Sunday, May 15, 2016

Cá lồng nuôi tiếp tục chết trên sông Bưởi chưa rõ nguyên nhân

Theo Daikynguyen-33 mins trước
ca long nuoi tiep tuc chet tren song buoi
 Cá lồng nuôi tiếp tục chết trên sông Bưởi được người dân xã Thạch Định tiêu hủy vào ngày 15/5. (Ảnh: baothanhhoa.vn)
Những ngày qua, người dân xã Thạch Cầm, Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận tình trạng cá lồng nuôi tiếp tục chết trên sông Bưởi chưa rõ nguyên nhân.
Sáng ngày 15/5, nguồn nước trên sông Bưởi tại thôn Thành Quang, xã Thạch Cẩm và thôn Thạch An, xã Thạch Định – địa điểm có cá nuôi lồng đột ngột chết, nước bốc mùi hôi, theo báo Người Đưa Tin.
Ông Nguyễn Văn Giàm, thôn Thành Quang, xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành chia sẻ: “Cá bắt đầu chết cách đây 2 ngày (từ ngày 13/5), biểu hiện của cá sắp chết là liên tục nổi đầu chạy lảo đảo cả lồng và chết rải rác. Chỉ riêng gia đình tôi, tổng cá chết ước tính khoảng 5 tạ”.
ca long tiep tuc chet tren song buoi
Cá lồng của bà con xã Thạch Định chết trong 2 ngày 14-15/5. (Ảnh: vov.vn)
Chị Nguyễn Thị Cảnh (cùng địa chỉ trên) cũng cho hay: “Cá bắt đầu chết cách đây vài hôm. Trước đó, bỗng nhiên cá ngừng ăn, sau đó chết lải rải. Nhà tôi  nuôi 3 lồng cá, số cá chết khoảng hơn 1 tạ rồi”.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thạch Cẩm và Thạch Định xác nhận, trên địa bàn đang xảy ra hiện tượng cá lồng đột ngột chết chưa rõ nguyên nhân. Hiện tại, xã Thạch Cẩm có 7 hộ gia đình, xã Thạch Định có 3 hộ gia đình có cá lồng bị chết. Theo con số thống kê ban đầu, 2 xã có khối lượng cá chết khoảng hơn 1 tấn.
Để xử lý số cá chết, tránh ô nhiễm môi trường, trong đêm ngày 13/5, các khu vực trên đã tiến hành tiêu hủy cá bằng hình thức phun hóa chất trước khi chôn lấp. Tới trưa ngày 14 và chiều ngày 15/5, 2 hố tiêu hủy khác tiếp tục được đào để chôn số cá chết sau đó.
ca long nuoi tiep tuc chet tren song buoi
Cá được phun hóa chất trước khi chôn lấp. (Ảnh: baothanhhoa.vn)
Theo thông tin trên báo VOV, trong chiều ngày 15/5, xã Thạch Định đã họp khẩn và quyết định trích ngân sách để cấp cho 67 khẩu của 16 hộ nuôi cá lồng với mức 10 kg gạo/khẩu.
Sự cố nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm còn gây nguy hại hơn khi toàn xã Thạch Định có 191 ha diện tích lúa thì đang có 117 ha lúa trỗ muộn do cấy lại sau đợt rét đậm rét hại hồi đầu năm, có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước. Xưa nay, nguồn nước tưới của xã hoàn toàn lấy từ sông Bưởi, nhưng từ khi nước sông Bưởi bị ô nhiễm thì mọi hoạt động lấy nước từ sông đều bị dừng lại.
Vì vậy, 117 ha lúa của người dân xã Thạch Định đang đứng trước nguy cơ mất trắng nếu không được bổ sung nước kịp thời.
Cũng trong chiều ngày 15/5, ông Phạm Trọng Dũng – Phó Bí thư huyện ủy Thạch Thành cho biết, theo nhận định, cá trên sông Bưởi vẫn sẽ chết vì dòng nước ô nhiễm vẫn chưa trôi hết. Điều lo lắng nhất của chính quyền địa phương và người dân Thạch Thành là chưa biết được nguồn nước bị ô nhiễm loại độc tố gì, trong khi dòng sông Bưởi bị ô nhiễm kéo dài qua 15 xã, thị trấn của huyện.
Hiện, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết. Vì vậy, người dân không dám dùng cùng nước sinh hoạt từ sông Bưởi và 22 trạm bơm tưới cho cây trồng của huyện cũng không được lấy nước từ sông vào.
Trước đó, Công ty CP mía đường đã bị phạt 480 triệu đồng sau khi xả thải làm cá chết hàng loạt trên sông Bưởi với 73/109 lồng bè của 49 hộ nuôi bị thiệt hại, số lượng cá chết trên 17,2 tấn.
Cơ quan chức năng cũng đình chỉ hoạt động của nhà máy mía đường trong vòng 6 tháng để buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi xả nước thải chưa qua xử lý.
Với giá thỏa thuận bồi thường cho hộ nuôi cá là 80 ngàn đồng/kg, tổng số tiền nhà máy này phải đền bù là hơn 1,4 tỷ đồng.
Hòa An tổng hợp

Sài Gòn bất chợt mưa...

Huỳnh Quốc Huy - Cuộc biểu tình vì cá, vì biển, vì sự sống và sự minh bạch... cũng vừa tan trong sự ngổn ngang, hụt hẫng...

Nhiều anh chị em còn đang kẹt lai trong đồn Công an. Họ bị bắt vì đòi quyền SỐNG trong môi trường sạch, dưới một thể chế Chính quyền minh bạch. Nhiều anh chị em vẫn kiên trì đòi người. Rải rác đồn nọ, đồn kia... Tất cả anh em đều ít nhiều mệt, đuối, đói...

Cách đây mấy phút thôi, ở vài ngã tư chính dẫn vào khu Bến Thành, Quận nhất... vài chiếc áo xanh áo vàng vẫn đứng chốt với hàng rào kẽm gai... Nhiều ánh mắt thừ ra sau một ngày dài mệt mỏi, căng thẳng và trống rỗng...

Tôi và vài người bạn đã tìm được một chỗ trú mưa rồi. Nhưng bất giác nhìn nhau, trăn trở:

CHÚNG TA (CẢ HAI PHÍA) ĐANG LÀM CÁI GÌ ĐÂY?!

1. Các anh sinh ra để bảo vệ người dân, bảo vệ an toàn cho một xã hội phát triển Văn minh, thịnh vượng.

Vì sao hôm nay các anh lại dãi nắng dầm mưa, căng sức ra để chống lại nhân dân, rào chắn cản đường người dân đi cất lên tiếng nói về QUYỀN được SỐNG của tất cả chúng ta?

Vì sao các rạng sáng rồi, các anh không về với vợ đẹp con ngoan, mái ấm yên bình, mà vẫn đứng thừ ra giữa các giao lộ, nhìn lác đác xe cộ qua lại một cách trống rỗng và mệt mỏi như thế?!

2. Còn chúng tôi, từ những tiểu thương, nội trợ, hoặc những đứa cử nhân, thạc sĩ, đến luật sư, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân hay các vị Cha xứ nhân từ bác ái, các em sinh viên học sinh trẻ trung xinh đẹp đầy nhiệt huyết... vì sao lại phải đi trong bất an, lo lắng, đề phòng thường trực sự tấn công, đánh đập, cướp giật, bắt bớ vô cớ... giữa lòng thành phố thân yêu mà chúng tôi đang ngày ngày góp sức, góp công, góp thuế để dựng xây??

Vì sao chúng tôi không ngồi Văn phòng máy lạnh, máy tính Internet tốc độ cao, sách vở báo chí đầy kệ, cafe ngon với bánh ngọt, hoặc một bàn ăn ấm áp với người thân, bạn bè vào cuối tuần...?

Vì sao chúng tôi phải xuống đường chịu dãi nắng dầm mưa, chạy trối chết, hét khản cổ, gồng người lên chịu đòn... chỉ để đòi cái thứ mà lý ra AI CŨNG MẶC NHIÊN CÓ - QUYỀN SỐNG!?

...

Các anh sinh ra để làm người Cảnh sát, Nhân viên công lực bảo vệ công bằng, bảo an cho dân, được người người yêu quý, làm cho vợ con hãnh diện, ra đường là ngẩng cao đầu. Các anh không phải và tuyệt đối không hề sinh ra để đánh đập, tra tấn, bắt bớ, đàn áp người dân... một hình ảnh xấu mà hẳn rất nhiều người không yêu mến, thiện cảm...

Còn chúng tôi, sinh ra để dùng trái tim nhiệt huyết và bộ óc tự do của mình để lao động, sáng tạo, giáo dục, xây dựng... làm cho xã hội tốt đẹp hơn, phát triển hơn, giàu có hơn, thịnh vượng Văn minh và nhân bản hơn. Chúng tôi không phải và không hề sinh ra để đi biểu tình, để chỉ làm cái điều mà bất cứ dân tộc Văn minh nào trên thế giới đều mặc nhiên có: ĐÒI QUYỀN SỐNG.

Có phải, chúng ta, cả hai phía, đều có cái gì đó hơi sai sai rồi, phải không?!

...

Cả hai phía, các anh và chúng tôi đều cần SỐNG, và đều đang đối diện nguy cơ bị tướt mất điều đó bởi một nhóm người. Ít thôi, nhưng họ thừa sự lạnh lùng vô cảm để đẩy chúng ta vào tình thế như hiện nay. Chúng ta lai vào chống lại nhau, đối đầu nhau, thậm chí có thể sắp thù hằn nhau... Nhưng chúng ta đều đang SỐNG cùng nhau trong một quê hương, thở cùng nhau trong một bầu không khí, uống chung nguồn nước, ăn chung một nguồn thực phẩm...

Chúng ta, từ hai phía (tạm gọi thế), đang làm cái gì ở đây vậy?! Chúng ta vì cái gì vậy?! Các anh chị?!

Ai đó, từ hai phía, cho tôi câu trả lời hợp lý và lối thoát cho CHÚNG TA đi?! Làm ơn ...!!!

Đường Saigon vắng tanh. 
Mưa lâm râm.
Lạnh ngắt...


(Rạng sáng 16/5/2016)

*

CẬP NHẬT NHANH DANH SÁCH NGƯỜI BIỂU TÌNH, TOẠ KHÁNG BỊ BẮT TẠI SG 15.05.2016.

1. Lm Le Ngoc Thanh (đã được tự do)
2. Huynh Ngoc Chenh (đã được tự do).
3. Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (đang mất tích)
4. Vo Chi Dai Duong.
5. Fb Long Trần.
6. Hà Nam.
7. Kha Lương Ngãi (đã đc tự do)
8. Phan Đắc Lữ (đã được tự do)
9. Lầu Nhật Phong (P9, Q5, đã tự do).
10. Cao Trần Tuấn, con chị Thu Nguyệt (Trung Tâm hỗ trợ xã hội, chưa được tự do)
11. Vinh Le bị áp tải về Q9.
12. Anh trai Hoàng Dũng tên Vương.
13. Vũ Ngọc Lan
14. Fb Mạnh Kim (phường Cô Giang)
15. Chị Oanh Anna.
16. Cô Lê Thị Phương Chi.
17. Fb Ngân Trần.
18. Fb Dương Duy Quang (bị bắt mà chưa biết đưa đi đâu)
19. Đặng Diệu Uyên, (bị đưa đi đâu không rõ, chưa có tin tức)
20. Nguyễn Trung Hậu, (bị bắt và chưa có tin tức)
21. Trình Tuấn, (bị bắt và đưa đi đâu chưa rõ, chưa có tin tức)

Đặng Diệu Uyên
Nguyễn Trung Hậu
Trình Tuấn

Huỳnh Quốc Huy

LM Lê Ngọc Thanh kể về việc Cha bị bắt, giam giữ trái pháp luật

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh toạ kháng trên phố Nguyễn Huệ trước khi bị bắt

LM Le Ngoc Thanh - Xin cám ơn quý cha, quý tu sĩ, quý chức sắc các tôn giáo, quý nhân sĩ, quý anh chị em hoạt động, và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã lo lắng cho tôi trong 3 tiếng bị nhà cầm quyền câu lưu.

Trưa nay, lúc 14g55, ngày 15.05.2016, tôi từ nhà sách Fahasa ra đường Nguyễn Huệ. Điều ngạc nhiên là dọc đường Nguyễn Huệ (phố đi bộ) bị căng dây nilon đỏ trắng suốt từ đầu đường đến cuối đường. Hầu hết các con đường từ Đồng Khởi và Pasteur dẫn đến Nguyễn Huệ đều bị đặt hàng rào, và công an đứng canh không cho người vào.

Tôi rời nhà sách khoảng được hơn 100m về phía giao lộ Lê Lợi, một thanh niên mập tròn bước đến vỗ vai tôi hỏi:

- Đi đâu?

Tôi kéo tay ra và hỏi anh là ai?

- An ninh thành phố - Anh ta trả lời.

Liền sau đó, anh gọi: - Hỗ trợ, hỗ trợ.

Nhưng chỉ một người tới cùng với anh ta cặp 2 bên nách tôi. Sau đó vài anh em phường có đến, nhưng để cho có chứ không làm gì. Như thể không mời gọi được, hai anh ấy đành tự đầy tôi lên xe chuyên dụng của công an.

Xe được lệnh đưa tôi đến công an phường, nhưng vì toàn bộ đường bị buộc dây và đặt hàng rào hoặc một tấm bảng gì đó, mà tôi không thấy nội dung, vì chỉ nhìn từ phía sau tấm bảng. Anh lái xe liên tục nhờ công an, dân phòng và cả an ninh đang đứng ở những vị trí có các vật cản đó, giúp dẹp đường, nhưng chẳng ai thiết tha, gào mãi, thậm chí gọi đích danh những người cùng làm công việc, nhưng người này cũng không làm. Mãi sau một anh công an giao thông mới vào làm.

Trên xe, viên an ninh đeo khẩu trang trấn áp tôi, không cho tôi gọi điện thoại và nghe điện thoại. Tôi càng đòi anh đưa ra lý do bắt và ngăn cản tôi sử dụng điện thoại, anh càng dùng tay áp mạnh tôi vào nghế. Xe chạy có lúc hụ còi như chở tội phạm.

Nơi tôi được đưa đến là công an phường Bến Nghé. Nơi đây họ buộc tôi ngồi ở băng ghế trước dãy bàn làm việc. Họ xem tôi như tội phạm. Khi có người gọi điện thoại đến, tôi bắt máy, họ đã ngăn không cho tôi nghe. Tôi hỏi tại sao?

- Làm việc không nghe điện thoại - đó là câu trả lời của viên công an trực, nhưng anh ta nghe và trả lời điện thoại liên tục, nhất là tôi ngồi đó chẳng ai làm việc gì với tôi cả.

Ngồi một lúc, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh được giải đến. Tôi chào anh, anhHuynh Ngoc Chenh bắt tay chào tôi và cho biết ngồi được 5 phút thì bị bắt mang vào đây. Ngồi một lúc, Đinh Nga cũng bị giải đến. Nga cho biết đang trong nhà sách Fahasa xem sách thì bị bắt mang về đồn. Như vậy mới thấy cả 3 trường hợp chiều nay bị bắt đều do công an vi phạp pháp luật chứ chúng tôi không ai có hành vi gây rối hay chống đối hay làm gì sai trái với pháp luật cũng như đạo đức. Một đất nước nuôi dưỡng công an để trở thành nguồn tội phạm chính thì làm sao dân yên được?

Nơi đó có nhiều người, tuy nhiên, tôi chú ý hai người. Người thứ nhất là một anh ở quận 12, sáng nay ra khu vực nhà thờ Đức Bà chụp hình, nhưng đã bị bắt từ lúc 10g sáng, đến lúc tôi bị giải về đó là 15g15, đã quá trưa, nhưng anh không được cho ăn.

Tôi biết rõ là vì anh Chênh ngồi một lúc thì yêu cầu cho uống nước. Công an đưa nước cho anh, anh mời tôi, nhưng Nga đã nhường cho tôi chai nước của cô mang theo trước đó. Anh Chênh đề nghị đưa nước cho anh chụp hình này, nhưng anh lắc đầu không uống. Công an giải thích là từ sáng đến giờ đã cho anh 3 chai.

Tôi hỏi anh sáng giờ ăn trưa chưa?

Anh bảo chưa.

Tôi hỏi công an tại sao băt người để qua buổi trưa mà không cho ăn?

Lúc này anh người bị bắt thứ hai lên tiếng bênh vực công an rằng lúc trưa có hỏi, nhưng anh chụp hình bảo không ăn, nên không mua. Tôi bảo không ăn cũng phải mua, để khi đói họ ăn. Anh cùng bị bắt đó tỏ ra khó chịu với cách nói lại của tôi.

Quan sát và lắng nghe công an quận 10 đến bảo lãnh anh ta về, tôi mới biết anh là đặc tình của công an, tức là người gài của công an gây chuyện để bắt người chứ không phải là người hoạt động.

Ít phút sau, anh Huynh Ngoc Chenh bị đưa đi một nơi khác. Đinh Nga cũng bị đưa đi. Tôi không biết họ đưa hai người này đi đâu. Một anh mặc sắc phục công an phường, cao to, nhưng không đeo tên và số hiệu đe dọa tôi khi tôi nghe điện thoại. Khoảng 15 phút sau (‪15g40‬), hai anh an ninh (có thể thuộc PA 88) kèm tôi trên một taxi Vinasun chở về Ủy ban nhân dân (UBND) phường 9, quận 3, gần Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Anh tài xế tự hào với anh an ninh rằng - em có duyên với các anh - ám chỉ anh ấy thường chở những người công an bắt cách bất hợp pháp.

Về đến UBND phường 9, tôi được đưa lên văn phòng của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) phường. Khoảng 5 phút sau, ông bí thư phường, chủ tịch MTTQ phường, rồi sau đó ông chủ tịch UBND phường đến ngồi tiếp tôi, còn có thêm vài người, mà ông chủ tịch phương sau này nói chỉ là MTTQ.

Tại đây, họ tiếp tôi khá trọng thị với nước trà nóng, trà lạnh, và bánh ngọt. Họ cố tình xem như hôm nay là buổi nói chuyện thân mật trong gia đình chứ không phải là tôi bị bắt giải về đây.

Trong câu chuyện kéo dài từ 15g55 đến khoảng 17g50, họ cố tình hỏi thăm rất nhiều về đủ thứ chuyện và xin góp ý, cố tránh tối đa chuyện họ đã bắt tôi trái pháp luật.

Đến gần cuối giờ, ông chủ tịch phường mới thanh minh thanh nga với tôi vài chuyện như sau:

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói cần phải sớm giải quyết những bức xúc của dân, nên phải an dân, tránh để dân bị xúi giục.

- Gần đến bầu cử, nên cũng có nhiều người xúi giục những người dân không ý thức, nên có những ngăn cản của đội làm nhiệm vụ ở quận 1, xin thông cảm, vì "tôi" (ông chủ tịch) ra đó cũng sẽ bị như vậy, do đó linh mục đừng ra và khuyên giáo dân đừng ra.

Tôi nói lại ý chính như sau:

- Những gì ông thủ tướng nói được đăng tải trên báo chí, tv tôi đã biết, nhưng người dân không tin, vì bây giờ internet cung cấp thêm nhiều thông tin giúp dân kiểm chứng sự thật. Nhất là gần đây báo chí nói sai nhiều quá.

- Về bầu cử:

++ Các ông nói người dân bị xúi giục, tức họ là người ngu. vậy tuần tới họ đi bầu là những người ngu đi bầu à? Sao khi muốn người ta đi bầu thì xem đó là trách nhiệm công dân, còn khi không muốn cho dân thực hiện quyền tự do thì bảo họ dễ bị xúi giục? Tôi sẽ không tham gia bầu cử sắp tới.

++ Việc không ra phố là không hợp lý, vì phố đi bộ làm để dân đi, tại sao lại khuyên đừng đi?

++ Về người xấu xúi giục, đây là một chiến thuật tuyên truyền thành phản tuyên truyền. Tự nhiên dựng Việt Tân thành lực lượng đối lập làm việc có kết quả lớn trong nước. Các ông có ông nào tổ chức được cuộc xuống đường vài ngàn người không? Nói họ tổ chức 2 đợt biểu tình vừa rồi là khen và giới thiệu họ với công chúng.

++ Việc bắt tôi ngoài đường là công an vi phạm pháp luật. Kỳ này dân mà không tin chế độ là do công an gây ra đó. Tôi đi vào nơi không căng dây hạn chế đi lại. Tôi đi một mình không tụ tập với ai, nhưng công an đã bắt tôi như một tội phạm giữa đường.

Các ông bí thư và chủ tịch UBND phường 9 nhắc đi nhắc lại tôi là người của địa phương. Ông bí thư xin số điện thoại, tôi bảo tôi ít nghe máy, nên không cho. Ông chủ tịch đề nghị khi nào linh mục với "em" (ông chủ tịch) và anh bí thư uống cà phê. Tôi bảo hạ hồi phân giải.

Chuyện là thế đó!

Một lần nữa tôi chân thành cám ơn các tinh yêu của tôi trong và ngoài nước, đồng đạo cũng như khác đạo, các con các cháu, bạn hữu cũng như quý anh chị em chỉ mới sơ giao đã quan tâm đến tôi hôm nay. Nguyên xin Thần Khí của Chúa Kitô phục sinh ban cho quý vị an lạc và nhẫn nhục để can đảm sống ơn gọi của mình trong một xã hội có quá nhiều điều trái khuấy.

LM Le Ngoc Thanh

Vài nét chính về cuộc biểu tình ôn hoà ngày 15-5 -2016

Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và giáo dân Giáo Xứ Song Ngọc GP Vinh biểu tình đòi biển sạch - tôm cá sạch 


Nhìn chung những nét tổng quát sau đây dễ được ghi nhận:

1/- Cho dù mạng internet bị phá sóng, Facebook bị chặn nhưng các tin tức liên lạc cập nhựt vẫn rất nhanh liên tục từ bắc xuống nam về cuộc biểu tình ôn hòa ngày 15-5 vì môi trường sống sạch.

2/- Đã có sự hiện diện của các vị LM Công giáo nay hòa chung vào đời, chia sẻ cùng với đồng bào giáo dân những khát vọng sát sao trong cuộc sống, ấn tượng nhứt là ảnh của Cha JB Nguyễn Đình Thục đi đầu hướng dẫn hàng ngàn giáo dân Giáo Xứ Song Ngọc Giáo Phận Vinh đến thẳng trước trụ sở chính quyền địa phương rất trật tự, ôn hòa và không có một sự cố nào xảy ra.

3/- Nét son của cuộc biểu tình ngày 15-5 là đồng bào tuy bị chặn ngay tại nhà, trên đường bị phân tán nhưng đã kiên quyết, kỷ luật và rất ôn hoà nhưng dứt khoát với đòi hỏi về môi trường sống.

4/- Thay đổi địa điểm và hình thức biểu tình cách biểu thị thái độ như toạ kháng tại chỗ, ngay trong nhà hay trước của nhà, tại bất cứ các nơi có thể với các băng rôn gọn nhẹ nhưng nội dung rất rõ ràng nêu đúng trọng tâm.

5/- Chính quyền vẫn ra tay bắt các Cha An Tôn Lê Ngọc Thanh, anh Huỳnh Ngọc Chênh nhưng phải thả trong cùng ngày cũng như chưa thấy báo cáo về cuộc đàn áp có đổ máu như ngày 8-5 vừa qua.

6/- Chưa thấy sự góp mặt của các Chư Tăng Phật giáo và Tu sĩ các Tôn giáo khác nhứt là tại Vũng Án, Hà tỉnh, địa phương đang xảy ra thảm họa môi trường. 

Nhưng một chỉ dấu đáng chú ý là sự có mặt của bà Phan Thị Châu, bà từng là trưởng ban Hôn nhân Gia Đình của báo Phụ nữ Thành phố. Bà kể chuyện bà tham gia biểu tình hôm Chủ Nhật 8/5 vừa qua, đã bị bắt cùng với một số người ra sao qua bài ƠN TRỜI, TÔI ĐÃ BỊ BẮT! Bà Phan Thị Châu là phu nhân của nhà báo Nam Đồng, từng là Phó TBT báo Tuổi Trẻ, TBT báo Pháp luật Thành phố. 

Hi vọng sẽ có nhiều vị đã nghỉ hưu hay còn trong chính quyền, đang trong các lực lượng TNXP, Dân Phòng, Trật tự địa phương kể cả trong công an quân đội... tuy tỉnh thức trước thực tiễn đời sống hàng ngày đang bị đe dọa năng nề, cần thể hiện thái độ rất đáng khâm phục của bà Phan Thị Châu như quí ông trong THƯ GỬI Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tp Hồ Chí Minh của các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Võ Văn Thôn, Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), Bùi Tiến An, Đào Công Tiến, Tống Văn Công, Kha Lương Ngãi, Tương Lai.

7/- Các cuộc biểu tình liên tục suốt 3 tuần 1-8-15/5 đang gây cơn bảo mạng trong nước cùng sự chú ý của dư luận quốc tế qua các bài quan điểm của tờ Washington Post, New Yort Times nhứt là nó đã chính thức gây sốc tại Liên Hiệp Quốc... liệu với thái độ ù lỳ, khó hiểu trước các đòi hỏi rất tự nhiên ôn hòa về môi trường của người dân thay vì nhận được thái độ có trách nhiệm nhưng ngược lại được đáp trả bằng gây gộc, hơi cay, máu đổ ngay cả trên các cô sinh viên yếu đuối hay những phụ nữ với con thơ... thì liệu khi ông Obama có mặt tại Hà Nội và Sài Gòn dự trù vào tuần tới trước các bức xức không còn chịu đựng nổi thì toàn dân Việt sẽ phải biểu thị thái độ gì nhân dịp quán quân về nhân quyền và dân chủ thế giới đến thăm nhân dân VN vào đúng thời điểm thật đặc biệt nầy.

15-5-2016

Khi chính quyền chỉ tìm kiếm sự đối đầu!!!


FB Lang Anh-15-5-2016 
Chương trình thời sự VTV1 phát vào 19h ngày 15/05/2016 dành hẳn một thời lượng lớn vào đúng giờ vàng để làm một chuyên mục về các sự kiện xoay quanh các cuộc tuần hành hòa bình và sự kiện ô nhiễm miền Trung (1). Những thông tin được nêu ra trong chương trình này để lại những góc nhìn thú vị. 


 
Một mặt thì có vẻ chính quyền và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc rất kỹ những khuyến cáo được viết ở trang facebook này: Ông Phúc hùng hồn tuyên bố trên VTV sẽ kiên quyết điều tra bất cứ đối tượng nào, bất cứ tổ chức nào gây tổn hại môi trường. Lời khuyên này được đưa ra ở đây cho ông Phúc đã 16 ngày trước (2). 

Là một chính trị gia, phản xạ của ông trước một sự cố nghiêm trọng cấp quốc gia, chậm hơn rất nhiều so với các vị đồng nhiệm trên thế giới. Điểm tích cực, là các ông không phải không chịu nghe.

Mặt khác, trong nỗ lực muốn dựng lên một kẻ thù ảo tưởng, chính phủ vẫn xếp tất cả những trí thức, công dân tiến bộ yêu nước sang phía đối lập theo lối diễn giải quen thuộc: Đó là những đối tượng xấu, kích động lôi kéo chống chính quyền. Sự thiếu thiện chí này cho thấy tư tưởng độc quyền cai trị và độc quyền tư tưởng đã gắn kết quá sâu vào huyết quản của bộ máy chính trị Việt Nam. Họ hầu như không thể chấp nhận hoặc nhìn nhận những ý kiến phản biện ôn hoà của các công dân yêu nước, những người chỉ đặt lợi ích quốc gia lên tối thượng.

Việc mặc định dán nhãn các công dân tiến bộ thành kẻ thù sẽ dẫn đến một kết quả tất yếu: “Trước sau gì chính quyền cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng chỉ có họ ở một bên và bên còn lại là toàn bộ người dân”, bởi xu hướng văn minh khiến các tư tưởng tiến bộ ngày càng phổ cập sâu rộng trong nhân dân và đây là điều không thể đảo ngược.

Rất khó để trả lời là đến bao giờ thể chế chính trị độc tài này mới chịu nhận ra, thiện chí lắng nghe, hoà giải và hoà bình với những công dân tiến bộ của đất nước là chìa khoá cho mọi vấn đề của đất nước. Và trên hết, nó giúp Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới nơi các tư tưởng văn minh lên ngôi, đất nước được soi sáng bởi ánh sáng tri thức và sự hoà giải ôn hoà trở thành lối hành xử chuẩn mực giữa người với người trong một quốc gia.

Cũng vì vậy mà tôi buộc phải nhấn mạnh lại quan điểm của mình: “Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài. Đừng nản lòng. Vì trước sau gì văn minh cũng thắng” (3)

Tham khảo: 

(1) Chương trình thời sự giờ vàng VTV1 19h ngày 15/05. Tác giả ẩn danh được điểm danh trên màn hình vào phút 32m43s, tất nhiên được đẩy sang phía “đối tượng xấu”, dù chắc chắn các quan chức đọc cẩn thận từng lời phản biện đã được viết với không một lời cảm ơn.
(2) Tham luận “Góp ý với Đảng Cộng Sản” ngày 30/04/2015.
(3) Cương lĩnh cho cuộc đấu tranh “Vì sự tiến bộ xã hội“.
____

FB Anh Kim Nguyen
 
15-5-2016

VTV rêu rao là những người biểu tình không giúp ích gì cho ngư dân, chỉ biết tụ tập gây rối, sao không có hành động thiết thực trợ giúp ngư dân?

– Thứ nhất: biểu tình không phải là tụ tập gây rối, mà là quyền Hiến định trên cả pháp luật. (Điều 25 Hiến pháp)

– Thứ hai: mười mấy triệu của các người rót cho mỗi ngư dân thì cũng là tiền của dân lấy từ ngân sách quốc gia, không phải tiền túi các người, (đấy là chưa kể đến hoạt động của đảng CS cũng dựa trên tiền dân)

– Thứ ba: mười mấy triệu các người đưa cho ngư dân có đủ nuôi sống họ cả đời không? Họ sống bằng nghề chài lưới, bây giờ biển chết thì lấy gì ra khơi để nuôi sống bản thân và gia đình ở hiện tại và tương lai?

– Thứ tư: cái vấn đề cốt lõi mà các người phải làm, là minh bạch chất độc hại trong biển, kẻ nào xả thải, truy tố…. Nhưng cả một bộ máy chỉ tập trung và chụp mũ người dân biểu tình đòi minh bạch về Formosa, sau hơn 40 ngày vẫn không thấy thằng nào nhận trách nhiệm và bị xử lý.

(đứa nào có luận điệu giống bọn VTV bơi hết vào đây, chị tiếp)

Sức mạnh không đến từ thể chất, nhưng đến từ ý chí bất khuất

Theo Tinhdongchuacuuthe 15-05-2016 | 07:53:16  
Người dân bị đàn áp trong cuộc biểu tình vì môi trường 8/5/2016
Dù mắng chửi, đánh đập, giam cầm; dù khủng bố, bôi nhọ và áp dụng các biện pháp chế tài, nhưng nhà cầm quyền cộng sản, trong một thời gian dài vẫn không không khuất phục được ý chí của những người dân yêu quê hương, trong đó có những thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường, những người mẹ, người cha vẫn còn nặng gánh gia đình, những người nghèo một nắng hai sương mưu tìm bữa ăn hàng ngày… Nhưng họ có chung một mục đích, một tấm lòng, một ý chí và một nguyện vọng là tình thương yêu dân tộc và lo cho giống nòi, đã tự nguyện đứng dậy, liên kết và liên đới với những người cùng khổ, nạn nhân của chế độ này.
Qua hai cuộc biểu tình ôn hòa bày tỏ chính kiến về vụ cá chết và phá hủy môi trường biển tại bốn tỉnh Miền Trung ruột thịt ngày 1/5 và 8/5/2016 ở Sài gòn và Hà nội, đã cho thấy sự lúng túng, bối rối và bế tắc của nhà cầm quyền khi cố tình che đậy, lấp liếm nguyên nhân gây ra thảm họa gây ra sự bất ổn chính trị này.
Nhưng thật ra, sự hoảng hốt và bị động của nhà cầm quyền cộng sản là họ bất ngờ trước làn sóng dũng mãnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, tập trung sức mạnh đối kháng của các thành phần trong xã hội để đòi công bằng, công lý và sự thật, như Mahatma Gandhi đã nói: “ Sức mạnh không đến từ thể chất. Nó đến từ ý chí bất khuất.”
Ý chí là phẩm chất của nhân cách, là khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng mọi hoạt động của mình nhằm đạt được mục đích đó, bất chấp mọi khó khăn. Nghị lực là sức mạnh tinh thần, thể hiện qua thái độ kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước mọi khó khăn. Sức mạnh cơ bắp thì có hạn; sức mạnh của bạo lực thì đáng bị lên án; sức mạnh của bạo quyền cho thấy sự đuối lý, yếu nhược. Không có giới hạn nào ngăn được ý chí con người. Sức mạnh của ý chí bất khuất chính là sự bền chí đến cùng.
Vì vậy đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải và công lý. Những khó khăn và nghịch cảnh càng khiến cho người có ý chí bất khuất kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn và đoàn kết hơn, để tạo nên điều kỳ diệu. Và điều kỳ diệu là chứng minh được lẽ phải tất thắng, là “công lý rồi ra sẽ trở lại pháp đình” (Tv 94,15).
Có ai đó đã nói: “Người bi quan thì trách gió, người lạc quan hi vọng gió đổi hướng, người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm”. Những người, dù trong đầu đầy ắp ý tưởng, có khả năng phân tích, bình luận rất xác đáng, nhưng nếu họ luôn tìm cách tránh né và biện minh với ngàn lý do để đứng bên ngoài, không hành động, họ chỉ là những kẻ thất bại thảm hại, đáng thương. Đàng khác, khi sống trong những hoàn cảnh đau khổ, trong những tình trạng tăm tối … đó không phải là điều đáng sợ, điều đáng sợ nhất chính là những suy nghĩ tiêu cực từ chính bản thân chúng ta.
Ý chí bất khuất không phải là thiên phú. Dĩ nhiên, có những người có tính kỷ luật, có quyết tâm, nghị lực hơn những người khác, nhưng nhiều người nhờ có niềm tin, cố gắng trau dồi và phát triển nhân cách, quyết vượt qua chính mình, đã tìm ra cách tích lũy sức mạnh ý chí và sử dụng chúng trong những lúc cần thiết.
Có nhiều người mỉa mai hoặc ngăn cản những cuộc biểu tình ôn hòa “vì một môi trường sạch và chính quyền sạch”. Điều đó có thể làm nản lòng nhiều người, nhưng phải chấp nhận những người muốn bỏ cuộc trong cuộc chiến dài hơi này. Còn những ai có ý chí bất khuất, họ biết mình là ai, đang ở đâu, đấu tranh cho điều gì, theo phương thức nào, chịu hậu quả nào và sẽ đi về đâu!; họ biết mình và các bạn họ có điểm mạnh nào, biết được mục đích của mình là gì!
Thành công là vòng nguyệt quế dành cho người có lý tưởng chiến thắng trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã giữ vững niềm tin (2Tm 4,7-8), đã bền gan, vững chí trước mọi thử thách và cái giá có thể phải trả.
Linh mục Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Phản kháng ô nhiễm môi trường: Từ câm lặng đến đứng lên!

Theo Người Việt-15-05-2016 3:58:07 PM 
Phạm Chí Dũng
Nếu dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên bắt đầu gây hậu quả ô nhiễm môi trường trầm kha vào những năm 2007 nhưng tất cả đã bị cho “chìm xuồng” một cách không thương tiếc và người dân địa phương lẫn công luận xã hội đều phải “câm miệng,” phải mất đến gần một thập kỷ sau những nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của vụ “cá chết Formosa” mới vượt qua chính mình để xuống đường phản kháng.


Việt Nam là một xã hội đã trở nên không thể tưởng tượng nổi dưới sự cai trị của một chế độ quá nổi bật về tham nhũng nhưng lại quá vô trách nhiệm trước vô số hậu quả môi sinh, môi trường, xã hội lẫn chính trị. Mười năm là cái giá cho thái độ biến chuyển thật chậm về ý thức tranh đấu để giành quyền sinh tồn của người dân.

Giờ đây, nhiều người tự hỏi và cũng là một cách tự dằn vặt mình: Nếu xã hội Việt, người dân Việt dám bày tỏ tinh thần và hành động quyết liệt hơn từ vụ boxit 2007 và vụ Vedan 2008, hẳn là hậu quả chết chóc đã không biến diễn ghê gớm vào giờ phút tồn vong này tại quá nhiều địa phương.

Chìm xuồng và câm lặng

Năm 2008, “Vedan giết sông Thị Vải!” - đến báo chí nhà nước cũng phải kêu thét lên. Thế nhưng giới quan chức lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cả trung ương vào thời điểm ấy vẫn như câm điếc trước tiếng kêu gào của nông dân - nạn nhân. Nếu không có áp lực dư luận xã hội, báo chí và cả tiếng lên án từ cộng đồng quốc tế, sẽ chẳng có một chút tiền bồi thường nào được Vedan nhả ra cho các làng mạc đau khổ xung quanh nó.

Nhưng ba năm sau, vụ công ty Sonadezi Long Thành xả thải gây ô nhiễm khủng khiếp vào năm 2011 cũng ở Đồng Nai lại ngoặt vào bóng tối vô cùng tận. Bất chấp làn sóng dư luận lên án dữ dội, việc chủ nhân của công ty này là một đại biểu quốc hội theo cách “bất khả xâm phạm” vào thời điểm đó đã khiến mọi thứ thẳng cánh bốc hơi. Trước và sau, không hề có một chút thành tâm khắc phục hậu quả của Sonadezi Long Thành cho người dân. Cuối cùng, công luận đã phải nín lặng đầy cay đắng.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường đường thủy, rất nhiều nhà máy chôn rác độc hại xuống đất đã biến các vùng xung quanh chúng thành mồ chôn ung thư hàng trăm người tử vong.

Năm 2011, có 10 làng được xác định có nguồn nước ô nhiễm nhất thuộc các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận. Một thống kê có lẽ còn xa thực tế của Bộ Khoa Học và Công Nghệ cho biết đã có tới 1,136 người chết trong vòng từ 5-20 năm do mắc các bệnh ung thư khác nhau, trong đó nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, với 136 người chết trong 10 năm vì nguồn nước nhiễm chất độc hóa học. Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết. Tại làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, khi điều tra có tới năm người bị ung thư và ba người trong đó đã chết.

Thế nhưng, có một loại ung thư khác cũng di hại không kém: Đã không có một doanh nghiệp xả thải và chôn rác độ nào bị xử lý đến nơi đến chốn. Tình trạng hỗn quân hỗn quan như thế đã dẫn đến một hậu quả tất yếu về bản chất “vì dân” của chế độ: Nicotex Thanh Thái.

Những tội đồ dân tộc

Vụ chôn hóa chất độc hại xuống lòng đất của công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa đã bị dư luận và báo chí gọi là “tội ác” - rất gần gũi với các điều 182 và 182a của Bộ Luật Hình Sự, nhưng chính quyền địa phương nơi đây vẫn như trắng trợn chà đạp lên mọi nền tảng pháp luật.

Tội ác đã hiển hiện suốt từ năm 2001, từ thời điểm Nicotex Thanh Thái bắt đầu thủ ác vào lòng đất mẹ. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu chất thải đều chứa các chất độc cấu thành sản phẩm thuốc trừ sâu thuộc nhóm độc II và III như Cypermethrin, Dichlorvos, Fenobucarb, Isoprothiolane, Butachlor, Isoprocard, Dimethoat, Fenobucar. Ngoài các chỉ tiêu không có trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất, các chỉ tiêu còn lại đều vượt quá quy chuẩn này nhiều lần. Thậm chí, chỉ tiêu Cypermethrin vượt quy chuẩn cho phép tới 9,276 lần.

Theo mô tả của cánh phóng viên nặng lòng với những gì sót lại của môi trường, các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và Yên Lâm (huyện Yên Định) ở Thanh Hóa đã phải sống bên “kho thuốc độc” của công ty Nicotex Thanh Thái, hằng năm phải ăn, hít thở không biết bao nhiêu hóa chất độc hại vào người. Chính vì vậy mà con số mắc bệnh hiểm nghèo tăng lên chóng mặt theo từng năm.
Từ nhiều năm qua, người dân đã không ngần ngại đặt cho những xã sống quanh Công ty Nicotex là “làng ung thư.” Ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định, trong vòng hơn 10 năm số người mắc bệnh hiểm nghèo của xã đã lên tới con số 315 người với các bệnh như ung thư, suy giảm thần kinh, dị dạng, đẻ non, sẩy thai... Trong đó, số người mắc bệnh ung thư đã chết lên tới 150 người.

Cũng chung cảnh “làng ung thư” như xã Yên Lâm, thôn Cò Đồm thuộc xã Cẩm Vân chỉ có 75 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, nhưng đã có gần chục người chết do ung thư. Còn số người đẻ non, dị dạng thì không thể đếm xuể.

Ở bất kỳ quốc gia phát triển nào, nếu một vụ thủ ác như Nicotex Thanh Thái xảy ra, những cái chết vì ung thư sẽ là chứng cứ khủng khiếp nhất nhằm chống lại kẻ gián tiếp giết người.

Đáng lẽ Nicotex Thanh Thái phải bị truy tố như một thước đo cho những gì còn lại trong lương tâm các “đày tớ,” còn những “đày tớ” có chức trách cao nhất của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa và chịu trách nhiệm trực tiếp về môi trường phải bị bị xử lý nghiêm khắc về trách nhiệm hành chính và cả truy cứu về trách nhiệm hình sự.

Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện lại bị tha hóa vô cùng tận. Thái độ và hành động quá khuất lấp của chính quyền Thanh Hóa vào thời điểm đó đã khiến cho dư luận đặc biệt nghi vấn về những động tác bao che thủ ác của cơ quan này dành cho Nicotex Thanh Thái.

Rốt cuộc, tất cả đều câm lặng.

Ngay cả vụ xả lũ đột ngột không báo trước của tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) vào mùa mưa bão cuối năm 2013 mà đã “giết sống” đến năm chục mạng người ở vùng rốn lũ một số tỉnh miền Trung, cũng hoàn toàn chìm xuồng. Dù đây là vụ việc tiêu biểu nhất về thói vô trách nhiệm và vô cảm của giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng không có bất cứ lãnh đạo nào của EVN và Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản của tập đoàn chỉ biết tăng giá điện này - phải ra trước vành móng ngựa. Tất cả đều hoặc nghiễm nhiên đương chức, hoặc “hạ cánh an toàn” như cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng.

Phản kháng!

Chỉ đến năm 2013, sóng phản kháng ô nhiễm môi trường mới bắt đầu bùng nổ, sau khi sóng phản kháng của dân oan đất đai đã khởi sự từ trước đó khoảng tám năm. Vụ doanh nghiệp Trung Quốc khai thác titan ở Ninh Thuận gây khói bụi và ô nhiễm không chịu nổi đã khiến hàng ngàn người dân vùng này phải tràn ra đường biểu tình. Thậm chí, đám đông biểu tình phẫn nộ còn liều mình xô đổ cả hàng rào cảnh sát cơ động.

Cũng vào năm 2013, vụ một doanh nghiệp khai thác cát ở tỉnh Quảng Ngãi gây ảnh hưởng đến môi sinh đã buộc đến vài ngàn người dân huyện Tư Nghĩa tràn ra quốc lộ biểu tình. Cuộc biểu tình không khoan nhượng này kéo dài gần một tuần lễ mà đã khiến chính quyền địa phương nơi đây phải chấp nhận ra lệnh đình chỉ hành động khai thác cát.

Đến năm 2014 và 2015, phản kháng ô nhiễm môi trường đã thực sự trở thành một phong trào và có tính chiều sâu. Tiêu biểu là cuộc xuống đường bảo vệ cây xanh ở chính Hà Nội - nơi Bộ Chính Trị ngự trị.

Sang năm 2016, cuộc xuống đường của thị dân ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Vũng Tàu phản kháng vụ “cá chết Formosa” đã trở thành hiện tượng đầu tiên cho thấy ý thức người dân đô thị đã được nâng lên. “Lá lành đùm lá rách,” “lá rách đùm lá nát,” thị dân không chỉ đấu tranh cho quyền lợi của mình mà còn cho đồng loại của họ nơi khúc ruột miền Trung quặn siết.

Mười năm phản kháng ô nhiễm môi trường. Hệt như diễn biến lao dốc của nền kinh tế và ngân sách quốc gia, thời điểm “Minsky hậu quả ô nhiễm” đã và đang tương ứng với “Minsky nợ công và nợ xấu.” Tất cả đều đã tiếp cận và bắt đầu chạm vào giới hạn của bùng vỡ hậu quả kinh tế và bùng nổ hậu quả môi trường.

Giờ đây, chỉ bằng mắt thường, người dân cũng có thể nhận ra sẽ còn nhiều hậu quả môi trường khốn khổ phát tác và khiến bùng cháy phản kháng xã hội ở rất nhiều địa phương cùng đủ mọi thành phần dân chúng vào những năm tới.

Đường xong nửa năm, cả ngàn nhà nứt chưa được bồi thường

PHÚ YÊN (NV) - Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên đã xong từ lâu, nhưng đến nay hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại do ảnh hưởng khi thi công chưa biết khi nào được đền bù. 

Sàn nhà tầng một của một hộ dân ở Phú Yên bị bong tróc, bể gạch. (Hình: Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Năm dẫn phúc trình từ ủy ban tỉnh Phú Yên cho hay, hiện có đến 1,789 đơn tố cáo khiếu nại về việc thi công 88 cây số ở quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh này gây hư hỏng nhà dân. Mặc dù dự án đã đưa vào hoạt động từ Tháng Mười, 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đơn vị thi công giám định thiệt hại và chưa biết khi nào đền bù.

Ông Nguyễn Phương Đông, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh nhiều lần gửi các công văn cho đại diện chủ đầu tư là ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao Thông Vận Tải đề nghị giải quyết việc này.

Tuy nhiên, câu trả lời cho đến nay của chủ dự án vẫn là “hạn mức bảo hiểm bồi thường rủi ro cho toàn dự án, đoạn sử dụng vốn trái phiếu chính phủ chỉ có 5 tỷ đồng, đã chi trả hết cho 990 hộ dân.

 Ban đã báo cáo bộ và chính phủ để đưa vào ngân sách chi trả phần vượt hạn mức bảo hiểm sau,” ông Đông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Khánh, đại diện ban quản lý dự án Thăng Long, cho rằng, thực tế số nhà bị nứt phát sinh do lu rung mặt đường không đến hàng ngàn như trình báo của ủy ban tỉnh Phú Yên mà chỉ vài trăm nhà, vì có nhiều trường hợp khai trùng lắp.

“Nhà dân bị hư hỏng do làm dự án thì chắc chắn sẽ được đền bù, nhưng phải chờ chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn nào để trả thì chúng tôi mới giám định thiệt hại, tính toán mức chi trả được,” ông Khánh nói.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, cho biết, hiện không chỉ Phú Yên mà còn có một số tỉnh khác cũng phát sinh nhà nứt do làm dự án quốc lộ 1. (Tr.N)

15-05-2016 5:05:13 PM

Việt Nam: Bắt hai ứng cử viên hội đồng xã buôn ma túy

THANH HÓA (NV) - Ông chủ tịch mặt trận tổ quốc xã và vợ là phó chủ tịch Hội Phụ Nữ xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, vừa bị bắt và bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử viên hội đồng xã vì bị tố cáo buôn ma túy.


Hai vợ chồng ứng cử viên hội đồng xã bị bắt vì buôn ma túy. (Hình: VNExpress)

VNExpress dẫn tin, ngày 15 Tháng Năm, ông Cao Văn Cường, chủ tịch Hội Đồng Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội, hội đồng huyện Mường Lát xác nhận, công an xã Mường Lý đã bắt giữ và ủy ban xã này cũng đã làm thủ tục xóa tên hai ứng cử viên hội đồng xã nhiệm kỳ 2016-2021 đối với vợ chồng ông Vi Văn Thưởng (49 tuổi) và bà Vi Thị Êu (46 tuổi), do tội vận chuyển ma túy.

Ông Lương Minh Thông, bí thư huyện ủy Mường Lát, cho hay, ông Thưởng từng giữ chức bí thư đảng ủy xã Mường Lý nhiệm kỳ 2010-2015 trước khi làm chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc xã.

Gia đình ông Thưởng là điển hình trong phát triển kinh tế đồi rừng ở xã này.

“Ban thường vụ huyện ủy sẽ họp để đưa ra quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt đảng, công tác ông Thưởng để phục vụ điều tra,” ông Thông cho biết thêm.

Trước đó, vào buổi chiều ngày 12 Tháng Năm, cảnh sát chống ma túy bắt quả tang ông Thưởng cùng vợ đang vận chuyển hai bánh heroin trên quốc lộ 15C, thuộc xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa.

Tại cơ quan công an, vợ chồng ông Thưởng khai do nợ nần nhiều nên lên huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, mua ma túy về Thanh Hóa bán kiếm lời.

Hiện công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. (Tr.N)

15-05-2016 4:59:34 PM