Tuesday, May 31, 2016

Hàng trăm con heo bị bơm nước, chích thuốc an thần

SÀI GÒN (NV)- Ngày 31 tháng 5, Chi cục Thú y Sài Gòn đã xử phạt hành chính 4 thương lái ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Trà Vinh, Bến Tre vì "cố tình bơm nước hoặc chất khác vào heo trước và sau khi giết mổ".


Nhiều con heo nằm bất động vì bị chích thuốc an thần và bơm nước trước khi giết mổ. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo Tuổi Trẻ, ngày 30 tháng 5 Chi cục Thú y Sài Gòn phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Sài Gòn kiểm tra 10 lô heo của 4 thương lái vận chuyển từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Trà Vinh, Bến Tre về cơ sở Nam Phong, quận Bình Thạnh, để giết mổ.

Tại đây, tổ công tác phát hiện đàn heo có những vết hằn do bị buộc miệng, nằm ngủ li bì, bụng phình to và liên tục ói ra nước vàng, nghi bị bơm nước và chích thuốc an thần. Qua xét nghiệm, xác định trong số 10 lô heo thì có 8 lô, tổng số 623 con dương tính với chất Acepromazine trong thuốc an thần. Cơ quan chức năng đã xử phạt 23 triệu đồng.

Khai với công an, các thương lái này thừa nhận đã bơm nước vào heo trước khi đưa về Sài Gòn giết mổ, tiêu thụ để ăn gian trọng lượng.

Trước đó, rạng sáng 19 tháng 5, cán bộ Thú y tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, phát hiện đàn heo 80 con của ông Nguyễn Hữu Hoài, ở Tiền Giang, có các biểu hiện mõm có vết hằn đỏ, nghi ngờ heo bị bơm nước nên tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn heo dương tính với chất Acepromazine và bị xử phạt trên 5 triệu đồng.( Tr.N)

31-05-2016 4:46:38 PM 

Miền Tây: Nhà sập, lúa ngập vì mưa đầu mùa

CẦN THƠ (NV)-Những trận mưa đầu mùa đã mang lại nhiều thiên tai cho người dân miền Tây, với hàng chục ngàn héc ta lúa bị ngập, hàng trăm căn nhà bị sập, đường xá bị sụt lún từ Kiên Giang đến Cần Thơ.

Báo Người Lao động dẫn tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, ngày 31 tháng 5, cho biết, tính từ đầu mùa mưa đến nay, tỉnh này đã có ít nhất 325 căn nhà bị sập và tốc mái; nhiều đường dây điện, cáp viễn thông bị đứt; gần chục tàu cá của ngư dân bị gió giật gây chìm, thiệt hại về tài sản rất lớn.

Hàng trăm nhà dân ở tỉnh Kiên Giang bị sập hoặc tốc mái trong những ngày qua.(Hình: Người Lao động)
Ông Đào Xuân Nha, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, cho biết, mưa lớn hơn một tuần qua đã làm ngập úng và thiệt hại khoảng 9,346 ha trong tổng số 43,217 ha lúa vừa gieo sạ. Trong đó, 2 địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là xã Nam Thái Sơn và Mỹ Hiệp Sơn với gần 7,000 ha lúa bị ngập úng. Hiện nay, mực nước trên các kênh còn cao, kết hợp với lượng mưa lớn đã làm đình trệ việc gieo sạ cũng như công tác tiêu úng, chống ngập", ông Nha nói.

Còn theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, hiện tỉnh này đã ghi nhận có 58 căn nhà bị sập và tốc mái; một người dân ở xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu bị sét đánh chết khi đang trú mưa trong chòi giữ vịt trên bờ đê. Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp cũng đã có gần 50 nhà dân bị hư hỏng nặng do giông lốc.

Tương tự, tại tỉnh Hậu Giang, mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã làm khoảng 20 căn nhà bị sập hoàn toàn, 15 căn nhà bị tốc mái, gây sạt lở nặng tại nhiều nơi. Gần 2,700 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ, chín bị đổ. Ước tính tổng thiệt hại gần 2.4 tỉ đồng.

Ông Trần Quang Hành, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nhận định: “Mùa mưa năm nay có nguy cơ sạt lở rất cao, để khắc phục, ngành nông nghiệp phải cần ít nhất 1 tỉ đồng".

Tin cho biết, trong cơn mưa lớn kéo dài chưa đầy 30 phút ngày 30 tháng 5 đã làm tuyến đường như Trần Ngọc Quế, Trần Văn Hoài phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, hai trong số nhiều tuyến đường vừa được ủy ban thành phố đầu tư xây dựng lại hệ thống thoát nước nhằm chống ngập đã ngập nặng nề, gây ùn tắc giao thông.

Nhiều hộ dân sống trên đường Trần Văn Hoài phản ánh, cách đây vài tháng, một cống thoát nước rất lớn được lắp đặt trên đoạn đường này nhưng chẳng hiểu sao nước vẫn ngập dù mưa không lớn. Khó hiểu hơn, chỉ 3 tháng sau khi thi công, trên đường này xuất hiện tình trạng sụt lún vỉa hè.( Tr.N)

31-05-2016 5:01:09 PM 

Hàng loạt cây cổ thụ lại bị 'bức tử' bằng hóa chất

SÀI GÒN (NV) -  Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn vừa yêu cầu công an điều tra, ngăn chặn tình trạng phá hại cây xanh đang liên tục diễn ra khắp nơi trong thành phố.

Báo Thanh Niên cho hay, hôm 31 tháng 5, nhà cầm quyền thành phố giao cho Công an phối hợp Sở Giao thông, ủy ban các quận 10, quận Tân Bình... và các cơ quan chức năng có liên quan điều tra các vụ phá hại cây xanh trong thời gian gần đây.

Cây sọ khỉ cổ thụ tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, nghi bị bức tử bằng hóa chất. ( Hình: Thanh Niên)

Theo Sở Giao thông, thời gian qua, việc xâm hại cây xanh đường phố diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp từ việc đốn hạ trái phép; chặt ngang thân, gốc cây hoặc sử dụng hóa chất để đầu độc cây chết dần để buộc phải đốn bỏ.

Điển hình nhất là vụ 2 cây viết và 1 cây sọ khỉ cổ thụ ở đường Cách Mạng Tháng Tám, bị chặt sát gốc và bỏ hóa chất cho chết; 1 cây sọ khỉ khác ở đường Tân Quý, quận Tân Phú bị đốn hạ trái phép, sau đó tự tái lập lại vỉa hè để xóa dấu tích; cây dầu cổ thụ ở đường Hòa Hảo, quận 11 đột ngột héo lá, qua kiểm tra xung quanh gốc cây bị đào xới, đồng thời mùi hóa chất nồng nặc xung quanh gốc cây; cây dầu cổ thụ ở đường Tôn Thất Tùng, quận 1, có dấu hiệu bị đầu độc khi cây xuống lá dần từ ngọn và hiện một nửa tán cây bị khô, héo; 2 cây lim sét trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2, bị xuống lá đột ngột, có dấu hiệu bị xâm hại...

Nghiêm trọng hơn, vụ 6 cây me tây liền kề trồng trên vỉa hè ở đường Trường Sơn, quận Tân Bình, đang phát triển tốt, tuy nhiên vào giữa tháng 3 tháng 2016, đồng loạt bị xuống lá và chết dần, trong khi các cây lân cận khác trên tuyến đường vẫn bình thường. Qua kiểm tra phát hiện dưới các gốc cây có mùi hóa chất lạ, kiểng cỏ trồng xung quanh cũng bị héo, chết... buộc phải đốn bỏ cây trồng thay thế cây khác.

Theo ông Trần Thế Kỷ, phó giám đốc Sở Giao thông cho biết, trước khi bị chết, các cây có tán cây phát triển rất xanh tốt nên có phần che khuất các bảng quảng cáo của một công ty quảng cáo được đặt trên đường Trường Sơn. Thế nhưng: "Hiện vẫn chưa thể xác định được cá nhân, tổ chức nào đã cố tình phá hại các cây xanh này", ông Kỷ nói.

Tin cho hay, Sở Giao thông Sài Gòn đã loan tin cho báo chí biết, trước thực trạng báo động này, các đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh ở các quận nội thành đều có văn bản gửi chính quyền thành phố đề nghị hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý, song thường không được cấp trên phản hồi hoặc nếu có thì cũng không có kết quả do không bắt được quả tang. (Tr.N) 

31-05-2016 4:40:17 PM 

Chính quyền huyện lừa tiền của dân nghèo

BẮC GIANG (NV)  Hàng chục gia đình nghèo ở xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, té ngửa khi nhận thông báo từ chính quyền địa phương phải nộp hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tiền phí, mới được trả "sổ đỏ".


Người dân thôn Đông Lâm tập trung cung cấp thông tin cho báo chí.(Hình: Thanh Niên)

Phản ánh đến Thanh Niên, ngày 31 tháng, nhiều gia đình xã Hương Lâm cho biết, sau bao năm chờ đợi, cuối năm 2015, họ nhận được thông báo lên trụ sở ủy ban xã nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của mảnh đất mình đang ở.

Thế nhưng, vừa nhìn thấy sổ, người dân đã “té ngửa” vì khoản phí phải trả để được nhận sổ lên đến từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. “Chính quyền xã chỉ cho chúng tôi nhìn thấy sổ đỏ chứ không cho mang về. Nhà tôi có hơn 300 mét vuông đất, phải nộp gần 139 triệu đồng thì xã mới trả sổ. Thấy khoản tiền lớn và vô lý nên tôi không nộp”, ông Đồng Văn Tú (45 tuổi) ở thôn Đông Lâm bất bình.

Theo ông Tú, tháng 12 năm 1996, gia đình đã nộp 7.5 triệu đồng để mua 308,5 m2 đất theo chủ trương bán đất lấy tiền xây dựng hạ tầng cơ sở của ủy ban xã Hương Lâm. Sau khi được bàn giao đất, gia đình đã xây nhà, ở ổn định từ đó đến nay, nhưng không được cấp sổ đỏ, dù nhiều lần đã đề nghị với chính quyền địa phương. Đến khi có sổ thì không đủ tiền nộp vì phí quá lớn.

Ngoài ông Tú, tại thôn Đông Lâm còn hàng chục gia đình khác cùng chung cảnh ngộ. Theo ông Đồng Viết Thắng (57 tuổi), hộ nộp ít nhất là 27.3 triệu đồng và nhiều nhất lên đến 270 triệu đồng.

Theo phản ánh của ông Thắng, năm 1996, trước khi mua đất, gần trăm hộ dân ở thôn Đông Lâm đã chung nhau nộp 3 triệu đồng gọi là tiền quy hoạch và tiền cấp sổ đỏ cho ủy ban xã Hương Lâm. Người trực tiếp thu, có phiếu thu là ông Đồng Minh Hội, trưởng thôn khi đó.

Nói với phóng viên Thanh Niên, ông Ngô Tiến Dũng, phó chủ tịch huyện Hiệp Hòa, giải thích, nhiều hộ dân ở thôn Đông Lâm phải nộp cả trăm triệu đồng để được cấp sổ đỏ do đất mua năm 1996 thuộc loại đất giao trái thẩm quyền nhưng... vẫn đủ điều kiện để cấp sổ theo Quyết định số 191 ban hành hồi tháng 6 năm 2012 của ủy ban tỉnh Bắc Giang.

"Theo quyết định này, các hộ dân nếu muốn được cấp sổ đỏ phải nộp tiền sử dụng đất đối với các lô đất trên địa bàn thị trấn và ven các trục đường quốc lộ. Công thức chung để tính khoản tiền phải nộp để được cấp sổ đỏ cũng được áp dụng từ chính quyết định này", ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Quốc Cường, giám đốc Công ty luật Hợp danh sự thật, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, tháng 8 năm 2014, ủy ban tỉnh Bắc Giang đã bãi bỏ Quyết định số 191. “Như vậy, ủy ban huyện Hiệp Hòa đã ép người dân phải nộp tiền phí cấp sổ đỏ theo quy định pháp luật đã bị bãi bỏ”, ông Cường khẳng định.


Khi bị vạch trần, trả lời phóng viên Thanh Niên chiều cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hoa, bí thư Huyện ủy Hiệp Hòa chống chế "sẽ yêu cầu các cấp liên quan kiểm tra lại thông tin về việc chính quyền áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực kể trên". ( Tr.N)

31-05-2016 4:55:27 PM 

Sức khỏe Trần Huỳnh Duy Thức rất yếu

GNsP (31.05.2016) – Một nguồn thông tin đáng tin cậy xin được giấu tên khẳng định với GNsP rằng, ông Trần Huỳnh Duy Thức sức khỏe rất yếu trong 8 ngày tuyệt thực tại trại giam số 6 Nghệ An, bắt đầu từ ngày 24.05 cho đến nay.
Nguồn tin này cũng cho GNsP biết vào chiều ngày 31.05 rằng, mấy ngày trước, cán bộ y tế của trại cứ 2 ngày vào thăm ông Thức một lần, nhưng từ ngày hôm qua 30.05.2016 thì ngày nào cũng phải vào thăm để theo dõi tình hình sức khỏe của ông Thức.
Nguồn tin này còn khẳng định, mấy ngày trước, ông Thức còn ngồi dậy nói chuyện với cán bộ y tế, khi nằm còn đọc được sách, nhưng từ ngày qua 30.05.2016 ông Thức đã không dậy được, không còn đọc sách được nữa.
Trong quá trình tuyệt thực, ông Thức chỉ uống nước suông và ông kiên quyết từ chối dùng đường và muối để duy trì sức khỏe.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực từ ngày 24.05.2016 để yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng pháp luật và “yêu cầu trưng cầu dân ý trao cho người dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước”, nếu nhà cầm quyền không đáp ứng ông sẽ tuyệt thực cho đến chết.
Gia đình ông Thức đã đồng hành tuyệt thực với ông nhiều đợt, mỗi đợt 1 ngày. Hiện nay, sức khỏe của cha ông Thức là ông Huỳnh suy sụp nhiều, ông phải nhập viện từ hôm qua ngày 30.05.2016.
Tại bệnh viện, ông Huỳnh, ngoài 80 tuổi, ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi và gia đình thương Thức vô cùng, rất xúc động khi Thức quyết định tuyệt thực vô thời hạn để yêu cầu nhà nước Việt Nam và ĐCS VN thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền con người trên hết và trước hết, để đảm bảo VN càng ngày phát triển, thịnh vượng, văn minh, hòa bình và hữu nghị. Thức phải sống để đi trọn con đường đã chọn là con đường VN.”
Em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức là ông Trần Huỳnh Duy Tân nói với GNsP rằng, ngày mai 01.06.2016, gia đình ông sẽ đi thăm nuôi ông Thức tại trại giam số 6 Nghệ An, nhưng điều ông Tân lo lắng không biết gia đình ông có được thăm gặp ông thức hay không.
Được biết, đã có gần 18.000 chữ ký ký vào thỉnh nguyện thư “cứu mạng sống của Trần Huỳnh Duy Thức” và yêu cầu nhà chức trách “trả tự do vô điều kiện cho ông”. Và có nhiều hội nhóm, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng hành tuyệt thực với ông trong suốt những ngày qua.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù giam với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự vào tháng 1.2010.
Huyền Trang, GNsP

Sinh viên Vinh Miền Nam thắp nến cầu nguyện cho môi trường

GNsP (31.05.2016) – Trong những ngày qua, chúng ta đau lòng chứng kiến thảm họa ô nhiễm môi trường biển chưa từng thấy. Hàng trăm tấn cá chết trôi dạt vào bờ biển miền trung: tôm, cua, ngao, sò, chim chóc….đột nhiên chết loạt, hệ sinh thái của thềm lục địa bị phá hủy. Hàng triệu ngư dân và vùng ven biển đột nhiên rơi vào cảnh điêu đứng, cuộc sống bị đảo lộn.
Hiện nay dù nhà chức trách chưa có kết luận chính thức, nhưng nhiều người vẫn đinh ninh rằng: chất thải có chứa chất độc tố từ khu công nghiệp là nguyên nhân hậu họa trên.
Gần hai tháng qua, nhà chức trách vẫn tránh né việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa này. Bên cạnh đó cán bộ còn khuyến khích người dân tiêu thụ thủy hải sản một cách thiếu căn cứ. Trong khi đó, thật khó hiểu khi nhà cầm quyền lại nặng tay đàn áp, bắt bớ những người biểu tình ôn hòa đòi trả lại môi trường trong sạch.
Đứng trước thảm họa này, đồng thời đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời, chúng ta có quyền và sự tự do cũng như công bằng xã hội.
Vì thế, tối Chúa nhật ngày 29/05/2016 anh chị em sinh viên Vinh Miền Nam đã quy tụ về trụ sở Giáo Phận Vinh số 32, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Quận 1, Sài Gòn để cầu nguyện cho môi trường, cho ngư dân miền Trung. Đồng thời cầu cho các nhà lãnh đạo có trách nhiệm công bố nguyên nhân, khắc phục thảm họa thực hiện quyền công dân theo hiến pháp quy định.
Khoảng 18 giờ cùng ngày 29.05, mọi người đã quy tụ đông đủ, buổi cầu nguyện có sự hiện diện của cha Antôn Nguyễn Thanh Tịnh, quý thầy, quý soeurs và hơn 50 bạn sinh viên Vinh Miền Nam.
Buổi cầu nguyện diễn ra hết sức trang nghiêm và sốt sáng với những ngọn nến cháy sực, những biểu ngữ về môi trường, về công lý hòa bình, về đức Giám mục Giáo phận đã được các bạn chuẩn bị kỹ. Trong buổi cầu nguyện, các bạn đã cùng nhau dâng lên Chúa những lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành nhất cho đời sống nhân dân Miền Trung, cho môi trường, cho các nhà lãnh đạo quốc gia và cho Đức Giám Mục thân yêu của Giáo phận Vinh.
13330525_643393129146951_510439460_n13335251_643393099146954_364502816_n13295325_643393135813617_648928961_n13336168_643393102480287_1154394765_n
Sau những giây phút lắng đọng bởi những lời cầu nguyện là lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô Assidi được cất lên và kết thúc buổi cầu nguyện cha Antôn đã ban phép lành cho tất cả mọi người tham dự.
Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Giáo Phận thương nhận lời chúng con cầu khẩn mà ban bình an cho mọi người trên đất nước thân yêu của chúng con.
Thanh Hậu

Biển Đông: Tàu đánh cá Trung Quốc liên tục bị săn đuổi

JAKARTA (NV) - Hải quân Indonesia vừa bắn cảnh cáo, buộc một tàu đánh cá của Trung Quốc dừng lại và bắt giữ con tàu này ngay trước mũi những con tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. 

Theo Bộ Chỉ huy Hạm đội phía Tây của Indonesia, ngày 27 tháng 5, hải quân Indonesia phát giác tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 của Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép tại vùng biển quanh quần đảo Natuna, thuộc hải phận Indonesia và thuyền trưởng của Gui Bei Yu 27088 đã cắt bỏ lưới cho tàu tháo chạy.

KRI Oswald Siahaan 354 của hải quân Indonesia - chiến hạm đã bắt tàu đánh cá của Trung Quốc hôm 27 tháng 5. (Hình: The Jakarta Post)

Hải quân Indonesia đã bắn cảnh cáo, buộc Gui Bei Yu 27088 phải ngừng lại để tiến hành bắt giữ. Toàn bộ sự kiện này xảy ra trước mũi các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc nhưng lần này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc chỉ quan sát chứ không dám làm gì.

Vào ngày 19 tháng 3-2016, hải quân Indonesia từng bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc cũng vì xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Ngay sau đó, hai tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã sấn vào, gây áp lực với tàu của hải quân Indonesia để đoạt lại tàu đánh cá đó.

Trước đây, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông chỉ được xem là xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan nhưng sau này, Indonesia nhận ra “đường chín đoạn” đe dọa cả chủ quyền của mình tại quần đảo Natuna và bắt đầu lên tiếng phản đối.

Do cả tàu đánh cá lẫn các tàu của lực lượng hải cảnh, chiến hạm của hải quân Trung Quốc đổ đến quần đảo Natuna càng lúc càng nhiều và càng ngày càng thường xuyên, cuối năm ngoái, Indonesia liên tục dọa sẽ đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với vùng biển quanh quần đảo Natuna.

Giữa tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc xác định, chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia nhưng lại xảy ra sự kiện 19 tháng 3.

Dù cũng là thành viên ASEAN, thậm chí chủ quyền cũng bị yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông xâm hại song Indonesia luôn duy trì “thái độ trung lập”, mặc kệ Việt Nam và Philippines – hai thành viên khác của ASEAN – bị Trung Quốc “ép”. Ngoài yếu tố là đối tác thương mại quan trọng nhất, Trung Quốc còn là quốc gia dẫn đầu về những hứa hẹn liên quan đến cho vay và đầu tư phát triển ở Indonesia. Cũng vì vậy, phản ứng của Indonesia trước sự kiện 19 tháng 3 khiến cả Trung Quốc lẫn cộng đồng quốc tế bất ngờ.

Ngay sau khi xảy ra sự kiện 19 tháng 3, Indonesia triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Indonesia đến để yêu cầu trả lời tại sao Trung Quốc đã xác nhận vùng biển quanh quần đảo Natuna nằm ngoài yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông mà tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn xâm nhập khu vực này để đánh bắt trái phép và hải cảnh Trung Quốc lại đứng phía sau, hỗ trợ những hoạt động bất hợp pháp đó (?).

Lối giải thích mà Trung Quốc thường dùng trước phản ứng của các quốc gia khác về việc tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải, đánh bắt hải sản trái phép: Natuna là một trong những “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc”… khi đem ra dùng với Indonesia giống hệt như bơm thêm dầu vào lửa.

Cuối tháng 3, Hạ viện Indonesia yêu cầu chính phủ Indonesia nhanh chóng xây thêm căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna để tăng khả năng phòng thủ ở miền Trung, nơi tiếp giáp với nhiều quốc gia. Quân đội Indonesia đã điều động bốn đơn vị phòng không đến quần đảo Natuna và đề nghị cấp thêm ngân sách để tăng quân số đồn trú tại quần đảo Natuna từ 1,000 thành 2,000 cùng với việc điều động tám chiến đấu cơ đến quần đảo Natuna.

Đến đầu tháng 4, Indonesia chính thức yêu cầu Trung Quốc giải giao con tàu mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc đánh tháo hôm 19 tháng 3.

Giới quan sát thời sự quốc tế cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc sử dụng ngư dân nhằm hỗ trợ yêu sách về chủ quyền trên biển và xem tất cả các vùng biển trên thế giới đều là “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc” đang gây ra nhiều tác hại lớn cho cả chính quyền lẫn ngư dân Trung Quốc.

Số lượng tàu đánh cá của Trung Quốc bị các quốc gia bắt và số ngư dân Trung Quốc bị tống giam đang tăng rất nhanh.

Hôm 27 tháng 5-2016, sau hai giờ rượt đuổi, cảnh sát biển Philippines đã bắt thêm một tàu đánh cá của Trung Quốc và tống giam 10 ngư dân Trung Quốc. Tàu đánh cá này không chỉ xâm nhập hải phận của Philippines để đánh bắt trái phép mà còn đâm vào tàu của cảnh sát biển Philippines khi bị chặn lại.

Lực lượng cảnh sát biển của Philippines đã điều động một tàu khác đuổi theo để bắt cho bằng được tàu đánh cá đó. Cảnh sát biển Philippines đang hành xử rất mạnh mẽ trong việc săn đuổi, bắt giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập hải phận của Philippines để đánh bắt trái phép. Cũng vì vậy, nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc đã hạ cờ Trung Quốc, treo cờ Philippines khi xâm nhập hải phận Philippines.

Con tàu đánh cá của Trung Quốc bị bắt hôm 27 tháng 5 và hai tàu đánh cá khác của Trung Quốc, với 25 ngư dân bị cảnh sát biển Philippines bắt hôm 16 tháng 5 đều treo cờ Philippines.

Trước đó một tháng, vào cuối tháng 4, hải quân Indonesia đã bắt một tàu đánh cá của Trung Quốc vừa vì tàu này đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia, vừa nhằm thực hiện đề nghị của Văn phòng Interpol tại Argentina. Theo Interpol của Argentina, vào cuối tháng 2, tàu đánh cá đó đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Argentina. Khi bị cảnh sát biển của Argentina ngăn chặn, nó đã đâm vào tàu của lực lượng cảnh sát biển Argentina để tầu thoát.

Vài năm nay, các tàu đánh cá của Trung Quốc trở thành nổi tiếng khắp thế giới vì thường xuyên đánh bắt trái phép trong lãnh hải của nhiều quốc gia. Đáng lưu ý rằng khi bị ngăn chặn hoặc bị đuổi, chúng thường lao vào tấn công tàu công vụ của chính quyền sở tại để tìm đường thoát.

Đã có lúc, lực lượng thi hành công vụ của nhiều quốc gia phải nhượng bộ tàu đánh cá của Trung Quốc, bởi các hành động cứng rắn có thể dẫn tới nhiều rắc rối trong quan hệ giữa chính quyền của họ với Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây, sự thể đã khác. Sau Nhật, tới lượt Nam Hàn nổ súng vào tàu đánh cá của Trung Quốc. Tháng trước, hải cảnh Argentina bắn chìm một tàu đánh cá của Trung Cộng khi nó lao vào tàu của họ.

Ngày 31 tháng 3, Malaysia từng triệu tập Đại sứ Trung Quốc đến để chính thức phản đối việc tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc hộ tống hàng trăm tàu đánh cá của Trung Quốc tràn vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Malaysia cũng đã tung ra một hải đội kèm cảnh cáo sẽ thẳng tay với bất kỳ tàu đánh cá nào xâm nhập hải phận của mình để đánh bắt trái phép.

Cộng đồng quốc tế không còn ngạc nhiên về “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc” trải rộng đến châu Úc, châu Mỹ, châu Phi. Sự ngạc nhiên đã được thay bằng sự phẫn nộ.  Hồi tháng ba, các quốc gia ở châu Phi đã thông qua một tuyên bố, đòi Trung Quốc phải có biện pháp vì ngư dân Trung Quốc đã đổ đến, đánh bắt hơn hai triệu tấn cá ở vùng biển Tây Phi.

Phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đang khiến nhiều ngư dân Trung Quốc lo lắng. Cam kết của chính quyền Trung Quốc về việc sẽ cử các tàu hải cảnh, hải quân hộ tống việc đánh bắt hải sản trên biển không đủ để trấn an họ nữa. Dù một chuyến hải hành được chính quyền hỗ trợ đến 180,000 nhân dân tệ nhưng một vài ngư dân Trung Quốc vừa nói với báo chí Singapore rằng họ đang tìm cách đổi nghề.

Kế hoạch biến ngư dân thành “dân quân trên biển” tham gia vào việc “bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia” của chính quyền Trung Quốc dường như đang lung lay. (G.Đ)

31-05-2016 4:16:51 PM 

Hạn hán ảnh hưởng sản lượng lúa gạo ở Việt Nam

CẦN THƠ (NV) - Hạn hán nghiêm trọng nhất từ 90 năm qua, nước biển nhập sâu vào sông rạch nội đồng làm sản lượng lúa gạo tại Việt Nam giảm sút, có thể ảnh hưởng đến xuất cảng.

Sản lượng lúa gạo vụ mùa đông xuân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm sút 10.2% so với vụ mùa này năm ngoái. Tuy nhiên, tổng sản lượng lúa gạo có thể chỉ giảm sút có 1.5%, nên nhiều phần có thể đạt được 44.5 triệu tấn, theo viên chức Cục Trồng Trọt của Bộ Canh Nông và Phát Triển Nông Nghiệp tại Việt Nam.

Người dân cố gắng tìm một vài con cá nhỏ trên con mương chỉ còn vũng nước nhỏ và ruộng lúa thì nứt nẻ. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

“Nhìn chung, sản lượng lúa gạo hàng năm chỉ giảm khoảng 700 ngàn tấn”. Ông Trần Cảnh Dinh, phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt nói với hãng tin Reuters bên lề cuộc một cuộc hội thảo về nông nghiệp hồi Thứ Sáu vừa qua.

Hạn hán nghiêm trọng làm nước biển xâm nhập sâu vào các kênh rạch nội đồng của vùng động bằng sông Cửu Long khiến rất nhiều khu vực ruộng trồng lúa chết khô. Không những ruộng lúa, những loại hoa màu khác như bắp, khoai, mía và cả các vườn câu ăn trái cũng ảnh hưởng đến sản lượng vì thiếu nước ngọt.

Việt nam xếp hạng ba trên thế giới về xuất cảng gạo sau Thái Lan và Ấn Độ. Mỗi năm Việt Nam cấy 3 vụ mùa mà vụ mùa đông xuân là vụ mùa trồng nhiều nhất và một phần lớn sản lượng của vụ này dùng cho xuất cảng.

Năm ngoái, Việt Nam sản xuất kỷ lục 45.21 triệu tấn lúa gạo, xuất cảng khoảng 30%, phần lớn sang Trung Quốc, Phi Luật Tân và Indonesia. Hồi năm 2005, sản lượng lúa gạo tại Việt Nam giảm sút cũng vì bị hạn hán nghiêm trọng.

Vì kênh rạch lấy nước tưới ruộng bị nhiễm mặn nên vụ mùa hè thu được xuống giống trễ. Vụ mùa thứ ba trong năm có thể bị đe dọa bởi mùa lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ xuống. Một số dự báo thời tiết cảnh cáo rằng hiện tượng thay đổi thời tiết La Nina có thể đem đến mưa lũ rất nặng vào nửa sau của năm 2016.

Cũng vì vậy, “Trồng trọt cần phải làm bên trong hệ thống đê để bảo vệ mùa màng”. Ông Dinh nói với Reuters.

Theo giới kinh doanh dịch vụ lúa gạo, khi xuống giống lúa trễ đi có nghĩa là thời gian thu hoạch vụ mùa sẽ không đồng nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tuần lễ vừa qua, gạo Việt Nam xuất cảng loại 5% tấm giảm giá phần nào, giữa khoảng $370-$380 USD một tấn. Hồi Tháng Ba người ta còn bán được tới $390 USD một tấn. Ước tính mức độ xuất cảng gạo của Việt Nam năm nay sẽ giảm khoảng 4.45% so với năm ngoái do hệ quả của hạn hán.(TN)

31-05-2016 5:46:23 PM 

Đấu tố hay chỉ là một màn diễn rẻ tiền...

Mai Tú Ân-31-05-2016

Có lẽ lúc đầu các ông lớn ở VTV chỉ muốn phê bình MC Phan Anh thôi. Chứ đưa một nhân viên ra thì "xấu chàng hổ ai", vì VTV cũng có nhiều xấu hổ rồi. Nhân thể cũng àm luôn một chương trình quảng cáo PR cho Tuyên Ráo để phổ biến việc lờ tịt đi vụ cá chết. Chính quyền muốn quên vụ cá chết lẫn nghi án Formosa đi thì em dại Phan An lại đưa hũ mắm về nhà. Nên sẵn có em bị cáo Phan Anh rồi, muốn nói gì cũng gật trên có ngay một vở diễn do các tay thợ mông má ở VTV chế biến ra ngay. Một siêu phẩm sẽ đáp ứng yêu cầu, nhất cử lưỡng tiên.

Việc Phan An chia sẻ trên FB vụ 2 con cá là việc thật, nhưng anh ta cũng tin và lấy nguồn tin ở đó từ các nhà báo khác thả cá vào chậu nước biển múc từ Vũng Áng, Hà Tĩnh Nhưng chỉ được hơn 1 phút thì 2 em cá vắn số đó lăn ra chết tốt. Ghê thật, không biết nước Vũng Áng lợi hại đến thế. Chả biết đúng sai thế nào nhưng Phan Anh đã phạm tội rất lớn với các đầu lĩnh ở Ba Đình. Đang trong một thời điểm nhạy cảm như thế, các nhà lãhn đạo chen nhau đi trốn để tránh phải lo vụ cá, tránh phải nhắc đến chữ cá. 

Còn chuyện đưa cá vào nước biển Vũng Áng mà còn sống thì mới lạ, chứ cá chết thì cũng bình thường, đúng quy trình. Đến thợ lặn Formosa còn lăn ra chết thì 2 con cá chết có nghĩa gì. Cũng may mấy anh tỉnh ủy, chủ tịch Đà Nẵng cùng đoàn đệ tử sao không về thăm quê hương Vũng Áng. Ở đó bơi lội, tắm biển thì tuyệt. Rồi còn hải sản ngon lành nữa chứ. Đảm bỏ có đi không có về. 

Trở lại chuyện con cá chết thì cả tỷ con chết từ đầu tháng tư đến giờ có sao đâu. Chuyên ma ăn cỗ, bố thằng nào biết được vì Vũng Áng đã nội bất xuất, ngoại bất nhập rồi. Vậy mà thằng MC kia lại lôi về và phát tán đến cháy cả mạng thì có bỏ mẹ không chứ. Thằng trời đánh ấy cứ tưởng có công nên phơi phới ôm bom chạy trước oto và để bài phát tán trên mạng, kiếm được hàng chục ngàn lai, và hàng ngàn chia sẻ. 

Thằng nớ mặt đâu có ngu mà sao nó khùng thế. Biển miền Trung cá chết dài dài, mà có ai làm chính quyền mất cái lông nào đâu. Chỉ cần suy luận thôi thì cũng thấy các quan nhà ta nói đúng. Cần phải quán triệt, nhập tâm lời dạy. Đã là cá thì cũng như người thôi. Có sanh tất có diệt. Cá phải chết chứ cá nào lại không chết. Có cá nào không chết khi đến tuổi "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", khi bác Các Mác, bác Lê Nin và các bậc CM đàn anh khác gọi mời đâu. 

Bây giờ tính nhé. Loại bỏ đi những con cá chui vào bụng nhân dân thì biết. Cái chết cúa cá là do nó già nó tử. Nó buồn buồn nó cũng đai, nó vui vui thì nó cũng đi bán muối. Còn nếu cá thành niên, vị thành niên mà chết trẻ thì đúng là ghen tuông, tình tay ba tay tư rồi. Cũng có thể con cá này chạy xe bố láo, tuổi trẻ mà, rồi tung bụi bẩn vào người ta mà phải trả nghiệp sơi đòn. Cũng có khi bị bắt bỏ vào chậu nhưng nó lại bị con cá khác đánh đến chết vì tội rửa bát bẩn. Chưa kể bây giờ tại nạn giao thông cũng chết nhiều vô kể. Cũng có cái chết là do vô duyên như ra đường xấc láo gặp phải dân anh chị xã hội đen thì nó chém cho một phát chết thì cũng còn may. Nó chém chết rồi nó lấy luôn thi hài của em cá, không phải để đem ước xác như ở Ba Đình đâu mà mơ. Nó đem về làm món các bóp chua để nhậu, còn vợ nó lấy phần còn lại làm lẩu xì sụp húp lúc đêm về thì tuyệt. Chưa hết bây giờ các thứ thuốc kích thích, thuốc lắc, ma túy đá chạy ê hề ở ngoài đường, giống như TV chạy hồi mới giải phóng ấy. Hàng ngon không chơi cũng uổng nên con cá nó mám, nó chơi, không chơi thì chỉ thiệt. Chơi phê rồi thì nó lăn ra chết ở xó xỉnh nào đó. Nên đâu có đổ thưa chính quyền được. Chính quyền nào mà lại phải quan tâm đến cái thứ nghiện ngập đó, mà lại là cá nghiện chứ. Chứa hết, cuối cùng thì nếu con cá không chơi ma túy thì cũng có thể hôm nào đi học về, nó trượt chân té xuống sông nhưng vì không biết bơi nên nó chết....đuối.

Đấy chuyện 2 con cá chết là chuyện rất nhỏ bé, giữa hàng tỷ con cá khác cũng làm đau đầu lãnh đạo lắm rồi. Giờ đây cứ nói lên chữ cá chết là các đầu lãnh Đỉnh Cao Chí Tuệ của ta lại nhức đầu bỏ ăn, chỉ bú bình. 

"Mẹ ! Từ vụ cá chết đến nay, tôi bị thiên hạ chửi hói hết cả đầu. Mà không phải hói bình thường đâu nha, mà hói đến mức không còn gì để nóii ". Fuc chửi ầm lên.và ra lệnh cho bọn Phạm Bình Minh, Ta Bích Loan phải sáng tác ra một vở kịch để yên lòng nhân dân và PR cho Đảng ta. 

Nhưng gặp ngay phải anh chàng MC Phan Anh, dù không phải dân Quảng Nam nhưng hay cãi, nhất là những gì mất uy tín của anh.

Vào cuộc em Tạ cò mồi dần, đưa mấy anh ốm nhom vì nghiện internet ra để nói chung chung. Hai bên em Tạ là hai đàn anh thơ có tiếng. Anh Hồng Thanh Quang, đại tá và là nhà thơ gà mái với giọng nói hai thì nghe éo éo rất phê, cùng với anh Nguyễn Mạnh Hà làm thành tổ tam công tố và bắt đầu tung chưởng vào bị cáo Phan An, ngồi cười ruồi để ra dáng éo phục. Nhưng càng về sau thì hai ông công tố rởm càng đuối lý, càng tung ra nhiều chưởng tào lao, sách vở. Thế là MC phang toáng lên tất cả. Chúa chết thì Trạng cũng lờ đờ chết theo.

Chuyện chẳng có gì cả để làm ầm ĩ, vì cũng là bọn nó đánh bọn nó, mỡ nó rán nó kêu oang oang để câu khách thôi. Nhưng khâm phục nhất là em HQT, làm thơ mà lại đóng kịch, diễn hay ra phết. Với giọng nói eo éo của bà già vẫn còn trinh, Hồng Thanh Quang ta tung hứng đểu giả ra phết. Lúc trầm, lúc bổng, lúc thăng lúc giáng, lúc nặng nề như xe đổ thùng ngã bật ngửa, lúc lại thanh thoát như giật nước bồn cầu.

Em Tạ thì vẫn giỏi như mọi khi. Chuyện em làm nhưng em khẽ ẩy sang cho đàn anh HTQ lãnh đủ, còn em thì diễn :"Em có biết gì đâu" hay như thật. Cũng phải thôi vì em là giòng giống ở VTV ra mà. Em nào ở trong đó ra thì bụng cũng to ra, không có bầu thì cũng một bụng dao bầu, chém đâu trúng đó.. .

Tóm lại kết luận một cách chắc chắn rằng, vụ MC Phan Anh là một vụ diễn để lăng xê tự sướng cho các quan anh. Và họ đã thành công. Chỉ có em gà mái Hồng Thanh Quang là vẫn chịu thiệt thòi nhiều nhất mỗi khi xuất hiện ra trước mặt trời. Kép nhất không thành, kép nhì cũng không xong. Chỉ tội nghiệp cho tờ báo lề phải Đại Đoàn Kết, hết khôn dồn đến dại mà lại đi mời tay ấm ớ này về làm TBT mới hãi chứ. Nên doanh thu cứ ngày càng xuống, cả đám đang chờ ra đê ở, hay chờ Nhà nước rót tiền. Tóm lại thì đây chỉ là một màn diễn giữa các đồng nghiệp với nhau, không hơn không kém.

Người lợi nhất qua vụ này chính là anh chàng đẹp trai Phan An, nhưng lời khuyên là chàng không nên ở trong VTV, dù có được mời. Ở trong đó mấy năm thì chàng cũng biến thành tinh, hoặc thành chàng phi công trẻ chuyên lái máy bay bà già. Càng ở lâu thì chàng lại càng phải lái máy bay bà già mỗi ngày một già hơn...

TQ sẵn sàng cho vụ kiện của Philippines?

Theo BBC-31 tháng 5 2016

Image copyrightREUTERS
Image captionThiếu tướng Lê Văn Cương nói Trung Quốc đã 'chuẩn bị trước' dù phán quyết của Tòa Trọng tài có ra sao
“Trung Quốc đã chuẩn bị trước, chứ không chờ tòa ra phán quyết”, nguyên Thiếu tướng từ Viện nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an Việt Nam bình luận về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực ở the Hague.
Philippines đã kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Đơn kiện của Philippines nói yêu sách 'đường chín đoạn', hay 'đường lưỡi bò' mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.
Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong tháng 6/2016.
Thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận: “Tất cả việc làm của họ [Trung Quốc] trên Biển Đông trong hai, ba năm vừa rồi là góp phần chuẩn bị cho đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài, chứ không phải họ chờ đến khi tòa đưa ra phán quyết họ mới có phản ứng đâu.”
“Tất cả việc làm của Trung Quốc trong năm 2014-2015 và cả năm 2016 này, một mục tiêu của họ là chuẩn bị đối phó với phán quyết bất lợi cho họ. Ví dụ biến các đá chìm ở Trường Sa thành đảo nổi, xây dựng trên đó các sân bay, các bến cảng quân sự. ”
“Ngày 15/2 vừa rồi họ lắp hai tổ hợp tám bệ phóng tên lửa HQ-9 đất đối không ở đảo Phú Lâm, lắp 4 hệ thống radar tần số cao cảnh báo sớm, phục vụ cho mục đích quân sự.”
Image copyrightBBC WORLD SERVICE
“Đặc biệt là radar tần số cao ở Đá Châu Viên, Châu Viên nằm ở cực nam của quần đảo Trường Sa. Nếu như lắp radar tần số cao ở đây thì Trung Quốc đã hoàn toàn có khả năng kiểm soát toàn bộ tất cả mọi tàu thuyền, máy bay đi qua biển Malacca và Biển Đông đều nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc cả.” – Ông Cương cho biết.
Bình luận về ảnh hưởng của phán quyết cuối cùng, ông nói: “Sau phán quyết này, cũng không thể có chuyện gì "động trời" để thay đổi Biển Đông, cũng không thay đổi được hiện thực họ tạo ra trên Biển Đông vì việc quân sự hóa Biển Đông [của Trung Quốc] cơ bản là xong rồi.”

'Được ủng hộ'?

Trong tháng 5/2015, Trung Quốc họp báo nói được “hơn 40 quốc gia” ủng hộ trên Biển Đông.
"Ngày càng nhiều nước bày tỏ ý kiến và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông)." – Người phát ngôn Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo.
Trao đổi với BBC về sự ủng hộ mà Trung Quốc tìm kiếm, ông Cương nhận định: “Thực ra các quốc gia ủng hộ Trung Quốc có vai trò khiêm tốn trong diễn đàn quốc tế và chịu ảnh hưởng lợi ích của Trung Quốc."
"Tôi cho rằng việc Trung Quốc chống lại phán quyết của Tòa trọng tài là chống lại luật pháp quốc tế, chống lại cộng đồng Quốc Tế" – Ông bình luận.
Khi được hỏi liệu phán quyết có làm tình hình Biển Đông nóng lên, Thiếu tướng Cương nói: “Dù không có phán quyết, không có vụ kiện này thì Biển Đông cũng sẽ càng ngày càng nóng lên, chứ không phải vì vụ kiện mới nóng lên.”
"Phán quyết của tòa trọng tài chỉ là giọt nước làm tràn ly"
"Tranh chấp trên thế giới thường giải quyết qua ba phương thức; trước hết là phương thức hòa bình, trao đổi song phương, đa phương. Khi thương lượng hòa bình không có kết quả và không tin nữa thì buộc chuyển qua phương thức thứ hai là dùng tài phán quốc tế, Philippines đã dùng đến cách này. Phương thức xấu nhất và cuối cùng là đánh nhau.”
"Việt Nam đang theo đuổi phương thức đầu tiên, Việt Nam không bao giờ nói sẽ từ bỏ việc kiện Trung Quốc, mà đúng hơn là chưa kiện,” – Ông Cương nói về chọn lựa của Việt Nam trong tranh chấp trên Biển Đông.

Biển Đông : Khẩu chiến Mỹ-Trung sẽ tái diễn ở Đối Thoại Shangri-La

Trọng Nghĩa 
Theo RFI- 31-05-2016 15:54 
media
Đô đốc Harry Harris duyệt đội quân danh dự tại tổng hành dinh quân đội Philippines ngày 26/08/2015. AFP PHOTO / NOEL CELIS 
Trong ba ngày 03-05/06/2016, diễn dàn an ninh châu Á thường niên mang tên Đối Thoại Shangri-La sẽ lại mở ra tại Singapore, tập hợp hầu hết các giới chức lãnh đạo quốc phòng các nước quan tâm đến châu Á. Các động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ trở thành một chủ đề thảo luận quan trọng tại Đối Thoại Shangri-La và ý đồ của Trung Quốc sẽ lại bị mổ xẻ và phê phán. Hoa Kỳ được cho là nước sẽ đi đầu trong cuộc tấn công, trong lúc Trung Quốc sẽ tìm cách đối phó.
Như thông lệ của những năm gần đây, Mỹ sẽ cử một phái đoàn hùng hậu tham gia Đối Thoại Shangri-La. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã  lên đường đi Singapore ngày 31/05, nơi phái đoàn Mỹ sẽ có thêm hai lãnh đạo quân sự cao cấp là đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân, và đô đốc Harry Harris, tư lệnh Lực Lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương.
Về phần Trung Quốc, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, định chế đứng ra tổ chức Đối Thoại Shangri-La, Bắc Kinh sẽ cử một phái đoàn quân sự cấp thấp hơn, do đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc dẫn dầu.
Theo giới phân tích, diễn đàn an ninh tại Singapore lần này chắc chắn sẽ phải đề cập đến tình hình căng thẳng nẩy sinh từ những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông bị tố cáo là nhằm bành trướng lãnh thổ, như bồi dắp đảo nhân tạo tại Trường Sa, xây dựng cơ sở quân sự, đưa vũ khí đến khu vực nhằm khống chế một vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hơn 80% diện tích.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã liên tiếp vạch trần các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc, đe dọa đến quyền tự do lưu thông trong khu vực. Để đối phó, Mỹ đã tổ chức các chuyến tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải, công khai thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắc Kinh đã phản bác lại bằng những lập luận truyền thống : Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc « từ ngàn xưa » nên họ muốn làm gì ở đó thì làm; Mỹ đã « thổi phồng » tình hình căng thẳng. Không những thế, Trung Quốc không ngần ngại dùng máy bay cản trở các hoạt động của Mỹ.
Tất cả những vấn đề trên sẽ lại được nêu bật tại Shangri-La, với Mỹ, Nhật và rất nhiều nước khác trong vai trò công tố viên, trong lúc Trung Quốc sẽ phải chật vật đối phó, vì cho đến nay, các lập luận của Trung Quốc được cho là thiếu sức thuyết phục: Từ G7 cho đến Liên Hiệp Châu Âu, hầu như tất cả các nước lớn trên thế giới đều kêu gọi Trung Quốc tránh việc áp đặt bằng sức mạnh các yêu sách chủ quyền quá đáng của họ.
Cuộc đấu khẩu Mỹ-Trung về Biển Đông trong những ngày gần đây như đã dự báo trước cho những tranh cãi sắp tới đây tại Đối Thoại Shangri-La: Vào hôm qua, 30/05, Trung Quốc lại cực lực tố cáo Lầu Năm Góc vẫn duy trì tâm lý Chiến Tranh Lạnh và định làm « phim bom tấn Hollywood » khi triển khai vũ khí hiện đại tới Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ kiên quyết chống lại những « hành động nhằm hủy hoại chủ quyền lãnh thổ và an ninh Trung Quốc ».
Tuyên bố gay gắt của bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhằm đáp trả nhận xét của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter hôm 27/05, theo đó việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa thịnh vượng ở khu vực châu Á, và khi làm như vậy, Bắc Kinh chỉ dựng lên một bức "Vạn Lý Trường Thành" của sự tự cô lập mà thôi.
Khẩu chiến Mỹ -Trung tại Diễn Đàn Shangri-La như vậy được dự báo là sẽ rất gay gắt, nhất là khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nổi tiếng là không ngại chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc.
Nhân Đối Thoại Shangri-La vào năm ngoái, ông Carter là một trong những tiếng nói đã đả kích mạnh mẽ các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thông điệp Mỹ, thái độ Việt

Ngày 23/5/2016, Tổng thống Hợp Chúng Quốc Huê Kỳ, Barack Obama đặt chân xuống Việt Nam mang theo thông điệp muốn làm bạn và hợp tác lâu dài vì quyền lợi của hai nước, hai dân tộc. Ở phương diện nào đó, có thể nói đây là cách chơi bài ngửa cực kỳ văn minh và chuyên nghiệp của người Mỹ không chỉ với chính quyền VN mà còn với chính quyền họ Tập đang ngày đêm nghe ngóng, rình rập. Thế nhưng, ở chiều ngược lại thì sao? Thông điệp Mỹ đã phát ra, thái độ Việt phản ứng lại như thế nào? Bài viết này là một vài cảm nhận chủ quan mang tính tham khảo của người viết.

http://media.phapluatplus.vn/files/tuanh/2016/05/25/obama-tdq-1402.jpg

1. “Ý đảng lòng dân”: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Có lẽ, không cần so sánh với lần họ Tập sang thăm cách đây một năm. Chỉ cần so sánh với sự kiện trước khi Obama đến thăm một ngày là đủ biết.

Có thể thấy, mặc dù cả hệ thống đảng, chính quyền tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, thời gian, công sức cho công tác cổ động, tuyên truyền nhưng dân chúng gần như chẳng mặn mà gì với chuyện bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp (22/5/2016). Chính xác hơn, ngoại trừ thành phần công chức (hoặc là bọn cơ hội hoặc là kẻ ngu trung trong bộ máy công quyền); những cụ già tuổi hưu trí muốn thể hiện sự gương mẫu cho con cháu noi theo thì hầu hết dân chúng đến các địa điểm bầu cử với tâm thế “trả nợ quỷ thần” để còn nhanh chóng về lo miếng cơm manh áo. Những mỹ từ như: “ngày hội non sông”, “niềm tin”, “nô nức”, “phấn khởi”,... chẳng qua chỉ là lời lẽ của bọn bồi bút bất lương. Hàng triệu đồng bào nông dân, ngư dân vẫn còn nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong vì ruộng đồng ngập mặn, biển chết cả tháng trời không thể ra khơi; hay hàng triệu công nhân đang lay lắt vạ vật qua ngày tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước. Đó là chưa kể vô số những bà mẹ nghèo oằn lưng bên gánh hàng rong; một đội quân hủ tiếu gõ, hột gà nướng, bắp xào, cá viên chiên trên khắp các con phố tại các khu đô thị... Thử hỏi, tất cả những con người này làm gì có thời gian để mắt đến mấy chuyện bầu bán mà lâu nay họ đã nhận ra chẳng qua chỉ là một vỡ tuồng không hơn không kém; thậm chí có người còn không biết chữ thì làm sao mà đọc và nhận ra ông nào bất tài, bà nào thất đức qua mấy dòng tiểu sử tự sướng mà dám bảo là“toàn dân nô nức đi bầu”?

Thế nhưng, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi ngay sau khi tổng thống Obama đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Có lẽ, không chỉ Việt Tân mà đảng ta hẳn cũng rất bất ngờ về sự chào đón này của người dân khắp cả nước cả trên mạng internet lẫn ngoài thực địa. Đặc biệt, bất chấp nghị định 38/2005/NĐ-CP của chính quyền về việc tụ tập đông người mà không xin phép, dân chúng đủ mọi thành phần tại hai thành phố lớn cứ đổ ra đường chào đón vị tổng thống Huê Kỳ trong ngay ngắn, trật tự đến kỳ lạ. Hai sự kiện cách nhau có một đêm nhưng một lần nữa đã tố cáo và phơi bày sự thật: “ý đảng và lòng dân” giờ đây đang hoàn toàn cách xa nhau chứ không phải là một khối thống nhất như những cái lưỡi không xương vẫn cứ ra rả hàng ngày trên các phương tiện truyền thông. Mới biết, không có việc gì có thể qua mắt được nhân dân. Chẳng qua vì miếng cơm manh áo, hay vì chưa gặp điều kiện thuận lợi nên họ chưa bộc lộ ra thôi. Sự thật trong cuộc sống chỉ có một. Cho dù có tô vẽ, che đậy, ngụy tạo tinh vi đến mấy thì đến lúc nào đó cũng bị nhân dân “lật mặt”. Đây hiển nhiên cũng là một chân lý!

2. Đón khách không cười, nhân quyền giả trá, báo chí hư hỏng...

Không ai phủ nhận, có được bước tiến triển như hôm nay là một cố gắng, nỗ lực rất lớn để hòa giải từ cả hai phía. Đặc biệt là phía chủ nhà sau mấy mươi năm dài huênh hoang, thù địch. Đây là điều rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh “mình cần người hơn người cần mình” mà vẫn cố làm ra vẻ “ta đây”, không quan tâm đến cảm nhận của khách, nghĩ cho cùng vẫn là cách hành xử nông cạn nếu không muốn nói là thiếu khôn ngoan, không bản lĩnh của những người có trách nhiệm.

Trước hết, khách đến chơi, nói gì làm gì đều nở nụ cười thân thiện, gần gũi. Trong khi dân chúng nồng nhiệt, chào đón bằng tất cả tấm lòng thì người đại diện và trực tiếp bàn thảo các vấn đề trọng đại của đất nước nhìn mặt chẳng khác gì tối qua mới bị... vợ mắng (hay là bị “mất sổ gạo”)? Bệnh nghề nghiệp từ thời còn làm đại tướng công an (phải mang bộ mặt hình sự) hay vì gấp gáp quá nên chưa quen với vị trí mới? Thật không hiểu nổi. Mời bạn đến nhà chơi, bạn đến và hứa hỗ trợ, giúp đỡ vào TPP; bạn cam kết gỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương; bạn đọc thơ Thần, bạn nhắc lịch sử, văn hóa dân tộc từ thời hai Bà Trưng đến Phan Châu Trinh, Ngô Bảo Châu; bạn lẫy Kiều, lẫy ca từ Văn Cao, Trịnh Công Sơn... rất sâu sắc và ý nhị. Thế nhưng, trước sau nhau như một, vẫn kiên quyết không hé môi cười với bạn một cái thật rạng rỡ cho nó tương xứng. Chẳng lẽ ứng xử như vậy cũng được xem là phong cách và thái độ ngoại giao của người đứng đầu quốc gia ư?

Chưa hết, khách đến mang theo thông điệp cùng những tuyên bố, chia sẻ rất chân thành, thẳng thắn, không hề tránh né. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tự do, dân chủ và nhân quyền. Đại khái, khách nói, tôi và người dân Mỹ thật sự muốn làm bạn và hợp tác lâu dài với các ông vì quyền lợi của nhân dân hai nước. Tôi cũng tôn trọng và không áp đặt chính quyền của các ông bất cứ điều gì. Nhưng các ông cũng nên nhớ một điều, nhân quyền là những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại chứ không phải là chuyện được giải thích, vẽ vời một cách tùy tiện bởi một thể chế nào đó. Hơn nữa, chính các ông cũng đã thừa nhận điều ấy trong hiến pháp của mình thì các ông phải có trách nhiệm thực hiện và phụng sự cho những giá trị đó. Tôi tôn trọng thể chế của các ông cũng có nghĩa là tôn trọng nhân dân Việt Nam (giống như tôn trọng nhân dân Huê Kỳ của chúng tôi). Vì thế, tôi nghĩ không có lý do gì chính các ông lại chà đạp nhân dân, đồng bào mình nếu họ bày tỏ quan điểm và chính kiến của bản thân!? Hàng ngày tôi và chính phủ tôi cũng bị dân chúng chỉ trích đó thôi, nhưng nhờ vậy mà chúng tôi tiến bộ, ít mắc sai lầm hơn. Các ông nên biết như thế vì chỉ có những kẻ thiếu chân thành muốn duy trì sự độc tài mới cố tình ngụy biện và không thừa nhận nhân quyền là những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại v.v và v.v...

Tinh thần chung là như thế nếu xét trên hai bình diện nghĩa hiển ngôn lẫn hàm ngôn của bài diễn văn tuyệt vời mà cả thế giới ai cũng biết. Thế nên lẽ ra, thông điệp ấy của người đứng đầu Nhà trắng cần được chuyển tải một cách trọn vẹn, khách quan và trung thực nhất đến toàn thể dân chúng. Vậy mà, không hiểu sao mấy trăm cơ quan truyền thông chính thống lại cắt xén đi đoạn quan trọng liên quan đến nhân quyền, ít nhiều đã vô tình làm sai lệch đi tinh thần chung của cả bài phát biểu?

Chưa hết, chương trình làm việc của ngài tổng thống có nói sẽ gặp gỡ những nhà hoạt động dân chủ trong nước; phía bạn cũng công bố mà vẫn cứ kiên định không có lấy một dòng nào phản ánh buổi làm việc ấy trên mặt báo. Đã vậy, nghe đâu còn ngăn chặn một số người đã được phía bạn gửi thư mời!?

Thử hỏi, có đáng hay không nếu chịu khó động não và biết cân nhắc chuyện nặng nhẹ trong hoàn cảnh cả thế giới đang hướng mắt về mình? Tại sao cả hệ thống chính quyền với không biết bao nhiêu là công cụ trong tay lại sợ một vài cá nhân mà suy cho cùng đó cũng là thần dân nước mình? Obama và chính quyền của ông ấy nào phải là con rối chỉ biết nghe và tin một chiều từ phía nào đó để ra quyết sách? Những chuyện đàng hoàng, nghiêm túc liên quan đến uy tín và thể diện quốc gia, dân tộc thì dè dặt, hiếm khi bàn luận cho ra lẽ; ngược lại, mấy chuyện vặt vãnh, bên lề thì sốt sắng, tía lia. Lật trang báo nào, mở trang mạng nào cũng toàn thấy những tin “tào lao mía lao” đến mức trơ trẽn: “cô gái tặng hoa cho Tổng thống nói gì?”, “tay Obama ấm lắm”; hoa hậu hủy chuyến ra nước ngoài để gặp Tổng thống; sự thật về chuyện Obama ăn hai suất bún chả... (cũng may là lần này ông ấy không thèm nếm giọt nước hay cọng phở nào).

Người đời nói “thật thà là cha quỷ quái”! Thử hỏi, làm gì có thứ tình bạn nào sâu đậm bền lâu nếu bản thân mình thiếu chân thành và không tôn trọng đối phương ngay trong lúc bàn chuyện? Một sự kiện quan trọng cả hành tinh đều dõi theo đưa tin, tìm hiểu; và sự thật thì rành rành ra đó mà cứ né tránh, giấu giếm. Đã không đủ dũng khí để chơi bài ngửa thì ít ra phải hiểu sức mạnh của dư luận truyền thông trong thời đại kỹ thuật số chứ. Cứ mù quáng hành xử theo thói quen, cái gì có lợi cho mình thì lu loa lên, tô vẽ thêm; ngược lại là đổ hết cho “các thế lực thù địch” nào đó thì làm sao nhân dân tin tưởng và ủng hộ? Mà như thế thì có khác gì tự bôi tro trát trấu vào mặt mình; có khác gì đang tiếp tay làm cho cả một nền báo chí ngày một trở nên hư hỏng, bệ rạc. Số ít những nhà báo có lòng tự trọng và biết trăn trở khi đối diện với sự thật thì trở thành con rối, bài vở viết xong phải ngậm ngùi đút vào ngăn kéo; số đông còn lại thì tha hóa trở thành bồi bút lúc nào không hay! “Cơ quan quyền lực thứ tư” gì mà chỉ rặt một bọn xu nịnh, bợ đỡ, lá cải, sống chết mặc dân, xem chuyện quốc dân, quốc thể chẳng hơn mấy đồng nhuận bút...?

3. Lời cuối: tương lai nào, kịch bản nào?

Cười hay không cười, vui hay không vui, mừng hay không mừng trong hoàn cảnh hôm nay, nói cho cùng cũng là một thái độ lựa chọn. Có thể nói, tổng thống Huê Kỳ đến và đi trong vỏn vẹn có hai ngày ngắn ngủi, nhưng lạ thay, dân chúng nước Việt từ trong tâm thức như những đứa trẻ, tất thảy đều chạy nhanh ra cửa mừng“má đi chợ về”! Tuy nhiên, những người suốt ngày miệng cứ ra rả mấy câu văn mẫu: “có nhân dân là có tất cả”; “đầy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; hay“Nhà nước này của dân, do dân, vì dân”, “phải biết lấy dân làm gốc”... thì tâm trạng và thái độ có vẻ như hoàn toàn ngược lại. Đây là sự thật cả thế giới ai cũng nhìn thấy. Thế nên, đến thời điểm này có thể nói, tinh thần và thái độ người Việt trong khi tiếp nhận thông điệp mà tổng thống Obama mang sang VN lần này thông qua câu Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi” đang có sự phân cực rất rõ ràng: đảng ờ hờ, dân mở hội; đảng chiếu lệ, dân nhiệt thành!?

Vì thế, tương lai đất nước này, dân tộc này sẽ về đâu; có sáng sủa không, kịch bản nào sẽ xảy ra... xem chừng rất khó mà đoán định. Một sự chân thành, lắng nghe và làm theo ý chí nguyện vọng nhân dân của lãnh đạo và chính quyền để đất nước có một sự chuyển giao nhẹ nhàng êm ấm như Myanmar? Hay ngược lại, thiếu chân thành, bảo thủ cho rằng chỉ có mình mới vĩ đại, mới tài tình sáng suốt; tiếp tục bưng tai giả điếc bất chấp ý chí và nguyện vọng của nhân dân để rồi một ngày nào đó nhân dân chịu hết xiết phải vùng lên và “lật thuyền”; đất nước khi ấy lại chìm vào binh đao, lửa đạn, biên giới, chủ quyền biển Đông rơi hết vào tay giặc Tàu? Chao ôi, nghĩ đến đây, bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Chế Lan Viên năm nào:

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên

Cành xuân phải trao tay khi nước mất

Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên”

Không biết cố nhà thơ khi ấy nghĩ gì mà nỡ nào mang cả dân tộc ra so sánh với không chỉ một mà đến hai cô... gái điếm!?

Ngẫm lại chuyện xưa, soi xét chuyện nay mà thấy đau lòng! Quả là chua xót thay cho dân tộc tôi, Tổ quốc tôi!

CT, 30/5/2016

Nguyễn Trọng Bình

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-5-16