Thursday, March 13, 2014

Vụ tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích: Nhiễu loạn thông tin cao độ

(LĐ) - Số 57 BẢO CHƯƠNG - NGUYỄN SƠN TỪ MALAYSIA 
Phóng viên báo Lao Động (áo đỏ) tác nghiệp tại trung tâm báo chí ở Sepang, Malaysia.
Trong cuộc họp báo vào cuối giờ chiều ngày 13.3, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông  Malaysia - ông Seri H.Hussein - đã sử dụng từ "nhầm lẫn" khi trả lời báo chí về thông tin hình ảnh vệ tinh Trung Quốc phát hiện một số mảnh vỡ trên biển.
    Bác bỏ các nguồn tin "phát hiện"
    “Phía Malaysia đã cử một chiếc Bombardier đến điều tra những mảnh vỡ mà Trung Quốc nói rằng vệ tinh của họ đã tìm thấy và chúng tôi khẳng định, những thông tin này không chính xác, ở đây chắc chắn có sự nhầm lẫn” - ông Hussein cho biết. 
    Chính quyền Malaysia đã yêu cầu phía Trung Quốc kiểm tra lại nguồn tin. Theo thông tin phản hồi từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur, đã xác nhận rằng các bức ảnh vệ tinh Trung Quốc công bố không liên quan gì đến chuyến bay MH370. 
    Ngoài ra, ông Hussein cũng bác bỏ thông tin của các nhà điều tra hàng không Mỹ cho rằng, chuyến bay MH370 bay tiếp 4 giờ sau khi mất tín hiệu. 
    Theo một số báo chí nước ngoài đưa tin, các nhà điều tra Mỹ - dựa trên số liệu mà động cơ chiếc Boeing tự động gửi về trung tâm dữ liệu của nhà sản xuất Rolls-Royce - nói rằng máy bay có thể đã bay tổng cộng 5 giờ đồng hồ, tức là còn bay 4 giờ nữa sau khi mất tích.
    Trong buổi họp báo hôm qua, ông Hussein cho biết, các nhóm điều tra của Hãng Rolls-Royce và Boeing đã đến Kuala Lumpur và hợp tác với Malaysia Airlines để mở cuộc điều tra kể từ hôm 9.3 và không hề đưa ra vấn đề nêu trên. 
    CEO của Malaysia Airlines - ông Ahmad Jauhari Yahyain - cũng bác tin nói chiếc Boeing 777 bị mất tích của hãng này vẫn gửi dữ liệu cho Rolls-Royce nhiều tiếng đồng hồ sau khi biến mất. Vị này khẳng định, lần cuối cùng chiếc máy bay gửi đi dữ liệu là vào lúc 1h07, tức khoảng 30 phút sau khi cất cánh. “Hoàn toàn không có bất kỳ một dữ liệu nào được gửi đi sau đó” - ông Yahyain nói.
    Nhiễu loạn và mâu thuẫn 
     Quan chức Malaysia trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur chiều 13.3.
    Về vấn đề có hay không việc hãng hàng không âm thầm thoả thuận bồi thường tiền với thân nhân tại Trung Quốc, ông Yahyain không trả lời, nhưng chỉ cho biết thông tin là phía Chính phủ Malaysia sẽ hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất cho thân nhân các hành khách, nếu họ có nhu cầu muốn sang Malaysia để chờ thông tin người thân.
    Trước sự nhiễu loạn về thông tin, dư luận và báo giới luôn đặt ra câu hỏi là phải chăng Chính phủ Malaysia muốn giấu điều gì đó. Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia tỏ ra khá khó chịu và tuyên bố, phía Chính phủ Malaysia đang ra sức phối hợp với các bên để cùng tham gia tìm kiếm và sẽ làm mọi điều để tìm ra chiếc máy bay. Vị bộ trưởng này tuyên bố: "Chính phủ Malaysia không giấu giếm bất kỳ thông tin nào”.
    Tuy nhiên, theo quan điểm của một nhà báo Malaysia, bản thân việc cung cấp thông tin từ phía chính phủ trước đó cũng luôn có nhiều xung đột và không đồng nhất, điều đó khiến người ta nghi ngờ. Trong đó, thông tin về thời gian chiếc máy bay ngừng cung cấp tín hiệu là điều đáng suy nghĩ nhất.
    Vị phóng viên này đưa ra các dữ liệu phân tích từ các chuyên gia hàng không nổi tiếng của Malaysia rằng, khi chiếc máy bay bắt đầu được cho là mất tích, chính đại diện của Hãng hàng không Malaysia đã nhiều lần tuyên bố rằng, lần liên lạc cuối cùng của chiếc máy bay là vào lúc 2h40-AM, tức là 2 tiếng đồng hồ sau khi cất cánh. Nhiều người đã cho rằng có sự nhầm lẫn ở đây, bởi vì tín hiệu cuối cùng của chuyến bay hiện diện trên hệ thống theo dõi là 1h20-AM, khi mà máy bay bắt đầu qua vùng biển phía nam biển Đông, hướng vào vùng biển của Việt Nam.
    Như vậy nếu có thay đổi vị trí, có thể nó biến mất vào lúc 1h30-AM. Đây chắc chắn là tín hiệu được nhận thấy cuối cùng, bởi vì khi đó cũng là lúc cuối cùng hệ thống tiếp sóng của máy bay liên hệ với hệ thống radar dân sự. Và rồi trong cuộc họp báo ngày hôm qua, cũng chính phía hãng hàng không lại khẳng định là thời điểm ngừng hoàn toàn liên lạc là vào lúc 1h07-AM. Ngoài ra, việc công bố và phủ nhận liền ngay sau đó về tín hiệu máy bay trên radar quân sự của phía quân đội... đặt ra nhiều câu hỏi.
    Các quan chức Malaysia có mặt tại các buổi họp báo luôn viện dẫn sự “không chắc chắn” của mình để giải thích cho việc không cung cấp nhiều thông tin. Cũng chính vì sự "không chắc chắn" đó mà qua 6 ngày tìm kiếm, đã có những báo cáo rất mâu thuẫn về những gì có thể xảy ra sau khi chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Theo kế hoạch, ngày hôm nay (14.3), việc tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục ở hai khu vực biển Đông và eo biển Malacca.

    Báo Australia: Vệ tinh bắt được tín hiệu yếu ớt của máy bay Malaysia mất tích

    (LĐO) KHÁNH MINH 
    Tàu hải quân Malaysia và trực thăng Mỹ tìm kiếm máy bay mất tích.
    Tờ Sydney Morning Herald của Australia ngày 14.3 cho biết, vệ tinh thông tin liên lạc bắt được xung điện tử yếu ớt của máy bay Malaysia.
      Tuy nhiên, theo hai nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, những những tín hiệu này không đủ mạnh để cung cấp thêm thông tin về nơi máy bay bay qua, do đó có rất ít thông tin về số phận chiếc máy bay này.
      Tín hiệu "ping" cho thấy, hệ thống xử lý sự cố của máy bay đã được bật và sẵn sàng liên lạc với vệ tinh khi cần thiết. Nhưng không có liên kết dữ liệu nào, bởi các công ty sản xuất liên quan không đăng ký dịch vụ từ các nhà điều hành vệ tinh.
      Nguồn tin cho hay, hệ thống truyền tín hiệu "ping" mỗi tiếng một lần, nhưng hiện vẫn chưa rõ máy bay truyền bao nhiêu tín hiệu sau khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu.
      Boeing - nhà sản xuất máy bay 777 và Roll Royce - nhà sản xuất động cơ Trent cho máy bay - từ chối đưa ra bình luận.
      Trước đó, giới chức Malaysia phủ nhận thông tin máy bay tiếp tục truyền dữ liệu kỹ thuật và nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy nó vẫn tiếp tục bay thêm nhiều giờ nữa sau khi mất liên lạc với trạm kiểm soát mặt đất.
      Nguồn tin nhắc lại rằng, cả Boeing lẫn Rolls Royce đều không nhận được bất kỳ dữ liệu nào từ chiếc máy bay sau khi nó mất liên lạc. 
      Một chiếc máy bay hiện đại có thể liên lạc tự động với kiểm soát không lưu và đôi khi cả với trụ sở chính của các nhà sản xuất để gửi tin nhắn ACARS. Đây là hệ thống gửi tín hiệu "ping" thường xuyên, có thể kéo dài nhiều giờ.
      Các hãng hàng không cũng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ mở rộng nhằm thu thập thêm dữ liệu về hoạt động của máy bay, sau đó gửi về phòng kiểm soát của hãng hàng không và Boeing.
      Tuy nhiên, được biết Malaysia Airlines không đăng ký hệ thống quản lý ''sức khỏe'' máy bay của Boeing.

      Phớt lờ bức xúc của dân

      Thứ Năm, 13/03/2014 22:42

      Gây ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng, từng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng doanh nghiệp này không khắc phục; khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, giám sát thì bất hợp tác…

      Tại buổi giám sát về tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty CP Vật tư Tổng hợp Phân bón Hóa Sinh vào sáng 13-3 tại UBND xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM đã đề nghị  tạm dừng hoạt động doanh nghiệp (DN) này. Đồng thời, ban sẽ đề xuất UBND TP HCM có kế hoạch di dời công ty ra khỏi khu dân cư.
      Xem người dân thua cây cao su!
      Dù được mời tham gia buổi giám sát nhưng lãnh đạo Công ty Hóa Sinh vẫn vắng mặt, cũng không cử đại diện đến dự. Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, cho rằng DN này không thiện chí và thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết bức xúc của hàng trăm hộ dân.
      Ông Lê Văn Đồng nhiều lần nhập viện điều trị các bệnh hô hấp do môi trường ô nhiễm
      Ông Lê Văn Đồng nhiều lần nhập viện điều trị các bệnh hô hấp do môi trường ô nhiễm

      Cầm trên tay tờ Báo Người Lao Động số ra ngày 13-1 có bài viết “Khí độc bay tràn lan”, ông Nguyễn Văn Nế - Chủ tịch UBND xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi - nơi có 24 hộ dân bị ảnh hưởng bởi khí thải của Công ty Hóa Sinh, bức xúc: “DN này hình thành sau khu dân cư của xã hơn 10 năm, đến giờ đặt vấn đề gây ô nhiễm là quá trễ. Không chỉ nhà cửa thủng mái, gỉ sét mà sức khỏe người dân còn ngấm ngầm bị tàn phá. Nhiều người đã chết vì ung thư, lao phổi rồi. Tôi đề xuất UBND TP HCM sớm có kế hoạch di dời Công ty Hóa Sinh ra khỏi khu dân cư và yêu cầu công ty sớm hỗ trợ thiệt hại cho hàng chục hộ dân trước tháng 4-2014”.
      Ông Lê Văn Sang, trưởng ấp 5, xã Phạm Văn Cội - nơi có 72 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề do nằm sát Công ty Hóa Sinh, cho rằng DN này xem sức khỏe người dân không bằng… những cây cao su! “Trước năm 1997, họ hướng ống khói về phía nông trường làm hàng loạt cây cao su chết, bị chủ nông trường yêu cầu bồi thường. Từ đó trở đi, công ty quay ống khói về phía khu dân cư khiến đời sống và sức khỏe người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi kêu cứu nhiều lần nhưng công ty vẫn phớt lờ”.
      Tháng 12-2013, UBND TP HCM đã xử phạt hành chính Công ty Hóa Sinh 145 triệu đồng vì thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn quy định và yêu cầu DN phải khắc phục trong 30 ngày. Thế nhưng, đến nay, mọi việc vẫn không có gì cải thiện. Khói bụi vẫn mịt mù, ngày càng có nhiều người mắc các chứng viêm xoang, phế quản, viêm da… Ngoài ra, dù đã hứa hỗ trợ thiệt hại cho dân nhưng nhiều tháng qua, DN này vẫn lặng thinh.
      Với những cư dân sống quanh Công ty Hóa Sinh, nỗi lo lớn nhất của họ là thời gian qua, rất nhiều trường hợp bị lao phổi, viêm phổi và không ít người đã chết. Ông Lê Minh Dũng (ấp 5, xã Phạm Văn Cội) vừa đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Củ Chi về do viêm phổi, lao phổi. Ông Nguyễn Văn Tiếu cũng mới xuất viện hơn 1 tuần vì bệnh viêm phế quản mạn tính. Ông Lê Văn Đồng đưa chúng tôi xem một đống giấy xuất viện với đủ loại bệnh liên quan đến đường hô hấp như để chứng minh. Gần đó, chồng bà Phạm Thị Thúy Liễu, chồng bà Võ Thị Liên đã mất vì bệnh lao phổi…
      Có thể khởi kiện
      “Người dân đã chấp nhận và chịu đựng hơn 10 năm là quá bất công. Báo chí phản ánh nhưng công ty vẫn im lặng, coi thường sức khỏe người dân. Sản xuất phân bón là ngành độc hại, không thể nằm trong khu dân cư. Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP HCM sớm có kế hoạch di dời DN này” - ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, khẳng định.
      Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền - thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Cội - từ năm 2011, khi người dân phản ánh, UBND huyện Củ Chi và xã đã phối hợp đến Công ty Hóa Sinh kiểm tra lấy mẫu khí thải. Theo quy trình, đoàn phải báo trước DN 3-4 ngày, khi đến kiểm tra thì công ty đối phó bằng cách cho nhà máy tạm ngưng hoạt động nên mẫu khí thải lấy về không phát hiện ô nhiễm. Nhiều lần kiểm tra đều như thế nên đoàn phải khảo sát mái tôn hư hại xung quanh và lấy mẫu cây cỏ chết để có cơ sở nói chuyện với DN.
      Trước những bức xúc của người dân, ông Phạm Văn Đông cho biết sẽ báo cáo vụ việc với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín. Trước mắt, ông Đông đề nghị UBND huyện Củ Chi có văn bản nêu rõ chính kiến về việc yêu cầu di dời Công ty Hóa Sinh khỏi khu dân cư, gửi UBND TP trong tuần tới. Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định lại việc chấp hành sau quyết định xử phạt của UBND TP đối với công ty này. Ngoài ra, UBND các xã liên quan có trách nhiệm làm cầu nối với Hội Luật gia TP nếu các hộ dân có nhu cầu khởi kiện DN gây ô nhiễm.
      Đành đứng ngoài nhìn vô!
      Ông Trương Văn Nam, Chủ tịch HĐND xã Phạm Văn Cội, nhớ lại: “Tôi làm HĐND xã 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ 1 đã nghe bà con phản ánh về Công ty Hóa Sinh. Thế nhưng, mỗi lần UBND xã đến công ty khảo sát để giải quyết bức xúc của người dân thì chỉ đứng bên ngoài nhìn vô, liên hệ DN cách nào cũng không vào được dù đã có đặt lịch trước. Những lần đi khảo sát thiệt hại của người dân, công ty chỉ cử nhân viên văn phòng, không có lãnh đạo”.


      Bài và ảnh: THU HỒNG

      Điều tra viên Mỹ: Có người tắt bộ phát tín hiệu trên máy bay Malaysia mất tích

      13/03/2014 15:15

      (TNO) Báo cáo về động cơ cho thấy chiếc máy bay mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn tiếp tục bay thêm một khoảng thời gian dài nữa sau khi biến mất khỏi màn hình radar, ngày 13.3, tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn tiết lộ từ 2 nguồn tin nắm được các báo cáo này cho hay.


      Hệ thống truyền phát tín hiệu trên máy bay - Ảnh chụp màn hình Wall Street Journal
      Thông tin mới này khiến các chuyên gia phân tích Mỹ đưa ra khả năng rằng đã có ai đó đã cố tình tắt hệ thống nhận và phát tín hiệu trên máy bay và chuyển hướng bay, Wall Street Journal cho hay.  
      Ngoài ra, thông tin mới cũng làm dấy lên khả năng chiếc Boeing 777 chở theo 239 người đã bay thêm khoảng hơn 3.500km, có thể là đã bay đến biên giới Pakistan hoặc ra Ấn Độ Dương hay biển Ả Rập, tờ báo Mỹ nhận định.
      Được biết, lần xuất hiện cuối cùng trên màn hình radar dân sự của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 là gần 1 giờ 30 sáng 8.3 (giờ địa phương), chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau khi cất cánh từ phi trường Kualar Lumpur.
      Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia hàng không và quan chức an ninh quốc gia Mỹ khẳng định chiếc máy bay đã bay tổng cộng 5 tiếng đồng hồ, dựa theo báo cáo tự động về tình trạng hệ thống gửi từ máy bay cho mặt đất của động cơ máy bay.
      Một nguồn tin tiết lộ cho tờ báo Mỹ rằng, theo thỏa thuận về bảo trì giữa 2 bên, chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines được trang bị hệ thống tự động truyền báo cáo tình trạng động cơ thời gian thực (real-time) cho hãng chế tạo động cơ Roll Royces.
      Báo cáo gửi từ cặp động cơ Trent 800 này sẽ cung cấp nhiều thông tin chi tiết, chẳng hạn như độ cao và tốc độ máy bay, theo nguồn tin của Wall Street Journal.
      Các quan chức chống khủng bố của Mỹ đang điều tra theo hướng phi công hoặc một ai khác trên máy bay đã chuyển hướng bay đến một vị trí chưa xác định được sau khi cố tình tắt hệ thống truyền và phát tín hiệu, nhằm tránh bị radar theo dõi, một nguồn tin có liên quan đến cuộc điều tra nói với Wall Street Journal.
      Hoàng Uy

      Tuyển người buôn lậu đi chống buôn lậu!


      March 14, 2014   ·  


      qlbd
      Lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Bình Định xem xét hồ sơ của bà Hương

      TTXVA-Từng bị truy nã, chưa được xóa án buôn lậu nhưng một phụ nữ vẫn được tuyển dụng vào Chi cục QLTT tỉnh Bình Định
      Đó là trường hợp của bà Vũ Thị Thu Hương (SN 1976), kiểm soát viên thị trường Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Chi cục QLTT tỉnh Bình Định.
      Quan hệ mật thiết với lãnh đạo
      Năm 2007, bà Hương nộp đơn xin việc đến Chi cục QLTT tỉnh Bình Định. Theo lý lịch tự khai, bà Hương ghi: “Lúc 12 tuổi còn đi học. Đến 15 tuổi nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình cho đến nay (ngày nộp hồ sơ xin việc). Trình độ văn hóa: lớp 9/12”.
      Chi cục QLTT đã ký hợp đồng lao động cho bà Hương làm tạp vụ. Khi có 2 tấm bằng bổ túc văn hóa và trung cấp kế toán, bà Hương được chuyển sang làm công tác văn thư, sau đó là nhân viên kế toán.
      Tháng 4-2013, bà Hương tham dự kỳ thi và trúng tuyển công chức vào Chi cục QLTT do UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Ngày 13-9-2013, bà Hương về làm kiểm soát viên tại Đội QLTT số 7.
      Theo nhiều cán bộ Chi cục QLTT, sở dĩ bà Hương được “ưu ái” là do có mối quan hệ khá “mật thiết” với một lãnh đạo chi cục vừa mới nghỉ hưu vào đầu năm 2014.
      Sẽ hủy quyết định tuyển dụng
      Đáng chú ý, đầu năm 1997, bà Hương từng bị bắt khi tham gia buôn lậu thuốc lá tại TP Quy Nhơn. TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bà Hương 12 tháng tù giam. Trước khi chấp hành án, bà Hương bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó bị bắt tại TP Đà Nẵng theo lệnh truy nã toàn quốc.
      Bà Phạm Thị Sang, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính Chi cục QLTT tỉnh Bình Định, xác nhận bà Hương có tiền án về tội buôn lậu nhưng cơ quan nhận do thấy hoàn cảnh của bà Hương đáng thương. Còn ông Mai Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Định, thừa nhận: “Phòng Tổ chức – Hành chính đã có khuyết điểm trong việc xem xét hồ sơ trước khi đề nghị lãnh đạo cơ quan nhận bà Hương vào làm hợp đồng, rồi sau đó đề nghị vào danh sách dự tuyển công chức”.
      Hiện bà Hương vẫn chưa được xóa án tích. Theo Quyết định số 650 ngày 27-11-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, một trong những trường hợp không được dự tuyển công chức là đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích…
      Ông Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, giải thích: “Theo quy định, người đăng ký dự tuyển công chức phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của những giấy tờ trong hồ sơ dự tuyển. Các trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ sẽ bị hủy kết quả tuyển dụng và xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu thật sự đến nay bà Hương vẫn chưa được xóa án tích thì Sở Nội vụ sẽ xem xét hủy quyết định tuyển dụng công chức”.
      THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG

      Máy bay Malaysia mất tích: Mỹ tăng cường máy bay, hỗ trợ tìm kiếm

      14/03/2014 08:30

      (TNO) Từ ngày 15.3, một máy bay trinh sát P-8A Poseidon sẽ được điều động sang eo biển Malacca, phía tây Malaysia, để tham gia tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, tờ The Malaysia Insider (Malaysia) dẫn thông báo của Hải quân Mỹ.


      Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của quân đội Mỹ - Ảnh: Reuters
       
      Trước đó, Washington cũng đã gửi một chiếc P-3C Orion sang Malaysia và theo dự kiến, chiếc máy bay này sẽ phối hợp cùng chiếc P-8A Poseidon để tìm chiếc Boeing 777 mất tích.
      “Chiếc P-3C Orion sẽ tìm kiếm vào buổi chiều tối, dựa vào hệ thống radar hồng ngoại và khả năng nhìn đêm”, theo thông báo từ Hải quân Mỹ.
      Còn P-8A Poseidon sẽ giúp tăng cường phạm vi tìm kiếm, đồng thời tối ưu hơn nữa việc bảo trì và đảm bảo cho phi hành đoàn của cả hai chiếc máy bay trinh sát không bị quá tải, theo The Malaysia Insider.
      P-8A Poseidon, được phát triển từ dòng máy bay Boeing 737-800, có tốc độ bay tối đa 907 km/giờ với bán kính hoạt động 2.222 km.
      Cùng hệ thống ra đa tân tiến, P-8A Poseidon từng được Lầu Năm Góc ví là máy bay tuần tra săn tàu ngầm tân tiến nhất thế giới.
      Hoàng Uy

      Tranh chấp Biển Đông và vai trò của Việt Nam


      DatViet-Năm 2014 đánh dấu hai sự kiện lớn trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc : Kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, khiến 74 chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hoà hy sinh, và kỷ niệm 35 năm ngày Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược chống Việt Nam. 
       
      Ngày 14 tháng 3 năm nay cũng đánh dấu 26 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, khiến 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh
       
      Qua nguồn tư liệu do nhà nước Việt Nam phổ biến công khai sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và qua đối chiếu với nguồn tư liệu độc lập để kiểm chứng, ba điểm mốc thời gian của năm 1974, 1979, và 1988 phản ánh các mắt xích trong một chiến lược lâu dài, nhất quán, của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam : Bắt đầu từ thập niên 1950 cho đến ngày nay, bằng những mưu đồ, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau, thay đổi tùy tình huống, Trung Quốc luôn luôn muốn kiềm chế Việt Nam, giữ Việt Nam ở vị thế nước yếu kém, lệ thuộc vào Trung Quốc. 
       
      Mặc dù vào năm 1979, Trung Quốc thất bại thảm hại trong việc sử dụng hàng trăm ngàn quân tinh nhuệ và hoả lực hùng hậu để “dạy” cho Việt Nam một bài học, kể từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, Trung Quốc thành công đáng kể trong nỗ lực kiềm chế Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. 
      Do Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa rõ ràng, vững chắc, và do hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều năm trước, người viết đề nghị Việt Nam kiện toàn hồ sơ chủ quyền, tham vấn chuyên gia người nước ngoài, tranh thủ ủng hộ của khu vực và thế giới trong việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. 
       
      Thực tế cho thấy, trong gần 20 năm, lãnh đạo Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp “thông qua đàm phán hòa bình”, trên tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, và trên cơ sở “16 chữ vàng, 4 tốt”. Việt Nam hoàn toàn bị động, tiêu cực, không có một phương án nào khác biệt với lập trường của Trung Quốc cho Biển Đông.
       
      (Xem thêm Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc giữa Tổng bí thư hai đảng Cộng sản Nông Đức Mạnh – Hồ Cẩm Đào, tháng 6 năm 2008). 
       
      Trong cùng thời gian, Trung Quốc tích cực xây dựng sức mạnh trong cả hai lãnh vực quyền lực mềm và quyền lực cứng về Biển Đông :
      • ban hành “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” bao gồm quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa năm 1992 (20 năm trước khi Luật Biển Việt Nam được ban hành) ;
      • kể từ giữa thập niên 1990, đầu tư vào các học viện, trung tâm nghiên cứu chiến lược, quy mô lớn, thu hút sự tham gia của giới nghiên cứu, chuyên gia người nước ngoài ;
      • vận động để có quan toà Trung Quốc trong hai cơ chế luật pháp quốc tế: Toà án Quốc tế (ICJ) và Toà án Luật Biển (ITLOS) ;
      • kể từ năm 1999, ban hành lệnh cấm đánh cá ba tháng mỗi năm, bao gồm vùng biển của Việt Nam ;
      • hiện đại hoá lực lượng hải quân để gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông ;
      • lôi kéo đồng minh trong khối ASEAN ;
      • nâng cấp đơn vị hành chính quản lý các đảo chiếm đóng bất hợp pháp thuộc Hoàng Sa-Trường Sa, v.v. 
      Mãi cho đến đầu năm 2013, lãnh đạo Việt Nam mới lần đầu tiên đề cập đến sử dụng công cụ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. 
       
      Vài diễn biến đáng ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2014 là việc nhà nước cho kỷ niệm một cách giới hạn 40 năm trận đánh Hoàng Sa giữa hải quân Việt Nam Cộng hoà và hải quân Trung Quốc, cho thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông để thúc đẩy việc nghiên cứu, và trong một cuộc gặp chính thức, Đại sứ Việt Nam tại Philippines thông báo cho phó Tổng thống nước bạn biết là Việt Nam ủng hộ Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
       
      Các bước đi này, dù muộn màng nhưng đúng hướng, cần thiết phải có cho quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa và bảo vệ quyền lợi đất nước trên Biển Đông. 
      Những bước đi khác mà Việt Nam nên khẩn trương thực hiện song song là:
      • hoàn chỉnh một cách khoa học, nghiêm túc, hồ sơ bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa – Trương Sa qua đóng góp của giới nghiên cứu (độc lập cũng như trực thuộc bộ máy chính quyền) và qua tham vấn chuyên gia luật pháp quốc tế người nước ngoài
      • trong khi hiện đại hóa quốc phòng là điều không thể thiếu trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, là nước yêu chuộng hoà bình, Việt Nam tiếp tục phát huy mặt thuận lợi trong quan hệ ngoại giao với các nước, trong và ngoài khu vực
      • do điều kiện đảo, đá, do nhu cầu giảm thiểu mức độ xung đột, tranh thủ ủng hộ của quốc tế, và do khả năng vô hiệu hoá đòi hỏi đường lưỡi bò của Trung Quốc, Việt Nam chủ trương quy định ngay cả đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa và Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa
       Việt Nam nên năng động, tích cực trình bày cho thế giới thấy rõ rằng, do vị thế chiến lược của các đảo này, Hoàng Sa-Trường Sa đóng vai trò then chốt trong đòi hỏi đường lưỡi bò của Trung Quốc. 
      Quyết tâm của Việt Nam nhằm thúc đẩy sử dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc không chỉ để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải giữa những bên liên hệ mà còn để mang lại ổn định cho tất cả các nước có giao thông hàng hải đi ngang qua một khu vực quan trọng hàng đầu thế giới và có diện tích rộng bằng một phần ba diện tích nước Mỹ. 
       
      Nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào giữa tháng 2 năm 2014, Trung Quốc tuyên bố tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương, trên cơ sở chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế. 
       
      Để tạo đột phá trong bế tắc hiện nay và để tranh thủ thuận lợi hiện có, xét từ góc độ luật pháp quốc tế và tình hình khu vực, Việt Nam nên hoặc tự mình, trong trường hợp Hoàng Sa, hoặc cùng 
       
      Philippines, Malaysia, trong trường hợp Trường Sa, hoặc một kết hợp khéo léo của cả hai phương án, công khai kêu gọi Trung Quốc đồng ý để cơ chế luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp Biển Đông. 
      Trung Quốc có quan toà đại diện trong Toà án Quốc tế và Toà án Luật Biển; Trung Quốc cũng luôn luôn khẳng định trước dư luận thế giới là họ có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý hậu thuẫn cho đòi hỏi đường lưỡi bò nói chung và quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa nói riêng. 
       
      Nếu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc là dựa trên cơ sở sự thật, khó có bất kỳ lý do chính đáng nào cho Trung Quốc viện dẫn để từ chối vai trò giải quyết tranh chấp giữa các nước mà Toà án Quốc tế đã và đang hành xử hữu hiệu trong hơn 60 năm nay. 
       
      Việt Nam đang thật sự đối diện với một trách nhiệm to lớn mà lịch sử giao phó: sử dụng công cụ luật pháp quốc tế để duy trì an ninh và trật tự trong một khu vực trọng yếu của thế giới.
       
      Thái Văn Cầu

      Hoang mang vì học sinh lớp 5 bị bắt cóc ngay trong trường!

      Lâm Phương - theo Trí Thức Trẻ | 14/03/2014 08:32


      (Soha.vn) - Trong lúc đi vệ sinh có người lạ mặt đưa cho thanh kẹo cao su, Tuấn đưa vào miệng nhai thì không còn biết gì nữa và bị đưa ra khỏi trường lúc nào không hay.

      Ngày 13/3, lãnh đạo Trường Tiểu học Kỳ Đồng (nằm trên đường Kỳ Đồng  P.9, Q.3, TP.HCM) xác nhận, cách đó 8 ngày một học sinh lớp 5 bị kẻ lạ bắt ra khỏi trường…
      Ông Lê Thanh Long, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Đồng (P.9, Q.3) xác nhận, vào chiều ngày 5/03, đã xảy ra vụ bé Nguyễn Huỳnh Anh Tuấn HS lớp 5 (con của phụ huynh Nguyễn Hồng Tr., ngụ Rạch Bùng Binh P9, Q.3) bị người lạ chở đi, nghi vấn bị bắt cóc.
      Trường tiểu học Kỳ Đồng nới xảy ra nghi án học sinh tiểu học bị bắt cóc ngay trong trường
          Trường tiểu học Kỳ Đồng nới xảy ra nghi án học sinh tiểu học bị bắt cóc ngay trong trường

      Khoảng 16h15 (giờ tan học), trong lúc chờ đợi cha mẹ đến đón, Tuấn bỏ lại cặp xách bên trong lớp học rồi xin phép cô giáo chủ nhiệm cho đi vệ sinh. Trong nhà vệ sinh, Tuấn gặp một người đàn ông lạ mặt đưa cho em một thanh kẹo cao su, sau đó em đi theo ra khỏi trường.
      Đến khoảng 16h30 phụ huynh của em Tuấn đến đón nhưng chờ ngoài cổng mãi không thấy con mình ra nên đã hỏi cô giáo. Thầy cô và các bạn cùng tìm kiếm không thấy nên nhà trường đã phát loa kêu gọi. Kiểm tra khắp các nhà vệ sinh, phòng học và mọi ngóc ngách trong khuôn viên trường không thấy Tuấn, đến 18h30, gia đình và nhà trường đã đến trình báo sự việc với công an phường 9.
      Trong khi đang viết tường trình tại công an phường thì mẹ Tuấn nhận được điện thoại từ một số máy lạ. Qua điện thoại, Tuấn khóc và cho biết “Con bị người ta bắt cóc, đang đứng ở Khách sạn Rạng Đông trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1. Bố mẹ nhanh đến rước con”. Gia đình và nhà trường đã gấp rút đi đón em về.
      Kể lại sự việc, Tuấn cho biết sau khi nhai kẹo cao su của người lạ mặt thì em không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh, Tuấn nhận ra mình đang ngồi trên xe của người lạ nên đã nhảy xuống khi xe dừng đèn đỏ ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám- Nguyễn Thị Minh Khai. Khi Tuấn vừa khóc vừa chạy đến Khách sạn Rạng Đông thì thấy 2 bảo vệ, nên đã dừng lại. Thấy Tuấn khóc, bảo vệ khách sạn hỏi thăm sự việc và cho em mượn điện thoại liên lạc gia đình

      5 học sinh chết thảm dưới hố cát, nỗi đau dưới đỉnh Yang Hanh

       14/03/2014 07:51 (GMT + 7)
      TT - Thi thể của 5 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo và THCS Cư Đrăm (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) chồng lên nhau vùi sâu trong một hố cát trên sông.
                                               Ông Lý Seo Sào khóc thương con trai út Lý Seo Phong - Ảnh: Tiến Thành
                                                 Thi thể của học sinh được đưa về nhà bằng xe công nông - Ảnh: Tiến Thành
      Người nhà và hàng xóm chia buồn với bà Ma Thị Nga (giữa - mẹ của nạn nhân Vàng Quang Vinh) ở thôn Ea Lueh, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông - Ảnh: T.Thành                                                             
                                                                    Hiện trường vụ xảy ra tai nạn - Ảnh: Phúc Trình
      13g ngày 13-3, thi thể năm học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo và THCS Cư Đrăm (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) được đưa lên từ một hố cát trên sông Krông Bông.
      Xóm nhỏ dưới chân núi Yang Hanh hùng vĩ chìm trong tang tóc...
      “Lo cho cháu được gì thì lo...”
      “Chỉ nghĩ các em mắc việc nhà, nào ngờ...”
      Lý Seo Hùng, Giàng Văn Bàng và Ma Văn Bình đều trọ học trong những khu nhà tự làm để tìm chữ. Trong khi em Vàng Quang Vinh và Lý Seo Phong trọ học tại nhà bán trú của dân. Nhà các học sinh cách trường khoảng 15km đường núi nên phải trọ học. Thầy Dương Kim Thạch, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết: “Các em là những học sinh rất ngoan hiền. Mặc dù học lực không được khá, giỏi nhưng các em rất chăm học, chuyên cần. Qua theo dõi của giáo viên chủ nhiệm, từ trước đến giờ các em hầu như không bỏ học. Sáng thứ tư (12-3) , giáo viên phát hiện các em nghỉ học không phép. Trường chỉ nghĩ chắc là các em có việc nhà nên nghỉ. Nào ngờ đến sáng thứ năm thì trường nhận được hung tin...”.
      16g, chiếc xe công nông chở hai thi thể học sinh cuối cùng chầm chậm lê bánh qua những ổ voi, ổ gà trên con đường trở về thôn Ea Lueh, thôn xa nhất của xã Cư Đrăm. Thôn này liền kề với thôn Yang Hanh và là nơi chứng kiến cảnh tang tóc nhất từ trước đến nay: bốn đám tang trong bán kính khoảng 200m.
      Anh Sùng Seo Sèo, anh rể nạn nhân Vàng Quang Vinh, cặm cụi điều khiển bánh lái, Vàng Thanh Quang đi xe máy chầm chậm bám theo sau hộ tống. “Vàng Quang Vinh là em họ của mình đấy. Ngày còn nhỏ ở Hoàng Sù Phì (Hà Giang), hai anh em hay chơi với nhau. Giờ nó chết, mẹ nó khóc nhiều, nên mình phải đưa nó về nhà sớm chứ ở suối hai ngày rồi chắc lạnh lắm!” - Quang vừa đi vừa khẽ kể.
      Trời về chiều, nắng mỗi lúc một nhạt dần, có lúc bụi đường bao phủ mù mịt, cả hai cái bóng vẫn lầm lũi chở thi thể em họ về nhà ở thôn Ea Lueh nằm bên kia những dãy núi trập trùng. Tại nhà Vàng Quang Vinh, không khí càng trở nên tang thương, quạnh quẽ hơn vì cha Vinh - ông Vàng Seo Quáng - còn đang làm thợ may ở TP.HCM chưa về kịp. Tin con trai mất khiến bà Ma Thị Nga (mẹ Vinh) khóc ngất lên ngất xuống. Vài người hàng xóm khó nghèo đã dúi vào tay ông Vàng Seo Câu, bác ruột của Vàng Quang Vinh, tờ hai chục, năm chục ngàn với lời nhắn: “Lo cho cháu được cái gì thì lo trong khi chờ cha cháu về”.
      Cũng nằm trong ngõ này chỉ cách nhà nạn nhân Vinh khoảng 20m, gia đình ông Giàng Seo Vư cũng chìm trong đau xót. Con trai Giàng Văn Bàng (18 tuổi, lớp 11A2 Trường THPT Trần Hưng Đạo) đã ra đi. Từng nhóm người đứng bên nhau im lặng khiến không khí càng trở nên đau xót.
      Nỗi đau dưới đỉnh Yang Hanh
      Nằm ngay bên cạnh Ea Lueh là thôn Yang Hanh, không khí tang thương cũng bao trùm. Ở đây, cậu học trò nghèo Ma Văn Bình (19 tuổi, lớp 12A4 Trường THCS Trần Hưng Đạo) cũng đã vĩnh viễn ra đi cùng các bạn. Ông Ma Văn Sánh, bố của Bình, kể: “Bình ở trọ gần trường học, thi thoảng mới về nhà. Cuối tuần vừa qua, nhà không còn tiền nên Bình không về mà ở lại nơi trọ học luôn. Đến sáng thứ ba (11-3), mẹ cháu gom góp được 30.000 đồng đưa ra cho cháu mua đồ ăn tạm. Không ngờ đây cũng là lần cuối cùng mẹ con Bình gặp nhau”. Ông Sánh nghẹn ngào nói tiếp: “Chiều 13-3, khi biết chính xác Bình gặp nạn, gia đình đến nơi trọ học thu dọn đồ của cháu thì thấy vẫn còn số tiền 30.000 đồng hôm trước mẹ gửi cho...”.
      Khi từng thi thể được đưa về nhà cũng là lúc những tiếng khóc rền vang dưới chân đỉnh Yang Hanh. Vợ chồng anh Lý Seo Sào và chị Liều Thị Mùa khóc ngất vì thương con trai út Lý Seo Phong. Anh Sào kể năm 2000, hai vợ chồng cùng con cái từ Hoàng Sù Phì quyết định vào lập nghiệp ở Cư Đrăm với khát vọng đổi đời. Những tưởng trồng hai sào lúa và mì có thể nuôi cho năm đứa con vừa đủ ăn đủ học, nào ngờ vừa mới làm xong vụ mì, con trai út của anh chị đã ra đi. “Thằng Phong hiền lành và ngoan nhất nhà. Giờ nó mất rồi, mình thương nó lắm” - anh Sào khóc nấc.
      5 thi thể chồng lên nhau
      Theo báo cáo ban đầu của UBND huyện Krông Bông, khoảng 6g ngày 13-3, một cháu bé đi hái rau tại bờ sông Krông Bông (xã Cư Đrăm) phát hiện một xác người vùi trong cát (một cánh tay đưa lên). Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện đã phong tỏa, giữ nguyên hiện trường. Đến 12g cùng ngày, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng công an huyện khám nghiệm hiện trường. Tại hiện trường, trước khi cơ quan chức năng đào bới đống cát đã phát hiện bảy chiếc dép và một chiếc quần dài.
      13g30 ngày 13-3, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức đào hố cát tại bờ sông Krông Bông thuộc địa bàn buôn Cư Đrăm, xã Cư Đăm, Krông Bông và phát hiện năm thi thể học sinh chết trong tư thế nằm sấp chồng lên nhau, bị vùi sâu trong đống cát, đang trong quá trình phân hủy. “Hố cát này do nước lũ tạo ra trên bờ sông” - anh Y Brí Êban, công an viên buôn Cư Đrăm, cho biết.
      Cả năm nạn nhân đều là học sinh người dân tộc Mông, trong đó hai em Lý Seo Phông (lớp 7B) và Vàng Quang Vinh (lớp 8A) là học sinh Trường THCS Cư Đrăm. Ba em Mai Văn Bình (lớp 12A4), Giàng Văn Bằng (lớp 11A2) và Lý Seo Hùng (lớp 10A5) cùng là học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo. Cả hai trường này cùng nằm trên địa bàn xã Cư Đrăm.
      Báo cáo với đoàn lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk do ông Hoàng Trọng Hải - chủ tịch UBND tỉnh - dẫn đầu, đại tá Trần Văn Viên - trưởng Công an huyện - cho biết nhận định ban đầu dẫn đến cái chết của các em là do bị sụt hố cát nằm cách mép nước sông Krông Bông 13m. Cũng theo nhận định ban đầu của cơ quan công an, trưa 11-3 sau khi đi học về và ăn cơm xong, năm học sinh này đã rủ nhau ra bờ sông Krông Bông tắm và kéo nhau vào hố cát chơi dẫn đến tai nạn. Hiện Công an huyện tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân.
      Đến 20g30 ngày 13-3, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh đã đến chia buồn cùng gia đình các em. Ngoài ra, UBND tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình 4 triệu đồng, Sở GD-ĐT hỗ trợ 3 triệu đồng/gia đình, UBND huyện Krông Bông hỗ trợ 2 triệu đồng và Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/gia đình.

      Đ.T.DUY - T.THI - T.THÀNH

      Gửi tiền cơ quan vào ngân hàng lấy lãi bỏ túi riêng!

      13-03-2014 14:55:28
      PNO - Ông Mai Xuân Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho biết đã giáng chức một cán bộ liên quan tới việc dùng tiền của cơ quan gửi ngân hàng lấy lãi bỏ túi riêng.


                                                              Quyết định giáng chức đối với ông Quế
                                                                             
      Liên quan tới việc trên, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Lê Đình Quế, Đội trưởng Đội tổng hợp hành chính kiêm phụ trách kế toán của Thanh tra Sở.

      Ông Quế bị "giáng chức, thôi kiêm nhiệm kế toán Thanh tra Sở" là do nghiệp vụ của ông Quế yếu kém vì đã tham mưu cho chánh thanh tra, chủ tài khoản thực hiện việc chuyển 3,3 tỉ đồng từ tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của đơn vị sang tài khoản tiền gửi có thời hạn tại Ngân hàng cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (chi nhánh Thanh Hóa) nhiều lần để rút lãi với tổng số tiền là hơn 153 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền trên không được thể hiện trên sổ sách kế toán của đơn vị, không mở sổ sách riêng để theo dõi.

      Bên cạnh đó, ông Quế không báo cáo với chủ tài khoản để có hướng xử lý cho đến khi Sở GTVT nhận được đơn phản ánh vào, cuộc điều tra.
      Được biết số tiền hơn 3 tỉ đồng nói trên là kinh phí hoạt động của Dự án quốc lộ 1A được Bộ GTVT chấp thuận duyệt cho một phần kinh phí để đảm bảo cho các lực lượng công an, CSGT và các lực lượng khác giữ trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

      Lâm Nguyên

      Đột kích lò giết mổ lậu!

      14/03/2014 09:00

      Khi lực lượng chức năng ập vào, chủ lò mổ cho tắt điện để tẩu tán tang vật, xóa dấu vết hiện trường...

      Đột kích lò giết mổ lậu
      Đoàn kiểm tra bắt quả tang ông Đỗ Văn Long tổ chức giết mổ heo lậu và tang vật vi phạm - Ảnh: Hoàng Việt
      2 giờ sáng ngày 13.3, PV Thanh Niên theo đoàn liên ngành gồm Phòng CSĐT phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM, Chi cục Thú y TP.HCM bất ngờ ập vào ngôi nhà ở địa chỉ 273/16 Lê Đức Thọ (hẻm 13, KP.10, P.16, Q.Gò Vấp) bắt quả tang ông Đỗ Văn Long (50 tuổi, thường trú 31/3 đường 26 Tháng 3, P.16, Q.Gò Vấp) tổ chức giết mổ heo lậu quy mô lớn. Vừa thấy lực lượng chức năng, điện trong nhà lập tức bị tắt tối thui, chỉ có tiếng nhân viên gọi nhau tìm cách tẩu tán tang vật. Phải đến khi trung tá Nguyễn Quốc Hùng, Đội trưởng Đội 3 PC49, yêu cầu ông Long mới mở đèn.
      Tại hiện trường, ngay dưới nền sàn vứt lổm ngổm dụng cụ giết mổ, thịt, lòng của 2 con heo ông Long cùng công nhân đang giết mổ. Trong chuồng heo ngay cạnh còn 10 con, trong đó 2 con đã bị chích điện chết chờ giết mổ. Ông Long xuất trình giấy kiểm dịch lô hàng này do thú y tỉnh Đồng Nai cấp, nhưng không hợp lệ. Theo giấy kiểm dịch lô hàng 30 con heo, điểm đến là lò giết mổ Trung Tâm (H.Hóc Môn, TP.HCM). Ông Long khai mua 12 con trong lô hàng, còn lại giao cho người khác... Trả lời cán bộ đoàn kiểm tra, ông Long khai đã giết mổ heo tại đây khoảng 5 năm, mỗi ngày khoảng chục con.
      Điều đáng nói, trong khi đoàn kiểm tra làm việc, tang vật đang bị gom lại, kiểm đếm số lượng, rất nhiều bạn hàng của ông Long chạy xe máy đến và ngỡ ngàng biết lò này bị... bể. Tuy nhiên, những người này tấp xe lại ngồi chờ ông Long xoay xở... vụ việc. Còn vợ ông Long lập tức điều quân ra chợ đầu mối mua tạm thịt heo về giao cho khách.
      Đoàn kiểm tra lập biên bản ông Long về hành vi tổ chức giết mổ gia súc trái phép, tạm giữ lô heo sống để kiểm dịch lại, xử lý; tạm giữ để tiêu hủy toàn bộ tang vật hơn 600 kg heo, thịt, phụ phẩm heo...
      Đột kích lò giết mổ lậu
      Mái tôn đã bị dỡ để tẩu tán tang vật trước khi đoàn kiểm tra tới
      Dỡ mái nhà phi tang bằng chứng
      Một diễn biến khác, khi phát hiện đoàn kiểm tra ập vào nhà ông Long, những người trong nhà số 891/11 Lê Đức Thọ (KP.10, P.16, Q.Gò Vấp, cách nhà ông Long chừng 15 m) vội vàng tẩu tán tang vật giết mổ lậu. Một người trong nhà này ra khỏi nhà, tắt điện, khóa cửa. Đoàn kiểm tra đành cắt cử cán bộ canh giữ bên ngoài. Đến hơn 7 giờ sáng cùng ngày, sau rất nhiều lần liên lạc, cảnh sát khu vực này mới đến hiện trường. Tuy nhiên, trước đó chừng 5 phút, một người đàn ông đã đến tự mở cửa nhà và hiện trường là căn nhà mới dọn rửa khá sạch sẽ, chỉ còn lại ít huyết heo, lông heo, nhưng mái tôn sau nhà bị dỡ.
      Theo một cán bộ PC49 nhận định: “Khi vừa ập đến còn nghe tiếng heo kêu, thấy lửa đỏ, nghe tiếng người. Bây giờ kiểm tra không thấy gì hết, chắc chắn họ đã dỡ mái tôn, tẩu tán tang vật”.
      Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nạn giết mổ trái phép và thịt, phụ phẩm heo giết mổ trái phép rất cao. Vì lợi nhuận, người giết mổ trái phép sẵn sàng mua động vật mắc bệnh để giết mổ, làm mầm bệnh phát tán rộng hơn trong môi trường, lây cho người tiêu dùng...
      Hoàng Việt

      Một sự hiểu lầm tai hại

      VOA-13.03.2014


      Chung quanh việc Nga xâm chiếm Crimea của Ukraine, và liên quan đến Vladimir Putin, Tổng thống của Nga, có một số vấn đề khiến giới bình luận chính trị Tây phương thắc mắc và bàn thảo nhiều nhất suốt mấy tuần vừa qua: Một, tại sao tình báo của Mỹ không biết trước được việc Nga xua cả mấy ngàn quân (sau đó là cả mấy chục ngàn) đến chiếm Crimea? Hai, tại sao giới lãnh đạo Tây phương, kể cả các tổng thống Mỹ, từ George W. Bush đến Barack Obama, đều có vẻ cả tin Vladimir Putin đến vậy? Đằng sau hai câu hỏi trên là một câu hỏi khác: Tại sao Tây phương, kể cả Mỹ, lại dễ bị Putin lừa đến như vậy?

      Kiểm tra lại các bản tin tình báo gửi lên giới lãnh đạo Mỹ, ít nhất là ở Quốc Hội, người ta thấy tuy các tình báo biết rõ sự kiện Nga huy động khoảng 150.000 lính đến biên giới Ukraine nhưng hầu hết đều đánh giá khả năng Nga quyết định tấn công Ukraine rất nhỏ.

      Giới chức tình báo Mỹ biện minh: họ vẫn thường xuyên cập nhật các tin tức họ thu lượm được tại Nga và Ukraine và liên tục báo cáo cho chính phủ nhưng việc đánh giá đúng ý đồ của các nhà lãnh đạo nước khác, như Nga, chẳng hạn, rất khó chính xác.

      Nói cách khác, thành thực hơn: lần này mọi người từ tình báo đến chính khách đều nhầm. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ hai nguyên nhân chính:
      Thứ nhất, từ sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, phần lớn ngân sách tình báo của Mỹ đều tập trung vào nỗ lực chống khủng bố, chủ yếu từ các quốc gia Hồi giáo hoặc ở những nơi các nhóm Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh. Nga không còn là một ưu tiên để theo dõi như thời Chiến tranh lạnh nữa.

      Thứ hai, quan trọng hơn, hầu như mọi người đều không hiểu đúng bản chất con người của Putin.

      Nhớ, vào tháng 6 năm 2001, trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, Tổng thống George W. Bush đã bày tỏ sự tin tưởng sâu đậm đối với Putin, người đồng nhiệm của ông ở Nga. Khi được các phóng viên hỏi tại sao, Bush tự tin đáp: “Tôi nhìn vào mắt ông ấy và thấy được tâm hồn của ông” (I looked in his eyes and saw his soul). Sự tự tin ấy, sau này, bị nhiều người chê là ngây thơ.

      Nhưng không phải ai cũng thoát được sự ngây thơ ấy. Trước ngày Nga xua quân tràn vào Crimea, phần lớn các tờ báo có uy tín nhất tại Mỹ đều cho việc Putin điều động binh sĩ đến biên giới Ukraine chỉ là một trò hăm dọa. Các bài viết mang nhan đề kiểu “Tại sao Nga không xâm lược Ukraine” hay “Không, Nga sẽ không can thiệp vào Ukraine” hoặc “Năm lý do để mọi người đừng lo lắng thái quá về tình hình ở Crimea” xuất hiện đầy trên các mặt báo.

      Xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phần lớn các học giả, các chuyên gia quân sự và chính trị nổi tiếng đều không tin là Nga sẽ tấn công Ukraine như điều họ đã từng làm đối với Georgia vào năm 2008.

      Tại sao người ta dám khẳng định một cách chắc chắn như vậy?

      Có ba lý do chính:

      Thứ nhất, nền kinh tế của Nga hiện nay quá yếu để có thể chịu đựng nổi một cuộc chiến tranh như thế. Putin hẳn thừa biết là nếu lao vào một cuộc xâm lược như vậy, ông sẽ bị Mỹ và Tây phương trừng phạt, ít nhất về phương diện kinh tế. Việc buôn bán sẽ bị ngưng trệ, đồng rúp sẽ bị giảm giá, uy tín của Nga trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; bao nhiêu tiền bạc đã đổ ra cho Olympic mùa đông tại Sochi vừa rồi như đổ vào biển, cuộc họp thượng đỉnh của khối Bát cường (8 group) được chuẩn bị vào tháng 6 sẽ hóa thành công cốc. Đó là chưa kể các nguy hại lâu dài: Về kinh tế, Nga phải cưu mang hơn 2 triệu người ở Crimea, trong đó 20% là người lớn tuổi; về an ninh, Nga sẽ phải đối diện với nguy cơ đánh du kích hoặc khủng bố của mấy trăm ngàn người Tatar vốn có truyền thống thù ghét Nga.

      Thứ hai, nó lại không cần thiết: Ai cũng biết chính quyền Ukraine, sau cuộc cách mạng vừa rồi, đang đối diện với vô số thử thách: Nếu Nga không can thiệp, tự nó sẽ sụp đổ. Kinh tế Ukraine vốn đã gầy guộc, lại thêm nạn tham nhũng tràn lan, càng ngày càng quặt quẹo với lạm phát và nợ nần chồng chất. Mới tuần trước, tân Thủ tướng Ukraine ước chừng khoảng 37 tỉ Mỹ kim bị biến mất dưới thời Viktor Yanukovych. Hiện nay Ukraine cần ít nhất 25 tỉ Mỹ kim để trả nợ và bù đắp các thiếu hụt trong ngân sách. Trong khi đó số ngoại tệ họ dự trữ được chỉ còn có 12 tỉ.

      Thứ ba, không những không cần thiết, nó còn có hại. Hai cái hại lớn nhất là: Một, nó làm cho Mỹ và Tây phương phải nhảy vào giúp Ukraine. Bình thường, không có sự uy hiếp của Nga, có lẽ Tây phương sẽ hờ hững với việc giúp đỡ Ukraine sau cuộc cách mạng vừa rồi. Tây phương đang phải đối đầu với các khó khăn của chính họ, nhất là ở các thành viên mới. Họ không đủ sức để cưu mang thêm một gánh nặng khác. Nếu Nga không tấn công Crimea, chắc chắn Mỹ và châu Âu không nhảy vào giúp Ukraine một cách nhiệt tình và tận tình như vậy. Hai, hành động hiếu chiến thô bạo của Nga làm cho dân chúng Ukraine trở thành đoàn kết hơn, yêu nước hơn và sẵn sàng chống trả Nga một cách mãnh liệt hơn. Quan sát dân tình ở Ukraine hiện nay, Chrystia Freeland cho là Nga đã thực sự thua trận.

      Tất cả những điều ấy chắc chắn Putin và nhóm cố vấn của ông đều biết rõ. Ngay cả những người bình thường nhất cũng biết rõ. Vậy mà ông vẫn quyết định chiếm Crimea và có vẻ như sẽ đánh chiếm cả Ukraine. Tại sao?

      Lý do đầu tiên có lẽ do Putin quá tự tin. Ông nghĩ là Mỹ sẽ không dám phản ứng gì cả. Một phần, vì Mỹ đã quá mệt mỏi với hai cuộc chiến tranh ở Iraq và ở Afghanistan, hơn nữa, họ phải tập trung đối đầu với Trung Quốc ở châu Á. Phần khác, ông cho là hầu hết các quốc gia Âu châu, những đồng minh thân cận nhất của Mỹ hiện nay, đều lệ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga, lại có nhiều liên hệ kinh tế với Nga: Tất cả những nước ấy, vì quyền lợi của mình, không thể mạnh tay với Nga được. Khi Châu Âu khoanh tay, một mình Mỹ cũng chẳng làm gì được. Chính sách của Mỹ, ít nhất là dưới thời Obama, thường rất cẩn thận, tránh né mọi rủi ro; khi cần, họ chỉ lãnh đạo từ phía sau. Nếu châu Âu không đóng vai tiên phong, Putin tin là Mỹ cũng sẽ chỉ đánh võ mồm mà thôi. Mà kiểu đánh ấy thì ông chả ngán chút nào cả.

      Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là cách suy nghĩ và cách hành xử của Putinhoàn toàn khác với Tây phương. Khác đến độ bà Madeleine Albright, cựu ngoại trưởng Mỹ, cho là Putin bị hoang tưởng; phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho những lời lẽ của Putin về các âm mưu của Tây phương tại Ukraine là những sự hư cấu đáng giật mình nhất kể từ Dostoyevsky.

      Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho Nga hành xử như những kẻ sống trong thế kỷ 20 hoặc thế kỷ 19! Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Obama mới đây, cũng đồng ý như thế khi cho dường như Putin đang sống ở một thế giới khác

      Nhưng khác như thế nào? Khác ở ba điểm chính: Một, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề; hai, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả sự khủng hoảng của kinh tế và sự cùng khổ của dân chúng để đạt được điều mình muốn. Nhưng sự khác biệt lớn nhất là sự nghi ngờ và căm thù đối với Mỹ và Tây phương. Putin thường nói là việc để cho chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, từ đó, làm tan rã khối Liên bang Xô viết trước đây là một sai lầm lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Ông tự đặt cho mình sứ mạng là phục hồi lại đế quốc Nga bằng cách thu phục lại, và nếu cần, xâm chiếm các quốc gia láng giềng vốn thuộc Liên bang Xô viết trước đây. Trên con đường thực hiện giấc mộng ấy, ông xem cản trở chính là tham vọng bành trướng của Mỹ và châu Âu. Mỗi lần Liên hiệp Âu châu thu nạp một thành viên mới là một lần Putin giật mình căm hận. Ông không nhìn đó như một sự phát triển đáng mừng của lịch sử về hướng dân chủ hóa mà lại xem đó như một sự đe dọa. Trước những đe dọa ấy, ông phản ứng một cách quyết liệt, bất chấp những hậu quả về kinh tế, chính trị hay xã hội.

      Tuy nhiên, ông lại quên thời thế đã đổi khác. Sự liều lĩnh của ông chỉ mang lại tai họa cho nước Nga.

      Trước mắt, tai họa đầu tiên đến từ một yếu tố có lẽ Putin không nghĩ đến khi quyết định tung quân đánh chiếm Crimea: Khác với cuộc xâm chiếm Hungary vào năm 1956 và Czechoslovakia năm 1968, nước Nga hiện nay có một yếu tố mới có ảnh hưởng nhanh chóng và sâu sắc đến các quan hệ quốc tế: thị trường chứng khoán. Ngay ngày đầu tiên khi binh lính Nga xuất hiện trên đất Crimea, chỉ số thị trường chứng khoán bị rớt hơn 12%, làm bay mất 60 tỉ Mỹ kim và tỉ giá đồng rúp bị giảm đến mức kỷ lục.

      Về lâu về dài, ngay cả khi chiếm được Crimea hoặc ngay cả toàn lãnh thổ Ukraine, nước Nga cũng sẽ phải chịu đựng những gánh nặng kinh tế hầu như vượt ngoài khả năng của họ. Hiện nay, Nga vẫn còn đang phải còng lưng ra tài trợ cho Abkhazia và South Ossetia họ chiếm được từ Georgia, và Transnistria từ Moldova. Ukraine, với những nợ nần và tham nhũng hiện nay, nếu lọt vào tay Nga, cũng sẽ trở thành một gánh nặng khủng khiếp. Đó là chưa kể Nga sẽ phải đối diện với các cuộc chống đối bằng vũ trang, dưới hình thức du kích hoặc khủng bố, của người Ukraine và đặc biệt, người Tatars.

      Trong một bài viết mới đăng trên tờ The Washington Post, Henry A. Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ thời Nixon, có nêu lên một vấn đề hay: Một chính sách được kiểm tra không phải ở chỗ nó bắt đầu như thế nào mà ở chỗ nó kết thúc như thế nào.

      Nhưng trong khi chờ cuộc xâm lược ấy kết thúc, không ai được quên bài học lần này: Cách suy nghĩ và hành xử của Putin hiện nay không khác gì mấy so với các nhà độc tài cộng sản trước đây. Thay tên đổi họ, ông vẫn không giấu được dòng máu của Stalin trong huyết quản.
      Nguyễn Hưng Quốc

      An ninh bệnh viện và chuyện người nhà đòi chôn xác bệnh nhân ở sảnh

      Thứ năm, 13/3/2014 15:08 GMT+7
      Sau khi sản phụ Trần Thị Loan và con tử vong tại bệnh viện đa khoa Kinh Bắc (Bắc Ninh), hàng trăm người thân và người dân đã kéo đến bệnh viện, đào huyệt trong bệnh viện đòi chôn nạn nhân trong sảnh bệnh viện.
      Hàng loạt vụ việc ‘đại náo’ bệnh viện
      Vấn đề an ninh tại bệnh viện (BV) vừa được Bộ Y tế gióng lên hồi chuông cảnh báo sau nhiều vụ việc làm náo loạn bệnh viện.
      An ninh BV không chỉ là tình trạng bệnh nhân bị móc ví, trộm đồ, bị lừa đảo, cò mồi mà còn ở vấn đề an ninh cho chính những bác sỹ.
      An ninh bệnh viện và chuyện người nhà đòi chôn xác bệnh nhân ở sảnh
       Người nhà sản phụ Loan đào huyệt ở sảnh bệnh viện. Ảnh Xahoionline
      Câu chuyện về cái chết của sản phụ Loan vẫn được nhiều bác sỹ nhắc lại mỗi khi nói về an ninh ở BV.
      Trước đó, khoảng 8h ngày 20/4/2012, chị Trần Thị Loan (SN 1978) ở Khúc Toại, Khúc Xuyên - TP Bắc Ninh được chị Tạ Thị Hà (SN 1978) là bạn đưa đến Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc để khám thai định kỳ. Sau khi khám và làm một số xét nghiệm, bác sỹ yêu cầu chị Loan nhập viện để chờ sinh.
      Đến 8h20 cùng ngày chị Loan làm thủ tục nhập viện và được bác sỹ đưa vào phòng chờ sinh để được thăm khám. Quá  trình nằm tại bệnh viện, chị Loan đã được thăm khám nhiều lần, sức khoẻ của chị và thai nhi đều bình thường, không có gì khác lạ.
      Khoảng 23h30 ngày 20/4, chị Loan đau bụng trở dạ đẻ, đến 23h45 phút, chị Loan được bác sỹ và người nhà đưa vào phòng đẻ. Khi vào phòng đẻ, chị Loan được bác sỹ Nguyễn Ngọc Tân (SN 1984) và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hyền (SN 1986) trực tiếp đỡ đẻ.
      Quá trình theo dõi sinh phát hiện thấy cần phải đẻ chỉ huy bác sĩ Tân cùng hộ lý Huyền đã tiêm thuốc và truyền dịch cho chị Loan. Nhưng chị Loan đã  bị ngất trên bàn đẻ phải cấp cứu.
      Bác sỹ Tân đã mời bác sĩ Thọ chuyên khoa nội, bác sĩ Khải khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện và các thành viên liên quan đến cấp cứu cho chị Loan nhưng chị Loan và thai nhi đã tử vong vào hồi 0h15 phút ngày 21/4/2012.
      Sau cái chết của sản phụ Trần Thị Loan hàng trăm người thân và người dân đã kéo đến bệnh viện, đào huyệt trong bệnh viện đòi chôn nạn nhân trong sảnh bệnh viện.
      Vụ việc đã khiến hoạt động của bệnh viện bị đình trệ, lực lượng công an phải làm việc vất vả nhiều ngày để vãn hồi trật tự.
      Các cơ quan liên quan, các cấp quản lý mất nhiều thời gian, công sức để lập lại trật tự, đưa bệnh viện trở lại hoạt động bình thường.
      Hậu quả lớn nhất là bệnh viện đã bị mất uy tín trầm trọng, đội ngũ y bác sỹ hoạt động trong hoang mang, lo lắng tới tính mạng và ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn không nhỏ.
      Năm 2013, hàng loạt vụ việc làm náo loạn bệnh viện khác, như ngày 4/9/2013, tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, sản phụ Nguyễn Thị Vinh, 24 tuổi, trú tại xóm 4, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc có hiện tượng trở dạ, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thành phố Vinh để sinh.
      Sau khi nhập viện, khoảng 3 giờ ngày 5/9 thì chị tử vong. Bức xúc vì cho rằng BV không chữa trị kịp thời dẫn đến cái chết của mẹ con chị Vinh, sáng 5/9, hàng chục người đã mang xác mẹ con sản phụ đặt trước sảnh BV kêu gào, chửi bới, lăng nhục y, bác sỹ và có hành vi đập phá.
      Công an Thành phố Vinh phải huy động lực lượng đến dẹp trật tự và bảo vệ bệnh viện.
      Cục trưởng lý giải nguyên nhân
      Về những vụ việc xảy ra ở viện khiến nhiều bác sỹ, điều dưỡng phát hoảng, BS CK II Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất – Đồng Nai cũng chỉ biết than thở, “nhiều trường hợp ẩu đả trong bệnh viện, đuổi đánh bác sỹ và nhân viên y tế, đe dọa, yêu sách theo ý cá nhân, gây bất an trong đội ngũ thầy thuốc bệnh viện đã xảy ra thường xuyên hơn”.
      An ninh bệnh viện và chuyện người nhà đòi chôn xác bệnh nhân ở sảnh
       Hàng trăm người tập trung ở Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc sau cái chết của sản phụ Loan. Ảnh: xahoionline.
      Còn PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân chính của các vấn đề tiêu cực này vì xảy ra các sự cố y khoa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
      Ví dụ như vụ sản phụ Loan tử vong là do thuyên tắc ối. Đây là nguyên nhân khách quan mà ngành y không thể kiểm soát được.
      Tuy nhiên, khi có tai biến trong y khoa, người nhà bệnh nhân đã không được giải thích, giải quyết kịp thời nên họ bức xức dẫn đến ẩu đả,  gây rối, truy sát bác sỹ, nhân viên y tế.
      Tuy nhiên, ông Khuê cũng thừa nhận còn có những nguyên nhân chủ quan. “Thái độ của nhân viên y tế trong qúa trình tiếp xúc với bệnh nhân, những tắc trách xảy trong quá trình điều trị như bệnh nhân không được thăm khám kịp thời, bác sỹ xử lý chậm hay có những chẩn đoán, xử lý sai lệch. Sự  xuống cấp y đức cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ gây rối, đập phá, hỗn loạn tại bệnh viện.
      Các vụ việc gây rối ở viện kiểu này diễn ra ngày một nhiều, hậu quả ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát. Do không được ngăn chặn, tuyên truyền nâng cao nhận thức kịp thời nên nó như một dịch bệnh lây lan nhanh chóng”, ông Khuê nói.
      Bà Lê Thị Thủy, Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các tệ nạn, các vụ gây rối ở viện một phần do lực lượng bảo vệ chưa đủ khả năng kiểm soát tình hình.
      Công tác bảo vệ trật tự trị an trong các bệnh viện cũng còn nhiều bất cập. Hầu hết các nhân viên bảo vệ trong các bệnh viện khi được tuyển dụng chưa được đào tạo bài bản, không có trình độ nghiệp vụ nên nhiều trường hợp khi bị các đối tượng côn đồ đe dọa bảo vệ cũng phải trốn chạy.
      Ngoài ra, lực lượng nhân viên bảo vệ mỏng, không bao quát được hết nên lực lượng bảo vệ bệnh viện không đủ mạnh để đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.
      Trước thực trạng an ninh bệnh viện cần được nâng cao, trước đó, ngày 24/2 Công an thành phố Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự giữa hai ngành và các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô.
      Nguyễn Tâm