Wednesday, October 19, 2016

Quyền dân sự trong quan hệ Việt Nam và phương Tây

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-10-19
Ngày 12 tháng 10, hai hôm sau khi blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt theo điều luật 88 của bộ luật hình sư Việt Nam về việc tuyên truyền chống phá nhà nước, Đại sứ quán Mỹ ra thông cáo nêu lên những trường hợp bị bắt hoặc những bản án gần đây dành cho những người bất đồng chính kiến. Thông cáo nói rằng Xu hướng này đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền. Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt.
Song song với sự xích lại gần nhau hơn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và phương Tây, dường như lại có sự phát triển ngược lại về vấn đề nhân quyền với sự gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Sau đây là nhận xét của một số nhà quan sát trong và ngoài nước về vấn đề này.
Từ Hoa Kỳ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đứng đầu tổ chức Cao trào nhân bản đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam có nhận xét:
Người Mỹ trong một thời gian chứng minh cho nhà cầm quyền cộng sản biết là họ không có ý định lật đổ, mà chỉ muốn rằng Việt Nam phải cải thiện để tồn tại, phải cải thiện để đưa đất nước tiến lên, phải cải thiện để gia nhập thế chiến lược toàn cầu mới.
- Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân
“Người Mỹ trong một thời gian chứng minh cho nhà cầm quyền cộng sản biết là họ không có ý định lật đổ, mà chỉ muốn rằng Việt Nam phải cải thiện để tồn tại, phải cải thiện để đưa đất nước tiến lên, phải cải thiện để gia nhập thế chiến lược toàn cầu mới. Nhưng họ lại hiểu lầm dấu hiệu của Mỹ, hiểu rằng Mỹ làm ngơ để cho họ đàn áp phong trào dân chủ trong nước. Cho nên vừa rồi khi tôi gặp ông Phó phụ tá ngoại trưởng ông ấy lắc đầu ngao ngán mà nói rằng không thể như thế được.”
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, hiện sống và làm việc ở Australia có nhận xét rằng việc người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng vừa rồi tham gia đảng ủy của Bộ công an, là một chỉ dấu cho thấy sự đàn áp ở Việt Nam sẽ ngày càng mạnh hơn.
Khi được nhắc lại chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hiền nói rằng chuyện đó có thể làm cho đảng cộng sản Việt Nam tự tin hơn đối với người Mỹ, như Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân đã đề cập, nhưng theo ông điều quan trọng hơn chính là tình hình trong nước:
“Họ hiểu là Mỹ phần nào thừa nhận sự chính danh của họ ở Việt Nam, không có ý lật đổ họ, nên họ tự tin hơn. Nhưng thực ra chuyến đi đó đã một năm mấy rồi, trong nước có quá nhiều biến động, đặc biệt vụ Formosa cá chết, làm lòng dân không yên, gây làn sóng đấu tranh ngày càng cao. Chính sự đấu tranh đó làm cho họ làm dữ hơn, họ đưa ra một thông điệp là họ có thể dập tắt bất kỳ ai. Họ mạnh tay hơn. Họ dùng điều 88 là điều mà họ hiếm sử dụng trong những năm gần đây.”
Trước khi vụ bắt tạm giam blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xảy ra, Bộ công an Việt Nam cũng chính thức công bố đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố, và nói thêm rằng bất cứ ai hợp tác với tổ chức này cũng sẽ bị trừng trị.
Từ Sài Gòn, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân chính trị, và là đảng viên đảng Việt Tân nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam làm điều đó sau khi cuộc biểu tình khổng lồ chống công ty Formosa ở Hà Tĩnh nổ ra, để lấy cớ chống lại những người biểu tình.
Đối với nhận xét có phải là do quan hệ với các quốc gia phương Tây trở nên tốt đẹp hơn mà nhà cầm quyền yên tâm đàn áp phong trào nhân quyền trong nước hay không, Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết ông không hoàn toàn đồng ý như vậy:
“Chính phủ các nước phương Tây không phải họ muốn làm gì thì làm. Họ liên tục bị áp lực của các đảng phái đối lập, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức nhân đạo. Họ phải làm sao cho đừng để bị chụp mũ là chỉ lo chuyện làm ăn mà quên đi những vấn đề phổ quát của nhân loại.”
vụ Formosa cá chết, làm lòng dân không yên, gây làn sóng đấu tranh ngày càng cao. Chính sự đấu tranh đó làm cho họ làm dữ hơn, họ đưa ra một thông điệp là họ có thể dập tắt bất kỳ ai. Họ mạnh tay hơn. Họ dùng điều 88 là điều mà họ hiếm sử dụng trong những năm gần đây.
- Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền
Tuy nhiên khi bình luận về phản ứng của các quốc gia dân chủ đối với những vi phạm quyền dân sự ở Việt Nam ông nói rằng những phản ứng đó là có giới hạn mà thôi:
“Sự can thiệp của các nước phương Tây có một giới hạn nào đấy thôi. Tôi là người có hai quốc tịch tôi càng thấy chuyện đó rõ ràng hơn. Chính những người cộng sản họ cũng nhìn thấy chuyện đấy là ăn thua những người trong nước có can đảm tập họp lại với nhau để tạo ra cái gì đấy, rồi quốc tế chỉ hỗ trợ thôi. Người cộng sản thấy như vậy và rat ay đàn áp, hay tối thiểu là họ giữ tình trạng đàn áp ở một mức độ mà những người đấu tranh khó có thể làm được cái gì.”
Trong một trao đổi gần đây với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà nội nói ông cho rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam trong thời gian qua, tìm cách cân bằng giữa phương Tây và Trung quốc có thể gọi là thành công. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng chia sẻ quan điểm này, bên cạnh đó ông nói thêm về cái cách mà nhà cầm quyền đối xử với các phong trào dân sự, dân quyền trong nước vẫn không thay đổi:
Nhà nước đang muốn quan hệ với các nước phương Tây, với Mỹ để hợp tác làm ăn và để tạo ra một cái đối trọng với Trung Quốc, thì đó là xu hướng rất hay, nhưng mà đảng cộng sản từ trước đến giờ luôn chủ trương độc quyền, kể cả quan hệ với nước ngoài. Cho nên người dân có xu thế cở mở, đòi hỏi nhân quyền này khác thì họ trấn áp. Cái kiểu của người cộng sản là như vậy. Họ độc quyền yêu nước, độc quyền làm mọi việc. Người dân phải tuân theo ý của họ trong mọi việc chứ không được làm theo ý của mình. Trong cái xu thế giao thương với các nước phương Tây, các nước dân chủ thì người ta cũng chủ trương kiểu đó.”
Cùng với Hoa Kỳ, các quốc gia và tổ chức các quốc gia là Liên minh châu Âu và Anh quốc cũng lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam.
Chúng tôi có tiếp xúc với một quan chức cao cấp của Việt Nam, từng là Ủy viên Trung ương đảng khóa 11 để hỏi rằng liệu những chuyện bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến do cơ quan an ninh thực hiện có làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam hay không thì ông nói rằng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương cải cách toàn diện, trong đó có quyền tự do về chính trị, nhưng cũng muốn duy trì sự ổn định của xã hội không nên làm bất ổn. Tuy nhiên ông nói thêm là ông cũng đang rất quan tâm những trường hợp vừa bị bắt hay bị kết án gần đây, và cũng có nhận được những báo cáo nói rằng chuyện bắt bớ đó ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam.

Việt Nam đang cần cải cách chính trị hay kinh tế?

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-10-19  
Khách hàng tham quan chiếc xe hơi Mỹ, hiệu Ford trưng bày tại Hà Nội ngày 05 tháng 10 năm 2016.
 Khách hàng tham quan chiếc xe hơi Mỹ, hiệu Ford trưng bày tại Hà Nội ngày 05 tháng 10 năm 2016.  AFP photo
Cải cách thể chế là vấn đề được nhiều người tại Việt Nam bàn luận đến trong thời gian gần đây, xem như đó là cuộc cải cách lần thứ hai sau năm 1986, khi đảng cộng sản Việt Nam quyết định tự do hóa một phần nền kinh tế.
Hội nghị trung ương đảng cộng sản lần thứ tư vừa kết thúc hôm 14 tháng 10 có đề cập đến các vấn đề cải tổ kinh tế.
Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong và ngoài nước về cải cách kinh tế chính trị Việt Nam nhân hội nghị trung ương đảng lần thứ tư của khóa 12 kết thúc.
Kinh tế
Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 4 của ông Tổng Bí thư có nói rằng sẽ xây dựng khu vực kinh tế tư nhân thành động lực phát triển kinh tế. Toàn bài diễn văn không có đề cập đến kinh tế nhà nước. Nhận xét về điều này Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội cho rằng:
“Ông Tổng bí thư không nói thì cũng không có nghĩa rằng là điều đó sẽ không còn có giá trị. Vì điều đó đã được ghi vào nghị quyết của đại hội, mà nghị quyết của đại hội chỉ có thể được thay đổi bằng nghị quyết của một đại hội khác. Chứ còn ông Tổng bí thư có nhắc hay không nhắc, không có nghĩa rằng ông ấy đã từ bỏ hay có sự thay đổi nào.”
Ông Lê Đăng Doanh xác nhận rằng việc xếp kinh tế nhà nước là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc gia đã được đề cập đến trong nghị quyết của đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay. Ông cũng cho biết thêm rằng theo một số nguồn tin của ông thì việc nêu cao vai trò của kinh tế nhà nước trong nghị quyết của đại hội đảng là kết quả của sự kiên trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp đại hội đó.
Giải quyết vấn đề chính trị trước tiên hết. Tức là làm sao chấp nhận chuyện giới hạn vai trò của đảng. Thứ hai là mở rộng vai trò của Quốc hội, ít nhất trong hoàn cảnh hiện nay...
- Ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa một chuyên gia kinh tế sống tại Hoa Kỳ thì nói rằng việc đề cập đến kinh tế tư nhân của ông Trọng chỉ là một chi tiết không đáng kể vì trong bài diễn văn ông vẫn nói rằng kinh tế Việt Nam sẽ theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông cho biết thêm:
Tôi nghĩ rằng nó cũng hơi giống hội nghị trung ương kỳ ba của cộng sản Trung quốc. Tức là có đưa ra chuyện chuyển hướng, từ tháng 10 năm kia, mà cho đến giờ Trung quốc vẫn chưa làm được điều đó. Thành ra tôi cũng dè dặt với trường hợp của Việt Nam nếu quả thật là lãnh đạo của họ có thiện ý cải cách thật, muốn giải phóng khu vực tư nhân là khu vực đã chết lâm sàng hai năm vừa rồi.”
Khi được hỏi rằng trong báo cáo tổng kết hội nghị Trung ương bốn có điều gì có thể được xem là cởi mở nhất, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trả lời rằng:
“Về tình hình kinh tế thì ông ấy nói có mặt tiến bộ, có mặt khó khăn, thậm chí ông ấy có dùng chữ nghiêm trọng, nhưng tôi không thấy rằng là có một sự gì đó gọi là có cải cách mạnh mẽ.”
Về phía ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì ông có nhận xét rằng có thể thấy hai điểm tích cực trong bài diễn văn của ông Trọng, đó là những ý kiến về môi trường và công đoàn:
Tôi thấy có một điều là họ xác nhận rằng bảo vệ môi trường sinh sống là một ưu tiên. Tôi cho rằng đó là một điều quan trọng, cũng như là phát huy lại, cải tổ xã hội có vai trò của công đoàn để chuẩn bị cho sự hội nhập vào luồng kinh tế của thế giới với những hiệp ước thế hệ mới, tức là họ cảm thấy một sức ép của thực tế.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đồng ý với nhận xét này. Nhưng ông cũng nghi ngại về chuyện thực hiện các nhận thức đó trên thực tế, chẳng hạn về mặt công đoàn độc lập, ông nói:
“Về mặt công đoàn thì cá nhân ông Tổng bí thư đã đồng ý với nội dung của hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, cho phép công đoàn độc lập, vấn đề rằng đồng ý trên văn bản, còn trên thực tế sẽ được thực hiện như thế nào.”
Chính trị
000_8Y5XA.jpg-400.jpg
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trước phiên họp cuối cùng của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21/3/2016. AFP photo Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trước phiên họp cuối cùng của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21/3/2016. AFP photo
Khi được hỏi là nếu đứng ở vị trí các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay thì sẽ phải làm gì để cải cách? Ông Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời:
Giải quyết vấn đề chính trị trước tiên hết. Tức là làm sao chấp nhận chuyện giới hạn vai trò của đảng. Thứ hai là mở rộng vai trò của Quốc hội, ít nhất trong hoàn cảnh hiện nay, chưa nói đến một tương lai nào đó mờ mịt mà người dân được phép bầu Quốc hội một cách tự do và thông thoáng.
Giải quyết được chuyện đó thì mới giải quyết được vấn đề kinh tế, vì kinh tế thị trường phát triển một cách lệch lạc vâng vâng nào đó, thì nó gây ra những tai họa ở nơi này nơi kia, ở Việt Nam, ở Trung quốc, tại Hoa Kỳ, chính là do hệ thống chính trị. Nếu mà không phá vỡ được đặc quyền của một thiểu số ở trên cùng thì chúng ta sẽ không có kinh tế thị trường.”
Việt Nam đã bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế cách đây tròn 30 năm, sau đại hội đảng lần thứ sáu. Từ đó đến nay câu hỏi về cải cách chính trị sẽ được thực hiện hay không, hoặc thực hiện như thế nào vẫn được công luận Việt Nam bàn đến. Nhiều người trong đó có tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đã đến lúc cần cải cách cả thể chế để cho nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác, ví dụ như trong lần trả lời Nam Nguyên Đài RFA ngày 13 tháng 10, Giáo sư Vũ Văn Hóa, Hiệu phó một trường Đại học tại Hà Nội cho rằng không bắt buộc phải cải cách chính trị mới có thể cải cách về kinh tế.
Trở lại với ý nói về việc giới hạn quyền lực của đảng cộng sản mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa nêu ra, gần đây báo chí Việt Nam có đăng tải hai bài của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó ban tuyên giáo Trung ương về chuyện kiểm soát quyền lực, mặt dù trong hai bài viết này ông Hoàng không đề cập đến chuyện tam quyền phân lập và vai trò của đảng cộng sản.
Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận và có ý kiến rằng phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì phải thực hiện tam quyền phân lập?
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị, trong một lần trao đổi với chúng tôi có đánh giá rằng bài viết của ông Hoàng là một nhận thức tiến bộ của giới lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng bài viết của ông Hoàng thể hiện một tâm quyết cải cách của ông. Tuy nhiên ông nói thêm:
Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận và có ý kiến rằng phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì phải thực hiện tam quyền phân lập? Vẫn phải thực hiện một hệ thống giám sát quyền lực như tòa án Hiến pháp, rồi hệ thống tòa án phải độc lập, chỉ hoạt động theo luật pháp thôi? Rồi ác qui định khác như công khai minh bạch, một nền báo chí tự do, tự chịu trách nhiệm và có tinh thần xây dựng đối với đất nước? Thì tất cả những bài học đó các nước khác người ta đã tổng kết rồi. Vấn đề là bây giờ Việt Nam có thực hiện hay không mà thôi.”
Một quan chức cao cấp, từng là ủy viên trung ương đảng khóa 11 có nói với chúng tôi rằng việc cải cách chính trị theo hướng có sự cạnh tranh chính trị là cần thiết trong tương lai dài lâu. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp gỡ cử tri Hà Nội ngày 17 tháng 10 có đề cập đến chuyện phải, nguyên văn theo lời ông, nhốt quyền lực vào lồng qui chế lập pháp. Tuy nhiên ông không nói rõ hơn là sẽ nhốt bằng cách nào.
Ngoài ra ông còn nhắc đến nguyên tắc dân chủ tập trung mà đảng cộng sản vẫn lấy làm phương châm cho chế độ chuyên chính của mình. Theo ông thì dân chủ chính là cơ chế để kiểm soát quyền lực, nhưng ông lại không giải thích tập trung thì tốt hay xấu như thế nào cho chuyện kiểm soát đó.

Tổng biên tập và phó tổng biên tập báo mạng Infonet bị tạm đình chỉ chức vụ

Tổng biên tập và phó tổng biên tập báo mạng Infonet bị tạm đình chỉ chức vụ
ông Võ Đăng Thiên. Ảnh: Infonet
Bộ Trưởng Thông Tin Và Truyền Thông Cộng Sản Việt Nam Trương Minh Tuấn hôm 19/10 ký hai quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với hai người trong ban biên tập của báo điện tử Infonet trực thuộc bộ này, là ông Võ Đăng Thiên, tổng biên tập, và ông Phạm Thanh, phó tổng biên tập.
Theo hai quyết định vừa nêu, hai ông Võ Đăng Thiên và Phạm Thanh sẽ bị đình chỉ chức vụ 15 ngày để làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những sai phạm của báo mạng Infonet trong thời gian qua. Truyền thông trong nước loan tải quyết định đình chỉ chức vụ hai ông này, nhưng không cung cấp một chi tiết nào về những điều bị cho là sai phạm của họ.
Trong cùng ngày, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Và Truyền Thông CSVN cũng có quyết định giao ông Nguyễn Văn Bá, phó tổng biên tập, nhiệm vụ trông coi bài vở của báo mạng Infonet trong thời gian tổng biên tập bị đình chỉ chức vụ.
Vụ đình chỉ chức vụ tại Infonet xảy ra chỉ hơn nửa tháng, sau khi Bộ Thông Tin Và Truyền Thông Cộng Sản Việt Nam ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong, tổng biên tập báo mạng Petrotimes. Tờ Petrotimes trước đó đăng bài của blogger Người Buôn Gió đang sống lưu vong tại Đức, phỏng vấn ông Trịnh Xuân Thanh, cựu tổng giám đốc Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC. Ông Thanh đã bị truy tố về các sai phạm khiến cho PVC thua lỗ gần 150 triệu Mỹ kim và đang bị truy nã quốc tế sau khi bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Huy Lam / SBTN

Chính quyền cho xây trạm phát sóng điện thoại sát trường mầm non

Chính quyền cho xây trạm phát sóng điện thoại sát trường mầm non
Dân tập trung phản đối việc xây dựng trạm phát sóng điện thoại. Ảnh: Thanh Niên
Liên tiếp trong hai ngày 17,18/10/2016, hàng trăm học sinh trường Mầm non xã Thành Hưng không đến lớp, vì phụ huynh phản đối chính quyền huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) cho xây dựng trạm thu phát sóng điện thoại Viettel ngay sát trường học.
Theo nhiều người dân ở xã Thành Hưng cho biết, vào ngày 18/10, trạm phát sóng điện thoại được chính quyền huyện cho lắp đặt ngay tại nhà thi đấu đa năng xã, chiều cao của trạm là 42m. Thông thường, nếu trạm phát sóng điện thoại lắp đặt trong vườn của người dân, chủ nhà sẽ được trả mỗi tháng vài triệu đồng. Không rõ chính quyền huyện Thạch Thành được Viettel Thạch Thành (Tập đoàn Viễn thông quân đội thuộc Bộ Quốc phòng CSVN) trả bao nhiêu tiền, để lắp đặt trạm phát sóng ngay sát trường mầm non.
Trạm phát sóng điện thoại không chỉ nằm gần trường mầm non, mà còn gần trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Theo các phụ huynh, việc lắp đặt trạm phát sóng điện thoại gần trường học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, và nhất là hạn chế việc phát triển não của các cháu.
Do đó, từ ngày 17/10, phụ huynh đã đồng loạt cho con nghỉ học, đồng thời trao tay nhau truyền đơn có nội dung:
“Tất cả vì tương lai con em chúng ta. Không đồng tình việc lắp trạm phát sóng gần trường mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Các bậc phụ huynh hãy bảo vệ con em mình đấy là mầm sống của đất nước này”.
Chính quyền huyện Thạch Thành cho biết, trước khi cho lắp trạm phát sóng họ đã cho loa thông báo với người dân về quyết định này. Trong khi đó, người dân sống tại xã Thành Hưng lại nói chính quyền không hề mời họ đến họp bàn gì cả, tự ý cho xây.
Về phần mình, chính quyền xã Thành Hưng đang hết sức cố gắng cho loa phóng thanh, đội ngũ tuyên truyền viên đi tuyên truyền cho người dân biết là việc xây dựng trạm phát sóng không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Ban lãnh đạo Viettel Thạch Thành  cũng khẳng định trạm phát sóng không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ con. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy sóng điện từ ảnh hưởng đến con người, như tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, gây hói đầu, gây nhức mỏi, khó ngủ và hạn chế phát triển não.
Ngọc Quân/SBTN

Xây khu du lịch, hàng trăm ngôi mộ bị vùi trong cát, đá

Một người dân xã Nhơn Lý xót xa trước việc các ngôi mộ trong gia tộc bị cát, đá vùi lấp. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
BÌNH ÐỊNH (NV) – Người dân xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, đang mất ăn, mất ngủ vì hàng trăm ngôi mộ của người thân bị vùi trong cát, đá. Thậm chí, nhiều ngôi mộ bị lấp hoàn toàn, không còn vết tích.
Báo Người Lao Ðộng dẫn lời của người dân cho biết, năm 1994, hưởng ứng chủ trương của ủy ban xã Nhơn Lý, người dân 2 thôn Lý Chánh và Lý Hòa, đã dời mồ mả người thân đến chân núi Gò Son, chôn cất theo quy hoạch.
Cuối năm 2015, khi công ty Hoàng Ðạt, chủ đầu tư dự án khu du lịch thủy liệu pháp Kỳ Co-Nhơn Lý, triển khai xây dựng tuyến đường nối từ trung tâm xã đi qua dãy núi Gò Son để đến khu du lịch nằm sát biển số dài khoảng 4.5 cây số, làm phát sinh dòng nước chảy mới, kéo theo cát, đá làm vùi lấp mồ mả.
“Trước đây, chân núi Gò Son chưa bao giờ xảy ra tình trạng cát, đá tràn xuống. Từ khi dự án khu du lịch triển khai làm đường trên núi, nơi này liên tục bị cát, đá tràn xuống lấp mồ mả. Gần đây, khi tuyến đường trên hoàn thành, lượng cát, đá đổ xuống mộ càng nhiều hơn trước. Chúng tôi đã liên tục hốt cát, đá bỏ đi nhưng ngày nào cát, đá cũng đổ xuống quá nhiều nên làm không xuể,” ông Nguyễn Văn Nho (54 tuổi), ngụ Lý Hòa tức giận nói.
Mặc dù sự việc gây nhiều dư luận, cuối năm 2015 tình trạng cát, đá từ sườn núi tràn xuống lấp mộ phần tại chân núi Gò Son đã từng xảy ra, xã cũng đã can thiệp, song ông Nguyễn Thành Danh, phó chủ tịch xã Nhơn Lý, chỉ nói: “Chúng tôi sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra hiện trạng. Nếu đúng như vậy sẽ yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục khắc phục.”
Trong khi đó, sợ dân kéo đến gây khó dễ, đại diện công ty Hoàng Ðạt cho rằng, “Chưa nghe người dân cũng như chính quyền địa phương thông tin. Nếu có chuyện này, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với chính quyền và người dân giải quyết,” vị này nói. (Tr.N)

Quảng Bình tang thương khi cơn lũ đi qua

QUẢNG Bình (NV) – Trận lũ đêm 14 tháng 10 năm 2016 là một cơn đại hồng thủy đối với người dân tỉnh Quảng Bình. Trận lũ kéo đến trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ đã ngập sâu có nơi 2 mét nước, có nơi lên đến 4 mét, nhà cửa chìm trong biển nước và mưa gió.
Cánh đồng dọc quốc lộ 1 A huyện Lệ Thủy vốn là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình đã thành biển nước, có độ sâu trung bình 2 mét, có nơi lên 3.5 mét. Nhiều cụm dân cư, thôn, xã ở Lệ Thủy và Ba Đồn hoàn toàn bị cô lập trong biển nước.
Có thể nói rằng trận lũ đêm 14 tháng 10 và sau đó là hai ngày ngập lụt liên tiếp 15 và 16 tháng 10 đã cướp đi quá nhiều thứ quí giá của người dân ở vùng đất vốn dĩ nghèo khó, lấy lao động cần cù và sự tiết kiệm, ăn nhín uống nhịn để tồn tại.
Lại một lần nữa khúc ruột miền Trung phải quặn đau bởi nhân họa. Mặc dù hiện tại ai cũng biết do thủy điện Hố Hô xả lũ khiến nước ngập, đồ đạt trôi mất, nhà cửa hư hỏng. Nhưng người dân chỉ còn biết kêu trời trong lúc này bởi đời sống quá khắc nghiệt và tai ương đã khiến cho người dân nơi đây thấy tuyệt vọng.
Và đây cũng là lúc mà hơn bao giờ hết, người dân nghèo vừa gặp nạn ở Quảng Bình cần một sự sòng phẵng của nhà nước và thủy điện Hố Hô. Và cũng hơn bao giờ hết, người Quảng Bình cần hơi ấm từ những bàn tay biết yêu thương và chia sẻ của đồng loại.

Hà Tĩnh: Tính mạng không được bảo đảm nếu kiện Formosa

Công an dàn hàng ngang ngăn chặn người đi kiện Formosa. (Hình: Tin Mừng Cho Người Nghèo)
HÀ TĨNH (NV) – Ngày 18 tháng 10, Linh Mục Ðặng Hữu Nam và các giáo dân của ông ở giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vẫn lên đường tới thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu nại.
Ðã có thể giải thích vì sao chính quyền Việt Nam xăng xái gánh vạ thay cho Formosa (?).
Quyền công dân là “quyền rơm”
Hồi cuối tháng 9, Linh Mục Ðặng Hữu Nam đã cùng giáo dân của mình đến tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp 506 đơn kiện Formosa xả nước thải ra biên, làm biển bị ô nhiễm từ thượng tuần tháng 4 đến nay, gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.
Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cách thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 200 cây số. Lúc đó các nguyên đơn đã gặp rất nhiều khó khăn vì các phương tiên vận chuyển công cộng mà họ thuê, từ chối vận chuyển vào phút chót vì bị công an địa phương dọa sẽ trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên các nguyên đơn vẫn đến được trụ sở tòa án thị xã Kỳ Anh với số lượng lên tới hàng ngàn. Cả công an tỉnh Hà Tĩnh lẫn tòa án thị xã Kỳ Anh đã đề nghị Linh Mục Ðặng Hữu Nam hỗ trợ giữ trật tự và cử đại diện làm thủ tục nộp đơn khởi kiện.
Sự kiện này gây một tiếng vang lớn và được công chúng ủng hộ. Kể cả nơi những người là viên chức đã nghỉ hưu hoặc đương nhiệm.
Gần đây, tòa án thị xã Kỳ Anh tuyên bố trả lại 506 đơn kiện mà họ đã nhận. Nói cách khác, hệ thống tư pháp Việt Nam không thụ lý việc kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại dù thiệt hại là rõ ràng và nghiêm trọng.
Việc tuyên bố trả lại đơn kiện diễn ra song song với việc chính quyền tỉnh Hà Tĩnh gửi một công văn cho Tòa Giám Mục giáo phận Vinh, mô tả Linh Mục Ðặng Hữu Nam như một tác nhân gây rối và đề nghị Tòa Giám Mục giáo phận Vinh thuyên chuyển Linh Mục Nam đi nơi khác, không để ông hoạt động mục vụ tại tỉnh Nghệ An. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, người trông coi giáo phận Vinh từ chối đáp ứng đề nghị này.
Khi trả lời một số cơ quan truyền thông, Linh Mục Nam bảo rằng, việc tòa lấy lý do “thiếu chứng cứ” để “chứng minh thiệt hại” nhằm trả lại 506 đơn kiện Formosa là sai với luật pháp hiện hành. Giả dụ đúng là chứng cứ chưa đủ, tòa phải yêu cầu bổ túc chứ không thể vin vào đó bác đơn kiện. Linh Mục Nam nói thêm, quyết định bác đơn kiện của tòa không thỏa đáng còn vì viện dẫn một quyết định của thủ tướng Việt Nam – ấn định về mức bồi thường thiệt hại cho các nạn dân của Formosa, trong khi quyết định đó không hề đề cập đến việc bồi thường thiệt hại cho dân Nghệ An cho dù thiệt hại đối với ngư dân, nông dân Nghệ An là rất rõ ràng.
Ðó cũng là lý do Linh Mục Nam và các giáo dân của ông quyết định khiếu nại việc tòa án thị xã Kỳ Anh không thụ lý đơn kiện – theo luật pháp hiện hành tại Việt Nam thì công dân có quyền làm như thế. Một ngày trước khi Linh Mục Nam và các giáo dân của ông lên đường, chính quyền huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, gửi cho ông một công văn, đề nghị hủy bỏ việc đến tòa án huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu nại vì “bão lớn sắp đổ vào đất liền” và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang phải giải quyết hậu quả của trận lũ lụt vừa xảy ra trước đó.
Công bộc dọa sẽ gieo “vạ đá”
Theo dự kiến, sẽ có hàng ngàn người đến tòa án thị xã Kỳ Anh để khiếu nại nhưng giống như lần trước, chủ và tài xế các phương tiện vận chuyển công cộng bị công an hăm dọa sẽ trừng trị nên phải từ chối việc được thuê vận chuyển. Không có xe chở khách loại lớn, Giáo xứ Phú Yên thuê 60 taxi nhưng chuyện này cũng bất thành.
Ðại diện chính quyền địa phương đề nghị Linh Mục Nam không nên đưa cả ngàn người đến Kỳ Anh. Ðể chứng tỏ thiện chí, ông chỉ lên đường với 100 giáo dân nhưng những xe chở số người này cùng bị chặn lại khi chỉ mới tới cầu Bến Thủy – nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo tường thuật của một số nhân chứng thì ông Nguyễn Văn Sửu, một sĩ quan an ninh (hiện chưa rõ cấp bậc và chức vụ) của công an tỉnh Hà Tĩnh đã đến tận nơi xe bị chặn, khuyên những người đi khiếu nại nên trở về vì tiếp tục hành trình sẽ không có ai bảo đảm sự an toàn về tính mạng của họ.
Dân Sài Gòn biểu tình hồi trung tuần tháng 5, đòi được sống sạch, ăn sạch sau thảm họa ô nhiễm ở phía Bắc miền Trung. (Hình: Facebook)
Dân Sài Gòn biểu tình hồi trung tuần tháng 5, đòi được sống sạch, ăn sạch sau thảm họa ô nhiễm ở phía Bắc miền Trung. (Hình: Facebook)
Trả lời BBC về việc đi khiếu nại, Linh Mục Nam xác nhận, một số người đi khiếu nại đã bị lôi ra khỏi xe, bị đánh đập và xe bị ép quay lại. Cũng theo lời Linh Mục Nam thì lần này, ngoài 506 khiếu nại về việc tòa án không thụ lý đơn kiện Formosa, còn có thêm 100 đơn kiện nữa. Linh Mục Nam nhấn mạnh, ông và giáo dân của mình mong muốn chính quyền Việt Nam tôn trọng và thực thi luật pháp do chính họ đặt ra. Nếu chính quyền thật sự “của dân, do dân và vì dân” thì kiện Formosa là việc mà chính quyền phải làm thay dân.
Gieo họa cho dân và mua vạ cho mình
Thảm họa môi trường ở khu vực phía Bắc miền Trung xảy ra ngay sau khi nhà máy thép của Formosa tại Hà Tĩnh chỉ mới chạy thử và mới thử xả khoảng 10,000 khối nước thải/ngày ra biển hồi thượng tuần tháng 4.
Trong tương lai, nếu Formosa chính thức hoạt động và xả tới 45,000 mét khối nước thải/ngày đúng như mức mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chính quyền Việt Nam “cho phép,” tầm vóc của thảm họa sẽ lớn hơn rất nhiều. Theo tính toán của mọt số chuyên gia, nếu Formosa xả nước thải đúng mức cho phép hiện tượng cá chết trắng biển có thể xảy ra từ Hà Tĩnh tới Cà Mau và khi dòng hải lưu Biển Ðông đổi chiều vào mùa Hè thì ô nhiễm có thể lan ngược đến vịnh Bắc Bộ. Nói cách khác, cá có thể chết trắng suốt 3,000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.
Cần lưu ý rằng, đây là một thảm họa đã được nhiều chuyên gia kinh tế và môi trường cảnh báo từ lâu. Cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa trả lời tại sao họ lại bất chấp các cảnh báo, ưu đãi cho Fomosa (tập đoàn vốn đã rất nổi tiếng trên toàn thế giới vì hủy diệt môi trường) hết sức khác thường để cuối cùng Formosa tạo ra thảm họa như thế và phải mất ít nhất là 50 năm nữa, vùng biển phía Bắc miền Trung mới có thể hồi phục như trước khi xảy ra thảm họa.
Những thắc mắc kiểu như, tại sao không giao khu vực Vũng Áng nơi có độ sâu, độ rộng thích hợp cho hải quân để tiếp nhận cả hàng không mẫu hạm, vì có núi cao che chắn, vì dễ tổ chức tiếp liệu nên giúp gia tăng khả năng phòng ngự và tấn công để phòng ngự vịnh Bắc bộ mà lại giao cho Formosa? Tại sao ngày 15 tháng 1 năm 2008, Formosa mới có thư từ Ðài Bắc gửi thủ tướng Việt Nam, trình bày về ý định xây dựng nhà máy thép tại Vũng Áng, thế nhưng ngày 16 tháng 1 năm 2008, ông Võ Kim Cự (lúc đó là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, sau này là bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh) đã biết có một lá thư như thế và gửi ngay “Tờ trình” đề nghị thủ tướng Việt Nam chấp nhận dự án của Formosa?
Tại sao theo luật, chính quyền các tỉnh chỉ được phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa sử dụng Vũng Áng đến 70 năm, tuy có nhiều người phản đối, ông Nguyễn Tấn Dũng – lúc đó là thủ tướng Việt Nam vẫn gật đầu?
Tại sao cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất? Tại sao chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ?
Tại sao khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp?…
Cho đến nay vẫn không được trả lời và tất nhiên không có ai bị xác định là phải chịu trách nhiệm.
Do áp lực của công chúng, ba tháng sau khi xảy ra thảm họa, chính quyền Việt Nam mới chính thức xác định, Formosa gây ra thảm họa môi trường ở khu vực phía Bắc miền Trung.
Trước đó, một số người đã từng khẳng định, ngay cả khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy thảm họa cá chết trắng biển là vì các độc tố trong nước mà Formosa thải ra biển thì việc quy trách cho Formosa cũng không dễ dàng, bởi chắc chắn Formosa làm đúng theo các loại giấy phép mà chính quyền Việt Nam đã… cấp. Thẳng tay với Formosa sẽ mở ra con đường dẫn chính quyền Việt Nam đến trước các tổ chức tài phán quốc tế và gần như cầm chắc trách nhiệm phải bồi thường vì vi phạm những cam kết khi mời gọi đầu tư và mâu thuẫn với những giấy phép đã cấp cho Formosa, kể cả giấy phép cho xả nước thải ra biển.
Cần lưu ý là song song với việc xác định Formosa gây ra thảm họa, chính quyền Việt Nam công bố cả thỏa thuận giữa họ với Formosa, theo đó Formosa sẽ chi 500 triệu Mỹ kim bồi thường “toàn bộ thiệt hại.” Khoảng nửa tháng sau, báo chí Việt Nam cho biết, chính quyền Việt Nam hoàn lại cho Formosa khoản thuế tương đương 500 triệu Mỹ kim.
Phải chăng là vì “buộc” Formosa thì đuối lý (vì toàn bộ hoạt động của Formosa, kể cả xả nước thải ra biển là theo đúng những giấy phép mà chính mình đã cấp), còn “tha” cho Formosa thì không yên với dân nên chính quyền Việt Nam tạo ra “thỏa thuận” bồi thường 500 triệu Mỹ kim rồi lẳng lặng tự gánh trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Thắc mắc vừa kể chỉ là sự suy đoán dựa trên một chuỗi sự kiện. Trên thực tế, chính quyền Việt Nam đang sa lầy và sẽ lún sâu hơn do đơn phương thỏa thuận với Formosa về bồi thường thiệt hại quá… sớm! Chưa rõ tại sao chính quyền Việt Nam xác định, Formosa chỉ gây ra thiệt hại đối với môi trường, sinh hoạt, sinh kế của cư dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mà không ảnh hưởng đến Nghệ An (nên mới xảy ra chuyện giáo dân giáo xứ Phú Yên kiện đòi bồi thường thiệt hại).
Cũng chưa hiểu dựa trên cơ sở nào mà chính quyền Việt Nam xác định chỉ có ngư nghiệp và nông nghiệp bị thiệt hại, trong khi du lịch không được nhắc tới. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, những cá nhân kiếm sống nhờ hoạt động du lịch đang đề cập đến việc phải được bồi thường thiệt hại, hỗ trợ vượt qua khó khăn vì thảm họa do Formosa gây ra như ngư dân và nông dân. Sở Du Lịch Hà Tĩnh vừa cho biết, doanh thu trực tiếp từ du lịch của tỉnh này giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển… cũng đã giảm 50%.
Sở Du Lịch tỉnh Quảng Bình thì ước đoán thiệt hại riêng với ngành du lịch của Quảng Bình là 1,900 tỉ đồng. Tương tự, đại diện Sở Du Lịch của tỉnh Quảng Trị loan báo, thiệt hại riêng với ngành du lịch ở Quảng Trị là 250 tỉ đồng. Ðại diện Sở Du Lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế thì xác nhận du lịch biển bị thiệt hại nhưng vì còn nhiều hình thái du lịch khác thay thế nên không thất thu.
Khoản bồi thường 500 triệu Mỹ kim càng ngày càng có vẻ nhỏ. Bởi chính quyền Việt Nam luôn luôn thiếu minh bạch nên chẳng có gì bảo đảm 500 triệu Mỹ kim đó đúng là từ Formosa chứ không phải là từ tiền thuế của dân chúng.
500 triệu Mỹ kim này không mua được nhân tâm và rõ ràng là là không thể an dân nhưng đáng ngạc nhiên là chính quyền Việt Nam vẫn xăng xái “nhận” để gánh vạ thay cho Formosa. (G.Ð)