Friday, April 5, 2019

Nhiều người Việt chết trẻ sau khi đến Nhật lao động, học tập

Chăm sóc người già là một nghề phổ biến của người Việt ở Nhật. (Hình: Reuters)
TOKYO, Nhật (NV) – Tại một ngôi chùa ở thủ đô Tokyo, có cả trăm tấm bài vị của những người Việt Nam đã qua đời sau khi đến Nhật để lao động hoặc học tập.
Theo Reuters, ham mức lương cao hơn ở quê nhà, nhiều người Việt Nam đổ sang Nhật để tìm cơ hội tốt hơn cũng như cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế không như họ mơ tưởng. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn như rào cản ngôn ngữ, làm việc quá sức, bị nợ lương, và bị quấy nhiễu.
Sau khi đến Nhật cách đây gần 20 năm, Ni Sư Thích Tam Tri làm tư vấn cho những người đồng hương Việt Nam. Ni sư cho biết, trong số những người mà ni sư tụng kinh phù hộ, có nhiều người chết do bệnh liên quan đến “stress,” có người chết do tai nạn, và một số người tự tử.
“Do không nói được tiếng Nhật nên họ thường giữ những rắc rối trong lòng rồi trở nên bị căng thẳng. Trong hoàn cảnh như vậy, sức khỏe họ rất kém, tâm trí không còn minh mẫn, và mối quan hệ của họ với người khác cũng xấu đi,” Ni Sư Thích Tam Tri nói với Reuters.
Trong số 140 người Việt Nam có tên trên những tấm bài vị trong chùa, nhiều người đến Nhật theo diện gọi là “thực tập sinh kỹ thuật,” một dạng lao động tay chân. Những người khác thì đi theo diện sinh viên và làm việc bán thời gian.
“Mấy ông bố bà mẹ ở Việt Nam rất tự hào là con cái họ học tập và làm việc ở Nhật. Họ hy vọng nhiều lắm. Nhưng cuối cùng, họ chỉ nhận được tro cốt, bài vị và vài tấm hình của con,” ni sư nói.
Hầu hết 140 người Việt Nam có tên trên những tấm bài vị trong chùa đều qua đời khi tuổi còn rất trẻ. (Hình: Reuters)
Hầu hết trong số họ đều qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Trên những tấm bài vị trong chùa có ghi: Tống Văn Quang, 31 tuổi; Đặng Đình Anh, 30 tuổi; Hoàng Đình Doanh, 34 tuổi; Lê Văn Hiếu, 32 tuổi…
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Trang, quê ở Bắc Giang, là câu chuyện thương tâm mới nhất. Chị Trang sang Nhật làm thực tập sinh kỹ thuật cho một hợp tác xã nông nghiệp ở phía Bắc nước này. Tháng Hai năm nay, chị qua đời do bị viêm màng não, bỏ lại người chồng và hai con nhỏ ở Việt Nam.
Anh Vu Ngoc Thuy, chồng chị Trang, nghẹn ngào kể: “Tôi đồng ý cho người vợ đi vì nguồn thu nhập cao hơn ở Việt Nam một chút. Còn nếu tôi mà biết nguyện vọng của tôi mà xảy ra trường hợp này thì tôi không bao giờ dám chấp nhận để vợ tôi đi như thế này.”
Anh cho rằng vợ anh mất vì không được điều trị sớm. Anh đang nhờ các luật sư ở Nhật giúp đỡ về pháp lý.
“Tôi rất thất vọng. Tôi nghĩ con người và đất nước Nhật Bản cực kỳ tôn trọng nhân quyền. Nhưng cuối cùng, nó rơi vào hoàn cảnh của mình thì mình phải chấp nhận.”
Theo Reuters, chủ nhiệm hợp tác xã nơi chị Trang làm việc cho biết, sau khi ngã bệnh, chị Trang nhanh chóng được đưa đến bệnh viện, và hợp tác xã đã chịu hết chi phí điều trị cho chị Trang. Bà nói thêm rằng tất cả thực tập sinh trong hợp tác xã đều được đối xử đàng hoàng và được trả lương đủ tốt.
Anh Vu Ngoc Thuy thắp nhang cho vợ, chị Nguyễn Thị Trang. (Hình: Reuters)
Một trong những nghề phổ biến mà người Việt ở Nhật làm là chăm sóc người già. Do dân số đang già đi quá nhanh, lĩnh vực chăm sóc người già ở Nhật đang thiếu hụt lao động trầm trọng.
“Do đã làm việc ở đây bốn năm rồi nên tôi cũng quen với cuộc sống hiện tại. Mọi thứ cũng ổn. Nhưng công việc vẫn hơi nặng,” chị Lương Thi Cham, 27 tuổi, nhân viên viện dưỡng lão Shukutoku Kyoseien ở thành phố Chiba, cho biết.
Theo lời ông Fusakichi Hayashi, giám đốc viện dưỡng lão này, muốn thu hút thêm công nhân nước ngoài, các viện dưỡng lão phải huấn luyện đúng cách cho họ về công việc, ngôn ngữ, cũng như hỗ trợ đầy đủ cho họ trong cuộc sống.
“Tôi nghĩ nhiều viện dưỡng lão cũng dạy cho họ cách làm công việc như thế nào, nhưng chỉ xem họ là nhân viên tạm thời. Những nhân viên này biết phân biệt nơi nào tốt nơi nào tệ, và hậu quả là họ sẽ không làm việc lâu dài ở những cơ sở như vậy.”
Hôm 1 Tháng Tư vừa qua, Nhật đã áp dụng chương trình visa mới, thu hút thêm lao động nước ngoài để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động chưa từng có ở Nhật.
Theo chương trình này, khoảng 345,000 người nước ngoài được đến Nhật trong khoảng thời gian năm năm để làm việc trong 14 lĩnh vực đang thiếu hụt lao động.
Ni Sư Thich Tam Tri cho rằng, có thể trong số đó sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn tìm cuộc sống tốt hơn.
Hiện tại, số lượng người Việt đang tăng nhanh nhất trong số các nhóm người nước ngoài ở Nhật. (T.Long)

Đã đến lúc Đảng phải xin lỗi nhân dân

Theo VOA- 05/04/2019 
A delegate of Vietnam's Communist Party raises his membership card to vote on new policies at the closing ceremony of the 11th National Congress of the Party in Hanoi January 19, 2011
 A delegate of Vietnam's Communist Party raises his membership card to vote on new policies at the closing ceremony of the 11th National Congress of the Party in Hanoi January 19, 2011
Nguyễn Kiều Dung (1)

Tháng Tư lại về. Tháng Tư nhắc nhở người Việt về một ngày buồn của dân tộc. Ngày mà một chế độ yếu kém, phi nhân đòi “giải phóng” một chế độ văn minh, nhân bản hơn. Ngày khiến cho hàng triệu người Việt đau khổ và kéo giật lùi sự phát triển của một nửa quốc gia. Bi kịch thay, chế độ phi nhân ấy vẫn tiếp tục duy trì sự dối trá, chính sách ngu dân, và đàn áp đối lập suốt 44 năm nay để kéo dài sự tồn tại của nó.
Dối trá, ngu dân về Luật pháp: Trong khi hầu hết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội Việt nam hiện nay (ví dụ: tham nhũng, không trọng dụng nhân tài, tư bản thân hữu, đầu tư kém hiệu quả, tranh chấp đất đai, thực phẩm độc hại, khoa học công nghệ tụt hậu, ô nhiễm môi trường, giáo dục trì trệ,…) đều có nguyên nhân là yếu kém về luật pháp, cơ chế và chính sách, hệ thống luật pháp của Việt nam chỉ là một “rừng luật” phản khoa học (2). Quốc hội không có thực quyền và không có chuyên môn về pháp lý (3). Đảng cấm đòi hỏi “tam quyền phân lập” để tùy tiện thao túng luật pháp, tùy tiện xét xử các đảng viên phạm tội, và kết án nặng nề những người dân can đảm, dám đấu tranh với bất công xã hội trong những phiên tòa lố bịch (4). Người Việt cũng không được tự do học tập, thảo luận các thành tựu pháp lý hiện đại.
Dối trá, ngu dân về Dân trí: Mặc thường xuyên kêu ca dân trí thấp, suốt nửa thế kỷ nay Đảng không làm gì để nâng cao dân trí chính trị, thậm chí còn sử dụng chủ nghĩa Marx-Lenin để ngu dân. Bởi lẽ tôn sùng chủ nghĩa cũ kỹ này đồng nghĩa với “dìm hàng” các học thuyết triết học, pháp lý, và chính trị hiện đại. Rõ ràng, người Việt không được tự do học tập, thảo luận các học thuyết ấy. Đấy là chưa kể, chủ nghĩa Marx-Lenin mâu thuẫn với kinh tế thị trường, và không hỗ trợ gì mấy cho công cuộc phát triển khoa học & công nghệ ở Việt nam hiện nay (ví dụ cách mạng 4.0, chính phủ điện tử, thành phố thông minh…). Việc dìm hàng này còn dẫn đến tàn phá nghiêm trọng nền khoa học, nền báo chí, nền chính trị, nền văn hóa, đạo đức xã hội, và hủy hoại nhân cách người Việt (5).
Dối trá, ngu dân về Kinh tế: Tán dương những thành tích nghèo nàn trong khi chỉ lướt qua, hoặc lờ đi những yếu kém trầm trọng là đặc thù của truyền thông nhà nước, đặc biệt là trong những dịp như tổng kết năm. (Báo chí quốc tế không thèm mổ xẻ những yếu kém đó, bởi nền kinh tế Việt nam còn quá bé so với thế giới, không đáng để họ quan tâm). Truyền thông nhà nước ca ngợi về thành tích tăng trưởng kinh tế, nhưng kỳ thực tăng trưởng không theo kịp với tăng nợ công (6). Nghiêm trọng hơn, suốt 44 năm nay thu nhập/đầu người và năng suất lao động của Việt nam (những chỉ số quan trọng không kém tăng trưởng kinh tế) vẫn luôn “ổn định” trong nhóm kém nhất ASEAN. Mức thu nhập 4.8 triệu/tháng năm 2018 là mức rất thấp, không đủ sống và không đảm bảo an sinh lúc ốm đau, tuổi già.
Không ai có thể tin rằng trí tuệ người Việt chỉ tương đương với nhóm bét ASEAN. Chắc chắn đó là do năng lực lãnh đạo kém cỏi của Đảng. Thử hình dung nếu là bóng đá, liệu các fan có chấp nhận một ông huấn luyện viên dẫn dắt đội bóng đá quốc gia suốt 44 năm nhưng vẫn loanh quanh ở gần vị trí bét bảng ASEAN?
Dối trá, ngu dân về Khoa học & công nghệ: Tất cả các quốc gia phát triển đều đề cao nghiên cứu & phát triển (R&D), thậm chí còn coi trọng R&D hơn tăng trưởng kinh tế, bởi đó là động lực để đảm bảo phát triển bền vững. Thế nhưng Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt nam: “Công tác nghiên cứu và phát triển vẫn chỉ là hoạt động mang tính thêm thắt trong các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước” (7). Sau 44 năm thống nhất, hệ thống doanh nghiệp dựa trên R&D vẫn hầu như chưa tồn tại. Không phải bây giờ chính phủ mới hô hào Cách mạng Thông nghệ Thông tin (một phần của Cách mạng 4.0) và Chính phủ Điện tử, mà đã kêu gọi tưng bừng từ 20 năm trước, nhưng kết quả không ra gì. Kỹ sư Dương Ngọc Thái, chuyên gia an ninh mạng của Google, từng châm biếm rằng: “Thực ra nói cách mạng 4.0 không sai, bởi vì Việt Nam không có nhân lực, không có dữ liệu, không có hạ tầng tính toán lớn và chính phủ không có chiến lược hay hành động cụ thể nào giải quyết ba cái không vừa rồi” (8).
Dối trá, ngu dân về Chính trị: Truyền thông nhà nước thường xuyên tạc các giá trị dân chủ, nhân quyền phổ quát để che dấu một sự thật là Đảng đã phản bội lại lý tưởng của hàng triệu người Việt đã hi sinh xương máu trong 2 cuộc chiến tranh với khát vọng có được một nền dân chủ và dân quyền như Pháp, Mỹ. Họ đã phá nát nền móng dân chủ của Việt nam Cộng Hòa.
Chưa kể, dối trá và ngu dân để che dấu những vấn đề khác. Chẳng hạn, chính sách đất đai là điểm yếu cốt tử của nền kinh tế; tham nhũng trầm trọng bất chấp nỗ lực đốt lò của Nguyễn Phú Trọng (9); đầu tư kém hiệu quả; hệ thống doanh nghiệp nhà nước trì trệ, thua lỗ; hệ thống ngân hàng yếu ớt, dễ bị tổn thương; kinh tế thị trường thiếu minh bạch, với sự can thiệp thô bạo của mệnh lệnh hành chính; nạn dịch tư bản thân hữu; không trọng dụng được người tài; tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do chất thải; thực phẩm độc hại khắp nơi; sự bất mãn tràn lan trong xã hội vì tham nhũng và nghi ngờ ảnh hưởng của Trung Quốc. (10)
Tất cả những dối trá và ngu dân ấy có nguyên nhân là do Đảng lựa chọn Mô hình Chính trị Phò Trung Quốc (học tập Trung Quốc, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm triết lý chủ đạo nhằm duy trì độc quyền lãnh đạo của Đảng, và theo đuổi Kinh tế Thị trường Xã hội Chủ nghĩa). Cần đặc biệt lưu ý rằng, các quốc gia phát triển đều không bị chủ nghĩa Marx-Lenin tàn phá.

Những nghi ngờ về việc Trung Quốc thao túng Việt nam là có cơ sở bởi Mô hìnhPhò Trung Quốc đòi hỏi các lãnh đạo Việt nam phải học hỏi lãnh đạo Bắc Kinh xảo quyệt về kinh nghiệm cai trị nước và đàn áp dân, thậm chí có thể phải đánh đổi lợi ích/chủ quyền quốc gia để có được những kinh nghiệm đó. Một nguy cơ rất lớn khác của Mô hình Phò Trung Quốc là không thể tạo ra liên minh quân sự với phương tây để bảo vệ lãnh thổ. Trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines được quân đội Mỹ bảo vệ suốt 70 năm nay, Việt Nam không được hỗ trợ, và đã mất nhiều vùng lãnh thổ, biển đảo vào tay Trung Quốc. Mỹ coi cộng sản là mối nguy hại, (không cho phép các đảng viên cộng sản nhập quốc tịch (11)) và chưa bao giờ lập liên minh quân sự với các quốc gia cộng sản độc tài. Việt nam sẽ đơn độc trong cuộc chiến với quân đội Trung Quốc quá hùng mạnh, nếu xảy ra chiến tranh.
Nguyên thủ quốc gia của Việt nam sướng nhất thế giới. Đã từng có hàng loạt chủ trương, chính sách đồ sộ sai lầm, thất bại nhưng không nguyên thủ nào cúi đầu nhận lỗi trước nhân dân và chịu kỷ luật. (Một số ví dụ nổi tiếng: Chủ trương xóa bỏ kinh tế thị trường ở Miền nam giai đoạn 1975-1986, Chủ trương trở thành nước Công nghiệp vào năm 2020 do Đảng đề ra năm 2001 (12), Chương trình Quốc gia về Công nghệ Thông tin 1995-2000 (13), Đề án Chính phủ Điện tử 112/2001 (14), Đề án Boxit (15), nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, loạt máy sản xuất Ethanol (16), những quả đấm thép Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hóa chất. (17) Các siêu dự án như nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tổ hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, (18) đầu tư vào dầu khí Venezula (19) …) Mỗi vị qua đời đều được quốc tang linh đình, điếu văn kể lể công lao dài dòng, nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới những sai lầm, thất bại kinh khủng ấy. Trong khi đó, những người dân can đảm quyết liệt ngăn cản những chủ trương ấy, chẳng hạn thầy giáo Đinh Đăng Định, TS Cù Huy Hà Vũ, thì phải đi tù.
So sánh thành tích đáng xấu hổ của Việt nam với Trung Quốc sau 44 năm, đặc biệt là về kinh tế và khoa học công nghệ, cộng thêm những sự tàn phá khủng khiếp như đã nêu, có thể khẳng định rằng Mô hình Phò Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại ở nước ta.
Đã đến lúc phải cương quyết vứt bỏ mô hình này để Đổi mới Chính trị. Những việc cần làm ngay là như sau:
1. Công khai xin lỗi nhân dân và chịu kỷ luật. Các đương/cựu lãnh đạo Đảng và quan chức phải công khai xin lỗi về tất cả những chủ trương, chính sách lớn sai lầm, thất bại mà họ từng phụ trách, và phải chịu kỷ luật. Cần đánh giá lại tội trạng cả những người đã qua đời. Người dân cần thấy rằng, những hứa hẹn của TT Nguyễn Xuân Phúc về tương lai Việt nam năm 2035, 2045 là vô giá trị, bởi với tình hình hiện nay ông ta không sợ trách nhiệm, không sợ bị kỷ luật nếu không thực hiện được những lời hứa đó.
2. Quyết tâm Đổi mới Chính trị. Đảng phải quyết tâm Đổi mới Chính trị như đã Đổi mới Kinh tế cách đây 30 năm. Cần phải đưa đổi mới chính trị vào các văn kiện, nghị quyết của Đảng, và các Kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội hàng năm. Cần trưng cầu rộng rãi ý kiến toàn dân và quyết tâm xây dựng một lộ trình dân chủ nghiêm túc. Lộ trình đó phải được toàn dân phúc quyết, chứ không phải do quốc hội bù nhìn hiện nay quyết định. Phải coi các chỉ số xếp hạng dân chủ, tự do, nhân quyền quốc tế quan trọng không kém các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, và chỉ số R&D.
3. Ngăn ngừa/loại bỏ những người cản trở Đổi mới Chính trị. Cần yêu cầu tất cả các ủy viên, ủy viên dự khuyết, ủy viên tiềm năng của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) (v.d. các cán bộ cấp chiến lược, các vị trí thứ trưởng trở lên và tương đương, nghĩa là những người có cơ hội được bầu vào BCHTW) hàng năm phải công khai thành tích dân chủ ở cơ sở cùng với kế hoạch giải quyết các vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt nam trong năm tiếp theo. Ngoài ra, họ phải trả lời chất vấn của công chúng về các vấn đề này. Ở các quốc gia phát triển, các nghị sỹ là những người quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và phải công khai những thành tích và kế hoạch đó. Tuy nhiên, ở Việt nam các ủy viên BCHTW là những người quyết định cho nên họ cần phải làm những điều đó thay vì đại biểu quốc hội. (20)
4. Chấm dứt dùng chủ nghĩa Marx-Lenin để ngu dân. Chương trình triết học, pháp lý và lý luận chính trị trong hệ thống trường học phải được xây dựng tương tự như ở các quốc gia phát triển. Người dân Việt nam phải được tự do học tập, thảo luận, diễn thuyết về mọi tinh hoa pháp lý và chính trị hiện đại. Hàng năm có hàng trăm cuộc thi chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho rất nhiều tầng lớp trong xã hội. Cần phải tổ chức với số lượng tương đương các cuộc thi về pháp lý và chính trị hiện đại. (Hồ Chí Minh là nhà cách mạng chứ không phải là nhà tư tưởng lớn, cho nên không cần đề cao tư tưởng đến mức đấy).
5. Đảm bảo công bằng về các quyền dân sự. Khi chưa có Luật về Hội thì cũng không thể coi các hội đoàn cánh tay nối dài của Đảng như Đội thiếu niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội phụ nữ, Hội cựu Chiến binh, Hội Nông dân v.v… là các hội đoàn chính thức. Phải đảm bảo công bằng các quyền dân sự giữa các hội đoàn ấy và hội đoàn độc lập. Không thể có chuyện mỗi năm Đoàn Thanh niên được phép tổ chức rất nhiều cuộc tuần hành, chiến dịch, phong trào… với hàng trăm, hàng nghìn người tham gia, trong khi các thanh niên ngoài Đoàn không được phép tổ chức. Đất nước này là của toàn dân chứ không phải của riêng Đảng. Đảng chỉ có 4.5 triệu đảng viên (6 triệu đoàn viên), trong khi dân số Việt nam hiện nay là 95 triệu (45 triệu thanh niên).

(1) Nguyễn Kiều Dung tốt nghiệp Tiến sỹ Kinh tế từ Đại học Bang New York, Albany, Hoa Kỳ. Hiện nay, tác giả sống và làm việc ở Hà nội. Bài viết này sẽ được đăng trên site: http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com
(2) Xem thêm bài: “Nhân vụ GS Chu Hảo: suy nghĩ về việc xây dựng một tầng lớp học giả Pháp lý và Chính trị đẳng cấp, liêm chính, và nhân bản”. http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com
(3) http://www.nyulawglobal.org/globalex/Vietnam1.html
(4) Ví dụ phiên tòa xử nhóm Liên Minh Dân tộc Việt nam: https://www.facebook.com/manhdang001/posts/2607403639276151
(5) Xem thêm bài: “Nhân vụ GS Chu Hảo: suy nghĩ về việc xây dựng một tầng lớp học giả Pháp lý và Chính trị đẳng cấp, liêm chính, và nhân bản”. http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com
(6) https://english.vov.vn/economy/vietnams-gdp-growth-cannot-keep-pace-with-increasing-public-debt-363160.vov
(7) http://www.worldbank.org/content/dam/Worldbank/document/EAP/Vietnam/Vietnam-STI-review-executive-summary-TIENGVIET-FINAL.pdf
(9) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chi-so-cam-nhan-tham-nhung-cpi-2018-viet-nam-tut-hang-20190130103921099.htm
(10) Xem thêm bài: “Nhân vụ GS Chu Hảo: suy nghĩ về việc xây dựng một tầng lớp học giả Pháp lý và Chính trị đẳng cấp, liêm chính, và nhân bản”. http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com
(12) https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/muc-tieu-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-vao-nam-2020-khong-dat-ket-thuc-mot-mo-uoc-duy-y-chi-29346.html
(13) https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/DE-AN-112-DOI-DIEU-SUY-NGHI-5587/
(14) http://vneconomy.vn/cuoc-song-so/gap-nguoi-canh-bao-som-that-bai-cua-de-an-112-66408.htm
(15) https://trithucvn.net/kinh-te/3-nam-gan-3-700-ty-lo-theo-to-hop-bo-xit-nhom-lam-dong.html
https://nguoidothi.net.vn/chuong-trinh-bauxite-tay-nguyen-canh-bao-muoi-nam-truoc-van-nguyen-gia-tri-13000.html
(16)
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-sieu-du-an-lam-cham-qua-trinh-phat-trien-cua-dat-nuoc-20160527110202408.htm
(17) https://vietnambiz.vn/can-co-che-giam-sat-dac-biet-de-nhung-qua-dam-thep-manh-len-40108.html
(18)
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-sieu-du-an-lam-cham-qua-trinh-phat-trien-cua-dat-nuoc-20160527110202408.htm
(19) Nhà báo Hoàng Hải Vân đã chỉ rõ vai trò của Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng trong dự án này trong 2 bài trên facebook "Đánh phủ đầu báo chí: dân chơi vươn ra biển lớn" và "Ngồi xổm trên hiến pháp để tham nhũng"
(20) http://www.nyulawglobal.org/globalex/Vietnam1.html

Chỉ có ở Việt Nam: Thế thân để… chỉnh đốn!

Theo VOA-Trân Văn/05/04/2019
Người mẫu Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, người được đón ngay tại chân cầu thang máy bay.
 Người mẫu Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, người được đón ngay tại chân cầu thang máy bay.
Cuối cùng, Bộ Công Thương cũng công bố kết quả điều tra và dự tính kỷ luật những cá nhân có liên quan đến vụ điều động công xa đến phi trường Nội Bài đón vợ và con ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương theo thể thức vốn chỉ dành cho các VIP.
Cách nay đúng ba tháng, dư luận sôi sùng sục khi toàn bộ hành khách của một chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội được lệnh ngồi yên tại chỗ, chờ cho tới khi một phụ nữ và một đứa trẻ rời khỏi phi cơ, an tọa trên một công xa đã đậu sẵn ở chân cầu thang…
Không có bất kỳ lý do nào thuộc loại khẩn cấp để cả hai nhân vật vừa kể cần được ưu tiên, hàng trăm người phải chờ cả hai chỉ vì họ là vợ và con ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, kiêm Bộ trưởng Công Thương!
Đại diện Bộ Công Thương đã hứa sẽ “điều tra, xử lý nghiêm khắc” việc lạm dụng công quyền, công xa (soạn – gửi văn bản yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Bắc sắp đặt để đưa đón Bộ trưởng tại chân cầu thang phi cơ nhưng thực chất chỉ đón vợ con Bộ trưởng).
Mới đây, ông Đỗ Thắng Hải, một trong các Thứ trưởng của Bộ Công Thương loan báo, Hội đồng Kỷ luật đã xác định có ba cá nhân phải chịu trách nhiệm về scandal này và đã đề nghị hình thức kỷ luật đối với cả ba.
Đáng lưu ý là ông Hải chỉ nêu chức vụ, không nêu danh tính của cả ba viên chức. Trong ba viên chức bị kỷ luật có một là… nhân viên lễ tân, một là… Trưởng phòng Lễ tân và một là… lãnh đạo Văn phòng Bộ Công Thương.
Ông Hải cũng không cho biết hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng cá nhân mà chỉ loan báo chung chung là Hội đồng Kỷ luật đã áp dụng hai mức đối với cả ba: Mức nặng nhất là… khiển trách! Mức nhẹ hơn là… kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Để công chúng bớt… băn khoăn, ông Hải cho biết thêm: Hội đồng Kỷ luật đang chờ Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương kết luận (1). Cần lưu ý thêm, ngoài vai trò Bộ trưởng, ông Trần Tuấn Anh còn là Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương.
***
Ông Ngô Văn Tuấn, tân Chánh Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, vừa xin thôi chức vụ mới để quay về vị trí cũ: Tổ trưởng Tổ Chuyên viên của Ban Chỉ đạo Quy hoạch xây dựng - Phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh Thanh Hóa (2).
Rất dễ nhận ra lý do chính khiến ông Tuấn vội vàng xin từ chức là để hóa giải một trận bão dư luận có thể mạnh hơn và sẽ gây ra vô số rắc rối cho nỗ lực sắp đặt nhân sự lãnh đạo cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền ở Thanh Hóa.
Thanh Hóa từng được “cả nước trông vào” khi xảy ra scandal Trần Vũ Quỳnh Anh. Cô gái vốn là nhân viên tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, đột nhiên được Sở Xây dựng tuyển vào làm chuyên viên. Tại đó, cô chuyên viên này được cất nhắc làm lãnh đạo một trong những phòng béo bở nhất (Quản lý nhà và thị trường bất động sản), được sắp đặt cho đi học Cao cấp chính trị sớm, được quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng… Trần Vũ Quỳnh Anh nổi như cồn không chỉ vì “thăng tiến thần tốc” mà còn do cô giàu bất thường. Người phụ nữ chỉ mới ngoài 30 này là chủ nhiều biệt thự ở Thanh Hóa, Hà Nội,… chủ hàng loạt xe hơi trị giá vài tỉ/chiếc.
Trần Vũ Quỳnh Anh trở thành nhân vật chính của một scandal vì nhiều người nhắm vào cô để bắn hạ ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, kiêm Bí thư tỉnh Thanh Hóa. Họ cáo buộc ông Chiến lạm dụng quyền lực để giúp cô tình nhân trẻ trở thành một bà hoàng vừa dư quyền lực, vừa thừa tiền (3). Thế rồi Trần Vũ Quỳnh Anh biến mất. Chính xác là cô đột ngột xin nghỉ việc, còn bộ phận quản trị hành chánh – tổ chức đột nhiên lấy toàn bộ hồ sơ của cô trả lại cho chính cô. Không còn bất kỳ tài liệu nào để xác định - truy cứu trách nhiệm những cá nhân sắp đặt cho Trần Vũ Quỳnh Anh “tiến nhanh, tiến mạnh” và suýt nữa là “tiến vững chắc” đến đỉnh vinh hoa.
Tuy các cơ quan hữu trách không… tìm được Trần Vũ Quỳnh Anh, hết… cửa để truy vấn cô tìm sự thật nhưng sự “thăng tiến thần tốc” của cô là một thực tế không thể chối cãi và tất nhiên, không thể bỏ qua. Ông Ngô Văn Tuấn, nhân vật vốn là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thời Trần Vũ Quỳnh Anh được tuyển dụng làm chuyên viên, bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản,… được xác định là thủ phạm. Cuối năm 2017, ông Tuấn lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa bị Ban Bí thư BCH TƯ đảng CSVN tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng. Đầu năm 2018, Thủ tướng Việt Nam quyết định cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa của ông Tuấn.
Giống như Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Tuấn cũng nổi như cồn vì sai phạm chưa từng được định danh trong lịch sử nhân lọai nói chung và lịch sử tư pháp nói riêng: Nâng đỡ không trong sáng!
Dù sai phạm của ông Tuấn được xác định là “rất nghiêm trọng”, ông Tuấn vẫn được lưu dụng làm Tổ trưởng Tổ chuyên viên của Ban Chỉ đạo Quy hoạch xây dựng - Phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh Thanh Hóa.
Đầu tháng này, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Tuấn vừa được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng vì Sở Xây dựng “xin” lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ “tham mưu” và sau khi xem xét đã đồng ý.
Không phải tự nhiên mà cả công chúng lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam xem việc bổ nhiệm ông Tuấn làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa là “một kiểu trả ơn” (4). Từ vị trí này ông Tuấn có thể quay trở lại chức vị cũ.
***
Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã cũng như đang tìm mọi cách để thuyết phục công chúng rằng họ quyết tâm “chỉnh đốn” cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền.
Kỷ luật ba viên chức đòi Cảng vụ Hàng không miền Bắc biệt đãi vợ con ông Trần Tuấn Anh, điều động công xa đón cả hai, hay tước bỏ toàn bộ chức vụ của ông Tuấn vì “nâng đỡ không trong sáng”,… được sử dụng như những bằng chứng, chứng minh cho quyết tâm “chỉnh đốn”. Đáng tiếc là dù dụng rất nhiều công, hoạt động biểu diễn quyết tâm “chỉnh đốn” vẫn chưa… khéo, thành ra càng nỗ lực, càng phản tác dụng vì không “đúng người”, không “đúng tội” và tất nhiên là không “đúng pháp luật” hiện hành. “Chỉnh đốn” mà chấp nhận sắp đặt cho “thế thân” thì “chỉnh” làm gì cho mệt. “Chỉnh” như thế thì đến bao giờ tình trạng đổ đốn mới chấm dứt?
Chú thích
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trịnh_Văn_Chiến

Động cơ nào khiến chính phủ muốn rút luật ‘Hai Đê’?

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/04/04/2019 
Thủ Thiêm, một trong những "nhức nhối" lớn nhất liên quan đến đất đai ở Việt Nam.
Thủ Thiêm, một trong những "nhức nhối" lớn nhất liên quan đến đất đai ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam vừa gây thêm ‘tội ác’ khi một lần nữa cố tình luồn lách nhằm kéo dài thời hạn trình ra Quốc hội Luật Đất Đai - bộ luật mà đã trở thành một trong những tội ác lớn nhất trong lịch sử đảng CSVN khi luôn mặc định ‘sở hữu đất đai toàn dân’ mà không chịu công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân và đã làm lợi cho vô số nhóm lợi ích - quan chức khi biến Đất thành Đô (dân gian đương đại Việt Nam thường gọi là ‘Hai Đê’), trong khi biến hàng triệu người dân Việt thành dân oan đất đai.
‘Tội ác’ mới
Tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật quốc hội diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 3 năm 2019, sau khi xuất hiện một số ý kiến của đại biểu quốc hội yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ Luật Đất đai sửa đổi để sẵn sàng đưa vào chương trình và trình Quốc Hội, phía Chính phủ đã đề nghị rút dự án Luật Đất đai sửa đổi khỏi chương trình năm 2019 cho đến sau năm 2020, với lý do để cho việc sửa đổi thật “chín”.
Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà, đại diện của cơ quan được chỉ định nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013, cũng là tác giả kiêm đạo diễn của thảm họa xả thải môi trường Formosa mà đã đẩy đến nửa triệu dân các tỉnh miền Trung vào cảnh khốn quẫn nhưng vẫn không hề bị xử lý bằng bất kỳ hình thức pháp luật nào, cho rằng “đất đai tại Việt Nam là một lãnh vực nhạy cảm và phức tạp và khi thực hiện sửa đổi thì càng thấy khó khăn và vướng mắc”.
Không thể cho rằng Trần Hồng Hà và những quan chức của chính phủ trực tiếp liên quan đến đất đai như Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng, Trương Hòa Bình - phó thủ tướng thường trực và cả giới quan chức bên đảng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng không nằm lòng những bản báo cáo của các cơ quan Thanh tra chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về một chủ đề cực kỳ nhạy cảm: đơn thư khiếu tố đất đai chiếm đến 85 - 90% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo, đưa chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam trở thành một trong những dẫn chứng chói lọi nhất trên bảng vàng tham nhũng đất đai và cưỡng đoạt nhân dân - theo thống kê của các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Đề nghị rút Luật Đất Đai của phía chính phủ - bị nghi ngờ rất lớn về việc có bàn tay ‘thày dùi’ của một số nhóm lợi ích, tài phiệt, quan chức “vấy máu ăn phần” trong đó, xảy đến trong bối cảnh cơn ung thư cưỡng chế đất vẫn không hề thuyên giảm trên toàn cõi Việt Nam, khiến cho ngày càng nhiều người dân trắng tay ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Vụ ‘cướp sạch’ 5 ha đất Vườn Rau Lộc Hưng do chính quyền TP.HCM đích danh thủ phạm vào giáp tết nguyên đán 2019 là chứng cứ mới nhất, quá đủ để thiết lập một phiên tòa xử giới quan chức về tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và biến người dân thành kẻ thù bất đắc dĩ của chế độ cầm quyền cường bạo này.
Nhìn lại tội ác cũ
Việt Nam từ sau thời mở cửa kinh tế những năm 90 của thế kỷ 20 đã chứng kiến vô số cảnh lấy đất, cướp đất tàn bạo của nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Có hàng ngàn ví dụ trong một phần tư thế kỷ qua ở Việt Nam, kể từ thời điểm bắt đầu đường parabol hướng lên của thị trường bất động sản từ năm 1995 và kéo theo rất nhiều vụ thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau này là bất chấp đạo lý đối với nông dân.
Cùng với cơ chế đền bù cho nông dân với giá chỉ bằng 1/10 đến 1/20 giá thị trường, rất nhiều khuôn mặt đại gia đã phất lên qua những con sóng bất động sản từ năm 1995 đến năm 2011. Rất nhiều nạn nhân liên quan đến chính sách thu hồi đất đai đã phải ròng rã khiếu kiện nhiều năm trời, tạo thành những đám đông biểu tình ghê gớm. Nhiều nạn nhân đã phải vào tù chế độ và trở thành tù nhân lương tâm.
Tất cả những bất công trên đã tích tụ đủ dày để biến thành ý thức phản kháng của một bộ phận nông dân bị mất đất, biến họ thành dân oan và tạo nên mối xung khắc, dẫn tới xung đột với giới quan chức chính quyền tại nhiều địa phương. Vụ thu hồi đất hết sức bất công tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2012, vụ âm mưu ‘cướp sạch’ 59 ha đồng Sênh của người dân xã Đồng Tâm ở Hà Nội năm 2017, vụ ‘cướp trắng’ khổng lồ ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Sài Gòn mà hậu quả còn kéo dài đến nay là những bằng chứng điển hình.
Đặc thù tâm lý trong xã hội Việt Nam là lòng dân càng bất mãn thì phản ứng của người dân càng lúc càng trở nên thiếu kiềm chế. Trong một số vụ việc những năm gần đây, đã xuất hiện dấu hiệu vượt khỏi tâm lý kiềm tỏa sợ hãi để bước đến tâm trạng phản kháng, thậm chí sẵn sàng đối đầu, cho dù đó chỉ là hành động đối kháng tự phát chứ không được tổ chức. Có thể nêu ra hàng loạt vụ việc người dân phản ứng về đất đai ở nhiều địa phương như Nam Định, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Sài Gòn… và ngay tại ngoại thành Hà Nội, rất gần với tổng hành dinh của chính phủ và Bộ Chính Trị đảng. Việc ngày càng hiện ra những người dân như Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng năm 2012 và Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình năm 2013 nổi lên chống đối chính quyền chính là điển hình cho lòng phẫn uất đã biến thành tự phát vô cảm đến mức bất chấp của dân oan, đối diện với thói vô lương tâm của giới quan chức địa phương.
“Tập trung tích tụ đất đai” cho kẻ nào?
Trong khi hoàn toàn chưa có cơ sở nào để tin rằng chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” của đảng cầm quyền sẽ “tăng năng suất lao động và làm cho nông dân đỡ khốn khổ hơn” như lối tuyên giáo không còn biết liêm sỉ là gì của hệ thống báo đảng, chủ trương này đã bị biến thành công cụ của những kẻ “tay không bắt giặc”, không chỉ là tai họa xã hội mà còn là một nguy cơ chính trị khủng khiếp đối với chế độ theo cách “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân.”
Dù chưa chính thức, “Tập trung tích tụ đất đai” bắt đầu bị soi mói lợi dụng, và nếu không được kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung chủ trương này có thể tiếp tay cho hành vi “lấy của người nghèo chia cho người giàu.”
Hãy nhớ, tương tự như xã hội Trung Quốc, khoảng 70% triệu phú và tỷ phú đô la ở Việt Nam có xuất thân “đi lên từ đất”. Xã hội Việt Nam cũng bổi thế đang ‘vươn lên một tầm cao mới’ bằng sự phân hóa ghê gớm giữa giai tầng tỷ phú đô la đang đội cao như núi với vô số dân chúng bị nghèo hóa và bần cùng hóa, lao đến một tương lai không lối thoát.
Vườn Rau Lộc Hưng cũng là một trong những biểu hiện đầu tiên về chủ trương ‘tập trung tích tụ đất đai’ của đảng cầm quyền - phát sinh từ năm 2017 - khiến người nông dân Việt Nam mất đi mảnh đất ở và kế sinh nhai cuối cùng.
Tìm mọi cách câu giờ để không chịu sửa đổi Luật Đất Đai theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng lại đẩy nhanh tốc độ ‘tập trung tích tụ đất đai’ vào tay các nhóm lợi ích mafia, đã quá rõ là Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tập đoàn lợi ích móc xích với quan chức đang lao vào hội chứng ‘hốt cú chót’ khi chứng kiến màn đêm buông trùm lên chế độ.
Đó là một thứ tội ác thuộc loại trời không dung đất không tha, sẽ bị người dân mở tòa xét xử trong không bao lâu nữa - đối với từng quan chức vấy máu ăn phần - khi bóng đêm không còn ngự trị trên dải đất quằn quại chữ S này nữa.

Việt Nam, thiên đường của ‘Tự Do’

Theo VOA-Mạnh Kim/04/04/2019
Hình minh họa.
Việt Nam đang trở thành thiên đường của tự do. Đây là nơi mà một người có thể tự do đâm chết bạn gái trước sự chứng kiến của cảnh sát. Đây là nơi học sinh không chỉ được tự do đánh nhau mà có thể đánh thầy. Đây là nơi người ta có thể tự do cưỡng hiếp trẻ em mà không bị vào tù…
Khi đi chợ, bạn tùy ý mua bất cứ gì bạn thích và người bán thì tự do bơm bất kỳ gì vào thực phẩm mà không bao giờ sợ bị “quản lý thị trường” phạt. Khi vào bệnh viện, bạn được tự do nằm ở bất cứ nơi nào có thể, từ gầm giường đến hành lang. Con của bạn cũng được tự do biến thành “vật thí nghiệm” cho các loại vắcxin gây chết người mà chẳng ai chịu trách nhiệm. Trong thế giới tự do này, ý thức trách nhiệm được thả bay bổng tự do hoàn toàn. Ở Việt Nam, trẻ đến tuổi đến trường vẫn có thể được tự do nghỉ học đi bán vé số. Khi đi học, con của bạn được tự do chửi thề, tự do đánh nhau; thầy cô cũng được quyền tự do tra tấn hành hung con bạn. Nếu không thích những điều đó, bạn có toàn quyền tự do chuyển sang trường khác, miễn bạn có đủ tiền để “chạy”. Không chỉ chạy trường, bạn cũng có thể chạy điểm mà không bao giờ lo danh tánh bạn hoặc con bạn bị tiết lộ. Chạy chức còn tự do làm được thì chạy trường hoặc chạy điểm chẳng phải là chuyện lớn.
Ở Việt Nam, bạn có thể ăn thoải mái thú rừng và tự do chặt phá rừng. Các công ty cũng tự do gây ô nhiễm nguồn nước hoặc môi trường nói chung mà chẳng hề bị sờ gáy. Việt Nam tự do mở cửa đón rước những “nhà thầu bẩn” và tự do nhập rác thải của thế giới. Ở các thành phố lớn, bạn được tự do hít bụi những ngày nắng và tự do “bơi” trên đường phố ngập lụt vào những ngày mưa. Cũng ở vài thành phố lớn, bạn được tự do xả rác nhưng muốn gom rác thì phải xin phép chính quyền. Bạn có thể ngủ nghỉ bất cứ nơi nào trên đất nước này nhưng chính quyền cũng có quyền tự do tước mất mảnh đất cắm dùi của bạn. Bạn có thể đi lại bất cứ nơi nào bạn muốn trên đất nước này nhưng chính quyền cũng có quyền tự do tịch thu thông hành của bạn, trong khi viên chức cấp cao tham nhũng được tự do trốn đi nước ngoài. Khi con bạn bị đánh, bạn có thể khuyên nó nên hành xử tử tế bằng cách “trình báo” ban giám hiệu nhưng khi chính bạn bị công an đánh thì bạn biết bạn sẽ đối mặt với thái độ “tự do im lặng” của nhà cầm quyền. Ở đất nước này, bạn cũng có quyền tự do hối lộ, tự do lo lót, tự do chạy án, tự do đấm mõm những kẻ hùng hồn luôn to mồm nói về “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Ở Việt Nam, một tên đảng viên can tội sàm sỡ trẻ con vẫn được bao che bằng những ngôn từ như thể đó là “quyền tự do riêng tư”.
Ở Việt Nam, bạn có thể bị lên án vì “nói nhiều”, bởi “nói thế để làm gì” nhưng sau đó người ta lại than thở “xã hội ngày càng vô cảm”. Ở Việt Nam, người ta không thích bạn “chửi” chính quyền nhưng người ta quên rằng chính quyền là nguồn gốc của nhiều thứ bất công. Dù thế nào, Việt Nam vẫn là thiên đường tự do. Ở Việt Nam, người dân được tự do chỉ trích quan chức nhưng công an cũng tự do bắt tù bất kỳ ai. Chính quyền cũng được quyền tự do nói bất kỳ gì mà họ thích dù đôi khi họ không hiểu họ nói gì, trong khi người dân luôn hiểu điều gì khiến mình trở nên giận dữ. Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi mà người bị bắt tự do chết trong đồn cảnh sát. Ở Việt Nam, người ta có thể tự do tư túi hàng triệu đôla vẫn không hề hấn gì trong khi bạn có thể gặp rắc rối với chính quyền vì bị gán tội nhận “300.000 đồng” để “đi biểu tình”. Trên đất nước này, giang hồ được tự do thay mặt chính quyền làm “công tác xã hội”. Chính quyền đôi khi cũng tự do đóng vai “đầu gấu”, trong các vụ cưỡng chế đất đai, trong các vụ trấn át người biểu tình, trong các vụ dàn cảnh đánh người tại các điểm BOT giao thông…
Ở Việt Nam, truyền thông luôn được tự do. Báo chí và truyền hình được quyền tự do phát tán văn hóa khiêu dâm. Ở Việt Nam, bạn có thể tự do làm bất kỳ công việc gì, miễn đừng làm nhà dân chủ, nhà đấu tranh hoặc thậm chí nhà bảo vệ môi trường. Bạn được tự do tranh cử Quốc hội nhưng hãy tỉnh táo nhận ra thực tế rằng đó là một quyền tự do chỉ tồn tại trên lý thuyết. Ở đất nước này, bạn được tự do “mở” chùa chiền nhưng bạn hãy cân nhắc “biên độ tự do” nếu có ý định lập một diễn đàn xã hội dân sự chỉ để phụng sự nhu cầu khai trí. Nói về “biên độ tự do”, những kẻ thuộc hệ thống Đảng được hưởng nhiều tự do hơn hết. Họ được tự do tàn phá trong khi người dân được tự do hứng chịu.
Việt Nam và “hạn mức” tự do của nó đã phát triển đến mức cao nhất? Chưa. Còn nhiều “loại” tự do chưa xuất hiện. Sẽ có những “thứ” tự do gây bất ngờ hơn. Có nhiều khái niệm tự do méo mó khác đang trong quá trình định hình. Sự hỗn loạn chưa kết thúc. Đạo đức, cùng nhiều giá trị khác, tiếp tục rơi tự do. Chẳng có “lực ma sát” nào để giảm đà rơi tự do này, khi mà các giá trị căn bản trong giáo dục con người đã bị mài đến mức mòn nhẵn. Đất nước đang “hưởng” nhiều tự do. Nhưng là một sự tự do tật nguyền.

47 năm sau, ‘Hà Nội Jane’ vẫn gây phẫn nộ

Hoài Hương-VOA-05/04/2019 
Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không, hát một bài ca phản chiến tặng bộ đội miền Bắc gần Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam vào tháng 7/1972. Hành động phản chiến của bà bị nhiều cựu chiến binh Mỹ coi là hành động 'phản bội'
 Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không, hát một bài ca phản chiến tặng bộ đội miền Bắc gần Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam vào tháng 7/1972. Hành động phản chiến của bà bị nhiều cựu chiến binh Mỹ coi là hành động 'phản bội' 
Gần 47 năm sau khi tới thăm Hà Nội vào cao điểm của chiến tranh Việt Nam, nữ minh tinh màn bạc Mỹ Jane Fonda vẫn phải trả giá cho chuyến đi định mệnh, dù trong quá khứ, bà dã nhiều lần ngỏ lời xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ về ‘sai lầm không thể tha thứ’ của mình.
Mới đây, ‘Hà Nội Jane’, biệt danh được đặt cho nữ diễn viên Jane Fonda, lại xuất hiện trên báo chí Mỹ khi Giám sát viên Greg Lazzaro của Hội đồng Giám sát thị trấn Seneca Falls, bang New York, yêu cầu ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh danh Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Hall of Fame), vì Viện này đã chọn Jane Fonda vào danh sách 10 phụ nữ được vinh danh trong năm 2019.
“Những hành động của Jane Fonda, ... chụp ảnh với bộ đội miền Bắc trong khi ngồi trên nòng súng phòng không dùng để bắn hạ máy bay Mỹ, gây chia rẽ đất nước chúng ta, các cựu chiến binh mãi cho tới bây giờ, vẫn coi đây là một hành động phản quốc.”
Greg Lazarro, thành viên Hội đồng Giám sát thị trấn Seneca Falls, New York
Đề nghị của Giám sát viên Lazzaro đã bị bác vào đêm 2/4, tuy nhiên cuộc tranh luận gay gắt về công và tội của Jane Fonda, gần 50 năm sau chuyến đi thăm Hà Nội vào lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cao điểm, nêu bật một lần nữa tính cách nhạy cảm và sự chia rẽ sâu xa trong xã hội Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, trong đó hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã hy sinh.
Ông Lazzaro đơn cử những hành động phản chiến của Jane Fonda trong thời chiến tranh Việt Nam để giải thích vì sao ông đề nghị ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh Danh Phụ nữ Quốc gia. Ông nói ông hành động vì lòng tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, vốn không thể tha thứ những hành động ‘phản bội’ của Jane Fonda.
Nghị quyết được giám sát viên Lazarro phổ biến tuần trước, có đoạn viết:
“Những hành động của Jane Fonda, như tiếp tế vật dụng y tế, thuốc men cho Bắc Việt trong thời chiến tranh Việt Nam, châm biếm các tù nhân chiến tranh Mỹ bị bắt ở Việt Nam,… chụp ảnh với bộ đội miền Bắc trong khi ngồi trên nòng súng phòng không dùng để bắn hạ máy bay Mỹ, đã gây chia rẽ đất nước chúng ta, khiến cho các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam mãi cho tới bây giờ, vẫn coi là một hành động phản quốc.”
Thời gian vẫn chưa xóa nhòa được hình ảnh của ‘Hanoi Jane’ mặc áo bà ba, ngồi trên nòng súng, cười tươi như hoa chụp ảnh chung với bộ đội phòng không Bắc Việt. Hình ảnh cô diễn viên sáng giá của Mỹ, đoạt giải Oscar, đứng về phe “địch” vào một ngày tháng 7 năm 1972, vẫn còn đậm nét trong ký ức của những cựu chiến binh Mỹ từng bị cầm tù, hay đổ máu trên chiến trường Việt Nam, nhưng may mắn hơn nhiều động đội, còn sống sót để trở về.
Seneca Falls là một thị trấn nhỏ nhưng đóng vai trò lịch sử vì là nơi khai sinh của phong trào Nữ quyền tại Hoa Kỳ. Hội nghị đầu tiên về quyền phụ nữ tổ chức tại đây vào năm 1898 - được coi là một bước ngoặt quan trọng, dẫn đến nước Mỹ hiện đại, trong đó phụ nữ được quyền đi bầu, và những đóng góp của phụ nữ được thừa nhận và vinh danh.
Ngoài Jane Fonda, trong 10 phụ nữ được vinh danh năm nay còn có cố dân biểu Louise Slaughter và Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor.

Việt Nam tiếp tục ‘biết ơn’ tử sĩ Trung Quốc hy sinh cho độc lập quốc gia

Theo VOA-05/04/2019 
Khoảng 50 người, bao gồm Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và các quan chức Việt Nam, cúi đầu tưởng niệm các liệt sĩ Trung Quốc trong buổi tưởng niệm ngày 4/4/2019.
Khoảng 50 người, bao gồm Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và các quan chức Việt Nam, cúi đầu tưởng niệm các liệt sĩ Trung Quốc trong buổi tưởng niệm ngày 4/4/2019.
Các quan chức Việt Nam vừa cùng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, tham dự một buổi lễ dâng hương tưởng niệm các tử sĩ Trung Quốc tại Việt Nam vào ngày 4/4.
Trong khi truyền thông trong nước im lặng trước thông tin này, hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, hôm 5/4 có bài viết lớn tường thuật chi tiết sự kiện, và cho biết ngoài Đại sứ Hùng Ba, các doanh nghiệp, sinh viên và nhân viên truyền thông Trung Quốc, còn có các quan chức địa phương, đại diện Hội Hữu nghị Việt-Trung và các thanh niên tình nguyện Việt Nam tham dự lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc ở xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên trong dịp lễ Thanh Minh.
Dẫn thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc, Tân Hoa Xã nhắc lại rằng Bắc Kinh đã cử hơn 320.000 lính Trung Quốc sang Việt Nam chiến đấu giúp bảo vệ độc lập theo yêu cầu của đảng Cộng sản Việt Nam, và hơn 1.400 binh sĩ Trung Quốc đã ngã xuống trên đất Việt Nam.
“Những anh hùng đó đã hy sinh tại Việt Nam để giành độc lập cho đất nước chúng ta, vì hòa bình thế giới. Việc chăm sóc phần mộ của họ là cách mà chúng tôi thể hiện lòng tri ân và kính trọng những gì họ đã làm”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn, nói tại buổi lễ.
Theo lời quan chức của Việt Nam, chính quyền địa phương ở cấp xã, huyện và thành phố thường xuyên tổ chức các chuyến viếng thăm để tỏ lòng thành kính với những anh hùng Trung Quốc đã ngã xuống. Họ dâng hương, kiểm tra công việc dọn dẹp và thường xuyên có kế hoạch nâng cấp nghĩa trang vào những dịp như Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7).
Trong dịp này, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cũng khẳng định các anh hùng của Trung Quốc “sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Ông nói: “Họ đã hy sinh tuổi trẻ và mạng sống của mình để xây dựng một tượng đài bất tử về tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước và hai dân tộc”, vẫn theo Tân Hoa Xã.
Theo đại diện của Trung Quốc, mối quan hệ Trung-Việt hiện đã đạt tới một điểm mốc lịch sử mới và hai dân tộc sẽ chung tay tăng cường mối quan hệ một cách bền vững.
Sự kiện dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Trung Quốc diễn ra vào thời điểm khá “nhạy cảm”, khi nhiều người dân Việt Nam vừa trải qua những ngày tưởng niệm cuộc chiến Biên giới 1979, mà Trung Quốc tuyên bố là để “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã đưa quân sang Campuchia tiêu diệt Pol Pot.