Wednesday, April 27, 2016

27 luật sư 'đồng hành cùng ngư dân'

Theo BBC-27 tháng 4 2016 

27 luật sư tham gia Liên danh Phục vụ Công lý cùng ký thư ngỏ đề ngày 25/4 đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ cá chết tại bốn tỉnh miền Trung và yêu cầu Bộ Công an “cân nhắc khởi tố vụ án hình sự”.
Image copyrightAFP
Image captionCác luật sư kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước "giúp làm rõ những khía cạnh khoa học liên quan đến thảm họa cá chết"
Thư ngỏ của các luật sư đề gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cơ quan chức năng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
“Chúng tôi đề nghị báo chí và người dân không kết luận Formosa là thủ phạm thảm hoạ này cho đến khi các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam xác định nguyên nhân, nguồn gốc và điểm xuất phát của thảm họa”, bức thư viết.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Công an yêu cầu cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an xem xét vụ thảm họa này, cân nhắc khởi tố vụ án hình sự về những hành vi gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo các điều 182 và 188 Bộ luật Hình sự”.

'Phức tạp'

Trả lời BBC hôm 26/4 từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân, một trong các luật sư tham gia thư ngỏ, nói: “Dù chưa biết vụ việc này có hiệu ứng đến đâu, nhưng các luật sư đồng lòng muốn tham gia vụ việc này để tạo tiền lệ cho những vụ xâm hại môi trường về sau và đòi bồi thường cho những ngư dân bị thiệt hại nếu có vụ kiện.”
“Theo tôi, việc khởi tố vụ án hình sự là khả thi, do tính chất nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm của vụ đầu độc trên diện rộng, bị can thì có thể xác định trong quá trình điều tra,” luật sư cho hay.
Ông Luân cũng dự báo: “Vụ này rất phức tạp, liên quan đến nhiều người nên có thể kéo dài một, hai năm. Do Bộ Luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực về xử lý pháp nhân, nên chỉ có thể áp dụng Bộ Luật Hình sự 1999 và sửa đổi 2009 về việc xử lý hành chính và bồi thường dân sự, có thể sẽ truy tố một số cá nhân trong Formosa do sai phạm của họ.”
Theo luật sư, tòa án một trong các tỉnh miền Trung bị thiệt hại sẽ thụ lý vụ án “nhưng tòa cấp cao cũng có thể lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ án”.
Cùng ngày, trao đổi với BBC, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy -Trinh (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), một trong các luật sư tham gia thư ngỏ của Liên danh Phục vụ Công lý, nhận định: "Đảng và nhà nước đã sai lầm rất nghiêm trọng khi chủ trương cho phép đầu tư vào địa bàn này."
"Việc này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng an ninh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, môi trường đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hản sản của người dân," ông Bình nói.
Một ngày trước, hôm 25/4, trả lời phóng viên BBC Cindy Sui từ Đài Loan, ông Chang Fu-ning nói báo chí Việt Nam đưa tin rằng Formosa có đường ống dẫn chất thải ra biển trái phép nhưng thực ra "chính phủ Việt Nam đã ra thông báo nói công ty được quyền có đường ống thải như thế".
Ông Chang cũng cho rằng phía chính quyền Việt Nam "đã lấy mẫu xét nghiệm từ đường ống".

Phá rừng làm thủy điện: đừng chơi trò ‘điếc không sợ súng’

Hình minh họa.
Hình minh họa.
Những ngày qua dư luận và cư dân mạng lại bắt đầu xôn xao vì thông tin hơn 53 ha rừng khộp của Vườn Quốc gia Yok Đôn sắp bị cưa đốn vì lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Đắk Lắk và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho phép một doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sang làm thủy điện. Nhiều nhà khoa học cùng cán bộ VQG Yok Đôn lo dự án thủy điện này sẽ phá vỡ hệ sinh thái của vườn.
Nhìn lại kế hoạch đầy tranh cãi này, và lịch sử của không ít vụ bê bối về thủy điện tại Việt Nam suốt nhiều năm qua, có quá nhiều điều để chính quyền địa phương lẫn trung ương tại Việt Nam phải suy ngẫm. Thứ nhất chính là khả năng đánh giá tác động môi trường có rất nhiều vấn đề của đơn vị đầu tư. Còn nhớ trước đây, có “nhà khoa học” từng bắt chước cách đánh giá tác động môi trường của một nhá máy thủy điện tận bên…Trung Quốc về áp dụng cho một nhà máy thủy điện tại Việt Nam, bất chấp hậu quả. Thời gian qua, tác động ngoài khả năng kiểm soát của một số thủy điện càng cho thấy việc đánh giá tác động môi trường của thủy điện, không hiểu vì năng lực của nhà đầu tư và đơn vị đánh giá thấp, hay vì thiếu quan tâm đối với tác động tiêu cực đối với môi trường, đều có vấn đề.
Theo nhận định của đơn vị đầu tư vào dự án này, rừng đặc dụng khu vực làm thủy điện thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn không ảnh hưởng nhiều đến VQG Yok Đôn vì chủ yếu là rừng nghèo và đa dạng sinh học thấp (?!). Tuy nhiên, theo giới báo chí Việt Nam đã xâm nhập thực địa và khảo sát khu vực “rừng nghèo” này, thì mọi thứ có vẻ không ăn khớp. Bằng chứng là thông tin từ nhà báo Lữ Hồ đăng tải trên báo Tiền Phong mô tả tương đối chi tiết về khu vực này như sau: “Nhìn ra xung quanh đâu đâu cũng thấy những cây bằng lăng cổ thụ cả hai người ôm không xuể. (…) Bên kia sông Srêpốk, rừng cây cổ thụ dày đặc, sum suê hơn và trải dài xanh thẳm theo dòng sông. Nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy tính đa dạng sinh học khu vực rừng này không hề thấp. (…) Người dân địa phương đã từng đánh bắt được nhiều cá mõm trâu, cá leo… cả hàng chục ký trên sông Srêpốk. Đây là những loại cá quý có tên trong sách đỏ, chúng bơi ngược theo sông Srêpốk từ Biển Hồ (Campuchia) qua đây sinh sản. Càng đi, chúng tôi càng gặp nhiều loại gỗ quý như hương, cẩm lai, căm xe… phân bố rải rác khắp cánh rừng này. Rõ ràng, hệ sinh thái rừng đặc dụng khu vực này của vườn quốc gia không hề nghèo nàn!”
Mặc dù phía nhà đầu tư khẳng định thủy điện không ảnh hưởng nhiều đến vườn quốc gia, chính PGS.TS Bảo Huy thuộc Khoa Nông lâm - Đại học Tây nguyên, đã đưa ra cảnh báo trên Tiền Phong rằng vườn quốc gia Yok Đôn là quần thể sinh thái phong phú và đa dạng về sinh học, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng đất Tây Nguyên. Chúng ta không nên gây tác động tiêu cực vào đây. Nếu cứ đánh đổi rừng đặc dụng để xây dựng thủy điện, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ chẳng còn rừng quốc gia.
Thứ hai, cần phải nhớ rằng các nghi án hạn hán kinh hoàng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, phần nào đó, là do việc khai thác rừng và sử dụng mạch nước ngầm, khai thác các con sông thượng nguồn bất hợp lý hay quá tải từ khu vực Tây Nguyên. Dù đây chỉ mới dừng lại ở mức phỏng đoán và hoài nghi (do cơ sở dữ liệu yếu) nhưng không có nghĩa đó sẽ không phải là sự thật. Việc khai thác rừng thượng nguồn về mặt lý thuyết có khả năng gây hạn vào mùa khô, lũ quét vào mùa mưa, hậu quả là người miền đồng bằng phải lãnh đủ thiên tai nhưng thực tế là nhân tai. Người dân Việt Nam, đặc biệt người miền Trung, chắc chưa thể quên trận lụt kinh hoàng vài ba năm trước như nhận chìm cả miền Trung vì các trung tâm thủy điện khu vực Tây nguyên đồng loạt xả lũ. Xây thủy điện như thế khác nào treo cột nước tử thần trên đầu mình?
Thứ ba, cần lưu ý rằng xu hướng của thế giới là hạn chế, hướng đến xóa bỏ các nhá máy thủy điện, đặc biệt thủy điện vừa và nhỏ. Nên biết rằng thủy điện vừa và nhỏ mang lại một mức lợi ích, nếu so sánh với những nguồn lực đầu tư (rừng, môi trường…) không đáng kể, thậm chí có xu hướng giảm dần. Tất nhiên phải thông cảm rằng Việt Nam chưa thể xóa đập thủy điện như một số nước có nguồn năng lượng hạt nhân, tái tạo hay nhiệt điện… dồi dào; nhưng thực tế bản đồ thủy điện Việt Nam đang quá tải với quá nhiều nhá máy thủy điện lớn nhỏ. Đó là chưa kể Việt Nam vận động hạn chế tối đa việc xây dựng thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong để tránh thiệt hại cho hàng triệu dân ở hạ nguồn (nằm ở Việt Nam), nhưng chính Việt Nam lại muốn đưa mình vào thế khó khi phải đánh đổi thiên nhiên và an ninh con người cho các nhà đầu tư.
Tôi rất đồng tình với TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, khi ông phát biểu thẳng thắn trên báo chí rằng “Các thủy điện nhỏ hoặc lớn được xây dựng trên tất cả các sông suối là bài toán đánh đổi lợi ích kinh tế và môi trường như mọi người đều biết. Vậy việc xây dựng các thủy điện trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn chỉ vì lợi ích quá ư nhỏ bé mà người ta sẵn sàng bỏ qua cả luật pháp, cả lợi ích cho xã hội, cho con cháu sao?” Thiết nghĩ quá trình đánh giá và cho phép đầu tư thủy điện cần phải có những thay đổi, cải cách mạnh mẽ để siết chặt tính kỷ luật hơn với môi trường, tức là sống có trách nhiệm hơn với tương lai con cháu đời sau. Những mãnh đất nứt nẻ khô cằng Miền Tây vẫn ám ảnh hàng triệu người, cùng với đó là những trận lũ quét kinh hoàng. Không lẽ bấy nhiêu chưa đủ báo động nguy cơ và rủi ro ghê gớm của việc phá rừng làm thủy điện của Việt Nam suốt những năm qua hay sao?
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chuyện ‘nhỏ xíu như móng tay’

Ông Tấn kể về vụ án (ảnh chụp từ Vietnamnet.net)
Ông Tấn kể về vụ án (ảnh chụp từ Vietnamnet.net)
Trong hơn một tuần vừa qua, một trong những sự kiện gây xôn xao trong dư luận Việt Nam nhất là “vụ án hình sự” liên quan đến quán cà phê Xin Chào tại Sài Gòn.
Câu chuyện tương đối đơn giản: Ông Nguyễn Văn Tấn khai trương quán cà phê tại Bình Chánh vào ngày 8 tháng 8, 2015 chuyên bán nước giải khát và thức ăn sáng. Trước đó, ông đã nộp đơn đăng ký kinh doanh và được hứa sẽ được cấp giấy phép vào ngày 18 tháng 8. Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 8, tức hai ngày trước khi có giấy phép, cán bộ Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra và phạt ông 17 triệu đồng với các tội: kinh doanh không có giấy phép, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Ông Tấn đóng tiền phạt và ngừng việc bán thức ăn, chỉ còn bán cà phê và nước giải khát. Sau đó, ngày 19 tháng 8, ông nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ba ngày sau, ông và các nhân viên trong quán được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Nhưng chưa hết. Ngày 10 tháng 9, công an tiếp tục đến kiểm tra quán và buộc ông Tấn các tội: sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm và kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nửa tháng sau, công an huyện ra quyết định khởi tố ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép với các tội trạng: gây “nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội…”.
Khi vụ án sắp được mang ra xét xử vào ngày 19 tháng 4, 2016, một số nhà báo mang vấn đề ra trước công luận, từ đó, khiến mọi người chú ý. Vấn đề được bàn cãi sôi nổi trên các diễn đàn mạng. Câu chuyện lọt vào tai Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng. Ông Thăng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố kiểm tra vụ việc. Một ngày sau, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại ra lệnh Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra việc xử lý hình sự ông Nguyễn Văn Tấn. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc Hội cũng nhập cuộc: Bà yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh rút hồ sơ truy tố ông Nguyễn Văn Tấn. Sau khi kiểm tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đi đến kết luận là việc truy tố ông Nguyễn Văn Tấn không có căn cứ. Việc làm của ông không cấu thành tội phạm theo khoản 2, điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Cuối cùng, người ta đồng ý với nhau là rút đơn truy tố ông Nguyễn Văn Tấn.  Quán cà phê của ông được tiếp tục hoạt động. Hơn nữa, người ta còn ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đại tá Nguyễn Văn Quý, trưởng công an huyện Bình Chánh và một số cán bộ liên hệ về tội lạm quyền.
Ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, tại sao công an huyện Bình Chánh lại khăng khăng khép tội ông Nguyễn Văn Tấn một cách oan ức vậy? Và thứ hai, tại sao giới lãnh đạo Việt Nam, từ Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đến Thủ tướng lại hăng hái can thiệp vào một chuyện, nói theo lời phó giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh, “nhỏ xíu như móng tay” như vậy?
Với câu hỏi thứ nhất, đại tá Nguyễn Văn Quý cho là vì quán cà phê Xin Chào nằm đối diện trụ sở công an Bình Chánh, ông sợ đó sẽ là nơi tụ tập của các “cò”, những người chạy chọt giấy tờ cho dân chúng một cách bất hợp pháp. Nhưng theo ông Tấn, lý do chính là vì công an sợ quán của ông sẽ cướp hết khách của căn tin trong đồn công an. Thậm chí, khi quán Xin Chào còn hoạt động, công an Bình Chánh đóng cổng chính (đối diện với quán Xin Chào) buộc mọi người đến làm giấy tờ phải đi cổng sau, ngang qua căn tin của công an. Nói một cách vắn tắt, sở dĩ công an quyết đánh sập quán cà phê Xin Chào là vì một lý do giản dị: cạnh tranh về kinh tế.
Với câu hỏi thứ hai, có thể có hai lý do chính:
Một, cả Đinh La Thăng lẫn Nguyễn Xuân Phúc đều mới nhậm chức, họ muốn chứng tỏ họ quan tâm đến dân, nhanh chóng giải quyết những vấn đề khiến dân chúng bức xúc.
Hai, cả hai đều không muốn tạo nên những tiền lệ và những ấn tượng xấu đối với lãnh vực kinh doanh của dân chúng. Nói theo lời ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nếu ông Nguyễn Văn Tấn bị truy tố và bị lãnh án phạt thì “dư luận có thể hiểu là mọi việc kinh doanh đều có thể đi tù". Ông nhấn mạnh thêm: “Đừng để doanh nghiệp cảm thấy có thể rơi vào tình trạng như ông bán cà phê”. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng đồng ý với ông Lê Mạnh Hà. Ông cho chỉ đạo tránh hình sự hoá vụ quán cà phê mà giới lãnh đạo đưa ra là một việc nhỏ nhưng phát đi một thông điệp lớn: “Không hình sự hóa việc đó tức là đảm bảo sự an toàn của môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp và người dân sẽ được bảo vệ”.
Cả hai lý do nêu trên đều chính đáng và không có gì đáng bị phê phán cả. Tuy nhiên, ở đây lại nảy sinh ra hai vấn đề:
Thứ nhất, tại sao giới lãnh đạo Việt Nam lại không nhanh chóng can thiệp vào các vụ việc nghiêm trọng khác vốn đầy dẫy trong xã hội? Ví dụ các vụ giải toả đất đai từng dẫn đến hàng ngàn cuộc biểu tình gây nhức nhối dư luận từ trước đến nay? Hay, mới đây nhất, vụ cá biển chết hàng loạt, tấp đầy bờ từ Hà Tĩnh đến tận Huế, kéo dài đến hơn 200 cây số, khiến dân chúng hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các ngư dân và vấn đề sức khoẻ của dân chúng cũng như sự an toàn trong môi trường, đến nay, giới lãnh đạo vẫn phản ứng một cách hết sức chậm chạp. Tại sao?
Thứ hai, thật ra, nhiệm vụ của những người lãnh đạo cao cấp trong quốc gia cũng như trong thành phố không phải là để can thiệp vào từng sự việc như thế. Họ làm sao có đủ thì giờ để can thiệp vào mọi chuyện? Vấn đề chính của các nhà lãnh đạo là tạo ra những cơ chế tốt đẹp và hiệu quả để tự nó vận hành mà không gây oan khuất cho ai cả. Ví dụ, qua vụ khởi tố quán cà phê Xin Chào, chúng ta thấy được hai điều: Một, thủ tục đăng ký kinh doanh rất nhiêu khê, rắc rối và phiền phức; và hai, công an cũng như chính quyền địa phương nói chung thường lạm quyền, gây khó khăn cho dân chúng. Để tránh hai điều ấy, bộ máy hành chính cần phải giản dị và minh bạch để vừa tiện lợi cho việc kinh doanh vừa tránh những sự oan ức.
Đó mới là những nhiệm vụ chính của các nhà lãnh đạo.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Dịch vụ giới thiệu việc làm lừa bịp

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-04-27  
000_APH2002061296192-622B.jpg
 Một trung tâm giới thiệu việc làm ở Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Nhu cầu tìm việc của các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp cũng như giới lao động phổ thông tại Sài Gòn ngày càng cao. Khi mà các đoàn người từ miền Trung vẫn lũ lượt kéo về Sài Gòn để tìm chén cơm manh áo với hy vọng đổi đời. Tỉ lệ thuận với những đoàn người là những trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm mọc lên khắp ngõ ngách Sài Gòn. Trong số hàng trăm trung tâm này, con số những trung tâm làm việc theo cung cách đem con bỏ chợ, sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi không phải là ít. Điều này gây những xoáy động và tổn thương không nhỏ cho người lao động.

Thất nghiệp tràn lan và trung tâm mờ ám

Chị Dậu, một thạc sĩ ngành kế toán, người gốc Quảng Nam, vào Sài Gòn suốt ba năm nay để kiếm việc làm và chưa bao giờ làm đúng chuyên môn của mình, chia sẻ:
“Mấy trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân nhiều vô kể, nó mọc khắp các nơi, các quận đều có. Nhưng nó không uy tín, như mình được giới thiệu việc, nhưng nếu mình và bên thuê được giới thiệu làm việc không suôn sẻ, mình đến lấy lại tiền sẽ rất rắc rối. Có chỗ nó trả lại 70%, có chỗ nó trả chậm lắm, nhưng cũng có chỗ nó quỵt luôn.”
Mấy trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân nhiều vô kể, nó mọc khắp các nơi, các quận đều có. Nhưng nó không uy tín, như mình được giới thiệu việc, nhưng nếu mình và bên thuê được giới thiệu làm việc không suôn sẻ, mình đến lấy lại tiền sẽ rất rắc rối.
-Chị Dậu
Chị Dậu cho rằng với năng lực bản thân, chị sẽ dễ dàng tìm một chân kế toán trưởng ổn định ở bất kỳ công ty nào trên đất Sài Gòn. Tuy nhiên, có một thực tế đau lòng đối với các cử nhân, thạc sĩ ngành kinh tế, đặc biệt là chuyên ngành kế toán mà khi nói ra nghe tưởng như đùa. Đó là không riêng gì công ty, doanh nghiệp nhà nước mới có chuyện con ông cháu cha, có chuyện người không có năng lực được nhận vào làm còn người có chuyên môn thì thất nghiệp mà hầu hết các công ty, doanh nghiệp tư nhân cũng tuyển dụng theo qui tắc con ông cháu cha.
Và cái qui tắc con ông cháu cha giữa doanh nghiệp nhà nước và doianh nghiệp tư nhân khá giống nhau ở chỗ nhận vào làm trước, sau đó cho đi học chuyên tu, tại chức… Giải thích cho chuyện buồn cười này, chị Dậu nói rằng bởi hầu hết hệ thống doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đều có vấn đề. Nếu không trốn thuế thì cũng có vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động hoặc kinh doanh những mặt hàng không có đăng ký, gọi là kinh doanh ngoài luồng.
Chính vì hầu hết có vấn đề nên người ta buộc phải tuyển người thân để cùng giữ bí mật công ty và đảm bảo bí mật này được giữ lâu dài. Và đây cũng là một phần nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan khắp mọi nơi trên đất nước. Là một người từng làm qua nhiều việc, không ngoại trừ việc đi làm bảo mẫu, chị Dậu đã có quá trình tương tác với các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm. Và hình như lần tương tác nào cũng cho chị kinh nghiệm buồn.
Bởi nhu cầu tìm việc của giới lao động khi vào đến Sài Gòn là một nhu cầu cấp thiết. Giả sử như người ta đã có hứa hẹn về công việc trước khi bước chân xuống Sài Gòn và khi đến nơi thì có công việc ngay cũng chưa chắc công việc đã ổn định và lâu dài, người ta buộc phải tìm một công việc khác phù hợp hơn. Mà với mức sống cũng như tốc độ xoay vòng của đất sài Gòn, nếu thất nghiệp quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng nhẵn túi và không những hết tiền để sống  mà không còn tiền để quay về quê.
viec-lam-400.jpg
Một bảng thông báo tìm người lao động được dán treo bên cột điện ở Bình Chánh - Sài Gòn. RFA PHOTO.
Chính vì vậy mà khi thất nghiệp mà người ta tìm ngay đến trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm. Nhưng cũng ít tai có kinh nghiệm vui khi đến các trung tâm này bởi lối làm ăn thiếu lương tâm, không có trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu lừa bịp của một số nơi. Thường thì muốn giới thiệu một công việc gì đó, người của trung tâm sẽ tư vấn, đưa ra một bảng liệt kê các công việc và mức lương. Người lao động chọn công việc thích hợp xong thì đôi bên thỏa thuận.
Nói là thỏa thuận cho sang chứ thực ra là nói rõ về tỉ lệ ăn chia của tháng lương đầu tiên. Thường thì phái trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm sẽ hưởng 30% tháng lương đầu tiên của người lao động. Và hầu hết người lao động đóng ngay khoản tiền đó cho trung tâm. Trung tâm cũng hứa sẽ trả lại 50% đến 80% số tiền đã đóng nếu trong vòng một tuần, người lao động cảm thấy công việc đó không đúng như thỏa thuận.
Ví dụ như chị Dậu, lần đầu tiên người ta ký hợp đồng chị làm bảo mẫu. Nhưng khi làm việc thì chủ nhà lai sai vặt chị giống như người giúp việc, thậm chí mỗi chiều còn yêu cầu chị đi gom thức ăn thừa rồi chở ra trại nuôi heo của gia đình họ ở ngoại ô. Chịu không nổi công việc, chị xin nghỉ, xin tiền lương nhưng chủ nhà nói rằng đây là thời gian thử việc nên không có lương. Và khi yêu cầu trung tâm hoàn trả 50% số tiền chị đã đóng thì bị nhân viên trung tâm này quát tháo và đe dọa.
Chị Dậu nói rằng hầu hết bạn bè cùng cảnh ngộ của chị đều gặp tính cảnh giống y hệt như chị khi đến các trung tâm này.

Những trò lừa đảo vô nhân tính

Anh Thuận, một cử nhân kinh tế, đang tìm việc tại thành phố Sài Gòn, chia sẻ:
“Mấy cái trung tâm giới thiệu việc làm, mỗi lần như vậy nó lấy mình mấy trăm ngàn. Phía người lao động nó cũng lấy, mà người thuê lao động nó cũng lấy. Mà nó toàn xạo không thôi, như nó bảo lấy phí khám sức khỏe nhưng thật ra có khám gì đâu, toàn đóng, đóng, đóng dấu không à!”
Anh Thuận cho rằng hầu hết giới lao động tha phương cầu thực ở Sài Gòn đều là người miền Trung. Nếu như người Tây Nam Bộ lên Sài Gòn tìm việc nhanh chóng ở các khu công nghiệp thì người miền Trung lây lất hơn nhiều với đủ thứ công việc. Bới người miền Trung có tính cầu thị và luôn xem Sài Gòn là mảnh đất hứa, có thể thay đổi đời.
Mấy cái trung tâm giới thiệu việc làm, mỗi lần như vậy nó lấy mình mấy trăm ngàn. Phía người lao động nó cũng lấy, mà người thuê lao động nó cũng lấy. Mà nó toàn xạo không thôi, như nó bảo lấy phí khám sức khỏe nhưng thật ra có khám gì đâu, toàn đóng, đóng, đóng dấu không à!
-Anh Thuận
Anh Thuận giải thích rằng sở dĩ có sự khác nhau về tâm tính giữa người miền Trung và người miền Nam như vậy bởi vì miền Trung quá khổ, đất đai cằn cỗi, thiên nhiên không ưu đãi như người Tây Nam Bộ, chính vì vậy mà ý thức vượt thoát nghèo khổ, vượt thoát bản thân luôn là kim chỉ nam của người miền Trung. Anh Thuận giải thích thêm sở dĩ người miền Trung kéo vào Sài Gòn nhiều không phải Sài Gòn bây giờ giàu có hơn Hà Nội mà bởi vì tính cách của người miền Trung chỉ hợp với đất Sài Gòn và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến về miền Nam.
Một khi người lao động tăng nhanh, đôi khi chính dân lao động với nhau cũng lừa bịp nhau. Anh Thuận cho biết là hiện nay có không ít trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm có ông chủ, bà chủ là người miền Trung và các trung tâm này nổi tiếng nhờ vào chiêu trò lừa bịp của họ.
Ví dụ như khi những lao động phổ thông đến tìm việc, họ sẽ đưa ra hàng loạt công việc tốt đẹp, lương cao. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Người lao động sẽ mất tiền cược và mất cả tiền hồ sơ. Chiêu lừa bịp tiền hồ sơ thường là phía trung tâm yêu cầu người cần việc đưa thẻ chứng mình nhân dân cho họ, họ để làm hồ sơ, xin giấy tạm trú. Người lao động cả tin đưa chứng minh nhân dân cho họ và chờ việc. Khi nhận việc không đúng như thỏa thuận hoặc không có hợp đồng làm việc thì người lao động đến trung tâm lấy lại thẻ chứng minh nhân dân.
Lúc này phía trung tâm sẽ yêu cầu người lao động nộp cho họ 300 đến 500 ngàn đồng thì họ mới trả thẻ. Họ giải thích là vì quá trình làm hồ sơ đã tốn chừng đó tiền. Người lao động không hoặc là bỏ thẻ hoặc là chấp nhận trả tiền để lấy thẻ lại chứ không thể nói lý lẽ với trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm bởi họ bắt đầu giở trò bạo lực và có thể cho xã hội đen đánh đập người lao động.
Chỉ riêng giới lao động nghèo, đồng hương với nhau mà người ta cũng sẵn sàng bịp bợm, sống trí trá với nhau như vậy thì người lao động chỉ biết ngửa mặt lên trời mà kêu “Hồ Chí Minh ơi là Hồ Chí Minh, sao mà bịp bợm quá đỗi!”. Đã không ít lần anh Thuận phải buồn bã ngửa mặt lên trời như vậy.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Phản ứng của người dân trước vấn nạn ô nhiễm môi trường

RFA 2016-04-27  
3781821259511012966_o.jpg
 Lời kêu gọi bảo vệ môi trường đang được mọi người tham gia rộng rãi.  Citizen photo
Hôm nay (27/4/2016), trên mạng xã hội đã lan truyền một lời kêu gọi xuống đường vì môi trường vào ngày 1 tháng 5 tới tại các thành phố và tỉnh thành của Việt Nam.
Những người kêu gọi xuống đường nêu lên tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội do phát hiện thủy ngân mới đây, nạn cá tôm chết ở biển miền Trung, tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên.
Bức thư có đoạn viết ‘chưa khi nào Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với nhiều thảm họa về môi trường đến thế. Vì nhiều lý do như: đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế, thay đổi khí hậu… và nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự quan tâm của chính mỗi người dân đến môi trường sống của mình’.
Lời kêu gọi cũng gợi ý những khẩu hiệu mà người biểu tình mang theo như ngoài khơi tàu lạ tấn công gần bờ cá chết sao không đoái hoài, yêu cầu minh bạch việc sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường, yêu cầu chính phủ công khai trách nhiệm với nhân dân vụ Formosa.
Trong khi đó, hôm qua những người quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm môi trường ở biển miền Trung đã ký vào một thỉnh nguyện thư gửi Nhà Trắng đề nghị chính phủ Mỹ giúp cung cấp cho Việt Nam những đánh giá môi trường độc lập đối với nhà máy thép của Formosa.
Thỉnh nguyện thư cũng đề nghị Tổng thống Obama nêu vấn đề này đối với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 tới.
Hiện tại, bức thỉnh nguyện thư đã nhận được hơn 50.000 chữ ký. Bản thỉnh nguyện thư cần nhận được ít nhất 100.000 chữ ký chậm nhất là vào ngày 26 tháng năm tới để có thể nhận được hồi đáp từ nhà Trắng.
Cũng vào ngày hôm qua 26 tháng 4, một nhóm các luật sư tại Việt Nam và luật sư tham gia liên danh phục vụ Công lý đã gửi một bức thư ngỏ tới Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ miễn phí giúp ngư dân các tỉnh miền Trung thu thập chứng cứ và chuẩn bị hành trình pháp lý. Các luật sư cũng đề nghị Formosa công khai minh bạch thông tin trước dư luận cho rằng công ty này đã xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Thư ngỏ đề nghị những luật sư trong cả nước, đặc biệt là các luật sư ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tình nguyện hướng dẫn ngư dân thu nhập chứng cứ và thiệt hại cùng những trợ giúp pháp lý khác có liên quan.
Thư ngỏ yêu cầu liên đoàn luật sư Việt Nam sớm có văn bản gửi 4 đoàn luật sư và các luật sư trong cả nước đề nghị trợ giúp pháp lý cho các ngư dân.
Luật sư Trần Vũ Hải thuộc văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, đại diện cho các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư tham gia Liên danh phục vụ Công lý cho báo giới biết các luật sư cũng đề nghị Bộ Công An điều tra thảm họa, cân nhắc khởi tố vụ án hình sự về những hành vi gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo các điều 182 và 188 Bộ luật hình sự.

19 tổ chức nhân quyền yêu cầu TT Obama tìm cách trả tự do cho các nhà hoạt động nhân chuyến đi VN

Washington (AP) - Vào thứ Ba một liên minh quốc tế gồm nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Barack Obama tìm cách trả tự do cho các nhà hoạt động đang bị giam cầm nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng tới.

19 tổ chức nhân quyền kêu gọi Tổng Thống Obama quan tâm vấn đề nhân quyền trong chuyến đi Việt Nam vào Tháng 5 tới. (Ảnh: Seattle Times)
Liên minh bao gồm 19 tổ chức đồng thời muốn ông Obama nói với nhà cầm quyền độc đoán Việt Nam là việc đàn áp nhân quyền có hại cho sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia.
Liên minh kêu gọi những điều trên qua một lá thư gửi cho ông Obama sẽ đi Việt Nam vào tháng Năm, là vị tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp thứ ba đi Việt Nam. Các tổ chức ký tên bao gồm Freedom House (Nhà Tự Do), Human Rights Watch (Quan Sát Nhân Quyền) và Đảng Việt Tân.
Hoa Kỳ và Việt Nam vừa kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm vào ngày thứ Hai vừa qua, trong đó Washington thúc đẩy Hà Nội về việc bắt giữ nhiều người chỉ trích chế độ và thúc giục tiến triển về cải tổ luật pháp trong chế độ độc đảng này.
Các tổ chức quyền nói rằng trong khi Quốc hội Hoa Kỳ đang cứu xét trong những tháng sắp tới liệu có phê chuẩn TPP hay không, thì Việt Nam cần được lưu ý về tầm quan trọng của những việc cần phải làm ngay để xác định cam kết của họ đối với các tiêu chuẩn về nhân quyền trong TPP.
Lá thư cho biết, “Rất tiếc, ngay cả khi thỏa thuận vào TPP, việc đàn áp những tiếng nói độc lập tại Việt Nam không có dấu hiệu ngưng nghỉ.”
Lá thư nêu các trường hợp của Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, các nhà hoạt động công đoàn đang bị tù; Linh mục Nguyễn Văn Lý, một linh mục Công giáo La Mã bị tù vì cổ võ cho dân chủ; và Nguyễn Văn Đài, luật sư nhân quyền, bị bắt giữ hồi tháng Mười Hai.
Lá thư kết luận là ông Obama nên nói rõ quan hệ Mỹ-Việt sẽ không tiến xa hơn nếu không trả tự do cho các nhà hoạt động bị giam cầm, chấm dứt việc xách nhiễu các nhóm xã hội dân sự, và tôn trọng luật pháp quốc tế.
04/26/2016 - 19:05
Ngọc Trinh / SBTN

Chính quyền hoãn công bố nguyên nhân cá chết- dân chuẩn bị xuống đường

Các giới chức Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường Cộng Sản Việt Nam có cuộc họp kín vào chiều Thứ Tư 27/04, liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển nhiều tỉnh miền Trung, nhưng sau đó bất ngờ hủy bỏ cuộc họp báo công bố nguyên nhân.


Tin cho hay Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Trần Hồng Hà đã chủ tọa một cuộc họp với các lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Khoa Học Và Công Nghệ, Bộ Y Tế, các viện trưởng viện nghiên cứu và các nhà khoa học để nghe báo cáo kết quả cuộc giám định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Được biết đây là một cuộc họp kín giữa các quan chức, và các phóng viên không được tham dự cuộc họp này. Các quan chức dự trụ sẽ có một cuộc họp báo tiếp theo sau, để công bố nguyên nhân cá chết mà dư luận trên toàn quốc đang hết sức quan tâm. Tuy nhiên, sau đó đã không có một cuộc họp báo như đã định, mà cũng không đưa ra lý do.
Trong hơn nửa tháng qua, cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung đã khiến cho ngư dân thiệt hại nặng nề vì không thể đánh bắt cá. Nhà cầm quyền các tỉnh đã ban hành những lệnh cấm tiêu thụ cá dạt vào bờ, nhưng vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc tập thể do người dân ăn cá vớt được ở bờ biển. Hiện có nghi vấn đường ống xả thải của công ty Hưng Nghiệp Formosa của Đài Loan trong Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh là nguyên nhân chính gây nhiễm độc nước biển.
Trong một diễn biến có liên quan, các nhà hoạt động ở Việt Nam đang kêu gọi một cuộc xuống đường vì môi trường tại Hà Nội và Sài Gòn vào ngày 1 tháng 5 tới đây, để nâng cao ý thức quần chúng về những hiểm họa về môi trường, trong khi cả nước đang rúng động trước hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, nhưng nhà cầm quyền cho đến nay vẫn không đưa ra được một lời giải thích. BBC hôm nay dẫn lời ông Hoàng Đức Minh, giám đốc tổ chức Hành Động Vì Tương Lai, tên tiếng Anh là Action4Future, nói rằng các cuộc biểu tình tuần hành vì môi trường là cần thiết, để có thêm nhiều người dân bày tỏ sự quan tâm đến môi trường.
Một thư ngỏ trên mạng xã hội cho biết các cuộc xuống đường vì môi trường sẽ diễn ra tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội và Công Viên 30 tháng Tư ở Sài Gòn, vào cùng lúc 9 giờ sáng ngày 1 tháng 5. Đặc biết nhóm kêu gọi không nêu tên một tổ chức nào. Họ cũng kêu gọi mọi người ở bất cứ nơi nào cũng có thể biểu tình tại chỗ bằng cách chụp hình mình cầm một biểu ngữ trong tay và đăng lên Facebook. Các khẩu hiệu được gợi ý trong sự kiện này là: "Hãy lên tiếng để bảo vệ môi trường sống", và "Hãy cứu lấy môi trường sống".
Vẫn theo BBC, ông Hoàng Đức Minh của tổ chức Action4Future nói rằng, bây giờ là lúc người ta nhận ra vấn đề môi trường có liên quan đến chính trị và thể chế. Ông Minh nhận xét dư luận chưa an tâm vì phản ứng của chính quyền quá chậm.
04/27/2016 - 07:06
Huy Lam / SBTN

Người dân khắp nơi lên tiếng về tội ác đầu độc biển Miền Trung

Trong những ngày vừa qua, sự việc Fosmosa xả chất độc xuống biển làm cá chết khắp nơi trên các vùng biển miền Trung làm cho người dân Việt Nam đang rất tức giận. Chính vì vậy, nhân sĩ trí thức, các thành tầng lớp người dân Việt Nam đã ra bản tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền trung Việt Nam.
Sau đây là toàn bộ bản tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền trung Việt Nam.
-------------------------------------------------------------------
TUYÊN BỐ VỀ TỘI ÁC ĐẦU ĐỘC BIỂN MIỀN TRUNG VIỆT NAM
Vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc nặng nề, mà chứng cứ là hàng chục tấn cá biển lớn nhỏ chết giạt vào bờ từ đầu tháng 4/2016 vẫn tiếp tục đến hôm nay, lan từ Hà Tĩnh, vào Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên-Huế,… đã gây ra sự phẫn nộ chưa từng có trong toàn thể nhân dân Việt Nam. 
Đại hoạ thảm khốc trên không chỉ hủy hoại ngư trường của hàng vạn người dân ven biển miền Trung; hủy hoại môi sinh ven bờ; gây ra tình trạng lan tràn thực phẩm độc hại cho các vùng khác; gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với các ngành kinh tế khác của Việt Nam như dịch vụ nghề cá, sản xuất muối, nuôi trồng thủy hải sản ven sông biển, du lịch, các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển…
Tình trạng ô nhiễm biển nặng nề như trên không chỉ gây hậu quả xấu đối với kinh tế biển Việt Nam mà chắc chắn sẽ lan sang một số nước khác trong khu vực.
Đây là một tội ác hủy hoại môi trường sinh thái và diệt chủng tiềm tàng. Trước mắt là cá và các loài thủy hải sản chết hàng loạt, và đã có người chết; sau đó sẽ gây ra bệnh tật nguy hiểm cho con người và các vật nuôi như đã từng xẩy ra ở một số nơi trên thế giới trước đây cùng nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được.
Cho đến hôm nay, mặc dù được một số thế lực bao che và tìm cách hoãn binh để phi tang, nhiều bằng chứng đã chỉ ra nghi phạm số một của vụ đầu độc biển Vũng Áng: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã xả số lượng lớn chất cực độc ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải.
Vụ Formosa càng bộc lộ rõ hơn sự vô trách nhiệm, vô cảm và bất chấp lợi ích quốc gia, cuộc sống của người dân, cũng như bất lực của cả một hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trước một đại nạn quy mô lớn của quốc gia, khi vụ việc được người dân phát hiện gần một tháng mới có sự khởi động điều tra. Sự chậm trễ ấy rất nhiều khả năng đã tạo điều kiện cho nghi can kịp xoá hết tang tích để thoát tội.
Người dân càng phẫn nộ trước phát ngôn hàm ý bao che cho nghi phạm, đánh lừa, xoa dịu dư luận của một số quan chức cấp bộ và tỉnh, trước hành vi hết sức khó hiểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản – tổ chức tự cho mình độc quyền lãnh đạo toàn diện quốc gia – đã đến thăm nghi can số một, thay vì thăm hỏi người dân bị nạn, đúng vào thời điểm mọi mũi dùi công luận chĩa hết vào nghi can ấy.
Không thể không nhắc đến những ưu đãi khác thường mà lãnh đạo Hà Tĩnh và trung ương đã dễ dãi cấp cho Formosa Hà Tĩnh, từ thời hạn sử dụng dài hết mức (70 năm) đối với một diện tích đất đai rộng lớn tại một vị trí sung yếu về quốc phòng, đến những lỏng lẻo trong quản lý, như về lao động (với số lượng lớn lao động đơn giản China Đại lục không có giấy phép lao động), về thuế, về chỉ định thầu, về kiểm soát nước thải (hoàn toàn lệ thuộc công ty). Những người có quyền quản trị quốc gia đã cho phép Formosa Hà Tĩnh được hoạt động như một đặc khu, các cơ quan chức năng của Việt Nam không dễ gì được vào để kiểm tra kiểm soát về an toàn môi trường cũng như mọi hoạt động của nó, như thực tế đã cho thấy trong vụ cá chết vừa qua.
Trước đại nạn biển miền Trung nhiễm độc và những hệ lụy của nó, chúng tôi, những người tha thiết với vận mệnh đất nước, yêu cầu nhà cầm quyền:
1/ Thi hành mọi biện pháp hỗ trợ người dân ven biển miền Trung nạn nhân vụ biển bị nhiễm độc khôi phục sự sống cả trước mắt và lâu dài; có biện pháp hữu hiệu bảo vệ anh Nguyễn Xuân Thành, ngư dân đã phát giác và tố cáo đường ống ngầm xả thải của Formosa Hà Tĩnh. Tạm đình chỉ ngay việc sử dụng đường ống xả thải này trước khi các cơ quan chức năng bảo đảm được công tác kiểm tra an toàn nước thải do nó xả ra biển.
2/ Sử dụng mọi quyền lực nhà nước và biện pháp cần thiết, huy động mọi lực lượng xã hội như giới khoa học kỹ thuật, luật gia, nhà báo độc lập, nếu cần thì mời cả chuyên gia quốc tế, để nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; trừng trị nghiêm khắc, đích đáng, bắt chúng bồi thường mọi thiệt hại về người và của cho người dân bị liên lụy, cho những tác hại môi sinh của nước nhà.
3/ Gấp rút điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao Formosa, một công ty sản xuất thép với công nghệ lạc hậu và những thành tích bất hảo phá hoại môi sinh ở nhiều nước, như gần đây đã bộc lộ, lại được hưởng những ưu đãi chưa từng có, vi phạm chủ quyền quốc gia như thế?
4/ Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua, làm công luận phẫn uất. Hậu quả của biện pháp đối phó này sẽ là cá, người và biển chết từ từ.
5/ Sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được.
6/ Kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung.
Đây là giọt nước tràn ly sau quá nhiều tai hoạ do các dự án từ khai khoáng (như bauxite Tây Nguyên) đến thủy điện, nhiệt điện, chế biến… tràn lan khắp đất nước bất chấp những cảnh báo tâm huyết của trí thức và nhân dân. Đã đến lúc nhà cầm quyền phải nghiêm túc rà soát, điều chỉnh, nếu cần thì hủy bỏ các dự án bất lợi cho sự phát triển bền vững, cho an ninh quốc phòng, nhất là các dự án của China, không để tiếp tục xảy ra những tai hoạ về môi sinh cũng như về các mặt khác.
Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hi sinh môi sinh của đất nước, hi sinh quyền lợi của dân nghèo, hi sinh chủ quyền quốc gia;
Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng;
Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở biển Đông!
(Danh sách ký tên vào tuyên bố, 106 người) 
Theo STBN-04/27/2016 - 06:40