Saturday, September 12, 2015

Việt Nam miễn visa du lịch cũng như không

SÀI GÒN (NV) - Chính sách miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu đến Việt Nam chưa thật sự là giải pháp để thu hút khách du lịch vì còn nhiều bất cập.
Du khách nước ngoài ở bãi biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận. (Hình: Dân Trí)
Theo tin Dân Trí, trong hội thảo “Tăng cường hiệu quả xúc tiến du lịch tại thị trường Tây Âu” do Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam tổ chức ngày 9 Tháng Chín, 2015 tại Sài Gòn, nhiều công ty du lịch cho biết, hơn 2 tháng sau khi chính phủ có quyết định miễn thị thực (visa) cho du khách đến từ 5 nước Tây Âu (Pháp, Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha), hiệu ứng của chính sách này hiện vẫn chưa rõ.
Ông Võ Anh Tài, tổng giám đốc Công Ty Du Lịch Saigontourist cho biết, vài ngày trước, ông đi khảo sát nhiều điểm du lịch ở Việt Nam và thấy lượng du khách sụt giảm rất đáng lo. Hàng loạt resort, khách sạn 4-5 sao vắng khách. Đoàn của ông nghỉ tại resort, mỗi người ở... một tầng vì phòng trống nhiều.
Theo bà Ung Phương Dung, giám đốc Công Ty ICS Việt Nam (chuyên đón khách Đức), Tây Âu là thị trường có nguồn khách ổn định, thường xuyên đi du lịch, chi tiêu cao... nên nếu ngành du lịch biết khai thác sẽ đón được lượng khách lớn. Tuy nhiên, từ khi quyết định miễn thị thực cho khách du lịch 5 nước Tây Âu có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Bảy, bộ phận làm thủ tục visa của công ty còn bận rộn hơn trước do quy định chỉ miễn visa 15 ngày cho khách, trong khi đa số có nhu cầu nghỉ dài hơn.
“Miễn visa cho du khách trong 15 ngày là chính sách hợp lý nhưng chỉ có thể tạo điều kiện cho khoảng 25%-30% lượng khách Đức tới Việt Nam, 70% còn lại thường đi tour trên 15 ngày nên không có tác dụng. Đồng thời, chính sách miễn visa chỉ gói gọn trong 1 năm, nên doanh nghiệp không dám quảng bá mạnh cho năm sau. Việc miễn visa hiện giống như món quà khuyến mãi cho khách đến chứ chưa thật sự là giải pháp để thu hút du khách,” bà Dung dẫn chứng.
Ông Trần Thế Dũng, giám đốc nghiên cứu phát triển kinh doanh Công Ty Du Lịch Fiditour, cho rằng, chính sách miễn visa đã có nhưng thông tư hướng dẫn chưa rõ ràng nên còn nhiều lúng túng khi thực hiện, chẳng hạn như: Nhập cảnh bằng đường bộ, nhập cảnh nhiều lần, gia hạn visa sau 15 ngày...
Theo ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, Tây Âu là thị trường du lịch cao cấp, khách quan tâm đến các giá trị văn hóa, phong cảnh của Việt Nam nhưng việc xúc tiến du lịch quá ít và nhà nước chưa đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường. Vì thế, nhiều công ty du lịch chuyên về khách Tây Âu phải tự xây dựng sản phẩm để chào bán.
Theo thống kê của Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam, lượng khách từ 5 nước Tây Âu đến Việt Nam dù tăng trong 3 năm qua, từ 559,317 lượt lên 635,489 lượt, nhưng vẫn thấp hơn lượng khách Tây Âu vào Thái Lan là 2.5 triệu lượt trong năm 2014. Trong 8 tháng đầu năm 2015, lượng khách từ 12 nước Tây Âu đến Việt Nam đã giảm khoảng 3%; chỉ có lượng khách 2 nước Tây Ban Nha, Ý tăng nhẹ. (Tr.N)
09-11-2015 3:29:10 PM

Dân lại mang quan tài đến trụ sở xã đòi đền mạng

THANH HÓA (NV) - Cuối cùng thì thân nhân của ông Hoàng Doãn Hiên đã chấp nhận đưa quan tài của ông đi an táng sau một ngày quàn quan tài trước cổng trụ sở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Thân nhân mang quan tài của ông Hiên đến quàn trước cổng trụ sở xã Thiệu Phú.(Hình: VnExpress)
Tối ngày 9 tháng 9, ông Hiên, 30 tuổi, đi đón vợ là công nhân của một công ty tọa lạc ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa. Ông Hiên không đón được vợ và cũng chẳng về đến nhà. Thân nhân của ông đi tìm nhưng không thấy.

Đến rạng sáng ngày 10 tháng 9, người ta phát giác ông Hiên và chiếc xe của ông nằm dưới ruộng. Gần đó là một đống đất đá do chính quyền xã Thiệu Phú đào lên để đặt cống ngầm. Người ta tin rằng xe của ông Hiên đã đâm vào đống đất đá được bày ra như một thứ chướng ngại vật đó và ông bị văng xuống ruộng rồi chết.
Sau khi tẩn liệm cho ông Hiên, thân nhân của ông đã mang quan tài đến quàn trước cổng trụ sở xã Thiệu Phú. Họ đòi chủ tịch xã, người chỉ đạo chuyện đào đường đặt cống ngầm nhưng lại không thực hiện bất kỳ biện pháp nào nhằm bảo đảm sự an toàn cho người qua lại, phải chịu trách nhiệm về việc ông Hiên uổng mạng.
Trụ sở xã Thiệu Phú đã bị hàng trăm thân nhân của ông Hiên bao vây cho đến tối ngày 10 tháng 9. bất kể công an xã Thiệu Phú và công an huyện Thiệu Hóa đổ đến.
Sau đó thì chủ tịch xã Thiệu Phú phải đứng ra nhận trách nhiệm và cam kết “hỗ trợ một phần chi phí mai táng.” Chủ tịch huyện Thiệu Hóa thì hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu trách phối hợp với gia đình để điều tra.
Tại Việt Nam, trong vài năm vừa qua, đã có hàng chục vụ thân nhân của những người uổng mạng vì lỗi lầm của các viên chức trong hệ thống công quyền khiêng quan tài của họ đến các công thự đòi đền mạng. Tất cả những vụ khiêng quan tài thân nhân đến các công thự đòi đền mạng đều được giải quyết na ná nhau. Đó là đại diện chính quyền nhận trách nhiệm, hứa hỗ trợ hay bồi thường, hứa điều tra và sau đó một thời gian, thế nào cũng có ai đó trong số những thân nhân liên quan đến việc khiêng quan tài tới công thự đòi đền mạng bị phạt tù vì “gây rối trật tự công cộng.”
Vụ phạt tù những người liên quan đến việc khiêng quan tài đến công thự đòi đền mạng thân nhân gần nhất, xảy ra cách nay ba tháng.
Hôm 2 tháng 6. Cả ông Mai Đình Tâm, 47 tuổi lẫn ông Nguyễn Văn Ly, 43 tuổi cùng bị Tòa án huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phạt 15 tháng tù vì “gây rối trật tự công cộng.”
Ông Tâm là bác, còn ông Ly là cậu của học sinh Tu Ngọc Thạch bị công an xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh đánh chết lúc mới 14 tuổi.
Vụ công an đánh chết Tu Ngọc Thạch từng khiến dân chúng huyện Vạn Ninh đổ ra đường biểu tình phản đối, dân chúng và báo giới Việt Nam chỉ trích công an Việt Nam kịch liệt nên công an tỉnh Khánh Hòa phải khởi tố ba kẻ thủ ác. Sau đó công an huyện Vạn Ninh khởi tố thêm ông Tâm và ông Ly với lý do, hai ông đã la hét, kích động khiến dân chúng trong vùng đổ ra đường biểu tình vào ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Ông Tâm và ông Ly phản đối cáo buộc này, cả hai cho biết, họ cùng là ngư dân, vừa đi đánh cá về thì nghe tin cháu bị công an đánh chết nên chạy đến xem. Lúc họ tới nơi thì những người biểu tình đã đứng chật quốc lộ 1.
Đáng nói là tại tòa, giờ chót, dù kiểm sát viên thực hành quyền công tố, thừa nhận, khi ông Tâm và ông Ly ra đến đến quốc lộ 1 thì đường đã bị tắc do dân chúng trong vùng kéo ra biểu tình và chỉ đề nghị tòa phạt mỗi người từ 15 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bởi họ đã “la lối khiến công an không giải tán được đám đông,” song với lý do cần phải “răn đe,” tòa dứt khoát không cho cả hai hưởng án treo. (G.Đ)
09-12-2015 3:47:24 PM

Trung Quốc giành cả lồng đèn Trung Thu trên đất Việt

SÀI GÒN (NV) - Các cơ sở sản xuất lồng đèn cho Trung Thu tại Việt Nam đang kêu Trời vì lồng đèn giả kiểu dáng, nhãn hiệu của họ do Trung Quốc sản xuất đang tràn ngập thị trường với giá rẻ hơn.
Một đoạn trên đường Lương Nhữ Học, quận 5, Sài Gòn, nên lồng đèn giả đến từ Trung Quốc được bày bán công khai. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trong vài năm gần đây, mỗi mùa Trung Thu, các cơ sở sản xuất lồng đèn của Việt Nam tung ra thị trường hàng trăm mẫu lồng đèn làm bằng giấy, mút xốp, nhựa... với kiểu dáng ngộ nghĩnh, dễ thương, màu sắc bắt mắt, mô phỏng nhiều nhân vật trong các truyện cổ tích, hoặc những con thú được nhân cách hóa trong các phim hoạt họa mà trẻ con ưa thích. Chưa kể có nhiều kiểu lồng đèn có đèn màu, âm thanh, trẻ con có thể tự tháo ráp.
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, thị trường lồng đèn cho mùa Trung Thu tại Việt Nam không êm ả. Nó cũng đầy sóng gió bởi hàng giả đến từ... Trung Quốc!
Một phóng sự trên tờ Tuổi Trẻ cho biết, lồng đèn giả kiểu dáng, nhãn hiệu của các cơ sở sản xuất lồng đèn Trung Thu tại Việt Nam do phía Trung Quốc sản xuất đang tràn ngập thị trường lồng đèn Việt Nam. Giá tất nhiên là rẻ hơn nhiều so với hàng thật.
Thậm chí, năm nay, Công Ty Kỹ Thuật Mới của Việt Nam vừa thiết kế hàng loạt mẫu lồng đèn mới như: Minion, nữ hoàng Băng Giá... nhưng vừa tung ra thị trường được ít ngày là đã bị phía Trung Quốc làm giả.
Ông Huỳnh Văn Khánh, giám đốc Công Ty Kỹ Thuật Mới, kể với tờ Tuổi Trẻ rằng công ty của ông vừa bỏ ra một tỷ để đầu tư khuôn đúc cán lồng đèn. Chưa kịp vui vì trẻ con yêu thích, cha mẹ của chúng nhiệt tình đón nhận thì đã méo mặt vì hàng giả đến từ... Trung Quốc.
Ông Khánh cho biết, lúc đầu, ông dự tính trong mùa Trung Thu năm nay sẽ tung ra thị trường khoảng 700,000 lồng đèn nhưng giờ thì lo thắt ruột.
So với lồng đèn của Công Ty Kỹ Thuật Mới thì nhựa của cán những lồng đèn giả do phía Trung Quốc sản xuất mỏng hơn, nhám hơn, công tắc dở hơn ánh sáng yếu hơn, âm thanh đục hơn... nhưng ông Khánh nói thêm, người mua chỉ có thể nhận ra nếu đặt hàng thật và hàng giả bên cạnh nhau. Còn không thì chẳng biết đường nào mà lần.
Giống như ông Khánh, bà Lâm Ngụy Nguyên Hồng, giám đốc Công Ty Gia Long - nơi sản xuất lồng đèn Trung Thu nhãn hiệu Kibu - bảo rằng, những lồng đèn bằng giấy mà Công Ty Gia Long tung ra thị trường để trẻ con tự lắp ráp vốn là thành quả từ những nghiên cứu rất công phu của Công Ty Gia Long. Nay, do bị làm giả, công sức, vốn liếng có thể mất sạch. Bà Hồng than rằng, nhiều mẫu chỉ mới tung ra thị trường được vài hôm thì đã thấy bị làm giả, “cứ như là họ rình mình!”
Không chỉ nhái kiểu dáng, nhãn hiệu, phía Trung Quốc còn làm giả cả “tem hợp quy” (tem xác nhận sản phẩm đã được kiểm định chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn về đồ chơi dành cho trẻ con).
Tuy giới sản xuất lồng đèn Trung Thu tại Việt Nam quay quắt bởi đủ thứ thiệt hại từ tài chính đến uy tín thương hiệu do hàng giả đến từ Trung Quốc song đáng ngạc nhiên là giới hữu trách tại Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường không làm gì cả.
Cũng vì vậy, lồng đèn giả đến từ Trung Quốc được bày bán công khai ở khắp nơi, đặc biệt là khu vực quận 5, Sài Gòn. (G.Đ)
09-12-2015 3:39:07 PM

Bạc Liêu: Bệnh viện ‘đầu độc’ khu dân cư

BẠC LIÊU (NV) - Rác thải bệnh viện, nước thải y tế, chất thải từ bệnh nhân chưa qua xử lý của bệnh viện huyện Hòa Bình, xả thẳng ra môi trường hằng ngày, khiến các khu dân cư xung quanh bị ô nhiễm nặng.
Nước thải đen ngòm từ bệnh viện đa khoa huyện Hòa Bình chảy ra khắp nơi.(Hình: Người Lao Động)
Ngày 11 tháng 9, Người Lao Động dẫn tin cho biết, giữa tháng 8, 2015, tổng Cục Môi Trường, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã quyết định xử phạt hành chính 440 triệu đồng đối với bệnh viện (BV) đa khoa huyện Hòa Bình do xả chất thải y tế chưa qua xử lý ra môi trường. Thế nhưng, điều đáng nói là các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở đây.
Phóng viên Người Lao Động có mặt tại khu vực BV này vào ngày 8 tháng 9, mô tả, xung quanh BV tràn ngập rác và nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nước thải từ trong các khu vực chức năng, phòng bệnh nhân cứ theo đường ống dẫn ra ngoài, men theo các rãnh nước chảy sang các khu nhà dân lân cận, xuống ao hồ, ruộng lúa...
Phía trong BV có gần 20 nhà vệ sinh hư hỏng đã lâu. Do đó, BV đã xây tạm 5 nhà vệ sinh bên ngoài. Không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt của bệnh nhân, những nhà vệ sinh này còn làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.
Theo người dân, từ khi thành lập đến nay đã 29 năm, BV này chưa hề có hệ thống xử lý nước thải cũng như lò đốt chất thải rắn cao tầng khép kín theo quy định. Hằng ngày, rác y tế và rác sinh hoạt trong BV được bỏ vào thùng phuy rồi đốt thủ công. “Mỗi lần BV đốt rác, khói bay mù mịt, người dân phải bịt mũi, chạy vào nhà đóng cửa,” bà Hồ Sông Biển, (51 tuổi), sống cạnh BV than thở.
Chưa hết, hàng chục hộ dân sống cạnh khu vực cấp cứu, phòng phẫu thuật của BV Đa khoa huyện Hòa Bình tỏ ra bất an do hằng ngày phải chứng kiến nước thải nhiễm khuẩn, hóa chất từ trong BV xả ra, tràn qua sân nhà họ.
Chỉ vào đường ống xả thải từ phòng cấp cứu đang rỉ ra dòng nước lợn cợn, chị Nguyễn Thúy Hằng (32 tuổi) lo ngại, “Nhiều người bảo nước thải này mang nhiều mầm bệnh nên tôi rất lo vì hằng ngày cứ chảy đều đều qua sân nhà. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng không ai giải quyết.”
Trong vài giờ tiếp xúc với các hộ dân sống phía sau BV, phóng viên Người Lao Động cảm nhận rõ sự ngột ngạt của bầu không khí ô nhiễm đến mức khó có thể chịu đựng được. Vậy mà, hàng trăm người dân ở đây đã phải sống chung với tình trạng này gần 10 năm qua.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Minh Lầu, giám đốc BV đa khoa huyện Hòa Bình, thừa nhận, vấn đề xử lý nước thải nằm ngoài khả năng của BV do từ lâu không có hệ thống xử lý. “Vấn đề lo nhất của BV là tình trạng nhiễm khuẩn chéo do ô nhiễm. Rác có thể thu gom được, còn nước thải thì chịu, bởi không có hệ thống xử lý nên cứ chảy ra xung quanh,” ông Lầu nói. (Tr.N)
09-12- 2015 4:01:05 PM

Bệnh ‘tay chân miệng’ bùng phát ở Sài Gòn

SÀI GÒN (NV) - Tuy chưa vào mùa của dịch bệnh, song trẻ em mắc bệnh tay chân miệng ở Sài Gòn bắt đầu tăng mạnh và nếu chính quyền không phòng chống quyết liệt, bệnh sẽ phát thành dịch.
Hàng trăm trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng mỗi tuần. (Hình: Tuổi Trẻ)
Tại hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, thành phố Sài Gòn ngày 10 tháng 9 có hàng trăm bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng đang nằm viện, trong đó có những bé trở nặng, nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo tin Tuổi Trẻ, sáng 10 tháng 9, chỉ riêng tại phòng hồi sức khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, có 56 bệnh nhi nằm tại khoa nhiễm, đa số bệnh nhi ở Sài Gòn nhập viện, với triệu chứng sốt cao, ói nhiều, mệt lả, bị giật mình, chới với... đang được điều trị bằng thuốc đặc trị đắt tiền. Trong khi những tháng trước đó, chỉ có 20-30 ca nằm viện/ngày. Do số bệnh nhi nằm viện nhiều nên một số bé phải nằm hành lang hoặc nằm ghép hai bé một giường.
Ông Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, cách đây hai tuần số bệnh nhi nằm viện nhiều nhất chỉ 30-40 ca, nhưng từ tuần cuối tháng 8 đến nay số ca bệnh tăng rất cao. Những ngày đầu tuần lên đến hơn 80 bệnh nhi nằm viện/ngày.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Thạch, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho biết, số bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng từ đầu năm đến ngày 9 tháng 9 tại bệnh viện là 1,237 ca. Hơn một tháng nay, số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện bắt đầu tăng nhiều. Cụ thể, tháng 7 chỉ có 126 ca, nhưng sang tháng 8 là 242 ca và chỉ trong 9 ngày đầu tháng 9 này, số trẻ nhập viện đã lên đến 131 em.
Theo thống kê của Trung Tâm Y Tế Dự Phòng thành phố Sài Gòn, từ đầu năm đến nay toàn thành phố này có 4,559 ca nhiễm bệnh nhập viện, trung bình khoảng 100-150 ca nhập viện/tuần. Tuy nhiên, chỉ từ ngày 28 tháng 8 đến 4 tháng 9, đã có 191 ca nhập viện, tăng 32% so với số ca bệnh trung bình của bốn tuần gần nhất.
Ông Khanh nhận định, thông thường, chu kỳ đỉnh điểm của bệnh này là vào khoảng tháng 10, 11, song số ca bệnh tay chân miệng tăng nhiều là do thời tiết thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, vì vậy dự báo thời gian tới số trẻ mắc bệnh nhập viện sẽ còn tăng cao hơn nữa. (Tr.N)
09-12-2015 4:07:25 PM

Chuyện hài kỷ luật vì bia

Lãnh đạo tỉnh tham dự lễ hội 'Tôi Yêu Bia Sài Gòn' tối 5/9 tại UBDN tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh Báo điện tử Hà Tĩnh.

Nhật Phong (Danlambao) - Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 9, cán bộ Sở GD-ĐT Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tiên tiến và liền ngay sau đó tổ chức nhậu tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Khổ… đường đường là cán bộ một cái sở to đùng, người nhà nước nên mồm hét ra gang, ra thép. Bà con làng xóm, bạn bè ai cũng xu nịnh và kiêng nể. Ấy thế mà chỉ vì mồm không chịu uống loại bia do lãnh đạo khuyến khích nên dính ngay bản kỷ luật, mà lãnh đạo là đảng và nhà nước chớ ai vào đây nữa.

7 vị cán bộ của sở, vốn nghĩ chắc lãnh đạo (đảng và nhà nước) cho mình quyền tự do uống. Bởi vậy, chẳng đoái hoài đến bia Sài Gòn- loại bia mà trước đó ông Lê Minh Đạo, chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đóng dấu hỏa tốc vào giấy mời tham gia dự lễ hội bia Sài Gòn để gửi đến các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo các huyện trên địa bàn.

Tại hội nhậu, nhận thấy 7 vị cán bộ này thực hiện sai đường lối, chủ trương của lãnh đạo (đảng và nhà nước). Lập tức, các vị đại diện hãng bia Sài Gòn đã báo cáo ngay và luôn cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh biết.

Thôi thì, cái miệng nó hại cái thân, tinh thần đảng cũng trói nên 7 vị cán bộ sở bị Sở GD-ĐT Hà Tĩnh tổ chức họp nội bộ và nhắc nhở, đồng thời yêu cầu họ viết bản tự kiểm vì hổng chịu uống bia Sài Gòn.

Quán triệt tư tưởng cấp cao, dân chủ tập trung của đảng nên trên dưới cán bộ phải một lòng theo ý đảng. Đảng thích bia nào thì cứ phải là cung cúc, cúi đầu ngậm miệng mà nuốt cho trôi qua cổ họng. Ngẩng đầu khen ngon, mặt cười tươi như hạnh phúc tràn đầy vì nhờ ơn đảng, nghe hông???


*

7 cán bộ Hà Tĩnh phải viết tường trình vì đi “nhậu” không uống bia Sài Gòn

Đó là 7 cán bộ thuộc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Trong cuộc họp nội bộ cơ quan cả 7 cán bộ đã bị nhắc nhở và viết bản tường trình với lý do đi “nhậu” mà từ chối uống bia Sài Gòn, loại bia có chi nhánh sản xuất tại Hà Tĩnh.

Ngày 11/9, ông Dư Lý Trí, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Vào giữa tháng 6/2015 sau hội nghị vinh danh điển hình tiên tiến ngành giáo dục, một số cán bộ trong cơ quan đã tổ chức liên hoan riêng tại một nhà hàng ở TP.Hà Tĩnh. Trong lúc ăn uống tại đây, nhiều người do không quen với vị bia Sài Gòn nên đã không dùng loại bia này.

Ông Trí cũng nói thêm: “Mấy người làm tiếp thị, kinh doanh tại nhà hàng thấy các cán bộ của Sở GD&ĐT tỉnh mà lại không uống bia Sài Gòn nên đã nhắn tin cho một lãnh đạo tỉnh. Vị này sau đó có trao đổi với Giám đốc Sở…”.

Rồi ông Trí giải thích, thực ra làm như vậy là để hướng anh, em trong cơ quan nên sử dụng hàng hóa được sản xuất trong tỉnh, đặc biệt như bia Sài Gòn. Uống để đóng góp nguồn thuế cho tỉnh.

Vì thế, trong cuộc họp nội bộ cơ quan, 7 cán bộ liên quan đã phải viết bản tường trình và bị nhắc nhở.

Trước đó, chiều ngày 1/9 trong khuôn khổ tổ chức lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn”, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND Hà Tĩnh đã ký giấy mời đóng dấu hỏa tốc gửi tới các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo huyện trên địa bàn… tới tham gia. Giấy mời hỏa tốc cũng đã gây nhiều rùm beng dư luận trong tỉnh và cả nước.

Hướng tới “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”, tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi người trong tỉnh sử dụng hàng hóa được sản xuất tại tỉnh để vừa đóng góp vào ngân sách của tỉnh vừa phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Được biết, tổng thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh đạt 2.511 tỷ đồng. Dự kiến năm nay ngân sách thu về từ phía Chi nhánh bia Sài Gòn đóng trên địa bàn là 380 tỷ đồng.

Gia Hân

Tứ trụ triều đình ngủ đâu để Lê Hải Bình đỡ đòn?

Lê Hải Lăng (Danlambao) - Thật là chai mặt bán nước khi lực lượng ngoại xâm xây căn cứ quân sự trong biển đảo của mình mà tướng tá quốc phòng lại múa mồm là giữ hữu nghị hòa bình. Thật nhục nhã khi cái nhà đảng vỗ ngực lãnh đạo quân đội để quân đội ươn hèn chống cằm nhìn giặc nuốt dần từng bộ phận lãnh thổ, lãnh hải. Cai trị thế nào khi nhân dân lên tiếng bị chụp mũ là phản động chống phá nhà nước rồi bắt bỏ tù. Hành xử quyền tự quyết dân tộc, độc lập làm sao khi đề đảng anh em trở thành người mẹ và mình chịu hình phạt của phận làm đứa con hoang.

Có ai chua xót đau đáu lắm không khi mở to đôi mắt nhìn Người phát ngôn viên Lê Hải Bình phản đối lấy lệ chuyện Trung Cộng phủ sóng hệ thống điện thoại di động viễn thông thế hệ 4G trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Việc các nước có hoạt động tại đây mà không có sự cho phép và đồng ý của Việt Nam là sai trái và hoàn toàn vô giá trị”(trích Vnnet). Điểm cần nói ở đây là tại sao không gọi đích danh Trung Quốc mà lại nói “Việc các nước”. Người “lạ” nằm ngủ tỉnh khô trên giường người “thật” của mình, sờ sờ ra đó thì phải làm gì với nó chứ còn “sai trái” gì nữa. Chẳng lẽ chờ để ra con nối dòng rồi hô hoán “vô giá trị”. 

Ông trưởng đảng đã từng nói “Mình thế nào người ta mới tiếp đãi trọng thị”. Có phải trong cái vụ phủ sóng 4G này là kết quả “Mình đi sứ thế nào người ta mới sang xây dựng hoành tráng chứ”. 

Đó là thành quả đảng CSVN quang vinh muôn năm. Đảng cứ thế lãnh đạo quân đội như ông TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định “chứ còn gì nữa” trong lúc biển đảo để mặc giặc gậm nhấm từng miếng. Ông Lê Duẩn nói đâu có ngoa: “Ta đánh là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc” kia mà. 

Dưới chế độ độc tài đảng trị, người dân bị đeo cái còng vào cổ, không có quyền yêu nước theo cách của mình vì để đảng lo. Cho nên làm sao biết rõ đảng đi đêm ký nhượng, bán bao nhiêu cây số rừng, bao nhiêu đảo, bao nhiêu đất ruộng? Mỗi khi người dân biết thì đã trở thành kiếp nô vong trên mảnh đất của mình như Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông cả rồi. Hỡi những ai có tâm huyết với sự sống còn của dân tộc có còn dựa lưng tiếp tục ngủ say sưa trong chiến thắng quá khứ mà các thế lực cường quốc sắp đặt nữa không?

Có phải quá sớm lắm chăng khi Trung Cộng càng ngày càng ngang ngược biểu dương sức mạnh quân sự trong ý đồ thôn tính nhược tiểu làm phận chư hầu như VN?

Có quá muộn lắm không khi nước lụt tới chân mà chưa chịu nhảy?

Tứ trụ triều đình có kẻ thì lăng xăng đi xa mở bị xin tiền bọn giãy chết. Có người thì hết dâng hương tới thăm “Chiến sĩ công an tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng”. Có ông thì lại sống sượng lẩm nhẩm “Tin tưởng sự nghiệp chính nghĩa của Cuba sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi không ngừng nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới”. Có vị “vừa đấu tranh vừa hợp tác” để rồi “đảng và nhà nước đặt lòng tin vào thế hệ trẻ”.

Không biết để đảng lãnh đạo, Trung Cộng cứ làm bàn đạp xâm lấn. Mai kia thế hệ trẻ có còn thước đất nào cắm dùi?

Nghĩ mà ganh tức ông Lê Hải Bình. Khi không một mình đứng trước 800 cái loa của đảng mà dám cướp công của dân để phản đối người anh em một nhà của 'đảng ta'. 

Khổ người dân yêu nước. Muốn đi biểu tình lên án, chống giặc Trung cộng cướp nước để thế giới quan tâm, nhân dân quật khởi, thì cái nhà đảng lại quy tội nghe theo “việc các nước” chống phá rồi bắt bỏ tù. 

Rõ thật. Để đảng lo không khá nổi. Người “anh em” chận yết hầu Bô Xít Tây Nguyên, dựng cứ địa Vũng Áng… xây lâu đài tình ái cho dòng họ Chệt Hoàng Sa, Trường Sa. Các quan bự triều đình ơi! Bao giờ tẩu tán tài sản gia đình vươn ra biển lớn qua ngõ nhà “anh em” Chữ Thập, Phú Lâm… ngủ qua đêm?

Đối tượng Đinh Tất Thắng

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. - Hồ Chí Minh (1947)

Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh tiên tiến, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong ước. - Trương Tấn Sang (2012)

Khổ. Thương cho xứ Thanh. 65 năm phấn đấu vẫn không thể thành “kiểu mẫu.”Trương Duy Nhất (2012)

Bạn Trương Duy Nhất, rõ ràng, là một người nóng nẩy. Chủ Tịch Nước đã nói rõ (“đến 2020, TH sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu”) mà thằng chả không chịu ngồi chờ thêm chút xíu; đã vậy, lại còn nói này nói nọ tỏ vẻ không mấy tin tưởng (cũng như kính trọng) bác Sang cùng với bác Hồ: “Khổ. Thương cho xứ Thanh. 65 năm phấn đấu vẫn không thể thành kiểu mẫu.”

Hậu quả là nhà báo trẻ của chúng ta đã phải vô tù ngồi bóc vài ba cuốn lịch. May thay, đây là chuyện đã qua. Một chuyện thiệt vô cùng đáng tiếc nhưng hoàn toàn không đáng trách. Khi còn trẻ ai mà không đầy nhiệt huyết, và không nôn nóng? 

Già rồi (đã qua tuổi cổ lai hy) mà vẫn cứ nóng như hơ, và nóng đều đều thì mới là điều đáng nói, khiến cho tất cả mọi báo/đài (của cả nước CHXHCNVN) đều phải đồng loạt loan tin – với ít nhiều phẫn nộ: 

Ngày 16-8, nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Tất Thắng (SN 1943, ngụ thôn Quyết Thắng 2, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, từ năm 1999 đến 2008, Đinh Tất Thắng lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo đã dùng lời lẽ xúc phạm, vu khống các vị lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân.

Từ tháng 6-2015 đến nay, Đinh Tất Thắng đã liên tiếp gửi đơn, thư tố cáo vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và tập thể Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Thọ Xuân.

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi xúc phạm lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính quyền tỉnh Thanh Hóa của Đinh Tất Thắng, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Đinh Tất Thắng về tội danh nêu trên. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra.

Được biết, trước đó vào tháng 1-2008, Đinh Tất Thắng đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 9 tháng tù giam cũng về tội “xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Sau khi ra tù, từ năm 2009 đến nay, Đinh Tất Thắng vẫn tiếp tục tái phạm.

Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đối tựợng Đinh Tất Thắng tại cơ quan điều tra.
Ảnh và chú thích: 
báo Công Lý
Úy trời đất, qủy thần, thiên địa ơi, ông Trương Duy Nhất mới than phiền có mấy câu về khả năng của những vị lãnh đạo mà đã bị tù mấy năm liền. Còn ông Đinh Tất Thắng “liên tiếp gửi đơn, thư tố cáo, vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và tập thể huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Thọ Xuân....” thì vụ này chắc chắn sẽ lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (e) sẽ lôi thôi lớn!

Phiền nhất là dù “công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, làm rõ,” tức là chưa có một phiên toà xét xử nào ráo nhưng giới truyền thông nhà nước đã đồng tình (và giận dữ) kết tội ông Đinh Tất Thắng mất rồi. Phen này, ông già chắc chết – chết chắc!

Vì tuổi tác, và bệnh tật, tôi cũng “muốn” sắp chết đến nơi. Đồng cảnh tương lân. Nhìn cảnh lao đao của một người đồng hương, và đồng thời, vào lúc cuối đời mà tôi không khỏi trạnh lòng ái ngại.

Vì thế, xin được mượn vài trang sổ tay tuần này để bầy tỏ đôi dòng, ước mong được công luận (nói chung) cũng như báo giới Việt Nam (nói riêng) bớt hằn học với ông Đinh Tất Thắng chút xíu. Cũng hy vọng, nhờ thế, đương sự sẽ được giảm khinh (phần nào) vào phiên toà sắp tới. 

Ông Thắng sinh sống ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nơi mà thu nhập bình quân mỗi đầu người ở địa phương này là U.S.A 371,5 dollars hàng năm – nhưWikipedia ghi nhận. Vậy mà theo World Bank thì ông Thắng, và con cháu (kể cả đứa bé sắp sinh) đã phải ghánh chịu một số nợ công là U.S.A 1,200.00 dollars. 

Khi khổng khi không mà phải lãnh một món nợ khổng lồ, như từ trên trời rớt xuống – lớn gấp ba lần lợi tức hàng năm – hỏi ai mà không nổi nóng chớ? Do đó, nếu đúng sự thực là ông Đinh Tất Thắng đã có lời lẽ “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số đồng chí lãnh đạo Trung ương” thì… cũng đúng thôi! Các ông ở trên, các “đồng chí lãnh đạo Trung Ương” điều hành đất nước kiểu này (nói theo ngôn ngữ thường ngày là “làm ăn như con cặc”) mà không bị chửi thì mới là chuyện lạ, đúng không?

Tôi chỉ giả dụ như vậy thôi, chứ chưa chắc ông Đinh Tất Thắng đã biết đến những tai họa đến từ tận “cửu trùng thiên” (chín tầng trời cao) như thế. Có điều, chắc chắn, là ông ấy biết vô số những chuyện tệ hại – xẩy ra hàng ngày – ngay tại địa phương của mình. Xin ghi lại vài ba (vụ) cho rộng đường dư luận: 


Đối tượng Đinh Tất Thắng (áo trắng) bị bắt giữ (ảnh do Công an Thanh Hóa cung cấp). Chú thích: VOV.VN

Xin qúi vị trong giới truyền thông Việt Nam thử đặt mình vào địa vị của ông Đinh Tất Thắng xem sao? Ông ấy sinh sống ở một địa phương phải xin hổ trợ cứu đói mà các bộ mọi ngành và mọi cấp đều ăn chận, ăn xén, ăn bớt, ăn hớt, ăn cắp, ăn gian, ăn bẩn... không từ một thứ gì (chuyện dân chết trong đồn công an cũng xẩy ra như cơm bữa) và đơn thư khiếu nại thì bị qui chụp là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân!”

Bị dìm vào một môi trường sống cùng quẫn, bức bối và tuyệt vọng đến như thế thì Chúa/Phật cũng đều nổi nóng chớ nói chi đến “người phàm” như ông Đinh Tất Thắng. Bởi vậy, nếu đúng là ông ấy đã có những lời lẽ “lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân một số đồng chí lãnh đạo... tỉnh Thanh Hóa và tập thể huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Thọ Xuân” thì cũng có “oan ức” gì đâu mà cả đám đều rẫy nẩy (đành đạch) lên như thế?

Nguồn: Dân Luận

Tờ đơn KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP của ông Đinh Tất Thắng mở đầu nguyên văn như sau:

Kính gửi: Ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam

Nay tôi tiếp tục thiết tha kiến nghị Ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cần phải dũng cảm nhìn thẳng sự thật về sự thiếu trách nhiệm của ông, về trách nhiệm của người đứng đầu, trước tình trạng khiếu nại vượt cấp đông người càng ngàn càng nghiêm trọng hiện nay...

Tôi không tin rằng ông Nguyễn Thiện Nhân đã khởi tố ông Đinh Tất Thắng vì cảm thấy bị “xúc phạm” về những lời lẽ bộc trực vừa ghi. Tôi cũng không tin rằng có bất cứ ai trong số những người làm báo ở Việt Nam đã bỏ chút thì giờ tìm đọc tờ đơn thượng dẫn. 

Tất cả qúi vị ( Đài Tiếng Nói Việt Nam, báo Dân Trí, báo Công LýBáo Mới, báoTuổi Trẻ, báo Kiến Thức, báo Pháp Luật, báo Đất Việt, báo Xã Luận, báoVietnamnet, báo Người Lao ĐộngThời Báo ... cùng hàng trăm báo/đài địa phương khác) đều đồng loạt viết theo nội dung bản điều tra của công an tỉnh Thanh Hoá – với những thủ thật, cùng lời lẽ dè bỉu – để biến nạn nhân thành thủ phạm, với một tội danh đã dành sẵn, dù chưa có phiên toà nào cả. 

Cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, và vô lương tâm của qúi vị khiến tôi nhớ tới đôi lời tâm sự – cách đây chưa lâu – của nhà báo Đoan Trang:

Khi tờ báo điện tử thuộc hàng chuyên nghiệp đầu tiên ra đời ở Việt Nam - VnExpress, bắt đầu vận hành từ đầu năm 2001 - đội ngũ những phóng viên, biên tập viên của nó đã phải vật lộn rất lâu với chính mình, chính những thói quen đọc và làm báo cũ của mình, để tập những bước đi đầu tiên gọi là hướng tới báo chí hiện đại theo chuẩn Tây phương. Có những điều mà đến giờ, có thể chẳng nhà báo nào còn thấy mới nhưng với thế hệ đầu tiên ở VnExpress thời đó, chúng là cả một cuộc cách mạng về ngôn từ và phong cách làm báo:

- Không dùng những đại từ quá khích như y, thị, hắn, bọn chúng... Trong trường hợp phải đề cập đến nhân vật tiêu cực, chỉ nên dùng các đại từ như “anh/chị ta”, “ông/bà ta”, “bọn họ”.

- Không dùng từ “đồng chí” cho các lãnh đạo...

- Không kết án trước khi có phán quyết của tòa...

Dù vậy, để thay đổi tư duy, thay đổi não trạng, vẫn khó vô cùng, và cũng khó mà chỉ trích báo chí trong bối cảnh xã hội Việt Nam, với nền tảng văn hóa chính trị như hiện nay.

Rõ ràng là “cuộc cách mạng về ngôn từ và phong cách làm báo” ở Việt Nam, từ năm 2001 đến nay, đã không đi đến đâu cả. Nó vẫn còn giữ nguyên cái ngôn từ và phong cách công an (trị) để dành cho những “đối tượng” không may ở đất nước này.

12/9/2015

Tưởng Năng Tiến

Tự do - hai tiếng ngọt ngào - cuộc hành trình đến tự do

Vợ chông ông Oi Lư cùng mục sư người Kinh Thân Văn Trường tháng 7/2015

Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Lúc này, mình không thể nói tiếp về cái ngày 11/9 của riêng mình được nữa. Cả tuần qua, cơn sốt tị nạn của người Trung Đông đang chấn động lương tâm Châu Âu và cả thế giới văn minh. Nhân loại đã tiến thêm những bước thật dài về phía đạo đức. Bức ảnh một em bé bị chết trên bãi biển nói thay cho hàng ngàn sinh mạng người tị nạn đã chết. Internet kết nối hàng trăm triệu tiếng nói với nhau, khiến các lãnh đạo sắt đá nhất cũng phải động lòng.

Hai, ba, bốn chục năm trước, cũng hàng triệu người ra đi thế này từ Việt Nam, số người chết biển, chết bộ nhiều hơn thế, các hình ảnh ghi lại được còn thê thảm hơn, nhưng chỉ động lòng được một góc nhỏ thế giới. Ngay hôm nay thôi, nếu vợ chồng ông Oi Lư bị chết trong rừng, họ sẽ không để lại một tin tức gì để thế giới văn minh biết đến. Người dân Trung Đông cũng chạy giặc, chạy đói, chạy độc tài. Hàng vạn người các sắc tộc Tây Nguyên trong đó có vợ chồng ông Oi Lư cũng thế. Ở một mức độ nào đó, họ còn gặp nhiều nguy hiểm hơn vì họ bị nhà cầm quyền săn đuổi. Nhưng hiếm khi họ có được một bức ảnh, một vị trí gây shock toàn cầu.

Những dân tộc yếm thế, những tộc người bị bỏ lại một khoảng cách quá xa với nền văn minh, nhiều khi bị tai họa khủng khiếp hơn lại ít được bênh vực hơn. Nhà cầm quyền lợi dụng điều này để cai trị họ. Nền văn minh cũng chịu thua trước rào cản truyền thông của các nhà cầm quyền phi nhân tính.

Nếu vì điều này mà vợ chồng ông Oi Lư gặp nạn???.

May thay, hôm nay là ngày 11/9/2015 - một sự trùng hợp hiếm hoi giữa tôi và vợ chồng ông - Họ đã cập bến tự do.

Hành trình đi tìm tự do và bình đẳng của người dân các sắc tộc Tây Nguyên đã kéo dài suốt thế kỷ. Dưới chế độ cộng sản nó diễn ra trong điều kiện mạo hiểm hơn, quyết liệt hơn, nhiều người tham gia hơn và cũng đau thương hơn. Nhưng đạt ước nguyện chỉ có một ít cá nhân đơn lẻ...

Trong số những cá nhân đơn lẻ đó, có vợ chồng ông Oi Lư.

Cuộc hành trình đi tìm tự do của họ là một cuộc hành trình luôn luôn bị đe dọa - không phải chỉ tính mạng mà còn cái đói, cái mưa, cái nắng, thú rừng và bệnh tật. Họ ra đi không quần áo, không tiền bạc, không lương thực và nước uống dự trữ, cũng không tiếng Anh, tiếng Pháp - Họ chỉ có một chiếc điện thoại di động trị giá 450 ngàn đồng, không có khả năng định vị. Họ chỉ kịp mang theo một giấy ra tù để chứng minh họ là người bị chính quyền của người số đông đàn áp. Tôi không biết bằng cách nào mà họ đã thành công. "Anh Nghĩa ơi. Chúng tôi có Chúa bên cạnh" Cuộc hành trình thắng lợi của họ khiến tôi tin có Chúa trên kia nhiều hơn trước.

Chúng ta thông cảm cho họ vì đã không kịp cám ơn chúng ta, những người đã quan tâm đến họ, giúp đỡ họ, đã thông tin tình cảnh hiểm nghèo của họ đến ĐSQ Hoa Kỳ, đến Cao ủy người tị nạn LHQ. Chúng ta hãy tự hào vì đã cứu vớt được hai con người gặp khổ nạn.

Bài viết này tôi cũng muốn nhắn gửi đến công an tỉnh Gia lai: Đừng truy lùng họ nữa. Các vị đã quá muộn!

Ông Oi Lư- tháng 6/2015


________________________________________

Phụ Lục

Khẩn báo - Ngày 29 tháng 8/2015

Theo một nguồn tin đáng tin cậy từ Tây nguyên: VỢ CHỒNG ÔNG OI LƯ ĐANG BỊ TRUY SÁT

Diễn biến vụ việc

Ông Oi-Lư- tên gọi trong bản là Oi Hngen, khoảng 64 tuổi, dân tộc Jarai, trú tại buôn Pley Rbai, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ông theo đạo Tin Lành. Năm 2004 Ông bị bắt, bị kết án tù 8 năm vì tham gia biểu tình đòi tự do tôn giáo và đất rẫy. Con trai ông cũng bị bắt tù 2 lần với tội danh trên, lần tù thứ 2 án 10 năm, đang bị giam tại trại giam Thái Nguyên (Bắc Việt Nam). Ông Oi Hngen, sau khi hết án, được thả về bị chính quyền và công an địa phương khống chế rất chặt chẽ cả sau khi đã hết án quản chế.

Cuối tháng 3/ 2015, hai vợ chồng ông xuống xuôi, ra Bắc gặp một số anh em cựu TNLT người Kinh cùng bị giam chung tại Nam Hà và nhận trợ cấp cứu đói.

Đầu tháng 7/2015, ông bị bắt giam nửa tháng và bị đánh dã man chỉ vì "quan hệ với người Kinh phản động” và nhận tiền của người Kinh. Từ đó ông và gia đình càng bị chính quyền và công an địa phương khống chế đi lại và khủng bố gắt gao hơn. Tuần một vài lần ông (có nhiều lần cả vợ) bị gọi lên công an xã, bị tra hỏi và giữ lại hết buổi sáng. Công an cấm ông đi làm rẫy, trong khi ông là lao động chính. Hai vợ chồng ông lâm vào vào cảnh ruộng rẫy không có người làm, lúa đến mùa không có người gặt, túng đói quanh năm.

Sáng ngày 28/8/2015, ông phá lệ, lên rẫy giúp vợ. Công an theo lên rẫy bắt ông. Hai vợ chông ông hoảng sợ chạy trốn vào rừng. Trong rừng họ gặp một nhóm người dân tộc cũng đang lẩn tránh truy bức của công an. Không may nhóm người bị công an truy đuổi. Một người bị bắn chết (Có tin còn một số người bị chết do công an đánh và bắn, (không có khả năng kiểm chứng). Vợ chồng ông O- Lư chạy thoát, Hiện tại (thời điểm tối ngày 02/9) hai ông bà vẫn trốn trong rừng, không dám trở về làng sợ bị đánh đập, giết hoặc bỏ tù.

Nguồn tin trên cũng cho biết vợ chồng ông Oi Lư có đưa tin muốn được trở về nhà, mong được yên ổn làm ăn mà không bị công an truy bức.