Tuesday, January 29, 2019

BOT An Sương: không qua cầu cũng thu phí, tài xế nói gì?

RFA-2019-01-28   
BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh
BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh-Photo: RFA
Trong cuộc họp báo ngày 27/1/2019, công ty IDICO - chủ đầu tư của trạm thu phí BOT An Sương, An Lạc đang bị người dân phản đối nói với báo giới trong nước rằng, việc xây thêm 4 cây cầu vượt làm giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1, do đó dù tài xế không đi lên cầu cũng sẽ phải thu phí, tuy nhiên một tài xế mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc không đồng tình với ý kiến này.

Không qua cầu nhưng vẫn phải trả phí

Tại buổi họp báo có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO giải thích, việc đầu tư quản lý khai thác các cầu vượt gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông tại các nút giao nhằm ổn định, thông suốt trên QL1, do đó người dân cần phải trả phí dù đi trên cầu vượt hay đi dưới mặt đường bên cạnh cầu.
Sở Giao thông vận tải TPHCM ngày 28/1 cũng có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan liên quan đồng ý với giải thích trên của IDICO và nói thêm rằng, nếu tách riêng các cây cầu vượt để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm thu phí, do đó có thể làm chi phí đầu tư tăng cao.
Ý người ta là muốn lùa người dân đi hết lên cầu để buộc trả tiền phí, sử dụng dịch vụ của họ thì phải trả tiền phí, nhưng thật ra mình không có nhu cầu đi lên cầu nên mình đi xuống dưới và vì vậy không thể buộc mình trả tiền - Ông Minh Trí, một tài xế
Ông Minh Trí, một tài xế tham gia phản đối trạm thu phí BOT đặt tại Quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân không đồng tình ý kiến này vì người dân phải sử dụng thì mới trả tiền.
Họ làm cây cầu để băng qua các ngã tư, nhưng mật độ qua các ngã tư đó rất là đông, cho nên cho dù người ta nói là để giảm ùn tắc giao thông, nhưng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên chứ không như người ta nói.
Thứ hai quan điểm của tài xế bọn em là có đi, có sử dụng mới trả tiền chứ không thể là anh xây dựng cầu, rồi người ta không đi, anh cũng bắt đi lên cầu là không đúng.
Đằng này ở trước cây cầu người ta có cái biển là các phương tiện đi thẳng theo Quốc lộ 1A phải đi lên cầu,ý người ta là muốn lùa người dân đi hết lên cầu để buộc trả tiền phí, sử dụng dịch vụ của họ thì phải trả tiền phí, nhưng thật ra mình không có nhu cầu đi lên cầu nên mình đi xuống dưới và vì vậy không thể buộc mình trả tiền,” ông Minh Trí nêu ý kiến với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại.

“Đã xử lý 3 người gây rối ở trạm BOT An Sương, An Lạc”

Báo Tuổi Trẻ ngày 27/1 có bài viết với tiêu đề lớn dẫn lời ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, thời gian qua, từ ngày 3-12-2018 đến 27-1-2019 công an quận này đã xử lý 3 trường hợp gây rối, tuy nhiên không nêu danh tính những tài xế này.
Một tờ báo khác ở TPHCM là Sài Gòn Giải Phóng lại nêu rõ 3 người bị lập biên bản xử phạt gồm Ngô Phương (3 lần xử phạt), Hữu Danh (2 lần xử phạt) và Huỳnh Long (1 lần xử phạt)
Theo truyền thông trong nước, các hành vi bị xử phạt đối với các tài xế này bao gồm dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định gây ách tắc giao thông (mức phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/trường hợp), không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng (1 - 3 triệu đồng/trường hợp), gây mất trật tự đường phố (2 - 3 triệu đồng/trường hợp).
Nữ tài xế Ngô Phương - người bị cơ quan ngôn luận của đảng bộ đảng Cộng sản TPHCM chỉ đích danh là bị xử phạt 3 lần nói rằng cô không quan tâm đến việc báo chí nói gì.
Hiện giờ mọi vấn đề cũng có cơ quan chức năng vào cuộc rồi thì cái vấn đề nếu gây rối hay mất trật tự thì đó là điều tụi em không đáng quan tâm vì tụi em không sử dụng dịch vụ thì tụi em không thanh toán thôi,” cô Ngô Phương nói và từ chối bình luận thêm.
Công an làm việc với các tài xế phản đối trạm thu phí BOT An Sương, An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh hôm 14/1/2019
Công an làm việc với các tài xế phản đối trạm thu phí BOT An Sương, An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh hôm 14/1/2019 Courtesy FB Truong Chau Huu Danh
Ông Minh Trí thì cho biết, bản thân ông không phải là người gây rối như báo chí nói, mà chỉ làm những hành vi pháp luật không cấm.
Với chúng tôi thì những vấn đề đó là trò hù con nít thôi, theo tôi biết thì 3 người đó đang làm đơn kiện cơ quan chức năng về việc giam giữ người trái pháp luật và lợi dụng chức vụ quyền hạn để đe dọa người dân.
Nói lại là họ đòi xử lý những cá nhân gây rối, mà mình không gây rối nên mình không sợ. Bản thân em là Minh Trí và những người khác đang làm đúng theo quy định của pháp luật, làm những điều gì nhà nước và pháp luật không cấm và luôn thượng tôn pháp luật.
Ví dụ em đi qua đó em thắc mắc vấn đề tại sao em không đi cầu mà bắt em trả tiền, ví dụ như em sử dụng trả tiền lẻ thì nhà nước không cấm. Trả tiền lẻ mà nhà nước vẫn cho lưu hành thì không thể ghép tội này tội kia được,” người tài xế được nhiều người biết qua vụ phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy khẳng định.

Sẽ xử lý bằng biện pháp mạnh hơn!

Trong buổi họp báo, Công an quận Bình Tân khẳng định từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán, lực lượng công an quận cùng với Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng, tích cực tuần tra, kiểm soát khu vực quận Bình Tân, đặc biệt khu vực trạm thu phí.
Đại diện Công an nói, các trường hợp vi phạm nhưng người vi phạm không hợp tác phải được xử lý bằng biện pháp mạnh hơn, có thể dùng xe cẩu để đưa phương tiện đi nơi khác để tiếp tục làm việc, đảm bảo giao thông.
Hồi năm 2017, Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra dự án BOT An Sương, An Lạc đã chỉ ra các sai phạm như, Bộ GTVT phê duyệt tăng sai tổng mức đầu tư (chi phí dự phòng) gần 17,7 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra chính phủ còn cho thấy Bộ GTVT và chủ đầu tư IDICO đã tính toán phương án hoàn vốn không hợp lý dẫn đến kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn không đúng quy định. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu thực tế đầu tư vào Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc chỉ hơn 194,5 tỷ đồng, tương đương 25,76% tổng mức đầu tư dự án, không đủ tỷ lệ 30% theo quy định của hợp đồng vốn chủ sở hữu phải đạt,vi phạm quy định của Chính phủ về ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước.

Venezuela và những món nợ đáng tởm

Nguyễn Xuân Nghĩa 
Theo RFA-2019-01-29  
Tỉ giá hối đoái trong ngày 29 tháng 1,2019 cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa đồng Boliviar của Venezuela và Mỹ kim
Tỉ giá hối đoái trong ngày 29 tháng 1,2019 cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa đồng Boliviar của Venezuela và Mỹ kim-AFP
Khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân rồi con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không? Đấy là cách đặt vấn đề sau khi chúng ta hiểu ra bối cảnh của chuyện Venezuela….

Khủng hoảng tại Venezuela

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kể từ đầu năm 2014, xứ Venezuela tại Nam Mỹ lâm vào một vụ khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào, với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự đoán năm ngoái là lạm phát lên tới 10 triệu phần trăm và người dân đói ăn phải moi thùng rác tìm lương thực khi bạo lực và tham nhũng hoành hành khắp nơi. Nhưng từ mươi ngày qua, cuộc khủng hoảng lên tới chính trị, khi Chủ tịch Hạ viện được bầu lên từ đầu năm 2015 đã căn cứ trên Hiến pháp mà tuyên bố là tạm xử lý trách nhiệm của tổng thống, trong khi ông Nicolás Maduro vẫn giữ vai trò Tổng thống sau một cuộc bầu cử được đa số cho là có gian lận. Lập tức, vào tuần trước, Chính quyền Hoa Kỳ cùng nhiều nước dân chủ đã công nhận Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando là Quyền Tổng Thống, trong khi Liên bang Nga và Trung Quốc và vài xứ khác vẫn cố bênh vực chế độ Maduro. Ngày Thứ Hai 28 vừa qua, Chính quyền Mỹ tăng áp lực và phong tỏa nguồn giao dịch của tập đoàn dầu khí quốc doanh có tên tắt là PDVSA và chi nhánh Mỹ của doanh nghiệp này là công ty Citgo tại Houston. Tình hình Venezuela có thể biến chuyển nhưng câu hỏi được người ta nêu lên là sau này ai sẽ thanh toán các món nợ của chế độ độc tài Venezuela?
Chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân và con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không?
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, về bối cảnh thì Venezuela có lắm tài nguyên tại Mỹ Châu La Tinh, với trữ lượng dầu hỏa cao nhất thế giới, chiếm tới 95% số xuất khẩu, đa số là bán vào thị trường Mỹ. Nhưng xứ này chưa có cơ chế dân chủ trừ 40 năm ngắn ngủi từ 1959 tới 1999. Từ năm đó, sau khi ông Hugo Chavez nắm quyền và tiến hành cách mạng cộng sản thì Venezuela tụt hậu và sau khi Chavez mắc bệnh và tạ thế năm 2013 thì xứ này tụt dốc. Ngày nay, tổng sản lượng toàn năm của hơn 30 triệu dân chưa tới 100 tỷ đô la, lợi tức bình quân một người sụt hai phần ba, chỉ còn chừng ba ngàn đô la và 87% dân chúng sống dưới mức bần cùng, đói ăn thiếu thuốc và thực sự sống trong cảnh địa ngục trần gian.
- Chúng ta không có thời lượng để nói về nguyên nhân của thảm kịch, trừ sự kiện là chế độ Hugo Chavez rồi Nicolás Maduro đã lấy tài nguyên trời cho để chia cho tay chân, kể cả bộ máy an ninh và quân đội sau khi quốc hữu hóa ngành dầu khí. Ngày nay, Venezuela đang mắc nợ có thể hơn 150 tỷ đô la và khó dùng dầu khí trả nợ cho các xứ độc tài đã bảo vệ mình, như Nga và Trung Quốc.

Những món nợ đáng tởm

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đi ngay vào các món nợ đó mà người dân xứ này sẽ phải thanh toán trong tương lai, thí dụ như dưới dạng dầu khí hay bằng cách nào khác. Chế độ độc tài đã tàn phá kinh tế và xã hội, thưa ông, khi nền dân chủ tái xuất hiện sau này, thì ai sẽ thanh toán những món nợ đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta lại phải trở về một bối cảnh còn xa xưa hơn nữa và nói đến “những món nợ đáng tởm”.
Lần đầu tiên mà vấn đề được đặt ra rồi trở thành án lệ là tiền lệ pháp lý làm cơ sở cho các phán quyết về sau, do giáo sư luật khoa Alexander Nahum Sack tại Paris vào năm 1927, cách nay hơn 90 năm. Là Tổng trưởng của chế độ Sa hoàng Nga, ông Sack lưu vong tại Pháp sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1917, và trở thành giáo sư. Khi chính quyền Xô Viết thẳng tay phủ nhận mọi khoản nợ của chế độ Sa hoàng, ông nghiên cứu chuyện nợ nần sau mỗi lần thay đổi chế độ và thấy nhiều khoản nợ chính đáng mà chế độ sau không thể xoá bỏ và thoái thác. Nhưng cũng có những khoản nợ không chính đáng mà chế độ mới có thể nhân danh quyền lợi người dân để chối bỏ. Từ "dettes odieuses" do Alexander Sack đặt ra là tiếng Pháp, sau này mới được dịch qua Anh ngữ là "odious debts".
- Chuyện này sở dĩ trở thành án lệ vì xảy ra nhiều lần tại Âu Châu và nơi khác sau khi chế độ thực dân cáo chung, nhiều quốc gia giành lại độc lập rồi gặp nạn độc tài quân phiệt, phát xít, cộng sản, và chuyển sang dân chủ. Khi có thay đổi chế độ trên một lãnh thổ thì phải xử lý thế nào về khoản nợ cũ để khỏi gây khủng hoảng dây chuyền trong luồng giao dịch quốc tế với nhau? Về nguyên tắc, chế độ mới phải tôn trọng các cam kết vay mượn của chế độ cũ thì mới có thể nói chuyện giao dịch bình thường. Trong thực tế, giáo sư Sack cho rằng các khoản nợ không thật sự phục vụ người dân thì phải được coi là bất chính và đáng tởm.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido và Tổng thống Nicolas Maduro.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido và Tổng thống Nicolas Maduro. AFP
Nguyên Lam: Ông nói tới chuyện xa xưa, liệu ngày nay còn xứ nào công nhận chuyện ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra giáo sư luật khoa gốc Nga này không phát minh ra lý luận đó mà chỉ áp dụng những trường hợp xảy ra từ trước, vào cuối thế kỷ 19 tại Nam Mỹ và đầu thế kỷ 20 tại Âu Châu, chủ yếu là do tác động của Hoa Kỳ rồi các nước khác.
- Số là sau cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Tây Ban Nha, thuộc địa Cuba của Tây Ban Nha được giải phóng. Nhân danh quyền lợi của dân Cuba, Hoa Kỳ vận động việc chối bỏ các khoản nợ mà Hoàng đế Maximilan của Tây Ban Nha đã vay các nước Anh, Pháp, Bỉ để củng cố chính quyền tại Cuba và tài trợ nhu cầu chiến tranh của Tây Ban Nha. Vì vậy, sau Hòa ước Paris năm 1898, Tây Ban Nha đành xác nhận rằng trước năm 1860 đã lấy tài nguyên của Cuba để yểm trợ chiến tranh ở Âu Châu và từ 1861 đến 1880 thì chính quyền của họ tại Cuba đã đi vay để bành trướng ảnh hưởng qua Mexico và nơi khác. Sau năm 1880 lại còn vay thêm để trả nợ cũ và để bảo vệ quyền lực của họ tại Cuba. Vì vậy, Hoa Kỳ và Cuba chẳng trả một đồng dù các chủ nợ tại Âu Châu có phàn nàn và phản đối!
Nguyên Lam: Câu chuyện này thật ly kỳ vì dẫn ta về xứ Cuba, một xứ cộng sản đang cố bảo vệ chế độ Maduro của Venezuela. Xin đề nghị ông giải thích tiếp!
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Phải nói là án lệ tại Cuba từ sau cuộc chiến Hoa Kỳ với Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 còn tái diễn tại Âu Châu sau Thế chiến I: Thỏa ước Versailles kết thúc Đại chiến năm 1919 có khoản quy định là Ba Lan không phải trả các khoản nợ do Đức-Phổ vay mượn để chiếm đóng xứ này!
- Sau đó, trong vai trò tài phán cuộc tranh tụng về món nợ của chế độ độc tài Frederico Tinoco tại Costa Rica với ngân hàng Royal Bank of Canada, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (cũng là cựu Tổng thống Mỹ), Howard Taft cũng ra phán quyết tương tự: ngân hàng chủ nợ đã biết mục tiêu đi vay của chính quyền Tinoco là bất chính nên chế độ mới có quyền phủ nhận món nợ này. Bối cảnh ấy cho thấy các "món nợ đáng tởm" đã được quốc tế chú ý từ lâu, và trở thành một nền tảng của công pháp quốc tế trong quan hệ tài chánh giữa các quốc gia.
Nguyên Lam: Chúng ta đã qua Thế kỷ 21, thưa ông, trong thế kỷ 20, người ta có những vụ kiện nào về các khoản nợ không chính đáng đó không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong Thế kỷ 20, các nước đã có ba chục vụ kiện liên quan đến các khoản nợ đó, nổi tiếng và gần gũi nhất là vụ Hoa Kỳ tranh cãi cho chính quyền mới tại Iraq để phủ nhận mấy trăm tỷ đô la mà chế độ Saddam Hussein đã vay các nước khác, kể cả các nước Âu Châu, để bảo vệ quyền lực và đàn áp người dân!
Giới chuyên gia về luật pháp và tài chánh có thể nghiên cứu và chuẩn bị để sau này dân Venezuela khỏi trả nợ oan uổng cho một chế độ đáng ghê tởm! Và bài học sắp tới của Venezuela cũng là điều mà người Việt mình nên suy ngẫm cho tương lai
-Nguyễn Xuân Nghĩa 
- Đáng nói hơn thế, trên chính trường và trong doanh trường của các nước, cả hai xu hướng thiên tả và bảo thủ đều có lúc ủng hộ việc vận động ấy. Mục tiêu thật ra rất đa dạng: nhằm xoá nợ cho các nước nghèo - như quan điểm của Giáo hội Vatican với“chương trình “Jubilee 2000” – hoặc hỗ trợ các chế độ dân chủ mới thành hình, ngăn cản hiện tượng vay tiền để tài trợ khủng bố, giải trừ nạn tham ô của các tổ chức quốc tế khi nhắm mắt trước các nghiệp vụ tài trợ bất chính, v.v... Mỗi xu hướng lại quan tâm đến một khía cạnh và hiểu ra sự nhạy cảm của họ là tìm ra cách vận động hữu hiệu trong một hệ thống luật lệ phức tạp.

Bài học cho Việt Nam

Nguyên Lam: Chúng ta trở lại chuyện Venezuela, thưa ông, trong tương lai thì tình hình của các khoản nợ này sẽ xoay chuyển ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại Venezuela học kinh nghiệm thất bại của họ từ những năm 2002 là phân tán, thiếu phối hợp và không xuống tới quần chúng nên lần này đã có nhiều cuộc tiếp xúc với dân chúng từ dưới cơ sở và vận động quốc tế khiến cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm năm có thể sẽ có kết quả. Khi để mất lòng dân, chế độ Maduro biến chất ra ách độc tài và bị lân bang kết án nên sẽ khó tồn tại, nhất là khi binh lính trong quân đội cũng là nạn nhân của tình trạng đói khổ. Từ những bài học đó, những người lãnh đạo Venezuela sau này cũng nghĩ đến gánh nợ sẽ phải trả cho chế độ tiền nhiệm.
- Tôi nghĩ hoạt động quốc tế vận của họ sẽ giải thích và thương thảo rằng việc trừng phạt của các nước cần nhắm vào tay chân của chế độ cũ chứ không thể làm người dân là nạn nhân của việc phong tỏa kinh tế. Sau đó là nêu câu hỏi then chốt, rằng khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân và con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không?
Nguyên Lam: Nhưng chủ nợ của Venezuela là các cường quốc độc tài hay các ngân hàng quốc tế có dễ gì xóa nợ hay bị mất vốn hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới đã nghiên cứu và nâng trình độ pháp lý tinh vi để khai triển thành một học thuyết có cơ sở khai thông các vấn đề tài chánh khi một chế độ độc tài chuyển sang một chế độ dân chủ. Chuyện quan trọng ở đây gồm có ba điều kiện đã được quốc tế công nhận. Thứ nhất khoản nợ xuất phát từ một chế độ độc tài đã cam kết bí mật, ngoài sự hiểu biết của người dân. Thứ hai, khoản vay mượn không đem lợi ích cho người dân mà chỉ tập trung vào tay chân của chế độ. Thứ ba, các chủ nợ đều có biết khi thương thuyết mà vẫn cho chế độ vay tiền. Rất nhiều khoản nợ của Venezuela đã hội đủ ba điều kiện ấy nên trong một tương lai không xa, giới chuyên gia về luật pháp và tài chánh có thể nghiên cứu và chuẩn bị để sau này dân Venezuela khỏi trả nợ oan uổng cho một chế độ đáng ghê tởm! Và bài học sắp tới của Venezuela cũng là điều mà người Việt mình nên suy ngẫm cho tương lai…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Lò ở thành Hồ: lại đốt củi mục

Gió Bấc 
Theo RFA-2019-01-28 
Hình minh họa. Cảnh tượng ở Vườn rau Lộc Hưng, thành phố Hồ Chí Minh sau cưỡng chế
 Hình minh họa. Cảnh tượng ở Vườn rau Lộc Hưng, thành phố Hồ Chí Minh sau cưỡng chế-Courtesy FB Tin Mừng Cho Người Nghèo
Từ khi có chiến dịch đốt lò, mỗi tuần dân Việt lại chờ ngày vui thứ sáu xem củi nào bị đốt như dân nghiền chờ nghe kết quả xổ số. Củi trong tuần này là nguyên Giám đốc Sở bị khởi tố, nguyên Phó chủ tịch Tư Tài bị khởi tổ lần 2, nữ đại gia Bạch Diệp, nhạc sĩ - Giám Đốc Vy Nhật Tảo. Dư luận cũng rộn vui nhưng chuyện vui nhàn nhạt vì đây cũng là những thanh củi mục.

Tín, Tài …. củi mục cây khô, chỉ tham nhũng vặt,

Các quan chức thì đã về hưu từ bốn năm năm, nữ đại gia Bạch Diệp cũng chỉ đình đám thời xưa chứ so với bà Thanh Loan Quốc Cường Gia Lai hay các nữ thiếu gia thời nay chỉ là con muỗi.
Báo chí Việt Nam ngày 25-1, rộ lên thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) thực hiện lệnh bắt tạm giam các bị can Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum, Vy Nhật Tảo và Dương Thị Bạch Diệp.
Trước đó, C03 khởi tố vụ án hình sự về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank chi nhánh TP.HCM và các cơ quan có liên quan. Đồng thời, C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM; Trần Nam Trang, phó giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Thành Rum, cựu giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM; Vy Nhật Tảo, cựu giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM về hành vi "vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015. Bà Dương Thị Bạch Diệp còn bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Các bị can có hành vi vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM với Công ty Diệp Bạch Dương, gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước. {1}
Ông Nguyễn Thành Rum (trái) và ông Nguyễn Thành Tài (phải)
Ông Nguyễn Thành Rum (trái) và ông Nguyễn Thành Tài (phải) RFA edit
Đây là những vụ án truy xét vì nó đã xảy ra từ nhiều năm trước. Ông Rum đã về hưu từ năm 2014, trước khi về hưu ông đã kịp ký bổ nhiệm thần tốc hàng chục cán bộ. Dư luận đã ầm ĩ một thời và UBND TP thời đó phải ra văn bản không thực hiện các quyết định bổ nhiệm chạy hưu của ông Rum nhưng không ai cất công làm rõ vì sao ông Rum chia ghế tốc hành như vậy. Bà Bạch Diệp vì căn bệnh thích siêu xe thời trước cũng nay chìm mai nổi với thông tin bị bắt được tha nhưng cũng vượt qua. Xử lý tham nhũng nói chung là tốt, nhưng giữa lúc than nhũng đang là quốc nạn, sâu từng bầy đang nhung nhúc sinh sôi, muốn chặn tham nhũng có hiệu quả phải chọn những vụ việc then chốt ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đời sống người dân.
Những vụ khởi tố Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài ở thành Hồ mới đây là tầm tham nhũng vặt chia chác là công sản, ngân sách, không trực tiếp liên quan đến quyền lợi người dân nên nhân dân cũng không mấy quan tâm.

Củi tươi An Lạc vẫn hút máu dân

Những thanh củi tươi mà người dân háo hức chờ đợi vào lò càng sớm càng hay với những sai phạm động trời đánh thẳng vào đời sống tui tiền của người dân thì hầu hết vẫn còn nguyên vẹn. Có thể kể ra đây hai dự án tiêu biểu là BOT An Sương – An Lạc và dự án bãi rác Đa Phước, đều đã được thanh tra chính phủ thanh tra kết luận nhưng nhiều tháng qua vẫn bình an vô sự thu tiền đầy túi
Dự án BOT An Sương - An Lạc (TPHCM) do Bộ Giao Thông Vận Tải làm chủ đầu tư đã xây dựng xong, chuyển giao cho TP.HCM. Sau khi tiếp nhận, Ban quản lý dự án đã đầu tư xây dựng thêm 4 cây cầu vượt kéo dài thời gian thu phí đến năm 2033, tăng thêm 16 năm so với dự án ban đầu.
GS-TS Nguyễn Trọng Hòa -  Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng dự án BOT An Sương – An Lạc cần phải công khai và minh bạch. Theo đó, cần công khai việc 4 cây cầu vượt được đầu tư giai đoạn 2 này có được đưa vào dự án ban đầu với hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải không?
“Chủ đầu tư cần công khai, minh bạch các dự án đầu tư là thành phần của dự án ban đầu, hay những dự án bổ sung thêm. Chủ đầu tư cũng cần thông tin rõ tại sao không đưa những dự án này vào ngay từ đầu khi ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải, mà lại để sau này ký với UBND TPHCM?”- GS Nguyễn Trọng Hòa đặt vấn đề. {2}
Bot An Sương - An Lạc
Bot An Sương - An Lạc Photo: RFA
Nhiều người đặt vấn đề, mỗi ngày TP.HCM thu ngân sách trên 1.000 tỉ đồng, chi phí đầu tư 4 cây cầu vượt chỉ 2.500 tỉ đồng, sao TP.HCM không tự đầu tư mà phải huy động BOT. Mỗi ngày trạm BOT An Sương - An Lạc thu trung bình khoảng 900 triệu đồng, chưa tính đến doanh thu sẽ tăng dần do lượng xe tăng lên. Nếu chỉ tính toán đơn thuần với 16 năm thu phí thì doanh thu dự án này sẽ hơn 5.000 tỉ đồng, liệu mức thu này có quá bất hợp lý, làm giàu cho lợi ích nhóm không? Lãnh đạo IDICO phân tích, trong mức thu đó còn bao gồm khoảng 3.800 tỉ đồng trả tiền vay ngân hàng. Tổng vốn chỉ có 2.500 tỉ đồng, mà xây dựng phương án tài chính lãi đến 3.800 đồng thì quả đúng là xem tiền nhân dân như rác.
Thanh tra chính phủ đã kết luận vụ việc này từ năm 2017, Thanh tra đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét nhưng đến nay UBND TP vẫn im lặng.
Hơn 1 tháng qua, giới lái xe đã nhiều lần kêu cứu nhưng chính quyền vẫn làm ngơ. Giới lái xe đã nhiều lần đấu tranh không chấp nhận mua vé vì họ đang đi trên quốc lộ và không đi trên 4 cây cầu vượt IDICO đầu tư. Một tình trạng vô pháp liên tục xảy ra tại BOT này là nhân viên BOT, côn đồ, liên tục bắt người, xe dừng đổ trước trạm, nhiều tài xế bị đánh đập tra tấn trước mặt công an thậm chí ngay tại trụ sở công an phường nhưng khi người dân, báo chí tới trình báo thì CA né tránh, không tiếp nhận hoặc đóng sập cửa.{3}
Dùng bạo lực phi pháp để bảo vệ lợi ịch nhóm và né tránh đối thoại hợp pháp với người dân chừng như đã thành một nguyên tắc, một phương pháp hành xử của chính quyền TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ ở BOT An Sương – An Lạc mà còn cả ở Thủ Thiêm, Lộc Hưng, và bao nhiêu nơi khác.

Rác Đa Phước: bốc mùi từ TP.HCM tới Trung Ương

Một trong những vụ việc tham nhũng đình đám bốc mùi khắp đô thị mới Phú Mỹ Hưng ra tận trung ương là bãi rác Đa Phước bị nhiều người dân tố cáo, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra..
Đây là dự án có 100% vốn của nước ngoài, thuộc Cty California Waste Solutions (Mỹ), do ông Davis Dương làm chủ. Từ năm 2005, trước việc ông Davis Dương xin đầu tư dự án, Bộ KHĐT đã từng cảnh báo rằng “nguồn tài chính chưa rõ và yêu cầu trả phí xử lý rác quá cao (16, 4USD/tấn rác). Năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, không đảm bảo vốn triển khai dự án”. Tuy nhiên, UBND TPHCM vẫn một mực đề nghị Chính phủ để cho VWS thực hiện.
Khi đi vào hoạt động, dự án bộc lộ hàng loạt thiếu sót. VWS áp dụng công nghệ chôn lấp phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Năm 2016, Bộ TNMT vào cuộc kiểm tra, xử phạt VWS trên 1,5 tỉ đồng do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Về giá xử lý rác, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TPHCM đã thiếu sót, khi các cơ quan tham mưu còn ý kiến khác nhau (Sở Tài chính không đồng ý cách tính mức chi phí đầu tư của VWS và Sở TNMT), nhưng UBND TPHCM vẫn “thống nhất đơn giá mà chưa làm rõ các căn cứ pháp lý”. Đặc biệt, việc định giá và ký kết hợp đồng bằng đô la (USD) và thanh toán theo tỉ giá bán ngoại tệ của Vietcombank, Thanh tra Chính phủ kết luận “về bản chất là đô la hóa quan hệ kinh tế trên lãnh thổ VN, là vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối”.
Khu vực bãi rác Đa Phước được an ninh canh gác cẩn mật
Khu vực bãi rác Đa Phước được an ninh canh gác cẩn mật Photo: RFA
UBND TPHCM.giải trình khoản tiền này là “chi phí xử lý rác mà thành phố trả trước cho chủ đầu tư, đồng thời để làm giảm chi phí xử lý rác lẽ ra là 17,77USD/tấn xuống còn 16,4USD/tấn”. Thế nhưng, theo Kiểm toán Nhà nước, thì việc chi 9 triệu USD là “sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện tạm ứng cho VWS thực hiện đầu tư dự án là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.
Kiểm toán Nhà nước khẳng định “việc trả trước cho nhà đầu tư như trên là không đúng về quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.

Đóng…. rác Thủ Tướng, mở …. rác Việt Kiều

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi) trong Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030. Cty TNHH MTV Môi trường - Đô thị đã đầu tư trên 484 tỉ đồng (trong tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng) bằng nguồn vốn của Cty. Tuy nhiên, năm 2016, UBND TPHCM đã yêu cầu đóng cửa Bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp, bất chấp cảnh báo sẽ gây lãng phí ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, đóng cửa bãi rác Phước Hiệp là chưa đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TPHCM phải xem xét lại, xử lý các vấn đề tồn tại để sớm đưa Bãi rác chôn lấp số 3 Phước Hiệp tiếp tục đi vào hoạt động.
Nhận định về UBND TPHCM, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong đàm phán, thương thảo hợp đồng dự án Đa Phước với VWS, UBND TPHCM “vẫn còn một số thiếu sót trong việc tham mưu với Thủ tướng Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính; chi phí xử lý rác cao...; ứng trước 9 triệu USD cho nhà đầu tư; đô la hóa tiền tệ thanh toán; chậm triển khai phân loại rác tại nguồn; còn để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường; chậm trồng cây xanh như đã cam kết; trong hợp đồng đã ký kết có một số điểm bất lợi cho phía thành phố... Tuy nhiên, thành phố chậm điều chỉnh, khắc phục”.{4}
Còn nhiều và rất nhiều những vụ tiêu cực đình đám khác như dự án thoát nước 10.000 tỉ đồng. Nổi trội nhất là vụ chia chác 430.000 m2 đất của trường bắn Thủ Đức, vụ bán rẻ 32.000 ha đất ở Tân Kiểng, vụ khiếu nại hơn 20 năm oan khốc của 2.000 dân Thủ Thiêm. …. Những đại án này giá trị tài sản lớn đến khó đọc nổi số tiền và trực tiếp tác hại đến đời sống, niềm tin của người dân. Những thanh củi tươi người ta có thể nhắm mắt đọc tên chỉ mặt mà không hề nhầm lẫn đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua, Lê Thanh Hải nhưng rất tiếc cái lò rừng rực của ngài Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước quyền uy vẫn còn lẩn khuất ở đâu xa. Người ta băn khoăn tự hỏi, mục đích đốt lò là gì? Liệu có phải là chống tham nhũng thật?
----------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do