Friday, November 20, 2015

Anonymous đánh sập 5.500 tài khoản Twitter của IS

Tin Đa Chiều -Ngày: 8:51 AM - 21/11/2015
Ngay sau khi tuyên chiến với IS, nhóm hacker Anonymous hôm 17/11 thông báo đã đánh sập 5.500 tài khoản Twitter của IS, và tiếp tục tấn công các tài khoản này của IS.

Ảnh cắt từ Twitter
Ảnh cắt từ Twitter
Nhóm hacker Anonymous đã tuyên chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi IS nhận trách nhiệm các vụ tấn công tại Paris (Pháp) tối 13-11. Anonymous tuyên bố sẽ làm tê liệt chiến dịch tuyên truyền của IS và phơi bày các gián điệp bí mật của nhóm thánh chiến này.
Sau vụ khủng bố tại Paris hôm vừa rồi, Anonymous đã thành lập một tài khoản mang tên “ #OpParis” trên Twitter. Vào ngày 17 họ cho biết: “Chúng tôi tuyên bố, hiện đã có hơn 5.500 tài khoản Twitter của IS đã bị tê liệt.”
Alex Poucher người phát ngôn của Anonymous cho biết, tổ chức của họ có thể đóng cửa tài khoản của IS, là do sự cố gắng nỗ lực của hacker, đặc vụ và người thu thập tài liệu trên toàn thế giới. Tổ chức này có tiếp cận với người đưa tin của IS, do đó họ đã dễ dàng có được những thông tin tình báo liên quan.
Alex Poucher cho biết, tổ chức của họ đã cùng nhau nỗ lực để tạo ra một công cụ, “công cụ này có khả năng tốt hơn bất kể công cụ nào, của tất cả các chính phủ trên thế giới dùng để chống lại IS.” Alex Poucher rất tự tin cho biết, IS không có hacker nào có kỹ thuật cao siêu như họ.
Alex Poucher biểu thị, khi IS tiến hành cuộc khủng bố tại Paris, cũng đồng nghĩa là họ đã lựa chọn làm kẻ thù của Anonymous. Hiện tại “hãy chờ xem”, “Anonymous sẽ không làm ngơ trước những vụ khủng bố trên thế giới của IS”.
#OpParis sau đó đã cho biết: ” IS, chúng chính là muốn khủng bố và sự sợ hãi. IS sợ sự đoàn kết, chứ không phải việc công kích bằng bom đạn. Nếu như chúng ta đoàn kết, thì chúng sẽ không thể làm được gì.”
Ngày trước, Anonymous đã đưa ra một video tuyên bố sẽ tuyên chiến với IS, tổ chức này cảnh cáo IS “hãy chờ xem”. Các hacker đến từ khắp nơi trên thế giới, sẽ triển khai tấn công mạng nhằm vào IS trên quy mô lớn. Anonymous “nhắn nhủ” IS rằng: “Chúng ta sẽ tìm được các ngươi, chúng ta sẽ không để các ngươi yên.”
Hiện Anonymous đã rò rỉ thông tin chi tiết về năm người đàn ông mà nhóm hacker này cho biết là các tay tuyển mộ IS. Các thông tin bị rò rỉ bao gồm tên, địa chỉ và số điện thoại, cho thấy những người này đến từ Afghanistan, Tunisia và Somalia.
Các nhà hoạt động của Anonymous cũng tuyên bố đã xác định được một quan chức tuyển mộ IS “cao cấp” đang sống ở châu Âu nhưng chưa công bố địa chỉ.
Mirror cho biết phía tờ báo này đã liên lạc với một vài người đàn ông trên nhưng họ đã không trả lời.
Tổng hợp từ daikynguyenvn.com, phapluattp

Mỹ sẽ lại vào 12 hải lý đảo nhân tạo Trường Sa trước cuối năm

WASHINGTON (NV) - Hải quân Mỹ nhiều phần sẽ thực hiện chuyến tuần tra vào bên trong phạm vi 12 hải lý đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trước cuối năm nay.



Khu trục hạm hỏa tiễn USS Lassen đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo
nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa hồi tháng 10, 2015. (Hình: US Navy)

Hãng tin Reuters thuật lời một viên chức hải quân Hoa Kỳ cho hay như vậy hôm Thứ Sáu,  20 tháng 11, 2015. Tháng trước, khu trục hạm trang bị hỏa tiễn USS Lassen của hạm đội 7 Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã lần đầu tiên thực hiện chuyến đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của hai đảo nhân tạo Xu-bi và Vành Khăn mà Trung Quốc bồi đắp tại quần đảo Trường Sa.

Hai tuần lễ trước, hai pháo đài bay B-52 đã bay từ căn cứ trên đảo Guam ngang qua vùng biển Trường Sa. Tin tức cho hay tuy B-52 không bay trên không phận 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa nhưng cũng rất gần. Chuyến bay này diễn ra trước khi Tổng Thống Barack Obama đến Manila dự hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế APEC.

Sau khi cho chiến hạm USS Lassen đi xuyên qua khu vực Trường Sa, Ngũ Giác Đài bắn tiếng sẽ thực hiện ít nhất hai chuyến đi như vậy cho mỗi quý. Các hành động vừa kể làm nhà cầm quyền Bắc Kinh giận dữ. Báo chí nước này theo nhau đe dọa là sẽ trả đũa các sự khiêu khích và xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của họ dù không ai công nhận.

Tại hội nghị APEC, ông Obama chỉ đòi hỏi Trung Quốc ngưng xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa trong các hoạt động bên lề hội nghị. Nhưng hôm Thứ Sáu, theo Reuters, ông cho hay các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực sẽ là sự chú trọng khi các lãnh tụ của khu vực và các đối tác gặp nhau tại thủ đô Luala Lumpur ngay cuối tuần này.

Trên trang mạng của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Đô Đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh hải quân Trung Quốc nói rằng nước họ đã “kiềm chế” trước các hành động khiêu khích của Mỹ tại Biển Đông nhưng cảnh cáo rằng sẽ sẵn sàng phản ứng nếu Mỹ cứ tiếp tục lập lại việc mà họ gọi là “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.”
Hồi đầu tháng, Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện đòi Bộ Quốc Phòng giải thích chủ đích pháp lý của các chuyến tuần tra vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Có những lời nhận định rằng nếu không xác định, sẽ là gián tiếp công nhận chủ quyền mà Bắc Kinh ngang ngược ấn định.

Một số viên chức chính phủ Hoa Kỳ dè dặt nói rằng các hành động của hải quân không quá đáng để gây căng thẳng với Trung Quốc.

Theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), những bãi đá san hô hay đá ngầm chìm dưới mặt nước được bồi đắp thành đảo nhân tạo không được sử dụng làm cơ sở để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Hoa Kỳ căn cứ vào đó để thực hiện các chuyến tàu tuần tra hay cho máy bay bay ở vùng Trường Sa.

Trong một diễn biến khác, theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản đang căn nhắc việc có thể gửi tàu hải quân đến tiếp tay với Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông. Đây là điều được tường thuật theo cuộc hội kiến bên lề giữa Tổng Thống Obama và Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe khi hai người dự cuộc họp APEC vừa qua. (TN)
11-20- 2015 6:52:01 PM 

Hạ giá hay xóa bỏ môn lịch sử?

Theo Người Việt-11-20- 2015 6:32:37 PM 
Ngô Nhân Dụng

Ngày Chủ Nhật tuần rồi, 15 Tháng Mười Một, 2015, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo trong đó nhiều vị giáo sư báo động học sinh nay mai sẽ không còn được học môn lịch sử đầy đủ, theo dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông, mà Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có thể thi hành. Theo chương trình soạn thảo, từ năm 2018 các học sinh sẽ không được học riêng môn Lịch Sử, mà môn này sẽ được gộp chung vào thành một môn học mang tên là “Công dân với Tổ quốc;” trong đó có thêm hai môn khác là Giáo Dục Công Dân và An Ninh Quốc Phòng. Trước đó hai tuần, Bộ Giáo Dục đã họp các nhà giáo để giải thích việc cải cách này; nhưng giới sử học nghe không xuôi tai!

Các viên chức Bộ Giáo Dục đã giải thích và bênh vực chủ trương của họ, nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn nghĩ khác. Sử gia Phan Huy Lê cho rằng dù Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có giải thích thế nào thì chương trình mới này đã khai tử, đã xóa bỏ môn Lịch Sử trong thực tế. Giáo Sư Kiều Thế Hưng khẳng định: “...dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn Lịch Sử ở trường phổ thông.” Một cuộc thăm dò cho biết hơn 80% học sinh chống lại ý kiến bãi bỏ môn lịch sử như một môn học riêng.
Lời báo động của vị chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam nói đến tương lai khi môn học lịch sử có thể bị xóa bỏ. Nhưng thật ra trước khi chính quyền Cộng Sản đưa ra chương trình cải tổ này thì môn học Lịch Sử đã bị họ bỏ rơi, bỏ rớt, bỏ xó từ lâu rồi! Một bằng cớ là hiểu biết của các em học sinh về lịch sử Việt Nam rất kém. Năm ngoái, cả nước đã bàn tán về tình trạng “dốt lịch sử” được biểu lộ trong một cuộc thi đố trên màn ảnh truyền hình trên đài VTV.
Chương trình tivi này phỏng vấn bảy em học sinh, đặt một câu hỏi về vua Quang Trung, tức Nguyễn Huệ, vị anh hùng áo vải đại thắng quân Thanh năm 1789. Trước mặt các khán giả tham dự để cổ võ, tất cả bảy em học sinh trên không em nào trả lời đúng và đầy đủ. Có em nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con, có em đoán đó là hai anh em, nhưng sau đó em này còn muốn tỏ ra mình biết nhiều, nói thêm rằng, “Ông Quang Trung chính là ông Nguyễn Du.”
Chúng ta không nên căn cứ vào một chương trình giải trí trên tivi mà phán đoán trình độ hiểu biết về lịch sử của học sinh Việt Nam. Nhưng có thể đoán rằng những em được chọn đưa lên đài truyền hình dự thí chắc đã được coi là khá về môn này, ít nhất theo thẩm định của cha mẹ và thầy, cô giáo các em - trừ khi nhân viên đài truyền hình đã chọn các em dự thi theo tiêu chuẩn ai trả nhiều tiền nhất thì được... lên đài! Nếu phụ huynh và giáo sư nghĩ rằng các em này học giỏi môn sử nên đồng ý cho đi thi, mà trình độ các em dốt như vậy, thì chính những “người lớn” này cũng hoàn toàn không biết gì về lịch sử! Tức là có hai thế hệ dốt sử chứ không phải chỉ có một lớp trẻ! Thật đáng buồn!
Bây giờ, theo dự thảo chương trình tổng thể của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo, môn Lịch Sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc nữa. Không biết trình độ hiểu biết về lịch sử của các thế hệ sau sẽ xuống đến mức nào?
Một lý do khiến trẻ em dốt lịch sử là từ lâu nay học sinh đã chán học môn sử. Một năm gần đây khi nghe tin kỳ thi sắp tới không phải thi môn lịch sử nữa cả đám học sinh đã reo hò sung sướng đem vứt các cuốn sách giáo khoa từ trên lầu xuống sân trường, náo động, vui tươi như một ngày hội. Theo Giáo Sư Phan Huy Lê, lý do khiến học sinh chán là vì “...chương trình và sách giáo khoa nặng kiến thức, dày đặc sự kiện, kiểu dạy một chiều thiếu sinh động lại còn đòi hỏi thuộc lòng thì... Chán học sử đang là điều tất yếu.”
Giáo Sư Phạm Phụ nói rõ hơn về “kiểu dạy một chiều” này, “Ðáng lý ra môn Sử là môn cực kỳ hấp dẫn đối với học sinh, thế nhưng tại sao không đến mức say mê môn Sử mà thậm chí lại còn chán ghét ? Là vì cách dạy của ta, chương trình của ta, sách giáo khoa và cách truyền thụ của thầy giáo làm cho nó khô cứng. Trong một thời gian dài môn Sử bị xơ cứng, chính trị hóa thế này thế khác thì đâm ra nhàm chán.”
Môn học bị chính trị hóa thành xơ cứng như thế nào? Vẫn theo Giáo Sư Phạm Phụ thì phần lịch sử sau 1945 chiếm tỷ lệ rất lớn “trong đó nhiều phần lồng vào sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, học trò học mãi những thứ đó nó nhàm chán thôi chứ có gì đâu... môn Sử không trình bày bằng những sự kiện mang màu sắc khoa học mà như là cái môn nhằm mục đích tuyên truyền vậy thì người ta nghe mãi người ta chán thôi.” Khi biết như vậy, chúng ta hiểu rằng cảnh các học sinh đua nhau ném các cuốn sách giáo khoa lịch sử xuống sân thì chính là các em đang vứt bỏ các tài liệu tuyên truyền của đảng Cộng Sản!
Chỉ sử dụng môn Lịch Sử như một phương tiện tuyên truyền cho nên chế độ Cộng Sản đã coi nhẹ các cuộc chiến đấu của tổ tiên chúng ta chống những cuộc xâm lăng của đế quốc Hán tộc. Giáo Sư Phạm Phụ nhận xét: “Lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc cũng có chứ không phải không nhưng tổng số rất ít.”
Giảm bớt không cho dạy phần lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chính là một chủ trương của đảng Cộng Sản, từ năm 1950 cho tới bây giờ. Với đường lối ngoại giao coi Trung Cộng “vừa là đồng chí, vừa là anh em;” với sự có mặt của các “cố vấn Trung Quốc vĩ đại” kèm bên các chiến dịch cải cách xóa bỏ nền nếp xã hội Việt Nam cổ truyền, chế độ Cộng Sản Việt Nam tất nhiên phải tìm cách che lấp các tội ác bành trướng của các triều đại Hán, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đối với nước ta.
Khi còn học bậc tiểu học và trung học, ở Hà Nội trước năm 1954 và tại Sài Gòn sau đó, bản thân tôi đã thấy môn học lịch sử đã đào luyện tấm lòng yêu nước; càng học càng say sưa về truyền thống bất khuất của dân tộc. Trước năm 1975, tôi làm nghề dạy học, tuy phụ trách môn Quốc Văn nhưng nhiều lần phải dạy môn lịch sử cho bậc trung học, khi nhà trường không đủ giáo sư chuyên về sử. Kinh nghiệm cho tôi thấy các học sinh rất thích những bài lịch sử về công cuộc chống xâm lăng phương Bắc. Có lúc dạy tới đoạn Lê Lợi kháng Minh, tôi khuyến khích các em học sinh đọc bài Bình Ngô Ðại Cáo, bản dịch của Bùi Kỷ in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Rất nhiều em đã học thuộc lòng cả bài văn dài với rất nhiều chữ Hán mà không thấy chán. Sau đó 50, 60 năm, nhiều em gặp lại vẫn còn cảm ơn thầy giáo đã cho mình cơ hội thưởng thức một áng văn trác tuyệt, hào hùng đó. Trong hai ngàn năm qua, lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã được đào luyện qua lịch sử kháng cự các cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Bất cứ người Việt nào học lịch sử cũng trào lên một tấm lòng yêu nước khi biết đến những Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Phùng Hưng, cho tới Trần Bình Trọng, Quang Trung!
Cho nên, việc hạ thấp vai trò của môn học lịch sử trong cấp trung học phổ thông là một dụng ý chính trị của đảng Cộng Sản, theo Nghị Quyết 29 NQ/TW của Hội Nghị Trung Ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Bản dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo ở Hà Nội được đưa ra trong lúc phong trào chống Trung Cộng xâm lược đang cuồn cuộn sôi lên trên cả nước Việt Nam. Hạ thấp giá trị của môn Lịch Sử là một cách khiến cho các thế hệ sau này không thấy cần học sử nữa. Không học lịch sử dân tộc thì cũng lòng yêu nước cũng mờ nhạt. Ðó là một chủ trương trong chính sách giáo dục của đảng Cộng Sản Việt Nam. Như Giáo Sư Văn Như Cương nêu ra, “Ví dụ trong sách giáo khoa lịch sử không nói đến Biển Ðông, không nói đến Gạc Ma, không nói đến Tàu không nói đến Hoàng Sa, Trường Sa của ta bị chiếm đóng thì cũng không tôn trọng lịch sử.”
Tất nhiên, sách giáo khoa môn Sử của Việt Cộng thì không thể nào nhắc đến các tội xâm lược của Trung Cộng. Bởi vì nếu không có Trung Cộng bao bọc thì Việt Cộng cũng không tồn tại từ năm 1950 đến giờ! Không những lờ đi không nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Gạc Ma, Biển Ðông, mà Việt Cộng còn muốn tránh không nói đến cả Hà Hồi, Ngọc Hồi, Chi Lăng, Chương Dương, Hàm Tử nữa! Như Giáo Sư Hà Sĩ Phu đã từng nhận xét, Việt Cộng theo Trung Cộng đem ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng Sản vào nước ta gây nên hậu quả là “Ảo tưởng Cộng Sản đã nhốt chung con sói và bày hươu vào chung một chuồng, cái chuồng sơn son rất đẹp có tên ‘đại gia đình Xã hội chủ nghĩa, bốn phương vô sản đều là anh em!’” Ông Hà Sĩ Phu cho biết thời Lê Khả Khiêu đang làm tổng bí thư, có đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm, trao đổi về những vấn đề lý luận, và “Phía Trung Quốc nói Việt Nam cần sửa lại lịch sử của mình!” Công cuộc “tẩy não” đã kéo dài qua mấy thế hệ, từ thời Hồ Chí Minh đến Lê Khả Khiêu. Cho nên hậu quả tất nhiên là học sinh bây giờ dốt sử, không biết Quang Trung cũng là Nguyễn Huệ!
Bàn về dự thảo chương trình mới của Bộ Giáo Dục, Giáo Sư Phan Huy Lê lo lắng: “Lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí là biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên,... thì làm sao có thể viết tiếp trang sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?” Nhưng đảng Cộng Sản muốn bảo vệ tổ quốc hay chỉ lo bảo vệ chế độ để họ tiếp tục nắm quyền và tham nhũng?

Gần đây ông Phùng Quang Thanh tỏ ra hoảng hốt khi thấy nhiều người Việt Nam đang chống Trung Quốc! Dân Việt mà chống Trung Quốc thì ông Thanh rất lo lắng cho tiền đồ dân tộc! Chúng ta phải đặt câu hỏi: “Phùng Quang Thanh có được ai dạy lịch sử nước Việt Nam hay không?” Ông ta có biết Hai Bà Trưng là ai không? Hay ông ta được các cố vấn vĩ đại dạy bài học khác: “Ðồng chí Mã Viện qua Giao Chỉ tổ chức cải cách ruộng đất, vận động nhân dân đứng lên đấu tố bọn địa chủ ác ôn Thi Sách và chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị!”

Luật sư Đôn bị ‘làm khó’ vụ Dũng Phi Hổ?

Theo BBC-20 tháng 11 2015 

Image copyrightFacebook
Image captionÔng Nguyễn Viết Dũng bị bắt sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội hôm 12/4
Luật sư Võ An Đôn cáo buộc ông bị Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm gây khó dễ và lần lữa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Nguyễn Viết Dũng.
Hôm 20/11, trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Võ An Đôn nói: “Những ngày qua, tôi liên tục đến Tòa án quận Hoàn Kiếm để nhận giấy chứng nhận bào chữa và mượn hồ sơ vụ án Nguyễn Viết Dũng. Nhưng cả thẩm phán Trần Thị Thúy Hồng lẫn thư ký tòa án đều viện lý do đi tập huấn dài ngày để hẹn lần lữa. Lần hẹn mới nhất là sang hôm thứ Hai 23/11”.
Nguyễn Viết Dũng, tự Dũng Phi Hổ, bị khởi tố tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ do mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội hôm 12/4.
Ông được miêu tả "mặc áo thun có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và đằng sau in dòng chữ tiếng Anh với nghĩa “Dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân”.
Ông Nguyễn Viết Dũng đã bị tạm giam và khởi tố theo Điều 245 tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ từ cuối tháng 4/2015 đến nay.

‘Tòa không theo luật’

Việc chưa được tiếp cận hồ sơ vụ án gây khó khăn cho ông Đôn trong chuyện bảo vệ thân chủ, trước mắt là ông chưa thể vào trạm giam Hỏa Lò để gặp bị can Nguyễn Viết Dũng.
Ông Đôn xác nhận hai người khác cùng tham gia tranh tụng cho Nguyễn Viết Dũng là luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân đều đã có giấy chứng nhận bào chữa, chỉ riêng ông thì chưa.
Ông nhấn mạnh: “Tòa án quận Hoàn Kiếm đã không tuân theo quy định của pháp luật là cấp giấy chứng nhận bào chữa sau ba ngày nhận được thông báo của luật sư và thời điểm đến hôm 20/11 đã là 25 ngày”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của BBC hôm 13/11, ông Đôn nói: “Thực tế, những vụ án liên quan đến dân oan, nhà hoạt động thì có lẽ người ta không muốn luật sư tham gia tố tụng nên tìm mọi cách gây khó khăn như việc không cấp giấy chứng nhận”.
Ông dự định sẽ khiếu nại vụ việc đến Tòa án Nhân dân Hà Nội nếu Tòa án quận Hoàn Kiếm tiếp tục hẹn.
Image copyrightFacebookVoAnDon
Image captionLuật sư Võ An Đôn trước cổng Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm
Hôm 20/11, BBC đã gọi cho thẩm phán Trần Thị Thúy Hồng để xác minh vụ việc nhưng tiếc là bà mau chóng dập máy sau khi nghe người gọi giới thiệu từ BBC.
Ông Đôn cho biết phiên tòa sơ thẩm dự kiến sẽ diễn ra ngày 9/12 tới tại Tòa án quận Hoàn Kiếm.
Luật sư dự báo: “Thường thì trong những phiên tòa có yếu tố chính trị, bản án có sự chỉ đạo của các cơ quan liên ngành. Trong vụ án này, nhiều khả năng Nguyễn Viết Dũng sẽ phải chịu bản án từ 2-3 năm tù giam. Cũng không loại trừ việc tòa sẽ xử bị can nặng hay nhẹ tùy vào phản ứng của công luận”.
Cùng ngày, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy - Trinh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: "Bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa là một việc mà nhà nước cần phải làm nhằm loại bỏ bớt rào cản, nổi khổ hạnh của giới luật sư và người dân. Động thái này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới tiến bộ."
"Trước rào cản này, các luật sư không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải chờ hết hạn điều tra để gia đình gặp mặt hỏi ý kiến, hoặc nhờ bạn bè bên viện, tòa trực tiếp hỏi ý kiến bị can, hoặc đề nghị điều tra lấy ý kiến bằng văn bản của bị can."

Đại tá Lục quân gốc Việt Tôn Thất Tuấn- tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam

Bộ quốc phòng Hoa Kỳ vừa bổ nhiệm Đại tá Lục quân Hoa Kỳ gốc Việt Tôn Thất Tuấn làm tùy viên quân sự Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Việt Nam, thay thế cho Đại tá Lục quân Earnest Lee, vừa mãn nhiệm kỳ trở về Bộ Quốc Phòng nhận nhiệm vụ mới.
Đại tá Tôn Thất Tuấn là tùy viên quân sự Hoa Kỳ gốc Việt thứ hai, sau Đại tá Lục quân Hoa Kỳ gốc Việt Patrick D. Reardon, tùy viên quân sự nhiệm kỳ trước Đại tá Earnest Lee.

Văn phòng Tùy viên Quân sự Tòa Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam chịu trách nhiệm hỗ trợ trong việc phối hợp thực hiện chính sách quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời là đại diện cho Bộ trưởng Quốc phòng, và Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, và các cơ quan quân sự khác của Hoa Kỳ. Do đó, Đại tá Tùy viên Quân sự chịu trách nhiệm phân tích và tường trình về những diễn biến quân sự tại Việt Nam, những vấn đề an ninh đang diễn ra trong khu vực và trên toàn thế giới. Những thông tin này được sử dụng để đưa ra những chính sách quân sự đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Văn phòng Tùy viên Quân sự cũng phối hợp tất cả các hoạt động về an ninh giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam tại các diễn đàn song phương và đa phương, cũng như trong mọi lĩnh vực hoạt động quân sự.

Đại tá Tôn Thất Tuấn, một thuyền nhân tị nạn định cư Hoa Kỳ vào năm 1977. Sau khi hoàn tất Đại học Southeastern Oklahoma State University, ông theo đuổi ước mơ phục vụ trong quân đội và trở thành một binh sĩ vào năm 1986. Đơn vị đầu tiên trong đời quân ngũ của ông là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 30, Lữ đoàn 3, Sư đoàn 3 Bộ binh. Năm 1989, ông theo thụ huấn khóa sĩ quan, và trở thành một sĩ quan bộ binh. Từ đó ông lần lượt thuyên chuyển phục vụ tại các đơn vị như: Sư đoàn 101 nhảy dù (101st Airborne Division), Sư đoàn 1 Thiết kỵ (1st Cavalry Division), Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (U.S. Pacific Command), Lực lượng hỗn hợp tìm kiếm tù binh và quân nhân Hoa Kỳ mất tích/Bộ quốc phòng (Defense POW/MIA Accounting Agency) v.v...



Đại tá Tôn Thất Tuấn đã từng phục vụ và chiến đấu tại Kuwait, Iraq và Afghanistan-Pakistan border. Ông được ân thưởng nhiều huy chương cao quý như: Bronze Star Medal, Defense Meritorious Service Medal with 2nd Oak Leaf, Meritorious Service Medal, Department of State Meritorious Honor Award, Ranger Tab, Parachute Badge, Air Assault Badge, and Combat Infantryman Badge.
Ông được thăng cấp Đại tá vào năm 2012. (Trần Anh)

Khi nghĩa thầy trò chỉ là sự đổi chác

Nguyên Khôi -20 tháng 11 2015 

Gửi cho BBC từ TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam 

Image copyrightHOANG DINH NAM AFP GETTY
Image captionThần tượng của học sinh hiện nay không phải là thầy cô mà là những ngôi sao giải trí
Có phải tại Việt Nam, tình nghĩa thầy trò bây giờ chỉ còn là sự đổi chác trong trường học, nên khi bước ra ngoài xã hội, chẳng còn mấy học trò nặng tình mang theo hình ảnh người đã dạy mình?
Thống kê của trang tin therichest.com cho rằng giáo viên là một trong những nghề hạnh phúc nhất, cùng với các nghề khác như làm tóc, làm vườn, tiếp thị... nhưng ở Việt Nam hiện nay, thực tế lại khác.
Từ lâu, giáo viên ở Việt Nam bị coi là nghề không làm ra nhiều tiền, thậm chí đó là ngành nghề cần được xã hội hỗ trợ. Trong mắt các phụ huynh, quà cáp thế nào cho thầy cô giáo của con trong những dịp lễ tết là điều họ quan tâm, nhằm giúp cho con họ hưởng được điều kiện học hành tốt nhất.
Còn trong mắt học trò – lứa tuổi học cấp 2, cấp 3 – cứ thầy cô giáo nào khó khăn, hay gọi mình lên bảng thì… ghi danh học thêm với họ là lựa chọn tốt nhất! Và tất nhiên, thần tượng của giới trẻ hiện nay không phải là thầy cô của họ, mà chính là hình ảnh lung linh huyền ảo của giới showbiz nhiều tiền lắm của – trong cũng như ngoài nước - bao gồm cả những hotgirl hay hotboy trạc tuổi.
Vào những năm tôi bước vào đại học (thập niên 80 của thế kỷ trước), học sư phạm là lựa chọn cuối cùng của bạn bè tôi, khi không còn cách khác. Lớp có 52 bạn thì đến hơn phân nửa thi vào đại học y khoa, đại học kinh tế, còn lại chọn trường tài chính kế toán, trường tổng hợp.
Không có ai trong số bạn bè tôi chọn sư phạm, thế mà oái ăm thay, vì không đủ điểm vào đại học, đa số bạn bè tôi phải học cao đẳng sư phạm hay trung học sư phạm – một quyết định của ban tuyển sinh lúc bấy giờ, cứ ai thi đại học thiếu điểm thì chuyển vào hai trường đó, do số thí sinh chọn thi vào sư phạm quá ít.
Để được tiếp tục đi học – vừa có học bổng vừa có gạo, tiêu chuẩn của sinh viên thời đó – nhiều người bạn của tôi bỗng nhiên trở thành thầy cô giáo dạy cấp 1 và cấp 2, và đáng buồn là có rất ít người yêu cái nghề giáo viên của mình.

'Bỏ tiền vào phong bì là tốt nhất'

Tôi còn nhớ một cô bạn của mình sau này trở thành giáo viên cấp 1 ở một huyện ngoại thành có lần than phiền với tôi: “Ngày 20/11 đầu tiên của mình, bọn học trò chỉ toàn mang đến cho mình bún, bánh cuốn, bánh, trái cây, trứng gà…- những thứ nhà chúng bán hoặc tự làm, mà mình có thích những thứ đó đâu. Thế nên vào năm sau, trước ngày 20/11 mình phải nói thẳng với học trò đừng mang những thứ đó cho mình nữa!”.
Tôi hỏi: “Thế bạn thích học trò tặng mình cái gì? – Bỏ tiền vào phong bì là tốt nhất, mình có thể mua thứ mình thích! – Bạn tôi hồn nhiên trả lời.
Kể từ ngày đó cũng gần 40 năm, điều đáng buồn là ý thích của thầy cô giáo ngày nay... dường như cũng chả khác mấy.
Mới đây nhất, một bạn đồng nghiệp than thở với tôi: “Em gửi con trai 2 tuổi vào nhà trẻ. Tháng đầu tiên em mua quà tặng cô, cô nhận và không nói gì cả. Em nghĩ vậy là xong.
Sau đó thấy bé ngày nào về nhà cũng khóc lóc tỏ vẻ không thích đi học, em dọ hỏi các phụ huynh khác, họ bảo em mua quà cho cô làm gì, đưa tiền ấy. Sau đó tháng nào em cũng gửi phong bì cho cô thì mọi chuyện khác hẳn, con em được săn sóc tốt hơn, không khóc khi đi học nữa.
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Image captionHọc sinh bây giờ có ý niệm về người thầy khác nhiều so với những thế hệ trước
Một lần họp phụ huynh ở trường, một cô giáo đã nói thẳng với em: "Lương giáo viên rất thấp, chúng tôi chỉ sống bằng tiền phụ huynh cho”. Bạn ấy tỏ vẻ thất vọng vì hồi học ở quê nhà (một tỉnh miền Trung) cha mẹ bạn ấy không phải tốn tiền cho thầy cô mà bạn ấy vẫn thích đến lớp đến trường.
Thời tôi đi học, cha mẹ tôi cũng chưa bao giờ phải mua quà tặng thầy cô, chứ đừng nói tặng thầy cô phong bì tiền, thế mà tôi vẫn lên lớp đều đều, năm nào cũng nhận phần thưởng.
Đó là điều may mắn của thế hệ tôi so với các thế hệ bây giờ, vì cho đến khi đầu đã bạc, tôi vẫn còn giữ được ký ức đẹp về những thầy cô của mình và việc rủ bạn bè cùng đến thăm thầy cô vào ngày 20/11 là một trong những niềm vui.
Nhưng con tôi thì không: chả có ai trong số những thầy cô đã từng dạy nó để lại cho nó ấn tượng về sự đam mê, về thiên chức đầy ý nghĩa của nghề giáo.
Trong 12 năm học, dù chưa bao giờ thúc đẩy cha mẹ chuyện mua gì tặng thầy cô giáo vào ngày 20/11 (tôi luôn tự nguyện thu xếp việc đó như một bổn phận nhưng không bao giờ cho con tham gia) nhưng mỗi khi nhắc đến các thầy cô cũ từng học, nó toàn nói với giọng châm chọc: “Ông (hay bà ấy)… không thích đứa nào hỏi nhiều về bài học, cũng không thích đứa nào có ý kiến khác, cứ như bọn con là con vẹt ấy!”.

Mất dần ánh hào quang

Mỗi khi nhớ đến thầy cô của mình, tôi thường buồn cho con. Suốt thời tiểu học và trung học, thầy cô luôn là thần tượng của tôi. Tôi nhớ năm đầu tiên bước vào trường trung học Lý Thường Kiệt – năm 1973 - ở quê nhà, tôi đã choáng ngợp trước hình ảnh các giáo sư (trước 1975 ở miền Nam: giáo viên dạy trung học được gọi là giáo sư) đi xe hơi đến trường, thầy giáo mặc comple (đồ veston bây giờ), còn cô giáo mặc áo dài thướt tha.
Chọn môn ngoại ngữ là tiếng Anh, bọn học trò lớp 6 chúng tôi mê mẩn cô giáo dạy tiếng Anh mỗi ngày đến trường là mặc một bộ áo dài khác nhau. Bọn tôi thường xì xào với nhau: Chắc cô có cả một tủ đầy áo dài, vì chưa bao giờ thấy cô mặc lại áo cũ.
Image captionLiệu có bao nhiêu học trò sau khi ra trường còn nhớ đến người thầy cũ?
Các giáo sư trung học trong mắt chúng tôi thời ấy là những con người thành đạt, có vị trí ngoài xã hội nên rất đáng kính trọng. Cô giáo chủ nhiệm lớp 6 của tôi không chỉ có những giờ lên lớp rất hay về môn văn mà còn dạy bọn học trò cách ứng xử với nhau, cách ứng xử với mọi người khi ở ngoài đường.
Chúng tôi rất yêu cô nhưng đến buổi tất niên chia tay vào cuối năm, chúng tôi chả có gì tặng cô ngoài những tấm thiệp tự vẽ bằng tay và mấy cành hoa giấy cùng chia nhau làm. Sau năm 1975, cũng học lại ngôi trường ấy, tôi sửng sốt trước hình ảnh một thầy giáo dạy tiếng Anh của lớp mình tranh thủ ít phút cuối giờ lên tiếng mời chào học trò mua… khoai lang nhà thầy trồng!
Hơn 40 năm sau, hình ảnh thầy cô giáo không chỉ trở nên khốn khổ - một nghề nghiệp cần được xã hội tương trợ - mà còn ngày càng mất dần ánh hào quang với biết bao scandal thầy cô đánh chửi học trò. Bơi giữa luồng cảm xúc coi thường của xã hội và học trò, họ thật sự cô đơn khi tận tâm với học trò mà không cần báo đáp, trong lúc những đồng nghiệp chung quanh họ đang tận thu học trò bằng mọi cách.
Năm nay, nếu tôi không kịp đến thăm thầy chủ nhiệm lớp 12, tôi chắc thầy sẽ gọi điện thoại hỏi thăm tôi. Nhưng con tôi thì không có kế hoạch gì cho ngày này - không có thầy cô giáo nào con tôi muốn đi thăm hay muốn xin ý kiến mỗi khi cần, cũng như chưa bao giờ tôi nghe nói một thầy cô giáo nào gọi điện thoại hỏi thăm nó.
Tình nghĩa thầy trò chỉ còn là sự đổi chác trong trường học, nên khi bước ra ngoài xã hội, chẳng còn mấy học trò nặng tình mang theo hình ảnh người đã dạy mình…
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo đang sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh.

Vietnam Airlines xin lỗi và khẩn trương thu hồi tạp chí Heritage in cô gái mặc áo dài hình chùa thiêng Myanmar

Ngày 18.10, một bức thư được đưa lên mạng xã hội Facebook từ tài khoản mang tên Venerable Nayaka, được cho là của một hòa thượng Myanmar, đang làm dậy sóng cộng đồng mạng. Trong thư vị hòa thượng tỏ ra phẫn nộ khi Tạp chí Heritage sử dụng hình ảnh một cô gái mặc áo dài Việt Nam, trên đó in hình ảnh ngôi chùa Shwedagontại (Chùa Vàng), nơi lưu giữ di vật của các vị Phật.
Bìa tạp chí được Hòa thượng Nayaka đưa lên FB
Lá thư cho biết chùa Shwedagon là thánh địa quan trọng của người Myanmar và hình ảnh trên đã xúc phạm đến tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Myanmar.
Ông cho biết đã gửi ý kiến phản ảnh này đến Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Sứ quán Myanmar tại Việt Nam và Văn phòng Vietnam Airlines tại Yangon.
Bức thư của Hòa thượng Nayaka đưa lên Facebook của ông có đoạn (tạm dịch): Shwedagon là địa thánh của một tôn giáo; nơi lưu giữ tóc Phật, áo choàng và các di vật khác mà chúng tôi tôn thờ.
Xin hãy tránh những hành vi thiếu tôn trọng đến xúc phạm văn hóa và tín ngưỡng của người khác. Xin không sử dụng các hình ảnh của Chùa Shwedagon trên áo quần phụ nữ. Đây là tạp chí trên máy bay của các vị phải không???...Chúng tôi tôn trọng tôn giáo ở khắp mọi nơi; Chúng tôi không thể cho phép ai mặc váy ngắn và quần ngắn lên thăm chùa, dù là người địa phương hay khách du lịch".
Được biết, Chùa Shwedagon ở Yangon là ngôi chùa Phật giáo linh thiêng nhất ở Myanmar. Ở đây lưu giữ 4 báu vật linh thiêng của 4 vị Phật. Phù đồ (Stupa) dát vàng của chùa cao tới 98m. Theo truyền thuyết và ghi chép của các nhà sư, chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là cách đây 2.500 năm. Song các nhà khảo cổ học cho rằng chùa được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.
Trao đổi với Lao Động trưa ngày 20.11, đại diện Tạp chí Heritage Fashion thừa nhận trên số tháng 11.2015, tạp chí này đã giới thiệu những mẫu thiết kế áo dài nghệ thuật mang tính văn hóa truyền thống, thể hiện vẻ đẹp mang bản sắc Châu Á. Hình ảnh chùa tháp trên áo dài truyền thống cũng là cách giới thiệu đặc trưng tín ngưỡng văn hóa Phật Giáo của các vùng đất Châu Á. Tuy nhiên, việc chọn lựa hình ảnh chùa tháp trên áo dài truyền thống đã làm cho một bộ phận độc giả không hài lòng và có những phản ứng trái chiều không tích cực trên trang facebook của một số cá nhân.
Ý thức được sự khác biệt trong văn hóa thể hiện qua những góp ý này, Heritage Fashion đã ngay lập tức thu hồi tất cả ấn bản của số tháng 11.2015 đồng thời gửi thông điệp ngỏ xin lỗi tới các độc giả đã quan tâm góp ý. Cùng đó,Ban Biên tập Tạp chí Heritage đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng tôn giáo. Xin khẳng định rằng chúng tôi luôn đặt sự kính ngưỡng và tôn trọng tất cả thánh tích thờ tự của các tôn giáo cũng như những tín ngưỡng tâm linh và văn hóa của mỗi quốc gia trên thế giới trong tôn chỉ hoạt động.
Bìa tạp chí được Hòa thượng Nayaka đưa lên FB

Chất vấn Thủ tướng: Hỏi hay hơn đáp

Nam Nguyên, phóng viên RFA-2015-11-20  
nguyen-tan-dung-622.jpg
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi chất vấn trước Quốc hội vào ngày 18/11/2015. Courtesy chinhphu.vn
Quốc hội Việt Nam dành ba ngày chất vấn kết thúc nhiệm kỳ của Chính phủ cũng như bản thân Quốc hội. Tuy vậy những ai quan tâm tới thời cuộc đã chú mục vào buổi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18/11/2015.

Không trả lời trực tiếp

Qua trực tiếp truyền hình và tường thuật của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vượt qua các câu hỏi bằng cách đi đường vòng và không trả lời trực tiếp những câu hỏi được dư luận quan tâm. Theo Tuổi Trẻ Online, VietnamNet, Thanh Niên Online, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được 24 ý kiến chất vấn trực tiếp và 20 câu hỏi của 9 đại biểu. Tuy vậy người đứng đầu chính phủ chỉ trả lời gộp một số nội dung và hứa giải đáp sau bằng văn bản, mặc dù ông còn dư rất nhiều thời gian. Do vậy phiên họp Quốc hội sáng 18/11/2015 đã kết thúc sớm hơn một giờ so với dự kiến.
Một cán bộ về hưu ở Hà Nội, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang tỏ ra không hài lòng về cách thức mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ông nói:
Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.
-Nguyễn Đăng Quang
“Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.”
Trong số những chất vấn ấn tượng được báo chí trích dẫn, các đại biểu Nguyễn Anh Sơn đơn vị Nam Định, Lê Nam tỉnh Thanh Hóa có câu hỏi liên quan tới việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông. Ngoài ra còn báo cáo của Ủy ban Dân nguyện gởi Quốc hội, ghi nhận ý kiến cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Việt Nam sớm khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Chất vấn của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đơn vị TP.HCM được báo Thanh Niên Online trích thuật khá đầy đủ. Tóm tắt, LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc và bị đe dọa chủ quyền. Theo lời vị đại biểu, thực tế ở các nước cho thấy Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị. Do vậy, ông thu thập ý kiến cử tri và họ đề nghị không vay tiền không nhận viện trợ từ Trung Quốc, trong giai đoạn hiện nay bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam.
Ý kiến của cử tri mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa dùng làm câu hỏi dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từ Saigon chia sẻ:
quoc-hoi-400.jpg
Quốc hội Việt Nam tại buổi chất vấn ngày 18/11/2015. Photo courtesy of quochoi.vn
“Đúng ra hiện nay hai bên, hai nhà, hai cá nhân đang tranh tụng. Giữa cá nhân với nhau thì liên quan đến tài sản tiền của tranh chấp về quyền sở hữu, còn đây là tầm quốc gia là biển đảo, lãnh thổ mà mình lại đi nhận tiền người ta cho thì nghe nó không ổn. Tục ngữ Việt Nam có câu anh ‘xây chùa nghĩa miễn’ thì cách đó nó không thuận lắm.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua truyền hình và báo chí đã chỉ trả lời một cách chung chung, lập lại các chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Theo đó Việt Nam vừa hữu nghị hợp tác bình đẳng với Trung Quốc vừa đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Chỉ lập lại những điều Phát ngôn nhân đã nói

Cảm nhận chung được ghi nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không nói được điều mà cử tri muốn nghe và đại biểu đã hỏi. Đó là Chính phủ đã làm gì khác ngoài những lời nói suông, không có hành động tích cực đối với việc mất chủ quyền biển đảo. Thủ tướng cũng không trình bày quan điểm của ông đối với vấn đề  lệ thuộc kinh tế Trung Quốc và mong muốn của cử tri là không nhận viện trợ, không vay tiền Trung Quốc trong lúc này. Người đọc báo có cảm nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập lại những điều mà Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói hàng ngày với báo chí.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình đã bày tỏ sự thất vọng của mình. Ông nhấn mạnh tới sự kiện đại biểu Quốc hội phải nghỉ sớm gần 1 tiếng rưỡi vì Thủ tướng không trực tiếp trả lời các câu hỏi.
Còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.
-LS Trần Quốc Thuận
“Thủ tướng trả lời toàn dẫn nghị quyết Liên Hiệp Quốc, tiêu chí giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ. Những điều cụ thể đại biểu quốc hội hỏi thì không thấy trả lời, trong đó có câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch. Ngoài ra còn 46 đại biểu Quốc hội hỏi mà chưa trả lời, trong đó không biết bao nhiêu câu là dành cho Thủ tướng. Tổng kết ra thì 18 đại biểu hỏi với trên 20 câu hỏi. Tôi thấy Thủ tướng không trả lời thẳng vào những vấn đề đó, cho nên cũng hơi buồn. Ngoài ra còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.”
Đối với vấn đề cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Nhà nước sớm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc xâm lấn Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây thất vọng lớn cho những ai chờ đợi một câu trả lời thẳng thắn. Đọc Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo có cảm tưởng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cẩn thận ngôn từ bằng lời hoa mỹ và không quên khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi xin trích nguyên văn: “Phải tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của cộng đồng quốc tế về chân lý lẽ phải của Việt Nam. Gìn giữ hòa bình ổn định, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Nhận định về vấn đề liên quan, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội phát biểu:
“Nói về ý nguyện của người dân, thực ra mà nói người dân đã mong muốn phải thực hiện việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế từ lâu rồi. Nhưng điều này chưa được Nhà nước thực hiện. Vừa rồi có một số ý kiến là đã đến lúc phải đưa Trung Quốc ra tòa, vì đấu tranh pháp lý cũng là đấu tranh hòa bình, cần tận dụng vì Việt Nam đang rất thuận lợi trong cuộc đấu tranh pháp lý này. Chưa tận dụng được là một điều đáng tiếc. Bản thân tôi cũng có ý kiến là lúc này cần kiện Trung Quốc ra các tòa án của Liên Hiệp Quốc, nhiều người trong ngoài nước ủng hộ ý kiến này… Theo tôi hiểu các cơ quan chuyên môn luật pháp, các ngành đã chuẩn bị tư liệu sẵn sàng nhưng chưa được bật đèn xanh.”
Theo dõi thông tin về ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội Việt Nam khóa 13, cũng là hoạt động chất vấn cuối nhiệm kỳ mà Tuổi Trẻ Online gọi là “Hoàng hôn nhiệm kỳ,” có thể thấy rằng Quốc hội Việt Nam có sự thay đổi đáng kể về điều gọi là “Cách chất vấn mới tốt, nhưng trả lời chưa sâu.”
Bên cạnh những vấn đề cụ thể mà đại biểu quốc hội hỏi, thành viên chính phủ trực tiếp trả lời, phong cách mới trong chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là dịp để báo chí cười xả láng về những phát ngôn không thể ngờ của một số Bộ trưởng trong chính phủ. VietnamNet và nhiều báo điện tử khác cùng ghi nhận sự kiện nghị trường cười nghiêng ngả, khi Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nói rằng, sản phẩm du lịch thượng hạng của Việt nam là chiếc nón lá và món phở… còn trách nhiệm về sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam xin để cho bộ trưởng kế tiếp trả lời vì ông hết nhiệm kỳ rồi.

LHQ cảnh báo Thái Lan và VN vi phạm nhân quyền khi giao trả người tị nạn

RFA -2015-11-20
Liên Hiệp Quốc hôm qua cảnh báo có thể Thái Lan và Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng khi giao trả những người tị nạn về Trung Quốc và Bắc Hàn.
Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói với báo giới rằng giới chức Thái Lan, không vì một lý do rõ ràng nào, đã trục xuất hai người tị nạn Trung Quốc đáng lẽ được đi định cư ở nước thứ ba, về lại Trung Quốc. Bà cho biết Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại với chính phủ Thái Lan về việc trục xuất này, và chỉ ra rằng việc trục xuất này được thực hiện chỉ vài tháng sau khi Thái Lan trục xuất 109 người Uighur về lại Trung Quốc.
Người đại diện Liên Hiệp Quốc thúc giục chính phủ Thái Lan ngưng ngay việc trục xuất những người tị nạn hoặc đang tìm kiếm quy chế tị nạn về lại nơi xuất phát, nơi họ có nhiều khả năng phải đối mặt với những vi phạm nhân quyền.
Bà Shamdasani cũng lên tiếng báo động về thông tin cho rằng Việt Nam cũng bắt giữ 9 người Bắc Hàn vào tháng trước, bao gồm một trẻ em 1 tuổi và một thiếu niên, sau đó chuyển họ sang Trung Quốc, nước đồng minh của Bắc Hàn. Bà cho biết có những lo ngại những người này có thể đã bị trả về Bắc Hàn nơi quyền con người của họ có thể bị vi phạm nghiêm trọng.

HRW chỉ trích VN bịt miệng những người bất đồng chính kiến

RFA 2015-11-20
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm qua lên tiếng chỉ trích Hà Nội sử dụng những điều luật về an ninh mù mờ để bịt miệng những người bất đồng chính kiến và bắt giữ những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế thúc giục Hoa Kỳ và các nước ký hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) gây sức ép lên Hà Nội để bỏ những điều luật này. Việt Nam cũng là một nước tham gia TPP.
Thông báo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế trích lời ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức này cho biết việc chính phủ Việt Nam thông báo bắt giữ hàng ngàn người trong khi thừa nhận mục tiêu nhắm tới là các nhóm nhân quyền và dân chủ cho thấy tình hình rất đáng lo ngại. Điều này cũng cho thấy là chính phủ đang sử dụng các điều luật về an ninh quá mức để hình sự hóa những phát biểu hòa bình và truy tố những người dám lên tiếng chỉ trích.
Mới đây, Bộ trưởng Công An Trần Đại Quang báo cáo với quốc hội Việt Nam là công an đã nhận, bắt giữ và xử lý 1.410 trường hợp bao gồm 2.680 người vi phạm an ninh quốc gia trong gia đoạn từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 11 năm 2015. Cũng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, trong giai đoạn này, đã có hơn 60 nhóm và tổ chức nhân quyền và dân chủ được thành lập với khoảng 350 người từ 50 tỉnh thành tham gia.

Hàng không VN thu hồi tạp chí gây tranh cãi

Theo BBC-20 tháng 11 2015 

Image copyrightepa
Image captionShwedagon là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất tại Myanmar
Hãng hàng không Vietnam Airlines đã quyết định thu hồi số tháng 11 của tạp chí Heritage Fashion vốn được lưu hành trên các máy bay của hãng.
Số này có trang bìa in hình một người mẫu mặc áo dài mang hình ảnh ngôi chùa biểu tượng của Myanmar là chùa Shwedagon ở Yangon.
Trước đó một nhà sư Myanmar đã tỏ ra bức xúc trên mạng xã hội Facebook về số tạp chí có ảnh người mẫu mặc áo dài mang hình chùa thiêng.
Hôm 18/11, vị sư mang tên Nayaka viết khá gay gắt trên Facebook: "Người Myanmar chúng tôi rất bức xúc vì tấm ảnh này. Shwedagon là ngôi chùa linh thiêng và nơi lưu giữ tóc, áo cà sa và một số di vật khác của đức Phật".
Hàng nghìn người cũng lên tiếng chỉ trích hãng hàng không Việt Nam vì bức hình nhạy cảm.
Vietnam Airlines hôm 19/11 đã ra thông cáo xin lỗi, nói rằng trong số tháng 11 của Heritage Fashion, hãng này muốn đăng tải các mẫu quần áo mang "sự quyến rũ, truyền thống và giác quan nghệ thuật độc đáo của Á châu".
Hãng này nói không hình dung được hết sự khác nhau trong sử dụng hình ảnh chùa chiền ở các nước.
Đại diện hãng cho biết chiếc áo dài thuộc bộ sưu tập “Vẻ đẹp châu Á” của nhà thiết kế Thái Tuấn.
Vietnam Airlines cũng đã gửi lời xin lỗi tới cộng đồng, nhất là những khách hàng đến từ Myanmar.