Thursday, March 29, 2018

Điệp vụ Biển Đỏ’ lọt lưới kiểm duyệt Hà Nội

RFA 2018-03-28  
Poster phim Điệp vụ Biển Đỏ.
Poster phim Điệp vụ Biển Đỏ.  Screen capture of Google
Bộ phim ‘Điệp vụ Biển Đỏ” do Trung Quốc sản xuất và được công chiếu ở các rạp tại Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền vừa qua vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những khán giả Việt.
Lý do được nói là trong 36 giây cuối của bộ phim, tàu tuần tra hải quân Trung Quốc ở biển Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh "quần đảo Nam Sa" mà Việt Nam gọi là Trường Sa. Giới quan sát trong nước nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Chống chế của Hội Đồng Duyệt Phim

Trước phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày 26 tháng 3 nói với truyền thông trong nước rằng bộ phim được kiểm duyệt đúng quy trình, đồng thời cũng phản bác những ý kiến cho rằng bộ phim nói Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định đây là hoàn toàn suy diễn chứ không hề có trong phim.
Tuy nhiên, cụm rạp CGV sau đó đã bỏ suất chiếu phim Điệp vụ Biển Đỏ với lý do không bán được vé chứ không phải do lệnh cấm chiếu.
Mọi người đã góp ý sai lầm rồi, nhưng đến giờ họ mới cấm, nhưng vẫn chống chế rằng họ duyệt đúng quy trình.
- Đỗ Thái Bình
Nhận xét về hành động này, ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:
“Cấm chiếu là việc rút lại cái sai của người ta vì đã cho chiếu. Mọi người đã góp ý sai lầm rồi, nhưng đến giờ họ mới cấm, nhưng vẫn chống chế rằng họ duyệt đúng quy trình.”

Hội đồng kiểm duyệt

Trước khi một bộ phim được công chiếu tại các rạp đòi hỏi phải trải qua những quy trình kiểm duyệt gắt gao. Trong buổi duyệt phim Điệp vụ Biển Đỏ có sự tham gia của 7 thành viên, trong đó có nhà thơ – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ông Đỗ Duy Anh - Cục phó Cục Điện ảnh, ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia…
Theo Nghệ sĩ ưu tú Vũ Huy, họa sĩ tham gia dựng bối cảnh "Kong: Skull Island", thì Hội đồng kiểm duyệt bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ gồm những người có rất nhiều kinh nghiệm vì nhiều người trong số họ là đồng nghiệp của ông, nên xảy ra sơ xuất lần này cũng khiến ông khá bất ngờ.
Về phía ông Đỗ Thái Bình lại cho rằng xưa nay Cục kiểm duyệt vẫn khá thận trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế:
“Trình độ nhận thức, trình độ văn hóa hơi thấp, bởi vì trước đây có những cái họ để lọt lưới rất vô ích và không thể tưởng tượng được. Ví dụ như họ cho phát hành bài ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu, là người chỉ huy trận Hoàng Sa. Như vậy chứng tỏ họ không có nhận thức, bản thân họ không có trình độ để phân tích sự thật.”
Ông cũng cho rằng vai trò của Cục Kiểm Duyệt rất quan trọng, vì với những thông tin không chính xác hoặc sai lệch, những người hiểu biết có thể phân tích được, còn đại đa số quần chúng có vẻ thiếu thông tin thì sẽ có ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, không chỉ riêng Hội đồng kiểm duyệt phải chịu trách nhiệm trong việc thông qua cho phim Điệp vụ Biển Đỏ được ra rạp, mà cả Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cũng có phần liên quan:
“Hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đương chức, ông đã bỏ ra từ ngân sách 180 tỷ để tuyên truyền biển đảo. Mà hội đồng duyệt phim và ngay cả Thứ trưởng của Bộ Văn – Thể – Du (Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) cũng không hiểu thế nào là lãnh hải, nội dung khái niệm lãnh hải và các vấn đề liên quan đến lãnh hải.
Bộ phim được trang mạng của Hoàn Cầu Thời báo, tức là phụ bản của Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc và trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá bộ phim này và chỉ rõ ra lãnh hải trong bộ phim đề cập đến và quyền chiếm đóng của Trung Quốc ở cái gọi là quần đảo Nam Sa của Trung Quốc – tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ quảng bá cho quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hình thức kiểm điểm.
- Đinh Kim Phúc
Chúng tôi không thể chấp nhận cách trả lời của các ông bà trong Bộ phận duyệt phim và Thứ trưởng Bộ Văn – Thể – Du.”

Kiểm duyệt phim tuyên truyền

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, để tránh trường hợp kiểm duyệt sót như vụ việc phim Điệp vụ Biển Đỏ, cần có một tổ kiểm định có nhận thức chuyên môn sâu sắc hơn:
“Yêu cầu Hội đồng duyệt phim tập hợp được những người có đầy đủ trình độ về luật, công pháp quốc tế, về tất cả vấn đề để nhận rõ bản chất Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh mềm về kinh tế, văn hóa để hợp thức hóa quá trình chiếm biển, chiếm đảo trên Biển Đông.”
Hiện tại, dù bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ không còn được chiếu ở các rạp chiếu phim ở Việt Nam, nhưng cách trả lời truyền thông trong nước của những đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa khiến giới quan tâm chấp nhận vì chưa đưa ra được cách giải quyết cụ thể và không bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm cho sai phạm này.
Do đó, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đề ra giải pháp:
“Sau bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ quảng bá cho quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hình thức kiểm điểm.”
Giới quan sát cho rằng trong những năm gần đây, Bắc Kinh bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư vào thị trường phim ảnh nhằm quảng bá sức mạnh của Hải quân Trung Quốc với những tàu chiến và vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, không phải bộ phim tuyên truyền nào cũng được đón nhận rộng rãi, điển hình là hai bộ phim Kim Lăng Thập Tam Hoa và Vạn lý Trường Thành của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu. Nhưng đến khi công chiếu phim Chiến Lang 2, Điệp vụ Tam giác vàng (Điệp vụ Mekong), Điệp vụ Biển Đỏ với nhiều yếu tố giải trí, Trung Quốc dường như đạt được ý đồ tuyên tuyền của họ.

Pháp đưa nhân quyền lên hàng đầu trong tuyên bố chung, liệu VN có thay đổi?

RFA 2018-03-29  
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN ông Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh chụp hôm 27/3/2018.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN ông Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh chụp hôm 27/3/2018.  AFP
Tuyên bố chung Việt – Pháp đưa ra sau chuyến thăm của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy hai bên đã thống nhất đặt vấn đề dân chủ nhân quyền lên mục thứ hai, nhưng có thể coi là mục đầu tiên bởi vì thực chất điều 1 thường chỉ mang tính chất ngoại giao.
Trong số 29 điều được nêu ra trong bản tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Pháp, có thể nhìn thấy ngay mục về nhân quyền nằm trong điều thứ 2 , nguyên văn như sau:
“Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước.”
Như vậy trong chuyến thăm lần này chuyện nhân quyền có vẻ như được Pháp quan tâm ưu ái hơn so với bản tuyên bố chung năm 2013 khi ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Paris, lúc đó nhân quyền được đặt xuống mục thứ 6.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động dân sự Tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá bản tuyên bố chung lần này là một bước tiến quan trọng cho thấy Pháp quan tâm hơn đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Mặc dù trong buổi họp báo, phía Pháp không hề nhắc đến nhân quyền, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Pháp quan tâm đến kết quả thực chất hơn là sự quảng cáo rầm rộ.
Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng về phía chính phủ Pháp và tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ có tác động nào đó đến cách hàng xử của chính quyền Việt Nam. Bởi vì thực sự Hiệp định Tự do Thương mại song phương giữa Việt Nam và EU tuy đã đàm phán xong rồi nhưng vẫn chưa được ký và năm 2018 là một năm bản lề trong việc có ký hay thông qua được hay không.
Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng về phía chính phủ Pháp và tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ có tác động nào đó đến cách hàng xử của chính quyền Việt Nam.
- TS. Nguyễn Quang A
Chuyến thăm Pháp của ông Nguyễn Phú Trọng lần này được nhận xét mục đích muốn thúc đẩy Hiệp định Tự do Thương mại với EU sẽ được ký trong năm nay. Khối EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng việc áp thuế lên nhiều mặt hàng của Việt Nam như nhôm, thép, và thậm chí cá ba sa bị đánh thuế lên đến hơn 100%.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được nói là bị Việt Nam bắt cóc từ Đức. Ông Nguyễn Quang A cho rằng đây là hành động làm mất hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng châu Âu, mà theo ông chính ông Nguyễn Phú Trọng là người ra lệnh.
Ông Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bị cáo buộc tham nhũng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trốn sang Đức xin tị nạn vào năm 2016.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Việt Nam đang muốn gỡ gạc lại những tiếng xấu bấy lâu nay lan truyền trong cộng đồng châu Âu, vì vậy có thể sẽ thay đổi một số chính sách về nhân quyền:
Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ có tác động nào đấy nhưng bảo rằng nó sẽ có tác động quyết định hoặc rất lớn đến cách ứng xử của chính quyền Việt Nam thì tôi nghĩ rằng không, bởi vì đối với chính quyền Việt Nam họ cân nhắc rất nhiều yếu tố và chính quyền Việt Nam chỉ thay đổi khi áp lực ở nước ngoài như trường hợp này chứng tỏ tăng lên nhưng áp lực trong nước cũng phải tăng lên. Và bản thân họ thấy rằng nếu có thỏa mãn áp lực bên trong và bên ngoài đó thì họ mới giữ được vị thế của mình.
Cuối năm ngoái, Đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lên tiếng yêu cầu EU không nên đưa nhân quyền vào nội dung Hiệp định Tự do Thương mại giữa hai phía, viện lý do là Việt Nam luôn phối hợp với quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền con người.
Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Pháp, một số tổ chức về nhân quyền như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Hội Nhân quyền Pháp quốc, đã ký tên chung bức Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu Tổng Thống áp lực Việt Nam giải toả đàn áp nhân quyền và tôn giáo, huỷ bỏ các điều luật phản chống nhân quyền, và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Ông Andrea Giorgetta, Trưởng Phòng Á Châu của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền nói với RFA:
Hiển nhiên Việt Nam là cựu thuộc địa Pháp, nhưng ngày nay ảnh hưởng Pháp vẫn còn trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị và kinh tế. Thật là điều quan trọng khi Tổng Thống Macron gửi một thông điệp thẳng thắn tới Tổng Bí thư Trọng làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền sa sút tại Việt Nam, đặc biệt về hoàn cảnh các tổ chức xã hội dân sự bị o ép trong một không gian khép kín, việc sử dụng các điều luật hạn chế nhân quyền, và không ngừng tiếp diễn đàn áp tự do ngôn luận, biểu tình và tự do tôn giáo.
Ngoài ra, Tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng yêu cầu chính phủ Pháp đặt 3 câu hỏi bị cho là “cấm” về nhân quyền ở Việt Nam và yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng trả lời.
Khi họ đưa vấn đề dân chủ nhân quyền lên hàng thứ hai, điều đó chứng minh Liên minh châu Âu đã coi trọng nhân chủ nhân quyền của Việt Nam
- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Chúng tôi cũng trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức bảo vệ dân chủ nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua bị đàn áp bắt bớ mạnh tay. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Liên minh châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đang thực hiện một chủ trương buộc Việt Nam phải thay đổi, đặc biệt là sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và hàng loạt vụ đàn áp nhân quyền “khét tiếng” gần đây:
Chính vì vậy khi ông Trọng sang Pháp, việc đầu tiên là sự đón tiếp long trọng đã không có. Thứ hai, khi họ đưa vấn đề dân chủ nhân quyền lên hàng thứ hai, điều đó chứng minh Liên minh châu Âu đã coi trọng nhân chủ nhân quyền và đã thấy thực chất những tuyên bố của Nhà nước Cộng sản Việt Nam đối với dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam là hoàn toàn không có, hoàn toàn giả dối.
Việt Nam thường xuyên cam kết thúc đẩy nhân quyền trước mắt quốc tế, và thậm chí còn đưa ra những bản công bố về thành tựu nhân quyền của họ trong thời gian qua. Nhưng giới hoạt động cho biết suốt năm ngoái và đầu năm nay, họ bị đàn áp và bỏ tù hết sức tàn bạo. Năm ngoái, chỉ trong vòng hai tuần lễ, 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị bắt.
Ngay khi ông Trọng còn đang ở Pháp, ca sĩ Mai Khôi, một nhà hoạt động vì tự do ngôn luận ở VN đã bị cơ quan chức năng câu lưu tại Hà Nội khi vừa đáp chuyến bay về từ châu Âu.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhận thấy qua cách gián tiếp thúc giục thay đổi tình hình nhân quyền của Pháp, thời gian tới Việt Nam có thể sẽ nhẹ tay hơn với giới hoạt động để đổi lấy các lợi ích kinh tế.

Đã đến lúc Việt Nam phải tuyên chiến với bụi khói

Theo VOA-29/03/2018 
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân
Giới thiệu
Ô nhiễm không khí là một trong nhưng vấn nạn môi trường lớn nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, công chúng có vẻ chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, dù họ rất quan tâm, do thiếu thông tin định lượng. Chỉ số Phẩm chất Không khí (Air Quality Index -- AQI), như tên gọi, là một chỉ số phản ảnh phẩm chất không khí trong môi trường, được các nhà khoa học môi trường trên thế giới sử dụng để đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí. Một cách để hiểu AQI là qua định lượng ô nhiễm không khí với lượng thuốc lá tiêu thụ, số tuổi thọ sụt giảm và số người tử vong hàng năm. Bài viết này sẽ giải thích ý nghĩa của AQI, và chỉ ra tác hại của ô nhiễm không khí lên sức khỏe công chúng đặc biệt tại Hà Nội và Sài Gòn.
Người viết dùng các phép đối chiếu trình bày trên Viet Ecology Foundationvà dữ kiện quan trắc phẩm lượng không khí tiêu biểu của Đại Sứ quán Hoa Kỳ tính ra, trung bình 16 triệu dân số Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày thở bụi khói tương đương với hút 26,5 triệu điếu thuốc, họ mất gần 18 triệu năm quãng đời người. Trung bình họ thọ 76 tuổi, ô nhiễm bụi khói có thế xem như sát thủ thầm lặng cướp đi 236.000 mạng người ở hai đô thị này.
Mẹ và con đều đeo khẩu trang ở Việt Nam (ảnh Lê Phát Quới)
Mẹ và con đều đeo khẩu trang ở Việt Nam (ảnh Lê Phát Quới)
Vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội và bài học Bắc Kinh
Nhiều thập niên qua, các thành phố lớn Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm không khí. Mỗi năm có đến 1,6 triệu người Hoa tử vong vì hít thở bụi khói [1]. Đến năm 2014 Chính phủ TT Lý Khắc Cường phát động kế hoạch đầu tư 120 tỉ USD vào công cuộc chống bụi khói, tương đương với công cuộc chống nghèo đói [2]. Và sau bốn năm họ đã đạt được những thành quả tích cực bước đầu, với bụi khói trong các thành phố lớn đã đã giảm 1/3 và TQ nay đã dẫn đầu thế giới về công nghệ và công suất năng lượng tái tạo. Trong khi đó, ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng dần và đang ở mức độ nguy hiểm. Ngày 5 tháng 10, 2016, chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội nhất thời đã vượt cao hơn cả Thành Đô và Bắc Kinh, và khi đó Hà Nội bị xếp là thành phố ô nhiễm không khí thứ hai toàn cầu, chỉ sau Ardialia Bazar, Ấn Độ [3]. Nồng độ trung bình năm PM 2.5 của Hà Nội đã tăng lên 42 µg/m3 đã gần bắt kịp trung bình năm của 338 đô thị Trung Quốc, họ đã hạ xuống 47 µg/m3.
Bụi khói phát nguồn từ đâu?
Theo báo cáo tình trạng môi trường không khí năm 2010 của TS Hoàng Dương Tùng, Bộ Giao thông Thông Vận tải, bụi khói thải ra từ nhiều nhất là từ công nghiệp trong đó có nhiệt điện (40%), dân dụng than dầu khí (33%) và giao thông vận tải 22% [4]. Công nghiệp vì có nhiệt điện là thủ phạm đã phát tán ô nhiễm nhiều nhất; trong tương lại nếu Quy hoạch Điện VII không cắt giảm 40 GW dự án điện than mới, khí thải nhiệt điện than sẽ tăng gấp 5 lần.
Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng 2010 (Viện Năng lượng, Bộ Công thương)
Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng 2010 (Viện Năng lượng, Bộ Công thương)
Cảnh tắc đường ở Hà Nội
Cảnh tắc đường ở Hà Nội
Bụi khói PM 2.5 nguy hiểm ra sao?
Ô nhiễm không khí là một sát thủ thầm lặng và toàn diện, silent mass killer vì không chừa bỏ một nạn nhân nào. Không phải tìm mới hút vào người như thuốc lá, bụi khói xâm nhập buồng phổi suốt 24 giờ không ai từ chối không hít thở được. Bụi khói nguy hiểm vì hầu như các khẩu trang không lọc ra được dù thường có quảng cáo N95. Loại 3M N95 được National Institute for Occupational Safety and Health (NIOSH) của Hoa Kỳ chứng nhận là đã có thử nhiệm và xác nhận có hiệu quả.
Ô nhiễm bụi khói trong không khí được đo lường theo nồng độ và phân loại theo kích thước. Loại mịn nhất có ký hiệu khoa học là PM 2.5 nhỏ dưới 2,5 μg/m3, bằng 3% đường kính sợi tóc. Bụi mịn trong bài này người viết gọi là bụi khói vì nhỏ nhẹ như khói và lơ lửng lâu trong không khí. Bụi khói PM2.5 phải dùng kính hiển vi điện tử, electron microscope mới nhìn thấy được. Vì quá nhỏ bụi khói PM2.5 theo hơi thở đi sâu vào phổi, thậm chí vào cả tim mạch. Bụi khói khó lắng tan đi một khi phát tán ra không khí. Theo thí nghiệm của Sample và Latif báo cáo năm 2014 trên Oxford University Press, khói thuốc lá trong nhà phải 50 phút sau mới lắng giảm 50% và 160 phút sau mới đạt được tiêu chuẩn an toàn. [5]
Theo báo cáo của Pope et al, Brigham Young University trên Journal of American Medical Asociation, khi nồng độ bụi khói PM2.5 trong không khí tăng thêm 10 microgram/m3, độ rủi ro của tất cả các bệnh tăng theo lên 4%, riêng bệnh tim 6% và ung thư phổi 8%. [6]
Theo nghiên cứu của TS Lê Việt Phú, Fullbright University, hàng năm Việt Nam có khoảng 40.000 chết do ô nhiễm không khí với thiệt hại kinh tế 12 tỉ ÚD, và đến năm 2035, số người chết vì ô nhiễm sẽ tăng lên 100.000.[7]
Số người chết yểu vì ô nhiễm không khí (Nguồn: ES&T)
Số người chết yểu vì ô nhiễm không khí (Nguồn: ES&T)
Theo báo cáo của TS Shannon Korpiz và cộng sự tại Havard University, trên Environmental Science (dựa theo Quy hoạch Điện VII hiện nay) Việt Nam sẽ có số tử vong vì ô nhiễm bụi khói điện than nhiều hơn gấp đôi Trung Quốc dù dân số Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam 15 lần [8]. Như thế, người dân Việt Nam sẽ gánh độ rủi ro từ điện than 30 lần cao hơn dân Trung Quốc.
AQI, Air Quality Index là gì?
AQI, Chỉ số Phẩm chất Không khí (Air Quality Index -- AQI), là một chỉ số khoa học cho phẩm chất không khí. AQI là hệ thống tiêu chuẩn quy chiếu do US EPA thiết lập từ 1999 để tất cả các cơ quan môi trường Hoa Kỳ áp dụng và sau lan rộng ra thế giới [9]. Hệ thống AQI dựa vào hai thang điểm chủ chốt, AQI 100 của mỗi chất ngang với nồng độ Tiêu chuẩn Không khí Bình thường, NAAQS (National Ambient Air Quality Standard) [10] và AQI 500 ngang với nồng độ Tiêu chuẩn Nguy hại Cao, SHL (Significant Harm Level) [11]. Khi dùng AQI thảo luận cần ghi nhận cơ sở của chúng dựa vào tiêu chuẩn Hoa Kỳ theo Hình 5 sau đây.
Các chỉ số quy chiếu cho AQI của các loại ô nhiễm không khí.
Các chỉ số quy chiếu cho AQI của các loại ô nhiễm không khí.
​Từ đó, các chất ô nhiễm khác nhau có thể quy về cùng một hệ thống. AQI như thế không phải phẩm lượng ô nhiễm đo trực tiếp được mà là ảo số tính ra từ nồng độ, NAAQ và SHL riêng của mỗi chất ô nhiễm.
Tính toán và ý nghiã AQI như thế khá phức tạp và xa lạ với cư dân Việt Nam, do đó việc tìm cách đối chiếu AQI sang những đơn vị dễ hiểu hơn qua định lượng ô nhiễm không khí với lượng thuốc lá tiêu thụ, số tuổi thọ sụt giảm và số người tử vong hàng năm là mục tiêu của bài này.
Bảng đối chiếu các chỉ số phẩm lượng không khí
Người viết thiết lập ra Bảng Đối chiếu sau đây cho Chỉ số Bụi khói Không khí AQI PM 2.5 ra số điếu thuốc hút tương đương vào phổi hàng ngày, số năm sụt giảm tuổi thọ và số tử vong, theo phép tính của US EPA [12], nghiên cứu thống kê của Berkeley Earth [13] và số liệu của University of Chicago [14] (phương giải thích trong Phụ Lục Viet Ecology Foundation).
Tuy cư dân mang khẩu trang khi đi trên đường phố, họ có lẽ không ngờ khẩu trang tuy giúp lọc bụi nhưng bui khói mịn 2,5 micrometer PM2.5 vẫn xâm nhập vào buồng phổi họ được.
Tuy cư dân mang khẩu trang khi đi trên đường phố, họ có lẽ không ngờ khẩu trang tuy giúp lọc bụi nhưng bui khói mịn 2,5 micrometer PM2.5 vẫn xâm nhập vào buồng phổi họ được.
bảng đối chiếu các chỉ số ô nhiễm bụi khói PM 2.5
bảng đối chiếu các chỉ số ô nhiễm bụi khói PM 2.5
Từ bảng đối chiếu trên ta có thể khảo sát thống kê quan trắc ô nhiễm cho bất cứ thành phố nào nếu có khối thống kê đủ lớn và ý nghĩa. Bảng ngang đối chiếu sang số điếu thuốc lá và bảng dọc thêm mức giảm tuổi thọ và tử vong.
Khảo sát tình trạng và tác động bụi khói Hà Nội và Sài Gòn 2016 -2017
Chỉ số AQI cho ta phẩm chất không khí theo khoa học nhưng chúng xa lạ và khó hiểu đối với cư dân sống ở Hà Nội và Sài Gòn, họ muốn biết qua các định lượng dễ hiểu như rủi ro tương đương với hút bao nhiêu điếu thuốc lá, tuổi thọ mất bao nhiêu năm và hàng năm thiệt mạng mất bao nhiêu người.
Không nhưng thế, AQI chỉ cung cấp cho họ các thông tin cấp thời trung bình giờ nên AQI có giá trị ngắn hạn và không phản ảnh tác động dài hạn tích lũy tự nhiên của ô nhiễm không khí. Do đó, người viết đã tính nồng độ PM 2.5 trung bình trong hai năm 2016 và 2017 từ dữ kiện quan trắc từng giờ của Đại sứ quán Hoa Kỳ cung cấp, và dựa theo đối chiếu trên để đánh giá tác động bụi khói dài hạn trên cư dân cho Hà Nội Sài Gòn với kết quả sau:
  1. Hà Nội: Trung bình trong hai năm 2016 và 2017, cư dân Hà Nội thở bụi khí PM2.5 ở nồng độ 44 μg/m3 (AQI PM2.5=122), tương đương mỗi người bất kể lớn nhỏ khỏe mạnh hay bệnh tật đều đã hút vào phổi 2 điếu thuốc/ngày (730 điếu/năm)họ mất sớm năm tuổi thọ và có 7478 người thiệt mạng hàng năm vì bụi khói.
  1. Sài Gòn: Trung bình trong hai năm 2016 và 2017, cư dân Sai Gòn thở bụi khí PM2.5 ở nồng độ 28 μg/m3 (AQI PM2.5= 85), tương đương mỗi người bất kể lớn nhỏ khỏe mạnh hay bệnh tật đã hút vào phổi 1,27 điếu thuốc/ngày (465 điếu/năm)họ mất sớm 4 tháng tuổi thọ và có 4757 người thiệt mạng hàng năm vì bụi khói.
Như thế bụi khói mịn PM 2.5 đang át hại thầm lặng cư dân nhiều cách, sớm cướp mất đi 4 tháng (SG) đến 2 năm (HN) tuổi thọ hay 15 triệu năm (man-year) quãng đời của dân sống ở Hà Nội và 2,7 triệu năm quãng đời dân sống ở Sài Gòn. Người Việt trung bình thọ 76 tuổi, ô nhiễm bụi khói xem như thủ phạm gây ra 236.000 nhân mạng ở hai đô thị này.
Lưu ý: Kết quả trên tính ra trên khối số liệu trung bình giờ suốt trong hai năm 2016 và 2017, từ hai trạm quan trắc không khí của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon do chính họ cung cấp. Phương pháp đối chiếu là ước tính ở cấp một (first order estimate) nên giá trị kết quảkể trên chỉ nên xem là tượng trưng, độ tin cậy còn phải kiểm soát vì trong bài này mỗi đô thị chỉ dựa vào được số liệu của một trạm quan trắc mà thôi.
Trong những ngày cuối tuần trong mùa Tết vừa qua, AQI PM 2.5 Hà Nội đã dao động trong khoảng 174 đến 250. Các bạn thử nghĩ xem, trung bình mỗi người dân ở Hà Nội đã thở vào phổi 8 đến 18 điếu thuốc, một cái Tết Bắc Kinh đến thế nào?
Kết luận
Tại hai đô thị lớn nhất ở Việt Nam, bụi khói PM 2.5, dựa vào dữ liệu hai trạm quan trắc của Hoa Kỳ tại Việt Nam như tiêu biểu cho cả thành phố Hài Nội và Sài Gòn đối chiếu ra, trong hai năm qua, ta có thể ước lượng bụi khói đã gây ra 13,000 tử vong hàng năm, âm thầm cướp sớm 18 triệu năm tuổi thọ của cư dân mỗi thế hệ, tương đương với 236.000 nhân mạng Hà Nội và Sài Gòn. Tuy cần có thêm dữ kiện quan trắc ở nhiều trạm nữa để kiểm chứng, ta phải xem ô nhiễm không khí là một sát thủ đang công khai tấn công đồng loạt vào buồng phổi tất cả cư dân.
Các nhà khoa học khoa học tin cậy trong và ngoài nước đã báo cáo, hàng năm tử vong sớm trên cả nước vì ô nhiễm không khí đã lên đến 40.000 người và gây ta thiệt hại GDP kinh tế trên 12 tỉ USD, nếu không đối phó ngay từ giờ, tử vong và tổn thất kinh tế sẽ tăng nhanh trong hai thập niên tới. Riêng ô nhiễm từ điện than, người Việt Nam sẽ gánh chịu 30 lần nhiều rủi ro hơn cả người Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần tuyên chiến với ô nhiễm bụi khói ngay bây giờ không thể đợi chờ được nữa.
Phạm Phan Long, PE
Viet Ecology Foundation

Thực chất của nhà cầm quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam

Theo VOA-29/03/2018 
Để thấy được thực chất của nhà cầm quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam, chúng ta cần đi từ quan niệm đến thực tế nắm quyền độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên qua.
1. Từ quan niệm (Conception):
Thực chất (real matter) của nhà cầm quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam là một chính quyền công cụ cho một đảng cầm quyền độc tôn(đảng Cộng Sản Việt Nam ngụy danhtrong một chế độ độc tài toàn trị hay độc tài đảng trị (Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngụy nghĩa). Mọi hoạt động của guồng máy công quyền quốc gia đều được lãnh đạo và chi phối toàn diện bởi bộ máy đảng cầm quyền độc tôn, nhằm thành đạt lợi ích cho Đảng và bảo vệ các ưu quyền, đặc lợi cho một giai cấp thống trị mới, là các cán bộ đảng viên cộng sản.
Nói cách khác, đó là một chính quyền “do Đảng, của Đảng và vì Đảng cầm quyền”, không phải là một chính quyền “do dân, của dân và vì dân”.Đó là một chính quyền phản dân chủ hoàn toàn. Và do đó đã không hội đủ các yếu tính cần có của một chính quyền chính thống, chính nghĩa, chính đáng, chính danh và hợp pháp trên bình diện pháp lý đối với quốc dân Việt Nam; mặc dầu trên thực tế, được quốc tế coi như là một chính quyền đại diện của quốc gia Việt Nam, được là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Nhưng theo suy luận của chúng tôi nhà cầm quyền trong chế độ hiện nay không phải là chính quyền hợp pháp đối với nhân dân.Vì chính quyền này đã thiết lập, duy trì bằng bạo lực trái với ý nguyện của nhân dân; và do đó chỉ ở thế hợp thức, hợp lệ hay hợp cách (regular government) theo công pháp quốc tế (Vì hội đủ các yếu tố cấu thành một quốc gia: lãnh thổ, dân cư và chính quyền), nên được coi là một chính quyền chính thức (official government) của quốc gia Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, nhưng không nhất thiết, không thể là một chính quyền hợp pháp (Legal governmentđối với quốc dân Việt Nam.
Nói cách khác, tính hợp pháp (Legal) của một chính quyền chỉ có được do nhân dân và chỉ có nhân dân quyết định tính hợp pháp căn cứ trên các yếu tính chính thống, chính nghĩa, chính đáng, chính danh (Thẩm quyền đối nội).Trong khi quốc tế chỉ xét xem chính quyền trong chế độ ấy có hội đủ yếu tố cấu thành một quốc gia, để được coi là có hợp lệ, hợp thức, hợp cách (regular, correct, in due form), có tư cách thay mặt cho một quốc gia, để được kết nạp vào các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay tổ chức khu vực như Hiệp Hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…
Nghĩa là dường như quốc tế không quan tâm và cũng không coi tính hợp pháp hay không hợp pháp của một chính quyền (Legal Government or illegal Government) đối với người dân trong nước, như điều kiện xét định tư cách của một quốc gia hội viên (Vì thuộc thẩm quyền nhân dân và chủ quyền đối nội của quốc gia hội viên chăng?). Vì thế mà trong tổ chức LHQ, cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác, đã có cả các quốc gia hội viên có chính quyền hợp pháp ( trong các chế độ dân chủ đích thực) cũng như có chính quyền không hợp pháp (Trong các chế độ độc tài các kiểu, có tính áp đặt, trái với ý nguyện nhân dân, chống lại và đàn áp nhân dân để duy trì độc quyền thống trị…) trong đó có chính quyền trong chế độ đương thời tại Việt Nam: Một chính quyền hợp lệ (Regular Governmentchứ không phải là chính quyền hợp pháp (Legal Governmet) và được coi là chính quyền chính thức (Official government) của quốc gia Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và trên trường quốc tế mà thôi.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã từng tồn tại hai chính quyền: Chính quyền thuộc Triều đình Huế với các vua quan cai tri Việt Nam có thể coi là chính quyền hợp pháp (Legal Government) đối với nhân dân Việt Nam, bên cạnh chính quyền bất hợp pháp (illegal governmentvới viên toàn quyền và viên chức chính quyền bảo hộ Pháp, chỉ được coi là chính quyền hợp thức (regular Government) về đối ngoại, nên được coi là một chính quyền chính thức (official governmentthay mặt cho quốc gia Việt Nam thời thuộc địa.
2. Đến thực tế (Reality)
Quan niệm thực chất trên đã được lịch sử và thực tiễn Việt Nam soi sáng
Thật vậy, sau Hiệp Định Genève 1954 tạm thời chia đôi đất nước, Ông Hồ Chí Minh và Cộng đảng Việt Nam đã chiếm Miền Bắc, áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập quyền bính theo mệnh lệnh của cộng sản quốc tế, với một chính quyền trong một chế độ độc tài đảng trị trái với ý nguyện của nhân dân, đã phát động chiến tranh chống lại và thôn tính chế độ chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam.
Chính thống vì chính quyền của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã kế thừa và tiếp nối quyền bính chính trị theo dòng chính lịch sử dân tộc. Vua Bảo Đại của chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam, sau khi tiếp nhận chủ quyền độc lập từng phần qua các hiệp ước song phương với chính quyền thực dân Pháp (Hiệp định sơ bộ ngày 5-6-1948 ký tại vịnh Hạ Long giữa chính phủ Pháp và chính phủ quốc gia lâm thời đầu tiên Nguyễn Văn Xuân với sự chứng kiến của Vua Bảo Đại. Sau nhiều thương lượng đôi bên.cuối cùng Hiệp định Hạ Long được sửa đổi và được ký kết vào ngày 8-3-1949 tại điện Elysée Pháp quốc giữa Vua Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol….), sau cùng đã nhận chủ quyền độc lập hoàn toàn trên một nửa nước ở Miền Nam (còn nửa thuộc địa miền Bắc Pháp đã mất vào tay Việt Minh hay Việt cộng sau khi thất trận Điện Biên Phủ, phải ký Hiệp định Genève 1954 với Việt Minh, chính quyền quốc gia của Vua Bảo Đại đã không ký nên chính quyền Việt Nam Cộng hòa kế tục không có nghĩa vụ thực thi như chính quyền cộng sản Bắc Việt đã vi phạm khi cưỡng chiếm Miền Nam bằng bạo lực…). Vua Bảo Đại trong vai trò Quốc Trưởng và chính phủ quốc gia Việt Nam đã tiếp nhận chủ quyền độc lập, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ.Quốc Trưởng Bảo Đại đã cử ông Ngô Đình Diệm, gốc quan lại của triều đình, làm thủ tướng thành lập Chính phủ quốc gia mới (Việt Nam Cộng hòa) kế tục quyền bính chính trị (political power) từ các chính phủ quốc gia trước đó (Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Hoàng thân Bửu Lộc…).
Sau đó, do ý nguyện của nhân dân phù hợp với xu thế thời đại, được thể hiện qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 đã truất phế Vua Bảo Đại, cáo chung chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam, khai sinh chế độ dân chủ Việt Nam Cộng hòa với bản Hiến pháp ban hành ngày 26-10-1956. Và như thế đã hình thành một chính quyền trong một chế độ dân chủ hội đủ 5 tính chất: Chính thống, chính nghĩa, chính đáng, hợp pháp và chính danh. Trên nguyên tắc, chính quyền và chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại về mặt pháp lý chính trị thuần túy (trên căn bản Hiệp Định Geneve 1954 và Hiệp Định Paris 1973…) dù không còn tồn tại được về mặt thực tế.
Sau khi thôn tính được Miền Nam vào ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước bằng võ lực, vi phạm trắng trợn cùng lúc hai bản Hiệp định Genève 10-7-1954 và Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, Cộng đảng Việt Nam đã áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước, hoàn toàn trái với ý nguyện của toàn dân. Thế nhưng Việt cộng đã làm tròn “nghĩa vụ quốc tế cao cả” đối với cộng sản quốc tế là nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam, tiến tới mục tiêu tối hậu là cộng sản hóa toàn cầu theo ý đồ, tham vọng của các lãnh tụ cộng sản quốc tế Nga- Tầu thời bấy giờ.
Thế nhưng giấc mộng cộng sản hóa toàn cầu của cộng sản quốc tế đã tan theo mây khói sau khi đế quốc đỏ Liên Xô đứng đầu phe Xã Hội Chủ Nghĩa chấp nhận sự thất bại sau hơn 70 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa không tưởng này (1917-1991), đã mau chóng thức thời chuyển đổi qua chế độ dân chủ, kéo theo sự sụp đồ cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, để rồi sau đó đã cùng chuyển đổi qua chế độ dân chủ. Hiện chỉ còn tồn tại 4 nước trong đó không may có Việt Nam, đảng cầm quyền độc tôn vẫn cố đeo bảng hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam” ngụy danh và “Chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngụy nghĩa, dù thực chất cũng như thực tế không phải là như vậy.
3. Kết luận:
Thực chất cũng như thực tế, nhà cầm quyền trong chế độ hiện nay tại Việt Nam không phải là chính quyền hợp pháp đối với nhân dân.Vì chính quyền này đã thiết lập, duy trì bằng bạo lực trái với ý nguyện của nhân dân; và do đó chỉ ở thế hợp thức, hợp lệ hay hợp cách (regular government) theo công pháp quốc tế (Vì hội đủ các yếu tố cấu thành một quốc gia: lãnh thổ, dân cư và chính quyền), nên được coi là một chính quyền chính thức (official government) của quốc gia Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, nhưng không nhất thiết, không thể là một chính quyền hợp pháp (Legal government) đối với quốc dân Việt Nam ngày nào nó còn là một chế độ độc tài toàn trị, phản dân chủ.
Thiện Ý
Houston, ngày 27-3-2018

Thủ tướng Phúc có ‘bắt tay’ với nhóm lợi ích sân golf TSN?

Theo VOA-29/03/2018 
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Paris.
 Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
Đã phát lộ ít nhất hai bất hợp lý - nghi vấn rất lớn liên đới trực tiếp đến quyết định cuối cùng về “chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) về phía Nam” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 28/3/2018:
Nghi vấn lớn nhất là vì sao ông Phúc lại chấp nhận 16 ha đất sân bay ở phía Nam do Bộ Quốc phòng “trả lại” để xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm theo đề xuất của Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) - do Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) thuê, trong khi sân golf TSN lại một lần nữa được giới chức chính phủ cho lủi thoát khỏi sự phẫn nộ đã gần như đã bùng nổ của dư luận xã hội, không những thế vẫn ung dung ngự trị đến tận năm 2025?
Sân golf TSN, nằm ở phía Bắc, từ nhiều năm nay đã chiếm dụng một diện tích 157 ha - gấp 10 lần con số 16 ha được “bồi thường” - nằm trong khu vực sân bay TSN, chính là nguyên nhân chính khiến cho sân bay TSN rơi vào tình trạng kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời.
Nghi vấn thứ hai là trong nội dung quyết định cuối cùng của Thủ tướng Phúc về mở rộng sân bay TSN, phương án mở rộng sân bay về phía Nam đã chỉ đề cập đến việc xây nhà ga T3 trên diện tích 16 ha của Bộ Quốc phòng, nhưng lại không, hoặc dường như cố ý mập mờ về việc có giải tỏa các khu dân cư hay không, và nếu giải tỏa thì diện tích giải tỏa là bao nhiêu.
Một thập kỷ chiếm dụng đất
Dù diện tích đủ để thiết lập một sân bay khổng lồ với hơn 3.000 ha thời Việt Nam Cộng Hòa để lại, nhưng từ sau 1975 sân bay TSN đã bị thẳng tay lấn chiếm diện tích bừa bãi khi đại gia nhóm lợi ích quân đội đã chiếm 157 ha đất vàng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh bị xem là thủ phạm chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự TSN từ hàng chục năm qua. Dự án sân golf TSN cũng do tập đoàn này làm chủ đầu tư. Tập đoàn này còn tai tiếng với loạt scandal như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài chính với số tiền nợ lên tới 34,8 tỷ đồng…. Theo một nhà báo có thâm niên trong ngành hàng không, thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm “đầu độc” người dân TP HCM bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf TSN mỗi năm nhưng vẫn không hề bị truy cứu trách nhiệm.
Vào năm 2015, khi sân bay TSN bắt đầu rơi vào tình thế bế tắc giao thông, phía quân đội mà cụ thể là viên đại tướng bị coi là “thân Trung Quốc” Phùng Quang Thanh cùng con ruột là đại tá Phùng Quang Hải đã không một lần nhượng bộ đòi hỏi của làn sóng dư luận về thu hồi diện tích sân golf để mở rộng sân bay TSN.
Đại tá Phùng Quang Hải lại là “chủ” một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay TSN.
Mọi việc chỉ nhúc nhích chuyển động sau cú rớt đài của tướng Thanh tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, kéo theo cú ngã ngựa của Đại tá Hải vào cuối năm đó.
Sau câu chuyện “xuống chó” của cha con Phùng Quang Thanh, dường như xuất hiện cuộc “nổi dậy” của một nhóm tướng lĩnh trong quân đội - những người mà từ lâu đã bất đồng chính kiến với tướng Thanh về thái độ quỵ lụy với Trung Quốc và phản ứng với vô số lợi ích của gia đình tướng Thanh.
Tuy nhiên ngay cả khi nhóm tướng lĩnh trên có ra mặt ủng hộ chủ trương thu hồi sân golf, mọi chuyện vẫn không hề dễ dàng. Dù không còn Phùng Quang Thanh và Phùng Quang Hải, người dân vẫn e rằng “đạn” của những đại gia quân đội như Dương Công Minh vẫn còn quá dồi dào, đủ để bắn phá nhu cầu lưu thông thiết thân của dân chúng và khách quốc tế.
Trong thương trường và chính trường ở Việt Nam, “đạn” đã trở thành một ‘tôn giáo”, được dân gian ví như “tiền là tiên là phật”.
Không chỉ Dương Công Minh, mối đe dọa đối với dân cư và giao thông xung quanh sân bay TSN còn là Bộ GTVT - cơ quan chủ quản của sân bay này.
Những ai “bảo kê” sân golf TSN?
Đến năm 2017, đường vào sân bay TSN đang trở nên nỗi kinh hoàng với tất cả hành khách. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào sân bay là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay.
Từ tháng 7/2017 khi bị dư luận phản ứng dữ dội về thực tồn sân golf TSN gây ra nạn kẹt cứng ở sân bay dân sự cùng tên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy vai trò “bảo kê” cho sân golf TSN đã cấp tập được chuyển từ một số quan chức Bộ Quốc phòng sang một số quan chức Bộ GTVT.
Bộ trưởng GTVT vào thời đó là ông Trương Quang Nghĩa.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, một hiện tượng rất đáng bị điều tra đến nơi đến chốn là Bộ GTVT - cơ quan chủ quản của sân bay dân sự TSN và sẽ là chủ thể được hưởng lợi nếu sân golf bị thu hồi để trả diện tích 157 ha về cho sân bay, lại tìm đủ mọi cách để bảo vệ cho phương án “chuyển TSN về Long Thành”. Khi đó, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã thuyết mị: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi”.
Vì sao “mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi”?
Sau một số phát hiện của mạng xã hội về các công trình sân golf, nhà hàng, khách sạn trong khu vực sân golf TSN, vài tờ báo nhà nước cũng đã có những bài điều tra và xác nhận hiện tồn tương tự, trong lúc giới quan chức Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh cho rằng “chỉ có sân golf”.
Đến khi ấy, dấu hỏi đặt ra môt cách thách thức là nếu nhà nước thu hồi sân golf TSN, số kinh phí dùng để “bồi thường giải tỏa” cho cụm sân golf - nhà hàng - khách sạn - chung cư… đã được xây dựng quy mô và còn hứa hẹn sẽ phát triển thêm là quá lớn - lên đến ít nhất 3.000 tỷ đồng. Chính một chủ đầu tư của sân golf này - ông Trần Văn Tĩnh - đã nói ra con số đó và cũng toạc ra với báo chí: “sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường!” - như một cách mặc cả với ngân sách quốc gia cùng tiền đóng thuế của dân.
Quan điểm mặc cả trên lại rất nhất quán từ trên xuống dưới, và từ dưới lên trên trong hệ thống “nhóm lợi ích quân đội”. Chỉ khoảng 3 tuần trước khi “phải bồi thường” của ông Trần Văn Tĩnh, Thứ trưởng quốc phòng Trần Đơn cũng đã “bắn ý” về “phải bồi thường” trong hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay TSN diễn ra tại TP.HCM vào sáng ngày 8/8/2017.
Đó là một thách thức chưa từng có trước pháp luật. Bởi chính Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng hợp đồng xây dựng sân golf TSN là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Rốt cuộc, sân golf TSN đã bị biến thành “kẻ tống tiền”, còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ “con tin”.
ADP-I có “đi đêm” với Bộ GTVT?
Vào đầu năm 2018, trước bầu không khí búa rìu dư luận ngày càng sắc bén và nguy hiểm chính trị, ông Trương Quang Nghĩa có thể đã phải chọn lựa “giải pháp tình thế” là xin trung ương cho chuyển về Đà Nẵng làm bí thư thành ủy như một cách “hạ cánh an toàn”.
Nhưng thay thế cho ông Nghĩa lại là một nhân vật mà đã gây tai tiếng đủ lớn về nạn “bảo kê BOT” chỉ vài tháng sau khi nhậm chức Bộ trưởng GTVT: ông Nguyễn Văn Thể.
Tân bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã kế thừa nhiệm vụ “thuê tư vấn ngoại” của cựu Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tức thuê Công ty tư vấn ADP-I của Pháp.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, ADP-I đã công bố đánh giá “mở rộng sân bay TSN về phía Nam”. Nhưng ngay lập tức, công bố này bị dư luận xã hội phản ứng và nghi ngờ là tổ chức tư vấn này “đi đêm” với Bộ GTVT.
Vậy “phía Nam” đó là gì?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay TSN về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó?
Trước phương án của ADP-I đưa ra, Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của TS Dương Như Hùng – ĐH Bách khoa TP.HCM – cho rằng kết quả báo cáo không đáng tin cậy. Bởi tư vấn không dự báo nhu cầu mà chỉ dự báo khả năng cung ứng của Tân Sơn Nhất; dự báo không tham khảo các phương pháp dự báo tăng trưởng hàng không của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nghiên cứu của Boeing.
TS Dương Như Hùng cũng cho rằng dự báo của ADP-I thiếu cơ sở khoa học khi dự báo lưu lượng Tân Sơn Nhất tăng 44 triệu khách năm 2020 lên 51 triệu khách vào năm 2025, ứng với mức tăng trưởng 2,87% mỗi năm, sau đó tăng 1,5% mỗi năm…
Nhiều chuyên gia phản biện độc lập cũng phản đối ADP-I và tỏ ra nghi ngờ tính trung thực của công ty tư vấn này.
Thế còn “quan điểm” của Thủ tướng Phúc là sao?
Gót chân Asin
Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo “mở rộng phi trường TSN về cả phía Bắc và phía Nam”.
Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn “đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”.
Nhưng 8 tháng sau đó, ông phúc đột ngột “trở cờ”.
Tháng Ba năm 2018, không hiểu vì lý do “nể nang”, “nhạy cảm” hay còn là “nhiệm vụ chính trị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định “chỉ mở rộng sân bay TSN về phía Nam”, cho dù rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay TSN về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf TSN để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Quyết định trên như thể vừa bất chấp vừa thách thức làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện, bất chấp hình ảnh chình ình của sân golf TSN là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của “con tin sân bay TSN”.
Nhưng dù vì lý do gì, quyết định trên của Thủ tướng Phúc đang khiến ông ta bị nghi ngờ đã “bắt tay” với nhóm lợi ích sân golf TSN và cả nhóm lợi ích sân bay Long Thành.
Chưa hết. Quyết định trên cũng vừa “kiến tạo” một gót chân Asin toang hoác trên cung đường chính trị của ông Phúc - một tử huyệt mà rất dễ bị bất cứ đối thủ chính trị nào khoan chọc tung tóe vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai ngắn hạn hay cùng lắm là trung hạn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


Phạm Chí Dũng