Đặng Huy Văn (Danlambao) - Mới tảng sáng, Hà Nội đã rực nắng dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Mình được ngồi trong nhà mở điều hòa đọc mạng mát mẻ, còn những người có việc ra đường thì sao?
Các em bé đánh giày ơi, hãy chui vào bóng râm mà nghỉ ngơi chút đỉnh. Hãy đừng tiếp tục lê bước trên đường mà chết nóng đó. Nhiệt độ ngoài đường mấy hôm nay buổi trưa lúc nào cũng trên 41 độ C, có lúc lên tới 45 độ C, các em có biết không?
Thương sao những người thợ xây vẫn ngày ngày trên dàn giáo! Thương sao những người nông dân đang lam lủ trên những cánh đồng làng để trồng rau, trồng lúa cung cấp cho cả nước! Thương sao các bệnh nhân nghèo đang phải nằm 2 hay 3 người một giường trong các bệnh viện lớn ở Hà Nội!
Thương sao đồng bào Công Giáo Nghệ An, Hà Tĩnh đang thiếu ăn, thiếu điện, thiếu nước... vẫn ngày đêm bị hàng ngàn "công an nhân dân" vây ráp quanh làng để không cho họ đi biểu tình đòi Formosa cút khỏi Việt Nam.
Formosa đã nổ và sẽ nổ nhiều lần nữa vì công nghệ lạc hậu, nhưng TBT đã đứng ra bảo lãnh cho họ và sẵn sàng đàn áp những ai lên tiếng đòi "Formosa cút khỏi Việt Nam!"
Thương sao các bà mẹ Việt Nam đang ngày đêm quên mình xa xót cho Tổ Quốc đã bị rơi vào tay bọn thân Tàu bán nước!
Ôi đâu rồi bốn ngàn năm Hồn Nước? Hãy đứng lên vinh danh Mẹ Việt Nam!
Những ngày qua, nắng nóng ở các tỉnh Miền Trung và khu vực Hà Nội đã trở nên đỉnh điểm trong lịch sử, khi có lúc lên 45 độ C, làm cho nhiều người cảm thấy oi bức, khó chịu, ngạt thở.
Một đoạn video clip ghi lại cảnh một người đàn ông ở Huế đã dùng chảo chiên trứng dưới trời nắng mà không cần lửa, đã được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ chóng mặt.
Ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thì nắng nóng trên 43 độ C và thêm gió lào thổi rát mặt nên không một ai dán ra đường vào buổi trưa.
Các trạm khí tượng miền Bắc ghi nhận được nhiệt độ cao kỷ lục từ gần nửa thế kỷ, nhiều nơi cao trên 40 độ C như Hòa Bình 40,8 độ, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 41,4 độ, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 41 độ, Sơn Động (Bắc Giang) 41,1 độ, Bắc Ninh 41,2 độ, Chí Linh (Hải Dương) 42,2 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 40,3 độ… Riêng ở Tp Hà Nội, nhiệt độ cao nhất tại Láng lên mức 41,5 độ, Hà Đông (Hà Nội) 42 độ. Tuy nhiên, những số liệu trên chỉ là mức nhiệt trong lều khí tượng, còn nhiệt độ thực tế ngoài trời luôn giao động 45-50 độ C, nên nhiều người đã làm được thí nghiệm rán trứng trên đường.
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây nên sự việc nắng nóng đạt kỷ lục trong vòng 40 năm trở lại một phần do sự tàn phá môi trường: chặt phá cây xanh, san lấp ao hồ, bê tông hoá, đô thị hoá… Một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội chia sẻ: “cách đây gần hai năm, nhà cầm quyền Tp Hà Nội đã cho người triệt hạ 6,700 cây xanh đang phủ khắp các ngã đường ở Hà Nội để làm đường. Lúc đó, nhiều bạn trẻ đã xuống đường tuần hành kêu gọi người dân bảo vệ cây xanh thì bị cho là khùng, là điên, rỗi hơi. Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận, nhà cầm quyền đã dừng lại sau khi đốn hạ 3,000 cây. Bây giờ, trên những ngã đường đó vắng bóng những cây xanh không một bóng mát mới làm cho người ta hối hận về việc đốn hạ những cây cổ thụ mang lại bóng mát. Gần đây, nhà cầm quyền đang tiếp tục lăm le chặt phá 1,300 cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng để “mở rộng làn đường”. Không biết người dân Hà Nội có phản ứng gì không?”
VIỆT NAM (NV) – Đợt nóng bất thường với nhiệt độ phổ biến là 40 độ C đã làm ít nhất hai người đột tử giữa đường vì nóng. Số người ngất, số bệnh nhi được đưa vào bệnh viện cấp cứu tăng vọt.
Hôm qua, báo chí Việt Nam bắt đầu loan báo những tác động của đợt nóng bất thường kéo dài đã bốn ngày ở miền Bắc Việt Nam đến con người.
Báo điện tử VnExpress cho biết, sáng 5 tháng 6, khi đang điều khiển xe hai bánh gắn máy trên đường Xã Đàn, đoạn chạy qua phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, cụ Mạc Thị Anh Thư, 73 tuổi, đột nhiên té ngang ra đường. Dân chúng quanh đó xúm vào sơ cứu, gọi xe cấp cứu nhưng khi xe đến nơi thì cụ Thư đã tắt thở.
Cũng trong ngày hôm qua, tờ Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Chủ tịch thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết, chiều 3 tháng 6, dân chúng thôn Lễ Pháp ở thị trấn này phát giác một người đàn ông, ngoại tứ tuần gục chết dưới gốc một cây trồng ven đường. Bởi nạn nhân không có giấy tờ tùy thân nên giới hữu trách chưa xác định được danh tính nạn nhân.
Trung tâm Vận chuyển cấp cứu của thành phố Hà Nôi, bảo rằng, từ ngày 2 tháng 6 – thời điểm bắt đầu đợt nóng chưa từng thấy tại miền Bắc Việt Nam, riêng Trạm chính của Trung tâm này đã cấp cứu ba người bị sốc do nhiệt độ cao: Nôn mửa, ngất, thân nhiệt trên 40 độ C, mất tri giác, co giật,…
Tờ Tuổi Trẻ tường thuật thêm, các trạm cấp cứu khác cũng ghi nhận nhiều trường hợp sốt cao chưa rõ nguyên nhân trong bốn ngày từ 2 đến 5 tháng 6.
Bác sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viên Nhi quốc gia vừa mới cho biết là so với tuần trước, số lượng bệnh nhi vào bệnh viện này tăng khoảng 15%. Đa số bệnh nhi dưới một tuổi và sốt.
Những thông tin vừa kể chỉ là ghi nhận riêng tại Hà Nội. Chưa có thông tin về tác động của đợt nóng bất thường trong vài ngày qua ở các tỉnh, thành phố khác thuộc miền Bắc Việt Nam.
Sau sáu đợt lạnh bất thường trong tháng 5, sang đầu tháng 6, miền Bắc Việt Nam đột nhiên nắng như nung, kể cả khu vực cao nguyên.
Nhiệt độ phổ biến ở nhiều nơi tại miền Bắc Việt Nam là 40 độ C. Không ít nơi, nhiệt độ vượt qua cả mức này: Lào Cai 40.1 độ C, Sơn Tây 40.2 độ C, Hòa Bình 40.4 độ C, Lạng Sơn 40.5 độ C, Hà Nội 40.3 độ C,… Trước đó, vào ngày 3 tháng 6, một số nơi ở Hà Nội, Hải Dương, nhiệt độ vượt qua mức 42 độ C – nếu thân nhiệt chạm mức này, người ta có thể mê sảng và tử vong. Tuy nhiên những con số như vừa kể chỉ là dữ liệu được ghi nhận trong các lều khí tượng – nơi nhiệt kế được đặt cách mặt đất khoảng một mét, bên trên có mái che, không bị ánh nắng chiếu vào và không bị tác động bởi các vật liệu phát tán nhiệt. Tờ Tuổi Trẻ đã thử dùng nhiệt kế đặt trên mặt đường giữa trưa và ghi nhận, nhiệt độ mặt đường tại Hà Nội vào trưa 3 tháng 6 lên tới 56 độ C. Ngày 5 tháng 6, báo điện tử VietNamNet thử đặt nhiệt kế dưới những gốc cây trên đường Phạm Văn Đồng, trong bóng cây nhiệt độ mặt đường chỉ khoảng 40 độ C (thấp hơn 16 độ C so với nơi không có bóng cây).
Đó cũng là lý do chỉ trích của dân chúng đối với chuyện chính quyền thành phố Hà Nội đốn hạ hàng loạt cây xanh, khiến mặt đường tích nhiệt và phát tán nhiệt làm không gian sống ngột ngạt hơn, trở thành hết sức dữ dội.
Mới đây, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội vừa hứa sẽ xem lại dự tính đốn hạ thêm 1.300 cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng. Tháng trước, chính quyền thành phố Hà Nội tuyên bố sẽ đốn hạ hàng ngàn cổ thụ trên con đường này để thực hiện dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long, trước ngày 30 tháng 9. (G.Đ)
AN GIANG, Việt Nam (NV) – Người dân cồn Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, ở giữa sông Tiền đang phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ nguy cơ sạt lở khi ngày đêm đều có hàng trăm sà lan dày đặc hút cát trên sông.
Theo báo Tuổi Trẻ, người dân nơi đây cho biết ngày trước cồn Vĩnh Hòa dài khoảng 7 km thì nay đã hẹp dần, đất đêm nào cũng sạt lở đến nỗi người dân phải di tản.
Để giữ đất, bà con phải mua tấm cao su bao quanh đất ven sông nhằm phòng chống sạt lở.
“Nếu cho múc cát kiểu này hoài thì không bao lâu nữa cồn này sẽ biến mất thôi. Không biết bà con nơi này sẽ ở đâu và sống bằng nghề gì nữa?” ông Nguyễn Văn Minh, sống ở cồn, than thở nói với báo Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Sáu.
Trong khi đó, dù chính quyền siết chặt nạn khai thác cát, nhưng sà lan thương lái vẫn đậu chật kín để chờ lấy cát ở “thủ phủ cát” vùng thượng nguồn sông Tiền là khu vực trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, giáp ranh với huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Nơi này chiều dài chỉ hơn 2 km nhưng mỗi ngày có hàng trăm chiếc sà lan neo đậu chật kín cả sông của hai bên bờ An Giang và Đồng Tháp để chờ xáng cạp múc cát (Xáng cạp là sà lan trang bị gàu sắt “cạp” một gàu cát [đất] rồi quăng cát [đất] vào khoang chứa hay lên bờ. Sà lan, một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc…, là phiên âm của chữ “chaland” trong tiếng Pháp, nhưng người miền Nam hay dùng từ “xà lan” và khi Việt hóa từ này thì trở thành “xáng”). (TN)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Đất sản xuất kinh doanh 120,000 đồng/mét vuông, ăn hai tô phở hết 1 mét vuông đất rồi. Vùng sâu, vùng xa có thể rẻ nhưng có rẻ đến mức như thế này không? Đền bù như thế dân có chịu không? Tôi cho là khó.”
Đó là bất bình của ông Trần Ngọc Khánh, phó chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội, khi nói về việc đền bù cho gần 15,000 người dân nằm trong dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai, theo tường thuật của báo điện tử VietNamNet.
Ông nói tiếp: “Giờ mới có 5,000 tỷ đồng trên tổng số 23,000 tỷ đồng thì khó thực hiện được. Ngay cả trường hợp có tiền, thì chính sách bồi thường tái định cư như hiện nay dân đã đồng ý chưa? Đối với đất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn, cao nhất là được bồi thường 1.92 triệu đồng/mét vuông, thấp nhất là 240,000 đồng.”
Theo ông, ở tỉnh Khánh Hòa, đất chuyển đổi sang mục đích để làm đất ở được thì cũng không bao giờ có giá 2 triệu đồng.
Báo VietNamNet cho hay, trong suốt 12 năm qua kể từ khi được phê duyệt, người dân tại Đồng Nai không làm được nhà, không tách được đất cho con, công ăn việc làm cũng rất khó khăn. Đây là câu chuyện của 5,000 gia đình đang gặp khó khăn với dự án này.
Chính bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai, cũng nhìn nhận: “Hiện nay giá đất đã tăng từ 8-10 lần rồi, ảnh hưởng đến sau này hỗ trợ tái định cư. Nếu tiếp tục chậm trễ, giá đền bù sẽ còn tăng cao hơn nữa khi thời điểm tính toán là 18,000 tỷ đồng nhưng giờ đã trượt giá lên 23,000 tỷ đồng.”
Bà cho biết, hiện dự án đã được công bố “quy hoạch hơn 10 năm nên người dân rất băn khoăn, lo lắng về công việc, cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp; hoạt động của các doanh nghiệp cũng bị hạn chế.”
Trong khi đó, theo báo điện tử Dân Việt, dự án phi trường Long Thành làm cho giới đầu tư bất động sản cũng như nhiều “cò” đất khu vực này bắt đầu “thổi giá” đất làm cho thông tin thị trường nhiễu loạn.
Trong bán kính khoảng 10 km xung quanh khu vực dự án này “mọc” lên nhiều dự án, trong đó “hot” nhất là hai dự án Victory City (do công ty Địa Ốc Đinh Thuận làm chủ đầu tư) và Bất Động Sản Sân Bay Long Thành (công ty Vinh Hương Phát làm chủ đầu tư) do nằm khá gần khu vực phi trường.
Báo Dân Việt mô tả, dự án Victory City được coi là “đầy tiềm năng, tăng giá từng ngày” và “mua là có lời ngay, nếu không mua là hết.” Người giới thiệu dự án cho biết trước đây mỗi nền diện tích khoảng 94 mét vuông có giá 310 triệu đồng, thì nay tăng lên 510 triệu đồng.
Dự án “hot” thứ hai nằm cận kề phi trường này là dự án của công ty Vinh Hương Phát. Dự án này bán ra thị trường cách đây khá lâu nhưng đến nay hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, chưa có một ngôi nhà nào mọc lên. Các “cò” đất cho biết giá hiện nay giao dịch khoảng 3.5 triệu đồng/mét vuông.
Ngoài những công ty môi giới làm ăn bài bản với sản phẩm chủ yếu là đất nền dự án thì còn có không ít “cò” bán “lô, sào, mẫu;” hồ sơ đất là những bản vẽ tay, giấy tờ chi chít và mù mờ, nhưng khoe: “Đất ở đây tăng từng ngày, giá bình quân 3.5 – 4 tỷ đồng một mẫu.”
Ông Nguyễn Duy Phong, cán bộ địa chính xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai, xã cận kề dự án phi trường Long Thành, cho biết: “Chủ yếu là do môi giới tự ‘thổi giá’ lên. Chẳng hạn trước đây giá bán 1,000 mét vuông đất vườn là 100 triệu đồng thì nay tùy chỗ bán được 110 hoặc 120 triệu đồng. Đất dự án phân lô bán nền thì dao động khoảng 1.4 đến 2.5 triệu đồng/mét vuông.”
“Mua đất sát phi trường để kinh doanh dịch vụ vẫn còn là một ẩn số. Cứ nhìn những phi trường đã đưa vào khai thác, thử hình dung có bao nhiêu người hưởng lợi từ bất động sản phi trường?” ông nói. (Q.D.)
VIỆT NAM (NV) – Môi trường sống của hàng trăm triệu người Việt đang bị đe dọa bởi việc nhập cảng thiết bị, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm cao từ Trung Quốc.
Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Ngọc Linh, một Thứ trưởng của Bộ Tài nguyên – Môi trường, tại một hội nghị bàn về môi trường và phát triển bền vững, vừa diễn ra ở Vũng Tàu.
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên về hội nghị vừa kể thì ông Linh đã liệt kê hàng loạt yếu tố đang hủy diệt môi trường sống tại Việt Nam: 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải chung tồn tại song song với 36 cơ sở công nghiệp phải giám sát đặc biệt, 132 cơ sở công nghiệp khác phải kiểm soát thường xuyên vì “không thân thiện với môi trường”. 5.000 làng nghề sử dụng thiết bị lạc hậu… Nguy cơ môi trường sống bị hủy diệt trở nên cao hơn vì hoạt động khai thác khoáng sản thải ra đất, đá, bụi khi khai thác, vận chuyển, vì sự ra đời của hàng loạt các công trình thủy điện khiến rừng bị phá, bị xâm chiếm với diện tích lớn, đảo ngược dòng chảy, biến đổi các hệ sinh thái ở hạ du. Những tác động nguy hại ấy đang cộng hưởng với việc nhập cảng thiết bị, công nghệ lạc hậu, đẩy tốc độ hủy diệt trở thành nhanh hơn.
Chuyên biến Việt Nam thành bãi chứa đồ thiên hạ thải ra không mới. Hồi 2010, dân chúng Việt Nam từng sôi sùng sục vì chính quyền Việt Nam cho phép một số doanh nghiệp nhập cảng rác công nghiệp. Chẳng hạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2010, Hải Phòng chặn 300 container rác công nghiệp vốn nguy hại cho môi trường (accu chì phế thải, vi mạch điện tử,…), thay vì phải xử lý theo qui trình đặc biệt thì được xuất cảng qua Việt Nam. Đà Nẵng giữ lại 10 container xỉ sắt bẩn. Vào thời điểm đó, trước sự phản ứng dữ dội của dân chúng, những container chứa nhựa bẩn giấy bẩn, linh kiện điện tử cũ,… liên tục bị chặn lại ở khắp nơi: Sài Gòn, Vũng Tàu, Quảng Ninh,… Theo điều tra của báo chí Việt Nam, chuyện nhận tiền của các tập đoàn ngoại quốc, đưa rác công nghiệp vào Việt Nam đã rộ lên thành phong trào từ giữa thập niên 2000. Tính riêng Hải Phòng, trong bốn năm từ 2005 đến 2009 đã có khoảng 2.700 container rác công nghiệp được thông quan!
Đáng nói là tới giờ này, tại Việt Nam, tình trạng tha rác về nhà không giảm, đặc biệt là rác từ Trung Quốc.
Ông Linh lưu ý, kim ngạch nhập cảng thiết bị, công nghệ cũ của Trung Quốc đang tăng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm năm nay, Việt Nam chi khoảng 3,4 tỉ Mỹ kim nhập cảng thiết bị, phụ tùng của Trung Quốc, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập cảng thiết bị của Trung Quốc tăng 31% (tương đương 803 triệu Mỹ kim).
Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, giải thích. Từ nay đến 2020, Trung Quốc sẽ thay thế thiết bị, công nghệ lạc hậu bằng thiết bị, công nghệ cao. Xu thế này tạo ra rủi ro lớn cho những quốc gia như Việt Nam vì thiết bị, công nghệ lạc hậu sẽ được bán, được chuyển sang Việt Nam để sử dụng trong các dự án do Trung Quốc đầu tư hoặc được giao như một hình thức góp vốn cho các liên doanh.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế, nói thêm, nhìn cơ cấu đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có thể thấy Việt Nam đang là bãi để Trung Quốc đổ thiết bị, công nghệ lạc hậu: Trung Quốc hiện đang nằm trong quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam (khoảng 1.600 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 11 tỉ Mỹ kim). Trung Quốc cũng đang mở rộng qui mô cho vay ưu đãi đối với những dự án dệt nhuộm, may mặc, chế biến cao su, nhiệt điện, đường cao tốc,… những lĩnh vực đang bị hạn chế ở Trung Quốc vì hao tốn năng lượng và làm môi trường ô nhiễm. Ông Hiếu dẫn chứng, Trung Quốc đã đóng cửa 600 nhà máy phát điện bằng than ở Trung Quốc nhưng rất hào phóng trong việc cấp vốn cho các dự án phát triển nhà máy phát điện bằng than ở Việt Nam. Hơn 2/3 trong số 14 nhà máy phát điện bằng than ở đồng bằng sông Cửu Long đã hoặc sẽ dùng vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc, thiết bị, công nghệ Trung Quốc.
Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhấn mạnh yêu cầu phải tỉnh táo với những khoản Trung Quốc cho vay. Theo ông Thành, dù lãi suất gần như là 0% nhưng điều kiện đính kèm: Sử dụng thiết bị, công nghệ Trung Quốc biến các khoản vày này thành “không rẻ, không dễ và không có lợi”! (G.Đ)