Sunday, May 17, 2015

Trung Quốc bị đòi thả Ban Thiền Lạt Ma

Theo BBC-17 tháng 5 2015
Người dân Tây Tạng lưu vong thúc giục chính quyền Trung Quốc thả vị Ban Thiền Lạt Ma bị bắt khi mới 6 tuổi và 'mất tích' trong suốt 20 năm qua.
Những người Tây Tạng lưu vong kêu gọi Trung Quốc thả một nhà tu hành cao cấp từng bị mất tích 20 năm trước, khi ngài vừa tròn sáu tuổi.
"Cậu bé được tuyên xưng" đã bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ chỉ ba ngày sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố cậu là Ban Thiền Lạt Ma tái sinh.
Ban Thiền Lạt Ma là nhân vật quan trọng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng.
Nhiều người coi ngài là một trong những tù nhân chính trị bị giam giữ lâu nhất trên thế giới.
Trung Quốc đã từ chối cho biết chi tiết về nơi ở của Gedhun Choekyi Nyima.
Năm 1995, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tự lập một người khác, Gyaltsen Norbu, làm Ban Thiền Lạt Ma.
Nhân vật này được những người Tây Tạng lưu vong mô tả là một "con rối”, một Ban Thiền "dỏm" do chính quyền "vô thần" của Đảng Cộng sản Trung Quốc dựng nên.
Wangdue Tsering, người phát ngôn báo chí của Văn phòng Tây Tạng ở London, nói với BBC rằng các sự kiện diễn ra vào ngày Chủ Nhật trên toàn thế giới nhằm đánh dấu 20 năm sự kiện Ban Thiền Lạt Ma Gendhun Choekyi Nyima mất tích.
Thiếu nhi người Tây Tạng lưu vong đánh dấu ngày vị Ban Thiền Lạt Ma bị bắt cóc và mất tích tròn 20 năm.
Các sự kiện bao gồm một buổi thắp nến bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại London.

Hai Ban Thiền Lạt Ma

Gedhun Choekyi Nyima được Đức Dalai Lama tuyên xưng là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 vào ngày 14/5/1995.
Ngài bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trong vòng ba ngày kể từ khi được bổ nhiệm.
Trung Quốc cho tới nay tiết lộ rất ít thông tin về vị Ban Thiền Lạt Ma hoặc nơi ở của ngài, chính quyền nói điều này là “cần thiết” để bảo vệ không bị "những người ly khai bắt cóc."
Mặc dù Đức Lạt Ma này bị cấm tiếp xúc với người nước ngoài, Trung Quốc nói ngài được đi học và đang sống một “cuộc sống bình thường” ở Trung Quốc.
Chính quyền cũng nói cha mẹ ngài đều làm việc cho nhà nước, và anh chị em của ngài cũng đang làm việc hoặc đang học đại học
Trong khi đó, Gyaltsen Norbu, là người được Trung Quốc hậu thuẫn làm “Ban Thiền Lạt Ma thứ 11”.
Vị “Lạt Ma” này được nhà cầm quyền Bắc Kinh chọn là hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma khi lên sáu tuổi.
“Lạt Ma” do Trung Quốc chọn là con trai của hai Đảng viên Cộng sản.
Thời thơ ấu, nhân vật được chọn này đã sống ở Bắc Kinh trước khi trở lại Tây Tạng để “nghiên cứu” Phật giáo.
Đức “Ban Thiền Lạt Ma” do Bắc Kinh tuyên xưng được chọn ra bằng cách “rút thăm” từ một chiếc hũ vàng - một phong tục bắt nguồn từ năm 1792 và được sử dụng để chọn các vị Lạt Ma thời trước.
Nhưng các nhà chỉ trích nói rằng vụ ‘rút thăm này’ đã bị nhà chức trách Trung Quốc thao túng.

Kêu gọi cộng đồng

Ban Thiền Lạt Ma do chính quyền Trung Quốc dựng nên là một thứ "đồ dỏm" và "không thể chấp nhận", theo giới chỉ trích.
Vị Lạt Ma được nhà nước hậu thuẫn lần đầu tiên xuất hiện bên ngoài Trung Hoa lục địa vào hồi tháng 4/2012, khi tới Hong Kong và phát biểu trước 1.000 nhà sư.
"Chúng tôi đang kêu gọi cộng đồng thế giới để giúp chúng tôi tìm ra nơi mà vị Ban Thiền Lạt Ma của chúng tôi đang ở," ông Tsering nói với nhà phân tích Michael Bristow của BBC.
"Đã 20 năm kể từ khi ngài biến mất và chúng tôi không biết ngài ở đâu, gia đình của ngài ở đâu và ngài hiện ra sao.
“Chúng tôi muốn chính quyền Trung Quốc đưa ra một số thông tin."
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc " can thiệp trắng trợn vào hệ thống luân hồi" - đặc biệt là hóa thân của Đức Dalai Lama và Ban Thiền Lạt Ma.
Chính phủ Trung Quốc xem Đức Dalai Lama là một nhà ly khai
Tây Tạng hiện được Trung Quốc cai trị như một khu tự trị.
Một Phật tử Tây Tạng cầm ảnh của vị Ban Thiền Lạt Ma thiếu thời khi vị này bị Trung Quốc bắt đi và 'mất tích' từ đó tới nay.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một trăm năm ở khu vực này, nhưng nhiều người Tây Tạng cho rằng Tây Tạng đã bị Trung Quốc chiếm làm thuộc địa.
Trung Quốc đã phái hàng ngàn binh sĩ tới vùng này vào năm 1950 để thực thi tuyên bố chủ quyền.
Một số khu vực đã trở thành khu tự trị Tây Tạng và những khu vực khác bị chia nhỏ và nhập vào các tỉnh lân cận của Trung Quốc.
Năm 1959, sau một cuộc nổi dậy chống Trung Quốc thất bại, vị Dalai Lama thứ 14 đã thoát khỏi Tây Tạng và thiết lập một chính phủ lưu vong ở Ấn Độ.
Bắc Kinh xem Đức Dalai Lama là một mối đe dọa ly khai, mặc dù ngài đã nhiều lần tuyên bố rằng mục tiêu của ngài là quyền tự trị của Tây Tạng thay vì độc lập.

Nhật trở lại Biển Đông, VN nên làm gì?


Các tàu của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản đang rời căn cứ hải quân Sasebo thuộc khu vực Nagasaki.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự trỗi dậy của Nhật Bản ở Đông Á đã gây ra những xáo trộn mạnh về chủ quyền trên Biển Đông.
Thực trạng lúc đó là Trung Quốc chỉ kiểm soát 2 trong số 4 cụm đảo: Đông Sa (Pratas) và Trung Sa. Nhà Nguyễn Việt Nam thực thi chủ quyền ở Trường Sa (Spartly) và Hoàng Sa (Paracel) suốt một thời gian dài nhưng bị gián đoạn bởi sự xâm lược quân sự của Pháp.
Nhà Thanh thất bại nặng trong chiến tranh với Nhật Bản vào năm 1894, buộc phải ký Hòa ước Mã Quan (còn gọi là Hòa ước Shimonoseki). Hòa ước giao chủ quyền của đảo Đài Loan và Bành Hồ cho phía Nhật Bản, chưa kể nhiều nhượng bộ khác. Lãnh hải bị thu hẹp nghiêm trọng, người Trung Hoa bắt đầu lo sợ trước sự bành trướng của hải quân Nhật Bản.
Đầu thế kỷ XX, hoạt động của người Nhật ở vùng biển phía nam Trung Hoa ngày càng nhiều, cả dân sự lẫn quân sự, có lúc dẫn đến tranh chấp ở Đông Sa của Trung Hoa. Các tàu cá của Nhật đánh bắt ở Trường Sa và Hoàng Sa ngày càng nhiều.
Các chuỗi sự kiện này đã đánh động chính quyền Trung Hoa tìm cách ngăn chặn những xâm lấn tiếp theo của Nhật Bản, dẫn tới việc tuyên bố chủ quyền một cách vội vã và thiếu cơ sở pháp lý trên quần đảo Hoàng Sa của Đại Nam vào năm 1909.

Tranh chấp tay ba

Các hoạt động kinh tế của Nhật trên một số đảo ở Trường Sa- Hoàng Sa sau đó đã khiến cho vấn đề chủ quyền trên Biển Đông trở thành cuộc tranh chấp tay ba giữa Pháp (đại diện cho quyền lợi của Đại Nam) – Trung Hoa Dân Quốc – Nhật Bản.
Từ năm 1938 cho đến năm 1945, Nhật Bản từng bước tiến hành chiếm đóng và kiểm soát toàn bộ các cụm đảo nổi trên Biển Đông: Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa, Trường Sa được sát nhập vào Đài Loan thuộc Nhật. Việc kiểm soát các cụm đảo này chấm dứt sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vào năm 1945.
Việc giải quyết các vấn đề hậu chiến của Nhật Bản lại châm ngòi cho những tranh chấp trên Biển Đông giai đoạn tiếp theo. Tại hội nghị San Francisco năm 1951, Nhật Bản chính thức tuyên bố “khước từ mọi chủ quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” nhưng lại không chỉ đích danh ai là người kế thừa chủ quyền - một sự cố tình lảng tránh nếu so sánh với sự cẩn thận của Nhật Bản khi giải quyết vấn đề chủ quyền đối với Formosa (Đài Loan), quần đảo Kurils và Sakhalin.
Tàu USS Blue Ridge (LCC-19) của Hải quân Hoa Kỳ vừa hiện diện ở Nhật Bản vào cuối tháng 3/2015.
Sự nghi ngờ này là có cơ sở khi chỉ 7 tháng sau hội nghị San Francisco, Nhật Bản và Đài Loan ký với nhau một hiệp ước hòa bình riêng rẽ, trong đó khoản 2 mặc nhiên công nhận hai quần đảo trên thuộc chủ quyền của Đài Loan, đồng nghĩa với việc chối bỏ chủ quyền được đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố công khai tại hội nghị San Francisco.
Vì lý do này nên về sau, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc cùng nhiều nước khác đã lợi dụng sự vắng mặt của mình trong hội nghị San Francisco và sự thiếu minh bạch trong tuyên bố của Nhật Bản để diễn giải theo hướng có lợi cho các hoạt động xâm lấn và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Từ đó tới nay Nhật Bản không có tuyên bố nào giải thích lại quan điểm về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Tất nhiên Nhật Bản không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những xung đột quân sự và ngoại giao diễn ra về sau ở khu vực này. Nói một cách công bằng, đó là sản phẩm lịch sử của các mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau cũng như giữa các nước lớn với các đồng minh.

Nhật - Mỹ cùng trở lại

Tranh chấp về chủ quyền các đảo nhỏ ở Biển Đông hiện nay giữa 6 nước, mà nổi bật là tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đang dẫn tới một tình huống rủi ro chưa từng có tiền lệ cho an ninh thương mại toàn cầu. Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay là việc thách thức một cách khéo léo luật pháp quốc tế thông qua việc xâm lấn có định hướng, chậm rãi nhưng kiên quyết, lãnh thổ của các nước láng giềng, tương tự như cách Nga đang can thiệp vào Ukraine hiện nay. Các cuộc xâm lấn “mini” không tuyên chiến này đang là lựa chọn hiệu quả để đối phó với áp lực từ quốc tế. Rõ ràng, các nước lớn có trách nhiệm không thể liều lĩnh đặt quyền lợi quốc gia của mình vào chỗ nguy hiểm chỉ vì một bãi đá ngầm của một nước khác hay vì việc đơn phương cải tạo đảo của Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington không thể chỉ bất động nhìn Bắc Kinh xói mòn dần trật tự thế giới hiện nay.
Rút lui dần sự can dự tại Trung Đông và châu Âu để dồn sức mạnh sang Đông Á, trọng tâm của chính sách xoay trục rõ ràng nhắm vào việc củng cố vị trí số một của Mỹ tại Thái Bình Dương, vốn đang bị lung lay với sự trỗi dậy mọi mặt của Trung Quốc. Bắc Kinh có xu hướng đánh giá sự tăng cường hoạt động của Mỹ tại Đông Á là hành động nhằm kìm hãm họ và rõ ràng là Trung Quốc có thể tiến hành trã đũa. Vì vậy, có thể nhận thấy Mỹ đang rất mạo hiểm để can thiệp vào tình hình ở biến Đông hiện nay nếu thiếu những phương án hiệu quả.
Nhìn tổng thể, Mỹ đang thực hiện những tham vọng lớn lao. Hai hiệp định tự do thương mại xuyên lục địa như TTIP (Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại tây dương) và TTP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) được dự đoán gây suy giảm tương đối ưu thế kinh tế của Trung Quốc. Mỹ đang quay trở lại với các đồng minh cũ và tìm kiếm thêm các đồng minh mới trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với trọng tâm là quan hệ Mỹ - Nhật.
Sau khi thông qua nghị quyết lịch sử giải thích lại Điều 9 trong Hiến pháp hồi đầu tháng 7-2014, Nhật Bản cũng đang tăng tốc quá trình thay đổi luật định để mở rộng hơn nữa khung pháp lý cho hoạt động Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF). Mục đích chính của quá trình cởi bỏ khỏi những ràng buộc pháp lý từ thời kỳ chiếm đóng của Mỹ sau thế chiến thứ hai không nằm ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh một cách hiệu quả hơn với Mỹ trong môi trường chính trị mới ở Đông Á.
Tàu Izumo có bãi đáp cho phi cơ với chiều dài 250 mét lần đầu tiên được ra mắt ở Yokohama, mạn nam Tokyo vào đầu tháng 8/2013.

Cơ sở mới về mặt pháp lý cho phép Nhật Bản hỗ trợ Mỹ trong bất cứ xung đột quân sự nào theo nghĩa vụ phòng vệ tập thể, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Nhật Bản triển khai quân đội ở nước ngoài nếu nhận thức thấy quyền lợi quốc gia bị đe dọa. Theo đó, việc quân đội Nhật thường xuyên xuất hiện trong khu vực Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian. Bộ trưởng quốc phòng Nhật cũng đã có những phát biểu tuyên bố về lợi ích và an ninh quốc gia của Nhật tại Biển Đông, đồng thời hưởng ứng đề xuất của Mỹ về các cuộc tuần tra hỗn hợp trên không và trên biển tại khu vực này. Nhật Bản sẽ góp phần dàn xếp những di sản lịch sử do chính mình để lại.
Vị thế mới sắp tới của Nhật Bản sẽ tác động lớn đến chính sách ngoại giao của nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương, báo hiệu sự chấm dứt của thời kỳ “người khổng lồ về kinh tế nhưng là anh lùn về chính trị” của Nhật Bản.

VN trước sóng lớn

Sở hữu vị trí địa- chiến lược quan trọng, năng lực quốc phòng được đánh giá cao và tiềm năng kinh tế lớn, Việt Nam tạm thời có nhiều lựa chọn khi quan hệ với các cường quốc.
Việt Nam đang duy trì phương châm nhất quán trong chính sách quốc phòng là không tham gia vào các liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Điều đó không đồng nghĩa rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn trung lập. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Việt Nam chỉ đang cố gắng giữ cân bằng tam giác quyền lực Mỹ- Trung- Nga để bảo vệ chủ quyền, gìn giữ hòa bình và tìm một lối ra cho cách phát triển riêng của mình.
Sự xuất hiện trở lại của lực lượng quân sự Nhật Bản ở khu vực Đông Á sẽ khiến cho tam giác trên bị mất cân đối bởi xét về sức mạnh tổng hợp, Nhật Bản không hề thua kém Trung Quốc. Liên kết với Mỹ dự đoán sẽ sớm quay lại là chủ lưu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ít nhất là trong 1,2 thập niên tới đây. Đáp lại, Trung Quốc khả năng cao sẽ kiên trì phương án đưa chiến tranh ra càng xa đại lục càng tốt bằng cách đổ nhân lực, thiết bị và khí tài xuống Biển Đông. Về kinh tế, những chồng lấn giữa dự định “Một vành đai- một con đường” của Trung Quốc và chính sách xoay trục của Mỹ cũng sẽ tạo ra nhiều bất ổn chưa thể dự đoán hết ở tầm khu vực.
Ngay khi Trung Quốc bắt đầu cảm nhận rõ những tổn thương về chính trị và kinh tế gây ra bởi chính sách xoay trục của Mỹ, nước này có khả năng sẽ tìm cách trói buộc chặt hơn Việt Nam trong sự kiềm tỏa của mình, hoặc sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam có một mối quan hệ bình đẳng hơn với Trung Quốc. Tình hình Biển Đông sẽ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng Mỹ không phải không có phương án khác ngoài việc tăng cường quan hệ với Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc một khi đã có Nhật yểm trợ ở Đông Nam Á. Việt Nam chỉ là một lựa chọn khả dĩ trong mục tiêu toàn cầu của Mỹ. Vì vậy vấn đề thời cơ rất quan trọng. Bài học vào năm 1978 vẫn còn rất nhiều giá trị tham khảo cho quan hệ giữa hai bên hiện nay.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành sử quốc tế tại Bỉ.

Gặp Tướng bị 'cải tạo' 17 năm


Tướng Lê Minh Đảo (trái) và Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Anh Tuấn nói chuyện với Nguyễn Hùng của BBC
J'ai quitté mon pays
J'ai quitté ma maison
Ma vie, ma triste vie
Se traîne sans raison
tạm dịch
Tôi đã rời bỏ đất nước tôi, Tôi rời bỏ ngôi nhà tôi, Cuộc đời, cuộc đời buồn của tôi, Lê thê chẳng phương cớ gì...
Tướng Lê Minh Đảo, cựu Tư lệnh nổi tiếng của Sư đoàn 18 của miền Nam tới tháng Tư 40 năm về trước cất tiếng hát (phút 31'30 trong video nàymột trong những bài ông hay hát trong 17 năm đi 'cải tạo' ở các trại giam khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam sau 30/4/1975.
Khi đó chúng tôi đang ngồi bên dòng sông Connecticut êm đềm vào một chiều đầu tháng Năm. Tướng Lê Minh Đảo vừa có những chuyến đi các bang ở Hoa Kỳ để nói chuyện nhân 30//4.
Đối với ông, sau ngày đó đất nước của ông đã không còn.
Trong thời gian đi cải tạo, Tướng Đảo cũng sáng tác nhạc phẩm 'Nhớ mẹ' mà đáng ra tôi phải đề nghị ông hát nhưng lúc đó không nhớ ra.
Cùng tham gia câu chuyện là Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Anh Tuấn, người đã giúp thu xếp cuộc gặp và lái xe chừng hai tiếng rưỡi đưa tôi từ New York xuống Connecticut để gặp vị cựu Tư lệnh của Sư đoàn 18.
Tướng Đảo, người theo Công giáo trong thời gian bị giam cầm, bỏ buổi đi lễ nhà thờ Chủ Nhật để ở nhà chờ chúng tôi.
Trong bữa cơm tối sau đó, ông Đảo cũng kể lại câu chuyện ông tới với tôn giáo như thế nào vào khi mà ông có nhiều điều muốn làm nhưng lại đang bị giam cầm.
Vợ ông và chín người con cũng ở lại Sài Gòn cùng ông và hết sức vất vả trong cuộc sống. Ông nói thời gian đầu khi đi cải tạo, ông đã đọc bằng hết hai cuốn kinh Cựu ước và Tân ước, vốn do một bạn tù mang vào chót lọt, dù mắt ông bị giảm thị lực đáng kể do một dây thần kinh điều khiển mắt bị đứt.



Từ đó, ông nói, ông âm thầm cầu mong Thiên Chúa cho gia đình ông có thể vượt biên thoát khỏi điều mà ông coi là "địa ngục" ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Tướng Đảo nói ông có cảm giác lời khẩn cầu của ông được đền đáp khi vợ ông và chín người con vượt biên chót lọt hồi năm 1979.
Khi được đưa trở lại trại giam tại Sài Gòn hồi đầu những năm 1990, ông nói, ông lại thấy may mắn khi được giam cạnh phòng với một số cha tuyên úy.
Vị Tướng mà lúc đó người gầy tới mức có thể bò qua khe hở giữa tường và mái nhà, đã sang buồng giam của các cha tuyên úy để được làm lễ cho ông chính thức nhập đạo.
Ông nói gặp được các cha là ông đã mừng và giá như lúc đó là cha Tin Lành thì ông cũng đã theo Tin Lành.
Nhưng cuối cùng ông đã theo Công giáo, đạo mà trong lúc ông ở tù nhiều người con ông cũng theo đúng đạo này khi cô con gái út của ông mắc bệnh thâp tử nhất sinh trên đường vượt biên.
Tác giả của ca khúc 'Nhớ Mẹ' nói lời cầu nguyện của ông có thể gặp người mẹ đau ốm cũng thành hiện thực khi ông được trả tự do hồi năm 1992 và tự tay chăm sóc mẹ già vài tháng trước khi bà mất và trước khi ông được các con bảo lãnh sang Hoa Kỳ.

'Kiếp sống lưu đày'

Bài ' Nhớ Mẹ' mà ông đồng sáng tác cùng Đại tá Đỗ Trọng Huề khi đi cải tạo có những câu:
"Những chiều buồn trên đất Bắc con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều
"Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi cứ trôi cho bạc mái đầu
"Không gian rưng rưng như sắp đứt
"Gió về nghẹn ngào như tiếng nấc
"Còn đâu quê hương hoa gấm thơm làn tóc."
Tướng Đảo, ảnh chụp khi ông còn trẻ, đồng sáng tác bài Nhớ Mẹ trong thời gian 17 năm đi cải tạo
Trong ca khúc ông cũng nói về những năm "đi đày" của mình trong các trại cải tạo:
"Giã từ miền Nam tang tóc con sống trầm luân kiếp sống lưu đày
"Hàng đêm con nghe thương tiếc xót xa đắng cay dâng ngạt tháng ngày
"Trăng sao tin yêu ai dối trá
"Đất trời hiền hòa ai đốt phá
"Và đem thê lương che kín núi sông này"
Ông Đảo nói trong những năm đi cải tạo có cán bộ cộng sản hỏi ông rằng ông suy nghĩ gì khi gây nhiều tổn thất "cho cách mạng" trong những trận đánh ông chỉ huy.
Vị Tướng nói ông hỏi lại rằng "Nếu một người tướng bên các anh trái lệnh thì các anh xử lý thế nào? Và chúng tôi không đem quân ra đánh miền Bắc mà các anh cho quân vào chiếm miền Nam," ông nói.

'Tị nạn cộng sản'

Tướng Đảo nói nhân phẩm và quyền con người của người dân miền Nam đã mất sau 30/4/1975 khiến họ phải "tìm con đường sống trong cái chết" bằng cách liều mình vượt biển trong giai đoạn mà người ta nói "nếu cột đèn có chân nó cũng đi".
Ông nói: "Người tỵ nạn cộng sản ở khắp thế giới bây giờ, họ thành một cộng đồng bây giờ cũng trên ba triệu rồi."
Tướng Đảo cùng vợ ông (bên trái) giờ sống ở Connecticut, Hoa Kỳ
"Có thể nói rằng một triệu [quân, dân, cán, chính bị đi cải tạo]. Tôi nói một triệu tại sao? Cái phần tụi tôi là mấy trăm ngàn đi đày ra ngoài Bắc. Còn tầng địa phương, xã, ấp này kia, nghĩa là nói tóm lại trung ương có chỗ giam của trung ương, địa phương có chỗ giam địa phương, rồi xã ấp có chỗ giam của xã ấp. Tất cả ... những người nào mà họ thấy là có thể nguy hiểm cho chế độ [có thể lãnh đạo một cuộc nổi dậy có thể của những người dân phẫn uất vì sự hà khắc của cuộc sống mới] là họ giam."
"Cái mà đau buồn nhất hiện thế hệ bây giờ là con người Việt Nam đã mất, cái văn hóa Việt Nam cũng mất hết tất cả. Bây giờ mình dòm thấy chúng ta xuống cấp, ngoài vấn đề kinh tế xuống cấp mình không nói, con người cũng xuống cấp, văn hóa cũng xuống cấp nữa. Cái đó là cái hậu quả của 30/4."
Khi được hỏi người cộng sản đã được gì trong cố gắng "cải tạo" của họ, ông Đảo nói:
"Nói cải tạo để dùng cái mỹ từ cho nó đẹp chứ đi đày tụi tôi chứ cải tạo cái gì?
"Sự thật là ai cải tạo ai? Bây giờ phải nói rằng trình độ tụi tôi với tất cả cuộc sống của tụi tôi có cần những người cải tạo để đưa tụi tôi từ một [mức] con người biết đầy đủ tất cả nhân phẩm xuống thành con thú vật đâu?
"Nếu cải tạo cái đó thì tôi đồng ý, nghĩa là đày đọa tụi tôi thành con người vô tri, con người như con thú vật...
"Họ tiêu diệt chúng tôi rất là tinh vi. Thế giới không biết được đâu.



"Nhìn qua Pol Pot thấy giết, tắm máu này kia, không, Việt Nam ở ngoài nhìn không thấy tắm máu.
"Nhưng thật sự máu chúng tôi ... từ trong cơ thể rỉ xuống chân, nó nhiễm xuống đất nó lan tràn mà không thấy hết.
"Chết, chết đủ cách hết. Đói rét, đói chết, bệnh tật chết, bị hành hạ về lao động chết.
"Rồi nội thời tiết khắc nghiệt, không có cho tụi tôi một cái gì [chống lạnh] nữa.
"Tôi ngủ phải lấy nhật trình, cái giấy báo đó, tôi quấn quanh mình tôi vì hồi đi ra họ nói đi một tháng, không mang đồ lạnh gì hết cả.
"Rồi đem ra gặp miền Bắc khắc nghiệt ... chúng tôi kiếm từ cái giẻ rách bố tời chúng tôi lót.
"Mà chưa nói còn cái ăn nữa. Cái ăn thì biết rồi, đói. Và cái đói có thể làm con người ta sanh ra đủ thứ bệnh tật...
"Chưa kể đến vấn đề lao động, lao động khổ sai. Lao động khổ sai chưa đủ. Về, thay vì chẳng hạn như họ đuối [sức] rồi...., để họ nằm họ nghỉ mai tiếp tục làm kiếp con trâu nữa.
"Nhưng không, dựng dậy bắt kiểm điểm, học tập, ngày làm không tốt, cái này, cái kia làm cho tụi tôi đuối sức hết chọi để rồi chỉ còn ngủ được vài tiếng đồng hồ, lả người ra, rồi mai tiếp tục cuộc sống như vậy.
"Đó là cuộc sống của chúng tôi trong những trại cải tạo như vậy."

'Nhà tù lớn'

Cựu Tư lệnh Sư đoàn 18 nói gia đình của các cựu sỹ quan Việt Nam Cộng hòa cũng chịu chung cảnh khốn khó của thân nhân bị đi cải tạo.
"Đâu phải tụi tôi ở tù không, vợ con ở nhà cũng ở tù," ông Đảo nói.
"Tụi tôi ở nhà tù nhỏ còn dân chúng ở ngoài ở nhà tù lớn.
"Họ dùng hay lắm, tôi nói [họ] tinh vi thế này.
"Nói với vợ 'Chị ngoài này ráng đi vùng kinh tế mới, ráng lao động vì chị ảnh hưởng tới ảnh ... nếu chị bên đây chị không tốt là anh ấy không được ra.
"Còn đối với chúng tôi trong kia 'Các anh phải lao động tốt, học tập tốt này kia, có như vậy mới sớm trở về với gia đình...
"Cộng sản [đòn] tâm lý giỏi lắm... nhưng mà họ dùng cái cao siêu tâm lý của họ để khống chế con người và dùng con người cho họ chứ không phải là dùng tâm lý để nâng con người [lên].
"Đối với họ dân là kẻ thù mà, dân miền Bắc cũng vậy chứ không chỉ dân miền Nam. Chỉ có họ và gia đình họ [là quan trọng] thôi.
"Họ làm điều xấu xa họ nhìn trong kiếng họ thấy mặt của họ nhưng họ tưởng cái mặt người khác.

'Thương dân miền Bắc'

Tướng Đảo nói ông và những người bị tù đày ý thức được chuyện chỉ một nhóm nhỏ lãnh đạo Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra sau 30/4 và người dân miền Bắc "đáng thương hơn" người dân miền Nam.
"Khi chúng tôi ở tù chúng tôi có nhận thức rất rõ ràng. Chúng tôi thương tất cả đồng bào ở ngoài Bắc.
"Chúng tôi thương, chúng tôi thấy những bà già, hỏi ra nhỏ tuổi hơn tôi, lúc đó tôi bốn mấy tuổi, mà già, cằn cỗi như bà già trong miền Nam sáu, bảy chục tuổi, trên vai nặng đi trên triền núi vác những thân chuối về cho heo ăn. Nước nóng thế này, xuống phỏng thế này... tôi thấy thương quá.
Tướng Đảo giờ sống ở một khu thanh bình ở Connecticut nơi ranh giới giữa các nhà được đánh dấu bằng cây
"Tới bây giờ tôi về nhà vợ tôi hỏi tôi tại sao anh thương dân miền Bắc hơn dân miền Nam, tôi nói 'Dân miền Bắc đáng thương lắm, họ đau khổ lắm, họ đau khổ hơn mình, họ đau khổ nhiều hơn mình hơn 20 năm trong chế độ cộng sản.
"Một người cộng sản đã nói với chúng tôi thế này: 'Các anh biết các anh thua, tại sao các anh thua không? Không phải tại Mỹ bỏ cái gì hết cả. Là tại anh không dám cầm súng anh bắn vô dân anh. Còn tụi tôi có chuyện [cần] làm chúng tôi vẫn phải bắn'...
"Còn quân đội tụi tôi có tính nhân bản rất cao. Tại sao dân chúng cứ chạy theo tụi tôi không à, giải phóng tới đâu mà sao không chạy ngược ra Bắc... đó là tính nhân bản, người dân người ta biết ai thương họ.
"Chúng tôi không quên những gì người cộng sản đày đọa chúng tôi. Không quên nhưng mà không thù...
"Trả thù suốt đời này đời kia làm sao chúng ta xây dựng được đất nước."
Mặc dù vậy ông nói ông sẽ chỉ quay về khi đất nước có chế độ "biết thương dân, lo cho dân". Vị Tướng của Việt Nam Cộng hòa trước đây nói trách nhiệm về những sai lầm ở Việt Nam sau 30/4 có thể quy về cho "một số nhỏ" lãnh đạo.
"Kể cả những anh em vác súng gác chúng tôi, là công an, chúng tôi họ là người trẻ tuổi không biết gì hết cũng là nạn nhân hết," ông nói.
"Chúng tôi quy trách nhiệm chỉ một số ở trên kia còn toàn dân đều bị sự áp bức, bị đè, bị khống chế để làm công việc đó."

Miền Nam 'không thua'

Nói về Cuộc chiến Việt Nam, Tướng Đảo nói chuyện Mỹ bỏ miền Nam trong khi Liên Xô và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ miền Bắc thì chuyện Sài Gòn sụp đổ là sự sắp xếp của những cường quốc lớn.
"Tôi không bao giờ tôi có sự suy nghĩ là dân miền Nam thua. Cũng như tôi không bao giờ trong tư tưởng tôi tôi nghĩ là quân lực Việt Nam Cộng hòa tụi tôi thua.
"Cái ván cờ này thua nói thật ra là cái ván cờ của vấn đề của những thế lực ở trên sắp xếp bắt bọn tôi phải thua để cho Cộng sản nắm.
"Nhưng mà tôi nói thật thua chiến tranh vừa rồi anh biết ai không?
Ông Đảo nói các cường quốc lớn đã quyết định kết cục cuộc chiến Việt Nam
"Tất cả nhân dân hai miền Nam, Bắc chúng ta đều thua cả. Thắng chăng, Tàu cộng nó thắng.
"Tàu cộng nó thắng vì giờ anh thấy đất nước mình... tôi cứ hình dung là một con nai và một con trăn gió.
"Con trăn gió là thằng cộng sản Tàu, còn con nai là Việt Nam mình bây giờ.
"Con trăn gió đã nuốt phân nửa con nai tới cái lưng [hồi] năm 1954.
"Rồi 1975 tới giờ nó nuốt tận cổ con nai rồi.
"Bây giờ con nai chỉ còn ló cái đầu và cái sừng ngáp ngáp thế này thôi.
"Tàu nó bất chiến tự nhiên thành.
"Tàu họ không bao giờ nghĩ rằng họ buông tha nước Việt Nam cả, hệ có dịp là họ đô hộ, thống trị, biến chúng ta thành một tỉnh, quận gì của họ...
"Cộng sản không muốn cũng không được ... họ dùng thái thú Việt Nam họ cai trị."
Tướng Đảo nói thêm ông bi quan về Việt Nam hiện nay:
"Nước Việt Nam bây giờ mất rồi. Đối với tôi là người chiến lược tôi nói mất.
"Biển, Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa họ nắm, muốn đi đâu thì đi.



"Cái hông, cái mái hiên của mình là Lào và Campuchia, những nước bạn mình, bây giờ họ khống chế hết tất cả, họ đi ra, đi vô, đường họ xuyên tất cả.
"Anh dòm thấy không, 50 cây số sáu tỉnh Cao Bắc Lạng có bao nhiêu chục năm họ làm gì trong đó, họ đặt cái gì trong đó làm sao ai biết.
"Rồi điểm cao, nóc nhà của mình ở Tây Nguyên là bauxite, anh vô đó là công nhân hay là lính, đối với tôi là lính...
"Tĩnh thì di dân, động thì di binh, tất cả những cái đó nó nổ toang ra thì chúng ta biết.
"Tôi nói sơ những công trình kiến thiết từ đập, từ nhà máy, từ cái này kia cho Trung Cộng thầu.
"Nó lo lót cho tất cả những tay cán bộ ăn để được thầu.
"Tôi là nhà quân sự tôi nói ở trong cái vách đó, cái đập nước, họ để bao nhiêu trái mìn biết không.
"Những trái mìn nổ... nếu có chuyện gì họ bấm mìn nổ [từ xa] làm sao anh biết được.
"Rồi bây giờ gián điệp họ được quyền đi đầy trong nước không ai kiểm soát hết, họ đi họ vẽ điểm trọng yếu này kia..."

Đốt sách trẻ con

Trong khi Tướng Đảo đi cải tạo, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn khi đó còn nhỏ. Nhưng ông cũng không giấu được sự xúc động khi nhớ về chuyện những cuốn truyện tranh của tuổi thơ ông đã bị lấy đem đi đốt (phút thứ 9'30 trong video).
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn mới đây đã quay lại Việt Nam và đi ngang qua ngôi nhà trước đây của gia đình
Ông nhớ lại: "Lúc 30 tháng Tư, tôi 10 tuổi, ba tôi cũng phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
"Ông kể lại sau khi ông cải tạo thì nghĩ rằng sau khi đất nước thống nhất lại thì sẽ có cơ hội để mà tiến thân nên ông đã quyết định ở lại sau năm 1975.
"Sau hai năm rưỡi trong tù cải tạo ba tôi trở về thì ông không kể nhiều. Những gì tôi hiểu về sự đau khổ của bậc cha mẹ, chú bác là những sách vở, rồi nói chuyện với những chú bác mà họ có thể cởi lòng ra để kể ra như Thiếu tướng [Đảo] đây.



"Tôi vẫn nhớ những ngày phải đứng ở ngoài đường, đứng xếp hàng để mua đồ ăn cơm độn.
"Tôi vẫn nhớ ngày [người ta] tới nhà tôi lấy những cuốn sách những comic books [truyện tranh] lúc tôi còn nhỏ để đem đi đốt.
"Tới mãi năm 1978, sau ba tôi ra khỏi tù năm 1977, đã vượt biên ra tới Mã Lai rồi định cư ở thành phố Buffalo, New York. Thì tôi sống bên đây cũng ba mấy năm rồi."

Tương lai

Nhìn về những năm trước mắt và đường hướng cho tương lai của Việt Nam, Trung tá Tuấn nói:
"Thế hệ của tụi tôi thấy đất nước mình cái sự đau khổ quá nhiều rồi.
"Nên anh chị em trong thế hệ một rưỡi này thì anh chị em tôi nghĩ là mình phải mở ra chương mới coi tương lai thế nào."
Ông Tuấn nói ông lạc quan về tương lai của Việt Nam và hy vọng trong 20-30 năm tới hàng vạn người từng du học ở Hoa Kỳ và những nước phát triển khác sẽ đưa Việt Nam đi lên nhanh hơn nhiều so với hiện nay.
Trung tá đương nhiệm trong Hải Quân Hoa Kỳ nói kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy Việt Nam sẽ phải có một ủy ban sự thật và hòa giải để những sai lầm trong quá khứ có thể được nhìn nhận thẳng thắn và trên tinh thần bao dung.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn (phải) nói ông lạc quan về tương lai của Việt Nam trong dài hạn
Ông cũng nói cần có sự ân huệ đối với những sai lầm của các nhà lãnh đạo trước đây và cả hiện nay để đi tới một sự hòa giải thật sự và Việt Nam có sự đoàn kết rộng rãi.
Tướng Đảo nói ông tôn trọng suy nghĩ của các thế hệ sau này nhưng khẳng định họ không thực sự hiểu người cộng sản.
Dù ông nói ông không thù những người đã tiến chiếm Việt Nam Cộng hòa và "đày" ông tới hơn 17 năm, dường như ông không chấp nhận một Việt Nam với sự tồn tại của những người cộng sản.
Đối với ông những người cộng sản tốt là những người "cộng sản phản tỉnh" như Tướng Trần Độ, nhạc sỹ Tô Hải, hay cựu quan chức Mặt trận Tổ Quốc Lê Hiếu Đằng.
Trong những ngày ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, tôi đã đi trên những xa lộ mang tên Tổng thống Jefferson Davis và cả viên tướng nổi tiếng Robert Lee của miền Nam, bên thua cuộc trong nội chiến Hoa Kỳ, vốn khiến hơn 360.000 người miền Bắc và gần 260.000 người miền Nam thiệt mạng, cách đây tròn 150 năm. Những lá cờ của Nam Hoa Kỳ trước đây vẫn tung bay ở bang Virginia, bang ranh giới Nam Bắc khi xưa, nằm ở ngay sát thủ đô.
Cờ của miền Nam, bên thua trận trong nội chiến khiến hơn 600.000 người chết cách đây 150 năm, tung bay gần thủ đô Washington
Chuyện đó đối với Việt Nam có lẽ còn quá xa vời nhưng hòa hợp và hoà giải sẽ có ý nghĩa hơn nếu những người như Tướng Đảo cảm thấy họ thoải mái khi trở lại quê hương.
Ông nói điều ông đòi hỏi không phải là sự khôi phục lại một chế độ đã mất mà là các quyền thực sự cho những người đang sống ở chính Việt Nam.
Quý vị có thể theo dõi toàn bộ phỏng vấn với Tướng Lê Minh Đảo và Trung tá Nguyễn Anh Tuấn trên kênh YouTube của BBC Tiếng Việt.

Nguyễn Hùng cũng chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi tới Hoa Kỳ trong bài viết trên Facebook hôm 30/4/2015 tại đường dẫn này.