Thursday, April 9, 2015

TPHCM: 2 nhà hàng xóm cháy oan vì vựa phế liệu

Dân trí Một vựa phế liệu nằm trên đường Tô Ngọc Vân (quận 12, TPHCM) đã bất ngờ bốc cháy dữ dội và lan sang 2 ngôi nhà kế bên.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 15h 20’ chiều 9/4, người dân phát hiện khói lửa bùng lên tại một vựa phế liệu rộng hàng trăm m2 nằm trên đường Tô Ngọc Vân (phường Thạnh Xuân, quận 12) nên hô hoán nhau dập lửa.
Hiện trường vụ cháy.
Hiện trường vụ cháy.
 
Tuy nhiên do gió lớn và bên trong cơ sở này chứa các vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa bùng lên dữ dội rồi cháy lan sang 2 căn nhà kế bên của ông Trần Đình Tuấn và Nguyễn Văn Chung.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận 12, Gò Vấp đã huy động 12 xe chữa cháy cùng hơn 70 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Khoảng 1 giờ sau thì đám cháy được dập tắt.
Rất nhiều xe chữa cháy được điều đến hiện trường.
Rất nhiều xe chữa cháy được điều đến hiện trường.
Mái tôn nhà xưởng đổ sập.
Mái tôn nhà xưởng đổ sập.
 
Tại hiện trường, vựa phế liệu rộng cả trăm m2 bị thiêu rụi hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người trong vụ hoả hoạn. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.
Thứ Năm, 09/04/2015 - 21:00
Đình Thảo

Việt Nam giữa các đại cường

Theo BBC-9 giờ trước

Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc từ 07-10/4/2015.
BBC và các khách mời Bàn tròn Thứ Năm tọa đàm về chính sách ngoại giao của Việt Nam và các đại cường nhân chuyến thăm Trung Quốc đang diễn ra của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN, ông Nguyễn Phú Trọng.
Chương trình được phát trực tuyến từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày thứ Năm, 9/4/2015 trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ.
Trong số các khách mời là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quan sát từ Việt Nam và hải ngoại, có Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Hoa Kỳ và những người khác.
Một số vấn đề được các vị khách thảo luận liên quan mục đích, nội dung và quan hệ chính giữa các chuyến thăm Trung Quốc (đang diễn ra từ 7-10/4/4015) và Hoa Kỳ (dự kiến) của lãnh đạo Việt Nam;
Nhìn lại chính sách, chiến lược 'đa phương hóa' quan hệ với các đại cường của Việt Nam, trong đó có các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga v.v...
Xem xét trọng tâm của chiến lược này trong tương quan, tương tác giữa bang giao của các đại cường đó ở quốc tế, khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev vừa có chuyến thăm Hà Nội và tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam hôm 06/4/2015.
Các câu hỏi cũng được đặt ra liên quan tới một số chủ đề được quan tâm như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc có liên hệ ra sao tới an ninh biển đảo trên Biển Đông của Việt Nam, nhập siêu và điều được cho là hiện trạng 'lệ thuộc kinh tế' của Việt Nam vào Trung Quốc lâu nay đã được chính Quốc hội Việt Nam và các nhà quan sát đặt ra.
Đặc biệt chuyến đi này có quan hệ gì tới nhân sự, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam ở kỳ Đại hội lần thứ 12 dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2015.
Một số vấn đề khác cũng được Bàn tròn quan tâm thảo luận như thực chất con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc là gì, có tác động ra sao tới các quốc gia liên quan, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam.
Liệu các hiệp ước, khuôn khổ hợp tác, các khối đối tác khác nhau của Việt Nam có đem lại hiệu quả gì cho Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn.
Ngược lại, các cường quốc, như Nga, Mỹ, Trung Quốc..., đang có trọng tâm, chuyển hướng và động thái chiến lược gì ở khu vực, trong đó có liên quan tới Việt Nam.
Mời quý vị đón theo dõi chương trình của chúng tôi tại đây.

Việt Nam liệu đã có độc lập, tự do?


Chuyến đi của ông Trọng sang Trung Quốc diễn ra trước chuyến đi theo dự kiến của ông sang Hoa Kỳ.
Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, tôi băn khoăn Việt Nam đã thực sự độc lập, tự do hay chưa.
Ngày 30/4/1975, nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, dân tộc Việt Nam được hưởng một nền độc lập tự do hoàn toàn. Đã thắng Pháp – đệ tứ cường quốc, thắng Mỹ - cường quốc số một thế giới rồi thì còn phải sợ ai nữa?
Nhầm to! Thắng do chúng ta trực tiếp chiến đấu, nhưng không có vũ khí đạn dược, xe tăng, máy bay, tên lửa… thì đánh bằng gì? Việt Nam có tự sản xuất được những thứ ấy không? Không có viện trợ từ Trung Quốc, Liên Xô, không dựa vào họ, chúng ta không thắng được Mỹ!
Chính vì thế mà Trung Quốc chẳng ngán gì cái tay vừa đánh bại được nước giàu nhất thế giới ấy mà sẵn sàng “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Láng giềng phương Bắc sau đó đã chủ động rút quân sau khi gây tổn thất nặng nề cho Việt Nam, lẽ ra Việt Nam nên lấy đó làm bài học thực sự mới phải. Phải hiểu rằng với sức của mình hiện tại, người ta muốn đánh lúc nào thì đánh, chả ai cứu được.
Đàn anh Liên Xô khi đó cũng có kịp làm gì đâu. Đến năm 1988 ở đảo Gạc Ma cũng vậy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện đang thăm Trung Quốc, gọi là thăm nhưng thực ra là bị gọi sang một cách vội vã trước khi Việt Nam thăm Mỹ. Nó giống việc con cái phải hỏi ý kiến cha mẹ trước khi đi chơi với bạn vậy.
Nếu đã trưởng thành, có độc lập tự do thật sự thì không anh nào còn làm cái việc trẻ con ấy cả. Hóa ra Việt Nam mang tiếng là độc lập tự do (tính từ thời điểm năm 1975 thì cũng đã được 40 tuổi rồi đấy) nhưng làm gì cũng phải xin phép.
Kể cả Trung Quốc có mời sang, nhưng thời gian quá gấp cho một chuyến đi lớn như thế thì hoàn toàn có thể dời lại. Nếu đã quyết “đi chơi” với Mỹ thì cứ đi, nếu đã kiên quyết kiểu gì cũng phải thay đổi quan hệ với Mỹ thì “láng giềng thân thiết” có nói gì cũng mặc, đi về rồi tính.
Sang Trung Quốc bây giờ người ta sẽ lại ngon ngọt, vỗ về, hứa hẹn, liệu lúc đi về quyết tâm còn được bao nhiêu? Hay lại giống anh Chí Phèo định đến rạch mặt ăn vạ nhà Bá Kiến nhưng bị tay cáo già mời vào giết gà đãi rượu thấy xuôi tai rồi lại chịu làm tay sai suốt đời cho tên gian ác đó?
Không có hy vọng?
Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những cải thiện lớn trong quan hệ song phương.
Nhưng phải nói thật rằng kể cả có đi Mỹ trước, hiệu quả cũng không cao. Vì các lý do dễ thấy:
Thứ nhất: Mức độ Mỹ giúp đỡ chỉ tương ứng với mức độ Việt Nam cải cách. Nếu Việt Nam chỉ cải cách nửa vời hoặc hình thức thì các “gói cứu trợ” sẽ không đủ tác dụng. Việt Nam mà chưa thành đồng minh của Mỹ, nếu Việt Nam và Trung Quốc có xung đột Mỹ cũng không lấy làm buồn vì cộng sản anh em còn đánh nhau thì trách ai được nữa.
Nếu Việt Nam muốn Mỹ can thiệp mạnh, thì sự can thiệp ấy có thể sẽ đi quá mức, tức là có thể mất chế độ. Điều này lãnh đạo Việt Nam không cho phép xảy ra.
Lý do thứ hai: Đặt một khả năng viễn tưởng: Việt Nam thay đổi chế độ để làm đồng minh của Mỹ. Có Mỹ bảo trợ thì chắc chắn là hơn rồi. Nhưng cứ nhìn vào Đài Loan – đồng minh thực sự, đã bị Mỹ đẩy ra khỏi Liên Hợp Quốc sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc năm 1972 (chuyến thăm mà Việt Nam cũng bị ảnh hưởng) thì biết.
Trung Quốc dẫu sao cũng là nước lớn, và các nước quan hệ với nhau luôn phải đặt lợi ích lên trên hết. Khi cần thì những quân cờ nhỏ như quân tốt đều có thể hy sinh, đều có thể lấy ra để đánh đổi, để mặc cả.
Liệu Mỹ có thể mang quân hỗ trợ Việt Nam nếu có xung đột với Trung Quốc? E rằng là không. Nhưng nếu là Nhật Bản và Hàn Quốc thì có thể đấy, vì đây là 2 nước lớn và giàu có thuộc hàng nhất thế giới.
Ngoại giao cần phải khôn khéo, nhưng ngoại giao cũng chỉ hạn chế trên cái sức mạnh của quốc gia đó mà thôi. Mình có lớn mạnh thì tiếng nói của mình mới có trọng lượng, người ta mới nể mình.
Mới đây có ai đó nhắc lại tư tưởng độc lập của nhà yêu nước Phan Châu Trinh mà nhiều người thấy đúng quá:
“Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập.
Chỉ như vậy mới bảo đảm Việt Nam sẽ có một nền độc lập chân chính, lâu bền về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với ngoại bang cũng như nhân dân sẽ được hưởng độc lập và tự do cá nhân trong quan hệ với nhà nước.”
Còn cứ nghèo, cứ lạc hậu thì mãi chỉ là quân tốt trên bàn cờ của các nước lớn mà thôi. Như đã nói ở trên: Có được tự do không dễ. Nghèo thì lấy đâu ra tự do. Luôn phải dựa vào người khác thì lấy đâu ra độc lập. Tại sao một nước nhỏ xíu như Singapore vẫn có vị trí đáng nể trên trường quốc tế với sức mạnh quân sự mà không cường quốc nào dám coi thường?
Tóm lại, hai khả năng để Việt Nam không sợ Trung Quốc: Thay đổi chế độ làm đồng minh với Mỹ và Phát triển thành cường quốc kinh tế đều là những khả năng xa vời.
Ngoại giao của Đảng Cộng sản cuối cùng cũng chỉ để kéo dài sự sống của chế độ và làm chậm lại quá trình gặm nhấm Biển Đông của Trung Quốc mà thôi. Nước Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Hệ lụy xấu từ những hành xử bạo lực

Luật sư Ngô Ngọc Trai 
gửi trực tiếp cho BBCVietnamese.com
8 tháng 4 2015

Ngày 7/4, Uỷ ban tư pháp của Quốc hội họp bàn cho ý kiến về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi.
Có ý kiến cho rằng cần bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung để tránh bức cung nhục hình.
Nhưng cũng có ý kiến nói việc đó sẽ gây tốn kém kinh tế không làm được. Đại diện cho quan điểm này là Thứ trưởng Bộ công an Lê Quý Vương.

Tốn bao nhiêu?

Rất lạ là mặc dù có ý kiến khác nhau nhưng chưa hề thấy các cơ quan tính toán đưa ra con số chi tiết cho biết nếu lắp camera cho tất cả các phòng hỏi cung trên cả nước thì hết bao nhiêu tiền?
Khi chưa có phép tính thống kê thì ý kiến nói tốn kém hay không tốn kém là dựa vào đâu hay nói quàng xiên vô căn cứ.
Năm 2013 ở quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh được báo chí đưa tin rộng khắp gây bức xúc dư luận.
Sau sự việc này Công ty cổ phần Nguyễn Kim đã tài trợ lắp đặt 20.000 camera cho các nhà trẻ mẫu giáo trên cả nước.
Bài báo ‘Nguyễn Kim tài trợ 20.000 camera cho nhà trẻ’ trên báo điện tử Vietnamnet cho biết gói tài trợ hơn 30 tỷ đồng với 20.000 camera, 5.000 đường truyền dẫn, miễn phí hòa mạng, cước internet sẽ được dành tặng các nhà trẻ và mẫu giáo trên cả nước.
Theo những người thực hiện dự án này thì họ đã đi khảo sát tại nhiều nhà trẻ trường mẫu giáo và thấy rằng các bậc phụ huynh rất mong muốn lắp đặt camera để họ đảm bảo con mình được chăm sóc chu đáo.
Sự việc này cung cấp con số tham chiếu rất đáng quan tâm, không biết số phòng hỏi cung của các trại giam trên cả nước có lớn đến 20.000 không, nhưng xem ra con số 30 tỷ đồng không phải là không chi nổi đối với ngân sách.
Các cơ quan bàn luận mà không có số liệu thống kê phân tích gì cả. Nay nên tìm hiểu xem dự án của tập đoàn Nguyễn Kim đã triển khai đến đâu, có gặp khó khăn vướng mắc gì không để từ đó có cơ sở mà cân nhắc.
Vì mục đích lắp camera cho nhà trẻ cũng nhằm quan sát các hoạt động tại nhà trẻ mẫu giáo nhằm tránh sự ngược đãi bạo hành cùng giống như mục đích lắp camera trong phòng hỏi cung.

Hành xử bạo lực

Cũng theo ý kiến của người đại diện cho ngành điều tra, hôm 30/3 Ủy ban tư pháp họp cho ý kiến về đề xuất quy định vào luật quyền im lặng Thượng tướng Lê Quý Vương phát biểu.
‘Tôi vào ngành đã 30 năm và thấy băn khoăn nếu đưa vào luật quyền im lặng. Nghi can được xác định chém chết 3 người mà đưa vào công an cứ ngồi im chờ vài ngày để luật sư đến thì chả ai làm được gì’.
Băn khoăn của ông Thứ trưởng nên giải đáp thế nào? Không rõ cái cụm từ ‘chả ai làm được gì’ trong câu nói của ông có phải là cho ăn đòn và buộc khai báo không?
Ông ấy đã công tác 30 năm và với cái thực tế mà ông ấy biết về hoạt động điều tra thì chắc hẳn nó trái ngược phũ phàng với viễn cảnh của tình huống trạng thái mới.
Đó là khi nghi can được quyền im lặng nên cứ ngồi ì ra mà không ai làm được gì.
Các vụ chết người khi giam giữ đang gây bức xúc dư luận
Điều này khiến ông thấy khó hiểu nhưng xem ra đó chẳng phải là thắc mắc của riêng ông mà hẳn nhiều người cũng đặt câu hỏi Công lý ở chỗ quái nào khi cứ phải bó tay đứng nhìn một thằng vừa giết người?
Vậy chứ trong trường hợp đó lâu nay mọi người làm gì, thực thi công lý ngay và luôn à?
Đừng nói đến đánh đập nhục hình, bức cung cũng đã vi phạm pháp luật hình sự rồi. Bộ luật hình sự quy định tại Điều 299 Tội bức cung đó. Tội nhục hình ở Điều 298.
Thay vì đánh đập buộc khai báo cơ quan điều tra cần tập trung xem xét tình trạng nạn nhân và hiện trường, thu thập công cụ phương tiện phạm tội hoặc xác định nhân chứng.
Những việc đó sẽ giúp chứng minh tội phạm và như thế đâu phải là không làm được gì hay không có gì để làm.
Vấn đề giản dị thực ra rất rõ ràng nhưng lâu nay mọi người cứ làm quá đi những điều được phép.
Nên nhớ là dù cho chúng ta mong muốn tìm đến công lý nhưng tiến trình đi đến đó bị ràng buộc bởi những tiêu chí giá trị, mà nếu không tôn trọng thì toàn bộ các hoạt động sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Cứ phải lấy lời khai?

Lâu nay hoạt động điều tra thường làm một việc hao phí thời gian công sức không cần thiết đó là hoạt động lấy lời khai.
Có những vụ án phạm tội quả tang nhân chứng vật chứng rõ ràng nhưng vẫn lấy rất nhiều lời khai mà lần nào nội dung cũng giống nhau.
Năm 2014 tôi bào chữa cho một bị cáo trong vụ án ma túy bị bắt quả tang. Mặc dù 2 người bị bắt quả tang khi đang đi xe máy vận chuyển túi ba lô có nhiều bánh heroin với tang chứng vật chứng rõ ràng, nhân chứng đủ cả.
Thế mà mất tới cả năm mới đưa ra xét xử và trong thời gian đó người ta lấy hàng mấy chục lời khai.
Việc lấy lời khai như vậy là thừa thãi không cần thiết vì đã có đủ cơ sở để kết tội rồi.
Ngay như trong ý kiến băn khoăn của ông Lê Quý Vương, nếu đã xác định được hung thủ giết 3 người thì hẳn là có nhân chứng vật chứng giúp xác định việc đó, thế thì cứ dựa vào đó mà kết tội chứ còn cần gì lời khai của nó.
Việc lấy lời khai quá nhiều tưởng chừng như mẫn cán nhưng hóa ra lại đem đến hệ lụy xấu đó là lối hành xử bạo lực được di dưỡng vào đời sống dân chúng.
Điều này lâu nay không được đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng và hậu họa lâu dài mà nó gây ra. Trong khi lâu nay mọi người chỉ coi trọng làm sao xử lý được đúng người đúng tội phạm.
Mới đây tôi tham gia bào chữa một vụ án, mấy cậu thanh niên cùng ở xóm trọ có một người mất xe máy và nghi cho một người khác lấy. Người bị mất nhờ mấy người đến tra khảo thằng kia xem có lấy chiếc xe không.
Điều tôi nhận ra là cái cách mà nhóm này muốn tìm ra sự thật từ việc tra khảo người kia nó giống hệt với cung cách làm việc của cơ quan điều tra trong các vụ án có bức cung nhục hình.
Đó cùng là quy trình bắt giữ, đánh đập, buộc khai báo.
Điều tôi cũng nhận ra là lối cư xử bạo lực đâu đó trong cơ quan điều tra đã lan ra ngoài xã hội.
Phải chăng có sự bắt chước học hỏi nhau trong những hành vi bạo lực thế này?

Từ cách giáo dục trẻ em

Trong hoạt động nuôi dạy trẻ em chúng ta đã biết rằng nếu chúng ta cư xử với tình cảm bao dung và trân trọng thì nhân cách đứa trẻ sẽ phát triển tốt.
Ngược lại nếu chúng ta cư xử bạo lực với trẻ nhỏ thì lớn lên chúng cũng có thói quen hành xử bạo lực.
Trẻ nhỏ là thế và chính xác thì đối với người trưởng thành cũng thế.
Nếu một người đã trải qua thời gian bị bắt giữ điều tra và bị đánh đập thì họ đã mất đi niềm tin vào tính công chính của hoạt động điều tra xét xử.
Với thời gian giam giữ kéo dài và nỗi phẫn uất do bị bức ép đánh đập, từ đó người ta đã mắc nhiễm thói quen hành xử bạo lực.
Việc điều tra xét xử khi đó tuy rằng đúng người đúng tội đấy, nhưng cũng đã mất đi tính giáo dục phòng ngừa.
Công lý có vẻ cũng được đạt đến đấy nhưng cái giá phải trả di hại lớn về sau.
Điều đó giống như những phụ phẩm không đáng có của một cỗ máy.
Tức là khi cỗ máy tư pháp vận hành trên con đường tìm kiếm công lý thì nó đã kịp rải rắc ra những phế phẩm độc hại làm suy đồi nhân cách con người và gia tăng tính ưa bạo lực trong cộng đồng.
Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn tới thói quen hành xử bạo lực tràn lan trong xã hội hiện nay?

Tương lai sẽ ra sao?


Triết gia người Anh là ông John Stuart Mill trong cuốn sách Chính thể đại diện khi đánh giá về các mô hình chính thể độc tài và dân chủ đã nhận định:
‘Mức độ hướng tới gia tăng các phẩm chất tốt mang tính tập thể cũng như cá nhân trong cộng đồng bị cai trị là tiêu chí đánh giá cho tính ưu tú của chính thể’.
‘Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo lên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ;
Xu thế của nó là cải tiến hay làm hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho họ và thông qua họ’.
Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng chế độ hiện thời là độc tài và điều này biểu hiện ở chỗ ít lắng nghe và hay hành xử trấn áp bạo lực.
Nếu điều này là đúng thì điều đúng đắn nên làm là cần tiết giảm tính bạo quyền trong công vụ và rõ ràng nhất sâu rộng nhất là trong hoạt động tố tụng hình sự.
Các quy định về quyền im lặng, ghi âm hay ghi hình khi hỏi cung bị can, hoặc quy định việc bắt giam giữ phải do tòa án quyết định thay vì cơ quan điều tra … đều là những chế định giúp tiết giảm đi bạo quyền.
Đây là những bước đi vững chắc đem lại an ninh cá nhân và an toàn cho dân chúng, bước đi vững chắc và sâu rộng của việc dân chủ hóa đời sống xã hội.
Bằng những cư xử ôn hòa và khoan dung, chúng ta mới hy vọng trong tương lai giảm tránh đi những tầng lớp người ưa bạo lực.
Bởi lẽ trẻ em cũng như người lớn, nếu nuôi dưỡng bằng bạo lực ắt sẽ nhận lại bạo lực.
Cho nên để để đảm bảo cho một tương lai an lành, nếu việc lắp camera trong các nhà trẻ mẫu giáo được cho là cần thiết thì đó cũng chính là lý do cho sự cần thiết phải lắp camera trong các phòng hỏi cung.
Bài phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, luât sư hành nghề ở Hà Nội.

Trung Quốc gấp rút xây đảo Vành Khăn

Theo BBC-9 giờ trước


Các ảnh vệ tinh mới ra cho thấy Trung Quốc bơm cát xây dựng đáng kể đá Vành Khăn (Mischief Reef) mà cả ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền.
Hình ảnh do công ty DigitalGlobe cung cấp và được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ phân tích cho thấy các tàu Trung Quốc hối hả bơm cát lên các rạn san hô nửa chìm nửa nổi, cải tạo nơi đây thành một hòn đảo thực sự.
Chỉ trong vòng vài tuần, đá Vành Khăn đã thay đổi đáng kể, các lán trại được thay bằng nhà xây khá kiên cố.
Vệ tinh cũng chụp được hình một tàu chiến Trung Quốc, có thể là một tàu lưỡng cư có khả năng chở tới 800 lính, đang tuần tra ở phía Nam đảo Vành Khăn.
Mischief Reef được Việt Nam gọi là đá Vành Khăn do hình thù giống vành khăn đội đầu.
Tuy gần đảo Palawan của Philippines, đá Vành Khăn bị Trung Quốc xây dựng cải tạo từ những năm 1994-1995 cho dù gặp chỉ trích từ Manila.
Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản đối việc làm của Trung Quốc.

Gấp rút xây dựng

Các bức hình mà CSIS công bố cho thấy từ tháng 1/2015, Trung Quốc đã hút một lượng khổng lồ cát từ xung quanh rạn san hô để bơm lên phía trên, tạo hình đảo.
Tuần trước, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch xây đảo nhân tạo chưa từng có tiền lệ.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter, hiện đang công du châu Á lần đầu tiên từ khi lên nắm quyền, cũng đưa ra thông điệp quan ngại.
Trong một phỏng vấn dành cho báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm 8/4, ông Carter nói hành động của Trung Quốc “tăng nghiêm trọng căng thẳng và giảm cơ hội giải pháp ngoại giao".
Ông bộ trưởng cũng kêu gọi Bắc Kinh hạn chế hoạt động và "hết sức kiểm chế để cải thiện lòng tin" trong khu vực.
Trong khi các nước khác ở Đông Nam Á, như Malaysia và Việt Nam, cũng sử dụng kỹ thuật tương tự để củng cố lãnh thổ, không có nước nào có công nghệ và nguồn lực mạnh như Trung Quốc.
Ngoài đảo Vành Khăn, Trung Quốc còn đang cải tạo xây dựng sáu đảo khác trong lòng Biển Đông.
Giới phân tích cho rằng sở dĩ Bắc Kinh tiến hành công việc gấp rút như vậy là vì muốn tạo sự đã rồi để thay đổi hiện trạng.
Hai hình đảo Vành Khăn chụp ngày 24/1/2012 và 16/3/2015 cho thấy đảo này được cải tạo rất nhiều

Hải Phòng: Nghi vấn công an đá thẳng mặt học sinh rồi vào xe cố thủ


(Công lý) - Sáng nay (9/4), tại đoạn đường 353 qua địa bàn xã Quý Kim (Đồ Sơn-Hải Phòng), hàng trăm người dân đã bức xúc bao vây một chiếc xe ô tô màu đen hiệu Vios để yêu cầu người đàn ông trong xe giải thích về việc đánh một em học sinh vi phạm giao thông.


Theo đó, những người ngồi trong xe ô tô bị người dân bao vây được cho là công an mặc thường phục làm nhiệm vụ bắn tốc độ.

Trước đó, nhiều người dân hết sức bức xúc khi hai người đàn ông đuổi bắt hai học sinh vi phạm luật giao thông trên đường 353. Thông tin được biết, hai học sinh trên điều khiển xe vi phạm luật giao thông khi bị kiểm tra thì đã bỏ chạy. Những người ngồi trong xe ô tô đã lao ra chặn xe và đuổi đánh hai học sinh này.

Trong một clip được người dân ghi lại, một người đàn ông (được cho là công an mặc thường phục) đã đá thẳng vào mặt một học sinh, dẫn đến học sinh này bị thương phải đưa vào viện cấp cứu.
Sau khi đá vào mặt em học sinh, người đàn ông này chui vào xe ô tô đóng cửa cố thủ. Hàng trăm người dân chứng kiến vụ việc đã bức xúc bao vây chiếc xe yêu cầu làm rõ vụ việc. Sau đó, hàng chục công an đã đến giải vây cho chiếc xe trên. Được biết, khu vực trên thuộc quản lý của Trạm công an Cầu Rào.

Hiện Công an Hải Phòng chưa có phản hồi về thông tin trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hình ảnh  về vụ việc:


Người dân đã bao vây chiếc xe có người đàn ông cố thủ
Rất nhiều công an đến giải vây cho chiếc xe ô tô màu đen
Sau khi đá vào mặt em học sinh, người đàn ông này cố thủ trong xe


09/4/2015 13:21
Duyên Hà

Việt Nam và trò chơi địa chính trị


Ông Trọng tiếp thủ tướng Nga ngay trước khi thăm Trung Quốc và có thể sẽ thăm Hoa Kỳ trong tháng Năm
Cụ Nguyễn Khuyến, người sống hầu hết cuộc đời trong thế kỷ 19, nổi tiếng với bài thơ trào phúng ' Hội Tây' trong đó có câu 'Tham tiền cột mỡ lắm anh leo'.
Sang thế kỷ 21 với thái độ nghiêm túc hơn, Truyền hình Việt Nam vừa quyết định mở lại chương trình ' Hội nhập' sau nhiều năm gián đoạn vì theo họ "năm 2015 sẽ là năm của hội nhập vì trong năm nay Việt Nam dự định sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, với Hàn Quốc, với liên minh hải quan Nga, Kazakhstan, Belarus và đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP."
Ở tuổi 85, Đảng Cộng sản với người đứng đầu chuẩn bị bước sang tuổi 71 cũng đang đứng trước nhiều cột mỡ trong các mối quan hệ ngoại giao phức tạp và tiềm ẩn những rủi ro.

'Trò chơi địa chính trị'

Điểm qua các hoạt động ngoại giao của Việt Nam riêng trong tháng Tư người ta có thể thấy Hà Nội dường như đang có vị thế ngày càng tăng trong con mắt các cường quốc đang ve vãn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc hôm 7/4 giữa lúc hai tàu chiến Mỹ do một Đại tá người Mỹ gốc Việt chỉ huy đang ở Đà Nẵng còn Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới Hà Nội cũng trong đúng ngày chiến hạm Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa hôm 6/4.
Cùng ngày 6/4, báo chí Việt Nam và quốc tế đưa tin lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia Ấn Độ, một đồng minh của Hoa Kỳ, nói Delhi sẵn sàng đào tạo các sỹ quan tình báo, hải quân và không quân cho Việt Nam khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 3/4.
Ngay trong ngày đầu tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điện đàm với Thủ tướng Tony Abbott, một đồng minh khác của Mỹ mà ông Dũng vừa tới thăm trong tháng Ba.
Trước đó một ngày Chủ tịch Trương Tấn Sang tiếp lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sang thăm Việt Nam trong khuôn khổ Đại hội đồngLiên minh Nghị viên thế giới mà Việt Nam có vẻ tổ chức đầy tốn kém với xe đưa rước và tiệc tùng khoản đãi hiếm thấy.
Ông Trương Tấn Sang cũng còn có chuyến thăm đã lên lịch tới Nga trong tháng Năm, tháng mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ tới Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng và Washington đang xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có lợi thế với tư cách là một quốc gia nằm ở vị trí quan trọng và có ảnh hưởng trong khu vực.
Nhưng một nhà quan sát người Nga, Giáo sư Vladimir Kolotov, cũng vừa cảnh báo hôm 6/4 rằng Hà Nội chỉ là "con tốt" trong "trò chơi địa chính trị" giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cựu thù của Việt Nam.
Và Nga cũng không chỉ đứng nhìn trò chơi này của hai nước đứng hàng thứ nhất và thứ ba về xuất khẩu vũ khí, lĩnh vực Nga cũng đứng hàng thứ nhì.
Hà Nội đã nhận ba trong số sáu tàu ngầm kilo trong hợp đồng vũ khí trị giá khoảng hai tỷ đô la mà ông Nguyễn Tấn Dũng ký khi thăm Nga hồi năm 2009.
Cũng phải nói thêm Việt Nam còn mua hai chiếm hạm lớp Sigma từ Hà Lan với giá được cho là chừng 600 triệu đô la sau khi vẫn thủ tướng Việt Nam đặt vấn đề về chuyện này từ năm 2010.

Quan hệ tay tư

Điều có thể dễ dàng thấy từ chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh là sự hiện diện đông đảo các nhân vật cao cấp của Việt Nam trong đoàn tháp tùng.
Kể cả ông Trọng, đoàn có năm ủy viên Bộ Chính trị trong đó bốn người gần như chắc chắn sẽ có mặt trong dàn lãnh đạo hậu Đại hội Đảng trong năm sau.
Người Mỹ hẳn sẽ nhìn vào phái đoàn thăm Trung Quốc để xem có bao nhiêu người sẽ cùng ông Trọng tới Hoa Kỳ trong chuyến đi có thể diễn ra trong thời gian tới.
Ông Trọng sang Trung Quốc với phái đoàn hùng hậu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng thăm Hoa Kỳ và nhiều nước đồng minh nhưng chưa thăm chính thức Trung Quốc
Một điều khác cũng đáng chú ý trong bối cảnh chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là muốn ngồi vào ghế tổng bí thư trong năm sau, chưa từng thăm chính thức Trung Quốc dù đã thăm cả Hoa Kỳ và Nga trong hai nhiệm kỳ thủ tướng.
Mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh, Moscow và Washington luôn tiềm ẩn những thách thức ở các góc độ khác nhau.
Căng thẳng trên Biển Đông nơi hiện Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một góc của đảo Trường Sa sẽ luôn là cái gai trong quan hệ Việt - Trung.
Những văn bản được hai bên ký kết công khai trong chuyến đi của ông Trọng tới Trung Quốc không có văn bản nào nói cụ thể về giải pháp tháo gỡ căng thẳng trên biển và lòng tin giữa hai bên vào những gì ký kết cũng không phải khi nào cũng cao.
Ngay khi ông Trọng còn ở Trung Quốc, tờ New York Times nói Bắc Kinh vẫn tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trên đảo Trường Sa sau khi chiếm một đảo từ tay Việt Nam hồi năm 1988.
Hoa Kỳ ở các mức độ khác nhau thường đặt ra vấn đề nhân quyền thậm chí với danh sách cụ thể các 'tù nhân lương tâm' mà họ muốn chính quyền trả tự do.
Trong năm 2014 hai nhân vật có trong danh sách, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, đã được trả tự do nhưng mới đây một dân biểu Mỹ đã lại trao một danh sách khác cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Các lãnh đạo Việt Nam có vẻ vồn vã với Nga hơn cả do họ không bị ép về dân chủ, nhân quyền và cũng không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
Nhưng Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc, nước trong thập niên 80 còn được chính quyền Hà Nội công khai coi là kẻ thù nguy hiểm nhất của Việt Nam.
Và quan hệ chặt chẽ chưa từng có trong lịch sử giữa Nga, nước đang bị phương Tây cấm vận, và Trung Quốc sẽ khiến Moscow khó có phản ứng mạnh mỗi khi Hà Nội và Bắc Kinh xung khắc.
Việt Nam đã ý thức được điều này và tăng cường quan hệ với nhiều đồng minh thân cận của Hoa Kỳ trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Anh.

'Ăn xin đến bao giờ'

Nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là nội lực của chính Việt Nam trong các mối quan hệ với bên ngoài.
Mới đây một quan chức Nhật Bản đã đặt câu hỏi đến bao giờ Việt Nam sẽ không cần đến viện trợ phát triển ODA của họ nữa sau khi đã nhận chừng 20 tỷ đô la trong 20 năm qua theo blogger Nguyễn Văn Tuấn.
Blogger này còn dẫn lời ông Lê Đăng Doanh thuật lại lời của một nhà tài trợ giấu tên hỏi rằng Việt Nam "định ngửa tay ăn xin đến bao giờ" trong khi tự hào là "người thông minh, có học", có "truyền thống" cũng như "trí tuệ".
Tháng Tư này cũng đánh dấu 40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam vốn đã khiến cả triệu người bỏ nước ra đi sau đó.
Tháng Tư này đánh dấu 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam
Nhưng chính những người mà đối với họ tháng này là "tháng Tư đen" và ngày 30/4 là "ngày quốc hận" cũng đóng góp vào số 80 tỷ đô la kiều hối mà Việt Nam nhận được chỉ trong 12 năm từ 1991-2013 theo các chuyên gia trong nước.
Những Việt kiều mà đa số sống ở Hoa Kỳ và nhiều con em của họ phục vụ trong quân đội nước này sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Người chỉ huy hai chiến hạm tối tân của Hoa Kỳ đang cập cảng Đà Nẵng là Đại tá người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng.
Và điều có thể khẳng định là Việt Nam sẽ chỉ thực sự được nể trọng trong con mắt các cường quốc khi người dân Việt Nam, chứ không chỉ các quan chức, giàu có và có quyền đưa ra các quyết định quan trọng về hướng đi của đất nước trong đó có hướng đi của các mối quan hệ đa phương.
Và cũng chỉ như vậy sự hội nhập mới không như sự mô tả 'Hội Tây' của cụ Nguyễn Khuyến:

"Khen ai khéo vẽ trò vui thế, Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!"