Sunday, September 18, 2016

Vỡ đập liên hoàn: Nguy cơ hiển hiện

Theo NLDO-18/09/2016 22:59

GS-TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn thế giới - nhận định nguyên nhân của những sự cố về thủy điện chính là do quản lý yếu kém

Sự cố tại thủy điện Sông Bung 2 dấy lên lo ngại về sự an toàn của các hồ đập, nhất là ở các thủy điện bậc thangẢnh: TRẦN THƯỜNG
Sự việc xảy tại thủy điện Sông Bung 2 dấy lên lo ngại về sự an toàn của các hồ đập, nhất là ở các thủy điện bậc thang-Ảnh: TRẦN THƯỜNG

- GS-TSKH Phạm Hồng Giang:  Sự việc xảy ra ở thủy điện Sông Bung 2 (tỉnh Quảng Nam) trước hết bị tác động trực tiếp từ dòng lũ, còn cụ thể hơn cần được điều tra, đánh giá đầy đủ. Tôi cho rằng về nguyên tắc, thiết kế công trình thủy điện Sông Bung 2 cần phải xem xét tất cả các vấn đề có thể xảy ra, bảo đảm an toàn khi gặp lũ lớn đối với toàn bộ công trình. Sự việc đã xảy ra cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình. Hồ mới tích nước, mực nước chưa cao mà đã vỡ cửa vào đường hầm. Giả sử chưa vỡ bây giờ thì sau này khi hồ tích đầy nước cũng sẽ vỡ nếu không có biện pháp khắc phục. Vỡ trong trường hợp này thì nguy hiểm đến an toàn đập, mà vỡ đập thì không thể lường được thiệt hại ghê gớm ở hạ du.
Tôi cho rằng lấp dòng thời điểm hiện nay không thích hợp bởi miền Trung đã vào mùa mưa, rất khó có thể bảo đảm kỹ thuật.
* Dường như năm nào cũng có dự án thủy điện gặp vấn đề. Theo đánh giá của ông, mức độ các trục trặc thủy điện ở Việt Nam như thế nào?
- Trên thế giới, thủy điện phát triển rất mạnh. Bất cứ nơi nào có thể khai thác được nguồn thủy năng thì người ta đều làm. Thủy điện được đánh giá là năng lượng sạch và tái tạo. Trong điều kiện cần hạn chế các năng lượng phát ra từ dầu, than, người ta còn có chủ trương tận dụng làm hết thủy điện nhỏ ở những vùng núi cao mà đến nay còn chưa khai thác do địa thế hiểm trở. Ví dụ ở Na Uy, 97% tổng sản lượng điện là từ thủy điện.
Nhưng tôi chưa thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện nhỏ và vừa như ở Việt Nam. Điều này cho thấy việc làm thủy điện của ta còn thiếu trách nhiệm. Quản lý quy hoạch và quá trình đầu tư được phân cấp cho các địa phương, không có người am hiểu chuyên môn; trình độ, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, thiết kế, thi công đều hạn chế.
Cấp phép thủy điện phải dựa trên quy hoạch nhưng hiện nay, quy hoạch đang bị buông lỏng, nhiều khi có phần dễ dãi . Nhiều người muốn đầu tư vì tuy suất đầu tư ban đầu cho thủy điện cao nhưng làm xong rồi thì chi phí quản lý vận hành lại rất thấp.

* Thủy điện bậc thang được xây dựng nhiều nơi ở nước ta. Trên sông Bung cũng có 5 dự án thủy điện. Sự việc vừa xảy ra khiến nhiều người lo ngại vỡ đập liên hoàn?
- Nhiều năm trước, khu vực Tây Nguyên từng xảy ra vỡ đập liên hoàn do chất lượng hồ đập không bảo đảm. Về lý thuyết, nguy cơ vỡ đập liên hoàn có thể xảy ra khi nước lũ dâng đột biến và thiết kế, thi công các công trình liên quan kém chất lượng.
Với công trình thủy điện Sông Bung 2, lưu lượng nước tràn từ hầm dẫn dòng không ào ạt như vỡ đập. Tuy nhiên, đơn vị quản lý phải xả lũ tràn tại các đập bên dưới và có kế hoạch phòng ngừa. Qua sự cố này, các bên liên quan càng phải thường xuyên kiểm tra an toàn đập để có ngay biện pháp cần thiết.
Một công trình đã đến giai đoạn tích nước như thủy điện Sông Bung 2 lẽ ra phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, vậy nên việc xảy ra sự hư hỏng phải được xem là rất nghiêm trọng.
* Theo ông, Việt Nam có nên phát triển thêm thủy điện?
- Bản chất thủy điện chả có lỗi gì, trong khi đây là nguồn năng lượng quan trọng, chiếm hơn 30% tổng lượng điện quốc gia. Nhưng thủy điện không thể được quản lý tùy tiện từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế đến vận hành. Nếu quản lý yếu kém sẽ có tình trạng lợi dụng làm thủy điện rồi tiện thể phá rừng. Khi làm thủy điện, để nâng cao hiệu quả phát điện, việc chuyển nước xuống hạ du sang lưu vực khác là vấn đề thường gặp. Vì thế, bắt buộc phải xả lưu lượng nhất định cho đoạn sông mà dòng chảy đã bị chuyển đi để không ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Những điều này phải được quy định rõ khi cấp phép và buộc chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc.
Thi công có vấn đề
PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đã xảy ra khá nhiều sự cố thủy điện, thậm chí có trường hợp còn vỡ đập. Đối với sự cố tại thủy điện Sông Bung 2, rõ ràng là việc thi công có vấn đề, trong đó có thể do đường ống đã được thi công không bảo đảm, chất lượng không tốt…
Góp ý về nguyên tắc và kinh nghiệm đối với trường hợp thủy điện Sông Bung 2, ông Hoàng Xuân Hồng - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam - cho rằng không nên đóng van cửa ống dẫn dòng vào mùa lũ mà phải mở ra để thoát lũ. Theo ông, không phản đối việc xây dựng thủy điện nhưng quan trọng là phải quy hoạch, thiết kế, thi công và quản lý như thế nào để không gây ra hậu quả đáng tiếc.
Thùy Dương thực hiện

Cháy chợ Sơn, hàng trăm tiểu thương trắng tay

Theo NLDO-18/09/2016 22:29

Khoảng 20 giờ ngày 17-9, nhiều người phát hiện lửa bùng phát từ cổng chính của chợ Sơn (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Lửa sau đó bùng phát dữ dội, nhanh chóng trùm lên toàn bộ khu chợ.


Lửa bao trùm lên toàn bộ khu vực đình chợ Sơn trong đêm - Ảnh: T. Nguyễn

Nhận được tin báo, hàng chục xe cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường triển khai dập lửa. Do lửa lan mạnh nên đến gần 24 giờ cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, hàng trăm ki-ốt kinh doanh các mặt hàng vải vóc, quần áo, gối nệm... đã bị thiêu rụi hoàn toàn, ước thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Chợ Sơn tan hoang sau vụ hỏa hoạn
Chợ Sơn tan hoang sau vụ hỏa hoạn
Theo nhiều tiểu thương, ngoài chuyện lửa bùng phát nhanh thì việc không có xe chữa cháy chuyên dụng tại chỗ mà phải chờ xe cứu hỏa từ TP Hà Tĩnh (cách khoảng 70 km) đến cũng là nguyên nhân dẫn tới đám cháy chậm được khống chế, gây thiệt hại lớn.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ một ki-ốt kinh doanh quần áo tại chợ Sơn, xót xa: “Chỉ sau một đêm, toàn bộ hàng hóa giá trị hàng trăm triệu đồng của tôi trở thành than hết. Bao nhiêu vốn liếng mất hết rồi, không biết sắp tới làm gì để sinh sống, nuôi con nữa”.
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết chợ Sơn có khoảng 600 ki-ốt kinh doanh. Vụ cháy đã thiêu rụi hoàn toàn hơn 130 ki-ốt và làm hư hỏng nhiều ki-ốt khác.
Sáng 18-9, UBND huyện Hương Khê đã họp bàn phương án ổn định tình hình, hỗ trợ cho tiểu thương. Toàn bộ hiện trường đã được công an phong tỏa, tổ chức khám nghiệm để điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Chợ Sơn được xây dựng từ lâu, nay xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc xây dựng lại chợ mới gặp khó khăn do tiểu thương không đồng tình với phương án của chính quyền đưa ra.
Tin-ảnh: H.Vũ

Coi thường cuộc sống người dân

Theo NLDO-18/09/2016 21:46

Đơn vị thi công đào đường, tạo ra nhiều hố sâu nhưng không có bất kỳ rào chắn hay hệ thống cảnh báo nào. Xe công trường lưu thông dày đặc, không phủ bạt nên bụi mịt mù

Theo phản ánh của người dân huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hơn một năm nay, thị trấn Khe Tre ở huyện này như một đại công trườngbởi dự án đường La Sơn - Nam Đông và dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đang thi công.
Công trình đường La Sơn - Nam Đông có 3 đơn vị trúng thầu, gồm: Công ty TNHH Mạnh Linh, Công ty CP Thành Đạt và Công ty Sao Á, đang tổ chức thi công mở rộng trên nền đường cũ là Tỉnh lộ 14 B. Tại công trường đi qua thôn Cha Moong, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, đơn vị thi công là Công ty TNHH Mạnh Linh đã tiến hành đào đường, tạo ra nhiều hố sâu gần 2 m, rộng trên 20 m2, trời mưa nước ngập sâu nhưng không có bất kỳ rào chắn hay hệ thống cảnh báo nào. Hơn nữa, đường đào hai bên, ô tô tải trọng lớn phục vụ công trình liên tục lưu thông nên rất nguy hiểm với người đi đường.
Khu vực đi qua thị trấn Khe Tre cũng đang được các đơn vị thi công đào bới và trong tình trạng không có rào chắn. Do tưới nước hạn chế, việc xe công trường lưu thông dày đặc, đường đang thi công nên tuyến đường đi qua các xã Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Lộ luôn trong tình trạng bụi mịt mù.
Xe chở đất không phủ bạt, bụi tung mù mịt
Xe chở đất không phủ bạt, bụi tung mù mịt
Tại xã Hương Phú, nhiều ô tô của Tập đoàn Sơn Hải chở đất từ công trường đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đến các bãi thải ở xã Hương Hữu để đổ cũng không phủ bạt, bụi bay mù mịt.
Người dân huyện Nam Đông đã nhiều lần phản ánh việc các đơn vị thi công gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và chủ đầu tư tiến hành kiểm tra, giám sát nhưng các đơn vị thi công vẫn dửng dưng.
Khi chúng tôi liên hệ làm việc, ông Trương Xuân Đức, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Linh, trả lời qua quýt: “Trời mưa thì nước ngập thôi, chả lẽ phải tát nước à? Thiếu rào chắn thì tôi sẽ yêu cầu anh em bổ sung”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị chủ đầu tư dự ánđường La Sơn - Nam Đông, cho biết đã thường xuyên nhắc nhở các đơn vị thi công chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn, lãnh đạo Sở GTVT cũng kiểm tra nhiều lần. “Chúng tôi sẽ báo cáo lên lãnh đạo sở để yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh” - ông Cường khẳng định.
Bài và ảnh: Quang Nhật

Tràn lan xà phòng có hóa chất nguy hiểm

Theo NLDO-18/09/2016 22:28

Có đến 19 loại hóa chất bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm trong thành phần nước rửa tay, diệt khuẩn đang hiện diện trong nhiều sản phẩm lưu hành ở Việt Nam

Cục Quản lý dược - Bộ Y tế vừa yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam báo cáo về những sản phẩm xà phòng diệt khuẩn, sữa tắm, chất tẩy rửa chứa các chất cấm trong danh sách FDA đã liệt kê.
Có thể gây ung thư
Mới đây, FDA đã chính thức ra quyết định cấm 19 loại hóa chất có trong các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn. Trong đó, 2 chất triclosan và triclocarban có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như kháng vi khuẩn hay ảnh hưởng tới nội tiết tố, thậm chí gây xơ gan, ung thư gan... Lệnh cấm này liên quan đến 2.100 sản phẩm diệt khuẩn, chiếm khoảng 40% số lượng xà phòng kháng khuẩn trên thị trường.

Nhiều sản phẩm nước rửa tay, xà phòng có chứa triclosan - một trong những hóa chất bị cấm sử dụng tại Mỹ
Nhiều sản phẩm nước rửa tay, xà phòng có chứa triclosan - một trong những hóa chất bị cấm sử dụng tại Mỹ
Theo thông báo của FDA, vấn đề nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn của các hoạt chất này được đưa ra cách đây gần 3 năm. Ngày 6-9 vừa qua, dự thảo của FDA chính thức có hiệu lực, trong đó quy định các sản phẩm tắm gội diệt khuẩn tiêu dùng không kê toa mà thành phần có chứa một hoặc nhiều hơn trong số 19 hóa chất này sẽ không được lưu thông trên thị trường Mỹ. FDA cũng yêu cầu những công ty đã sản xuất các sản phẩm liên quan có thời gian 1 năm để thay thế thành phần bị cấm trong sản phẩm, tính từ tháng 9-2016.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia y tế công cộng, cho rằng hiện nay, việc sử dụng 2 hóa chất này vẫn còn gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng hóa chất diệt khuẩn làm vệ sinh sạch hơn nhưng cũng có ý kiến phản đối bởi hóa chất này làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tăng nguy cơ vi khuẩn kháng hóa chất. Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc FDA cấm sử dụng các hóa chất nêu trên là hoàn toàn đúng.
Khẳng định triclosan và triclocarban được sử dụng như một loại thuốc diệt khuẩn, PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết nếu uống trực tiếp 2 chất này có thể gây ung thư, rối loạn hormone trong cơ thể; gây các vấn đề sức khỏe, từ vô sinh đến dị tật. Tuy vậy, nếu rửa tay, rửa chân có thể rủi ro không cao.
Không tốt hơn xà phòng thông thường
Trước thông tin này, Cục Quản lý dược đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam rà soát lại thành phần các sản phẩm rửa tay diệt khuẩn để báo cáo về cục. Đó là các dạng xà phòng kháng khuẩn sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng (xà phòng lỏng và xà phòng bánh). Thông cáo báo chí của Bộ Y tế dẫn nguồn tin của FDA cho biết việc sử dụng xà phòng diệt khuẩn không tốt hơn so với xà phòng thông thường.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, trên thị trường hiện nay, rất nhiều sản phẩn nước rửa tay, xà phòng có thành phần triclosan. Một chuyên gia trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm cho biết triclosan đang được sử dụng tương đối phổ biến ở nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm với vai trò là chất bảo quản và chất diệt khuẩn trong các sản phẩm rửa tay, sữa tắm...
Đại diện Cục Quản lý dược cho biết danh mục các chất cấm này sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội đồng Mỹ phẩm các nước ASEAN tổ chức vào tháng 11 tới. Hiện quy định về quản lý mỹ phẩm tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực phải tuân theo Hiệp định Hòa hợp Mỹ phẩm ASEAN.
Theo các chuyên gia hóa học, hiện có hơn 200 hợp chất hữu cơ để diệt khuẩn. Chính vì thế, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể nghiên cứu để thay thế triclosan cũng như các chất thuộc danh mục 19 hoạt chất mà FDA đã khuyến cáo bằng hợp chất khác có tính năng diệt khuẩn tốt và an toàn hơn.
Tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi
Theo TS Janet Woodcock, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá dược phẩm thuộc FDA, một số nghiên cứu cho thấy các thành phần kháng khuẩn gây hại về lâu dài nhiều hơn là có lợi. Một số hóa chất diệt khuẩn có trong xà phòng, nước rửa tay, sữa tắm có thể khiến các vi khuẩn kháng thuốc phát triển mạnh, gây ra những vấn đề về sức khỏe bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn có lợi sống trên cơ thể cũng như gây rối loạn hormone. Sau khi bị xả xuống đường ống cống, các hóa chất này cũng gây nguy hại cho các loài động, thực vật.
Bài và ảnh: Ngọc Dung

Cháy lớn tại Hoàng Mai, hàng ngàn công nhân bỏ chạy

(NLĐO)- Khoảng 100 m2 lán trại của công nhân ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội chiều nay đã bị cháy khiến hàng ngàn công nhân hoảng hốt bỏ chạy.

Hiện trường vụ cháy
Hiện trường vụ cháy
Khoảng 14 giờ 15 phút ngày 18-9, tại lán trại của công nhân làm trong Công ty Cổ phần xây dựng Long Việt khu vực phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy khiến hàng ngàn người hoảng hồn bỏ chạy.
Diện tích cháy khoảng hơn 100 m2 lán trại cho công nhân ở. Khu vực cháy ở sát khu dân cư số 11 phường Tân Mai.
Một nhân chứng cho biết khoảng hơn 14 giờ, lửa bốc lên rồi nhanh chóng lan ra. Lúc đó rất đông công nhân tại lán túa ra ngoài. Sau đó, bình tĩnh lại, mọi người quay vào ôm bình gas và đồ đạc cá nhân ra ngoài.

Các công nhân tháo chạy ra bên ngoài khu vực cháy
Các công nhân tháo chạy ra bên ngoài khu vực cháy
Đám cháy đã cơ bản được khống chế, hàng trăm chiến sĩ chữa cháy cùng người dân vẫn đang tích cực phun nước làm mát khu vực này
Đám cháy đã cơ bản được khống chế, hàng trăm chiến sĩ chữa cháy cùng người dân vẫn đang tích cực phun nước làm mát khu vực này
Cháy lớn tại Hoàng Mai, hàng ngàn công nhân bỏ chạy
Đến khoảng 15 giờ 30, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, khói vẫn bốc nghi ngút, hàng trăm chiến sĩ chữa cháy cùng người dân vẫn đang tích cực phun nước làm mát khu vực này.
Hiện thiệt hại do cháy chưa được thống kê, bước đầu chưa có ghi nhận thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đang làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Người dân thu dọn đồ đạc đã sơ tán ra ngoài hiện trường vụ cháy
Người dân thu dọn đồ đạc đã sơ tán ra ngoài hiện trường vụ cháy
Tin-ảnh: Nguyễn Hưởng

Lại trễ hạn báo cáo 15/9: chính quyền 4 tỉnh Miền Trung vô trách nhiệm với ngư dân đến mức nào!

Hoặc Thủ tướng Phúc cố ý phớt lờ yêu sách đòi bồi thường thỏa đáng của ngư dân Miền Trung từ vụ Formosa, hoặc ông Phúc trong vị thế “tân thủ tướng” nhưng mệnh lệnh đã bị chính quyền 4 tỉnh Miền Trung coi thường.

Sau ngày 15/9 là thời hạn mà Thủ tướng phúc yêu cầu chính quyền các tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế phải có báo cáo tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn, vẫn chưa có bất cứ báo cáo nào được công bố.
Cần nhắc lại, sau hơn hai tháng từ ngày “công bố nguyên nhân cá chết”, mãi đến cuối tháng 8/2016, Chính phủ mới bắt đầu “triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Formosa gây ra”. Tuy nhiên, hành động này chỉ mới thể hiện trên… giấy, qua một thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong đó có một chi tiết đáng chú ý là “Phó Thủ tướng cũng đồng ý cho UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lùi thời hạn gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15/9/2016”.
Việc Chính phủ “đồng ý cho UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lùi thời hạn gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15/9/2016” cũng là một bằng chứng không thể chối cãi về nạn hỗn quân hỗn quan trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời. Sau một thời gian đủ dài và không một quan chức nào – từ Võ Kim Cự xứ Hà Tĩnh đến Trần Hồng Hà xứ Tài nguyên môi trường… - “lũ chuột” đã bớt sợ sệt và lại quay về thói ăn bẩn cũ.
Những chỉ đạo của Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế chỉ có ý nghĩa như “làm sao để cá có thể bơi trong nước thải”, lời tuyên bố của ông đối với dự án thép Cà Ná.
Thái độ của chính quyền địa phương và cả chính phủ là sau 5 tháng từ lúc cá chết là cực kỳ vô trách nhiệm. Chính quyền 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn chưa làm được một việc tối thiểu, là thống kê thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn từng tỉnh. Trong khi họ lại quá tập trung vào việc huy động các lực lượng từ cảnh sát cơ động, quân đội, kể cả mặt trận đoàn thể để khống chế và đàn áp các cuộc biểu tình chính đánh về bảo vệ môi trường của giáo dân, ngư dân.
Cũng sau 5 tháng kể từ ngày cá chết hàng loạt, nhiều bằng chứng phũ phàng liên tiếp hiện hình. Thậm chí gạo hỗ trợ cho ngư dân, chỉ có 15 kg/người/tháng, còn bị mốc xanh. Nếu Quảng Trị là địa phương duy nhất trong 4 tỉnh bắt đầu tiến hành “hỗ trợ” ngư dân, thì mức hỗ trợ chỉ có 3 triệu đồng/người là quá ít, và chính quyền còn không thèm hỏi ý kiến của các nạn nhân bị thiệt hại từ vụ Formosa.
Hiện tại, hoàn cảnh của ngư dân Miền Trung đang nhanh chóng thê thảm. Quá nhiều ngư dân không thể ra biển, có đánh bắt cá thì cũng chẳng ai mua, quá nhiều người phải tính đến chuyện di cư vào Nam hoặc ra Bắc để tìm đường sinh nhai…
Từ tháng Tư đến nay, có quá nhiều bằng chứng về thái độ giả dối của giới quan chức từ trung ương đến địa phương về “sẽ làm sạch biển và ổn định đời sống cho ngư dân”.
Trong khi Thủ tướng Phúc vẫn đang say sưa với dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, không khí miền Trung đang giống như một núi lửa sắp phun trào mãnh liệt. Rất nhiều gia đình người Công giáo đã không chấp nhận cho con cái mình đến trường vào ngày khai giảng 5/9 như một cách để phản đối chính quyền.
Lê Dung / SBTN

Bí thư Hà Giang nói 8 người thân được bổ nhiệm 'đúng quy trình'

Cây gia tộc làm quan. Ảnh: bolg Pham Viet Dao
Hà Giang -- Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh hôm Thứ Bảy 17/09 được báo chí trong nước dẫn lời nói những người thân của ông đều được bổ nhiệm "đúng quy trình".
Ông Vinh cũng nói rằng ông "không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bổ nhiệm làm lãnh đạo", giữa lúc mạng xã hội đang lan truyền những bản sơ đồ cho thấy 8 người thân của ông đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan của tỉnh.
Theo thông tin trên mạng, vợ ông Vinh, bà Phạm Thị Hà đang là phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Hà Giang. Em trai ông Vinh, ông Triệu Tài Phong là bí thư huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Truyền thông Việt Nam cũng xác nhận hoặc đính chính một số chi tiết trong các bản sơ đồ. Theo đó, ông Triệu Sơn An là phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ông Triệu Tài Tân là phó phòng Hành Chính Viễn Thông tỉnh Hà Giang. Bà Triệu Thị Giang là phó phòng Kinh Tế Đối Ngoại, Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư tỉnh Hà Giang. Bí thư Triệu Tài Vinh được báo mạng VietnamNet dẫn lời nói thêm rằng, ông Triệu Là Pham, phó ban Nội Chính tỉnh ủy, và bà Triệu Thị Tình, quyền giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Và Du Lịch, “không hề có quan hệ ruột thịt trong nhà” với ông, mặc dù cùng mang họ Triệu.
Theo trang blog Phạm Viết Đào, dường như mọi sự bắt đầu từ cha của ông Vinh là ông Triệu Đức Thạnh, nguyên phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
Huy Lam / SBTN

Bám chắc vào nhau vì quyền lợi cho đến khi cùng chết chùm!

— 09/18/2016 - 12:46 

Ông Triệu Tài Vinh tại một cuộc họp ở tỉnh Hà Giang - Ảnh: Thành Long
Ông Triệu Tài Vinh tại một cuộc họp ở tỉnh Hà Giang - Ảnh: Thành Long

Sau khi báo chí nhà nước lẫn trên mạng xã hội có những bài viết, ý kiến thắc mắc, bức xúc trước việc gia đình Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, có đến 8 người bao gồm vợ, em trai, em gái, em rể, họ hàng, đang giữ những vị trí lãnh đạo tại các ban, sở, ngành khác nhau của tỉnh, ông Trịnh Tài Vinh bèn lên tiếng cho biết việc bổ nhiệm người thân của ông là…đúng quy trình! (“Bí thư Hà Giang: Những người thân của tôi được bổ nhiệm đúng quy trình”, VietnamNet). Thậm chí ông còn trần tình bản thân mình không cảm thấy vui và đã từng có ý kiến phản đối khi người thân được bổ nhiệm vào vị trí này vị trí kia, nhưng vì không tìm được người nên đành phải…chấp nhận.
Báo chí cũng cho biết, ông Triệu Tài Vinh là con trai của ông Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Dù ông Triệu Tài Vinh có trần tình, giải thích gì đi nữa, và rằng mọi việc đều…đúng quy trình thì người dân cũng chả muốn tin. Lòng tin của hầu hết người dân vào đảng, nhà nước cộng sản cũng như các quan chức, cán bộ ở xứ này đã cạn kiệt từ lâu!
(Nhân tiện, cụm từ “đúng quy trình” gần đây đã trở thành một cụm từ quen thuộc đến phát ngấy, được các quan to quan nhỏ của VN dùng để bao biện cho mọi sai trái, khuất tất trong mọi lĩnh vực)
Thật ra cái chuyện cha làm quan con cũng làm quan, hay một người là quan cả họ được nhờ không phải mới mẻ gì trong chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo lâu nay ở VN. Ngay với ông Hồ Chí Minh thì dư luận đã râm ran từ lâu về việc cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là con rơi của ông Hồ, nên dù tầm nhìn tư duy cho tới tài năng kiến thức rất kém vẫn được đưa vào ngồi ở nhiều vị trí quan chức, trước khi là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam (1992-2001) và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2001-2011)
Và nếu nhìn lại suốt hơn 70 năm độc quyền lãnh đạo, thì việc con cái, người thân của các quan chức trong chế độ cộng sản ở VN luôn luôn được hưởng những ưu tiên hơn người dân bình thường. Thời chiến tranh khi con cái người dân phải ra trận thì con cái các lãnh đạo thường được đưa sang Liên Xô và các nước XHCN anh em học tập, hoặc cũng được bổ nhiệm vào chỗ này chỗ kia. Nhưng thời đó khoảng cách giàu nghèo trong xã hội miền Bắc còn chưa lớn và các quan chức chính khách cũng chưa dám nâng đỡ con em, người thân của mình một cách lộ liễu, công khai như bây giờ.
Mới đây nhất, bên cạnh vụ việc của gia đình ông Trịnh Tài Vinh là vụ “Cục trưởng Cục thuế đề nghị quy hoạch vợ làm cục phó”(Tuổi Trẻ) ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch Yên Bái bổ nhiệm em ruột làm Giám đốc Sở TN-MT (“Chủ tịch Yên Bái nói gì về việc em ruột làm giám đốc Sở TN&MT?”, Doanh nghiệp VN), Bà Nguyễn Vân Chi, phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong 5 ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khoá 14, vừa được phê chuẩn giữ chức Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (“Phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính”, VNExpress)…
Đến mức tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đặt vấn đề về công tác cán bộ, yêu cầu “tìm người tài chứ không tìm người nhà” và một cử tri lão thành đã phải bức xúc lên tiếng "Thưa đồng chí, trên toàn quốc có hiện tượng tìm người nhà" (Tuổi Trẻ).
Tất nhiên ông Thủ tướng nói là nói vậy thôi, chứ cái hiện tượng cha truyền con nối làm quan cũng như các căn bệnh trầm kha khác của chế độ này làm sao mà chấm dứt được.
Từ sau khi hội nghị lần thứ XI của đảng cộng sản VN năm 2011 kết thúc, một số tờ báo và diễn đàn đã có những bài viết nhận xét về truyền thống đưa người thân con cái vào bộ máy cầm quyền như bài “Truyền thống gia đình trong Đảng”, BBC.
Đó là vì sự kiện một số nhân vật được gọi là “hạt giống đỏ” được bầu vào Ban chấp hành lần này, trong đó “có ông Nguyễn Thanh Nghị (ủy viên dự khuyết), con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Nông Quốc Tuấn, con trai của Tổng Bí thư khóa X Nông Đức Mạnh; ông Nguyễn Chí Vịnh, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; ông Phạm Bình Minh, con trai cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; ông Nguyễn Xuân Anh (ủy viên dự khuyết), con trai ủy viên Bộ Chính trị khóa X Nguyễn Văn Chi; ông Trần Sỹ Thanh (ủy viên dự khuyết), cháu ông Nguyễn Sinh Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cháu ngoại cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (trúng cử từ khóa X) v.v…”
Người ta còn gọi họ, các “hạt giống đỏ”, bằng cái tên “thái tử đảng”. Không biết cụm từ này ở đâu ra, nhưng trong các đảng cộng sản còn lại đang nắm quyền trên thế giới thì đều có hiện tượng này. Ví dụ ở Cu Ba, ông Raúl Castro, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu Ba, là em trai của cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ở Bắc Hàn, cả gia đình Kim Il-sung, Kim Jong-il, Kim Jong-un kế tục nhau lãnh đạo đất nước. Ở Trung Quốc, hiện tượng này tràn ngập, bản thân Tập Cận Bình, hiện là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và một vài chức vụ tối cao khác, là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân.
Có nghĩa là các đảng cộng sản cũng cha truyền con nối giống như ở trong chế độ phong kiến vậy.
Còn nói về đảng cộng sản VN, người ta nhận thấy đảng cộng sản và cả cái chế độ ở VN bây giờ hoàn toàn khác xa với đảng cộng sản thời mới ra đời, hay thời trước 1975 ở miền Bắc, lại càng khác xa với cái mô hình chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản lý tưởng chỉ có trong trí tưởng tượng của mấy ông Karl Marx, Engel. Nó chẳng khác nào một cái nồi lẩu thập cẩm trong đó bao gồm rất nhiều món trộn lại với nhau, từ chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ cộng sản kiểu Liên Xô và cả chế độ phát xít, chưa kể cái chất mafia. Nhưng tiếc thay lại chỉ toàn học theo những cái xấu cái dở của từng chế độ/chủ nghĩa ra đời trước đó mà lại không học được những cái hay!
Ví dụ như với chế độ phong kiến, đảng cộng sản VN đã giữ lại cái tính cha truyền con nối như trên vừa kể và rất nhiều cái dở khác. Bề ngoài thì nói nhân dân là chủ, quan là đầy tớ của dân nhưng thực chất luôn luôn nhồi nhét vào đầu người dân cái ý tưởng quan là cha mẹ, dân là con cái trong nhà. Người dân khi nói về nội bộ đảng cũng hay dùng những từ vừa mỉa mai vừa bỡn cợt như “cung đình Hà Nội”, gọi bốn vị trí cao nhất là “tứ trụ cung đình”, con trai con gái dâu rể các ông Tổng bí thư, Thủ tướng là hoàng tử, công chúa, phò mã v.v…
Cũng như chế độ phong kiến coi Vua như trời, luôn luôn đề cao tư tưởng trung quân, đảng dạy người dân phải coi đảng lớn hơn cả đất nước, trong mọi cuộc diễu hành diễu binh cờ đảng luôn đi trước cờ Tổ quốc, trong mọi khẩu hiệu thì “Mừng đảng mừng xuân mừng đất nước”-đảng đi trước cả mùa xuân lẫn đất nước! Và đảng gắn liền với đất nước. Yêu tổ quốc tức là yêu đảng, yêu chủ nghĩa xã hội. Chống lại đảng là chống lại cả đất nước!
Đảng cũng học theo chế độ tư bản, làm ăn theo kiểu kinh tế thị trường nhưng chỉ biết chạy theo con số tăng trưởng mà không nghĩ đến hiệu quả lâu dài, bền vững và tính nhân văn; trong xã hội thì chỉ biết có đồng tiền, cạnh tranh làm giàu bất chấp sinh mạng, sức khỏe của người dân, lợi ích của đất nước, mọi giá trị đạo đức bị băng hoại…Có nghĩa là một thứ chủ nghĩa tư bản man rợ của thời kỳ đầu, trong khi đó lại không có được những tính chất tốt đẹp của xã hội tư bản hiện nay ở hầu hết các nước phát triển phương Tây, sau khi đã trải qua một quá trình biến chuyển và tự hoàn thiện mình. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh dưới sự kiểm soát của một chế độ dân chủ tam quyền phân lập, một nền luật pháp vững chắc và một xã hội dân sự.
Và sự độc tài, hà khắc là học được từ tất cả các mô hình chế độ độc tài, kể cả phát xít.
Tập đoàn Ba Đình hiện nay chẳng khác nào một tập đoàn mafia thâu tóm mọi quyền lợi, quyền lực của đất nước vào trong tay một nhóm người, rồi từ một nhóm người đó lại lan tỏa ra hàng ngàn hàng triệu chân rết từ trên xuống dưới. Ngay trong sự đấu đá tranh giành ghế cũng đậm đặc chất mafia, từ những vụ đấu đá thời ông Tổng Trọng-Thủ Dũng cho tới bây giờ, lại đang có dấu hiệu thanh toán, triệt tiêu các phe phái dưới chiêu bài diệt tham nhũng.
Nhưng nạn tham nhũng hay những yếu kém của chế độ này sẽ không thể nào triệt tiêu nổi, một phần chính vì chính sách đưa con cái, người thân, phe nhóm vào những vị trí khác nhau khiến cho cả guồng máy là một ma trận chằng chịt những cá nhân với những quan hệ quyền lợi gắn bó chặt chẽ. Tất cả cùng dựa vào nhau, bao che nhau để vơ vét, kiếm chác, và nếu có xung đột về lợi ích thì sẽ tìm cách hạ bệ, thậm chí thanh toán, ám sát nhau nhưng vẫn giữ cho bộ máy ấy tồn tại để mà tiếp tục bòn rút đến cạn kiệt tài nguyên, tài sản của đất nước và hút máu nhân dân.
Điều đó lý giải vì sao chế độ cộng sản ở VN hay Trung Quốc khó sụp đổ nhưng một khi đã sụp đổ thì đất nước này chả còn lại gì ngoài một bãi hoang tàn, một đống nợ và những di hại nặng nề trong văn hóa, giáo dục, đạo đức, tâm linh, tâm tính của con người.

Trung Quốc ‘luôn là lựa chọn chiến lược’ của Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh hôm 12/9/2016.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh hôm 12/9/2016.

Theo Xinhua, TTXVN, Global Times, VOA-18.09.2016
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nói như vậy với báo chí trong nước hôm 16/9, khi đánh giá về chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới quốc gia láng giềng từ ngày 10 tới 15/9 theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Phúc trên cương vị Thủ tướng Việt Nam, và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sau Đại hội đảng 12 hồi đầu năm.
Ông Lê Hoài Trung nói rằng nó “có ý nghĩa rất quan trọng”, “là dịp để Lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển của quan hệ hai nước”.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói tiếp: “Trung Quốc vừa là nước láng giềng vừa là nước lớn, đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế - thương mại của ta. Việc phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc luôn là lựa chọn chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Ông Phúc tới Trung Quốc đúng dịp Nga và Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận lớn trên biển Đông.
Trong bài bình luận đăng tải hôm nay, 18/9, tờ Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sàn Trung Quốc, nói rằng cuộc thao dượt hải quân này “phát tín hiệu mạnh mẽ tới thế giới”.
Trả lời VOA trong tuần trước, ông Dương Danh Dy, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng “ý đồ của Trung Quốc là bá chiếm biển Đông của Việt Nam là ý đồ bất biến của họ, và Việt Nam cũng quyết tâm giữ, cho nên không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau”.

Nợ của Việt Nam có thể sẽ ngốn đến 90% GDP

“Nhà” của một gia đình nghèo tại Việt Nam. Năm nào chính quyền Việt Nam cũng khoe thành tích phát triển và theo sau đó là mức độ nghiêm trọng của các thảm trạng xã hội càng ngày càng lớn. (Hình: Internet)
VIỆT NAM – Trong 4 năm tới, nợ của Việt Nam có thể sẽ ngốn đến 80% – 90% GDP, đó là ước đoán của ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế đang điều hành FETP – chương trình đào tạo chuyên viên về chính sách, một hình thức viện trợ về giáo dục của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Tại hội thảo về “Triển vọng kinh tế Việt Nam” diễn ra hồi giữa tuần này, do chi nhánh tại Việt Nam của Ngân Hàng HSBC và Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam đồng tổ chức, ông Thành nhấn mạnh, thông thường, nợ nần của các quốc gia chỉ chiếm chừng 30% GDP nhưng tỉ lệ này ở Việt Nam đã chạm mức 65% GDP.
Cho dù chính quyền Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm nợ nần nhưng ông Thành nhận định, những biện pháp đó khó khả thi vì trong khi các nguồn thu cho ngân khố giảm thì chi tiêu của hệ thống công quyền vẫn tăng chóng mặt.
Ông Thành nhấn mạnh, ở góc độ vĩ mô, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với hai thách thức quan trọng. Về ngắn hạn thì đó là tỉ lệ nợ xấu – nợ không có khả năng thu hồi của hệ thống ngân hàng – quá cao và hiệu quả hoạt động của hệ thống này quá kém. Về trung hạn thì đó là thâm hụt ngân sách quá lớn, nợ nần tăng không ngừng và dường như chính quyền Việt Nam không kiềm giữ được.
Càng ngày các chuyên gia kinh tế của Việt Nam càng tỏ ra bi quan về tương lai của kinh tế Việt Nam. Cuối tháng trước, khi tham dự buổi góp ý cho đề án gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế của Việt Nam, nhận định, nguồn lực dành cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã kiệt.
Một số chuyên gia này nhấn mạnh, do quản lý tồi, chính sách viển vông, nông nghiệp – một trong những trụ cột của kinh tế Việt Nam đã bị “dồn đến chân tường,” nông dân trên toàn Việt Nam, từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long nay không còn đường sống.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, muốn giải quyết vấn nạn kinh tế thì trước hết phải giải quyết những vấn nạn ngoài kinh tế, ví dụ như sự cồng kềnh và hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống công quyền. Theo họ, số người hưởng lương từ ngân sách vẫn càng ngày càng lớn và dân chúng không còn sức để nuôi “các ông, các bà” này. Trong khi kinh tế suy sụp vì chính sách thì chính sách vẫn tiếp tục được soạn thảo bởi một đội ngũ hình thành từ những cá nhân mua quan, bán tước, thiếu cả tư cách lẫn năng lực.
Lúc đó, ông Lê Xuân Bá, cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế, nhấn mạnh, cải cách bộ máy công quyền là phải cải cách trên diện rộng, chấm dứt việc dùng công quỹ để trả lương cho cán bộ các tổ chức, đoàn thể chính trị như: Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ,… Tuy nhiên ông Bá không đề cập đến việc chấm dứt dùng công quỹ để trả lương cho các viên chức của đảng CSVN – tổ chức chính trị cồng kềnh, ngốn nhiều tiền nhất.
Bàn tới cải tố cơ chế, một chuyên gia khác tên là Võ Đại Lược tin rằng các kế hoạch, nỗ lực cải tổ sẽ không hiệu quả vì Việt Nam chưa thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực. Cơ chế hiện nay dung dưỡng tệ nạn mua quan, bán tước và như thế thì làm sao hệ thống công quyền có thể tuyển dụng được nhân tài (?).
Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế, cam kết, chắc chắn bản thảo của đề án nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ phải ghi nhận một cách rõ ràng rằng, Việt Nam chưa thay đối suy nghĩ và nhận thức, vẫn chần chừ, do dự trong việc cải tổ, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường. Đó cũng là lý do nền kinh tế thị trường tại Việt Nam méo mó, trở thành chỗ dung dưỡng cho tham nhũng, các băng nhóm, việc phân bổ nguồn lực bị sai lệch, lãng phí, kém hiệu quả. (G.Đ)

Vui buồn Trung Thu miền biển chết

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-09-18  
tttvn0918-622.JPG
 Mặt nạ và lân cho trẻ em mùa Trung Thu  RFA
Một mùa tựu trường, một mùa Trung Thu nữa lại đến. Với trẻ em miền biển và miền núi, Tết Trung Thu mang điều gì đó thật huyền nhiệm, khó tả bởi cái nghèo, sự háo hức đã nung nén trong chờ đợi suốt một năm. Thế nhưng với trẻ em miền biển từ Quảng Trị đến Quảng Bình, Hà Tĩnh thì đây là một mùa Thu rất buồn, một mùa Thu mà các em vừa trải qua một trận hoang mang bởi thiếu tiền nộp học, nguy cơ bỏ học vĩnh viễn. Và đối với một số gia đình, mùa Trung Thu là mùa múa lân để kiếm tiền mua gạo, để giảm bớt cái đói. Nhưng rồi mưa bão đã làm mọi chuyện trở nên bi thảm hơn bao giờ hết nơi miền biển khổ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Sau một trận hoang mang

Một học sinh cấp hai ở Quảng Bình tên Nguyệt, chia sẻ: “Dạ, bão là cây cối bổ (ngã) hết. Bánh Trung Thu bây giờ thì mỗi đứa vài cái cho vui vậy thôi. Cháu nghỉ học rồi bây giờ thấy bạn đi học thì mình buồn lắm. Chỉ biết buồn vậy thôi chứ không nói ra. Nghỉ học xong rồi thì chỉ có đi làm thuê thôi, chủ yếu đi làm bất hợp pháp. Nghĩa là khai gian tuổi để làm những việc nặng của người lớn hoặc trốn qua Lào, Trung Quốc để làm. Nói chung là khổ lắm, đi làm thì khổ rồi. Nhưng giờ chỉ biết ước mơ đi học thôi chứ chẳng dám nghĩ đó là sự thật vì chẳng bao giờ có tiền đến trường đâu!”.
Bánh Trung Thu bây giờ thì mỗi đứa vài cái cho vui vậy thôi. Cháu nghỉ học rồi bây giờ thấy bạn đi học thì mình buồn lắm. Chỉ biết buồn vậy thôi chứ không nói ra.
-Nguyệt
Nguyệt cho biết là mùa tựu trường năm nay đối với em quá buồn, mà không riêng gì em, cả ba mẹ và ông bà em cũng rất buồn bởi nhà không còn đồng nào để mua gạo, thức ăn của gia đình em chủ yếu là rau dại, ngô và sắn. Cơm dành cho trẻ nhỏ và người già, khoai sắn và ngô dành cho cha mẹ em. Em nói như muốn khóc rằng gần một tháng nay ba của em không dám đi đâu, kể từ khi ông sang Lào làm thuê rồi thất nghiệp, trở về. Ông trốn luôn trong nhà và nhà luôn đóng cửa bởi ngại vì các đám cưới, đám giỗ trong làng. Ông đã nhận thiệp và không đi ăn cưới đến bảy đám người quen, bà con vì không có tiền để làm quà cho cô dâu chú rể.
Nguyệt nói rằng đôi khi em thấy mặc cảm, bởi không thể đến trường được nữa. Nhưng cả nhà em không đủ cơm ăn thì lấy đâu ra tiền cho em đến trường, khi các khoản học phí, học thêm và đồng phục, sách vở mới sẽ ngốn cả mấy triệu bạc. Câu chuyện nhiều nước mắt của Nguyệt có lẽ cũng là câu chuyện chung của trẻ em khu vực miền Trung, nơi biển bị nhiễm độc, ngư dân treo lưới và cái đói ghé đến từng nhà.
Một người mẹ ở Quảng Trạch, Quảng Bình, có con bỏ học sang làm thuê ở Lào, chia sẻ: “Làm mẹ thì ai thấy con mình bỏ học mà không buồn. Ai mà chẳng muốn cho con đi học? Mà mình không tiền thì chịu thôi chứ biết làm răng được. Ban đầu thì buồn lắm nhưng dần rồi cũng quen…”.
tttvn0918-400.jpg
Múa lân ở thị trấn mùa Trung Thu. RFA PHOTO.
Người mẹ không muốn nêu tên này nói rằng trong cuộc đời của mình, bà không ngờ lại có một ngày chính bản thân bà chấp nhận bóc lột sức lao động của đứa con mà mình hết mực yêu thương. Nhưng không còn cách nào. Vì với gia đình bà, khi mà chiếc thuyền đánh bắt gần bờ của chồng bà nằm lên bờ cũng đồng nghĩa với các khoản tiền lãi vay ngân hàng để đóng thuyền đang thúc giục bên tai. Không có tiền để sống, mất nguồn thu nhập, tiền lãi hối thúc, nợ ngân hàng sờ sờ như quả núi trước mắt, đó là hoàn cảnh của gia đình bà.
Và đứa con trai đang học lớp 11 của bà không chịu để cha mẹ chạy vay chạy mướn nộp tiền học, nó quyết định nghỉ học sang Lào làm thuê để phụ giúp gia đình. Mặc dù bà đã ngăn cản nhiều lần, chồng bà hù dọa nếu nó bỏ học thì sẽ từ bỏ nó. Nhưng nó vẫn bỏ học để sang Lào phụ hồ. Bà nói trong nước mắt rằng khi nó gởi tiền về cho bà, cầm năm triệu đồng trên tay mà nước mắt bà cứ tuôn, bà không kìm được. Bà thề sẽ không đụng tới tiền của con vì quá đau lòng. Thế nhưng lời thề này chỉ giữ được chưa đầy một tuần vì sau đó các khoản nợ tiền điện, tiền xăng dầu trước đây và tiền lãi suất ngân hàng hối thúc. Sợ lãi mẹ đẻ lãi con, bà phải lấy tiền của con đi nộp. Giờ lại thêm chuyện nhà cửa hư hại, cây cối trong vườn ngã đổ sau bão, một số nơi mưa lũ hư hỏng, nghèo khó nối nghèo khó.
Người mẹ này nói rằng bà đau lòng quá đỗi và bà thấy có lỗi với con trai mình. Bà chẳng biết làm gì để bù đắp cho sự thiệt thòi của đứa con yêu dấu, bà chỉ biết tự nhìn thấy mình bất lực, vô vọng và hằng đêm cầu mong cho con của bà được chân cứng đá mềm, đừng buồn vì cái khổ của gia đình và hi vọng mọi chuyện rồi sẽ qua!

Múa lân kiếm tiền mua gạo

Một người cha trong một gia đình ba đứa con ở Cửa Việt, Quảng Trị, chia sẻ: “Tụi nhỏ chừ mà mình làm có điều kiện thì cũng cho nó đi học chứ. Giờ mình còn sức khỏe bao nhiêu thì cho nó đi học bấy nhiêu. Sợ là khả năng mình theo không nổi bởi vì mới đầu năm học, chi phí ba đứa gần sáu, bảy triệu bạc chứ đâu có ít, các khoản nặng nề quá chẳng biết tính sao đây!”.
Tụi nhỏ chừ mà mình làm có điều kiện thì cũng cho nó đi học chứ. Giờ mình còn sức khỏe bao nhiêu thì cho nó đi học bấy nhiêu. Sợ là khả năng mình theo không nổi bởi vì mới đầu năm học, chi phí ba đứa gần sáu, bảy triệu bạc chứ đâu có ít.
-Người dân Quảng Trị
Ông cho biết thêm là Trung Thu năm nay, các con của ông đã tự dán một chiếc đầu lân và mặt nạ ông địa, sau đó rủ thêm vài đứa trẻ trong xóm cùng đầu tư thành đội lân để đi múa kiếm tiền. Trước đây trẻ nhỏ cũng múa lân để kiếm tiền, có bánh kẹo nhưng đây chỉ là thú chơi vui chơi của trẻ con nhân dịp Tết Trung Thu. Nhưng bây giờ, nhìn các con bàn nhau múa lân như thế nào, đi đến đâu để múa mà kiếm tiền mang về cho cha mẹ mua gạo thì ông không chịu nổi. Nhưng ông cũng bất lực vì biển chết, tôm cá không còn, hai tháng sang Trung Quốc làm thuê thì thất nghiệp hết gần một tháng đành phải bỏ về. Cộng tiền đi lại, ăn ở, ông còn dư được ba trăm ngàn đồng cho gia đình.
Ông nói rằng ngoài nỗi lo tương lai đen tối của các con mình, lo nợ nần và thiếu trước hụt sau, giờ ông còn thêm nỗi lo khác là tính hồn nhiên, sự vô tư của các con ông đã bị đánh mất tự bao giờ. Chúng chỉ biết nghĩ làm sao để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Ông cảm thấy có lỗi với các con nhưng chẳng biết tính làm sao cho phải lẽ. Nhưng rồi mưa bão ập đến, mọi chuyện dường như gác lại, thêm một nỗi khó khăn đang đến với từng gia đình vùng biển khổ này.
Và dường như trong không khí bàng bạc của mùa Thu, trong âm vang rộn ràng của Tết Trung Thu, của tiếng trống chầu, tiếng xập xỏa múa lân, đâu đó chen lẫn thanh âm của những chiếc trống cơm trẻ em nhà nghèo giữa miền biển chết. Tiếng trống chao chát và thao thức cơm áo gạo tiền, ngây ngô vụng dại và bé bỏng, mỏng manh như chính số phận của trẻ em miền biển khi biển không còn thân thiện, trở nên xa lạ với các em!

HRW: Việt Nam phải trả tự do cho nhà hoạt động đất Cấn Thị Thêu

RFA 2016-09-17 
can-thi-theu-622
Chị Cấn Thị Thêu, ảnh minh họa chụp trước đây. File photo
Việt Nam phải bãi bỏ tất cả những cáo buộc và trả tự do vô điều kiện cho bà Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động và đấu tranh giữ đất nổi tiếng tại Việt Nam.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra kêu gọi như vừa nêu trong thông cáo báo chí phát đi hôm nay (17/9) từ New York. Theo đó thì vào ngày 20 tháng 9 tới đây, tòa án tại Hà Nội sẽ đưa bà Cấn Thị Thêu ra xét xử với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 254 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch, cho rằng xung đột giữa người nông dân và chính phủ Việt Nam trong vấn đề thu hồi đất trở thành một vấn nạn nghiêm trọng trong mấy năm vừa qua.
Theo ông Brad Adams thì chính phủ Việt Nam cần phải sửa đổi luật đất đai và chính sách bồi thường thay vì cứ trừng phạt người dân phản đối tình trạng bị mất đất.
Như trong trường hợp gia đình bà Cấn Thị Thêu tại Dương Nội - quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Gia đình bà Thêu cùng nhiều người dân tại đó lâu nay phản đối biện pháp cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật là chính quyền địa phương lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án mà không thông qua tham vấn người dân, cũng như giá đền bù quá rẻ mạt so với giá mà doanh nghiệp rao bán đất bị thu hồi và cơ sở xây dựng trên đó.
Bà Cấn Thị Thêu và chồng là ông Trịnh Bá Khiêm từng bị bắt vào đợt cưỡng chế hồi tháng tư năm 2014. Dù bà không hề có va chạm gì với lực lượng cưỡng chế, chỉ đứng trên một chòi để quay cảnh lực lượng chức năng ra tay với người dân Dương Nội, nhưng bà bị bắt và bị đưa ra xử với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’.
Phiên xử vào tháng 9 năm 2014 kết án tù bà Cấn Thị Thêu và chồng. Bà bị tuyên án 15 tháng tù và ông chồng là 18 tháng, sau đó án của người chồng được rút xuống còn 14 tháng.
Sau khi mãn án, bà Cấn Thị Thêu tiếp tục đi đòi hỏi quyền lợi đất đai cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ.
Bà bị bắt lại vào ngày 10 tháng 6 năm nay với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng, dù rằng hình ảnh ghi lại cho thấy bà cùng nhiều người dân khác đến tại các cơ quan công quyền đòi hỏi quyền lợi một cách ôn hòa.

Trời sẽ không tha cho những kẻ phá Chùa Liên Trì, giẫm đạp lên Phật pháp

Mai Tú Ân (Danlambao) - Chùa Liên Trì, thuộc GHPGTN một ngôi chùa đã có tuổi đời đã 70 năm, hiền hòa nằm nép mình dưới tán cây bên bờ sông Sài Gòn quân 2, Sài Gòn. Ngôi chùa như một sinh linh nhỏ bé bao năm nay hòa nhịp tâm linh của người dân quận 2 đã không thể biết được số phận tàn nhẫn sắp giáng xuống đầu. Hòa thượng trụ trì Thích Không Tánh, các Đại đức và phật tử đang ngụ trong chùa cũng không biết được điều đó. Hơn 500 bộ di cốt của Phật tử đã vãng sanh đang gửi trong Chùa cũng không biết được điều đó.

Buổi sáng sớm ngày 8/9/2016, mặt trời đã lên cao. Gió nhẹ từ bờ sông thổi vào, mang đến cái tiết cuối thu hơi lành lạnh. Hòa Thượng trụ trì Thích Không Tánh, người đã sống ở ngôi chùa Liên Trì này 50 năm có lẻ, cùng với vài các đạo đức khác đang buổi hành lễ sáng. Có vài phật tử, dân oan ngụ trong chùa đang dọn dẹp quét tước trước sân... Tiếng gõ mõ cóc cóc quen thuộc vang lên, điểm thêm một tiếng chuông ngân bay xa xa...

Đột nhiên con đường trước cổng chùa Liên Trì bỗng tối sầm lại, Tiếng còi hụ, tiếng động cơ xe ô tô rền vang, và những bóng người xa lạ từ đâu bỗng xuất hiện đầy trước cổng chùa. Các lực lượng CA, CA chìm mặc sơ vin, bảo vệ, dân phòng...với hàng trăm người cùng với dùi cui, roi điện và cả súng nữa xuất hiện bao vây kín mít cả ngôi chùa. Một hàng rào Cảnh sát mặc sắc phục đứng lập vòng rào phía bên ngoài để ngăn cản những Phật tử và người dân nào muốn vào chùa để chia sẻ nỗi khủng khiếp cùng với các nhà sư.

Hòa thượng trụ trì cùng các đại đức ngôi nơi gian chính trong thế Khiết Già của tinh thần bất bạo động. Bên ngoài là tiếng còi hụ, tiếng loa đọc lệnh cưỡng chế vang lên cùng tiếng khóc nức nở của một vài Phật tử bị ngăn không cho vào chùa.

Rồi đúng 7,30 CA cắt cổng khóa chính và ùa vào chùa như một cơn sóng dữ. Những thân hình to lớn, những tiếng la hét, tiếng chửi thề của lực lượng cưỡng chiếm chùa vang lên ầm ĩ trong những tiếng cầu kinh hối hả, tắc nghẹn của các nhà sư, giống như tiếng khóc của bầy chim sẻ nhỏ đang than khóc cho cái tổ giờ đây đang tan tác tơi bời...

Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật...

Những kẻ cướp chùa to lớn không hề nương tay khi nắm lấy từng vị sư đang ngồi gõ mõ tụng kinh, và rồi cứ 5 nhân viên nắm quặt tay vị sư ra sau lưng rồi sỗ sàng đẩy họ đi. Những nhân viên công an mặc thường phục lực lưỡng mở cửa từng phòng để kiểm tra rồi cưỡng chế các tu sĩ đưa ra ngoài phòng khách làm việc. Hòa thượng Thích Không Tánh đứng chết lặng khi nhìn những vị đại đức đáng kính cùng vài Phật tử bị đối xử như những kẻ tội phạm, nhìn ngôi chùa thân thương bao nhiêu năm qua giờ như một cái trại tập trung nhỏ với từng đoàn Công An chìm nổi hằm hằm đứng canh chật hết cả chùa. Chưa bao giờ hòa thượng trụ trì lại thấy cảnh hung hăng, bao ngược của hàng trăm công an chỉ để trấn áp vài vị sư già cùng ngôi chùa nhỏ bé của mình. Ông ngã xuống gần nơi thờ tự, chỗ chính điện đặt tượng Phật, tượng các vị Bồ Tát... và ngất đi...

Khi hòa thượng trụ trì tỉnh dậy, ông buộc phải nằm nghe các lực lượng thay mặt cho chính quyền đọc lệnh cưỡng chế. Rồi cùng với đại đức Thích Đồng Minh, ông bị đưa ra xe và đi viện quân 2 trong vòng vây của hàng chục công an viên. Điện thoại bị phá sóng, và trong mấy ngày sau đó các Phật tử phải chia nhau đi tìm thì mới biết được ông nằm ở bệnh viện quận 2. Các tu sĩ và Phật tử còn lại bị cưỡng ép đưa đến nhà tạm ở mãi tận Cát Lái. Toàn bộ đồ đạc trong chùa như tượng Phật, pháp khí, di ảnh và mọi vật dụng của chùa đều bị cưỡng chế di dời. Hơn 500 bộ di cốt ở chùa cũng bị đưa về nhà tạm. Chùa Liên Trì chính thức bị thất thủ.

Những ngày này ai nặng lòng muốn được nhẹ bước chân thăm ngôi chùa một thời nổi tiếng đó thì đều bất thành. Như một tiền đồn bị thất thủ, chùa Liên Trì bị những lưỡi thép, cùng các đơn vị công an bao vây và cấm ngặt mọi sự nhập chùa. Những tấm nilon lớn quây chặt và che kín tất cả mọi con mắt nhìn vào. Ở đằng sau những tấm vải nilon che giấu là một cuộc phá chùa vĩ đại mà chính quyền quận 2 đang tiến hành. Không hề có bóng tối nào che bớt che đi cảnh bọn Bá Đạo đang hào hứng phá chùa. Chỉ có những Phật tử và người dân gần chùa đang ngẩn ngơ đứng nhìn ngôi chùa thân thiết đang bị công nhân và máy móc đập phá dần, đập phá dần... Những mảng di vật thiêng liêng, nơi vài năm trước đã từng là trạm xá dành cho các thương phế binh VNCH chen chúc đến khám bệnh. Nơi mà bao dân oan, dân đen gặp hạn đã từng lăn ra ngủ cũng đang biến dần, biến dần...

Chùa Liên Trì không còn nữa. Nó không còn bởi vì 70 năm trước các tu sĩ tiền nhiệm của sư Thích Không Tánh đã chọn lựa một nơi mà 70 năm sau có bầy ma quỷ đang nhảy múa vì đã triệt hạ được một ngôi chùa có tên Liên Trì. Ngôi chùa không còn nữa bởi những kẻ vô đạo buôn thần bán thánh đang hò reo ăn mừng vì cái chiến công ấy...

Rồi một ngày kia hòa thượng Thích Không Tánh được thả về từ đám công an. Nhà sư đã thảng thốt bước vội vào cái nơi ngổn ngang sắt thép và không tìm đâu thấy bóng dáng của chùa xưa nữa. Bất ngờ vị sư già ngồi sụp xuống cái đám gạch vụn tan hoang đó. Ông bật khóc. Những giọt nước mắt chưa bao giờ rơi của vị sư trụ trì tuổi 80 bỗng lã chã rơi xuống cái nền đất gạch ngổn ngang, mà mới đó từng có một ngôi chùa nhỏ nép mình dưới tán cây xanh mang tên Chùa Liên Trì...

Khóc đi, cứ khóc nữa đi, cứ khóc
Khóc để mai sông cạn khóc đá mòn..

18.09.2016