Thursday, January 22, 2015

Từ giết người đến bị người giết

VRNs (23.01.2015) – Sài Gòn – Phiên họp định mệnh

Gần trưa, tuần báo trào phúng Charlie có buổi họp ban biên tập lúc 11g30 tại tòa soạn và trị sự ở số 10, đường Nicolas-Appert nằm trong địa phận quận nội thành số 11 của thủ đô Paris. Hôm ấy là thứ Tư, ngày 7/01/2015. Buổi họp có đông đủ ban chủ nhiệm và chủ biên cùng các cộng tác viên thân tín nhất hiện diện, để thảo luận về các khó khăn trong quá trình vừa qua – đặc biệt là sau khi tòa soạn báo Charlie đã bị phóng hỏa thiêu rụi một lần vào tháng 11/2011 và bản thân họa sĩ chủ bút Stéphane Charbonnier bị phe khủng bố al-Qaeda liệt kê vào danh sách cần tìm giết của chúng. Trận hỏa hoạn đã xảy ra đúng vào ngày phát hành của số báo đăng trên trang bìa trước hình châm biếm vẽ Thiên sứ Mohammed với câu nói bỡn cợt,“Phạt quất 100 roi độc giả nào không chết vì cười bò lê bò càng”.Mười tháng sau, giữa không khí sôi sục vì cuốn phim chống Islam mang tên “Sự ngây thơ của tín đồ Hồi giáo” của đạo diễn Alan Roberts vừa được tung ra thị trường, báo Charlie lại tung ra số báo khác chế nhạo nhà thiên sứ, với tranh vẽ Mohammed tàn tật ngồi xe lăn, phải cậy nhờ một rabbi Do Thái giáo đẩy đi. Sự xuất hiện của số báo đã làm tình hình bấy giờ căng thẳng đến độ chính phủ Pháp phải ra lệnh đóng cửa một loạt sứ quán và trường học trên 20 quốc gia khác nhau để đề phòng bạo loạn, mặc dù ký giả Laurent Leger của tòa báo biện luận rằng chủ trương của Charlie Hebdo không nhằm tạo giận dữ hay bạo động, “Mục đích của chúng tôi chỉ nhằm chọc cười. Chúng tôi muốn cười vào mặt bọn khủng bố, vào mũi mỗi tay cực đoan. Họ có thể là Hồi giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo. Mỗi người đều có thể là tín đồ ngoan đạo, nhưng não trạng và hành động cực đoan của họ là cái mà chúng tôi không chấp nhận. Tại nước Pháp nầy, chúng ta luôn luôn có quyền tự do để viết và vẽ. Rồi nếu có cá nhân nào đấy không bằng lòng, thì cứ việc kiện chúng tôi, để chúng tôi vác chiếu đến hầu tòa. Thế mới là dân chủ. Quí vị không cần ném bom, mà cần tranh luận hay thảo luận, miễn là đừng hành động bằng bạo lực. Chúng tôi có nhiệm vụ chống lại việc lấy khủng bố để lấn áp.”
Trên trang bìa số báo cuối cùng ngay trước biến cố thảm sát hôm thứ Tư, ban biên tập cho đăng tranh của Luz, vẽ một ông lão với câu nói, “Năm 2015, tôi rụng hết răng. Năm 2022, tôi sẽ chủ trì tuần nhịn chay Ramadan” – trùng hợp với lời chúc đầu năm của lãnh tụ Nhà nước Hồi giáo (ISIS) Abu Bakr al-Baghdadi với nội dung “Trên tất cả mọi điều, là sức khỏe.”
Trước khi khai hỏa, các hung thủ trùm kín đầu đã ập vào căn nhà số 6 đường Nicolas-Appert và quát lớn “Đây có phải là tòa soạn Charlie Hebdo không?”, nhưng tức khắc chúng biết chúng lộn địa chỉ, nên rút lui để nhào vào căn kế cận, ở số 10 cùng đường Nicolas-Appert. Tại đây, chúng đòi giết đứa con gái nhỏ của nữ họa sĩ Corinne Rey vừa đón từ nhà trẻ đến nơi làm việc, để buộc chị phải bấm mật mã mở cửa cho chúng lọt vào. Chị Rey kể lại với phóng viên báo L’Humanité (Nhân Loại) rằng sau khi phải bấm mật mã, chị đã tức khắc báo động ngay cho các bàn giấy trong tòa soạn, nhưng đã quá trễ.
Theo phóng viên thường trú tại Paris của đài CNN, ký giả Jim Bittermann đã tiết lộ rằng cho đến gần đây, việc canh phòng an ninh quanh khu vực tòa soạn được kể là nghiêm ngặt, và khi hai hung thủ mang mặt nạ ập vào và khai hỏa, tòa soạn đang họp trị sự vào giờ ăn trưa trên lầu hai.
Cedric Le Bechec, một người chứng đã tận tai nghe bọn khủng bố tuyến bố: “Chúng mầy có thể cho bọn truyền thông hay rằng chúng tao là người của al-Qaeda bên Yemen”, trước khi hô to “Allāhu Akbar” (اللأكبر, biểu thức vinh danh bằng tiếng Ả Rập của tín đồ Hồi giáo có nghĩa “Thượng đế Vĩ đại nhất”), rồi kêu tên từng họa sĩ, và nổ súng. Ập vào phòng họp, các tay khủng bố vũ trang bằng tiểu liên AK-47 và súng phóng pháo vác vai đã tiến thẳng lại phía chủ nhiệm Stéphane Charbonnier (được độc giả biết đến qua nét vẽ ký tên tắt “Charb”) và bắn gục anh trước tiên, rồi đến người cảnh sát bảo vệ cho anh, trước khi giết thêm những người khác, trong đó có thêm ba họa sĩ nữa, gồm Georges Wolinski, Jean Cabut và Bernard Verlhac.
Sau khi gây án mạng trong vòng 5 phút, hai hung thủ lao ra khỏi hiện trường, tiến đến một chiếc xe màu đen chờ sẵn bên trước. Thấy một cảnh sát bị thương đang nằm trăn trở trên mặt đất, một trong hai tên sát nhân đã thản nhiên kê súng vào đầu nạn nhân bấm cò. Trên đường tẩu thoát, xe của bọn sát nhân đã đụng một xe khác ngoài đường phố, nên chúng cướp cạn một xe khác nữa để biến mất giữa thanh thiên bạch nhật. Trong đoạn video quay tự động từ cao ốc kế cận, cảnh sát thấy một trong hai tên la lớn bằng tiếng Pháp rất chuẩn mực, “Ê! Chúng ta đã trả thù cho Thiên sứ Mohammed! Chúng ta đã giết xong bọn Charlie Hebdo!”
Tám nhà báo, hai cảnh sát viên làm nhiệm vụ bảo vệ, một nhân viên bảo trì và một vị khách đã bị thảm sát, với thêm 11 người khác bị thương, trong đó có 4 người thập tử nhất sinh.
 15012200
Những nhà báo họa sĩ bị thảm sát
Nhận định về vai trò của các họa sĩ châm biếm, ông Daniel Leconte, một nhà làm phim vừa hoàn tất cuốn phim tài liệu về các họa sĩ hí họa, cho rằng những nghệ sĩ nầy chẳng khác các nhà bình luận của một tờ báo lớn. Ông nói: “Dĩ nhiên khi vẽ tranh tếu, họ phải hết sức đơn giản và giữ một quan điểm thật triệt để. Họa sĩ châm biến là chiến sĩ ở tuyến lửa đầu tiên, giao tranh với tín đồ Islam, khi phải tạo tràng cười hay nụ cười mĩm để làm vũ khí cho mình.”
Françoise Mouly, chào đời tại Pháp, trưởng thành bằng tranh vẽ của báo Charlie Hebdo, hiện là chủ biên nghệ thuật của tờ The New Yorker cho biết thêm rằng “không giống như trường hợp đa số họa sĩ châm biếm khác cứ làm việc đơn độc, ban chủ biên của tạp chí Charlie Hebdo rất hỗ tương nhau, sinh hoạt chung và cùng nhau phác thảo công việc. Ở tòa báo nầy, gần như không có chuyện vẽ rồi nộp tác phẩm cho một ông chủ bút. Họ làm việc với nhau, và tạo nụ cười cho người khác trong nhóm. Trong cung cách ấy, họ sống và làm việc với nhau như những con người thực, thay vì được mướn để sản xuất tranh vẽ. Mỗi người tự biết những nguy hiểm mà tòa báo phải đối diện. Tòa soạn từng bị đốt và dọa đặt bom. Nhưng họ thực sự ngồi xổm lên kiểu hù dọa của bọn khủng bố, cứ đem chuyện bom đạn hay cái chết để cả vú lấp miệng em.” Bốn nhà báo vừa tử nạn với cây cọ của mình là:
Georges Wolinski, 80 tuổi, chào đời tại Tunisia với bà mẹ lai Pháp Ý và ông bố gốc Do Thái tại Ba Lan. Cao niên, nhưng vẽ rất đều, nhất là tranh châm chọc các điều cấm kỵ của con người. Với Wolinski không có gì là thiêng liêng thần thánh hết, từ chuyện đàn bà cho đến lãnh đạo tôn giáo. Riêng cung cách phá vỡ các giới hạn của ông gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ bạn đàn em và đàn cháu. Ông luôn tìm cách chọc thủng và vượt quá hệ lụy của thông tục xưa cũ về nhận thức thẩm mỹ, đạo đức, bằng cách dùng lối hí họa nhanh, gọn, sắc bén nhưng vẫn tập trung vào chủ đề chính. Nét vẽ của ông tạo một trường phái riêng cho mình.
Stéphane Charbonnier, 47 tuổi, ký tên Charb trên tranh vẽ, là chủ biên của tờ báo, vừa là bộ mặt của tờ báo trên phòng tuyến đả kích Thiên sứ Mohammed. Ông là một nhà hoạt động xã hội cánh tả, trưởng thành trong một gia đình cộng sản. Ông có học thức, có văn hóa – hai thứ trở thành cá tính nghiêm túc của mình, nhưng đồng thời, ông cũng rất triệt để. Chủ trương của ông khi đăng tranh vẽ châm biếm nhà thiên sứ của Islam không nhằm vào ý thức hệ tôn giáo, mà là “sự tự do và quyền tự do”. Nhiều bạn bè nhận xét rằng “Charb là con người của tự do. Ông không muốn thấy bất cứ ngăn trở gì trong suy tưởng của mình. Cách thức sống của ông là cứ việc bày tỏ ý mình, vì đó chính là quyền tự do ngôn luận.”
Jean Cabut, ký trên tranh vẽ là Cabu, sinh năm 1938, theo học ngành nghệ thuật tại Paris, sau khi làm nghĩa vụ quân sự bên Algeria về đồng sáng lập tờ báo Hara-Kiri, tiền thân của tờ Charlie Hebdo. Theo nhà làm phim Daniel Leconte, “Cabu là một nghệ sĩ hội họa, một nhà thơ, một người đàn ông ngọt ngào và là một nhà báo lớn. Tay ông luôn phác thảo, luôn phóng bút vẽ, dù là những sinh hoạt và các nơi mà ông vẫn thấy mỗi ngày.” Nét vẽ của Cabu thuộc trường phái châm biếm chính trị, tương tự của họa sĩ Saul Steinberg hay Jules Feiffer, gần gũi với cách thưởng ngoạn của người Mỹ. Không có gì ngăn được ông không nguệch ngọac đôi nét về Mohammed, nhất là khi có một mẩu tin nóng về nhân vật nầy.
Bernard Verlhac được biết đến dưới bút hiệu Tignous, sinh năm 1957, cùng lúc cộng tác với nhiều tạp chí. Theo tường thuật của tờ báo ngày Le Monde (Thế Giới), ông là người mới gia nhập đội ngũ Charlie Hebdo. Tignous có tính cả thẹn trước mọi chuyện và mọi người – chỉ trừ khi ông cầm bút để vẽ, với lối vẽ truyền chân sôi nổi của mình.
Chân dung thủ phạm vụ giết người tập thể
Tương tự như hai thủ phạm vụ ném bom trong cuộc chạy việt dã ở Boston ngày 15/04/2013 là hai anh em ruột Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev, thủ phạm vụ tàn sát ban biên tập báo Charlie Hebdo cũng là hai anh em ruột một nhà: Saïd Kouachi (sinh ngày 7/09/1980) và Chérif Kouachi (sinh ngày 29/11/1982). Mặc dù chẳng xa lạ gì với nhà chức trách Pháp, hai đứa có cuộc sống âm thầm tại kinh đô ánh sáng của châu Âu. Cả hai cùng chào đời tại Pháp, con của cặp vợ chồng gốc Algeria di cư qua Pháp. Hai ông bà mất sớm, cả hai trở thành mồ côi từ bé. Thằng em Chérif sống trong gia đình cha mẹ nuôi ở thị trấn Rennes nằm cách thủ đô 350 cây số về phía tây, đã qua một lớp để trở thành huấn luyện viên thể dục trước khi dời về Paris sống chung với thằng anh trong gia đình một người mới theo đạo Islam. Làm em, nhưng Chérif tỏ ra vượt trội về quyền biến và bản lĩnh. Chérif giấu kín các kinh nghiệm quân sự của mình. Trong thời gian quần quật với một chuỗi những công việc thấp kém kể cả đi giao pizza khắp hang cùng ngõ hẻm thủ đô, hắn đã có dịp tiếp xúc với các đường dây hoạt động thánh chiến bí mật. Dưới bí danh Abu Issen, hắn là thành viên của mạng lưới Buttes-Chaumontchuyên tuyển mộ và gởi các phần tử “thánh chiến” (jihadist) để chiến đấu dưới cờ al-Qaeda sau khi Mỹ và đồng minh đổ quân vào Iraq. Đầu năm 2005, mới 22 tuổi, hắn đã bị bắt khi cùng một đồng bọn chuẩn bị qua Syria để cầm súng đánh Mỹ. Trong thời gian ngồi nhà tù Fleury-Mérogis ở phía nam Paris từ tháng 1/2005 tới 10/2006, hắn móc nối được với trùm khủng bố Djamel Beghal. Tên nầy sinh năm 1965, cùng gốc Algeria như hắn, bị bắt ngày 28/07/2001 tại phi trường quốc tế Dubai khi đang chờ đổi chuyến máy bay từ Pakistan tới, để bay đi châu Âu, với hộ chiếu giả của nước Pháp. Bị bắt, Beghal thú nhận với nhà chức trách Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) rằng hắn đang định thực hiện âm mưu làm nổ tung sứ quán Mỹ tại Paris. Ba tháng sau, hắn bị dẫn độ sang Pháp, và đã khai tiếp với chánh thẩm Jean-Louis Bruguière rằng hắn đã từng gặp Osama bin Laden tại Afghanistan để lên kế hoạch đánh bom tự sát. Với các thành tích âm mưu khủng bố kể trên, hắn và 5 đồng bọn được chính phủ Pháp tặng bản án dài bằng 10 cuốn lịch để bóc dần.
Tại Paris, thằng Chérif thụ giáo với thầy Farid Benyettou, là một nhà truyền giáo Muslim ở đền Addawa trong quận nội thành số 19. Hơn một lần hắn muốn làm thịt người Do Thái ở Pháp, nhưng sư phụ can ngăn hắn, rằng không như bên Iraq, nước Pháp không là “miền đất dung thân của thánh chiến”. Tới năm 2008, Chérif lại ta tòa, bị kêu án 3 năm tù giam cộng thêm 18 tháng tù treo vì tội khủng bố khi tham gia gởi chiến binh tuyển mộ được sang Iraq cho nhóm Hồi giáo vũ trang của Abu Musab al-Zarqawi, cộng thêm tội danh là thành viên của tổ chức chiêu mộ thanh niên Hồi giáo tại Pháp để đi cầm súng cho al-Qaeda bên Iraq.
Mãn án tù, Chérif cặp được cô bạn gái tương đối vững vàng, và vào tháng 9/2009 hắn kiếm được một chân bán cá tôm trong siêu thị Leclerc tại khu vực Conflans Sainte Honorine – hai yếu tố để mọi người nghĩ đến lúc hắn đã rửa tay gác kiếm, để mặc cho dĩ vãng trôi qua và làm lại cuộc đời. Tại chỗ làm, hắn đánh lừa được cả bà quản đốc, là người chứng minh rằng khi hé môi, hắn chỉ đề cập tới một chuyện duy nhất là các loại cá và giá cả cá mú trên thị trường. Nhưng thực ra, theo điều tra của báo Le Monde, hắn đã lẳng lặng bắt liên lạc lại với các đồng bọn cũ của mình, để bị lọt vào cái bẫy của mạng lưới tình báo cài bên trong đội ngũ “thánh chiến”, nhằm âm mưu tổ chức vượt ngục cho một tên bị án chung thân tên Smaïn Aït Ali Belkacem. Belkacem lại cũng là dân gốc Algeria, một thành viên nhóm Hồi giáo vũ trang bị bắt trong đêm 2/11/2005 tại căn chung cư của mình với nhiều hỏa pháo, 4.8 kí thuốc súng, 183 viên đạn, 3 súng lục. Ngoài ra, Belkacem là một trong những thủ phạm vụ nổ bom ga tàu điện Musée d’Orsay ở Paris làm thiệt mạng 8 thường dân vô can. Anh em Kouachi thoát khỏi bị truy tố vụ vượt ngục của Belkacem vì không có đủ tang chứng cụ thể, nhưng trong hồ sơ vụ án ghi rõ “mặc dù nguồn gốc đương sự được chứng minh có liên quan đến phe Islam cực đoan cũng như chính đương sự bộc lộ quan điểm muốn biện hộ cho việc tổ chức thánh chiến có vũ trang là hợp pháp.”
Năm 2011, thằng anh Saïd Kouachi tới thăm Yemen và lưu trú nhiều tháng để được các tay vũ trang al-Qaeda phân bộ Bán đảo Ả rập huấn luyện quân sự. Thời gian nầy, hắn đã gặp tay trùm Anwar al-Awlaki tại một địa điểm ở tỉnh Shabwa ở phía nam, trước khi al-Awlaki bị máy bay không người lái của Mỹ giết vào tháng Chín cùng năm.
Với tổng số hơn 5 triệu tín đồ Islam trong nước, quốc gia Pháp có đông hơn bất cứ nước nào tại châu Âu, nên chính phủ vất vả tìm cách theo bén gót các thành phần cực đoan mà không quá lộ liễu để làm phật lòng các tín hữu Islam chân chính, nhằm tránh tình trạng gia tăng bạo loạn do rút mây động rừng. Jonathan Laurence, tác giả cuốn Vấn đề tín đồ Islam tại châu Âu nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây rằng lực lượng an ninh của các nước châu Âu có quá nhiều công dân là cảm tình viên với phong trào thánh chiến đến độ vượt quá mức kiểm soát hay theo dõi, để có thể phân loại những kẻ chỉ nói ủng hộ thánh chiến bằng mồm ra khỏi những phần tử sẵn lòng cầm vũ khí để khạc đạn hay liệng bom vào người khác. Ông nầy giải thích: “Canh chừng cả khối đông quần chúng không thể là một giải pháp thực tế vì các quyền tự do dân sự cần phải được quân bình với thành quả mà việc canh chừng có thể thu hoạch được.”
Trong vụ thảm sát Charlie Hebdo, cảnh sát cho biết có một người thứ ba, 18 tuổi, thất nghiệp, theo đạo Hồi, quốc tịch Pháp gốc Bắc Phi là tài xế chở hai hung thủ tẩu thoát. Tên nầy cư trú tại thị trấn Charleville-Mézières, nằm sát biên giới nước Bỉ, cách Paris 200 km. Sáng sớm hôm sau án mạng, có một người như thế đã tới đầu thú với nhân viên công lực tại Charleville-Mézières, nhưng thanh niên nầy khai là lúc hai anh em Kouachi gây án, hắn còn ngồi trong lớp học. Điều nầy được nhiều bạn học của hắn xác nhận, do đó, đến giờ nầy hắn vẫn chưa bị truy tố trước luật pháp, và đã được phóng thích sau 50 tiếng đồng hồ lấy lời khai, vì liên quan duy nhất giữa người nầy với hai anh em nhà Kouachi chỉ là dây mơ rể má qua đường hôn nhân.
Hung thủ bị giết
Gây án xong, một trong hai hung thủ đánh rơi lại giấy căn cước trên chiếc xe mà chúng tẩu thoát, đụng vào xe khác để phải bỏ xe lại. 23 giờ sau, hai hung thủ được dân chúng báo cáo xuất hiện tại Aisne, ở phía đông bắc Paris. Các lực lượng an ninh vũ trang, kể cả Cục Cảnh sát Quốc gia và Lực lượng Cảnh sát Can thiệp Toàn quốc được huy động để tầm nã các can phạm. Qua buổi chiều, lực lượng tầm nã tập trung ở vùng Picardy, đặc biệt là ở khu bao quanh Villers-Cotterêts và ngôi làng Longpont, sau khi hai nghi can đánh cướp một cây xăng tại đây và bỏ xe lại để lẫn vào rừng. Cuộc truy lùng mở rộng tới khu vực bao quanh Rừng Retz, là một trong các cánh rừng rộng lớn nhất nước.
Qua ngày thứ ba, cuộc săn người tiếp diễn sau khi cảnh sát được báo chúng lai vãng vào buổi sáng ngày 9/01 với chiếc xe Peugeot mà chúng mới đánh cướp gần thị trấn Crepy-en-Valois. Cảnh sát đã rượt đuổi chúng trên đoạn đường dài 27 km, đến khi chúng vất bỏ xe, bắn trả với cảnh sát ở gần làng Dammartin-en-Goële, nằm cách Paris 35 km về phía đông bắc. Vụ chạm súng nầy làm nhiều người bị thương, trong đó chính thằng anh bị thương nhẹ vào cổ, nhưng không ai thiệt mạng.
Khoảng 9g30 sáng, hai anh em Kouachi trốn vào văn phòng của Création Tendance Découverte, một cơ sở in ấn nằm trong khu kỹ nghệ Dammartin-en-Goële, nơi ông chủ Michel Catalano đang có mặt cùng với nam chuyên viên ấn họa 26 tuổi tên Lilian Lepère. Catalano bảo Lepère vào trốn trong kho, còn anh ngồi lại bàn giấy một mình khi các hung thủ bước vào. Ngay sau đó, một khách hàng tên Didier đến đặt hàng in, đã gặp Catalano bước ra cùng với Chérif Kouachi cầm súng. Thằng em đã tự giới thiệu với Didier là cảnh sát đang truy lùng bọn sát nhân, sau khi bắt tay nhau, hắn căn dặn thêm, “Ông đi đi. Dù gì chúng tôi cũng không giết người thường dân.” Chính câu nói nầy làm Didier nghi ngờ Chérif là tên khủng bố, nên báo động ngay cho cảnh sát.
Sau khi Didier rời nhà in, Catalano quay vào bên trong và khép cửa lại. Ông chủ pha cà phê cho hai tên khủng bố, và băng bó cho thằng anh vừa bị thương ở cổ trước đó. Anh ta thề thốt rằng chỉ có anh ở tiệm một mình, và ngậm tăm về sự có mặt của Lepère trong kho, trong khi đó, nằm trong một chiếc thùng giấy lớn, Lepère dùng điện thoại di động gởi lời nhắn báo cho cảnh sát biết mọi diễn tiến trong suốt ba tiếng đồng hồ nhà in bị bao vây. Cảnh sát ở bên ngoài đã nắm vững tất cả tình hình bên trong, kể cả các yếu tố chiến thuật như vị trí chính xác của Catalano và của mỗi tay khủng bố.
Vì chỉ cách vòng vây quanh nhà in không quá 10km, phi trường quốc tế Charles de Gaulle đã ra lệnh đóng hai phi đạo chính để đề phòng tai nạn. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve căn dặn cảnh sát tìm cách vô hiệu hóa các tên khủng bố, nhưng đã cố gắng thiết lập đối thoại với chúng để điều đình việc di tản học sinh và thầy giáo của một ngôi trường chỉ cách đó nửa cây số, nhưng hai tên khủng bố không trả lời nhân viên công lực. Cuộc bao vây kéo dài tới gần tròn tám tiếng đồng hồ. Tới 4:30 chiều, có ba tiếng nổ thật lớn gần tòa nhà đặt cơ sở in. Ba mươi phút sau, một toán cảnh sát chiến đấu đổ bộ xuống mái nhà in, trong khi một trực thăng vũ trang khác đáp ngay xuống sát nhà in. Trước khi cảnh sát phá cửa xung phong vào, hai tên khủng bố chạy ùa ra sân, vừa bắn tới tấp về phía cảnh sát. Đúng như chúng đã tuyên bố trước đó rằng chúng muốn chọn cái chết của kẻ tử đạo, cuộc bao vây kết thúc sau khi cả hai anh em thằng Kouachi bị bắn chết vì trận mưa đạn của công lý. Anh Lepère được giải thoát không sứt mẻ một sợi tóc, và anh Catalano cũng bình an. Cảnh sát đã thu nhặt các cây súng AK, bom xăng và súng phóng hỏa tiễn mang về làm tang chứng tội ác.
Thánh chiến: thêm một vị thánh đi chiến đấu
Vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo không riêng lẻ, và không chỉ do hai tên khủng bố nổi cơn cuồng tín đột xuất. Chúng đã tính toán và sắp xếp, để cùng lúc gây đổ máu tại hơn một địa điểm trong thủ đô Paris – nhân danh Thiên sứ Mohammed và đạo Islam, để làm “thánh chiến” và gây chết chóc cho hàng loạt người vô tội. Vị “thánh” thứ ba nhân danh đạo Islam để “chiến đấu” có tên Amedy Coulibaly. Hắn sinh ngày 27/02/1982, là đồng bọn của Saïd và Chérif Kouachi, đột nhập siêu thị Do Thái và bắt cóc cũng như bắn chết con tin.
Coulibaly chào đời ở Juvisy-sur-Orge, một vùng ngoại ô Paris, có nguồn gốc từ nước Senegal. Bắt đầu từ tuổi 17, hắn đã bị kêu án nhiều lần vì tội trộm cắp, và thêm một lần mang án buôn bán ma túy. Khi thụ án cướp có vũ khí vào năm 2005, trong tù, hắn gặp Chérif Kouachi. Mãn án tù, hắn kết hôn theo nghi thức tôn giáo với cô Hayat Boumeddiene, nhưng không đăng ký kết hôn theo pháp luật. Tháng 5/2010, cảnh sát lục soát căn chung cư của hắn và bắt gặp 240 viên đạn súng trường cỡ 7.62 ly mà hắn khai là để buôn đi bán lại kiếm lời. Tên hắn có trong danh sách các buổi tụ tập ở công viên Parc des Buttes Chaumont, nơi hắn và Chérif Kouachi thường tụ tập với các thành viên cực đoan người Pháp gốc Algeria khác. Hắn thường bày tỏ nguyện vọng được sang Iraq hay Syria cầm súng giết Mỹ. Năm 2010, hắn lãnh án 5 năm vì dính dấp tới âm mưu phá nhà ngục để Smain Ait Ali Belkacem trốn thoát. Sau đó, hắn được tha sớm.
Một ngày sau vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo, Coulibaly bắt đầu ra tay bằng việc lạnh lùng bắn chết một nữ cảnh sát tại Montrouge, rồi đột nhập siêu thị Do Thái ở Porte de Vincennes, cũng tại Paris. Khi khống chế siêu thị bằng con tin, Coulibaly bỏ một khẩu súng trên quầy tính tiền, trong khi tay vẫn thủ một khẩu AK khác. Khẩu súng trên quầy bị kẹt đạn nên hắn không dùng tới nữa, nhưng một nhân viên siêu thị tên Lassana Bathily không hề biết. Lợi dụng lúc hung thủ đang đứng quay lưng, Lassana chụp lấy súng trên quầy, nhắm vào lưng tên khủng bố, bóp cò. Súng không nổ. Anh bị Coulibaly quay lại, xả một tràng đạn, quỵ xuống chết tức khắc trên vũng máu. Hắn tự giới thiệu với các con tin và ra lệnh cho họ gọi phôn báo lại cho báo chí ở bên ngoài: “Tôi tên Amedi Coulibaly, là tín đồ Islam. Tôi là người của Quốc gia Hồi giáo.” Hắn cũng tự xác nhận chính hắn đã sát hại người nữ cảnh sát ngày hôm trước, cũng như hắn đang ra tay để hợp đồng hành động với hai anh em vừa gây nợ máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo.
Một người con tin tên Michael B. đã bị hắn ra lệnh gọi ra cho nhà báo. Sau đó anh nầy lén lút gọi tiếp cho cảnh sát biết tình hình bên trong chợ. Cảnh sát dặn dò anh để anh nhắn lại cho các con tin khác: “chừng nào cuộc tấn công xẩy ra, mọi người phải nhanh chóng nằm sát xuống sàn nhà. Cuộc đột nhập sắp bắt đầu sớm.” Bên trong, tên khủng bố đã chuẩn bị để đón nhận cái chết mà hắn gọi là phần thưởng của hắn. Mỗi tay hắn giữ chặt một khẩu súng, kề bên là các thùng đạn. Bỗng dưng hắn bắt đầu cầu kinh. Điện thoại của anh Michael vẫn chưa tắt, cảnh sát bên ngoài nghe rõ tất cả. Ít phút sau, khung cửa lưới của chợ thình lình được kéo lên. Màn ảnh truyền hình trên thế giới chiếu cảnh khoảng 30 cảnh sát vũ trang tràn tới cửa chính của chợ. Máy quay ghi lại cảnh lựu đạn được ném vào, trước khi một người cảnh sát đơn độc và can trường lao qua cửa chính. Xác một con tin nằm ngay trên sàn nhà, cạnh cửa. Các cảnh sát cùng ập vào, vừa nổ súng. Một cảnh sát phía bên phải cửa chính hướng nòng súng lên, trong tích tắc, một thây người đổ xuống. Đó là xác Coulibaly. Sau đó, các con tin ùa ra khỏi cửa, hít thở không khí tự do. Cảnh sát tịch thu cây AK và khẩu súng lục mà Coulibaly đã dùng để bắn lại họ. Sau khi hắn chết, họ còn tìm thấy thêm hai súng lục Tokarev do Nga chế tạo, hai súng máy, một áo giáp và nhiều thùng đạn, chưa kể 15 khối chất nổ và một bộ phận kích hỏa mà hung thủ gài quanh siêu thị. Phía con tin có 4 người chết, trong đó có Yoav Hattab, mới 22 tuổi, con trai của giáo sĩ Do Thái tên Betto Hattab.
 150122001
Thánh tử đạo?
Những tên khủng bố bị bắn chết đợt nầy tự nhận là làm thánh chiến để trả thù cho hành động châm biếm vị thiên sứ của họ. Đọc toàn thể 114 chương (surah) của Thiên kinh Qur’ran, chúng ta sẽ không thấy đạo Islam khuyên bảo tín đồ phục hận hay giết người. Ngược lại, sách kinh nhắc đi nhắc lại về bản chất nhân từ và sự thứ tha của Allah, rõ rệt nhất là ở các câu số 182, 199, 218, 226 và 235 của chương 2 (al-Baqara), hay các câu 89 và 155 của chương 3 (al-‘Imran).
Chúng tôi đã mang vấn đề tế nhị nầy ra hỏi, và được học giả Dohamide Abu Talib thuộc Islamic Society of Indochina trả lời:“Cần phân biệt rõ hành động của các bè nhóm từng vùng, từng địa phương, trong bối cảnh chánh trị riêng. ISIS xuất phát từ Iraq và Syria không tiêu biểu cho toàn bộ tôn giáo Islam mà căn bản tín lý là an bình chớ không phải giết chóc man rợ.”
Ngoài ra, khi chúng tôi đặt vấn đề “Có phải Islam phát huy khủng bố và làm cho khủng bố thành một đe dọa cho thế giới?” ông Dohamide đã giải thích như sau: “Islam và khủng bố là các đối nghịch rõ ràng. Các tín lý căn bản của Islam đều hướng các tín đồ duy trì và phát huy an bình xuyên suốt thế giới. Islam là đức tin của sự ôn hòa, như vậy, một người Muslim chân chính và biết kính sợ Allah không thể là một kẻ cuồng tín và cũng không phải là một người cực đoan. Không đời nào Islam lại tha thứ các vụ cưỡng chiếm, bắt cóc và hành hạ hay giết hại người vô tội để đạt các mục tiêu riêng của mình.”
Như thế, hành động giết ký giả khi họ đối lập với mình chỉ là trò dã man dành riêng cho thành phần hèn hạ, ngụy Hồi giáo, hay cho đảng viên cộng sản, như khi họ giết ký giả Từ Chung tại Sài Gòn vào ngày 30 tháng 12 cách đây vừa chẳn 50 năm.
NgyThanh

Đảng không sang sao dân hết tối?

VRNs (23.01.2015) – Washington DC, USA – Quyết định bưng bít sự thật của  Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng  sau Hội nghị Trung ương 10 (từ ngày 05 đến 12/01/2015) đã gây  hoang mang trong xã hội và làm yếu  thêm  sức đề kháng của dân tộc trước hiểm họa xâm lăng mới của Trung Quốc.
Bằng chứng này không đến từ điều được gọi là “những phần tử xấu”, “các thế lực thù địch”, hay “những kẻ cơ hội” mà  từ sự thất vọng của nhiều người, kể cả ông Vũ Mão – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Giáo dục Việt Nam ngày 16/01/2015, ông Vũ Mão không giấu sự ngạc nhiên của ông khi thấy 20 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư  không phải nạp bản “kê khai tài sản”  để kiểm chứng sự trong sạch trước cuộc bỏ phiếu ngày 10/01/2015.
Ông nói: “ Tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề kê khai tài sản, lâu nay chúng ta đã làm nhưng vẫn mang tính hình thức. Kê khai thì cứ kê khai, chưa có sự xem xét, kiểm tra đích đáng. Đó là chưa nói tới việc công bố cho nhân dân biết. Trong khi chúng ta đề nhận thức đây là vấn đề mấu chốt của việc có tham nhũng hay không?”
15012300
Phân tích của ông Vũ Mão đưa ra vào lúc mạng xã hội Chân Dung Quyền Lực công bố nhiều văn bản, tài liệu khả tin và hình ảnh về khỏan tài sản khổng lồ không thể do đồng lương mà có của gia đình 2 Ủy viên Bộ Chính trị là Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh và ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng.
Tuy nhiên, đảng đã không cho mở cuộc điều tra cũng như Ủy ban Trung ương đảng và cả Quốc hội cũng không dám hé răng trước Hội nghị Trung ương 10 khai mạc khiến dư luận quần chúng và cán bộ, đảng viên xầm xì râm ran khắp làng khắp xóm.
Dư luận xấu với hai Ủy viên Bộ Chính trị còn được bổ sung bởi những văn kiện có chữ ký và con dấu đỏ kèm theo hình ảnh chứng minh  của mạng Chân Dung Quyền Lực về khối lượng tài sản trị giá hàng ngàn tỷ bạc của gia đình hai ông Thanh và Phúc. Việc này  đã khiến mọi người quên đi nhanh chóng những lời nói tự khen Hội nghị Trung ương 10 “đã thành công tốt đẹp” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Vũ Mão cũng băn khoăn : “Khi nào Trung ương công bố phiếu tín nhiệm cho nhân dân biết? Chúng ta thấy đây là việc làm mới rất cần ủng hộ, có lẽ vì còn mới nên các đồng chí lãnh đạo Đảng đang tính toán cẩn trọng, nhưng theo tôi tiến tới nên công bố cho nhân dân biết kết quả. Nhân dân mong muốn được biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, qua đó thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng đối với vận mệnh của đất nước, đối với sự nghiệp xây dựng đổi mới đất nước.
Hơn nữa, chúng ta nói Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, vậy thì nhân dân rất cần biết Đảng lãnh đạo thế nào, chịu trách nhiệm thế nào và nhân dân được giám sát ra sao? Chính Điều 4 của Hiến pháp đã quy định như thế! Một xã hội dân chủ, văn minh thì đó là chuyện rất bình thường.”
Tuy nhiên, đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không “rất bình thường” chút nào vì, theo mạng báo Chân Dung Quyền Lực ngày 16/01/2015 thì ông Trọng chỉ được 135 phiếu “tín nhiệm cao” và 40 phiếu “tín nhiệm”, đứng hàng thứ 8 trong số 20 người lấy phiếu.
Trong khi đó thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại  đứng đầu bảng tín nhiệm cao với 152 phiếu và 22  tín nhiệm.  Ông Dũng là người  từng bị Bộ Chính trị  do ông Trọng đứng đầu đề nghị phải chịu một hình thức kỷ luật, nhưng bất thành, tại Hội nghị Trung ương 6 (từ 01-10 đến ngày 15-10-2012).
Tiếp ngay sau đó là Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang được 149 phiếu tín nhiệm cao và 30 tín nhiệm. Người thứ 3 là Bà Nguyễn Thị Kim Ngân với 145 phiếu tín nhiệm cao và 41 phiếu tín nhiệm.
Đáng chú ý là ông Trọng đứng dưới cả những Ủy viên, đáng lẽ phài đứng sau ông gồm Đại tướng Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng); Thượng tướng Ngô Xuân Lịch (Bí thư Trung uơng đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân); ông Ngô Xuân Dụ (Chủ nhiệm Ủy ban Kiềm tra Trung ương) và Đại tướng Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Như vậy, lý do ông Trọng quyết định  không công khai kết qủa bỏ phiếu cho dân biết đã được dư luận đồng thuận  là nhằm  bảo vệ thanh danh cho cá nhân ông mà thôi.
Nhưng càng che đậy, càng không thành thật với dân và với đảng viên vào thời đại không ai ngăn cấm được các tin đồn đóan lan nhanh trên mạng lưới thông tin điện tử  thì uy tín của ông Trọng nói riêng và của Ban Chấp hành Trung ương nói chung chỉ chuốc thêm nghi ngờ của dư luận.
Biết như thế nhưng các viên chức đảng có trách nhiệm Thông tin  lại cố lái những lỗi lầm và che đậy sự thật bằng các bài viết và lời tuyên bố  lên án cái gọi là “các thế lực thù địch cũng như kẻ xấu đã lợi dụng để tấn công vào nước ta”, như  tuyên bố của Thứ trường Thông tin &Truyền thông Trương Minh Tuấn với ViệtnamNet ngày 15/01/2015.
Ông Tuấn nói rằng: “ Hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm – xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết, tạo sự ngờ vực trong xã hội….Có thể gọi chung đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước. Như ở Anh tội phạm này bị xếp ngang hàng tội phạm tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân…”
Nếu đảng làm tòan việc tốt, cán bộ đảng viên biết  thực hành nghiêm chỉnh lời  ông Hồ Chí Minh dậy cán bộ từ buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam năm 1951 rằng đảng viên  phải“ nói  đi đôi với làm, phải gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, thật sự làm người đầy tớ trung thành của nhân dân”  thì làm gì có chuyện đảng bị chỉ trích mà ông Tuấn nói ngược đi là “xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo…”  ?
Ông Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nên  mạnh dạn hỏi ngay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem đảng đã “nói đi đôi với làm” được mấy phần trăm đối với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” , ban hành ngày 16/01/2012 ?
Nếu ông Tuấn không dám hỏi thì đừng mơ sảng để vu họa cho các thông tin trên mạng báo xã hội là thuộc loại  “tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN”.
Nếu đảng trong sạch, những người bị nêu tên tham nhũng, có những hành vi bất chính, xâm phạm quyền làm chủ và tài sản của nhân dân chứng minh được mình liêm chính, chí công vô tư thì hãy truy tố kẻ tố cáo, vu oan cho mình ra trước luật pháp. Dư luận và công chính sẽ đứng về phiá những cán bộ, đảng viên gương mẫu để sẵn sàng lên án những kẻ mà đảng gọi là “thế lực thù địch” hay” những kẻ xấu”.
Rất tiếc đảng chưa bao giờ dám làm như thế mà người dân chỉ được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đi nói lại từ năm 2013 rằng : “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng.”
Đó là câu nói “đúng”, nhưng chưa “trúng” vì tình trạng tham nhũng, lãng phí lúc nào cũng bị  đảng cảnh giác là “vẫn còn nghiêm trọng” hay “mỗi ngày một tinh vi, phức tạp” nhưng lại chưa tìm ra những kẻ “tay đã nhúng chàm”  thì dân phải thắc mắc và đảng có nhiệm vụ đáp ứng “quyền được thông tin” của dân theo quy định của  Luật Báo chí.
Ngược lại, dân lại được  ông Thứ trưởng Trương Minh Tuấn kêu gọị “cần phải cảnh giác, tẩy chay thông tin độc hại, không tiếp tay cho tội phạm thông tin ảo lan truyền thông tin.
Hành động của ông Tuấn là phủi tay để trốn trách nhiệm cho Bộ Thông tin & Truyền Thông. Người dân chỉ tin vào những việc làm trong sáng và có tính thuyết phục của đảng và nhà nước. Người dân không có khả năng ngăn cản thông tin trên mạng điện tử tòan cầu, và tất nhiên đó không phải là nhiệm vụ của dân.
KHÔNG THỂ CẤM MẠNG XÃ HỘI
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nói : “Hiện nay có khoảng hơn 30 triệu người Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội, đây là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải thông tin chính xác, kịp thời mới định hướng tốt dư luận, nhất là trên mạng xã hội. Đây cũng là một nhiệm vụ mới mà Văn phòng Chính phủ cần phải làm tốt trong năm nay.” (Thành Chung, đài Tiếng nói Việt Nam/ Voice of Vietnam, VOV)
Cổng thông tin của Chính phủ cũng viết ngày 16/01/2015: “Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải chủ động đưa thông tin cho chính xác trên mạng xã hội. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân tin. Đây là nhiệm vụ mới, cần phải làm tốt hơn.”
Báo Sàigòn Giải phóng: “Chúng ta lên facebook là có thể xem được hết. Tôi được thông báo có hơn 30 triệu người dùng facebook. Thông tin không thể cấm được, vì đó nhu cầu thiết yếu, chính vì thế rất cần cung cấp các thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời. Ai nói gì thì nói nhưng có thông tin chính thống từ Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt
Ông Dũng đã đưa ra lời tuyến bố mới mẻ này tại  tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, tổ chức tại Hà Nội ngày 15/01/2015.
Ông là người lãnh đạo cao cấp  đầu tiên trong đảng nhìn nhận nhà nước  “không thể ngăn cấm”  hoạt động của các mạng xã hội ở Việt Nam, ngược lại với họat động chống các Bloggers (Nhà báo xã hội)  và Tổ chức Xã hội Dân sự của hai bộ Thông tin&Truyền Thông và Bộ Công an.
Tuy nhiên, lời tuyên bố “biết nhìn vào sự thật”  và công nhận  “quyền được thông tin” của người dân của người đứng đầu Chính phủ đã không được đăng trên các báo diện tử  của Trung ương đảng, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), báo Nhân dân, báo Quân dội Nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tường thuật về Hội nghị của Văn phòng Chính phủ, TTXVN viết:”Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Văn phòng tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo, đồng thời thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm hậu cần kỹ thuật, trong đó đặc biệt lưu ý tập trung đưa công nghệ thông tin, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động chỉ đạo điều hành để đảm bảo tính kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí. 
Một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị, các cấp chuyên viên cần phát huy trách nhiệm của mình và đều có trách nhiệm trong thực hiện công tác thông tin truyền thông; kịp thời cung cấp các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý điều hành để toàn dân biết, toàn dân thực hiện, tạo sự đồng thuận, đồng lòng triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thông qua hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành bằng các quyết định của Chính phủ và đây cũng là quyền được cung cấp thông tin của người dân.” 
Tin của TTXVN cũng được báo Quân đội Nhân dân đăng lại.
Và báo Nhân Dân chỉ  dẫn chỉ thị của ông Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, đẩy nhanh việc thực hiện Chính phủ điện tử đi đôi với chú trọng công tác bảo mật, coi đây là một công tác trọng tâm; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Ðồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác thông tin truyền thông để tạo đồng thuận trong dư luận xã hội về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Những vấn đề bức xúc nổi lên trong xã hội, thông qua các kênh thông tin, Văn phòng Chính phủ phải chủ động đề xuất để có hướng xử lý ngay.”
Vậy sự  khác biệt giữa “đăng” và “không đăng” lời tuyên bố “không thể cấm được” mạng xa hội của người đứng đầu Chính phủ đã nói lên điều gì trong nội bộ Lãnh đạo của đảng  ?
Thứ nhất, nó thể hiện sự thiếu thống nhất trong đường lỗi lãnh đạo thông tin.
Thứ hai, một tình trạng kình chống nhau giữa các lãnh đạo hàng đầu của đảng và Chính phủ đã xẩy ra ở vào thời kỳ “nhạy cảm” nhất trước Hội nghị đảng XII, tiếp theo sau kết qủa bỏ phiếu Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10.
Thứ ba, sự thể các cơ quan báo chí, truyền thông “ruột” của Ban Tuyên giáo Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, người đứng thứ 13 với 122 phiếu tín nhiệm cao và 50 phiếu tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/01/2015 (theo Chân dung Quyền Lực)  cũng có thể suy diễn như một phản ứng cá nhân đối với uy tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu bảng phiếu tín nhiệm cao trong Bộ Chính trị.
Thứ tư, phản ảnh một tình trạng lúng túng không biết phải xử lý ra sao đối với lời tuyên bố “qúa mới” và “vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa” của  Ban Tuyến giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị và được Trung ương 10 đồng ý phải “đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.”
Nhưng  ai cũng thấy chỉ khi nào đảng trong sáng trong mọi lời nói và việc làm thì dân mới tin, một tình trạng đảng đang phải đối phó vất vả sau Hội nghị Trung ương 10.
Thật nguy nan là quyết định bưng bít chuyện nội bộ, dù có lợi nhất thời cho vị trí cầm quyền của một số lãnh đạo sẽ không tránh khỏi lợi dụng của nước láng giềng nhưng  không thật lòng Trung Quốc. Vì sự mất đòan kết trong đảng và giữa đảng và nhân dân chỉ làm tiêu hao tiềm năng đề kháng của dân tộc trước tham vọng bá quyền ở  Biển Đông của Bắc Kinh.
Bằng chứng xây dựng các căn cứ quân sự, trạm tiếp vận, sân bay và mở mang các đảo và bãi đá chiếm của Việt Nam và Phi Luật Tân ở Biển Đông trong  4 năm qua là mối nguy cơ Việt Nam sẽ mất quyền kiểm soát nguồn tài nguyên của mình ở khu vực Trường Sa.
Trước viễn ảnh như thế mà chỉ thấy lãnh đạo đảng và Quân đội nhân dân loay hoay lo chống đỡ và ăn nói hòa hoãn theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và nhất trí cùng nhau trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” , theo chỉ dẫn của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1991.
Một bài viết đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 17/01/2015 của Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh đã phản ảnh sự hòa hoãn này: “ Năm 2015-năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước-là dịp tốt để hai bên cùng nhìn lại chặng đường đã qua và cùng hướng tới một chặng đường mới cho quan hệ hai nước. Trước sau như một, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, chân thành mong muốn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang đầy rẫy các bất ổn, mọi con mắt đang hướng và đặt nhiều kỳ vọng vào châu Á.”
Ông Minh nói tiếp : “ Trên tinh thần đó, trong năm kỷ niệm 2015 và các năm tiếp theo, hai bên cần thúc đẩy hợp tác thực chất, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Các bộ, ngành và địa phương hai nước cần cùng nhau cố gắng thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích cho nhân dân hai bên. Để củng cố nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước, hai bên cần tích cực có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường tình cảm hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, đặc biệt giữa thế hệ trẻ hai nước.”
Nhưng lời nói ngọai giao “mềm như con giun” của ông Phạm Bình Minh không phản ảnh những gì Trung Quốc đang đối xử với Việt Nam ở Biển Đông, trên Vịnh Bắc Bộ và đất liền.
Vì vậy giữa tình hình chính trị nội bộ rối ren, bè phái của đảng và chính sách ngoại giao e dè, sợ bị Trung Quốc đánh úp của lãnh đạo Việt Nam không làm  dân an lòng trước âm mưu chiếm đóng lãnh thổ ở Biển Đông ngày càng rõ ràng của Bắc Kinh.
Do đó, lời khuyên các cơ quan Chính phủ phải  sử dụng  mạng xã hội để thông tin nhanh đến dân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị báo “chính thống của đảng” chận  lại cần được Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng xử lý nếu  ông không ra lệnh cho Ban Tuyên giáo cứ giữ  kín mọi chuyện trước dân, kể cả chuyện Biển Đông, để  cho ông  được sáng đến hết nhiệm kỳ.

Phạm Trần

Nghĩ thêm về tự do ngôn luận


Nguyễn Hưng Quốc
VOA-23.01.2015
Sự kiện hai người Hồi giáo cực đoan giết chết 10 nhà báo và hoạ sĩ vẽ tranh biếm hoạ tại toà soạn báo Charlie Hebdo tại Paris vào ngày 7 tháng 1 vừa qua chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống chính trị và xã hội trên thế giới, đặc biệt, ở các quốc gia Tây phương. Chắc chắn các chính phủ sẽ đặt lại vấn đề về an ninh, về các chính sách nhập cư cũng như các chính sách liên quan đến người Hồi giáo. Đối với các học giả, có một vấn đề được đặt lại: tự do ngôn luận.

Ở Tây phương, người ta xem tự do ngôn luận là một trong những quyền căn bản và quan trọng nhất trong xã hội. Cái gọi là tự do ngôn luận ấy bao gồm nhiều khía cạnh: tự do tìm kiếm thông tin, tự do diễn dịch thông tin và cuối cùng, tự do phát tán thông tin dưới mọi hình thức, từ nói đến viết, từ môi trường thực ngoài đời đến môi trường ảo của internet. Cái gọi là quyền tự do ngôn luận ấy cũng bao gồm nhiều hình thức: tán đồng hoặc phê phán và phản biện lại các chính sách của chính phủ cũng như các niềm tin của con người. Người ta xem quyền tự do ngôn luận theo cách hiểu ấy là thước đo của dân chủ. Không có tự do ngôn luận sẽ không có dân chủ. Không có tự do ngôn luận, các quyền tự do khác, từ tự do tư tưởng đến tự do tôn giáo và tự do chính trị đều trở thành vô nghĩa.

Tuy nhiên, sau cuộc thảm sát tại Charlie Hebdo, nhiều người đặt lại vấn đề: Liệu quyền tự do ngôn luận có giới hạn hay không? Nếu có, đó là những giới hạn gì?

Câu hỏi thứ nhất, thật ra, không phải là vấn đề. Hầu như ai cũng đồng ý: cũng giống mọi thứ tự do khác, tự do ngôn luận cũng có những giới hạn của nó. Vấn đề chính nằm ở câu hỏi thứ hai: Đó là những giới hạn gì? Về phương diện lý thuyết, câu trả lời rất đơn giản: Không được xúc phạm đến người khác. Cái gọi là người khác này có hai bình diện: Một, với tư cách cá nhân, tự do ngôn luận không được quyền biến thành một sự khiêu dâm hay một sự vu khống và nhục mạ người khác; hai, với tư cách tập thể, tự do ngôn luận cũng không được quyền xúc phạm đến quyền lợi của quốc gia và những giá trị phổ quát của nhân loại. Ở cả hai bình diện, điều mà luật pháp của hầu hết các quốc gia đều nghiêm cấm là việc xúc phạm đến người khác trên cơ sở màu da hay giới tính. Liên quan đến màu da, phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều nghiêm cấm việc tuyên truyền hay bênh vực cho chủ nghĩa phát xít, thậm chí, ở một số quốc gia, người ta còn cấm cả việc hoài nghi đối với các tội ác của Hitler và Nazi trước và trong đệ nhị thế chiến.

Việc cấm kỳ thị chủng tộc và sắc tộc cũng như kỳ thị phái tính tương đối dễ hiểu và khá rõ ràng. Chỉ có một vấn đề còn gây nhiều tranh luận là tôn giáo: Liệu người ta có quyền nhân danh tự do ngôn luận để chế giễu tín ngưỡng của người khác?

Về phương diện pháp lý, từ Hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ (Tu chính án số 1, 1791) đến Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (1949, điều 18 và 19), người ta đều gộp chung hai thứ quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, lại với nhau và cho đó là những thứ quyền bất khả xâm phạm mà nhà nước không có quyền ngăn cấm hay can thiệp. Tuy nhiên, trong lịch sử, quan hệ giữa hai loại quyền này rất phức tạp. Chỉ trong mấy thập niên vừa qua, nhiều văn nghệ sĩ bị kết án và bị đe doạ khi trong tác phẩm của họ có một số chi tiết bị xem là xúc phạm đến một tôn giáo nào đó. Ví dụ tiêu biểu nhất là trường hợp của nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie với cuốn tiểu thuyết The Satanic Verses được xuất bản vào năm 1988, bị giáo chủ Ayatollah Khomeini ở Iran tuyên án tử hình. Được sự giúp đỡ và bảo vệ của cảnhh sát Anh, Salman Rushdie được an toàn, nhưng người dịch cuốn tiểu thuyết ấy sang tiếng Nhật thì bị bắn chết, người đứng ra xuất bản cuốn sách ấy ở Na Uy thì bị bắn bị thương.

Vấn đề quan hệ giữa tự do ngôn luận và tự do tôn giáo lại được đặt ra một cách gay gắt hơn nhân vụ khủng bố tại tòa báo Charlie Hebdo với câu hỏi: Liệu việc Charlie Hebdo vẽ Thiên Chúa ba ngôi (Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần) đang ngồi thủ dâm với nhau hay vẽ Muhammad trần truồng quỳ chổng mông, dưới đít có hình ảnh một ngôi sao màu vàng hoặc vẽ hình một người Hồi giáo cầm kinh Koran để đỡ đạn với lời bình “Kinh Koran như cứt, không chống được đạn” có thể chấp nhận được hay không?

Trả lời câu hỏi ấy, người ta có thể đứng trên hai bình diện: thực dụng và nguyên tắc. Từ bình diện thực dụng, người ta cho việc báo Charlie Hebdo mang Muhammad ra chế giễu là điều không những không cần thiết mà còn dại dột: Người ta đã biết trước là những người Hồi giáo sẽ phẫn nộ và một số cực đoan trong họ sẽ có những phản ứng đầy tính bạo động có thể gây nên những thiệt hại về vật chất lẫn nhân mạng. Từ bình diện nguyên tắc, người ta có thể phản đối những tính toán thực dụng vừa kể với lý do đó là một sự thỏa hiệp hèn nhát. Một sự tự do ngôn luận thực sự không thể đi đôi với những sự thỏa hiệp như thế bởi khi thỏa hiệp, người ta sẽ không còn thực sự tự do.

Nhưng từ góc độ nguyên tắc, quan niệm của các học giả cũng khác nhau.

Thứ nhất, quyền tự do ngôn luận, ở đây là tự do chế giễu và phê phán không được biến thành những lời phát biểu gây thù hận (hate speech). Nhiều bức tranh đăng trên Charlie Hebdo thuộc loại này. Hơn nữa, chúng cũng xâm phạm vào quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Nói một cách tóm tắt, người ta xem việc xúc phạm đến người khác trên căn bản tôn giáo cũng cần bị cấm như hai trường hợp chủng tộc và phái tính. Đây chính là chính sách của nhiều quốc gia, trong đó, có Úc.

Thứ hai, một số nhà văn và học giả chủ trương ngược lại. Họ cho tôn giáo, cũng như mọi ý tưởng khác của con người, đều cần trở thành đối tượng để phê phán và chế giễu. Với họ, trong khi về phương diện siêu hình, không ai biết tôn giáo nào đúng hay hay hơn tôn giáo nào, nhưng đứng về phương diện xã hội, hầu hết các tôn giáo đều có một số khuyết điểm, ví dụ sự cực đoan hay cuồng tín, ảnh hưởng đến con người. Trong khi người ta có bổn phận tôn trọng niềm tin của người khác, người ta lại có quyền phê phán hay chế giễu những niềm tin bị xem là mê tín hay cuồng tín. Nhưng khi phê phán các niềm tin, người ta không thể tránh được cảm giác xúc phạm. Đối với Salman Rushdie, sự xúc phạm ấy chính là yếu tính của tự do ngôn luận, hay, theo lời ông, tự do phát biểu. Cả hai là một. Ông đặt câu hỏi: “Tự do phát biểu là gì?” Rồi tự trả lời: “Không có quyền tự do xúc phạm, tự do phát biểu không còn hiện hữu nữa.” (What is freedom of expression? Without the freedom of offend, it ceases to exist.)

Giữa hai quan điểm nêu trên, quan điểm nào đúng? Đó chắc chắn sẽ là một vấn đề khiến giới học giả, từ xã hội học đến luật học, tiếp tục bàn cãi.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Long An: Bơm tạp chất vào diều gà, vịt để kiếm lời

LONG AN (NV) .- Để kiếm lời, người buôn bán gà vịt, từ bán sỉ đến bán lẻ cũng đều bơm tạp chất vào con vật cho nó tăng trọng lượng, cân nặng hơn thì bán được nhiều tiền hơn. Chỉ người tiêu thụ là thiệt.


Cắm ống sâu tận diều vịt rồi... múc tạp chất đổ vào phễu. (Hình: VietnamNet)

Trong một ký sự điều tra hôm Thứ Năm 22-1-2015, Vietnamnet cho hay, có một cơ sở đầu mối ở tỉnh Long An “Tên đầy đủ của chợ này là “Xưởng giết mổ gia cầm, thủy cầm Ngọc Sương”, địa chỉ ở ấp Phú Thành, xã Phước Lý, H. Cần Giuộc”.

Tại nơi này “người bán vô tư bơm tạp chất là nước và bã đậu vào diều của gà, vịt rất công khai, mặc dù luôn có hai cán bộ thú y túc trực 24/24.”

Khu chợ gà vịt Ngọc Sương có hai bộ phận khác nhau. Một bộ phận làm thịt gà vịt dây chuyền, cho vào bịch rồi chở bằng xe tải đi bỏ mối. Một bộ phận bán gà vịt sống phần lớn cho các người bán lẻ đến mua rồi mang tới bán ở các chợ vùng phụ cận Long An và Sài Gòn.

Theo nguồn tin, chợ này hoạt động suốt 24/24 giờ, là nơi tập trung gà vịt của dân quanh vùng được các lái buôn cấp 1 vận chuyển đến bán cho người trong chợ. Tại nơi đây, người bán sỉ bơm tạp chất một lần rồi sau đó người bán lẻ lập lại “công đoạn” này khi bày bán ở chợ.

“Ở đây họ bơm công khai, mặc dù có cán bộ thú y. Mỗi con gà sẽ bơm 1 lạng, vịt 2 lạng bã đậu, chỉ tội cho tụi tui, mua bị họ bơm thì về trước khi ra chợ chúng tôi cũng bơm thêm để bù vào không thì lỗ sặc máu...” Một lái buôn tên H. ở quận Bình Tân kể.

Thuật lại công đoạn buôn bán gian dối qua lời người trong cuộc, VietnamNet cho hay “Thời gian bơm (tạp chất) phụ thuộc vào các lái buôn gà cấp 1 tới giao sỉ. Trước khi chuyển gà (hoặc vịt) từ lồng của lái buôn cấp 1 vào lồng của lái buôn ở chợ Ngọc Sương, mỗi con gà (hoặc vịt) sẽ được công nhân bơm tạp chất như sau: lúc bắt gà (hoặc vịt) từ xe của đại lý bỏ qua lồng của mình, một công nhân vạch mỏ con gà, một người khác cầm sẵn dụng cụ (được chế bằng chai nước rửa chén, hoặc chế từ ống nhựa thành một cái bơm như bơm xe đạp) nhét sâu ống nhựa vào miệng gà và bóp mạnh (hoặc nhấn bơm), lập tức tạp chất sẽ vào thẳng diều gà.”

“Riêng vịt có cổ họng lớn thì dụng cụ “thổi” là cái phễu, phần đầu được gắn ống nhựa to bằng ngón tay cái. Mỗi khi “thổi”, ống nhựa cắm sâu vào diều vịt, cứ thế từng ca tạp chất múc đổ vào phễu, chảy thẳng vào diều vịt với thời gian chỉ vài giây.”


Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Sương. (Hình: Vietnamnet)

Giá bán trên thị trường hiện tại, gà khoảng 75 – 80,000đ/kg, vịt đồng giá với gà, nhưng vịt trắng chưa đến 40,000đ/kg. Trong chợ có khoảng 20 người bán sỉ gà vịt, mỗi người bán hàng trăm con mỗi ngày. Tính trung bình một ngày (chỉ tính riêng tạp chất là bã đậu và nước), họ cũng kiếm bạc triệu, theo Vietnamnet.

Bài ký sự của Vietnamnet cho hay, người bán lẻ sau khi mua, biết rằng gà vịt đã bị bơm tạp chất, thì lại “dùng tay bóp mạnh vào diều vịt đang căng phồng, vừa bóp vừa vẩy xuống đất tạp chất trong diều vịt tự động tống hết ra ngoài.”

Lý do: vận chuyển đường xa chúng có thể chết. “Để an toàn phải làm cách này thôi. Về tới nhà trước khi mang ra chợ bán tôi lại bơm thêm lần nữa có sao đâu”, một người được Vietnamnet thuật lời.

Trước đây, báo chí tại Việt Nam từng kể các câu chuyện từ bò cũng từng bị người ta bơm nước bẩn cho tăng trọng lượng, heo cũng bị bơm, nhồi cám vào bụng thêm nặng khi cân bán. Một con trâu, bò bị bơm nhiều nước có thể tăng trọng lượng thêm đến 20%, theo một bài viết trên Vietnamnet hồi Tháng Hai 2014. (TN)
01-22- 2015 4:40:09 PM

Giới tài chính Hồng Kông thách thức Bắc Kinh

Theo RFI-Thanh Hà
Ngày 22-01-2015 15:39
media
Hồng Kông : Người ủng hộ phong trào đòi dân chủ 'hoa dù' tập hợp trước trụ sở cảnh sát ngày 16/01/2015.Reuters

Trên nhật báo Mỹ, The Wall Street Journal số ra ngày 22/01/2015, khoảng 70 nhà hoạt động trong ngành tài chính Hồng Kông đòi Trung Quốc chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính này và công nhận quyền bầu cử tự do. Giới quan sát coi đây là một hành động thách thức Bắc Kinh.

Giới tài chính Hồng Kông mua lại một phần tư trang báo của tờ The Wall Street Journal, ấn bản tại châu Á để đăng 10 yêu sách gửi tới đảng cộng sản Trung Quốc. Trong đó các tác giả kêu gọi chính quyền Bắc Kinh chấm dứt kế hoạch cải tổ mà chỉ mang tính « dân chủ giả tạo ».

Trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, giám đốc điều hành tổ chức mang tên HK Finance Monitor 2047, Edward Chin giải thích : ba năm trước đây, ông không hề quan tâm đến các vấn đề chính trị. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Và giờ đây cần phải lên tiếng để được quyền sống trong một nền dân chủ thực thụ. Ông này cho biết thêm là kiến nghị gồm 10 điểm đòi tự do, dân chủ cho Hồng Kông sẽ được gửi đến lãnh đạo số 1 Trung Quốc là ông Tập Cận Bình.

HK Finance Monitor 2047 bao gồm nhiều chuyên gia trong ngành tài chính. Mục tiêu của tổ chức nhằm nhắc nhở: trước khi Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997, Bắc Kinh đã cam kết với Luân Đôn, trong vòng 50 năm đặc khu hành chính này được nhiều quyền tự do, từ tự do kinh doanh, đến tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp … Đó là những giá trị của một nền dân chủ.

Việc HK Finance Monitor 2047 đăng quảng cáo trên tờ báo Mỹ để đòi Bắc Kinh công nhận quyền của người dân Hồng Kông tự do bầu chọn lãnh đạo được coi là thách đố Trung Quốc. Phong trào chiếm đóng đường phố Hồng Kông vì dân chủ đã kéo dài hơn 2 tháng. Cách mạng hoa dù được khởi động từ tháng 9/2014 mới chỉ thực sự kết thúc vào tháng 12/2014 khi nhân viên cảnh sát Hồng Kông tháo dỡ toàn bộ lều trại của người biểu tình.

Các nhà dân chủ Hồng Kông phẫn nộ trước việc Bắc Kinh muốn can thiệp vào đời sống chính trị của đặc khu hành chính này. Trung Quốc đã cam kết để cho Hồng Kông được quyền tự do bầu chọn lãnh đạo nhân cuộc bầu cử vào năm 2017. Nhưng vào năm ngoái, Bắc Kinh đưa ra điều kiện là các ứng cử viên phải có được sự đồng ý của chính quyền Trung Quốc.

Mỹ lên án Trung Quốc tự ý cải tạo phi pháp các đảo trên Biển Đông

 cai tao cac dao tranh chap tren Bien Dong

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel.

Trong cuộc hội đàm quốc phòng với các quan chức Philippines, Mỹ đã lên án hành động tự ý cải tạo phi pháp các đảo trên Biển Đông của Trung Quốc, gây ra sự bất bình cho các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị hợp tác chiến lược song phương Mỹ - Philippines lần thứ 5, các quan chức Mỹ đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc ngừng ngay hoạt động cải tạo phi pháp các đảo trên Biển Đông, bao gồm một số dự án khai thác khai hoang đất và bãi cát hay đá ngầm.
“Đây không phải là vấn đề chỉ liên quan đến riêng Philippines và Mỹ, mà cho cả 10 nước ASEAN khác, để thấy được tầm quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp dựa trên những luật lệ và giải pháp hòa bình”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ-đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel tuyên bố trong cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Manila.
Theo Russel, các hành vi của Trung Quốc đe dọa sự ổn định của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ông và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong cuộc hội đàm với quan chức Philippines, bao gồm thứ trưởng Ngoại giao Evan Garcia và Thứ trưởng Quốc phòng Pio loeno Batino.
Ông Garcia cho biết, thông qua các hình ảnh giám sát từ vệ tinh đã phát hiện Trung Quốc đang tổ chức khai hoang phi pháp trên diện rộng các đảo ở Biển Đông, bất chấp phản đối từ phía các nước.
“Một dự án cải tạo lớn đang được Trung Quốc thực hiện trên các đảo, những bức ảnh có thể chứng minh điều này. Đây không chỉ đơn giản là một hoạt động cải tạo nhỏ mà Bắc Kinh muốn thực hiện, từ các thông tin thu thập được có thể kết luận Trung Quốc cố tình thay đổi hiện trạng các đảo tranh chấp,” Thứ trưởng Ngoại giao Garcia phát biểu.
“Hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông là một sự vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận giữa các nước trong thỏa ước 2002,  Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về quy tắc ứng xử tại Biển Đông (DOC). Điều này không thể có ích cho việc tìm kiếm con đường chung giữa những quốc gia tranh chấp tại khu vực này,” ông nói thêm.
Về phía mình, thay mặt chính phủ Mỹ, ông Russel nhận định Trung Quốc phải làm rõ những tuyên bố chủ quyền, vốn thuộc các nước khác, bằng luật pháp quốc tế.
Vào tháng 5.2014, chính phủ Philippines đã phát hành các hình ảnh giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc tại các bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa và đảo san hô lân cận thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những hình ảnh thu được cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện một số cải tạo lớn tại đây. Việt Nam, Philippines và Malaysia đã lên tiếng phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc.
Sau khi cuộc đàm phán chiến lược giữa Mỹ và Philippines kết thúc, Washington đã đồng ý tăng cường hỗ trợ các chi phí hiện đại hóa quân đội cho Manila. Theo đó, hơn 300 triệu USD viện trợ quân sự có từ năm  năm 2001 sẽ tiếp được gửi tới Phillippines cùng với 40 triệu USD vào năm 2015.
 
Hàn Giang (Theo PressTV

Đại gia miền Tây phá sản, nhân viên ngân hàng 'chết' theo

Hàng loạt đại gia thủy sản gần đây lâm vào cảnh cùng quẫn, người trốn biệt xứ, kẻ tù đày bắt bớ và nhiều cán bộ tín dụng cũng bị "sờ gáy" vì vi phạm các quy định cho vay, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.


Khi đại gia lần lượt xộ khám

Tháng 11/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giữ cả loạt giám đốc các công ty, nhà máy thủy sản đông lạnh tại Cà Mau để xử lý hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các doanh nhân này bị cáo buộc sử dụng chứng từ khống để vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Kéo theo đó, không ít cán bộ ngân hàng VDB khu vực Minh Hải cũng xộ khám theo.

Trước đó, đại gia nổi đình đám là Lâm Ngọc Khuân của Thủy sản Phương Nam cũng trốn biệt xứ, để lại khoản nợ 1.679 tỷ đồng và 27 cán bộ ngân hàng bị truy tố. Rồi đại gia Diệu Hiền của Thủy sản Bình An cũng lao đao một thời gian dài.

Công thức chung của các đại gia này đều là ngập rồi chìm hẳn trong nợ nần, đặc biệt là các khoản nợ ngân hàng, nợ nông dân.

Một nhóm các đại gia thủy sản Cà Mau vừa bị xử lý là điển hình cho việc mua bán, sang nhượng các nhà máy thủy sản, vay nợ rồi mất nghiệp. Họ tiếp cận đồng vốn quá dễ dàng, dễ đến bất thường khi mà doanh nghiệp ngừng hoạt động đến mấy năm vẫn được thẩm định, cho vay hàng trăm tỷ đồng. 

Đây là những ông bà chủ thường xuất phát từ vài vụ cá tại đìa, phất lên, mua nhà máy, xây kho lạnh thông qua việc vay vốn hàng trăm tỷ. 

Tuy nhiên, trước những biến đổi của thời cuộc, thuế má, cạnh tranh khốc liệt thì đã bị "knock out" khỏi thị trường do quản trị kém. Chưa kể, dư luận còn râm ran chuyện đằng sau đó là những mối quan hệ mờ ám, những tiêu cực mà các cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm sáng tỏ.

Đại gia miền Tây phá sản, nhân viên ngân hàng 'chết' theo
Hàng loạt đại gia thủy sản gần đây lâm vào cảnh cùng quẫn, người trốn biệt xứ, kẻ tù đày bắt bớ 

Nhóm còn lại thì lộ ra sự yếu kém trong quản trị tài chính doanh nghiệp. Họ xây nhà máy mới, xây xưởng đông lạnh... rất hoành tráng, nhưng tiền thu mua nguyên liệu thì không trả nổi. 

Chẳng hạn, thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất của Thủy sản Bình An là nợ tiền cá của nông dân, hệ quả là không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, trong khi công ty lại vừa đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất collagen lên đến hàng triệu USD.

"Một số doanh nghiệp sử dụng tiền khá tùy tiện, dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, dẫn đến mất cân đối. Lúc đầu còn xoay sở được, sau càng ngày càng lún sâu. Đến khi có sự cố, hay chỉ đơn giản là ngân hàng siết chặt, giảm quy mô dư nợ là doanh nghiệp lao đao, mất thanh khoản ngay" - một chuyên gia tài chính nhận xét.

Vị này cũng cảnh báo hiện tượng không ít doanh nghiệp thủy sản, thậm chí là cả doanh nghiệp lớn, đang mất cân đối tài chính, tiềm ẩn rủi ro.

Đại gia Lâm Ngọc Khuân thì vay tiền với mục đích sản xuất thủy sản, song lại ném vào bất động sản, xây biệt thự hoành tráng. Đến khi cần tiền tái đầu tư sản xuất thì túi đã cạn. Đây là bài học đau đớn cho các doanh nghiệp thủy sản khác.

Hơn nữa, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt với nuôi trồng chế biến cá tra, còn có lý do từ các yếu tố vĩ mô. Đó là thiếu quy hoạch chung, phát triển quá ồ ạt dẫn đến thừa nguyên liệu, trong khi cầu thế giới giảm. Thuế chống bán phá giá phi lý của Hoa Kỳ cũng gây thiệt hại lớn với DN.

Bài học "đắng" cho cán bộ tín dụng

Mỗi vụ xử lý, cơ quan bảo vệ pháp luật đều "sờ gáy" các cán bộ tín dụng. Họ đều bị xử lý về hành vi vi phạm các quy định cho vay, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Cáo buộc chung vẫn là thiếu thẩm định tài sản đảm bảo, đến khi xảy ra sự cố thì phải trả giá.

Đại gia miền Tây phá sản, nhân viên ngân hàng 'chết' theo
 Nhiều cán bộ tín dụng cũng bị "sờ gáy" vì vi phạm các quy định cho vay, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng

Bài học nhãn tiền với các nhà băng vẫn là khâu quản lý khách hàng. Đặc thù khi cho vay thủy sản là phải nhận tài sản đảm bảo. Đó là hàng tồn kho, thậm chí, hàng tồn kho luân chuyển rất nhiều. 

Những kho hàng đông lạnh hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ, không hiểu cán bộ tín dụng quản lý ra sao, kiểm đếm kho hàng thế nào mà đến khi xảy ra sự cố, xử lý trách nhiệm thì gần như 100% cán bộ tín dụng bị khởi tố, bắt giam.

Trong khi, cán bộ tín dụng lại có những áp lực nhất định về chỉ tiêu, về doanh số, về dư nợ quản lý quá lớn... có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Do vậy, thời gian tới, rất cần một định chế rạch ròi hơn để cán bộ tín dụng không run sợ khi tiếp tục cho vay.

Xin được nói thêm, việc cho vay đã gian nan, đặc biệt, khi phát sinh sự cố, mà công cuộc tái cơ cấu còn gian nan hơn rất nhiều. "Lằn ranh giữa anh hùng và tội đồ trong tín dụng rất mong manh. Tôi cho vay anh để tái cơ cấu, anh phát triển thì tôi là anh hùng, nhiều người khen ngợi. 

Nhưng ngược lại, anh chết, tôi cũng là tội đồ" - giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại ví von. Đây là bài học cảnh tỉnh để ngân hàng thiết lập cơ chế xử lý nghiêm các hành vi cố ý sai trái, nhưng cũng cần có hành lang bảo vệ nhất định cho cán bộ của mình.

Ngoài ra, qua những sự việc trên cũng cho thấy, vấn đề cạnh tranh của các ngân hàng đang tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. 

Đại gia Thủy sản Phương Nam là khách VIP của quá nhiều ngân hàng, ngân hàng nào cũng cấp hạn mức, cấp đến kịch khung, cấp mà không tính đến phần ngân hàng khác tài trợ, tài sản đảm bảo thì nhận trùng. Đến khi có dấu hiệu, các ngân hàng lại thường đồng loạt ngừng giải ngân. Doanh nghiệp nhiều khi oan gia vì như vậy.

Song, hậu quả lớn nhất để lại là sự thua thiệt rơi vào những người nông dân - vốn vất vả, gian truân để nuôi con cá, con tôm nhưng lại nợ nần đầm đìa, đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo VietnamNet