Thursday, February 22, 2018

Ân xá Quốc tế: Nhiều người Việt phải bỏ nước ra đi

Viễn Đông -Theo VOA/ 22/02/2018 
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng xuất hiện trong phúc trình của Ân xá Quốc tế.
 Vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng xuất hiện trong phúc trình của Ân xá Quốc tế.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 22/2 công bố phúc trình mới về nhân quyền trên thế giới, trong đó nói tới việc các nhà hoạt động người Việt “phải bỏ nước ra đi” do “tình trạng đàn áp người bất đồng”.
Lễ công bố phúc trình của Ân xá Quốc tế.
Lễ công bố phúc trình của Ân xá Quốc tế.
“Các nhà hoạt động nổi bật bị hạn chế đi lại và chịu cảnh giám sát, sách nhiễu cũng như tấn công bạo lực”, báo cáo được cho là toàn diện nhất về nhân quyền thế giới dài, hơn 400 trang, có đoạn.
“Ít nhất 29 nhà hoạt động bị bắt [ở Việt Nam] trong năm ngoái, và những người khác phải đi trốn sau khi bị ra trát bắt”.
VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập con số vụ bắt giữ nêu trên.
Dẫn trường hợp nhà hoạt động Đặng Xuân Diệu đi Pháp và Mục sư Nguyễn Công Chính đi Mỹ, Ân xá Quốc tế nói rằng “chính quyền tiếp tục phóng thích sớm các tù nhân lương tâm nếu họ đồng ý đi lưu vong”.
Blogger Điếu Cày được chào đón khi đặt chân tới Mỹ năm 2014.
Blogger Điếu Cày được chào đón khi đặt chân tới Mỹ năm 2014.
Việt Nam lâu nay nhiều lần nhấn mạnh không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ tống giam những ai vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Hà Nội còn nói “không có cái gọi là tù nhân lương tâm”.
Không chỉ nhắc tới các nhà hoạt động hay những người bất đồng chính kiến, tổ chức nhân quyền có trụ sở đặt tại London còn đề cập các cựu quan chức vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, nhất là vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh do “an ninh nhà nước [Việt Nam] thực hiện ở Đức khi ông này đang xin tị nạn", và cũng nói tới việc “chính quyền Việt Nam nói rằng ông tự nguyện trở về”.
Không phải ra đi là tốt hay ở lại là tốt. Tùy theo người đó họ làm tốt công việc của họ ở nơi thích hợp nhất.
Nhạc sĩ Việt Khang nói.
Hà Nội chưa phản ứng về phúc trình của Ân xá Quốc tế, nhưng từng lên tiếng cho rằng báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế “không khách quan” và “không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.
Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về nhân quyền ít ngày sau khi nhạc sĩ Việt Khang, người từng bị kết án tù về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” mà nhiều tổ chức cho là “mơ hồ”, sang Hoa Kỳ “tị nạn”.
Phát biểu sau khi đặt chân tới phi trường Los Angeles tại tiểu bang California, khi được hỏi là "đi tị nạn hết thì lấy ai đấu tranh” ở trong nước, tác giả của ca khúc “Việt Nam tôi đâu” nói: “Không phải ra đi là tốt hay ở lại là tốt. Tùy theo người đó họ làm tốt công việc của họ ở nơi thích hợp nhất”.
Blogger Mẹ Nấm khi chưa bị bắt.
Blogger Mẹ Nấm khi chưa bị bắt.
Ít lâu trước nhạc sĩ Việt Khang, một nhà hoạt động khác là Trương Minh Tam cũng rời Hà Nội để “sang Mỹ định cư theo diện tị nạn”.
Mới đây, giới hoạt động trong nước, trong đó có blogger Đoan Trang và Huỳnh Ngọc Chênh, đã viết thư ngỏ, vận động hai nữ tù nhân có con nhỏ là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Thúy Nga sang nước khác.
Xin coi việc rời nhà tù cộng sản để đến một quốc gia tự do, dân chủ là một cách để các chị giúp phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay trưởng thành...
Thư ngỏ gửi Blogger Mẹ Nấm và nhà hoạt động Thúy Nga.
“Xin coi việc rời nhà tù cộng sản để đến một quốc gia tự do, dân chủ là một cách để các chị giúp phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay trưởng thành: Chúng tôi nợ các chị quá nhiều, và việc đi tiếp con đường các chị đã đi, làm tiếp những gì các chị đã làm, là cách để chúng tôi trả ơn các chị”, bức thư viết.

"Chúng tôi hiểu rằng, từ ngày đầu tiên tham gia tranh đấu cho tới tận hôm nay trong chốn lao tù, việc ra đi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là ưu tiên của các chị. Chẳng ai chọn ngục tù làm phòng chờ để kiếm tìm sự ra đi cả. Song trong hoàn cảnh gia đình của hai chị hiện nay, đây có thể là một lựa chọn cần cân nhắc..."

Đảng sẽ làm gì sau ‘nhân văn trước tết’?

 Phạm Chí Dũng- Theo VOA-22/02/2018  
Trịnh Xuân Thanh (phải) và Đinh La Thăng trong phiên xử tại Hà Nội.
 Trịnh Xuân Thanh (phải) và Đinh La Thăng trong phiên xử tại Hà Nội.
Những ngày tết nguyên đán năm 2018, tuy không xảy ra “sự biến” nào, nhưng vẫn như phảng phất hương vị tanh tanh nồng nồng trong bầu không khí rúm ró báo điềm chết chóc.
“Biện pháp ngăn chặn”
Khác hẳn khoảng thời gian “bình yên nơi chim hót” của tết nguyên đán năm 2017, có người ví năm nay là “nơi bình yên chim… chết chắc”.
Nếu vào tết nguyên đán 2017 đã không âm thầm dư luận về những quan chức và cựu quan chức nào đó bị “canh theo”, thì vào năm nay đã len lén xì xào cùng cơn rùng mình buốt lưng về câu chuyện thời buổi đảo điên ấy.
Ít nhất có hai địa danh là Đà Nẵng và Sài Gòn mà đã xuất hiện luồng dư luận thầm kín về những ông A, ông B… bị nhiều nhân viên an ninh “chốt” trước cửa nhà, kiểm tra chặt chẽ và có vẻ không cần quá tế nhị đối với từng chiếc xe hơi ra vào nhà của những vị quan chức “đáng kính” này.
Những thước phim quay ngược thời gian… Sau vụ Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016, có thông tin cho biết trước khi “tung cánh giang hồ”, Thanh đã đến nhà một quan chức cao cấp, ngồi nói chuyện một lúc, rồi sau đó đi ra trong tư thế nằm ép xuống sàn xe hơi mà đã khiến những nhân viên an ninh bám theo Thanh không phát hiện ra được.
Nhưng sau khi Trịnh Xuân Thanh đã “tự nguyện về Việt Nam đầu thú” và không những không được “hưởng lượng khoan hồng của đảng và nhà nước” mà còn phải nhận đến hai án chung thân mút mùa, hẳn Tổng bí thư Trọng đã nổi đóa để “rút kinh nghiệm sâu sắc” về thói sẵn sàng “ra đi tìm đường cứu nước” của nhiều quan chức ngoài tụng đảng trong tụng đô đầy rẫy quanh ông ta.
Nhất là “rút kinh nghiệm sâu sắc” sau vụ Vũ “Nhôm” biến mất ngay trước mũi trinh sát công an Đà Nẵng vào cuối tháng Mười Hai năm 2017…
Rất có thể sau vụ bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ lần lượt vào tháng 12/2017 và tháng 1/2018, cơ chế “biện pháp ngăn chặn” đã được ông Trọng đề cao và quán triệt trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương.
Những ai bị “canh theo” đặc biệt?
Khác hẳn với tư thế phải “tự tham gia” cùng vai trò khá mờ nhạt trong Đảng ủy công an trung ương vào cuối năm 2016, giờ đây vị thế của ông Trọng đang khác hẳn, khác đến mức đáng kinh ngạc, đến mức nhiều người không còn nhận ra một Nguyễn Phú Trọng có thời bị coi là “chẳng khiển được ai” nữa.
Trong thực tế, ông Trọng đang ở vào phong độ đỉnh cao mà có quyền ra lệnh cho Bộ Công an thi hành “biện pháp ngăn chặn” đối với tất cả những quan chức bị nghi ngờ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp “dính” với các vụ án hoặc thuần túy tham nhũng, hoặc cả tham nhũng lẫn mang màu sắc “lật đổ”.
Ý tưởng và động thái “biện pháp ngăn chặn” trên lại đang khá tương đồng với những gì mà chủ tịch nước kiêm bí thư quân ủy trung ương Tập Cận Bình đã triển khai ở Trung Quốc đối với Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, nhiều quan chức khác và dường như với cả cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân từ năm 2012 đến nay.
Giới quan chức tham nhũng Việt Nam, cũng bởi thế, lần đầu tiên mang tính số đông trong “danh sách tử thần” và tràn đầy cơ hội được hưởng vị thế ngang bằng với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng không phải ngang bằng về quan điểm, ý chí và hành động cùng tinh thần bất khuất trước tòa án, mà chỉ là được hưởng chế độ công an theo dõi sát sao - chuyện mà những người hoạt động nhân quyền đã quá quen và xem là “chuyện nhỏ”.
Với những quan chức quen ăn bẫm tiền của dân và đục khoét ngân khố nhà nước, một tiếng còi hú của xe cứu thương, hoặc tiếng sập cửa xe hơi gần cửa nhà những quan chức này cũng đủ khiến họ thót tim, toát mồ hôi lạnh, tưởng tượng ra đủ thứ tím tái.
Tết nhất đương nhiên là dịp người người đi chúc tết, lễ lạt, thăm viếng lẫn nhau… Và cũng là cơ hội quý báu để quan chức học tập “tấm gương ra đi tìm đường cứu nước” của Trịnh Xuân Thanh và Vũ “Nhôm”. Một cách chắc chắn, giới lãnh đạo cơ quan công an bộ và sở công an ở những địa phương nhạy cảm sẽ không muốn bị Tổng bí thư Trọng “cạo đầu” và tống vào “lò” nếu để sổng thêm một vài quan chức nào đó.
Những ngày tết nguyên đán 2018 cũng vì thế đã chẳng hề bình yên - theo cách mô tả của báo chí nhà nước. Một mặt trận âm thầm của các “chiến sĩ an ninh” có lẽ đã mở rộng và thâm nhập trước cửa nhà những đối tượng mà sau tết có thể được cho “nhập kho”.
Ngay trước tết nguyên đán 2018, đã có những đồn đoán về quan chức M, H, H, D… sẽ bị tống vào “lò” của Tổng bí thư Trọng. Hầu như chắc chắn, chuyện này sẽ xảy đến sau tết.
Cứ ngẫm lại chuyện Đinh La Thăng thì rõ. Ngay sau việc Nhà nước Đức tố mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017, ở Hà thành đã xôn xao đồn đoán về Đinh La Thăng phải chịu “quản thúc” - một hình thức giám sát và ngăn chặn đặc biệt từng bước chân và thông tin liên lạc của nhân vật vừa bị loại khỏi Bộ Chính trị. Hơn 4 tháng sau, Thăng chính thức “nhập kho”.
Vậy là ứng với “kịch bản Đinh La Thăng”, những quan chức nào được ân hưởng “biện pháp ngăn chặn” trước, trong và sau tết nguyên đán 2018 cũng đều tràn trề hy vọng theo chân Thăng.
Đã hết hạn “nhân văn trước tết”
Chưa hết những ngày tết nguyên đán 2018, nhưng lác đác trên mặt báo đảng và báo chí nhà nước nói chung đã hiện ra những bài viết ca ngợi quyết tâm của đảng trong công cuộc chống tham nhũng và trong bối cảnh “vận nước đang lên”.
Cũng trước tết nguyên đán 2018, Tổng bí thư Trọng bật ra một “tư tưởng” mới: “nhân văn trước tết”.
Tinh thần “nhân văn trước tết” của ông Trọng có thể được hiểu là không tạo ra một xáo động chính trị đủ lớn mà khiến cho những quan chức có tội ăn tết không ngon. Trường hợp Đinh La Thăng là một ví dụ điển hình.
Thăng sẽ được đưa ra xét xử vụ “800 tỷ” liên quan đến Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm vào sau tết, có thể vào tháng 3/2018, thay vì xử trước tết. Với vụ mới này, nhiều khả năng Đinh La Thăng phải nhận thêm án nặng, để tổng cộng hai mức án của vụ trước tết và vụ sau tết sẽ lên đến ít nhất 30 năm tù giam, nếu không phải chung thân. Vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh coi như “xong”.
Nhưng xong việc này, đảng sẽ còn khối việc khác để làm. Năm 2018 dự kiến sẽ đưa ra xét xử đến 21 vụ đại án, tức phải xử bình quân 2 vụ/tháng. Mà năm 2018 chỉ còn có 10 tháng sau khi trừ ra hai tháng đầu năm “ăn tết”.
Vậy là hiểu một cách chân phương và tượng hình tượng thanh nhất, ngay sau tết nguyên đán 2018 người dân sẽ chứng kiến một chiến dịch PR mới cho “chống tham nhũng” trên mặt báo chí nhà nước. Thậm chí chẳng cần phải chờ đến đầu tháng Ba năm 2018, người ta sẽ có thể nghe thấy tiếng vọng xa xa của còi hụ xe cảnh sát, âm thanh láo nháo của đội quan bắt quan chức tham nhũng ở thành phố này, tỉnh kia.
Ngay trước mắt là vụ Phan Văn Anh Vũ cùng hàng lô hàng lốc quan chức liên đới vừa trách nhiệm vừa “vật cống”.
Rồi 13 dự án đầu tư ngàn tỷ nhưng “trùm mền” của ngành công thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam và thêm mấy “quả đấm thép” khác…
Khác hẳn với bầu không khí “năm mới thắng lợi mới” buồn ngủ đến thê thiết vào đầu năm 2017, năm nay khác hẳn. Khi một tổng bí thư đã quyết tâm “leo lên lưng cọp”, cả một bộ máy sẽ phải chạy theo ông ta và biến động mạnh. Thậm chí cực mạnh.
Cả một núi việc đang ngóng chờ các cơ quan tư pháp sau tết. Có dấu hiệu cả những kiểm sát viên và điều tra viên vừa về hưu nhưng có kinh nghiệm đã được “tổng động viên” trở lại để “đánh án”.
2018 sôi sục…

47 dường như đã bại, cơ hội cho… n7 2

Trân Văn- Theo VOA/22/02/2018  
Tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 - 2016.
Tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 - 2016.
Lần đầu tiên trên mạng xã hội, các facebooker tấn công lẫn nhau về việc tưởng niệm hay làm ngơ sự kiện đã xảy ra cách nay 39 năm: Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc ồ ạt tràn qua biên giới để “dạy cho Việt Nam một bài học”…
Tuy đang trong những ngày đầu tiên của năm Mậu Tuất 2018 nhưng nhiều facebooker vẫn lên tiếng khẳng định, phàm đã là người Việt, chớ quên sự kiện phải “khắc cốt, ghi tâm” này.
Thêm một lần nữa, hàng trăm ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam thắc mắc rằng tại sao cả hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông thi nhau quảng bá về cuộc “tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” mà bản chất là “huynh đệ tương tàn”, thêm một lần nữa, đâm, xé… khiến vết thương lòng của hàng triệu người rỉ máu nhưng lại phớt lờ vụ Trung Quốc xâm lăng Việt Nam (?).
Thêm một lần nữa, hàng trăm ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam lại chia sẻ với nhau những hình ảnh, thống kê, kèm thắc mắc: Phải hiểu thế nào là tự hào dân tộc, là tự trọng khi không dám nhận diện, gọi tên kẻ thù, cấm biểu diễn những bài hát, vở kịch, tự ý đục bỏ khỏi sách giáo khoa những bài học đề cập đến mười năm chống “bành trướng Bắc Kinh” bảo vệ lãnh thổ, thảng hoặc có nhắc tới thì chỉ gọi một cách chung chung là “địch”, làm cả người lớn lẫn hậu sinh hoang mang.
Thêm một lần nữa, hàng trăm ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam phẫn nộ khi sáng mùng hai Tết Mậu Tuất 2018, thời điểm mà nhiều người hẹn nhau đến thắp hương, tưởng niệm những người lính Việt đã đền nợ nước trong cuộc đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam, khoảng trống trước tượng đài Lý Thái Tổ ở thành phố Hà Nội tiếp tục trở thành “sàn nhảy” cho một số cặp của Câu lạc bộ Khiêu vũ Thăng Long biểu diễn…
Tuy nhiên khác hẳn trước đây, dẫu không nhiều song trong dịp 17 tháng 2 năm nay, có một đợt “đánh trả” quyết liệt các nhận định, thắc mắc vừa kể trên những diễn đàn điện tử và mạng xã hội. Theo đó, nếu hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam tổ chức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam thì chắc chắn Việt Nam sẽ có thêm… hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ mới và những người phản đối việc phớt lờ có dám nhận cho mình một… suất trong những nghĩa trang liệt sĩ mới ấy không (?).
Theo đó, nếu hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam tổ chức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam thì chắc chắn nhiều người Việt sẽ… “há mõm” vì Trung Quốc cấm nhập các loại nông sản (cả trồng trọt lẫn chăn nuôi). Yêu cầu tổ chức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam bị xem là “máu quá đà”, thiếu thức thời và chủ yếu là do chưa từng đến Trung Quốc, chưa hiểu Trung Quốc hùng mạnh như thế nào!...
Việc lên án những thành viên của Câu lạc bộ Khiêu vũ Thăng Long giành khoảng trống trước tượng đài Lý Thái Tổ ở thành phố Hà Nội, biến nơi đó thành “sàn nhảy”, khiến nhiều người đã hẹn nhau đến thắp hương, tưởng niệm những người lính Việt đã đền nợ nước trong cuộc đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc không thể thực hiện được dự tính của họ bị cho là “thái quá”, là “dân chủ giả hiệu” vì những cặp từng ôm nhau uốn ép theo tiếng nhạc vào sáng 17 tháng 2 tại tượng đài Lý Thái Tổ có quyền làm điều họ muốn.
Một số facebooker tham gia vào đợt “đánh trả” những chỉ trích về việc phớt lờ sự kiện 17 tháng 2 đã chia sẻ một bài viết của facebooker Hung Ngo Manh viết vào dịp này năm 2016 và năm sau (2017) được trang web của Quốc hội Việt Nam dẫn lại cũng đúng vào dịp 17 tháng 2. Theo facebooker Hung Ngo Manh thì việc khai thác ảnh chụp tấm bia ghi lại chiến tích của Sư đoàn 337 (chặn đứng đợt tấn công của quân đội Trung Quốc hồi 1979) ở cầu Khánh Khê (bản Pa Pách xã Bình Trung, H.Cao Lộc, Lạng Sơn), bị đục bỏ dòng chữ “quân Trung Quốc xâm lược” thì hoặc là “ấu trĩ”, hoặc là “phản động” vì “cố tình xuyên tạc” khiến nhiều người hoang mang, cho là giới lãnh đạo Việt Nam “hèn với giặc, ác với dân, vô ơn với các liệt sĩ”. Ngay cả những nhà báo, tờ báo thuộc hệ thống truyền thông chính thức từng đề cập đến sự kiện 17 tháng 2 cũng bị lên án là “cơ hội, kích động đểu”. Facebooker Hung Ngo Manh nhấn mạnh, tấm bia vừa kể bị đập bỏ chỉ vì nó bằng gạch. Năm 2013, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã chi ra 600 triệu dựng hẳn một “nhà bia” để kỷ niệm chiến thắng Khánh Khê.
Đối chiếu cả hai ảnh thì rõ ràng tấm bia mới dựng trong “nhà bia” trang trọng hơn, nhiều chữ hơn nhưng xét về nội dung thì tấm bia mới chẳng khác gì tấm bia cũ từng làm nhiều người hoang mang bởi người ta không rõ 700 người lính và dân Lạng Sơn từng kết thành một “lá chắn thép” quanh khu vực cầu Khánh Khê hồi đầu năm 1979 để chống ai và đã bị ai giết. Dẫu kẻ thù không được nhận diện, gọi tên mà chỉ được nêu chung chung là “địch” nhưng Hung Ngo Manh dõng dạc cho rằng chừng đó là đủ vì chẳng lẽ năm 1979, Việt Nam đánh nhau với phỉ Fulro ở biên giới phía Bắc…

***

Bất kể cuộc phản công trên Internet, bảo vệ “đường lối, chủ trương” của Đảng CSVN, chống “luận điệu thù địch, phản động” của một số người dùng Internet “khởi sắc” hơn trước, đặc biệt là đối với sự kiện 17 tháng 2, song còn rất nhiều câu hỏi mà chính họ vẫn chưa thể nghĩ ra câu trả lời.
Ví dụ, tại sao đã hơn hai thập niên tính từ ngày “ta” bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhưng thân nhân của hàng chục ngàn liệt sĩ hy sinh ở biên giới phía Bắc vẫn còn chờ hài cốt người thân? Nếu Đảng không vô ơn thì tại sao đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ nhưng Quốc hội, chính phủ không chi tiền để tìm kiếm - qui tập hài cốt hàng trăm ngàn liệt sĩ của nhiều cuộc chiến (chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng Trung Quốc, chống chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia)?
Ví dụ khi Quốc hội, chính phủ đắn đo, nâng lên đặt xuống nhiều lần đề nghị chi một vài tỉ để tìm kiếm – qui tập hài cốt của 2.000 người lính vì chống trả Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ mà trở thành liệt sĩ, giờ vẫn đang phơi giữa mưa nắng trên nhiều cao điểm ở Hà Giang, song không ngần ngại phê duyệt kế hoạch dùng 1.400 tỉ của công quĩ để xây dựng Nghĩa trang Yên Trung, tạo ra 2.000 chỗ nẳm cho giới lãnh đạo Đảng CSVN yên tâm sẽ có “mồ yên, mả đẹp” thì phải hiểu thế nào về bốn chữ “đền ơn, đáp nghiã”?..
Đảng vẫn muốn quân đội chiến đấu vì sự tồn vong của mình. Thế nhưng nếu cầm súng chiến đấu chỉ nhằm bảo vệ Đảng mà Đảng thì… thủy chung như thế thì tương lai quốc gia, dân tộc ra sao?
Có rất nhiều vấn đề then chốt mà lực lượng 47 – lực lượng bảo vệ Đảng của quân đội trên Internet - không trả lời được. Chắc phải chờ sự ra đời của nhiều lực lượng khác. Công khố dẫu rỗng nhưng “ta” có thể vay như… vẫn, thế thì cứ… thử!

Bàn về hành động chung

Bùi Tín- Theo VOA/22/02/2018  
Liệu ông tổng bí thư có dám làm một cuộc « trưng cầu dân ý » hay một cuộc thảo luận dân chủ trong đảng từ chi bộ cơ sở trở lên?
 Liệu ông tổng bí thư có dám làm một cuộc « trưng cầu dân ý » hay một cuộc thảo luận dân chủ trong đảng từ chi bộ cơ sở trở lên?
Bước vào năm mới, mọi người Việt Nam đều mong muốn cầu chúc đất nước đổi mới và phát triển hài hòa với tốc độ cao để thành tựu mọi mặt toàn dân cùng chung hưởng.
Thế nhưng nguyện vọng chính đáng, cháy bỏng này của cộng đồng không thể thành hiện thực vì vấp phải cái thành trì kiên cố của bảo thủ mà tiêu biểu là « 8 điều kiên trì » mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị dưới quyền ông một mực bảo vệ đến cùng.
Xin nhắc lại, đó là 8 điều về đường lối, chính sách của đảng Cộng sản: Kiên trì học thuyết Mác-Lênin, kiên trì chế độ độc đảng, kiên trì nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên trì mô hình tam quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp gắn chặt không phân lập do đảng thống nhất lãnh đạo, kiên trì phương châm « đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý », kiên trì đường lối coi « sở hữu quốc doanh là chủ đạo », kiên trì chính sách đối ngoại ngả hẳn về một bên (nhất biên đảo) với chính sách 3 không (không có căn cứ quân sự, không có quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ ta, không liên minh với nước này để chống nước khác).
Đã có rất nhiều nghị quyết về đổi mới, có cả nghị quyết về « đổi mới mô hình cai trị », « đổi mới ngành tư pháp », nhưng 8 điều kiên trì trên đây đã nghiễm nhiên xóa bỏ, phủ định, cản trở, nên tuy đổi mới nhưng không có gì thật mới, còn giáo điều, thủ cựu, cực đoan hơn trước. Sự kiên trì bệnh hoạn ngoan cố dẫn đến cái Nghị quyết 102 về kỷ luật đảng viên có 1 không 2, là hễ đảng viên nào có ý kiến chủ trương đa đảng, 3 quyền phân lập, khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự là bị khai trừ, đuổi ngay ra khỏi đảng.
Đây là thái độ mang tính chất phát xít phản dân chủ, cũng là thái độ hốt hoảng run sợ trước sự thức tỉnh của quần chúng và không ít đảng viên trí thức và đoàn viên thanh niên có mong muốn chân thành xây dựng nền dân chủ văn minh của thời đại, sự thức tỉnh mà ông tổng bí thư chụp mũ là cái nguy cơ « nhạt đảng, nhạt đoàn, lung lay niềm tin ở đảng và chế độ, bị ảnh hưởng của bọn phản động ».
Nếu ông tổng Trọng huênh hoang rằng ý đảng hợp với lòng dân, vậy ông có dám làm một cuộc « trưng cầu dân ý » hay làm một cuộc thảo luận dân chủ trong đảng từ chi bộ cơ sở trở lên, có biểu quyết và ghi biên bản hẳn hoi xem còn có bao nhiêu đảng viên tin ở học thuyết Mác-Lê, ở chế độ độc đảng, ở tam quyền gắn bó, ở chính sách đối ngoại « nhất biên đảo » theo Trung Cộng… ? Ngay trong Bộ Chính trị hãy làm một cuộc phát biểu công khai từng người xem, sự nhất trí ra sao, ở mức nào. Có phải toàn đảng đều lú cả hay không?
Có thể nói « 8 điều kiên định » trên đây là nét đặc thù chính trị của riêng ông tổng Trọng, mà tất cả các tổng bí thư trước ông không ai dám « kiên định », đây là cái lô cốt bảo thủ - giáo điều phản dân tộc - phản nhân dân - phản thời đại nguy hiểm nhất hiện nay mà mọi lực lượng dân tộc - dân chủ trong và ngoài nước phải đương đầu, có nhiệm vụ phá bỏ để cứu nguy dân tộc.
Ông tổng Trọng đã ngang nhiên bỏ ngoài tai bao nhiêu là góp ý, kiến nghị, đề đạt, thuyết phục, những lời tâm huyết của nhân sĩ, trí thức, đảng viên, như các ông Nguyễn Trung, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trung tướng Đặng Quốc Bảo, nhà lão thành Nguyễn Khắc Mai, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nhà văn Nguyên Ngọc, nữ nghệ sỹ Kim Chi, đại tá về hưu Nguyễn Đăng Quang… cũng như của hàng mấy trăm chiến sĩ dân chủ trong hơn 40 tổ chức xã hội dân sự non trẻ mà kiên định vững vàng kết keo sơn chống chế độ độc đảng độc đoán đã lỗi thời, một chế độ gần như hết hơi vì lạc lõng trong thế giới mới hiện đại văn minh.
Cho nên năm 2018 – Mậu Tuất phải là năm toàn dân phất cao lá cờ Dân chủ và Nhân quyền, các tổ chức dân chủ hiệp thương cho ra mắt một tổ chức kết hợp nhau đấu tranh cho một đồng thuận, một lộ trình đi đến một mục tiêu thống nhất là một mô hình dân chủ đa nguyên mà tình thế đòi hỏi.
Lộ trình này khi hình thành chắc chắn sẽ được thế giới dân chủ hết lòng ủng hộ và yểm trợ, vì thế giới rất cần đến một Việt Nam dân chủ vững mạnh để đương đầu với mưu đồ bá chủ của Trung Cộng. Thái độ giả làm bạn với mọi nước nhưng « nhất biên đảo » không che mắt được thế giới dân chủ, chỉ làm cho nước Việt nam xã hội chủ nghĩa bị cô lập giữa thế giới đang phân cực.
Theo phương hướng và mục tiêu trên đây chúng ta phải làm gì?
Để cho dân tộc được đổi đời, chế độ được đổi mới theo mô hình cai trị tiên tiến, có rất nhiều việc phải làm cho mọi người tự nguyện dấn thân vì đại nghĩa.
Từ việc thông tin truyền thông để xã hội nắm bắt tình hình, tuyên truyền giáo dục nâng cao dân trí, tăng cường dân khí, hướng dẫn nhân dân hành động. Từ việc thức tỉnh đồng bào trong ngoài nước dám cũng đứng lên đồng lọat theo hành động chung cứu nước đến việc tiếp cận các chính quyền dân chủ ở Hoa Kỳ, Liên Âu - nhất là CHLB Đức, ở Canada, Úc châu… vận động bền bỉ và có hiệu quả các tổ chức quốc tế bênh vực nhân quyền và ở Liên Hợp Quốc. Từ việc họp hành của các tổ chức xã hội dân sự để trao đổi tình hình, ra tuyên ngôn, tuyên bố, kêu gọi, kiến nghị theo lộ trình và mô hình nói trên đến việc bàn bạc để có những cuộc xuống đường đồng loạt quy mô, là cả một khối lượng công việc không nhỏ của hàng triệu con người yêu nước thương dân cần làm.
Hành động! hành động! hành động! phài là châm ngôn chung.
Đầu năm chúng ta phấn chấn được tin vui, cô Cấn Thị Thêu, chiến sĩ can trường bênh dân oan được tự do trở về trong những cánh tay anh chị em thân thiết, cô Đoan Trang năng động trong hàng động và viết sách « Chính trị bình dân » được quốc tế vinh danh làm nức lòng chúng ta. Nhạc sỹ Việt Khang mang bài hát « Anh là ai » và « Việt Nam tôi đâu » ra thế giới tự do được đón tiếp thân tình., đầm ấm. Bản tin quốc tế « NOW » - « Ngay bây giờ, » đựoc phát hành rộng đòi trả tự do ngay cho 166 tù nhân chính trị, phần lớn là các chiến sỹ dân chủ và dân oan mất đất; bản tin ghi rõ 166 danh xưng với tiểu sử tỉ mỉ, được cập nhật từng ngày.
Theo kinh nghiệm lịch sử thì hành động cuối cùng có hiệu quả hơn cả là tổ chức biểu tình, tuần hành không bạo động nhưng bền bỉ quyết liệt, can trường theo những khẩu hiệu thích hợp. Đó là sức mạnh vô địch của lòng dân của hàng triệu quần chúng giác ngộ có thể làm nên lịch sử.
Đó là hàng triệu dân Ấn Độ theo gót chân của Mahatma Gandhi, là hàng triệu dân Nam Phi theo lá cờ của Nelson Mandela, là hàng chục vạn dân Tunisia, Ê-gýp, Libya gần đây. Đó cũng là hàng vạn dân Balan dưới ngọn cờ Công đoàn Đoàn kết, hàng chục vạn dân Tiệp khắc theo lời kêu gọi của Hiến chương 77, của hàng vạn dân Potsdam/Đông Đức và vùng lân cận xuống đường làm sụp đổ bức tường oan nghiệt Berlin cuối năm 1989.
Theo các học giả, trí thức Tiệp trong Hiến chương 77, các « cuộc nổi dậy không bạo lực mang sức mạnh vô biên của những kẻ không quyền lực », có khả năng hạ bệ những quyền lực hung hãn nhất. Đây là chân lý thời đại mỗi người Việt Nam dấn thân hãy nghiền ngẫm và cùng đồng tâm thực hiện và chứng minh.
Ở Việt nam ta, đã có những cuộc xuống đường quy mô hàng nghìn đến hàng vạn của những người dân không quyền lực có trái tim đầy hứng khởi, chống bành trướng, chống tai họa bôxit, tai họa Formosa, chống ô nhiễm môi trường, chống tham nhũng, chống BOT, kỷ niệm các liệt sĩ Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới phía Nam và biên giới phía Bắc… có khí thế bền bỉ bất khuất, bảo vệ nhau chống bọn côn đồ cùng công an hung hãn.
Có những cuộc xuống đường hòa bình đòi tự do tôn giáo của bà con Xã Đoài Nghệ an đạt đỉnh cao 4 đến 5 ngàn người, có trật tự trong cầu nguyện và niềm tin, buộc hàng tiểu đoàn công an định phá đám đàn áp phải nao núng đứng nhìn rồi cuốn gói chuồn thẳng. Cả một kho kinh nghiệm sống về liên kết đấu tranh, về tổ chức hàng ngũ, giữ trật tự vệ sinh công cộng, công tác tuyên truyền cổ động, hướng dẫn nhân dân, vận động lực lượng đàn áp, đưa ra các khẩu hiệu thích hợp, công tác hậu cần, vận động liên tôn nhiều tôn giáo kết hợp, liên tôn với các tổ chức xã hội dân sự khác cùng chung sức đấu tranh. Xuống đường bền bỉ kéo dài vài ngày của các lực lượng dân sự cùng chung hàng ngũ với mọi tín đồ các tôn giáo là cả một thử thách, một khoa học và nghệ thuật đấu tranh dẫn đến thắng lợi từng bước và thắng lợi hoàn toàn.
Trong năm 2018, Mậu Tuất này, khả năng trong nước có những cuộc xuống đường đòi dân chủ, nhân quyền, đòi quyền sống tự do không bị cướp đất, cướp của, không có tham nhũng cửa quyền, đòi tự do cho 170 chiến sỹ dân chủ bị cầm tù… lên đến hàng vài ngàn đến 10 ngàn, 20 ngàn dân là hoàn toàn trong tầm tay, khi lòng đã đồng, tâm đã quyết. Lòng dân là ý Trời.
Đứng riêng 1 người, ta chỉ là con số không, không tác dụng. Đứng chung trong hàng ngũ hàng ngàn, chục ngàn, chúng ta là hàng chục, hàng trăm ngàn con sóng Tsunami có thể cuốn phăng những lô cốt cộng sản « 8 kiên trì » xây trên cát lỏng của quá khứ cổ lỗ thời mácxit đã suy tàn vĩnh viễn.

Con đường sách Sài Gòn và câu chuyện đốt sách

 Theo VOA-22/02/2018 
Cô gái ngồi đàn guitare live trong một khu đọc sách ngoài trời. [photo by Ngô Thế Vinh]
 Cô gái ngồi đàn guitare live trong một khu đọc sách ngoài trời. [photo by Ngô Thế Vinh]

Ngô Thế Vinh
Trên Đường Sách, cũng là đường mang tên Đức TGM Nguyễn Văn Bình (1910-1995), bên hông Bưu Điện, chạy dài từ Nhà Thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, như một tụ điểm sinh hoạt văn hoá và du lịch, đang rộn rã không khí Giáng Sinh 2017 với ban nhạc Santa Claus có lẫn cả một ông Tây béo mập cao ngồng thổi kèn, vây quanh là tấp nập khách đi xem, chụp hình, ngồi tụ tập trong các quán cà phê sách, và một số thì tìm mua sách. Đường Sách Nguyễn Văn Bình ngày nay là hình ảnh một mini-đường sách Lê Lợi của hơn 40 năm trước. [Photo tư liệu Ngô Thế Vinh]
Trên Đường Sách, cũng là đường mang tên Đức TGM Nguyễn Văn Bình (1910-1995), bên hông Bưu Điện, chạy dài từ Nhà Thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, như một tụ điểm sinh hoạt văn hoá và du lịch, đang rộn rã không khí Giáng Sinh 2017 với ban nhạc Santa Claus có lẫn cả một ông Tây béo mập cao ngồng thổi kèn, vây quanh là tấp nập khách đi xem, chụp hình, ngồi tụ tập trong các quán cà phê sách, và một số thì tìm mua sách. Đường Sách Nguyễn Văn Bình ngày nay là hình ảnh một mini-đường sách Lê Lợi của hơn 40 năm trước. [Photo tư liệu Ngô Thế Vinh]
CON ĐƯỜNG SÁCH LỊCH SỬ
Khởi từ ý tưởng của báo Tuổi Trẻ, ngày 15.10.2015, Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố đã khởi công xây dựng con Đường Sách trên đường Nguyễn Văn Bình [là tên Đức TGM Nguyễn Văn Bình] phường Bến Nghé, Quận I TP. HCM. Đây là một con đường nhỏ nằm bên hông Bưu điện Thành phố, nối liền Nhà Thờ Đức Bà và đường Hai Bà Trưng nhưng có ưu điểm là nằm ngay trong khu vực trung tâm Thành phố, đây không chỉ là một không gian sinh hoạt văn hoá mà còn là một tụ điểm du lịch, là nơi thường xuyên có nhiều du khách ghé qua.
Sau gần 3 tháng thi công ngày 09.01.2016, Đường Sách chính thức được khai trương. Chỉ với con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm. Hai đầu Đường Sách là hai bức tượng điêu khắc Cô gái bên trang sách và Suy ngẫm - hai tác phẩm được tuyển chọn từ Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM.
Ông Lê Hoàng khi còn làm Giám đốc Nxb Trẻ đã mơ ước có một không gian chỉ có sách và sách và ông là một trong những người đã đứng ra vận động cho việc hình thành con Đường Sách và sau đó trở thành giám đốc Công ty Đường Sách Thành phố. Đường Sách đã trở thành một không gian khá lý tưởng để các nhà xuất bản, nhà kinh doanh sách có cơ hội học hỏi chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp, và cả tiếp cận với giới bạn đọc. Đường Sách trở thành một không gian biểu tượng của văn hoá đọc, nơi gặp gỡ của những người yêu sách, cũng là điểm hẹn lý tưởng cho những người bạn trong và cả ngoài nước.
Từ hướng Nhà Thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, bên trái là 20 gian hàng sách; phải, với bạn trẻ ngồi đọc sách ngoài trời. [photo by Ngô Thế Vinh]
Từ hướng Nhà Thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, bên trái là 20 gian hàng sách; phải, với bạn trẻ ngồi đọc sách ngoài trời. [photo by Ngô Thế Vinh]
Mấy tụ điểm để du khách chụp hình; trái, bức tượng đồng "hai bé ngồi chống lưng đọc sách", phải, cô gái ngồi đàn guitare live trong một khu đọc sách ngoài trời. [photo by Ngô Thế Vinh]
Mấy tụ điểm để du khách chụp hình; trái, bức tượng đồng "hai bé ngồi chống lưng đọc sách", phải, cô gái ngồi đàn guitare live trong một khu đọc sách ngoài trời. [photo by Ngô Thế Vinh]
Bên phải Đường Sách là các cửa hàng café sách, các khu triển lãm; Phương Nam Book Café đẹp khang trang lúc nào cũng đông khách; phải, do thiếu diện tích mặt bằng, có thêm mấy Kiosk sách bên lề phải Đường Sách phía ngã ba Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Bình, anh chị Long đôi vợ chồng rất yêu sách, gốc người Sài Gòn cũ, chị gốc nhà giáo rồi làm công chức Nha Quân pháp trước 1975, nay sống bằng nghề buôn sách cũ. [photo by Ngô Thế Vinh]
Bên phải Đường Sách là các cửa hàng café sách, các khu triển lãm; Phương Nam Book Café đẹp khang trang lúc nào cũng đông khách; phải, do thiếu diện tích mặt bằng, có thêm mấy Kiosk sách bên lề phải Đường Sách phía ngã ba Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Bình, anh chị Long đôi vợ chồng rất yêu sách, gốc người Sài Gòn cũ, chị gốc nhà giáo rồi làm công chức Nha Quân pháp trước 1975, nay sống bằng nghề buôn sách cũ. [photo by Ngô Thế Vinh]
Từ trên: thiếu diện tích mặt bằng, cả trên lòng đường cũng được tận dụng cho những Kiosk sách di động trên Đường Sách, với các bạn trẻ đứng ngồi tĩnh lặng say mê đọc sách, gợi lại hình ảnh thật đẹp của Sài Gòn trước 1975 với đường sách Lê Lợi, nhà sách Khai Trí thuở nào; phải: Quán Sách Mùa Thu với thêm dòng chữ "về lại chốn thư hiên", nơi có thể tìm hoặc đặt mua những cuốn sách cũ "tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ" nay trở thành quý hiếm. [photo by Ngô Thế Vinh]
Từ trên: thiếu diện tích mặt bằng, cả trên lòng đường cũng được tận dụng cho những Kiosk sách di động trên Đường Sách, với các bạn trẻ đứng ngồi tĩnh lặng say mê đọc sách, gợi lại hình ảnh thật đẹp của Sài Gòn trước 1975 với đường sách Lê Lợi, nhà sách Khai Trí thuở nào; phải: Quán Sách Mùa Thu với thêm dòng chữ "về lại chốn thư hiên", nơi có thể tìm hoặc đặt mua những cuốn sách cũ "tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ" nay trở thành quý hiếm. [photo by Ngô Thế Vinh]

Không biết tôi đã đứng trong Quán Sách Mùa Thu bao lâu, trong một không gian rất nhỏ, cô chủ quán sách thì tế nhị và lặng lẽ; tôi có cảm giác thời gian như dừng lại. Cầm trên tay những cuốn sách cũ, rất cũ xuất bản lần đầu tiên từ những thập niên 50s, 60s, 70s có những cuốn mà tác giả đã từng là bạn văn còn sống hay đã mất và cả ngạc nhiên nữa là sao những cuốn sách ấy lại có thể sống sót sau cuộc "phần thư". Rồi tôi bị kéo về thực tại khi có tiếng nói của một thanh niên, có lẽ là sinh viên hỏi cô chủ quán về một đầu sách: Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam. Được biết, các quán sách tuy không có sách nhưng vẫn có thể nhờ kiếm hay đặt mua. Sách có thể gửi ra hải ngoại và trả bằng thể tín dụng. Sự kiện thế hệ sau chiến tranh, tìm đọc Ký của Phan Nhật Nam trên Đường Sách, chắc là điều mà bạn tôi cũng muốn được nghe.
Gặp lại cả những cuốn sách của bạn tôi, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Garvan Úc châu. Từ một thuyền nhân bị đầy ải cách đây hơn 36 năm, anh trở thành một giáo sư, một nhà khoa học và hàng năm anh vẫn trở quê hương giảng dậy tại các đại học từ Nam ra Bắc. [photo by Ngô Thế Vinh]
Gặp lại cả những cuốn sách của bạn tôi, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Garvan Úc châu. Từ một thuyền nhân bị đầy ải cách đây hơn 36 năm, anh trở thành một giáo sư, một nhà khoa học và hàng năm anh vẫn trở quê hương giảng dậy tại các đại học từ Nam ra Bắc. [photo by Ngô Thế Vinh]

Từ ngày có con Đường Sách, không chỉ các tác giả trong nước có sách xuất bản đều mong muốn có dịp ra mắt sách tại nơi đây. Cả học giả nước ngoài cũng chọn Đường Sách là nơi giới thiệu sách của mình.
Như TS Môi Sinh Nguyễn Đức Hiệp cũng là nhà nghiên cứu đã từ Úc về Sài Gòn 22.07.2016, cùng một lúc ra mắt 3 cuốn sách nghiên cứu về Sài Gòn - Chợ Lớn.
Như nhà sử học TS Nguyễn Duy Chính từ Mỹ về cũng ra mắt ký tặng bộ sách đồ sộ 10 cuốn nghiên cứu về thời Tây Sơn và quan hệ với triều đại nhà Thanh.
Như nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ nổi tiếng từ trước 1975 còn ở lại trong nước, sau ngót nửa thế kỷ sống ẩn dật ở một miền quê, thì nay đã có mặt trên Đường Sách 19.03.2017 để ra mắt một loạt 10 tác phẩm của bà mới được Nxb Phương Nam tái bản.
Đặc biệt hơn nữa, có cả các học giả người nước ngoài như GS Larry Berman cũng chọn Đường Sách để giới thiệu bản dịch cuốn The Perfect Spy / Điệp Viên Hoàn Hảo mà ông là tác giả.
TS Nguyễn Đức Hiệp chuyên gia môi sinh cũng là một nhà nghiên cứu từ Úc châu, ra mắt bộ sách 3 cuốn Sài Gòn - Chợ Lớn trên Đường Sách 22.07.2016; từ phải, TS Nguyễn Đức Hiệp, TS Nguyễn Thị Hậu, và ông Tim Doling. [nguồn: ảnh L. Điền, Thời Báo.today]
TS Nguyễn Đức Hiệp chuyên gia môi sinh cũng là một nhà nghiên cứu từ Úc châu, ra mắt bộ sách 3 cuốn Sài Gòn - Chợ Lớn trên Đường Sách 22.07.2016; từ phải, TS Nguyễn Đức Hiệp, TS Nguyễn Thị Hậu, và ông Tim Doling. [nguồn: ảnh L. Điền, Thời Báo.today]
Nhà sử học TS Nguyễn Duy Chính [giữa] từ Mỹ về cũng ra mắt ký tặng bộ sách đồ sộ 10 cuốn nghiên cứu về thời Tây Sơn và quan hệ với triều đại nhà Thanh tại Quán sách Nxb Văn Hoá Văn Nghệ trên Đường Sách 05.11.2016. [nguồn: tư liệu Nguyễn Duy Chính]
Nhà sử học TS Nguyễn Duy Chính [giữa] từ Mỹ về cũng ra mắt ký tặng bộ sách đồ sộ 10 cuốn nghiên cứu về thời Tây Sơn và quan hệ với triều đại nhà Thanh tại Quán sách Nxb Văn Hoá Văn Nghệ trên Đường Sách 05.11.2016. [nguồn: tư liệu Nguyễn Duy Chính]

Và Hội đồng Anh / British Council cũng đã chọn Đường Sách để tổ chức hoạt động tưởng niệm 400 năm (1616-2016) ngày văn hào William Shakespeare qua đời.

THÁNH GANDHI KHÔNG NÓI THẾ
Kế ngay bên bức tượng Cô Gái Bên Trang Sách, là một tấm bảng hiệu cao hơn đầu người, với một câu trích dẫn mà tác giả được ghi là Mahatma Gandhi [sic]. Tôi rất quan tâm và cả thắc mắc về tên tuổi của Gandhi trên tấm bảng hiệu. Gandhi là một trong những thần tượng thời sinh viên tuổi trẻ của tôi, một con người suốt đời tranh đấu theo con đường bất bạo động, được tôn xưng như một vị thánh; vậy sao ông lại có thể liên hệ tới một ý tưởng rất bạo động là "đốt sách". Tuy chưa biết tác giả của câu trích dẫn trên là ai, nhưng trực giác cho tôi biết chắc chắn không phải của Gandhi.
Vẫn bị ám ảnh về những vụ đốt sách sau 30.04.1975, không thể đợi tới ngày về Mỹ, tôi thấy cần truy nguyên ra ai là tác giả của câu nói ấy. Vì đang lưu lại trong một khách sạn ở Sài Gòn, không tiện cho một tìm kiếm rộng rãi trên mạng, và qua iPhone, tôi liên lạc ngay qua một email kèm theo hình chụp gửi mấy người bạn trẻ ở hiện ở California như sau:
Vũ Nguyễn ơi
Confidential_ nhờ Vũ search, là có hay không
một original quote như trên của M.G. Thanks
All the best
aVinh
Tấm bảng hiệu uy nghi cao hơn đầu người với hàng chữ: "Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." [sic] Tác giả câu nói ấy được ghi là của Mahatma Gandhi. [photo by Hoàng Long]
Tấm bảng hiệu uy nghi cao hơn đầu người với hàng chữ: "Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." [sic] Tác giả câu nói ấy được ghi là của Mahatma Gandhi. [photo by Hoàng Long]
Và tôi có ngay câu trả lời cùng một lúc trong cùng ngày tới từ hai người bạn trẻ Vũ Nguyễn và Ngọc Dung.
Vũ Nguyễn viết:
"Thưa anh Vinh, câu ấy vốn của nhà văn Ray Douglas Bradbury (22 August 1920 – 5 June 2012), nguyên văn thế này:
"The problem in our country isn't with books being banned, but with people no longer reading. Look at the magazines, the newspapers around us – it's all junk, all trash, tidbits of news. The average TV ad has 120 images a minute. Everything just falls off your mind… You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them."
Ray Bradbury nói câu này khi trả lời phỏng vấn bởi Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993). Sau được các báo như Reader's Digest trích dẫn lại. (The Reader's Digest, Vol. 144, No. 861, January 1994, p. 25).
Một dị bản về sau của câu này là: " We're not teaching kids to read and write and think… There's no reason to burn books if you don't read them." [Roger Moore, in The Peoria Journal Star, August 2000].
Cùng một lúc Ngọc Dung, cô bạn đồng trang lứa với Vũ Nguyễn có ngay một câu trả lời khẳng định: "câu này của Ray Bradbury anh Vinh ạ".
Câu trích dẫn của Ray Bradbury (DOB) "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." bên cạnh là chân dung tác giả. [nguồn: internet, sưu tầm Ngọc Dung]
Câu trích dẫn của Ray Bradbury (DOB) "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." bên cạnh là chân dung tác giả. [nguồn: internet, sưu tầm Ngọc Dung]

NHỮNG NGƯỜI BẠN VÀ CÁC LỜI BÀN
Qua sự kiện này, anh Phạm Phú Minh, Chủ Bút Diễn Đàn Thế Kỷ, cũng là tác giả cuốn ký "Hà Nội Trong Mắt Tôi", bày tỏ cảm tưởng: "Vậy là Ngọc Dung và Vũ Nguyễn đã giải được nghi vấn ai là tác giả câu nói được gán cho Gandhi tại giữa "Đường Sách" Sài Gòn." Anh Minh tiếp: "Gọi là "Đường Sách" mà trương lên một câu "nói không có sách, mách không có chứng", đó là một sự lạ của Việt Nam. Từ sáng tới giờ tôi cứ thắc mắc trong lòng, tại sao lại có hiện tượng này. Câu nói của Ray Bradbury thì cũng không phải là một danh ngôn lừng lẫy gì lắm và ra đời cũng chưa lâu, hẳn giới sách vở ở Việt Nam lấy làm thích ý tưởng đó nên đem dịch ra và trương lên. Dĩ nhiên họ biết tác giả câu nói đó là ai, vậy tại sao họ không ghi đúng tên tác giả là Ray Bradbury, mà lại bịa ra tên giả Mahatma Gandhi? Quả thật tôi nghĩ không ra. Mong các bạn góp ý kiến giải thích hiện tượng này."
Tiếp theo thắc mắc của anh Phạm Phú Minh, nhà sử học TS Nguyễn Duy Chính, tác giả của bộ sách đồ sộ 10 cuốn về Vua Quang Trung và đời Nhà Thanh, anh cũng đã từng ngồi ký sách trên Đường Sách, anh có một phát biểu mà anh khiêm cung gọi đó là "ý mọn":
"Theo tôi thì quan trọng không phải ai nói mà là với mục đích gì. Nếu tôi nhớ không lầm, trước đây đạo diễn Trần Văn Thuỷ khi làm cuốn phim "Chuyện Tử Tế" đã dẫn ở đầu cuốn phim một câu đại khái "Chỉ có thú vật mới quên đi nỗi đau của đồng loại mà quay lại lo riêng cho bộ da của mình" rồi gán cho tác giả là Karl Marx. Sau này ông ta có thú nhận Marx không nói câu đó nhưng câu nói đã trở thành một "điểm nhấn" của bộ phim. Thêm một dật sự khác là Tô Đông Pha khi làm văn đã viết một câu gán cho cổ thư khiến giám khảo không dám nhận là không biết mà sau hỏi lại: "Thầy lấy trong sách nào thế?" Có lẽ người dẫn câu này muốn ám chỉ một cái gì đó nên phải lấy tên Gandhi cho thiên hạ khỏi vặn vẹo vì trong nước rất dễ bị lôi thôi nếu có "ý đồ". Chắc chắn là câu này sẽ được nhiều người nhớ đến hơn khi lấy tên Gandhi là tác giả."
Với ý kiến của Anh Chính, cũng vẫn anh Phạm Phú Minh tiếp tục bày tỏ:
"Ý kiến của anh Chính rất thú vị. Nó lại cho ta hiểu thêm câu: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Tên của một tác giả chỉ là một phương tiện, trong một hoàn cảnh nào đó thì người ta có thể thay đổi đi, để đạt được điều mà người ta muốn. Nhưng "hoàn cảnh nào đó" là hoàn cảnh nào? Bởi vì một xã hội gọi là bình thường và lành mạnh thì không thể lúc nào cũng lấy hoàn cảnh ra mà biện minh cho hành vi sai trái của mình được. Ví dụ Việt Nam bây giờ đã thoáng hơn và người dân hiểu biết hơn rất nhiều so với thời Trần Văn Thủy làm phim Chuyện Tử Tế, làm sao người ta đủ can đảm lấy tên ông Gandhi để thay cho Ray Bradbury? Nhất là trong một biểu ngữ dựng công khai giữa nơi Đường Sách, khiến ông bạn Ngô Thế Vinh của chúng ta đâm ra nghi ngờ! Sự dễ dãi, sự "tự cho phép" thiết nghĩ cũng phải có giới hạn thôi chứ? Làm quá thì hóa ra coi thường sự hiểu biết của xã hội. Thông tin về câu "Chỉ có thú vật..." cũng rất thú vị, bởi vì chính tôi lâu nay cũng tưởng là câu của Karl Marx. Bây giờ thì không chắc điều đó đúng hay sai, nếu sai thì là do dây chuyền, mà người đầu tiên làm cho sai chưa chắc là Trần Văn Thủy. Tôi đồng ý với anh Chính những người trưng câu này của Ray Bradbury chắc là khoái chí với hai chữ ĐỐT SÁCH, nên phải mượn tên Gandhi để che chắn thôi. Để tên tác giả là một người Mỹ thì dễ bị lên án hơn là một ông Ấn Độ!"
Và cuối cùng là phát biểu của Vũ Nguyễn, người bạn trẻ tìm ra ngay câu trả lời ai là tác giả câu trích dẫn:
"Vũ trước nay vẫn đinh ninh câu “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình” là của Karl Marx trong Tư Bản Luận mà không buồn truy nguyên. Nay anh Chính nói mới biết là không phải. Giờ thì ngờ rằng câu đó do chính Trần Văn Thuỷ bịa ra, như Tô Đông Pha bịa câu "cổ văn" mà qua mặt giám quan tam lão. Trước khi có phim "Chuyện Tử Tế" có lẽ ở Việt Nam chẳng ai biết câu này. Lần đầu tiên đọc câu quotation này ở đoạn mở đầu phim, đa số khán giả của bộ phim đều cho rằng tác giả hẳn là một tay triết gia uỷ mị nào đó của bọn tư bản giãy chết. Cho đến phút cuối cuốn phim, khi đạo diễn đọc câu thuyết minh "May quá. Câu ấy là của Karl Marx" cả rạp mới ồ lên ... "À ra vậy. Bác Các/ Karl, bác Lê/ Lenin bao giờ cũng chí phải!" Điều đó cho thấy câu "danh ngôn" này chưa tồn tại ở Việt Nam trước khi có phim "Chuyện Tử Tế" của Trần Văn Thuỷ ra đời.
CỦA CAESAR TRẢ VỀ CHO CAESAR
Trở lại với câu trích dẫn trên:
"Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi."
"You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them."
Ray Bradbury phát biểu câu trên cách đây mới có 24 năm khi trả lời phỏng vấn của Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993); trong khi Mahatma Gandhi thì đã chết cách đây 69 năm rồi [30 tháng 01 năm 1948]. Vậy hãy trả cho Ray Bradbury câu nói của Ray Bradbury và cũng đừng cưỡng gán cho thánh Gandhi đã trở về tro bụi trước đó từ lâu [ông đã được hoả thiêu theo nghi thức Hindu] nay bị cho là tác giả của một câu nói mà ông không hề hay biết.
Sau chuyến đi khảo sát môi sinh ĐBSCL, trở lại Sài Gòn, tôi không có một lịch sinh hoạt gặp gỡ nào trước khi trở về Mỹ. Với tôi, Đường Sách là một khoảng xanh tĩnh lặng, một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại mà đã hơn một lần muốn trở lại và cả rất yêu mến. Nhưng cũng mong sao, mọi người cố giữ cho nơi đây vẫn là một khoảng không gian xanh tinh khiết, không có những cơn gió độc mang tới những hạt giống xấu, để mãi mãi nơi đây là thửa vườn gieo trồng những hạt giống tốt của tâm hồn.
NGÔ THẾ VINH
Saigon 12.2017 California 02.2018