(Baodatviet) - Về bản chất "giúp nhau mua hàng" cũng giống như "chuyển giá", vì đồng tiền đang mất đi, cái nợ vẫn nằm lại cuối cùng nền kinh tế chịu thiệt.
Trước tình cảnh khó khăn, nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ Công thương đã đưa ra kế sách: các tập đoàn, tổng công ty này cam kết mua hàng của nhau và trong 2 năm nhiều giao dịch lớn có giá trị khoảng 71.000 tỷ đồng đã được thực hiện.
Kế sách mua hàng của nhau giữa các đại gia nhà nước được phát động trong bối cảnh khối nợ của các ông lớn ngày càng tăng (trên 1,29 triệu tỉ đồng) cùng với đó là mối lo nợ xấu khó trả, gánh nặng nợ công tăng cao.
|
Hoàn toàn có khả năng nghi ngờ bắt tay đẩy giá, trục lợi |
Bằng việc mua hàng của nhau giữa các đại gia nhà nước như trên, thực chất có làm tăng tính thanh khoản, kích thích tiêu dùng và tác động tích cực tới nền kinh tế hay không? Và những nghi ngờ bắt tay giúp nhau làm đẹp số liệu, sổ sách thực chất là thế nào?
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Bùi Trinh cho rằng: "Chính sách này không giải quyết được căn bản vấn đề".
DNNN mua rượu, bia để làm gì?
Điều khiến ông Trinh băn khoăn là trong danh mục các sản phẩm thấy rượu bia thuốc lá hơi "vô duyên". Đây là những sản phẩm cấm sử dụng, vậy các DNNN mua để làm gì? Mua để phát cho cán bộ nhân viên, mua để tiếp khách hay mua để bán lại đều có vẻ không hợp lý.
Ngoài ra trong danh mục có cả mua điện, trong khi, trên thực tế, điện là sản phẩm độc quyền không mua của EVN thì còn mua của ai?
Một vấn đề khác đáng lưu tâm theo ông Trinh, cần phải xem trong các sản phẩm của DNNN mà họ mua của nhau thì hàm lượng nhập khẩu của những sản phẩm này ra sao hay cũng chỉ là gia công . Nếu vậy, dù phát động mua của nhau nhưng bản chất là kích thích nhập khẩu chứ không giải quyết được căn bản vấn đề.
Phân tích thêm, vị chuyên gia này dẫn theo số liệu của cuốn “ Sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam 2006-2011 của TCTK và số liệu từ ADB cho thấy, chỉ tính riêng nợ của DNNN (không kể nợ Chính phủ) tăng lên nhanh chóng, tỷ lệ nợ trên nguồn vốn chủ sở hữu của khối này đến năm 2011 là 3,3 tức là cứ có một đồng vốn chủ sở hữu thì nợ phải trả là 3,3 đồng. Tỷ lệ nợ DNNN/GDP đến năm 2011 là 134% GDP và năm 2012 tăng lên 154%GDP.
Theo đó, có thể nói Bộ Công thương ra chủ trương thực hiện DNNN trực thuộc Bộ Công thương cam kết dùng hàng của nhau để làm giảm tồn kho và kích thích lẫn nhau trong khối này để tăng sản xuất, tăng lợi nhuận để có thể chủ động trả nợ đó là chính sách tốt. Tuy nhiên, nó cũng có những vấn đề cần phải đặt ra.
Cụ thể, khi đã chọn DNNN đóng vai trò chủ đạo, điều đó có nghĩa không chỉ kỳ vọng vào việc làm khu vực này lớn mạnh nhằm thu được thuế hoặc giá trị gia tăng của khu vực này đóng góp bao nhiêu vào GDP mà vai trò chủ đạo ở đây cần được hiểu là mức độ lan tỏa của khu vực này đến các khu vực kinh tế trong nước khác; đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Nhưng đến nay dường như vẫn chưa thực hiện được mục tiêu này.
Lẽ ra, khu vực DNNN, khu vực DNNNN và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay chủ yếu hoạt động độc lập. Như vậy chủ chương DNNN mua sản phẩm của DNNN cần được mở rộng mua sản phẩn của DNNNN sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều để kích thích tăng trưởng của khu vực này. Như vậy khi DNNN phát triển sẽ kích thích toàn nền kinh tế phát triển tạo ra các sản phẩm phụ trợ mà không phải nhập khẩu. Thật đáng tiếc khi xác định DNNN làm chủ đạo nhưng hầu như chưa có chính sách nào khuyến khích cho việc khối doanh nghiệp này tạo ra sự lan tỏa đến các khu vực khác.
Ông Bùi Trinh lấy ví dụ bằng chính sách thuế của Bộ Tài chính: ưu đãi về thuế cho xuất khẩu mặc dù hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu là rất thấp, chủ yếu là gia công, việc ưu đãi này thực chất là ưu đãi xuất khẩu của nước khác, đặc biệt khi nhập khẩu từ Trung Quốc thì 60% là nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, 30% là nhập khẩu máy móc thiết bị. Chính sách này gần như triệt tiêu sự lan tỏa của khối doanh nghiệp Nhà nước tới các khu vực kinh tế khác.
Ngoài ra, việc định hướng chung chung như vậy không những không tạo ra sức mạnh tổng thể mà còn chèn lấn nhau. Chính sách này của BCT về DNNN hiện nay không những không kích thích, lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế mà còn chèn lấn các khu vực kinh tế khác.
Giúp nhau làm đẹp số liệu
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, một vị chuyên gia thuộc lĩnh vực ngân hàng cũng chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế hiện đang rơi vào tình trạng trì trệ, hàng hóa ứ đọng, chính sách khuyến khích "giúp nhau" mua hàng là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bất cập khác cũng được vị chuyên gia này chỉ ra.
Thứ nhất, khi thực hiện chính sách này thì hàng hóa chỉ dịch chuyển trong khu vực công hoặc là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước tức là các doanh nghiệp chỉ thực hiện mua bán, trao đổi với nhau mà không theo cơ chế thị trường.
Đương nhiên có thể đặt giả thiết có chuyện tự thỏa thuận giá, cơ cấu sản phẩm giữa các thành phần kinh tế nằm trong nội khối khi thực hiện chủ trương này. Nghĩa là giao dịch, giá cả là do chính sách nội khối tự quyết định chứ không phải thị trường quyết định.
Nhất là trong bối cảnh khối DNNN đang lâm cảnh nợ nần, tình trạng giãn nợ, xóa nợ đã từng xảy ra. Trường hợp cụ thể và tiêu biểu nhất là việc Tập đoàn Điện lực EVN từng được Tập đoàn Than - Khoáng sản xóa 2.000 tỷ đồng, đồng thời cũng được Tập đoàn Dầu khí PVN tuyên bố giãn nợ gần 10.000 tỷ đồng để trả dần.
Điều này cũng có nghĩa là các tập đoàn, DNNN hoàn toàn có quyền tự định giá mua bán theo mức giá họ muốn trên sổ sách... Hay nói cách khác cũng là cơ hội để các DNNN khỏe mạnh hỗ trợ, gánh nợ thay cho doanh nghiệp đang ốm yếu. Mà như vậy, khi chúng ta tham gia vào nền kinh tế thị trường, việc mua bán, trao đổi này sẽ không phù hợp với một nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, nếu thực hiện chủ trương này mà không công khai, minh bạch nó sẽ có "bóng dáng" của tham nhũng xuất hiện. Nhất là khi các công ty có vốn nhà nước tự làm ăn với nhau, không giao dịch, mua bán theo giá cả, cơ chế thị trường tức là hoàn toàn có quyền nghi ngờ giao dịch sẽ bị đẩy giá, chia sẻ lợi nhuận. Việc này rất khó tránh được.
Khi chi phí, giá cả không được tính toán thật mà lại đẩy lên với một mức giá ảo, chi phí cao để chia nhau lợi nhuận. Tức là một người sẵn sàng đứng ra mua sản phẩm với một giá rất cao để tạo ra lợi nhuận cho một công ty khác nó giống như hình thức giúp nhau trả nợ, thêm nguồn tài chính.
Nhưng nguồn hỗ trợ này nó không đi đúng theo nguyên tắc thị trường, nên cuối cùng ngân sách bị thâm thủng, tiền từ chỗ này chảy sang chỗ kia, thực chất là trám lỗ thủng cho nhau để làm đẹp sổ sách, số liệu chứ không giúp ích gì cho nền kinh tế.
Vị chuyên gia này cho biết, về bản chất nó cũng giống như câu chuyện chuyển giá trong khối FDI. Vì đồng tiền đang mất đi nhưng nội lực của DNNN không cải thiện, cái nợ đó vẫn nằm lại trong doanh nghiệp và cuối cùng, hậu quả nợ nần của các doanh nghiệp ngân sách vẫn phải gánh, nợ công tăng người dân vẫn phải trả.
Vũ Lan