Thứ Ba, 04/03/2014 - 15:22
(Dân trí) - Đó là nhận định của lãnh đạo Cục Xuất
nhập khẩu - Bộ Công thương trước phản ánh thương nhân Trung Quốc đang
tích cực gom mua gạo của Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu gạo sang Trung
Quốc chiếm tới 1/3 tổng khối lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Trả lời báo chí tại Phiên họp báo Bộ Công thương chiều 3/3, ông
Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong năm
2013, Trung Quốc đã nổi lên là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của
Việt Nam.
“Nếu có thông tin như vậy thì tôi nghĩ thực sự là đáng mừng. Bởi vì
hiện nay, mặt hàng gạo không hạn chế xuất khẩu” – ông Hải nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, tất nhiên phía quản lý Nhà nước
phải có giám sát chặt chẽ, nhưng giữa lúc vẫn đang phải tìm thị trường
đầu ra cho gạo thì việc thương nhân Trung Quốc muốn mua gạo Việt Nam là
điều tốt.
Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 2,1 triệu tấn gạo,
chiếm 1/3 tổng lượng gạo mà cả nước xuất đi là 6,59 triệu tấn. Tuy
nhiên, bước vào tháng 1/2014, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu 65.000 tấn gạo
sang thị trường này, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu gạo là 370.000
tấn, qua đó cho thấy việc xuất khẩu sang Trung Quốc không phải dễ dàng,
ông Hải nhận định.
Ông Hải cũng cho biết, mặt hàng này đang được xuất khẩu qua thương
mại biên giới (tiểu ngạch) rất mạnh và một số địa phương đã xin phép
xuất khẩu gạo sang biên giới với phương thức này.
Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu
tiểu ngạch tăng vọt do giá gạo giao tại biên giới cao hơn giá mua xuất
khẩu trong nước dù chất lượng sản phẩm thấp hơn. Các thương nhân Trung
Quốc ưa chuộng cách thức này do không cần quota và đóng thuế, lãi cao
hơn nhập khẩu theo đường chính ngạch.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra, “làm thế nào
để nông dân Việt Nam vẫn bán được gạo nhưng không bị ép giá?”. Thứ
trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công thương cũng nhận định,
nếu ngày xưa chỉ nói “trồng cây gì, nuôi con gì” thì bây giờ còn thêm
câu hỏi “bán đi đâu?”. Rõ ràng khi nông dân được mùa, đặt câu hỏi là thị
trường tiêu thụ.
Ông Hải cho rằng, với việc Chính phủ Thái Lan đang chịu sức ép phải
xả kho gạo lên tới 20 triệu tấn khi không thể “chịu” được chính sách
trợ giá và thậm chí phải nợ tiền hỗ trợ người nông dân, giá gạo của nước
này có thể sẽ xuống thấp và rõ ràng ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay dấu
hiệu xả hàng của Thái Lan chưa rõ ràng mặc dù có nhu cầu, và chưa ảnh
hưởng đến thị trường.
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian gần đây gặp nhiều
khó khăn. Năm 2014, VFA dự báo sản lượng gạo thương mại đạt khoảng 8
triệu tấn và đặt mục tiêu tối đa để xuất khẩu 7 triệu tấn, số còn lại sẽ
phải xem xét xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch và cũng như tiêu thụ bằng
các nguồn khác.
Bích Diệp
No comments:
Post a Comment