(Baodatviet) - Nếu 99% công chức VN hoàn thành trách nhiệm thì có thể vui mừng nói rằng "công chức VN đã tốt hơn Mỹ".
1% hay 30% 'công chức cắp ô' vẫn còn là con số gây tranh cãi, thì báo cáo của Bộ Nội vụ trình bày trước QH mới đây cho biết có tới hơn 99% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, 23 địa phương, bộ ngành báo cáo không có công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ khiến ĐBQH phải bật cười, không tin.
'Không ai tin đâu'
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ trong nỗi âu lo, "nếu đúng là 99% công chức VN hoàn thành nhiệm vụ theo nghĩa đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả thì chắc chắn chất lượng công chức VN phải đứng hàng nhất nhì thế giới, cao hơn cả Mỹ. Nhưng như vậy thì cần gì phải cải cách hành chính nữa"?, đại biểu này nói.
Đại biểu này cho rằng, Bộ Nội vụ có quyền và trách nhiệm phải đánh giá chất lượng công chức nhưng báo cáo của địa phương chỉ là một căn cứ. Để đánh giá được chất lượng công chức thực sự thì cần phải đánh giá lại.
Để đánh giá được chất lượng của công chức phải cần sự vào cuộc của cả người dân, các doanh nghiệp, hiệp hội, Mặt trận tổ quốc... Bộ Nội vụ chỉ là một chỉ số tham khảo trong nhiều chỉ số đánh giá khác.
Ông Nghĩa nêu ví dụ cụ thể với cơ quan hành chính nhà nước phải để người dân, doanh nghiệp đánh giá; Y tế phải hỏi bệnh nhân; Quy hoạhh, môi trường phải hỏi những người có dự án treo, bị giải tỏa, phải đền bù... sẽ nhận được câu trả lời "người dân có hài lòng không"?
|
Không ai tin 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ |
Đó là về đối tượng lấy ý kiến. Còn về người đánh giá cũng phải từ lấy đánh giá từ các hiệp hội, tổ chức đánh giá độc lập như Mặt trận tổ quốc, hiệp hội doanh nghiệp...
Từ những con số khảo sát, đánh giá này so sánh với đánh giá của Bộ Nội vụ sẽ trả lời được câu hỏi người dân nên tin vào con số nào? Đâu mới là con số khách quan.
Từ những câr chuyện Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị phải phàn nàn về việc soạn thảo một thư cảm ơn mất gần 1 tháng, hay như chuyện công chức trốn việc đi cafe... đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ: "Những người lãnh đạo thật sự quan tâm tới chất lượng bộ máy, công chức, quan tâm tới lợi ích người dân họ sẽ không tin và không dựa vào con số báo cáo của Bộ Nội vụ để đánh giá công chức của mình".
Nhận xét về cách làm thụ động của Bộ Nội vụ, tức là chỉ dựa vào báo cáo từ địa phương rồi báo cáo lên, đại biểu Nghĩa cho rằng, tự mình đánh giá mình cũng giống như các cơ quan nhà nước tự đánh giá nhau cuối năm thì không ai thua ai được.
"Nếu chỉ muốn xin một con số để báo cáo trước Quốc hội, chắc chắn rất khó khách quan, chính xác. Tôi biết, người dân, doanh nghiệp chắc chắn họ không hài lòng với con số 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ đó đâu", ông Nghĩa nói.
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cũng thẳng thắn cho rằng, về quy trình con số đó là đúng nhưng lại không đúng với thực tế.
Theo bà An, năng suất lao động của VN rất thấp, các cơ quan hành chính sự nghiệp luôn bị phản ánh làm ăn không hiệu quả, thủ tục phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân... tại sao lại có con số đẹp như mơ như vậy được?
Không nói đâu xa, bà dẫn ví dụ thực tế từ chính các cơ quan hành chính sự nghiệp đâu đâu cũng thấy tình trạng công chức ăn cắp giờ, làm đủng đỉnh, lướt web, chơi game. Tôi từng nghe câu chuyện Bí thư Hà Nội phản ánh công chức soạn thảo văn bản chậm, mới đây Bí thư còn kể câu chuyện công văn chuyển 8 ngày mới tới được nơi dù khoảng cách chỉ vài cây số.
'Độc quyền' đánh giá, biên chế khó giảm
Chia sẻ góc nhìn của mình, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cũng không dấu nổi những băn khoăn trước con số báo cáo của Bộ Nội vụ.
Vị chuyên gia cho rằng, ngay cả việc đánh giá công chức hiện nay cũng rơi vào tình trạng độc quyền, không có một đơn vị, hiệp hội, hay tổ chức nào có nghiên cứu độc lập về vấn đề này nên không thể đưa ra được kết quả để so sánh.
Tuy nhiên, với cách làm thụ động của Bộ Nội vụ, tức là chỉ dựa vào con số báo cáo của địa phương thì không thể có được kết quả khách quan.
"Không địa phương nào thừa nhận cái xấu, cái kém của mình, nó giống hệt như câu chuyện đánh giá, nhận xét cuối năm của các cơ quan hành chính nhà nước vậy. Tức là, ai cũng hô hào, trung thực, khách quan tự kiểm điểm cá nhân nhưng cuối cùng báo cáo gửi lên tất cả đều hoàn hảo, đều xuất sắc", ông Tri nói.
Theo ông Tri, lẽ thường khi nghe kết quả báo cáo chất lượng công chức tốt như vậy thì dư luận và người dân phải lấy làm vui mừng, tự hào lắm nhưng tại sao niềm vui đó lại trở thành nỗi băn khoăn chung của toàn xã hội?
Ông cho rằng, người dân, những người hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan công quyền họ chính là câu trả lời, là kết quả so sánh tốt nhất cho Bộ Nội vụ. Từ cung cách làm việc thực tế, thật đáng tiếc phải thừa nhận "con số đó dư luận không tin đâu. Nó thể hiện sự thiếu chuẩn xác, không đáng tin cậy".
Từ câu chuyện ông kể cho thấy ngay trong các bộ ngành, tổ chức y tế, giáo dục mà ông từng làm việc đều thể hiện công tác tổ chức cán bộ của VN quá yếu. Nhưng để tìm được cái không hoàn thành đó rất khó vì năng lực kém luôn gắn liền với yêu cầu tinh giản biên chế.
"Dù là 1% hay 10% không hoàn thành cũng vẫn phải tinh giản tương đương. Đây là vấn đề nan giải hiện nay vì nó còn liên quan tới quan hệ, nể nang, tới công việc, tới cuộc sống. Tinh giản biên chế gần như dồn lãnh đạo các cơ quan vào chân tường, không thể thực hiện được nên mới có nhận xét ai cũng tốt cả", PGS Nguyễn Hữu Tri nói.
Trên thực tế, sau 10 năm làm 4 cuộc tinh giản biên chế, nhưng cứ sau 3-5 năm con số biên chế lại tăng gấp đôi. Vì vậy, con số 1% hay 30% công chức cắp ô cũng không có ý nghĩa gì nếu vẫn còn tình trạng đánh giá qua loa, không có tiêu chí, thước đo chuẩn mực cụ thể.
Ông cho rằng, hậu quả là người dân phải gánh chịu, gồng mình đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước ngày càng phình to, trong đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ vô dụng, làm việc không hiệu quả.
Bài học nhãn tiền mà ai cũng thấy là hậu quả từ công tác quản lý yếu kém, thiếu năng lực, đó chính là nguyên nhân dẫn tới lạm phát, gánh nặng nợ công ngày càng tăng cao kéo theo những bất ổn về kinh tế, xã hội, làm suy giảm lòng tin từ người dân.
Do đó, để thay đổi được trước hết phải thay đổi được quan điểm, tư duy. Thứ hai, xây dựng đề án cải cách cơ bản để từ đó phân tích tính chất công việc, lúc đó mới điều chỉnh, nâng dần năng lực của bộ máy, của từng cán bộ công chức.