HÀ NỘI 3-3 (NV) - Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra của nhà cầm quyền CSVN, có cổ phần ở nhiều ngân hàng, công ty, chưa kể ông này còn sở hữu hai căn nhà và hàng ngàn mét vuông đất.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra chính phủ của nhà cầm quyền CSVN, bị tố là có tài sản kếch sù hàng triệu đô la. (Hình: web Thanh Tra) |
Tờ Người Cao Tuổi ở Việt Nam vừa công bố bản kê khai tài sản của ông Khánh tổng cộng phải trị giá nhiều triệu đô la mà với mức lương cái chức Phó tổng thanh tra chính phủ của ông, phải làm mấy đời mới có nổi. Theo đó, về bất động sản, ông này đang sở hữu hai căn nhà ở khu vực trung tâm Hà Nội, một căn có diện tích đất 114 mét vuông, căn kia 248m2 và kiến trúc thuộc dạng biệt thự đều 5 tầng lầu. Ngoài hai căn nhà này, ông Khánh còn có 1,800 mét vuông đất trong dự án Mê Linh. Theo tờ Người Cao Tuổi, mỗi mét vuông hiện có giá từ 10 đến 15 triệu đồng, tức trị giá của lô đất vừa kể khoảng 900,000 USD đến 1.35 triệu USD.
Về tài chính, ông Khánh có hàng chục ngàn cổ phần tại bốn ngân hàng (Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Liên Việt), hai công ty (Xi-măng Công Thanh, Công ty Thiết bị Bưu điện) tổng cộng khoảng 481,900 cổ phần. Đồng thời ông cũng sở hữu 425 triệu đồng trái phiếu và 7.1 tỷ đồng là tiền gửi tại Ngân hàng VIB.
Đáng chú ý là ông Khánh không giấu diếm khối tài sản khổng lồ này mà kê khai rạch ròi trong bản kê khai tài sản nhưng vẫn được đề bạt từ Vụ trưởng một vụ lên Phó Tổng thanh tra của chính phủ Việt Nam. Trong khi “kê khai tài sản” được xem như một nỗ lực để chống tham nhũng.
Một trong hai căn nhà của ông Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh ở Hà Nội. (Hình: Người Cao Tuổi) |
Cách nay khoảng mười ngày, tờ Người Cao tuổi từng làm dư luận rúng động khi công bố một số thông tin, hình ảnh liên quan đến khối tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ. Ông Truyền từng đăng đàn nhiều lần, tự kể về chuyện nhiều người đem tiền đến biếu ông nhưng ông không… nhận! Nay thì Tỉnh ủy Bến Tre phải gửi văn bản đề nghị Bộ Chính trị “hướng dẫn” về trường hợp ông Truyền để giải thích với công chúng!
Tờ Người Cao Tuổi còn nêu ra hàng loạt dữ kiện cho thấy, vài tháng trước khi nghỉ hưu, ông Truyền đã ký khoảng 60 quyết định bổ nhiệm, cất nhắc nhiều viên chức tại các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ Việt Nam lên những vị trí cao hơn.
Thậm chí trong ngày cuối cùng ở cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền ký thêm quyết định bổ nhiệm 11 Vụ trưởng và Vụ phó, 4 Cục phó, 1 Trưởng phòng, 1 Phó phòng. Chưa kể các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra, Trung tâm Thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ...
Trong số hàng loạt cán bộ được ông Truyền bổ nhiệm, nhiều người thuộc dạng kém năng lực, yếu chuyên môn. Theo một nghị định do nhà cầm quyền trung ương tại Hà Nội ban hành, các cục, vụ không được quá 3 người đảm nhận vai trò “phó”, ông Truyền bất chấp qui định này và hiện nay, nhiều cục, vụ của Thanh tra Chính phủ Việt Nam có từ 4 đến 6 cán bộ nắm giữ vai trò “vụ phó”, “cục phó”.
Để hạn chế điều tiếng, trong ngày cuối cùng ở vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã phê duyệt “Quyết định bổ sung quy hoạch cán bộ”. Ngày 27/2/2014, báo Người Cao Tuổi có bài viết tố cáo ông Ngô Văn Khánh khi ký kết luận thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cắt giảm hơn 6,000 tỉ đồng vi phạm của tập đoàn quốc doanh này.
Tờ báo NCT thuật ý kiến của một số độc giả nói rằng ông Khánh có “những hành vi mờ ám, độc đoán, vụ lợi, bất chấp kỷ cương, cố ý làm trái. Tờ báo nói ông Khánh “không thực hiện đúng chức trách, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, làm mất đoàn kết nội bộ, kỷ cương, phép nước không nghiêm, làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Thanh Tra Chính Phủ”.
“Chạy chức” đã từng được giới lãnh đạo Việt Nam xác nhận là một vấn nạn nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân khiến tham nhũng gia tăng, bộ máy công quyền cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí. Thanh tra Chính phủ Việt Nam là cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền điều tra, xử lý vấn nạn “chạy chức” nhưng tất cả những điều vừa kể được xem như chuyện đương nhiên và sau khi ký vô số quyết định bổ nhiệm bất thường như thế, ông Trần Văn Truyền ung dung quay về Bến Tre – quê cũ của ông, xây một lâu đài đồ sộ để “vui thú điền viên”.
No comments:
Post a Comment