Wednesday, February 15, 2017

Nhớ ngày 17 tháng 2, chưa làm được gì thì hãy nhắc nhở nhau!

Hà Sĩ Phu (Danlambao) - Trưa hôm nay, ngày 15 tháng 2-2017, một số bạn bè rủ nhau đến thăm tôi, phần vì tôi mới dọn sang chỗ ở mới, phần vì biết tin sức khỏe của tôi bỗng sa sút nhiều. Chuyện trò được một lúc, anh Huỳnh Nhật Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đột nhiên trầm giọng xuống: “Hai ngày nữa, các anh nhớ là ngày gì không?” Chúng tôi nhìn lên tờ lịch. Ừ quên sao được, hai hôm nữa là 17 tháng 2, kỷ niệm ngày mở đầu cuộc chiến biên giới đau thương và uất hận, Trung Cộng quyết “dạy ta một bài học” bằng cách băm chặt và thiêu cháy hàng trăm hàng ngàn dân và bộ đội ta ra tro, lấp vùi xuống hố, tiến sâu vào nội địa ta, uy hiếp trái tim Tổ quốc ta, khiến những người mê mẩn tình hữu nghị Cộng sản Việt-Trung bậc nhất cũng phút chốc bừng tỉnh để nhận ra gương mặt gớm ghiếc của “kẻ thù truyền kiếp”, thâm độc, nấp sau lưng những ào ảnh lừa mị mà đầu lĩnh hai bên đã dày công xây đắp để cho ta ngu dại tôn thờ.

Bài học đâu chỉ có thế? Bài học ấy còn có nghĩa là: Việt Nam là đứa con hoang, khôn hồn thì mau trở về với mẹ Bắc Kinh; chẳng những biên giới mà khắp giải chữ S và các hải đảo sẽ được nước mẹ dần dần thu phục bằng một quy trình tổng hợp với vô vàn phương thức vừa tinh vi vừa trắng trợn.

Nay theo dõi thời sự thấy quan hệ giữa giới cầm quyền của hai nước xâm lược và bị xâm lược vẫn cứ khăng khít, ngọt ngào (vị ngọt mặn như khi răng cắn vào môi tứa máu), đành nuốt vào lòng ư?

Sau những phút mạn đàm thời sự, anh Đoàn Nhật Hồng, người “đảng viên thời tiền khởi nghĩa” lâu nay cứ băn khoăn khổ sở về chi tiết lịch sử ấy của mình, đưa ra ý kiến: “Thôi không buồn nữa, chưa làm được gì thì ta ghi lại cái gì đó để nhắc nhở nhau chớ quên.” Anh Lĩnh, anh Tấn, và blogger Quang Nhàn tán thành ngay: Nhân tiện có mấy anh em ngồi với nhau ở đây, ta chụp một tấm hình kỷ niệm...

Nhưng phải có biểu tượng gì để ghi nhớ chứ? Khẩu hiệu, ừ khẩu hiệu gỉ đó, ngắn gọn thôi. Có ý kiến nêu về chiến tranh biên giới 1979, có ý kiến gắn với Hoàng-Trường sa, với Formosa, Bauxite... Tôi góp: Ta nên nói nét gì đó lâu dài và tổng quát thôi, như lời di chúc của Trần Nhân Tông là vừa mạnh mẽ vừa thấm thía. Mọi người nhất trí ngay, ngắn gọn là: Một tấc quê hương cũng không được để mất!. Như một mệnh lệnh cho dân tộc, cho lương tâm mỗi con dân Việt Nam.

Anh Lĩnh lấy ngay mặt trái của một cuốn lịch cũ, anh Tấn đi kiếm ngay một chiếc bút “phớt”, tôi ngồi bệt xuống sàn viết ngoáy chưa đầy 10 phút xong ngay câu tóm tắt di chúc ấy của Trần Nhân Tông, tô màu một chút rồi móc lên tường. Mấy người chúng tôi đứng xúm lại, phân công bà xã nhà tôi bấm cho mấy “pô”.


Anh em Đà Lạt chúng tôi thì còn nhiều người nữa, nhưng đều già yếu, có anh đang ở xa, có anh nhà đang có tin buồn..., chẳng có điều kiện làm gì quy mô, tiện gặp nhau thì làm một cái gì đó để tự nhắc nhở mình và nhắc nhở nhau, chớ quên...

Thưa Trần Nhân Tông, chúng con không dám quên lời Người đã dạy:

“Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lại lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”. Chúng con xin ghi nhớ lời dạy, dẫu trách nhiệm chưa tròn cũng không dám cam tâm làm một phường... mất dạy!


Anh em Đà Lạt nhắc nhau một ngày kỷ niệm.

Chúng tôi nhìn nhau thầm lặng, nhắc nhở nhau để đối thoại với lương tâm công dân của mình.

Trên tường chỉ có hình cụ Phan Châu Trinh chứng giám. Nhà trí thức yêu nước lớn Phan Châu Trinh vượt xa tầm vóc một nhà văn hóa hay một nhà giáo dục như nhiều người tưởng. Nếu dân tộc này khi xưa đủ trình độ để biết cứu nước theo tư tưởng PCT, con đường chính trị PCT, con đường cách mạng đầy trí tuệ, khoa học và khôn ngoan của Phan Châu Trinh thì tham vọng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc dù có được dày công vun đắp cũng không thể có đường mà thực hiện.

11 giờ đêm 15 tháng 2-2017

Mùa Valentine đen cho nhà cầm quyền bắt đầu!

Anh Văn -16-02-2017
(VNTB) Xin dùng lại 2 chữ “dép lê” của chị Thao Teresa, để cho thấy rằng, cả dân tộc này về sau – khi nhìn lại biến cố của lịch sử sẽ trân trọng và cảm ơn những đôi “dép lê” của ngày 14/02.

“Hãy giúp chúng tôi kiện Formosa”

Vào ngày 14/02, đoàn người đi bộ, trên xe máy và các phương tiện cá nhân khác thuộc giáo xứ Song Ngọc (Giáo phận Vinh), cùng với cờ ngũ sắc đã lên đường nạp đơn khởi kiện Formosa, bất chấp trước đó, chính quyền gây áp lực buộc nhà xe phải hủy hợp đồng chở giáo dân.

Với quan điểm, “Dân muốn cá sống. Formosa get out”, lần đi này của bà con giáo dân cũng đã chuẩn bị mùng mền và các trang thiết bị cần thiết khác cho chuyến đi dài… 175km.

Kiện Formosa, là kiện cho cả một dân tộc

Chuyến đi lần này theo Linh mục J.B Nguyễn Đình Thục là để tiếp tục phản ứng trước việc, đơn thư yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân trực tiếp gửi đến Chính phủ, Quốc Hội, UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Quỳnh Lưu, vào đầu tháng 10/2016 nay vẫn chìm vào… im lặng.

“Kiện” cũng nhằm lên tiếng về Quyết định số 1880/QĐ-TTg – vốn vi phạm nguyên tắc về bồi thường thiệt hại khi chính phủ “tự thỏa thuận” mức bồi thường với Formosa, nên việc xác lập bồi thường giữa chính phủ với Formosa liên quan đến thiệt hại của bà con ngư dân bị vô hiệu, không có hiệu lực.

“Dép lê” và máu đổ

Đoàn người lên đường, và đánh đập – vây hãm bởi lực lượng công an đã diễn ra. Theo Thao Teresa, hơn 50 người bị đánh (trong đó có LM. Nguyễn Đình Thục), kể cả khi bà con ngồi sụp xuống vẫn bị đánh, bất kể người già hay trẻ con. Nhiều người bị bắt, thậm chí có cả trường hợp đâm thủng lốp oto, dùng áo mưa và bạt nhựa để che chắn kín oto nhằm tránh việc bị giáo dân trong xe quay phim tố cáo, sau đó dùng xe cẩu để đưa về đồn xử lý.

Còn theo nhóm truyền thông Tin mừng cho người nghèo, tại khu vực Diễn Châu, “nhà cầm quyền Nghệ An huy động lực lượng CSCĐ, CSGT, công an các loại, kể cả côn đồ… rất đông bao vây đoàn Song Ngọc. Họ dùng đá ném và dùng đạn bắn vào đoàn.”

Bản thân người viết như nhiều người khác đã không rời mắt theo dõi diễn biến cuộc tuần hành với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Một phần bởi sự dũng cảm của bà con, một phần bởi cuộc tuần hành nối tiếp lịch sử này tiếp tục cho thấy sự im lặng của nhiều người dân khác.


Những nạn nhân bị "quần chúng tự phát" đánh đập

Blogger Thao Teresa trong một livestream vào tối muộn ngày 14/02 đã xúc động chia sẻ rằng, giáo dân xứ Đồng Tháp và Song Ngọc đều bị đánh. Cuộc đi bộ này của giáo xứ và bà con miền Trung chính là đi bộ cho cả một dân tộc. Với dép lê, và sự trấn áp từ phía chính quyền, những con người dũng cảm vẫn sẽ tiếp tục lên đường đòi công lý với… 127km còn lại, trong tình trạng – 1.000 cơ quan thông tấn, báo đài hoàn toàn lặng im.

Sự lên tiếng nổi bật tối ngày 14/02 vẫn nằm ở các giáo xứ, trong đó có giáo xứ Đồng Tháp, giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo xứ Đông Yên, giáo xứ Cồn Sẻ thắp nến và hiệp thông.

“Dép lê” vì dân tộc

Sự kiện ngày 14 và 15/02 rồi đây sẽ đi vào trang sử đấu tranh bất công của Việt Nam. Nó sẽ trở thành một bằng chứng thép tố cáo rằng, chính quyền đang đi ngược lại với lợi quyền nhân dân, rằng ngay cả một hành vi hợp hiến bình thường nhất (đi kiện) đã không được phép diễn ra. 

Sự đánh đập, bao vây của chính quyền Nghệ An đối với những giáo dân dép lê tiếp tục châm ngòi cho sự kiên nhẫn đòi hỏi công lý. Nó trở thành hình ảnh thu hút và động viên những giáo dân và người dân phá bỏ sự im lặng lẫn sợ hãi để hòa vào dòng người. Và rằng, những đôi dép lê họ đã đi không phải vì chính họ mà chính vì lợi quyền của dân tộc Việt Nam trước thảm họa với di chứng hàng thập kỷ của Formosa.


An ninh, cảnh sát được điều động để dập tắt cuộc tuần hành kiện Formosa
Nếu ai cho đó là “phản động”, là “nhận tiền nước ngoài để phá rối trực tự trị an”, hay như cách báo Nghệ An trong bài đăng tối 14/02 là “một số giáo dân quá khích đã có hành vi vi phạm pháp luật” thì hãy tự trả lời vì sao dân đi kiện, vì sao Chính phủ im lặng, vì sao lại tìm mọi cách cản trở đường đi kiện của người dân. Phải chăng, họ sợ hãi trước sức mạnh tinh thần và sự đoàn kết của giáo dân? Hay là vì một sự thỏa thuận “dọn dẹp” với tập đoàn Formosa trước đó nhằm “đảm bảo an ninh” cho chính sự tồn tại của “thảm họa” bên trong nước Việt? Dù như thế nào đi chăng nữa, thì hành vi của chính quyền ngày 14/02 tiếp tục “đổ dầu vào lửa”, khi những ngọn “nến hiệp thông” tiếp tục được thắp lên, không chỉ trong giáo phận và cả bên ngoài giáo phận.

Tiếp tục đàn áp, dân không cần chính quyền

Cách đây 109 năm (1908-2017), phong trào “kháng thế cự sưu” làm rúng động guồng máy cai trị của thực dân phong kiến lúc bấy giờ bắt đầu “đóm lửa” báo hiệu từ Đại Lộc, Điện Bàn, Tam Kỳ, sau bùng nổ ở Quảng Nam rồi lan rộng cả Trung Kỳ. Những người kháng thuế sưu cũng khố rách – áo ôm nhưng họ mạnh mẽ tố cáo khi Viên tổng đốc Hồ Đắc Trung (làng La Qua) lên tiếng đe dọa, hàm ý là dân đen “làm loạn một tháng nay có được gì không? Các người tưởng Tây họ để yên cho các người làm loạn hả?”. Đáp trả lại, người đứng đầu đoàn biểu tình là Nguyễn Duân khẳng khái trả lời rằng: “Chúng tôi chỉ đi xin xâu mà lại bảo là làm loạn à? Không phải đâu, chính quan lớn ăn lương của dân chúng tôi, tức là tiền thuế của dân chúng tôi đóng góp, vậy mà không làm gì cho chúng tôi nhờ, trái lại vào hùa với Tây toan làm hại dân. Dân Quảng Nam không cần có ông quan như thế đâu.”

Tinh thần đấu tranh bất công luôn nổi lên trong mọi thời kỳ lịch sử, và hàng lớp lớp người phản động đã ngã xuống, đổ máu để cho Việt Nam được “độc lập hơn – tự do hơn”. Ngày 14/02 bị đánh đập, và những ngày sau đó bị cáo buộc là “làm loạn”, “kích động”. Nhưng tôi tin rằng, phong trào đi kiện của các giáo xứ trong giáo phận Vinh sẽ tiếp tục châm ngoài cho một phong trào đấu tranh lớn hơn. Và họ, tự bản thân mỗi giáo dân có thể tự hào rằng, họ không đi “xin”, mà họ đang đi “đòi” quyền lợi của mình – nếu chính quyền cho rằng “loạn”, là chính quyền hùa với Formosa “hại dân”, và họ tự hào rằng họ không cần những chính quyền tham ô và nhu nhược như thế nữa!

Tôi tin rằng, quan điểm “đòi lại quyền làm người, đó sẽ là những “đóm lửa” đang được thổi lên bởi những đôi “dép lê” và một lần nữa làm rung chuyển bộ máy cai trị độc tài. 

Và mùa Valentine đen cho nhà cầm quyền bắt đầu!

Công an đàn áp dân miền Trung: Vì sao Quân khu 4 ‘đứng ngoài’?

Kiều Phong-16-02-2017

(VNTB) - Tình hình tại miền Trung Việt Nam đang rất căng thẳng. Sự việc cô giáo Nguyễn Thị Thái Lai bị hành hung vì tiếng nói chống đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyến đi tập thể nộp đơn kiện Formosa gây rúng động xã hội. Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

   Sư đoàn 968 của Quân khu 4 giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt - hình ảnh thường xuất hiện nhiều hơn hẳn so với lực lượng "công an nhân dân". 

Thảm họa Formosa: Đảng khó thuyết phục lính công an

Thảm họa Formosa xảy ra, từ đứa con nít đến ông già đều nhận thức được mức độ kinh khủng của thảm họa. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn một cách xử lý rất nông cạn, đó là nhận 500 triệu đô-la và cho phép tập đoàn thép Formosa tiếp tục hoạt động. Để chứng tỏ là mình đúng, các chính trị viên đã tăng cường giáo dục chính trị cho những “chiến sĩ” công an trẻ để những thanh niên này nghĩ rằng đi đàn áp biểu tình là đúng.

Nhưng có phải mọi chiến sĩ công an trẻ đều dễ dàng tin lời chính trị viên, tin lời đảng Cộng sản không? Vào một thời buổi mà tri thức gia tăng và người đi đi lại lại, rất khó để bưng bít thông tin về Formosa cho được. Thực tế thì quá rõ ràng, quá kinh khủng. Cá chết trắng biển vụ Formosa, người ăn phải cá đó cũng chết, rõ ràng sự tồn tại của Formosa chống lại sự sống của con người. Khi đi học các buổi huấn luyện chính trị của đảng, các chiến sĩ công an cũng ngồi im vâng vâng dạ dạ. Các lớp chính trị được tăng cường, song có những câu hỏi mà người giảng viên không dám nhắc đến. Đó là, tại sao hồ sơ tội ác của Formosa khắp nơi từ trước, sao Bộ chính trị vẫn cho nó vào? Gần đây nhất là Campuchia chứ đâu phải xa xôi mà đã khổ sở vì Formosa, tại sao đảng thừa biết như thế rồi mà vẫn cho nó vào? Tại sao Karl Marx cuồng nhiệt chống tư bản bất lương như vậy mà  những lãnh đạo Việt Nam xưng là đệ tử của Marx lại dung túng cho tư bản bất lương?

Ở những góc khuất nhất của tâm hồn, ai ai cũng đặt câu hỏi cho lẽ sống của mình, không riêng gì công an cảnh sát. Nhiều người trong số họ có bố mẹ, cô dì chú bác đến  phá sản sau thảm họa môi trường, họ cũng rất đau khổ. Bây giờ kêu họ chiến đấu cho công ty nước ngoài- trực tiếp hay gián tiếp, họ có thể vui lòng được không?   

Nghiêm trọng hơn nữa, các thành viên trong Bộ chính trị không thực lòng muốn duy trì chế độ. Bởi nếu vậy, họ đã cắt  Intrent toàn quốc rồi.  Đảng đã không dám cấm lính công an lên Internet, mà chiến sĩ công an trẻ tuổi ai nào cũng có Iphone, mua một cái sim rác nữa vào mạng đọc tin thì ai mà cấm nổi? Cái gì phù hợp với lợi ích con người thì tồn tại lâu bền, cái nào chống lại lợi ích con người thì theo quy luật sẽ bị đào thải. Những chiến sĩ này là người nhanh hiểu, chẳng mấy chốc họ đã vỡ ra tất cả. Về nhà họ dặn cha mẹ là tuyệt đối đừng ăn cá, chứng tỏ họ cũng hiểu là biển miền Trung chết rồi. Khi phải miễn cưỡng đi đàn áp dân, lính công an mách nhau đừng đánh dân ở chỗ hiểm để kẻo mang tội. Đó là lý do trong các cuộc biểu tình, nhân dân không có ai bị đánh đòn chí mạng- một nghiệp vụ của chiến sĩ cảnh sát cơ động thừa sức làm nếu họ muốn. Trào lưu tiến hóa len lỏi khắp nhân loại vào cảnh sát Nghệ Tĩnh, khiến cây gậy được nương tay.


Quân khu 4  không chịu nhảy vào cuộc chơi

Lịch sử chiến tranh hiện đại ở Việt Nam, phe nào kêu gọi được con em trấn Nghệ An- tức Nghệ An và Hà Tĩnh đi lính thì phe đó thắng. Đàn ông con trai vùng này to gan và thẳng thắn, dám sống chết về lý tưởng. Cộng thêm địa thế eo măng, thiên tài quân sự Quang Trung thuở trước đã định dời đô về đây, Quân khu 4 ngày nay đóng tại thành phố Vinh- Nghệ An càng như cái yết hầu của đất nước. Ngày nay trong khắp xứ Nghệ Tĩnh dân chúng ao ước những sự loạn lạc, đám nhỏ thì vài chục, đám lớn có cả vạn. Bộ chính trị rất sợ và rất muốn đưa Quân khu 4 vào cuộc.

Trên lý thuyết, đảng Cộng sản Việt Nam quản lý quân đội. Trên thực tế, các tướng lĩnh quân đội vào sinh ra tử đi lên bằng xương máu chẳng bao giờ chịu phục những anh thăng quan bằng nước bọt. Các tư lệnh từng trải nhiều các cuộc chiến,  dũng cảm và mưu trí có thừa, Quân khu 4 lại là một trường hợp điển hình. Có những dấu hiệu cho thấy Tư lệnh Quân khu 4 đã án binh bất động mặc cho sở công an nhiều lần nài nỉ đi đàn áp. Lần trước, khi hai xã ở Nghệ An đánh nhau vì tranh giành đất đai, tư lệnh Quân khu 4 khi được hỏi đã từ chối tham gia, trả lời rằng tranh chấp dân sự không phải việc quân đội. Lần thứ hai, gần đây nhất, khi sự cố Formosa xảy ra, Quân khu 4 vẫn ngồi yên. Những người bộ đội bị dân đuổi chạy trong vụ biểu tình chiếm cổng Formosa chủ nhật 02/10/2016 thuộc các ban chỉ huy quân sự địa phương, không phải là Quân khu 4. Họ không đại diện cho tiếng nói của quân khu 4, nhưng cố làm ra vẻ đó là Quân khu 4. Dân không biết bảo Quân khu 4 ủng hộ Formosa là sai. Quân khu 4 chưa từng có phát ngôn dung túng cho Formosa, ngoài ra binh tướng nơi đây đã căm phẫn ra mặt. 

Biết vậy, Bộ chính trị nghĩ ra nhiều đặc quyền đặc lợi với Quân khu 4.  Báo quốc doanh tung tin  tăng lương cho quân nhân lên gấp 2 lần, tất cả để chờ một tín hiệu gật đầu từ  Quân khu 4. Nhưng bạn hãy nghĩ coi, những người lính vào sinh ra tử nơi chiến địa trường hào có bằng lòng xua lính đi bắn vào dân không? Không bao giờ. Cho dù có tăng lương, cho dù có tăng phúc lợi cho quân nhân, câu trả lời mà Bộ chính trị nhận được từ Quân khu 4 luôn chỉ là sự im lặng. 
  
Không có chính nghĩa, Bộ chính trị không còn sai khiến được quân đội, cũng khó sai khiến công an. Quân khu 4 thì làm ngơ, mà tấm lòng của an ninh thì bất trắc. Trong thời gian các giáo sư, tiến sĩ trong Bộ chính trị đang loay hoay nghĩ cho ra cách đàn áp  chính danh, họ phải dùng tạm những cách không chính danh:  4 thanh niên to khỏe hành hung một người phụ nữ là cô giáo Nguyễn Thị Thái Lai ở Nha Trang, một đám đông cảnh sát giao thông chặn đường đoàn người đi nộp đơn kiện của giáo xứ Song Ngọc. Vân vân và vân vân. 

Khánh Hòa: Một Facebooker mạnh mẽ phản đối Trung Quốc và Formosa bị ‘côn đồ công vụ’ hành hung tàn bạo

Hàn Giang-16-02-2017
(VNTB) - Khoảng 18 giờ 45 phút ngày 12/02/2017, chị Nguyễn Thị Thái Lai (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là một Facebooker mạnh mẽ bày tỏ quan điểm phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải ở miền Trung, đã bị 4 "côn đồ công vụ" mà chị Lai cho là những an ninh mặc thường phục hành hung tàn bạo khi chị đi uống cà phê cùng một người bạn...

Vết thương trên mặt chị Lai sau trận hành hung tàn bạo của những kẻ côn đồ (ảnh: Facebook Nguyễn Lai)

Chiêu trò cũ rích, hèn hạ...

Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, chị Nguyễn Thị Thái Lai cho biết tình hình sức khỏe của chị hiện nay cả đêm đau nhức cả người không thể ngủ được, thương tích ảnh hưởng đến phần đầu. Chị Lai không ngờ những kẻ “côn đồ” ra tay tàn nhẫn đối với chị như vậy. Chị Lai nói:
Tụi nó đánh đá vào mặt, tụi nó đá vào người. Tôi không ngờ tụi nó, thật sự trên cuộc đời này tôi không ngờ như vậy.”

Chị Lai kể, tối hôm 12/02/2017, chị Lai và bạn bè có hẹn nhau đi uống cà phê. Chị Lai phải đi sớm để đến đón một người bạn trai vì khi chiều đã đi ăn với mọi người rồi. Chị Lai cho biết những kẻ “côn đồ”này canh chừng chị đã hai ngày nay và thật sự đã canh cả tuần nay rồi nhưng chị Lai không hề lên Facebook nói gì hết vì nghĩ lên nói đâm ra cho mình quan trọng này nọ. Chị Lai nói tiếp:

Hai ngày nay tụi nó đi theo canh và chụp hình, tôi cũng nghĩ trong bụng mình không làm gì hết thì thôi. Tối hôm qua (ngày 12/02/2017), anh em hẹn nhau đi uống cà phê, tôi đi đến sớm chút vì phải đi đón anh bạn đi ăn rồi mới đi cà phê luôn. Hai người đi ăn xong rồi đến chỗ cà phê chừng khoảng mấy chục mét thôi chứ không có xa gì, gần lắm.”

Ngăn không cho chị Lai và người bạn đến quán cà phê gặp mọi người, những “côn đồ công vụ” tạo tình huống vu khống chị Lai lừa đảo và ra tay hành hung chị Lai vừa bất ngờ vừa tàn bạo. Chị Lai kể:

Mấy thằng này đi theo mấy ngày nay rồi, một thằng nó ép xe vào rồi ba thằng tiếp theo đi trên một chiếc xe khác và không đội mũ, bịt mặt tấp vào. Tụi nó nói tôi là “tụi mày lừa đảo hả?”, tôi chỉ nghe câu nói đó và tụi nó quật tôi ngã xuống xe và đánh tôi dồn dập cho đến bất tỉnh. Tôi cảm nhận tụi nó đá vào mặt, vào người tôi. Lúc tôi tỉnh dậy, anh bạn tôi đỡ tôi dậy, tụi nó đã đi ra kia rồi mà nó còn quay lại đập vào mặt tôi thêm một cái nữa rất là nhanh khiến tôi bất ngờ không thể đỡ được.”

Chị Lai là một Facebooker tranh đấu ở Khánh Hòa, cùng với Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bị bắt trong năm 2016 với cáo buộc Tuyên truyền chống Nhà nước) và những người bạn đã mạnh mẽ bày tỏ quan điểm phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và gần đây nhất là vấn đề Formosa Hà Tĩnh xả thải gây thảm họa môi trường biển miền Trung. Chính vì những hoạt động này mà chị Lai cho biết bản thân chị thường xuyên bị những kẻ “lạ mặt” canh cửa và họ sẵn sàng ra tay ngăn cản, hành hung chị khi cần. Chị Lai coi trận hành hung đêm 12/02/2017, những “côn đồ công vụ” tỏ cảnh cáo chị Lai để chị Lai không được gặp bất cứ người nào kể cả ở xa hay ở gần.

Tất cả mọi người ở xa tới mà muốn gặp tôi là tụi nó dằn mặt tôi bởi vì đã có nhiều người mà tôi đi gặp rồi, tụi nó cứ quanh quẩn gần đó có nghĩa là tụi nó canh tôi ghê lắm. Tụi nó không cho tôi gặp mọi người bất kể người ta có hoạt động hay không hoạt động tụi nó vẫn theo dõi.”

Hành hung chị Lai xong, những “côn đồ công vụ” chạy xe đi một đoạn đường khoảng vài trăm mét, tiếp tục theo dõi tình hình chị Lai và những người bạn. Bạn chị Lai đỡ chị Lai vào một tiệm kính ngồi nghỉ và chị Lai gọi điện thoại cho công an tỉnh Khánh Hòa nói vụ việc, hỏi thẳng công an Khánh Hòa là tại sao dở trò bỉ ổi như vậy?

Trong khi tôi không làm gì hết mà tại sao cho người đánh tôi? Thì phía công an tỉnh Khánh Hòa nói là thật sự không hề biết chuyện này. Tôi mới nói là cái chiêu trò này đã quá cũ rồi, lúc nào cũng nói không biết nhưng tự nhiên dựng câu chuyện lên đánh tôi.”

Sau đó có một nữ an ninh qua điện thoại nói chị Lai trình báo vụ việc qua công an phường gần nhất. Khoảng hơn 19 giờ, chị Lai xuống đồn công phường Vạn Thạnh để khai báo vì tính mạng của chị Lai nghĩ giờ không còn an toàn, những “côn đồ công vụ” canh chị 24/24.
Đừng có bao che với nhau! Đây là chiêu trò cũ rích, hèn hạ tôi nói thẳng với ông đồn trưởng và những công an viên có mặt vậy. Chiêu trò của an ninh Khánh Hòa là quá hèn.”

Mặc dù những “côn đồ công vụ” hành hung mặc thường phục nhưng cũng như nhiều cá nhân hoạt động dân sự trong nước bị hành hung tương tự, chị Lai khẳng định họ là những công an, an ninh.

Tôi chắc chắn một điều bởi vì những chiêu trò này đã quá quen đối với những anh em hoạt động trong nước, quá quen đối với những người bất đồng chính kiến với chính quyền. Tôi không thù hằn với ai. Lên công an phường họ cũng hỏi tại sao chị biết là công an, an ninh? Tôi nói luôn là nếu không phải công an, an ninh thì việc gì đi theo tôi, ngồi canh trước nhà tôi trong khi tôi không tư thù với ai, bản thân tôi sống rất ôn hòa. Tại sao đi theo tôi hai ngày nay và chụp hình để làm gì? Chụp hình tôi và nhóm bạn của tôi để làm gì? Tại sao không chụp những người khác thì không phải là an ninh là gì? Rồi dàn cảnh nói tôi lừa đảo rồi đánh tôi, nếu tôi lừa đảo sao không bắt tôi lên đồn công an?

Chị Lai nói qua trận hành hung này sẽ khiến chị mạnh mẽ dấn thân, mạnh mẽ lên tiếng hơn.

Chị Nguyễn Thị Thái Lai cầm băng rôn có hình cắt 'lưỡi bò' (ảnh: Facebook Nguyễn Phi Tâm)

Tôi vẫn tiếp tục viết bài chứ không ngừng theo ý của họ bởi họ nói tôi viết trong khuôn khổ tự do nhất định. Tự do nhất định là gì? Như thế nào là tự do nhất định? Tự do như thế nào là ở trong đầu của người ta, mình bức xúc thì mình nói chứ tại sao phải giấu nhẹm những cái sai sót? Tại sao phải bắt tôi im lặng? Tiếp nữa là, họ không cho tôi tiếp xúc với bất kỳ anh em nào khác bất kể người ấy ở xa tới, tôi đi gặp thì họ canh. Tại sao lại hèn hạ? Tại sao lại sợ đến mức độ như vậy?

Sau cùng, chị Lai nói không thể để yên vụ hành hung này.

Tôi đang lên tiếng. Tôi đang tố cáo. Tôi đang gửi đơn tố cáo lên Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tôi đang làm đơn và nhờ người chuyển đi toàn bộ bởi vì trường hợp này là quá nhiều chứ không riêng mình tôi và bản thân tôi cũng từng lặp đi lặp lại rồi, đây là lần nặng nhất. Họ ra tay rất là nặng.

Sau khi thông tin chị Nguyễn Thị Thái Lai bị 4 kẻ “côn đồ công vụ” hành hung tàn bạo được chia sẻ lên các trang mạng xã hội Facebook, dư luận biết chuyện đã bày tỏ bức xúc cực độ.

Ngày Máu của Tình yêu

Ngày Máu của Tình yêu
Chính quyền và công an đã gây ra một trận tắm máu đối với giáo dân xứ Song Ngọc.Ảnh Tin tức hàng ngày
Valentine 14 tháng Hai năm 2017, chính quyền và công an CSVN đã gây ra một trận tắm máu đối với nhiều người dân giáo xứ Song Ngọc kéo đi khiếu kiện Formosa. Dùi cui đã vung lên, lựu đạn cay đã tung ra, súng đã nổ và máu đã đổ.
Ngày Máu của Tình yêu…
Tình yêu ấy, người dân và giáo dân dành cho tình đồng loại của họ trước một biển cả không còn chỗ sống. Gần một năm đã vụt qua từ ngày đầu tiên cá chết nổi trắng biển 4 tỉnh miền Trung. Nhưng cho tới nay thì đã rõ: thay vì đối thoại và làm tối thiểu vài động tác bồi thường thỏa đáng, chính quyền trung ương và địa phương đã thẳng tay đối đầu với dân, với nạn nhân môi trường.
Từ trước tết nguyên đán 2017, nhiều vài viết trên mạng xã hội (chứ không phải trên báo nhà nước bị cấm khẩu) đã trần thuật chua chát về một cái tết lạnh lẽo và hết sức thiếu thốn của các gia đình ngư dân miền Trung. Kể từ ngày xảy ra hậu quả xả thải ra biển của Formosa, nhiều gia đình ngư dân đã phải ly hương vào Nam tìm kế sinh nhai. Những người còn lại ở quê hầu như đều rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng đã rõ là không thể tin lời Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng của một chính phủ đang được xem là “kiến tạo – liêm chính – hành động”. Tháng Tám năm ngoái, ông Phúc hứa chắc như đỉnh đóng cột rằng đến tháng Chín năm 2017 sẽ bồi thường thỏa đáng và bồi thường hết cho dân. Nhưng sang tháng Chín vẫn chẳng thấy món bồi thường nào. Mãi đến tháng Mười Một, Mười Hai, các chính quyền địa phương mới bắt đầu bồi thường nhỏ giọt.
Nhưng làm thế nào để ngư dân sống sót với giá trị bồi thường chỉ đủ cho từ 3- 6 tháng? Sau đó họ biết làm gì với biển chết và lòng người cũng dần chết? Rõ là chính quyền trung ương và địa phương đã hoàn toàn không hề suy tư về cái chết ấy, nếu không nói là ngược lại.
Sự ngược ngạo bắt đầu bằng việc chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bí mật thỏa thuận với Formosa khản bồi thường 500 triệu USD mà chẳng nêu ra một cơ sở nào đủ thuyết phục. Sau cái chuyện đã rồi ấy mà tưởng như có thể xoa dịu nỗi đau của người dân, đến lượt các chính quyền địa phương miền Trung lại tìm cách câu kéo tiền bồi thường, chưa kể những dấu hiệu về gạo “hỗ trợ” cho dân bị mốc xanh mà gà vịt còn không ăn được…
Sự thể ngày 14 tháng Hai năm nay là hậu quả không thể khác của tất cả những biến diễn u ám trên.
Nhưng chưa phải hết. Não trạng xem Công Giáo như một loại “kẻ thù”, hoặc gần như thế, được tích tụ từ cuộc xung đột giữa cộng sản và Công giáo hơn nửa thế kỷ trước, vẫn còn nặng nề trong đầu giới quan chức chính quyền và công an trị. Từ ngày vụ biểu tình chống Formosa nổ ra, thỉnh thoảng giới dư luận viên của đảng lại tung ra những bài viết với những đoạn trích dẫn giống hệt văn phong báo cáo nội bộ với văn phong mạt sát người Công giáo và đánh giá Công giáo là mối họa rất lớn của chế độ.
Súng đã nổ và máu đã đổ. Thay vì bồi thường thỏa đáng ngay từ đầu và đóng cửa nhà máy Formosa, quyền lực và lợi ích chính quyền đã được đặt lên trên tất cả. Cuộc xung đột giữa chính quyền với nhân dân và người Công Giáo ở Việt Nam, không còn lối thoát nào khác, đang bắt đầu một chương đen tối.
Lê Dung / SBTN

Giáo dân đi kiện Formosa, về nhà ‘theo yêu cầu của bề trên’

Các ngư dân và gia đình nghe Linh mục Nguyễn Đình Thục thông báo. (Hình: FB Lê Sơn)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Đoàn ngư dân và gia đình, thiệt hại vì biển bị công ty gang thép Formosa đầu độc, không tiếp tục tới tòa án Kỳ Anh để kiện, mà chỉ cử đại diện đến đó “theo yêu cầu của bề trên”.
Trang mạng thông tin của giáo dân Công Giáo “Tin Mừng Cho Người Nghèo” cũng như nhiều facebooker loan báo như vậy trên mạng xã hội. Các nguồn tin này nói rằng chỉ có Linh Mục Nguyễn Đình Thục và đại diện cho họ sẽ đến tòa án Kỳ Anh nộp đơn kiện nhà máy gang thép Formosa, còn đoàn người sẽ quay trở về nhà.
Vì bị nhà cầm quyền CSVN đưa một lực lượng hàng trăm người cản trở, tấn công, khoảng 1,000 người, phần lớn là giáo dân Công Giáo huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, thuộc ba xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ, Sơn Hải, trong ngày Thứ Ba, 14 Tháng Hai, chỉ đi được khoảng 20km trên hành trình dài khoảng 180km, tức mới đến được phần đất huyện Diễn Châu của Nghệ An.
Đêm đến, họ tạm nghỉ tại giáo xứ Đông Tháp, dự tính sáng ngày Thứ Tư, 15 Tháng Hai, đi tiếp thì nhận được lời khuyên của “bề trên,” một từ ám chỉ cấp cao hơn Linh Mục Nguyễn Đình Thục. Nếu họ nhất định lên đường tiếp tục hành trình, CSVN chắc không để họ tự do thực hiện quyền công dân theo hiến pháp của chế độ cũng công nhận.
Theo tường thuật của trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, “trước toàn thể cộng đoàn, Linh Mục Nguyễn Đình Thục thông báo, tòa giám mục yêu cầu đoàn Song Ngọc trở về nhà và cử người đại diện đi nộp đơn. Trong tinh thần vâng phục bề trên giáo phận, cha quản xứ giáo xứ Song Ngọc yêu cầu bà con trở về nhà, cha sẽ một mình đi gửi đơn kiện Formosa.”
Nguồn tin này cho hay tiếp rằng Linh Mục Thục “muốn đi thăm các nạn nhân bị lực lượng công an, CSGT, CSCĐ, an ninh chìm nổi… hành hung, đánh đập, ném đá và nhả đạn vào người dân vào chiều hôm qua. Các nạn nhân này đang cấp cứu tại các bệnh viện.”
Từ buổi chiều ngày Thứ Ba, các thành phần trấn áp của nhà cầm quyền CSVN đã trà trộn vào đoàn người đi kiện để hành hung, bắt giữ. Một số video clip phổ biến trên mạng cho thấy nhà cầm quyền ném đá, bắn súng và ném trái khói vào đám đông. Tin ngày hôm qua phổ biến trên mạng nói công an bắt đi khoảng 10 người trong đó có hai nữ tu.
Từ sáng ngày 14 Tháng Hai, cả ngàn giáo dân giáo xứ Song Ngọc ở huyện Quỳnh Lưu lên đường đến thị xã Kỳ Anh bằng cả xe hai bánh gắn máy lẫn xe đò. Đây không phải là lần đầu tiên giáo dân các giáo xứ của Giáo Phận Vinh đến trụ sở tòa án thị xã Kỳ Anh nộp đơn kiện Formosa. Những lần trước, công an chặn các xe đò chở giáo dân và lần này cũng vậy, nhưng sau khi rời xe đò, thay vì về nhà, giáo dân tiếp tục đi bộ đến thị xã Kỳ Anh.
Dọc đường, dân chúng một số nơi mang bánh trái, nước uống ra tặng đoàn người khiếu kiện. Trước diễn biến ngoài dự kiến đó, công an đề nghị cung cấp một xe đò, chở một số người tiếp tục đi nộp đơn kiện và cung cấp đủ xe đò để toàn bộ những người còn lại quay về nhà nhưng giáo dân từ chối.
Nếu hàng ngàn giáo dân giáo xứ Song Ngọc, trong đó có nhiều người già, phụ nữ, tiếp tục đi bộ đến thị xã Kỳ Anh thì việc nộp đơn kiện Formosa sẽ biến thành một cuộc tuần hành đòi công bằng kéo dài cả tuần nữa.
Nếu sự việc kéo dài và các cơ quan thông tấn ngoại quốc đưa tin, hình ảnh ra thế giới sẽ làm chế độ Việt Nam nhiều bối rối. Bởi vậy, có thể họ đã làm áp lực mạnh với Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh.
Tháng Mười năm ngoái, giáo dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã nộp 506 đơn kiện công ty Formosa đòi bồi thường thiệt hại nhưng tòa án huyện Kỳ Anh không chịu thụ lý. (TN)

Hơn 80 người tại Hà Giang ngộ độc sau khi ăn tiệc cưới

Nhiều người đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoàng Su Phì. (Hình: Báo Công An)
HÀ GIANG (NV) – Vụ ngộ độc tập thể xảy ra sau khi nhiều người cùng tham dự một bữa tiệc cưới với khoảng 25 mâm, được tổ chức ở xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Chưởng, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang cho hay, đến tối 15 tháng 2, đã có 81 người ở xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì và lân cận vào Bệnh viện huyện và trạm y tế xã điều trị vì ngộ độc thực phẩm. Chưa có trường hợp nào có nguy cơ tử vong.
Tin cho biết, trước đó, trưa ngày 13 Tháng Hai, gia đình ông Hoàng Văn Kim, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì làm 25 mâm cỗ mời khách để tổ chức đám cưới cho con. Sau khi ăn cỗ lúc 10 giờ thì đến 12 giờ cùng ngày, đã xuất hiện người bị ngộ độc thực phẩm đầu tiên với các dấu hiệu đau bụng, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy. Số người nhập viện đông dần và đến chiều tối 15 tháng 2, lên tới 81 người.
Đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn thứ 2 xảy ra trong tuần này sau vụ ở Lai Châu. Trong khi đó, chiều 14 tháng 2, ông Đỗ Văn Giang, giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, tổng số nạn nhân vụ ngộ độc đã tăng vọt lên 38 người, trong đó có 7 người đã chết  trong ngày 10 và 13 Tháng Hai.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhận định, cho đến nay vẫn chưa thể có đánh giá gì về nguyên nhân vụ ngộ độc ở Lai Châu, do chưa có kết quả cuối cùng về xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và xác định độc chất. Song, qua xem xét hướng của ngộ độc rượu (có chứa cồn công nghiệp), vụ ngộ độc này cho thấy rất lạ, các nạn nhân chết khá nhanh và biểu hiện trước khi tử vong là giống nhau. (Tr.N)

Xây nhà máy nhiệt điện, nhà thầu Trung Quốc gây ô nhiễm cả vùng

Khói bụi gây ô nhiễm từ việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Hình: Báo Thanh Niên)
BÌNH THUẬN (NV) – Để nhà thầu Trung Quốc thiết kế, xây dựng và thi công ẩu, một bãi đất rộng 58 ha ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trở thành điểm gây ô nhiễm không khí trầm trọng.
Nói với phóng viên báo Thanh Niên, chiều ngày 14 Tháng Hai, ông Đỗ Văn Thái, phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Thuận xác nhận, việc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, do các nhà thầu Trung Quốc thiết kế và đang thi công bãi xỉ than gây khói bụi, ô nhiễm môi trường “khá nghiêm trọng” do không thực hiện đúng với đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được duyệt.
“ĐTM được duyệt yêu cầu phải có nước mới được thi công. Nhưng nhà máy không dẫn nước về mà thi công “chay” nên gây ô nhiễm môi trường không khí vì mùa này là mùa gió mạnh. Chúng tôi sẽ có văn bản phúc trình Bộ Tài nguyên môi trường xem xét và yêu cầu các nhà thầu phải có giải pháp”, ông Thái cho hay.
Có mặt tại bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào trưa cùng ngày, phóng viên báo Thanh Niên ghi nhận một bãi đất rộng (58 ha) toàn cát, đất xốp mịn được nhà máy san lấp tạo mặt bằng ngay sát bãi xỉ của Nhà máy Vĩnh Tân 2.
Đến khoảng 14 giờ, gió xoáy từ chân núi dội ra tạo thành những cơn lốc thổi đất cát mù mịt một vùng trời. “Những trận khói bụi như vậy thường kéo dài đến khoảng 16 giờ mới giảm, khi gió yếu dần”, ông Nguyễn Văn Sĩ, người dân địa phương nói.
Tuy nhiên, trả lời báo Thanh Niên cùng ngày, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, phó tổng giám đốc Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 biện minh, do mấy ngày vừa qua gió khá mạnh gây ra ô nhiễm bụi. “Chúng tôi có 4-5 xe, cứ vài giờ lại cho xe tưới nước một lần nhưng gió to quá vẫn xảy ra khói bụi”, ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Võ Minh Thắng, phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân, Tập đoàn EVN lại thừa nhận: “Do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chưa đầu tư hệ thống nước vào bãi xỉ nên quá trình thi công đã gây khói bụi”. ( Tr.N)

Nghi phạm ám sát anh trai Kim Jong-un “mang hộ chiếu Việt Nam”

CTV Danlambao - Cảnh sát Malaysia cho biết đã bắt giữ một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam do bị tình nghi liên quan đến vụ ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-nam đã tử vong hôm 13/2/2017 sau khi bị hai phụ nữ đầu độc tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur - KLIA 2  ở Malaysia. 

Một trong hai nghi phạm đã bị bắt giữ vào lúc 9 giờ sáng ngày 15/2/2017 cũng tại sân bay này khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay về lại Việt Nam.

Nghi phạm bị bắt giữ này mang hộ chiếu quốc tịch Việt Nam, tên Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 và quê tại Nam Định.


Cảnh sát Malaysia cho biết, nghi phạm vừa bị bắt giữ là một trong hai phụ nữ đã đi cạnh ông Kim Jong-nam do camera an ninh sân bay ghi lại. 

Trước khi qua đời, nạn nhân nói rằng ông đã bị một phụ nữ dùng khăn vải có chứa chất lỏng ụp vào mặt gây bỏng mắt. 

Theo lời cảnh sát Malaysia, một trong hai người phụ nữ này đã lên xe taxi và rời khỏi hiện trường sau vụ việc.

Nghi phạm được nói là một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam
Hiện tại, nghi phạm đã bị đưa về thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát Selangor để thẩm vấn. Quan chức cảnh sát Malaysia, ông Tan Sri Noor Rashid Ibrahim cho biết cơ quan này hiện đang làm việc qua đường ngoại giao với cả Triều Tiền và Việt Nam để xác nhận nghi phạm có đúng là người Việt Nam hay không.

Ngoài ra, cảnh sát cũng đang truy lùng thêm 4 người đàn ông khác do có liên quan đến vụ ám sát anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tại thời điểm xảy ra vụ việc, ông Kim Jong-nam dùng hộ chiếu giả mang tên Kim Chol và đang chuẩn bị bắt chuyến bay trở lại Macau - nơi ông đã sống lưu vong nhiều năm kể từ khi bị thất sủng.

Kim Jong-nam
Kim Jong-nam là con trai cả của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Ông đã bị thất sủng sau khi người em cùng cha khác mẹ là Kim Jong-un được chọn giữ quyền thừa kế vị trí lãnh đạo tối cao tại nước độc tài cộng sản khép kín này.

Từ đó trở đi, ông đã phải liên tục sống lưu vong ở Macau và một số nước Đông Nam Á. Ông cũng từng lên tiếng chỉ trích Kim Jong-un không có khả năng lãnh đạo, phản đối chế độ cha truyền con nối và kiến nghị cần cải cách kinh tế tại Triều Tiên,

Năm 2012, một gián điệp Triều Tiên thừa nhận đã được chỉ đạo tổ chức ám sát ông Kim Jong-nam bằng xe hơi, nhưng bất thành.

Ông được nói có mối quan hệ tốt đối với giới quyền thế Trung Cộng và luôn được Bắc Kinh bảo vệ chặt chẽ.