Thursday, June 12, 2014

Mỹ: Thúc đẩy COC kiềm chế Trung Quốc “bắt nạt nước nhỏ”

(Kienthuc.net.vn) - Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ vừa kêu gọi thành lập bộ quy tắc ứng xử để kiềm chế hiệu quả các hoạt động “bắt nạt nước nhỏ” của Trung Quốc.

Tại buổi phát biểu về chính sách đối ngoại tại Washington ngày 11/6, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice cho biết, an ninh khu vực phụ thuộc vào việc các nước xác định và duy trì các điều luật chi phối các không trống được chia sẻ.
Bà Susan Rice nhấn mạnh, các quy tắc kể trên sẽ hạn chế các hành vi gây hấn, khiêu khích cũng như ngăn chặn khả năng "các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ" và thành lập cách để giải quyết các xung đột trong hòa bình.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. 
"Một yếu tố quan trọng trong chiến lược Tái cân bằng châu Á của Mỹ là hợp tác với các đối tác để tăng cường thể chế trong khu vực và chuẩn mực quốc tế. Đây là lý do Mỹ đang làm việc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm tăng cường an ninh hàng hải, củng cố luật pháp quốc tế và tăng cường Quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển”, bà Susan Rice cho biết.
Ngoài ra, bà Rice cũng cho biết Mỹ và Nhật đang cập nhập bản hướng dẫn quốc phòng cũng như tăng cường hợp tác an ninh với Hàn Quốc để đối mặt với các hành vi khiêu khích của Triều Tiên.
Cam kết của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh là bất khả xâm phạm và được hỗ trợ đầy đủ bằng sức mạnh quân sự của nước này, bà Rice khẳng định. Đồng thời, bà Rice cũng cho biết Mỹ hi vọng các động mình cũng thực hiện phần việc của họ trong gánh nặng an ninh tập thể.
Cũng trong bài phát biểu của mình, bà Susan Rice hối thúc các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng nhằm củng cố khối liên minh quân sự này.
Trong một động thái khác, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cho biết, trong khi ASEAN và Trung Quốc đang cố gắng đạt tiến bộ trong thảo luận về COC thì tốc độ của các sự cố tại Biển Đông lại gia tăng nhanh với "những dấu hiệu của những dự án khai hoang quy mô lớn" và "dấu hiệu xây dựng các công trình quân sự".
Tờ Vietnamplus dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: "Việc sử dụng sức mạnh và đe dọa sử dụng vũ lực như là biện pháp để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền lãnh thổ là không thể chấp nhận được".
14:00 12/06/2014 
Ngô Trang

Luật pháp quốc tế sẽ trị "luật rừng" Trung Quốc trên Biển Đông

(Kienthuc.net.vn) - "Luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò đối trọng vững chắc chống lại việc sử dụng ‘luật rừng’ của Trung Quốc trên Biển Đông", Giáo sư Peter Dutton nói.

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận xét, Trung Quốc không thể biện minh đường 9 đoạn bằng bất cứ cách nào trên ánh sáng của Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật biển năm 1982.
Giáo sư Peter Dutton thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết nguyên nhân Trung Quốc tránh né việc đưa tranh chấp lãnh thổ ra trọng tài quốc tế: "Có lẽ Trung Quốc từ chối tham gia thủ tục phân xử của trọng tài quốc tế vì hiểu rõ rằng luật pháp quốc tế sẽ không ủng hộ nhiều yêu sách của nước này, đặc biệt là đòi hỏi về chủ quyền trên Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn. Do những tranh chấp có thể kéo dài trong thời gian tới, thậm chí cả thập kỷ, luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò đối trọng vững chắc chống lại việc sử dụng ‘luật rừng’ của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Tàu Trung Quốc ngăn cản tàu tiếp tế Philippines trên Biển Đông.
Trung Quốc hôm qua (12/6) mạnh miệng gọi vụ kiện của Philippines là “trò hề chính trị” và nhấn mạnh, tòa án quốc tế không có thẩm quyền trong vụ tranh chấp giữa hai nước.
Đây được xem là đòn phản pháo của Bắc Kinh trong một nỗ lực hiếm hoi nhằm biện minh cho các yêu sách bành trướng của họ ở Biển Đông. Theo đó, thông qua bài xã luận đăng tải trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã tuần trước, Trung Quốc còn đưa ra lời biện minh rằng, việc nước này không tham gia vụ kiện tụng về tranh chấp chủ quyền của Philippines lên Tòa án trọng tài La Haye không mang hàm ý “thách thức ai cả”.
Không những vậy, Trung Quốc không hổ thẹn mà kết luận một câu rằng: “Ngược lại, điều này còn cho thấy sự tôn trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc”, trích dẫn bài xã luận trên THX.
Ngoài ra, bài viết này còn trắng trợn nêu ra lý luận hết sức nực cười mà Trung Quốc tự mình nghĩ ra: “Đường chín đoạn, do chính phủ Trung Quốc tuyên bố hồi đầu năm 1947 và được ghi rõ ràng trong các tư liệu lịch sử, rõ ràng là một vấn đề liên quan tới chủ quyền và không bị chi phối bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Ngoài việc biện minh cho các hành động ngang ngược của mình ở Biển Đông, thông qua bài xã luận này, Trung Quốc cũng “chĩa mùi dùi” về phía Philippines. Họ tuyên bố rằng, Manila đang viện sự giúp đỡ của tòa án trọng tài quốc tế như một động thái chính trị ngay cả khi Philippines biết rằng, đó không phải là hành động có ý nghĩa về mặt pháp lý.
Vào tháng 3/2014, chính quyền Philippines đã gửi hồ sơ kiện dài gần 4.000 trang tài liệu lên Tòa án La Haye để chống lại các yêu sách bành trướng của Trung Quốc.
Ngày 21/5/2014, Trung Quốc đã gửi công hàm đến Tòa án trọng tài thường trực lặp lại quan điểm của nước này là họ “không chấp nhận vụ phân xử theo yêu cầu của Philippines, đồng thời “công hàm này sẽ không được xem là sự đồng ý tham gia thủ tục tố tụng của Trung Quốc".
Cho tới ngày 3/6, Tòa án trên đã ra hạn chót là ngày 15/12 để Bắc Kinh nộp bản phản bác lại các luận chứng của Manila. Sau đó, đại diện Trung Quốc khẳng định, họ sẽ không tham gia vụ kiện và mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán.
 06:13 13/06/2014
Thanh Nga (theo PS

Trung Quốc “chơi dao, đứt tay” trong tranh chấp Biển Đông

(ĐSPL) - Theo giới phân tích, việc Trung Quốc “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông quả là “canh bạc nguy hiểm” và là “con dao hai lưỡi” đối với Bắc Kinh.
Lo ngại các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, hôm 9/6, phó đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Vương Dân đã nộp cái gọi là thông báo lập trường về vụ giàn khoan 981 cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và yêu cầu nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc chuyển hồ sơ này cho tất cả các nước thành viên.
Trung Quốc “chơi dao, đứt tay” trong tranh chấp Biển Đông  - Ảnh 1

Phòng họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Theo Tân Hoa Xã, hồ sơ lập trường của Trung Quốc có kèm theo một số văn kiện để chứng minh điều mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các quần đảo và vùng biển có tranh chấp với Việt Nam, trong đó có thông cáo về lãnh hải mà Trung Quốc công bố năm 1958 và công hàm cùng năm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gởi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.
Về vấn đề này, trao đổi với đài BBC, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã - một nhà nghiên cứu Biển Đông - nói rằng những “chứng cứ” của Trung Quốc “không có giá trị pháp lý quốc tế”.
Phản bác lập luận của Trung Quốc nói rằng họ đã quản lý Hoàng Sa từ thời Bắc Tống, Tiến sĩ Nguyễn Nhã khẳng định: “Tất cả những gì mà Trung Quốc nói, nhất là sau 1974, là hoàn toàn mang tính cách suy diễn, không có sự thực lịch sử. Tôi là một người nghiên cứu lịch sử, theo luật pháp quốc tế cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phải là một sự chiếm hữu thực sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình. Theo tôi, suốt từ Chúa Nguyễn, Nhà Nguyễn cho tới thời kỳ Pháp thuộc, cho đến thời kỳ thống nhất, chưa có một chính quyền nào có trách nhiệm quản lý Hoàng Sa Trường Sa từ bỏ chủ quyền cả”.
Tiến sĩ  Nguyễn Nhã nói tiếp: “Hiệp định Geneva (năm 1954 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương) đã quy định rất rõ rằng Hoàng Sa và Trường thuộc chính quyền phía nam (Việt Nam) quản lý”. Trung Quốc là một bên ký Hiệp định Geneva, nên chỉ cần “sử dụng Hiệp định Geneva” để phản bác lập luận của Trung Quốc “là đủ".
Trước đó, Việt Nam cũng đã hai lần gởi hồ sơ cho Liên hợp quốc để tố cáo Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền khi đưa giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Hoài Trung đã lên tiếng đòi Trung Quốc di dời giàn khoan và hơn 100 chiếc tàu ra khỏi hiện trường để tạo điều kiện cho việc tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, đại sứ Lê Hoài Trung nói thêm rằng Bắc Kinh liên tục từ chối đối thoại và khăng khăng cho rằng vùng biển đặt giàn khoan “không hề có tranh chấp”.
Trung Quốc “chơi dao, đứt tay” trong tranh chấp Biển Đông  - Ảnh 2

Tàu Trung Quốc đâm tàu thực thi pháp luật Việt Nam ở gần nơi hạ đặt giàn khoan 981 trong vủng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Hôm thứ 3 (ngày 10 tháng 6), một ngày sau khi nhận hồ sơ của Trung Quốc, phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Durrajic nói với báo giới rằng LHQ sẵn sàng hòa giải vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Phát ngôn viên Stephane Durrajic cho biết Tổng thư ký LHQ  Ban Ki-moon sẵn sàng đứng ra làm trung gian điều giải nếu có sự yêu cầu của các bên liên hệ. Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc cũng bày tỏ hy vọng là vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo tạp chí The Diplomat ngày 10/6, xét theo bề ngoài thì việc Trung Quốc nêu ra vụ tranh chấp với Việt Nam tại Liên hợp quốc là một việc khó hiểu, vì lâu nay Bắc Kinh vẫn nhất mực đòi thương thuyết song phương với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không ngớt chỉ trích điều mà họ gọi là “âm mưu quốc tế hóa” vụ tranh chấp này. Nhưng thật ra, việc nộp hồ sơ lập trường cho Liên hợp quốc phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng của Trung Quốc trước việc các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của nước này trong tranh chấp Biển Đông.
Hồi tháng trước, sau khi xảy ra đối đầu vì vụ giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho biết Hà Nội đang xem xét những hành động pháp lý để chống lại những hành vi của Trung Quốc mà nhiều người cho là có tính chất gây hấn và gây mất ổn định ở Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng qua việc chủ động nêu vấn đề Biển Đông tại một tổ chức quốc tế và trình bày yêu sách chủ quyền của mình, Trung Quốc có thể đang tìm cách làm cho Việt Nam không thực hiện lời đe dọa mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra.
Philippines cũng đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc về Luật Biển, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Các nhà quan sát cho rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, quyết định đó có phần chắc sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của nhiều nước, - kể cả Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Trung Quốc “chơi dao, đứt tay” trong tranh chấp Biển Đông  - Ảnh 3

“Đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế.

Theo nhà bình luận Zachary Keck của tạp chí The Diplomat, chiến lược mới của Trung Quốc là một “canh bạc nguy hiểm” vì Trung Quốc đang “quốc tế hóa” vụ tranh chấp và nâng cao vị trí của luật pháp quốc tế làm  cơ sở cho các yêu sách chủ quyền và giải quyết tranh chấp. Ông Keck cho rằng “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế. Và do đó Trung Quốc sẽ gặp phải rủi ro là tạo ra một tiền lệ mà họ không muốn phải tôn trọng trong nhiều trường hợp tương tự.
Trong lúc Việt Nam và Trung Quốc đưa vụ đối đầu về giàn khoan 981 ra trước Liên hợp quốc, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương đã nhắc lại lập trường của Washington là không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp, tuy ông đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong việc củng cố yêu sách của mình. Ông Russel cũng khuyến khích Trung Quốc tham gia vụ kiện với Philippines tại Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc. Ông nói rằng đó là một cơ hội “để loại bỏ sự mơ hồ liên quan tới những yêu sách của Trung Quốc, những yêu sách đã góp phần làm gia tăng căng thẳng và bất trắc trong khu vực”. 

08:26 AM, 13-06-2014

Minh Đức

Việt Nam phải cách mạng để tồn tại


Phạm Trần (Danlambao) - “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...” là lời kinh sám hối của Tín đồ đạo Công giáo phải học thuộc từ khi biết đọc và hiểu Giáo lý của đạo.

Đem câu này áp dụng cho hoàn cảnh “trên đe dưới búa” cực kỳ nguy nan trước hiểm họa mất dần chủ quyền đất nước vào tay người Tầu phương bắc thì Việt Nam cần có Cách mạng để tồn tại. Nhưng trước khi có Cách mạng, người dân Việt Nam cần biết những nguyên nhân đưa đất nước đến hoàn cảnh bi đát ngày nay. Trước nhất, 3 nguyên Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh, nếu còn chút liêm sỉ là người Việt Nam và muốn không bị lịch sử lên án phản quốc, họ cần chứng minh mình vô tội trong các thỏa hiệp với Trung Cộng.

Chuyện Đỗ Mười 

Người đầu tiên là ông Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Bí thư đảng Khóa 7 của Cộng sản Việt Nam (CSVN). Ông là người, cùng với nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ấy là Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương đảng (1986-1997), đã tháp tùng Tổng Bí thư đảng Khóa 6 Nguyễn Văn Linh đi phó Hội nghị bí mật ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Cộng) trong hai ngày 03 và 04/09/1990. Phía Trung Cộng có Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch Nhà nước Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng.

Mục đích “lúc đầu”, theo Hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ thì Hội nghị Thành Đô nhằm vào hai vấn đề chính: Campuchia và vấn đề bình thường hòa quan hệ Việt-Trung.

Ngoài ra ông Nguyễn Văn Linh còn ôm mộng sang Thành Đô để “Tranh thủ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc, để bảo vệ Xã hội chủ nghĩa!”

Hồi ký Trần Quang Cơ thuật lại rằng chính ông Linh đã nói với Trương Đức Duy, Đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội, trong một cuộc gặp mặt giữa hai người hồi tháng 6/1990 rằng: “Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Việt Nam kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Những người cộng sản chân chính phải đoàn kết để bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đế quốc luôn tấn công vào chủ nghĩa xã hội. Chúng tuyên bố đến cuối thế kỷ này sẽ làm cho chủ nghĩa xã hôi biến mất.” 

Nhưng tại Thành Đô, phía Trung Cộng đã hoàn toàn chủ động và lái Việt Nam đi theo ý muốn của Bắc Kinh để ép phe Heng Samrin-Hun Sen thân Việt Nam phải chấp nhận giải pháp chính trị “hòa hợp dân tộc” với phe bại trận Khmer đỏ thân Trung Cộng, khi ấy đã phải dạt về biên giới Thái Lan.

Và đây cũng là cái giá Việt Nam phải trả để được bình thường hóa với Trung Cộng, sau 11 năm Trung Cộng đem 600,000 quân tấn công 6 Tỉnh Việt Nam dọc biên giới hai nước năm 1979.

Tuy nhiên, phe Heng Samrin - Hun Sen sau đó đã quay ra hận thù Việt Nam vì Hà Nội đã xen vào “chuyện nội bộ của người Campuchea”.

Ông Trần Quang Cơ viết về thất bại chính trị này của Việt Nam trong Hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ”“Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9.90 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, hiện tại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thỏa thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại thỏa thuận Thành Đô đã làm chậm việc giải quyết vấn đề Campuchia và do đó làm việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, uy tín quốc tế của ta bị hoen ố.”

Ông Cơ còn vạch trần “giấc mơ” hão huyền của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mong được hợp tác với Trung Cộng để bảo vệ Chủ nghĩa xã hội, sau khi khối Liên bang Sô viết tan rã:“Việc ta đề nghị hợp tác với Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc Mỹ, thực hiện “ giải pháp Đỏ ” ở Campuchia là không phù hợp với Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị mà còn gây khó khăn với ta trong việc đa dạng hóa quan hệ với các đối tượng khác như Mỹ, phương Tây, ASEAN, và tác động không thuận lợi đến quan hệ giữa ta và đồng minh, nhất là quan hệ với Liên Xô và Campuchia. 

Trung Quốc một mặt bác bỏ những đề nghị đó của ta, nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó chơi xấu ta với các nước khác nhằm tiếp tục cô lập ta, gây sức ép với ta và Campuchia.” 

Về chuyện này, ông Trần Quang Cơ còn bổ sung thêm phát biểu của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại phiên họp kiểm điểm của Bộ Chính trị, sau Hội nghị Thành Đô: “Liên Xô, Anh, Pháp, Nhật, Mỹ đều cho ta biết là Trung Quốc đã thông báo cho họ đầy đủ về Thỏa thuận Thành Đô và nói với họ là lãnh đạo Việt Nam không đáng tin cậy. Trung Quốc đã sử dụng Thành Đô để phá quan hệ của ta với các nước và chia rẽ nội bộ ta...” 

Ông Võ Văn Kiệt bổ túc thêm: “Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô (Phạm Văn Đồng) trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp anh Đặng (Đặng Tiểu Bình, người thực sự nắm quyền ở Trung Cộng thời gian này) thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”

Hồi ký của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ kết luận: “Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “ giải pháp Đỏ ”.

Ngoài những việc bất lợi về mặt ngoại giao cho Việt Nam của Hội nghị Thành Đô do ông Trần Quang Cơ tiết lộ, còn có Văn kiện chính trị quan trọng hơn được gọi là “Kỷ yếu của hội nghị” do chính Lý Bằng soạn để cho hai Tổng Bí thư và Thủ tướng hai nước cùng ký nhưng không được ông Cơ viết ra, có thể ông không được biết hay biết mà bị cấm.

Hai ông Linh và Đồng đã qua đời nên bây giờ chỉ còn lại ông Đỗ Mười là người biết rõ đầu đuôi câu chuyện ở Thành Đô, nhất là hai bên đã đồng ý với nhau và cam kết với nhau những gì trong “Kỷ yếu hội nghị” 1990.

Cho đến nay, 24 năm sau Hội nghị Thành Đô, cả hai nước Việt-Trung đều kín miệng về nội dung “Kỷ yếu hội nghị”, nhưng theo tiết lộ của Cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1987 thì phía Trung Cộng đã buộc Việt Nam không được nhắc đến 2 vấn đề gai góc có lợi cho Trung Cộng nhưng vô cùng tai hại và hiểm độc đối với Việt Nam, đó là: 1) Chuyện Hoàng Sa đã bị Trung Cộng chiếm của Việt Nam từ tháng 1/1974 và, 2) Cuộc chiến xâm lược của 600,000 quân Trung Cộng vào 6 tỉnh biên giới Việt Nam năm 1979

Riêng chuyện quân Trung Cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma và 7 bãi đá ngầm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa năm 1988 dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười thì cho đến nay, Việt Nam không dám đánh đuổi quân xâm lược mà còn đang “sống chung hòa bình” ở đó như không có chuyện gì xảy ra, dù rằng 64 lính của quân đội Việt Nam đã bị quân Trung Cộng giết chết trong cuộc chiến 1988.

Bây giờ thì lịch sử Biển Đông đã rẽ sang khúc quanh mới có lợi cho Trung Cộng khi Bắc Kinh “tự do” đặt giàn khoan tìm kiếm dầu Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 02/05/2014. Trung Cộng cũng đang có kế họach xây dựng một “căn cứ hải-không quân” nổi ở Trường Sa để xác nhận chủ quyền và khống chế Việt Nam và các nước có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh.

Như vậy, nếu ông Đỗ Mười còn là người Việt Nam yêu nước và không muốn tên mình bị lịch sử bôi đen thì hãy can đảm xác quyết với nhân dân có hay không chuyện ông đã cùng với ông Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng cam kết với hai lãnh đạo Trung Cộng, Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng tại Hội nghị Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990 rằng Việt Nam sẽ “không bao giờ nhắc đến chuyện Hoàng Sa 1974 và cuộc chiến tranh biên giới 1979”?

Trong khi chờ đợi câu trả lời, và có thể chẳng bao giờ có, của ông thì ông Đỗ Mười và tất cả lãnh đạo của đảng CSVN cần đọc lại đoạn dưới đây trong Hồi ký lịch sử của ông Trần Quang Cơ:

“Ngày 5-10/11/91, sau khi Hiệp định về Campuchia được ký kết ở Paris, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để hoàn thành việc bình thường hóa mối quan hệ bị trục trặc lớn từ tháng 2/79.

Nhưng trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc “bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc” thì họ đã xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đầu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau). 

Trung Quốc nói thế song luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta.”

Bộ ba Phiêu-Mạnh-Trọng

Trong trường hợp của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì ông chỉ cần trả lời với nhân dân xem ông có nhượng đất và nhượng biển cho Trung Cộng khi ký hai Hiệp định “Phân định biên giới trên đất liền” và “Phân định vịnh Bắc Bộ” trong hai năm 1999 và năm 2000? 

Mục Nam Quan đã mất, 2/3 Thác Bản Giốc đẹp nhất và một phần Vịnh Bắc Bộ đã thuộc về Trung Cộng có phải là bằng chứng không?

Ông Phiêu cũng cần cho dân biết có bao nhiêu cây số vuông, kể cả điểm cao 1509, hay núi Lão Sơn thuộc tỉnh Hà Giang (tên cũ là Hà Tuyên) đã nằm gọn trong tay Trung Cộng sau cuộc chiến Biên giới thứ hai từ tháng 4 năm 1984 đến tận năm 1990? 

Đối với nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thì điều quan trọng nhất là tại sao ông đã “tự ý ký thỏa hiệp để cho Trung Cộng vào khai thác Bauxite ở vùng đất chiến lược Tây Nguyên” để bây giờ chịu thua lỗ không gỡ ra được mà còn nguy hiểm cho an ninh quốc gia? 

Ông Mạnh cũng cần phải trả lời thắc mắc tại sao ông đã để cho 90% dự án kinh tế chiến lược lọt vào các Công ty Trung Cộng và không ngăn cản các địa phương cho người Tầu thuê đất trồng rừng và xây dựng cơ sở dọc theo duyên hải trong hàng chục năm khi ông tại chức trong hai khóa đảng từ 2001 đến 2011? 

Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người kế vị ông Mạnh từ tháng 01/2011 cũng phải giải thích với lịch sử tại sao ông đã ra lệnh cho Công an ngăn cản, bắt giam và đàn áp thô bạo những người dân biểu tình chống Trung Cộng xâm chiếm biển đảo và giết hại ngư dân Việt Nam ở Biển Đông từ năm 2011 đến nay. 

Ông Trọng cũng có trách nhiệm đã để cho Thương lái Trung Cộng tự do hoành hành và phá hoại kinh tế Việt Nam; để cho hàng hóa Trung Cộng tự do nhập lậu vào thị trường để giết các doanh nghiệp trong nước và để cho các Công ty Trung Cộng tự do đem hàng nghìn lao động phổ thông vào Việt Nam cướp việc của dân Việt? 

Ông cũng cần cho dân biết tại sao Nhà nước đã dành nhiều đặc quyền, đặc lợi cho Công ty Trung Cộng trúng thầu các dự án kinh tế quan trọng; cho các doanh nghiệp Tầu Bắc Kinh thuê đất từ 50 đến 70 năm tại các địa điểm chiến lược như Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Cửa Việt (Quảng Trị)? 

Song song với kế họach “mở rộng lãnh thổ cho Tầu vào nhà”, ông Tổng Bí thư đảng CSVN còn để cho hàng chục nghìn dân Tầu nhập cư bất hợp pháp và lập các khu phố, vùng dân cư xen kẽ với xóm làng và thành phố Việt Nam từ Nam ra Bắc? 

Ngoài ra, trong cương vị “lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội”, ông còn cấm không cho dân và cựu chiến binh tổ chức truy điệu và tưởng niệm những chiến sỹ và đồng bào Việt Nam đã hy sinh trong 3 cuộc chiến chống quân Trung Cộng xâm lược tiêu biểu nhất trong Thế kỷ 20 tại Hoàng Sa (1974), Cuộc chiến biên giới 1979 và trận Trường Sa năm 1988? 

Rồi ông cũng hành động đầy nghi ngờ khi bác yêu cầu của Quốc hội muốn Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông. Giữa lúc Trung Cộng tuyên bố thành lập Thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa, Trung Sa (bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Phi Luật Tân) và Trường Sa năm 2012 và nhiều ngư dân Việt Nam bị lính Trung Cộng giả dạng Hải giám, Kiểm ngư đánh đập tàn nhẫn, thuyền cá bị tấn công và cướp đi tài sản và ngư cụ thì ông Trọng bảo “tình hình Biển Đông không có gì mới”!

Lê Đức Anh 

Cuối cùng là Đại tướng Lê Đức Anh cũng có bổn phận phải bạch hóa “hồ sơ thân Trung Cộng” của ông khi giữ Bộ trưởng Quốc Phòng trong giai đoạn 16/02/1987 – 10 tháng 08/1991 và Chủ tịch Nước từ 23/09/ đến 24/09/ năm 1997.

Hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã nói rất rõ vai trò “khuynh loát” và “đi đêm” với các sứ giả Trung Cộng của ông khi Việt Nam bị Trung Cộng ép tham gia vào“giải pháp Đỏ” để tìm giải pháp chính trị cho Campuchea.

“Giải pháp Đỏ” là kế hoạch chính trị của Trung Cộng nhằm tạo thế “liên hiệp bình đẳng” cho phe Khmer đỏ (thân Bắc Kinh) tại bàn hội nghị với phe Heng Samrin-Husen (thân Việt Nam) để thành lập Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia (Supreme National Council, SNC), sau khi Việt Nam hoàn tất rút quân khỏi chiến trường Campuchea năm 1989.

Ông Lê Đức Anh đã sát cánh với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười làm theo ý muốn của Trung Cộng để, một mặt bảo đảm thế chính trị cho Khmer đỏ sau khi đã “bằng lòng không lập lại vấn đề “tội diệt chủng giết trên 1 triệu người Campuchea” của Khmer đỏ và mặt khác giúp Trung Cộng duy trì “ảnh hưởng của họ ở Campuchea”. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó thì giải pháp này bất lợi cho cả Việt Nam lẫn phe Heng Sanrin-Hun Sen nên Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ quyết liệt chống đối nhưng bất thành vì có bàn tay của Lê Đức Anh thúc sau lưng hai ông Linh và Mười.

Vì lập trường “chống giải pháp Đỏ” của Trung Cộng mà Ngoại trượng Nguyễn Cơ Thạch không được tham dự Hội nghị Thành Đô. Và cũng tại Thành Đô, phía Trung Cộng đã công khai yêu cầu phía Việt Nam loại ông Thạch ra khỏi Bộ Chính trị và Bộ Ngoại giao, theo nhiều bài viết không hề bị cải chính của một số cựu viên chức cao cấp đảng, trong đó có Cụ nguyên đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh. 

Quả nhiên tại Đại hội đảng kỳ VII tháng 6/1991, ông Nguyễn Cơ Thạch đã bị phe Nguyễn Văn Linh-Đỗ Mười-Lê Đức Anh loại ra khỏi Bộ Chính trị và mất luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao, theo yêu cầu của Trung Cộng!

Sau khi thay Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười đã mau mắn chứng minh sự “tuân phục Bắc Kinh” của mình, theo Hồi ký của ông Trần Quang Cơ ghi lại: “Ngày 9/7/91, vừa được bầu làm Tổng bí thư, Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy tỏ ý muốn cử Đặc phái viên đi Bắc Kinh để thông báo về Đại hội VII và trao đổi về quan hệ giữa hai nước.

Trước đó ít ngày - ngày 11/6/91 - Bộ Ngoại giao ta cũng đã gặp đại sứ Trung Quốc đề nghị mở lại đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước.

Ngày 17/7, Trung Quốc trả lời đồng ý gặp cấp Thứ trưởng ở Bắc Kinh từ 5/8 đến 10/8.

Hai ngày sau, Trung Quốc trả lời đồng ý việc ta cử Đặc phái viên gặp lãnh đạo Trung Quốc, nhưng lại sắp xếp cuộc gặp Đặc phái viên Đảng trước cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao...

Việc làm trên cho thấy một mặt Trung Quốc muốn gặp ta ở cả hai cấp, mặt khác muốn dùng những thỏa thuận với cấp Đặc phái viên để ép ta trong cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Để đề cao công việc này, phía Trung Quốc đã đề nghị thay chữ “Đặc phái viên” thành “đoàn Đại diện đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” tuy Đoàn chỉ có 2 thành viên là Lê Đức Anh và Hồng Hà.

Hồng Hà lúc đó là Bí thư Trung ương, phụ trách đối ngoại. Phụ tá đoàn là Trịnh Ngọc Thái, phó ban Đối ngoại của Đảng. Tôi nhớ khi đó Bộ Ngoại giao có đề nghị có một Thứ trưởng Ngoại giao là ủy viên Trung ương đi với đoàn để nắm tình hình vận dụng vào cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao ngay sau đó, nhưng đề nghị không được chấp nhận. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Nghiêm Hoành cũng không được tham dự các hoạt động của đoàn, trong khi đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Trương Đức Duy lại có mặt trong mọi hoạt động chính thức của đoàn tại Trung Quốc.”

Thế rồi chuyện “hạ mình xin lỗi” Trung Cộng của Lê Đức Anh đã diễn ra, theo ông Trần Quang Cơ kể tiếp: “Ngày 28/7/91, đoàn đã đến Bắc Kinh và trong mấy ngày sau đó đã gặp Kiều Thạch, Lý Bằng, Giang Trạch Dân thông báo khá chi tiết về Đại hội VII. Thông báo cả những ý kiến khác nhau quá trình thảo luận, tranh luận và việc biểu quyết những vấn đề quan trọng trong Đại hội, và cơ cấu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương mới..., Giang Trạch Dân và Lý Bằng tỏ ra quan tâm đến việc Việt Nam sẽ có Ngoại trưởng mới (thay Nguyễn Cơ Thạch) trong kỳ họp Quốc hội tháng 8/91, Giang tỏ ý hài lòng: “Từ đáy lòng mình, tôi hết sức hoan nghênh kết quả Đại hội VII của các đồng chí Việt Nam”. 

Đặc biệt mặc dù chuyến đi có mục đích gặp lãnh đạo Trung Quốc thông báo về Đại hội VII và bàn quan hệ hai nước, nhưng Lê Đức Anh và Hồng Hà đã chủ động xin gặp Từ Đôn Tín tới 2 lần, chiều 29/7 và tối 31/7 để tạ lỗi (?).

Mở đầu cuộc gặp chiều 29/7, Lê Đức Anh đã nói:

“Năm ngoái khi đồng chí Từ Đôn Tín sang Việt Nam đã xảy ra một số trục trặc không hay lắm do phía chúng tôi gây ra (!) Đồng chí Nguyễn Văn Linh và chúng tôi khi biết việc này, chúng tôi không vui lắm. Hôm nay gặp đồng chí, tôi nói tình cảm của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và của tôi... Tình hình trục trặc trong quan hệ là một việc đau lòng, nhất là giữa những người cộng sản. Khúc nhạc cũ đã qua rồi, mong các đồng chí yên tâm”.

Chuyện “không hay ho lắm” hay “là một việc đau lòng” chính là cuộc va chạm bằng ngôn ngữ gay gắt mà trước khi bị mất chức, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã “dạy cho Đặc phái viên, Trưởng đoàn đàm phán Từ Đôn Chính một bài học” khi họ Từ sang Hà Nội ép ông Thạch chấp nhận “giải pháp Đỏ” ngồi lên đầu đồng minh Heng Samrin-Hunsen.

Như vậy thì chuyện lãnh đạo CSVN nào thân Tầu, ai qụy lụy Tầu và ai sẵn sàng thỏa hiệp với Bắc Kinh để được tại chức an thân đã rõ chưa, hay cần Trung Cộng đặt thêm vài chục giàn khoan cỡ HD-981 ở Trường Sa và Vịnh Bắc Bộ, hay cạnh đảo Lý Sơn, hoặc gần đảo Phú Quốc thì đảng CSVN mới “sáng mắt sáng lòng”? 

Và nếu tất cả các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng và Lê Đức Anh không trả lời được những thắc mắc trong bài này thì liệu Việt Nam có cần một Cuộc Cách Mạng để giữ nước?

(06/014)