Wednesday, September 27, 2017

VN truy tố cựu lãnh đạo & nhân viên ngân hàng tư túi 264 triệu đôla

Theo Voa-28/09/2017 
Bà Hứa Thị Phấn và ông Hà Văn Thắm (Ảnh chụp từ VOV)
Bà Hứa Thị Phấn và ông Hà Văn Thắm (Ảnh chụp từ VOV)
Bộ Công an vừa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một cựu lãnh đạo và các cán bộ ngân hành do đã bỏ túi riêng 6 ngàn tỷ đồng (khoảng 264 triệu đôla), giữa lúc Việt Nam tăng cường bắt giam nhiều cá nhân sai phạm trong ngành ngân hàng.
Hãng tin Reuters hôm 27/9 loan tin trong một tuyên bố trên mạng, Bộ Công an cho biết đã khởi tố bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín (TRUSTBank) với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."
Ngân hàng Đại Tín là tiền thân của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, và cựu Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã bị tuyên án 30 năm tù về việc rút ngân quỹ trái phép.
Bà Phấn và 9 nhân viên và trợ lý đã bị cấm rời khỏi tư gia. Công an cũng đã bắt giữ bốn nhân viên khác, trong khi một người đã bị bắt trước đó.
Báo Dân trí cho biết ngoài việc khởi tố 14 bị can, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh với 4 bị can. Theo đó, bà Hứa Thị Phấn đã nhận quyết định điều tra bổ sung thay đổi tội danh đã khởi tố trước đó là tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố do liên quan đến vụ tham nhũng của các thành viên của tập đoàn ngân hàng Đại Dương (Ocean Group), mà ông Hà Văn Thắm là người sáng lập và 50 quan chức khác đang chờ xét xử, dự kiến trong tháng này.
Đầu tháng 9, Việt Nam cáo buộc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình với tội danh "thiếu trách nhiệm" trong khi Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ngành ngân hàng của Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc chống tham nhũng ở cấp cao, nơi xảy ra hàng chục vụ lãnh đạo ngân hàng bị xét xử vì nhận hối lộ và quản lý kém.

Chuyên gia: Việt Nam không nên trông đợi Đức thay đổi chính sách

 26/09/2017 
VOA Tiếng Việt
Mặt trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin (ảnh tư liệu, 9/2012)

Mặt trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin (ảnh tư liệu, 9/2012)

Chỉ hai ngày sau khi Đức tuyên bố tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, chính trường Đức chứng kiến sự thất bại của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng của vị ngoại trưởng.
Điều này dẫn đến một số phỏng đoán ở Việt Nam rằng chính sách của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh có thể thay đổi. Nhưng những người am hiểu nước Đức nói phỏng đoán như vậy là điều “hão huyền”.
Theo kết quả bầu cử Đức hôm 24/9, khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim thủ tướng Angela Merkel giành 33% số phiếu. Tuy thấp những vẫn cho phép bà tiếp tục nắm chức thủ tướng trong thêm một nhiệm kỳ thứ tư.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông ngoại trưởng Sigmar Gabriel chỉ đạt trên 20%. SPD là một đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của bà Merkel cho đến cuộc bầu cử.
Đây được xem là kết quả tồi tệ nhất của SPD trong một cuộc tổng tuyển cử tính từ sau năm 1945. Đảng này tuyên bố “rút kinh nghiệm từ những sai lầm” trong việc liên minh với khối của bà Merkel, và sẽ rút ra khỏi liên minh để quay sang phe đối lập.
Với động thái đó, ông Gabriel sẽ mất chức ngoại trưởng và nước Đức sẽ có tân ngoại trưởng khi bà Merkel lập liên minh với các đảng đối tác khác với trước đây.
Bộ Ngoại giao Đức dưới quyền ông Gabriel hôm 22/9 tuyên bố trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam, đồng thời tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vì vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Đức nói Hà Nội không hồi đáp một cách phù hợp các yêu cầu của Đức, đề nghị phía Việt Nam xin lỗi và cam kết không thực hiện những hành động vi phạm pháp luật Đức, tương tự như vụ bắt cóc ông Thanh, một quan chức tham nhũng đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.
...người Đức rất phẫn nộ về việc Việt Nam cử người sang bắt cóc ông Thanh ở Berlin và đây “không phải là chuyện ngoại giao, mà là vấn đề an ninh nội địa của Đức...
Sự kiện đảng SPD bị xem là “thua to” được một số người Việt Nam đón nhận như một “tin mừng”, thể hiện qua những ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội. Họ cho rằng ít nhất là trong khoảng 1 tháng, khi Đức trong quá trình lập chính phủ mới, sẽ không có thêm quyết định gì về vụ này.
Nói với VOA, một chuyên gia am hiểu về Đức đề nghị không nêu tên cho rằng phỏng đoán như vậy là “hão huyền” vì chưa hiểu về bản chất vụ việc theo cách nhìn từ phía Đức.
Theo chuyên gia này, người Đức rất phẫn nộ về việc Việt Nam cử người sang bắt cóc ông Thanh ở Berlin và đây “không phải là chuyện ngoại giao, mà là vấn đề an ninh nội địa của Đức”.
Dù ai là ngoại trưởng Đức, nước này cũng không bỏ qua việc an ninh quốc gia của họ bị xâm phạm, chuyên gia nhận định.
Hiểu sai về quan điểm của Đức là điều nguy hiểm, chuyên gia này cảnh báo. Vị này bổ sung thêm rằng cũng thật “ngây thơ” nếu nghĩ rằng việc thay đổi các quan chức trong nội các sẽ dẫn đến thay đổi về chính sách.
Viện trợ và phát triển, những quan hệ hàn lâm, khoa học, và quan hệ kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng sức ép này sẽ về lâu về dài và phía Đức sẽ làm cứng rắn và cương quyết.
“Ở Đức, các chính trị gia ra đi nhưng các nhiệm vụ tư pháp, hành chính vẫn ở lại”, chuyên gia nói.
Cùng chung nhận định này, chị Thảo Wiesner, một nhà tư vấn thuộc tổ chức Loening - Nhân quyền và Kinh doanh Có Trách nhiệm, nói với VOA:
“Việc thay đổi về nhân sự hay nội các hay là đảng sẽ không liên quan gì đến vấn đề này. Tại vì bất kỳ đảng nào lên, chỉ tiêu quan trọng nhất của họ cũng là dân chủ và nhà nước pháp quyền. Họ không thể chấp nhận rằng có người bị bắt cóc trên đất nước của họ được. Bắt cóc trên nước họ là vi phạm rất nặng nề. Bất kể là đảng SPD, CDU, hay Đảng Xanh hay đảng gì đó, họ sẽ không thể chấp nhận việc đó được”.
Hiện cư trú ở Berlin, với hiểu biết về Đức từ hơn 14 năm qua, chị Thảo dự báo việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ ba thế giới tạm dừng đối tác chiến lược với Việt Nam sẽ có những tác động lớn:
“Viện trợ và phát triển, những quan hệ hàn lâm, khoa học, và quan hệ kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng sức ép này sẽ về lâu về dài và phía Đức sẽ làm cứng rắn và cương quyết. Khi có đối tác hay thiết lập quan hệ ngoại giao, điều họ cần là đất nước đó phải là đất nước pháp quyền. Khi có vi phạm về nhân quyền, hay thỏa thuận giữa hai nước bị vi phạm, họ sẽ không để yên được, họ sẽ làm đến cùng”.
Chỉ vài giờ sau khi Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đăng lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao về tạm dừng đối tác chiến lược trên trang Facebook của đại sứ quán hôm 22/9, họ đã bổ sung một đoạn lời dẫn ở đầu.
Trong đoạn văn này, Đại sứ quán Đức nhấn mạnh một điểm quan trọng là trong cuộc chiến chống tham nhũng, Đức và các nước trong Liên hiệp châu Âu “luôn sát cánh” với các đối tác của mình, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam nên xin lỗi và có sự công khai để cả phía Đức và phía nhân dân Việt Nam có một sự thỏa đáng.
Nhưng đại sứ quán lưu ý rằng cuộc đấu tranh này “phải dựa trên luật pháp của nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau”.
Chị Thảo nói về những gì Việt Nam có thể làm trong hoàn cảnh hiện nay:
“Tôi không phủ nhận rằng ông Thanh là người có tội. Thế nhưng việc bắt người phải làm đúng thủ tục, chứ không thể tự tiện đem ô tô sang bắt cóc người ta được. Việt Nam nên xin lỗi và có sự công khai để cả phía Đức và phía nhân dân Việt Nam có một sự thỏa đáng”.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về phản ứng của họ trước tuyên bố của Đức, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Lúc này, đang có những thông tin trái ngược nhau về các diễn biến liên quan. Trên trang web Thoibao.de, tạp chí của cộng đồng người Việt tại Đức, hôm 26/9 có tin phái bộ ngoại giao Đức từ chối cấp visa cho một đoàn công tác cấp tỉnh của Việt Nam, đồng thời du học sinh, người lao động Việt Nam có thể gặp thêm khó khăn khi xin visa.
Ông Lê Trung Khoa, chủ của báo mạng này, khẳng định với VOA thông tin đã đăng là đáng tin cậy nhưng vì lý do tế nhị ông không thể tiết lộ nguồn tin liên quan đến đoàn Việt Nam.
Về vấn đề visa cho sinh viên, người lao động, ông Khoa đưa ra bằng chứng là ảnh chụp màn hình trang web của Tổng Lãnh sự quán Đức ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, lịch đăng ký phỏng vấn xin visa cho thời gian cư trú trên 90 ngày bị “đóng băng” ít nhất tới hết tháng 1/2018. Lãnh sự quán Đức không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
VOA đã cố gắng nhưng không liên lạc được với đại diện của Phòng Văn hóa và Báo chí, Đại sứ quán Đức, để kiểm chứng thông tin.
Trong khi đó, trang Facebook và báo điện tử chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết sáng 26/9, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp bà Lucia Bergfeld, Tham tán phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, và hai quan chức của Tổ chức Hợp tác phát triển (GIZ). Ông Huệ đã cảm ơn sự hỗ trợ của chính phủ Đức và tổ chức GIZ.
Tin cho hay bà Lucia Bergfeld “trân trọng gửi lời mời” tới lãnh đạo chính phủ Việt Nam tới dự buổi lễ kỷ niệm quốc khánh Đức ngày vào 3/10 tới, sẽ được tổ chức tại đại sứ quán nước này ở Hà Nội.
Phó Thủ tướng Việt Nam nói Hà Nội coi trọng việc gìn giữ và phát triển “mối quan hệ hợp tác chiến lược với Chính phủ Đức”. Ông nói thêm rằng “Chúng tôi hân hạnh được dự Ngày Tái thiết nước Đức vào 3/10 tới”.

Việt Nam gánh nợ công nuôi Đảng ủy

27/09/2017 VOA Tiếng Việt
Bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia.
Bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia. Bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia.
Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam thất bại trong việc kìm giữ thâm hụt ngân sách do chính phủ quản lý kém hiệu quả và quá lãng phí.
Theo trang Asia Times, người dân cáo buộc chính phủ tăng thuế môi trường bất hợp lý, vì họ tin rằng ý đồ của chính phủ là giảm thâm hụt ngân sách chứ không phải giúp bảo vệ môi trường. Điều này tăng đôi gánh nặng trên vai người nộp thuế, khiến họ ta thán đó là "một cổ hai tròng."
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), với bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia, vì chính phủ phải có đủ tiền chi trả cho nhân viên, văn phòng và các hoạt động của họ, theo Asia Times.
Theo thống kê chính thức của Bộ Tài chính, Chính phủ đã cấp tổng cộng 11.800 tỷ đồng cho Văn phòng Trung ương ĐCSVN giai đoạn 2006-2015 (trừ năm 2009, vì thiếu số liệu), hơn cả ngân sách cấp cho Văn phòng Quốc Hội (9.100 tỷ đồng), Văn phòng Chính phủ (6.000 tỷ đồng), và Văn phòng Chủ tịch nước (1.000 tỷ đồng).
Ngân sách dành cho Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản chiếm 41,8% tổng ngân sách dành cho các tổ chức này trong thời gian 9 năm như nêu trên. Cần lưu ý rằng ngoài Văn phòng Trung ương, ĐCSVN có văn phòng ở cấp tỉnh, thành phố, huyện và phường xã. Việt Nam có 58 tỉnh và 5 thành phố lớn thuộc trung ương.
ĐCSVN có một số cơ quan đặc biệt ở trung ương, chẳng hạn như Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Quân ủy Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ ban Tuyên giáo Trung Ương, tất cả đều có các chức năng giống như các bộ tương ứng trong chính phủ.
Ngoài ra, chính phủ còn phải cấp ngân quỹ cho các tổ chức quần chúng và các hiệp hội xã hội dân sự do chính phủ tài trợ, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 6 tổ chức này quan hệ mật thiết với ĐCSVN và nhận được tổng cộng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách quốc gia năm 2016.
Quốc kỳ và Đảng kỳ trên đường phố Hà Nội nhân dịp Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng 1, năm 2016.
Quốc kỳ và Đảng kỳ trên đường phố Hà Nội nhân dịp Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng 1, năm 2016.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã chỉ ra rằng một số biện pháp hiệu quả nhất để giảm bớt thâm hụt ngân sách là cắt giảm chi tiêu thường xuyên, giảm quy mô của chính phủ và sáp nhập các ủy ban trung ương đặc biệt của ĐCSVN vào các bộ tương ứng trong chính phủ.
Các nhà tài trợ quốc tế luôn gây sức ép lên chính phủ để tách các chức năng của ĐCSVN ra khỏi ngân sách quốc gia.
Tổng nợ công của Việt Nam tính đến giữa tháng 7 năm 2017 là 94,6 tỷ đôla, tương đương khoảng 1.038 đôla mỗi đầu người.
Vào tháng trước, Bộ Tài chính Việt Nam đã đưa ra một kế hoạch tăng các loại thuế khác nhau để kiềm chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa rõ ràng.
Số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, thâm hụt ngân sách của chính phủ đã tăng từ 22,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP, vào năm 2000 lên 293 nghìn tỷ đồng ( khoảng13,1 tỷ đôla), tương đương 6,5% GDP vào năm 2016.
Kể từ năm 2000 cho đến nay, chính phủ Việt Nam liên tục thâm hụt ngân sách. Dự báo thâm hụt ngân sách cho năm 2017-2018 là khoảng 5,8% GDP. Doanh thu của Chính phủ đã tăng trong 15 năm qua, một phần do tăng trưởng kinh tế bình quân trên 6% trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tăng trưởng này không thể theo kịp với chi tiêu của chính phủ.
Chi tiêu thường xuyên, bao gồm chi phí quản lý, tiền lương, an sinh xã hội, lương hưu, an ninh và quốc phòng là nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách. Theo thống kê của Bộ Tài chính, chi thường xuyên chiếm 66,3% tổng chi của chính phủ trong năm 2016, so với 18,7% và 15% đối với khoản thanh toán tiền lãi và đầu tư công.
Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng trên một lít xăng, mặc dù giá xăng tại Việt Nam đã quá cao so với thu nhập bình quân của người tiêu dùng và so với giá bán tại các nước châu Á lân cận.
Việt Nam cũng nổi tiếng với các dự án đầu tư công đầy tai tiếng. Rất nhiều cây cầu đã bị sụp đổ ngay sau khi được khánh thành. Các con đường vừa được xây vài năm thì cần phải sửa chữa lớn. Bài viết này không thể kể hết các trường hợp như thế.
Lãng phí nguồn lực lớn xảy ra trong các dự án đầu tư công, nhưng vẫn chưa có quan chức nào quy trách nhiệm gây thiệt hại. Tham nhũng lan rộng trong các dự án này là lý do chính cho sự thất bại của họ.
Việc tăng thuế không phải là giải pháp cho sự quản lý thiếu hiệu quả và lãng phí của chính phủ ở Việt Nam. Sử dụng vốn vay và đầu tư một cách khôn ngoan là cách tốt nhất để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách trong thời gian dài. Những biện pháp này rất quan trọng nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hiện nay.
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) vừa loan báo đã tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết nợ công thông qua một bản ghi nhớ về hợp tác trong tương lai, sau chuyến đi “vận động” của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vào giữa tháng 9.
Trang CafeF nói rất có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt nợ công ở Việt Nam, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là khái niệm về nợ công của Việt Nam hiện nay “còn xa lạ với thông lệ quốc tế.”
Tờ báo này còn nói rằng Việt nam có khái niệm “riêng” nên số liệu về nợ công ở Việt Nam thường thiếu thống nhất, đồng thời việc đặt ra khái niệm riêng của Việt Nam về nợ công để có chỉ tiêu nợ công/GDP “đẹp” là không hợp lý và không cần thiết.
Hơn nữa, với khái niệm về nợ công “không giống ai” trong công tác quản lý nợ công, Việt Nam sẽ là “một mình một chợ” và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi thực trạng về nợ công không được đánh giá đúng.

Việt Nam đang lúng túng trong vụ Trịnh Xuân Thanh

RFA 2017-09-26  
Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017
Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017
Ngày 22 tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo mới cho biết sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì Việt Nam đã không đáp ứng được yêu cầu của Đức sau khi bắt cóc cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7 vừa qua. Đức đồng thời cũng trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao mới của Việt Nam vì có liên quan đến vụ việc. Hành động mới từ phía chính phủ Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể trao trả Trịnh Xuân Thanh hay không và nếu có thì bằng cách nào?

Tạm dừng quan hệ đối tác với Đức có tác động gì lên Việt Nam?

Vụ chính phủ Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức chính phủ bị truy nã vì cáo buộc tội tham nhũng, tại ngay trên đất Đức đang khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng mà đỉnh điểm gần đây nhất là thông báo tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra hôm 22 tháng 9.
Trong thông báo này, Bộ Ngoại giao Đức ghi rõ ‘vì lý do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo’. Thông báo viết rõ phía Đức đã thông báo cho phía Việt Nam quyết định tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược và trục xuất thêm một cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra hôm 23 tháng 7 tại thủ đô Berlin, ngày 2/8 Bộ Ngoại giao Đức đã ra thông cáo lên án hành động này, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Đức, đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc này.
Việc chính phủ Đức thông báo tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ mang tính hình thức. - David Brown
Phía Việt Nam sau đó vào hôm 3/8 đã lên tiếng phản đối tuyên bố của chính phủ Đức và cho biết Trịnh Xuân Thanh đã tự ra đầu thú theo thông báo của Bộ Công an hôm 31 tháng 7.
Về tuyên bố mới của chính phủ Đức, nhà ngoại giao kỳ cựu đã từng có thời ở Việt Nam, David Brown nhận xét với đài Á Châu Tự Do qua email như sau:
Việc chính phủ Đức thông báo tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ mang tính hình thức. Đức vẫn nói là tiếp tục duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam nhưng chỉ không trao cho Việt Nam các đối xử đặc biệt. Nếu nước Đức nói rõ là sẽ trì hoãn thanh toán các khoản tiền đã hứa cho Việt Nam thì hành động này của Đức sẽ còn hơn cả tính biểu tượng.
Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011. Hợp tác giữa hai nước được triển khai trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội…. Đức hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ đô la.
Đức hiện cũng là nhà viện trợ ODA lớn và thương xuyên cho Việt nam. Từ năm 1990 đến nay Đức đã dành cho Việt Nam khoảng 2 tỷ đô la viện trợ ODA. Đức cũng cam kết dành cho Việt Nam 600 triệu euro ODA trong giai đoạn từ 2015 đến 2017.
Nhận định về quyết định mới của chính phủ Đức để trừng phạt Việt Nam, giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc cho rằng động thái này còn hơn cả tính biểu tượng.
Tôi không nghĩ nó chỉ mang tính biểu tượng…. sắp tới sẽ có một loạt những thời hạn cho một loạt các chương trình trợ giúp giữa chính phủ Đức với Việt Nam và những trao đổi. Việt Nam đã được cảnh báo bởi phía Đức và được yêu cầu là phải gửi trả lại Trịnh Xuân Thanh và nếu Việt Nam từ chối thì trong danh sách của Đức có những thỏa thuận và trao đổi đến lúc phải ký tiếp thì những chương trình đó có thể bị ảnh hưởng, và thậm chí là cả Hiệp định tự do thương mại FTA nữa mặc dù hiệp định này phải có sự đồng ý của quốc hội của tất cả các nước EU.
Ngoài ra theo giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu từ phía Đức cũng ảnh hưởng đến cơ hội dành được chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 vì sẽ không dành được sự ủng hộ của Đức.
Tuy nhiên giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng phía Đức sẽ không làm quá mức để chấm dứt toàn bộ quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Tôi nghĩ chiến lược của là Đức sẽ làm không có gì quá lớn và quá nhanh ngay lập tức để sau đó họ không thể rút lại được hay xoay sở được. Nhưng rõ ràng là trong toàn bộ quan hệ hai nước thì có nhiều những thỏa thuận sẽ sắp hết hạn hoặc cần ký tiếp hoặc có những chương trình đã định trong tương lai thì Đức có thể xóa. Nhưng phía Đức sẽ phải cân nhắc từng cái một để cho phía Việt Nam thấy được cái giá phải trả. Tất nhiên là họ không chấm dứt quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Nhưng vào lúc này thì quá khó để Việt Nam đưa ông ta lên máy bay trở về Đức và thừa nhận mình sai. - GS. Carl Thayer

Lối thoát nào cho Việt Nam?

Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã tiến hành điều tra và sau đó bắt giữ một nghi phạm người Đức gốc Việt được cho là thuê và lái chiếc xe chở nhóm mật vụ Việt Nam đến bắt Trịnh Xuân Thanh.
Phía Đức cũng đưa ra các yêu cầu về áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.
Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức hôm 22 tháng 9, cho đến lúc này phía Việt Nam vẫn không xác nhận là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và cũng không xin lỗi hay cam kết sẽ không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ Trịnh Xuân Thanh, vì trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì mất mặt mà không trả thì cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn này nếu Việt Nam không có phản ứng tích cực thì những giới hạn mà Đức đưa ra sẽ tiếp tục cho đến khi trường hợp Trịnh Xuân Thanh được giải quyết. Tôi không biết là họ sẽ giải quyết thế nào nhưng có những ám chỉ rằng ông ta (Trịnh Xuân Thanh) sẽ khai ra những quan chức khác và sau đó ông ta sẽ không bị trừng phạt nặng nề vì đã hợp tác. Đó là một cách. Và một khi ông ta không còn chịu các cáo buộc hình sự thì Việt Nam có thể cho ông ta rời đất nước và họ có thể báo với Đức. Nhưng vào lúc này thì quá khó để Việt Nam đưa ông ta lên máy bay trở về Đức và thừa nhận mình sai.
Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, phía Đức cũng nói đến yêu cầu Việt Nam phải khẳng định sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ bắt cóc. Tuy nhiên đến giờ phút này Việt Nam chưa có thông tin chính thức đã hay sẽ xử lý bất cứ người nào có liên quan vì Việt Nam vẫn công khai nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Vì vậy, theo giáo sư Carl Thayer, khả năng Việt Nam trừng phạt bất cứ ai liên quan đến vụ bắt cóc như yêu cầu của Đức là rất khó xảy ra. Mặt khác điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt nam phải tự nguyện trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, điều mà Việt Nam hiện không muốn.

Trường và chợ

Viết từ Sài Gòn 
Theo RFA- 2017-09-26  
Sinh viên một trường phổ thông cấp hai diễu hành trong lễ khai giảng năm học ở Hà Nội hôm 5/9/2016.
 Sinh viên một trường phổ thông cấp hai diễu hành trong lễ khai giảng năm học ở Hà Nội hôm 5/9/2016.
Thời xưa, muốn cho các thế hệ học trò được chuyên tâm học hành, nhân cách phát triển tốt, ông bà chúng ta đã tìm cách xây dựng trường ở những nơi thanh vắng, xa người kẻ chợ và tránh tiếng thị phi. Nhờ vậy mà đã có một thời, nhân cách kẻ sĩ người Việt cao vời, đáng kính. Còn ngày nay, chợ ở ngay trong trường, ngay trong ban giám hiệu, hội đồng giáo viên, hội đồng phụ huynh, thậm chí ở ngay trong tâm hồn thầy giáo và học trò. Thử nghĩ, với nếp kẻ chợ in đậm dấu ấn nhà trường như vậy thì tương lai Việt Nam sẽ về đâu?
Ở vấn đề chợ trong trường, dễ thấy nhất, có lẽ hằng năm, từ các khoản phí mà cha mẹ học sinh phải gồng lưng để đóng, cho dù có kêu thấu trời xanh thì cũng phải đóng. Để rồi cách sử dụng, phân chia chi tiêu các khoản này ra sao, chi tiêu như thế nào, cha mẹ học sinh và các học sinh hoàn toàn mù tịt. Thêm nữa, hằng năm, cứ mùa tựu trường cũng là mùa chạy đua đấu giá căng tin ở các trường. Muốn đầu giá thành công, chủ căng tin phải chung chi cho hiệu trưởng, ban giám hiệu, để sau đó, khi thắng thầu, người ta lại è cổ học sinh ra để chặt chém. Chỉ mới nhìn qua thôi cũng đã thấy không khí chợ búa đầy trong các trường.
Và phải nói đến ban giám hiệu, những con người mang tiếng là tấm gương, là lãnh đạo ở các trường, họ đã làm được gì? Tư cách nhà giáo của họ đến đâu? Câu trả lời là họ chẳng làm được gì để cho nhân cách phẩm hạnh hay đạo đức học sinh được tốt hơn. Và mong sao họ đừng làm thì tốt hơn. Bởi càng làm, họ càng gây tai họa. Thử nghĩ, để có cái ghế hiệu trưởng, người ta đã phải tốn kém bao nhiêu tiền đút lót cho cấp trên? Và họ đã lấy tiền lại như thế nào ngoài việc nhận đút lót, hối lộ của các sinh viên mới ra trường để được vào dạy trong trường mà họ quản lý. Muốn đi dạy, phải có trên 100 triệu đồng, điều này như một chân lý thời đại mà các sinh viên sư phạm phải thuộc nằm lòng. Đó là chưa muốn nói đến các vụ hiệu trưởng đưa nữ sinh vào đường dây bán dâm, giáo viên phải đổi tình dục với hiệu trưởng để lấy biên chế.
Chuyện nhục nhã mà các hiệu trưởng và giáo viên tạo ra đã làm cho môi trường giáo dục Việt Nam trở nên bẩn thiểu hơn bao giờ hết và thậm chí nó còn bẩn thỉu hơn cả cái chợ. Bởi ở chợ, người ta mua bán sòng phẵng, đôi bên ngã giá, thấy hợp lý thì mua, bán, có thứ gì hư hỏng, ôi thiu, người ta mang ra chỗ đổ rác để vứt vào đó. Nó khác xa cách mua bán của quí thầy, quí cô, các thầy cô mua bán khi đôi bên đều tìm cách gài thế hay để bẫy với nhau, đến khi không còn mua bán với nhau được nữa thì ném thẳng rác vào mặt nhau, thậm chí để rác vung vẫy khắp nơi, làm cho môi trường giáo dục trở thành cái bãi rác.
Trong mối quan hệ giữa giáo viên với hiện trưởng, hiệu trưởng với giáo viên, giáo viên với giáo viên và giáo viên với học sinh, cho dù có tô hồng cách gì, có lãng mạn hóa kiểu gì đi nữa vẫn cho ra kết quả là mua và bán, không hơn không kém, sinh quyển giáo dục thực chất là sinh quyển chợ búa. Giáo viên với giáo viên thì không kèn cựa, tranh nhau từng tiết dạy, đến khi họp hội đồng nhà trường thì chưa có phiên họp nào mỗ xẻ về chuyên môn, sáng tạo mà chỉ tranh cãi quanh quẩn chuyện đồng lương, đồng dạy phù đạo, tiết dạy phân chia không đồng đều… Chẳng có gì hơn.
Mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, không thiếu trường hợp thầy giáo gạ tình nữ sinh đổi điểm, không thiếu trường hợp cô giáo dụ dỗ nam sinh làm phi công trẻ, rồi thêm chuyện dạy thêm, dạy kèm, giáo viên cố tình ém bài trong giờ dạy chính khóa, nói nam tào bắc đẩu cho hết giờ hoặc la rầy học sinh, cáu gắt với học sinh cho xong tiết, đến khi tiết học khép lại thì học sinh rối mù đầu óc bởi một trận la không đâu vào đâu hoặc câu chuyện vô bổ, thậm chí nhảm nhí… Kết cục, học sinh phải tìm cách này hoặc cách nọ đến nhà giáo viên để học thêm, để chấp nhận trả tiền cho giáo viên. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh còn tệ hơn cả chợ búa. Bởi chợ búa người ta mua bán thật thà hoặc chí ít giữ tinh thần thật thà và sòng phẵng dù là hình thức để mua bán. Còn đằng này, mối quan hệ mua bán cái chữ giữa giáo viên và học sinh nghe ra còn tệ hơn so với mua bán chợ búa, đây là thứ quan hệ bên bán ép bên mua, có không muốn mua cũng phải mua!
Người ta nói cha nó lú có chú nó khôn, khi mà mối quan hệ trong giáo dục trở nên tệ hại, người ta vẫn hi vọng vào hội động phụ huynh, bởi đây là hội của cha mẹ học sinh, qua đó, hội sẽ phản ảnh với nhà trường về nguyện vọng của con em mình trong học tập, trau dồi đạo đức hay qua hội, những quyền lợi tối thiết của con em. Nhưng không, hội phụ huynh học sinh trong cơ chế hiện tại là một thứ gánh nặng chi phí cho phụ huynh học sinh. Họ không làm được bất kì trò trống gì cho nên hình ngoài việc đầu năm, ngoài khoản chi phí từ phía nhà trường yêu cầu, phụ huynh học sinh phải gánh thêm một khoản phí hoạt động hội. Hiện tại, học sinh miền núi phải đóng thấp nhất là 50 ngàn đồng trên mỗi em để hoạt động hội, học sinh đồng bằng, thôn quê thì mức đóng thấp nhất từ 100 ngàn đồng, học sinh thành phố có nơi 500 ngàn đồng, có nơi vài triệu đồng.
Số tiền mà cha mẹ học sinh phải đóng này để làm gì? Để sau khi họp hành qua loa chiếu lệ thì cả hội kéo nhau ra quán, ra nhà hàng ăn nhậu, hát hò… Vô hình trung, hội phụ huynh học sinh trở thành một cái ung nhọt khác gắn lên cơ thể nền giáo dục vốn đã rệu rã, hôi thối. Hội không làm được gì cả ngoài việc các chủ tịch hội toa rập với hiệu trưởng nhà trường để thông qua các khoản phí, yêu cầu học sinh đóng một cách mờ ám để rồi ăn chia tỉ lệ.
Thử nghĩ một nền giáo dục mà ở đó, tính chợ búa cao đến mức ngộp thở như vậy thì nền giáo dục Việt Nam sẽ đi đến đâu? Thật tâm mà nói, với cơ chế như hiện tại, nền giáo dục Việt Nam chỉ có một lối đi duy nhất, đó là chui xuống hố rác. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tuyệt vọng, hết đường cứu. Vấn đề là các ông chỉ cần rút bớt thứ quyền lực đỏ chi phối trong ngành giáo dục ra thì câu chuyện sẽ tốt hơn. Bởi ngay từ đầu, tính đảng đã chi phối quá nặng trong giáo dục, đến khi nó phát triển thành cô hồn các đảng thì các ông, các bà mới giật mình, kêu oai oải. Lúc đó kêu cũng vậy thôi! Hiện tại, nên thay Bộ trưởng giáo dục trước tiên, bởi Phùng Xuân Nhạ càng lúc càng tỏ ra bất tài và không có khả năng sư phạm. Nếu không thay Nhạ thì đừng mơ chuyện khác!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Râm ran chuyện Đà Nẵng

TTTVN 
Theo RFA-2017-09-26
 Tòa nhà hành chính Đà Nẵng nhìn từ bờ Nam sông Hàn 
Tòa nhà hành chính Đà Nẵng nhìn từ bờ Nam sông Hàn
Hiện tại, thành phố Đà Nẵng đang có một cuộc chạy nước rút cho cả giới lãnh đạo chóp bu và cả những chuyên viên cần mẫn tại thành phố này. Nếu như giới lãnh đạo chóp bu Đà Nẵng đang chạy nước rút trong cuộc đua giữ ghế quyền lực cam go và khó khăn như thế nào thì cuộc đua nước rút của các chuyên viên cần mẫn, lo cho chương trình APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng vào thượng tuần tháng 11 cũng căng thẳng không kém, nhất là lúc này, khi APEC đang cận kề mà tình hình quyền lực lãnh đạo Đà Nẵng nghe ra lung lay tận gốc.

Nỗi lo của các doanh nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng đều có một phần góp tay và thu lợi tức từ APEC Đà Nẵng trong thời gian sắp tới, nhưng với tình hình hiện tại, có quá nhiều vấn đề rối rắm. Một trí thức, cũng là một ký giả, sống ở Đà Nẵng, sẵn sàng nêu danh tính nhưng chúng tôi quyết định không nêu tên ông, ông chia sẻ:
Kết luận thì người ta kết luận rồi nhưng để kỷ luật ai ông đó rồi kỷ luật ban thường vụ như thế nào thì phải đợi một thời gian nữa, ít nhất là 3 tháng, 4 tháng nữa, phải theo trình tự. Họ phải họp từ chi bộ, đảng ủy, thường trực thường vụ rồi mới báo cáo lên ban chấp hàn trung ương rồi ban chấp hành trung ương mới xin ý kiến bộ chính trị rồi mới quyết định hình thức kỷ luật, cảnh cáo, khiển trách hay cách chức gì đó. Thực chất là hai ông vẫn là chủ tịch, bí thư nên hai ông phải lo tiếp cái APEC sắp tới đây chứ trách nhiệm mà, việc của quốc gia mà. Khi hai ông chưa bị kỷ luật thì ông vẫn là chủ tịch, vẫn là bí thư, ông phải có trách nhiệm, ông phải hoàn thành công việc này, đây là công việc của nhà nước.
Kết luận thì người ta kết luận rồi nhưng để kỷ luật ai ông đó rồi kỷ luật ban thường vụ như thế nào thì phải đợi một thời gian nữa, ít nhất là 3 tháng, 4 tháng nữa, phải theo trình tự. - Một ký giả 
Nhìn chung, khi đầu tư một thứ gì đó trên đất Đà Nẵng để đón APEC, chẳng có ai nghĩ rằng chỉ đón APEC xong thì đóng cửa mà người đầu tư phải nghĩ đến đường dài, làm gì, mở rộng như thế nào sau APPEC để sinh lãi. Và đương nhiên mọi công trình đón APEC chỉ là một phần, một hạng mục trong chuỗi công trình, hạng mục sau này.
Đương nhiên, chuỗi công trình, hạng mục sau này đều đã được cấp phép bởi ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Nhưng nếu như có sự thay đổi về nhân sự, cụ thể là thay đổi Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Bí thư thành ủy thì chắc chắc các giấy phép xây dựng phải chờ đợi rà soát trở lại, thậm chí bị vô hiệu, lại phải xin cấp thêm lần nữa, như vậy phải tốn ít nhất là một năm chờ đợi phép mới. Đó là trường hợp biết chung chi, nếu không biết chung chi thì thời gian chờ cấp phép sẽ kéo dài lê thê, khó mà đoán được. Điều này ảnh hưởng đến công việc làm ăn không nhỏ chút nào.
Với tình hình hiện tại, theo nhận xét của vị này, sẽ khó mà đoán được chuyện ai đi, ai ở lại trong bộ sậu chóp bu chính trị Đà Nẵng. Bởi cho dù ông Nguyễn Xuân Anh có chứng minh được tấm bằng đại học và cao học của ông là thật, người sáng lập Đại học California Southern lên tiếng bảo vệ ông Nguyễn Xuân Anh và Hội đồng giáo dục của trường này có lên tiếng nhằm bảo vệ danh dự của trường đi chăng nữa, thì vấn đề cũng không thay đổi được gì bởi củi đã đưa tới miệng lò, vấn đề thuyên chuyển cán bộ đầy tính cục bộ của Nguyễn Xuân Anh đã hại chính ông ta trong sự nghiệp chính trị. Vị này chia sẻ thêm:
Cái lỗi này là lỗi của ông Xuân Anh. Cái lỗi của ông ta là điều động cán bộ một cách vô tổ chức, một cách chuyên quyền, độc đoán. Đó là lỗi chính chứ nhà cửa xe cộ hay bằng cấp chỉ là chuyện phụ thôi. Cái chính là việc ông ta điều động cán bộ độc đoán, sai nguyên tắc. Ví dụ như ông ta điều động ông Đặng Việt Dũng từ phó chủ tịch sang làm chuyên huấn, cái này ủy ban không đồng ý, không đưa ra hội đồng nhân dân, không báo cáo chính phủ. Rồi cái chuyện đó là ông ta chuyên quyền ổng làm, mà ổng làm thì ổng chịu trách nhiệm, rồi từ chuyện đó mới moi ra nhiều chuyện khác. Rồi ban thường vụ, ban này khi thấy ông ta điều động vậy nhưng ông nào cũng vì nồi cơm nên không lên tiếng, rõ ràng ban thường vụ cũng có khuyết điểm.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, chuyện ông Trần Đức Thơ, vấn đề núi Sơn Trà bị tùng xẻo và hàng loạt lô đất nghi người Trung Quốc làm chủ trên đất Đà Nẵng, bên cạnh đó, cuộc so găng quyền lực chưa đến hồi kết, khiến Đà Nẵng rơi vào tình trạng “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” giữa ông Đức Thơ và Xuân Anhg khiến cho tình hình trở nên rối ren, buộc trung ương phải ra tay. Và theo vị này, cách giải quyết tốt nhất khi có hai con vật hiếu chiến húc nhau là bốc mỗi con ném về mỗi phía. Điều này suy ra có thể cả hai ông Xuân Anh và Đức Thơ sẽ bị ném đi các tỉnh hoặc ném thẳng ra trung ương trong một vai chấp kích nào đó.

Xã hội đỏ và xã hội đen

Chủ một doanh nghiệp tại Đà Nẵng, yêu cầu giấu tên, chia sẻ:
Loạn rồi, cái bên mà thắng thế cũng đang nao náo vì nó có nhiều nguồn tác động lắm, người ta phân vân lắm. Vụ Nguyễn Xuân Anh là vụ đấu đá phe phái với nhau rồi họ dựa vào đó... Dĩ nhiên thằng này xuống thì đã chuẩn bị cho thằng khác lên. Giang hồ Đà Nẵng thì không rõ nét nhưng rõ ràng là có dấu hiệu rồi chứ không phải không, nhiều phe cánh rồi những phe không rõ ràng, vì Đà Nẵng không phải thứ vừa, không lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra.
Loạn rồi, cái bên mà thắng thế cũng đang nao náo vì nó có nhiều nguồn tác động lắm, người ta phân vân lắm. - Chủ một doanh nghiệp
Theo vị này, sắp tới đây, nếu tình hình củi tươi củi khô đều bị đốt như dự đoán của nhiều người, nghĩa là Xuân Anh và Đức Thơ đều bị kỷ luật, mất ghế quyền lực thì tình hình xã hội đen tại Đà Nẵng sẽ khó mà đoán định mức độ loạn lạc sẽ đến cỡ nào.
Vì thời của Bí thư Nguyễn Bá Thanh, dường như Đà Nẵng được bình yên một phần cũng nhờ vào xã hội đen, nghĩa là dĩ độc trị độc, ông Thanh đã mượn tay của các đại ca xã hội đen Đà Nẵng để khống chế các thế lực khác và dùng luật pháp để vãn hồi trật tự thành phố. Qua thời ông Thanh, những đầu gấu, đại ca xã hội đen phát triển thêm một bước, trởi thành chính qui và được ăn chia lợi lộc cùng với giới quyền lực đỏ.
Đến hiện tại, dù nhìn theo cách nào thì xã hội đen Đà Nẵng đã phát triển đến mức vững mạnh nhờ dựa lưng vào xã hội đỏ. Nhưng khác với thời Nguyễn Bá Thanh là lúc này, xã hội đen không có được một đại ca xã hội đỏ như Nguyễn Bá Thanh nên đâm ra mọi chuyện trở nên khó kiểm soát mặc dù sự nương tựa, ăn chia giữa xã hội đen và xã hội đỏ Đà Nẵng vẫn chưa hề có dấu hiệu ngừng phát triển.
Vị này dự đoán thêm là nếu như ông Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ lần này bị kỉ luật, mất ghế quyền lực, tiếp theo sẽ là sự mất quyền lực của xã hội đen liên đới và sẽ có một cuộc tranh quyền mới giữa xã hội đen cũ và xã hội đen mới từ nơi khác đến, không ngoại trừ các nhóm xã hội đen Trung Quốc đã phục kích hình thành phe cánh từ nhiều năm nay trên đất Đà Nẵng.
Vị này cho biết thêm là vụ Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ hết sức nhạy cảm, bởi nó cho thấy đường hướng sắp tới của trung ương là gì. Nếu như Đà Nẵng yên tĩnh sau khi ông Thơ và ông Anh bị mất ghế quyền lực và người Trung Quốc không tác oai tác quái trên đất Đà Nẵng nữa thì xem như đây là tín hiệu tốt của đảng. Còn ngược lại, nếu như hai ông Xuân Anh và Đức Thơ mất quyền lực, kéo theo các đại gia xã hội đen cũng dính vòng lao lý và sau đó, Đà Nẵng thất thủ trước các “đại gia” Trung Quốc, thì xem như ván cờ Việt Nam đã được lật ngửa!
Vị này nói thêm, thành phố Đà Nẵng đóng vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam, sự an toàn, yên tĩnh và bảo toàn trước trận gió độc Trung Quốc tại Đà Nẵng cho thấy Việt Nam còn an toàn, ngược lại nếu Đà Nẵng phát triển theo chiều hướng Trung Quốc hóa thì chuyện gì sẽ xảy ra chắc không cần bàn thêm!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Dân oan Dương Nội khởi kiện nhà nước Việt Nam: Không thể và có thể

Cát Linh, RFA 2017-09-26 
Trịnh Bá Phương và dân oan Dương Nội mong muốn khởi kiện nhà nước Việt Nam
Trịnh Bá Phương và dân oan Dương Nội mong muốn khởi kiện nhà nước Việt Nam
Ngay sau khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ngày 15 tháng 9 vừa qua tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thụ lý sang các vụ việc liên quan tới những tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu đất đai của người dân trái pháp luật, người dân Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội đã bày tỏ ý định kiện nhà nước Việt Nam ra toà ICC.
Ý định này có khả năng thực hiện hay không?

Niềm tin từ vụ Trịnh Vĩnh Bình

Một tháng trước đây, vụ kiện thế kỷ của doanh nhân Việt kiều Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện nhà nước Việt Nam ra Toà Trọng tài Quốc tế ở Paris với lý do chính phủ Việt Nam đã không thực hiện các cam kết mà hai bên đã thỏa thuận ngoài tòa năm 2006 trong vụ kiện lần đầu, đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Chưa thể biết hình ảnh ông doanh nhân tươi cười đưa cao hai tay làm biểu tượng Victory (chiến thắng) khi bước ra khỏi toà có phải là ẩn ý cho sự thắng kiện hay không, nhưng có thể thấy trên một số trang mạng xã hội của người Việt Nam sau đó, đã xuất hiện những bàn cãi về khả năng kiện nhà nước Việt Nam liên quan đến đàn áp nhân quyền, tự do tôn giáo.
nongdan
Những người dân phản đối cưỡng chế đất Facebook Trịnh Bá Phương
Đặc biệt đến ngày 15 tháng 9, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thụ lý sang các vụ việc liên quan tới những vấn đề khác, trong đó có  “trưng thu đất đai của người dân trái pháp luật”, thì người đầu tiên đề xuất ý định này chính là những người dân Dương Nội, đại diện là ông Trịnh Bá Phương, con trai của dân oan, tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu.
“Sau vụ án của Trịnh Vĩnh Bình, thì tôi được biết luật pháp quốc tế qui định bao gồm các cấp, quận, huyện và tỉnh thành mà sai phạm thì người đứng đầu chính phủ phải chịu trách nhiệm. Cho nên việc ra quyết định cưỡng chế và đàn áp do nhà cầm quyền Hà Nội đã gây ra cho người dân Dương Nội thì chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm.”
Sau vụ án của Trịnh Vĩnh Bình, thì tôi được biết luật pháp quốc tế qui định bao gồm các cấp, quận, huyện và tỉnh thành mà sai phạm thì người đứng đầu chính phủ phải chịu trách nhiệm. Cho nên việc ra quyết định cưỡng chế và đàn áp do nhà cầm quyền Hà Nội đã gây ra cho người dân Dương Nội thì chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm. - Trịnh Bá Phương
Từ Dương Nội, Trịnh Bá Phương cho biết thật sự anh và người dân Dương Nội đã có ý định khởi kiện nhà nước Việt Nam từ cuối năm 2015, sau nhiều lần chịu sự đàn áp cưỡng chế đất bất hợp pháp từ chính phủ Việt Nam.
“Trong tất cả các lần tiếp xúc với các đại sứ quán, bao gồm Anh, Úc, Mỹ, Pháp, cũng như các quốc gia dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế trong đó có cả Cao uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc sang gặp tôi 20 tháng 10 2015. Trong những lần tiếp xúc đó tôi đều mong muốn nguyện vọng các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền hỗ trợ tôi và người dân Dương Nội trong việc khởi kiện nhà nước Cộng sản ra Toà Quốc tế.”
Điều này được anh Trịnh Bá Phương thay mặt cho người dân Dương Nội bày tỏ với nhà hoạt động nhân quyền Grace Bùi, mong muốn có sự hỗ trợ pháp lý của văn phòng luật sư ICC để tiến hành thực hiện việc khởi kiện.
Khi RFA đề cập đến niềm tin của người dân Dương Nội về vụ khởi kiện bắt nguồn từ vụ án thế kỷ Trịnh Vĩnh Bình, bà Grace Bùi cho biết đó là hai sự việc hoàn toàn khác nhau.
“Ông Trịnh Vĩnh Bình nên nhớ ông ấy không phải người Việt Nam.
Đó là một điều mình phải suy nghĩ. Và hai vụ kiện hoàn toàn khác nhau.”

Không thể kiện ra Toà ICC

Tuy nhiên, mong muốn của người dân Dương Nội cũng đã được bà chuyển lời giúp đến với văn phòng luật sư quốc tế, thuộc Tòa Án Công Lý Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc ICJ.
“Sau cuộc nói chuyện đó thì tôi tìm được một luật sư, là ông Richard J. Rogers, một năm trước đã tiến hành vụ khởi kiện chính phủ Cambodia ra Toà ICC, vì Cambodia cũng có dân oan.
Tôi biết Việt Nam không phải là một thành viên của ICC do đó không thể kiện được họ. Ông ấy có nói rằng không thể kiện theo kiểu Cambodia được.
Tôi có hỏi ông ấy rằng có cách nào để người Dương Nội kiện được không? Ông ấy gửi cho tôi 1 văn bản rất dài, trong đó nói là có thể kiện được nhưng không đi thẳng qua Toà Quốc tế, phải đi vòng vòng và tốn rất nhiều tiền.
Đặc biệt ông ấy nhấn mạnh “Tốn rất nhiều chi phí” (Costs a lot of money).
Và ông ấy sẽ không làm free (miễn phí)”
Số tiền cần phải có nếu thực hiện vụ khởi kiện được ước tính khoảng $70,000 đến $80,000 US.
Tôi có hỏi ông ấy rằng có cách nào để người Dương Nội kiện được không? Ông ấy gửi cho tôi 1 văn bản rất dài, trong đó nói là có thể kiện được nhưng không đi thẳng qua Toà Quốc tế, phải đi vòng vòng và tốn rất nhiều tiền. - Bà Grace Bùi
Câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp lý dành cho Luật sư Trịnh Hữu Long, người sáng lập trang Luật Khoa Báo Chí, và ông cho biết khởi kiện nhà nước Việt Nam ra Toà Quốc tế ICC là “một sự hiểu nhầm của người dân” và khả năng thực thi hoàn toàn không có.
“ Để Toà Hình sự Quốc tế có thể thụ lý 1 vụ án từ Việt Nam thì Việt Nam phải là 1 nước thừa nhận thẩm quyền xét xử của Toà Hình sự Quốc tế.
Việc thừa nhận thẩm quyền xét xử là Việt Nam phải tham gia Công ước Rome về việc thành lập Toà án Hình sự Quốc tế.”
Giải thích rõ thêm, Luật sư Trịnh Hữu Long cho biết Công ước Rome là 1 công ước quốc tế. Những quốc gia phê chuẩn Công ước Rome là những quốc gia thừa nhận thẩm quyền xét xử của ICC và công dân của quốc gia đó mới có thể kiện chính phủ của họ ra toà ICC.
Do đó, ông khẳng định một lần nữa:
“Việt Nam hoàn toàn không phải là thành viên của Công ước Rome nên không có cách nào để công dân Việt Nam có thể kiện chính phủ Việt Nam ra Toà Hình sự Quốc tế được.”
Đó cũng là nhận xét của bà Grace Bùi.
“Đối với tôi, cơ hội không cao. Nói thật như vậy.”

Cách khác

Kể lại những lần tiếp xúc với Luật sư Richard J. Rogers về khả năng khởi kiện của người dân Dương Nội, bà Grace Bùi cho biết ông Richard không nói là “không thể”.
Câu trả lời của ông là “Có thể làm được mà có thể không”
Trong email phản hồi luật sư Richard gửi cho bà Grace, ông có nói đến vấn đề này
“Trường hợp khởi kiện của Vietnam phức tạp hơn rất nhiều vì chính phủ Việt Nam không tham gia ký kết ICC. Nhưng vẫn có những con đường pháp lý khác có thể thực hiện.
Trước đây chính tôi cũng đã tiếp xúc với dân oan Việt Nam và đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên tôi không phải là tổ chức NGO và chính vì thế tôi làm việc phải có chi phí tranh tụng.
Và họ đã không có khả năng kêu gọi quỹ hỗ trợ.”
(For Vietnam it's more complicated as it has not signed up to the ICC. But there are other legal avenues that can be explored.
I was in touch previously with Vietnamese dissidents and offered to help. However I am not an NGO and therefore require funds.  They were not able to raise the funds)
Theo Luật sư Trịnh Hữu Long, chỉ có một cách duy nhất dành dân oan Việt Nam có thể kiện nhà nước Việt Nam ra Toà Quốc tế:
“Ví dụ như có một nhà đầu tư nước ngoài nào đó đến đầu tư ở Việt Nam, trong quá trình đầu tư có tiến hành cưỡng chế đất.
Nhà đầu tư đó lại là nhà đầu tư của một nước đã phê chuẩn công ước Rome rồi, thì công dân Việt Nam có thể kiện nhà nước Việt Nam ra toà quốc tế được.
Nhưng ngay cả khi kiện cũng chưa chắc là toà án thụ lý vì toà quốc tế chỉ thụ lý những vụ đặc biệt nghiêm trọng.”
Việt Nam hoàn toàn không phải là thành viên của Công ước Rome nên không có cách nào để công dân Việt Nam có thể kiện chính phủ Việt Nam ra Toà Hình sự Quốc tế được. - LS Trịnh Hữu Long

Không bỏ cuộc

Khi được hỏi về tất cả những khó khăn trong việc khởi kiện chính phủ Việt Nam ra Toà Hình sự Quốc tế ICC, anh Trịnh Bá Phương, một lần nữa, đại diện cho người dân Dương Nội khẳng định sẽ không bỏ cuộc.
“Dân làng tôi sẽ kiện ra một toà án khác, không hẳn là toà La Haye ở Hà Lan. Thông điệp lớn nhất muốn truyền tải với truyền thông là tôi là người dân Dương Nội luôn luôn sẵn sàng ký tên để kiện nhà nước Việt Nam ra Toà Quốc tế.”
Anh Trịnh Bá Phương tin rằng cánh cửa để đưa Việt Nam ra toà quốc tế, không hẳn La Haye hoàn toàn mở rộng, vì “chúng tôi có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế và sự hỗ trợ vô cùng lớn của cộng đồng hải ngoại và người Việt khắp năm châu luôn hướng về người dân Dương Nội.”

Hậu quả Formosa: Hàng trăm hộ dân kéo đến UBND Tỉnh Hà Tĩnh khiếu nại, một người nhập viện

 J.B Nguyễn Hữu Vinh 
Theo RFA-2017-09-26  
Biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội hôm 1/5/2016.
 Biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội hôm 1/5/2016.
Ngày 22/9/2017, hàng trăm người dân thuộc Huyện Lộc Hà đã đến UBND Tỉnh Hà Tĩnh để yêu cầu giải quyết đền bù cho những thiệt hại của họ bởi thảm họa Formosa.
Những hộ dân này phần lớn là những chủ cửa hàng kinh doanh hải sản, họ đã khốn đốn khi bị thảm họa Formosa cho đến nay. Hàng trăm tấn hải sản trong kho lạnh được tích trữ từ trước đại thảm họa Formosa đã không được bán ra thị trường vì lệnh cấm. Thậm chí nếu bán cũng không có người mua trong giai đoạn vừa qua. Do vậy hàng hóa phải bảo quản quá lâu trong kho.
Hàng chục tấn hàng hóa bao gồm cá, tôm, sứa, hải sản khác như mực khô, cá cơm... tích trữ chứa trong các kho lạnh với thời gian quá lâu đã bị phân hủy và biến chất không thể sử dụng.
Những hộ dân này đối diện với việc phá sản hoàn toàn và nợ nần không lối thoát. Nhiều gia đình thiệt hại đến con số hàng chục tỷ đồng. Họ đối diện với việc các khoản vay của ngân hàng không thể hoàn trả cả gốc và lãi, bên cạnh đó, các chi phí bảo quản với thời gian gần một năm rưỡi nay như tiền điện kho lạnh, tiền kho bãi, nhân công... đang là một tai họa thúc bách các gia đình chế biến và kinh doanh hải sản. Trong khi đó, ngân hàng luôn tìm mọi cách thúc giục bà con nộp lãi vay, các cơ quan như điện lực cũng không có biện pháp nào hỗ trợ... nhiều gia đình phải vay lãi nóng để nộp lãi. Chính vì thế đời sống bà con càng điêu đứng hơn.
Nhà cầm quyền đã tự đứng ra nhận đền bù thay Formosa cho những thiệt hại người dân phải chịu bởi tội ác của Formosa đầu độc môi trường. Thế nhưng, việc đền bù hoàn toàn không thỏa đáng, nhiều người, nhiều nơi và nhiều đối tượng thiệt hại đã không được đền bù. Chưa nói đến những thiệt hại gián tiếp như các ngành kinh doanh, vận tải, du lịch, đóng tàu thuyền, máy móc hay lao động... đều bị ảnh hưởng bởi Formosa mà mất công ăn việc làm, thu nhập giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, mà cả những người bị thiệt hại trực tiếp như những hộ dân ở Lộc Hà và các tỉnh ven biển đã không được đền bù hoặc đền bù không thỏa đáng. Thậm chí việc để người dân bị đẩy vào đường cùng quẫn trước sự vô cảm và phủi tay, đồng thời bao che cho tội ác của Formosa đã là hành động vô đạo đức và vô luật pháp đẩy người dân vào chỗ bị tận diệt cả về đời sống kinh tế và sức khỏe.
Đã nhiều lần, những hộ kinh doanh này khiếu nại đòi hỏi đến nhiều nơi, từ địa phương đến trung ương nhưng tất cả đều bị "đá bóng" lòng vòng từ huyện lên Tỉnh, ra Trung ương lại quay về địa phương. Cuối cùng, họ đã không còn lối thoát, cuộc sống của họ và gia đình đã bị đẩy vào chân tường.
Những cuộc biểu tình hồi tháng tư năm nay tại Lộc Hà đã nói lên những uất ức mà người dân ở đây đang yêu cầu giải quyết. Thế nhưng từ đó đến nay, các cơ quan công quyền đã mặc xác người dân đối diện với cửa tử.
Đã nhiều lần, người dân ở đây đã kéo lên UBND Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị giải quyết những vấn đề họ nêu ra. Nhưng hầu như mọi việc không được ai quan tâm.
Thế chẳng đặng đừng, ngày 22/9/2017, hàng trăm người dân đã kéo đến UBND Tỉnh Hà Tĩnh đề yêu cầu nhà cầm quyền có hành động với đời sống và những thiệt hại do Formosa mà họ là nạn nhân bất đắc dĩ.
Đoàn người đi khiếu nại ở UBND Tỉnh Hà Tĩnh đã dựng lều và hạ trại trước cửa UBND đề nghị Tỉnh có người đến làm việc với nguyện vọng chính đáng của họ. Họ đã hạ trại và mua cơm ăn tại cổng UBND Tỉnh từ sáng đến chiều.
Nhiều trẻ em cũng đã phải bỏ học để đi cùng cha mẹ, bởi khi cha mẹ chúng bị phá sản thì việc học hành của chúng đương nhiên bị bỏ dở.
Thế nhưng, thay vì đáp ứng những nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của người dân, đồng thời là trách nhiệm của chính quyền các cấp từ cơ sở đến trung ương, thì nhà cầm quyền đã cho công an, an ninh canh giữ và hăm dọa cũng như tháo dỡ lều bạt của người dân.
Việc phá dỡ lều bạt, phá hoại tài sản của người dân đã bị người dân phản ứng và họ bị đàn áp. Hậu quả là chị Nguyễn Thị Hồng đã phải vào Bệnh viện Tp Hà Tĩnh cấp cứu.
Chiều 22/9/2017, trước tình hình sức khỏe của chị Hồng không ổn định, người nhà đã phải mời linh mục đến lo các vấn đề về tôn giáo. Sau đó, không yên tâm với việc để chị Hồng điều trị ở đây, gia đình đã phải chuyển viện ra Nghệ An điều trị cho chị.
Điều cần nói, là cho đến nay, chưa hề có bất cứ ai trong hệ thống công an, công quyền... đến thăm hỏi nạn nhân.
Những người dân nơi đây đang hết sức bức xúc trước những hành động của nhà cầm quyền và họ kiên quyết đòi hỏi quyền lợi của họ cũng như quyền sống của họ trong những ngày tới.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Hải Dương: Công an dùng vũ lực đàn áp dân phản đối ô nhiễm

RFA-2017-09-26

Người dân căng lều trước công ty Pacific Crystal để phản đối việc xả thải không đúng qui trình.

Người dân căng lều trước công ty Pacific Crystal để phản đối việc xả thải không đúng qui trình.

Đánh dân không chừa người già, hay trẻ em!

Hàng trăm công an, cảnh sát cơ động ngày 25/9 vừa qua đã dùng vũ lực để đánh đập những người dân căng lều bạt phản đối công ty dệt Pacific Crystal tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Nó dùng roi điện, dùi cui, vòi rồng phun nước. Nó làm khiếp lắm, không nể một ai, đàn bà con gái nó đánh hết. Vớ phải ai nó đập người nấy.
Đó là trình bày của một người dân xã Lai Vu về hành động trấn áp của phía cơ quan chức năng hôm 25 tháng 9 vừa qua.
Công ty TNHH Pacific Crystal hoạt động từ năm 2015 tại KCN xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Từ đó đến nay, công ty liên tục xả thải gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn khiến người dân rất bất bình.
Kể từ tháng 4 vừa qua, người dân đã dựng lều bạt trước cổng công ty để ngăn không cho hoạt động.
Chính quyền các cấp liên tục vận động người dân gỡ lều bạt cho công ty hoạt động trở lại 50% nhưng người dân không đồng tình.
Nó dùng roi điện, dùi cui, vòi rồng phun nước. Nó làm khiếp lắm, không nể một ai, đàn bà con gái nó đánh hết. Vớ phải ai nó đập người nấy.
- Người dân
Đến ngày 25/9, theo phản ánh của người dân địa phương, chính quyền đã huy động hàng trăm công an và xã hội đen tới khu người dân căng lều trại, đánh đập người dân rất tàn bạo, dã man để gỡ bỏ lều trại của họ. Một người dân nói với RFA:
Nó đánh dân làm mấy người vỡ đầu, rồi bao nhiêu người bị thương. Đòn roi lằn hết người lên. Nó đưa khoảng 700 công an về, đủ các loại. Thằng áo đen, thằng áo vàng, thằng thì kiểu quần áo bộ đội. Chúng nó làm còn ác hơn chiến tranh địch và ta đánh nhau nhiều. Trước tôi đi đánh nhau không đến nỗi như thế này.
Bây giờ nó tàn bạo, không còn bản chất của Đảng nữa rồi.
Ông cho biết thêm rằng mặc dù sự việc xảy ra gây chấn động cả một vùng nhưng phía cơ quan chức năng xã, huyện, tỉnh không có một đại diện nào tới giải quyết. Ông cũng nói là phía người dân không hề manh động trước, họ chỉ nói rằng họ không đồng ý giải tỏa. Thế là công an, cơ động đùng đùng kéo vào đánh đập họ.
Ông cho biết tình hình hiện tại:
Nó đốt hết rồi nó vơ nó chở đi hết rồi còn đâu. Cả nồi niêu, bát đĩa của dân nó ăn cắp hết còn đâu.
Khi chúng tôi hỏi rằng trước tình hình này người dân dự định làm gì trong thời gian tới, người dân này nói:
Rồi lại phải canh chứ để nó thải ra cho mà chết hết à. Bây giờ mình già mình chết còn hơn để con cháu chết dần dần.
Người dân thì nói như vậy nhưng báo Hải Dương lại đăng bài nói rằng các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân.
RFA cũng có dịp trao đổi với một người dân khác tại xã Lai Vu. Bà nói rằng bây giờ người dân đã mất hết niềm tin vào nhà cầm quyền, vì sự vô cảm, tàn ác với dân:
Lực lượng công an đàn áp dân rất dã man. Bây giờ bọn cô mất hết lòng tin. Đất nước Việt Nam bây giờ các doanh nghiệp Trung Quốc mọc tràn lan khắp đất nước. Ngoài biển Đông Trung Quốc lấn chiếm chỉ còn 75 cây số thôi. Nhân dân Việt Nam nói chung và dân Lai Vu nói riêng chắc cũng không thể trụ để giữ được đất nước nữa vì cán bộ bây giờ quá tham nhũng. Và nó quá tàn nhẫn với người dân.
Bà cho biết sự việc xảy ra hôm 25/9 cả đời bà chưa một lần được chứng kiến. Công an, cảnh sát cơ động dùng lá chắn ùa vào túi bụi khiến người dân chạy không kịp, ngã lăn lóc.
Bà nói rằng người dân rất muốn được đối thoại với chính quyền và đã từng đối thoại nhiều lần nhưng kết quả đều rất thất vọng vì chính quyền luôn bênh vực công ty:
Người ta vẫn bao biện rằng chỉ là sự cố rò rỉ nhưng thực chất công ty không có hồ xử lý hay một khu nào dù nhỏ nhất để xử lý. Khi hoạt động, nước đổ ra ngoài mương tiêu vẫn còn nóng nguyên. Nếu cố tình thả chân xuống sẽ bỏng chân. Bọn cô thử cắt cỏ cho xuống, vớt lên chín như rau luộc.
Theo bà, người dân địa phương quá thất vọng và khinh thường lực lượng công an và cơ quan chức năng vì cách hành xử của họ:
Với sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam bây giờ thi khó cứu lấy mình, mà có khi chết trong bệnh tật. Nó đàn áp đến độ dân không thể sống nổi. Khi đưa quân về đàn áp, treo biển cấm quay phim chụp ảnh, cấm tất cả báo chí truyền thông. Ai muốn quay đều phải quay trộm, một khi họ nhìn thấy họ ra bắt, giằng lấy điện thoại và đập ra.
Đây là những hành vi không đúng với bản chất công an nhân dân. Vì họ đâu bảo vệ nhân dân, mà bảo vệ một công ty nước ngoài.
Với sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam bây giờ thi khó cứu lấy mình, mà có khi chết trong bệnh tật. Nó đàn áp đến độ dân không thể sống nổi.Đây là những hành vi không đúng với bản chất công an nhân dân.
- Người dân 
Ông Trương Văn Hơn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nói với Reuters rằng công ty Pacific Crystal đã đầu tư nhiều và Bộ Môi trường đã thanh tra và cho phép công ty khắc phục sự cố và đầu tư thêm để đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Ông khẳng định rằng chính quyền sẽ đóng cửa Pacific Crystal hoàn toàn nếu công ty không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.
RFA đã liên lạc với ông Vũ Đình Tĩnh, Chủ tịch huyện Kim Thành, ông Nguyễn Văn Hán, Phó Chủ tịch huyện Kim Thành để hỏi về sự việc nhưng họ đều từ chối trả lời.
Tiếp tục liên lạc với ông Nguyễn Văn Toán, chánh văn phòng UBND huyện thì được cho biết:
Đó là do UBND tỉnh chủ trì. Mình ở dưới huyện chỉ phối hợp chứ chả liên quan gì.
Khi chúng tôi hỏi rằng khi đến giải tỏa cơ quan chức năng có gặp phải trở ngại hay mâu thuẫn gì với người dân không. Ông Toán nói:
Nhìn chung là không có gì đâu!
Ông Toán nói rằng ông không được phép trả lời, khi chúng tôi hỏi về việc công an đàn áp, đánh đập người dân.
Chúng tôi tiếp tục gọi cho ông Bùi Duy Hường, Chủ tịch UBND xã Lai Vu. Ông Hường cũng chỉ trả lời ngắn gọn rằng việc giải tỏa diễn ra suôn sẻ, không có gì đáng nói.
Chính quyền địa phương cho biết đã phạt công ty này số tiền 672 triệu đồng vào ngày 25/1/2017. Đến tháng 4/2017, công ty này chậm hoàn thiện hồ sơ nên tiếp tục bị phạt 340 triệu đồng.
Pacific Crystal là công ty vốn nước ngoài có tổng đầu tư 180 triệu đô la, liên doanh giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Holdings với tập đoàn may mặc Crystal của Hong Kong, chuyên sản xuất và cung cấp hàng cho một số công ty hàng hiệu trên thế giới, trong đó có tập đoàn bán lẻ UNIQLO của Nhật.