Saturday, February 9, 2019

Câu chuyện đầu năm: Bài học Venezuela

venezuela_bieutinh01
Dân Venezuela biểu tình đòi dân chủ
Bài học thoát Trung...
(Cám ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy vừa gửi cho bài này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bà con. Tuy anh không đụng đến Việt Nam, nhưng ngẫm thì ra...).

Đầu năm Kỷ Hợi có nhiều chuyện đáng nói, trong đó Venezuela là nỗi ám ảnh làm nhiều người giật mình. Tại sao một đất nước giàu đẹp, hầu như đứng đầu thế giới về “dầu hỏa và hoa hậu”, nay suy sụp biến thành một thảm họa quốc gia. Bi kịch đó đáng lẽ tránh được, nếu người ta không ngộ nhận và lường trước nguyên nhân và hậu quả. Một nguyên nhân chính không thể phủ nhận là do mô hình Xã hội Chủ nghĩa và vai trò của Trung Quốc tại Venezuyela, cũng như tại các nước khác không chỉ tại Châu Á mà còn tận châu Mỹ La-tinh.
Xu hướng thoát Trung
Lâu nay, người ta hay nói đến “thoát Trung” như một khái niệm mà chưa rõ “thoát cái gì và thoát thế nào”. Trong khi người ta còn tranh cãi và chưa khái quát hóa được vấn đề đó, thì hãy cụ thể hóa vài trường hợp điển hình (như case studies) về xu hướng “thoát Trung” để làm sáng tỏ vấn đề. Xu hướng “thoát Trung” ngày càng rõ trong bối cảnh chiến tranh thương mại khi “sáng kiến BRI” và thương hiệu Huawei đang trở thành phản cảm.

Xu hướng “thân Trung” tại một số nước “có thể đảo ngược” (reversible), do ngộ nhận về ý thức hệ hay vì đấu tranh quyền lực và do tham nhũng nên đánh đổi lợi ích lâu dài của dân tộc lấy lợi ích trước mắt. Trong khi đó, xu hướng “thoát Trung” là “không thể đảo ngược” (irreversible) do “phản tỉnh” (backlash) dẫn đến “phản kháng” (push back) để tránh “bẫy nợ” (debt trap) của Trung Quốc và “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” (neo-colonialism).
Trong khi một số nước (như Myanmar, Malaysia, Bắc Triều Tiên) phản tỉnh và tìm cách “thoát Trung”, tuy không giống nhau và không dễ dàng, nhưng đã thấy lối thoát, thì một số nước khác (như Philippines, Thailand, Cambodia, Laos) đang mắc kẹt trong “thế lưỡng nan”. Venezuela vẫn đang quằn quại chuyển mình như “con rắn đang lột xác”, và những gì đang diễn ra tại đó làm người ta nhớ tới bài học của Myanmar và Malaysia gần đây.

Tại Myanmar, sau hai thập niên (1960-1970) của “Liên bang Cộng hòa XHCN Miến Điện” (dưới thời Ne Win) giới quân sự đã biến một đất nước giàu đẹp thành một xã hội nghèo nàn lạc hậu và một chế độ độc tài quân phiệt. Nhưng may là Thein Sein đã khôn ngoan hòa giải với phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi để nhường quyền lực sau bầu cử (năm 2016). Họ đã đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích phe nhóm và chế độ. Myanmar là một bài học về sự thức tỉnh của giới quân sự muốn bảo vệ quyền lực và lợi ích của họ, trước sức ép quốc tế và xu thế dân chủ trong nước. Họ đã hòa giải dân tộc nhằm “thoát Trung” trước nguy cơ bị “Hán Hóa” của “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” (như ông Mahathir Mohamad đã cảnh báo).

Malaysia là một bài học điển hình về sự phản kháng của phe đối lập do ông Mahathir Mohamad cầm đầu đã khôn ngoan hòa giải và liên minh với ông Anwar Ibrahim để đủ sức mạnh đánh bại ông Najib Razak tại cuộc bầu cử (9/5/2018). Đó là một “cơn địa chấn” mở đường cho Malaysia “thoát Trung” và “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”, để thời chấm dứt chính phủ Rajib Razak tham nhũng và “thân Trung” đã xô đẩy Malaysia vào “bẫy nợ” vì chạy theo sáng kiến BRI để trục lợi, làm đất nước ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Sự kiện ông Mahathir “tái xuất giang hồ”, làm thủ tướng (lần thứ hai) khi đã 92 tuổi là một hiện tượng hiếm có, góp phần làm thay đổi cục diện chính trị ASEAN và bức tranh địa chính trị Đông Nam Á.
Bắc Triều Tiên là một bài học điển hình khác về sự trỗi dậy ngoạn mục của hai anh em Kim Jong-un và Kim Yo-jong đã khôn ngoan và dũng cảm hòa giải với chính quyền Moon Jae-in của Nam Triều Tiên, mở ra cơ hội hợp tác Liên Triều và triển vọng từng bước thống nhất đất nước, làm cơ sở cho hòa hoãn Mỹ-Triều, nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nếu vai trò Seoul càng tăng thì vai trò Bắc Kinh càng giảm. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, triển vọng hòa giải Liên Triều và hòa hoãn Mỹ-Triều đã mở ra cho Bình Nhưỡng cơ hội “thoát Trung” và thoát hiểm, làm thay đổi bức tranh địa chính trị Đông Bắc Á.
Bài học Venezuela
Vào thập niên 1970-1980, Venezuela là một trong 20 quốc gia giàu nhất thế giới, với bình quân đầu người (per capita) là 31.000 USD (năm 2015). Với trữ lượng dầu hỏa vào loại cao nhất thế giới (chiếm 95% giá trị xuất khẩu), nên khi giá dầu tụt dốc, kinh tế Venezuela cũng tụt hậu. Dầu khí chính là “con dao hai lưỡi” như một duyên nợ đã buộc chặt Venezuela với Trung Quốc. Đất nước giàu đẹp nổi tiếng về dầu hỏa và hoa hậu đã biến thành thảm họa (dưới thời Hugo Chavez), khi lạm phát tới 1,7 triệu %, thất nghiệp tới 34,3% (theo Economist), làm đất nước khánh kiệt, khi 3 triệu người dân (gần 1/10 dân số) đã bỏ tổ quốc ra đi. Chế độ chính trị ngày càng độc tài và tham nhũng đag xô đẩy Venezuela đến bờ vực hỗn loạn (dưới thời Nicolas Maduro), có nguy cơ nội chiến và can thiệp quân sự từ bên ngoài (nếu không thay đổi).
Nguyên nhân chính làm Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn như hiện nay là do chính sách của Trung Quốc gần 20 năm qua. Họ đã dùng nguồn tín dụng lớn (như “bẫy nợ”) để buộc chặt chế độ này vào ý thức hệ XHCN và khai thác tài nguyên bằng mọi giá. Venezuela mắc nợ hơn 150 tỷ USD nên phải dùng dầu khí để trả nợ cho các nước đã bảo vệ mình (như Trung Quốc và Nga). Nay khi Mỹ và phương Tây công nhận Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando là “Quyền Tổng Thống”, thì Trung Quốc và Nga vẫn bênh vực Nicolas Maduro. Còn Việt Nam khôn ngoan và thận trọng đứng giữa, không công khai ủng hộ hay chống bên nào.
Sự thất bại của Chavez và Maduro tại Venezuela cũng chính là một thất bại của Trung Quốc. Nhưng dù chế độ XHCN hiện nay ở Venezuela có sụp đổ, thì Bắc Kinh chắc không buông bỏ Venezuela, một mặt để bảo vệ những gì đã đầu tư, mặt khác để tiếp tục khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản của Venezuela, được đánh giá là tiềm năng còn rất lớn. Cách đây mấy năm (từ 2015) Bắc Kinh đã bắt đầu tiếp xúc với phe đối lập, để đề phòng thay đổi chế độ và chuẩn bị cho “phương án thay thế” như kinh nghiệm đối với Cambodia.
Trước khi Hugo Chavez thắng cử (1998) tập đoàn dầu khí Trung Quốc (NPCC) đã tìm cách đàm phán để được khai thác dầu khí ở Venezuela. Sau khi lên cầm quyền, ông Chavez đã tìm thấy ở Trung Quốc một đồng minh lớn về ý thức hệ, nên không thay đổi các hợp đồng đã ký với Trung Quốc trước đó, mà còn mở rộng hơn nữa. Năm 2004 là một bước ngoặt trong quan hệ hai nước, khi Bắc Kinh và Caracas đã thỏa thuận cho Trung Quốc được đầu tư mà không phải nộp thuế. Caracas đã dành cho Bắc Kinh nhiều ưu đãi về thuế quan, trong khi Bắc Kinh coi Venezuela là cánh cửa để xâm nhập khu vực Mỹ La-tinh (là sân sau của Mỹ).

Năm 2005, Trung Quốc đã đầu tư khoảng một tỷ USD vào Venezuela, nhiều hơn tất cả các nước khác trong khu vực Mỹ La-tinh cộng lại. Tổng số tín dụng của Trung Quốc dành cho Venezuela là 60 tỷ USD, chiếm 40% tổng số tín dụng dành cho các nước khu vực này, trong đó họ đã dành 90% để đầu tư cho khai thác khoáng sản. Trong khi quan hệ hai nước ngày càng mật thiết, thì Venezuela đã trở thành quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất tại khu vực Mỹ La-tinh (trên 5 tỷ USD). Tháng 9/2018, Bắc Kinh đã đầu tư thêm 5 tỷ USD để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu khí Nhà nước (PDVSA). Trong khi đó, theo báo Thanh Niên (3/5/2017) PVN đã bị sa lầy tại Venezuela (mất 1,8 tỷ USD) vì đầu tư vào liên doanh dầu khí.
Mục tiêu chính của Trung Quốc là khai thác khoáng sản, nên các dự án đầu tư phát triển không hiệu quả vì chỉ để mỵ dân. Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại châu Mỹ La-tinh (trị giá 7,5 tỷ USD) do tập đoàn China Railway Group thực hiện, đã khởi công từ năm 2009 nhưng sau đó bị đình trệ. Đến năm 2015 tập đoàn này đã rút, để lại cho Venezuela một khoản nợ là 400 triệu USD. Một dự án khác không hiệu quả là công ty liên doanh điện tử viễn thông Orinoquia đã ra đời (năm 2010) với 35% vốn đầu tư là của Huawei.

Quan hệ hợp tác theo kiểu bán rẻ tài nguyên quốc gia cho nước ngoài, được xúc tiến (dưới thời Hugo Chavez) nay được tăng cường khai thác (dưới thời Nicolas Maduro). Sau khi Chavez qua đời, Maduro vẫn tiếp tục thỏa thuận cho Trung Quốc và một số nước khác khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiếm (như vàng, kim cương, coltan, boxit, sắt) tại vùng “vòng cung Orinoco”, với tổng diện tích lớn bằng 12% lãnh thổ Venezuela. Nhưng mô hình kinh tế theo “định hướng Xã hội Chủ nghĩa kiểu Venezuela” đã bị phá sản.
Trên thực tế, trong khi sản xuất nội địa của Venezuela không ngóc đầu lên được, thì hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tràn vào. Sau khi biết Venezuela đã lún sâu vào khủng hoảng gần như không có lối thoát, Bắc Kinh không thừa nhận thất bại mà còn từ chối tham gia vào các nỗ lực của khu vực nhằm giúp Venezuela tìm lối thoát. Trung Quốc vẫn tin vào mối quan hệ vững chắc giữa hai chế độ cùng ý thức hệ, với nguồn tín dụng lớn của các ngân hàng Trung Quốc sẽ giúp Venezuela tiếp tục duy trì chính sách bán dầu khí và khoáng sản làm trụ cột của nền kinh tế, mà bất chấp các dấu hiệu biến động thị trường và khủng hoảng chính trị.
Trở về tương lai
Trong bối cảnh Venezuela đang bị nghèo đói (về kinh tế) và phân hóa sâu sắc (về chính trị) không thể có một giải pháp quân sự hay chính trị nào hoàn hảo và hiệu quả ngay, mà cần phải cải cách thể chế chính trị. Muốn khôi phục nền dân chủ tại một đất nước như Venezuela chắc phải mất một thế hệ. Giải pháp can thiệp quân sự là bất đắc dĩ và nhất thời, phải kết hợp với giải pháp kinh tế và chính trị. Tuy Mỹ đang tăng cường sức ép với Venezuela bằng cấm vận và đe dọa can thiệp quân sự, nhưng nếu Mỹ can thiệp thật thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, chắc sẽ bị nhiều nước phản đối (nhất là Trung Quốc và Nga). Nhưng không can thiệp để bảo vệ Juan Guiando vào lúc này thì dễ mất cơ hội (vì Trung Quốc đang đàm phán với Mỹ).
Để thay đổi một cách ôn hòa (tránh bạo loạn và nội chiến) phải có mấy yếu tố cần và đủ (như “game changers”):

Thứ nhất, phe đối lập phải được dân ủng hộ để có chính nghĩa. Cuộc biểu tình với hàng triệu người tham gia (23/1/2019) đánh dấu sự trưởng thành của phe đối lập được dân chúng ủng hộ (từ dưới lên).
Thứ hai, Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando phải được quốc tế công nhận và hỗ trợ (nhất là Mỹ và phương Tây) để có chính danh.
Thứ ba, Juan Guiando phải phân hóa và vận động được quân đội ủng hộ hay trung lập (không đàn áp).
Thứ tư, Juan Guiando phải vận động Trung Quốc (và Nga) chấp nhận để Maduro ra đi. Muốn “thoát Trung” không có nghĩa là phải chống Trung Quốc, mà phải hợp tác với họ (bình đẳng hơn).
Cũng như với Myanmar và các nước khác ở châu Á, Trung Quốc đã thao túng Venezuela bằng mô hình XHCN và “bẫy nợ” (như “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”) nhằm khai thác khoáng sản (như dầu khí). Cái giá phải trả cho mô hình XHCN và phụ thuộc vào Trung Quốc là khó lường, vì đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Đây là một bài học lớn về “thân Trung” do ngộ nhận về ý thức hệ nên đã biến một đất nước vốn giàu đẹp và có một hệ thống chính trị đa nguyên, thành đống đổ nát (a big mess). Nay người Venezuela phải viết lại lịch sử của họ bằng máu và nước mắt, nhằm “thoát Trung” để “trở về tương lai” (back to the future).
5/2/2019 (Tết Kỷ Hợi)
Nguyễn Quang Dy

Nét người, nét chữ

Mạc Văn Trang
nguyenphutrong75
Học sinh đã trưởng thành viết thư thăm hỏi, chúc Tết cô giáo cũ là một việc riêng tư, bình thường. Nhưng việc đó đối với ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim nguyên thủ quốc gia, lại là một sự kiện thú vị, khiến thiên hạ bàn tán. Trong đó có người tâng bốc là “vận nước đang lên”, lại có nhiều bình luận tiêu cực, tùy hứng...
Nhân rỗi rãi, tháng Giêng là tháng ăn chơi, nên nhà cháu xin có vài lời bình về bức thư này trên cơ sở “phân tích sự kiện” khách quan.
1. Công nhận chữ ông Trọng viết đều, đẹp, chỉn chu, chữ ký cũng chân phương, tròn trịa.... Hẳn hồi học Tiểu học, cậu bé Trọng luôn là học sinh ngoan hiền, giữ “Vở sạch, chữ đẹp”, được cô giáo yêu mến và nêu gương cho các bạn trong lớp “học tập, làm theo”... Niềm tự hào từ thuở thơ bé ấy, vẫn âm ỉ trong ông, và nay đứng đầu Đảng, Nhà nước, ông tin rằng, cứ phát huy NÊU GƯƠNG, “học tập làm theo”... là đảng, nhà nước, xã hội sẽ “trong sạch, vững mạnh”, sẽ “kiểm soát được quyền lực”. Do vậy, ông mới chỉ đạo ra cái “Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Và ở đâu ông cũng rao giảng đạo đức, lấy “Đức trị” thay cho cái với ông rất xa lạ, đáng sợ, đáng ghét là: Nhà nước pháp quyền, Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự.
2. Ngoài 70 tuổi, lại quyền cao, chức trọng, nhưng ông vẫn nhớ đến Cô giáo dạy hồi Tiểu học cách đây mấy mươi năm, với niềm kính yêu đặc biệt. Điều đó chứng tỏ ông là người nặng tình cảm, sống DUY TÌNH. Cho nên “xây dựng đảng”, giữ “kỷ cương phép nước” ông cũng duy tình. Ông bảo “vô cùng đau xót” khi một đảng viên, một quan chức bị kỷ luật, bị kết án, mặc dù những phần tử đó đã tha hóa, tham nhũng, phản dân, hại nước, là “giặc nội xâm”, là “sâu, chuột”, bị nhân dân căm ghét, nguyền rủa! Chống tham nhũng với ông không phải là thượng tôn pháp luật, thực thi công lý, làm trong sạch đội ngũ quan chức và xã hội, mà chỉ là “kỷ luật một người để cứu muôn người”! Tức là ông nghĩ, có muôn thằng tham nhũng, nhưng ông chỉ kỷ luật một thằng, thế là muôn thằng còn lại sẽ được cứu, vẫn nguyên chức vụ, tài sản... Thế thì muôn thằng tham nhũng được cứu mới tín nhiệm ông, muốn ông tiếp tục lãnh đạo, để giữ “cái bình” cho “lũ chuột” ung dung ẩn náu, phè phỡn trong đó...
thu_nguyenphutrong_dangthiphuc
3. Cuối thư gửi Cô Giáo, ông Trọng viết: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”. Lưu giữ những kỷ niệm ấu thơ là điều quý giá. Nhưng khi một người thực sự trưởng thành sẽ thấy nhiều điều bố mẹ, thầy cô dạy bảo hồi bé thơ, sẽ trở nên xa lạ trong thời đại mới; nhiều cái có khi còn nực cười... Nhưng với ông Trọng, tất cả đều “không bao giờ phai mờ”... Tức ông là người NỆ CỔ, TRUNG THÀNH tuyệt đối với những gì đã học, đã thuộc, đã nhớ, đã tin. Chính vì vậy, những điều ông đã học về “Lý luận xây dựng đảng”, “Chủ nghĩa Mac – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”, những “Nghị quyết” của Đảng từ các nhiệm kỳ xa xưa, ông đã học, đã nhớ, sẽ “không bao giờ phai mờ”; ông tuyệt đối trung thành và tuân theo những thứ đã học, đã có, đã tin... Hễ nghĩ khác, nói khác, làm khác đi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái”! Với cá nhân ông, việc trung thành tuyệt đối với vợ, không bồ bịch; trung thành tuyệt đối với những điều đã học cũng hay, không sao cả. Nhưng với cương vị người đứng đầu Đảng , Nhà nước mà ai nghĩ khác ông, nói khác ông, làm khác ông là bị quy cho “suy thoái” thì rất tai hại.
4. Cả nội dung và hình thức lá thư cho thấy ông Trọng là người rất NỆ CỔ. Nệ cổ cho nên ông rất SỢ ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO. Ngày nay, chúc Tết cô giáo hay bạn bè, không ai lại viết thư dài dòng bằng tờ giấy gấp tư như ngày xưa nữa. Người ta gửi cho nhau những tấm Thiếp chúc mừng tươi mới, hấp dẫn với lời lẽ chân tình giản dị. Nhưng ông vẫn viết thư như ngày xửa, ngày xưa! Ngay trong Lời Chúc Tết lúc giao thừa năm Kỷ Hợi, ông cũng giữ nếp xưa, lại còn bắt chước, “học theo thơ Bác Hồ”:
“học theo thơ Bác Hồ tôi cũng xin nôm na có mấy vần:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp nước nhà
Cả nước hân hoan mừng Xuân mới
Khải hoàn ta viết tiếp bài ca.
Chào thân ái!
".
Nhiều người dân, mỗi lần nghe ông nói, họ sốt ruột, vì cứ lặp đi lặp lại, ề à, chẳng thấy gì mới. Hình như ông sợ nêu ra vấn đề mới, sợ đối thoại với những cử tri mới, nên lần nào tiếp xúc cử tri cũng thường ở chỗ ấy, cũng mấy đại biểu cử tri “chuyên nghiệp” ấy phát biểu... Ngay vấn đề quốc gia đại sự sôi sục, ông cũng nói “Tình hình biển Đông không có gì mới”... Ông rất sợ cái gì khác lạ, nên mới nói “Không cho phép ai làm trái đường lối của Đảng”. Như vậy trái với nguyên tắc: Người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Người dân chỉ cần quan tâm đến Hiến pháp và Pháp luật, chứ có cần “thuộc lòng” đường lối của Đảng như ông Trọng không?
Tóm lại, “nét chữ là nết người”, qua bức thư Chúc Tết cô giáo cũ của ông Trọng, cho thấy, ông là một học trò ngoan ngoãn, lễ phép, vở sạch chữ đẹp, kính yêu thầy cô với tình cảm rất sâu nặng và tuyệt đối trung thành với những gì đã học, đã có, đã tin... Với một cá nhân bình thường, những điều đó có thể rất hay. Nhưng với một nhà lãnh đạo quốc gia thì những nét tính cách đó ảnh hưởng thế nào, chắc bà con cũng biết..
P/S: Đầu Năm mới, mong các bạn comment xây dựng, tế nhị!
Mồng ba Tết Kỷ Hợi, 2019
Mạc Văn Trang

Gieo nhân ngu, gặt quả ác

 Lê Luân
Image result for cúng sao giải hạn
Những người bỏ tiền ra để đến đình, chùa cầu an, cầu lộc từ nơi cửa Phật bằng cách cúng lễ giải hạn là đang huỷ hoại phật giáo cũng như các nền tảng của các giá trị tinh thần, tâm linh.
Phật không phải thần thánh, Phật chỉ tin vào nhân quả, tức gieo nhân gì gặt quả đó, và Phật chỉ có tri thức (sự giác ngộ) và đi truyền giảng những thuyết lý mình cho là đúng để người dân bớt si (ngu) và bớt tham thì sẽ thoát được khổ đau, bất hạnh. Phật không có phép màu nào để hoá giải các cái “vận hạn” nào của chúng sinh ở cái thời mà ông nào còn có mặt nữa.
Phật để lại cho đời di sản là những giáo lý và phật pháp và những môn đồ đắc đạo để đi truyền bá và giúp cho nhân sinh tránh được sự đau khổ. Phật càng không có tài sản hay lấy gì của ai bao giờ, mà đi hành hương khắp chốn để phổ độ chúng sinh nên biết từ bi, biết cho đi và phải biết xây dựng những giá trị tốt đẹp của con người.
Vậy mà trong đời sống, sống giữa người với người, sau hàng nghìn năm trôi qua, họ nhìn thấy những điều xấu họ không coi đó là trách nhiệm của mình, mà họ lại đến đình, chùa để bỏ tiền mà mua suất lễ cầu khấn để xin được giải hạn, được bình an, được tài lộc.
Các vận hạn hay xui rủi nếu có trong đời sống không phải do Phật đưa tới, nên Phật càng không có phép màu để hoá giải nó. Mà hạn đó nếu có, là do chính con người gieo nên từ trước trong cách hành xử đối với nhau.
Trong đời sống, Phật không mang điều tai ác, hạn hoạ tới cho con người, mà chính con người đã không tự xây dựng để đảm bảo các điều kiện sống tốt cho mình để thụ hưởng, trong đó chính quyền phải đảm bảo về các vấn đề an ninh, trật tự, môi trường kinh doanh, môi trường sống, luật pháp, cơ sở hạ tầng...nếu những điều đó không do chính mỗi người trong xã hội làm việc và xây dựng thì những rủi ro, xui hạn sẽ có khả năng xảy đến nhiều hơn và mức độ lớn hơn với bất cứ ai. Những điều đó không ai có thể hoá giải được.
Image result for hora del planeta 2011
Muốn tránh bệnh tật thì môi trường sống phải trong lành, muốn tránh ngu dốt thì phải đi học, muốn tránh bạo lực thì phải biết nhường nhịn, muốn tránh được tai nạn phải có đường xá và phương tiện an toàn, muốn tránh gia đình mâu thuẫn phải biết yêu thương và bao dung, muốn xã hội an ninh thì phải có chính quyền dân chủ và luật pháp phải nghiêm.
Những điều kiện sống ấy nếu không được đảm bảo và do chính chúng ta gây dựng nên thì chính nó là nhân để mang quả (hạn hoạ, xui rủi) tới cho chúng ta vào một lúc nào đó. Nên nhớ Phật, thần không gieo điều ác thì không thể cầu họ để xoá đi vận hạn trong đời thực của con người. Con người đến đình, chùa là để vãn cảnh và tĩnh tại tâm hồn, học hỏi phật pháp, nghe giảng giáo lý, để giác ngộ và trở nên tốt đẹp hơn, và khi trở về cuộc sống sẽ đối đãi với người khác tử tế và lương thiện hơn.
Đằng này đến đình, chùa mà nhốn nháo ngồi tràn cả ra đường bất chấp thời tiết, giao thông, trộm cắp, lấn chiếm và gây cản trở sinh hoạt công cộng của người khác, thì ngay cái đó đã là một sự nhạo báng với Thánh, Phật mà họ đang tìm đến bái lạy cầu khấn rồi.
Mà hơn thế là, nếu đến chùa, đình cúng cầu xong rồi trở về đời sống vẫn xả rác bừa bãi, vẫn ăn to nói lớn tục tằn, vẫn sinh hoạt vô độ, vẫn gian manh lọc lừa, vẫn tâm địa xấu xa, vẫn làm điều ác, thì đó khác gì sỉ nhục những đức Thánh, Phật.
Ở phương Tây, vào thế kỷ thứ 15, cũng phải nhờ đến một linh mục là Martin Luther quả cảm đương đầu đấu tranh cương quyết với các thế lực nhân danh tôn giáo đang hoành hành và phá hoại nền tảng văn hoá và xã hội ở các vùng miền để làm cho dân chúng ngu đần và mê muội hơn (khiến cho nó trở thành một vùng đệm chính trị cho những kẻ cầm quyền lợi dụng để cai trị dân chúng, thậm chí giới cầm quyền còn e ngại cả chức sắc tôn giáo). Tình trạng đó đã khiến Ông phải đứng lên đấu tranh để cải cách ngay chính đối với tôn giáo thời bấy giờ và từ đó bước vào thời kỳ khai sáng và phục hưng vĩ đại của nhân loại.
Nếu cứ ngu dốt và u mê, cuồng tín loạn thần trong dốt nát thế này thì dân tộc và đất nước không thể tự cường và phát triển, văn minh lên được. Vì đó chính là việc gieo nhân ngu dốt, thì ắt gặt quả tai hoạ.

Những vòi hút máu

Đỗ Ngà
Vì sao BOT An Sương - An Lạc bị phản đối?

Một trạm BOT thu mỗi ca từ 2 đến 3 tỷ, mỗ ngày 3 ca, vậy số tiền của có thể thu từ 6 đến 9 tỷ, còn lại báo với BGTVT chỉ 1 tỷ, tính ra số tiền bỏ túi rất lớn. Như vậy từ con số báo cáo láo đó, các trạm BOT sẽ kéo dài thời gian thu phí. Và số tiền họ ăn cướp của nhân dân là nhiều vô số.
Việc thu phí BOT cao và kéo dài thời gian, chính nó sẽ đẩy chi phí vận tải lên cao. Mà chi phí vận tải cao sẽ đẩy giá cả tất cả các mặt hàng tăng lên. Cùng với thuế xăng người mà dân Việt phải đóng vào giá đến 120% so với giá gốc, thì giá cả hàng hoá ở Việt Nam bao giờ cũng neo rất cao so với khu vực.
Với thu nhập của người dân Việt chỉ tầm 2.400 đô, thấp thuộc nhóm dưới trong khu vực Đông Nam Á, mà giá cả hàng hóa lại cao, thì kéo theo đó là chất lượng cuộc sống người dân sẽ thấp. Ý nói chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam thấp là so với những quốc gia nghèo có thu nhập tương đương chứ không phải so với các nước giàu hơn.
Thuế cao, nhưng an sinh xã hội hoàn toàn không có, điều đó cho thấy, tham nhũng đã rỉa hết phần người dân đáng được hưởng. Quan chức thì tham nhũng tiền ngân sách, mà ngân sách cũng tiền dân. Thêm vào đó, doanh nghiệp sân sau đặt vòi BOT hút máu dân nữa thì hỏi dân còn gì? Chẳng còn gì cả, và họ bị buộc phải lao động nhiều hơn để "đủ sống". Nhưng từ "đủ sống" chỉ là mồi nhử, cứ nỗ lực mà không biết đòi hỏi thì không bao giờ dân đủ sống thực sự. Thực chất sự nỗ lực của dân là chỉ nhằm để nhà nước và khối doanh nghiệp thân hữu bóc lột nhiều hơn mà thôi. Ngồi không hút máu dân sống phè phỡn, như vậy làm sao bọn chúng buông ra được? Chắc chắn một điều, chúng sẽ trừ khử hay đánh mạnh những ai dám lên tiếng vì sự công bằng.
Một ngày từ 6 đến 9 tỷ, báo cáo 1 tỷ, còn 2 tỷ bỏ túi. Quá béo bở, nên ai muốn đánh dẹp BOT thì chúng cũng sẽ chiến tới cùng. Với mỗi ngày 2 tỷ bỏ ngoài sổ sách, bọn BOT chỉ cần bỏ ra mỗi ngày trăm triệu để thuê công an và côn đồ để bảo vệ chúng, thì chắc chắn bọn này sẽ đến xếp hàng đông như Nguyên. Chính đám này sẽ hăm dọa trả thù, đánh đập những người dân nào dám đánh BOT của nó. Điều này ví như bọn BOT cướp tiền nhân dân, rồi dùng tiền đó mua roi quất vào nhân dân cho chừa thói đòi hỏi.
Mới đây một ông phó thủ tướng nói rằng "năm 2021 công chức sống bằng lương". Điều này đặt ra câu hỏi rằng, từ trước tới giờ công chức không sống bằng lương nhưng họ vẫn sống, có người còn rất giàu, vậy tiền ở đâu ra? Cho nên từ câu nói này, chúng ta mới thấy tỷ lệ tham nhũng ở Việt Nam phải là 100%, nói đến chuyện "trong sạch" ở Việt Nam là hoang tưởng.
Ông Trọng đốt lò ầm ầm, nhiều củi của đối thủ chính trị bị chụm, nhưng tiền ngân sách bị hút như nước đại dương, còn tiền thu hồi thì như giọt cà phê. Mà đã 100% tham nhũng thì có thằng "trong sạch" nào để trám vào lỗ trống? Không có. Cho nên chuyện chống tham nhũng của CS Việt Nam là chuyện dùng tham nhũng để thay thế tham nhũng. Cho nên Tổ Chức Minh Bạch Thế Giới (Transparency International) đã xếp hạng chỉ số tham nhũng CPI (Corruption Perceptions Index) cho Việt Nam tụt 10 hạng. Nghĩa là nhóm quan chức mới thay thế những quan chức cũ có mức độ tham nhũng cao hơn. Chỉ có đàn cừu mới tung hô ông Trọng chứ thế giới người ta quá hiểu bản chất của chiến dịch này.
Đấy là toàn cảnh một xã hội Việt Nam hiện nay, nhìn như là một cỗ máy hút máu toàn dân. Chống tham nhũng kiểu ông Trọng nếu gọi đúng bản chất là thay vòi hút mà thôi. Sẽ không có gì khác cho thời hậu đốt lò. Với sự cai trị của ĐCS thì nhân dân mãi là đối tượng để Đảng và đám kinh tế thân hữu hút máu. Sẽ không thể khác. Chính ĐCS là nguyên nhân của nghèo đói và bất công xã hội. Chắc chắn sẽ không có chuyện ĐCS hy sinh quyền lợi của nó. Việc loại bỏ vai tro cai trị của ĐCS là nhiệm vụ của gần 100 triệu dân. Mình không biết tự giải thoát cho mình thì chẳng ai làm giùm cho.

Sổ đen Mậu Thân

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Tôi từng dịch rất nhiều bài báo về cuộc thảm sát Mậu Thân vào năm 1968. Những bài báo của các phóng viên Anh và Mỹ vạch ra tội ác giết hại dân lành hết sức tàn bạo của cộng sản Bắc Việt khiến cả thế giới văn minh kinh hoàng. Nhiều bài báo nói về những toán lính cộng sản và những kẻ nằm vùng chỉ điểm mang theo sổ đen và đi đến tận từng nhà nạn nhân bị ghi trong sổ. Nạn nhân sau đấy bị xử bắn tại chỗ hay bị giải đi. Số phận họ về sau được hé lộ không thể nào tưởng tượng được qua những hố chôn tập thể và vô số những nấm mồ khắp nơi ở Huế và qua lời kể của các nhân chứng may mắn trốn thoát.

Quân đội Hoa Kỳ đã tịch thu được một trong những sổ đen với rất nhiều chi tiết mà chỉ có bọn nằm vùng địa phương biết rành. Sổ đen tôi sưu tầm được dài hơn 60 trang ghi lại địa chỉ đường phố, tên tuổi nạn nhân và những người trong gia đình, nghề nghiệp mỗi người, quan hệ họ hàng, quan hệ xã hội, lý lịch, quan điểm chính trị hầu như của tất cả những nạn nhân. Có người được ghi rõ họ và tên, có người chỉ ghi tên. Nhưng tất cả nạn nhân đều được phân loại theo tên đường phố nơi họ sống, theo quận huyện và làng xã. Những chi tiết về thân nhân họ và mối liên hệ trong gia đình và dòng họ được ghi chép lại tỉ mỉ. 

Nạn nhân không chỉ là những người lính thường, cảnh sát, thành viên các đảng quốc gia như Cần Lao, Quốc Dân Đảng, Đại Việt, dân biểu, viên chức làng xã, công chức ở thành phố và cấp làng xã. Sổ đen còn ghi lại tên và địa chỉ cư trú của những nạn nhân có những nghề nghiệp như thầy giáo, hiệu trưởng, tài xế, thông dịch viên, cảnh sát công lộ, võ sĩ, kỹ sư lâm nghiệp, chủ quán bar, chủ tiệm thuốc bắc, nhân viên đội chống sốt rét, thợ uốn tóc, thợ cắt tóc, thợ rèn, thợ mộc và cả những người không có chỗ ở nhất định. Có những người họ chỉ ghi là thành phần hợp tác với kẻ thù hay chỉ đơn thuần là những người không thích cộng sản. Chỉ cần gán cho tất cả những nạn nhân nhãn hiệu ác ôn hay thành phần có nợ máu với nhân dân hay không thích cộng sản là số phận chung cuộc bi thảm của họ và gia đình đã được định đoạt. Họ bị hành hình, chôn sống, chặt đầu hay tùng xẻo, bị chôn vùi trong những hố chôn nông cạn và vùi lấp vội vàng với hai tay bị trói thúc ké. 

Những gì phóng viên Phương Tây và người Việt nhìn thấy ở các địa danh như Phú Thứ, Gia Hội, Khe Đá Mài vân vân sau này tất cả chỉ là sản phẩm cuối cùng của tội ác được lên kế hoạch ở Hà Nội và được cụ thể hóa và chi tiết hóa bởi bọn nằm vùng và thân cộng ở Huế và được kết thúc bằng báng súng, lưỡi lê và những băng đạn nhập từ Trung Cộng và Liên Sô. 

Bạn đọc có thể đọc tài liệu về sổ đen này qua bản dịch tiếng Anh, và các gia đình nạn nhân đã tìm được thi hài hay không tìm được thi hài người thân của họ biết đâu có thể thấy tên người thân hay người quen của họ trong sổ đen này. 

Người viết chỉ dịch lá thư của Hồ Chí Minh được ghi chép vào sổ đen. Lá thư là bằng chứng không thể chối cãi không những của Hồ mà còn của toàn bộ giới lãnh đạo cộng sản Bắc Việt đương thời về việc gây ra tội ác đầu xuân chống lại nhân loại vô nhân đạo nhất và kinh hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam và có lẽ thế giới. 

"Đồng bào và các chiến sĩ! 

Bác Hồ một lần nữa nồng nhiệt chúc mừng nhân dân và các chiến sĩ Miền Nam anh hùng đã chiến thắng vẻ vang. 

Để cảm ơn và để trả lời những lá thư gởi từ những đơn vị khác nhau của các cán bộ và chiến sĩ hứa hẹn lập công, Bác gởi đến các cháu những lời dặn dò sau: 

1. Có quyết tâm lớn. 

2. Kế hoạch phải được vạch ra cẩn thận. 

3. Phải xử dụng cẩn thận sự kiểm soát. 

4. Phải tiến hành phối hợp cho thật tốt. 

5. Thực hiện đúng tất cả các mệnh lệnh. 

6. Cán bộ phải làm gương. 

7. Tuyệt đối giữ bí mật. 

Dưới lá cờ của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam, nhân dân và các chiến sĩ chúng ta phải luôn luôn duy trì sự đoàn kết chặc chẽ. Chúng ta không nên sợ khó khăn và hy sinh mà phải quyết tâm đánh bại bọn xâm lược Mỹ. Làm được như thế, chúng ta sẽ đạt được nhiều chiến thắng to lớn. 

Nhất định thắng. 

Ngày 19 tháng Ba 68 

Bác Hồ" 

Nguồn:

Người dịch:

Hội nhập thế nào được?

Đỗ Văn Ngà|

arzan là anh chàng sống lâu trong rừng, đu cây như khỉ, có thể hiểu ý thú rừng như bạn bè. Đấy là mặt ưu việt của cậu ta. Thế nhưng vì sống rừng ngủ hang cả cuộc đời nên cậu ta không biết cuộc sống của loài người văn minh.
Chuyện kể rằng, khi Tarzan vào thành phố, anh ta bước vào sảnh một khách sạn sang trọng, chẳng may lúc ấy Tarzan mắc ị và nhìn quanh quẩn tìm chỗ giải quyết. Bất chợt, anh ta thấy chậu cây cảnh được đặt giữa sảnh. Thấy đó là chỗ ị tốt nhất, Tarzan nhảy vào bụi cây ấy trút hết bụng phân ra đấy làm cả sảnh bốc mùi nồng nặc.
Vâng! Đấy là một chuyện bịa nói cho vui, nhưng trong đó có ngụ ý. Ngụ ý nói đến thói quen của một con người hoàn toàn sống tách biệt với thế giới văn minh nên mang thói quen rừng rú như thế. Rất vô tư, và anh ta cũng không biết đó là điều cấm.
- Quảng Cáo -
Trong thế giới văn minh, người ta có luật chơi chung. Để tạo thành một thế giới trong sạch hơn, ít tội phạm hơn, các nước thường kí những điều ước tương trợ tư pháp. Có thể ký song phương hoặc kí đa phương trong một sân chơi chung như tổ chức Interpol. Khi người phạm tội nước anh trốn sang nước thứ 2, thì anh chỉ có thể yêu cầu nước thứ 2 bắt dẫn độ về cho anh. Anh hoàn toàn không có quyền sang nước người ta bắt cóc. Nếu làm vậy, chính anh là một tội phạm trên đất nước họ. Anh đã dùng một hành động phạm pháp để bắt một người phạm pháp.
Không biết chính quyền CSVN suốt ngày hô hào “hội nhập”, nhưng họ cứ dùng cách của đám thảo khấu để làm việc với các nước khác bất chấp luật pháp quốc tế và luật pháp pháp nước sở tại, thì họ có nhận thấy chính họ đã sai hay không? Có lẽ vì não trạng của lãnh đạo CS chỉ có vậy nên họ không nhận ra, và thậm chí họ còn nghĩ việc họ làm là đúng. Trước đây thì sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nên giờ đây hiệp định thương mại EVFTA đang có nguy cơ bị hoãn phê chuẩn. Mới đây thì mấy ông CSVN đã sang Lào bắt cóc Trần Bắc Hà, và hiện nay sang Thái Lan bắt cóc Trương Duy Nhất. Đã vào thế giới văn minh mà sao CS cứ tụt quần ị bậy như thời ỉa đồng vậy hả ông Trọng?
Không bàn tới tội của những người bị bắt, chuyện đó xét sau. Bài này muốn nói đến cách “hội nhập” của CSVN với thế giới. Đã muốn hòa nhập với thế giới thì phải tự sửa mình cho hợp với luật chơi chung. Chả lẽ ông muốn cả thế giới phải chấp nhận bản chất rừng rú của riêng ĐCS để chính quyền ông “hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc” như CS các ông từng rêu rao hả ông Trọng?

“Cảm ơn” hai kẻ cướp Dầu Giây !

Văn Thịnh Hà|

Cha ông nói cấm có sai: Cháy nhà ra mặt nhọ nồi!
“Nhờ” có vụ cướp liều lĩnh mà Nhân Dân cả nước biết rõ SỰ THẬT: Mỗi ngày, chỉ một trạm BOT đã thu được số tiền 3- 4 tỷ đồng (lễ tết là 6-7 tỷ), trong khi báo cáo chính thức chỉ công bố là… trên 1 tỷ(?!)
Cái lệch pha tréo ngoe của các con số nói lên nhiều điều lắm…
Chúng khẳng định thêm rằng – cái cơ chế tệ hại này tạo ra muôn vàn kẽ hở đển các loại quan chức tha hồ cướp bóc của Dân một cách… hợp pháp! Nói như nhà thơ Nguyễn Duy, cướp có con dấu, có dùi cui, có đủ các kiểu trấn áp!Chúng nói rằng BOT (và các quan liên quan đến BOT từ trước đến khi… hết thu) lãi khủng khiếp: Ít nhất, gấp 3-4 lần số vốn đầu tư!
Nếu không thế thì việc gì cứ phải giấu quanh là mỗi ngày chỉ thu có một tỷ?
Chúng tố cáo rằng: Tại sao Nhà nước – Chính phủ không áp dụng trên toàn quốc việc thu phí tự động?
Chỉ cần cài đặt phần mềm, công bố rõ ràng, giám sát chặt chẽ – đến thời điểm đồng tiền cuối cùng nạp đủ thì BOT tự động… xả cổng!
Đừng có bao biện là khó – bởi thời buổi này cái lý lẽ cùn, cà lăm ấy khó nghe lắm.
Thử nghĩ xem: tại sao một giải bóng đá người ta có đồng hồ đếm ngược – trừ dần chính xác từng giây mà BOT lại không thể đếm ngược đến đồng tiền cuối cùng, nếu thu phí tự động?
Các vị đừng có loanh quanh bao che cho nhau: BOT là thứ CỦI BỰ CHẢNG, nếu lò đích thực là lò muốn cháy đượm, cháy bùng lên, sao lại “chê” loại củi có tiền tươi, thóc thật này?
Năm Mới, xin “cảm ơn” hai kẻ cướp!
———————-
Lòi hẳn ra gần 70 cái BOT hút máu người dân qua phương tiện vận tải là Ô tô, chắc hẳn đầy rẫy các ông các bà cũng tự thấy mình bị ai đó hút máu năm này qua năm khác rồi.
Mấy ông bà Doanh nghiệp có dám nhận mình bị vặt lông không? Từ thuế, quản lý thị trường, hải quan, an toàn cháy nổ, an toàn xây dựng, các thủ tục hành chính…cái gì cũng bị bộ máy đè ra vặt
Mấy ông bà dân bị vặt cũng đủ thứ. Muốn bán mua cái gì cũng bị vặt, đi làm cái cmnd cũng bị vặt, muốn sửa cái nhà xí, chuồng gà cũng bị vặt, buôn bán chút chút cũng bị mang đủ các quy định ra để hành rồi vặt, thậm chí để hưởng bảo hiểm hay viện trợ y tế nhân đạo cũng bị đè ra vặt.
Cả XH như đàn vịt quanh năm bị đè ra vặt và vặt.
Thế nhưng cứ câm như hến ngậm bồ hòn để yên thân rồi hễ ai đụng đến “vinh quang muôn năm” là nhảy dựng lên như mộ tổ tiên bị đào bới.
Nhiều thằng nhiều con ngu cứ lí luận là nước nào mà chả đóng thuế. Nhưng ở các nước thuế má nó vào hạ tầng, phúc lợi XH. Còn ở xứ này nó thành biệt phủ, siêu xe, thành đời sống giàu sang nơi trời Tây của quan chức, tài phiệt và con cháu.
Đầu năm nói lại bảo gắt, chứ đúng là dân tộc không xứng mà so với con lừa./.

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng


Luân Lê|

hững ngày lễ tết là thời gian thể hiện rõ nét những vấn đề tệ hại thuộc về tâm tính phần đông người Việt: uống bia, rượu quá nhiều và nài ép người khác một cách vô độ; đánh cãi, xô xát vì va chạm hay lời qua tiếng lại; xả rác vô tội vạ ở đình, chùa cũng như nạn lừa đảo, chặt chém, trộm cắp hoành hành ngay tại nơi cửa phật, đền thánh; cướp giật, dẫm đạp nhau để giành lộc nơi thờ phụng tâm linh (cái nơi cần sự tôn nghiêm và văn hoá nhất lại là nơi minh chứng rõ nhất của thói vô văn hoá và phỉ báng tâm linh nhất).
Một xã hội mà ai cũng như ai đều mâm cao cỗ đầy dâng lễ (như một hình thức hối lộ) tới thánh thần, phật trì thì trong đời sống thường ngày những kẻ như vậy cũng sẽ sẵn sàng dùng tiền bạc, lợi ích hối lộ kẻ có quyền thế để đạt được mục đích của mình. Cái tâm địa xấu xa (tham, sân), cái nhận thức tối tăm (si) còn bủa vây trong trí não thì không có thần thánh nào phù hộ hay ban phước lộc cho được.
Còn nhiều trò mê tín dị đoan lầm lạc như bói toán, hầu bóng…vẫn được nhiều nơi, nhiều người coi như một cứu cánh hữu hiệu để giải hoá các vấn đề mà trong đời sống họ gặp phải nhưng ngu dốt và không có cơ chế để giải quyết khiến họ mê muội cuồng tín vào những trò tâm linh quái dị.
Hơn nữa, về nguyên lý chuẩn tắc, không chức sắc tôn giáo nào sẽ tham gia vào hoạt động hoặc thiết chế chính trị nào trong một nhà nước, dù là nhà sư hay linh mục, vì bổn phận của họ là phục vụ các đức tin đối với Phật hay Thượng đế với các giáo lý của mình. Đằng này, quốc hội của ta lại có cả các vị sư sãi làm đại biểu. Ngay cả thời hưng thịnh phật giáo nhất thời Trần, các nhà sư cũng chỉ với vai trò là những người thuyết giáo hoặc làm cố vấn, thày dạy phật pháp đối với vua chúa, quan lại, chứ không đảm nhận chức vị nào trong triều đình. Thậm chí hiện nay nhiều nhà sư còn là đảng viên kỳ cựu và nhiều người tham gia hoạt động chính trị trong bộ máy công quyền. Thật cám cảnh hết chỗ nói./

Hình ảnh: Diễn hành Tết Kỷ Hợi trên phố Bolsa

'Em tự hào là người Việt Nam' - Biểu ngữ của các thanh thiếu niên gốc Việt tham gia diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV)- Cuộc Diễn Hành Tết Kỷ Hợi (Tết Parade), bắt đầu lúc 9 giờ 30 sáng nay, Thứ Bảy, 9 Tháng Hai, trên phố Bolsa, trục đường chính của khu Little Saigon, Nam California.
Trước đó, ngay từ sáng sớm đã có cơn mưa nhẹ và thành phố Westminster đóng một số đường dẫn vào đại lộ Bolsa để phục vụ cho cuộc diễn hành.
Cuộc diễn hành đã kết thúc sau 12 giờ trưa nay. Sau đây là một số hình ảnh về cuộc diễn hành này.
Xe hoa tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa của Hội Đền Thờ Quốc Tổ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa của Văn Phòng II, Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đoàn diễn hành của Gia đình Phật Tử Liên Hoa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa của các cựu nữ trung học Trưng Vương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các cựu quân nhân VNCH tham dự diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa của một cơ sở thương mại tham gia diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các thành viên của Hội LGPT ở Orange County tham gia diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Dân biểu liên bang Lou Correa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Dân biểu tiểu bang California Tyler Diệp bắt tay một cử tri. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Cựu Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California Janet Nguyễn tham gia diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa do ngựa kéo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa của Hội Cao Niên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Người dân đứng chật lề đường Bolsa xem diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các thanh thiếu niên tham gia cuộc diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Quốc kỳ VNCH trong lễ diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Chủ tịch Học Khu Garden Grove bắt tay các cử tri đi xem diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal trong đoàn diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Một chiếc xe hoa năm Hợi khác. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa tượng tru7ngcho năm Hợi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Một chiếc xe hoa trong đoàn diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Dựng lại cảnh Vua Quang Trung cưỡi ngựa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Xe hoa rước tượng Vua Quang Trung. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Màn trình diễn độc đáo của đội trống Thiên Ân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Màn trình diễn của vũ đoàn Việt Cầm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí (bìa phải) và các quan khách dự lễ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ban Tổ Chức cuộc diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Cắt băng khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Múa lân, cây nêu, tràng pháo trong lễ khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Người dân đứng chật hai bên đường khu vực sân khấu chính của cuộc diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Cuộc diễn hành khai mạc khi cơn mưa đã tạnh, thời tiết nắng đẹp, nên hàng ngàn người dân đổ ra đường Bolsa xem diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Nghi thức chào cờ VNCH và phút mặc niệm trong buổi khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Niềm vui trong ngày diễn hành. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Phố Bolsa sáng sớm nay, Ban Tổ Chức dựng cây nêu, tràng pháo trong cơn mưa nhẹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)