Monday, March 26, 2018

Việt Nam tiếp tục khai thác cát: Môi trường sống bị ảnh hưởng thế nào?

Hòa Ái, phóng viên RFA 2018-03-26   
Những chiếc thuyền chở cát trên sông Hồng ở Hà Nội hôm 2/8/2017
Những chiếc thuyền chở cát trên sông Hồng ở Hà Nội hôm 2/8/2017-AFP
Tạp chí nationalgeographic.com, vào trung tuần tháng 3 đăng tải thông tin và hình ảnh về mối đe dọa từ khai thác cát đến hệ sinh thái và môi trường sống ở khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được cho là bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hậu quả do khai thác cát

Hai tác giả Vince Beiser và Sim Chi Yin đề cập đến Việt Nam như là một ví dụ điển hình trong dự án nghiên cứu của họ về khủng hoảng cát toàn cầu và tác động từ việc khai thác cát.
Bài viết của Vince Beiser và Sim Chi Yin được phổ biến trên nationalgeographic.com, vào ngày 15/03/18 ghi lại lời kể của bà Hà Thị Bé, 67 tuổi, một cư dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mô tả cảm giác bàng hoàng và sợ hãi của bà khi bất thình lình căn nhà và quán cà phê nhỏ bị cuốn phăng mất hút dưới lòng sông Tiền. Bà Bé nói rằng bà cùng người con trai đã kịp chạy ra ngoài và tất cả những gì gầy dựng được bị mất trắng trong phút chốc. Bà Bé còn nhấn mạnh nếu xảy ra vào ban đêm, thì có thể cả bà và con mình bị mất mạng.
Theo ghi nhận của Vince Beiser và Sim Chi Yin không chỉ có mỗi trường hợp của bà Hà Thị Bé, mà rất nhiều người dân sinh sống dọc bờ sông Tiền tỏ ra lo lắng vì không biết khi nào tình cảnh tương tự sẽ xảy ra cho họ. Giới chức chính quyền địa phương cho biết tình trạng sạt lở đất ở ven sông đã xảy ra từ năm 2011 cho đến nay, và nguyên nhân chủ chốt là do khai thác cát gây nên. Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long-Nguyễn Hữu Thiện từng lên tiếng với RFA:
Chuyện sạt lở xảy ra trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu đoạn phía thượng lưu của Đồng bằng sông Cửu Long: Châu Đốc, Hồng Ngự sạt lở dữ dội. Bởi vì khi khai thác cát làm dòng sông sâu đi, nước chảy xiết ở bên dưới và ăn ngầm dưới chân gọi là ‘ăn hàm ếch’. Đến lúc một khối lớn bên trên bị đổ xuống sông
-Chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện
“Chuyện sạt lở xảy ra trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu đoạn phía thượng lưu của Đồng bằng sông Cửu Long: Châu Đốc, Hồng Ngự sạt lở dữ dội. Bởi vì khi khai thác cát làm dòng sông sâu đi, nước chảy xiết ở bên dưới và ăn ngầm dưới chân gọi là ‘ăn hàm ếch’. Đến lúc một khối lớn bên trên bị đổ xuống sông.”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, tình trạng xói mòn và sạt lở xảy ra ở khắp các con sông tại Việt Nam. Một cư dân ở gần khu du lịch Rừng Gọi, sông Đồng Nai, vào tháng 4 năm 2017 cho biết tình trạng sạt lở xảy ra từ năm 2015 do khai thác cát:
“Tôi với những người dân ở đây từ năm 2000, cả chục năm cái cồn chỗ khu du lịch Rừng Gọi chưa bao giờ bị sạt, mà chỉ cách đây hai năm làm mất đi gần 3 sào đất của dân.”
Anh Trần Điển, một người dân ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nói về tình trạng sạt lở ở sông Lô:
“Ngày xưa người ta thu hoạch được bao nhiêu lúa, ngô…Việc khai thác cát sỏi này đã làm cho lở sạch từ đồi núi đến ruộng đồng, đến soi bãi lở hết, thậm chí đến nhà của người dân cũng bị lở.”
Vince Beiser và Sim Chi Yin ghi nhận các thị trấn và làng xã ở Đồng bằng Sông Cửu Long và tại nhiều con sông khác ở Việt Nam bị sạt lở do tình trạng nạo vét cát; ruộng đồng, ao cá, hàng quán, nhà cửa đều bị cuốn trôi trong những năm gần đây. Đã có ít nhất 1200 gia đình được di chuyển chổ ở và Chính phủ Việt Nam ước tính có khoảng hơn 500 ngàn người ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần phải chuyển đi khỏi vùng đất bị sạt lở.
Trong bài viết, Vince Beiser và Sim Chi Yin nêu lên một điều đáng quan tâm nữa là việc khai thác cát ở Việt Nam còn tạo ra một mối nguy hiểm, góp phần làm cho Đồng bằng Sông Cửu Long bị biến mất dần dần.
Hai tác giả đưa ra dẫn chứng trong nhiều thế kỷ, lưu vực Sông Mekong được bổ sung bởi trầm tích từ các dãy núi Trung Á chảy xuôi xuống dòng Mekong. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quốc gia trong lưu vực Sông Mekong khai thác lượng lớn cát từ lòng sông. Theo ba nhà nghiên cứu người Pháp, trong một báo cáo công bố hồi năm 2013 cho biết khoảng 50 triệu tấn cát được khai thác chỉ trong năm 2011. Trong khi đó, 5 đập thủy điện lớn được xây dựng trong những năm qua trên lưu vực sông Mekong và 12 đập khác cũng được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các đập thủy điện này làm giảm lưu lượng trầm tích xuống đồng bằng. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Marc Goichot, thì dòng chảy của trầm tích đã giảm đi một nửa, và với tỷ lệ này khiến cho gần một nửa đồng bằng lưu vực Sông Mekong sẽ bị xóa sổ vào cuối thế kỷ 21.

Vai trò quản lý của Nhà nước

2df41601-0d95-403b-aa0a-627d72fd818e.jpeg
Ảnh minh họa: Khai thác cát trên sông ở Việt Nam. RFA
Giới chuyên gia ở trong nước cũng cảnh báo môi trường sống và hệ sinh thái ở lưu vực sông bị tác hại nghiêm trọng bởi sự khai thác cát, mà họ cho là “khai thác một cách vô tội vạ”, như lời khẳng định của Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện rằng cần phải nhận thức cát là một nguồn tài nguyên quý, không phải loại vật liệu bình thường dùng để sử dụng cho xây dựng mà thôi. Các chuyên gia cho rằng việc khai thác cát không được kiểm soát tại Việt Nam là một mối nguy hiểm.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Giao Thông-Vận Tải, diễn ra trong hạ tuần tháng 3 năm 2017, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa, ông Hoàng Hồng Giang báo cáo có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông ở Việt Nam, trong đó có 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến và bên cạnh đó “cát tặc” cũng khai thác trái phép.
Truyền thông quốc nội, trong tháng 3 năm 2017, cũng liên tục đưa tin về thực trạng khai thác cát, mà theo kết luận của thanh tra Bộ Giao Thông-Vận Tải khẳng định có dấu hiệu thao túng của nhóm lợi ích. Vince Beiser và Sim Chi Yin dẫn lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình rằng việc khai thác cát trên sông bất hợp pháp vẫn tiếp diễn bởi sự buông lỏng của chính quyền địa phương, kể cả còn bảo kê cho các hoạt động khai thác cát.
Tôi cho rằng việc này nhà nước phải ngồi lại, làm sao có một đầu mối chịu trách nhiệm về tài nguyên cát này. Hiện giờ nó đang chồng chéo giữa trung ương, địa phương, giữa các bộ với nhau, giữa các ngành với nhau. Bộ giao thông vận tải vẫn có thể làm được chuyện riêng của họ, rồi bộ nào khác cũng làm nữa thì vấn đề bất cập vẫn tiếp tục diễn ra
-Tiến sĩ Dương Văn Ni
Vào tháng 7 năm ngoái, tại Hội nghị trực tuyến tìm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát sỏi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh công tác và thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong khai thác cát, sỏi trái phép tại địa phương. Mặc dù vậy, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa nhấn mạnh rằng lợi ích từ khai thác cát rất lớn cộng với sự chồng lấn trách nhiệm giữa các bên và do va chạm lợi ích nên “cát tặc” có thể đe dọa các cơ quan chức năng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng trước tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý hiện nay, Bộ Giao Thông-Vận Tải và địa phương nên thống nhất trong việc cấp phép khai thác, đảm bảo quyền lợi của các bên. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Dương Văn Ni, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ cho biết ý kiến của ông:
“Tôi cho rằng việc này nhà nước phải ngồi lại, làm sao có một đầu mối chịu trách nhiệm về tài nguyên cát này. Hiện giờ nó đang chồng chéo giữa trung ương, địa phương, giữa các bộ với nhau, giữa các ngành với nhau. Bộ giao thông vận tải vẫn có thể làm được chuyện riêng của họ, rồi bộ nào khác cũng làm nữa thì vấn đề bất cập vẫn tiếp tục diễn ra.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia trong nước nói rằng Chính phủ kể từ năm ngoái chú ý nhiều hơn đến hoạt động khai thác cát tràn lan ở Việt Nam, cũng như nỗ lực để quản lý hoạt động này một cách hiệu quả. Thế nhưng, giới chuyên gia lại cho rằng qua những đánh giá về tác động môi trường bởi khai thác cát, mà họ cảnh báo cần phải chấm dứt hoạt động này, thì các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Khách Trung Quốc tràn ngập tại Hạ Long

RFA-2018-03-26  
Du khách Trung Quốc thăm phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Du khách Trung Quốc thăm phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.Courtesy photo
Thời gian gần đây, kể từ khi xuất hiện tour du lịch 0 đồng, lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam được ghi nhận tăng một cách chóng mặt. Một trong những địa điểm du lịch có mật độ khách Trung Quốc dày đặc nhất là thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. Truyền thông cho biết có những ngày bình quân 15.000 lượt khách Trung Quốc/ ngày đến nơi đây, trong đó đến 70% vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái bằng đường bộ.
Một người dân vừa đi thăm vịnh Hạ Long tuần trước, chia sẻ với chúng tôi về tình trạng hỗn loạn, chật ních người Trung Quốc ở Hạ Long:
Thực tế đúng là đông, và nó gây ra những hệ lụy phiền toái cho ngành du lịch bởi vì khách Trung Quốc đi đến đâu cũng rất ồn ào và họ hành xử đôi khi không theo những chuẩn mực của con người văn minh, cho nên rất phiền toái. Họ ồn ào, khạc nhổ bừa bãi, nói năng thì gào tướng cả lên.
Họ ồn ào, khạc nhổ bừa bãi, nói năng thì gào tướng cả lên.
- Người dân
Vài ngày trước, báo chí loan tải một câu chuyện về một vị khách du lịch người Pháp đến thành phố Hạ Long. Cô gái Pháp cảm thấy lạ lẫm hết sức khi mà ở bất cứ nơi nào cô tới từ nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch đều là những biển hiệu tiếng Trung Quốc thay vì tiếng Việt và tiếng Anh. Cuối cùng cô gái tỏ ra hết sức bất ngờ với câu hỏi: “Lãnh thổ Việt Nam mà sao toàn thấy dân Trung Quốc?”.
Trước đó, nhiều người dân lên tiếng phản ánh tình trạng nhiều cửa hàng ở Hạ Long treo biển tiếng Trung, nhân viên nói tiếng Trung, giao dịch bằng nhân dân tệ và chỉ bán đồ cho người Trung Quốc. Sau đó đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và xử lý tình trạng này.
Khách Trung Quốc đến Việt Nam không chỉ dừng chân tại vịnh Hạ Long mà hầu như đều có mặt tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước. Tổng cục Du lịch Việt Nam năm ngoái cho biết chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm, lượng du khách Trung Hoa tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Một người dân ở Đà Nẵng bày tỏ sự e ngại về chủ quyền lãnh hải của Việt Nam khi có quá nhiều người Trung Quốc “thâm nhập” vào Việt Nam:
“Đó là chưa kể đến những người hướng dẫn viên du lịch hay những khách du lịch từ Trung Quốc qua, rất nhiều trường hợp họ đem bản đồ hình lưỡi bò của họ, bản đồ họ tự vẽ ra những biển đảo sai phạm của họ trên Biển Đông.”
Một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn đoàn thăm vịnh Hạ Long cho chúng tôi biết về những mặt trái khi khách Trung Quốc chiếm ưu thế trong ngành du lịch Việt:
"Tăng lượng khách Trung Quốc làm chất lượng đi xuống một cách thảm hại, đặc biệt là khi khách Trung Quốc tập trung vào phía biển rất nhiều như Quảng Ninh, Hạ Long, đảo Cát Bà ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Gội An, Nha Trang... Số lượng lớn người Trung Quốc ở đó đã tác động xấu, đã có tình trạng gọi là dị ứng giữa thị trường khách Trung Quốc với những thị trường truyền thống phương Tây vốn  đã mang lại rất nhiều tiền tiền cho Việt Nam. Khi mà Việt Nam mình đi theo số lượng, đưa rất nhiều người Trung Quốc vào thì đồng nghịa với việc những thị trường truyền thống phương Tây họ tẩy chay người Trung Quốc và gián tiếp tẩy chay Việt Nam.”

Thái Lan họ đã làm rồi, họ đã nói không với tour 0 đồng rồi. Tôi không hiểu vì sao cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương chưa học tập được kinh nghiệm đó.
- Nhà báo Võ Văn Tạo 
Chúng tôi nêu vấn đề này với Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh ông Trịnh Đăng Thanh, và Phó giám đốc ông Lê Minh Tân nhưng cả hai đều từ chối trả lời.
Mặc dù dư luận gần đây phản ứng mạnh mẽ trước thông tin khách Trung Quốc tràn ngập các đường phố, khu du lịch của Việt Nam, nhưng gần đây Chính phủ đã cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức thí điểm hoạt động xe du lịch tự lái Trung Quốc vào thành phố Hạ Long. Mục đích của dự án được nói là nhằm thu hút thêm lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Thời hạn thí điểm đến hết ngày 31/12 năm nay, sau đó Quảng Ninh phải báo cáo với Chính phủ.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh nói với chúng tôi về dự án này:
Sau này triển khai xong thì chúng tôi sẽ đánh giá, nhưng trên tinh thần chủ quan thì thấy rất tích cực, không có vấn đề gì cả.
Trong một lần phát biểu trước Sở Du lịch Đà Nẵng, tân Bí thư Thành ủy ông Trương Quang Nghĩa nói rằng “đang có tư tưởng ghét bỏ, sợ khách Trung Quốc. Tư tưởng như vậy là điều không đúng”. Ông còn cho rằng, không có khách nước nào dễ phục vụ như khách Trung Quốc. Vì vậy, không nên chê hay tẩy chay du khách Trung Quốc.
Nhà báo Võ Văn Tạo, ở Nha Trang, người có hàng chục năm gắn bó với ngành du lịch, đưa ra biện pháp để giảm bớt lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam nói chung và Hạ Long nói riêng đó là chấm dứt ngay hình thức tour 0 đồng:
Thái Lan họ đã làm rồi, họ đã nói không với tour 0 đồng rồi. Tôi không hiểu vì sao cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương chưa học tập được kinh nghiệm đó. Bởi vì về kinh nghiệm du lịch thì Thái Lan đi trước VN nhiều năm thì mình nên học họ.
Trong một lần trao đổi với RFA trước đây, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng từng nói có thể kiểm soát lượng khách Trung Quốc bằng cơ chế giá, tức là bỏ đi những tour giá rẻ và thay bằng giá cao hơn để giảm bớt tình trạng ông gọi là “bát nháo”. Đồng thời, ông cũng đề xuất đưa ra bộ quy tắc ứng xử cho tất cả khách du lịch.

Dân tiếp tục phản đối Đà Nẵng cho phép hai nhà máy thép ô nhiễm hoạt động thêm 6 tháng

RFA-2018-03-26   
Cổng công ty cổ phần Dana - Ý
 Cổng công ty cổ phần Dana - Ý -Courtesy of viettimes
Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Thành phố Đà Nẵng sáng 26/3 công bố quyết định cho phép hai Công ty Cổ phần thép Dana Ý và Dana Úc tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang được hoạt động trở lại thêm 6 tháng để tiếp tục sản xuất những nguyên liệu tồn kho.
Quyết định trên được ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ Tịch UBND Thành phố Đà Nẵng nói trong buổi họp với người dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 cùng hai đại diện của nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc.
Theo thông tin được trích tại buổi họp, UBND Thành phố Đà Nẵng cho phép 2 công ty trên được phép sản xuất trở lại kể từ ngày 26/3 trong vòng 6 tháng để ‘làm nốt việc’ đang giang dở và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh khi dừng hoạt động theo quy định pháp luật.
UBND Thành phố Đà Nẵng cũng cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Bảo vệ môi trường tăng cường kiểm tra giám sát môi trường tại hai nhà máy và khu vực lân cận.
Ông Hồ Kỳ Minh nói tại buổi họp rằng UBND hiện đã triển khai các phương án để người dân sản xuất lại trên đất nông nghiệp bị ảnh hưởng cũng như sớm có biện pháp xử lý môi trường và các nhà dân bị hỏng.
Sau khi thông tin hai nhà máy thép được hoạt động trở lại được công bố, người dân địa phương tiếp tục phản đối hai nhà máy thép này.
Một người dân kiến nghị đòi thành phố phải có buổi họp với toàn thể người dân và chỉ được phép cho hai nhà máy thép hoạt động trở lại nếu người dân đồng thuận.
Ngoài ra, họ cũng cho biết nhà máy vẫn nhập nguyên liệu từ bấy lâu nay bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Trong nhiều năm qua, người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đã tập trung phản đối hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc vì cho rằng môi trường sống của họ bị ô nhiễm do việc xả thải của hai công ty này. Mới đây nhất là vụ việc hàng trăm người dân xã Hòa Liên đã biểu tình phản đối trước trụ sở Công ty cổ phần Dana Ý vào ngày 26 tháng 2.
UBND Thành phố Đà Nẵng vào ngày 1 tháng 3 chính thức yêu cầu hai nhà máy thép này tạm dừng hoạt động.

Thái Bình: Khoảng 500 công nhân ngừng việc tập thể

Theo RFA-2018-03-26  
Công đoàn các KCN tỉnh Thái Bình ghi nhận ý kiến phản ánh của công nhân Cty TNHH Kỹ Thuật Điện Tử Fu Hong VN
 Công đoàn các KCN tỉnh Thái Bình ghi nhận ý kiến phản ánh của công nhân Cty TNHH Kỹ Thuật Điện Tử Fu Hong VN  laodong.vn
Ngày 26/3 tại khu công nghiệp Phúc Khánh, Thái Bình, khoảng 500 công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật điện từ Fu Hong VN (100% vốn Đài Loan, Trung Quốc) ngừng việc tập thể do định mức sản lượng cao vượt quá sức chịu đựng.
Phía công nhân cho biết, công ty liên tục ép tăng sản lượng dẫn đến công nhân không đủ sức làm việc, không chấp nhận công nhân nghỉ phép khi gia đình có công việc hay bản thân đau ốm và bị trừ lương, cắt chuyên cân khi nghỉ phép kể cả với lý do chính đáng. Ngoài ra, người lao động không được nhận hợp đồng sau khi ký kết và bị cắt tiền ăn nếu không làm việc đủ 8h. Bên cạnh đó, phòng y tế của công ty cũng chưa đảm bảo vật chất khám chữa ban đầu.
Sau khi diễn ra vụ việc trên, Liên đoàn lao động tỉnh Thái Bình, Ban Quản lý kinh tế Khu công nghiệp và Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã làm việc với lãnh đạo và công đoàn công ty để làm rõ các vấn đề mà công nhân nêu ra.
Công nhân công ty Fu Hong VN bắt đầu ngừng việc tập thể từ 23/3 với khoảng 60 công nhân nhằm phản đối chính sách của công ty, tuy nhiên do công ty không không có những giải quyết thoả đáng nên đã dẫn đến việc 500 công nhân lao động ngừng làm việc.

Nhất thể hóa tại thị xã Quảng Yên

RFA 2018-03-26  
Người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng, giữa người đứng đầu nhà nước Trần Đại Quang (trái) và đứng đầu chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Đại hội đảng lần thứ 12, đầu năm 2016.
Người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng, giữa người đứng đầu nhà nước Trần Đại Quang (trái) và đứng đầu chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Đại hội đảng lần thứ 12, đầu năm 2016.  AFP
Thị xã Quảng Yên, Tỉnh Quảng Ninh hợp nhất các bộ phận của Đảng Cộng sản và bộ máy nhà nước, trong lĩnh vực tổ chức.
Tin này được trang thông tin điện tử của tỉnh Quảng Ninh loan tải ngày 26 tháng 3, cho biết rằng Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy của tỉnh này đã ra một quyết định hợp nhất Ban Tổ Chức Thị Ủy, tức là cơ quan đảng của thị xã, và Phòng Nội vụ của thị xã, thành một cơ quan gọi là Tổ chức Nội vụ Thị xã Quảng Yên.
Theo quyết định này Trưởng Ban tổ chức thị ủy, tức là người đứng đầu cơ quan tổ chức của đảng, cũng đồng thời là Trưởng phòng nội vụ của thị xã.
Việc hợp nhất các cơ quan đảng và nhà nước tại Việt Nam, gọi là nhất thể hóa, đã được nói đến nhiều trong khoảng thời gian 2 năm qua, và tỉnh Quảng Ninh là nơi được thí nghiệm mô hình này, đầu tiên ở cấp xã.
Với sự kiện mới ở Thị xã Quảng Yên, việc hợp nhất này đang được nâng lên ở mức độ cao hơn. Cho tới nay, theo báo chí Việt Nam đã có 9 huyện của tỉnh này tiến hành việc hợp nhất cơ quan đảng và nhà nước trong lĩnh vực tổ chức.
Không nghe nói gì đến việc hợp nhất chức danh bí thư huyện ủy, thị xã ủy với chức chủ tịch huyện và chủ tịch thị xã.
Việc thí nghiệm mô hình hợp nhất này thành công ở qui mô cấp xã trong thời gian qua được cho là đã đưa người bí thư tỉnh ủy trước đây của tỉnh Quảng Ninh là ông Phạm Minh Chính cựu Bí thư tỉnh ủy vào Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban tổ chức trung ương đảng vào năm 2016.

Gần 4000 công nhân Yamani Dynasty tiếp tục đình công

Theo RFA-2018-03-26  
Công nhân tập trung tại trụ sở công ty hôm 24 và 25/3
Công nhân tập trung tại trụ sở công ty hôm 24 và 25/3  thanhnien.vn
Sáng ngày 26/3, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan chuyên sản xuất các loại túi da, ví da, dây lưng da cao cấp xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) ra thông báo chính thức liên quan đến vụ đình công tập thể từ ngày 21/3 vừa qua của gần 4000 công nhân của doanh nghiệp này. Mạng báo Lao động loan tin này cùng ngày.
Nội dung thông báo nêu lên 14 yêu sách của công nhân mà công ty đã chấp nhận giải quyết sau buổi đối thoại do Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định tổ chức giữa công ty và công nhân. Phía công ty đề nghị tất cả công nhân làm việc trở lại từ sau 10h sáng ngày 26/3, mọi kiến nghị, thắc mắc đối với công ty cần được thông qua công đoàn để công ty giải quyết. Sau thời gian nêu trên, nếu công nhân không quay trở lại làm việc, 5 ngày nghỉ việc cộng dồn trong tháng công ty sẽ tiến hành sa thải đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, công ty cho biết sẽ nhờ công an phối hợp điều tra và xử lý những trường hợp cố tình xúi giục, đe doạ không cho nhân viên vào xưởng làm việc.
Tuy nhiên, cho đến sau 10h sáng 26/3, mặc dù công ty mở cả hai cổng, nhưng công nhân vẫn tiếp tục đình công không vào làm việc.
Trước đó,gần 4000 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty bắt đầu đình công từ chiều 21/3. Tại buổi đối thoại do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức công ty đã đồng ý 9/14 yêu sách của công nhân tuy nhiên công nhân vẫn chưa đồng ý và tiếp tục ngừng việc để yêu cầu công ty giải quyết những yêu sách còn lại.

Gần 40% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khai lỗ năm 2017

Gần 40% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khai lỗ năm 2017
Theo Vietnam Finance, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) năm 2017 cho biết có tới 37.9% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khai lỗ. Đây là con số kỷ lục tính đến nay.
Cũng theo báo cáo trên, tỉ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm xuống còn 54.3%, cũng là mức thấp kỷ lục trong những năm qua. VCCI nhận định rằng trên thực tế, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp FDI đang có xu hướng nhỏ đi cả về vốn lẫn số công nhân.  Xét về vốn, các doanh nghiệp FDI có số vốn nhỏ hơn nửa tỷ là 7.9%. Xét về công nhân, số doanh nghiệp có ít hơn 5 lao động đã tăng từ 5.9% lên tới 7.4% giai đoạn 2016-2017. Mặc dù vậy, khảo sát của VCCI vẫn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài tăng vốn đầu tư năm 2017 đạt 13.2% so với năm 2016 chỉ có 11%; tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tăng từ 50% lên 60%, cao nhất kể từ năm 2011. VCCI cho rằng có sự cải thiện đáng kể của môi trường đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như tỷ lệ doanh nghiệp có số cán bộ nhà nước giám sát chỉ còn 45%, giảm 14% so với năm 2015.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan chỉ còn 53% doanh nghiệp, giảm 13,5% so với năm 2015. Tuy nhiên VCCI lưu ý tình trạng chi trả phí không chính thức vẫn còn phổ biến trong môi trường kinh doanh, điều này khiến số doanh nghiệp FDI từ các nước tây phương đến Việt Nam thấp trong thời gian qua.
Câu hỏi của một độc giả của tờ Vietnam Finance là tại sao gần 40% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khai lỗ, trong khi GDP của Việt Nam được báo cáo là tăng?
Tường Thắng / SBTN

Bộ chính trị CSVN “hoảng loạn” vì vụ Mỏ Cá Rồng Đỏ

Bộ chính trị CSVN “hoảng loạn” vì vụ Mỏ Cá Rồng Đỏ
Bộ chính trị đảng CSVN sẽ họp để quyết định nên đình chỉ vĩnh viễn hay tạm thời dự án dầu khí Cá Rồng Đỏ ở bờ biển đông nam, vốn đã cấp phép cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha.
Thông tín viên Bill Hayton của BBC bình luận trên Twitter hôm Thứ Bảy 24/03 rằng, dường như giới lãnh đạo chóp bu Hà Nội đang “thực sự hoảng loạn” dưới áp lực của Trung Cộng, buộc phải ngưng khai thác mỏ này.
Hãng tin Reuters hôm Thứ Sáu 23/03 dẫn ba nguồn tin trực tiếp nắm vững tình hình, nói rằng cuộc họp của bộ chính trị đảng cộng sản liệu chi phí hủy dự án có vượt quá chi phí để kháng cự áp lực của Trung Cộng hay không. Theo các nguồn tin này, cuộc họp đã bị hoãn vì chuyến công du nước ngoài của thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, một loạt chuyến thăm của các nguyên thủ nước ngoài tới Hà Nội, và sự việc cựu Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời.
Một nguồn tin giấu danh tính vì tình hình nhạy cảm nói với Reuters rằng, các bộ của Việt Nam đã đồng ý chấm dứt hợp đồng. Một nguồn tin từ công ty Repsol cho biết, các giám đốc cao cấp của công ty Tây Ban Nha đã thảo luận cách đáp ứng với cả hai loại áp lực, là áp lực trực tiếp từ phía Trung Cộng và áp lực gián tiếp từ phía Việt Nam. Giếng dầu Cá Rồng Đỏ là một phần của lô 07/03 trong bể Nam Côn Sơn, nằm ở 440km ngoài khơi thành phố Vũng Tàu. Lô này nằm gần “đường lưỡi bò” đánh dấu khu vực rộng lớn trên hầu hết Biển Đông mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền. Trung Cộng đã trắng trợn tuyên bố mỏ này là của họ. Giếng dầu, với kích thước trung bình và giá trị ước tính 1 tỉ Mỹ kim, được xem là một tài sản then chốt có thể giúp giảm đà suy thoái sản lượng dầu khí của Việt Nam. Nằm dưới mặt nước khoảng 350 mét, mỏ này được xem là có lợi nhuận, nếu giá dầu lên tới khoảng 60 Mỹ kim một thùng. Hiện nay giá dầu Brent có giá gần 70 Mỹ kim một thùng.
Huy Lam / SBTN

Nữ sinh sư phạm bị phụ huynh bắt quỳ và đánh đến sẩy thai

Nữ sinh sư phạm bị phụ huynh bắt quỳ và đánh đến sẩy thai
Hiện tượng phụ huynh vào trường hành hung và bắt cô giáo quỳ lại diễn ra ở Việt Nam. Lần này nạn nhân ở Nghệ An, là một nữ sinh sư phạm đang mang thai, được bác sĩ theo dõi sát suốt ba ngày qua vì nguy cơ sẩy thai.
Sự việc xảy ra vào sáng Thứ Năm 22/03, khi phụ huynh là bà Phan Thị Nghĩa tới trường mẫu giáo công lập Việt-Lào chửi bới cô giáo Phan Thị Hiên, 21 tuổi, sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Nghệ An đang thực tập tại trường. Bà Nghĩa cáo buộc cô Hiên làm bầm chân con trai bà. Mặc dù cô Hiên nói không đánh trẻ, bà Nghĩa vẫn xông tới nắm tóc cô giáo, đạp vào lưng và bụng, đấm vào mặt cô tới tấp dù nạn nhân cho biết cô đang mang bầu. Một số giáo viên đứng gần đó cố gắng can ngăn. Nhưng bà Nghĩa nói “mang bầu cũng đánh” rồi tấn công cho tới lúc nạn nhân ngã sấp. Do bị phụ huynh tấn công tới tấp, cô giáo liên tục van xin không được nên buộc phải quỳ ngay trước mặt đứa bé và nói xin lỗi. Theo tường thuật của báo mạng VnExpress, khoảng một phút sau khi phụ huynh rời đi thì cô giáo mới dám đứng dậy.
Theo lời kể của nữ sinh viên sư phạm, thì người thân của bà Nghĩa đã tới thăm cô để xin tha thứ. Tuy nhiên, cô Hiên nói sẽ để nhà chức trách giải quyết theo pháp luật. Hiện bà Nghĩa đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Công an cũng cho biết cũng sẽ điều tra xem cô giáo có đánh trẻ bầm chân hay không.
Huy Lam / SBTN

Việt Nam ngưng chiếu phim Trung Quốc vì cư dân mạng phản đối

Một cảnh trong phim “Điệp Vụ Biển Đỏ.” (Hình: Trailer phim “Operation Red Sea” trên YouTube)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trên mạng xã hội hôm 25 Tháng Ba có nhiều bình luận vụ phim “Điệp Vụ Biển Đỏ” (tên tiếng Anh là “Operation Red Sea”) của Trung Quốc được nhà phát hành CGV Cinemas Vietnam, đơn vị chiếm thị phần rạp lớn nhất ở Việt Nam, chiếu tại tất cả các cụm rạp từ 10 ngày trước.
Bộ phim của đạo diễn Lâm Siêu Hiền kể về Hải Quân Trung Quốc đánh chặn bọn khủng bố và tiến hành chiến dịch sơ tán Hoa kiều bị giam giữ ở Yemen nhưng đột nhiên có hai phút “không liên quan” là cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây “một chiếc tàu nước ngoài” và liên tục phát loa yêu cầu tàu này phải rời khỏi vùng biển “South China Sea” (Biển Đông) vì đây là “lãnh hải Trung Quốc.”
Sáng 25 Tháng Ba, CGV Cinemas Vietnam gửi đi thông cáo đến các báo xác nhận “cho ngừng chiếu phim ‘Điệp Vụ Biển Đỏ’ trên toàn quốc vì lý do vắng khách và muốn tập trung cho các tác phẩm khác.”
Trước đó, trang CGV Cinemas Vietnam trên Facebook hôm 16 Tháng Ba đăng nội dung: “Là phần hai của tác phẩm ‘Operation Mekong,’ ‘Điệp Vụ Biển Đỏ’ tiếp tục được khán giả trong và ngoài nước (Trung Quốc) đón nhận kèm theo những lời nhận xét tích cực. Con số doanh thu khổng lồ mà đoàn phim đạt được đã minh chứng cho sức hút không cưỡng được của tác phẩm hành động xuất sắc này.” Trang này cũng tiết lộ bộ phim “đã thu về $557 triệu.”
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc phát hành phim của CGV Cinemas Vietnam: “Nội dung phim ‘Điệp Vụ Biển Đỏ’ rất bình thường như các phim ngoại khác về việc giải cứu con tin. Khi xem hai phút cuối có cảnh về Biển Đông, tôi cũng có để ý trước nhưng xem kỹ thì tôi thấy rất bình thường vì Biển Đông trong cảnh này rất mơ hồ, không rõ hải phận của nước nào. Tôi nghĩ người xem nhạy cảm quá, nên suy diễn là biển của Việt Nam chứ trong phim không nói gì.”
Tờ báo cũng cho hay ông Khuất Duy Tân, trưởng phòng Phổ Biến Phim (Cục Điện Ảnh, là nơi kiểm duyệt phim nước ngoài), cho biết Cục này “chưa có bất cứ quyết định gì về việc rút bộ phim ‘Điệp Vụ Biển Đỏ’ khỏi các rạp tại Việt Nam” và “việc rút bộ phim nếu có là do quyết định từ phía CGV Vietnam.”
Thời điểm khi bộ phim nêu trên bắt đầu ra rạp, báo Zing cũng như một số báo khác đồng loạt viết theo thông cáo báo chí của CGV Cinemas Vietnam, quảng bá đây là “phim lịch sử Trung Quốc quy tụ dàn ‘soái ca’ điển trai.” Báo Zing viết: “Bộ phim được nhận định là tác phẩm tiên phong về chủ đề hải quân thời hiện đại của Trung Quốc. Hình tượng người lính Hải quân Trung Quốc được khắc họa rõ nét trong ‘Điệp Vụ Biển Đỏ.’”
Bà Nguyễn Thế Thanh, cựu tổng biên tập báo Phụ Nữ ở Sài Gòn, bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Bộ phim ‘Điệp Vụ Biển Đỏ’ đã bị dừng chiếu, nhưng sự mất cảnh giác trước âm mưu thâm hiểm và mánh lới tinh vi của kẻ xấu thì hình như vẫn chưa dừng.”
Tại Việt Nam, dù đã có quy định phim chiếu rạp phải phân loại 16 hay 18+ nhưng truyền thông ghi nhận một số bộ phim như “Fifty Shades Darker,” “John Wick 2” vẫn bị hội đồng duyệt phim của Cục Điện Ảnh “yêu cầu chỉnh sửa, dẫn đến việc ra rạp chậm hơn dự kiến.”
Lâu nay, tất cả các bộ phim trong nước sản xuất đều phải được Cục Điện Ảnh duyệt theo tiêu chí phim “có nội dung đúng với đường lối, chủ trương, chính sách” thì mới được phát hành. Do vậy, vài năm trước, một số bộ phim như “Thủ Tướng,” “Bụi Đời Chợ Lớn” đã bị cấm chiếu rạp vì không qua được “lưới kiểm duyệt,” gây sự giận dữ cho nhà sản xuất vì mất một khoản vốn đầu tư đáng kể. (T.K.)

Luật sư của ‘người yêu Quân Lực VNCH’ bị làm khó trước phiên xử

Nguyễn Viết Dũng được biết đến qua vụ treo cờ vàng ngay trước nhà mình ở Nghệ An. (Hình Facebook Nguyễn Viết Dũng)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An thông báo dự kiến mở phiên xử blogger Nguyễn Viết Dũng, tự Dũng Phi Hổ, vào sáng 28 Tháng Ba, 2018, về tội “Tuyên truyền chống nhà nước.”
Ông Dũng, 32 tuổi, được nhiều người biết đến qua hình ảnh cầm cờ vàng, mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa đi tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội và các cuộc biểu tình vì môi trường.
Hồi Tháng Chín, 2017, Công An tỉnh Nghệ An ra thông báo bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Viết Dũng sau khi mạng xã hội lan truyền tin nhà tranh đấu này bị một nhóm người mặc thường phục bắt cóc.
Hồi Tháng Mười Hai, 2015, ông Dũng từng bị tuyên 15 tháng tù vì tội “Gây rối trật tự công cộng.” Trước đó, hồi Tháng Tư, 2015, ông tuyên bố thành lập Đảng Cộng Hòa và Hội Những Người Yêu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Truyền thông Việt Nam từng ghi nhận về ông Dũng khi còn là học sinh trường Trung Học Phổ thông Bắc Yên Thành, Nghệ An, đã tham gia cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia năm 2003 – 2004 và đạt giải nhất cuộc thi tháng.
Hôm 25 Tháng Ba, Luật Sư Nguyễn Khả Thành, người bào chữa cho ông Dũng thông báo trên trang Facebook cá nhân:
“Sau khi được tòa cấp thông báo tham gia bào chữa, tôi đến xem hồ sơ chuẩn bị cho việc bào chữa. Một thẩm phán của tòa cấp tỉnh nói với tôi: ‘Chỉ được xem và dùng bút ghi chép tại tòa, không cho sao chụp.’ Một số vụ án chỉ mấy trăm bút lục, nhưng có vụ lên đến 10,000 bút lục hay còn hơn gấp mấy lần, nếu chép phải mất hết mấy tháng vẫn chưa xong. Điều 73 Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015 ghi: ‘Luật sư được quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án…’ Một hiện tượng lạ, không phải vùng sâu vùng xa tòa cấp huyện mà tại một tòa án cấp tỉnh khá lớn. Thuyết phục không được, đành kiến nghị chứ biết làm sao.”
Trong hình chụp đơn kiến nghị gửi chánh án Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An, Luật Sư Thành ghi: “Để từ chối việc sao chụp tài liệu của luật sư, thẩm phán nại ra hai văn bản được ban hành từ cách nay 14 năm là hai quyết định, một do nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải ký và một của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao.”
Trong một post khác, Luật Sư Thành viết thêm: “Thường các vụ thế này, các bị cáo bị khởi tố khung hình phạt cao, mức án đôi lúc họ đoán được, nhưng lúc ra tòa, tôi chưa thấy bị cáo nào khóc như một số vụ án vừa qua. Khi gặp chúng tôi ở trại giam hay ở tòa, tôi thì lo án cao sẽ làm họ buồn, gia đình buồn. Nhưng các bị cáo cho thấy tinh thần vẫn vững vàng và vui vẻ chấp nhận, làm mình cũng lây theo. Phải chăng đây cũng là một hạnh phúc nhỏ nhoi, trong nỗi xót xa, trên bước đường tác nghiệp.”
Trước vụ luật sư của Nguyễn Viết Dũng bị cản trở, đã có tiền lệ một số nhà tranh đấu khác cũng bị nhà cầm quyền CSVN làm khó dễ, thậm chí ngăn cản việc gia đình mời luật sư bào chữa cho họ. Gần đây nhất, nhà cầm quyền chỉ định một luật sư bào chữa cho Luật Sư Nguyễn Văn Đài, người sẽ ra tòa hôm 5 Tháng Tư tới, nhưng bà Vũ Minh Khánh, vợ ông không chấp nhận mà chỉ muốn mời ba người theo ý gia đình là các ông Hà Huy Sơn, Nguyễn Văn Miếng và Đoàn Thái Duyên Hải.
Trước đó, hồi cuối Tháng Mười Một, 2017, Luật Sư Võ An Đôn bất ngờ bị Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên cấp tốc khai trừ ngay trước khi phiên tòa phúc thẩm xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) diễn ra. Ông Đôn là người được bà Quỳnh đề nghị gia đình mời bào chữa cho bà. (T.K.)