan này sẽ chính thức khởi tố bị can.
Tại Điều 153, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 (hiện đang bị hoãn hiệu lực do chờ sửa đổi Bộ Luật Hình sự, nhưng nội dung cơ bản không thay đổi so với Bộ Luật Tố tụng Hình sự 1999), Cơ quan điều tra sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ một số trường hợp đặc biệt thuộc về Viện kiểm sát hoặc Hội đồng xét xử. Như vậy, chỉ có 3 đối tượng được trao quyền khởi tố làm rõ dấu hiệu tội phạm gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử. Trong đó, chỉ có Cơ quan điều tra thuộc nhà nước là có thẩm quyền điều tra.
Mặt khác, UBKT T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Nếu so với văn bản pháp luật là Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Bộ Luật Hình sự, về mặt lý thuyết, thẩm quyền của UBKT T.Ư là không thể so sánh về quyền lực và hiệu lực.

Cần khởi tố vụ án Formosa
UBKT T.Ư công bố danh sách hôm 22-2-2017 về các quan chức liên quan đến sai phạm của Formosa Hà Tĩnh, và sự thật họ có sai phạm hay không thì đòi hỏi cần phải khởi tố vụ án liên quan đến Formosa, với (có thể là) căn cứ Bộ Luật Hình sự, Điều 285, “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, nếu kết luận của UBKT T.Ư (nói ở trên) là đúng, thì các vị có tên trong danh sách này sẽ đứng trước vành móng ngựa với cáo buộc của hành vi “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm”.
Nói thêm, Điều 144, “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”. Điều 235, “Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều 301, “Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn”.
Nếu phiên tòa nói trên diễn ra, cho dù có là “án bỏ túi”, thì chắc chắn tối thiểu các nội dung sau đây sẽ được các luật sư của những bị cáo yêu cầu cơ quan tố tụng phải trưng ra được bằng giấy trắng mực đen: Dự án đầu tư của Formosa Hà Tĩnh đã được cấp phép với những nội dung gì? Ưu đãi như thế nào? Con số 500 triệu USD cho đền bù thiệt hại do xả thải là được tính toán trên cơ sở pháp lý ra sao? Tính pháp lý của việc thỏa thuận đền bù thiệt hại?

Chỉ khi được ông tổng bí thư gật đầu thì…

Liệu có khởi tố vụ án liên quan đến xả thải Formosa Hà Tĩnh hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có cho phép hay không.
Vào ngày 7-7-2007, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Trong đó ghi nhận rõ, các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ được tiến hành các biện pháp tố tụng đối với đảng viên sau khi báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp Đảng viên đó, khi được tổ chức Đảng, cấp uỷ Đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt…

Vấn đề của Formosa Hà Tĩnh, thật ra không phải câu chuyện của ông Võ Kim Cự, của ông Hoàng Trung Hải (người không có tên trong danh sách của UBKT T.Ư hôm 22-2-2017) hay của người vừa rời ghế thủ tướng, mà chính là của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.