Thursday, July 23, 2015

Trên mười ngàn phạm nhân có thể được tha nhân ngày 2 tháng 9

RFA 2015-07-23
Ảnh minh họa
Mười mấy ngàn tù nhân được ân xá nhân Ngày Quốc Khánh  2 tháng Chín 2015, cũng là dịp kỷ niệm  70 năm thành lập nước.
Báo chí trong nước trích dẫn lời thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, tổng cục trưởng Tổng Cục Thi Hành Án Hình Sự Và Hỗ Trợ Tư Pháp,  Bộ Công An, rằng đây là đợt ân xá lớn nhất trước giờ với từ 16.000  đến 17.000 phạm nhân sẽ được trả  tự do trước thời hạn.
Ông Nguyễn Ngọc Bằng cho biết vì tiêu chuẩn được nới rộng cho nên đợt đặc xá này đạt con số người được thả cao như vậy. Bên cạnh đó, ông nói tiếp, người nước ngoài bị tù vì vi phạm luật pháp Việt Nam cũng sẽ được trả tự do nếu hội đủ điều kiện.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là không để cho xảy ra những trường hợp  phạm nhân không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được đặc xá.
Được biết các phạm nhân được xem xét để hưởng lệnh đặc xá dịp này là những người đang chấp hành án tù giam có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn tính đến cuối tháng Tám.
Đợt ân xá kỳ này không áp dụng với những  trường hợp phạm một lúc hai tội,  thuộc nhóm các tội giết người có tổ chức và có vũ khí, tội cướp giật,  trộm cắp, hiếp dâm  vân vân...

Phòng trào Zombie có thật sự đáng sợ?

Chân Như, phóng viên RFA
2015-07-23
Phong trào Zombie
Phong trào Zombie - File photo

Tuần này Chân Như và các bạn khách mời sẽ chia sẻ về vụ việc một số các thành viên trong nhóm Zombie Nguyễn đã bị chính quyền bắt bớ và sách nhiễu chỉ vì mặc áo có in hình Zombie xuống phố
Vào chiều ngày 13 tháng 7, 2015 một số các bạn trẻ trong nước đã bị công an sách nhiễu chỉ vì mặc áo có in hình Zombie và tụ tập tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thậm chí một thành viên trong phong trào Zombie là anh Nguyễn Phi đã bị câu lưu mà không có lệnh bắt, cũng không có thông báo cho gia đình nạn nhân biết thông tin. Hành động này đã được ban quản trị Zombie Nguyễn chính thức lên tiếng kêu gọi chính quyền phải thả người ngay lập tức, vì việc bắt giữ người như thế là “tùy tiện trái pháp luật, làm xấu đi bộ mặt chính quyền của dân, do dân vì dân”.  Trong Diễn Đàn Bạn Trẻ tuần này, Chân Như mời quý vị cùng đến với một số thành viên trong nhóm Zombie Nguyễn chia sẻ suy nghĩ của họ về vụ việc bắt bớ vừa qua cùng với ba bạn khách mời Hoàng Vũ, Kiều My và Thành Phát.
Chân Như: Xin chào các bạn, trước tiên các bạn có thể cho biết cảm nghĩ của các bạn về một số các bạn trẻ mang áo in hình zombie bị chính quyền bắt giữ và bi sách nhiễu tại Việt Nam vừa qua?
Hoàng Vũ: Với sự kiện này, em thấy việc làm của cơ quan công quyền khiến cho em cảm thấy bất ngờ đối với hành động của họ.  Khi một người mặc áo với logo được in trên áo và biểu tượng hoàn toàn không có gì gọi là ghê gớm hay trái với pháp luật mà lại bị bắt; Em thấy họ cư xử như vậy hết sức là lạ lung và trái với pháp luật.  Theo những gì em tìm hiểu thì không có luật nào cấm những người khác mặc áo có logo như vậy cả.
Kiều My: Em thấy bắt như vậy là không hợp lý, vì áo này cũng giống như một áo nhóm bình thường của các bạn trẻ hoạt động và chơi chung với nhau thì có thể mặc những áo giống nhau. Việc bắt áo này thì em không đồng ý.
Thành Phát: Em thấy điều đấy vô lý là tại sao cũng có nhiều nhóm khác mặc áo nhóm đâu chỉ một mình Zombie mặc áo nhóm tại sao chỉ bắt Zombie.
Chân Như: Một số ý kiến trái chiều cho rằng “đây không phải là phong trào do các bạn trẻ phát động; Một số các bạn không biết (đã) mặc theo số đông, và nhóm Zombie này cố tình muốn gây rắc rối công cộng, làm mất hình ảnh đẹp về con người Việt Nam đối vối du khách và sẵn sàng gây náo loạn thành phố”.  Nhận xét của các bạn về những ý kiến này?
Zombie logo
Zombie logo
Hoàng Vũ: Em hoàn toàn không đồng ý với lại những lời bình luận mà anh vừa trích dẫn.  Bởi em là một (thành viên) Zombie em tham gia phong trào từ ngay những ngày đầu, em cũng có liên hệ và có tiếp xúc và nói chuyện với rất nhiều bạn thì em thấy trong họ không có tư tưởng nào gọi là gây náo loạn hoặc gây mất hình ảnh của họ cũng như của người Việt Nam đối với lại người nước ngoài  hoặc đại loại những hành động suy nghĩ gì xấu xa cả.  Em chỉ thấy các bạn trẻ muốn tìm hiểu những gì gọi là họ chưa biết, những sự thật hoặc là những kiến thức mới mà lâu nay họ chưa được tiếp cận chỉ đơn giản vậy thôi chứ không có gì hơn.
Kiều My: Em nghĩ phần chia sẻ đó chỉ mang tính phán xét ở một khía cạnh nào đó từ những góc nhìn khác so với các bạn ở trong hoạt động Zombie. Em cũng là một Zombie hoạt động từ những ngày đầu. Em cũng đã giao lưu với các bạn rất nhiều thì các bạn đa số là những người muốn học hỏi thêm về những kiến thức mà các bạn cần biết từ 12 năm nhà trường hiện nay vẫn chưa biết về kiến thức đó. Các bạn không chỉ giao lưu về kiến thức mà còn giao lưu về rất nhiều thứ, xã hội, gia đình và chia sẻ với nhau để cùng phát triển.  Hoạt động của Zombie bị chỉ trích chỉ là mọi người hoạt động chung một nhóm và  lâu ngày nói chuyện với nhau chỉ trên mạng xã hội thôi và mọi người muốn có một tấm hình chụp chung để làm kỷ niệm với nhóm chứ không hề có  ý  gây náo loạn hay làm mất hình ảnh về Việt Nam. Em nghĩ ý kiến này là không đúng.
Chân Như: Theo bạn thì hành động bắt bạn Phi và sách nhiễu đến nhà mời một số các bạn trẻ khác lên đồn để điều tra sách nhiễu chỉ vì mặc áo có hình Zombie, nói lên điều gì đối với chính quyền Việt Nam hiện nay?
Hoàng Vũ: Theo như em thấy thì chính quyền Việt Nam nói chung và nói riêng là những công an đã bắt giữ Phi thì dường như họ đang xem Phi là một mối nguy hại gì đó rất đặc biệt và họ rất để ý tới hình ảnh Zombie. Thật sự em không hiểu họ đang nghĩ gì? Có nên so sánh những hình ảnh Zombie này với lại IS? Em nghĩ nó hoàn toàn sai khi họ nghĩ đến hình ảnh Zombie nó giống như một tổ chức khủng bố, nhưng thật ra theo nhận xét của em cái tổ chức khủng bố ở đây chính là những người công an thì đúng hơn khi họ đã chà đạp lên pháp luật và họ cho rằng họ có thể làm bất cứ điều gì cảm thấy nguy hại hay ảnh hưởng đến họ mà họ không cần biết nó đúng hay sai.
Chân Như: Theo như Chân Như tìm hiểu và biết thì Zombie Nguyễn này chỉ là một nhân vật truyện tranh, đang trên đường đi tìm não của mình.  Vậy theo các bạn vì sao một nhân vật không có thật lai khiến cho chính quyền Việt Nam hãi sợ?
Zombie logo
Zombie logo (bị bắt)
Kiều My: Nói chung từ ngày đầu vào phong trào , tụi em cũng có tìm hiểu về truyện tranh này. Theo em truyện tranh phản ánh nhiều về giới trẻ tùy cách nhìn của từng người thì tìm bộ não sẽ khác nhau và trong não đó chứa gì thì chưa biết. Em thấy việc phán xét về việc tìm não và những suy nghĩ của chính quyền về việc tìm não đó  mang tính áp đặt và không phù hợp. Trong khi chính quyền khuyến khích giới trẻ phải sống với chính mình và sống tìm được mục đích thi  cuốn truyện tranh này em thấy nó mang tính khuyến khích người trẻ sống tốt và sống có mục đích. Vậy tại sao (chính quyền) lại nghĩ nó về một chiều hướng tiêu cực như vậy.
Thành Phát: Theo em thấy nó vui vì người Việt Nam có thói nếu xem cái gì đó hay thì sẽ bắt trước .  Em nghĩ chính quyền Việt Nam sợ người ta đọc truyện đó xong người ta thấy hay sẽ bắt trước đi tìm não như (nhân vật) Zombie Nguyễn trong truyện thì sẽ có chuyện nữa.
Chân Như: Theo các bạn với những gì vừa xảy ra cho bạn Phi và một số các bạn trẻ khác, liệu việc này nó có làm ảnh hưởng đến cách suy nghĩ cũng như lý tưởng của các bạn và liệu nó có làm chùn bước trên con đường đi tìm “bộ não” của các bạn hay không?
Hoàng Vũ: Em nghĩ em sẽ không dừng lại tại vì em chỉ sử dụng những quyền căn bản, những gì chính quyền Việt Nam đã ký kết với Liên Hiệp Quốc trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, hoặc là tự do tiếp cận thông tin báo chí.   Zombie của chúng em chỉ đơn giản là tiếp cận những thông tin ham học hỏi và đọc những sách, những thông tin bên lề trái hoặc lề phải.  Em nghĩ cái đó cũng không có gì là vi phạm pháp luật nên bọn em vẫn sẽ tiếp tục để tìm hiểu, để mở mang thêm kiến thức của mình.
Kiều My: Em cũng sẽ vẫn tiếp tục với việc đi theo con đường và tư tưởng này. Đó là tư tưởng riêng của mỗi con người. Con đường mới này có hai tác dụng. Thứ nhất là để đáp đứng các nhu cầu về nhân quyền mà cả giới trẻ và mọi người xung quanh trong xã hội này cần.  Thứ hai là sẽ đáp ứng được yêu cầu của tất cả các tổ chức trong và ngoài nước về việc khuyến khích người trẻ sống ham học hỏi tìm hiểu và tiếp thu sống thế nào có ích cho xã hội.
Thành Phát: Sau chuyện này, em suy nghĩ kĩ ra một điều là em chắc chắn sẽ tiếp tục vì em không thể nào để họ quyết định em bận gì khi ra đường.
Chân Như: Và sau cùng mời Hoàng Vũ có điều gì muốn gởi gắm đến cho các bạn trẻ, những người đang tìm hiểu về Zombie Nguyễn này?
Hoàng Vũ: Em có một vài điều để chia sẻ với các bạn trẻ. Tuổi trẻ thường đầy nhiệt huyết và có sức sống dồi dào, ngay chính em cũng vậy, em sẵn sàng đương đầu với những bão tố, chính xác ở đây là những việc bắt bớ. Và xét trên phương diện công lý thì việc làm của chính quyền sai trái nên những việc gì đúng em cứ làm, em không sợ hãi.  Em biết rằng cái việc bắt bớ giống trường hợp của Phi sẽ tạo ra tâm lý cho những người trẻ không tốt về sau này; Hoặc họ sẽ bắt đầu suy nghĩ nên tiếp tục hay không trên con đường tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, em dám đảm bảo với họ một điều rằng sự thật lúc nào cũng là người chiến thắng. Em cám ơn.
Xin cám ơn ba bạn Hoàng Vũ, Kiều My và Thành Phát đã dành thời gian đến với chương trình Diễn Đàn BạnTrẻ kỳ này, cầu chúc cho các bạn luôn bình an.  Chân Như cũng cám ơn quý vị và hẹn lại vào kỳ sau.

Đây là hình ảnh của hai người ăn cắp bị bắt tại Thụy Sỹ – Đẹp mặt chưa?

Theo Đất Việt-07-23-2015
Nạn trộm cắp của người Việt nam trong nước đi du lịch ra nước ngoài khi nào mới chấm dứt???

Đây là hình ảnh của hai người ăn cắp bị bắt tại Thụy Sỹ – Đẹp mặt chưa?
Nhâm Tiến Dũng – Nhâm Thị Hồng Phương (hoặc Phượng), còn giắt cặp mắt kiếng trên cổ áo để chụp hình lưu niệm tại Thụy Sỹ.
Vụ việc 2 khách du lịch Việt Nam vừa bị cảnh sát bắt giữ tại Zurich do ăn cắp trong cửa hàng vừa được một hướng dẫn viên chia sẻ trên Facebook.
Một hướng dẫn viên du lịch vừa chia sẻ trên Facebook việc 2 khách du lịch Việt Nam vừa bị cảnh sát bắt giữ tại Zurich do ăn cắp đồ trong một cửa hàng thời trang.
Theo tường thuật, vụ việc xảy ra khi anh đang đưa một đoàn khách gồm 29 người Việt tới du lịch ở Pháp và Thụy Sĩ trong tuần vừa rồi.
1
Nhâm Tiến Dũng – Nhâm Thị Hồng Phương (hoặc Phượng) đang tạo dáng trên tuyết tại Thụy Sỹ
Chuyến đi diễn ra tốt đẹp cho đến ngày 15/7, hai thành viên trẻ trong đoàn bị bắt tại Zurich vì ăn cắp 3 chiếc kính mát hiệu Gucci và Louis Vuitton với trị giá khoảng 300 euro/chiếc.
2
Vé phạt của cảnh sát cho mổi người ăn cắp là 1000 Euro- Ảnh: Facebook Son Nguyen
Sau khi nhận được tin nhắn của cảnh sát Zurich, HDV này và một nhân viên công ty đã đến giải quyết, do ngày hôm sau đoàn phải bay sớm về Hà Nội. Cảnh sát đã yêu cầu nộp phạt 2000 Franc Thụy Sĩ mới thả hai khách này.
3
Đây là địa chỉ cảnh sát nơi bắt Nhâm Tiến Dũng – Nhâm Thị Hồng Phương (hoặc Phượng)
Trong bài đăng anh cũng nói cảm thấy “xấu hổ” và không muốn nhận thêm tour nữa.
Hành động xấu như trộm cắp, lấy thức ăn quá nhiều rồi bỏ tại nước ngoài… khiến hình ảnh Việt Nam đang dần trở nên xấu xí. Vào tháng 3 vừa rồi cảnh sát đã bắt giữ 5 người Việt ăn cắp những món hàng hiệu với trị giá hàng trăm ngàn baht. Đầu tháng 4 cũng có một người bị Singapore tạm giữ vì trộm đồ siêu thị.
4Nguyên văn bài đăng trên Facebook – Ảnh chụp màn hình

Vụ lật cầu Chu Va: Giám đốc xây dựng mới học hết lớp 3

(PetroTimes)-Mặc dù mới chỉ học hết lớp 3 và không đủ năng lực thi công cầu, nhưng Nguyễn Văn Ký vẫn chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ đấu thầu nhằm qua mặt chủ đầu tư.

Vụ lật cầu Chu Va: Giám đốc xây dựng mới học hết lớp 3

Hiện trường cầu treo Chu Va 6 bị lật nghiêng và các bị can (ảnh nhỏ).
Sau hơn một ngày xử sơ thẩm vụ án lật cầu Chu Va 6 (tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu quyết định đi vào nghị án. Dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 23/7.
Theo truy tố, ngày 24/2/2014, khi đoàn đưa tang đi qua cầu treo Chu Va 6 thì cây cầu bất ngờ lật nghiêng, khiến hàng chục người bị rơi xuống lòng suối ở độ cao hàng chục mét, hậu quả làm 8 người chết và 38 người bị thương.
Nguyên nhân xảy ra vụ lật cầu treo Chu Va 6 được xác định là do cầu không được thi công theo đúng thiết kế và bản vẽ ban đầu. Cơ quan chức năng đã làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Công an tỉnh Lai Châu đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 bị can Nguyễn Văn Ký (36 tuổi, ở xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, Lai Châu), nguyên Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân Hoa Ký; Hoàng Đình Vấn (36 tuổi), nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường và Bùi Hải Sơn (34 tuổi), cán bộ kỹ thuật thực hiện chức năng giám sát của Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường.
Trong số này, Hoàng Đình Vấn được Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường giao điều hành, lựa chọn đơn vị thi công, giám sát xây dựng cầu Chu Va 6. Tuy nhiên, người này đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến sự cố lật cầu nên bị khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ký và Sơn cũng được xác định có trách nhiệm trực tiếp trong việc thi công dẫn đến công trình không đạt chất lượng. Vì vậy, cơ quan điều tra quyết định khởi tố hai người này về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên xét xử, Nguyễn Văn Ký thừa nhận mình mới học hết lớp 3 và doanh nghiệp không đủ điều kiện năng lực thi công cầu. Đồng thời khai đã chỉ đạo kế toán lập 3 bộ hồ sơ đấu thầu lấy tên 3 doanh nghiệp khác nhau và lập danh sách cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý chất lượng công trình để qua mắt chủ đầu tư.
HĐXX cũng cho các bị cáo và người nhà nạn nhân thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường dân sự. Tại phiên tòa, đã có 20 nạn nhân và người nhà nạn nhân thỏa thuận được mức bồi thường trách nhiệm dân sự với các bị cáo, với tổng số tiền trên 1,3 tỉ đồng.
Đối với 26 người bị hại không thỏa thuận được mức bồi thường trách nhiệm dân sự sẽ được tòa phân xử theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo cho công tác thi hành án sau khi tòa tuyên án, gia đình các bị cáo đã tự nguyện nộp cho cơ quan thi hành án tỉnh Lai Châu số tiền hơn 2 tỉ đồng, trong đó gia đình bị cáo Bùi Hải Sơn đã khắc phục hậu quả ban đầu 80 triệu đồng cho những gia đình có người thiệt mạng.
Về nội dung tranh tụng tại phiên tòa, do các bên không có luật sư bảo vệ nên sau khi đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu đưa ra các chứng cứ, tình tiết phạm tội, các bị cáo xét thấy quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát là đúng nên đều thừa nhận tội.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử phạt các bị cáo Nguyễn Văn Ký, Bùi Hải Sơn mức án từ 10 – 12 năm tù giam về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng”, đề nghị phạt bị cáo Hoàng Đình Vấn từ 4 – 5 năm tù giam về hành vi “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Người VN còn xấu mặt dài dài vì nạn đi nước ngoài ‘làm bậy’

Theo Người lao động-07-23-2015
Người VN còn xấu mặt dài dài vì nạn đi nước ngoài ‘làm bậy’
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Changi (Singapore). (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Vụ 2 du khách Việt bị bắt khi ăn cắp ở Thụy Sĩ vừa qua không phải là cá biệt. Trong quá khứ, một số phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines (VNA) cũng đã bị cảnh sát các nước bắt do vận chuyển, buôn bán hàng lậu.
Nhục nhưng bí cách ngăn chặn
Tháng 3.2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của VNA bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá 125.000 yen. Trước đó, tháng 6-2010, cơ quan chức năng Úc đã bắt giữ 7 tiếp viên cả nam và nữ của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại đắt tiền về Việt Nam.
Tháng 11.2008, VNA đã buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt – bị bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc. Dính líu đến đường dây rửa tiền này, một phi công khác của VNA là Trần Đình Đang cũng bị an ninh Úc bắt tại sân bay do mang ngoại tệ vượt quá quy định (quá 10.000 USD). Phi công Trần Đình Đang đã bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đô-la Úc về Việt Nam…
Về tình trạng này, nhiều công ty du lịch nói họ “cảm thấy xấu hổ nếu du khách đó ở trong đoàn của mình”. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho rằng việc du khách đi nước ngoài ăn cắp là đáng báo động và để lại hình ảnh rất xấu về người Việt Nam trong mắt bạn bè nước ngoài. Ở các nước phát triển, các trung tâm mua sắm đều có trang bị hệ thống camera, gắn chip lên sản phẩm hàng hóa rất tinh vi, qua đó mọi hành vi gian lận của khách hàng đều bị phát hiện.
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty CP Du lịch Thanh niên Xung phong, mỗi lần đưa khách ra nước ngoài, hướng dẫn viên công ty ông đều phải nhắc nhở về yếu tố an toàn, không xả rác, nhai chewing gum, khạc nhổ hoặc ăn cắp, nhất là đi du lịch ở Singapore. “Nói nhiều thì du khách tự ái nhưng cảnh báo vẫn hơn không” – ông Trường nói.
“Bị phát hiện ăn cắp, không chỉ du khách bị bồi thường thiệt hại mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các công ty du lịch, hình ảnh người Việt. Lâu nay, trong quy định khi bán tour cho du khách không đề cập đến tình huống này, giờ ngành du lịch có nên bổ sung quy định cam kết du khách không được ăn cắp? Thậm chí, du khách ăn cắp một lần có thể bị đưa vào hệ thống, lưu hồ sơ để tất cả công ty du lịch khác sẽ không bán tour lần sau” – ông Trần Văn Long đề xuất.
Tư vấn riêng để tránh bị “vịn”
Liên quan đến việc Singapore từ chối nhập cảnh khách nữ Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam cho biết đã nhiều lần lên tiếng đề nghị phía Singapore đưa ra lý do cụ thể để các hãng có thông tin sàng lọc khách, từ chối chuyên chở từ Việt Nam nhưng phía Singapore chưa một lần phản hồi. Các thông tin không chính thức phía công an cửa khẩu Singapore đưa ra chỉ chung chung là “khách không có tiền, không biết tiếng Anh”. Chỉ khi chuyến bay hạ cánh, hãng mới biết và phải có nghĩa vụ chuyên chở những khách bị cấm đó quay trở lại Việt Nam, đến cuối tháng phải ứng tiền nộp phạt và một số loại phí thay cho khách trong thời gian lưu trú qua đêm ở khu vực cách ly sân bay.
Đại diện Jetstar Pacific cho biết trong thời gian hãng mới mở đường bay đến Singapore với tần suất 1 chuyến/ngày, trung bình mỗi ngày có 12-13 khách bị từ chối nhập cảnh. Cao điểm nhất là tháng 3.2015, có gần 120 khách thuộc diện này khiến hãng phải chi gần 20.000 đô-la Singapore để nộp phạt. Còn theo thống kê của Vietjet Air, riêng tháng 6-.2015, có 300 khách bị từ chối nhập cảnh.
Tại nhiều cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không nội địa đã đề xuất phải giải quyết thực trạng này ở tầm Chính phủ hai nước. Cụ thể là đề nghị phía Singapore cung cấp danh sách hành khách bị từ chối nhập cảnh và giải thích rõ lý do vì sao; tạo điều kiện để hành khách quay về ngay trong ngày nếu không được nhập cảnh; không thu một số loại phí rất vô lý đối với hành khách phải lưu trú qua đêm vì không được nhập cảnh như phí áp giải an ninh (những hành khách này phải được 2 nhân viên an ninh áp giải đến tận chân máy bay của chuyến bay trở lại Việt Nam và bàn giao cho hãng vận chuyển).
Ở góc độ trong nước, các hãng hàng không cũng đề nghị được áp dụng chính sách đặt cọc đối với hành khách nữ mua vé bay đi Singapore. Trong khi chờ đợi được tháo gỡ, một số giải pháp đã được đưa ra nhưng không phải cách nào cũng được áp dụng vì vấn đề cơ bản nhất là danh sách khách bị từ chối nhập cảnh cũng như điều kiện khách nữ được nhập cảnh vào Singapore đều không được phía Singapore công bố.
“Chúng tôi thậm chí đã bàn đến việc phải yêu cầu khách nghi ngờ có thể không được nhập cảnh phải đặt cọc 5 triệu đồng nhưng không có cơ sở để thực hiện. Còn với trường hợp bị trả về, chúng tôi đã yêu cầu khách ký cam kết thanh toán mọi tổn thất gây ra và đề nghị công an cửa khẩu Việt Nam giữ lại hộ chiếu của khách để làm cơ sở thu lại khoản tiền phải ứng ra nộp phạt nhưng cũng thất bại vì họ không bao giờ quay lại lấy hộ chiếu” – đại diện Jetstar Pacific cho biết. Hiện Jetstar Pacific cũng tự sàng lọc khách bằng cách khi làm thủ tục bay, nhìn tác phong, vẻ ngoài của khách thuộc diện “nghi vấn” thì nhân viên nhẹ nhàng tư vấn về khả năng bị từ chối nhập cảnh song cũng vừa làm vừa… run vì nếu nhầm thì sẽ bị mắng.
Chờ Singapore phản hồi
Chiều 23.7, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về việc Singapore không cho nhiều phụ nữ Việt Nam nhập cảnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao – ông Lê Hải Bình – cho biết vấn đề này đã xảy ra từ lâu. Gần đây, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với cơ quan trong nước và đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore báo cáo thông tin. Ngày 22-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết cho đến nay phía Singapore chưa có thông báo chính thức về vấn đề này cho phía Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan chức năng tại Singapore liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để có thông tin về vấn đề này.

Ngả mũ với ông Phùng Quang Thanh

Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - ...Trong các xã hội bình thường có luật pháp thì gia đình ông Phùng Quang Thanh sẽ được hưởng gia tài của ông. Nhưng xã hội Việt Nam không bình thường, từ cách tạo dựng tài sản, thủ đắc cho tới sử dụng tài sản. Đây có thể là một lý do khiến gia đình ông, nhất là những người đang ở Paris bên cạnh ông, trong mấy ngày qua không cộng tác với bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản. Họ chưa biết Đảng Cộng Sản sẽ chia cho họ thế nào khi ông Phùng Quang Thanh ra đi, hay đã qua đời rồi. Đảng Cộng Sản cũng chưa trả lời dứt khoát được, vì ngay việc phân chia giữa họ với nhau cũng chưa ngã ngũ. Việc chia nhau di sản quyền và tiền ông Phùng Quang Thanh để lại cũng liên quan đến tất cả những cuộc mặc cả khác, trước khi đảng họp đại hội năm tới...

*

Trong cuốn Đèn Cù, nhà văn Trần Đĩnh kể lần đầu từ Hà Nội vào Sài Gòn ông chứng kiến một cảnh khiến ông suy nghĩ: Một đám tang đi qua, một thanh niên đứng bên đường dừng chân lại, bỏ mũ, cúi đầu. Lâu lắm Trần Đĩnh mới được thấy cảnh đó, dấu hiệu của một xã hội biết giáo dục trẻ em. 

Trước năm 1954 trẻ em ở Hà Nội vẫn được dậy cử chỉ đó: Dừng chân, ngả mũ, để tỏ lòng kính trọng thi hài người đã chết. Vì vậy, khi viết về chuyện Tướng Phùng Quang Thanh đã chết hay chưa chết, đang gây dư luận sôi nổi, tôi xin theo lời các thầy giáo, huynh trưởng dạy mình từ thuở bé. Xin bỏ mũ trước. Nếu ông đã qua đời tôi cũng không thất lễ.

Trước khi nghe tin ông Phùng Quang Thanh tạ thế, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhận xét trên Người Việt rằng những tin tức trong vụ ông đi chữa bệnh quá nhiều mâu thuẫn. Báo chí nhà nước Việt Nam đăng hình Tướng Phùng Quang Thanh chụp với bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, nhưng không loan tin tướng Thanh nói chuyện gì, ông làm gì ở Pháp. Phạm Chí Dũng nhận xét trong cả tháng qua, “Trên báo Nhân Dân và đặc biệt Quân Đội Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, người ta không thể tìm ra dấu vết hiện diện của viên tướng bốn sao.” Và, “Cùng với sự thay đổi đồng loạt hai cấp tướng tư lệnh và chính ủy của Bộ Tư Lệnh Quân Khu Thủ Đô vào đầu Tháng Bảy, 2015, tức chỉ ít ngày sau khi tướng Phùng Quang Thanh - người chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp khối đơn vị vài chục ngàn quân này - bị MIA.” MIA nói về các quân nhân mất tích, không tìm thấy xác. 

Ngày Chủ Nhật, 19 Tháng Bảy, hãng thông tấn Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA) loan tin ông Thanh đã qua đời tại bệnh viện Georges Pompidou vào tối hôm đó; họ dựa vào một nguồn tin của một nhân viên Bộ Quốc Phòng. Ngày hôm sau, Trung Tướng Võ Văn Tuấn, phó Tổng Tham Mưu Trưởng nói với các báo trong nước rằng tin này sai. Tướng Võ Văn Tuấn xác định, “...tôi gọi điện thoại cho đại tướng Phùng Quang Thanh vào chiều 19 tháng 7. Đại tướng nói chuyện nghe giọng rất thoải mái...” Hôm sau, hãng DPA làm tin mới, cho biết chính quyền Việt Nam đã cải chính rằng Tướng Phùng Quang Thanh còn sống. Nhưng hãng thông tấn này không viết một lời nào phủ nhận tin đã viết hôm trước. Bản DPA tin mới còn nói thêm rằng họ nhận được tin ông qua đời “từ bệnh viện,” để người đọc thấy chắc chắn hơn. 

Tướng Võ Văn Tuấn dùng các báo nhà nước để cải chính bản tin của DPA. Nhưng tại sao không cải chính một cách mạnh mẽ, rõ ràng hơn? Tin ông bộ trưởng Quốc Phòng một nước còn sống hay đã chết là một tin khá quan trọng. Nếu sai, đáng lẽ chính Bộ Quốc Phòng phải cải chính, trong một cuộc họp báo; ít nhất cũng làm một bản thông cáo chính thức. Báo trong nước chỉ thuật lời Tướng Võ Văn Tuấn mà không kèm theo một bài phỏng vấn đầy đủ để được nghe ông trả lời rất nhiều thắc mắc trong dư luận cả tháng nay. Đúng như nhà báo Phạm Chí Dũng kết luận, đây là một “Thất bại của hệ thống tuyên giáo đảng.” Cả Đảng Cộng Sản bị mất mặt vì lúng túng ném ra những thông tin chậm trễ, mơ hồ, trái nghịch, chỉ trong câu chuyện một người “mất tích” không biết chết hay sống. 

Nhưng “hệ thống tuyên giáo đảng” bị tội oan. Cảnh “tang gia bối rối” diễn ra do nhiều nguyên nhân phức tạp, ngoài khả năng của các ông bà tuyên giáo. Người sống bên ngoài cũng thấy trong vụ này tất cả Đảng Cộng Sản đang lúng túng, có thể nói cả nhóm lãnh đạo đang “kẹt cứng.” Chắc họ không biết phải “xử lý tình huống” cách nào, cho nên đành lộ cảnh tang gia bối rối, mất mặt cũng đành chịu.

Guồng máy tuyên truyền của đảng phơi bày tình trạng lúng túng này. Mạng Infonet và báo Một Thế Giới cho biết Tướng Võ Văn Tuấn đã “khẳng định” rằng hãng tin DPA đã “xin đính chính.” DPA không hề đính chính; cho nên, hoặc ông Võ Văn Tuấn nói dối, hoặc có người ra lệnh các báo trên nói dối. Thông tấn xã của nhà nước còn trâng tráo hơn, viết một điều hoàn toàn sai sự thật, “DPA đã cải chính về sức khỏe Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh.” 

Các thủ đoạn che đậy, gian dối, “cả vú lấp miệng em” trên đây đã tập huấn lâu đời. Thói quen nói láo đã thấm vào xương tủy Đảng Cộng Sản từ thời còn làm báo in thạch bản ở trong hang. Nhưng đem dùng thủ đoạn đó trong thời đại Internet, năm 2015, chỉ khiến người ta khinh. Bởi vì nếu Đảng Cộng Sản muốn chứng tỏ ông Phùng Quang Thanh còn sống thì họ chỉ cần trưng ra một tấm hình ông đang cầm trên tay tờ báo Le Monde xuất bản ngày 19 hay 20 Tháng Bảy - dù ông đủ sức khỏe đọc được báo hay không! Giản dị hơn nữa, là nhờ vợ con ông lên tiếng cải chính với hãng DPA - mà theo tin của nhà nước thì gia đình ông đã qua Paris săn sóc ông từ tháng trước. Tại sao cả gia đình không ai nói một câu nào khi cả nước bàn tán không biết chồng, cha của họ đã chết hay chưa? Họ đâu phải người rưng nước lã? 

Không ai trong Đảng Cộng Sản cải chính theo cách giản dị này. Lý do vì nó nằm ngoài khả năng cả đám người cầm quyền. Họ không thể làm gì được. Hoặc vì ông Thanh đã qua đời rồi. Hoặc vì gia đình ông không cộng tác. Hoặc cả hai.

Nhưng nếu Tướng Phùng Quang Thanh thật đã mãn phần thì tại sao guồng máy Đảng Cộng Sản lại phải lúng túng che đậy, để người dân coi càng khinh, càng ghét như vậy?

Người ngoài không biết đủ các tin tức trong đảng của họ với nhau, cho nên chúng ta chỉ có thể suy diễn, dựa trên các sự kiện được tiết lộ.

Một điều ai cũng biết là trong cuộc tranh giành quyền lực chuẩn bị đại hội đảng sang năm, họ đang đấu đá nhau tận mạng. Riêng ông Phùng Quang Thanh và người con, một đại tá chủ tịch nhiều công ty, đã bị lôi lên mạng phơi bày đủ các trò lạm quyền, tham nhũng làm giàu. Ông Thanh cũng bị gắn cho nhãn hiệu một người “thân Trung Quốc.” 

Ở Việt Nam, muốn chửi ai thì cứ bảo người đó theo đuôi Trung Cộng. Nhưng chúng ta biết rằng chẳng ai trong Đảng Cộng Sản dám cưỡng lại Trung Cộng. Toàn thể Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị Trung Cộng thao túng từ Hội Nghị Thành Đô 1992 đến giờ; không ai có thể ngoi lên ghế lãnh đạo nếu cưỡng lại. Nước Việt Nam bị Trung Cộng lấn áp đủ mặt: kinh tế, quốc phòng, chính trị, ngoại giao. Nguyễn Tấn Dũng mới lên chức thủ tướng đã dâng cho Trung Cộng món quà Bô Xít. Trương Tấn Sang qua Tàu ký thỏa ước hợp tác đủ trăm ngành không thiếu thứ gì. Từ khi Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng thì hầu hết các món thầu lớn đều lọt vào tay các công ty Trung Cộng, đường sá, phi trường, hầm mỏ tới điện lực. Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh chưa ai lập được những công trạng đáng khen thưởng như vậy.

Tất cả Đảng Cộng Sản Việt Nam “thân Trung Quốc,” không anh nào thoát được, nếu muốn sống. Họ tranh giành nhau các chức quyền trong đảng; nhưng không thể bước ra ngoài vòng giới hạn Bắc Kinh vẽ ra. Nằm trong cái giọ đó, các con cua tha hồ chen chân đạp lên nhau. Lâu lâu có anh được phép nói những lời bất kính với thiên triều cho dân chúng xì hơi. Không sao, miễn khi làm việc anh cứ làm theo ý các cố vấn. Lâu lâu có anh lại nói một lời nịnh bợ, vì cả Bộ Chính Trị đang lo bị thiên triều “hiểu lầm.” Trò phân biệt hai phe, “thân Trung Quốc” và “chống Trung Quốc” là một ảo tưởng bày ra để ru ngủ dân chúng. Nhiều người cũng thích được ru ngủ, vì nghe sướng tai hơn sự thật. Họ có thể tự an ủi rằng trên đầu mình không phải chỉ toàn những thằng bán nước ngồi.

Vì vậy, các vụ đánh Phùng Quang Thanh trên mạng gần đây hoàn toàn do tranh giành quyền lực ở bên trong đảng với nhau. Nếu ông Thanh qua đời vì bệnh nan y thì cuộc giành giựt này vẫn tiếp tục, chắc còn gay go hơn. Bởi vì một người chết đi để lại nhiều thứ mà những người còn sống sẽ được dịp chia nhau. Nhiều đám tang từng bị trì hoãn, chỉ vì họ không biết chia chác di sản ra sao. Xác Tề Hoàn Công để thối trong cung, vì ba ngàn năm trước bên Tàu chưa có phòng lạnh.

Trong số di sản ông Thanh để lại, nếu ông qua đời, có các chức vụ ông đã giữ và tài sản ông nắm trong tay. Những người còn sống chưa “nhất trí” được với nhau sẽ chia chác ra sao. Tướng Phùng Quang Thanh rất nhiều quyền, Bộ Chính Trị, quân ủy, chính phủ; ông còn được coi là người giàu nhất nước Việt Nam, chỉ thua Nguyễn Tấn Dũng. Ông ký giấy mua các thứ vũ khí, máy bay, chiến hạm, tầu ngầm, vân vân. Công nghệ quốc phòng Nga nổi tiếng là bao giờ cũng hậu tạ các khách hàng. Ông giành toàn quyền sử dụng đất đai của quân đội hay được quân đội trưng dụng, rộng bát ngát khắp nước và nằm trên nhiều địa điểm kinh tế “chiến lược.” Nhiều khu đã được thương mại hóa hay biến thành cư xá sang trọng, con trai ông thường trúng thầu. Những tài sản này trị giá nhiều tỷ Mỹ kim, còn tiếp tục sinh lợi hàng thế kỷ nữa, chưa biết ai sẽ hưởng. 

Trong các xã hội bình thường có luật pháp thì gia đình ông Phùng Quang Thanh sẽ được hưởng gia tài của ông. Nhưng xã hội Việt Nam không bình thường, từ cách tạo dựng tài sản, thủ đắc cho tới sử dụng tài sản. Đây có thể là một lý do khiến gia đình ông, nhất là những người đang ở Paris bên cạnh ông, trong mấy ngày qua không cộng tác với bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản. Họ chưa biết Đảng Cộng Sản sẽ chia cho họ thế nào khi ông Phùng Quang Thanh ra đi, hay đã qua đời rồi. Đảng Cộng Sản cũng chưa trả lời dứt khoát được, vì ngay việc phân chia giữa họ với nhau cũng chưa ngã ngũ. Việc chia nhau di sản quyền và tiền ông Phùng Quang Thanh để lại cũng liên quan đến tất cả những cuộc mặc cả khác, trước khi đảng họp đại hội năm tới. Dù sao, khi nào được tin ông Phùng Quang Thanh qua đời chúng tôi sẽ ngả mũ lần nữa, cầu nguyện và mừng ông thoát được cõi ta bà đại hội này.




Nạo vét sông Thị Vải, dân khốn khổ ngày đêm

ÐỒNG NAI (NV) - Trong lúc việc nạo vét các khu vực sông tại Ðồng Nai và Sài Gòn chứa nhiều điều mờ ám chưa được giải mã thì nay, việc khơi luồng lạch ở sông Thị Vải lại làm cho người dân khốn khổ, lo lắng.

Trong khi trên dòng chính sông Ðồng Nai, tất cả việc nạo vét, khai thác cát, khoáng sản đều đã dừng lại do có đơn vị nạo vét vi phạm bị buộc tạm dừng, thì những “công trường bơm hút” trên sông Thị Vải - một nhánh sông Ðồng Nai có hệ thống vàm, rạch chằng chịt chảy qua hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành của tỉnh Ðồng Nai và các nhánh sông lại rầm rộ do 2 công ty Tấn Thắng và công ty Ðan Thành thực hiện, được Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) cấp phép từ hơn 5 tháng qua.



“Ðại công trường” nạo vét sông Thị Vải khiến người dân lo bờ sông bị sạt lở. (Hình: Người Lao Ðộng)

Ngày 23 tháng 7, 2015, theo mô tả của phóng viên Người Lao Ðộng, đoạn sông thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, nhộn nhịp như một “đại công trường.” Tiếng tàu hút cát ì oạp; sà lan, sà cạp dàn đội hình ầm ào cả một khúc sông.

Khi ghe, sà lan đầy cát thì len lỏi theo các con rạch để đổ cát lên các bến bãi trên bờ. Ðây là khu vực nạo vét do công ty Ðan Thành thực hiện. Ở phía huyện Nhơn Trạch là một “đại công trường” khác của công ty Tấn Thắng, việc bơm hút cũng diễn ra cấp tập.

Công ty Tấn Thắng được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương nạo vét luồng và vũng quay, khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão phía thượng nguồn sông Thị Vải, kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí không sử dụng ngân sách; tổng khối lượng khai thác là gần 950,000 m3 gồm cát san lấp và bùn đất. Còn công ty Ðan Thành nạo vét thông luồng từ xã Phước Thái huyện Long Thành đến xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, với khối lượng tương tự.

Việc nạo vét ở 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành không chỉ diễn ra trên dòng chính sông Thị Vải mà còn rầm rộ ở nhiều điểm trên các nhánh sông Ðồng Kho, Ðồng Tranh... với hàng loạt đơn vị được cấp phép. Nếu như các dự án rầm rộ trên sông Thị Vải khiến người dân lo ngại thì việc nạo vét trên các nhánh sông trên đã cho thấy nhiều vi phạm.

Tại ấp Cầu Bông, xã Phước An, người dân đưa cho phóng viên Người Lao Ðộng một lá đơn tập thể tố cáo đơn vị thi công “cấu kết với giang hồ” để làm ăn... “Cuộc sống chúng tôi đang bị đe dọa. Họ khai thác cả ban đêm hút cát sát bờ, chúng tôi lo sạt lở và ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng bị ô nhiễm, nhưng khi có ý kiến liền bị các băng nhóm xã hội đen đe dọa nên không ai dám lên tiếng,” ông N người đại diện cho dân nói.

“Gần đây, chúng tôi tiếp tục gởi đơn lên xã đề nghị giải quyết thì xã bảo thôi đừng gởi đơn nữa...,” một người dân bất bình. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thường, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Ðồng Na thừa nhận, việc nạo vét của các đơn vị trên các sông rất khó kiểm soát hoàn toàn về không gian và thời gian cũng như số liệu, dữ liệu. Ðồng thời, ông Thường đá trách nhiệm cho nơi khác: “Các dự án do Bộ GTVT cấp phép thì Cục Hàng Hải và các đơn vị giám sát, địa phương chỉ giám sát một phần,” ông này nói.

Theo ông Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, tình trạng nạo vét sông mập mờ đã diễn ra từ nhiều năm qua. Hệ thống sông ở Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai đều tan nát vì việc tận thu tài nguyên mang danh nạo vét, kéo theo nhiều hệ lụy, biến đổi cả dòng chảy, trôi nhà cửa, đất đai của dân. Có thể thấy, việc nạo vét hiện nay chỉ nặng về tận thu tài nguyên và rất khó kiểm soát. Không thể nói về biện pháp chế tài nữa mà cần phải có chuyên án, thanh tra để làm rõ, xử lý. (Tr.N)


07-23- 2015 2:54:40 PM

Hơn 54% nước đá ở Sài Gòn bị nhiễm khuẩn độc hại

SÀI GÒN (NV) - Mỗi ngày, người dân ở thành phố Sài Gòn phải uống hơn 250 tấn nước đá bẩn, nhiễm nhiều chất vi sinh độc hại từ các nguồn nước không tinh khiết.

Phúc trình tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nước đá tại thành phố Sài Gòn” sáng ngày 22 tháng 7, 2015, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm, Sở Y Tế thành phố Sài Gòn cho biết, thành phố Sài Gòn là nơi có nhu cầu tiêu thụ nước đá lớn với 500 tấn/ngày từ 193 cơ sở sản xuất nước đá.


Nước đá “tinh khiết” được sản xuất tại một cơ sở sản xuất nước đá ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức. (Hình: Thanh Niên)

Thế nhưng, đa số cơ sở sản xuất có nhà xưởng, trang thiết bị không đạt điều kiện an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, có đến 54% sản phẩm nước đá bị nhiễm Clor và các vi sinh E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc, Pseudomonas aeruginosa...nhóm vi khuẩn gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi Cục Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm, Sở Y Tế thành phố Sài Gòn cho biết, nguyên liệu sản xuất nước đá hoàn toàn là nước nên việc kiểm soát nguồn nước đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên kết quả tổng kiểm tra 193 cơ sở sản xuất nước đá hiện có tại Sài Gòn thì có 114 cơ sở xài nước giếng khoan; 64 cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm sau xử lý nước; 13 cơ sở không xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định...

Cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại một cơ sở sản xuất nước đá ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Ðức, đá viên vẫn được đặt trong các bao tải, bao bố. Ðá cây thì trong tình trạng không che đậy. Cũng tại cơ sở này, các bao bố còn được giặt đi giặt lại rất nhiều lần trong một bồn nước đã chuyển sang màu đen.

Còn ngay tại trung tâm Sài Gòn, phần lớn các đại lý phân phối nước đá đều được để ở các lề đường dơ bẩn, nhếch nhác như dưới một gốc cây, sát miệng cống hay cạnh xe rác bốc mùi hôi nồng nặc.

Cụ thể trên lề đường Lê Quý Ðôn, gần giao lộ Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3, gần cả trăm cây đá, bao đá viên được cho là “đá tinh khiết” được phủ lên bằng những cái mền, bao tải cũ lâu ngày ngả màu đen chất thành đống trên nền vỉa hè, nước đá tan chảy hòa lẫn bùn đất bẩn thỉu. Hằng này, tại khu vực này có khoảng 4 đến 5 thanh niên, trực chiến tiếp nhận điện thoại và đi giao đá cho các nhà hàng, quán ăn ở khắp nơi.

Bên cạnh việc bảo quản, bao bì không hợp vệ sinh, thì người tiêu dùng cũng không thể an tâm khi chứng kiến cảnh dơ bẩn trong quá trình vận chuyển nước đá “tinh khiết” đến các nơi kinh doanh ăn uống. (Tr.N)

07-23-2015 2:56:36 PM

4 trẻ mầm non ăn nhầm bột thông bồn cầu

Theo Người Lao Động-07-23-2015
Lúc tự chơi, 4 trẻ ở 1 trường mầm non tại tỉnh Hưng Yên nhặt được gói bột màu trắng, tưởng là đường nên rủ nhau bóc ra ăn. Gói bột này sau đó được xác định là bột thông bồn cầu.

4 trẻ mầm non ăn nhầm bột thông bồn cầu
Cháu H. đang được theo dõi và điều trị sau khi ăn nhầm phải bột thông bồn cầu
Ngày 23-7, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết tại đây vừa cấp cứu cho 4 bé mầm non ăn nhầm phải bột thông cống (bột thông bồn cầu). Trường hợp nặng nhất là cháu N.C.H. (5 tuổi), vào viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được.
Theo mẹ cháu H., ngay sau khi ăn phải gói bột trắng nhặt được trong lúc tự chơi, trẻ có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi. Các cô giáo đã lập tức báo cho gia đình đưa trẻ đi cấp cứu. Gia đình cầm theo thứ “bột lạ” này đi kiểm tra và tìm hiểu thì được biết đây là bột thông cống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa – BV Nhi Trung ương, cho biết hiện tại các bác sĩ chỉ đánh giá được tổn thương ở miệng, họng của bệnh nhi H. chứ chưa thể đánh giá được các tổn thương ở thực quản, dạ dày… Lý do là phải chờ bệnh nhi đỡ loét, đỡ nhiễm trùng ở miệng và họng mới có thể gây mê, tiến hành nội soi tìm các tổn thương sâu một cách chính xác.
Với những trường hợp còn lại bị tổn thương nhẹ nên được xuất viện về nhà điều trị.
1
Gói bột thông bồn cầu mà 4 trẻ tưởng là đường nên bóc ra ăn
Trước đó, ngày 17-7, tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trong lúc tự chơi, 4 học sinh cùng lớp nhặt được một gói bột màu trắng và nhầm tưởng là đường nên rủ nhau bóc ra ăn. Sau khi ăn, trẻ có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi, các cô giáo đã lập tức báo cho gia đình đưa trẻ đi cấp cứu tại BV tỉnh Hưng Yên, sau đó chuyển lên BV Nhi Trung ương vào chiều cùng ngày. Kiểm tra cho thấy thứ bột lạ mà trẻ ăn được là bột thông cống.
Cũng theo bác sĩ Ngoan, 2 năm gần đây, các trường hợp nhập viện do ngộ độc thực phẩm, chất tẩy rửa, ăn mòn có xu hướng gia tăng. Thời gian này, khoa cũng đang điều trị cho các trường hợp ngộ độc với nhiều nguyên nhân như: Ăn củ ráy, nuốt phải pin, uống nhầm nước rửa bát….
Chất tẩy rửa có 2 nhóm (nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit), các chất ăn mòn này nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trường hợp nhẹ, sớm được phát hiện và điều trị thì tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Trường hợp nặng thì gây trợt, loét nông, loét sâu, thậm chí là hoại tử nặng.
Khi trẻ ăn, nuốt, uống phải các hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần xử lý ban đầu sớm, tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng hoặc lau rửa miệng. Sau đó, lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.

Người Việt ở Campuchia giữa tâm bão tranh chấp lãnh thổ

Người Việt ở Campuchia giữa tâm bão tranh chấp lãnh thổ
Hàng trăm người Việt và Campuchia đã ‘va chạm’ trên biên giới hai nước hôm 28/6/2015.
Một loạt các vụ bắt giữ thời gian qua ở Campuchia khiến dư luận nêu câu hỏi là phải chăng vụ tranh chấp ở biên giới đã khiến cộng đồng của người Việt Nam ở xứ sở Chùa Tháp trở thành mục tiêu trấn áp.
Tin tức từ Campuchia cho biết, mới đây, cơ quan phụ trách nhập cư của nước này đã bắt giữ gần 40 công nhân Việt Nam trong các đợt truy quét ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal, trong khi 72 công dân Việt đã bị trục xuất khỏi vương quốc này.
Giới hữu trách được trích lời nói rằng những người trên không có giấy tờ hợp lệ và đã bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Campuchia.
Các vụ bắt giữ và trục xuất xảy ra ít lâu sau khi bùng ra xô xát giữa hàng trăm người Việt Nam và Campuchia trên biên giới Tây Nam khiến một số người cho rằng người Việt ở nước láng giềng đang “trở thành tốt thí”.
Ngoài ra, người Việt ở xứ sở Chùa Tháp còn lo ngại rằng các cơ sở làm ăn, buôn bán của họ có thể bị tấn công.
Anh Phan Châu, một người sinh sống và làm việc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, cho biết hiện thời cuộc sống của anh không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng “vẫn hơi lo lắng”.
“Thực ra là cũng có một chút lo, vì cách đây một vài năm, khi mà tình hình căng thẳng lên cao điểm những đợt bầu cử, những người đối lập của chính phủ hiện tại người ta đi đập phá cửa hàng của người Việt Nam thành ra mình cũng lo. Nhưng hiện tại cũng chưa biết ra sao. Tôi nghĩ là nếu mà tình hình căng thẳng lan rộng thì sẽ lặp lại tình trạng đó thôi”.
Thực ra là cũng có một chút lo, vì cách đây một vài năm, khi mà tình hình căng thẳng lên cao điểm những đợt bầu cử, những người đối lập của chính phủ hiện tại người ta đi đập phá cửa hàng của người Việt Nam thành ra mình cũng lo. Nhưng hiện tại cũng chưa biết ra sao. Tôi nghĩ là nếu mà tình hình căng thẳng lan rộng thì sẽ lặp lại tình trạng đó thôi.
Anh Phan Châu.
Tờ Khmer Times dẫn lời các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc truy quét người nhập cư trái phép “không chỉ nhắm vào người Việt Nam” và “không phải vì lý do sắc tộc”.
Phe đối lập Campuchia lâu nay vẫn chỉ trích chính quyền Phnom Penh là không siết chặt luật nhập cư, dẫn tới làn sóng người Việt Nam tràn vào nước này.
Anh Châu cho biết anh không nghĩ có sự liên quan giữa tình hình căng thẳng chính trị hiện thời với việc bắt giữ nhiều người Việt thời gian qua. Anh nói:
“Chính phủ Campuchia từ trước tới giờ đều có các đợt cao điểm truy quét. Chẳng qua là có sự trùng hợp thời điểm. Người ta không chịu gia hạn hộ chiếu, cứ tìm cách làm việc trái phép bên này nên chính phủ Campuchia buộc phải bắt người Việt của mình. Cái đấy là đúng luật bên này”.
Quan chức đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia từng bày tỏ trên báo chí nước chủ nhà về việc đảng đối lập Cứu quốc Campuchia “lợi dụng vấn đề sắc tộc cho lợi ích chính trị”.
Việc hàng trăm người Campuchia, mà đi đầu là các dân biểu đối lập, tới vùng biên giới với Việt Nam, dẫn tới xô xát và gây quan ngại rằng tinh thần bài người Việt có thể lại bùng lên tại nước láng giềng.
Mới đây, tin cho hay, có hàng chục ngôi mộ của người Việt ở tỉnh Kandal bị đập phá không rõ lý do, gây nhiều quan ngại.
Khi được hỏi về sự kỳ thị của người Campuchia đối với cộng đồng người Việt, anh Phan Trọng Thanh, một người Việt sống ở Phnom Penh, cho biết:
“Những người lớn tuổi không có gì đâu, họ vẫn giúp với người Việt Nam bình thường. Chỉ có mấy người nhỏ nhỏ bị kích động này nọ thôi. Mấy đứa nhỏ từ bé đã bị nhồi sọ từ từ, nói Việt Nam làm cái này xấu, cái kia xấu gì đó, rồi có ác cảm với người Việt Nam thôi. Đảng phe đối lập họ nói trúng tâm lý nên mấy đứa con nít nó nghe theo dữ lắm. Những thanh niên trẻ tuổi đa số họ nghe theo phe đối lập nhiều. Bây giờ ra đường, người nào họ ghét mình, thì họ chỉ nói xiên nói xỏ vài câu thôi, chứ người ta không có khi nào mà người ta đè ra đánh mình, hay bắt mình hết”.
Hiện có hàng trăm nghìn, thậm chí có tin nói hơn triệu người Việt Nam, đang sinh sống và làm ăn ở Campuchia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng lên tiếng yêu cầu chính quyền Phnom Penh bảo vệ các công dân Việt Nam tại Campuchia.
07-23-2015
 Theo VOA Tiếng Việt

Đằng sau những quyết định khởi tố và bắt tạm giam khẩn đối với Nguyễn Xuân Sơn

Trúc Giang (Danlambao) - Truyền thông nhà nước CS đưa tin cựu chủ tịch tập đoàn Dầu khí Việt Nam ông Nguyễn Xuân Sơn vừa bị cơ quan điều tra bộ công an khởi tố bắt tạm giam về tội danh: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281- Bộ luật hình sự) và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 - Bộ luật hình sự)”. Đây là tội danh mà ông Sơn bị gán cho trong thời gian làm tổng giám đốc ngân hàng Ocean Bank - một ngân hàng có cổ phần của tập đoàn dầu khí Việt Nam đã làm ăn bết bát và bị ngân hàng nhà nước sát nhập với giá 0 đồng!

Một điều hết sức lạ lùng là trong khi các vị trí chủ chốt ở Ocean Bank đã bị khởi tố gần hết thì vị trí của ông Sơn không bị công an dòm ngó. Tệ hại hơn nữa không biết nhóm lợi ích nào đã tư vấn, ông ta còn được “đồng chí X” cân nhắc, bổ nhiệm lên chức chủ tịch tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay cho ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu!? 

Trước đó, ngày 19/7, “đồng chí X” đã ký Quyết định số 1105 về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đối với ông Nguyễn Xuân Sơn để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương. Một quyết định hết sức khôi hài vì chưa thi hành thì đã bị công an khởi tố! 

Cũng vào hôm 21/7, Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố cuối năm 2014, mức nợ công mà Việt Nam đang gánh khoàng 110 tỷ USD (tương đương mỗi người dân phải gánh 1.200 USD tiền nợ công) - một con số lớn hơn rất nhiều so với phía Việt Nam báo cáo láo khiến ai cũng phải giật mình và đau lòng.

Có gì liên quan giữa nợ công ngày càng gia tăng và việc khởi tố bắt giam những quan chức cấp cao của những tập đoàn kinh tế ở Việt Nam? Khỏi cần phải phân tích gì cao siêu thì ai cũng thấy rõ là chính sách bổ nhiệm và sử dụng người tài hết sức tệ hại của chính phủ Việt Nam bên cạnh sự độc tài, độc quyền giết chết nhân tài của chế độ CS đã sinh ra những tập đoàn độc quyền gây thảm cảnh nợ công đụng trần và làm nghèo đất nước như hiện nay. Việc bổ nhiệm nhân tài kiểu “con ông cháu cha” hay kiểu “lợi ích nhóm” của chính phủ ở những tập đoàn lớn tạo điều kiện cho những kẻ bất tài, những kẻ cơ hội tham nhũng, làm giàu bất chính và phá nát nền kinh tế gây mà hậu quả là nợ công ngập đầu của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo. Bài học về VinaShin, Vina Lines nói lên việc bổ nhiệm những kẻ bất tài vào vị trí chủ chốt vẫn còn ràng ràng đó mà chính phủ Việt Nam có học thuộc đâu? Còn nhớ cách đây gần 10 năm khi tôi còn làm ở một cơ quan nhà nước, để cứu vãng một công ty may mặc vốn 100% của nhà nước đang gặp khó khăn, chính quyền CS ở một quận nọ đã điều động một ông bí thư phường chẳng có chuyên môn về kinh tế sang làm giám đốc công ty may mặc. Kết quả: chưa đầy 2 năm sau công ty này phải phá sản và hậu quả là gần 500 công nhân sẽ phải thất nghiệp!

Có thể nói rằng: đằng sau những quyết định khởi tố khẩn, bắt tạm giam khẩn cấp mà ta thấy nhan nhãn trên báo là cội nguồn của những oan sai mà dân đen, những người đấu tranh cho dân chủ phải gánh chịu. Còn đằng sau những lệnh khởi tố các quan chức của những tập đoàn độc quyền là số nợ công ngày càng gia tăng mà người dân Việt Nam phải oằn lưng trả nợ. Trớ trêu thay, nợ công lại tỉ lệ thuận với mức độ giàu có của các quan chức CS: nợ công càng nhiều thì ngai vàng, biệt thự sơn son phết vàng 500 m2 trở lên của các ủy viên trung ương đảng càng bự. Rõ ràng thì dưới chế độ CS độc tài này, đằng nào thì dân đen, dân nghèo cũng cũng phải lãnh đủ thứ hậu quả từ những quyết định sai lầm tệ hại mà chính quyền CS gây ra.

SG, 23/7/2015

Cổ học tinh hoa thời 'Ba Ếch'

Dâu bể tang thương (Danlambao) - ...Ba Đình từ lâu đã do Ba Ếch kiểm soát. Trọng Lú vì muốn giảm thế lực Ba Ếch nên đưa Nguyễn Bá Thanh từ Đà Nẵng về Hà Nội làm tay sai. Buổi đầu Ba Ếch thấy Thanh tuyên bố hùng hồn đòi "hốt liền không do dự" cũng hơi ớn. Dần dần về sau thấy Thanh chỉ oang oang như ễnh ương mà chẳng làm được trò trống gì thì bắt đầu khinh thường. Một hôm Ba Ếch thử phản công bằng cách vạch trần vài chiêu trò bẩn thỉu của Thanh khi còn xưng hùng đất Đà Nẵng. Thanh chẳng những không chống trả còn nhũn ra như cọng bún thiu. Ba Ếch thấy vậy mừng thầm, bụng bảo dạ rằng: "Tài nghề thằng Hà Bá Thanh này hóa ra chỉ có thể thôi". Thế là Ba Ếch thừa thắng xông lên dùng tuyệt kĩ phóng xạ thần công đưa Bá Thanh đi chầu tổ tiên luôn.


1. Cách cư xử ở đời

Thầy Nhan Uyên, hỏi đức Khổng Tử: 

- Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không? 

Đức Khổng Tử nói: 

- Người hỏi thế phải lắm. Nghèo mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói.

Thằng Dũng Tử ngồi hóng chuyện liền xen vào nói leo:

- Ngươi hỏi thế là đúng ngay nghề của chàng rồi. Nghèo mà cũng muốn như giàu thì chỉ có một cách là tham nhũng, bóc lột, vơ vét nhân dân và khai thác tài nguyên quốc gia vô tội vạ, nếu cần thì bán nước cũng làm luôn. Hèn mà cũng muốn như sang thì phải sắm thật nhiều bằng cấp giả, thuê nhiều bồi bút nâng bi, đánh bóng giùm cho mình. Không khỏe mà muốn có oai thì phải thâu tóm hết mọi quyền hành, quan trọng nhất là nắm được công an và quân đội. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ thì phải nắm thóp chúng nó rồi tung lên những trang mạng như Chân dung quyền lực, hoặc cho đi bán muối bằng phóng xạ hay súng bắn tỉa là xong ngay.

2. Tài nghề con lừa

Đất Kiềm xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự tải một ít lừa đến đấy nuôi. Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy mừng, bụng bảo dạ rằng: “Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi”. Rồi hổ gầm thét, chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa, đoạn rồi đi.

Ba Đình từ lâu đã do Ba Ếch kiểm soát. Trọng Lú vì muốn giảm thế lực Ba Ếch nên đưa Nguyễn Bá Thanh từ Đà Nẵng về Hà Nội làm tay sai. Buổi đầu Ba Ếch thấy Thanh tuyên bố hùng hồn đòi "hốt liền không do dự" cũng hơi ớn. Dần dần về sau thấy Thanh chỉ oang oang như ễnh ương mà chẳng làm được trò trống gì thì bắt đầu khinh thường. Một hôm Ba Ếch thử phản công bằng cách vạch trần vài chiêu trò bẩn thỉu của Thanh khi còn xưng hùng đất Đà Nẵng. Thanh chẳng những không chống trả còn nhũn ra như cọng bún thiu. Ba Ếch thấy vậy mừng thầm, bụng bảo dạ rằng: "Tài nghề thằng Hà Bá Thanh này hóa ra chỉ có thể thôi". Thế là Ba Ếch thừa thắng xông lên dùng tuyệt kĩ phóng xạ thần công đưa Bá Thanh đi chầu tổ tiên luôn.

3. Mua xương ngựa

Chiêu Vương lên ngôi, thương dân lo việc nước, cầu người hiền tài. Một hôm, bảo Quách Ngỗi rằng:

- Nước Tề nhân dịp nước ta loạn, sang đánh lấy nước ta. Ta biết rõ rằng nước ta nhỏ, dân ta yếu, thực khó lòng mà báo thù. Song nếu được những người giỏi cùng lo toan việc nước may mà rửa sạch sự sỉ nhục của tiên vương được chăng. Chí nguyện quả nhân như vậy, tiên sinh xem ai là người giỏi để ta cùng lo toan việc nước thì hay.

Ngỗi nói: 

- Xưa có ông vua đưa nghìn vàng cho người nội thị đi mua con ngựa chạy nghìn dặm. Đến khi ngựa ấy đã chết, anh ta mua bộ xương ngựa năm trăm nén vàng đem về. Vua thấy thế giận lắm. Anh ta thưa: “Ngựa chết còn quý mà mua như vậy huống chi là ngựa sống. Tôi chắc thế nào nay mai người ta cũng đem ngựa hay đến bán cho nhà vua” - Quả nhiên, không đầy một năm, mà người ta đem ngựa hay đến bán đã ba bận. Nay nhà vua muốn được ngựa giỏi, thì trước hãy dùng tôi. Người giỏi hơn tôi thấy thế há có ngại xa mà không lại ư?

Vua Chiêu Vương lập tức dùng Quách Ngỗi, kính trọng Quách Ngỗi như thầy. Quả nhiên không bao lâu, những người giỏi các nơi tranh nhau sang nước Yên. Vua Chiêu Vương ủy thác việc nước cho những người ấy. Sau nước Yên thành một nước cường thịnh thật.

Ba Ếch lên làm thủ tướng chỉ lo đàn áp và vơ vét cho đầy túi tham. Một hôm hắn bảo Bình ruồi rằng:

- Nước Tàu nhân nước Việt yếu sang ăn hiếp hoài. Tao biết rõ nước Việt nhỏ, đảng ta hèn thực khó lòng mà báo thù. Song nếu có thể kiếm thêm thật nhiều tiền thì mặc kệ cho Tàu cướp nước Việt luôn cũng được. Ý tao là vậy mày xem thử có ai giúp tao thỏa mộng kiếm tiền dơ bẩn được chăng?

Bình ruồi liền ton hót ngay:

- Gần đây có Nông Đức Mạnh từng duyệt chi hàng triệu đô cho tên Nguyễn Chí Vịnh đi Nga mua tàu ngầm Kilo về Việt Nam chưng cho đẹp. Nào ngờ hắn mua đồ phế thải với giá trên trời mang về. Mạnh thấy thế ngạc nhiên lắm, Vịnh tâu rằng: "Tàu phế thải mà còn mua giá cao bằng tàu xịn. Tôi chắc thế nào nay mai Nga cũng đem thêm nhiều rác rưởi tệ hại nữa sang bán cho coi". Quả nhiên chỉ có vài năm mà Nga đã thanh lí được cả đống khí tài quân sự ve chai sang Việt Nam. Nay ông anh muốn dùng người giỏi kiếm tiền dơ bẩn cho mình mà bỏ mặc kinh tế quốc gia thì trước hãy dùng tôi. Những kẻ vô lại hơn tôi thấy thế há còn không nhào vô hay sao?

Ba Ếch lập tức dùng Bình ruồi, ban phát cho y nhiều lợi lộc và quyền lực. Quả nhiên không bao lâu nhiều kẻ theo đóm ăn tàn như Đinh La Thăng, Vũ Đức Đam… tranh nhau xu nịnh Ba Ếch. Hắn liền ủy thác cho bọn chúng nhiều chức vụ quan trọng như bộ trưởng bộ GTVT, phó thủ tướng… Từ đó nước Việt từ nghèo đã trở thành mạt rệp, thua kém cả Lào, Campuchia và Myanmar.

4. Cái được, cái mất của người làm quan

Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò đức Khổng Tử, hai người cùng làm quan một thời. Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng: 

- Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?

Khổng Miệt thưa: 

- Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều. Việc quan bận, không còn thời giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới. Bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết. Công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không được trọn vẹn.

Đức Khổng Tử nghe nói không bằng lòng. Sau ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt. Bật Tử Tiện thưa: 

- Từ khi tôi ra làm quan, chưa mất điều gì, mà đã được ba điều. Những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ. Bổng lộc dù bạc, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần. Việc quan tuy bận, song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân.

Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng Tử Tiện thực là người quân tử.

Ba Ếch là cháu của ba phải, con của ba trợn, em của ba gai. Hắn gặp thời chó nhảy bàn độc nên được làm quan to cho cộng sản. Ba phải, ba trợn, ba gai qua chơi nhà Ba Ếch hỏi rằng:

- Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?

Ba Ếch thưa:

- Từ khi tôi ra làm quan được ba điều và cũng mất ba điều. Việc quan bận không có thời gian học tập và cũng lười học nên đã dốt càng thêm dốt; bù lại những mưu kế học được ngày xưa trong rừng U Minh nay có dịp ứng dụng nên ngày càng mưu thâm kế hiểm, gian ác hơn trước bội phần. Lương tuy ít nhưng bổng lộc thì nhiều cộng thêm của cải bất chính vơ vét được không sao đếm xuể nên chi tiêu cho gia đình con cái tiêu xài phủ phê được tiếng cha hiền chồng tốt; bù lại bị dân đen nguyền rủa, chửi bới không dứt. Việc quan tuy bận nhưng vẫn có thời gian phong chức tước cho con cháu, người quen nên ngày càng có nhiều vây cánh xung quanh; bù lại bộ máy hành chính ngày càng có thêm nhiều kẻ sâu dân mọt nước.

Ba phải, ba trợn, ba gai nghe xong cùng lúc thốt lên rằng: Ba Ếch ơi, mày đúng là ba lần bảy hai mốt (số đề)!

5. Ứng đối lanh lợi

Thiệu là con vua Nguyên đế nhà Tần, lúc nhỏ đã cực kỳ thông tuệ. Một hôm, có sứ thần ở Trường An đến, vua Nguyên đế hỏi thử rằng: 

Trường An gần hay mặt trời gần hơn?

Thiệu đáp:

- Trường An gần hơn.

- Tại làm sao?

- Tôi chỉ thấy nói có người ở Trường An lại, chớ chưa từng thấy nói có người ở mặt trời lại đây bao giờ.

Vua nghe câu nói lấy làm lạ. Cách mấy hôm sau, vua đem câu chuyện kể lại cho quần thần nghe. Nhân Thiệu đứng hầu bên lại hỏi đùa: 

- Trường An gần hay mặt trời gần hơn?

Thiệu đáp: 

- Mặt trời gần hơn.

Vua ngạc nhiên hỏi: 

- Sao hôm nay lại trả lời khác hôm nọ như thế?

- Tôi ngửng đầu lên, trông thấy ngay mặt trời chớ không thấy Trường An đâu cả.

Vua nghe lại càng lấy làm lạ.

Ba Ếch là thủ tướng Việt cộng, lúc nào cũng tỏ ra là một con người lươn lẹo. Một lần họp chính phủ, có người hỏi hắn rằng:

- Mỹ tốt hay Tàu tốt hơn?

Ba Ếch đáp:

- Tàu tốt hơn.

- Tại làm sao?

- Chỉ có Tàu mới đưa ra khẩu hiệu "Mười sáu chữ vàng, bốn tốt" chứ Mỹ có bao giờ đưa ra đâu.

Người hỏi chỉ còn biết than trời. Không lâu sau đó lại có người hỏi Ba Ếch:

- Mỹ tốt hay Tàu tốt hơn?

- Mỹ tốt hơn.

Người này ngạc nhiên hỏi: 

- Sao hôm nay lại trả lời khác hôm nọ như thế?

- Con gái tao nhập quốc tịch Mỹ chứ có nhập quốc tịch Tàu đâu.

Người hỏi chỉ còn biết trách đất…

22/07/2015