Monday, June 26, 2017

Quảng Bình: Chính quyền xã mượn tiền của dân rồi quỵt nợ

Người dân xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, còn rất nghèo khổ phải nhận quà từ thiện để “vượt khó.” (Hình: Báo Thanh Niên)
QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Vụ việc chủ tịch xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch ký nhận mượn tiền của người dân một thời gian dài nhưng chưa trả vừa bị thanh tra phát hiện, chuyển hồ sơ cho công an.
Ngày 26 Tháng Sáu, nói với Báo Thanh Niên, ông Đặng Văn Hoành, trưởng công an huyện Bố Trạch, xác nhận, cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra vụ lãnh đạo xã Phúc Trạch mượn tiền của người dân một thời gian dài nhưng chưa trả. Vụ việc vừa được thanh tra huyện phát hiện và chuyển hồ sơ cho công an huyện.
Theo đó, trong thời gian 2008-2009, ông Nguyễn Ngọc Hoàn (60 tuổi), là chủ tịch xã Phúc Trạch, đã ký nhận mượn tiền của một số cá nhân là dân địa phương trên 500 triệu đồng. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền bán đất công cho dân nhưng sau đó không thực hiện được. Ngoài ra, quá trình sử dụng số tiền trên cũng sai phạm. Cụ thể, ủy ban xã đã cho để ngoài sổ sách kế toán hàng trăm triệu.
Thế nhưng, theo ông Hoành, đến nay công an huyện Bố Trạch vẫn chưa làm việc được với ông Hoàn vì ông này đang bị tai biến. (Tr.N)

Công an Yên Bái bị chê là ‘quá vụng’ khi đặt bẫy nhà báo

Tư dinh của giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. (Hình: Báo Giáo dục Việt Nam)
YÊN BÁI, Việt Nam (NV) – “Quá vụng,” đó là nhận định chung của nhiều người về vụ bắt giữ ông Lê Duy Phong. Khác với nhiều lần trước, lần này, dường như báo giới Việt Nam sẽ theo đuổi việc bảo vệ đồng nghiệp tới cùng.
Ông Lê Duy Phong, 32 tuổi là trưởng Ban Công Tác Bạn Đọc của báo Giáo Dục Việt Nam. Tại Việt Nam, Ban Công Tác bạn đọc của các cơ quan truyền thông là nơi tiếp nhận – điều tra các khiếu nại, tố cáo do độc giả, khán giả, thính giả gửi tới.
Ông Phong vốn là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động.
Loạt bài thứ nhất liên quan tới tư dinh của ông Phạm Sĩ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi Trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, tân bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước,…
Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập tư dinh trị giá cả trăm tỉ như thế, ông Phong còn chỉ ra nhiều điểm bất thường khác đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn,… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy?
Loạt bài thứ hai của ông Phong liên quan đến tư dinh của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Xét về quy mô và giá trị tư dinh của ông Chiêu còn lớn hơn tư dinh của ông Quý. Tầm vóc thuộc loại lớn nhất tỉnh Yên Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn đã rất xa hoa, bề thế ở tỉnh này.
Sau hai loạt bài vừa kể, báo Giáo Dục Việt Nam loan báo sẽ tiếp tục công bố các “sai phạm động trời” của giới lãnh đạo tỉnh Yên Bái.
Có lẽ nên nhắc lại rằng cách nay mười tháng, hôm 18 Tháng Tám, 2016, ông Đỗ Cường Minh, chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Yên Bái đã vào trụ sở tỉnh ủy, rút súng bắn ông Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh và ông Ngô Ngọc Tuấn, trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh, chết ngay tại phòng làm việc của cả hai…
Ngày 23 Tháng Sáu vừa qua, công an tỉnh Yên Bái chủ động cung cấp thông tin và hình ảnh cho báo chí Việt Nam chuyện vừa “bắt quả tang” ông Lê Duy Phong “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Theo đó, ông Phong đã lợi dụng tư cách nhà báo để dọa nạt rồi nhận của một doanh nghiệp 250 triệu đồng.
Ngày 24 Tháng Sáu, nhiều tờ báo tại Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên Tập báo Giáo dục Việt Nam, khẳng định, việc công an tỉnh Yên bắt ông Phong là bất thường: (1) Trước khi ông Phong bị bắt, cả ông lẫn Ban Biên Tập báo Giáo Dục Việt Nam cùng bị áp lực để gỡ các bài điều tra đã đăng, ngưng điều tra – công bố tiếp những vấn đề liên quan tới các viên chức lãnh đạo tỉnh Yên Bái, trong đó có cả bí thư và giám đốc Công An tỉnh này, song tờ báo không chấp nhận. (2) Tuy công an tỉnh Yên Bái chủ động cung cấp, thông tin hình ảnh cho báo giới nhưng không hề thông báo cho báo Giáo Dục Việt Nam. (3) Công an tỉnh Yên Bái cố tình che giấu chuyện ông Phong đã dọa nạt để nhận tiền của doanh nghiệp nào. (4) Thông tin từ nhân chứng khác hoàn toàn với thông tin mà công an tỉnh Yên Bái công bố.
Đó có thể là lý do công an tỉnh Yên Bái tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 26 Tháng Sáu. Theo tường thuật của tờ Pháp Luật TP.HCM thì công an tỉnh Yên Bái đính chính, ông Phong chỉ “chiếm đoạt 50 triệu chứ không phải 250 triệu như loan báo trước đó.” Khoản 250 triệu là tiền mà ông Phong đã “chiếm đoạt” của nhiều cá nhân, doanh nghiệp.
Công an tỉnh Yên Bái nói thêm là ông Phong đã nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác ở Yên Bái. Công an tỉnh Yên Bái từ chối tiết lộ tên của doanh nghiệp được xác định là “bị hại” vì “cần phải bảo vệ doanh nghiệp” này. Đại diện công an tỉnh Yên Bái từ chối trả lời những câu hỏi kiểu như: Ông Phong dọa nạt doanh nghiệp từ khi nào, dọa nạt ra sao? Tại sao công an tỉnh Yên Bái có sẵn serial number của từng tờ giấy bạc mà doanh nghiệp đưa cho ông Phong để đối chiếu với số tiền là tang vật thu được tại hiện trường?… do “đang điều tra.”
Tuy chưa có tờ báo nào cung cấp thêm những thông tin khác với nội dung cuộc họp báo vừa kể nhưng một số facebooker hiện là nhà báo đã chia sẻ tờ tường trình của một nhân chứng vốn là người tháp tùng ông Phong từ Hà Nội đến Yên Bái, trực tiếp chứng kiến “vụ án” từ đầu đến cuối.
Theo đó, chuyến đi Yên Bái hoàn toàn là công việc. Cuộc gặp tại nhà hàng nơi trở thành hiện trường “vụ án” là ngoài dự định vì có một nhà báo tên Công Làm Việc tại Đài Phát Thanh – Truyền Hình tỉnh Yên Bái gọi điện thoại mời ông Phong dùng cơm, với lý do cả hai từng là đồng môn đã lâu không gặp. Sau đó thì có thêm một người tự xưng là Hoàng Trung Thực nhập cuộc. Ông Thực tự giới thiệu từng làm việc tại công an tỉnh Yên Bái, sau khi nghỉ hưu thì mở một doanh nghiệp vận tải. Tuy gia đình vẫn còn nhiều người đang làm việc tại công an tỉnh Yên Bái nhưng ông Thực vẫn cần báo chí… tư vấn, hỗ trợ.
Cũng theo nhân chứng thì trong bữa cơm, ông Công và ông Thực liên tục mời ông Phong cạn ly, cả hai còn cho biết đã đặt phòng và mời ông Phong ở lại để hàn huyên thêm nhưng ông Phong từ chối. Suốt bữa cơm, ông Công và ông Thực thay nhau nghe – gọi điện thoại và cuối cùng, ông Thực chủ động móc ra một gói tiền trao cho ông Phong giống như quà. Ông Phong từ chối thì ông Thực tìm đủ cách để nhét tiền vào túi ông Phong. Khi tiền đã lọt vào túi ông Phong thì công an ập vào “bắt quả tang.”
Nhân chứng cho biết chỉ trong một buổi chiều, công an tỉnh Yên Bái đã lấy lời khai của nhân chứng đến bốn lần, cố tình ép nhân chứng phải khai rằng ông Phong đã dọa nạt doanh nghiệp để nhận tiền… (G.Đ)

Trẻ em Hà Giang kiếm sống trên bãi thải quặng Antimon nguy hiểm

Ở lưng chừng đồi có một khu vực đất trống bằng phẳng, đây cũng là nơi người lớn và trẻ em tập trung để đập đá lấy quặng và mua bán. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Từ mờ sáng đến tối mịt, hàng chục đứa trẻ người H’Mông bất chấp nguy hiểm cheo leo phơi mình trên bãi thải quặng Antimon Mậu Duệ, huyện Yên Minh để kiếm sống.
Theo tường thuật của Báo Tuổi Trẻ, ngày 26 Tháng Sáu, nhìn từ quốc lộ 4C, bãi thải quặng Antimon Mậu Duệ đã được khai thác hơn 20 năm, sừng sững như một ngọn núi màu trắng bạc.
Mậu Duệ những ngày Hè Tháng Sáu nắng bỏng rát, bất chấp nguy hiểm rình rập, những đứa trẻ cheo leo phơi mình trên ngọn đồi được hình thành từ đất đá thải của mỏ quặng Antimon, sau khi trải qua quá trình sàng tuyển quặng chặt chẽ.
Mỗi khi chiếc xe tải chở đá thải tiến đến và đổ xuống vực là hàng chục đứa trẻ lao đến, chúng trườn theo những viên đá đang lăn xuống và bắt đầu dùng búa đập vỡ để lấy phần thịt Antimon – một nguyên liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất ắc quy, hợp kim chống ma sát, hợp kim đúc chữ in hay lớp bọc cho sợi cáp, còn sót lại nằm ở lõi đá. Chúng nhọc nhằn dùng tay mót từng viên quặng nhỏ để bán lấy tiền mua sách vở tới trường và đỡ đần mẹ cha.
Trẻ em Hà Giang kiếm sống trên bãi thải quặng Antimon nguy hiểm
Cô bé Lý Thị Tú (10 tuổi), đang dùng búa để tìm những viên quặng Antimon nằm trong lõi của các viên đá khá nhọc nhằn, được nhà máy thải bỏ. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Giữa màn đêm đen kịt, con đường mòn dẫn tới nơi mót quặng khá dốc và trơn trượt, song với một chiếc búa và một chiếc đèn pin đội trên đầu, em Lý Thị Tú (10 tuổi) lầm lũi tiến vào “đồi” để mót từng viên quặng. Đây là công việc từ nhiều năm nay của em để có tiền sinh sống.
Gần bên, cô bé Vừ Thị Kế (9 tuổi), đang mót quặng cùng với cha mẹ, công việc của Kế là giúp bố chọn được những viên đá có thể chứa quặng để đập vỡ.
Em Thào Mí Trơ, học sinh lớp 7 trường cấp 2 Mậu Duệ cho biết: “Những ngày đi học bọn em chỉ đi mót quặng vào ban đêm, còn ngày hè được nghỉ học thì bọn em có mặt ở mỏ cả ngày, ngày nào may mắn thì mót được 2 đến 3kg, có ngày quặng ít thì chỉ được vài lạng.”
Ngay tại bãi thải, các thương lái tập trung khá đông để thu mua quặng mót của người dân với giá dao động từ 15,000 đến 30,000 đồng/kg.
Những đứa trẻ người dân tộc H’Mông lam lũ cứ thế cắm mặt vào đất đá để mót từng viên quặng nhỏ. Đứa còn đi học, có đứa thì đã bỏ học, cái nghèo vẫn bám riết mảnh đất này từ nhiều năm nay và có thể còn nhiều năm về sau nữa. (Tr.N)

Trốn ra ngoại quốc hơn nửa năm, Vũ Đình Duy mới bị ‘truy nã’

Ông Vũ Đình Duy lúc còn là phó bí thư Đảng Ủy, tổng giám đốc PVTEX. (Hình PVTEX)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc công ty Xơ sợi tại Đình Vũ, Hải Phòng, vừa bị Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An CSVN “ra quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc.”
Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí thường được biết với tên tắt PVTEX là một công ty con của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam tên tắt là PVN), hiện đã “đắp chiếu” từ năm 2015 đến nay sau hai năm bắt đầu hoạt động mà càng sản xuất thì càng lỗ nhiều hơn.

Theo tin của Bộ Công An được các báo tại Việt Nam đưa tin, ngày 26 Tháng Sáu, ông Vũ Đình Duy bị “khởi tố bị can” vì “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTex và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, ông ta bị “truy nã đặc biệt toàn quốc,” hiện nay không biết trốn ở đâu.
Ngoài Vũ Đình Duy, 4 người khác gồm ông Trần Trung Chí Hiếu – nguyên chủ tịch hội đồng quản trị PVtex, Vũ Phương Nam – kế toán trưởng, Đào Ngọ Hoàng – nguyên trưởng phòng thương mại hợp đồng PVtex và Đỗ Văn Hồng – chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty PVC.KBC cũng bị khởi tố với tội danh “cố ý làm trái…”
Riêng ông Đỗ Văn Hồng đã bị bắt trước đó trong vụ án xảy ra tại tổng công ty PVC và PVC.KBC.
Nhà máy xơ sợi PVTex là một trong một số đại dự án tai tiếng dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng và ông Đinh La Thăng cầm đầu tập đoàn Petro Vietnam, một tập đoàn tiền bạc ra vào hàng đầu của đám quốc doanh tại Việt Nam.
Ông Vũ Đình Duy đã trốn khỏi Việt Nam từ ngày 22 Tháng Mười, 2016, khi đánh hơi thấy mình có thể gặp nguy tương tự một số người khác như Trịnh Xuân Thanh (thời làm sếp tổng công ty xây lắp dầu khí PVC, công ty con của Petro Vietnam), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc công ty Tài Chính Dầu Khí, nguyên tổng giám đốc ngân hàng OceanBank và nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam) v.v… Về hình thức, ông ta làm đơn xin đi nước ngoài chữa bệnh, sau lại nói là đi học ở Singapore, nhưng hiện ông ta ở đâu, không ai biết.
Báo chí tại Việt Nam ngay từ khi ông ta còn ở Việt Nam đã thấy loáng thoáng đề cập tới những khó khăn chồng chất của nhà máy xơ sợi PVTex và hé lộ cho thấy một số nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ không gượng lại được.
Đến Tháng Mười Một năm ngoái, báo chí tại Việt Nam, sau khi ông Vũ Đình Duy đã khốn ra nước ngoài, đăng tải một số chi tiết về bản kết luận điều tra của thanh tra chính phủ về việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư.
Lúc đầu, năm 2008, Hội Đồng Quản Trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với vốn đầu tư gần $325 triệu, tuy nhiên, PVTex chỉ có 30% vốn, phần còn lại phải đi vay. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và họ dự trù dự án sẽ lấy lại được trọn số tiền đầu tư sau thời gian 8 năm 8 tháng. Dự án nhà máy xơ sợ Polyester tại Đình Vũ được “nghiệm thu sơ bộ” vào Tháng Tám, 2013, và sau đó bắt đầu sản xuất kinh doanh khi vốn đầu tư đã “đội” lên thành $359 triệu.
Cái oái oăm là nhà máy này càng chạy càng lỗ bạo hơn. Chỉ trong vòng 2 năm nhà mát PVTex lỗ gần 1,500 tỷ đồng. Một mặt có nguyên nhân “khách quan” là giá cả nguyên liệu sợ polyester trên thị trường thấp nên khó tiêu thụ, tiền lãi ngân hàng phải trả quá cao, nhưng cái gốc của đại nạn tại PVTex là những trò mánh mung của những quan cầm đầu PVTex.
Theo bản kết luận thanh tra kể lại trên báo chí trong nước “trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị. Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỉ lệ cao.”
Một trong những điểm đặc biệt được nêu ra trong đó là, năm 2013, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Petro Vietnam phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36% nhưng “PVN lại nâng tỉ lệ sở hữu lên 75%.”
Thấy có dấu hiệu “cố ý làm trái,” thanh tra chính phủ đã đề nghị Bộ Công An “tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.” Nay thì mới thấy chính thức hài tội Vũ Đình Duy khi ông ta đã cao bay xa chạy. (TN)

Dân Thanh Hóa liều mình qua cầu phao sông Mã

Người dân mạo hiểm qua cầu phao trên sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy. (Hình: Báo Thanh Niên)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Mỗi ngày, hàng ngàn người dân và học sinh phải qua lại trên chiếc cầu phao ọp ẹp bắc qua sông Mã, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, mặc dù biết “hà bá” đang rình rập sinh mạng.
Cây cầu dài 180 mét, do người dân dùng những thân tre, luồng trên các ụ nổi bằng thùng phuy và lốp xe cũ “sáng tạo” để qua sông từ năm 2012. Hiện mỗi ngày có hơn 1,300 người dân ờ các xã Cẩm Giang, Cẩm Quý, Cẩm Tú, Cẩm Lương, thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, và khách vãng lai qua sông Mã trên chiếc cầu này.
Do cây cầu không có lan can, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, mỗi khi có người qua lại thì bị rung lắc, chòng chành rất nguy hiểm.
Ông Cao Văn Oanh (55 tuổi), ngụ xã Cẩm Giang, cho biết, nếu đi đường vòng qua sông Mã để lên thị trấn Cẩm Thủy, các em học sinh và người dân địa phương phải vượt qua quãng đường 15 cây số, trong khi qua sông Mã bằng cầu phao này thì chỉ chưa đầy 1 cây số. Vì vậy, dù biết nguy hiểm rình rập nhưng người dân vẫn phải liều mình để con em ngày ngày qua cầu phao đến lớp.
Theo ông Cao Văn Mạnh (53 tuổi), xã Cẩm Giang, người trông coi cầu phao, cho biết, vào dịp lễ, tết, lượng khách qua cầu tăng đột biến, có khi xếp hàng dài, khiến ông phải huy động thêm người để hướng dẫn người qua cầu, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
“Lòng sông rộng, nước lại chảy xiết, bình thường nước sông sâu khoảng 1.5 mét, nhưng vào mùa nước lớn thì sâu đến 5-6 mét. Chẳng may người qua cầu ngã xuống sông thì mất mạng như chơi,” ông Mạnh nói.
Nói với Báo Thanh Niên, ngày 26 Tháng Sáu, ông Cao Xuân Toản, chủ tịch xã Cẩm Giang, cho biết, xã đã nhiều lần đề nghị cấp trên tạo điều kiện cho xây dựng một cây cầu kiên cố, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Năm 2016, Ủy Ban Huyện đưa cầu Cẩm Giang vào dự án được triển khai xây dựng trong đầu năm 2017, và sẽ giải ngân 6 tỷ đồng để làm mố cầu, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đồng nào,” ông Toản nói.
Giải thích về việc này, ông Trần Duy Hưng, trưởng Phòng Kinh Tế Hạ Tầng Ủy Ban Huyện Cẩm Thủy, cho rằng: “Ủy Ban Huyện Cẩm Thủy đã trình dự án từ năm 2016, các đoàn khảo sát đã về làm việc, đo vẽ nhưng không biết khi nào dự án xây dựng cầu Cẩm Giang mới được triển khai vì chưa có vốn.” (Tr.N)

‘Chiều nay Singapore có mưa ngập không?’

Nguyễn An Nam 
Theo Người Việt-26-06- 2017
Bức ảnh nổi tiếng về ngập lụt trên đường phố Sài Gòn được cư dân mạng truyền nhau và đặt tên “Hồ Chí Minh thất thủ.” (Hình: Zing)
Đó là một câu nói mà gần đây cư dân mạng thường hỏi nhau, hàm ý “đá đểu” phát ngôn hô hào mới đây của một lãnh đạo “TP.HCM” – đại ý – “trung tâm TP.HCM phải trở thành Singapore thu nhỏ.”
Câu hỏi đầy hài hước trên được lặp đi lặp lại vào mùa mưa năm nay, khi chỉ vài cơn mở đầu mùa, nhiều tuyến đường tại “TP.HCM” đã bị nhấn chìm trong nước. Những dòng xe kẹt cứng, nước ngập đến kính xe hơi, nước xô đổ những chiếc xe chết máy tiến thoái lưỡng nan trong đám tắc nghẽn… đang là cảnh tượng thường ngày ở thành phố lớn, hiện đại nhất nước. Giao thông vốn đã tệ hại, càng trở nên thất thủ chỉ cần một cơn mưa lớn đổ xuống.
Người dân sống ở “TP.HCM” từ lâu, tự vùng vẫy thích nghi với hoàn cảnh, không cách nào khác khi họ cảm nhận được rằng, những giải pháp “chống ngập” chắp vá của chính quyền không đem lại hiệu quả thực tế đáng kể.
Ngay trên chính con đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi đang mọc lên những tòa cao ốc chung cư luxury, giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông, cảnh ngập và kẹt nghẽn đường sá vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng. Tính tương phản trên bức tranh quy hoạch phát triển đô thị thiếu nền tảng căn bản đang phơi bày ngày càng rõ rệt.
Còn nhớ sau trận mưa lớn hồi cuối năm 2016, bên trong tòa nhà Bitexco 68 tầng kiêu hãnh bên sông Sài Gòn như một biểu tượng mới của thành phố hiện đại, nước đổ như thác, nhiều nhân viên văn phòng làm việc trong tòa nhà này một phen hốt hoảng.
Những dự án bất động sản lớn lấn sông vẫn đang được cấp phép diễn ra ngay tại “mặt tiền” sông Sài Gòn, ở vùng tiêu thoát nước của thành phố là Nhà Bè và quận 7 mặc cho các chuyên gia môi trường, giới khoa học độc lập lên tiếng cảnh báo. Một khi bàn tay mờ ám của các ông chủ bất động sản và những “đại gia đỏ” ra tay phù phép, những gì gọi là phản biện, báo động của giới nghiên cứu độc lập trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết.
Những tờ báo quốc doanh sẵn sàng gỡ bài vì áp lực kinh doanh quảng cáo hay vì những tin nhắn từ phía lãnh đạo quản lý. Ai cũng biết phía sau những dự án can thiệp thô bạo đến môi trường và di sản văn hóa đô thị, là những cái bắt tay liên minh ma quỷ – đôi bên cùng có lợi – của thế lực kinh tế và thế lực cầm quyền.
'Chiều nay Singapore có mưa ngập không?'
Cảnh ngập lụt sau mưa ở “TP.HCM” đã trở thành cơm bữa. (Hình: Dân Trí)
“TP.HCM phải trở thành Singapore thu nhỏ” là khẩu hiệu được các lãnh đạo thốt ra đầy hào hứng trong bối cảnh thực hiện một số biện pháp “lập lại trật tự đô thị” trên các tuyến vỉa hè trung tâm, mà ai cũng biết, sau lời kêu gọi ấy, sinh kế của người dân nghèo là thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp này chỉ mang tính “dẹp” không mang tính “tái ổn định.”
Tương tự như thế, đã có khẩu hiệu “nếu làm thung lũng Silicon tại Việt Nam, thì phải ở TP.HCM” từ vị tân bí thư “TP.HCM” trong cuộc gặp gỡ với 80 thanh niên tiêu biểu của thành phố này hồi Tháng Năm vừa qua cho thấy những ý tưởng to tát viển vông cứ mặc sức được tuôn ra làm nóng truyền thông nhưng thực tế thì có thể đoán biết trước, đâu lại vào đó.
Trong khi lãnh đạo hô khẩu hiệu thành phố mình phải chấn chỉnh, lập lại trật tự để văn minh hơn thì những người bị ảnh hưởng bởi các cơn “chấn chỉnh, lập lại trật tự” duy ý chí này là cư dân tầng lớp thấp, nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội chứ không thấy rõ có sự chấn chỉnh, cải thiện trong từng chi tiết, cấu trúc bộ máy và tầng lớp có quyền lực kinh tế.
Bởi không rõ tự bao giờ, ở xứ này, cái nhếch nhác của người nghèo thì dễ thấy và dễ đổ tội hơn cái bê bối phá hủy văn minh trên diện rộng của kẻ có tiền, có quyền. Phải chăng thực tế đó có lý để xảy ra trong một xã hội hỗn độn, bỏ qua nguyên tắc thượng tôn pháp luật!
Muốn “TP.HCM” trở thành Singapore, nếu người dân thấp cổ bé miệng được phát ngôn, hẳn họ sẽ nói rằng, cái ưu tiên chấn chỉnh không phải là những gánh hàng rong một nắng hai sương trên đường phố, mà là những tiêu cực bên trong bộ máy, xây dựng một bộ máy quản lý xã hội công minh, sáng tạo, có kỷ cương và thực sự phục vụ người dân.
Nhưng thôi, trong một bối cảnh mà mỗi người dân tự biết cách nương theo thế sóng để lướt qua từng ngày, thì đó là một hỏi đòi quá xa xôi. Xây dựng năng lực tự vẫy vùng trong điều kiện bất an là một cách thế được nhiều người chọn. Cũng dễ hiểu, rồi đây người ta sẽ truyền miệng với nhau về những vùng rốn ngập phải tránh trên đường từ công sở về nhà, cách thức làm sao để xe không chết máy khi đường ngập nước…
Những lời than thở về phẩm chất cuộc sống cũng sẽ phải tan theo từng khốc liệt mưu sinh, không cách nào khác. Một số ít cũng có thể chọn sự giễu nhại như một giải pháp thắng lợi tinh thần để kinh qua cảm giác thất thủ trước hoàn cảnh.
“Chiều nay Singapore có mưa ngập không?”, câu đá đểu tự bao giờ, trở thành lời chất vấn hoàn cảnh đầy cay đắng!

Đồng Tâm, hệ quả một biện pháp phi pháp lý

Thiện Ý Theo VOA-27/06/2017 
Công an lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư. (REUTERS/Kham)
Công an lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư. (REUTERS/Kham)
Như mọi người đã biết, vào khoảng trung tuần tháng 4-2017, khoảng 6000 người dân thuộc xã Đồng tâm, Huyên Mỹ Đức thuộc ngoại thành Hà Nội, đã bắt giữ khoảng một trung đội cảnh sát cơ động đến cưỡng chế giải tỏa dất đai của họ, để cho tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) sử dụng làm ăn kinh tế.
Sau gần một tuần những nhân viên công lực thi hành lệnh cưỡng chế mới được nhân dân thả ra, khi Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND thành phố Hà nội là Nguyễn Đức Chung, ngày 22-4-2017 đích thân đến Xã Đồng tâm điều đình và ký vào giấy cam kết gồm hai điểm chính: (1) Trong 45 ngày sẽ xem xét và giải quyết việc sử dụng đất đai cho quân đội, an ninh quốc phòng theo đúng pháp luật; (2) và “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm”, với sự chứng kiến của luật sư và các đại biểu quốc hội.
Thế nhưng, nay theo báo chí trong nước hôm 13/6 đưa tin rằng cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội ‘bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật’ (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và ‘Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (theo điều 143 Bộ luật Hình sự)”. Quyết định bất ngờ này, khiến người dân xã ngoại thành Hà Nội “phẫn nộ” và thu hút sự quan tâm của công luận trong và ngoài Việt Nam.
Theo nhận định của chúng tôi, thì đây là hệ quả tất nhiên của một biện pháp phi pháp lý được thực hiện bởi một viên chức đứng đầu chính quyền địa phương không có thẩm quyền tư pháp (công tố quyền) là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà nội.Đúng ra khi điều đình với tập thể nhân dân xã Đồng Tâm, Ông Chung chỉ có thẩm quyền giải quyết nguyên nhân đưa đến việc người dân bắt giữ người thi hành công vụ là cam kết (1) “Trong 45 ngày sẽ xem xét và giải quyết việc sử dụng đất đai cho quân đội, an ninh quốc phòng theo đúng pháp luật”; nhưng không được quyền cam kết (2) là “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm”. Vì khởi tố hay không là thẩm quyền của cơ quan tư pháp (là công an Hà Nội trong hiện vụ). Do đó đứng về mặt tư pháp cam kết (2) của ông Nguyễn Đức Chung là vô hiệu, đưa đến hệ quả dây chuyền sau đây về mặt thực tế.
1.- Hệ quả một là nếu đã đem lại hiệu quả nhất thời giúp nhà cầm quyền địa phương giải cứu được con tin và giải tỏa được một tình huống bạo động có thể lan rộng bằng biện pháp thương lượng chứ không trấn áp bằng sức mạnh của công an quân đội; nhưng lại đưa đến hậu quả tai hại về mặt tôn trọng pháp luật nhà nước, tạo ra một tiền lệ đưa đến việc nhân dân sau này có thể bắt giữ người thi hành công vụ mỗi khi cần con tin để buộc nhà cầm quyền phải quan tâm giải quyết các yêu sách của mình.
2.- Hệ quả hai, do từ hậu quả tai hại trong hệ quả 1, cơ quan tư pháp có thẩm quyền công tố (là công an Hà Nội trong hiện vụ) không thể làm ngơ trước một hành vi phạm pháp tập thể (bắt giữ người thi hành công vụ…) nên đã phải “khởi tố vụ án hình sự” dựa trên các Điều 123 và 143 Bộ Luật Hình Sự hiện hành.
3.- Hệ quả ba, do từ việc “khởi tố vụ án hình sự” trong hệ quả 2 đã đưa đến hậu quả làm mất úy tín của chính quyền, bị coi là “lừa bịp nhân dân” để thoát hiểm, đã vi phạm lời cam kết của người đứng đầu chính quyền địa phương là Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thanh phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
4.- Từ ba hệ quả trên đã dẫn đến hệ quả thứ tư là sự mâu thuẫn gây mất đoàn kết trong nội bộ đảng và nhà cầm quyền CSVM về cách thức và biện pháp giải quyết các mâu thuẫn giữa nhân dân nói chung và các tập thể nhân dân cá biệt nói riêng.
Thực ra, cả bốn hệ quả trên đã không phải chỉ xảy ra lần đầu ở xã Đồng Tâm, mà trong quá khứ đã từng xẩy ra ở một số nơi khác… Nhà cầm quyền cũng đã từng giải quyết theo sách “Mềm nắn, dắn buông” để thoát hiểm,bằng bất cứ biện pháp nào, với bất cứ thủ đoạn gian trá nào theo phương châm “cứu cánh biện minh cho hành động”. Nghĩa là tạm “lùi một bước” để sau đó “tiến hai bước”.
Đây cũng là những hệ quả tất nhiên của chủ trương, đường lối, chính sách cai trị của chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam bao lâu nay.Vì trong chế độ này, đảng CSVN cầm quyền không dựa vào uy tín mà dựa vào các công cụ chuyên chính là công an quân đội để trấn áp, cai trị dân. Vì vậy, đảng và nhà cầm quyền CSVN không sợ mất uy tín (vì có uy tin đâu mà sợ mất). Do đó, đảng và nhà cầm quyền CSVN đã không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn gian trá, lừa lọc, tàn ác trong mọi tình huống đối với người dân bị trị, vì biết rằng thân phân người dân như cá nằm trên thớt, cuối cùng cũng chẳng làm gì được trước bạo quyền.
Mặt khác, nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị CSVN bao lâu nay không cai trị bằng pháp luật mà cai trị bằng nghị quyết hay nghị luật của một đảng độc quyền thống trị. “Đảng là pháp luật, pháp luật là đảng ta”!Đồng thời nguyên tắc phân quyền tam lập ở các nước dân chủ vẫn chưa được đảng và nhà cầm quyền CSV N chấp nhận. Vì vậy, không chỉ trong vụ việc Đồng Tâm, người đứng đầu nhà cầm quyền Hà Nội đã có hành động vượt quyền là “Cam kết không khởi tố nhân dân xã Đồng Tâm”, để rồi nay chính ông an Hà nội dưới quyền ông lại “ lật lọng” ra lệnh “Khởi tố thành vụ án hình sự đối với nhân dân Đồng Tâm”. Trước đây nhiều vụ việc đã xảy ra và sau này, các vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, ngày nào Việt Nam còn tồn tại chế độ độc tài toàn trị cộng sản, với những hệ quả như vừa phân tích trình bày.
Chúng tôi xin mượn lời nói của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu để gửi đến nhân dân trong nước thay lời kết, là “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” để cảnh giác và luôn luôn cảnh giác để không bị lừa bịp mà thiệt hại đến nhân thân.

Nợ xấu và sân golf: ‘Mở miệng’ một kỳ họp quốc hội

Phạm Chí Dũng Theo VOA-27/06/2017
Sân bay Tân Sơn Nhất.
Kỳ họp vào tháng 5 - 6 của Quốc hội Việt Nam đã bất chợt ghi một dấu ấn đáng ngạc nhiên so với rất nhiều kỳ họp trước đây cũng của cơ quan dân cử này - xét trên phương diện “mở miệng”.
Hai “thành tựu mở miệng” là nợ xấu quốc gia và sân golf Tân Sơn Nhất.
Nợ xấu
Chưa bao giờ trong lịch sử tồn tại của mình, Quốc hội Việt Nam phải nhận một trọng trách lớn đến như vậy khi được Chính phủ tự nguyện “nhường phần” trách nhiệm xử lý nợ xấu.
Cũng chưa bao giờ giới đại diện nửa đại biểu nửa nghị sĩ trong nghị trường quốc hội lại “bừng bừng khí thế” như lúc này, khi họ lần đầu tiên cảm thấy sức ép trách nhiệm thực sự đặt lên vai mình.
Lần đầu tiên số đại biểu chịu “mở miệng” về nợ xấu nhiều đến mức báo chí đã đúc kết “10 phát ngôn bức xúc về nợ xấu”, dù 10 con người đó mới chỉ chiếm có 2% trong tổng số gần 500 tâm trạng mà dư luận vẫn mỉa mai là “nghị gật”.
Phải nói, nói thay cho quá khứ phải im lặng trước “cường quyền”.
Ít nhất, Quốc hội sẽ phải ban hành một bản nghị quyết về xử lý nợ xấu. Nhưng nghị quyết không thôi chưa đủ, và sẽ không giống với vô số nghị quyết khác, mà nghị quyết lần này còn ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội vào từng điều khoản. Chính phủ khôn ngoan sẽ căn cứ vào đó mà làm.
Chính phủ lại thật khôn ngoan. Sau thời “phá chưa từng có” của các ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình, thời Thủ tướng Phúc đã phải lãnh trách nhiệm “đổ vỏ” cho ít nhất 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu theo thống kê chắc chắn chưa đầy đủ. Trong hơn một năm kể từ lúc thành lập tân chính phủ của chế độ độc đảng, cho tới giờ tất cả đều thất vọng đến mức vô vọng, nợ xấu không những không giảm đi mà còn đội lên, còn Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) - một doanh nghiệp được đẻ ra từ thời Nguyễn Văn Bình - đã hầu như chẳng làm được gì ngoài chuyện kê biên và luân chuyển nợ xấu trên giấy. Thậm chí 2 ngàn tỷ đồng vốn lưu động mà ngân sách cấp cho VAMC còn không được dùng tới một đồng nào để mua nợ xấu.
Bây giờ, nhiều đại biểu quốc hội phải “lên ruột”.
Vào cuối năm 2014, gần 500 “nghị gật” của Quốc hội đã được nghe Thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên tiết lộ con số nợ xấu lên đến 500 ngàn tỷ đồng. Còn trước đó, Thống đốc Bình chỉ báo cáo nợ xấu vào khoảng 100 ngàn - 150 ngàn tỷ đồng mà không có bất kỳ cơ sở nào đính kèm. “Biết cho vui, chẳng làm gì được” - một số đại biểu tự cám cảnh. Rồi cũng như một thói quen đã ăn vào não trạng, các đại biểu quốc hội chỉ biết gật gù rồi gật đầu biểu quyết cho một bản nghị quyết chấp nhận con số đó.
Nhưng đến cuối năm 2015 thì tình thế đã cháy bỏng. Khi đó diễn ra chiến dịch “ép nợ xấu về dưới 3%”, được chỉ đạo bởi Nguyễn Tấn Dũng nhằm lấy thành tích trước Đại hội 12. Một lần nữa, Quốc hội của một ủy viên bộ chính trị sắp hết thời là ông Nguyễn Sinh Hùng lại chỉ biết gục gặc. Không ai biết nợ xấu thực là bao nhiêu và cũng chẳng biết nó sẽ gây ra hậu quả lớn đến mức nào.
Điều duy nhất mà Quốc hội làm được vào cuối năm 2015 là phản đối việc dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu - một hành động phản đối dũng cảm một cách đáng ngạc nhiên nếu so với thái độ gần như cấm khẩu trước Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình vào những năm trước.
Tuy nhiên, câu trả lời cho sự ngạc nhiên trên lại thật đơn giản: ngân sách cuối năm 2015 đã “chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” - như trần thuật đầy chua chát của bộ trưởng kế hoạch đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh.
Không còn bất kỳ khoản kết dư nào, ngân sách dù có muốn đổ ra để giải quyết nợ xấu cũng đành bó tay. Giới đại biểu quốc hội cũng bởi thế đã mạnh miệng hơn một chút.
Còn giờ đây, không nói thì chết. Nợ xấu đã trở nên vô phương cứu chữa, hẳn nhiều dân biểu đã nhận thấy như vậy.
Nhất là khi họ đã nhận ra một sự dối trá vĩ đại trong quá khứ: những con số báo cáo ra Quốc hội, nếu được cộng dồn lại, sẽ cho thấy tổng nợ xấu đã xử lý và chưa xử lý lên tới khoảng 1.200 ngàn tỷ đồng, chiếm đến hơn 40% tổng dư nợ cho vay là hơn 3 triệu tỷ đồng vào giai đoạn năm 2011-2012, gấp đến 10 lần so với tỷ lệ nợ xấu chỉ 4% từ báo cáo của Ngân hàng nhà nước vào thời gian đó!
Sân golf Tân Sơn Nhất
Nhưng trào lưu “mở miệng” bùng nổ và đáng ngạc nhiên hơn cả là vụ “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất”.
Trước kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, có lẽ nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và Bộ Quốc phòng khó ngờ về một làn sóng “đấu tố” quyết liệt đến thế từ đại biểu quốc hội đối với sân golf Tân Sơn Nhất được ưu ái từ thời “tướng chữa bệnh” Phùng Qang Thanh.
Còn hơn cả làn sóng “mở miệng” đối với quốc nạn nợ xấu, không biết được tiếp liệu nguồn nhựa sống nào mà con số đại biểu quốc hội gián tiếp lẫn trực tiếp “tố cáo” nhóm lợi ích quân đội chiếm dụng 157 ha của sân bay tân Sơn Nhất trong hàng chục năm trời đã vượt qua cả tỷ lệ 2% tổng số nghị sĩ.
Không chỉ là một ít gương mặt phản biện cũ như chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, nhiều chuyên gia khác cũng đã lần đầu tiên lên tiếng về sự đọa đày trên.
Phản ứng từ nhiều tầng lớp xã hội lại kéo theo phản bác của chính giới quân nhân và cựu quân nhân. Thậm chí, báo chí còn cả gan đăng tải kiến nghị của một cựu sĩ quan quân đội là Trung tá Lê Trọng Sành - nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân - cho rằng “Quân ủy trung ương cần có ý kiến”.
“Quân ủy trung ương” ở đây không ai khác là Bí thư quân ủy Nguyễn Phú Trọng và Phó bí thư quân ủy kiêm bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch - những nhân vật chưa bao giờ dám lộ diện để hồi âm trước đòi hỏi “trả sân golf về sân bay” của công luận.
Cũng có những nhân vật khác như thể cố ý không chịu lộ diện. Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, hình như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã không thể “làm chủ tình hình” trước con sóng “mở miệng” của nhiều đại biểu. Duy có điều đáng tiếc, thật đáng tiếc là bà Ngân, trong lúc luôn diện những bộ váy áo đa sắc và đắt tiền, đã chẳng thấy biểu hiện chính kiến nào về quốc nạn nợ xấu lẫn “sân golf trong sân bay”.
Trên phương diện công luận và phát biểu công khai, một nhân vật ủy viên bộ chính trị khác cũng nín tiếng một cách đáng ngạc nhiên là Nguyễn Thiện Nhân - phụ trách khu vực TP.HCM là nơi có “sân golf trong sân bay”. Bất chấp việc tờ báo Tuổi Trẻ - sau một thời gian khá dài chìm lắng - đã như “lên đồng” bằng loạt bài phong phú nhằm phản biện nạn sân golf Tân Sơn Nhất, ông Nhân vẫn giữ tư thế “khép miệng truyền thống” như ông vốn thế ở nhiều kỳ họp quốc hội trước.
Rốt cuộc là “cái gì cũng đến tay thủ tướng” - như than vãn của vài quan chức trước tình trạng gần hết 63 tỉnh thành ngày càng lộ ý đồ muốn bắt ông Nguyễn Xuân Phúc phải chịu trách nhiệm liên đới với những quyết định thuần túy trong thẩm quyền địa phương. Vào lần này, cũng như bà Ngân và ông Nhân khi không chịu lộ diện và chẳng chịu có phát ngôn nào, Thủ tướng Phúc đã “âm thầm” họp thường trực chính phủ để đưa ra một phương án nước đôi: mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân golf Tân Sơn Nhất ) lẫn phía Nam.
Phía Bắc là khu vực sân golf Tân Sơn Nhất.
Còn “phía Nam” là gì?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định - một trong hiếm hoi lá phổ xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Nhưng đã không thấy một chỉ đạo nào từ Thủ tướng Phúc về truy cứu trách nhiệm đối với Bộ Quốc phòng và những cơ quan liên quan về vụ hợp đồng trái phép xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất trong một thời gian rất dài.
Phải chăng Thủ tướng Phúc muốn “đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích quân đội, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”?
Rõ ràng, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách tìm đâu ra con số đó, trong lúc “chỉ có” vài chục ngàn tỷ đồng để giải tỏa đền bù ở khu vực dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai mà còn tìm không ra?
Vì sao được “mở miệng”?
Cần nhắc lại, ở nhiều kỳ họp quốc hội trước đây, đặc biệt là kỳ họp quốc hội vào cuối năm 2016 khi sân bay dân sự Tân Sơn Nhất đã “kẹt cả dưới đất lẫn trên trời”, Quốc hội Việt Nam vẫn chỉ chăm chăm bàn đến việc làm sao có tiền để triển khai sân bay Long Thành. Vài ý kiến đại biểu về “sân golf trong sân bay” đã bị mất hút. Còn Chính phủ thì bặt tăm.
Vậy làm sao vào kỳ họp lần này, nhiều đại biểu quốc hội và nhiều tờ báo được “mở miệng”?
Sân golf phải trả về cho sân bay đương nhiên là công bằng và tốt cho xã hội, cho người dân. Nhưng lại chẳng hề tốt cho nhóm lợi ích quân đội và giới quan chức, đại gia ăn theo. Đó là khía cạnh xã hội.
Nhưng một khía cạnh khác cũng có thể thú vị nếu được mổ xẻ: tương quan chính trị.
Việc tìm hiểu những lực lượng chính trị nào đã “bật đèn xanh” cho trào lưu “mở miệng” về “sân golf trong sân bay” có thể dẫn đến vài đánh giá và dự đoán sát thực hơn về biến diễn của chính trường Việt Nam, ít nhất trong nửa cuối năm 2017.

Khi quân đội bỏ súng cầm đô... la

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Tình trạng quân đội cộng sản buông súng kiếm tiền đã dẫn đến nhiều hệ luỵ. Hệ luỵ lớn nhất là lực lượng được cho là có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc này đã trở thành đội quân bạc nhược, lấy chủ trương "bám bờ - giữ ghế - kiếm tiền" là chính, dẫn đến tình trạng lãnh hải, lãnh thổ bị xâm lấn bởi Tàu cộng như chỗ không người.

Với những ưu đãi tối đa, các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đã thao túng trong nhiều lãnh vực và tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa DNQĐ với doanh nghiệp dân sự (DNDS). Nhân danh phục vụ mục tiêu quốc phòng, tài nguyên quốc gia đã bị các tập đoàn tướng tá cộng sản thu tóm để làm giàu mà không cần thuê và lại được hưởng những ưu đãi rất nhiều trong việc đóng thuế so với các DNDS.

Với cơ hội làm giàu không vốn và làm giàu nhanh, làm giàu "khủng", các tướng tá cộng sản đua nhau tìm cách "tự thuyên chuyển" để "giã từ vũ khí", trở thành những tướng kinh doanh, được thăng chức dựa theo kết quả lợi nhuận, khả năng lãnh đạo được đo lường bằng con số đô la thay vì bằng khả năng điều binh khiển tướng. Những đàn bò ngày xưa vào thành phố bây giờ đã trở thành những CEO, giám đốc, chủ tịch mà khả năng, kiến thức duy nhất về kinh doanh, kinh tế là biết sử dụng máy đếm tiền.

Những thương gia mặc đồ lính, đeo huân chương đầy ngực, tiền đầy trương mục này lại là những kẻ có thế quyền và đóng vai trò quyết định trong quân đội. Thành phần quân đội còn lại chỉ được lãnh lương còm theo quy chế nhà nước thì ngày ngày "phấn đấu" và tìm cách chuyển "sứ mạng" - từ sứ mạng chiến đấu bảo vệ tổ quốc sang sứ mạng... làm giàu.

Trong "sứ mạng làm giàu" này, nhiều công trình, dự án lại có bàn tay và tiền của Bắc Kinh đổ vào. Thế là các tướng tá đại gia lại bắt tay thân thiết và trở thành "con tin thân tín" của Tàu cộng. Không đứng về phía Bắc Kinh thì mất mối làm ăn. Mất mối làm ăn thì sẽ bị đá văng ra khỏi tập đoàn DNQD. Và từ đó các tướng tá quân đội trong tập đoàn DNQD xem những người lính, những sĩ quan hiếm hoi trong quân đội có thực tâm bảo vệ đất nước là các "đồng chí phe địch", cần phải cho lên bờ xuống ruộng.

Cũng như các quan chức trong đảng tranh nhau ăn và sẵn sàng tấn công, hạ bệ, dứt điểm nhau, các tướng tá quân đội cũng không khác gì. Đó là một đàn lợn có nhiều phe tranh nhau ăn cám. Nội bộ quân đội cộng sản cũng nát bấy ra nhiều nhóm khác nhau, tranh đoạt chia vùng để trở thành những đại tướng tỉ phú. 

Cái gọi là Quân đội Nhân dân anh hùng dưới sự lãnh đạo của đảng cướp cộng sản đã trở thành một đội quân bạc nhược về tinh thần, bị lãnh đạo và lãnh đạn bởi những tên tướng bụng phệ, đếm tiền giỏi hơn bắn súng và xem Bắc Kinh là bạn, xem Dân là thù.

Hiện có vài tiếng nói được cất lên về việc quân đội phải ngưng làm kinh tế. Nó đến từ thành phần nào trong quân đội? Từ những sĩ quan thực tâm lo lắng về tình trạng tệ hại của quân đội và vận mạng của đất nước? Hay đến từ những phần tử đang bịcầm súng mà chưa được cầm tiền? Câu trả lời nằm ở chỗ những kẻ đó là đảng viên cộng sản hay là những sĩ quan không mang thẻ đỏ vốn không hề hiện hữu trong tập đoàn "trung với đảng". Điều bất hạnh cho đất nước là tất cả những phần tử ấy đều cùng một lò mà ra và trở thành một loài: loài sản chuyên hút máu nhân dân, ăn cướp tài nguyên, mặc kệ chủ quyền và bán rẻ danh dự quốc gia.

26.06.2017

Trò bẩn của giám đốc côn an Yên Bái nhằm bịt miệng nhà báo

CTV Danlambao - Sau những phóng sự điều tra làm lộ "độ giàu" của Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái, phóng viên Lê Duy Phong đã bị côn an Yên Bái giàn dựng trò bẩn để bắt giam vì tội nhận tiền doanh nghiệp. Ngoài Đặng Trần Chiêu, Lê Duy Phong còn rọi đèn vào tư dinh "khủng" của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái - là em ruột của bí thư Yên Bái là bà Phạm Thị Thanh Trà.

Vào trưa ngày 22.06, nhà báo Lê Duy Phong, trưởng ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đã được một giám đốc doanh nghiệp mời gặp tại một nhà hàng để nhờ "tư vấn". Khi ông giám đốc này dúi 50 triệu hồ tệ vào người nhà báo Lê Duy Phong thì như "phép lạ" công an Yên Bái ập vào và "bắt quả tang" Lê Duy Phong đang có "hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản."


Nhà báo Lê Duy Phong

Theo ông Nguyễn Tiến Bình, tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì doanh nghiệp xì tiền để gài bẫy là một doanh nghiệp đang hoạt động tại Yên Bái, nhưng báo GDVN hay phóng viên Lê Duy Phong không hề có một phóng sự nào về doanh nghiệp này.

Do đó, chúng ta có thể kết luận là doanh nghiệp này đã không có nhu cầu "lót tiền" cho ông Phong để ông Phong ngưng phóng sự điều tra đối với doanh nghiệp. Đây chỉ là một con bài do công an Yên Bái đem ra để giàn dựng bắt giam nhà báo dám đụng đến giám đốc công an và bí thư tỉnh.

Dinh thự khủng rộng 10,000 mét vuông của Đặng Trần Chiêu, 
giám đốc Công An Yên Bái 

Cơ ngơi 13,000 mét vuông của Phạm Sỹ Quý, 
giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi Trường tỉnh Yên Bái, 
em ruột bí thư tỉnh Phạm Thị Thanh Trà

Trước việc Giám đốc Công an đang bị tố cáo và ra lệnh đàn em bắt người tố cáo, báo Giáo dục VN đã đề nghị chuyển hồ sơ vụ án lên Bộ Công an để bảo đảm tính khách quan trong tiến trình điều tra. Tuy nhiên, Thượng tá Chu Văn Hải - phó trưởng phòng phụ trách phòng tham mưu Công an tỉnh Yên Bái đã nhất quyết cho rằng thẩm quyền điều tra vụ án theo quy định của luật thì do công an cấp thành phố, cấp huyện và “việc chuyển vụ án lên hay không phải do cơ quan cấp trên quyết định... Việc điều tra phải căn cứ vào quy định của pháp luật, cơ quan điều tra có trách nhiệm điều tra khách quan”. 

Được biết Viện kiểm sát nhân dân TP Yên Bái đã phê chuẩn cho các côn an Yên Bái toàn quyền điều tra cái bẫy sập do các côn đồ này bày ra và côn an Yên Bái đã nhanh chóng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Duy Phong.


Cần nhắc lại là trong thời gian vừa qua nhà báo Lê Duy Phong đã đăng tải bài viết về một công trình biệt thự bạc tỉ của Thiếu tướng côn an Đặng Trần Chiêu đang sắp sửa xây xong. Đây được coi là một dinh thự thuộc loại lớn nhất tỉnh, nằm trên một ngọn đồi với tầm cỡ vượt xa các trụ sở của nhà nước. 

Đặng Trần Chiêu đã phủ nhận sở hữu dinh thự này và trả lời với báo chí rằng đó là của bố mẹ già và các em ruột của ông ta.

Ông Nguyễn Tiến Bình của báo GDVN cho biết“Sau khi đăng tải những bài viết như vậy, báo chịu rất nhiều áp lực. Có nhiều người đến gặp và điện thoại đề nghị gỡ những bài viết này và dừng các hoạt động điều tra. Tuy nhiên báo không đồng ý và tiếp tục làm”.

Thế là Đặng Trần Chiêu mở ngay trò bẩn vốn là nghề của các côn an còn đảng còn tiền để bắt "quả tang" nhà báo Lê Duy Phong.

Việc bắt "quả tang" này đã được một nhân chứng tường trình lại với những sự thật như sau - trong đó tên giám đốc doanh nghiệp dúi tiền vào người Lê Duy Phong là một côn an đã về hưu:

Nguồn: FB LN Long Nguyen
27.06.2016