Thursday, January 28, 2016

Khổ sở vì làm …..VIỆT KIỀU!

Nguyễn Thế Anh-26/01/2016
1 – Có một chuyện không công bằng: về VN tất cả chi phí cho gia đình như đi du lịch, ăn uốngViệt kiều phải lo, khi có cơ hội người VN qua ngoại quốc thì Việt kiều cũng phải bao hết. Ở VN bạn không chỉ bao cho người nhà mà còn bao cho cả bạn bè người nhà nữa. Khi bạn mời tiệc, người nhà dắt cả làng tới tham dự rất tự nhiên như người Hà Nội, có ai thắc mắc, câu trả lời rất đau lòng “Tiền Việt kiều mà, ngu gì mà không ăn”.
2 – Anh Tấn gửi tiền xây nhà cho mẹ ở miền quê vùng sông Hậu. Nhà xây xong mẹ gửi thư qua xin thêm tiền gắn máy lạnh. Anh thắc mắc tại sao nhà mẹ ở ngay bờ sông quanh năm gió mát trăng thanh, tại sao phải gắn máy lạnh. Anh phôn về hỏi cho ra lẽ. Cô em gái nhanh nhẩu trả lời: Mẹ bị huyết áp cao, và thấp khớp, bác sĩ nói phải ở nhà có máy lạnh thì mới khoẻ. Thương mẹ Tấn lại phải vay mượn để gửi tiền cho mẹ mua máy lạnh. Mẹ và em gái đâu có biết Tấn đang ở ké garage với người bạn. Trời nóng như lửa Tấn chỉ dám xài quạt máy mua từ chợ trời. Cuối năm Tấn về thăm nhà thấy mẹ mình nằm trên cái giường ngay phòng khách. Còn phòng ngủ có máy lạnh trên lầu vợ chồng cô em gái đã chiếm. Thấy vậy anh hỏi tại sao không để mẹ ở trên lầu. Em gái anh trả lời : mẹ bị huyết áp cao lên xuống nguy hiểm? Tấn tức quá kêu thợ tới đem máy lạnh trên lầu xuống gắn nhà dưới cho mẹ. Khi về Úc mấy ngày em gái anh gọi qua nói: “Vợ chồng em phải lên thành phố làm ăn, nên không có người chăm sóc mẹ, em đã kiếm người chăm sóc mẹ, mình phải trả cho người ta 100.000 đồng một ngày. Anh có nhiệm vụ gửi tiền về cho mẹ. Mấy tháng sau mẹ anh chết, dĩ nhiên anh phải lo tiền gửi về lo tang lễ cho mẹ. Anh muốn về lắm nhưng không còn chỗ nào cho mượn tiền để mua vé máy bay, căn nhà anh xây cho mẹ bây giờ em gái anh lấy không.
3 – Anh bạn tôi còn bà chị ở VN, muốn tạo công việc cho chị mình làm ăn. Sau khi tìm hiểu kỹ càng anh bạn gửi tiền cho chị mua một xe Mercedes 24 chỗ. Từ ngày có xe bà chị làm ăn khấm khá. Xe chạy có tiền bà chị giữ, chi phí cho xe như tiền bảo hiểm, tiền bảo trì, anh tiếp tục chi viện. Đối với anh, số tiền chi phí ấy coi như quà cho chị hàng năm. Rồi một hôm vận xui tới, tài xế xe của bà chị gây tai nạn chết người. Bà chị bị CA mời lên làm giấy tờ, bà chị sợ quá khai chiếc xe này của người em bên Úc bỏ tiền mua.. Công an VN nhân cơ hội ghi vào hồ sơ : “Xe Việt kiều gây tai nạn chết người”. Sau đó giữ xe và yêu cầu bà chị mời anh Việt kiều Úc về VN lên CA huyện lãnh xe ra. Bà chị gọi điện thoại qua cho em. Người em vội vã bay về VN lên gặp CA Huyện. CA Huyện niềm nở đón tiếp và cho biết tình trạng xe cộ cũng như tai nạn, CA đề nghị nộp $30.000 gồm tiền bồi thường cho nạn nhân, tiền phạt lái xe gây tai nạn và giữ xe một tháng. CA giữ passport và yêu cầu anh điện về Úc xắp xếp gửi tiền qua để lấy xe. Trong thời gian chờ đợi CA cấp cho anh một giấy đi đường thay passport và visa để anh tiện đi lại ở VN.
Chuyện đến lúc này mới vỡ lẽ: Vì thương bà chị, anh bạn đã giấu vợ rút sổ băng $70.000 gửi cho chị mua xe. Nay không biết lấy đâu ra $30.000, thôi đành liều, anh gọi về vợ và nói rõ sự thật. Sau khi nghe chồng xưng tội. Bà vợ không bắt lỗi nhưng yêu cầu việc đền tội: “Tôi rút tiền gửi cho anh $30.000 để anh lấy xe ra, khi anh về Úc làm thủ tục ly dị và bán nhà”. Kết quả anh bạn tôi bây giờ “Độc thân tại chỗ” và không có tiền.
4 – Cô Nga người Rạch Giá ra đi tìm tự do bỏ lại người anh trai yêu quý. Sau 6 năm xa quê hương, nay cô về thăm lại mồ mả cha mẹ, ông bà, thăm lại người anh yêu quý. Tình cảm ông anh dành cho cô em qua nhiều lá thư thật là thống thiết. Ông kể lại cái thời còn thơ ấu chính ông là người cõng em mỗi sáng qua cây cầu khỉ tới trường. Hàng tháng cô em đều gưỉ tiền về cho anh và các cháu. Người anh trai thư qua lần nào cũng đều nói em đừng gửi tiền về cho anh, hãy lo cho bản thân vì anh không ở gần em để chăm sóc cho em. Nhưng chưa bao giờ cô em thấy tiền gửi đi mà quay lại. Cô biết tính anh mình mà.. thế rồi hôm nay cô khăn gói về VN theo lời mời của ông anh “Em sắp xếp về VN một chuyến, hôm nay nhà nước mở cửa đón Việt kiều, anh em mình lâu lắm không gặp nhau, không biết em gái anh bây giờ tròn hay méo”. Thật là tình cảm thiêng liêng, muốn biết em gái mình bây giờ tròn hay méo thì hỏi thằng em rể thì biết ngay…Gia đình anh hai lên SG trước một ngày để hôm sau đón em gái. Ngày trở về thăm quê hương của cô em gái được tỗ chức linh đình, giống như đón tiếp một vị nữ hoàng. Cô em gái bẽn lẽn khi ông anh ôm chặt lấy mình rồi hôn má, cử chỉ tây phương không biết ông anh học được lúc nào mà tỏ ra thành thuộc. Qua bao lần ôm các em trong quán “bia ôm” đã tạo cho ông anh lịch lãm và tự nhiên, nên khi gặp em mình ông càng tự nhiên và chứng tỏ với em gái mình cái văn minh không phải chỉ tây phương mới có. Cái bẽn lẽn vội qua đi nhường cho sự kiêu hãnh của một Việt kiều về nước khi được đón tiếp long trọng như vậy. Đâu ai biết được cô em gái cũng như bao nhiêu phụ nữ khác ở Úc ngồi may thâm cả đít để có tiền lo cho cuộc sống và giúp đỡ gia đình bên VN.
Hai tuần lễ ông anh đưa em gái đi thăm khắp nơi, giới thiệu em mình với mọi người: “Em gái tôi, bà chủ hãng may thời trang lớn bên Úc”. Cô em gái khi nghe giới thiệu ngượng ngùng muốn đính chính, nhưng ông anh hiểu ý nói đè qua chuyện khác.. Một buổi chiều ông anh nói với em “Chiều nay anh sẽ đưa em đi thăm vùng lấn biển, anh dự trù mua vài lô, chỉ cần 1 năm sau là giá gấp đôi. Thằng bạn anh năm ngoái mượn tiền mua 2 lô, năm nay nó bán một lô, tiền lời đủ chi trả cho cả hai…” ngay chiều hôm đó hai anh em đi thăm đất, và quyết định mua 4 lô. Ông anh tạm thời đứng tên dùm, khi nào nhà nước cho Việt kiều đứng tên thì sẽ sang tên cho em.Cô em gái về Úc bàn với chồng gom hết vốn liếng gửi về cho anh trai để mua đất. Từ đó mỗi lần cô em gái gọi điện thoại về VN hỏi thăm, ông anh trai đều báo tin vui vì giá đất tăng. Một năm sau, cứ theo thông báo gía đất lên của ông anh thì anh em ông ta đã kiếm lới gấp đôi. Cô em bàn với chồng quyết định bán 3 lô để thu tiền về còn một lô thì tặng lại ông anh. Nhưng mua thì dễ, bán thì khó, nhất là người đứng tên sổ đỏ là ông anh chứ không phải cô.. Thấm thoát đã 8 năm tôi gặp lại cô Nga và hỏi thăm về vụ đất đai, được cô ta cho biết: Ông anh đã lừa chiếm đoạt hết bốn lô đất không hoàn trả lại vốn cho cô ta dù chỉ một đồng.Chuyện cô Nga là một trong muôn vàn câu chuyện đau lòng. Hình như tất cả mọi hoạt động của người trong nước phần lớn là tìm cách làm sao cho tiền trong túi Việt kiều chạy vào túi mình. Người ta không ngại dùng mọi thủ đọan để lừa nhau, người ta không còn phân biệt cha mẹ, anh em, bà con, có cơ hội là ra tay.
5 – Tôi còn nhớ cách đây 8 năm có một lần tôi nhân được thư của mấy cháu con bà chị gửi qua, nội dung như sau:
“Cậu à, mẹ và tụi con suy nghĩ và quyết định sẽ mua cái nhà của anh Tư, anh Tư sẽ đi Mỹ tháng tới. Anh sẽ không mang tiền đi. Khi anh Tư qua bên đó cậu sẽ trả dùm cho tụi con. Giá nhà anh Tư hiện tại là 120.000 USD, nhưng anh để lại cho tuị con 80.000 USD. Rẻ lắm đó cậu… Cậu giúp mẹ và tụi con nhé..”Đọc thư, tôi tá hoả tam tinh như người trúng gió. Tôi không biết chị tôi và mấy cháu nó nghĩ sao mà tỉnh bơ viết thư như vậy. Trước nhất mấy người nghĩ là tôi có nhiều tiền lắm, thứ hai tự quyết định và kêu tôi thi hành. Khi nhận được thư tôi trả lời “tụi con lo một nửa còn một nửa cậu sẽ trả góp cho anh Tư mỗi tháng 500 USD cho đến khi hết.”Thư gửi đi nhưng không có hồi âm và coi như chuyện quyết định mua nhà chìm vào quên lãng. Sau đó cháu tôi có xin tiền mua xe Honda, tôi hỏi giá bao nhiêu, cháu tôi nói giá khoảng $4000. Tôi đã gửi cho nó đủ $4000. Nhưng lần về kế tiếp tôi khám phá ra nó đã nói dối, vì xe Honda nó mua chỉ có $2500 thôi. Bốn ngàn Úc Kim có lẽ nó tính luôn tiền xăng.
6 – Anh bạn tôi về VN thăm gia đình, quê hương là chùm khế ngọt, anh về VN ăn bưởi ăn cam chứ không ăn khế. Lúc đầu về thăm gia đình, lần thứ hai về làm ăn, đặt hàng “sản xuất ở VN”, lần thứ ba anh về VN nhập cảng cả cô chủ trẻ, con ông giám đốc hãng đóng bàn ghế. Anh bảo lãnh cô chủ trẻ qua Úc du lịch tham quan..Dĩ nhiên hàng hoá thì anh ta trình làng với vợ, còn hàng “độc” anh cất giữ tại hotel. Xui cho anh, cái hôm anh dắt cô chủ nhỏ tham quan thành phố bị vợ anh bắt gặp. Thế là “tan hàng”. Vợ anh thâu tóm tất cả, còn anh chỉ còn lại những gì mà mẹ anh cho anh khi mới sinh anh ra. Cô chủ nhỏ cũng chia tay anh quên cả bye bye.
7 – Tội nhất một người bạn đang làm ngành “finance”, về VN bị tiếng sét ái tình đánh quá mạnh, đến nỗi trong lúc đang ôm ấp người đẹp, thì xuất hiện một tên đàn ông xưng là chồng cô gái, hắn bắt anh phải biết điều nếu không sẽ giết chết anh. Sau khi trấn lột anh hắn xô anh xuống lầu, anh rơi trúng băng ghế xi măng lề đường bể đầu. Anh được đưa vào nhà thương VN cấp cứu. Kết quả khi anh được chuyển về Úc, anh trở thành “người gỗ” muôn đời.Có nhiều người khoe “mình có số đào hoa”, về VN có nhiều em theo, thậm chí còn tỏ ra mình thật thà “tôi có nói cho em biết là tôi có gia đình”, nhưng em nói “không sao làm người tình của anh là đủ rồi”. Thật tôi không hiểu sao ông bạn tôi thật thà như vậy. Đàn bà ở VN cần cặp với đàn ông có vợ, chứ đàn ông không vợ, họ không cần. Lý do dễ hiểu “có vợ, ly dị vợ mấy hồi”. Khi cá đã cắn câu rồi, lúc đó mới giựt. “anh à em cần mấy ngàn,..” em cần mua xe máy.. em cần tiền sửa nhà..”, rồi anh ơi em có bầu…thế là xong… còn đàn ông không có vợ hay vợ ly dị là đàn ông có vấn đề, không có tiền, không có tài sản, đàn bà VN không cần loại đàn ông đó. Ông bạn thật thà của tôi chắc sẽ được Chúa ban cho Thánh Giá trong một ngày rất gần..
Nguồn: Vitalk.vn
 http://baouc.us/cong-dong/kho-so-vi-lam-viet-kieu.html#sthash.KehaEgKX.dpuf

Tham nhũng vẫn... ổn định!

Theo NLDO-28/01/2016 23:08

Mọi nỗ lực về cải cách hành chính, giảm bớt cơ hội phát sinh tham nhũng của Việt Nam vẫn chưa được ghi nhận bởi tốc độ cải thiện chậm chạp

Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) ngày 28-1 công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam xếp thứ 112/168 nền kinh tế, với điểm số 31/100 không đổi từ năm 2012 đến nay.
Không cảm nhận được sự cải thiện
Trước đó, năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/176 quốc gia nằm trong danh sách điều tra về cảm nhận tham nhũng của TI. Như thế, nếu xét trên thứ hạng, năm 2015, Việt Nam đã tăng được 7 bậc, từ thứ 119 lên thứ 112. Tuy vậy, về bản chất, việc thăng hạng như trên gần như là vô nghĩa bởi tình trạng tham nhũng của Việt Nam vẫn chưa hề được cải thiện trong cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia nghiên cứu.
Việt Nam luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính song vẫn còn bị kêu ca về nạn quan liêu, tham nhũng Ảnh: Tấn Thạnh
Việt Nam luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính song vẫn còn bị kêu ca về nạn quan liêu, tham nhũng Ảnh: Tấn Thạnh
Bà Nguyễn Minh Thảo - Phó Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng số lượng quốc gia trong mỗi năm xếp hạng có sự thay đổi nên không thể nhìn vào thứ hạng để đánh giá mức độ cải cách của Việt Nam. Theo đó, nếu như năm 2014 có tới 176 quốc gia trong bảng xếp hạng thì tới năm 2015 chỉ còn 168 quốc gia, tức là có thể một số nền kinh tế vốn có mức độ xếp hạng cao hơn đã rút ra khỏi danh sách, đẩy vị trí của Việt Nam lên cao.
Thêm nữa, từ năm 2012, điểm số của Việt Nam luôn “giẫm chân tại chỗ” ở mức 31/100 mà không hề có bước tiến nào. “2012 cũng là năm TI có cải cách về cách đánh giá, xếp hạng. Họ không chỉ dựa trên cảm nhận và xếp thứ tự các quốc gia theo cách cảm tính mà bắt đầu dựa vào điểm số. Từ khi bắt đầu được chấm điểm đến nay, Việt Nam không hề tiến bộ. Khi điểm số không thay đổi thì thứ hạng không phản ánh được sự cải thiện của chỉ số này” - bà Thảo phân tích.
Cũng theo bà Thảo, Việt Nam có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016 là bước đột phá bởi đề ra những yêu cầu hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, nhiều chính sách đến cuối năm 2015 hoặc sang năm 2016 mới có hiệu lực nên DN chưa thể có cảm nhận tốt về sự thay đổi.
“Điều này tương đồng với những gì mà TI chỉ ra bởi kết quả các cuộc đánh giá bao giờ cũng có độ trễ. TI đưa ra kết quả đánh giá một phần dựa trên những dữ liệu tự thu thập được, một phần tham khảo của các địa chỉ uy tín như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Vietnam Business Forum (VBF) hay Diễn đàn Kinh tế thế giới - World Economic Forum (WEF). Trong khi đó, VBF kết thúc vào tháng 5-2015 còn WEF công bố vào tháng 9-2015. Tức là các kết quả họ đưa ra phải được điều tra ở giai đoạn trước đó. Khi đó, sự thay đổi về thủ tục hành chính nhằm làm giảm cơ hội phát sinh tham nhũng chưa thực sự có kết quả và cộng đồng cũng chưa cảm nhận rõ rệt. Đó là lý do điểm số chưa có thay đổi so với năm 2012” - bà Thảo giải thích thêm.
Còn nhiều điểm tối
TI đã chia thành từng nhóm trong số các quốc gia được xếp hạng. Theo đó, có 20% quốc gia kém nhất về phòng chống tham nhũng, 20% kém vừa, 20% khá, 20% tốt và 20% rất tốt. Việt Nam nằm trong nhóm thứ 2 từ trên xuống. Một trong những lý do khiến tình trạng tham nhũng của Việt Nam không được cải thiện đó là do những hạn chế về chính sách làm phát sinh hiện tượng “chạy chọt”, “xin xỏ”.
“Thủ tục hành chính chỉ là một phần nguyên nhân gây ra tham nhũng mà tham nhũng còn rộng hơn nữa. Nó nằm trong chính sách. Không có một nghiên cứu nào chỉ ra cụ thể nhưng đâu đó trong các dự án, các chương trình được thực hiện có sự vận động ngầm đằng sau hay còn gọi là “chạy dự án”, “chạy chương trình”... Những việc này rất khó nhìn ra và dù có cải cách tốt về thủ tục hành chính như chúng ta đã làm thì vẫn không tránh được” - bà Nguyễn Minh Thảo chỉ rõ. Do đó, cần có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý tham nhũng cũng như khuyến khích phát hiện, tố giác tham nhũng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, mặc dù thế giới đã ghi nhận Việt Nam có cải tiến ở một số luật, đặc biệt là có các giải pháp xử lý mạnh mẽ hơn trong vấn đề tham nhũng nhưng chưa đạt được dấu ấn cụ thể, nhất là về phần điểm số. Theo ông, cần phải tìm hiểu các tiêu chí do thế giới đánh giá để dựa vào đó soi chiếu lại tình hình thực tế trong nước và đề ra cách cải thiện. “Riêng với doanh nghiệp, cho đến nay, họ không có bất cứ cảm nhận gì về sự tiến bộ. Thuế và phí đã ăn mất 40% lợi nhuận rồi mà doanh nghiệp còn phải gánh chi phí ngoài pháp luật nữa. Đó chính là vì tham nhũng chưa được cải thiện” - TS Doanh chỉ ra.
“Chưa phản ánh toàn diện”
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cho rằng các tổ chức quốc tế nghiên cứu về tình hình tham nhũng tại Việt Nam đưa ra các tiêu chí đánh giá rất khác với cách đánh giá của Việt Nam. “Kết quả xếp hạng của TI đưa ra phải xét đến việc họ lựa chọn tiêu chí như thế nào, cách đánh giá ra sao chứ nó không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam. Do đó, Thanh tra Chính phủ sẽ ghi nhận để tham khảo là chính” - ông Đạt nêu quan điểm.
Ông Đạt nhấn mạnh thêm: “Khách quan mà nói, trong vài năm trở lại đây, công tác phòng và chống tham nhũng của Việt Nam có những bước tiến mới, giải pháp đột phá mang lại nhiều hiệu quả song các tổ chức nước ngoài không ghi nhận. Ngành thanh tra đang có những lỗ lực để đẩy lùi tham nhũng tại Việt Nam”.

Phương Nhung - Nguyễn Quyết

Rác lềnh bềnh trên công viên cảng Bạch Đằng

NGUYỄN MINH THANH - Thứ Sáu, ngày 29/1/2016 - 00:35
(PL)- Trước cổng số 3 khu Công viên cảng du lịch Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM, đối diện phố đi bộ Nguyễn Huệ) luôn có nhiều rác thải dạt về đây và mắc kẹt tại bến đợi tàu du lịch.
Hình ảnh này xuất hiện thường xuyên và gây khó chịu cho mọi người, nhất là du khách nước ngoài.

Hình ảnh rác nổi lềnh bềnh thường thấy ở Công viên Bạch Đằng. Ảnh: MINH THANH
Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn rác trôi dạt về đây, thường xuyên tổ chức thu gom, vớt sạch khi có rác mắc kẹt nơi này. Ngoài ra, người dân cũng cần có ý thức giữ gìn, không vứt rác bừa bãi xuống sông, tạo nên cảnh xấu xí cho TP.
NGUYỄN MINH THANH

Công nhân bị sà lan sắp hạ thủy đè tử vong

GIA TUỆ - Thứ Năm, ngày 28/1/2016 - 12:54
(PLO)- Trưa 28-1, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ phối hợp với Công an quận Ninh Kiều đang điều tra vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TV (đường Tầm Vu, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Vụ tai nạn đã khiến một người chết và một người bị thương do bị sà lan bằng sắt, tải trọng theo thiết kế trên 100 tấn (đang chuẩn bị hạ thủy - PV) đè trúng. Danh tính các nạn nhân hiện chưa được cung cấp. 

 Hiện trường vụ tai nạn.
Theo ghi nhận của PV, đến trưa 28-1, hai cơ quan công an đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường, đang thực hiện khám nghiệm tử thi; đồng thời làm việc với các nhân chứng, những người có liên quan để xác minh nguyên nhân vụ tai nạn. 
Theo thông tin ban đầu, đầu giờ sáng 28-1, các công nhân làm việc xung quanh sà an, sắp xếp cúng để chuẩn bị hạ thủy. Sà lan lúc này được đặt trên bệ đỡ. Đến khoảng 9 giờ sáng, bất ngờ sà lan bị xô lệch sang một bên. Các công nhân không kịp di chuyển để tránh nên hai người đã bị đè trúng. Một người tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
GIA TUỆ

Cháy liên hoàn ba doanh nghiệp đồ gỗ, hàng trăm công nhân hoảng loạn

Vũ Hội - Thứ Năm, ngày 28/1/2016 - 15:12
(PLO)- Lửa bùng lên thiêu rụi một doanh nghiệp rồi lan qua hai doanh nghiệp kế cận tại Bình Dương. Hàng trăm công nhân tháo chạy trong hoảng loạn.
Vụ việc xảy ra vào sáng 28-1, khi các công nhân của Công ty Hằng Xương đang làm việc thì thấy khói bốc lên, chỉ vài phút sau lửa gặp mấy thùng sơn và đồ gỗ nên bốc cháy dữ dội. Hoảng sợ, hàng trăm công nhân bỏ chạy tán loạn.

 

 

 Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy.
Không dừng lại ở đó, đám cháy nhanh chóng lan sang Công ty Kim Thịnh và Công ty Mission Wood Furniture VN cạnh đó. Do khu vực xảy ra vụ cháy có đến hơn 10 công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trú đóng nên lực lượng cứu hỏa phải huy động quân số rất đông để khống chế.
Đến khoảng 11 giờ trưa nay, lực lượng cứu hỏa của tỉnh Bình Dương vẫn khẩn trương khống chế vụ hỏa hoạn. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hiện trường hàng trăm mét vuông nhà xưởng cùng toàn bộ sản phẩm đồ gỗ, máy móc, vật tư của Hằng Xương bị thiêu rụi. Trong khi đó, do được lực lượng cứu hỏa hỗ trợ, dập lửa kịp thời nên hai doanh nghiệp còn lại thiệt hại không lớn. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Vũ Hội

Đấu thầu Việt Nam và khái niệm “chẳng giống ai”

Theo Vneconomy- 28.1.16
“Khái niệm “chỉ định thầu” trong Luật Đấu thầu của Việt Nam chẳng giống ai, đã “chỉ định” sao còn gọi là “đấu”?”.


Đó là ý kiến của ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại hội thảo “Rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 27/1.

Chưa có cam kết quốc tế về mua sắm công

Theo báo cáo rà soát đưa ra tại hội thảo cho thấy, có khoảng 2/3 điểm vênh nhau như các cam kết về sử dụng phương tiện điện tử, lý do lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu, thời hạn tối thiểu để nộp hồ sơ thầu, điều kiện tham dự thầu…

Riêng các cam kết riêng mang tính đặc thù của EVFTA về yêu cầu mở cửa thị trường thì khó khả thi đối với pháp luật đấu thầu Việt Nam.


Các cam kết về cạnh tranh, minh bạch cũng khó thực hiện do chi phí tuân thủ cao.

Báo cáo kiến nghị phải xây dựng những văn bản riêng cho các cam kết đặc thù mà Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của EVFTA, hoặc cho các cam kết chưa thể thực thi trên diện rộng.

Ngoài ra, cần sửa đổi pháp luật đấu thầu nói chung, cho phù hợp với thực tiễn hội nhập và vì lợi ích của doanh nghiệp.

“Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ cam kết quốc tế nào về mua sắm công, nên pháp luật đấu thầu của Việt Nam cũng chưa chịu bất kỳ ràng buộc hay giới hạn nào", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nói. 

“Tuy nhiên, cần thiết phải xác định những điểm khác biệt để có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp và theo hướng có lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khắc phục nguy cơ “vênh” giữa pháp luật đấu thầu Việt Nam so với các cam kết mua sắm công theo EVFTA”.

Đánh giá về Luật Đấu thầu (sửa đổi năm 2013) so với các thông lệ quốc tế về đấu thầu mà Việt Nam tham gia, bà Trang cho rằng, luật đã cơ bản thực hiện các nguyên tắc minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả liên quan tới một số quy định như thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, thông tin sau khi trao hợp đồng, trình tự thực hiện hay thủ tục đấu thầu…

“Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, vẫn cần có các quy định chi tiết hơn nữa, để rút ngắn khoảng cách giữa thực tế thực thi với các quy định pháp luật”, bà Trang nhấn mạnh.

Đấu thầu phải công bằng

Ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu EVN cho rằng đây chỉ là những điểm vênh về khái niệm. Như việc phải bỏ hẳn khái niệm “chỉ định thầu” trong Luật Đấu thầu bởi nó không giống với bất kỳ hình thức nào theo thông lệ quốc tế.

Thay vào đó, quy định một quy trình mở để đấu thầu hạn chế mời một hoặc một số nhà thầu đề xuất và thương thảo để có hình thức lựa chọn phù hợp.

“Thực tế luật và điều kiện tại Việt Nam hiện chưa thực sự tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, do đó cần có những quy định về kiểm soát nhà thầu nước ngoài, quy định phải liên danh giữa nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, quy định tính độc lập giữa nhà thầu và các đối tượng khác tham gia trong quy trình đấu thầu nhằm tránh các xung đột...”, ông Định lưu ý.

Ông Ngô Minh Hải, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nhà nước cũng cho rằng: “Trong 8 hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định theo luật, thì chỉ có một hình thức là đấu thầu cạnh tranh - đấu thầu rộng rãi, còn lại là hình thức lựa chọn nhà thầu có điều kiện. Do đó cần có quy định cụ thể với mỗi hình thức lựa chọn nhà thầu để đảm bảo dễ dàng thực thi và thống nhất trong quá trình thực hiện”.

“Việt Nam cần có thêm các quy định về mở cửa thị trường trong hoạt động đấu thầu quốc tế. Quy định về đấu thầu trong nước cũng cần phải được mở và điều chỉnh để cho phép sự tham gia của các nước trong khu vực, cũng như thành viên của EVFTA…”, ông Trần Trung Kiên, chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) góp ý.

Cũng theo ông Kiên, các quy định về đấu thầu phải tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.



Khởi niên 2016, hơn 1,2 vạn doanh nghiệp “chết” hoặc “chết lâm sàng”

Theo Viettimes-28.1.16
Tổng cục Thống kê (GSO) dẫn nguồn từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong tháng 1-2016, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động lên đến 12.456 đơn vị, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đã có 12.456 doanh nghiệp ngưng hoạt động trong tháng 1/2016.
Đáng chú ý, có đến 1.338 doanh nghiệp nằm trong diện “chết hẳn” (hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh). Như thường lệ, chiếm chủ yếu (93,8%) trong nhóm này vẫn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ với vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 5.181 doanh nghiệp cũng đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 7.275 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Lý giải về thống kê trên, GSO cho rằng, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tháng 1/2016 lớn là do doanh nghiệp thường chọn thời điểm bắt đầu của năm tài chính để tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra chưa đồng thuận, bởi trên thực tế, năm nào doanh nghiệp cũng chọn thời điểm đầu năm để tạm ngưng hoạt động chứ không chỉ cá biệt trong 2016.
Do đó, việc có hơn 1,2 vạn doanh nghiệp ngưng hoạt động chỉ trong 1 tháng đầu năm, ở khía cạnh khác, đang chứng tỏ tình hình hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong năm nay chưa hẳn đã thuận lợi. Nếu không muốn nói là khó khăn hơn những năm trước.
Đáng quan ngại hơn khi số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động đã vượt khá xa so số lượng doanh nghiệp thành lập mới, căn cứ trên dữ liệu mà GSO cung cấp.
Theo đó, tháng 1/2016, cả nước có 8.320 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký là 59.300 tỉ đồng, tăng 21,2% về số doanh nghiệp và tăng đến 87% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái, nghĩa là số mới thành lập chỉ bằng hai phần ba số ngưng hoạt động.
Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới của tháng này đạt 7,1 tỉ đồng, tăng 54,3%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 124.000 người, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng trong tháng khởi niên 2016, khi cả nước đã có 4.872 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm trước và là tháng đầu năm có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây.


Báo chí Việt Nam trong ĐH Đảng XII

Theo VNTB 29.1.16
Đào Đức Thông (VNTB) Để kết luận công và tội của lãnh đạo Đảng & Nhà nước Việt Nam, người dân chúng ta cần một không gian thảo luận nghiêm túc, biết chấp nhận sự khác biệt. Lo gì chuyện ai ra đi vẻ vang hay ở lại nhục nhã không có người hay biết.

Nhưng những gì đã diễn ra trên truyền thông về Đại hội Đảng CS toàn quốc XII cho thấy một thất bại thảm hại về chính sách quản lý thông tin chính trị của Đảng và giới cầm quyền Việt Nam.

Đội quân truyền thông chủ lực thực thi chính sách của Đảng đã bị những người chỉ huy của mình buộc bỏ trống trận địa để dành lại cho những trang thông tin không rõ xuất xứ và những người cung cấp thông tin thứ cấp lan tràn.


Báo chí Việt Nam - Một nền báo chí mang gương mặt u uất, buồn thảm, các nhà báo chỉ còn cách chứng tỏ mình tồn tại bằng vần vè, mật hiệu hoặc tham gia vào trận địa ngổn ngang của tin đồn.

Một nền báo chí không có nổi những bài phân tích Chính trị đủ làm cho người dân có thể tin cậy, không có một chân dung Chính khách được viết bài bản, không thể cung cấp thông tin về những nhà lãnh đạo cho dân chúng của mình.

Một nền báo chí xáo rỗng, màu mè, chỉ đầy dẫy cờ đàn kèn hoa và kiểu tác nghiệp tin tức như vụ con rùa Hồ Gươm.

Giới cầm quyền đã thủ tiêu một cách căn bản và toàn diện tư cách của một nền báo chí Việt Nam chính thức, thông qua việc buộc báo chí chính thống phải thúc thủ, như tình cảnh của những chiến binh Việt Nam trong trận chiến đảo Gạc Ma năm xưa với Trung Cộng.


Thông tin và phương tiện cung cấp thông tin dường như đã và đang hoàn toàn ở trong tay những kẻ chơi Chính trị. Sự chiếm lĩnh trận địa tin tức của các trang tin không rõ ràng xuất xứ là một dấu hiệu. 

Kiểu cách thông tin nhân sự trong Đại hội, có "luồng", vào ra nhịp nhàng, khác nhau một cách có chủ ý, trong một trận thế thông tin được chỉ huy thường trực, nhất quán là điều mà trước nay ở Việt Nam chưa hề có.

Truyền thông Việt Nam thay vì là tiếng nói của dân, ít ra như Đảng nói là tiếng nói của Đảng, thì trong Đại hội Đảng XII này được những kẻ cơ hội Chính trị sử dụng, thao túng và hoàn toàn là công cụ của họ.

Cán bộ tiếp dân oan hách dịch bị chém bị thương

Báo chí trong nước sáng 28 tháng Giêng đưa tin khoảng 10g sáng, tại trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương, bà cán bộ Trần Thị Thu Hiền làm việc với bà Phạm Thị Thuận, một dân oan khiếu kiện đất đai, đang sống tại Như Thanh, Thanh Hóa.  Bỗng nhiên, bà Thuận rút con dao Thái Lan mang theo người chém vào mặt bà Hiền, sau đó dùng dây diện thoại bàn siết cổ bà này.
Do bị tấn công bất ngờ, bà Hiền chỉ kịp đẩy bà Thuận ra rồi kêu cứu. Sau khi được giải cứu, bà Hiền đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện với vết thương trên mặt dài khoảng 12cm và mất rất nhiều máu.
Theo anh Trịnh Bá Tư, một dân oan ở Hà Nội, thường xuyên có mặt tại ban tiếp dân trung ương cho biết, hành động của bà Phạm Thị Thuận đã bùng phát khi nỗi uất ức bị dồn nén lâu ngày. Những lá đơn bị đá qua lại, thái độ hách dịch cửa quyền đã khiến bà không kìm nén được. Ông Tư cho biết thêm người bị chém là bà Trần Thị Thu Hiền  là một người rất hách dịch với bà con dân oan, và bà Hiền đã lãnh hậu quả về sự hách dịch của mình.
Chỉ thương cho bà Thuận đã khổ nay lại càng khổ hơn. Tình trạng dân oan khiếu kiện tại 3 miền càng ngày càng gia tăng. Sự toa rập và kết hợp với nhau giữa chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực đất đai, giữa công an và các băng nhóm côn đồ xã hội đen dẫn đến sự tuyệt vọng nơi người dân và kéo dài tình trạng dân oan tập trung biểu tình khiếu kiện khắp mọi nơi trong phạm vi cả nước.

01/28/2016 - 10:28
Thanh Lan / SBTN

Quy định mới cho phép cảnh sát giao thông lạm quyền hơn

Nhân lúc mọi sự chú ý đổ dồn về Đại hội đảng CSVN lần thứ 12, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang – người được đoán là sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước, mới đây đã ký ban hành Thông tư số 01/2016 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Theo các quy định mới, cảnh sát giao thông có thể lạm quyền một cách hợp pháp.
Cụ thể, kể từ ngày 15/2/2016 – ngày quy định bắt đầu có hiệu lực. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định cũ, cảnh sát giao thông được quyền dừng bất cứ xe nào đang lưu thông để kiểm tra. Theo quy định cũ, chỉ khi người lái xe có vi phạm mới được dừng xe. Ngoài ra, không chỉ người lái xe bị kiểm tra giấy tờ, người ngồi trên xe cũng bị kiểm tra giấy tờ tùy thân, mà trước đây chỉ có người lái xe bị kiểm tra.
Thêm vào đó, ngoài các vi phạm luật giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông có thêm quyền xử lý vi phạm hành chính ở các lĩnh vực khác. Họ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn,  được tạm giữ giấy tờ của người điều khiển xe hoặc những người ngồi trên xe.
Cảnh sát giao thông còn được quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó. Theo nhìn nhận của nhiều nhà hoạt động, quy định về trưng dụng tài sản như vậy có thể được lạm dụng để chiếm giữ các thiết bị như điện thoại di động, máy quay phim, máy ảnh…vốn là những thứ người dân sử dụng để ghi lại những sai phạm của cảnh sát giao thông rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Toàn bộ những quy định mới kể trên có thể trực tiếp xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Cảnh sát giao thông nay có thể tùy tiện tạm giữ người, tạm chiếm giữ tài sản của công dân, tùy tiện dừng bất cứ phương tiện nào để bắt lỗi, đòi hối lộ. Xem ra còn đảng trị là còn công an trị, người dân lại bị ức hiếp nhiều thêm nữa.
 01/27/2016 - 15:23
Nhật Nam / SBTN

Kết thúc cuộc chiến ‘Hai hoa hồng’: Trở lại trạng thái ì

Cuộc chiến “Hai hoa hồng” thời Trung cổ – giữa phe đảng và phe chính phủ ở Việt Nam, kéo dài từ những năm 2010-2011 cho đến nay, đã chính thức chấm dứt.
Nhìn vào dàn nhân sự mới của Bộ chính trị Việt Nam, có thể cho rằng giờ đây đã không còn khái niệm phe đảng và phe chính phủ nữa. Cũng không còn những cái tên thủ lĩnh cá nhân của từng phe như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn sang hay Nguyễn Phú Trọng.
Giờ đây, chỉ còn duy nhất cái tên Nguyễn Phú Trọng.
Loại được Nguyễn Tấn Dũng là một thành công quá lớn của cá nhân ông Trọng, cho dù vì thế mà cả các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Tô Huy Rứa đều phải kéo nhau nghỉ. Tất cả quyền lực giờ đây hầu như tập trung vào Nguyễn Phú Trọng.
Có thể không quá để cho rằng từ thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chưa bao giờ quyền lực lại “rất tập trung” vào tay một tổng bí thư như ông Trọng. Bên cạnh ông hiện thời là những người tương đồng đối gần gũi như Trần Đại Quang, Ngô Xuân Lịch và có thể cả Tô Lâm – người được hứa hẹn sẽ giữ chức bộ trưởng công an.
Ban bí thư và các ban đảng cũng được tăng cường mạnh mẽ hơn. Vương Đình Huệ rốt cuộc đã vào được Bộ chính trị. Phạm Bình Minh cũng thế. Số lượng ủy viên bộ chính trị cũng vì thế tăng lên tới 19 nhân vật, gấp gần 3 lần Bộ chính trị của Trung cộng, cho dù lãnh thổ Việt Nam chỉ bằng 1/30 lần Trung Hoa và dân số bằng 1/15.
Đông nhưng không tinh là bức tranh có thể nhận ra rõ rệt ở Bộ chính trị mới của đảng cầm quyền. Mặc dù quân số được tăng cường, nhưng không có bất cứ một khuôn mặt nào khả dĩ mới hơn, sáng tạo hơn. Tất cả vẫn là những khuôn mặt cũ.
Bức tranh trên đã khiến nhiều người trong giới trí thức và giới cán bộ về hưu ở Việt Nam chán ngấy. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều người, cho dù không thể đồng thuận với một Nguyễn Tấn Dũng quá nhiều tai tiếng, nhưng sau này lại dồn tình cảm cho ông ta. Đơn giản là người ta đã quá chán Nguyễn Phú Trọng.
Vậy ông Trọng sẽ làm gì để chuyển biến tình thế? Hay vẫn ôm chặt pho kinh viện Mác Lê của ông cùng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Khó mà biết được.
Một vài trí thức như Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy dường như bộc lộ đôi chút hy vọng vào Nguyễn Phú Trọng về một số thay đổi, dù không lớn. Vài người khác hy vọng ông Trọng sẽ “lặng lẽ làm cách mạng”.
Quả thật, chưa có gì chắc chắn cho thấy ông Trọng sẽ thay đổi. Nhưng với vài việc ông đã làm vào năm 2015 như chuyến công du đặc biệt đến Mỹ và chấp nhận định chế Công đoàn độc lập, sự đổi thay của ông có vẻ là một ẩn số so với nhiều nhân vật khác hầu như đã rõ là chưa làm gì cả.
Nhưng làm gì thì làm, trước mắt của Bộ chính trị Việt Nam là triển vọng rất gần của cuộc khủng hoảng kinh tế và ngân sách. Hãy chờ xem họ giải quyết bài toán đó như thế nào.
01/27/2016 - 18:53
Lê Dung / SBTN

Bộ chính trị hay bộ công an?

Bộ Chính trị (BCT) Khoá XII có 19 người, tăng 3 người so với BCT Khoá XI. Đặc biệt có đến 6 tân ủy viên BCH TW khóa XII xuất thân từ ngành công an.
Cụ thể: 1. Trương Hòa Bình. Cục phó Cục An ninh văn hóa A25 năm 1991. Tháng 6 năm 1997, ông Bình là phó giám đốc Công an Sài Gòn kiêm thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra với quân hàm Thượng tá. Năm 2000, ông được thăng quân hàm Đại tá. Năm 2005 ông giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng, hàm Đại tá. Năm 2006, ông được thăng hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Chỉ một năm sau, năm 2007, ông được thăng quân hàm Trung tướng.
2. Phạm Minh Chính. Ông có hàm Trung tướng; nguyên Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an. Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
3. Tô Lâm. Thượng tướng. Thứ trưởng Bộ Công an.
4. Trần Đại Quang. Đại tướng. Bộ trưởng Bộ Công an.
5. Nguyễn Văn Nên. Trưởng Công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
6. Nguyễn Hòa Bình. Thiếu tướng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm nhiệm chức Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Đáng chú ý là BCT XII có đến 10 người (tức hơn phân nửa) có bằng tiến sĩ (TS).  Cụ thể: 1. Nguyễn Phú Trọng, TS chuyên ngành Xây dựng Đảng. 2. Trần Đại Quang, TS Luật. 3. Tô Lâm, TS chuyên ngành Khoa học An ninh. 4. Nguyễn Thiện Nhân, TS ngành Điều khiển học. 5. Đinh Thế Huynh, TS Báo chí. 6. Phạm Minh Chính, TS Luật. 7. Vương Đình Huệ, TS Kinh tế. 8. Nguyễn Văn Bình, TS Khoa học Kinh tế. 9. Đinh La Thăng, TS Kinh tế. 10. Nguyễn Hòa Bình, TS Luật.
Chẳng những số TS áp đảo, mà con số giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) trong BCT XII cũng rất “đáng nể”. Có đến 6 người mang hàm GS/PGS: Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, và Tô Lâm.
BCT XII có đến 3/4 là người miền Bắc. Khuynh hướng "công an trị" sẽ tiếp tục đối với người dân. Hơn phân nửa có bằng TS, và trong số đó có 6 người mang hàm GS. Lãnh đạo CSVN vốn xính bằng cấp. Nói thêm ở đây, “bằng cấp” của đảng viên không đồng nghĩa với trình độ học vấn. Chuyện mua bán bằng cấp đã quá bình thường trong giới lãnh đạo CSVN. Nếu nghĩ rằng trình độ học vấn có tương quan với phát triển kinh tế, thì có thể suy luận rằng Việt Nam là nước rất phát triển. Thực tế thì lâu nay Việt Nam là một nước nghèo, vẫn “ăn xin” đồng vốn vay ODA của nước ngoài cho giấc mơ thiên đường xã hội chủ nghĩa.
01/28/2016 - 06:55
Vũ Minh Ngọc / SBTN