Saturday, December 29, 2018

Bốn nhà báo Tuổi trẻ online bị khai trừ và thu hồi thẻ hội viên nhà báo

RFA-2018-12-29   
Hình chụp báo Tuổi Trẻ Online
Hình chụp báo Tuổi Trẻ Online-Courtesy Tuổi Trẻ Online
Hội Nhà báo Việt Nam hôm 27/12 có quyết định khai trừ, thu hồi thẻ hội viên đối với 6 nhà báo trong đó có 4 người thuộc mạng báo Tuổi trẻ online (TTO) vì bị cho là "vi phạm đạo đức nghề nghiệp".
Theo TTXVN, bốn người thuộc TTO bị áp dụng hình thức kỷ luật nêu trên bao gồm ông ông Võ Hoàng Thuật, Phó Tổng thư ký tòa soạn phụ trách báo điện tử Báo Tuổi trẻ Online; bà Vũ Chi Mai, Thư ký tòa soạn; ông Phạm Minh Đức, phóng viên Ban Chính trị xã hội và ông Dương Thanh Dân, biên tập viên.
Một trường hợp khác bị thu hồi thẻ và khai trừ khỏi Hội nhà báo Việt Nam là bà Hà Thị Thanh Thúy, phóng viên Báo Quảng Ninh.
Cả 5 trường hợp đều không nêu rõ đã "vi phạm đạo đức nghề nghiệp" như thế nào.
Trường hợp còn lại là bà Đào Thị Thanh Bình, phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận, bị khai trừ vì liên quan đến nghi án nhận 70.000 USD của Công ty Trách nhiệm hữu hạn LEXSHARE- ICT Việt Nam có trụ sở ở Bắc Giang để không đăng bài về vi phạm của doanh nghiệp.
Báo Tuổi trẻ online vừa hoạt động trở lại vào hôm 16/10/2018 sau 3 tháng bị đình bản và bị phạt 220 triệu đồng vì "đăng thông tin sai sự thật và có thông tin gây mất đoàn kết dân tộc".
Hồi tháng 11, có tin 13 lãnh đạo các phòng ban của báo Thanh niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên Cộng sản.

Lãnh đạo tuyên giáo cảnh báo đảng viên không đăng bài nói xấu đảng trên mạng

 RFA-2018-12-29 
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biêu tại hội nghị Tổng kết công tác tuyên giáo 2018 ở Hà Nội hôm 29/12/2018
 Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biêu tại hội nghị Tổng kết công tác tuyên giáo 2018 ở Hà Nội hôm 29/12/2018-Courtesy Tạp Chí Tuyên Giáo
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng hôm 29/12 lên tiếng cảnh báo tình trạng đảng viên viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.
Ông Thưởng phát biểu điều này tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2018, chỉ khoảng 3 ngày trước khi Luật An ninh mạng vốn bị nhiều chỉ trích của Việt Nam đi vào hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói trước đó về nhiệm vụ quan trọng của ban là đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác hiệu quả đối với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch.
Người đứng đầu Ban Tuyên giáo nói ban cần phải đấu tranh hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị củ cán bộ đảng viên, nhất là tình trạng viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.
Nói về an ninh mang, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển lực lượng đấu tranh trên mạng, ngăn chặn và triệt phá kịp thời mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Ông nói “internet giờ đây không còn chỉ là một khái niệm công nghệ, môi trường công nghệ mà đã trở thành một miền chiến sự mới, nơi mà cuộc đấu tranh trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá diễn ra mạnh mẽ”.
Người đứng đầu Ban Tuyên giáo cho biết hiện các cán bộ, đảng viên người nào cũng dùng smartphone, facebook nhưng chủ yếu chỉ vào đọc tin tiêu cực chứ ít truyền đi thông tin tích cực. Vì vậy ông khuyến khích mỗi người dùng smartphone mỗi ngày gửi cho nhau một tin tốt sẽ làm cho môi trường trên internet tích cực hơn.
Cũng trong cùng ngày 29/12, nhiều báo ở Việt Nam đăng bài liệt kê các nhóm hành vi được cho là vi phạm Luật An ninh mạng sắp đi vào hiệu lực. Đáng chú ý trong các hành vi bị cấm theo luật mới là đăng tải, phát tán thông tin có nội dung tuyền truyền chống Nhà nước, tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối, an ninh, gây rối trật tự công cộng.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế, Mỹ và Châu Âu trước đó đã lên tiếng cảnh báo Luật An ninh mạng Việt Nam góp phần bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt của người dân, gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh của các doan nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Liên quan đến những lo ngại đảng viên viết bài nói xấu Đảng, đi sai đường lối của Đảng, hôm 25/10, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có kết luận đề nghị xem xét kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức vì những vi phạm nghiêm trọng là không chấp hành quy định của Đảng, có hành vi chống đối va tự diễn biến. Ông Chu Hảo bị kết luận là đã có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng. Đến giữa tháng 11, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ đảng với giáo sư Chu Hảo.
Trước đó, sau khi có kết luận kỷ luật với giáo sư Chu Hảo, nhiều nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối vì cho rằng kết luận không có căn cứ. Một loạt các trí thức, đảng viên lâu năm bao gồm giáo sư Chu Hảo ngay sau đó đã quyết định bỏ đảng.

Giải quyết dứt điểm BOT trong năm 2018 vẫn chỉ là lời hứa suông

RFA-2018-12-28  
Hình ảnh phản đối của người dân tại các trạm BOT. (Ảnh minh họa)
 Hình ảnh phản đối của người dân tại các trạm BOT. (Ảnh minh họa)RFA Edited
Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ phản đối mạnh mẻ và kéo dài nhiều ngày tại các trạm thu phí BOT trên khắp cả nước, điển hình là các vụ phản đối tại các trạm, BOT Cai Lậy ở Tiền Giang, BOT Bến Thủy, BOT Đại Yên, Sông Phan, Cần Thơ – Phụng Hiệp, Sóc Trăng, BOT Mỹ Lộc ở Nam Định, Tân Đệ ở Thái Bình, Ninh Lộc ở Khánh Hòa và nhiều trạm khác khắp cả nước.
Một số trạm thu phí BOT mới “vỡ trận” như BOT An Sương- An Lạc ở TPHCM, BOT Phả Lại và BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Cách thức chung để thể hiện sự phản đối của giới tài xế là sử dung tiền mệnh giá nhỏ tại hầu hết các trạm thu phí trên toàn quốcđể trả phí qua trạm. Cách này buộc nhân viên thu phí mất thời gian đếm dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài buộc các trạm BOT phải xả trạm liên tục.
Những nguyên nhân chính bị phản đối mạnh mẻ được giới tài xế và người dân cho rằng các trạm BOT đặt sai vị trí, thu mức phí quá cao, thu phí quá thời hạn và thậm chí người dân không hề sử dụng tuyến đường nhưng vẫn phải nộp phí qua trạm.
Anh Đỗ Nam Trung tại Hà Nội lý giải vì sao phong trào chống BOT trên khắp cả nước lại có thể trở nên mạnh mẽ và lan truyền nhanh chóng đến như vậy:
“Theo em thật sự nhóm phản đối này thì đã có từ mấy năm trước rồi nhưng đa phần anh em tài xế là những người thường xuyên di chuyển trên đường, họ không có sự liên kết không có phương tiện để liên kết với nhau sau này thì có internet thì họ lập các nhóm trên FB rồi họ mới có mối liên kết chặt chẻ hơn. Thì có những người đầu tiên đưa ra những ý tưởng sau đó mọi người hưởng ứng theo rồi nó tạo ra sức mạnh cộng đồng. Đầu tiên là trạm BOT Cai Lậy ở Tiền Giang rồi rộng ra khắp cả nước và anh em tài xế khắp nơi học theo để đòi lại quyền lợi cho mình thôi.”
Thực tế khi anh em tài xế muốn gặp lãnh đạo trạm để đàm phán thì hầu như ban lãnh đạo trạm từ chối không gặp anh em tài xế cũng như phóng viên các báo đài.
- Đỗ Nam Trung
Với sự phát triển mạnh mẻ của mạng xã hội, làn sóng phản đối BOT được đẩy lên nhanh chóng và lan rộng khắp cả nước với nhiều hình thức đa dạng và sáng tạo. Đây được giới quan sát đánh giá cho rằng một sự thành công của phong trào dân sự tại Việt Nam năm 2018.
Tình trạng bế tắc trong cách giải quyết khiến cho công luận thêm bức xúc vì cho rằng những bất hợp lý quá rõ ràng về mức thu phí hay vị trí đặt trạm; thế nhưng cơ quan chức năng không chỉ thực hiện những biện pháp bị cho mang tính ‘hoãn binh’ như giảm giá phí đôi chút. Thậm chí còn qui kết cho những người phản đối là ‘chống đối, gây rối trật tự’, bị bọn ‘phản động’ xúi giục… Cách làm này bị những người trong cuộc cho là nhằm trấn áp người dân thay vì có biện pháp giải quyết hợp lý, hợp tình.Sau các phản ứng từ phía người dân và giới tài xế, ban quản lý các trạm thu phí đường bộ BOT cùng với Bộ Giao thông- Vận tải và các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên tiến hành thảo luận để tìm phương án giải quyết triệt để. Nhiều phương án được đưa ra như dời trạm, giảm giá, miễn phí người dân tại khu vực và nhiều hướng giải quyết khác. Tuy nhiên, từ đó đến nay một số nơi bế tắc vẫn chưa được thao gỡ.
Anh Đỗ Nam Trung nói với chúng tôi rằng, Bộ Giao thông- Vận Tải không đưa ra ý kiến hay quyết định nào và họ bảo cứ chờ đợi. Trong lúc chờ đợi họ yêu cầu Ban quản lý trạm và giới tài xế tự thương thuyết với nhau. Nhưng anh cho biết:
“Nhưng thực tế khi anh em tài xế muốn gặp lãnh đạo trạm để đàm phán thì hầu như ban lãnh đạo trạm từ chối không gặp anh em tài xế cũng như phóng viên các báo đài. Họ tránh gặp mặt và họ cứ để nhân viên tại các trạm và nếu như xe nào đi qua mà không biết mà mua thì họ vẫn bán vé nhất quyết không gặp tài xế và phóng viên. Không phải thu bình thường mà tài xế vừa đưa tiền ra là nhân viên họ chụp ngay xé vé đưa lại liền giống như là chụp giựt chứ không phải chuyện thuận mua người bán.”
Ngoài ra, anh Trung còn cho rằng họ đã sai hoàn toàn nên họ không có lý lẻ để đối thoại với người dân và bây giờ họ đang thi đua với người dân xem bên nào lì hơn thì bên đó thắng.
Còn đối với anh Đỗ Coca, một tài xế khác tại khu vực Cai Lậy trong một lần trả lời với RFA trước đây có nói rằng “Nếu như bây giờ họ chấp nhận phương án của tài xế là dời trạm thì họ chấp nhận họ sai hoàn toàn và không chỉ có 1 BOT Cai Lậy là sai, mà tất cả BOT trên đất nước Việt Nam đều có dấu hiệu sai phạm.”
Việc kéo dài thời gian giải quyết tại các trạm BOT được Bộ Giao thông Vận tải lý giải rằng, để hoàn thành quyết toán công trình, làm rõ tổng mức đầu tư, tính toán lại số năm thu phí…
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong một lần chất vấn trước Quốc Hội khẳng định rằng, tất cả các dự án trạm BOT trên cả nước được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đúng quy trình.
Thời kỳ này không còn gì giá trị chân chính còn tồn tại ở đất nước này nữa đâu. Quy chế, pháp luật đều có mà chúng nó có thực hành thực tế đâu.
- NB. Phạm Thành
Nhà báo Phạm Thành chủ trang mạng Bà Đầm Xòe chia sẻ với chúng tôi rằng, từ xưa đến nay chính quyền Việt Nam có bao giờ tự nhận mình sai cái gì đâu, không bao giờ nói đúng cả.
Một số chuyên gia và các nhà quan sát cho rằng phía Bộ Giao thông Vận tải chưa thật sự có giải pháp căn cơ để có thể vận hành các trạm thu phí trên khắp cả nước.“Trạm BOT cũng thế thôi được quyền ăn quyền nói thôi chứ ai dám ra giám sát, ai trọng tài, ai đứng ra phán xét cái đó đúng hay sai, mà VN làm gì có những tổ chức độc lập để giám sát đúng hay không đúng, chỉ chúng nó nói với nhau rồi đè bẹp dư luận thôi. Bộ trưởng Bộ GT là ai cũng là một bộ phận của chính quyền thôi cũng là một nhóm lợi ích, bộ trưởng tuyến đường này thứ trưởng tuyến đường kia rồi trong những tuyến đường đó thì có dính đến các nguyên thủ quốc gia hoặc các thế lực tài chính khác, làm gì có chuyện đúng.”
Tuy nhiên nhà báo Phạm Thành thì có ý kiến cho rằng:
“Mà thời kỳ này không còn gì giá trị chân chính còn tồn tại ở đất nước này nữa đâu. Quy chế, pháp luật đều có mà chúng nó có thực hành thực tế đâu.”
Cuộc khủng hoảng mang tên BOT đã nhiều lần được các vị lãnh đạo cấp cao nhắc đến tại các kỳ họp của chính phủ, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà Ngân từng công nhận rằng người dân phản đối là đúng, đồng thời thủ tướng Phúc cũng hứa sẽ giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề BOT ngay trong năm 2018. Tuy nhiên lời hứa đó đến nay vẫn chưa thấy được thực hiện phần nào.
Một minh chứng cho điều này là đến những ngày cuối năm 2018, nhiều tài xế và người dân Hà Nội phải tiếp tục cắm lều để yêu cầu giải quyết dứt điểm những sai trái tại trạm thu phí đường bộ BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài.
Những người trong cuộc cho biết khi mà chủ đầu tư và cơ quan chức năng vẫn chưa đối thoại với dân và tài về thì một số thành phần hung hăng đến gây sự, chửi bới số dựng lều phản đối!

Đài Loan bắt 16 người Việt bị tố ‘lừa đảo viễn thông’

Đài Loan tiếp nhận khoảng 65,000 công nhân Việt Nam trong năm 2018, theo báo Người Lao Động. (Hình minh họa: Zing)
ĐÀI BẮC, Đài Loan (NV) – Trong lúc giới chức Đài Loan đang tiến hành điều tra vụ 152 du khách Việt Nam bỏ trốn và hiện mới chỉ tìm thấy 20 người, truyền thông đảo quốc này cho hay vừa có 16 công dân Việt Nam khác bị bắt với cáo buộc “lừa đảo viễn thông.”
Theo trang mạng Focus Taiwan hôm 29 Tháng Mười Hai, dẫn lời Cục Điều Tra Hình Sự Đài Loan (CIB) cho biết, 16 người Việt Nam bị bắt cùng với ba người Đài Loan ở miền Trung nước này vì bị nghi ngờ gian lận viễn thông nhắm vào người dân ở Việt Nam.
Trong số 16 nghi can người Việt có 14 người là công nhân bỏ trốn và hai người nhập cảnh với visa du lịch rồi bỏ trốn.
Truyền thông Đài Loan nhận định đây là vụ lừa đảo xuyên quốc gia đầu tiên liên quan đến công nhân Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan.
Những người Việt bị bắt sau một cuộc đột kích diễn ra ngày 26 Tháng Mười Hai.
Cảnh sát tịch thu máy tính, điện thoại di động, thu thập thông tin của các nạn nhân và một số vật dụng khác tại hai địa điểm ở thành phố Đài Trung, nơi nhóm người Việt được cho là thực hiện hành vi lừa đảo viễn thông.
Tuy vậy, Focus Taiwan nhận định trong vụ này, các nghi can người Việt làm theo chỉ đạo của ba người Đài Loan.
Dựa trên các chứng cứ thu thập được, nhà chức trách cho biết nhóm này lừa được khoảng $490,700 của 200 nạn nhân ở Việt Nam trong ba tháng qua.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của CIB, 16 nghi can người Việt đã thực hiện các cú điện thoại qua Internet một cách ngẫu nhiên tới những người ở Việt Nam, mạo danh giới chức chính phủ và công an CSVN để đe dọa và tống tiền. Những đồng phạm của đường dây này ở Việt Nam chịu trách nhiệm nhận tiền từ các nạn nhân được nộp qua tài khoản ngân hàng.
Văn Phòng Công Tố Đài Trung đang tiến hành cuộc điều tra.
Trong một diễn biến khác, cũng trong cùng ngày, Thanh Tra Sở Du Lịch Hà Nội xử phạt hành chính 48.5 triệu đồng ($2,086) và tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đối với công ty Golden Travel, doanh nghiệp đưa du khách sang Đài Loan rồi sau đó “mất tích.”
Golden Travel được nhà chức trách xác định là liên kết với Công Ty Thương Mại Du Lịch Kỳ Nghỉ Quốc Tế (Holidays Travel) trong vụ này.
Theo hãng tin Central News, Cơ Quan Di Trú Đài Loan đang đặt mục tiêu tìm ra kẻ chủ mưu đứng sau vụ “mất tích quy mô cả trăm du khách Việt Nam.”
Cho đến nay, giới chức đảo quốc này vẫn nhận định đây là một đường dây buôn người có tổ chức và mục tiêu là môi giới cho những du khách Việt Nam, nhất là người ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, trở thành lao động bất hợp pháp tại Đài Loan. (T.K.)

Báo Người Tiêu Dùng bị gỡ bài đòi cho Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”

Cử tri Nguyễn Văn Khương đề nghị đưa vụ Thủ Thiêm ra Quốc Hội. Ông Lê Thanh Hải bị tố cáo có sai phạm trong vụ đất đai ở Thủ Thiêm. (Hình minh họa: laodong.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một sự kiện hiếm hoi của truyền thông tại Việt Nam xảy ra hôm 27 Tháng Mười Hai 2018 khi báo ‘Người Tiêu Dùng’ cho đăng một bài viết qua đó yêu cầu phải đưa hai nhân vật từng đứng đầu nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn là cựu bí thư Lê Thanh Hải và cựu chủ tịch Lê Hoàng Quân ‘vào lò’ vì các sai phạm và tham nhũng.
Chỉ xuất hiện chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, bài báo có tựa đề “Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”?” của hai tác giả Thiện Hiếu và Minh Nguyễn đã bị gỡ bỏ khỏi trang mạng ‘nguoitieudung.com.vn.’
Báo Người Tiêu Dùng là cơ quan trực thuộc ‘Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam’ có trụ sở chính tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tổng biên tập là nhà báo Đặng Thị Kim Hiên.
Hiện chưa thấy báo Người Tiêu Dùng nêu lý do vì sao phải gỡ bỏ bài viết này trên trang điện tử.
Báo Người Tiêu Dùng đăng ảnh chụp bài trên báo Đại Đoàn Kết về chuyện nực cười khi ông Lê Thanh Hải phê bình ông Lê Thanh Hải. (Hình: Báo Người Tiêu Dùng)
Bài báo viện dẫn câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước CSVN, là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đòi đưa hai ông Lê Thanh Hải và Nguyễn Hoàng Quân ‘vào lò’.
Mở đầu, bài báo viết: “Trong vòng một tháng trở lại đây, hàng loạt lãnh đạo cao cấp TP.HCM dưới nhiệm kỳ ông Lê Thanh Hải rồi Lê Hoàng Quân làm Chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố hoặc kỷ luật nặng nề. Nổi bật nhất là cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang và danh sách bê bối này chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng hai vị đáng ra phải chịu trách nhiệm lớn nhất hiện vẫn bình an vô sự, khiến nhiều cử tri TP.HCM và người dân cả nước hết sức bức xúc!”
“Dư luận, nhân dân và cán bộ ở Sài Gòn đang trông chờ các cấp có thẩm quyền nhanh chóng xử lý những hành vi sai phạm của cả hai vị này. Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân, và nhất là ông Lê Thanh Hải, có dấu hiệu của việc ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Cố ý làm trái’ gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Nếu các cơ quan chức năng trung ương muốn điều tra cặn kẽ những sai phạm tại Sài Gòn, lấy lại niềm tin của của cử tri thành phố đối với đảng và chính quyền, thiết nghĩ, đã đến lúc phải truy cứu tận cùng trách nhiệm hình sự của ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân. Nói theo cách khác, việc đưa hai cựu quan chức này ‘vào lò’ chính là quyết sách hợp lòng dân, quan chức gây ra sai phạm nghiêm trọng phải trả giá bằng vận mệnh của chính mình,” tờ báo viết.
Lê Thanh Hải (trái) và Lê Hoàng Quân. (Hình: Báo Người Tiêu Dùng)
Báo Người Tiêu Dùng được biết đến là cơ quan truyền thông tham gia các vụ “xử lý khủng hoảng thương hiệu” ở Việt Nam.
Đây cũng là tờ báo đăng loạt bài chỉ trích ông Tất Thành Cang, phó bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, liên tục trong những tháng vừa qua.
Được biết tờ báo còn cử phóng viên ảnh bám theo “nhất cử nhất động” của ông Cang để thực hiện chùm ảnh ông này “vui vẻ tổ chức tiệc trong lúc đang bị đề nghị kỷ luật” hồi Tháng Bảy.
Việc báo Người Tiêu Dùng phải lập tức gỡ bài viết này có thể là do tờ báo phải chấp hành lệnh của ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương.
Trong một post trên trang blog cá nhân, ông Võ Đức Phúc, phó tổng thư ký tòa soạn báo Người Tiêu Dùng, viết úp mở như sau: “Kính thưa anh Thưởng, nếu thật sự báo Người Tiêu Dùng sai, thì anh đã đưa văn bản hỏa tốc, táp vào mặt báo Người Tiêu Dùng chỉ rõ nội dung sai phạm, không đúng sự thật. Chứ sao anh lại dùng lưỡi điểm chỉ bảo báo Người Tiêu Dùng thế. Cá nhân anh muốn lạm quyền, nhân danh Ban Tuyên Giáo Trung Ương để ép báo Người Tiêu Dùng phải gỡ bài chống tiêu cực thì tôi sẽ không ngần ngại chỉ ra cá nhân nào đã cậy nhờ anh làm cái việc mờ ám, ép báo chí như vậy…” (T.K.)

Tết Tây ở Việt Nam: Cứ 1 giờ, có 1 người chết vì tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông ở Việt Nam những ngày nghỉ lễ, Tết luôn tăng cao. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thống kê trong ngày nghỉ đầu tiên của dịp Tết Dương Lịch 2019,  ở Việt Nam đã xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông khiến 27 người chết, 15 người bị thương.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn phúc trình của Văn Phòng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, cho biết qua thống kê từ 12 giờ trưa ngày 28 đến 12 giờ trưa ngày 29 Tháng Mười Hai, 2018, ở Việt Nam đã xảy ra 42 vụ tai nạn. Trong đó, riêng đường bộ xảy ra 30 vụ, làm 27 người chết, 15 người bị thương.
Lực lượng cảnh sát giao thông  các tỉnh, thành đã phát hiện lập biên bản xử phạt hơn 6,500 trường hợp vi phạm  trật tự an toàn giao thông  đường bộ, thu về số tiền 5.1 tỷ đồng, tạm giữ 1,138 xe cộ vi phạm, 1,302 giấy tờ các loại, tước 295 giấy phép lái xe.
Trên đường thủy, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng đã phát hiện lập biên bản 201 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính 75 triệu đồng.
Hành khách chen chúc mua vé về các tỉnh miền Tây tại quầy vé. (Hình: Tuổi Trẻ)
Về tình hình trật tự an toàn giao thông, chiều tối ngày 28 Tháng Mười Hai, người dân đổ về các bến xe, các tuyến đường cửa ngõ để về quê nghỉ Tết Dương Lịch 2019 nên giao thông khó khăn. Nhiều tuyến đường cửa ngõ ở Hà Nội và Sài Gòn “mật độ xe cộ  tăng cao, ùn ứ kéo dài, di chuyển chậm.”
Theo báo Tuổi Trẻ từ sáng nay, hàng chục ngàn hành khách đổ về hai Bến Xe Miền Đông và Miền Tây xếp hàng mua vé đi nghỉ lễ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, một hành khách đi tuyến Sài Gòn-Đồng Tháp, cho biết dù đã ra bến xe từ sáng sớm để mua vé nhưng vẫn phải xếp hàng gần 20 phút. Lượng hành khách quá đông trong khi nhân viên bán vé quá ít.
Chị Hà cũng cho biết thêm, hầu hết các tuyến đường xung quanh bến xe đều kẹt cứng, nhiều người phải mất hàng giờ liền đi đường mới ra tới bến xe. (Tr.N)

Ừ thì kiên định nhưng chúng ta đến đâu?

Theo RFA-Đồng Phụng Việt-2018-12-28   
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng BQL đường sắt đô thị
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng BQL đường sắt đô thị-Courtesy FB Huong Quynh, Le Nguyen Minh-Quang
Lại có thêm scandal. Lần này là tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên ở TP.HCM. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra scandal trong lĩnh vực xây dựng mạng lưới metro ở Việt Nam nói chung. Còn nói riêng thì đây cũng không phải lần đầu tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên trở thành tâm của những trận bão dư luận.
Lúc đầu, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên trở thành lùm xùm vì tổng vốn đầu tư tăng không ngừng, mỗi lần tăng là thêm hàng chục ngàn... tỉ. Lao đã phóng, phải theo. Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên phát sinh thêm chuyện nhà thầu dọa ngừng thi công, không chỉ một lần!
Chuyện tới đó chưa hết! Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên giờ là chỗ thiên hạ trông vào, ngẫm nghĩ, luận bàn về tương quan dự án - con người khi Trưởng, Phó rồi các thành viên của Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) đồng loạt xin nghỉ, chưa kể ông Phó Ban QLDA tùy tiện  xuất dương khi chưa được phép.
Trong mớ bòng bong liên quan đến tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có một cái tên làm người ta chú ý: Lê Nguyễn Minh Quang - từng là một trong những tấm gương vượt khó của thế hệ trẻ đầu thập niên 1990 - nhà nghèo, học giỏi, được cấp học bổng du học tại Pháp, khi thành tài không ở lại mà quay về...
Quang thành đạt nhưng không ích kỷ, luôn sẵn sàng xăn tay áo, góp sức giúp những thế hệ sau có thể đứng lên, vươn tới. Là người muốn làm gì đó cho xứ sở của mình, dân tộc của mình, Quang tự ứng cử vào Hội đồng nhân dân TP.HCM, rồi bỏ việc đang làm, nhận lời điều hành Ban QLDA metro Bến Thành – Suối Tiên...
Đó cũng là lý do hồi giữa tháng này, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, nhiều người tỏ ra thất vọng vì một số tờ báo dựa vào đó bóng gió rằng Quang phải chịu trách nhiệm chính trong chuyện tự ý thay đổi thiết kế để trục lợi.
Chẳng riêng Quang, nhiều người và một số tờ báo khác đã nói lại cho rõ: Chuyện thay đổi thiết kế là cần thiết và đã được tiến hành một cách cẩn thận. Nhờ vậy, giúp tiết kiệm được 90 tỉ đồng vốn là tiền đi vay, phải trả lãi, chưa kể thời gian thi công được rút ngắn, ít nhất cũng năm tháng và lợi ích nếu quy ra tiền chắc chắn không nhỏ.
Có nhà báo như Hương Quỳnh, kể trên facebook những chuyện… lặt vặt về Lê Nguyễn Minh Quang, người mà cô tự nhận là nhân vật trong  hoạt động nghề nghiệp của mình suốt 15 năm qua: Khi là Tổng Giám đốc của Bachy Soletance Vietnam (Chi nhánh tại Việt Nam của Tập đoàn Bachy Soletance – Pháp), Quang dùng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đặt tên cho các phòng họp trong trụ sở Bachy Soletance Vietnam. Lúc Quang trở thành Trưởng Ban QLDA metro Bến Thành – Suối Tiên, nơi này có các phòng họp mang tên Chi Lăng, Bạch Đằng,…
Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Courtesy Dân Việt
Hương Quỳnh đề nghị các đồng nghiệp đối chiếu những tình tiết mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu trong báo cáo kiểm tra việc thực hiện tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên như: Điều chỉnh qui mô đầu tư nhà ga từ hai thành bốn tầng. Điều chỉnh kết cấu hầm từ vòm sang hộp kết hợp với tường vây. Điều chỉnh kiểu dáng dầm  (làm tổng vốn đầu tư tăng thêm 1.420 tỉ đồng). Giá thiết bị  trong dự toán cao hơn  hẳn  giá mà các nhà thầu đề nghị vài lần (giá toa tầu cao hơn 1,5 lần, các trạm điện cao hơn khoảng 3,5 lần, hệ thống thu phí cao hơn 2,8 lần)… với thời điểm ký kết, để xem có phải tất cả những yếu tố khiến tổng vốn đầu tư tăng thêm vài chục ngàn tỉ  ấy xảy ra trước tháng 6 năm 2016 (thời điểm Quang đảm nhận vai trò Trưởng Ban QLDA metro Bến Thành – Suối Tiên) hay không?
Trên Một Thế Giới, Lê Học Lãnh Vân khẳng định: Nhìn vào cách một xã hội dùng  những người đạo đức và có hoài bão cống hiến, người ta biết xã hội đó đang phát triển hay suy đồi. Nhìn vào một bộ máy hành chánh, xem tỉ lệ những người đạo đức và có hoài bão cống hiến, người ta đánh giá được bộ máy đó như thế nào!  Lê Học Lãnh Vân cho rằng những cá nhân như Lê Nguyễn Minh Quang gạt bỏ những lợi ích cá nhân (lương cao, công việc ổn định), biết rõ những bất cập nhưng vẫn dấn thân vì muốn góp sức cùng dân tộc. Do vậy, những ngày này, nhiều người đang nhìn vào trường hợp Lê Nguyễn Minh Quang để xem chỗ của những cá nhân có trình độ cao về quản lý dự án và hoài bão cống hiến như thế nào trong xã hội Việt Nam!
***
Kẻ viết bài này “biết” Lê Nguyễn Minh Quang hồi đầu thập niên 1990, lúc tờ Tuổi Trẻ bắt đầu thực hiện chương trình “Vì ngày mai phát triển” – trao học bổng, hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên nghèo, giúp họ theo đuổi việc học hành, hoàn tất những đề tài nghiên cứu.
Ông Lê Nguyên Minh Quang ở công trình
Ông Lê Nguyên Minh Quang ở công trình Courtesy FB Huong Quynh & Le Nguyen Minh-Quang
Y chú ý tới Lê Nguyễn Minh Quang vì lúc giao lưu, Quang vừa khiêm tốn trước những thành tích của mình trong học hành, vừa chững chạc cho dù Quang là con một “sĩ quan ngụy” phải cải tạo nhiều năm và mẹ Quang trở thành một người buôn gánh, bán bưng, bám vào lề đường tìm cơm áo cho cả mình lẫn chồng con.
Giống như nhiều người tham dự buổi giao lưu ấy, y nhớ mãi hình ảnh một người đàn ông tàn tật, sau khi “công thành, danh toại” quay về Việt Nam, hỗ trợ tài chính để tờ Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Vì ngày mai phát triển”, nhẹ nhàng nhắn nhủ những cá nhân như Quang, đừng nhớ tới ông, nếu cảm thấy hàm ơn, muốn trả, hãy trả cho xứ sở, giúp đỡ đàn em và thật ra, chuyện ông cùng tờ Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Vì ngày mai phát triển” cũng chỉ là báo đền!
Quang là một trong những người ra đi rồi quay lại và khi có thể, cùng tờ Tuổi Trẻ thực hiện tiếp các chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Quang có lẽ là nhân vật đầu tiên đảm nhận vai trò mà vị trí ngang giám đốc một sở nhưng không phải đảng viên. Có người trách Quang không tự lượng sức mình, Quang sẽ không thể làm được điều gì đáng kể  khi tòan hệ thống đã mục ruỗng.
Tại sao khát vọng làm được những điều có ích cho xứ sở, cho dân tộc trở thành thái quá, vô vọng? Tại sao trọng dụng nhân tài lại có dáng dấp như một thứ bẫy đủ sức nghiền nát tất cả những cá nhân đủ cả khả năng, tư cách và có cao vọng? Nghèo khổ, bất công đã song hành, dường như không thể rũ bỏ, chỉ có chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là mờ mờ ảo ảo ở phía trước mặt, tại sao vẫn kiên định bước tới chứ không chịu lùi?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Có một chuyện khác đang nhục hơn

Vu 152 du khach VN o Dai Loan: Bat 14 nguoi, tiep tuc mo rong dieu tra hinh anh 1
Người mặc áo vàng, một trong số các du khách Việt Nam mất tích, bị bắt khi đang ở cùng bạn bè. Ảnh: Apple Daily.

Không ít người tỏ ra phiền lòng trước sự kiện 152 người Việt đồng loạt bỏ trốn ngay khi đặt chân đến Đài Loan, với lo ngại rằng chuyến đi của họ đến quốc đảo này sẽ gặp rắc rối vì liên lụy. Thái độ này hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, mà thực tế là đoàn khách Việt Nam ngay sau đó đã bị giới chức Đài Loan thẩm vấn nhiều giờ ngay tại sân bay trước khi nhập cảnh. [1]
Chia sẻ thái độ đó, Đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng sự việc sẽ "làm xấu hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế” và coi hành động này là “làm nhục quốc thể”.[2]
Sự thực là không phải đến bây giờ người Việt mới bị để ý về chuyện bỏ trốn ở Đài Loan, mà lâu nay với dư luận đảo quốc cái tên Việt Nam luôn xuất hiện đầu tiên mỗi khi bàn đến vấn đề lao động nhập cư bỏ trốn (runaway migrants). Trong số 70,000 lao động nước ngoài mất dấu ở Đài Loan, ít nhất một nửa là người Việt. [3]
Đó là còn chưa nói đến những điều không hay mà lao động người Việt của chúng ta đã làm trong thời gian cư trú và làm việc bất hợp pháp. 
Búa rìu dư luận Đài Loan đã nặng nề, mà những lời chì chiết từ đồng bào quê hương xứ sở cũng khắc nghiệt không kém. 
Nhưng, còn một sự thực khác mà báo chí dư luận Việt Nam ít khi nhắc đến. 
Để đến được Đài Loan, người lao động Việt Nam, mà đa phần là thanh niên xuất thân từ các gia đình nghèo ở nông thôn, đang phải trả một mức phí cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.  
Trong khi một lao động Thái chỉ mất tối đa $2,700 (USD), Philippines là $3,200 để được làm việc ở Đài Loan thì con số tương ứng cho một lao động Việt Nam là $7,000 [4]. Thực trạng này thật bất hợp lý khi mà chính quyền Đài Loan ấn định chung một mức sàn thấp đối với phí môi giới cho lao động từ mọi quốc gia, và lại càng khó chấp nhận nếu tính đến thực tế Việt Nam là nước nghèo nhất. 
Với mức lương trung bình hiện tại vào khoảng $700, đa số lao động Việt Nam phải mất khoảng 1.5 năm lao động không công trả nợ với bản hợp đồng đầu tiên tối đa 3 năm. Trước 2017, khi Đạo luật Dịch vụ Lao động (Employment Services Act) chưa được sửa đổi và lao động nhập cư bị buộc phải rời khỏi Đài Loan sau 3 năm nếu muốn được tái tuyển dụng, thì lao động người Việt gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài bỏ trốn để tiếp tục làm việc, nếu muốn có chút gì đó mang về sau thời gian bôn ba xứ người. [5] 
Kết quả là trong năm 2016, nếu chỉ có 0.47% lao động Thái và 0.42% Philippines được ghi nhận ‘mất dấu’, thì con số tương ứng của Việt Nam là 6.86%. [6]
Làm việc bất hợp pháp có thể giúp người lao động Việt Nam có thêm thu nhập gửi về cho gia đình, nhưng đồng thời cũng mang tới nhiều rủi ro vì điều kiện làm việc không an toàn, quyền lao động không đảm bảo. [Nếu chăm theo dõi các diễn đàn trên Facebook của người Việt ở Đài Loan bạn sẽ thấy người lao động của chúng ta, dĩ nhiên là ở tuổi đời khá trẻ, chết khá thường xuyên vì tai nạn lao động hoặc đôi khi vì đột quỵ do làm việc quá sức. Đây cũng là một câu chuyện khác mà báo chí Việt Nam ít đề cập.]
Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là vì sao chi phí để lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc lại cao bất thường đến thế? 
Rất đơn giản, có những nhóm lợi ích hưởng lợi không muốn thay đổi. Năm 2017 Đài Loan tiếp nhận tới 67,000 lao động Việt Nam [7], và mức phí mà những người này phải bỏ ra, bởi thế, lên đến gần nửa tỷ USD. Không khó để biết ai hưởng lợi từ số tiền khổng lồ này: môi giới Đài Loan, môi giới Việt Nam, và cũng cần lưu ý rằng không dễ để xin được giấy phép xuất khẩu lao động từ các cơ quan lao động-thương binh-xã hội ở nước ta. 
Thử nhìn ra các nước khác trong khu vực, chính phủ Phillpines từ năm 1999 đã ký với Đài Loan thỏa thuận về chương trình tuyển dụng trực tiếp (IDes) nhằm giảm chi phí cho người lao động nước này, Indonesia (cũng có tình trạng phí cao bất thường nhưng vẫn thấp hơn Việt Nam) đang xây dựng chính sách để lao động của họ không phải trả bất kỳ chi phí nào (zero cost policy). [8]
Trong khi đó, chính phủ của chúng ta, ngoài việc tung hô xuất khẩu lao động như một thành tích [9], đã và đang làm gì để chấm dứt tình trạng nhóm lợi ích xuất khẩu lao động ăn vào những đồng tiền còm cõi của các gia đình nghèo vùng nông thôn, ăn vào sức khỏe, tính mạng, tương lai của những người Việt Nam trẻ tuổi bôn ba xứ người? 
Điều đó liệu có đáng để nhục hơn không? 
Câu hỏi tương tự cũng dành cho chúng ta, nếu chỉ biết phàn nàn về một kết quả tồi tệ mà không làm bất kỳ điều gì để thay đổi nguyên nhân của nó. 

Yêu sách 2019 với tám điểm :”Đó là ý nguyện của nhân dân”.


Không thể không thấy bản Yêu sách 2109 với tám điểm gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam, là một văn bản thú vị cũng như có sức tác động mạnh mẽ trong người dân. Thế nhưng cũng vì sự mạnh mẽ này mà không ít người lo ngại rằng đó là một thách thức với thể chế, nhất là vào thời buổi tòa án dành cho người bất đồng chính kiến diễn ra không ngớt.
Đặc biệt là sau vài tuần lễ, từ lúc bản Yêu sách 2019 được phát đi, mọi thứ đều là im lặng. Có thể đó sự im lặng của nhận thức thiện chí – tạm hy vọng – hoặc đó có thể là sự im lặng trước bão tố với những âm mưu thấp hèn.
Cuộc trò chuyện cuối năm với nhà báo Võ Văn Tạo, người ký tên trong bản Yêu sách 2019 này, đã mở ra thêm nhiều chiều suy nghĩ khác. Đặc biệt, về suy nghĩ của những người dấn thân cho sự thay đổi tốt đẹp của đất nước, vốn chỉ có trái tim yêu nước, sẳn sàng đối diện với dùi cui, ngục tù hay lý luận hàm hồ chủ nghĩa.
----------------------------
Một lần nữa, Yêu sách – hay thư ngỏ của giới trí thức Việt Nam gửi đến nhà cầm quyền đã rơi vào im lặng. Theo ông những người soạn ra bản Yêu sách 2019 có nên thất vọng trước sự im lặng này không?
Thật ra những thư ngỏ, kháng nghị hay yêu sách… của giới trí thức hay tranh đấu cho dân chủ tự do của Việt Nam, hầu hết mọi người khởi xướng hay ký tên đều không kỳ vọng gì nhiều. Vì theo dõi trong suốt bao nhiêu năm nay, cho thấy những người cộng sản cầm quyền không hề lắng nghe.
Nhìn lại để thấy, bản yêu sách được nhóm Ngũ long ở Paris được chuyển đến hội nghị Hòa bình Versailles (1919) thì ít nhiều gì đó, người Pháp cũng tiếp thu, đặc biệt với hội nghị Mặt trận bình dân. Còn những tuyên bố, khuyến nghị… của giới nhân sĩ, tranh đấu… gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam mấy chục năm nay, đều để bị rơi vào quên lãng. Đó là chưa nói đến chuyện họ phản ứng ngược lại, khủng bố. Thi thoảng họ cũng bị tác động và chỉnh sửa, nhưng không đáng kể. Chính vì vậy, mục tiêu mà bản Yêu sách hướng đến nhà cầm quyền thì ít, mà cái chính là gửi gắm đến đồng bào.
Yêu sách nhằm thức tỉnh mọi người rằng sống trong mọi thời đại văn minh, thì con người cần có những quyền tối thiểu nào, và hôm nay chúng ta đã có những cái gì? Đây là cơ hội để so sánh 100 năm qua ở Việt Nam, quyền con người đang tiến lên hay thụt lùi? Đồng thời bản Yêu sách này cũng nhắm đến các quốc gia đang có mối quan hệ với Việt Nam để nói cho họ rõ hiện trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay ở mức độ nào. Nếu có thiện chí với người dân Việt Nam, các quốc gia đó sẽ góp phần tác động với nhà cầm quyền.

Có tín hiệu khá mới mẻ trong bản Yêu sách 2019. Đó nơi là văn bản này hướng tới nhà cầm quyền không nhằm rõ là gửi cho ai, sau đó lại là nhằm đến nhân dân Việt Nam và Liên Hợp Quốc. Theo ông, sự thể hiện này có ngụ ý gì?
Bản Yêu sách của nhóm Ngũ Long là gửi đến nhà cầ quyền Pháp, hội nghị Versailles, để nói lên nguyện vọng của người dân xứ Đông Dương và người An Nam. Những người khởi xướng và cùng ký bản Yêu sách sau 100 năm này, nghĩ rằng mọi thứ nếu có lạc quan thì cũng không cải thiện nhanh được, có thể nhiều tháng, nhiều năm. Do đó, bản Yêu sách không đề tên ai cụ thể mà chỉ gửi chung đến những người giữ các cương vị trong bộ máy nhà nước Cộng sản Việt Nam thôi. Nhà cầm quyền ở giai đoạn nào thì cũng cần nhìn vào bản Yêu sách này.
Còn về nơi đến có cả Liên Hợp Quốc, đó là một hiện trạng đau lòng của người Việt Nam. Lẽ ra chuyện của người Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết, nhưng hiện thức rất khó khăn. Sau hàng chục năm dùng đến các biện pháp bưng bít thông tin, khủng bố, bộ máy công an trị… rất nhiều người chỉ dùng ngòi bút, suy nghĩ của mình lên tiếng chỉ mong nhân dân mình đỡ khổ thôi cũng đã phải ngồi tù. Những người tranh đấu cho quyền lợi người dân luôn dùng hết sức mình nhưng cũng tận dụng mọi khả năng yểm trợ từ quốc tế. Nhận định về tiêu đề nơi đến của Yêu sách, theo cách hiểu của tôi là như vậy.

Sự mới mẻ đó có thể dễ dàng nhìn thấy, nhưng nó cũng tạo thêm các luồng dư luận ngay sau khi Yêu sách 2019 ra mắt. Đã có những bình luận lo ngại rằng việc đặt ra yêu sách như vậy với Hà Nội, là có ý phủ nhận tính chính danh của hệ thống cầm quyền, và thậm chí là thách thức quyền cai trị?
Bản Yêu sách này không xuất phát từ một hệ thống hay đảng phái đối lập nào, mà chỉ là của những người đứng trong hàng ngũ nhân dân. Chính bản Yêu sách năm 1919 cũng nằm trong một tư thế như vậy. Đây là ý nguyện của nhân dân.
Có là một kiểu thách thức với nhà cầm quyền hay không? Tôi nghĩ mọi thứ vẫn ở mức ôn hòa nhất, đặc biệt gợi nhớ lại lịch sử có liên quan đến nhà cầm quyền.
Bản Yêu sách 2019 chỉ dựa vào những gì của 100 năm trước mà thanh niên Nguyễn Ái Quốc được nhóm Ngũ Long soạn thảo và nhờ mang đi đến hội nghị Versailles. Mà Nguyễn Ái Quốc được coi là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Giới nhân sĩ trí thức, tranh đấu muốn giới thiệu sự thiện chí của mình trong việc nêu lại những tiêu chí mà hoàn toàn không có gì khác biệt với bản Yêu sách 1919, do Nguyễn Ái Quốc phát đi.
Đọc bản Yêu sách 2019, ai cũng hiểu và tự hỏi rằng vì sao 100 năm rồi mà vẫn phải lặp lại bản Yêu sách 8 điểm – mà về cơ bản thì gần như hoàn toàn giống nhau. Sự nhắc lại này muốn nhấn mạnh rằng 100 năm qua, các quyền cơ bản của con người trên đất nước vẫn chưa được đáp ứng. Thậm chí có những mặt còn tệ hại hơn.
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, tiến bộ xã hội nhằm xây dựng một nước Việt cường thịnh vẫn là cuộc đấu tranh chung của người Việt Nam yêu nước thương nòi, cho đến bây giờ. Tôi nghĩ ở đây không có bất kỳ sự thách thức nào. Tuy vậy, về phía những người ngồi trong guồng máy lãnh đạo của Nhà nước Cộng sản Việt Nam ắt cũng có thể nhột nhạt vì đây là câu chuyện liên đới với chính lãnh tụ sáng lập đảng. Không có lý do gì mà những người được coi là hậu duệ của Nguyễn Ái Quốc lại từ chối đáp ứng.

Nhưng đó là bản Yêu sách 1919 là để đối với bọn cai trị và đô hộ… khi đem một chủ nghĩa ngoại lai vào áp đặt lên lưng nhân dân và đất nước Việt Nam. Còn bây giờ Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, và thậm chí tuyên bố mới đây của đại diện Việt Nam trước kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) của Liên Hợp Quốc là đã thực hiện được đến 96% các hạng mục về nhân quyền….?
Từ lâu, Việt Nam được coi là một quốc gia độc lập, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là độc lập trên danh nghĩa thôi.
Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, mọi quyết sách trong cuộc chiến, rõ ràng không phải đến từ Hà Nội hay Sài Gòn, mà xuất phát từ Moscow, Bắc Kinh hay Washington. Việt Nam lúc đó chỉ là một quân cờ nhỏ trên bàn cờ quốc tế. Người Việt trở thành quân cờ trong tay kẻ khác.
Còn sau hội nghị Thành Đô (1990), tôi để ý thấy rõ là cứ trước mọi kỳ đại hội Đảng, là có phải có phái đoàn của Việt Nam sang xin ý kiến của Trung Quốc. Đại hội xong, nhân sự yên chỗ, thì lại có đoàn sang Bắc Kinh để báo cáo. Vậy thì độc lập ở chỗ nào? Không chỉ vậy, chẳng hạn như vụ Bauxite Tây Nguyên cũng là một ví dụ. Hơn 200 trí thức lớn của Việt Nam viết thư kiến nghị, can ngăn nhà cầm quyền về môi trường, về an ninh quốc phòng… nhưng họ vẫn bất chấp. Cho đến nay thì hậu quả tai hại khôn lường, mà tất cả chỉ vì muốn cung phụng cho Trung Quốc.  
Nhiều người sợ rằng Trung Quốc mạnh lên, không thuận ý thì sẽ xảy ra chiến tranh như năm 1979. Thế nhưng điều đó không còn cần thiết, vì Bắc Kinh nắm được ngoại giao, tác động được cá nhân hay nội bộ thì muốn lái đi đâu thì lái. Do đó cần đặt dấu hỏi là chúng ta có thật sự độc lập hay không?
Còn về nhân quyền, thời Pháp có những thứ bóp nghẹt dân chủ. Nhưng ít nhất vẫn còn báo chí đối lập hay độc lập. Mặt trận Bình dân (1936-1939) hình thành, ông Trường Chinh nói và nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, người Pháp để cho tự do. Còn bây giờ thì báo chí chỉ cần có bài không hài lòng ai đó, là bị dẹp ngay. Mọi thứ còn nghiệt ngã hơn thời thực dân rất nhiều.
Với những gì đã thấy, đã trải qua, tôi nghĩ việc đưa ra bản Yêu sách 2019 là cấp bách và cần thiết, chứ không thách thức hay đối đầu với ai cả.
Tham khảo thêm:

Viễn cảnh nào cho nền Giáo dục Việt Nam sau bao vết nhơ?

RFA-2018-12-28   
Trường Duy Ninh, giáo viên chủ nhiệm và em học sinh bị tát.
Trường Duy Ninh, giáo viên chủ nhiệm và em học sinh bị tát.-Edited
Có thể nói năm 2018 kết thúc với nhiều vụ việc tiêu cực trong ngành Giáo dục bị công luận lên án mạnh mẽ. Tuy vậy vào những ngày cuối năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới và kể ra nhiều hy vọng tốt đẹp vào tương lai.
Viễn cảnh mới này ra sao trong mắt các chuyên gia, nhà giáo và các bậc phụ huynh?

Lạc quan lẫn hoài nghi

Chiều 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới được mô tả là theo hướng hiện đại, tinh gọn, đảm bảo chất lượng, tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên bằng cách giảm đi số môn học, tiết học, và kiến thức kinh viện; mặt khác tăng cường dạy học phân hóa – tự chọn.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên trường Đại học Bách Khoa Sài Gòn, hiện sinh sống tại Pháp cho biết cảm nhận của ông:
Nếu thực sự xảy ra như thế thì đây là một điểm tốt. Nhiều người đã phàn nàn rằng việc học ở Việt Nam ở cấp Tiểu học và Trung học quá nặng khiến các em lên tới Đại học thì đuối sức. Thứ hai nữa là các em học thì nhiều, nhưng thực sự có nhiều môn vô ba. Thứ ba là chương trình học của các em ở bậc Trung học thì tạm gọi đều đi vào một luồng khiến cho nhiều em không hứng thú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nói với truyền thông trong nước rằng chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích hóa hoạt động người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà xã hội kỳ vọng.
Nếu như thay đổi dựa theo một vài mô hình tiên tiến mà không có vấn đề giải quyết cụ thể thì sẽ khó vì mình không biết điều chỉnh khác nhau.
-Thầy giáo
Chúng tôi liên hệ một giáo viên của một trường tư nhân hiện đang áp dụng chương trình giáo dục của Phần Lan cho học sinh tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, và được người này nhận xét:
Khi mình nói phát triển kỹ năng, phẩm chất thì phải có những kỹ năng gì, phẩm chất gì. Phẩm chất thì liên quan đến tự thân, kỹ năng thì liên quan đến cách làm việc với người khác. Nếu mọi người không nói rõ thì sẽ khó xây dựng chương trình.
Truyền thông trong nước cho biết chương trình mới sẽ phân rõ giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 9, và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Mục đích nhằm phân luồng mạnh sau trung học cơ sở để trung học phổ thông tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Khi đặt vấn đề về việc phân chia giai đoạn giáo dục, người giáo viên tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi.
Không biết mọi người chia như vậy để giải quyết vấn đề gì. Nếu như thay đổi dựa theo một vài mô hình tiên tiến mà không có vấn đề giải quyết cụ thể thì sẽ khó vì mình không biết điều chỉnh khác nhau. Mỗi chương trình giáo dục sẽ có vấn đề riêng.

Hành xử vô giáo dục

Năm 2018 đánh dấu nhiều vụ bê bối Giáo dục tại Việt Nam. Có thể điểm qua như vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy trừng phạt học sinh bằng cách yêu cầu các học sinh cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào mặt; vụ bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị dư luận phản đối; vụ gian lận điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông ở các tỉnh phía Bắc; hay gần đây nhất là vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My dâm ô hàng chục nam sinh.
Một bà mẹ trẻ chia sẻ với chúng tôi sự bi quan hoàn toàn của cô đối với chương trình mới của Bộ Giáo dục.
Pano tuyên truyền cho người dân rằng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác.
Pano tuyên truyền cho người dân rằng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác. AFP photo
Từ việc giáo viên không có đạo đức cho đến việc những người làm trong giáo dục không có đạo đức thì dạy ai, ra chính sách gì? Tôi không tin. Bây giờ tôi không tin vào cái thay đổi của Bộ này nữa thì tôi sẽ cố gắng đưa con tôi ra nước ngoài đi học. Hoặc tôi có thể dạy nó ở nhà, rồi nó có thể đi học tập ở nước ngoài, tham gia kỳ thi tuyển quốc tế gì đó, không cần đến cái tiêu chí của Bộ Giáo dục Việt Nam nữa.
Giải thích về điểm cốt lỗi gây ra những tiêu cực Giáo dục, Giáo sư Phạm Minh Hoàng dẫn chứng Khoản 1 Điều 3 trong Luật Giáo Dục Việt Nam 2005 quy định “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.” và ông nhấn mạnh:
Tất cả những cái đó tôi chung quy vào một mối thôi, đó là cơ chế của đất nước chúng ta như thế. Một khi chúng ta không giải quyết được cơ chế mà để ý thức hệ ràng buộc, ‘vòng kim cô’ trên đầu thì chúng ta đừng nghĩ gì xa hơn.
Từ việc giáo viên không có đạo đức cho đến việc những người làm trong giáo dục không có đạo đức thì dạy ai, ra chính sách gì? Tôi không tin.
- Một bà mẹ trẻ
Dường như có cùng quan điểm với Giáo sư Hoàng, một nam phụ huynh học sinh bày tỏ sự bất bình:
Tôi không chấp nhận được chuyện để con tôi đi học mà được dạy phải tát bạn mình. Chừng nào thay đổi chế độ thì tôi nghe Bộ Giáo dục nói chuyện.
Viễn cảnh nào cho nền Giáo dục Việt Nam?
Vấn đề cải cách giáo dục là đề tài được giới trí thức cũng như quan chức chính phủ thường xuyên bàn bạc để tìm hướng đi. Tại phiên chất vấn và trả lời trước Quốc hội vào sáng 6/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh phải đầu tư giáo dục chất lượng cao bằng cách nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến. Hôm 26/8, đích thân ông Nhạ dẫn đầu đoàn công tác sang Phần Lan để tìm hiểu kinh nghiệm giáo dục.
Trái ngược với quan điểm giáo dục của Hà Nội, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhắc tới triết lý giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và khẳng định.
Triết lý giáo dục rất ‘nhân bản’ của con người là đủ rồi. Chúng ta không nhất thiết phải chạy theo một cái khuôn khổ, khuôn mẫu nào cả. Nghe người ta nói sẽ mang sách lược giáo dục của nước ngoài về thì tôi thấy đây là chuyện hơi khôi hài. Tôi nghĩ con người Việt Nam đủ sáng suốt và đủ thông minh để tìm ra một hướng đi giáo dục ở Việt Nam.
Đánh giá về tương quan giữa giáo dục và xã hội trong tương lai, người thầy đang áp dụng chương trình của Phần Lan nhận định:
Trong tương lai và ngay thời điểm bây giờ mọi người đều thấy là ngành mới và nghề mới sinh ra liên tục, và hệ thống giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc mới rồi. Nếu như mình vẫn còn dạy theo định hướng nghề nghiệp cũ thì sẽ đào tạo ra một thế hệ không đủ kỹ năng đòi hỏi công việc cho tương lai.
Nếu như mình vẫn còn dạy theo định hướng nghề nghiệp cũ thì sẽ đào tạo ra một thế hệ không đủ kỹ năng đòi hỏi công việc cho tương lai.
-Thầy giáo
Người thầy chia sẻ cách tiếp cận giáo dục của Phần Lan cho học sinh dựa trên 3 tiêu chuẩn: kiến thức nền tảng, kỹ năng và phẩm chất thế kỷ 21 như tính tò mò, tính sáng tạo, tính tự đánh giá bản thân, tính kiên định… và anh nhấn mạnh:
Thật ra là Việt Nam trễ hơn không phải một nhịp mà là hai nhịp rồi. Có nghĩa là mấy bạn nhỏ Việt Nam thậm chí còn không biết nghề mình thi vào là cái gì. Định hướng nghề trong chương trình mới có thể sẽ giải quyết, nhưng dù vậy thì vẫn trễ so với tốc độ phát triển ngành nghề.
Cũng theo anh, các bậc phụ huynh Việt Nam và các nước Đông Á vẫn nặng tâm lý ‘thành tích’, điểm số mà thiếu cái nhìn đa dạng trong tiềm năng của trẻ em.