Friday, June 10, 2016

TPHCM: Nâng đường thành đê chống ngập - cuộc đua không hồi kết

LĐ -  HUYỀN TRÂN - ĐĂNG HẢI  7:56 AM, 11/06/2016
TPHCM ngày càng ngập nặng do mưa và triều cường. Ảnh: M.Quân
Dư luận nóng lên với câu chuyện đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) đang xây dựng có thiết kế nền đường cao hơn cả mét so với nhà dân, nhằm chống ngập. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp cá biệt ở TPHCM. Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc chống ngập bằng cách nâng đường như vậy vừa tốn kém nhưng vẫn không chống được ngập.
“Dở dở ương ương” và lãng phí
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước và nâng đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu, quận Bình Tân) dài hơn 3,5km, rộng 48m. Tổng vốn đầu tư khoảng 730 tỉ đồng. Theo thiết kế được Sở GTVT phê duyệt, cao độ tim đường +2m, mép đường +1,7m. Theo giải thích của Sở GTVT, vì khu vực hiện hữu có cao độ khá thấp (phần lớn dưới +1m), trong khi mực nước đỉnh triều hiện nay đạt +1,68m, do vậy phải thiết kế cao độ tim đường cao + 2m để chống ngập. Với thiết kế được phê duyệt này, sau khi hoàn thành sẽ khiến nhà dân thấp hơn vỉa hè từ 0,6-1m. 
Hiện dự án đã thi công hoàn thành hệ thống cống, công trình ngầm và đang trong giai đoạn thi công nâng nền đường, vỉa hè. Sau chuyến thị sát và chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ngày 8.6, dự án đã tạm dừng thi công. Thành phố giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (viết tắt Trung tâm chống ngập) phối hợp với các đơn vị liên quan, tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè, đồng thời kết hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực.
Được biết, đơn vị tư vấn thiết kế cũng đưa ra các phương án dự kiến giảm cao độ thiết kế tuyến đường Kinh Dương Vương khoảng 10-25cm so với thiết kế được duyệt. Với các phương án giảm này sẽ hạn chế được thiệt hại cho người dân (người dân không phải nâng nhà quá cao so thiết kế ban đầu). Tuy vậy, với phương án giảm cao độ, thì tuyến đường này sẽ nguy cơ tái ngập khi đỉnh triều đạt từ + 1,68m trở lên. Ngày 10.6, ông Nguyễn Ngọc Công - GĐ Trung tâm chống ngập - cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với đơn vị tư vấn, Sở GTVT để tìm giải pháp giảm cao độ tuyến đường. Dự kiến tuần sau mới có kết quả cụ thể giảm cao độ tuyến đường Kinh Dương Vương là bao nhiêu”.
Như vậy dự án đường Kinh Dương Vương hiện nay đang rơi vào tình trạng “dở dở ương ương”. Bởi nếu vẫn giữ cao độ thiết kế ban đầu (tim đường +2m, mép đường +1,7m), thì hàng trăm hộ dân sẽ biến thành hầm hoặc tốn kém chi phí khi nâng nhà từ 0,6-1m cho bằng vỉa hè. Trong khi đó, nếu giảm cao độ tuyến đường xuống thì đồng nghĩa với hàng loạt hạng mục đã thi công (các bức tường gạch xây cao cả mét sát nhà dân) phải đập bỏ một phần để làm lại, gây lãng phí. Và sự lãng phí này ai chịu vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Mặt khác, khi giảm cao độ thì phát sinh thêm việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực. Đây là hệ quả của việc triển khai dự án thiếu đồng bộ, và nói như Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: “Giải pháp chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án”.
Cần đẩy nhanh xây dựng hệ thống hồ điều tiết
Theo Phó Giáo sư - tiến sĩ Hồ Long Phi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TPHCM, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp sẽ làm cho diễn biến mưa, triều cường có xu hướng tăng dần lên từng năm, chứ không dừng ở mức như vừa qua. Do vậy giải pháp công trình đôn đường lên cao để chống ngập là không khả thi, không thể cứ ngập đến đâu là làm đường cao đến đó - cuộc đua này không có hồi kết.
Còn tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng, không ai làm đường chống ngập theo quy tắc “bình thông nhau”. Chẳng hạn như đường Kinh Dương Vương khi thiết kế lấy mực nước triều cơ sở + 1,68m (từ trạm Phú An ở sông Sài Gòn) - cách trục đường Kinh Dương Vương hàng chục kilômét - để làm cơ sở thiết kế tuyến đường này có cao độ mép đường đến + 1,7m là vô lý. “Nếu dựa vào mức đỉnh triều để làm cơ sở thiết kế cao độ như làm đường Kinh Dương Vương, thì cả 60% diện tích của thành phố hiện nay đều phải nâng cao lên cả mét để chống ngập do triều cường? Vì thực tế, 60% số diện tích thành phố có cao độ tự nhiên thấp hơn mực nước triều + 1,50m”. Theo TS Phạm Sanh, việc chống ngập do triều cường phải được kiểm soát từ xa - tức ngăn chặn nước từ các nhánh sông xâm nhập nội ô bằng các giải pháp hệ thống bơm, van ngăn triều.
Thay vì nâng đường cao vừa tốn kém, vừa đi vào ngõ cụt trong việc chống ngập và gây thiệt hại về mặt xã hội (do dân phải nâng nhà khi đường nâng cao), thì tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH&NV TPHCM), đề xuất TPHCM cần xác định những vùng ngập, rồi gom nước về các hồ chứa nước. Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Tokyo - Nhật Bản làm rất tốt hệ thống chứa và thoát nước siêu khủng dưới lòng đất, nhờ đó mà giải quyết dứt điểm tình trạng ngập. Tuy TPHCM khó có thể làm được hệ thống chứa và thoát nước siêu khủng như Nhật Bản, song hoàn toàn có thể làm những hồ điều tiết nhỏ ở các khu vực. 
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng, thành phố cần phải đẩy nhanh việc khơi thông hệ thống kênh rạch và gấp rút xây dựng các hồ điều tiết trên địa bàn TPHCM, thay vì tập trung nâng đường. Được biết, hiện thành phố đã xác định được khoảng 100 vị trí xây dựng hồ điều tiết, trong đó dự kiến làm trước 3 hồ (Gò Dưa -quận Thủ Đức, Bàu Cát - quận Tân Bình, Khánh Hội - quận 4). Tuy vậy, đến nay tiến độ bắt tay để triển khai xây dựng các hồ này quá chậm.

Nữ bác sĩ nhận cả xấp phong bì hối lộ chỉ bị cảnh cáo

HÀ NỘI (NV) - Hội đồng kỷ luật bệnh viện K Trung Ương đã đề xuất mức kỷ luật “cảnh cáo” nữ bác sĩ trong clip “Bác sĩ bệnh viện K cầm một xấp phong bì” xôn xao dư luận gần đây. 

Bác sĩ cầm xấp phong bì tiền “bồi dưỡng” bị người dân ghi lại. (Hình: VOV cắt từ clip)

Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 9 Tháng Sáu, một cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ Y Tế và lãnh đạo chủ chốt của bệnh viện K liên quan đến vụ việc “Bác sĩ bệnh viện K cầm một xấp phong bì” đã được diễn ra.

Tin VOV cho hay, tại cuộc họp, hội đồng kỷ luật của bệnh viện K đã đề xuất mức kỷ luật “cảnh cáo trước toàn bệnh viện” bác sĩ Đào Thanh Lâm, đồng thời cắt thưởng và thu nhập tăng thêm ba tháng, tạm dừng công việc phẫu thuật một thời gian.

Theo dư luận, mức kỷ luật này có thể do số tiền nhận được không phải chỉ cho riêng bà, mà cho cả một đường dây trong bệnh viện như bà đã nói trong video được ghi lại: “Chỉ nhận phong bì giúp phẫu thuật viên, phụ mổ và gây mê.”

Liên quan đến vụ việc này, chiều 2 Tháng Sáu, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh nữ bác sĩ nhận một xấp phong bì của một số người nhà bệnh nhân. Trong clip, nữ bác sĩ này còn hướng dẫn người nhà bệnh nhân đưa phong bì cho kíp gây mê, hậu phẫu.

Như vậy trong thời gian gần đây, bệnh viện K đã kỷ luật ba cán bộ y tế vì “vi phạm quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử,” trong đó, hai trường hợp trước bị kỷ luật do “thu tiền trái phép, chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân trái thẩm quyền” đã bị người bệnh và người nhà bệnh nhân tố cáo trực tiếp với đoàn kiểm tra của bộ trưởng Bộ Y Tế.

Tin cho biết, bệnh viện K cũng là nơi dẫn đầu danh sách đơn vị bị người dân phàn nàn qua hệ thống đường dây nóng của Bộ Y Tế về tình trạng “cò mồi” và tình trạng nhân viên y tế nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân trong thời gian qua. (Tr.N)

 10-06-2016 5:36:55 PM 

Truy nã thượng úy công an chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng

THỪA THIÊN-HUẾ (NV) - Một thượng úy công an đã lừa đảo người dân bằng cách thuê xe hơi rồi đem đi cầm cố, chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng rồi viết đơn xin ra khỏi ngành, bỏ trốn, bị truy nã đặc biệt. 

Hình ảnh Lê Nhật Cường trong lệnh truy nã. (Hình: Báo Thanh Niên)

Ngày 10 Tháng Sáu, cơ quan cảnh sát điều tra Công An tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm ông Lê Nhật Cường (32 tuổi, trú phường Vỹ Dạ, thành phố Huế) thượng úy, công tác tại công an phường Phú Hiệp, thành phố Huế về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”

Theo tin Thanh Niên dẫn kết quả điều tra cho thấy, từ Tháng Mười, 2015, đến Tháng Giêng, 2016, lợi dụng tín nhiệm, ông Cường đã thuê ba xe hơi và một xe máy của nhiều người dân đem đi cầm cố, chiếm đoạt 560 triệu đồng.

Sau khi chiếm đoạt tài sản cầm cố lấy tiền tiêu xài, ông Cường viết đơn xin ra khỏi ngành công an và bỏ trốn khỏi địa phương. Giám đốc Công An tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định cho ông Cường nghỉ công tác và hưởng trợ cấp xuất ngũ từ ngày 6 Tháng Hai, 2016.

Tin cho hay, sau thời gian dài chờ kết quả vận động gia đình ông Cường kêu gọi ông này trở về “khắc phục sự cố” không hiệu quả, công an tỉnh đã “truy nã đặc biệt.” (Tr.N)

10-06-2016 5:40:06 PM 

Không cần mất thời gian với những người như bà Tôn Nữ Thị Ninh..

Mai Tú Ân-10-06-2016
Việc bà Tôn Nữ Thị Ninh một mình đi ngược chiều với người dân để phản đối ông Bob Kerry làm giám đốc Đại Học Fulbrigth đã gây nên sự phản đối rộng khắp từ người dân Việt Nam. Có lẽ bà Ninh, một quan chức ngoại giao hàng đầu đã về hưu này không ngờ rằng dư luận lại phản ứng mạnh như thế về ý kiến riêng của bà.

Và cũng chẳng ngạc nhiên khi bà Ninh này phản đối việc bổ nhiệm một cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam vào vai trò chủ tịch một Viện Đại Học Mỹ ở Việt Nam. Một người CS nòi như bà Ninh thì không thể không nói những lời thù hận như vậy. Bởi sự căm ghét đương nhiên giữa nhà nước CS VN mà bà phục vụ cả đời với lại cái nhà nước, đế quốc xâm lược Mỹ trong quá khứ, hiện tại và có thể cả tương lai nữa. Bởi sự thù hận căm ghét ngập tràn trong lòng bao nhiêu năm nay không được gỡ bỏ, hay gỡ bỏ chẳng được bao nhiêu. Bởi sự thù nghịch đó là căn cốt, là nền tảng của chính sách ngoại giao mà không chỉ của bà Tôn Nữ Thị Ninh, mà còn là của phần lớn những người CS cấp trên của bà. 

Đó là những con người già nua, khô cứng với những giáo điều cổ lỗ, chỉ còn biết sống với những tiếc nuối xưa về một thời Chống Mỹ oanh liệt nay còn đâu. Họ đã rời quyền lực nhưng vẫn phủ bóng đen lên chính quyền mới như cái bóng ma ám ảnh và không thể không đáng sợ cho lớp con cháu đàn em đang cầm quyền ở Hà Nội, khiến cho con đường hòa nhập vào thế giới văn minh của Việt Nam luôn gặp gập ghềnh, trắc trở. ..

Như những thân xác khô ướp sống, các nhà cách mạng già nua này đang phải đếm những giờ khắc cuối cùng chờ đến ngày đi gặp các tiền bối CM đàn anh, nhưng không hề bỏ qua những gì ảnh hưởng tới chiến công xưa. Với họ thì hòa thuận với cựu thù có thể bay biến mất chiến công cũ, và đưa họ về chốn hư không. Họ không cần điều tốt đẹp cho đất nước, nếu điều đó làm hại đến danh tiếng họ. Nên họ phải chống chế trong tuyệt vọng trước thời thế rằng, thời đại của họ đã qua rồi. Chiến công xưa đã xưa rồi ,đừng đem nó ra để đánh bóng rồi nhấm nháp chúng giống như con thằn lằn ăn đuội để sống nữa. Ho, qua những đại diện lão thời như bà Ninh đã chứng tỏ rằng, họ chính là sự bảo thủ, phản tiến bộ duy nhất đang cản trở con đường phát triển của đất nước..

Chúng ta cũng không cần mất thời gian để nói với những con người giống như xác ướp ở Ba Đình, không cần nói với bà Tôn Nữ Thị Ninh và với biết bao kẻ ăn theo đầu óc chỉ biết nhìn :"Mưa sa trên màu cờ đỏ" rằng. Thời oanh liệt của các người đã qua rồi, vĩnh viễn đã qua rồi. Các chiến công oanh liệt xưa cũ đã ở phía sau, nhường chỗ cho sự hợp tác phát triển. Các kẻ thù không còn là cựu thù nữa khi họ đã đưa bàn tay bạn bè hữu hảo. Và mọi người đều quên đi quá khứ để xây dựng tương lai. 

Còn với những kẻ bảo thủ đó thì cũng chẳng cần phải phí lời nói với họ rằng, họ đang vô ích khi cưỡng lại bánh xe quay của lịch sử. Trong khi chờ đợi Tạo Hóa thu dọn những thây ma tàn tạ này về núi thì cần khuyến mãi cho họ một câu nói nổi tiếng của cố Thủ Tướng Sinhgapor Lý Quang Diệu, để họ có thể nghiền ngẫm trong những ngày đếm khắc chờ giờ về núi rằng : 

Chỉ có kẻ ngu thì mới chống lại nước Mỹ.

Đã có lời đề nghị của Mỹ giúp vụ cá chết, nhưng Việt Nam đã từ chối ?

Mai Tú Ân-11-06-2016
Thật không tin nổi, và cũng thât buồn quá khi nghe ông Đại sứ Mỹ , ông Ted Osius nói rằng phía Mỹ đã đề nghị giúp Việt Nam về vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung nhưng phía Việt Nam đã từ chối, không cần.


Thật sự tôi đã ngẩn ngơ người ra khi đọc tin này. Tại sao lại từ chối một đề nghị tốt đẹp đến thế từ phía Mỹ. Vì sao lại từ chối sự giúp đỡ của người Mỹ. Đừng nói là không tin người Mỹ nhé. Họ đang là đối tác kinh tế nước ngoài quan trọng nhất bậc nhất của Việt Nam với cán cân thương mại luôn nghiêng về phía VN hàng chuc tỷ đô la. 

Khi vu cá chết kéo dài xảy ra, chúng ta điều tra không ra hay chưa ra, mà tình thế khẩn cấp đe dọa đến người ngư dân, và người dân thường VN thì cho dù có đi cầu cứu thiên hạ thì cũng nên đi để cứu dân. Ấy thế mà chính người bạn như nước Mỹ lại chìa tay ra xin giúp thì sao không nắm lấy cơ hội để giải quyết vấn đề chưa từng có này. Và tại sao chính Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nói, sẽ làm quyết liệt và cần cả bên nước ngoài tham gia. Vậy mà giờ đây mới lòi ra là Mỹ đã đề nghị giúp Việt Nam về vụ khủng hoảng này từ lâu rồi. Nhưng họ đã bị VN từ chối. Và bây giờ vụ cá chết đó vẫn lững lờ treo niêu trước mắt người dân, và muốn khóc khi cơ hội được người Mỹ giải cứu đã bị chính quyền lạnh lùng cho qua. Không hiểu các ông ở chính quyền còn tìm được ai giải quyết vụ khủng hoảng môi trường này tốt hơn người Mỹ. Và nói thẳng ra kết luận của người Mỹ cũng khiến cho người dân tin hơn bất cứ ai. Cũng nhắc lại vì vụ cá chết này, chính người dân đã ký tên 100.000 người thỉnh nguyện TT Obama lên tiếng về vụ cá...

Chắc chắn có vấn đề gì uẩn khúc của chính quyền ông Phúc trong vụ khủng hoảng cá chết này. Chắc chắn có vấn đề gì mờ ám không trong sáng nên chính quyền trên dưới cứ lúng ta lúng túng trong vụ cá chết này. Những lời tuyên bố của các quan Bộ đối choi nhau và càng khiến cho tình thế rối tinh lên. Ông nói gà, bà nói vịt và cho đến giờ nà, hơn 2 tháng sau sự kiện thì vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ. Và những lời nói của ông Đại Sứ Mỹ, mà tôi tin chắc là những lời nói thật, lại càng khiến cho những người dân thêm ngơ ngẩn. Than ôi, không muốn nói nhưng không thể không nói vì sự thật đang phơi bày dần ra. Chỉ nội việc chính quyền từ chối sự giúp đỡ này đã nói lên tất cả. Ngâm ngẩm từ chối như thế rồi im luôn thì bằng chính quyền cầm dao mà đâm vào lưng người dân rồi còn gì.

Tại sao chính quyền VN lại xử sự hồ đồ như thế khi từ chối lời đề nghị của phía Mỹ. Trước đó thì phớt lờ đề nghị giúp của LHQ. Mà việc cá chết này đã không còn là việc của nhà nước nữa mà là của người dân. Liên quan đến tính mạng, sức khỏe cũng như công ăn việc làm của bao triệu người dân chứ không phải của chính quyền nữa rồi. Và chính quyền làm sao có thể thản nhiên từ chối bàn tay thân thiện muốn giúp của bạn bè. Và như một kẻ gian hành động gian, chính quyền cũng lờ đi không nói gì đến sự giúp đỡ quí giá nhưng bị bỏ qua đó. Khốn khiếp thật.

Việc cần làm mạnh mẽ, cần cương lên như tuyên bố thảm hoa để cứu ngư dân thì không cương. Còn vài trăm, vài ngàn người dân xuống đường biểu tình ôn hòa cũng vì vụ cá chết này, chả làm hại ai thì bị chính quyền thẳng ta đàn áp, cho người đánh dân như đánh kẻ thù vậy...

Nhưng còn vụ cá chết này thì không biết có còn cương nữa được hay không. Nhưng dù cương hay không thì cuối cùng chính quyền cũng phải sòng phẳng trả lời cho người dân biết hết tất cả về vụ việc này. Lúc đó thì chúng ta mới có thể biết được nhiều hơn, khi những cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa trong chính quyền rơi ra trong một vở tuồng tồi, nhưng lại ác với dân vô cùng.

Cá cần nước sạch, chính quyền cần minh bạch.

Thành phố "hòa bình" của Đinh La Thăng

Phát biểu của Bí thư thành Hồ 
tại Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại”

Thanh Hóa: Thừa hơn 160 Phó Chủ tịch xã

Dân trí Ngày 10/6, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thanh Hóa có 161 xã thừa Phó Chủ tịch UBND xã, thuộc trường hợp phải tinh giản.

Theo ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua rà soát trên địa bàn toàn tỉnh đang có 161 xã, phường, thị trấn thừa 1 Phó chủ tịch căn cứ theo Điều 34, Điều 62, Điều 69 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Tùng thì trước đây luật quy định những xã, phường, thị trấn ở miền xuôi có dân số trên 9.000 còn miền núi trên 5.000 dân sẽ được bố trí 2 Phó chủ tịch. Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chỉ có xã, phường, thị trấn loại 1 mới có 2 phó chủ tịch nên Thanh Hóa mới dôi dư 161 người.
Xã Phú Nhuận - Như Thanh là một trong những xã có tình trạng thừa Phó chủ tịch
Xã Phú Nhuận - Như Thanh là một trong những xã có tình trạng thừa Phó chủ tịch
Theo đó, những địa phương thừa nhiều Phó chủ tịch xã, phường, thị trấn nhất gồm: TP Thanh Hóa thừa 23 cán bộ, huyện Thạch Thành thừa 16, Thọ Xuân thừa 13, Cẩm Thủy thừa 11, Ngọc Lặc và Triệu Sơn dôi dư 9 cán bộ, Như Thanh 7… Tất cả 27 huyện, thị, TP tại Thanh Hóa đều thừa phó chủ tịch.
Trước tình hình trên, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Tỉnh ủy. Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, TP xem xét bố trí, luân chuyển những người trên theo đúng quy định. Hiện các địa phương vẫn chưa triển khai mà chờ xong cuộc họp thứ nhất của HĐND cấp xã khóa mới, từ đó mới có phương án sắp xếp.
Căn cứ vào quy định, các huyện, thị, TP sẽ xem xét tình hình cụ thể của từng địa phương để bố trí phó chủ tịch xã làm việc ở những vị trí tương đương, như chủ tịch các hội, đoàn thể, hoặc có thể luân chuyển sang xã khác trong huyện nếu những xã đó còn khuyết các chức danh tương đương.
“Nếu phương án trên không được thì sẽ bố trí sắp sếp họ về những vị trí công chức phù hợp với trình độ và chuyên môn của họ. Phương án cuối cùng là cho họ nghỉ theo diện tinh giản biên chế. Nếu họ sắp nghỉ hưu, hoặc có nguyện vọng muốn nghỉ sẽ được tạo điều kiện giải quyết chế độ” – ông Tùng khẳng định.
Thứ Sáu, 10/06/2016 - 21:59
Nguyễn Thùy

Lấy đất của dân chia cho mình và người thân?

Theo Tiền Phong-10-06-2016
Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng, Hà Tĩnh tự ý lấy đất của hai chủ rừng người ngoài xã chia cho chính mình và người thân.
Lấy đất của dân chia cho mình và người thân?
Đất ông Túy bị xã đào hào phân chia.
Năm 2005, Công ty Rau Hà Tĩnh quản lý đất rừng của 8 xã vùng giữa huyện Kỳ Anh, đã ký hợp đồng với dân trồng rừng, thời hạn 40 năm. Khu công nghiệp Vũng Áng ra đời, công ty này giải thể. Năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi gần 3.000ha giao về cho UBND các xã quản lý. Nhiều địa phương hiểu luật làm tốt. Chỉ có Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng tự ý lấy đất của hai chủ rừng người ngoài xã chia cho chính mình và người thân.
Các “Hợp đồng Kinh tế” mang tên Phan Hồng Cảnh ở xã Kỳ Tân và tên ông Nguyễn Văn Túy ở xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh đều chung nội dung: “Nhận khoán đất – Trồng – Chăm sóc – Bảo vệ rừng” ký kết với Công ty Rau quả Hà Tĩnh với đầy đủ tính pháp lý. Khi Khu Công nghiệp Vũng Áng hình thành, Công ty Rau quả giải thể.
Ngày 18/6/2010, UND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 1777/QĐ-UBND thu hồi 2.648 ha đất giao về cho các xã quản lý. Xã Kỳ Hưng được giao 380ha, trong đó có hai hộ gia đình là dân ngoài xã Kỳ Hưng. Thời điểm 2010 cây trên đất chưa đủ tuổi thu hoạch, ông Túy và ông Cảnh vẫn chăm sóc, bảo vệ để thu hoạch.
Công  văn số 1140 ngày 14/4/2014 của Liên Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Tài nguyên Môi trường – Tài chính… Hướng dẫn “Thực hiện giao đất, cho thuê đất…”. Trong  đó có quy định về việc “Giải quyết các đối tượng đã sử dụng đất rừng…” ghi rõ: “Đối với phần diện tích các gia đình, cá nhân đang nhận khoán đúng quy định, sử dụng có hiệu quả… nếu đủ điều kiện được giao đất thì giao cho các hộ đó theo ranh giới diện tích hộ đang sử dụng nhưng không vượt quá giới hạn 30ha… Nếu không đủ điều kiện giao thì xem xét cho các hộ ấy chuyển sang thuê đất, thuê rừng theo diện tích và hiện trạng đang sử dụng…”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Túy và Phan Hồng Cảnh đều đang làm tốt những điều mà Nhà nước quy định. Vậy mà, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng lấy cớ hai gia đình này đều không phải là công dân xã mình, chẳng cần thông báo cho họ biết mà tự ý lấy đất của hai gia đình nói trên chia cho chính mình và người thân.
Trong đơn ngày 2/8/2015 của ông Túy và ông Cảnh gửi lãnh đạo thị xã Kỳ Anh khẳng định: “Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng là Mai Văn Long vi phạm pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế, làm trái với Thông tư 1140 của Liên Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Tài nguyên Môi trường – Tài chính. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân”.
Trong Công văn số 01 năm 2015 của ông Mai Xuân Long – Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng ký tên, đóng dấu gửi UBND thị xã Kỳ Anh cho rằng: “Việc lấy đất của ông Cảnh và ông Túy là hợp lý vì  hai công dân ấy không phải là người của xã Kỳ Hưng”. Cái lý của ông Mai Xuân Long rất vô lý bởi Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Thủ tướng Chính phủ, tại Điều 3 “Quy định về điều kiện nhận khoán…”  ghi rõ: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở địa phương khác có vốn đầu tư vào sản xuất theo quy định của bên giao khoán” có quyền được nhận đất.
Nay ông Mai Xuân Long không còn giữ chức Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng  nhưng đáng tiếc người kế nhiệm vẫn chưa nhận thức ra những sai phạm của người tiền nhiệm để khắc phục hậu quả.

Ba phụ nữ Việt Nam bị tuyên án 33 năm tù vì buôn người

RFA 2016-06-10  
ba-beo-622.jpg
 Bà Võ Thị Beo là mẹ của Nguyễn Thị Thùy Trang nhận mức án 10 năm tù với tội danh là gạ bán một cô gái 15 tuổi đến Malaysia để làm nghề mại dâm. Screen capture
Ba người phụ nữ Việt, trong đó có hai người là mẹ con, bị tuyên án 33 năm tù giam vì tội bán một cô gái sang Malaysia để hành nghề mại dâm. Hãng tin DPA loan trên trang nhà về Phán quyết trên được toà án Nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra ngày hôm qua.
Ba người phụ nữ là Nguyễn Thị Thùy Trang, 30 tuổi, bị kết án 12 năm tù. Mẹ của phạm nhân này là bà Võ Thị Beo nhận mức án 10 năm. người còn lại là Phạm Thị Hạnh, 11 năm với cùng tội danh là gạ bán một cô gái 15 tuổi đến Malaysia để làm nghề mại dâm.
Thư ký toà án là bà Tòng Thị Phụng nói với hãng tin DPA rằng cả ba phạm nhân đều nhận tội. Theo tin nhận được từ DPA, phạm nhân Nguyễn Thị Trang rời Việt Nam đến Malaysia vào năm 2005 để làm quản lý cho một quán bar. Người này đã gặp bà Phạm Thị Hạnh năm 2014. Hai người này sau đó đã lên kế hoạch để tìm đưa những cô gái trẻ ở Việt Nam sang Malaysia làm nghề mãi dâm.
Bà Hạnh quay về Cần Thơ và dụ dỗ một thiếu nữ vị thành niên 15 tuổi làm việc cho một quán café ở Malaysia. Thiếu nữ này đồng ý và được chuyển đến ở với bà Beo tại TP Hồ Chí Minh. Bà này sau đó đưa nạn nhân qua Malaysia bằng cách đi qua Campuchia và Thái Lan. Nhưng trên đường đi, nạn nhân đã thay đổi quyết định và đề nghị bà Beo đưa cô quay về nhà.
Theo bản cáo trạng, Thùy Trang đồng ý đưa nạn nhân về nhà nhưng với điều kiện gia đình của nạn nhân phải trả cho bà ta 900 đôla mỹ. gia đình nạn nhân đồng ý nhưng đã trình báo sự việc cho cảnh sát. Vào tháng Bảy, Thuỳ Trang đưa nạn nhân về TP Hồ Chí Minh và bị bắt.

Quốc hội Châu Âu tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền

Ỷ Lan, thông tín viên RFA 2016-06-10 
2016---EU-vote-Plenary-622.jpg
Bản dự thảo Quyết Nghị chung của 6 chính đảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được đem ra thảo luận trước khoáng đại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg sáng thứ năm 9-6-2016. RFA PHOTO/Ỷ Lan
Bản dự thảo Quyết Nghị chung của 6 chính đảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được đem ra thảo luận trước khoáng đại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg sáng thứ năm 9-6-2016. Cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi với những lời phát biểu nồng nhiệt của các Dân biểu với nhiều bằng chứng lộ liễu đang xảy ra hằng ngày tại Việt Nam.

Đa số thông qua

Sau cuộc thảo luận suốt buổi sáng, lúc 12 giờ trưa Chủ tịch phiên khoáng đại yêu cầu lấy biểu quyết. Hầu như đa số tuyệt đối 751 Dân biểu đại diện 28 quốc gia Châu Âu đồng thanh biểu quyết thông qua Quyết Nghị.
Sau đây là một số phát biểu tiêu biểu sự quan tâm của Quốc hội Châu Âu đối với một quốc gia xa cách mấy mươi nghìn dặm.
Dân biểu Jose Ignacio Fera: (Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu, người Bồ Đào Nha)
Cho đến bao giờ Liên Âu còn được phép tự mãn với chế độ độc tài như Venezuela và Việt Nam? Cả hai nhóm quốc gia này khởi đầu tên nước bằng chữ “V”. Nhưng không phải là chữ V của sự chiến thắng (Victory), mà là chữ V của sự độc ác (Villainy).
-DB Jose Ignacio Fera
“Tại Nhà nước độc đảng Việt Nam, kể từ năm 1975 Đảng Cộng sản cai trị trên 90 triệu dân, không cho phép bất cứ ai thách thức lãnh đạo Đảng và kiểm soát Quốc hội cũng như các toà án. Tại Việt Nam, tự do dân sự, tự do ngôn luận và nhân quyền là những khái niệm không được nghiêm chỉnh thừa nhận, và những vi phạm các nhân quyền cơ bản xảy ra hằng ngày.
Ngài Thích Quảng Độ, một Tăng sĩ Phật giáo được đề cử Giải Nobel Hoà bình năm nay 2016, là một tù nhân vì lương thức được Ân xá Quốc tế công nhận, đã trải qua hơn 30 năm tù đày cho sự đối lập ôn hoà chế độ Cộng sản. Ngài từng tuyên bố, tôi xin trích :
‘Một xã hội văn minh chẳng bao giờ cho phép bất cứ chính phủ nào, với bất cứ ý thức hệ hay chế độ chính trị nào, xúc phạm các nhân quyền phổ quát và cô lập nhân dân sau bức màn sắt khi nại cớ “không can thiệp” vào nội bộ các quốc gia.’
Thưa quý vị đồng viện, cho đến bao giờ Liên Âu còn được phép tự mãn với chế độ độc tài như Venezuela và Việt Nam? Cả hai nhóm quốc gia này khởi đầu tên nước bằng chữ “V”. Nhưng không phải là chữ V của sự chiến thắng (Victory), mà là chữ V của sự độc ác (Villainy).”
Dân biểu Demermaeker: (Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu, người Bỉ)
“Việt Nam mang hai bộ mặt khác nhau. Một bộ mặt trẻ trung, năng nổ, còn bộ mặt kia là nhà nước độc đảng — sự kiểm soát của Đảng Cộng sản là toàn triệt. Chế độ phản ứng theo đường lối hoang tưởng trước mọi phê phán, và các nhà bloggers, các tín đồ tôn giáo hay ai khác đều bị đàn áp. Thật quá rõ chuyện Việt Nam phục tùng ông Anh Cả Trung quốc. Linh mục Nguyễn Văn Lý vừa được thả, nhưng biết bao người khác vẫn còn bị giam giữ. Ngài Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị giam nhốt trên 30 năm. Chúng tôi kêu gọi Liên Âu hãy áp lực trả tự do cho Ngài.”
Nữ Dân biểu Frédérique Ries: (Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu, người Bỉ)
2016-06-09-MEP-vote-yes-400.jpg
Biểu quyết thông qua Bản dự thảo Quyết Nghị chung của 6 chính đảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam tại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg sáng thứ năm 9-6-2016. RFA PHOTO/Ỷ Lan.
“Thưa ông Chủ tịch. Các cuộc biểu tình tiếp nối tại Việt Nam sau vụ tai tiếng môi sinh đã như châm lửa vào thuốc súng trong tháng tư. Bản Quyết nghị của chúng tôi hiển nhiên tố cáo cuộc đàn áp tàn bạo do chính quyền chỉ huy, rồi cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama tháng năm vừa qua quả thực đã được sử dụng như bằng chứng ngoại phạm để nhà cầm quyền tiếp diễn bắt bớ tuỳ tiện. Khắp mọi ngày, các nhà báo, các bloggers, các người hoạt động bảo vệ nhân quyền, các lãnh đạo tôn giáo bị bắt bớ. Đây là điều chẳng có chi ngạc nhiên khi Việt Nam bị báo động đỏ trên thang hạng thế giới về đàn áp tự do báo chí.
Chúng tôi không ngừng tố giác các vi phạm nhân quyền tiếp diễn và chúng tôi yêu sách trả tự do cho những ai bị vất vào sau chấn song sắt, như trường hợp Ngài Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo và biểu tượng của phong trào Phật giáo Việt Nam. Ngài bị cướp mất tự do một cách liên tục cho tới nay kể đã 34 năm tròn. Nay Ngài đã 88 tuổi.
Thưa ông Chủ tịch. Hiện nay Ngài Thích Quảng Độ bị quản thúc không lý do, không xét xử tại Saigon. Sức khoẻ Ngài khá suy kiệt. Chúng tôi yêu cầu khẩn cấp Bà Mogherini đặt hết uy lực của vị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Liên Âu để đạt cho được việc trả tự do cho Ngài Thích Quảng Độ và những tù nhân khác. Xin cám ơn.”
Nữ Dân biểu Barbara Lochbihler: (Đảng Xanh, người Đức)
“Cuộc thảo luận hôm nay đến từ cuộc đàn áp hung bạo những cuộc biểu tình tiếp theo thảm hoạ môi sinh. Liên Âu đã mở cuộc điều tra độc lập về những nguyên nhân của thảm trạng. Nhưng cũng là điều quan trọng để bảo đảm cho sự đền bù các nạn nhân, và tất cả những ai bị bắt bớ qua những cuộc biểu tình phải được trả tự do, bởi vì đơn giản là họ sử dụng quyền tự do ngôn luận. Đã nhiều năm nay chúng ta chứng kiến sự gia tăng các nỗ lực của Việt Nam để bắt bớ hay bịt miệng những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền như trường hợp Nguyễn Văn Đài bị bắt một ngày sau cuộc Đối thoại nhân quyền Liên Âu. Điều cho thấy Việt Nam sử dụng nhà tù để bịt miệng nhân dân.”
Dân biểu Csaba Sogor: (Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, người Hung Gia Lợi)
Dự thảo lần thứ 5 Luật Tôn giáo và tín ngưỡng trình lên Quốc hội là một sự vi phạm Công ước Nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
-DB Csaba Sogor
“Dự thảo lần thứ 5 Luật Tôn giáo và tín ngưỡng trình lên Quốc hội là một sự vi phạm Công ước Nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Thật quá rõ, các điều luật trong Dự thảo Luật sẽ hành xử như công cụ đầy quyền lực để kiểm soát với những giới hạn rộng rãi trong việc hành đạo hay tín ngưỡng tại Việt Nam. Liên Âu cần thúc đẩy Việt Nam viết Dự thảo Luật Tôn giáo mới tuân thủ những nghĩa vụ của Việt Nam theo điều 18 của Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị, nhằm bảo đảm việc hành đạo cho bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào tại Việt Nam không bị điều kiện hoá theo cách xử lý của nhà nước công nhận hay không, đăng ký hay chấp thuận.
Trên tất cả, tự do cơ bản về tôn giáo hay tín ngưỡng phải được trở thành thực tại ở Việt Nam.”
Trong cuộc tiếp xúc riêng với Dân biểu Ramon Tremosa i Bacells, người Tây Ban Nha là một trong những người bảo trợ cho bản Quyết Nghị, khi được hỏi liệu Việt nam không cải tiến về nhân quyền, thì  Hiệp ước Tự do mậu dịch đang ký kết giữa Liên Âu và Việt Nam sẽ ra sao ? Ông trả lời:
“Theo tôi, tôi nghĩ rằng Hiệp ước Tự do mậu dịch Liên Âu - Việt Nam cần chận đứng, bao lâu Việt nam không chịu tôn trọng nhân quyền. Và tôi nghĩ rằng quan điểm này được nhiều bạn đồng viện ở Quốc hội Châu Âu ủng hộ. Cho nên chúng ta phải theo dõi cẩn thận bằng cách nào Hiệp ước này tiến triển, vì đây là vấn đề tối ư quan trọng đối với chúng ta.”

Những điểm quan trọng

Bản Quyết Nghị Quốc hội Châu thông qua hôm nay có những điểm yêu sách quan trọng như:
Điều 2, Kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt tức khắc mọi cuộc sách nhiễu, hăm doạ, đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, xã hội, môi sinh ; nhấn mạnh rằng chính quyền phải tôn trọng quyền hoạt động thông qua sự phản kháng ôn hoà và trả tự cho tất cả những người bị bắt trái phép ; đòi hỏi trả tự do tức khắc cho tất cả các nhà hoạt động bị bắt tuỳ tiện như Lê Thu Hà, Nguyễn Văn Đài, Trần Minh Nhật, Trần Huỳnh Duy Thức và Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ;
Điều 4, Tố cáo sự kết án và tuyên án nặng nề đối với các nhà báo và các bloggers như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý và Đặng Xuân Diệu và kêu gọi trả tự do cho họ;
Điều 6, Biểu tỏ mối quan tâm về sự cân nhắc của Quốc Hội đối với Luật Hội và Luật Tôn giáo và tín ngưỡng vốn trái chống với các tiêu chuẩn quốc tế về tự do lập hội và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng;
Điều 8, Tái kêu gọi việc xét lại một số điều luật đặc thù trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã được sử dụng để triệt tiêu tự do ngôn luận ; nhận thấy điều đáng tiếc trong con số 18 nghìn tù nhân được ân xá ngày 2-9-2015 chẳng có một người nào là tù nhân chính trị ; tố cáo những điều kiện giam giữ và nhà tù tại Việt Nam và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam bảo đảm không giới hạn quyền được luật sư bào chữa;
Điều 10, Kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt đàn áp tôn giáo và sửa đổi Luật tôn giáo để tái hồi địa vị pháp lý của những tôn giáo không được thừa nhận ; kêu gọi Việt Nam thu hồi Dự thảo lần 5 Luật tôn giáo và tín ngưỡng, hiện đang bàn thảo tại Quốc hội, và chuẩn bị Dự thảo Luật Tôn giáo mới tuân thủ theo các nghĩa vụ của Việt Nam đối với Điều 18 của Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị ; kêu gọi trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính, Trần Thị Hồng và Ngô Hào;
Điều 14, Kêu gọi Chính phủ Việt Nam tiếp cận mời Thủ tục đặc biệt LHQ, đặc biệt mời Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về Tự do ngôn luận và Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về tình trạng những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền;
Điều 16, (…) Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu và Việt Nam, đặc biệt nếu cuộc đối thoại này được thi hành cụ thể ; nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại này phải mang lại hiệu quả và định hướng thành tựu;
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu tại Quốc hội Châu Âu, Strasbourg.

Bà Cấn Thị Thêu bị bắt vì 'gây rối trật tự'

Theo BBC-10 tháng 6 2016 

Image copyrightTRINH BA TU
Image captionBà Cấn Thị Thêu (áo đen, giữa) tại trụ sở tiếp dân Trung ương Đảng, Hà Nội
Người từng bị bắt vì đấu tranh giữ đất trong vụ 'dân oan Dương Nội', bà Cấn Thị Thêu, lại bị công an bắt sáng 10/6 do 'gây rối trật tự công cộng' ở Hà Nội.
Khoảng 70 người thuộc lực lượng an ninh tỉnh Hòa Bình và Hà Nội đã tới bắt bà Cấn Thị Thêu theo điều 245 Bộ Luật Hình sự, gia đình bà Thêu nói với BBC Tiếng Việt.
Anh Trịnh Bá Tư, con trai út của bà Thêu cho biết, công an đã đến đọc lệnh bắt bà Thêu và khám nhà, nhưng không mang theo đồ vật gì sau khi lục soát.
Lực lượng này mang theo súng trường, dùi cui, mặc áo chống đạn và đi trên một chiếc xe 29 chỗ ngồi, cùng nhiều xe hơi bốn chỗ và nhiều xe máy, cũng theo con trai bà Thêu - người ra mở cửa vào khoảng năm giờ sáng hôm 10/6.
Image copyrightTRINH BA TU
Image captionChiếc xe chở lực lượng an ninh tới bắt bà Thêu, theo lời anh Trịnh Bá Tư
Gia đình bà Thêu có đất và đăng ký hộ khẩu ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, nhưng lúc bị bắt bà Thêu đang ở Hòa Bình. Đây là lần thứ hai bà Thêu bị bắt.
Lần đầu bà bị bắt trong lúc đang ghi lại vụ xô xát giữa người dân và lực lượng bảo vệ thu hồi đất năm 2014. Bà bị kết án 15 tháng tù giam theo điều 257 - chống người thi hành công vụ.
Image copyrightTRINH BA TU
Image captionBà Thêu trong ngày ra tù 25/07/2015, sau lần bị bắt đầu tiên
Anh Trịnh Bá Tư cho rằng, việc công an trang bị đầy đủ là nhằm "khủng bố tinh thần" gia đình và người dân, và cũng có thể để tránh trường hợp như đã xảy ra với vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, hay ông Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình.
"Đấy là những việc đã cho họ bài học đắt giá khi họ chọn đứng về phía doanh nghiệp," và khi quan chức "bất chấp luật pháp để cướp đất của người dân".
BBC Tiếng Việt đã liên hệ với công an tỉnh Hòa Bình để hỏi về sự việc và được chuyển số điện thoại để trực tiếp nói chuyện với ông Trương Quang Hải, Trưởng phòng tham mưu, tuy nhiên chưa thấy ông Hải bắt máy.
Gia đình bà Cấn Thị Thêu có đất nằm trong diện thu hồi cho dự án ở Dương Nội. Dự án giải phóng mặt bằng khu vực này bắt đầu từ năm 2008, tuy nhiên người dân ở đây không chấp nhận giao đất do cho rằng giá đất của chính quyền đưa ra quá 'rẻ mạt'.

'Gây rối'

Khi được hỏi nếu đặt vào vị trí và cách nhìn của nhà cầm quyền coi những hoạt động của bà Thêu là chống lại người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng, anh Trịnh Bá Tư nói:
"Nhà cầm quyền thì vẫn luôn bao biện, nhưng thực tế là xã hội Việt Nam bây giờ thông tin rất nhiều chiều, tôi nghĩ là người Việt Nam sẽ hiểu được."
"...Rất nhiều người sẽ phân biệt được đâu là đúng đâu là sai, và chúng tôi nói sự thật hay chính quyền Việt Nam nói sai sự thật."
Theo anh Tư kể lại lời cha anh - người có mặt lúc công anh đọc lệnh bắt - bà Thêu bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng ở Đống Đa, Hà Nội và có thể bị giam 60 ngày.
Image copyrightTRINH BA TU
Image captionBà Cấn Thị Thêu cũng tham gia cuộc tuần hành vì môi trường ở Hà Nội hôm 01/05/2016
Trả lời câu hỏi của BBC về việc bà Thêu đã làm gì ở Đống Đa, anh cho biết, trong quá trình đấu tranh đòi đất, "bà con Dương Nội đã nhận được rất nhiều hỗ trợ của các tổ chức dân sự trong Việt Nam" nên cũng tham gia ủng hộ và hỗ trợ những người đấu tranh bằng cách tham gia các phiên xử các nhà hoạt động như Ba Sàm, luật sư Nguyễn Văn Đài, và "đã đi rất nhiều nơi đấu tranh".
"Việc quận Đống Đa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam mẹ tôi về tội gây rối trật tự công cộng tôi nghĩ là không xác đáng," anh Trịnh Bá Tư nói.
Năm 2006, Thủ tướng chấp thuận dự án quy hoạch chung thị xã Hà Đông đến năm 2020, trong đó đất nông nghiệp của phường Dương Nội chủ yếu chuyển sang thành đất đô thị.
Trang Hà Nội Mới đưa tin hồi tháng 12/2015, đã có hai hộ trên số bảy hộ dân ở Dương Nội chấp nhận giao mặt bằng và nhận tiền đền bù đất.

Hoa Kỳ không lập căn cứ quân sự tại Cam Ranh

WASHINGTON (NV) - Hoa Kỳ không tìm cách đặt căn cứ quân sự tại cảng nướcc sâu Cam Ranh của Việt Nam, theo lời Đại Sứ Ted Osius nói trong một buổi hội thoại ở Washington DC.

 Ông Leon Panetta khi còn là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến cảng Cam Ranh năm 2012. (Hình: Jim Watson-Pool/Getty Images)

Khi tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam hồi tháng trước và loan báo gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, đã có những lời đồn đoán rằng Hà Nội có thể có những bước thỏa hiệp mới mà hai bên sẽ tiến đến khi mối quan hệ chính trị quân sự thêm chặt chẽ.

Người ta phân tích, bình luận về chuyện Việt Nam sẽ đề nghị Mỹ cung cấp cho nhiều loại võ khí và trang bị an ninh quốc phòng từ tàu tuần tra, máy bay săn tàu ngầm, radar tầm xa, máy bay không người lái, chiến đấu cơ, đến các loại phụ tùng để thay thế cho các máy bay trực thăng, chiến xa, đại bác do Hoa Kỳ sản xuất bị bỏ lại sau chiến tranh chấm dứt năm 1975.

Đồng thời Hoa Kỳ cũng muốn tăng thêm các chuyến thăm viếng nhiều hơn của các chiến hạm trên đường di chuyển qua Biển Đông, đặc biệt đến cảng Cam Ranh, một cảng nước sâu được mô tả là tốt nhất khu vực.

Hiện Việt Nam đã phân chia Cam Ranh ra làm hai khu vực. Một khu vực dành riêng làm căn cứ cho các chiến hạm và tàu ngầm của Việt Nam không cho chiến hạm ngoại quốc đến gần. Một khu vực được xây dựng thành cảng quốc tế, đón tiếp các tàu chiến ngoại quốc đến thăm viếng và có thể sửa chữa hay bảo trì.

Hoa Kỳ từng đổ tiền xây dựng cảng Cam Ranh thành một trung tâm chỉ huy gồm cả cảng biển và phi trường khi tham dự cuộc chiến chống Cộng Sản xâm lăng. Một số dư luận đồn đoán rằng Mỹ muốn tìm cách hiện diện trở lại tại khu vực hiện bị coi là cấm đối với chiến hạm ngoại quốc.

Phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn hôm Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng những đốn đoán đó “không có căn bản thực tế.”

“Sự trông đợi là số không về việc chúng ta tiếp cận khu vực quân cảng bị giới hạn. Sự trông đợi là số không về chuyện chúng ta sử dụng (quân cảng bị giới hạn) vào việc luân chuyển công tác (của tàu chiến) hoặc là có một căn cứ tại Cam Ranh,” ông Osius nói.

Tuy nhiên ông nhìn nhận các chiến hạm Hoa Kỳ cũng sẽ đến khu vực cảng quốc tế tiếp đón chiến hạm ngoại quốc của Cam Ranh thăm viếng hay sửa chữa, tiếu liệu và bảo trì.

Hồi năm 2012, khi đến Cam Ranh sau khi tham dự diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ thời đó là ông Leon Panetta từng tuyên bố rằng sự tiếp cận cảng Cam Ranh của các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ là một trong những “thành phần cốt yếu” của mối quan hệ Việt -Mỹ.

Nhưng ông Osius cho rằng thời điểm sẽ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố gồm cả điều kiện của các cuộc thăm viếng, phí tổn cũng như những dịch vụ sẽ được cung cấp như thế nào, những gì.

Khi được hỏi rằng Việt Nam muốn mua những gì sau khi lệnh cấm vận bán võ khí sát thương đã được gỡ bỏ toàn diện, ông Osius cho hay những thứ đầu tiên mà Hà Nội muốn là các trang bị liên quan đến an ninh biển.
Những thứ nằm đầu danh sách gồm có cả máy bay tuần tra biển săn ngầm P-3 Orion và các trang bị cải thiện khả năng tình báo hàng hải, cảnh báo và trinh sát như radar, máy bay không người lái. Hiện người ta không biết những thứ đó sẽ được bán như thế nào. Hoặc bán giá thương mại thị trường hay là chuyển giao với giá thân hữu được Hoa Thịnh Đốn giảm bớt hoặc tặng không tùy từng trường hợp.

Theo Đại Sứ Osius cho biết hiện Việt Nam đã trao cho Hoa Kỳ “hai lá thư yêu cầu những món họ chú trọng và có thể sẽ có những thư yêu cầu khác kế tiếp.” Dù vậy, theo ông, việc đàm phán và chuyển giao sẽ tiến hành chậm chạp một phần vì Việt Nam cần hiểu thủ tục mua sắm chuyển giao trang bị quốc phòng của Hoa Kỳ. (TN)

10-06-2016 5:27:36 PM 

Cán bộ một xã nghỉ hết để ‘ăn mùng 5 Tháng Năm’

KIÊN GIANG (NV) - Hỏi người dân sống xung quanh trụ sở làm việc xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, thì được cho hay “buổi sáng cán bộ tới rất đông, nhưng buổi chiều mấy ổng về ăn mùng 5 Tháng Năm hết rồi.”

Trụ sở xã Vĩnh Bình Nam. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Theo phóng viên báo Tuổi Trẻ, chiều 9 Tháng Sáu, đến công an xã Vĩnh Bình Nam liên hệ công việc thì nơi đây không có lãnh đạo hay công an viên nào. Bước sang trụ sở ban chỉ huy quân sự xã ở cạnh bên cũng không gặp ai.

Đợi hơn 15 phút (khoảng 4 giờ chiều) cũng không thấy người nào xuất hiện. Tìm sang trụ sở đảng ủy, ủy ban xã trong cùng khuôn viên thì phát hiện các cửa phòng của khu nhà hai tầng này đều khóa cửa, có phòng có thêm ổ khóa phụ bên ngoài. Tất cả các cơ quan công quyền của xã Vĩnh Bình Nam không có một cán bộ nào làm việc.

Người dân xung quanh trụ sở xã thì được cho hay, buổi sáng cán bộ tới rất đông, nhưng buổi chiều “mấy ổng về ăn mùng 5 Tháng Năm hết rồi.” Một vài người dân tới liên hệ công việc không có cán bộ tiếp nên cũng đã ra về.

Chưa hết giờ làm việc mà các phòng, ban của xã đã khóa cửa không tiếp dân. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Phóng viên Tuổi Trẻ liên lạc qua điện thoại với ông Võ Văn Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Vĩnh Bình Nam, ông Dũng nói đang ở nhà. Hỏi ông đang nghỉ phép hay tự nghỉ, ông trả lời “mệt nên về nghỉ.”

Gọi tiếp cho ông Võ Văn Kiệu, bí thư đảng ủy xã, ông Kiệu cho biết, buổi sáng đi họp ở huyện rồi về nhà luôn, không tới cơ quan. Khi được hỏi có biết buổi chiều cả xã không có cán bộ nào làm việc hay không, ông bí thư cho hay “chắc anh em đi họp ở ấp rồi về luôn.”

Phản ánh sự việc qua điện thoại, ông Võ Minh Lễ, bí thư huyện ủy Vĩnh Thuận, chỉ cho biết “sẽ kiểm tra lại và nếu đúng sẽ kiểm điểm, xử lý theo quy định.” (Tr.N)

09-06-2016 5:31:20 PM