Wednesday, September 19, 2018

Phó chủ tịch Hà Nội ‘kính cẩn’ thăm ‘nạn nhân’ sốc ma túy

Ông Ngô Văn Quý (đứng giữa), phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, thăm “nạn nhân” vụ sốc ma túy tại bệnh viện Bạch Mai. (Hình: InfoNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội tràn ngập lời đàm tiếu và chỉ trích ông Ngô Văn Quý, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, sau khi ông này đi thăm “nạn nhân” của vụ sốc ma túy tại bệnh viện Bạch Mai.
Trước đó, công luận rúng động về vụ bảy thanh niên từ 18 đến 29 tuổi, chết do bị “sốc thuốc” khi đến dự “lễ hội âm nhạc” tổ chức ở công viên nước Hồ Tây, thành phố Hà Nội, đêm 16 Tháng Chín, 2018.
Hàng chục người khác bị thương, hôn mê trong vụ này cũng do “sốc thuốc” đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện E, bệnh viện Bạch Mai.
Điều khiến dư luận hoang mang là ông Quý lại dẫn một bộ sậu đi thăm và tặng tiền cho những “nạn nhân” mà công an, y tế ở Hà Nội xác định “đều dương tính với ma túy.” Hình ảnh còn cho thấy ông Quý đứng chắp tay bên giường bệnh với vẻ “kính cẩn.”
Báo InfoNet hôm 19 Tháng Chín trích lời ông Quý: “Lãnh đạo Hà Nội đã đến thăm động viên các bác sĩ để làm sao cứu chữa giảm thiểu tối đa các ca tử vong mà các cháu ở đây tuổi còn rất trẻ. Còn nguyên nhân đã đến vụ việc và trách nhiệm đến đâu thì sau khi công an làm rõ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.”
Trước đó, báo này dẫn bình luận của “đại biểu Quốc Hội” Lưu Bình Nhưỡng về chuyến thăm của ông Quý: “Đã là người lãnh đạo thì người ta phải biết điểm nào là điểm quan tâm, cần ưu tiên. Tất cả chúng ta đều có những hoạt động như thế (thăm hỏi, chia sẻ), trong chính sách cũng có khái niệm ưu tiên, ưu đãi… Mình cũng phải có những điểm ưu tiên. Vấn đề là phải hết sức cân nhắc. Tôi cho rằng đây là một trong những sai lầm của quản lý.”
Trên mạng xã hội, nhiều blogger đưa suy đoán có thể trong số các “nạn nhân” có con của quan chức nên ông Quý mới phải đi thăm và thể hiện sự “kính cẩn” quá mức cần thiết.
Điều khiến dư luận càng bất bình là cùng thời điểm với vụ chết người vì “sốc thuốc” là vụ cháy gần bệnh viện Nhi Trung Ương thiêu rụi hàng chục căn nhà nhưng người ta không thấy lãnh đạo Hà Nội mau mắn đến thăm.
Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn, bình luận trên trang cá nhân: “Câu chuyện ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đi thăm và tặng phong bì cho mấy cháu chơi ma túy phải cấp cứu, phản ánh rất rõ trình độ nhận thức chính trị xã hội của các cán bộ cao cấp của chính quyền hiện nay. Với đội ngũ ấy thì bao giờ chúng ta mới sánh vai với các cường quốc năm châu? Hay cứ phải chấp nhận thân phận làm lao động chân tay thuê, làm gái mua vui cho cả cường quốc lẫn nhược quốc?”
Hồi cuối năm 2014, ông Ngô Văn Quý, khi đó còn làm giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội được báo InfoNet ghi nhận “có số phiếu tín nhiệm thấp nhất” trong đợt lấy phiếu tín nhiệm giới chức Hà Nội ở thời điểm đó.
Cũng cần nói thêm là “lễ hội âm nhạc” đêm 16 Tháng Chín được báo Zing dẫn lời nhân chứng kể rằng có bày bán công khai “bóng cười” ngay cạnh sân khấu. “Bóng cười” là chất gây nghiện thuộc nhóm tạo ảo giác khiến người dùng có thể bị nghiện.
Công an CSVN thống kê có khoảng 220,000 người nghiện ma túy tại Việt Nam với khoảng 1,600 người chết mỗi năm vì “sốc thuốc.” Chơi heroin và ma túy tổng hợp methamphetamine là các loại phổ biến. Tin tức nói rằng số người chơi ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Hàng chục cơ sở cai nghiện được dựng lên trên cả nước để nhốt các con nghiện qua các chương trình cai nghiện lao động cưỡng bách.
Con nghiện nhiều nơi từng nổi loạn và phá trại bỏ chạy vì bị đối xử khắc nghiệt. (T.K.)

‘52% doanh nghiệp xác nhận bôi trơn cán bộ thanh, kiểm tra’

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh. (Hình: Công Thương)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Có tới 52% doanh nghiệp thừa nhận chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra.”
Đó là lời kêu ca của trên 10,000 doanh nghiệp trên cả nước khi Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức khảo sát, và ông Trần Ngọc Liêm, phó giám đốc VCCI, được báo Đất Việt thuật lại lời tại buổi “tọa đàm” hôm 17 Tháng Chín, 2018, về hoạt động của các ông “thanh tra, kiểm tra” tại các cơ sở doanh nghiệp.
Tình trạng quan chức từ kiểm toán, môi trường đến thuế vụ và bất cứ cơ quan nào, từ địa phương đến trung ương, có quyền “nhòm ngó” đến các hoạt động của giới kinh doanh, tìm đủ mọi cách để moi tiền “bôi trơn” của họ, người ta thấy năm nào cũng được nêu ra nhưng đều giống như “nước đổ lá khoai.”
Lời kêu ca của ông Trần Ngọc Liêm được tường thuật chỉ bốn ngày sau khi ông Lê Minh Khái, tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Trong đó, ông Khái khoe “công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận,” theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 14 Tháng Chín.
Cách đây ba tháng, ngày 24 Tháng Năm, báo Pháp Luật TP.HCM viết rằng: “Dù tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, không đúng tinh thần Chỉ Thị 20 của thủ tướng nhưng các doanh nghiệp cũng không dám kêu vì sợ bị hành tiếp.”
Trước đó một năm, ngày 17 Tháng Năm, 2017, “khi ngỏ lời với cộng đồng doanh nhân trong hội nghị thủ tướng gặp doanh nghiệp, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ Chỉ Thị 20 mà ông vừa ký và thông báo rằng: ‘Chỉ thị này quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm.’” Báo Pháp Luật TP.HCM kể như vậy và cho biết, “Động thái đó của thủ tướng đã làm nức lòng hơn 1,000 doanh nhân có mặt.”
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24 Tháng Năm, 2018, thuật lại cho thấy “trong kết quả khảo sát năm 2017, đáng chú ý có hai doanh nghiệp tại Sài Gòn thì một doanh nghiệp bị thanh tra 10 lần, còn một doanh nghiệp khác bị thanh tra chín lần.”
Theo khảo sát của VCCI, một nguy cơ nữa với nhà kinh doanh trong “hàng rừng các quy định” là doanh nghiệp càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro. Ba cuộc điều tra quy mô lớn của VCCI tiến hành năm 2015 trên cả nước vừa rồi vẫn tiếp tục cho thấy thực trạng không thay đổi: “Các doanh nghiệp lớn bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.”
Ở giữa nhiệm kỳ thứ nhất trên cái ghế tổng bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng “chia sẻ sự sốt ruột với cử tri quận Ba Đình về tình hình tham nhũng” rằng ông “sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng,” theo báo VietNamNet tường thuật ngày 27 Tháng Chín, 2013.
Báo VietNamNet viết thêm rằng, theo ông Trọng, phải chống nhiều thứ như lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái và cả tham nhũng nhỏ. “Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu,” báo này cho hay.
Bây giờ, năm năm sau, tuy người ta thấy một vài vụ án bỏ tù quan chức tham nhũng được báo chí trong nước tường thuật vẫn chỉ như “gãi ghẻ.” Con số 52% doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho các quan chức thanh tra kiểm tra chắc gì đã chỉ có vậy.
Trong khóa họp cuối năm ngoái, bà Trần Thị Nga, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội CSVN, phàn nàn về dự luật sử đổi “Luật Phòng Chống Tham Nhũng” là “tù mù” và “luẩn quẩn, nửa vời,” báo Thanh Niên ngày 9 Tháng Mười Một, 2017, kể lại. (TN)

Nhiều người ‘tố’ Facebook Việt Nam ‘gỡ tài khoản thiếu minh bạch’

Facebooker Lã Việt Dũng cho coi bức thư gửi ông Mark Zuckerberg, tổng giám đốc Facebook, ngày 9 Tháng Tư, 2018, để nghị “xem lại cách hành xử mạnh tay của Facebook có thể đang bóp nghẹt tiếng nói của giới hoạt động nhân quyền và các phóng viên độc lập tại Việt Nam.” (Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Những tháng gần đây, một số Facebooker nổi tiếng đã đưa cáo buộc họ bị Facebook Việt Nam gỡ tài khoản “thiếu minh bạch” theo “thỏa hiệp với nhà cầm quyền CSVN.” Họ đưa ra chứng cứ và quy trách nhiệm vụ này cho bà Lê Diệp Kiều Trang, giám đốc Facebook Việt Nam.
Mới nhất là trường hợp của nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn và nhà báo Trương Châu Hữu Danh.
Ông Tuấn là người được cộng đồng mạng biết đến với hoạt động truyền thông vụ xung đột đất đai ở Đồng Tâm, vụ Formosa… và gần đây có nhiều post phản đối Luật An Ninh Mạng và dự luật Đặc Khu.
Trong một post hôm 19 Tháng Chín, 2018, trên tài khoản mới lập (Tuan Nguyen), ông Tuấn cáo buộc tài khoản Facebook cũ của ông (Nguyen Anh Tuan) bị hacker tấn công bằng cách báo cáo bản quyền đối với bức ảnh do chính ông chụp.
Ông Tuấn viết: “Facebook đã phê duyệt khiếu nại, xóa bài post đi kèm, khóa chức năng post bài và cảnh báo sẽ xóa tài khoản của tôi vĩnh viễn nếu ‘tái phạm.’ Tệ hơn, Facebook còn thông báo rằng họ không ở vào vị trí phân xử và đề nghị tôi liên hệ trực tiếp để dàn xếp với bên khiếu nại. Không gì lố bịch hơn lời đề nghị này khi mà kẻ khiếu nại chẳng ngần ngại thể hiện mình là hacker thông qua việc sử dụng email checkpass.pgk05@gmail.com (cho những ai không rành, check pass là từ lóng mà giới hacker/tricker hay dùng chỉ việc hack tài khoản).”
“Trao đổi với một trong những tổ chức hàng đầu trợ giúp nhà hoạt động trên không gian mạng xã hội, tôi được biết rằng ngoài Việt Nam ra không có nơi nào lợi dụng chính sách ưu tiên của Facebook về quyền riêng tư và sở hữu trí tuệ để tấn công tài khoản người hoạt động một cách hệ thống như thế này. Tổ chức này cũng cho biết thêm là họ có kế hoạch đưa vấn đề lên tầm chính sách với Facebook khi mà thời gian gần đây nhận được nhiều báo cáo về việc tài khoản người hoạt động ở Việt Nam bị xóa bài hoặc khóa đăng bài. Trường hợp của tôi có thể được đưa ra như một ví dụ,” ông Tuấn viết thêm.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cáo buộc tài khoản Facebook của ông bị hacker tấn công. (Hình chụp màn hình)
Cùng thời điểm, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, công tác ở báo Làng Mới và được biết đến với phong trào trả tiền lẻ qua các trạm BOT hồi năm ngoái, cũng tức giận vì bị mất tài khoản Facebook.
Ông Danh nay mở tài khoản “Nhà Báo Hữu Danh” và viết trên trang cá nhân: “Gần đây Facebook tại Việt Nam đang bị biến tướng và buộc phải theo các tiêu chuẩn xa lạ so với quốc tế. Nhiều tài khoản có tiếng nói nhất định bị tấn công liên tục và bị Facebook Việt Nam vô hiệu hóa không thương tiếc. Trang cá nhân đứng tên tôi – Trương Châu Hữu Danh, cũng bị vô hiệu hóa mà không rõ lý do.”
Ông Danh cũng tố cáo việc bà Lê Diệp Kiều Trang “xem Facebook là tài sản cá nhân khi tùy tiện gắn tick xanh cho tài khoản Facebook của doanh nhân Sonny Vũ (chồng bà Trang), dù ông này chỉ có khoảng 7,000 lượt follower và không phải là một blogger nổi tiếng.
Trước hai trường hợp nêu trên, bà Lê Hoài Anh, một doanh nhân ở Hà Nội được nhiều người biết trên Facebook, viết trên trang cá nhân: “Các bạn giải thích cho tôi với nhé có phải là tình cờ không khi Facebook của tôi và hàng loạt những người có ảnh hưởng (trên 100,000 lượt follower) thường viết, phản ảnh những vấn đề nóng, lên án bất công xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chân lý và sự công bằng, phản ánh lợi ích nhóm, truyền thông bẩn lại đồng loạt bị (Facebook) bịt miệng, vô hiệu hóa tài khoản nhỉ?”
Trong một diễn biến khác, tại phiên điều trần hôm 5 Tháng Chín trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Hoa Kỳ, bà Sheryl Sandberg, nhân vật quyền lực số hai của Facebook, phát biểu: “Chúng tôi không đặt máy chủ ở Việt Nam và trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có những mối đe doạ nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, gồm cả thông tin về chính trị. Chúng tôi chỉ hoạt động ở những quốc gia mà chúng tôi có thể giữ được những giá trị của mình.”

Tuy vậy, nhiều blogger tại Việt Nam tỏ ra hoài nghi về phát ngôn này, vì báo VietnamNet hôm 14 Tháng Chín tường thuật: “Tại buổi trao đổi với lãnh đạo Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam, ông Simon Milner, phó chủ tịch về chính sách công tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Facebook cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam.” (T.K.)

‘Chấn chỉnh’ để công dân như mù, điếc, câm, bại liệt

Theo VOA-Trân Văn/20/09/2018 
Biếm họa "Dịch chuyển đám mây điện toán" được lan truyền trên Facebook trong thời gian Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.
Biếm họa "Dịch chuyển đám mây điện toán" được lan truyền trên Facebook trong thời gian Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.
Cuối cùng, ông Lê Hữu Vinh và vợ vẫn phải đến trụ sở công an xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa để “làm việc”làm việc vì liên quan đến “một số vấn đề về an ninh mạng, an ninh thông tin”...
Ngày 15 tháng 9, sau khi đi họp về chuyện học hành của con tại trường Mầm non Thọ Thanh, bà Lê Thị Mai – vợ ông Vinh – kể trên facebook rằng, Ban Giám hiệu trường này đưa ý định mua TV hiệu Panasonic loại 43 inches cho học sinh ra “hỏi ý kiến phụ huynh”. Vì giá TV là chín triệu/cái nên mỗi đứa trẻ phải đóng 220.000. Theo tính toán của trường thì dù phụ huynh phải đóng tới chừng đó nhưng vẫn chưa đủ tiền, thành ra Ban Giám hiệu sẽ bù số còn thiếu (khoảng 50%) – nghĩa là phụ huynh chỉ phải đóng một nửa, nửa còn lại Ban Giám hiệu sẽ “bù”.
Cứ như những gì bà Mai đã kể thì chẳng phải bà mà những phụ huynh khác cũng không tán thành. Trong số này có một phụ huynh chuyên kinh doanh đồ điện tử. Ông tình nguyện thay trường đứng ra mua TV, cũng hiệu Panasonic, cũng loại 43 inches nhưng giá chỉ có sáu triệu/cái. Với giá này, nếu Ban Giam hiệu vẫn bù 50% thì phụ huynh của mỗi đứa trẻ chỉ phải đóng 120.000 đồng. Tuy có thể mua TV với giá rẻ hơn, cả phụ huynh lẫn trường cùng phải bỏ ra ít tiền hơn nhưng đáng ngạc nhiên là Hiệu trưởng không đồng ý. Bà bảo nếu phụ huynh đứng ra mua TV thì trường sẽ rút lại ý định bù 50%. Thậm chí cuối năm, trường sẽ không tặng quà cho những đứa trẻ tốt nghiệp mầm non… (1)
Dẫu không bình luận, không chỉ trích, chỉ hỏi bạn bè xem họ thấy chuyện có “hợp lý không” nhưng ba ngày sau (18 tháng 9), Trưởng Công an xã Thọ Thanh vẫn gửi Giấy mời, buộc cả bà Mai lẫn chồng đến “làm việc” vào ngày 19 tháng 9…
Chuyện vợ chồng bà Mai bị mời “làm việc” được hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam chia sẻ, bình luận. Ngay cả hệ thống truyền thông của chính quyền cũng thấy kỳ quái.
Tờ Người Lao Động cử phóng viên phỏng vấn một số viên chức hữu trách. Ông Lê Hữu Việt, Trưởng Công an xã Thọ Thanh – người ký giấy mời – khẳng định, việc “mời” vợ chồng bà Mai đến làm việc là theo chỉ đạo của công an huyện. An ninh nhân dân của Công an huyện Thường Xuân sẽ “làm việc” với vợ chồng bà Mai tại trụ sở công an xã Thọ Thanh, chứ công an xã không dính dáng gì đến buổi “làm việc” này.
Phóng viên tờ Người Lao Động cũng đã phỏng vấn ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thường Xuân, ông Tuấn bảo rằng những phụ huynh bị công an huyện mời “làm việc” vì đưa “thông tin không đúng sự thật” lên facebook, bởi sau khi phụ huynh có ý kiến, Ban Giám hiệu trường Mầm non Thọ Thanh “đã dừng không thu tiền nữa”. Ông Tuấn nói thêm, nhằm trấn an công chúng rằng, công an huyện Thường Xuân chỉ muốn “chấn chỉnh một số bình luận không đúng thôi” (2).
Trên mạng xã hội, có rất nhiều “bình luận” của vô số facebooker ở rất nhiều những trang facebook khác nhau nêu ra những thắc mắc kiểu như: Chắc chắn Ban Giám hiệu trường Mần non Thọ Thanh sẽ không móc tiền trong túi của họ ra “bù”, thành ra khoản được gọi là “bù” ấy phải được lấy từ công quỹ. Ai sẽ hưởng khoản chênh lệch về giá giữa TV Ban Giám hiệu đứng ra mua với TV phụ huynh tình nguyện mua?.. Đặc biệt tai hại là chính các facebooker tố giác, Hiệu trưởng trường Mầm non Thọ Thanh là bà Hà Thị Tự, phu nhân của ông Đỗ Xuân Nam, Bí thư huyện Thường Xuân. Vợ chồng bà Mai uống mật gấu, dám vuốt râu hùm!..
***
Chỉ trong tháng này, ít nhất cũng đã có hai vụ phụ huynh của đám trẻ con đang học mẫu giáo và tiểu học bị lực lượng công an nhân dân mời “làm việc” vì dám kể chuyện, có ý kiến về lạm thu.
Hồi đầu tháng, tất cả những phụ huynh của học sinh trường Tiểu học Sơn Đồng, tọa lạc tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, dám bày ra trên facebook những khoản thu mà Ban Giám hiệu trường này bắt họ nộp (19 khoản, tổng cộng hơn tám triệu/học sinh), dám phân tích về sự phi lý của những khoản thu đó,… đều đã phải đến trụ sở công an xã Sơn Đồng (3). Nếu sự kiện không làm công chúng phẫn nộ, dư luận dậy lên thành bão trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ không có chuyện lãnh đạo chính quyền huyện Hoài Đức hứa trong tháng này, sẽ buộc Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hoài Đức kiểm điểm và “xử lý nghiêm hiệu trưởng”(4).
Có một điểm đáng chú ý là tại sao chỉ kể sự thật (thể hiện dân biết), nêu thắc mắc, nhận định, đề nghị (thực hiện dân bàn), cung cấp thêm thông tin – góp thêm ý kiến để giải quyết vấn đề (thực hiện dân làm, dân kiểm tra) về những vấn đề thuần túy là dân sinh (lạm thu trong giáo dục, khiến phụ huynh khốn khổ, trong nhiều trường hợp là lý do biến nhiều đứa trẻ trở thành thất học) mà vẫn bị công an nhân dân mời “làm việc”?
Nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cho rằng, những tờ giấy mời, buộc phải “làm việc” ấy là biểu hiện của tình trạng công an nhân dân lạm quyền. Tuy nhiên nếu xét thật kỹ thì đây là nhận định thuộc loại “thấy cây mà không thấy rừng”. Công an nhân dân các nơi, thuộc đủ mọi cấp không tùy tiện, lực lượng này đã được “quán triệt” kỹ lưỡng cả đường lối lẫn chủ trương và nôi dung Luật An ninh mạng chính là bằng chứng về nỗ lực luật hóa đường lối, chủ trương ấy.
Vài tháng nữa, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực (1 tháng 1 năm 2019), kể sự thật, nêu thắc mắc, nhận định, đề nghị, cung cấp thêm thông tin, góp thêm ý kiến về bát kỳ chuyện gì cũng có thể bị chế tài bằng tiền, bằng các biện pháp xử lý hành chính hay hình phạt tù. Luật An ninh mạng hỗ trợ diễn giải để thông tin, ý kiến kiểu nào cũng có thể quy chiếu thành sự xâm hại lợi ích không phải lợi ích của nhà nước thì cũng là lợi ích của tập thể, cá nhân. Thông tin, ý kiến kiểu nào cũng có dấu hiệu liên quan đến “an ninh mạng, an ninh thông tin” (5), cần điều tra. Nội dung Luật An ninh mạng cho thấy, nó là công cụ hữu hiệu để công dân Việt Nam phải giả mù, giả điếc, giả câm, tự biến mình thành bại liệt trước các vấn nạn kinh tế - xã hội – văn hóa – giáo dục – y tế,… nếu muốn được yên thân.
Không phải tự nhiên mà Luật An ninh mạng của Việt Nam gây ra sự lo ngại trên toàn cầu, bị chính phủ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế chuyên theo dõi - bảo vệ các quyền căn bản của con người chỉ trích kịch liệt. Tin mới nhất, 32 Nghị sĩ của Liên hiệp châu Âu (EU) vừa gửi thư ngỏ cho Đại diện cao cấp đặc trách Chính sách đối ngoại - An ninh của EU và Ủy viên Thương mại của EU đòi EU phải “minh định các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng” trước khi trình Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt (EVFTA) cho Nghị viện EU để cơ quan này xem xét, phê chuẩn. Nhóm nghị sĩ vừa kể liệt kê nhiều yêu cầu, trong đó xác định, Luật An ninh mạng là một trong những qui định pháp luật cần phải bãi bỏ và việc thực thi những yêu cầu mà họ liệt kê được xem như bằng chứng cho thấy Việt Nam thực tâm muốn cải thiện nhân quyền như đã từng cam kết với cộng đồng quốc tế (6).
Chú thích

Thêm một người "chống phá nhà nước Việt Nam’ nhận án tù nặng nề

VOA Tiếng Việt/19/09/2018 
Ông Đào Công Thực tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình hôm 19/9. Cựu giáo viên 58 tuổi bị kết án 14 năm tù với tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân."
Ông Đào Công Thực tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình hôm 19/9. Cựu giáo viên 58 tuổi bị kết án 14 năm tù với tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân."
Một nhà giáo về hưu bị tòa án Việt Nam tuyên 14 năm tù giam vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự hôm 19/9.
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết ông Đào Quang Thực, 58 tuổi, nhận bản án này tại phiên tòa sơ thẩm của tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình sau khi “thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.”
Mặc dù có sự thành khẩn của bị cáo, nhưng tòa án vẫn tuyên ông Thực, người được những người dùng mạng xã hội gọi là “nhà giáo yêu nước,” 14 năm tù và 5 năm quản chế tại địa phương vì xét thấy “hành vi phạm tội của Đào Quang Thực mang tính chất nghiêm trọng,” theo TTXVN.
Theo cáo trạng tuyên tại tòa, nhằm thực hiện hành vi hoạt động chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, ông Thực đã “sử dụng hai tài khoản Facebook và hộp thư điện tử để liên lạc, móc nối với các đối tượng phản động trong và ngoài nước; đồng thời đăng tải nhiều bài viết và bài chia sẻ, bình luận có nội dung phản động.”
Vẫn theo cáo trạng được TTXVN trích dẫn, ông Thực đã viết đơn xin gia nhập tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” là “một tổ chức phản động, khủng bố với tôn chỉ, mục đích là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng bạo động vũ trang.”
Trong các bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Thực phản đối Formosa trong vụ xả độc làm cá chết kéo dài dọc theo hàng trăm cây số bờ biển miền Trung và những tranh chấp về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông.
Khi được yêu cầu nói lời cuối cùng tại tòa ngày 19/9, ông Thực đã dõng dạc tuyên bố "Tôi đấu tranh cho tự do, dân chủ, và quyền con người cho đất nước tôi. Tôi đấu tranh cho đất nước tôi được sống trong môi trường trong lành ... Tôi không ân hận!," con gái ông Thực, Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, cho VOA biết.
“Họ cáo buộc bố tôi một cách vô lý với những chứng cứ không hợp lý và mơ hồ,” cô Trang nói và cho biết phiên tòa thiếu sự công bằng. “Họ nói xét xử công khai mà không một ai được phép lại gần phiên tòa và bên trong đều là người của họ.”
Cô Trang gọi phiên tòa xử bố cô là “một phiên tòa rừng rú.”
Ông Thực là người mới nhất bị chính quyền Việt Nam kết án tù nặng nề với cáo buộc có âm mưu “lật đổ chính quyền” theo điều 79 BLHS.
Trong hơn một năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam liên tiếp ra những bản án nặng nề tổng cộng lên đến trên 220 năm tù đối với khoảng 20 người đấu tranh vì dân chủ, theo nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng nói với VOA hôm 17/9 sau khi một nhóm nghị sỹ Liên minh châu Âu gửi một bức thư chung đến hai lãnh đạo khối đề nghị họ “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam” trước khi phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).


Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết có ít nhất 97 nhà hoạt động hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam, nơi truyền thông độc lập và các cuộc biểu tình nơi công cộng bị nhà nước cấ​m.

Người Việt bị buôn sang Scotland: Nạn nhân hay tội phạm?

 Theo VOA-20/09/2018 
Tư liệu: Trẻ Việt Nam bị buôn sang Edinburgh - Screenshot from Scotsman.com
Tư liệu: Trẻ Việt Nam bị buôn sang Edinburgh - Screenshot from Scotsman.com
Cảnh sát Scotland đang tìm cách trấn dẹp các hoạt động buôn người đàng sau nạn nô lệ mới mà nạn nhân là những người Việt đã bỏ tiền ra để được đưa sang Châu Âu để đến đích cuối cùng là vương quốc Anh, với hy vọng tìm được một việc làm có mức lương khá, chỉ để trở thành những nạn nhân bị khai thác sức lao động hoặc bị lạm dụng.
Đeo đuổi giấc mơ đổi đời, nhiều người trẻ tuổi từ Việt Nam đã thực hiện những cuộc hành trình đầy gian nan đi qua các nước Đông Âu rồi Tây Âu, để cuối cùng tới được Scotland.
Theo bản tin của Reuters, đối với nhiều người thực tế lại vô cùng phũ phàng. Rất nhiều người Việt tới Scotland theo cách này bị khai thác sức lao động tại các trại trồng cần sa hoặc các tiệm làm móng tay, có người đã trở thành những nô lệ tình dục tại đất nước họ từng hy vọng có thể mưu tìm một cuộc sống tử tế.
Những người Việt này nằm trong số 40 triệu người đã trở thành những con mồi của một kỹ nghệ toàn cầu mang về món lợi khổng lồ ước lượng 150 tỉ đôla hàng năm cho những kẻ buôn người,
Trong khi nhiều người bị khai thác sức lao động một cách công khai, bán dâm trên các đường phố hoặc lao động trong các cửa tiệm làm móng, cảnh sát Scotland gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực chống lại các hoạt động buôn người bởi vì rất ít người Việt chịu xuất đầu lộ diện, công khai nói về tình cảnh bi đát của mình.
Thanh tra Brian Gallagher nói: “Rất khó lấy được niềm tin của các nạn nhân để có một bức tranh toàn cảnh, bởi họ rất sợ cảnh sát. Rất khó thâm nhập vào các cộng đồng người Việt cư ngụ tại các thị trấn và thành phố của chúng ta. Đó chính là tình huống mà những kẻ buôn người khuyến khích.”
Phát biểu tại trụ sở chính của đơn vị chống buôn người ở Glasgow, Thanh tra Gallagher cho rằng điều cần làm là nâng cao nhận thức của các nhân viên công lực để họ nhận biết hành vi tội phạm bên dưới những hoạt động binh thường, hoặc đàng sau những cánh cửa đóng kín, và những tội ác được che đậy bên dưới các tội hình sự khác.
Trong năm 2017 có tất cả 213 ca tình nghi là buôn người. Con số này đã tăng so với 150 ca hồi năm 2016. Phân nửa các nạn nhân đến từ Việt Nam.
Hoạt động buôn người
Hoạt động buôn người
Các nhóm tội phạm quảng cáo vương quốc Anh là “vùng đất hứa” đối với nhiều người Việt, khiến nhiều người thực hiện những cuộc hành trình gian nan kéo dài nhiều tháng trời, có lúc phải đi bộ hàng ngàn dặm, có lúc lên tàu hay xe tải để tới điểm đến cuối cùng.
Miền Bắc nước Pháp vẫn là một cửa ngõ quan trong cho những người Việt Nam muốn tới vương quốc Anh, bất chấp một chiến dịch càn quét người di dân và những kẻ buôn người quanh cảng Calais. Nhiều người di chuyển tới miền Bắc, vượt ranh giới vào Scotland, nhưng theo các giới chức ở đây, một số phụ nữ Việt Nam đã tới Anh qua ngã Scandinavia và Bắc Ireland, trong khi cảnh sát dự kiến có những dường mới xuất hiện giữa lúc những kẻ buôn người tìm những phương thức mới để tránh lưới công lý.
Bà Mimi Vũ thuộc Quỹ Liên kết Thái Bình Dương (Pacific Links Foundation), một tổ chức chống buôn người, nói bất kể bao nhiều khó khăn trước mắt, hoặc đã được cảnh báo bao nhiêu lần, sức hấp dẫn của cuộc sống tốt đẹp bên trời Tây là một nam châm thu hút rất nhiều người trẻ tuổi Việt Nam.
Bà Mimi Vũ bỏ rất nhiều thời giờ ra làm việc để nâng cao nhận thức ngay tại Việt Nam, địa điểm xuất phát.
“Rất khó có thể phản bác câu chuyện do những kẻ buôn người thêu dệt. Một bên là lời hứa hẹn đối với những người ra đi rằng họ “sẽ tìm được hũ vàng” đang chờ họ ở vương quốc Anh, so với những lời cảnh báo của chúng tôi, coi chừng bị lạm dụng hoặc kẻ xấu bắt làm nô lệ.”
Mimi Vũ nói khuyến cáo người Việt ở trong nước về những tình cảm chống di dân đang gia tăng ở nước Anh, và về tình trạng bất định xoay quanh Brexit, nước Anh rời khỏi EU, cho tới nay vẫn tỏ ra vô hiệu quả.
Các tổ chức từ thiện nói những lo sợ sẽ bị bắt và trục xuất về nước, hoặc sợ thân nhân ở Việt Nam bị những kẻ buôn người trả thù, đã khiến nhiều “nô lệ mới” người Việt cam chịu cuộc sống nô lệ trong bóng tối.
Hãng tin Reuters trích dẫn thông tin của chính phủ Anh tường thuật rằng rất nhiều trẻ nô lệ người Việt trên khắp nước Anh bị bác đơn xin tị nạn khi bước sang tuổi 18. Trong năm 2017 có khoảng 50 trường hợp so với tổng cộng 54 người trong 3 năm từ 2014 tới 2016.
Theo các luật sư, nhiều thanh niên bị trục xuất sau khi thọ án tù về những tội mà họ bị ép buộc phải làm trong thời gian bị các tổ chức tội phạm giam giữ, như tội liên quan tới ma túy vì đã từng làm việc trong các trại trồng cần sa.
“Nhiều nạn nhân trẻ tuổi người Việt bị coi như những tội phạm thay vì là nạn nhân của một tội ác.”
Bà Debbie Beadle thuộc tổ chức từ thiện ECPAT UK
Bà Debbie Beadle, Giám Đốc chương trình tại tổ chức từ thiện chống buôn người ECPAT UK nói:
“Nhiều nạn nhân trẻ tuổi người Việt bị coi như những tội phạm thay vì là nạn nhân của một tội ác.”
Trong một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện hồi năm ngoái, phân nửa người dân Scotland không tin nạn buôn người là một vấn đề tại Scotland, bất chấp nạn buôn người diễn ra tại 27 địa điểm trong tất cả 32 địa phương ở Scotland.
Tuy vậy tội ác liên quan tới buôn người đang phát triển và biến đổi trên khắp nước Anh với tổng cộng 136,000 nô lệ mới, dựa trên Chỉ số Nô lệ Toàn cầu của tổ chức nhân quyền Walk Free Foundation. Con số này cao gấp 10 lần so với con số ước lượng do chính phủ đưa ra vào năm 2013.

Chuyện thịt chó, mèo ở Việt Nam lên Quốc hội Mỹ

Theo VOA-Viễn Đông/19/09/2018 
Các nhà hoạt động vì quyền động vật châu Á phản đối việc giết mổ và bán thịt chó.
Các nhà hoạt động vì quyền động vật châu Á phản đối việc giết mổ và bán thịt chó.
Hạ viện Mỹ mới thông qua một nghị quyết, kêu gọi Việt Nam “thực thi các luật lệ cấm buôn bán thịt chó, mèo”, giữa lúc vấn đề này đang “nóng” ở trong nước.
Ngoài Việt Nam, Nghị quyết 401 còn thúc giục các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào và Ấn Độ cũng có hành động tương tự.
Một góc trụ sở Quốc hội Mỹ.
Một góc trụ sở Quốc hội Mỹ.
Văn bản này còn khẳng định “cam kết của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ động vật và thúc đẩy nỗ lực này trên toàn thế giới”.
Nghị quyết thông qua ngày 12/9 cũng kêu gọi các quan chức nhánh hành pháp Mỹ “đưa vấn đề buôn bán thịt chó, mèo vào chương trình nghị sự" khi gặp gỡ quan chức các nước cho phép ăn loài động vật này.
Các nhà lập pháp Mỹ trích số liệu của các tổ chức thúc đẩy quyền của động vật như Humane Society International nói rằng “ước tính khoảng 200 nghìn con chó đã bị đưa lậu từ Thái Lan sang Việt Nam mỗi năm”, và món thịt mèo mà “người địa phương gọi là thịt ‘tiểu hổ’ vẫn xuất hiện nhiều trong các nhà hàng đặc sản”.
No media source currently available
0:000:01:390:00
 Đường dẫn trực tiếp 
Quan chức thành phố Hà Nội mới đây đã đề xuất “cấm bán thịt chó ở các quận nội thành vào năm 2021”.
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International, nói với VOA Việt Ngữ rằng đó là bước đi “sáng suốt”.
Tuy nhiên, bà cho rằng chính quyền thủ đô “mới đề cập đến việc cấm này vì đó là hành động phản cảm, giảm đi hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại, nhưng chưa nói thêm về các hệ luỵ khác của việc giết mổ chó, mèo làm thịt” nên đã “làm nảy sinh các thảo luận sôi nổi trên các mạng xã hội những ngày gần đây”.
Chó được vận chuyển tới nơi giết mổ.
Chó được vận chuyển tới nơi giết mổ.
Giám đốc của tổ chức có trụ sở ở Mỹ nói rằng Hà Nội “cần nâng cao nhận thức cho người dân; đề cập đến vấn đề vận chuyển, giết mổ chó còn là nguyên nhân reo rắc bệnh dại; việc kiểm soát và vận chuyển chó còn chưa thực hiện triệt để dẫn đến các hệ luỵ như nạn trộm chó”.
Bà Phượng nhận xét rằng chính quyền “đã cân nhắc để những người kinh doanh các dịch vụ liên quan có đủ thời gian chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang một công việc khác”.
Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International cho rằng “tự người dân Việt Nam cũng sớm nhận ra vấn đề và chuyển đổi dần thói quen ăn thịt chó, chứ không hẳn vì việc Hạ viện Hoà Kỳ ra nghị quyết không ràng buộc, thúc giục Việt Nam phải thay đổi việc này”.
Thịt chó được bày bán ở Việt Nam.
Thịt chó được bày bán ở Việt Nam.
Theo nghị quyết được các dân biểu Mỹ, trong đó có nhiều người quan tâm tới các vấn đề Việt Nam, bảo trợ, nhiều tổ chức ước tính rằng “khoảng 30 triệu con chó và 10 triệu con mèo bị giết lấy thịt mỗi năm ở châu Á”.
Các nhà lập pháp Mỹ nói rằng hiện “có ít bằng chứng khoa học để củng cố quan niệm truyền thống về công dụng của thịt chó đối với sức khỏe”.
Nghị quyết cũng cho rằng việc chó mèo “bị nhốt trong các lồng chật chội không được ăn uống khi được vận chuyển tới các lò mổ” đã “vi phạm các đạo luật chống lại việc đối xử tệ hại với động vật” của Mỹ.
Các loài gia súc gia cầm khác như gà, lợn, bò đã được nuôi công nghiệp và đáp ứng đủ không nói là dư thừa và đa dạng nguồn cung protein cho người dân, cả thành phố lẫn nông thôn. Lựa chọn ăn thịt các loài đã được thuần nuôi, dinh dưỡng đủ, có quy trình kiểm dịch từ chăn nuôi, giết mổ, cung ứng ra thị trường, chắc chắn sẽ là lựa chọn sáng suốt hơn cho người tiêu dùng.
Bà Thẩm Hồng Phượng nói.
Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International nhận định rằng việc giết mổ chó, loài động vật bà cho là “thông minh và gần gũi với con người” ở Việt Nam “chưa nhân đạo”.
“Các loài gia súc gia cầm khác như gà, lợn, bò đã được nuôi công nghiệp và đáp ứng đủ, không nói là dư thừa, và đa dạng nguồn cung protein cho người dân, cả thành phố lẫn nông thôn. Lựa chọn ăn thịt các loài đã được thuần nuôi, dinh dưỡng đủ, có quy trình kiểm dịch từ chăn nuôi, giết mổ, cung ứng ra thị trường, chắc chắn sẽ là lựa chọn sáng suốt hơn cho người tiêu dùng”, bà Phượng nói.
Trong một diễn biến liên quan, Hạ viện Mỹ hôm 12/9 cũng thông qua một dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo ở Hoa Kỳ và những ai vi phạm sẽ bị phạt lên tới 5 nghìn đôla. Trước đó, tin cho hay, việc này vẫn được coi là hợp pháp ở 44 tiểu bang tại Mỹ.
Dự luật do dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa từ biểu bang Florida, ông Vern Buchanan, đồng bảo trợ. Nhà lập pháp này nói rằng “chó và mèo đã làm bạn với hàng triệu người và không nên bị thịt để bán”.