Theo thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) được công bố hồi đầu tháng 4/2014, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu. Với xi măng, tuy không nêu cụ thể nhưng đối với các dự án do Trung Quốc làm tổng thầu (trong tổng số 24 dự án), tỷ lệ nội địa hóa cơ bản được xác định là 0%.
Số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây cũng cho thấy, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Trong số này, các doanh nghiệp đến từ bên kia biên giới thực hiện tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện. Dưới đây là 10 dự án lớn tại Việt Nam, do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận vai trò chính hiện nay:
1. Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông
Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam với tổng mức đầu tư 552 triệu USD (thời giá năm 2008). Trong đó vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD, vốn tín dụng 169 triệu USD và đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD. Dự án gồm các hạng mục 13 km đường sắt trên cao, 1,7 km ra vào khu depot (sửa chữa), đường sắt đôi, 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.
Công trình do Cục đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng công ty Tư vấn và Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là tư vấn thiết kế. Gói thầu chính (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Theo báo Tiền Phong, nhà thầu Trung Quốc chuyên về xây lắp và lần đầu tiên làm tổng thầu EPC trên lĩnh vực đường sắt đô thị. Dù đã biết rõ năng lực của nhà thầu, nhưng do những ràng buộc trong hiệp định vay ODA, chủ đầu tư vẫn phải chấp nhận đơn vị này. Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cũng đang tìm hiểu Dự án đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thời gian triển khai của dự án Cát Linh - Hà Đông được đề ra lúc đầu là từ tháng 8/2008 đến 11/2013. Do chậm tiến độ, công trình giãn đến cuối năm 2015 mới hoàn thiện. Nguyên nhân được đưa ra là gần 2 km đường sắt đi qua các tuyến phố Đê La Thành - Hoàng Cầu - Láng quận Đống Đa vẫn chưa đổ trụ bê tông. Tại khu vực quận Hà Đông, 2 trong số 6 nhà ga chưa giải phóng xong mặt bằng… Việc chậm giải phóng mặt bằng, cùng với nhiều hạng mục thay đổi, biến động về giá nguyên vật liệu… đã khiến tổng mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.
2. Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Trên công trường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng . Ảnh: Vidifi
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng với chiều dài 105,5km từ đường vành đai 3 qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Đây là con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe lưu thông và 2 làn dừng xe khẩn cấp, vận tốc thiết kế đạt 120 km mỗi giờ.
Chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI). Dự án có 10 gói thầu trong đó Tập đoàn cầu đường tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đảm nhiệm gói thầu EX 8-9, Liên danh Công ty TNHH Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông và Công ty Hợp tác kỹ thuật và kinh tế quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc) phụ trách gói thầu EX-5.
Công trình khởi công năm 2008 và dự kiến thông xe vào tháng 10/2015, nhưng đến nay vẫn vướng mắc ở nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng , thi công và tài chính. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến độ khó hoàn thành là thiếu vốn. Tại một cuộc họp với Bộ Giao thông vừa qua, cùng với một số nhà thầu Hàn Quốc, đại diện nhà thầu Sơn Đông, Tổng công ty Cầu đường (Trung Quốc) cam kết sẽ cung cấp đủ tài chính theo tiến độ và đang làm thủtục chuyển tiền nhưng khi được hỏi về mốc thời gian thì đại diện các nhà thầu bỏ ngỏ.
3. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Dự án xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài là 245 km đi qua Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, được chia làm 8 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Đây là một trong những tuyến cao tốc lớn nhất hiện nay do Tổng công ty đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư dự án. Phần lớn tuyến đường do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu). Gói thầu còn lại do Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện.
Dự án khởi công từ tháng 9/2009 và dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6/2014, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Chủ đầu tư lý giải dự án chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng ì ạch. Bên cạnh đó, năng lực thi công của các nhà thầu yếu kém, không huy động đủ thiết bị, vật liệu... Còn đại diện cơ quan tư vấn giám sát chỉ ra nguyên nhân dự án trì trệ do nhà thầu chính thuê các nhà thầu phụ yếu kém. Tại dự án cao tốc này, trong khi tập đoàn Doosan thuê 20 nhà thầu phụ thì Công ty cầu đường Quảng Tây chỉ thuê 3 thầu phụ và tự triển khai nhiều hạng mục. Các thầu phụ thường thuê lao động địa phương có tay nghề thấp, thậm chí là nông dân để làm đường.
Tháng 8/2012, dự án lại gây xôn xao về chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Thấy người dân xã kế bên nhận gần 240 triệu đồng một sào ruộng phục vụ cao tốc, còn mình chỉ nhận được hơn 40 triệu đồng, cả trăm người dân thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã dựng lều bạt ngay trên công trường để phản đối.
Tháng 12/2013, đoạn cao tốc từ huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đến huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) dài 26 km đã chính thức hoạt động. Đầu tháng 4, đoạn đường từ điểm giao cắt với quốc lộ 2B sang quốc lộ 2, qua huyện Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) đã thông xe.
4. Bô xít Tây Nguyên
Tổ hợp bô xít Tây Nguyên gồm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ có công suất thiết kế giai đoạn I là 650.000 tấn alumin mỗi năm do Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản VN làm chủ đầu tư. Nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công. Nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ lần lượt được khởi công vào năm 2008-2010 với tổng mức đầu tư lượt lên tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng, tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
Dự án bô xít Tây Nguyên ngay từ khi bắt đầu triển khai đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận bởi có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.
Dự án Tây Nguyên còn gây không ít quan ngại khi xuất hiện nhiều công nhân Trung Quốc tại công trường. Khu vực Lâm Đồng có khoảng 255 công nhân người Trung Quốc và cao điểm có khoảng 500 người sống tại khu nhà dành cho lãnh đạo nhà thầu, và công nhân. Ban quản lý dự án giải thích, sở dĩ dự án có lao động Trung Quốc vì đây là gói thầu EPC. Việc sử dụng, chọn lựa lao động do nhà thầu quyết định. Mặt khác dự án bô xít cũng khó tuyển lao động, do đó, công nhân Trung Quốc làm phù hợp hơn vi có công nghệ của Trung Quốc. Một số ý kiến lo ngại khả năng hình thành làng người Trung Quốc tuy nhiên ban quản lý khẳng định "đây là dự án của Việt Nam, tiền của Việt Nam, người Trung Quốc chỉ làm thuê".
Ngoài ra, nhà máy tại Tân Rai có thể lỗ khoảng 460 tỷ đồng trong 3 năm đầu, trong khi con số ở Nhân Cơ là 3.000 tỷ cho 6 năm nhưng chủ đầu tư vẫn tin có lãi nếu xét cả vòng đời 30 năm. Dự án alumin Tân Rai chính thức vận hành vào cuối tháng 9/2013 sau hơn một năm chạy thử. Theo chủ đầu tư, chất lượng cỡ hạt chưa phù hợp với nhu cầu thế giới và nhà máy đang trong gia đoạn chạy thử chưa ổn định cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận không được như kỳ vọng. Vinacomin cho rằng, khi cỡ hạt alumin được cải thiện, tương đương với cỡ hạt alumin giao dịch trên thị trường thế giới, giá bán sẽ được tăng lên. Do đó, hai dự án bô xít theo kế hoạch sẽ hoàn vốn trong 13 năm.
Vinacomin khẳng định, thị trường tiêu thụ sản phẩm alumin cũng không đáng lo ngại, bởi năm 2014, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni (Nhật Bản); Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) và tiếp tục bán cho các đối tác khác.
5. Nhà máy gang thép Lào Cai
Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai được khởi công vào cuối tháng 4/2008, với công suất một triệu tấn mỗi năm (lớn gấp 4 lần Nhà máy gang thép Thái Nguyên trước khi mở rộng) do Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 340 triệu đôla, trong đó Việt Nam góp 55%. Đơn vị trúng thầu thi công xây dựng là Công ty TNHH khống chế cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc).
Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 (2008 - 2009) xây dựng và vận hành phân xưởng luyện gang với công suất 1 triệu tấn mỗi năm; giai đoạn 2 (năm 2012) xây dựng xưởng luyện thép công suất 500.000 tấn phôi thép mỗi năm; giai đoạn 3 (năm 2015) xây dựng dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn thép một năm. Khi đi vào hoạt động cùng với mỏ Quý Sa, nhà máy sẽ tạo việc làm cho trên 1.200 lao động. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, hiện dự án này đang chậm tiến độ.
Tháng 3/2013, Dự án nhà máy Dự án nhà máy gang thép Lào Cai gây xôn xao dư luận với thông tin nhà thầu Trung Quốc “bùng” tiền. Một nhà thầu phụ Trung Quốc sau khi ký hợp đồng mua vật liệu và thuê nhân công san ủi mặt bằng đã lặng lẽ rời khỏi công trường, để lại khoản nợ các cá nhân, đơn vị Việt Nam gần 5 tỷ đồng. Chủ đầu tư nhận định, lỗi thuộc đơn vị thi công, trong khi đó, phía Côn Minh cho rằng, hoạt động nhà thầu phụ do chủ đầu tư kiểm soát, không phải lỗi tại tổng thẩu.
6. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I
Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 do EVN làm chủ đầu tư. Công trình thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1,6 tỷ USD, gói thầu EPC trị giá 1,3 tỷ đôla. Trong số vốn trên, dự án sử dụng 85% vốn vay thương mại do Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc tài trợ và 15% vốn đối ứng của EVN.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I nằm trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh gồm hai tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.244 MW. Sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh. Dự án do Nhà thầu Dongfang Electric Corporation Ltd. (DEC) làm tổng thầu EPC, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 cùng Tư vấn phụ nước ngoài là tư vấn giám sát thi công. Nhà thầu DEC đảm nhận vai trò thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và lắp đặt cho đến khi dự án đi vào hoạt động chính thức.
Dự án được khởi công năm 2010 và dự kiến vận hành tổ máy số I vào tháng 9/2014 và tổ máy số 2 vào tháng 11/2014. EVN cho hay, hiện tiến độ thi công các hạng mục của dự án đang bám sát tiến độ trong hợp đồng EPC, riêng phần lò hơi đang sớm hơn dự án khoảng một tháng.
7. Nhiệt điện Mông Dương 2
Dự án có công suất 1.200 MW gồm hai tổ máy được xây dựng tại tỉnh Quảng Ninh theo hình thức BOT. Thời gian khởi công năm 2011 và hoàn tất vào 2015.
Dự án có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1,95 tỷ USD, tăng 550 triệu đôla so với dự kiến ban đầu. Đây là là dự án BOT nhiệt điện thứ 3 đã thu xếp vốn thành công kể từ năm 2001 (sau 2 dự án BOT Nhiệt điện chạy khí Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3). Hoạt động vận hành thương mại của nhà máy sẽ bắt đầu vào giữa năm 2015 và dự kiến chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm hoạt động.
Dự án do Tập đoàn AES của Mỹ liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hợp tác từ tháng 11/2006. Tuy nhiên, đến tháng 3/2011, Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã rút vốn khỏi dự án để đầu tư cho các công trình nhiệt điện trọng điểm khác. Sau khi Vinacomin xin rút khỏi dự án, Tập đoàn AES sẽ bán 49% cổ phần trong dự án Nhà máy điện Mông Dương 2 cho Tập đoàn Posco Power và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc.
Nhà đầu tư hiện tại của dự án là Tập đoàn AES của Mỹ (51%), Tập đoàn Posco Power (30%) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc CIC (19%). Các hợp đồng thiết kế, mua sắm và xây lắp (EPC) theo kiểu chìa khóa trao tay đã được ký vào tháng 12/2010. Sau khi xây dựng hoàn tất (dự kiến vào tháng 7/2015), Mông Dương 2 sẽ là dự án nhiệt điện đốt than đầu tiên đồng thời là dự án điện tư nhân lớn nhất của Việt Nam và sẽ đóng góp 7% tổng công suất hệ thống điện cả nước. Mông Dương 2 là một trong số ít các dự án có phía Trung Quốc góp mặt không chịu nhiều tai tiếng.
8. Nhà máy thuỷ điện sông Bung 4
Công trình do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (thuộc EVN) là nhà thầu tư vấn thiết kế; Sinohydrro Corporation Limitted (Trung Quốc) là nhà thầu thi công công trình chính. Nhà thầu Trung Quốc đóng vai trò cung cấp thiết bị như tu bin máy phát... Khi lắp đặt thiết bị, Sinohydrro Corporation Limitted thường sử dụng nhân công của Trung Quốc.
Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 nằm trên sông Bung thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, có tổng công suất lắp máy 156MW, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, trong đó, huy động từ nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 196 triệu USD. Dự án thủy điện Sông Bung 4 được xếp vào danh mục công trình trọng điểm Nhà nước là một trong 8 nhà máy thủy điện nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có quy mô lớn, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và được ưu tiên xây dựng sau 2 dự án thủy điện A Vương và Sông Tranh 2.
Công trình khởi công vào tháng 6 năm 2010 và theo kế hoạch, tổ máy số I nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 sẽ vận hành vào tháng 10, tổ máy số 2 vận hành vào tháng 11 năm nay. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014 đầu năm 2015. Mỗi năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 586,25 triệu kWh và tạo ra doanh thu từ 450-500 tỷ đồng.
Cuối năm 2013, do đưa lao động người Trung Quốc chưa có giấy phép lao động vào làm việc tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện Sông Bung 4, nhà thầu Sinohydrro Corporation Limitted đã bị phạt 570 triệu đồng.
9. Golden Westlake
Golden Westlake là khu căn hộ cao cấp với 2 toà tháp 23 tầng, nằm trên khu đất rộng 2 ha, tiếp giáp với đường Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).
Dự án dược khởi công vào cuối năm 2005 và hoàn thành vào cuối năm 2007 do Công ty TNHH Hà Việt - Tung Shing làm chủ đầu tư với vốn đầu tư khoảng 50 triệu đôla. Golden Westlake có thiết kế theo kiến trúc đối xứng và nối với nhau bằng hệ thống tầng trệt dành cho thương mại, công cộng như siêu thị mini; phòng tập thể thao với tắm hơi khô, ướt, bể tắm mát xa; nhà trẻ.
Chủ dự án Golden Westlake vừa qua gặp nhiều rắc rối khi xây dựng khu biệt thự liền kề và khu chung cư cao cấp đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 100 hộ gia đình xung quanh, làm các căn nhà này bị sụt, lún, nứt, xô nghiêng... Một số hộ gia đình đã kiện chủ đầu tư với số tiền bồi thường 500 triệu đồng. Chủ dự án này đã gây sốc dư luận bằng việc bán chỗ đỗ xe với giá lên tới gần 1 tỷ đồng một chỗ. Ngay sau đó, dư luận và các hộ dân sinh sống tại đây phản ứng gay gắt buộc chủ đầu tư phải nhượng bộ, hạ mức phí gửi xe ôtô xuống 1 triệu đồng mỗi tháng.
10. Nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Lai Vu
Tháng 8/2013, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Tập đoàn Crystal của HongKong (Trung Quốc) sẽ đầu tư khoảng 425 triệu USD vào dự án dệt Pacific Crystal và 120 triệu USD vào dự án may Tinh Lợi mở rộng, sử dụng khoảng hơn 70 hecta đất tại khu công nghiệp Lai Vu.
Theo đó, Dự án dệt Pacific Crystal có tổng vốn đầu tư 425 triệu USD – tương đương khoảng 8.882,5 tỷ đồng, sử dụng 35,1 ha đất và dự kiến thu hút khoảng 6.000 lao động. Dự án may Tinh Lợi mở rộng có vốn đầu tư 120 triệu USD – tương đương khoảng 2.340 tỷ đồng, sử dụng 35 ha đất, dự kiến thu hút khoảng 16.900 lao động, chủ yếu là lao động địa phương.
Hai dự án trên là tổ hợp dệt may lớn nhất Việt Nam và đã được tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Khu công nghiệp Lai Vu được Tổng công ty Công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (nguyên là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) xây dựng từ năm 2004. Khi Chính phủ tái cơ cấu Vinashin vào năm 2010, dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, gây khó khăn trong thu hút các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc do người dân khiếu kiện về quyết định thu hồi đất, mức bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp, dẫn tới khu công nghiệp còn nhiều diện tích đất bỏ hoang, khai thác kém hiệu quả. Sự tham gia của 2 dự án kỳ vọng sẽ giúp tỉnh Hải Dương khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, làm hồi sinh khu công nghiệp Lai Vu.
Hoàng Lan – VNexpress.net