Wednesday, July 22, 2015

Mỹ “không trung lập khi bảo vệ luật pháp quốc tế"

TTO - Ngày 22-7,trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố Washington ““sẽ không trung lập khi bảo vệ luật pháp quốc tế".

Các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang gây lo ngại và giận dữ trong khu vực - Ảnh: EPA
Các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang gây lo ngại và giận dữ trong khu vực - Ảnh: EPA

Theo tạp chí The Diplomat, tại hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, ông Russel cho biết Mỹ chỉ duy trì thái độ trung lập đối với mọi bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

“Nhưng chúng tôi không trung lập khi bảo vệ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ dùng sức mạnh để đảm bảo các quy định quốc tế được tôn trọng” - ông Russel nhấn mạnh.

Ông Russel cho biết Mỹ kêu gọi các bên ở Biển Đông xây dựng một bầu không khí và các điều kiện cần thiết để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông chỉ trích các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc đang làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Theo ông Russel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp hòa bình tại Diễn đàn Khu vực ASEAN được tổ chức vào tháng tới ở Malaysia. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế trong vụ kiện mà Philippines đưa ra để phản đối bản đồ “đường chín đoạn” phi pháp.

Sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông

Mới đây, đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.

Theo báo USA Today, đến thăm Nhật hôm qua, đô đốc Swift tuyên bố: “Chúng tôi không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi quyền hoạt động trên các vùng biển quốc tế”.

Đô đốc Swift nhấn mạnh lực lượng Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Ông giải thích hải quân Mỹ luôn giải quyết các vấn đề với hải quân Trung Quốc một cách chuyên nghiệp, nhưng các ý đồ khó dự đoán của Trung Quốc trong khu vực đang gây lo ngại.

“Sự giận dữ mà tôi cảm nhận rất rõ trong khu vực, xuất phát từ sự thiếu minh bạch của Trung Quốc” - đô đốc Swift cho biết. Cuối tuần trước, ông có mặt trên máy bay do thám Poseidon tuần tra Biển Đông. Sau đó ông mô tả đây là hoạt động bình thường của lực lượng Mỹ.

Đô đốc Swift tiết lộ trong các cuộc nói chuyện giữa ông với giới quan chức an ninh khu vực, tất cả đều rất lo ngại về những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo trái phép.

Đô đốc Swift cảnh báo nguy cơ Trung Quốc biến các đảo nhân tạo bất hợp pháp này trở thành “tiền đồn quân sự”.

“Dù chúng tôi quan sát trực tiếp được các đảo nhân tạo này, chúng tôi vẫn chưa rõ ý đồ của Trung Quốc đối với chúng” - ông Swift nói.

Tại Tokyo, đô đốc Swift cho biết Mỹ ủng hộ các dự luật an ninh mới của Nhật, cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật (JSDF) hỗ trợ đồng minh khi chiến tranh nổ ra.

Giới quan sát đánh giá đây là nỗ lực của Nhật nhằm đảm bảo an ninh khu vực trong thời điểm Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hiếu chiến.

22/07/2015 12:43
NGUYỆT PHƯƠNG

Truyền thông nhà nước thiếu tính cách thuyết phục hay bưng bít?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-07-22
DPA không cải chính vẫn giữ tin đã đưa của mình, nhưng đưa thêm tin Việt Nam bác bỏ tin tướng Thanh đã chết.
DPA không cải chính vẫn giữ tin đã đưa của mình, nhưng đưa thêm tin Việt Nam bác bỏ tin tướng Thanh đã chết.  Screenshot
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trong những ngày qua trích phát biểu của các tướng lĩnh trong nước nhằm bác bỏ tin mà hãng thông tấn Đức DPA loan đi hôm chủ nhật 19 tháng 7 cho biết bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đã qua đời khi đang được chữa bệnh tại Pháp.
Tuy nhiên những người quan tâm hầu như không tin tưởng váo tin tức của báo chí trong nước vì họ cho rằng những bản tin đó thiếu tính thuyết phục.
Báo chí chính thống không đáp ứng nhu cầu thông tin của dân!
Tin tức về tình hình bệnh tật của hai vị quan chức Việt Nam trong thời gian gần đây là ông nguyên trưởng ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vào đầu năm và bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh trong những ngày qua đều do các trang mạng loan tải trước. Sau đó hệ thống truyền thông trong nước mới vào cuộc nhằm bác bỏ những tin tức loan truyền trên các mạng xã hội.
Về vấn đề đưa tin của hệ thống truyền thông chính thống mà thống kê nói hiện lên đến chừng 800 đơn vị trong nước được nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng nhận xét như sau:
“ Cách đưa tin là đưa tin lừa dối ví dụ như vụ ở Cẩm Giàng xe ủi đè lên người dân mà từ chính quyền đến công an đều bai bãi chối không có chuyện đó. Hay vụ chặt cây ở Hà Nội vô cùng nghiêm trọng tàn phá môi trường mà nói là việc rất nhỏ và báo chí không đưa sự thật, toàn đứng về phía chính quyền để bưng bít thông tin, che giấu sự thật.
Thành ra bây giờ thông tin mạng, thông tin lề dân thắng thế là do đó tức báo chí chính thống, báo chí lề đảng đã bỏ trận địa, bỏ vị trí của mình là thông tin trung thực; cho nên người dân không chờ đợi, không đọc tin của chính thống nữa mà bắt buộc người ta phải tìm đến thông tin mạng. Và thông tin mạng vừa trung thực, vừa nhanh mà báo chí chính thống bao giờ cũng chậm. Bây giờ báo chí chính thống thua toàn diện đối với thông tin lề dân rồi.”
Nhà báo Phạm Thành, người trước kia cũng từng tham gia hệ thống truyền thông Nhà nước, có cùng đánh giá như của nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng về cách thức đưa tin của báo chí chính thống ở Việt Nam như sau:
Bây giờ thông tin mạng, thông tin lề dân thắng thế là do đó tức báo chí chính thống, báo chí lề đảng đã bỏ trận địa, bỏ vị trí của mình là thông tin trung thực; cho nên người dân không chờ đợi, không đọc tin của chính thống nữa mà bắt buộc người ta phải tìm đến thông tin mạng
Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng
“ Báo chí chính thống Việt Nam có thể trả lời ngay là không đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân đâu.
Cách đưa tin về ông Phùng Quang Thanh mất cũng giống hệt như những vụ họ đưa tin về những nhân vật trọng yếu bị tử nạn hay bị bệnh hay vì một nguyên nhân nào đó. Họ đưa tin một cách mập mờ và tất nhiên có chủ đích của họ. Họ đưa tin theo một kịch bản nào đó đã soạn sẵn, tính toán sẵn để đưa lên chứ hoàn toàn không đưa tin theo sự thật. Đó là căn bệnh trầm kha của các chế độ cộng sản nói chung và chế độc cộng sản Việt Nam nói riêng. Họ đưa tin như vậy thôi. Có thể nhìn lại vụ ông Nguyễn Bá Thanh chẳng hạn: ông ấy chết rồi mà mấy ông ở Ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương như ông Nguyễn Quốc Triệu, Phạm Gia Khải vần cứ nói anh ấy đã chữa bệnh, đã khỏe lên, đã ăn cháo, đã đi lại, thậm chí còn trích cả lời của anh Thanh ‘tôi vẫn khỏe, có chi mô!’. Nhưng thực ra một thời gian ngắn sau thì đưa xác ông về và chôn.
Họ cứ đưa tin có chủ đích, có lợi cho họ thôi chứ không tôn trọng sự thật. Họ không đi tìm hiểu đích thực sự việc để đưa. Tóm lại họ vẫn nói dối và xuyên tạc sự thật. Nên nhớ trong giáo trình của đảng dạy cho tất cả những người làm công tác tuyên truyền, dạy cho tất cả các đảng viên già hay trẻ câu nằm lòng như thế này ‘nói sai mà có lợi cho đảng thì được nói, và phải nói, nói nhiều còn nói đúng mà có hại cho đảng thì không được nói’.”
Linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh, người lâu nay cũng tham gia làm báo ngoài hệ thống Nhà nước nói về cách thức đưa tin lâu nay của truyền thông ‘chính thống’ của Việt Nam:
“ Thật ra cách làm báo của Việt Nam chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu của dân thông tin chính xác về ông đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng trong thực tế phải thấy rằng họ không thể làm khác được vì mọi sự của họ đăng gì, không đăng những gì liên quan đến những vị ở cấp bậc bộ trưởng trở lên phải được Bộ Chính trị cho phép; tức phải được chính Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo trực tiếp và thậm chí đưa ra bài mẫu để họ dựa trên đó họ viết; chứ họ không thể thu thập nguồn thông tin độc lập hoặc có nguồn thông tin độc lập để có thể cung cấp cho dân chúng. Đây là tình trạng mà chúng ta nhớ xảy ra ở kỳ đổi tiền cách đây 30 năm: đêm hôm trước còn nói không đổi tiền mà sáng hôm sau đổi tiền! Họ cứ đổ thừa đó là do việc của Ban Tuyên giáo chỉ đạo như vậy và họ là báo công cụ nên làm như vậy.
Do vậy dân chúng cũng không nên kỳ vọng gì nơi báo chí lề đảng cả bởi vì thực tế nó chỉ làm công việc tuyên truyền và công cụ của nhà cầm quyền mà thôi.”
Thiếu tính thuyết phục
Trong vụ việc của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh hiện nay báo chí trong nước trích dẫn phát biểu của phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trung tướng Võ Văn Tuấn, cũng như của tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước. Trung tướng Võ Văn Tuấn thì khẳng định sức khỏe của ông Phùng Quang Thanh đã hồi phục và cuối tháng 7 này sẽ về nước. Tướng Võ Văn Tuấn còn được báo chí trong nước trích dẫn nói là hãng tin đức DPA có tiếp xúc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam để xin lỗi về bản tin ông Phùng Quang Thanh đã chết. Còn tướng Nguyễn Quốc Thước được trích dẫn nói có nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với với thư ký của ông ta khi có ông ngồi bên cạnh.
Nên nhớ trong giáo trình của đảng dạy cho tất cả những người làm công tác tuyên truyền, dạy cho tất cả các đảng viên già hay trẻ câu nằm lòng như thế này "nói sai mà có lợi cho đảng thì được nói, và phải nói, nói nhiều còn nói đúng mà có hại cho đảng thì không được nói"
Nhà báo Phạm Thành
Tuy nhiên những người quan tâm trong nước đều nêu thắc mắc tại sao lại không có một hình ảnh nào của ông Phùng Quang Thanh đưa lên truyền thông để chứng minh cho các phát biểu là ông đã hồi phục sau khi phẫu thuật khối u ở phổi tại một bệnh viện bên Pháp.
Nhà báo Phạm Thành nói về điều này:
“ Trong khi họ nói ông này vừa mổ ( xong), rồi ngồi dậy nói chuyện mà không đưa ra một hình ảnh: vật chứng cụ thể chứng tỏ ông Thanh vẫn còn đang sống trên đời này. Như tướng Thước nói vừa gọi điện nói chuyện với thư ký và có ông Thanh bên cạnh; đó là một cách nói mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể ông Thanh đang ngồi đây, đang sống ở đây!”
Sự thật không thể che dấu
Theo linh mục Lê Ngọc Thanh thì trong hệ thống báo chí Nhà nước cũng có một số nhà báo có tấm lòng và họ cũng tìm cách để đưa thông tin sự thật đến cho phía gọi là ‘lề trái’, tức ngoài hệ thống của Nhà nước.
Nhà báo Phạm Thành thì cho rằng những cách đối phó lâu nay của truyền thông chính thống trước những tin tức bị phanh phui sẽ không thể nào hữu hiệu bởi sự thật thì không bao giờ có thể che giấu.
Hầu hết những người được chúng tôi nêu câu hỏi về tình hình báo chí trong nước đều cho rằng trong xu thế bùng nổ thông tin trên mạng Internet hiện nay thì việc bưng bít thông tin và tuyên truyền như cũ là phản tác dụng. Nhiều người dân ngày càng trưởng thảnh hơn khi đón nhận được những thông tin sự thật được đưa ra từ các trang mạng xã hội.

Bỏ đảng cộng sản để đấu tranh cho công nhân

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-07-22
Sáng 31/3/2015, hàng chục ngàn công nhân tiếp tục ngừng việc sang ngày thứ 6, tổ chức tuần hành tại công ty Pouyuen sau đó kéo ra quốc lộ 1A. Công ty Pouyen nằm ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 80 ngàn công nhân.
Sáng 31/3/2015, hàng chục ngàn công nhân tiếp tục ngừng việc sang ngày thứ 6, tổ chức tuần hành tại công ty Pouyuen sau đó kéo ra quốc lộ 1A. Công ty Pouyen nằm ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 80 ngàn công nhân. Báo laodong.com
Các nghiệp đoàn độc lập không chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam đã và đang được thành lập dù không được sự chấp nhận của nhà cầm quyền Việt nam của đảng cộng sản. Nhân chuyến đi làm việc tại Washington, Hoa kỳ, ông Trần Ngọc Thành một trong những người thành lập Liên đoàn lao động Việt dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn về những hoạt động nghiệp đoàn độc lập của công nhân Việt nam trong vài năm gần đây. Đầu tiên ông cho biết mục đích của mình trong chuyến đi đến thủ đô nước Mỹ.
Ông Trần Ngọc Thành: Có hai mục đích trong chuyến đi của tôi. Thứ nhất là đến Washington để gặp gỡ chính giới và các dân biểu quốc hội Hoa Kỳ để nói rõ tình trạng hiện nay của công nhân Việt nam. Hoa kỳ và Việt nam đang đàm phán Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Chúng tôi muốn cho họ thấy rằng nếu không cho phép công đoàn độc lập Việt nam có tính chính danh và hoạt động công khai thì cuộc sống của người công nhân, cũng như là tình trạng bóc lột người công nhân sau khi Việt nam và Hoa Kỳ ký hiệp định TPP, nó sẽ không cải thiện bao nhiêu.
Điều thứ hai tôi muốn đi một vòng các thành phố của nước Mỹ và Canada để báo cáo với đồng bào mình những công việc mà Liên đoàn lao động Việt tự do đã làm trong chín năm qua. Và cũng kêu gọi đồng bào tiếp tay cho những anh em đấu tranh trong nước về việc thành lập nghiệp đoàn, cái quyền tối thiểu của người công nhân.
Sau khi Việt nam họ gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, và họ tổ chức thành công hội nghị APEC tại Hà nội thì họ nuốt lời hứa và quay ra đàn áp những người tranh đấu vì quyền nghiệp đoàn của công nhân
Ông Trần Ngọc Thành
Kính Hòa: Ông có thể nhắc lại lịch sử hình thành và hoạt động của tổ chức do ông thành lập đến bây giờ?
Ông Trần Ngọc Thành: Năm 2006 thấy tình hình ở Việt Nam có những cuộc đình công mà không có sự hướng dẫn của ai cả thì một số anh em trong nước và nước ngoài thấy cần thiết là phải thành lập công đoàn độc lập. Ngày 20/10/2006 tại Hà nội đã tuyên bố thành lập công đoàn độc lập Việt nam.  Và cũng kêu gọi chính phủ Việt nam cho phép công đoàn độc lập được hoạt động để giúp đỡ những người công nhân Việt nam.
Sau đó 1 tuần tại Warsaw, thủ đô nước Cộng hòa ba Lan, chúng tôi đã tổ chức hội nghị về quyền lao động quốc tế gồm trên 70 thành viên, gồm cộng đồng người Việt và khách quốc tế, trong nhà Quốc hội Ba Lan. Mục đích của cuộc họp đó để yểm trợ công đoàn độc lập trong nước. Và mang tên là Cơm áo và quyền lao động. Cuộc họp đó được chính phủ Ba Lan hết sức ủng hộ, ngồi ghế chủ tọa là ông Phó chủ tịch Công đoàn đoàn kết, và ông Chủ tịch hiệp hội tự do ngôn luận.
Nhưng có một điều đáng tiếc là sau khi Việt nam họ gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, và họ tổ chức thành công hội nghị APEC tại Hà nội thì họ nuốt lời hứa và quay ra đàn áp những người tranh đấu vì quyền nghiệp đoàn của công nhân. Những người sáng lập và cổ vũ cho nghiệp đoàn của công nhân như là Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài đều bị bắt. Anh Lê Trí Tuệ là Phó chủ tịch công đoàn độc lập bị truy đuổi và sau đó phải trốn chạy sang Cam Pu Chia, nhưng cũng bị nhà cầm quyền Việt nam bắt và đến nay không rõ tung tích.
Ông Trần Ngọc Thành một trong những người thành lập Liên đoàn lao động Việt trong ngày Đại Hội Kỳ I của Liên Đoàn Lao Động Việt tại Bangkok 2014
Ông Trần Ngọc Thành một trong những người thành lập Liên đoàn lao động Việt trong ngày Đại Hội Kỳ I của Liên Đoàn Lao Động Việt tại Bangkok 2014
Năm 2008 một nhóm các an hem hoạt động dưới cái tên là Phong trào lao động Việt tiếp tục hoạt động bán công khai, giúp đỡ những người công nhân.
Cuối năm 2009, đầu năm 2010, chúng tôi tổ chức đại hội kỳ hai của Ủy ban bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt nam tại Kualalumpur, Mã lai. Nơi có rất đông công nhân Việt nam, trong đó điều kiện lao động là tệ hại nhất. Năm 2007, 2008 có 400 công nhân Việt nam bị tai nạn lao động và chết. Năm 2008 là 200 người..
Kính Hòa: 200 người bị chết vì tai nạn lao động?
Ông Trần Ngọc Thành: Vâng. Sau khi những thước phim được chiếu tại Úc thì họ phải điều đình với mình. Họ hứa bồi thường cho 20 ngàn công nhân, trong đó có 8 ngàn công nhân Việt nam, 2000 đô la cho mỗi người.
Khi nhà máy giày Mỹ phong ở Trà Vinh quịt lương của công nhân, quịt bảo hiểm xã hội thì anh em đã hướng dẫn trên 10 ngàn công nhân đình công trong vòng một tuần. Giới chủ đã đáp ứng phần lớn yêu cầu của công nhân. Nhưng sau đó nhà cầm quyền bắt ba người hướng dẫn trực tiếp cho công nhân. Họ tuyên án anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù. Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, cũng như anh Đoàn Huy Chương bảy năm tù.
Ngoài ra chúng tôi cũng nói rõ cho thế giới biết rằng hiện nay Việt nam có Tổng liên đoàn lao động Việt nam nhưng họ là cánh tay nối dài của đảng cộng sản. Tổng liên đoàn lao động Việt nam từ khi ra đời từ năm 1946 đến giờ chỉ giữ vai trò thay mặt đảng để kiềm tỏa người công nhân chứ không tranh đấu cho quyền lợi của người công nhân.
Công việc của chúng tôi rất là thầm lặng. Anh em ở trong nước hoạt động hầu như là bí mật.
Từ năm 2004 chúng tôi nghĩ là phải thống nhất ba tổ chức, một là Công đoàn độc lập Việt nam. Hai là Phong trào lao động Việt, và thứ ba là Ủy ban bảo vệ người lao động. Hai tổ chức đầu là ở trong nước, tổ chức thứ ba là do anh em ở hải ngoại và một số người trong nước tham gia, thành lập một liên minh gọi là Liên đoàn lao động Việt tự do.
Chúng tôi cũng nói rõ cho thế giới biết rằng hiện nay VN có Tổng liên đoàn lao động VN nhưng họ là cánh tay nối dài của đảng cộng sản. Tổng liên đoàn lao động VN từ khi ra đời từ năm 1946 đến giờ chỉ giữ vai trò thay mặt đảng để kiềm tỏa người công nhân chứ không tranh đấu cho quyền lợi của người công nhân
Ông Trần Ngọc Thành
Chúng tôi đã viết thư gửi đến 12 thành viên những nước tham gia đàm phán Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Chúng tôi nói rõ tình hình công nhân Việt nam trong một chế độ độc tài. Việt nam không có công đoàn độc lập dược phép hoạt động. Khi không còn hàng rào thuế quan nữa cho việc giao thương giữa các nước, thì nó có thể có lợi, có thể cứu được đảng cộng sản, nhưng nếu người công nhân không có quyền thành lập nghiệp đoàn, không được ai bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì họ vẫn là những người nô lệ.
Kính Hòa: Trong những diễn tiến của phong trào công nhân trong nước trong thời gian gần đây, gần 100 ngàn người để đòi sửa luật bảo hiểm xã hội thì cuộc đình công đó coi như thành công vì sau đó luật bảo hiểm được sửa đổi. Nhiều nhà quan sát trong nước có nói rằng cuộc đấu tranh của công nhân bây giờ có tổ chức hơn, và cái ý thức từ nhà cầm quyền có vẻ cũng dễ chịu hơn, ông có chia sẻ quan điểm đó không?
Ông Trần Ngọc Thành: Không phải dễ chịu hơn. Công nhân ý thức được rằng muốn quyền lợi của mình không bị xâm phạm một cách trắng trợn thì phải tranh đấu. Thì đó là biểu hiện sức mạnh của người công nhân.
Còn thời gian vừa qua nhà cầm quyền chẳng có ưu ái gì cả, họ đã xua hơn 1000 công an và dân phòng để dẹp cuộc đình công này. Ngay ông chủ tịch tổng liên đoàn cũng bảo rằng cuộc đình công do thế lực phản động xúi giục. Nhưng cuối cùng họ phải rút lui, họ không dám đàn áp. Và bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa với công nhân là phải thay đổi Luật bảo hiểm xã hội. Mà luật đó đã được quốc hội thông qua, không dễ gì mà họ thay đổi. Thì đó là một thắng lợi.
Kính Hòa:Xin ông câu hỏi cuối, hơi cá nhân một chút là được biết ông có học ở Ba Lan, thì với tương lai một du học sinh về nước có thể sẽ thành công, điều gì làm ông dân thân đấu tranh cho những người công nhân?
Ông Trần Ngọc Thành: Tôi sống ở Ba Lan, tôi chứng kiến tất cả những cuộc tranh đấu của người Ba Lan, từ trí thức đến giới công nhân Ba Lan. Tôi về Việt nam, tôi cũng đã vào đảng cộng sản. Sống trong đảng cộng sản tôi thấy những gì bất công, những gì đã xảy ra. Đây không phải là một đảng chính nghĩa mà giống như một băng đảng xã hội đen. Tôi quay lại Ba Lan lần thứ hai khi công đoàn Đoàn kết đã tranh đấu thành công, thì chúng tôi thấy rằng họ đã tranh đấu thành công, họ muốn cho giai cấp công nhân của họ có quyền làm người thì tại sao Người Việt nam không làm được cái đó? Tất cả những điều đó thúc đẩy tôi dần dần tụ họp cufg các anh em khác làm công việc này.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông Trần Ngọc Thành.

Những người tù bị lãng quên

Trần Thị Nga (Danlambao) - Sau 1975 có rất nhiều chiến sỹ, sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản bắt giam với những án tù dài hạn, trong tù họ bị đánh đập hành hạ suốt những năm tuổi trẻ, những người may mắn khi bước chân ra khỏi nhà tù thì cơ thể tàn tật, đau yếu cả thể xác lẫn tinh thần, có người phải bỏ mạng trong những nhà tù âm u và tàn khốc. Ông Nguyễn Thành là một trong những người đó.

Ông Nguyễn Thành sinh năm 1953. Địa chỉ 13/4 Nguyễn Gia Thiều tp Huế. Trước năm 1975 ông là sỹ quan cảnh sát VNCH.

Ngày 27/3/1975 ông bị CSVN bắt giam vào trại tập trung Hội An, ngày 28/4/1976 ông được trả tự do.

Ngày 10/08/1978 ông bị bắt, ông bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết án 20 năm tù với tội danh Âm Mưu Lật Đổ Chính Quyền cộng Vượt Biên vì mục đích Phản Cách Mạng.

Ông bị giam tại Lao thừa phú Huế khoảng 3 tháng, xử xong họ đưa ông đến giam tại trại giam Bình Điền, năm 1986 ông bị chuyển đến trại giam Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Thành đến ngày 10/02/1995 họ trả tự do cho ông với lý do được giảm án 5 lần tổng cộng là 3 năm 6 tháng.

Khoảng năm 1980-1981, tại trại giam Bình Điền ông và những người bạn tù khác đã đấu tranh vì cuộc sống quá cực khổ và bị đàn áp liên miên nhưng không có kết quả ông và một người bạn tù đã quyết định trốn trại. Ông đã bị cán bộ trại giam bắt lại, họ đánh ông ngất xỉu rồi cầm tay ông kéo lê. Khi tỉnh dậy ông thấy mình đang bị cùm 2 chân trong buồng giam, chân trái của ông bị kéo mòn gót và đứt gân chân. Ông bị cùm 2 chân trong tình trạng đó 1 năm, khi này cả 2 chân của ông đều bị liệt. Khi được mở cùm 2 chân của ông không còn khả năng đi lại, rồi từ từ tập luyện chân phải của ông đã dần dần hồi phục còn chân trái đến nay vẫn đi lết chân.

Năm 1986 ông bị chuyển vào trại giam Xuân Phước, trong một lần ông được gia đình đến thăm nuôi và tiếp tế thực phẩm cho ông trong đó có một chút tiền mặt, vì lý do đó cán bộ trại giam đã kỷ luật ông bằng 2 tuần cùm chân trong buồng kín.

Sau khi ra tù ông đã phải điều trị bệnh lao phổi 3 tháng tại bệnh viện Lao của tỉnh do ảnh hưởng của những năm tháng trong tù và bệnh viêm khớp mãn tính.

Cuộc sống của ông sau khi ra tù với sức khỏe yếu, chân đi lại khó khăn vì bị bại liệt chân trái, ông dùng kiến thức của bản thân trước khi bị cộng sản bắt giam để dạy kèm cho các em học sinh cấp 1 quanh trong xóm với mức thu nhập thấp, hiện nay ông đang dạy kèm cho 2 em học sinh mỗi em ông thu 200,000đ tổng thu nhập 1 tháng của ông là 400.000đ trong khi ông còn phải chăm sóc mẹ già 92 tuổi.

Kể từ ngày ra khỏi nhà tù cộng sản cho tới nay với cơ thể yếu đau mệt mỏi nhưng công an cộng sản vẫn thường xuyên lấy cớ đến thăm để giám sát cuộc sống của ông.

23/7/2015


Nguyễn Xuân Sơn là đồng phạm với Hà Văn Thắm

Theo  NLĐ-07-22-2015
Thông báo chính thức đưa ra tối ngày 21-7, Cơ quan cảnh sát điều tra-Bộ Công an cho biết nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Xuân Sơn là đồng phạm với Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Oceanbank, trong vụ án xảy ra tại Oceanbank.

Nguyễn Xuân Sơn là đồng phạm với Hà Văn Thắm
Ông Nguyễn Xuân Sơn khi còn là chủ tịch của PVN

Tối ngày 21-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46)- Bộ Công an cho biết cơ quan này đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962), nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46)- Bộ Công an đang điều tra vụ án Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch Oceanbank) cùng đồng phạm Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179 Bộ luật hình sự), Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật hình sự), Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 Bộ luật hình sự) xảy ra tại Oceanbank.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank, đã đồng phạm với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank, trong thời gian là Tổng Giám đốc Oceanbank, đã phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

1
Ông Hà Văn Thắm khi còn là chủ tịch Oceanbank

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can Nguyễn Xuân Sơn để tạm giam và Lệnh khám xét; Quyết định và các Lệnh bắt, khám xét trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Vào hồi 17 giờ ngày 21-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với Nguyễn Xuân Sơn.

Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Nguyễn Xuân Sơn đã thực hiện đúng quy định tại Điều 80 và Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự và bị can đã được dẫn giải về Trại tạm giam Bộ Công an để điều tra mở rộng vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Xuân Sơn là nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), người đã thôi giữ chức vụ này từ ngày 19-7 vừa qua theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ông Sơn từng là ừng giữ các chức vụ: Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí; Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí; Tổng Giám đốc Oceanbank.

Tử vong vì nhập viện nửa ngày chỉ được đo huyết áp, nhịp tim?

TTO - Bệnh nhân Nguyễn Văn Tiến (71 tuổi, ngụ Quảng Yên, Quảng Ninh) vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) lúc 13g chiều 16-7 và mất lúc hơn 21g đêm cùng ngày.

Tử vong vì nhập viện nửa ngày chỉ được đo huyết áp, nhịp tim?
Ông Nguyễn Quốc Định, con trai bệnh nhân cho biết bệnh nhân Tiến có tiền sử cao huyết áp và sáng 16-7 tự dưng ngã ra nền nhà, từ thời điểm được đưa vào viện đến lúc bệnh nhân tử vong, trong toàn bộ quá trình cấp cứu tại bệnh viện (kéo dài hơn nửa ngày), bệnh nhân Tiến chỉ được áp dụng một biện pháp duy nhất là... đo huyết áp, nhịp tim rất nhiều lần, không được chiếu chụp hay có biện pháp xử trí phù hợp.

Ông Định cho biết bố ông cũng được truyền một chai nước biển, nhưng khi được truyền nước thì bệnh nhân có biểu hiện co giật, vung tay chân và kêu chóng mặt.

Các bác sĩ cho đó là biểu hiện của rối loạn tiền đình và cho tiếp tục đo huyết áp!

Theo thông tin trên bệnh án, bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn tiền đình, đánh giá khi vào viện là tai nghe rõ, mắt nhìn rõ, da, niêm mạc, tinh thần tỉnh táo, nhưng bệnh nhân tử vong chỉ sau hơn 8g vào viện.

“Hiện chúng tôi rất đau đớn, không ngủ được vì suy nghĩ có phải mình không quan tâm sức khỏe của bố hay không”- ông Định nói với Tuổi Trẻ.

Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí, gia đình bệnh nhân Tiến có bức xúc thời điểm bệnh nhân tử vong, tuy nhiên hiện chưa có đơn khiếu nại bệnh viện. Bệnh viện sẽ tiến hành một cuộc họp hội đồng chuyên môn để xem xét căn nguyên tử vong của bệnh nhân này.

Phóng viên Tuổi Trẻ có đặt các câu hỏi vì sao bệnh nhân lại được đo nhịp tim, huyết áp quá nhiều lần mà không có hình thức kiểm tra khác để xử trí phù hợp hơn thì vị này không trả lời, mà cho biết sẽ đợi câu trả lời sau cuộc họp hội đồng chuyên môn tới đây.
22/07/2015 16:32
L.ANH

Thắt lưng buộc bụng khẩn cấp đi là vừa

Theo Petrotimes-07-21-2015
Người Việt có câu “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi nước ta phát triển mạnh thì người ta quên đi mất câu này...
Thắt lưng buộc bụng khẩn cấp đi là vừa 

 Thắt lưng buộc bụng khẩn cấp đi là vừa
Văn Miếu ở Vĩnh Phúc

6 tháng đầu năm nay mặc dù tổng doanh thu từ nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, xuất khẩu gạo giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, dầu mỏ cũng bị giảm do giá dầu thế giới giảm… nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng hết sức lạc quan.

Nếu tính xa ra một chút cho năm 2016 và 2017 thì liệu bức tranh sẽ là thế nào?

Về dầu mỏ, một mặt hàng chủ lực mang lại đóng góp to lớn cho ngân sách quốc gia thì khả năng sẽ phải chịu đựng nặng nề hơn nữa khi giá dầu mỏ có thể xuống tới 50USD/thùng, thậm chí dưới 40USD/thùng. Người ta phải nghĩ đến điều này, bởi vì nếu tới đây Iran xuất khẩu dầu sau khi được Mỹ dỡ bỏ cấm vận thì đó là điều không đùa được.

Mỹ từ một nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã trở thành một nước có thể xuất khẩu dầu.

Iran từ bị cấm vận, nay đã “sổ lồng tung cánh”.

Kinh tế Trung Quốc lao đao vì chứng khoán và cũng sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ dầu, vậy là cuối năm 2015 sang 2016 và 2017, sản lượng dầu của thế giới sẽ dư thừa rất nhiều và cái gì thừa thì giá rẻ là lẽ đương nhiên.

Vậy kịch bản nào cho nền kinh tế nước ta vào năm 2016-2017 đây khi mà nông nghiệp xuất khẩu gạo nhiều nhưng rẻ, tiền xuất khẩu gạo chỉ để nhập nguyên liệu về làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Xuất khẩu thủy sản cũng bị giảm sút. “Đỏ tươi” nhất hình như chỉ có mấy quả vải đang vươn được ra nước ngoài một chút, nhưng chắc cũng chỉ làm khá lên cho mấy hộ nông dân ở mấy vùng Lục Ngạn, Hải Dương… Vậy làm thế nào để đối phó với những kịch bản xấu mà tạm nêu ra như ở trên.

Chắc chắn Đảng, Chính phủ sẽ có nhiều quyết sách lớn và đã xây dựng kịch bản đối phó với tình hình này.

Nhưng thiết nghĩ có một cách mà từ mỗi gia đình, mỗi làng xóm đơn vị kinh tế, mỗi cấp chính quyền phải làm ngay đó là: “Thắt lưng buộc bụng” và tuyệt đối không được coi ngân sách Nhà nước như con bò sữa – Thằng nào vắt được cứ vắt! Đồng thời hãy bỏ ngay câu nói: “Đây là nguồn đóng góp xã hội hóa”. Trong lúc này chúng ta còn rất nhiều địa phương mà tỉ lệ đói nghèo còn cao, nhiều trường học, bệnh viện còn đang xập xệ, thiếu thốn trang bị, nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Ấy vậy mà người ta vẫn đổ tiền ra xây chùa, xây tượng Phật cao ngất ngưởng; xây Văn Miếu để thờ Khổng Tử tận bên Tàu và rồi người ta đẻ ra không biết bao nhiêu thứ lễ hội và đủ các trò mua vui. Thật là phi lý.

Rồi thậm chí trong các lễ mừng công, mừng năm chẵn của tỉnh nọ tỉnh kia, tôn vinh doanh nhân… người ta cũng tổ chức tiệc tùng linh đình tốn kém. Hình như câu thơ “ngàn vàng mua lấy trận cười như không” của cụ Nguyễn Du từ cách đây hàng trăm năm đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự.

Từ bao lâu nay, người Việt có câu “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi nước ta phát triển mạnh thì người ta quên đi mất câu này. Sự tiêu xài lãng phí trong đủ mọi lĩnh vực thực sự là rất đáng báo động. Một quốc gia nghèo như ở Việt Nam thì suốt ngày tự hào về sản lượng bia, rượu; rồi nhập khẩu đủ loại ôtô sang trọng về, vậy đó là cái gì, thử hỏi xem bao nhiêu đại gia đi xe sang vẫn đang trốn thuế, quỵt tiền bảo hiểm người lao động, vẫn đang nợ nần chồng chất… Cho nên nếu như chúng ta vẫn giữ mức độ ăn tiêu như hiện nay và theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ” thì rõ ràng sẽ đến lúc phải trả giá đắt và nói một cách ngoa ngoắt rằng “không có tiền mà mua quan tài” đâu.

Đảng và Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp để buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải tiết kiệm nhưng đã đến lúc phải nhìn lại phong trào tiết kiệm mà các nơi đang thực hiện có nặng về tính hình thức hay không? Căn bệnh lãng phí của chúng ta đang rất lớn, và không biết một năm lãng phí bao tiền đổ vào các công trình tâm linh, các công trình mang tính hình thức phù phiếm?

Cho nên xin các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách hãy nghĩ một kịch bản rất xấu cho nền kinh tế nước ta vào năm 2017 thậm chí sang cả 2018, làm gì hãy nghĩ đến rủi ro trước, nghĩ đến hậu quả của sự thất bại, chứ đừng nghĩ như kiểu “đếm cua trong lỗ” và chỉ tính một chiều lợi. Còn mong rằng từ mỗi gia đình hãy biết thắt lưng buộc bụng ngay từ bây giờ.


CSVN từ bỏ thứ vũ khí lợi hại

Cánh Dù lộng gió (Danlambao) - Xưa nay CSVN chỉ biết dùng Côn An, Quân Đội và họng súng AK để cai trị và đàn áp người dân, chúng chỉ dựa vào quan thầy của chúng là Liên Sô và Tàu Cộng để ngồi vững trên chiếc ghế quyền lực, đè đầu cỡi cổ nhân dân. Với chúng chỉ có nòng súng mới bảo vệ được chế độ, ngoài ra chúng không tin bất cứ một sức mạnh nào ngoài nòng súng AK.

Trước đây phe Lê Duẫn theo Liên Sô tẩy chay phe Tàu, trục xuất, bắt bớ, bỏ tù phe thân Tàu, khiến một số người Hoa làm ăn định cư lâu năm tại VN phải bỏ nước ra đi, lớp qua Trung Cộng, lớp qua các quốc gia khác bằng cửa biển Hong Kong. 

Sau khi phe Liên Sô bị tan rã, sợ ảnh hưởng dây chuyền, CSVN lúc đó là Nguyễn Văn Linh và ĐM, Lê Đức Anh đã qua Trung Cộng phủ phục, xin được bảo hộ, và nguyện sẽ trở thành một tỉnh tự trị do Trung Cộng bảo hộ, vì chúng sợ đảng sẽ theo chân Mac Lenin, Liên Sô tan rã, CSVN như ngồi trên chiếc ghế có 2 chân, muốn vững cũng không còn vững được, nên vội vàng bám lấy Trung Cộng để giữ đảng, giữ ghế. 

Còn gì nhục nhã cho bằng để cho Trung Cộng sai khiến và ra lệnh như một đám nô lệ chờ chủ sai khiến. 

Trung Cộng đã nắm những yếu huyệt của CSVN, như tên Thiếu Tá gián điệp Hồ Quang gốc Tàu giả vai Nguyễn Ái Quốc rúc trong hang Pắc Pó. Cái công hàm bán biển đảo của Phạm Văn Đồng vẫn còn nằm sờ sờ trong tay Trung Cộng, những ký kết nhượng biên giới, đất liền đổi lấy tiền mặt Trung Cộng cũng đã nắm hết trong tay, thậm chí tiền bạc ăn chia ra sao, tình báo Hoa Nam cũng không để sót một chi tiết nào. Vì thế lãnh đạo CSVN cứ cúi đầu gọi dạ bảo vâng, nói làm cái gì là răm rắp làm theo không dám hó hé, dù biết đất nước hầu hết lọt vào tay Trung Cộng, chúng cũng không mảy may màng đến. Miễn sao đảng và chiếc ghế quyền lực và quyền lợi của chúng không mất mát là được. 

Càng ngày Trung Cộng càng lấn biển đảo, biên giới VN một cách công khai, chúng không ngần ngại thủ tiêu những cột mốc từ thời nhà Thanh ký với chính phủ bảo hộ Pháp trước đây. 

Chúng cũng không ngần ngại cài cắm gián điệp tình báo Hoa Nam khắp mọi nơi, kể cả trong BCT như tên PTTg Hoàng Trung Hải, chúng công khai xua đuổi, bắn giết, cướp phá tàu bè của Ngư Dân khi đi đánh cá ngoài biển Đông ngay trong vùng biển chủ quyền của VN. 

Vừa qua chúng đã ngang nhiên đem giàn khoan sát bờ biển lãnh thổ VN. Tự động vẽ đường lưỡi bò, khoanh vùng không cho tàu bè các nước qua lại. 

Trong nước chúng tha hồ tung hoành, ra vào cửa khẩu tự do, buôn bán hàng nhái, thực phẩm có chất độc hại để đầu độc và diệt dân VN từ từ có hệ thống. 

Những ai chống đối, chúng cho côn an đàn áp, bắt bớ tra tấn, canh chừng, bỏ tù. 

Theo một nguồn tin trên facebook Thuy Trang Nguyen quân đội Trung cộng đã chuyển người và vũ khí sát biên giới VN. 

Phía Campuchia thì Trung Cộng dùng lại sách lược trước đây với Pon Pot xúi giục Campuchia gây hấn với VN. 

Quân đội nhăn răng VN tuy cũng có động quân và chuyển vũ khí ngoài Bắc vào các cảng Đà Nẵng, Cam Ranh để phòng thủ nhưng người ít, vũ khí cũng ít ỏi, hầu như toàn mua hàng Second Hand báo giá mới đem về xài, chưa biết khi sử dụng sẽ ra sao. 

CSVN quên khuấy đi một thứ vũ khí lợi hại mà dù có tiền cũng không bao giờ mua nổi, đó là lòng dân. 

Trước đây CSVN thắng được miền Nam nhờ tuyên truyền, người dân chỉ biết yêu nước nghe theo chúng góp công góp của, góp người mà không biết mình bị gạt, bị lừa, bây giờ thời đại Internet, có muốn lừa bịp hay tuyên truyền cũng không còn ai nghe ai tin nữa rồi, nên đảng CSVN giờ rất lo sợ vì nếu xảy ra chiến tranh, thì không có ai ủng hộ như xưa, tự biên tự diễn. 

Trước đây lời hiệu triệu của Hưng Đạo Vương mời các vị bô lão họp để lấy ý kiến chiến hay không chiến. Ngày nay CSVN có mời cũng không ai đi, mà chúng cũng không bao giờ mời ai cả, vì đảng của chúng là đảng độc tài, toàn trị, tự quyết, không cần ai xen vào, như thế chúng đã từ bỏ một loại vũ khí rất mạnh và lợi hại là lòng dân ủng hộ.

22/07/2015

Giáo dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?


Thành Lê TVN - Từ lâu tôi đã muốn góp 1 tiếng nói về giáo dục Việt Nam nhưng chưa có thời gian tìm hiểu cụ thể. Gần đây trước nhiều sự việc gây tranh cãi như nạn bạo lực học đường ngày càng ra tăng, mức độ ghê gớm cũng ngày càng cao hơn; 1 nữ sinh viên trường y tự tử vì không được học ngành mong muốn; 2 bố con ôm nhau khóc vì cậu con trai bị đình chỉ thi bởi 1 cuộc điện thoại khi đang trong phòng thi, cuộc gọi lại chính từ người bố đang mong mỏi bên ngoài; hay các bạn sinh viên tình nguyện lại trở thành giải phân cách sống dưới trời nắng trên 40 độ C trong kỳ thi Quốc gia vừa qua, khiến tôi quyết tâm viết bài này, xem chúng ta đang để con em mình làm nạn nhân của hệ thống giáo dục này như thế nào.

Để tiếp cận 1 một vấn đề hết sức khoa học, tôi lại muốn bắt đầu bằng cảm tính của mình. Khi còn trên ghế nhà trường, tôi luôn cảm thấy có rất nhiều điều bất ổn trong giáo dục, như việc học kiến thức dàn chải mà thiếu tính ứng dụng; Sử dụng một hệ thống đánh giá năng lực đơn điệu để cào bằng tất cả học sinh; Cho học sinh tập dượt trước khi có người dự giờ; đa số học sinh học hết phổ thông mà không biết mình thực sự giỏi cái gì, đam mê cái gì và nên thi đại học vào ngành gì; sau đó là hiện tượng mua điểm, đút tiền qua môn, học hộ, thi hộ…trong môi trường đại học và cuối cùng là ra trường lại thất nghiệp hoặc phần lớn làm trái ngành trái nghề; đổi mới và cải cách là những từ được nghe như cơm bữa mà mãi chẳng thấy khá khẩm hơn... những vấn đề đó tồn tại năm này qua năm khác. Khi tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tôi đã bày tỏ những suy nghĩ đó và nhận được sự đồng cảm thất vọng về giáo dục Việt Nam từ họ. Nhưng chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở nghi vấn, bởi chẳng có gì để so sánh, biết đâu chừng nó là điều tất yếu của cuộc sống, chẳng có gì là toàn mỹ, và chắc giáo dục ở đâu cũng vậy thôi. Khi có những phương tiện để tìm hiểu cũng như tiếp cận với những nền giáo dục khác, tôi đã biết tới những nền giáo dục, không chỉ những vấn nạn trên mà còn có những khía cạnh khác họ đã giải quyết hết sức hoàn thiện.

Cách đây vài tháng tôi có đọc 1 bài báo với tựa đề “Chúng ta đang dạy con trẻ dối trá”, bài viết nói về “Cuộc thi sáng tạo trẻ thơ” ở trường tiểu học nọ. Trong cuộc thi, người ta tập hợp các sáng chế của chính các em học sinh lớp 4-5. Nhưng sự thật, các dụng cụ sáng tạo đó đều hoặc do thày cô hoặc do phụ huynh thiết kế rồi đăng ký tên cho các em, phần diễn giải cũng được viết sẵn cho các em học thuộc. Ngày thi, từng tốp các em lên thao thao thuyết minh cho sáng tạo nhận vơ của mình, rất chuyên nghiệp & trôi chảy. Phía dưới sân khấu là hàng trăm học sinh khác làm khán giả, chúng cũng râm ran bàn tán theo từng sáng tạo, đáng buồn, chúng xôn xao không phải vì thích thú với những sản phẩm độc lạ, mà vì khó chịu với những người bạn ra oai mô tả sản phẩm sáng tạo chẳng phải của mình: “chiếc bình tưới đa năng kia là của thầy T. làm, thầy cho ba bạn học sinh giỏi đứng tên... Sướng thật! Nhưng đâu phải của mấy bạn làm mà tỏ vẻ ta đây! Nhìn thấy ghét...”. Câu chuyện nhỏ ở 1 ngôi trường nhỏ, nhưng thể hiện rất to và rõ ràng bộ mặt của cả một nền giáo dục. Những đứa trẻ ngây ngây thơ thơ đó, chưa đủ nhận thức để có thể thốt lên “thày cô, bố mẹ, các bạn làm như thế là SAI”, mà trong thâm tâm chúng lại hình thành nhận thức mơ hồ về 1 vấn đề khác: “À, hóa ra nói dối là điều được chấp nhận và chẳng có gì phải xấu hổ khi nói dối cả”, cứ như thế nhận thức đó ngày càng được khẳng định và tích tụ thêm khi chúng lớn lên và quan sát những điều giả dối quanh mình, tự lúc nào, chúng cũng sẵn sàng dối trá và không thấy xấu hổ. Chỉ vì hình thức và thành tích phù phiếm, chúng ta đã hại đời con cháu của chúng ta như thế.

1 câu chuyện khác, bài viết có tựa đề “Người trẻ nên biết điều này trước khi quá muộn” đề cập đến tình trạng hiện nay ở mỗi thành phố lớn có hàng chục ngàn thiếu niên tuổi mới 13-15 đã phải tìm những công việc để mưu sinh, số lượng ngày càng tăng. Các em làm những công việc đòi hỏi từ 15-16 tiếng/ngày chỉ để...ngồi 1 chỗ, như giữ xe, ngồi xếp trái cây, đứng xếp sữa lên kệ... Tác giả nhận thấy việc ngồi không cả ngày là quá lãng phí thời gian, những đứa trẻ đó nên biết tranh thủ đọc 1 cuốn sách hoặc tự học 1 cái gì đó sẽ tốt cho tương lai. Tôi lại có suy nghĩ khác, điều nên băn khoăn là vì sao lại có quá nhiều những đứa trẻ đang tuổi đi học lại phải lỡ rở mà bỏ quê hương lên thành phố mưu sinh như thế? Trách nhiệm của chính phủ ra sao trước thực trạng này chứ không được cư xử như thể vô can trước cả 1 thế hệ tương lai! Tôi chẳng hy vọng nhiều đến thế rằng chúng sẽ biết tự đọc 1 cuốn sách khoa học khô khan ở cái tuổi nhất quỷ, nhì ma, ăn chưa no, lo chưa tới, chúng không xa ngã vào những tệ nạn đã là may rồi. Đương nhiên vẫn có những đứa trẻ biết tự ý thức, nhưng đó chỉ là thiểu số, và xã hội không chỉ của thiểu số. Trẻ em cần được giáo dục để hoàn thiện chứ không phải hy vọng chúng tự hoàn thiện.

Các bậc cha mẹ thì luôn lo lắng cho con cái nhưng cách lo lắng thì cần xem lại. Trong bài viết “Sợ cải cách giáo dục”, tác giả Nguyễn Anh Thi là 1 nhà báo cũng là 1 người mẹ đã trăn trở: “trường học nay giống như cái phòng thí nghiệm với đủ thứ thay đổi, cải cách diễn ra liên tục.... mà con tôi không chỉ chờ một ngày để có kết quả...mà là đằng đẵng 20 năm ăn học...và không rõ sẽ thành người thế nào”, “Tôi ngày ngày phải tìm cách đối phó và chống đỡ những thay đổi chóng mặt đó. Nào là tích cực đọc báo, xem thông tin có gì mới về cải cách mà ảnh hưởng đến con hay không, rồi thì tìm văn bản, tài liệu, hỏi thày cô. Nào là cho con đi học thêm để theo kịp cải cách...”, “Nỗi sợ hãi lớn hơn của tôi là hằng ngày nhìn con gồng mình chạy theo những cuộc cải cách... Sức khỏe không tốt lên bao nhiêu vì không có thời gian bổi bổ ăn uống, tập thể dục, thể thao mà mắt thì càng ngày càng cận nặng. Học mà cháu chỉ biết chép bài theo mẫu, làm bài theo mánh mà thiếu tính sáng tạo, chủ động, tự tìm tòi kiến thức, tự lực tư duy...”. Đúng vậy, trường học giờ đây như thể những phòng thí nghiệm, và con em chúng ta như những con chuột bạch, ruồi giấm. Nguy hại hơn là phải mất 20 năm mới biết kết quả, điều đó nói lên tầm quan trọng của việc chọn lựa cách giáo dục. Nếu để con học tập dưới 1 nền giáo dục kém cỏi, chúng ta đang gián tiếp hủy hoại tương lai con em mình. Cách giúp con cũng không phải thúc ép con hay học thay con, mà là tạo ra 1 môi trường học tập bình đẳng và nhân văn, giúp trẻ tự tin, tư duy độc lập, đam mê và sáng tạo. Nỗi sợ hãi lớn nhất của nhiều bậc cha mẹ về sức khỏe của con là rất chính xác, thử nghĩ xem, 1 hệ thống giáo dục mà có quá nhiều môn vô bổ làm mất thời gian của các em, học dạy thêm thì tràn lan, cách giáo dục thì thụ động... khiến lũ trẻ không có cả thời gian để thể dục thể thao, còn với trẻ em ở nhiều vùng uống sữa vẫn là điều xa xỉ nói gì có đủ dinh dưỡng để phát triển. Vừa không có thời gian vừa không đủ dinh dưỡng, nền giáo dục Việt Nam đang góp sức hủy hoại nòi giống Việt cả về tư duy lẫn thể chất, không đơn giản đâu. Trước chúng ta thường nói 1 từ chắc có ý giễu cợt “Nhật lùn”, nay thì người Việt đã lùn nhất châu Á rồi, có liên quan đến giáo dục không?

Chúng ta đang cố tìm xem lỗi giáo dục nằm ở đâu, ở tính cách người Việt, phụ huynh hay thày cô? Không! Những tiêu cực trong giáo dục hiện nay không chỉ ở 1-2 gia đình hay 1-2 thày cô mà ở cấp độ toàn xã hội. Thày cô hay phụ huynh cũng chỉ là nạn nhân bị cuốn theo bởi nền giáo dục này mà thôi. 1 cá nhân không thể chống lại cả xã hội, dù đó có thể là 1 xã hội băng hoại, họ, hoặc bị đồng hóa hoặc sẽ bị đào thải. 1 tệ nạn mà ở tầm vĩ mô toàn xã hội thì điểm lỗi đầu tiên chúng ta nên nhìn tới chính là bộ máy lãnh đạo ở thượng tầng.

Về cơ bản, những tiêu cực trong nền giáo dục Việt Nam phát xuất từ việc chúng ta đang sở hữu 1 nền giáo dục “phi giáo dục”, nghe hơi khó hiểu ha, không sao, tôi sẽ cố gắng nói rõ trong tầm hiểu biết của mình, dù có thể thiếu sót. Cụ thể:

Thứ 1, phi thực tế: những đứa trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn được dạy về đất nước Việt Nam giàu có và tươi đẹp, được cả thế giới nể trọng, mọi người dân đều được ăn no mặc ấm, được học hành tử tế, đất nước được dẫn dắt bởi 1 bộ máy lãnh đạo ưu việt nhất hành tinh, và chúng đang được sống trong 1 xã hội công bằng, dân chủ, văn minh bla..bla..những viễn cảnh tươi hồng đó khiến cho những đứa trẻ luôn trong trạng thái ảo tưởng và tự mãn, không có cái nhìn chính xác về tình hình đất nước. Rồi chính những đứa trẻ đó, trưởng thành bước vào đời đã hoàn toàn bị vỡ mộng khi đứng trước một xã hội nham nhở khác hoàn toàn với cái bánh vẽ mà chúng được ăn bấy lâu, bất công thì tràn lan, sinh viên lười vẫn có điểm cao như sinh viên chăm chỉ bằng cách mua điểm; thi vào làm công chức thì tài năng xếp sau tiền bạc và quan hệ; nhiều trẻ em ăn còn chưa no nói gì đến học hành tử tế; Việt Nam cũng chẳng được thế giới coi trọng, vẫn là 1 nhược quốc, không có tiếng nói, người Việt đi đến đâu cũng bị cảnh giác và phân biệt; bộ máy lãnh đạo ưu việt gì mà quá nhiều những kẻ bất tài vô tướng, tham ô, tham nhũng...đưa đất nước đến tình trạng nghèo nàn, môi trường bị hủy hoại, mất tài nguyên, mất biển đảo… những đứa trẻ mới lớn cũng dần nhận ra, không phải cứ đem ruộng đất chia thật đều cho mỗi người đã là công bằng, không phải cứ được đi bỏ phiếu đã là dân chủ, không phải cứ có đồ tây sài xúng xính thì đã là văn minh..v.v. Rất tiếc, đa số chúng chẳng hề có liên đới trách nhiệm gì giữa thực trạng bê bết của đất nước với những người cho chúng ăn no bánh vẽ trong quá khứ, chúng chỉ nghĩ đơn giản, xã hội là vậy, sự kém tư duy đó cũng là lỗi của giáo dục ở tính chất tiếp theo đây.

Thứ 2, phi tự nhiên: Mỗi con người sinh ra đã là một bản sắc riêng biệt, với năng lực khác nhau, yêu ghét khác nhau, tư duy khác nhau...Một nền giáo dục tiên tiến phải phát hiện được và phát triển khả năng nổi trội của mỗi cá nhân, không gò ép bất cứ ai vào 1 khuôn mẫu sơ cứng. Albert Einstein từng nói "Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc", rất tiếc đó đang là cách làm giáo dục của chúng ta. Trong nhiều năm, chúng ta đã áp đặt một hệ thống kiến thức như nhau, cách dạy và học, cách đánh giá năng lực như nhau áp dụng cho tất cả trẻ em. Với cách làm giáo dục phản tự nhiên như vậy, tôi dám chắc Việt Nam đã đánh rơi rất nhiều nhân tài, đã có vô số con cá sống với tự ti vì không thể leo cây. Hẳn quý vị còn nhớ về Bài văn tả ông bố lười rất dễ thương của cậu bé lớp 2 gây xôn xao dư luận thời gian trước, điều khiến tôi ấn tượng là cách dạy con của ông bố “lười” Đỗ Mạnh Hà. Anh chia sẻ “Tôi luôn hướng cháu đến sự phát triển tự nhiên, không dạy chữ trước khi vào lớp một và cháu chỉ đạt học sinh trung bình. Thế nhưng tôi dạy con về cách ứng xử, chăm lo cho bản thân và em gái 3 tuổi, biết tự qua đường, nấu cơm giúp mẹ...", cách dạy dỗ con cái của anh Hà cũng là do anh được thụ hưởng từ người bố của mình, người luôn để anh được phát triển tự nhiên. Trong những năm phổ thông anh luôn là học sinh cá biệt về học lực, chưa 1 lần được giấy khen, và bây giờ anh đang là 1 thạc sĩ, giảng viên đại học. Theo tôi đây là cách dạy con đúng đắn, trẻ em cần học về nhân cách và tính tự lập hơn là những con điểm để làm vừa lòng thày cô và bố mẹ. Vấn đề là những đứa trẻ được bố mẹ dạy dỗ theo cách này thường các em lại phải chịu thiệt thòi khi học tập trong 1 hệ thống giáo dục nặng hình thức và thành tích, trách nhiệm của người lớn là phải thiết lập cả 1 nền giáo dục mà ở đó mỗi đứa trẻ đều được đối xử công bằng và phát triển hài hòa. Gần đây, đã có vài cải cách để cải thiện chất lượng giáo dục, nhưng tất cả chỉ là nửa mùa và giả tạo, tại sao tôi nói như vậy, hồi sau quý vị sẽ rõ.

Nói chung 1 nền giáo dục mà lại phi giáo dục sẽ tạo ra những con người không có đam mê, nhiệt huyết, cùng với những tiêu cực của xã hội, họ sẽ chỉ lao động một cách chống đối và cầm chừng, tình trạng đó ở tầm vĩ mô đã kéo tụt sự phát triển của cả quốc gia. Có người sẽ nghĩ tôi đang nghiêm trọng hóa vấn đề, không hề, Việt Nam đang là nước có năng suất lao động thấp nhất châu Á.

Vậy rốt cục, phải làm gì để thay đổi hoàn toàn nền giáo dục với đầy ung nhọt như hiện nay? Tôi xin mạnh dạn đề ra 4 yêu sách mà chúng ta cần phải kiên quyết đòi hỏi Bộ Giáo dục và chính phủ đáp ứng ngay lập tức:

1. Hệ thống giáo dục miễn phí, ít nhất là hết bậc phổ thông:

Khi giáo dục là miễn phí, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận với giáo dục hơn, giảm gánh nặng cho tầng lớp người nghèo trong xã hội, sẽ không còn việc bố mẹ thắt lưng buộc bụng chỉ vì phải nuôi con ăn học. Tránh những bất cập như phải học 1 ngành chỉ để làm vừa lòng bố mẹ, vì bố mẹ quyết định về tài chính hoặc học 1 ngành nào đó chỉ vì tâm lý tiếc rẻ, ví dụ như hiện nay nhiều em học các ngành như Sư phạm, An ninh, Quân đội chẳng phải vì đam mê, mà vì những ngành này miễn học phí. Quý vị có thể lo lắng là nếu miễn phí đại học thì sẽ ra tăng tình trạng “thừa thày – thiếu thợ”, không hề, 1 nền giáo dục miễn phí và thực tế ngay từ đầu sẽ giúp học sinh tự biết năng lực của mình đến đâu và có theo đại học hay không chỉ đơn giản là muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn hay không mà thôi. Thực ra ngay cái tâm lý “Thày Thợ” cũng là do nền giáo dục nặng hình thức và thành tích này tạo ra. Bằng cách nào mà 1 tấm bằng lại đảm bảo tôi sẽ được làm thày người khác chứ? Vậy đòi hỏi miễn phí trong giáo dục có chính đáng hay không? Hoàn toàn chính đáng, vì nhiều nước không có Đảng lãnh đạo thiên tài như chúng ta họ đã làm được rồi.

Giáo dục phổ thông ở các nước Mỹ, Canada đều miễn phí, giáo dục đại học có học phí, nhưng sinh viên của họ sẽ được chính phủ hỗ trợ bằng cách cho vay từ 80-100% chi phí học tập với lãi suất 0% hoặc cực thấp, họ chỉ phải trả khi đã tốt nghiệp và có việc làm, có thể trả 1 lần hoặc trả góp, ngoài ra còn có rất nhiều các chương trình học bổng lớn nhỏ. Nhìn chung với người dân của họ việc học đại học được tạo điều kiện tối đa.

Cộng hòa liên bang Đức là 1 nước có nhiều tổn thương trong quá khứ khá giống với Việt Nam, cũng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, cũng có thời kỳ bị chia cắt hai miền nhưng rồi thống nhất không đổ máu, nói chung Đức từng là 1 dân tộc bất hạnh như Việt Nam, nhưng bây giờ họ đã thoát rồi, còn chúng ta thì chưa. Giáo dục Đức hiện nay miễn phí ở tất cả các cấp, từ mẫu giáo đến cao học, cho người dân có cơ hội học tập tốt nhất.

Thái Lan cùng khu vực, mà Việt Nam cho là rất bất ổn nhưng vẫn sang du lịch đều đều, họ cũng có 1 nền giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí cho nhân dân của họ.

Hay trên chính quê hương của mình, ở chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa, người dân miền Nam cũng được học hành miễn phí bậc phổ thông.

Có người sẽ nghĩ rằng tại nước họ giàu mới miễn phí được giáo dục, mà chẳng nghĩ xem vì sao họ giàu. Thì ừ cứ cho họ giàu vì tiền trên giời rơi xuống, còn ta nghèo vì những con giời bắt chúng ta nghèo, thì vẫn có vô số những khoản tiền chỗ hà ra chỗ hổng mà chúng hoàn toàn có thể được dùng để giảm phí thậm chí miễn phí cho giáo dục. Nếu không có những công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ làm mất hàng trăm nghìn tỉ tiền thuế, nếu không có những con đường đắt nhất hành tinh và nhanh hỏng nhất hệ mặt trời, không có những ông làm quan có mấy năm mà tài sản lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỉ như 1 ĐBQH đã nói, không có những công trình tượng đài, đền thờ, miếu mạo hết sức vô bổ trong khi đất nước còn bao khoản phải chi tiêu…tất cả số tiền khổng lồ bị mất mát đó, biết đâu chừng cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà chúng ta không thấy được, với số tiền ấy, miễn phí cho giáo dục, có là gì? Cũng xin đừng nghĩ rằng chính phủ các nước nọ tử tế, đó là vai trò 1 chính phủ phải làm và họ làm tròn nhiệm vụ của họ mà thôi, tất cả đều là tiền thuế của dân, chỉ là tiền thuế của dân nước họ được sử dụng 1 cách minh bạch và hiệu quả.

Tôi xin kể 1 câu chuyện, trong thời kỳ tái thiết đất nước từ đống tro tàn sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản rất chú trọng đến giáo dục, nhưng cũng như bao nước hậu chiến khác, nước Nhật gần như kiệt quệ, lĩnh vực nào cũng cần tiền để xây dựng lại, ngành giáo dục với tài chính eo hẹp vô cùng khó khăn để dành cho mỗi học sinh những trang thiết bị cơ bản nhất. Tới nỗi Vụ trưởng giáo dục Hikada lúc bấy giờ đã rơi nước mắt và nấc nghẹn khi phải thừa nhận đem đến cho mỗi học sinh một cuốn sách giáo khoa miễn phí thật khó khăn. Tôi chưa từng thấy giọt nước mắt nào của 1 nhà làm giáo dục cấp cao nào của Việt Nam khi thấy học sinh phải đu dây đến trường, chui bao nilong để qua suối hay học tập trong những ngôi trường tàn tệ hơn cả chuồng gia súc, tôi xin lỗi nhưng sự thật cay đắng như vậy đó, hay những lớp học lộ thiên, ngay giữa thế kỷ XXI này, không giọt nước mắt nào cho những điều như vậy, nói gì đến 1 cuốn sách giáo khoa miễn phí! Phải chăng đối với họ tình yêu thương, trách nhiệm và tự trọng là những xa xỉ phẩm?

Quý vị đã từng nghe về người bố 10 năm sống trong ống cống để nuôi con ăn học chưa?

Quý vị đã từng nghe về người mẹ mỗi ngày đi về hơn trăm cây số để cùng người con vừa mù vừa bại liệt đến trường đi học?

Đã nghe về người mẹ phải tự vẫn để lấy tiền phúng điếu cho con đi học hay chưa?

Khi nghe về những trường hợp ấy mà chúng ta chỉ nghĩ, ôi, họ đúng là những bố mẹ tuyệt vời nhất hệ mặt trời, thì chúng ta quá ích kỷ. Không đơn giản chỉ là sự hy sinh cao cả, nếu có 1 hệ thống giáo dục và y tế lo lắng và vì dân hơn, những ông bố bà mẹ ấy sẽ không phải có những lựa chọn nghiệt ngã đến thế. Xã hội này có thật là ổn định để phát triển không?

Người dân Việt Nam với mức thu nhập thấp lại phải đối diện với tình trạng học phí ngày càng tăng, hết sức vô lý vì nó chẳng đi cùng với chất lượng giáo dục tăng lên. Tôi cũng không thấy có gì cần thiết phải làm tiền trong giáo dục. Hãy đòi hỏi 1 nền giáo dục miễn phí như chúng ta và con cháu chúng ta đáng được hưởng.

2. Bỏ độc quyền trong giáo dục:

Mỗi cá nhân là 1 màu sắc riêng biệt thì giáo dục cũng phải đa dạng mới đáp ứng được cho tất cả mọi người. Bản thân việc độc quyền đã là 1 sự bó buộc không cần thiết với giáo dục, 1 ngành luôn phải vận động và thay đổi. Một giáo sư tiến sĩ từng than thở: "các nước có nền giáo dục xuất sắc như Anh, Mỹ hay Canada không bàn về đổi mới giáo dục, nhưng tại sao giáo dục của họ vẫn đổi mới? Nước trong khu vực Singapore cũng vậy, họ không đổi mới mà vẫn như đổi mới trong khi chúng ta…”, thưa giáo sư, những nền giáo dục tiên tiến chẳng mấy khi bàn đến cải cách, đổi mới, vì bản thân nó đã luôn chấp nhận những khuynh hướng khác biệt, tạo nên sự đổi mới tự nhiên và liên tục. Độc quyền giáo dục cũng lý giải cho sự trì trệ trong đổi mới và xử lý các tiêu cực trong giáo dục mà qua hàng thập kỷ vẫn ngang nhiên tồn tại. Nhiều nhà giáo, giáo sư mái đầu đã bạc trắng vẫn tâm huyết với giáo dục nước nhà như giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Chu Hảo, những đề án cải cách giáo dục của các vị ấy là công trình nghiên cứu công phu, chắt lọc từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Bỉ, Úc chắc chắn có tính thực tiễn và tiến bộ, nhưng cũng bị trì hoãn đưa vào thực tế vì 2 chữ “độc quyền”. Cách đây vài năm, trong buổi ra mắt cuốn sách “Dân chủ và Giáo dục” của nhà triết học và cải cách giáo dục nổi tiếng người Mỹ John Dewey, giáo sư Chu Hảo đã bức xúc khi nói về thái độ của Bộ giáo dục: “Cho đến bây giờ, không có một trả lời nào của cấp cao nhất lẫn Bộ GD-ĐT. Bộ GD không bao giờ đối thoại với chúng tôi, không bao giờ trả lời, không bao giờ tranh luận”. Hóa ra làm khoa học ở Việt Nam cũng chẳng sung sướng gì, muốn chính quyền coi trọng ư? Tùy hứng thôi! Kìm hãm sự đổi mới của giáo dục lại chính là giới lãnh đạo, hành động lạnh nhạt của họ hoàn toàn trái ngược với những lời thống thiết khi họ xin ngân sách để làm cải cách. Giáo dục Việt Nam không có vướng mắc gì để không đổi mới thì chính quyền lại không muốn nó đổi mới, là tại làm sao? Tôi cứ nghĩ hoài, hay họ cứ để đó lâu lâu lại giả vờ cải cách xin vài chục nghìn tỷ để chấm mút với nhau, à, hay phải chăng đó là 1 Chính sách ngu dân? Chắc không phải đâu ha, vì chúng ta đang sống trong thời đại rực rỡ nhất lịch sử dân tộc kia mà?

3. Phi chính trị hóa giáo dục:

Chức năng thuần túy của giáo dục là gây dựng cho con người một nhân cách lành mạnh và một trí tuệ sáng suốt nhận biết sự vật xung quanh, biết quy luật các sự vật hiện tượng, từ đó không ngừng sáng tạo và hoàn thiện kỹ năng sống, nhưng một khi có yếu tố chính trị trong giáo dục, ngoài những chức năng trên, nó sẽ luôn sử dụng 1 hình tượng, 1 chủ thuyết nhằm thao túng lý trí người khác, phục vụ cho những mưu tính riêng.

Người Nhật Bản, sau thế chiến 2, đã tiến hành cải cách giáo dục dưới sự cố vấn và giám sát của Hoa Kỳ, và 1 trong những động thái đầu tiên để cải cách là họ đã thực hiện phi chính trị hóa giáo dục. Môn Tu Thân trong giáo trình Nhật thời đó bị đình chỉ ngay lập tức vì có nội dung cổ xúy tư tưởng dân Nhật phải thần phục tuyệt đối Nhật hoàng và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, những người dân bị thao túng lý trí đã trở nên vô cùng hung hăng hiếu chiến, đem gót giày dẫm đạp lên khắp thế giới, để rồi nhận lấy sự thất bại cay đắng. Rồi vẫn những người Nhật ấy, sống dưới một chế độ mới, một nền giáo dục mới, đã trở nên hiền hòa cùng nhau dựng xây nên 1 nước Nhật tươi đẹp, thanh bình như hôm nay.

Màu sắc chính trị trong giáo dục Việt Nam có thể nói là vô cùng đậm đặc và không có dấu hiệu giảm bớt. Cụ thể như trong đề cương “Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 – 2020”, chính quyền đề ra 4 “Quan điểm chỉ đạo” ngành giáo dục:

(1) Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

(2) Xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

(3) Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(4) Hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghe qua rất hay nhưng đọc kỹ thì sáo rỗng, và có 4 quan điểm chỉ đạo thì cả 4 đều dính dáng đến chính trị. Tôi chưa nói đến các yếu tố chính trị này có kéo tụt giáo dục xuống hay không, nhưng cứ nhìn thực tế nền giáo dục bế tắc bao năm qua, cũng thấy những yếu tố chính trị này chẳng đóng góp được gì, tốt nhất là nên bỏ quách nó đi. Thời sinh viên chẳng mấy ai thích các môn chủ nghĩa Mác - Lênin hay tư tưởng HCM, phải học thì học thôi. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, sao môn mình không thích mà vẫn cứ phải học? Trong khi 1 năm tốn bao nhiêu tiền để in sách và trả lương giảng viên, và tiền đó chẳng từ thuế mà bố mẹ chúng ta nai lưng ra đóng đó sao! Hãy lên tiếng để đòi lại sự độc lập cho nhà trường. Nếu vẫn còn độc quyền và chính trị hóa giáo dục thì mọi kêu gào cải cách chỉ là giả cầy mà thôi.

4. Học tập từ một nền giáo dục đã thành công:

Thực ra riêng yêu sách này đã bao hàm 3 mục trên nhưng vì việc lựa chọn nền giáo dục nào cho phù hợp còn cần thời gian ngắn để nghiên cứu nên cứ tách nó thành 1 yêu sách.

Hệ thống giáo dục của Úc hoàn toàn không mang tính hơn thua, so sánh. Các học sinh được làm cho cảm thấy rằng các em đều như nhau và không có mặc cảm mình học kém. Tôi hoàn toàn thích thú khi biết bên Úc không có kiểu họp phụ huynh như Việt Nam là tập hợp các phụ huynh lại, vấn đề đầu tiên luôn là tiền đâu, sau đó là khen em này, chê em kia, để rồi các ông bố bà mẹ có con học kém lại về chút giận lên con cái “tao cho mày tiền ăn học mà mày học hành thế hả?”, tạo áp lực và tâm lý tự ti cho các em. Các phụ huynh Việt Nam có từng nghĩ, bao nhiêu phần kiến thức trong cái cặp lặc lè mà con đi học thêm lúc 6-7 tuổi sẽ đảm bảo tương lai khi chúng 20-30 tuổi? Bao nhiêu con điểm 4-5 thì chắc chắn tương lai sẽ mịt mù khi chúng trưởng thành? Chẳng có gì đảm bảo cả, tương lai còn xa và phụ thuộc vào nhiều thứ lắm, đừng quan trọng những thứ nhãn tiền đó. Ở Úc, báo cáo chi tiết học tập của học sinh được cho vào phong bì dán kín và gửi trực tiếp cho phụ huynh. Vì thế không học sinh nào biết phân loại của học sinh khác. Sau đó phụ huynh tùy theo bản báo cáo sẽ làm việc trực tiếp với giáo viên để tìm cách giúp đỡ con cái của mình. Cách làm giáo dục nhân văn như vậy chúng ta không học hỏi còn phải loay hoay đi đâu tìm nữa?

Hàn Quốc nghèo nàn những năm 60 thế kỷ trước đã quyết định cải cách giáo dục bằng việc lấy nguyên giáo trình của Nhật Bản dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, chỉ điều chỉnh các môn xã hội. Quyết định học hỏi Nhật Bản là hết sức sáng suốt vì giáo dục Nhật Bản mất thời gian hoàn thiện cả trăm năm trước đó, tiếp thu văn hóa Tây phương, nhất là nền giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ kể từ khi nước này tiếp quản Nhật sau Thế chiến 2, vì vậy mà giáo dục Nhật vô cùng phù hợp với Hàn Quốc. Nhưng học hỏi Nhật cũng là 1 quyết định khó khăn bởi Nhật Bản là cựu thù của họ, dân tộc Hàn Quốc đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi trước người Nhật trong quá khứ, lòng tự tôn dân tộc thật khó vượt qua. Nhưng đứng trước những đòi hỏi về tài chính và thời gian, cùng với 1 thể chế luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc làm đầu, họ đã gác lại quá khứ, học hỏi tinh hoa của cựu thù, miễn rằng điều đó có lợi cho nhân dân của họ. Rốt cục một Hàn Quốc phú cường hôm nay cũng là trái ngọt mà họ xứng đáng được hưởng từ những cây non đầu tiên đầy khó khăn ấy. Nhìn về Việt Nam, sau khi thống nhất đất nước, đã có 1 bộ phận lãnh đạo quá bảo thủ, kiêu ngạo và hẹp hòi, cho rằng họ thông minh hơn phần còn lại của Việt Nam và cả thế giới, để rồi áp đặt những đường lối “tuyệt đối” đúng đắn của họ, để rồi, Việt Nam nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng, sau hàng thập kỷ vẫn chẳng đâu vào đâu.

Không nói đâu xa, nền giáo dục thời VNCH đã rất tiến bộ với triết lý giáo dục là nhân bản, dân tộc, khai phóng với tính chất là đại chúng và thực tiễn. Đó sẽ là nền giáo dục tiên tiến giàu bản sắc Việt, tiếc là nó đã không có cơ hội để hoàn thiện. Những nhà cải cách giáo dục hiện nay cứ tìm hiểu lại nền giáo dục VNCH cũng học hỏi được nhiều điều.

Rất rõ ràng là học tập một nền giáo dục đã thành công sẽ giúp chúng ta tiết kiệm về tiền bạc và thời gian, cũng giải quyết luôn những vấn đề như quan điểm hay triết lý giáo dục. Theo tôi chúng ta nên học hỏi 1 nền giáo dục Á Đông đã thành công, và tôi xin gợi ý theo thứ tự ưu tiên, hoặc Hàn Quốc hoặc Nhật Bản hoặc Singapore.

Tôi xin tóm lược lại 4 yêu sách mà chúng ta cần đòi hỏi chính quyền thực hiện ngay:

1. Miễn phí giáo dục

2. Bỏ độc quyền giáo dục

3. Phi chính trị hóa giáo dục

4. Học tập từ một nền giáo dục đã thành công

Đây như thể đơn thuốc cho một nền giáo dục đầy bệnh tật, đương nhiên đây chỉ là đơn thuốc của tôi, nên có muốn chữa bệnh hay không và có chữa bệnh theo đơn thuốc này hay không là quyền của quý vị, nhưng tôi muốn nói rằng, chậm ngày nào chúng ta sẽ lại đẩy ra xã hội 1 thế hệ những đứa trẻ bị tổn thương ngày đó. Nếu giáo dục Việt Nam đáp ứng được 4 yêu sách trên sẽ chỉ mất khoảng 5 năm để tạo nên 1 thế hệ tương lai hoàn toàn khác, các em sẽ rất tự tin, thực tế, biết tư duy độc lập và sáng tạo.

Nhiều phụ huynh nhận thấy sự tồi tệ của nền giáo dục Việt Nam nên cố gắng cho con cái ra nước ngoài du học, thậm chí muốn chúng ở lại làm ăn, sinh sống luôn. Cũng tốt thôi, nhưng nếu ai cũng muốn ra đi thì đất nước này sẽ ra sao? Tại sao không đứng ở đây và cùng nhau cải tạo nó ngay hôm nay?

Đã đến lúc chúng ta phải thành thật với nhau, đừng tự huyễn hoặc bằng những giá trị ảo, những chủ thuyết ảo tưởng nữa. Nếu bản thân người lớn cũng đang luồn cúi, sống bằng cách thỏa hiệp với cái dối trá thì chẳng có niềm tin nào rằng con cháu chúng ta sẽ được sống tử tế hơn đâu. Hãy lên tiếng đòi hỏi 1 nền giáo dục độc lập, nhân văn và tiên tiến để đảm bảo 1 tương lai tốt đẹp hơn cho con em của chúng ta, chẳng có điều gì tự nó tốt đẹp lên và chẳng có điều tốt đẹp nào tự đến với những người chỉ biết trông chờ, hãy hành động.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng 2 câu hỏi, dành cho tất cả người Việt Nam, từ 16 não trạng đỉnh cao trong Bộ chính trị, đến báo giới, trí thức, quân đội, công an, đến những người dân bần cùng chỉ biết làm lụng để nuôi con và đóng thuế:

Câu hỏi 1: Chúng ta có muốn con cái được dạy dỗ bởi nền giáo dục của Việt Nam hiện nay hay không?

Câu hỏi 2: Chúng ta muốn con cái được đến học tập ở những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hay muốn chúng được học 1 nền giáo dục tiên tiến ngay trên quê hương mình?

Thành Lê TVN
Facebook